Tâm Lý Học Đám Đông

Tập 1 – Tâm hồn đám đông – Chương 1: Các đặc tính chung của đám đông. Quy luật tâm lý học về sự đồng nhất tâm hồn của đám đông



Đặc tính của đám đông là gì nhìn từ góc độ tâm lý học – Một tập hợp của nhiều phần tử riêng biệt chưa tạo nên đám đông – Những đặc tính riêng của một đám đông tâm lý – Không đổi hướng suy nghĩ và tình cảm của từng cá nhân thuộc đám đông và sự lu mờ cá tính của họ – Đám đông luôn bị điều khiển bởi sự vô thức – Hoạt động của não bộ suy giảm nhường ưu thế cho hệ thần kinh thực vật – Giảm sút khả năng tư duy và sự thay đổi hoàn toàn về tình cảm – Sự biến đổi tình cảm có thể theo chiều hướng tốt lên hoặc xấu đi so với thành phần tạo nên đám đông. Đám đông đều dễ trở nên anh dũng hoặc tàn ác như nhau.

Đám đông là gì?

Theo nghĩa thông thường đám đông có nghĩa là một sự kết hợp của những cá nhân bất kỳ không phụ thuộc vào dân tộc, giới tính và nguyên do kết hợp.

Theo quan điểm tâm lý học, khái niệm “Đám đông” mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Trong những điều kiện nhất định và chỉ ở đó mà thôi, một tập hợp những con người sẽ có những đặc tính hoàn toàn khác biệt với những đặc tính của riêng từng con người trong đó. Cá tính có ý thức bị biến mất, tình cảm và suy nghĩ của mọi cá nhân đều hướng về một phía. Một tâm hồn chung được hình thành, nó dĩ nhiên có thể biến đổi, nhưng hoàn toàn là một thể loại xác định. Toàn bộ cái đó lúc này đã trở thành, do chưa tìm ra được khái niệm nào diễn tả tốt hơn tôi tạm gọi nó là “đám đông có tổ chức”, nếu ai muốn khác cũng có thể gọi là đám đông tâm lý. Đám đông là một cơ thể duy nhất và chịu tác động của quy luật đồng nhất tâm hồn đám đông (loi de l’unite des foules). Hiện tượng nhiều cá nhân vô tình tụ hợp lại với nhau, cũng chưa tạo cho nó những đặc tính của một đám đông. Hàng nghìn người tình cờ xuất hiện trên một quảng trường không có một mục đích nhất định sẽ không bao giờ tạo nên được một đám đông theo nghĩa tâm lý học. Để nó có thể có được những đặc tính riêng của đám đông cần phải có những tác động kích thích, hình thức và bản chất của chúng là điều chúng ta cần nghiên cứu.

Sự biến mất cá tính có ý thức và sự xoay chuyển tình cảm, suy nghĩ về cùng một hướng, là cú hích khởi đầu để một đám đông tiến tới có tổ chức, điều này không phải lúc nào cũng đòi hỏi sự có mặt đồng thời của nhiều thành viên tại một địa điểm duy nhất. Hàng ngàn con người cách biệt nhau, trong một khoảnh khắc nào đó có thể do ảnh hưởng của một tác động tình cảm mạnh mẽ, một sự kiện quốc gia quan trọng chẳng hạn, sẽ tiếp nhận những đặc tính của đám đông tâm lý. Một sự tình cờ nào đó làm cho họ liên kết lại với nhau, như vậy cũng đủ để cho cách hành động của họ nhanh chóng trở nên giống cách hành động có dạng đặc biệt của đám đông. Trong những thời điểm lịch sử nhất định, chỉ cần một nhóm ít người cũng đủ để có thể tạo nên một đám đông tâm lý, trong khi sự tụ tập tình cờ của hàng nghìn con người có khi lại không thể tạo ra được. Mặt khác, đôi lúc cả một dân tộc, không thấy có dấu hiệu rõ ràng về sự liên kết dưới sức ép của các tác động nào đó, cũng trở thành một đám đông.

Một khi đám đông tâm lý được hình thành, nó sẽ bắt đầu thu nạp những đặc tính chung tạm thời nhưng có thể định rõ được. Các đặc tính chung này kết hợp thêm với những tính chất đặc biệt thay đổi tùy thuộc vào các phần tử cấu thành đám đông, và qua đó làm thay đổi cấu trúc tư duy của nó. Đám đông tâm lý như vậy có thể được phân chia thành nhiều loại. Nghiên cứu về sự phân chia này sẽ cho chúng ta thấy, một đám đông hỗn tạp, có nghĩa là một tập hợp bởi những phần tử không cùng loại, với một đám đông thuần nhất, nghĩa một tập hợp bởi những phần tử tương tự nhau (các môn phái, các đẳng cấp, các giai cấp) đều có cùng những đặc tính chung; ngoài ra chúng cũng có những đặc tính riêng, qua đó người ta có thể phân biệt giữa chúng với nhau.

Trước khi chúng ta đi vào khảo sát những loại đám đông khác nhau, chúng ta phải tiến hành khảo sát những đặc tính chung của chúng. Chúng ta sẽ tiến hành giống như khi nghiên cứu về tự nhiên, bằng cách đầu tiên ta miêu tả những đặc tính chung của các thành viên trong một chủng trước khi xem xét đến những đặc tính riêng của từng thành phần, điều này giúp cho việc phân biệt được các giống và loài của chủng đó.

Quy luật về sự đồng nhất tâm hồn đám đông

Việc diễn tả một cách chính xác tâm hồn đám đông quả không dễ, bởi tổ chức của nó không chỉ biến thiên theo chủng tộc và cấu trúc của đám đông, mà còn biến thiên theo bản chất và mức độ của sự kích thích tác động vào đám đông đó. Tuy nhiên khó khăn kiểu như vậy cũng xuất hiện trong việc nghiên cứu về tâm lý bất kỳ loại sinh vật nào. Chỉ trong các loại tiểu thuyết, chứ không phải trong cuộc sống thực tế, các cá thể mới có một tính cách bền vững. Nội riêng sự đồng dạng của môi trường cũng đã tạo nên những tính cách giống nhau rất rõ ràng. Ở chỗ khác tôi đã chỉ ra rằng, tất cả các trạng thái tinh thần đều chứa đựng khả năng tạo thành những tính cách, chúng có thể bộc lộ ra dưới tác động của sự thay đổi môi trường một cách đột ngột. Thế cho nên trong số những thành viên hung dữ và tàn bạo nhất của quốc hội vẫn có những công dân tốt, là những người trong hoàn cảnh bình thường có thể là những nhân viên công chứng hiền lành hoặc là những công chức đáng kính trọng. Khi bão táp qua đi họ lại trở về với những tính cách thường có của mình là những công dân lương thiện. Trong số những người như vậy Napoleon đã chọn ra những bầy tôi dễ bảo nhất.

Do ở đây ta không thể nghiên cứu được hết tất cả các nấc phát triển trong sự hình thành đám đông, cho nên chúng ta sẽ tập trung sự chú ý đặc biệt vào trạng thái tại đó tổ chức của đám đông đã hoàn thiện. Bằng cách này ta thấy đám đông cuối cùng có thể trở thành cái gì, dĩ nhiên nó sẽ không còn là như nó trước đây. Chỉ riêng trong trạng thái tổ chức ở mức phát triển này, những tính chất hoàn toàn mới và đặc biệt sẽ được cấu thành trên cái nền tảng chủng tộc vững chắc, đầy ảnh hưởng, và nó tiến hành xoay chuyển tất cả tình cảm, suy nghĩ của toàn thể vào cùng một hướng. Chỉ như thế thôi cũng đã làm sáng tỏ những gì ở trên tôi gọi là quy luật đồng nhất tâm hồn của đám đông.

Đám đông và cá thể riêng biệt có nhiều đặc điểm chung giống nhau, nhưng ngược lại có những đặc điểm duy nhất chỉ riêng đám đông mới có. Trước hết chúng ta muốn nghiên cứu những tính chất đặc biệt, để làm sáng tỏ ý nghĩa của chúng.

Điểm đáng ngạc nhiên nhất của đám đông tâm lý là: cho dù những thành viên riêng biệt tạo nên đám đông khác nhau kiểu gì, cho dù lối sống, việc làm, tính cách, học thức của họ giống nhau hoặc khác nhau ra sao, chỉ cần qua sự trở thành đám đông, tất cả họ sẽ cùng có một kiểu tâm hồn tập thể, điều này làm cho họ cảm nhận, suy nghĩ, hành động theo kiểu hoàn toàn khác hẳn khi họ còn là những cá thể riêng biệt cảm nhận, suy nghĩ và hành động. Có những ý nghĩ và tình cảm nhất định chỉ xuất hiện hoặc biến thành hành động cụ thể ở những cá nhân gắn bó với một đám đông. Đám đông tâm lý là một thể chất không xác định, được hình thành từ những thành phần không giống nhau, liên kết với nhau tại một thời điểm nhất định, giống hệt như sự liên kết của những tế bào sinh vật, từ đó một thể chất mới được hình thành với những tính chất hoàn toàn khác so với những tính chất của từng thành phần riêng biệt tạo nên nó.
Ngược lại với quan điểm của Herbert Spencer, thật lạ lùng đối với một triết gia sắc sảo lại có quan điểm như vậy, trong nhóm tạo nên đám đông tuyệt nhiên không có cái gọi là tổng hoặc trung bình của các thành phần mà chỉ có sự kết hợp và tạo nên những thành phần mới, hệt như trong hóa học khi những thành phần nhất định – ví dụ như xút và axit – kết hợp với nhau, một chất mới được hình thành, có những tính chất hoàn toàn khác hẳn với những tính chất của các thành phần tạo ra nó.

Đám đông được điều khiển bởi sự vô thức

Có thể dễ dàng xác định được mức độ khác nhau giữa một cá thể của đám đông và một cá thể riêng biệt, nhưng không thể dễ dàng phát hiện ra nguyên nhân của sự khác nhau đó.

Để ít nhất phần nào có thể xác định được những nguyên nhân này, người ta trước hết phải nhắc lại những kết luận của tâm lý học hiện đại, rằng không chỉ trong đời sống sinh vật, mà ngay trong các quá trình nhận thức, những hiện tượng vô thức cũng đóng một vai trò quyết định. Đời sống tinh thần có ý thức chỉ là một phần rất nhỏ so với đời sống tâm hồn vô thức. Nhà phân tích có tài nhất, nhà quan sát sắc sảo nhất cũng chỉ có thể phát hiện ra một số rất nhỏ những động cơ có ý thức điều khiển mình. Những hành động có ý thức của chúng ta bắt nguồn từ một nền tảng vô thức, nó là cái được tạo nên từ những gì được truyền lại từ thế này sang thế hệ khác. Những nền tảng này mang trong nó vô số những dấu vết của di truyền, từ đó hình thành nên một tâm hồn chủng tộc.

Đằng sau những nguyên nhân đã được thừa nhận đối với hành động của chúng ta, không nghi ngờ gì nữa cũng còn có những nguyên nhân ẩn mà chúng ta chưa thừa nhận; và đằng sau những nguyên nhân ẩn này vẫn còn có những nguyên nhân ẩn sâu hơn nữa mà chúng ta chưa biết. Phần lớn những hành động hàng ngày của chúng ta là kết quả tác động của những động lực vô thức nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta.

Qua những phần vô thức, cái tạo nên nền tảng của tâm hồn chủng tộc, tất cả những thành viên của chủng tộc trở nên giống nhau, ngược lại qua những tố chất có ý thức – những thành quả của giáo dục, nhưng trội hơn cả vẫn là đặc tính di truyền – đã tạo nên sự khác nhau giữa họ. Những con người có trình độ khác biệt nhất, họ tất cả đều có những ham muốn, đam mê và tình cảm cực kỳ giống nhau. Trong toàn bộ những thứ thuộc về đối tượng của tình cảm như: Tôn giáo, Chính trị, Đạo đức, Đồng cảm, Ác cảm v.v… những con người ưu tú nhất rất ít khi vượt trội lên trên cái mức của một người bình thường. Giữa một nhà toán học danh tiếng và anh thợ sửa giày cho ông ta, về mặt hiểu biết có thể cách nhau một trời một vực, nhưng về mặt tính cách họ chẳng khác gì nhau hoặc có khác nhau cũng rất không đáng kể.

Chính những tính cách chung này, bị điều khiển bởi sự vô thức, và số đông các thành phần bình thường của một chủng tộc đều có như nhau, sẽ là cái chung của đám đông. Trong tâm hồn cộng đồng, khả năng nhận biết sẽ trở nên lu mờ và do đó dẫn đến cá tính của từng con người trong đó cũng bị lu mờ. Sự khác biệt bị nhấn chìm trong sự giống nhau, và những đặc tính vô thức chiếm phần nổi trội.

Chính sự tập thể hóa những đặc tính thông thường giải thích cho chúng ta, tại sao đám đông không thể thực hiện được những hành động đòi hỏi phải có một sự hiểu biết đặc biệt. Những quyết định xuất phát từ quyền lợi chung, được đề ra trong một cuộc họp của những con người tuyệt vời nhưng khác biệt nhau, cũng chẳng hơn gì những quyết định được đề xuất trong một cuộc họp của toàn những cái đầu ngu dốt. Trên thực tế nó chỉ tạo nên những cái chung từ tất cả những tính chất chung tầm thường. Đám đông không tiếp nhận cái trí tuệ mà chỉ tiếp nhận những cái tầm thường vào nó. Chẳng có chuyện như người ta luôn nói, “toàn thế giới nhiều trí tuệ hơn Voltaire”, sự thực là Voltaire có nhiều trí tuệ hơn “cả thế giới”, nếu hiểu thế giới ở đây là đám đông.

Nếu từng con người của đám đông tự giới hạn mình trong sự hòa đồng những tính cách chung, thì từ đó chỉ tạo nên một cái trung bình, chứ không phải như chúng ta đã nói là họ sẽ tạo nên những đặc tính riêng mới. Vậy những đặc tính riêng mới này hình thành như thế nào? Tới đây chúng ta sẽ nghiên cứu nó.

Sự biến đổi tình cảm trong từng cá nhân

Sự xuất hiện những đặc tính riêng biệt của đám đông được quyết định bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Nguyên nhân đầu tiên của các nguyên nhân này nằm ở chỗ các thành viên của đám đông chỉ nguyên với cái cảm giác là số đông đã có một sức mạnh vô địch, cho phép nó hiến mình cho bản năng, điều khi chưa là thành viên của đám đông nó nhất thiết phải kiềm chế. Nó sẽ càng sớm tuân theo bản năng một khi, lẫn trong đám đông, con người trở nên không tên tuổi và từ đó cảm giác chịu trách nhiệm, cái luôn giữ cho các cá nhân khỏi đi quá đà, hoàn toàn biến mất.

Nguyên nhân thứ hai là sự lây nhiễm tinh thần (contagion mentale), cũng là cái tác động gây ra sự xuất hiện các nét đặc trưng của đám đông và đồng thời vào phương hướng của nó. Sự lây nhiễm có thể dễ dàng nhận thấy, nhưng chưa có thể giải thích được; người ta phải xếp nó vào loại những hiện tượng như kiểu thôi miên, chúng ta sẽ xem xét những hiện tượng này ngay bây giờ. Trong đám đông mỗi một tình cảm, mỗi một hành động đều có thể lây nhiễm, và chắc chắn ở mức độ cao đến nỗi thành viên của nó có thể hy sinh mong muốn cá nhân cho mong muốn của cả tập thể. Tính chất này ngược với tính cách tự nhiên của con người và con người chỉ có thể làm được điều đó khi nó là thành viên của đám đông.

Còn một nguyên nhân thứ ba và là nguyên nhân quan trọng nhất, nó làm cho thành viên của đám đông bộc lộ những cá tính đặc biệt hoàn toàn mâu thuẫn với những cá tính của những người đó khi họ chưa là thành viên của đám đông: tôi đặt tên nguyên nhân này là tính dễ bị kích hoạt (suggestibilité), hơn nữa sự lây nhiễm tinh thần nói đến ở trên chỉ là một tác động của nó.

Để có thể hiểu được hiện tượng này chúng ta cần phải tiến hành một số khám phá mới nhất định trong lĩnh vực tâm lý học. Ngày nay chúng ta biết rằng, một con người có thể bị đưa vào một trạng thái hoàn toàn mất hết ý thức, lúc này nó hành động và tuân theo mọi tác động của nhà thôi miên, người đã lấy đi ý thức của nó; những hành động của con người trong trạng thái này hoàn toàn trái ngược với những tính cách và thói quen của nó lúc bình thường. Những quan sát kỹ càng hơn dường như có thể chứng minh rằng, một người, nằm lâu trong đám đông và bị nó tác động, chẳng bao lâu nữa – người đó qua sự bộc phát tình cảm một cách tự phát hoặc do một nguyên nhân bất kỳ chưa biết đến – sẽ ở trong một trạng thái đặc biệt, và trở nên mê mẩn rất giống một người bị thôi miên. Do tê liệt về tâm trí, người bị thôi miên trở thành kẻ nô lệ của những lực vô thức trong nó, đó là những lực mà nhà thôi miên có thể điều khiển một cách tùy ý. Cá tính có ý thức đã hoàn toàn bị xóa bỏ, ý chí và khả năng xét đoán bị biến mất, tất cả các tình cảm và suy nghĩ đều chuyển sang trạng thái có thể bị nhà thôi miên tác động.

Thành viên của đám đông cũng sẽ ở trong một trạng thái tương tự như trạng thái trên. Nó không còn có ý thức về những hành động của nó. Trong khi anh ta, như những người bị thôi miên, bị mất đi một số khả năng nào đó thì những người khác trong đám đông lại bị dồn đến một trạng thái cực kỳ kích động. Dưới tác động của lây nhiễm anh ta sẽ lao vào một hành động nào đó với một sự hung dữ không cưỡng lại nổi. Và cái sự dữ tợn này trong đám đông còn khó cưỡng lại hơn là khi bị thôi miên, bởi sự kích hoạt, giống nhau đối với tất cả mọi người, do tác động qua lại sẽ ngày càng mạnh lên. Thành viên của đám đông, những người có tính cách đủ mạnh để có thể chống lại các tác động vào nó, chỉ là một số nhỏ và họ sẽ bị cái dòng chảy của đám đông cuốn theo. Cùng lắm là họ có thể thử nương nhờ vào những ảnh hưởng khác để tự làm xao lãng mình. Một ấn tượng hạnh phúc, một hình ảnh so sánh đúng lúc nhiều khi ngăn cản được đám đông trước những hành động đẫm máu.

Như vậy thành viên của một đám đông có những đặc điểm chính sau: Mất đi cá tính có ý thức, cá tính vô thức chiếm thế thượng phong, suy nghĩ và tính cảm bị hướng về một hướng bởi kích hoạt và lây nhiễm, có xu hướng nhất quyết biến những ý tưởng bị kích hoạt thành hành động. Các thành viên lúc này không còn là chính họ nữa, tất cả đã trở thành người máy và không còn làm chủ được những hành động của mình. Chỉ riêng sự là một thành viên của đám đông, con người đã tụt xuống nhiều nấc thang văn hóa. Là người độc lập, có thể anh ta là một kẻ có học; trong đám đông anh ta là một sinh vật hoạt động theo bản năng, có nghĩa là một kẻ mọi rợ. Anh ta có tính khí bất thường, dữ dội, hoang dã nhưng cũng có sự nhiệt tâm và lòng dũng cảm của một con người nguyên thủy, anh ta cũng giống nó ở tính dễ dãi do đó dễ bị quyến rũ bởi những lời nói và ý tưởng, dễ bị xúi dục làm những hành động có thể rõ ràng xâm phạm vào những quyền lợi của chính anh ta. Thành viên trong đám đông giống như hạt cát trong đống cát, luôn bị gió cuốn đi theo mọi hướng bất kỳ.

Từ những lý do trên, tòa bồi thẩm ra các tuyên án mà mỗi một bồi thẩm viên, khi là một người độc lập, tuyên bố phản đối chúng, quốc hội chấp nhận thông qua các điều luật và các đề nghị là những điều mà mỗi một nghị viên, như là một người độc lập, phủ nhận chúng. Lấy từng người ra một thì các nghị viên là những người thông thái với những thói quen dễ chịu. Tập hợp thành đám đông dưới tác động của những người cầm đầu, họ không một chút lưỡng lự khi quyết định hành quyết những con người rõ ràng vô tội; bất chấp những thiệt hại cho bản thân, họ vứt bỏ cả quyền bất khả xâm phạm và tiến hành trừ khử những thành viên khác của nghị viện.

Không chỉ trong hành động thành viên của đám đông mới lệch ra khỏi cái tôi thông thường của nó. Trước khi nó mất đi mọi độc lập tính, thì tình cảm và suy nghĩ của nó đã bị biến dạng, kể như là, kẻ keo kiệt bỗng trở thành người hào phóng, kẻ nghi ngờ trở thành cả tin, kẻ đáng kính trở thành tội phạm, kẻ hèn nhát trở thành dũng cảm. Sự từ bỏ tất cả những đặc quyền được ghi nhận của mình, hành động mà giới quý tộc đã làm trong giây phút hân hoan của cái đêm vĩ đại 4.08.1789, chắc chắn sẽ không xảy ra nếu như họ là những con người độc lập.

Từ những quan sát trên đây có thể rút ra kết luận rằng, đám đông không thông minh hơn một con người độc lập. Xét về mặt tình cảm và về những hành động bị chi phối bởi tình cảm, trong những điều kiện nhất định đám đông cũng có thể trở nên tốt hơn hoặc xấu hơn. Điều đó hoàn toàn phụ thuộc vào loại ảnh hưởng tác động vào đám đông. Cái này các tác giả chuyên nghiên cứu về đám đông chỉ trên phương diện tội phạm đã hoàn toàn không nhận ra. Dĩ nhiên các đám đông thường có tính tội phạm, nhưng không chỉ có thế, nó cũng thường có cả tính quả cảm. Người ta dễ dàng làm cho đám đông xông vào chỗ chết vì sự chiến thắng cho một niềm tin hoặc một lý tưởng, người ta cổ vũ họ giành lấy vinh quang và danh tiếng để họ, như ở thời thập tự chinh, mặc cho đói khát, vẫn xông lên giải phóng mộ chúa khỏi những kẻ vô thần, hoặc như hồi năm 1793 cổ vũ họ chiến đấu bảo vệ đất đai của tổ quốc. Chắc chắn những hành động anh hùng là vô thức, nhưng cũng chính những hành động này đã làm nên lịch sử. Nếu người ta chỉ muốn ghi lại những sự kiện vĩ đại được thực hiện với sự tính toán lạnh lùng vào sử sách của các dân tộc, thì có lẽ trong biên niên sử thế giới chỉ có rất ít những sự kiện như vậy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.