Tâm Lý Học Đám Đông

Chương 2: Tình cảm và đạo đức của đám đông



Sau khi đã giới thiệu chung về những đặc tính tiêu biểu của đám đông, bây giờ chúng ta sẽ đi vào xem xét từng tính chất cụ thể.

Nhiều tính chất đặc biệt của đám đông như, tính bốc đồng (impulsivité), tính dễ bị kích thích (irritabilité), không thể tư duy một cách lôgic, thiếu khả năng phán quyết và đầu óc suy luận, tính thái quá của tình cảm (exagération des sentiments) và nhiều thứ khác nữa, là những biểu hiện của một thể chất đang ở giai đoạn phát triển thấp, giống như ta quan sát thấy ở dã thú hoặc trẻ nhỏ. Tôi chỉ lướt qua một chút về sự giống nhau này, bởi nếu trình bày kỹ nó sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của quyển sách. Nó cũng không cần thiết đối với tất cả những ai có hiểu biết tốt trong lĩnh vực tâm lý học về người nguyên thủy và cũng không cần thiết với những ai, không biết một chút gì về lĩnh vực đó, và thực sự không muốn tin. Bây giờ tôi sẽ lần lượt đi vào những tính chất dễ nhận thấy ở phần lớn các đám đông.

§1. Tính bốc đồng, tính dễ thay đổi, tính dễ bị kích thích của đám đông

Khi nghiên cứu những tính chất cơ bản của đám đông, chúng tôi đã nhận xét rằng, đám đông hầu như chủ yếu bị điều khiển bởi sự vô thức. Hành động của họ bị điều khiển bởi hệ thần kinh thực vật nhiều hơn là bởi não bộ. Những hành động được thực hiện xét về mặt trọn vẹn có thể là hoàn hảo, nhưng do bởi chúng không được điều khiển bởi não bộ cho nên mỗi cá nhân hành động tùy theo những kích thích ngẫu nhiên. Đám đông là quả bóng chơi bởi tất cả những kích thích từ ngoài vào, sự biến đổi không ngừng của nó đã phản ánh lên điều này. Thế cho nên đám đông chính là nô lệ của những kích động mà nó thụ nhận. Một người độc lập cũng có thể phải chịu cùng những tác động giống như đám đông, nhưng được bộ não của nó chỉ cho thấy những hậu quả bất lợi nếu phục tùng những sự kích động này nên nó đã không tuân theo. Tâm lý học giải thích điều này như sau, người độc lập có khả năng chế ngự những cảm tính của nó, đám đông thì không có khả năng như vậy.

Những loại thèm khát có dạng khác nhau mà đám đông tuân theo tùy vào mức độ kích thích của nó sẽ có thể là tàn bạo, anh dũng, hèn nhát hoặc cao quý, là những cái thường không thể nào tránh được bởi ý thức tự kiềm chế đã nhường bước cho chúng.

Do bởi những kích thích tác động vào đám đông thay đổi liên tục và họ luôn tuân theo chúng, vì thế bản thân đám đông dĩ nhiên cũng sẽ rất dễ biến đổi. Chính vì vậy ta thấy họ trong phút chốc có thể chuyển từ chỗ tàn bạo đẫm máu nhất sang anh dũng hoặc can đảm nhất. Đám đông dễ trở thành đao phủ nhưng cũng dễ trở thành kẻ tử vì đạo. Trong tim họ tràn đầy nhiệt huyết rất cần cho sự chiến thắng của mỗi một niềm tin. Người ta không cần phải quay trở lại cái thời của những anh hùng để có thể nhận ra được đám đông có khả năng gì. Không bao giờ họ mặc cả sinh mạng của mình trong một cuộc khởi nghĩa; mới chỉ vài năm cách đây không lâu, một ông tướng (tướng Boulanger) bỗng nhiên được nhân dân yêu mến, một khi ông ta đòi hỏi, dễ dàng có hàng ngàn người sẵn sàng chém giết vì sự nghiệp của ông ta.

Đám đông chẳng suy tính bất cứ cái gì. Dưới ảnh hưởng của những kích động trong giây phút họ có thể trải qua hàng loạt các trạng thái tình cảm trái ngược nhau. Nó giống như những tàn lá trước gió, chúng chao đảo mọi phương và rơi rụng. Nghiên cứu những đám đông cách mạng nào đó sẽ cho phép ta có được những ví dụ về sự biến đổi trong tình cảm của họ.

Những sự biến đổi này làm cho sự lãnh đạo họ trở nên khó khăn, đặc biệt khi nếu như một phần của công quyền nằm trong tay họ. Giả như những đòi hỏi của cuộc sống hàng ngày không phải là một dạng luật lệ vô hình đối với các tình huống, thì những chính thể dân chủ cũng sẽ không tồn tại được. Cho dù đám đông rất thèm muốn nhiều thứ, tuy nhiên họ cũng không muốn giữ chúng thật lâu. Giống như việc không có khả năng tư duy, đám đông không thể có một ý chí bền bỉ.

Đám đông không chỉ bốc đồng và hay biến đổi. Giống như những con thú hoang dã, họ không cho phép bất cứ một vật cản nào nằm giữa sự thèm muốn và việc thỏa mãn sự thèm muốn đó, và họ càng ít cho phép hơn, khi cái sự đa số của họ đảm bảo cho họ một cảm giác quyền lực không gì chống lại nổi. Đối với một người trong đám đông cái khái niệm “không có thể” hoàn toàn biến mất. Một người độc lập sẽ ý thức được rằng một mình nó không thể châm lửa đốt cháy một cung điện, không thể trấn lột các quán hàng, ngay cả trong ý nghĩ nó cũng không hề có một chút ham muốn làm những điều như vậy. Là thành viên của đám đông nó ý thức được cái quyền lực mà đám đông đã trao cho nó, và trong giây lát nó sẽ nghe theo sự kích động để rồi chém giết và cướp phá. Một vật cản vô tình nào đó sẽ bị đập tan trong giận dữ. Nếu cơ quan trong cơ thể con người liên tục tiếp nhận sự giận dữ, như thế ta có thể coi giận dữ là trạng thái bình thường của đám đông bị dồn nén.

Tính dễ bị kích thích, tính bốc đồng, và dễ thay đổi của đám đông cũng như ý thức của cả một dân tộc, những cái chúng ta cần nghiên cứu, luôn bị biến đổi bởi những tính cách chủng tộc cơ bản. Chúng tạo nên những cái nền vững chắc cho sự hình thành mọi tình cảm của chúng ta. Rõ ràng rằng đám đông dễ bị kích thích, dễ bốc đồng, tuy nhiên chúng thể hiện ở nhiều mức độ khác nhau. Ví dụ, sự khác nhau giữa giống người thuộc nhóm La tinh và giống người thuộc nhóm Anglo-Saxon quả thật rõ ràng. Những sự kiện gần đây trong lịch sử của chúng ta là bằng chứng sống động về điều này. Năm 1870, chỉ việc công bố bức điện tín tường trình về việc một vị đại sứ hình như bị sỉ nhục đã làm bùng phát một cơn tức giận là nguyên nhân trực tiếp của một cuộc chiến khủng khiếp. Một vài năm sau cũng vì một bức điện tín tố cáo một thất bại nhỏ bé tại Langson đã lại tạo nên một cơn tức giận dẫn tới việc giải tán ngay lập tức chính phủ. Cùng thời gian, sự thất bại nặng nề của đoàn quân viễn chinh Anh tại Khatum chỉ gây nên một xáo động nhỏ ở nước Anh, và chẳng có bộ nào từ chức. Ở khắp nơi đám đông đều đàn bà (ẻo lả) và đàn bà nhất là đám đông thuộc nhóm Latinh. Những ai dựa vào đám đông sẽ leo lên rất nhanh, tuy nhiên họ lúc nào cũng như kẻ đứng bên bờ vực trên núi Tarpeji, với một điều chắc chắn rằng một ngày nào đó sẽ bị rơi xuống dưới.

§2. Tính dễ bị tác động và tính nhẹ dạ của đám đông

Một trong những đặc tính của đám đông đó là tính đặc biệt dễ bị tác động và chúng tôi cũng chứng minh rằng tính chất này lây lan rất mạnh ở mọi chỗ có đông người tụ tập; nguyên nhân của nó được giải thích bởi sự định hướng cực nhanh của tâm tư tình cảm theo một chiều nào đó. Ngay cả lúc người ta tưởng rằng giữa đám đông không hề có một thứ liên kết nào, thường cũng là lúc nó đang ở trong tình trạng căng thẳng chờ đợi, thuận lợi cho việc tiếp nhận một tác động nào đó vào nó. Tác động cụ thể đầu tiên sẽ được thông báo đến tất cả các bộ não qua đường lây nhiễm và xác định lập tức hướng tình cảm của đám đông. Trong nội tâm của những người bị tác động xuất hiện một sự thúc dục phải biến nhanh ý tưởng thành hành động. Bất kể mục đích hành động là gì, hoặc thiêu hủy một lâu đài, hoặc hy sinh chính bản thân mình, đám đông cũng sẵn sàng một cách dễ dàng. Tất cả phụ thuộc vào kiểu kích thích, không còn như trong trường hợp của một người độc lập – tùy thuộc vào những mối quan hệ giữa hành động bị thúc ép và chuẩn mực của lý trí nó có thể cưỡng lại việc thực thi hành động đó. Đám đông, luôn bị lạc trong các ranh giới của sự vô thức, luôn ngả theo mọi ảnh hưởng, bị những tình cảm mãnh liệt của họ kích thích, tình cảm mức độ này là đặc tính của tất cả sinh vật không có khả năng sử dụng lý trí, miễn dịch với tất cả các kiểu phê phán, phải có một sự cả tin quá mức bình thường. Chẳng có gì đối với nó là không có thể, và người ta không được phép quên điều này, nếu như muồn hiểu, vì sao các huyền thoại và những câu chuyện vô lý nhất lại có thể dễ hình thành và lan truyền đến như vậy[3].

Sự xuất hiện các huyền thoại dễ lan truyền trong đám đông không chỉ hoàn toàn do sự cả tin mà còn do sự bóp méo khủng khiếp các sự kiện trong trí tưởng tượng của đám người tụ tập lại với nhau. Một sự kiện đơn giản, đám đông chợt nhìn thấy, lập tức sẽ trở thành một sự kiện bị bóp méo. Đám đông tư duy bằng các hình ảnh, và khi một hình ảnh hiện lên sẽ kéo theo một chuỗi các hình ảnh khác, không hề có một mối liên hệ logic với hình ảnh đầu tiên. Chúng ta dễ dàng hiểu ra trạng thái này, một khi chúng ta ngẫm nghĩ xem chuỗi các liên tưởng đặc biệt nào lúc đó đã tạo nên một ấn tượng trong ta. Lý trí chỉ cho thấy sự không mạch lạc của những hình ảnh đó, nhưng đám đông không để ý đến điều này và đã trộn thêm gia giảm có được từ những tưởng tượng méo mó của họ vào trong sự kiện. Đám đông không có khả năng phân biệt được giữa cái chủ quan và cái khách quan. Nó luôn coi những hình ảnh xuất hiện trong tâm thức của nó, thường chẳng giống gì với thực tại quan sát được, là sự thực.

Những sự bóp méo một sự kiện bởi đám đông mà chính nó là người chứng kiến có vẻ như rất nhiều và với các dạng khác nhau, bởi những con người trong đám đông đó họ có những tính khí rất khác nhau. Thế nhưng không phải như vậy. Tất cả những sự bóp méo bởi các thành viên riêng lẻ của một tập thể do lây nhiễm đều trở nên giống nhau về kiểu cách và bản chất. Sự bóp méo đầu tiên bởi một thành viên nào đó sẽ là hạt nhân của tác động lây nhiễm. Trước khi thánh Georg hiển linh trên tường thành Jerusalem trước mặt đoàn quân thập tự chinh, chắc chắn ban đầu chỉ có một người trong số họ nhận ra ông ta. Qua tác động và lây nhiễm, điều nhiệm màu được loan truyền và tất cả mọi người đều tiếp nhận.

Quá trình hình thành các ảo giác đã xảy ra như vậy, chúng có mặt thường xuyên trong lịch sử và dường như có tất cả những đặc điểm cổ điển của tính xác thực, bởi vì nó là những hiện tượng được chứng nhận bởi hàng ngàn con người.

Năng lực tinh thần của từng con người trong đám đông không hề mâu thuẫn với nguyên lý cơ bản này. Bởi vì những năng lực đó chẳng có ý nghĩa gì. Trong khoảnh khắc, khi mà họ trở thành thành viên của đám đông thì người có học cũng như người không có học đều mất đi khả năng quan sát.

Lập luận này nghe chừng có vẻ vô lý. Để chứng minh nó, người ta phải lục lại rất nhiều những hiện tượng lịch sử và như thế không biết bao nhiêu tập sách cho đủ.

Bởi vì tôi không muốn để độc giả phải hứng chịu cái ấn tượng về những lập luận không được chứng minh, cho nên tôi sẽ cung cấp một số ví dụ mà tôi may mắn tìm ra được trong vô số các tài liệu mà người ta có thể trích dẫn.

Các thí dụ về những ảo giác tập thể

Trường hợp sau đây được chọn bởi vì nó rất đặc trưng cho hiện tượng ảo giác tập thể. Nó tác động vào một đám đông gồm nhiều thành phần khác nhau, người có học và người không có học. Trung úy hải quân Julien Felix đã ghi lại những gì xảy ra bên lề cuốn tường trình của ông ta về các dòng hải lưu và điều này cũng đã được đăng lại trong “Revue Scientifique”.

Khu trục hạm “La Belle-Poule” đang tiến hành tìm kiếm tàu hộ tống “Le Berceau” bị lạc sau một cơn bão biển lớn. Lúc đó trời quang mây tạnh. Bỗng nhiên một thuyền viên báo động có tàu gặp nạn. Tất cả thủy thủ đoàn hướng mắt về phía được chỉ, từ thuyền viên đến sĩ quan trên tàu ai cũng đều trông thấy rõ ràng một xác tàu đầy ắp người gặp nạn đang được những chiếc bè kéo đi và trên đó có những cờ hiệu cấp cứu đang vẫy vẫy. Đô đốc Desfossés liền ra lệnh thả xuồng tiến về phía xác tàu để cứu những người bị nạn. Trên đường tiếp cận, tất cả thủy thủ và sĩ quan trên xuồng ai cũng đều nhìn thấy “rất nhiều người đang chuyển động hỗn loạn, nhiều bàn tay vẫy vẫy, và nghe thấy vố số những âm thanh yếu ớt khó hiểu”. Khi tới nơi họ chẳng thấy gì ngoài những thân cây với những cành lá trôi dạt đến từ một bờ biển gần đó. Ảo giác đã biến mất trước một bằng chứng hiển nhiên.

Thí dụ trên cho thấy một cách rõ ràng quá trình hình thành ảo giác tập thể, như chúng tôi đã miêu tả. Một mặt đám đông đang ở trong trạng thái chú ý căng thẳng; mặt khác là sự kích hoạt xuất phát từ người lính gác khi anh ta báo động có tàu bị nạn, một sự kích hoạt qua lây nhiễm đã tác động đến tất cả những người có mặt, từ sĩ quan đến thủy thủ.

Một đám đông không nhất thiết phải có thật nhiều người mới có thể mất đi khả năng nhìn đúng sự vật và thay thế những cái thực bằng những ảo ảnh. Sự tụ họp chỉ vài ba người riêng rẽ cũng tạo nên đám đông; ngay cả những nhà thông thái, tất cả đều có những đặc tính đám đông đối với những sự việc nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn của họ.

Nhà tâm lý học sắc sảo Davey cung cấp cho chúng ta một thí dụ kỳ lạ cho trường hợp trên, nó cũng đã được thuật lại trong “Annales des Sciences psychiques” vì vậy cũng đáng được trình bày tại đây. Davey tiến hành tổ chức một cuộc họp mặt các nhà quan sát xuất sắc, trong số đó có nhà nghiên cứu người Anh nổi tiếng Wallace. Sau khi cho mọi người xem kỹ các đồ vật và để họ tùy ý niêm phong chúng lại, ông trình diễn lại các hiện tượng cổ điển về duy linh học như: Hiển thị hồn ma, ghi lại lời hồn ma lên bảng đá v.v… Sau khi nhận được bản nhận xét của những nhà quan sát có uy tín trên về buổi trình diễn, trong đó nói rằng các hiện tượng mà họ quan sát thấy chỉ có thể là những hiện tượng siêu tự nhiên, ông ta đã tiết lộ cho họ biết đó chỉ là những thủ thuật đơn giản. “Điều ngạc nhiên ở trong thí nghiệm này của Davey”, tác giả bài tường thuật viết, “không nằm ở sự thán phục nghệ thuật trình diễn, mà ở sự đặc biệt ngớ ngẩn của bản tường thuật viết bởi những người không quen việc làm chứng. Bởi vì các các nhân chứng đã thuật lại nhiều điều chính xác nhưng thực ra hoàn toàn sai, thế nhưng nếu người ta coi những điều thuật lại của họ là hoàn toàn đúng, thì những gì được thuật lại đó sẽ đưa đến kết quả là các hiện tượng được miêu tả không thể nào giải thích được rằng đó là sự đánh lừa. Các phương pháp do Davey nghĩ ra hoàn toàn đơn giản, người ta ngạc nhiên về sự thản nhiên của ông khi tiến hành chúng, tuy nhiên ông ta phải còn có một sức mạnh chế ngự tinh thần của đám đông như thế nào đó để có thể cưỡng bức họ dường như phải nhìn thấy cái mà thực ra họ không hề thấy.” Sức mạnh này các nhà thôi miên ai cũng có khi họ vận vào người bị thôi miên. Khi ta thấy sức mạnh đó tác động vào những cái đầu sáng suốt và không cả tin như thế nào, thì ta sẽ hiểu việc đánh lừa các đám đông của những con người bình thường cũng rất dễ dàng ra sao.

Lời chứng của phụ nữ và trẻ nhỏ

Có rất nhiều thí dụ tương tự không kể hết. Cách đây vài năm báo chí có đăng một câu chuyện về hai em gái nhỏ bị chết đuối được vớt lên từ sông Sein. Hàng chục người đã nhận ra tông tích hai em bằng những khẳng định chắc chắn nhất. Trước những lời chứng khớp nhau như vậy, chút ít nghi ngờ còn lại của cơ quan điều tra đã hoàn toàn biến mất và họ đã làm giấy chứng tử. Thế nhưng trong lúc chuyển các thi hài đi làm lễ chôn cất thì tình cờ người ta phát hiện ra người có căn cước như hai nạn nhân trên vẫn đang sống và có hình thức bên ngoài chẳng khác gì hai nạn nhân nhỏ bé kia (ở đây dịch hoàn toàn sai, phải là, “chẳng có chỗ nào giống” mới đúng). Như trong nhiều thí dụ đã trình bày sự quả quyết của nhân chứng đầu tiên, nạn nhân của ảo giác, đủ để có ảnh hưởng đến tất cả các nhân chứng khác.

Trong những trường hợp như vậy, xuất phát điểm của sự ảnh hưởng luôn là ảo giác được hình thành nên qua hồi tưởng, có mức độ chính xác nhiều ít khác nhau của từng nhân chứng và ngoài ra là sự lây nhiễm của thông tin sai lệch đầu tiên. Nếu nhân chứng đầu tiên là người nhạy cảm, thường chỉ cần một đặc điểm, không kể tất cả những điểm thực sự giống nhau khác, của nạn nhân mà anh ta nghĩ rằng mình biết là ai, ví dụ một vết sẹo, một đặc điểm nào đó trên quần áo, cũng đủ để gợi cho anh ta hình ảnh của một người khác. Hình ảnh tưởng tượng lúc này có thể trở nên một kiểu hạt nhân của sự kết tinh, nó lan rộng vào lĩnh vực lý trí và làm tê liệt tất cả óc xét đoán. Người quan sát lúc này không còn nhìn thấy bản thân sự vật mà chỉ thấy cái hình ảnh xuất hiện trong tâm hồn anh ta. Bằng cách giải thích như vậy cho trường hợp, xảy ra cũng khá lâu, về một người mẹ dường như nhận ra xác chết của con mình, như sẽ trình bày sau đây, đã làm sáng tỏ hai hình thức tác động, mà quá trình hình thành nên chúng, tôi cũng đã đề cập đến.

“Đứa trẻ được một đứa trẻ khác nhận ra – nó đã nhầm. Một chuỗi những sự nhận diện sai lầm bắt đầu hình thành. Và điều khó hiểu đã xảy ra. Đúng cái ngày cái xác chết được một trẻ khác nhận ra, người đàn bà đã khóc thét: “Giời ơi, con tôi ơi!”. Người ta đưa bà tới bên xác chết, bà ta xem kỹ áo quần và vết sẹo trên trán xác chết đó rồi nói: “Đúng rồi, đây là thằng con đáng thương của tôi bị mất tích từ cuối tháng bảy. Có kẻ đã bắt cóc nó và đem đi giết”. Bà ta là quản gia ở phố Rue de Four và tên là Chavandret. Người ta cũng đã đưa em rể của bà đến nơi xác chết và người này cũng quả quyết một cách không do dự: “đây là thằng nhỏ Philibert.” Nhiều dân cư của khu phố, ngay cả thầy giáo của đứa trẻ với bằng chứng chắc chắn là chiếc phù hiệu trường học, đều cho rằng cái xác đó là con của nhà Villette Philibert Chavandret. Thế là: hàng xóm, em rể, thầy giáo và cả bà mẹ nữa đều đã nhầm. Sáu tuần sau gốc tích của xác chết được xác định. Đó là một đứa trẻ vùng Bordeaux, bị giết ở đó và xác của nó được gửi qua bưu điện đến Paris[4].

Chúng ta lại có thể khẳng định rằng, cái “nhận ra” này thường xảy ra ở phần lớn đàn bà và con trẻ, là những thành phần dễ xúc động nhất. Đồng thời nó cũng nói lên một điều là những nhân chứng như vậy rất ít có giá trị trước tòa. Đăc biệt những lời khai từ miệng trẻ con không bao giờ nên quan tâm tới. Các quan tòa luôn lặp đi lặp lại, ở tuổi đó người ta không biết nói dối; đó là một câu nói vô vị. Nếu như họ được học về tâm lý học sâu hơn một chút họ sẽ hiểu rằng: hoàn toàn ngược lại, trong lứa tuổi đó người ta thường xuyên nói dối. Dĩ nhiên là sự nói dối chẳng tác hại gì, nhưng dù sao nó cũng là nói dối. Việc tuyên án một kẻ có tội có lẽ làm theo kiểu tung đồng xu xem ra lại còn xác đáng hơn là kiểu dựa vào những chứng cứ của trẻ con như vẫn thường xảy ra.

Tạo nên những truyền thuyết

Quay trở lại những quan sát được đám đông tiến hành, chúng ta kết luận như sau, những quan sát tập thể đều thuộc vào loại có nhiều sai lầm nhất, và phần lớn, nó đơn giản chỉ là ảo giác của một cá nhân, qua lây nhiễm đã tác động đến tất cả những người khác. Vô số các trường hợp đã chỉ ra rằng người ta phải rất cảnh giác với năng lực làm chứng của đám đông. Hàng nghìn con người đã chứng kiến trận đánh nổi tiếng của kỵ binh tại Sedan, nhưng thật không thể nào biết được chính xác ai là người chỉ huy trận đánh này từ những tường thuật trái ngược nhau của các nhân chứng. Viên tướng người Anh Wolseley đã chứng minh trong quyển sách mới đây của ông ta rằng, cho đến nay những sự kiện quan trọng nhất trong trong trận Waterloo đã bị xác định một cách nhầm lẫn rất nhiều, mặc dù có hàng trăm nhân chứng chứng nhận những sự kiện đó.[5]

Tất cả những ví dụ trên cho thấy, tôi nhắc lại, năng lực làm chứng của đám đông có ít giá trị như thế nào. Các sách giáo khoa về logic học xếp sự trùng hợp của một số đông nhân chứng thuộc vào loại bằng chứng chắc chắn nhất, có thể dùng để khẳng định một sự kiện. Nhưng những gì chúng ta biết được từ tâm lý học đám đông đã chỉ cho thấy, đám đông về điểm này đã rất nhầm lẫn như thế nào. Những sự kiện quan sát được bởi một số đông người chắc chắn sẽ là những sự kiện đáng nghi ngờ nhất. Để giải thích rằng một sự kiện xảy ra đúng như vậy vì đã có đồng thời hàng nghìn con người xác nhận, có nghĩa là giải thích rằng, cái thực của sự kiện đó nhìn chung rất khác biệt với những tường thuật được cung cấp.

Từ trên đây ta rút ra một điều rõ ràng rằng, những tác phẩm lịch sử nên được coi là sản phẩm của sự hư cấu thuần túy. Đó là những bài viết tưởng tượng về những sự kiện được quan sát tồi, thêm vào đó là những giải thích được nhào nặn về sau này. Nếu như quá khứ không để lại cho chúng ta những tượng đài kỷ niệm, những tác phẩm nghệ thuật và kiến trúc, thì có lẽ chúng ta không hề biết thực ra nó như thế nào. Liệu chúng ta có biết, dù chỉ một câu thực sự về cuộc đời của những con người vĩ đại đã từng đóng một vai trò to lớn trong lịch sử loài người? Nhiều khả năng là không. Xét cho cùng thì chúng ta rất ít quan tâm đến cuộc đời thực của những vị như thế. Chỉ những anh hùng trong truyền thuyết, chứ không phải những anh hùng trong đời thực đã làm nên ấn tượng trong đám đông.

Tiếc rằng các truyền thuyết tự nó không tồn tại lâu dài. Trí tưởng tượng của con người sẽ nhào nặn nó tùy theo thời đại và chủng tộc. Từ đức Jehova tàn bạo trong kinh thánh cho đến đức chúa trời đầy tình thương của thánh Therese là cả một bước lớn, và Đức Phật được kính trọng ở Trung quốc với Đức Phật được yêu mến ở Ấn độ chẳng có chút gì giống nhau.

Không cần phải có đến cả một thế kỷ mới đủ để cho các anh hùng truyền thuyết trong trí tưởng tượng của đám đông biến đổi; sự biến đổi này thường xảy ra chỉ trong một vài năm. Chúng ta, trong những tháng ngày của cuộc đời cũng đã từng chứng kiến truyền thuyết về một trong những anh hùng vĩ đại nhất của lịch sử, chỉ trong vòng chưa đầy năm mươi năm đã thay đổi nhiều lần. Dưới thời Bourbon, Napoleon là một nhân vật bình dị, dễ gần và cởi mở, là người bạn của dân nghèo, những người như một nhà thơ đã nói, sẽ mãi mãi giữ những kỷ niệm về ông ta trong những túp lều tồi tàn của mình. Ba mươi năm sau đó người anh hùng đáng mến đã trở thành một tên bạo chúa, một tên tiếm quyền, cướp đoạt tự do, một kẻ đã hy sinh mạng sống của ba triệu sinh linh chỉ để thỏa mãn tham vọng của mình. Nhiều thế kỷ tới, những nhà nghiên cứu trong tương lai nào đó, khi thấy những tường thuật trái ngược nhau về cùng một con người, có thể họ sẽ phải hoài nghi về cuộc đời của vị anh hùng này, như chúng ta thỉnh thoảng đã hoài nghi về cuộc đời của Phật, và sau đó chúng ta chỉ thấy từ ông một huyền thoại chói ngời hoặc một sự tiếp nối của truyện dân gian về người anh hùng Hercules. Rõ ràng họ sẽ không vướng mắc nhiều với nỗi hoài nghi đó, bởi vì họ có kiến thức về tâm lý học tốt hơn chúng ta ngày nay, cho nên họ sẽ biết ngay rằng lịch sử chỉ muốn lưu danh những huyền thoại.

§3. Tính thái quá (exagération) và tính phiến diện (simplisme) của tình cảm đám đông

Tất cả các tình cảm tốt và xấu mà đám đông thể hiện ra có hai đặc điểm chính; chúng rất đơn giản và rất thái quá. Cũng như trong nhiều trường hợp khác, trong mối liên quan này, thành viên của đám đông sẽ trở nên gần với những sinh thể nguyên thủy. Ở đó không tồn tại các mức độ tình cảm, anh ta nhìn sự vật một cách thô thiển, và không hề biết đến các thang bậc chuyển tiếp. Sự thái quá của tình cảm càng trở nên mạnh mẽ bởi nó lan truyền rất nhanh do sự kích hoạt và lây nhiễm và do sự thán phục mà nó nhận được đã làm gia tăng một cách đáng kể mức độ căng thẳng của nó.

Tính phiến diện và thái quá của tình cảm đám đông đã bảo vệ nó tránh khỏi nghi ngờ và lưỡng lự. Giống như ở phụ nữ, nó lập tức có thể đi đến hết tầm của sự việc. Từ một sự việc rõ ràng là đáng nghi tức khắc trở thành điều chắc chắn không thể lay chuyển. Một mầm mống nhỏ của ác cảm và dè bỉu trong mình, là người độc lập nó sẽ cho qua, là thành viên của đám đông lập tức chúng lớn nhanh thành nỗi căm thù man dại.

Sự dữ dội trong tình cảm đám đông, được hợp lại đặc biệt từ những con người khác biệt, sẽ gia tăng mạnh mẽ bởi do thiếu vắng bất kỳ một sự chịu trách nhiệm nào. Việc chắc chắn không bị trừng phạt, là cái gia tăng với độ lớn của đám đông, và ý thức về bạo lực có ý nghĩa trong giây lát quyết định bởi đám đông, đã đem lại cho tất cả mọi người những tình cảm và hành động mà một người độc lập khó có thể có được. Hòa lẫn trong đám đông, những kẻ ngu muội, những kẻ vô học và ganh ghét đã mất đi cái cảm giác vô tích sự và bất lực của họ; thay thế vào đó là ý thức về một sức mạnh thô bạo, không bền bỉ nhưng cực kỳ mạnh mẽ.

Thật đáng buồn vì sự thái quá của những tình cảm xấu trong đám đông đã khơi dậy những tàn dư của bản năng, kế thừa từ người nguyên thủy, những cái mà một người độc lập và có trách nhiệm do lo sợ bị trừng phạt sẽ kìm nén lại. Điều này tự nó giải thích vì sao đám đông có xu hướng bạo loạn nghiêm trọng.

Nếu một khi đám đông được tác động một cách khéo léo, nó có thể rất anh dũng và sẵn sàng hy sinh. Mức độ của nó có khi còn cao hơn nhiều lần so với một cá nhân độc lập. Sắp tới chúng ta sẽ có dịp quay lại điểm này khi nghiên cứu về tính đạo đức của đám đông.

Do đám đông chỉ bị kích động bởi những cảm nhận thái quá, cho nên người diễn thuyết, nếu muốn lôi cuốn được họ phải sử dụng những cách diễn đạt mạnh mẽ. Những cái thường thấy ở một nhà diễn thuyết trong các cuộc hội họp của dân chúng là, phản đối ầm ĩ, quả quyết nọ kia, lặp đi lặp lại, nhưng tuyệt đối không bao giờ ông ta tự cho phép mình được nêu ra một bằng chứng nào.

Cũng chính sự thái quá trong tình cảm này là cái đám đông đòi hỏi ở những người anh hùng của họ. Những tính cách và đạo đức tuyệt vời của những người anh hùng phải luôn luôn được khuếch đại. Trong nhà hát, đám đông đòi hỏi người anh hùng của một bi kịch phải dũng cảm, khôn ngoan và đạo đức, những điều trong đời sống thực chẳng bao giờ có được như vậy.

Người ta có lý khi nói về cái vẻ ngoài đặc biệt của nghệ thuật sân khấu. Rõ ràng rằng nó tồn tại, nhưng các quy luật của nó chẳng hề có liên quan gì đến lý trí lành mạnh của con người và với logic học. Nghệ thuật nói trước đám đông, không có gì ghê gớm, nhưng đòi hỏi phải có một khả năng đặc biệt. Trong khi đọc một kịch bản nào đó người ta thường khó đánh giá đúng mức độ thành công của nó. Nhìn chung bản thân các giám đốc nhà hát đều rất không chắc chắn về sự thành công của vở kịch khi người ta đưa cho họ xem kịch bản, bởi để có thể đánh giá được, họ phải tự biến thành một đám đông. Nếu chúng ta có thể xem xét kỹ lưỡng từng chi tiết, chúng ta còn có thể chỉ còn ra những ảnh hưởng quan trọng của chủng tộc một cách dễ dàng. Màn bi kịch làm say sưa một đám đông của một vùng nào đó, thường lại không thành công hoặc thành công rất hạn chế ở một vùng khác, bởi nó không đủ sức để lôi cuốn đám khán giả mới[6].

Tôi không cần phải đặc biệt nhấn mạnh rằng, sự thái quá của đám đông chỉ diễn ra trong tình cảm và không hề diễn ra trong lý trí. Sự thực, con người chỉ cần là thành viên của đám đông, như tôi đã từng chỉ, cũng đã là một sự suy giảm đáng kể năng lực lý trí của nó. Trong các công trình nghiên cứu về tội ác của đám đông, Tarde cũng đã xác định như vậy.

§4. Tính không khoan dung, tính độc đoán và tính bảo thủ của đám đông

Đám đông chỉ biết đến những tình cảm đơn giản và thái quá. Các ý kiến, tư tưởng, giáo lý truyền bá vào nó được nhanh chóng tiếp nhận một cách hoặc nguyên kiện không cần xem xét, hoặc bị nó vứt bỏ tất cả, cũng như được coi là tuyệt đối đúng hoặc tuyệt đối sai. Đối với đức tin cũng vậy, con đường tiếp nhận của nó thường không qua sự suy xét. Hẳn ai cũng biết những giáo lý tôn giáo thiếu tính khoan dung như thế nào và sự ngự trị của nó đối với tâm hồn ra sao.

Bởi đám đông không hề có chút nghi ngờ đối với những gì một khi họ đã coi đó là sự thật hoặc giả dối, mặt khác họ lại rất ý thức được sức mạnh của mình, cho nên nó rất tùy tiện và không khoan dung. Một con người độc lập có thể sẽ chấp nhận sự đối kháng và tranh cãi, nhưng đám đông không bao giờ cho phép như vậy. Trong các cuộc hội họp công cộng, chỉ một chút trái ý từ diễn giả, lập tức là hàng loạt tiếng la hét chửi rủa vang lên, và nếu diễn giả còn tiếp tục ngoan cố sẽ có liền những hành động tiếp theo, cuối cùng là việc lôi cổ ông ta xuống. Nếu không có sự răn đe, bởi sự có mặt của các nhà chức trách làm công tác bảo vệ an ninh, nhiều khi người ta tiến hành bề hội đồng cả diễn giả. Tính độc đoán và tính không khoan dung có ở hầu hết các đám đông, nhưng với mức độ rất khác nhau, và ở đây lại nổi lên khái niệm cơ bản đó là chủng tộc, nó điều khiển tất cả mọi tình cảm và suy nghĩ. Tính độc đoán và không khoan dung của đám đông Latinh đặc biệt mạnh, đến nỗi, nó gần như đè bẹp được hoàn toàn cái tình cảm về tự do cá nhân rất mạnh mẽ của người Anglo-Saxon. Đám đông Latinh chỉ có một tình cảm dành cho sự độc lập hoàn toàn đối với nhóm tín ngưỡng của mình (dịch sai, đúng ra là, “chỉ tha thiết với sự độc lập của nhóm tín ngưỡng của mình”), và coi sự độc lập đó là một đòi hỏi phải cưỡng bức các tín ngưỡng khác lập tức nhập vào tín ngưỡng của mình. Kể từ thời tòa dị giáo, trong chủng tộc Latinh, những người Jacobin tất cả các thời đại chưa bao giờ bước sang một khái niệm tự do nào khác.

Tính độc đoán và không khoan dung đối với đám đông là một tình cảm hết sức rõ ràng, họ dễ dàng chấp nhận nó cũng như dễ dàng biến nó thành hành động. Đám đông tôn sùng quyền lực, đồng thời những cái tốt lại thường bị họ cho là dấu hiệu của sự yếu đuối, cho nên có tác động rất ít vào họ. Họ chẳng bao giờ có thiện cảm với một ông chủ tốt bụng mà chỉ có thiện cảm với những ông vua chuyên chế thống trị họ một cách cứng rắn. Nếu họ thích chà đạp lên một bạo chúa đã bị lật đổ, khi đó có nghĩa là, kẻ bạo chúa đã mất hết quyền lực và bị xếp vào hàng ngũ những kẻ yếu đuối, chỉ đáng bị khinh bỉ chứ không còn đáng để kính sợ nữa. Hình ảnh cổ xưa về một người hùng của đám đông luôn luôn có những tính cách kiểu Caesar. Cờ mao của ông ta làm họ say đắm, quyền lực của ông ta làm họ kính trọng, thanh gươm của ông ta làm họ khiếp phục. Luôn sẵn sàng nổi dậy chống lại một chính quyền yếu kém, ngược lại đám đông cúi đầu một cách nô lệ trước một quyền lực mạnh. Nếu chính quyền bị lung lay, khi đó đám đông, với đặc tính luôn tuân theo những tình cảm cực đoan nhất, cũng sẽ liên tục chao đảo từ thái cực vô chính phủ sang nô lệ và từ nô lệ sang vô chính phủ.

Vả lại dường như người ta đã hiểu sai về tâm lý đám đông, khi tin vào ưu thế của các bản năng cách mạng của nó. Đó là vì những hành động bạo lực của nó đã làm cho ta hiểu không đúng về điểm này. Sự bộc phát của lòng công phẫn và hành động phá hoại luôn chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn. Đám đông quá bị chi phối bởi cái vô thức và do đó, có nghĩa là nó quá tuân phục những ảnh hưởng được di truyền lại từ thời xa xưa, là cái đáng lý ra nó không phải trung thành đến mức như vậy. Nếu để tự nó, chẳng bao lâu ta sẽ thấy nó không còn cả muốn tự kiềm chế, bản năng sẽ biến nó thành một kẻ nô lệ. Những người Jacobin cao ngạo và chất phác nhất đã hoàn toàn nhất trí với Napoleon khi ông ta xóa bỏ mọi quyền tự do và cho biết như thế nào là bàn tay sắt của ông ta.

Lịch sử của cách mạng quần chúng sẽ hầu như không thể hiểu nổi, nếu người ta nhầm lẫn một cách cơ bản về những động lực bảo thủ của đám đông. Họ thực ra chỉ muốn thay đổi cái tên của thể chế, và để thực hiện sự thay đổi đó, thỉnh thoảng họ làm cả những cuộc cách mạng có khi rất lớn, nhưng bản chất của những thể chế đó đã quá bóp nghẹt những đòi hỏi được thừa kế của chủng tộc đến nỗi nó không cần phải trung thành với những thể chế đó nữa. Sự thay đổi liên tục của đám đông chỉ thể hiện ở những cái rất bên ngoài. Trên thực tế họ có cái bản năng bảo thủ khó hiểu giống như tất cả những người nguyên thủy. Họ có một lòng tôn kính các truyền thuyết, một nỗi căm ghét vô thức mọi sự đổi mới có thể làm thay đổi cuộc sống hiện tại của họ. Giá như nền dân chủ ở vào cái thời phát minh ra máy dệt, máy hơi nước, tàu lửa mà có được quyền lực giống như ngày nay của nó, thì có lẽ việc hiện thực hóa các phát minh đó chẳng thể xảy ra. Cũng may cho sự tiến bộ và văn hóa, bởi sau khi những phát minh khoa học và kỹ thuật được hoàn tất, cái siêu quyền lực của đám đông mới được sinh ra.

§5. Đạo đức của đám đông

Nếu chúng ta coi khái niệm đạo đức đồng nghĩa với sự tôn trọng những tập tục xã hội nào đó và với sự kiềm chế thường xuyên những tham vọng cá nhân, thì rõ ràng rằng, đám đông quá ư là bản năng và quá không chín chắn để có thể tiếp nhận đạo lý. Thế nhưng nếu ta hiểu khái niệm đạo đức là những tính cách nhất định xuất hiện trong khoảnh khắc như sự hy sinh, sự tận tâm, lòng vị tha, sự xả thân, sự công tâm thì ta có thể nói: đám đông thường có thể có một tư cách đạo đức rất cao.

Một số ít các nhà tâm lý học, có tham gia nghiên cứu về đám đông, chỉ chú ý đến những hành động tội ác của nó. Và dựa vào mức độ thường xuyên của các hành động tội ác như vậy họ đã đánh giá tính cách đạo đức của đám đông rất thấp. Chắc chắn họ đều có những bằng chứng cho nhận định đó: nhưng tại sao như vậy? Đó là chỉ bởi vì các đòi hỏi hoang dại mang tính cách phá hoại, là di sản của thời tiền sử, vẫn lẩn quất trong mỗi một chúng ta. Đối với một người độc lập, sẽ rất nguy hiểm cho bản thân nếu như anh ta thỏa mãn những đòi hỏi đó, nhưng khi anh ta chìm trong một đám đông không có tính trách nhiệm, do chắc chắn không bị trừng phạt, anh ta đã phó mặc cho bản năng thỏa mãn những gì nó muốn. Bởi vì chúng ta bình thường không thể vận dụng cái bản năng tàn phá này vào đồng loại, cho nên chúng ta đã tìm sự thỏa mãn nó ở súc vật. Cái thú săn bắn và sự tàn bạo của đám đông cũng có cùng một nguồn gốc như vậy. Đám đông hành hạ một nạn nhân không có khả năng tự vệ một cách từ từ cho đến chết, là một bằng chứng cho sự tàn bạo đốn mạt của họ; đối với các triết gia thì sự tàn bạo đó về mức độ cũng giống như sự tàn bạo của các thợ săn, khi họ tụ tập lại với nhau khoái chí nhìn những con chó săn đang thi nhau xé xác một chú nai xấu số.

Nếu một khi đám đông có khả năng chém giết, đốt phá và tiến hành các kiểu tội ác thì nó cũng có khả năng có những hành động hiến dâng, hy sinh và có lòng vị tha, ở mức độ có khi còn cao hơn của một người độc lập. Sự tác động vào từng thành viên của đám đông sẽ đặc biệt mạnh, nếu như ta khêu dậy được ở họ những tình cảm về niềm kiêu hãnh và danh dự, về tôn giáo và tổ quốc. Lịch sử đầy dẫy những ví dụ như vậy, như ta từng thấy trong các cuộc thập tự chinh hoặc ở đoàn quân tình nguyện vào năm 1793. Chỉ có tập thể mới có thể có những sự hy sinh và quên mình vĩ đại như thế. Biết bao nhiêu đám đông đã tự để bị đẩy vào chốn hy sinh một cách oanh liệt vì những niềm tin và lý tưởng mà họ chẳng hiểu một chút gì về nó! Đám đông khi lâm chiến, thường họ chiến đấu theo tiếng kèn xung trận, chứ không phải vì một phần thưởng nào. Quyền lợi cá nhân trong đám đông hiếm có khi là một động lực mạnh mẽ, trong khi đó đối với một người độc lập, nó là sự kích thích gần như là duy nhất. Quả thực không phải vì lợi ích bản thân là cái đã đưa đám đông vào bao nhiêu trận chiến, điều mà với lý trí của mình họ không sao hiểu nổi, và trong những trận đánh đó họ bị giết một cách dễ dàng như những chú chim chiền chiện bị thôi miên bởi những chiếc gương của người thợ săn.

Ngay cả những tên vô lại bẩm sinh, có khi chỉ vì là một thành viên của đám đông, chúng cũng đã trở thành những kẻ rất tôn trọng các quy tắc đạo đức. Taine đã chỉ ra rằng, những tên đồ tể của những ngày tháng 9 [1792] đã đem nộp hết tất cả những đồ trang sức, ví tiền thu lượm được từ các nạn nhân của chúng cho uỷ ban cách mạng, mặc dù việc biển thủ những thứ đó hoàn toàn dễ dàng. Cái đám đông dân chúng lúc nhúc, la hét và rách rưới kia, khi tràn vào cung điện Tuilerie không hề cầm đi bất cứ một thứ gì cho dù chúng có thể làm cho họ hoa mắt và giá trị của chúng là bánh mỳ cho mỗi một người trong nhiều ngày.

Sự tha hóa đạo đức của một cá nhân bởi đám đông chắc chắn không phải là một quy luật cứng nhắc, nhưng nó là điều người ta liên tục quan sát thấy, và ngay cả trong những hoàn cảnh không khắt khe như tôi đã trình bày trên đây. Như tôi đã từng nói, đám đông trong nhà hát đòi hỏi những anh hùng của họ trong các vở kịch những phẩm hạnh cao quá mức, và ngay cả một khối khán giả gồm những người thuộc tầng lớp thấp, nhiều khi cũng cho rằng đó là quá lố. Tay chơi chuyên nghiệp, chủ nhà chứa, kẻ lang thang, kẻ nghiện thể thao thường kêu ca về một kịch cảnh hơi sàm sỡ hoặc một câu nói tục tĩu trong đó, thế nhưng so với những gì họ thường sử dụng trong các cuộc nói chuyện hàng ngày thì chúng quả là vô hại.

Đám đông thường tuân theo những bản năng thấp hèn, tuy nhiên cũng có lúc nó tỏ ra có những hành động cực kỳ cao thượng. Nếu nói rằng lòng vị tha, sự hy sinh, sự dâng hiến một cách vô điều kiện cho một lý tưởng, hão huyền hoặc thực tế, là những nhân cách đạo đức, thì ta có thể nói rằng, đám đông thường có một nhân cách như vậy ở mức độ rất cao mà ngay cả những triết gia thông thái nhất cũng hiếm khi đạt đến được. Dĩ nhiên họ thể hiện những tính cách đó một cách vô thức, nhưng cái đó không quan trọng. Giả như đám đông cũng suy tính thiệt hơn, thì có lẽ không hề có một nền văn hóa nào có thể nảy nở trên hành tinh của chúng ta và loài người sẽ mãi không bao giờ có lịch sử.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.