Tâm Lý Học Đám Đông

Chương 3: Những lãnh đạo của đám đông và phương tiện thuyết phục của họ



Chúng ta đã biết đến trạng thái tinh thần của đám đông, và chúng ta giờ đây cũng đã biết những sức mạnh nào tác động vào họ. Bây giờ chúng ta phải nghiên cứu việc các sức mạnh này cần phải được vận dụng như thế nào và do ai chúng được chuyển thành hành động mang lại lợi ích.

§1. Lãnh đạo của đám đông

Chừng nào một số nhất định những sinh vật sống tụ tập lại với nhau, tất cả sẽ như nhau, bất kể đó là một bầy thú hoặc một tập hợp những con người, chúng đều thần phục một cách tự nguyện một thủ lĩnh, có nghĩa là một lãnh đạo.

Trong đám đông con người, lãnh đạo giữ một vai trò nổi bật. Ý chí của nó là hạt nhân mà quanh đó các quan điểm hình thành nên và cân bằng lẫn nhau. Đám đông là một bầy đàn, nếu không có người chăn dắt chúng sẽ chẳng biết làm gì.

Rất nhiều khi lãnh đạo lúc đầu cũng chỉ là kẻ bị lãnh đạo, bản thân nó bị mê hoặc bởi cái ý tưởng mà sau này chính nó sẽ trở thành thánh tông đồ của cái ý tưởng đó. Nó hài lòng với cái ý tưởng đó đến nỗi dường như tất cả những ý tưởng khác đều biến mất và đối với nó bất kỳ một quan điểm trái ngược nào cũng đều bị cho là sai lầm hoặc là sự mê tín. Thật vậy, ví dụ như Robespierre, người bị những ý tưởng của chính mình mê hoặc đến nỗi, để truyền bá chúng ông ta đã dùng đến cả phương tiện của tòa dị giáo.

Phần nhiều các lãnh đạo không phải là nhà tư tưởng, mà là những con người của hành động. Họ ít có cái nhìn sắc sảo và cũng không thể khác được, bởi vì sự sắc sảo nhìn chung sẽ dẫn đến trạng thái nghi ngờ và không hành động. Đặc biệt người ta hay thấy họ trong số những người bẳn tính, những người dễ bị kích động, những người nửa điên loạn, đang ở ranh giới của sự mất trí. Cho dù cái ý tưởng được bảo vệ hoặc cái mục đích theo đuổi nhạt nhẽo như thế nào, trong sự chống lại niềm tin của họ tất cả những gì lôgic đều phải thất bại. Sự khinh bỉ hoặc ngược đãi chẳng mảy may tác động đến họ hoặc chỉ càng kích thích họ nhiều hơn. Quyền lợi cá nhân, quyền lợi gia đình, tất cả đều bị hy sinh. Ngay cả bản năng sống còn ở họ cũng bị dập tắt, và chỉ có tử vì đạo thường đối với họ mới là cái phần thưởng duy nhất phải phấn đấu để đạt đến. Sức mạnh niềm tin của họ đã đem lại cho những lời họ nói một sức kích động lớn. Đám đông luôn nghe theo những người có ý chí mạnh. Những cá thể tập hợp nên đám đông sẽ bị tước đi toàn bộ ý chí và quay theo một cách bản năng kẻ sở hữu ý chí.

Các dân tộc chưa bao giờ thiếu lãnh đạo, nhưng những người lãnh đạo đó không phải ai cũng có được những niềm tin mạnh mẽ để có thể trở nên thánh tông đồ. Thường đó là những thuyết gia khéo léo, chỉ theo đuổi nguyện vọng cá nhân của mình, và bằng sự lừa phỉnh họ tìm cách quyến rũ những bản năng thấp hèn. Ảnh hưởng mà họ tạo ra thường chỉ nằm lại ở bên ngoài. Những người có sức thuyết phục lớn, đã từng nâng tâm hồn đám đông lên, như Peter của Amiens, như Lutther, như Savonarola, như những nhà cách mạng, chỉ phấn khích sau khi bản thân họ được khích lệ bởi một niềm tin. Sau đó dĩ nhiên họ có thể tạo ra trong các tâm hồn một quyền lực đáng sợ có tên gọi là niềm tin và cái quyền lực đó nó làm cho con người ta hoàn toàn trở thành nô lệ cho ước mơ của nó.

Khơi dậy niềm tin, dù đó là niềm tin về tôn giáo, chính trị hoặc xã hội, hay là niềm tin vào một con người hoặc một ý tưởng, là vai trò đặc biệt của một lãnh đạo lớn. Trong tất cả sức mạnh, mà con người có để sử dụng, thì niềm tin luôn là một sức mạnh có ý nghĩa nhất, và có lý khi kinh thánh coi nó là một sức mạnh dời non. Trao cho con người niềm tin, có nghĩa là làm cho sức mạnh của nó tăng gấp mười lần. Những sự kiện lịch sử lớn cũng thường hay được làm nên bởi những tín đồ không tên tuổi, những người chẳng có gì ngoài niềm tin. Không phải các nhà triết học, các nhà thông thái, và trên hết không phải những kẻ hoài nghi đã tạo nên những tôn giáo lớn, là những tôn giáo đã ngự trị thế giới và ngự trị những đế chế vĩ đại trải rộng từ nửa địa cầu này sang nửa địa cầu khác.

Song những ví dụ như vậy chỉ hợp với những lãnh đạo lớn và số này rất hiếm, đến nỗi lịch sử có thể đếm được con số của họ một cách dễ dàng. Họ tạo nên đỉnh cao của một đội ngũ được sắp xếp giảm dần, bắt đầu ở bên trên là những người có bẩm chất lãnh đạo và trở xuống cho tới người công nhân ở bên dưới, là kẻ trong một quán rượu mù mịt khói thuốc lần lượt động viên cổ vũ những đồng chí của mình, bằng cách lặp đi lặp lại liên tục những lời nói khuôn sáo khó hiểu, mà theo anh ta chúng sẽ làm cho tất cả mọi ước mơ và hy vọng trở thành hiện thực.

Trong tất cả các tầng lớp xã hội, từ cao nhất cho đến thấp nhất, con người, chừng nào nó không còn đứng riêng một mình, nó sẽ rất dễ sa vào vòng cương tỏa của một nhà lãnh đạo. Phần đông các con người, đặc biệt là đám đông dân chúng, bên ngoài lĩnh vực nghề nghiệp của họ, họ hoàn toàn không biết một chút gì cho rõ ràng và đúng đắn. Họ không có khả năng tự điều khiển mình; vì vậy lãnh đạo phục vụ họ với tư cách là người chỉ lối. Bất quá, tất nhiên là không hoàn toàn, lãnh đạo có thể được thay thế bởi báo chí, chúng tạo cho độc giả các quan điểm và cung cấp cho họ những lời nói khuôn sáo, mà khi vận dụng chúng đỡ phải mất công suy nghĩ.

Sự thống trị của các lãnh đạo cực kỳ tàn bạo và uy tín của họ có được cũng chỉ nhờ vào sự tàn bạo này. Người ta thường thấy họ dễ dàng tạo được sự thuần phục trong tầng lớp công nhân khích động nhất mà không cần phải sử dụng bất cứ một phương tiện gì ngoài uy tín của mình. Họ ấn định số giờ làm việc, mức tiền công, họ ra quyết định đình công cũng như thời gian bắt đầu và kết thúc của nó.

Ngày nay các lãnh đạo đã từ bỏ dần dần việc sử dụng bạo lực, chừng nào mà người ta có thể nài xin và làm cho họ yếu mềm. Bằng sự cai trị sử dụng bạo lực những ông chủ mới này đã đạt được sự tuân phục của đám đông đối với họ một cách dễ dàng hơn là bất kỳ một chính quyền nào. Nếu tự nhiên lãnh đạo vụt biến mất và không có ai để thay thế ngay lập tức, đám đông sẽ trở lại là một tập hợp rời rạc và không có sức kháng cự. Trong cuộc đình công của nhân viên xe buýt tại Paris chỉ cần bắt giữ hai lãnh đạo của họ là đủ để kết thúc ngay tức khắc cuộc đình công. Không phải sự đòi hỏi về tự do, mà là lòng nhiệt tình phục vụ luôn ngự trị trong tâm hồn đám đông. Sự thôi thúc phải vâng lời của nó lớn đến nỗi, nó quy phục một cách bản năng tất cả những ai tuyên bố là ông chủ của nó.

Phân loại lãnh đạo

Trong một lớp các lãnh đạo ta có thể tiến hành một sự phân loại có ranh giới rất rõ ràng. Có một loại gồm những người cương quyết, ý chí mạnh nhưng không bền bỉ. Có loại khác, thường hiếm thấy hơn nhiều, là những người có ý chí mạnh mẽ và bền bỉ. Loại thứ nhất rất sôi nổi, dũng cảm và táo bạo. Loại này thích hợp đặc biệt đối với việc lãnh đạo những trận đột kích, họ có thể lôi kéo đám đông bất chấp nguy hiểm và họ có thể làm cho những tân binh trẻ trở nên những người anh hùng. Ví dụ Ney và Murat trong đế chế thứ nhất là những người như vậy. Garibaldi ở thời đại chúng ta cũng thế, ông là một kẻ giang hồ không có tài nhưng cương quyết, ngày ấy chỉ với một nhúm thủ hạ trong tay đã chiếm lĩnh được quốc vương Naples mặc dù đất nước này có cả một đội quân nghiêm chỉnh bảo vệ.

Nhưng cho dù sự cương quyết của những lãnh đạo như vậy có lớn bao nhiêu thì nó cũng chỉ là nhất thời và kéo dài không quá cái đà mà họ tạo nên. Khi những anh hùng trở về với cuộc sống đời thường, họ, trước kia là những người một thời đầy máu lửa, giờ đây lại là những bằng chứng đáng ngạc nhiên của sự yếu đuối. Họ dường như không có khả năng suy ngẫm và không thể biết thế nào là phải trong những mối quan hệ đơn giản nhất, sau khi trước đó họ đã từng biết cách lãnh đạo những người khác một cách hiệu quả như thế nào. Những lãnh đạo loại này chỉ có thể thực hiện tốt các nhiệm vụ của họ một khi nếu như bản thân họ cũng luôn nhận được sự lãnh đạo và khích lệ, luôn cảm thấy có một ai đó hoặc một ý tưởng ở trên mình và luôn phải tuân thủ chính xác mọi nguyên tắc hoạt động.

Lớp lãnh đạo thứ hai, là những người có ý chí bền bỉ, mặc dù sự xuất hiện của họ ít hào nhoáng, nhưng họ có một ảnh hưởng mang nhiều ý nghĩa hơn nhiều. Thuộc vào những người này là những người sáng lập ra các tôn giáo hoặc những người làm nên các thành tựu vĩ đại như: Paulus, Mohammed, Kolumbus, Lesseps. Có thể họ thông minh, tối dạ hoặc bình thường, nhưng thế giới luôn hy sinh vì họ. Ý chí bền bỉ mà họ có, là một tính cách vô cùng hiếm và vô cùng mạnh mẽ, mọi cái đều phải thần phục nó. Người ta không bao giờ hiểu được hết những gì mà một ý chí mạnh mẽ và bền bỉ có thể làm nên. Không có gì có thể ngăn cản được nó, cả tự nhiên lẫn thánh thần lẫn con người.

Thí dụ mới đây nhất mà một kỹ sư nổi tiếng đã đem lại cho chúng ta, đó là thí dụ về một con người đã từng tách hai phần lục địa ra khỏi nhau và thực hiện cuộc thử nghiệm mà từ ba ngàn năm nay những kẻ thống trị lớn nhất đều không thực hiện nổi. Về sau ông ta đã bị thất bại trong một công cuộc tương tự, ông ta đã già, và cùng với tuổi già tất cả đều lụi tàn ngay cả ý chí cũng vậy.

Để có thể chứng minh cho sức mạnh của ý chí, người ta chỉ cần kể lại một cách chi tiết tất cả những khó khăn phải vượt qua khi đào kênh Suez là đủ. Một nhân chứng, bác sĩ Cazalis, đã tóm tắt lại trong mấy dòng cảm động về việc thực hiện công trình vĩ đại này, những dòng miêu tả về tác giả bất tử của công trình. “Ông kể lại từng ngày, ông đã phải vượt qua những gì, mà trước hết là những cái không có thể ông ta đã làm cho chúng trở nên có thể, trên hết là sự phản kháng, những đòi hỏi chống lại ông ta, sự chua chát, tai nạn, mỏi mệt, tuy nhiên chúng không bao giờ có thể làm cho ông ta nản lòng và tê liệt; ông ta nghĩ tới nước Anh, đất nước đã chống lại ông ta, đã tấn công ông ta không ngừng nghỉ, ông ta nhớ đến Ai cập và Pháp, những nước đã ngập ngừng chậm trễ, nhớ đến lãnh sự quán Pháp, nơi đã cản trở những công việc ban đầu nhiều hơn tất cả những ai khác, và người ta đã chống lại ông như thế nào bằng cách bỏ khát không cấp nước cho công nhân để tác động vào họ; sau đó ông ta nói về bộ hải quân và về những kỹ sư, về tất cả những ai có kinh nghiệm và hiểu biết một cách sâu sắc về chuyên ngành của họ, những người dĩ nhiên ý thức được tất cả các trở ngại và về mặt lý thuyết họ tin vào kết quả thất bại mà họ đã tính toán và dự đoán, như người ta đã từng dự đoán về nhật thực sẽ xảy ra trong một ngày hoặc một giờ nào đó.” Giá như có một quyển sách thuật lại cuộc đời của tất cả những vị lãnh đạo vĩ đại thì có lẽ cũng không có nhiều những tên tuổi trong đó, nhưng cái tên này sẽ đứng ở vị trí hàng đầu của những sự kiện quan trọng nhất của văn hóa và lịch sử.

§2. Phương tiện tác động của lãnh đạo

Sự khẳng định, sự lặp lại, sự truyền nhiễm Nếu đề cập đến việc tức thì lôi kéo đám đông và quyết định họ phải làm một cái gì đó, ví dụ như cướp phá một cung điện, chém giết để bảo vệ một cứ điểm kiên cố hoặc một chiến lũy, người ta phải tạo ra một ảnh hưởng thật nhanh vào họ. Cách hiệu quả nhất là dẫn ra một ví dụ. Tuy nhiên sau đó nhất thiết phải làm công tác chuẩn bị cho đám đông về những tình cảnh nhất định nào đó và đặc biệt là kẻ muốn lôi kéo họ phải có một tính cách mà lát sau tôi sẽ gọi là sự ảnh hưởng để phân tích.

Song nếu là sự đề cập đến việc làm cho những ý tưởng, những tín điều ngấm một cách từ từ vào tâm hồn đám đông, ví dụ như những học thuyết xã hội hiện đại, thì người lãnh đạo phải vận dụng nhiều phương pháp khác nhau. Cụ thể họ sử dụng chủ yếu ba loại: sự khẳng định, sự lặp lại, và sự truyền lan hoặc truyền nhiễm (contagion). Tác động của chúng tương đối chậm, nhưng kết quả đạt được rất lâu bền.

Sự khẳng định một cách thuần túy và đơn giản, không không kèm theo nguyên do và không có bất kỳ bằng chứng nào là phương tiện chắc chắn nhất, để làm cho một ý tưởng ngấm được vào tâm hồn đám đông. Sự khẳng định càng chắc nịch, càng ít nguyên do hoặc bằng chứng, nó sẽ càng tạo nên nỗi kính sợ. Các văn bản tôn giáo và các sách luật của tất cả các thời đại tất cả đều sử dụng những khẳng định đơn giản. Những lãnh đạo quốc gia, được trao trọng trách giải quyết một vấn đề về chính trị, đều biết đến giá trị của sự khẳng định.

Sự khẳng định sau đó chỉ có ảnh hưởng thực sự, nếu như nó luôn được lặp lại, và phải cố gắng luôn sử dụng cùng một cách diễn đạt. Napoleon đã nói, chỉ có một cách phát ngôn gợi cảm đáng chú ý nhất đó là sự lặp lại. Điều lặp lại bám rất vững trong đầu óc con người đến mức cuối cùng nó được coi như là một sự thật hiển nhiên.

Ta sẽ hiểu ảnh hưởng của sự lặp lại vào đám đông một cách thực sự, nếu ta thấy nó đã tác động như thế nào đối với ngay cả những cái đầu thông thái nhất. Sự lặp lại cuối cùng sẽ ăn sâu vào tận những vùng của vô thức, đó là nơi xử lý các nguyên nhân dẫn đến những hành động của chúng ta. Sau một khoảng thời gian, nếu chúng ta quên mất ai là tác giả của sự khẳng định luôn được lặp lại đó, cũng là lúc ta đã tin vào điều đó. Tác động của quảng cáo cũng xảy ra theo kiểu cách tương tự. Nếu chúng ta đọc đi đọc lại một trăm lần, rằng loại chocolade tốt nhất là loại chocolade X, như vậy ta có cảm tưởng như đã được nghe thấy điều ấy thường xuyên và cuối cùng ta tin rằng nó thực sự là như vậy. Hàng ngàn văn bản chứng thực thuyết phục ta mạnh đến nỗi ta phải tin, rằng loại thuốc bột Y đã được những nhân vật có tên tuổi sử dụng để chữa khỏi các căn bệnh hiểm nghèo nhất, và cuối cùng chính chúng ta, nếu cũng bị mắc phải cái bệnh kinh khủng đó, ta cũng sẽ rất muốn thử dùng loại thuốc đó. Nếu hàng ngày chúng ta đọc thấy trong cùng một tờ báo, rằng A là một thằng lừa đảo từ lâu và B là một người đàn ông chính trực, cuối cùng chúng ta sẽ tin vào điều đó, tuy nhiên với giả thiết chúng ta cũng thường không đọc những tờ báo khác mà trong đó đăng điều ngược lại, có nghĩa là tính cách của hai nhân vật kia đổi chỗ cho nhau. Khẳng định và lặp lại mình chúng cũng đủ mạnh để có thể chống chọi lại lẫn nhau.

Nếu một sự khẳng định luôn được nhắc lại đủ nhiều và chắc nịch, giống như ở trường hợp một số các doanh nghiệp tài chính nào đó, loại hay mua đứt bất kỳ một đối thủ cạnh tranh nào, sẽ tạo nên cái mà người ta gọi là dòng ý kiến (currant d’opinion), và thêm vào đó là cái cơ chế hùng mạnh của sự truyền nhiễm. Trong nội bộ đám đông, các ý tưởng, tình cảm, những sự kích động, các tín điều được lây lan với một tốc độ nhanh chóng như của các loại vi trùng. Hiện tượng như vậy cũng được quan sát thấy ở súc vật, khi chúng sống thành bầy. Sự gặm máng ăn của một con ngựa nhốt trong chuồng chẳng mấy chốc sẽ được những con ngựa khác cùng chuồng bắt chước. Một sự giật mình, hay một động tác hoảng loạn của một con cừu nào đó sẽ nhanh chóng lan ra cả đàn. Sự truyền nhiễm của tình cảm đã lý giải cho cái hiện tượng hoảng loạn bất chợt kia. Các rối loạn thần kinh, như sự điên rồ chẳng hạn, cũng lan truyền theo cách lây nhiễm. Một hiện tượng quen biết là những thầy thuốc trị bệnh tâm thần rất hay bị bệnh mất trí. Người ta cũng có kể về các bệnh thần kinh, như chứng bệnh sợ khoảng rộng chẳng hạn, rằng nó có thể truyền từ người sang thú vật.

Sự truyền nhiễm không đòi hỏi bắt buộc các cá nhân phải có mặt tại cùng một địa điểm, nó cũng có thể xảy ra từ xa dưới ảnh hưởng của các sự kiện nhất định, chúng làm cho mọi thần trí đều hướng về một phía và tạo nên những tính chất riêng biệt của một đám đông, đặc biệt là, nếu như chúng được chuẩn bị từ trước đó bởi những yếu tố gián tiếp như đã từng nói đến ở phần trên. Ví dụ như sự bùng nổ của cuộc cách mạng 1848, khởi đầu ở Paris, một cách bất ngờ đã lan rộng ra toàn bộ châu Âu và làm sụp đổ nhiều nền quân chủ[17].

Sự bắt chước mà người ta cho rằng nó có ảnh hưởng lớn vào các hiện tượng xã hội, thực ra chỉ là một tác động đơn giản của sự truyền nhiễm. Do tôi đã nói đến vai trò của nó ở một chỗ khác, cho nên ở đây tôi giới hạn trong việc nhắc lại những gì mà tôi cách đây nhiều năm đã từng nói đến, và những gì mà từ đó đến nay được các tác giả khác đã nêu ra:

“Giống như ở động vật, con người về mặt tự nhiên là một sinh vật có tính bắt chước. Việc bắt chước đối với nó là một nhu cầu, song phải nhớ rằng chỉ với điều kiện, đó là những cái dễ bắt chước; quyền lực của các loại mốt cũng xuất phát từ nhu cầu bắt chước này. Vâng, có thể đó chỉ là những quan niệm, ý tưởng, các diễn giải văn học hoặc đơn giản chỉ là trang phục, có bao nhiêu người dám trốn chạy khỏi sự thống trị của chúng. Không phải với các chứng cứ lập luận, mà là qua những gương điển hình người ta đã điều khiển đám đông. Trong mỗi một thời đại, một số nhỏ trong số họ đã để lại dấu ấn của mình, và đám đông đã bắt chước những cái đó một cách vô thức. Tuy nhiên những người trong cái số nhỏ đó không được phép có một khoảng cách quá xa các ý tưởng truyền thống. Sự bắt chước khi đó sẽ trở nên khó khăn và vì vậy ảnh hưởng của nó gần như không có mấy. Chính vì thế những người quá nổi trội trong thời của họ hầu như không có ảnh hưởng (hay có?) rất ít. Cái khoảng cách đó nó quá lớn. Cũng vì lý do này cho nên các dân tộc châu Âu chỉ có ảnh hưởng không đáng kể tới các dân tộc phương Đông, mặc dù họ có rất nhiều cái ưu việt.”

“Tác động phối hợp của quá khứ và sự bắt chước lẫn nhau làm cho con người trong một nước và trong cùng một thời đại cuối cùng trở nên giống nhau đến nỗi ngay cả ở những người mà nghĩa vụ đặc biệt của họ là tránh sự bắt chước, như các nhà triết học, các giáo sư, các nhà văn, thì tư tưởng và sắc thái của họ vẫn có sự giống nhau như của một gia đình, và nhìn vào đó ta có thể nhận ra tức khắc họ thuộc vào thời đại nào. Chỉ qua trao đổi ngắn với một người nào đó cũng đủ để nhận biết cặn kẽ sở thích đọc của nó, các hoạt động thường xuyên và môi trường trong đó nó sống[18].”

Sự truyền nhiễm mạnh đến nỗi nó có thể ép buộc con người phải chấp nhận không chỉ những quan điểm mà còn cả những cách thức cảm nhận nhất định. Nó tạo ra sự khinh thường những tác phẩm văn hóa, chẳng hạn như đối với vở kịch “Những ngôi nhà gỗ thông” và vài năm sau đó cũng chính nó đã làm cho cái sự vu khống bẩn thỉu nhất trước kia của nó trở nên một điều tuyệt vời.

Sự giác ngộ và niềm tin của đám đông chỉ lan tỏa được bằng con đường truyền nhiễm, không bao giờ bằng những lập luận của lý trí. Qua sự khẳng định, sự lặp lại và sự truyền nhiễm xảy ra trong quán rượu đã làm cho những khái niệm hiện nay của người công nhân trở nên vững chắc, và niềm tin của đám đông trong tất cả các thời đều được tạo nên theo kiểu như vậy. Một cách chính xác, Renan đã so sánh những người thành lập ra nhà thờ thiên chúa giáo với “những người làm công tác xã hội, đã truyền bá những ý tưởng từ quán rượu này sang quán rượu khác”. Và Voltaire trong mối liên quan đến thiên chúa giáo cũng đã nhận định, “hơn một trăm năm chỉ toàn một lũ du thử du thực bám theo nó”.

Trong các thí dụ tương tự như đã dẫn, sự truyền nhiễm, nếu một khi nó đã hoàn toàn tác động được vào tầng lớp dân chúng phía dưới, nó sẽ chuyển hướng, và tác động vào tầng lớp bên trên. Ngày nay chúng ta thấy, các học thuyết xã hội chủ nghĩa đang bắt đầu tấn công vào tầng lớp bên trên này và có lẽ họ sẽ là nạn nhân đầu tiên của nó. Ngay cả quyền lợi cá nhân cũng phải nhường bước cho cơ chế truyền nhiễm.

Bởi thế, một quan điểm trở thành phổ cập cuối cùng cũng sẽ ép buộc những tầng lớp cao nhất, cho dù sự vô nghĩa của những quan điểm thắng thế đó rõ ràng đến mức nào. Sự tác động của tầng lớp xã hội bên dưới vào tầng lớp trên sẽ lại càng kỳ quặc hơn khi những quan niệm về lòng tin của đám đông ít nhiều ngày càng bị ảnh hưởng bởi một ý tưởng cao siêu, ý tưởng mà ngay đối với môi trường đã sinh ra nó lại hầu như thường không có tác động gì. Những người lãnh đạo bị nô dịch bởi cái ý tưởng cao siêu đó, chiếm đoạt nó làm của mình, sau đó làm cho nó biến dạng và lập nên một hội kín, hội kín này lại bóp méo nó lần nữa và truyền bá nó vào đám đông, là kẻ tiếp tục quá trình bóp méo kiểu như vậy. Nếu đến một lúc nào đó nó trở thành một sự thật đại chúng, lúc ấy bằng cách nào đó nó sẽ quay trở lại với cội nguồn của mình và sẽ tác động vào tầng lớp bên trên của một dân tộc. Thừa nhận rằng cuối cùng thì trí tuệ cũng sẽ lãnh đạo thế giới, nhưng mà nó lãnh đạo thế giới từ xa. Kẻ sáng tạo ra những ý tưởng từ lâu đã trở về thế giới bên kia, khi cuối cùng các ý tưởng của họ cũng đã chiến thắng, là kết quả của các quá trình mà tôi mô tả trên đây.

§3. Uy lực (le prestige)

Một quyền lực to lớn cuối cùng đã làm cho các ý tưởng, được truyền bá rộng khắp qua khẳng định, lặp lại và truyền nhiễm một sức mạnh huyền bí đến dường nào, quyền lực đó có tên là uy lực.

Tất cả những gì đang ngự trị thế giới, có thể là ý tưởng hoặc con người, sở dĩ chúng đạt được điều đó chủ yếu là nhờ vào một sức mạnh không gì ngăn cản nổi có tên gọi là uy lực. Chắc chắn rằng chúng ta tất cả đều biết đến ý nghĩa của khái niệm uy lực (prestige), nhưng người ta vận dụng nó với nhiều hình thức khác nhau đến nỗi không dễ dàng gì có thể diễn đạt nó theo một cách nào khác. Uy lực hòa đồng với một tình cảm nhất định nào đó như sự khâm phục hoặc sự kính sợ, thậm chí nó còn lấy những tình cảm đó làm nền tảng, nhưng nó cũng có thể tồn tại độc lập không cần đến chúng. Những người đã chết thường lại là những người có nhiều uy lực nhất, có nghĩa là những con người mà ta không còn cảm thấy sợ hãi nữa như: Alexander đại đế, Cäsar, Mohammed, Buddad. Mặt khác dường như những con người hoặc hình tượng mà chúng ta không hề ngưỡng mộ, ví dụ như những vị thần ghê tởm trong các chùa chiền trong lòng đất ở Ấn độ cũng có một uy lực cực mạnh.

Uy lực thực ra là một kiểu quyến rũ, mà một người có tên tuổi, một tác phẩm, hoặc một ý tưởng đã vận dụng nó vào chúng ta. Sự quyến rũ này đã làm tê liệt mọi khả năng nhận xét của chúng ta và làm cho tâm hồn chúng tràn ngập sự ngạc nhiên và kính phục. Những tình cảm được gợi nên kiểu như vậy cũng là điều không thể nào giải thích nổi, giống như tất cả mọi thứ tình cảm khác, nhưng dường như chúng đều thuộc về cùng một dạng tương tự như sự kích hoạt do một nhà thôi miên điều khiển. Uy lực là suối nguồn lớn của tất cả mọi quyền hành. Các thánh thần, các vua chúa và phụ nữ nếu không có nó có lẽ chẳng bao giờ họ có thể điều khiển được ai.

Người ta có thể gom tất cả các loại uy lực vào hai nhóm chính: nhóm uy lực thu lượm được và nhóm uy lực cá nhân. Nhóm thu lượm được là nhóm các uy lực sinh ra từ danh tiếng, từ sự giàu có và uy tín. Nó có thể không phụ thuộc gì vào nhóm uy lực cá nhân. Nhóm uy lực cá nhân ngược lại là một cái gì đó thuộc về cá nhân và nó có thể tồn tại cùng với uy tín, danh tiếng và giàu có hoặc nhờ chúng mà trở nên mạnh mẽ, nhưng uy lực cá nhân cũng hoàn toàn có thể tồn tại độc lập không hề phụ thuộc vào những thứ đó.

Uy lực thu lượm được hoặc giả tạo là thứ uy lực phổ biến nhất. Chỉ cần, ai đó được nhận một chức vụ nào đó, có một tài sản nào đó, một chức danh nào đó, cũng đã tạo nên một vòng hào quang rực rỡ của các ảnh hưởng, cho dù giá trị cá nhân của nó thấp bé chừng nào. Một người lính trong bộ quân phục, một quan tòa trong bộ áo choàng màu đỏ luôn có một uy lực. Pascal đã giải thích sự cần thiết của áo choàng và tóc giả của các quan tòa một cách rất chính xác: không có chúng họ sẽ mất đi một phần rất lớn uy quyền. Kẻ theo chủ nghĩa xã hội có tính cách dữ tợn nhất cũng giao động trước cái nhìn của một vị lãnh chúa hoặc một bá tước, và để có thể lừa được một nhà buôn một cách tùy thích thì chỉ cần quàng môt chức danh giống như thế là đủ[19].

Uy lực, như tôi đã nói ở trên đây, được vận dụng bởi các cá nhân; người ta có thể đặt uy lực bên cạnh cá nhân đó, là cái do các quan điểm, các tác phẩm văn học hoặc do nghệ thuật v.v… tạo nên. Nó chỉ dựa trên sự lặp lại được tích cóp. Do vì lịch sử, lịch sử văn học, và lịch sử nghệ thuật chỉ là sự nhắc lại của cùng một đánh giá, mà không ai muốn kiểm chứng lại nó, thế cho nên cuối cùng là ai cũng lặp đi lặp lại những điều mà họ đã từng học trong nhà trường. Có những cái tên, những sự vật nhất định chẳng có ai dám đả động đến chúng. Đối với một độc giả hiện đại thì thiên anh hùng ca của Homer là một sự ngán ngẩm cực độ không có gì để bàn cãi thêm, nhưng thử hỏi ai dám nói ra cái điều đó? Đền Parthenon trong trạng thái hiện nay chỉ là một sự đổ nát chẳng có gì thú vị, nhưng nó có một uy lực đến nỗi khi ngắm nhìn nó người ta bắt buộc phải đồng thời xem xét tất cả mọi cái đi theo của các hồi ức lịch sử. Đây là tính chất riêng biệt của uy lực, khi nó ngăn cản các sự vật được nhìn nhận như bản thân của chúng, và khi nó làm tê liệt mọi khả năng phán xét của chúng ta. Các đám đông luôn luôn, còn người độc lập thì phần lớn, có đòi hỏi phải có những quan điểm sử dụng được ngay. Sự thắng thế của các quan điểm này không phụ thuộc vào sự thực hoặc sự nhầm lẫn chứa đựng trong chúng, mà hoàn toàn và duy nhất chỉ là do dựa vào uy lực của chúng.

Bây giờ tôi chuyển qua uy lực cá nhân. Nó có sự cấu thành hoàn toàn khác so với các uy lực giả tạo hoặc thu lượm. Nó không phụ thuộc vào tất cả các loại chức danh, tất cả các kiểu uy tín. Số ít những người có uy lực kiểu như vậy đã có một tác động thực sự là thu hút và màu nhiệm vào môi trường xung quanh họ, và cả vào sự bình đẳng xã hội nữa, và người ta tuân phục họ như những con thú hoang dã thuần phục kẻ chế ngự chúng, những kẻ mà chúng dễ dàng nuốt chửng.

Những ví dụ về uy lực cá nhân

Những lãnh đạo lớn của đám đông như Buddha, Jesus, Mohammed, Jeanne d’Arc, Napoleon đều có một ảnh hưởng kiểu như vậy ở tầm vóc cao và đặc biệt qua đó họ đã tạo nên cho mình một uy tín lớn. Họ không cho phép ai giải nghĩa về các thánh thần, các anh hùng và các giáo lý; chừng nào họ cho phép như vậy cũng có nghĩa là họ tự đào hố chôn mình. Những nhân cách lớn, như tôi đã nêu ở trên, họ có được cái quyền lực mê hoặc ngay cả từ trước khi họ trở nên nổi tiếng, và nếu không có nó họ cũng không thể nào nổi tiếng được. Ví dụ, rõ ràng, rằng Napoleon trên đỉnh cao vinh quang của mình, riêng với quyền lực có được ông ta đã tạo cho bản thân một ảnh hưởng cực kỳ lớn, nhưng những ảnh hưởng đó một phần ông ta đã có sẵn từ những ngày đầu của con đường sự nghiệp, khi mà ông ta chưa có chút quyền lực trong tay và vẫn còn là một kẻ hoàn toàn vô danh. Khi mà ông ta còn là một ông tướng không tiếng tăm, được tiến cử giữ chức tư lệnh quân đội Ý, ông ta đã phải đối mặt với các tướng lĩnh thô lỗ, những người chủ mưu tổ chức một cuộc đón tiếp phủ đầu đầy đe dọa giành cho ông ta, và họ đã coi ông ta là một kẻ đột nhập non nớt và là người mà bộ chỉ huy cấp trên ép họ phải phục tùng. Nhưng ngay từ phút đầu tiên của lần tiếp xúc đầu tiên, không có những lời khuôn sáo, không có những cử chỉ, không có sự đe dọa, chỉ với một cái nhìn đầu tiên của một con người vĩ đại trong tương lai, tất cả họ dường như lập tức bị thuần phục. Taine đã thuật lại cho chúng ta theo hồi tưởng của những người đương thời về cuộc giáp mặt thú vị đó: “Các tướng lĩnh sư đoàn, trong số họ có Augereau, một con người dũng cảm và từng trải, tính cách thô lỗ, luôn hãnh diện với tầm vóc cao lớn và tính quả cảm của mình, họ cùng tiến vào đại bản doanh và đều có chung ý định chống đối kẻ nhỏ con mới nổi lên, được người ta cử đến từ Paris. Theo mọi người được nghe tả lại thì Augereau lúc này khí thế rất thù nghịch, ngay từ đầu đã thể hiện sự hỗn xược: một thằng nịnh bợ Barras, một viên tướng của sự kiện Vendémiaire, một viên tướng của đường phố mà người ta nhầm tưởng đó là một con lợn nhồi bông, bởi vì lúc nào nó cũng nghĩ, nó cần phải có một khuôn mặt nhỏ nhắn và nó phải luôn làm sao cho xứng với cái danh một nhà toán học, một kẻ mơ mộng. Họ sẽ đón tiếp và Bonaparte để cho họ chờ đợi. Cuối cùng ông ta xuất hiện, kiếm đeo bên mình, đầu đội mũ, phổ biến kế hoạch, ra mệnh lệnh và sau đó từ biệt. Augereau câm như hến suốt buổi, mãi đến khi ra ngoài mới bừng tỉnh và lấy lại được thói quen chửi bới hàng ngày của mình, ông ta và Massena đồng ý với nhau một điểm, đúng là cái viên tướng quỷ quái choắt con này đã dạy cho họ thế nào là lễ độ; ông ta không thể nào tự giải thích nổi cái ảnh hưởng, mà ngay từ ánh mắt đầu tiên ông ta đã cảm thấy mình bị đè bẹp như thế nào.”

Khi Napoleon đã trở thành một con người vĩ đại, ảnh hưởng của ông ta lớn dần theo với vinh quang mà ông ta đạt được, nó có thể sánh ngang với ảnh hưởng mà những bậc thánh thần khi tác động vào tín đổ của họ vậy. Tướng Vandamme, một nhà cách mạng từng trải, còn thô bạo và nóng nảy hơn cả Augereau, đã nói trong một ngày của năm 1815 với thống chế d’Ornano khi họ cùng bước lên cầu thang của điện Tuileries: “Bạn thân mến, cái thằng quỷ này cứ như là nó dùng phép mê hoặc đối với tôi, không thể hiểu ra sao nữa. Nó làm tôi mê hoặc đến mức không còn cảm thấy sợ hãi một cái gì ngay cả thánh thần lẫn ma quỷ, cứ đứng cạnh nó là lại thấy mình bắt đầu run lên như trẻ con, và cảm thấy như nó có thể ép được mình chui qua lỗ kim để nhảy vào lửa vậy.”

Kiểu mê hoặc như vậy, tất cả mọi người gần gũi với Napoleon đều bị ông ta tác động[20].

Davoust đã nói, khi ông ta nói về lòng trung thành của Maret và của ông ta: “Nếu hoàng đế nói với hai chúng ta: Quyền lợi chính trị của tôi đòi hỏi phải phá hủy Paris mà không để cho một ai biết và rời khỏi thành phố, thì Maret, mình tin chắc là anh ta sẽ giữ bí mật điều ấy; nhưng anh ta có lẽ không kìm được việc phải vi phạm điều đó để quyết định cho gia đình rời khỏi thành phố. Nhưng tôi thì sợ là sẽ tiết lộ một cái gì đó, nên có lẽ phải để cho vợ và các con tôi ở lại trong thành phố.”

Người ta phải nghĩ tới sự mê hoặc của cái quyền lực đáng ngạc nhiên đó, nếu muốn hiểu cuộc hồi hương tuyệt diệu từ đảo Elba, sự chiếm lĩnh một cách nhanh chóng toàn bộ nước Pháp bởi một con người đơn độc, đã phải chiến đấu chống lại tất cả mọi lực lượng có tổ chức của một đất nước rộng lớn, một con người mà người ta cho rằng đã quá mỏi mệt với sự chuyên chế của nó. (Dịch ngược, đáng lẽ phải là, “đất nước mà người ta cho rằng đã quá chán ngán sự chuyên chế của ông ta”). Chỉ cần một cái nhìn, tất cả những tướng lĩnh được cử tới và thề bắt cho được ông ta đều trở nên thuần phục không một chút chống đối.

“Napoleon lên đảo Elba hầu như có một mình và trở thành một kẻ kẻ tị nạn của đảo nhỏ này thuộc quốc vương Pháp”, tướng Wolseley viết, “và từ chốn đó ông ta khởi đầu cuộc lật đổ toàn bộ chính thể Pháp trong vòng một vài tuần không hề có sự đổ máu để trở thành ông vua chính thức; đã có bao giờ quyền lực cá nhân của một con người xứng đáng để thán phục hơn thế? Đáng kinh ngạc làm sao cái quyền lực mà ông ta vận dụng từ buổi ban đầu cho đến phút cuối của cuộc đời chinh chiến, và đây là trận cuối cùng, ngay cả đối với đồng minh, bằng cách ông ta đã ép họ chấp nhận những quyết định của mình; chỉ một chút xíu nữa thôi là ông ta có thể nghiền nát họ!”

Uy lực của ông ta vẫn còn sau khi ông qua đời và nó tiếp tục lớn lên. Nó đã giúp cho người cháu không tên tuổi của ông ta trở thành hoàng đế. Ngày nay qua sự tô điểm lại các huyền thoại về ông người ta thấy được cái bóng vĩ đại này còn mạnh mẽ dường nào. Hành hạ con người, tàn sát cả triệu mạng sống, dẫn đến hết cuộc xâm lăng này đến cuộc xâm lăng khác của kẻ thù, tất cả những cái đó các bạn đều được phép, nếu như các bạn có đủ uy lực và có đủ tài để giữ cho uy lực đó luôn tồn tại.

Chắc chắn ở đây tôi đã nêu ra một trường hợp ngoại lệ đặc biệt, nhưng nó thích hợp cho việc hiểu biết quá trình phát triển (lan tràn, sinh sôi nảy nở) của các tôn giáo lớn, các học thuyết và các đế chế. Không có cái sức mạnh mà uy lực tác động vào đám đông, sự phát triển đó có lẽ vẫn là điều chưa hiểu được (tối nghĩa, đáng ra phải dịch là, “sẽ không có cách nào hiểu nổi sự lan tràn đó”).

Đánh mất uy lực

Nhưng uy lực không chỉ hình thành nên từ uy tín cá nhân, từ vinh quang chiến trận, từ sự sợ hãi tôn giáo, nó cũng có thể có một nguồn gốc không mang một ý nghĩa nào cả và tuy thế nó cũng rất mạnh mẽ. Thế kỷ 19 đã cho ta nhiều thí dụ về điều này. Một thí dụ trong đó, mà thế giới sau đấy thỉnh thoảng còn nhắc đến, đó là câu chuyện về một người đàn ông nổi tiếng, đã làm thay đổi bộ mặt của trái đất và các quan hệ buôn bán giữa các dân tộc, bằng cách ông ta đã tách hai phần châu lục ra khỏi nhau. Ông ta hoàn tất công cuộc của mình với một ý chí vô cùng lớn, nhưng đồng thời cũng nhờ cả vào sự mê hoặc mà ông ta tác động tới môi trường xung quanh mình. Để có thể chiến thắng sự nhất trí của những người chống đối, mà ông ta đã nhận thấy trước đó, ông ta chỉ cần xuất hiện, nói ngắn gọn và đối phương như thể bị ông ta bỏ bùa mê, cuối cùng lại trở nên những người bạn của ông. Dân chúng Anh chống lại dự định của ông ta với cả một sự giận dữ; ông ta chỉ cần xuất hiện ở Anh là có thể lấy lại được mọi sự ủng hộ của họ. Sau này, khi ông ta đến Southampton, các nhà thờ đã đổ chuông mỗi khi ông đi qua. Khi đã chiến thắng tất cả, con người và công việc, ông ta tin rằng chẳng còn có gì có thể ngăn cản được ông và ông ta lại muốn tiếp tục vận dụng những phương cách như thế cho việc đào tiếp kênh Panama.

Nhưng cái niềm tin có thể dời núi, chỉ có thể thực sự dời được núi, nếu như núi không quá cao. Những ngọn núi đã phản kháng và cái tai họa tiếp nối từ đó đã phá nát niềm vinh quang sáng tỏa đã một thời bao quanh người anh hùng. Cuộc đời của ông ta là một bài học về cái ảnh hưởng đã sinh ra và rồi lại có thể mất đi như thế nào. Khi ông ta có thể sánh vai được với những người anh hùng của lịch sử, cũng là lúc ông ta bị nhà cầm quyền của đất nước ông chụp cho cái mũ là kẻ phá hoại bỉ ổi. Sau khi qua đời quan tài của ông được chở đi trong cô đơn, qua những đám đông thờ ơ, hờ hững. Chỉ có những nguyên thủ ngoại quốc tưởng nhớ đến ông và gởi lời kính viếng[21].

Song những thí dụ khác nhau, được dẫn ra như trên, chỉ thể hiện những trường hợp đặc biệt. Để có thể lập luận một cách chính xác về tâm lý học của uy lực, chúng phải được đặt vào vị trí biên của một dãy các ví dụ gồm những người sáng lập lập ra các tôn giáo cho đến những công dân bình thường, những người đã tìm cách gây ảnh hưởng đến hàng xóm của mình qua ngay cả với một bộ quần áo mới hoặc một danh hiệu nào đó.

Giữa những thành phần ngoài cùng của dãy này là tất cả các loại uy lực trong tất cả mọi lĩnh vực văn hóa khác nhau: khoa học, các thể loại nghệ thuật, văn học v.v…, và điều đó cho thấy uy lực là nguyên tố cơ bản tạo nên sự tin tưởng. Sinh thể, ý tưởng hoặc sự việc nào có uy lực phát tỏa, do ảnh hưởng qua truyền nhiễm của chúng, lập tức chúng sẽ được bắt chước, và chúng sẽ quyết định kiểu cảm nhận, cách thức diễn đạt ý nghĩ đối với cả một thế hệ con người. Hơn nữa sự bắt chước thường xảy ra một cách vô ý thức, và chính điều này làm cho nó trở nên hoàn hảo. Những họa sĩ hiện đại, phục chế lại những những tranh có mảng màu mờ nhạt và những tư thế cứng nhắc được vẽ bởi những con người nguyên thủy nào đó, không biết gì đến nguồn cảm hứng của chúng, họ quá tin vào tính trung thực của họ, đến nỗi người ta có lẽ sẽ mãi vẫn chỉ biết về những mặt ấu trĩ và chưa hoàn thiện của chúng, giả như nếu không có một bậc thầy xuất sắc làm sống lại loại hình nghệ thuật đó. Những kẻ bắt chước theo mẫu của một nghệ sĩ phục chế danh tiếng, khi phủ lên phông vẽ của họ những bóng màu tím, hẳn đã không nhìn thấy cái màu tím trong tự nhiên như người ta trước đó năm mươi năm đã nhìn, nhưng rõ ràng họ đã bị ảnh hưởng bởi cái ấn tượng cá nhân đặc biệt của một họa sĩ, người đã có một uy lực lớn. Trong tất cả các lĩnh vực nghệ thuật đều có thể dễ dàng chỉ ra những ví dụ kiểu như vậy.

Ta thấy, như đã trình bày trên đây, rằng có thể có rất nhiều yếu tố tham dự vào sự hình thành nên uy lực. Một trong những yếu tố đó thường là sự thành công. Mỗi một con người đạt được sự thành công, mỗi một ý tưởng trở nên thắng thế, những cái đó cũng đã đáng để được kính trọng.

Uy lực biến đi luôn đúng vào cái thời điểm xảy ra sự thất bại. Người anh hùng, ngày hôm qua còn được đám đông tung hô, ngày mai sẽ bị chính họ phỉ nhổ nếu như số của ông ta đã đến. Uy lực càng lớn, thì sự đổi chiều càng mãnh liệt. Đám đông lúc đó coi người anh hùng thất thế cũng chỉ còn là kẻ bằng vai phải lứa với họ và họ sẽ trả thù cho cái sự đã từng phải thần phục kẻ hơn mình, mà giờ đây đối với nó họ chẳng còn chút kính trọng nào nữa. Khi mà Robespierre ra lệnh chặt đầu những đồng nghiệp và số đông các đồng chí của ông ta, ông ta đang có một uy lực vô cùng lớn. Sự xê dịch một số ý kiến biểu quyết đã lấy đi của ông lập tức cái uy lực đó, và sau đó đám đông đi theo sau ông đến đoạn đầu đài với vố số lời nguyền rủa y như ngày trước đó họ đã từng làm đối với những nạn nhân của ông ta. Các tín đồ luôn đập nát trong cơn tức giận những hình tượng thánh thần của họ trước đó.

Sự thất bại bị phát hiện đã làm cho uy lực mất đi nhanh chóng. Nó cũng có thể bị hao mòn, do việc người ta bàn luận về nó; điều này xảy ra chậm hơn, nhưng chắc chắn. Cái uy lực một khi đã bị đem ra bàn luận sẽ không còn là uy lực nữa. Thánh thần và con người, kẻ nào có ý thức về việc giữ cho uy lực của mình tồn tại dài lâu, sẽ không bao giờ dung thứ cho các kiểu bàn luận. Ai muốn được đám đông ngưỡng mộ, người đó lúc nào cũng phải nên giữ một khoảng cách đối với họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.