Tâm Lý Học Đám Đông

Chương 3: Những ý tưởng, những lập luận và trí tưởng tượng của đám đông



§1. Những ý tưởng của đám đông

Những nghiên cứu từ một công trình trước đây của tôi về ý nghĩa của các ý tưởng đối với sự phát triển của các dân tộc đã chứng minh rằng, mỗi một nền văn minh đều phát triển dựa trên một số ít những ý tưởng nền tảng, thường rất ít khi đổi mới. Ở đấy tôi đã trình bày, các ý tưởng này đã bám chặt vào tâm hồn của đám đông như thế nào, nó đã thấm vào những tâm hồn đó môt cách khó nhọc ra sao, và sau đấy nó đã đạt đến sức mạnh như thế nào. Tôi cũng đã chỉ ra rằng, những biến đổi vĩ đại trong lịch sử thường xuất phát từ sự thay đổi của những ý tưởng nền tảng này.

Do bởi tôi đã luận giải vấn đề này một cách đầy đủ, cho nên tôi không muốn quay trở lại nữa và tôi chỉ muốn giới hạn trong một vài lời về những ý tưởng đã tiếp cận vào đám đông và đám đông đã tiếp nhận chúng ở những dạng nào.

Người ta có thể phân những ý tưởng đó thành hai loại. Thuộc về loại thứ nhất, chúng ta thấy là những ý tưởng tình cờ và thoáng qua, chúng sinh ra do một ảnh hưởng tức thời: ví dụ như tình cảm dành cho một cá nhân hoặc một học thuyết. Thuộc về loại thứ hai là những ý tưởng nền tảng, được môi trường, di truyền và đức tin tạo cho một sự bền vững lâu dài, ví dụ như các giáo lý khi xưa, những tư tưởng dân chủ và xã hội ngày nay.

Người ta có thể ví những tư tưởng nền tảng như khối nước của một dòng sông đang chậm rãi trôi, những ý tưởng thoáng qua là những gợn sóng luôn thay đổi trên bề mặt, nó làm cho bề mặt sống động mặt dù chẳng có ý nghĩa gì rõ ràng hơn là bản thân dòng chảy.

Trong thời đại của chúng ta, những quan điểm nền tảng, mà cha ông chúng ta đã từng sống với chúng, ngày càng trở nên bị lung lay và đồng thời những thiết chế dựa trên những ý tưởng đó cũng bị chấn động hoàn toàn. Hàng ngày có biết bao nhiêu những ý tưởng thoáng qua nảy sinh, như tôi đã nói về chúng ở trên; nhưng dường như chỉ một số ít trong đó có thể đạt được ảnh hưởng đáng kể.

Những ý tưởng nào đám đông thích tiếp nhận mặc lòng, chúng chỉ có thể phát huy tác dụng, nếu khi đám đông tiếp nhận chúng, chúng có một hình thức rất đơn giản và phản ánh vào tâm trí họ dưới dạng hình ảnh. Không có ràng buộc nào của sự sắp đặt một cách logic, hay là sự mạch lạc đuợc dùng để kết nối những hình ảnh tưởng tượng đó lại với nhau; chúng có thể thay thế nhau như những tấm kính ảnh của chiếc đèn chiếu nhiệm màu (Larterna magica), được người trình diễn lấy ra từ một cái hộp. Người ta cũng sẽ nhận thấy trong đám đông những sự tưởng tượng trái ngược nhau tiếp nối xuất hiện. Dưới tác động của một trong những ý tưởng được chứa sẵn trong đầu, đám đông sẽ tuân theo một một ý nghĩ chợt lóe lên và sẽ thực hiện những hành động rất khác nhau. Sự thiếu vắng hoàn toàn khả năng xét đoán đã làm cho họ không thể nhận ra được các mâu thuẫn.

Hiện tượng như vậy không chỉ xuất hiện ở đám đông. Người ta cũng thấy nó ở nhiều con người độc lập, và không chỉ ở người nguyên thủy. Tôi cũng đã quan sát thấy điều đó ở những người có học theo đạo Hindu, đang theo học và làm luận văn tiến sĩ tại các trường đại học ở châu Âu chúng ta. Những nền tảng xã hội và tín ngưỡng vững chắc mà họ được kế thừa không hề bị suy chuyển, khi người ta phủ lên chúng một lớp quan điểm châu Âu xa lạ. Trong những cơ hội tình cờ, những thành phần của cái nền tảng đó sẽ lộ ra, khi bằng lời nói khi bằng hành động và lúc đó ở cùng một con người cho thấy có những mâu thuẫn rất rõ ràng. Dĩ nhiên những mâu thuẫn này có vẻ hình thức nhiều hơn là thực sự, bởi đối với một người độc lập, chỉ những hình ảnh được kế thừa mới đủ mạnh để có thể biến thành những động lực thúc đẩy những hành vi của nó. Chỉ khi, con người do bị lai giống từ các gen di truyền khác nhau, họ mới có thể bất chợt có những hành động thực sự mâu thuẫn với nhau.

Ở đây cũng không cần thiết đặc biệt nhấn mạnh đến những hiện tượng như vậy, mặc dù chúng có những ý nghĩa cơ bản đối với tâm lý học. Theo tôi nghĩ, để có thể hiểu được chúng người ta phải cần tới ít nhất mười năm đi đây đó và quan sát.

Bởi những ý tưởng, chỉ với cấu trúc rất đơn giản mới thâm nhập được vào đám đông, cho nên để có thể trở thành bình dân, dễ gần, chúng phải tự hoàn toàn đổi dạng. Nếu đó là những ý tưởng triết học hoặc khoa học cao siêu, người ta có thể định ra những thay đổi cơ bản cần thiết, từng bậc một, xuống thấp dần cho đến khi thích hợp với đám đông. Mức độ của sự thay đổi này phụ thuộc rất nhiều vào chủng tộc tạo nên đám đông đó, tuy nhiên kiểu nào thì nó cũng phải luôn thu nhỏ lại và đơn giản hơn. Bởi thế, theo quan điểm xã hội học, trong thực tế không có sự cao thấp của các ý tưởng, có nghĩa là không có quan điểm này cao hơn quan điểm kia. Chỉ qua việc, để một ý tưởng có thể đến được với đám đông và phát huy tác động, nó đã phải trải qua quá trình lột bỏ tất cả những gì từng làm nên sự vĩ đại, sự cao siêu của nó, cũng đã nói lên điều đó.

Giá trị của một ý tưởng xếp theo thứ bậc là hoàn toàn vô nghĩa; chỉ có tác động của nó mới thực sự là điều cần phải để ý. Những ý tưởng thiên chúa giáo thời trung cổ, những ý tưởng dân chủ thế kỷ 18, những ý tưởng xã hội chủ nghĩa ngày nay chắc chắn rằng không thể có một thứ bậc thật cao, về mặt triết học người ta có thể coi chúng là những nhầm lẫn khá đáng thương, nhưng ý nghĩa của chúng đã và đang cực kỳ to lớn và sẽ còn rất lâu nữa chúng vẫn là những phương tiện cơ bản nhất để điều hành một nhà nước.

Nhưng ngay cả khi, nếu như ý tưởng đã trải qua sự biến đổi để đám đông có thể tiếp nhận, nó cũng chỉ sẽ có tác động, nếu như nó – qua những bước khác nhau, những bước này là gì còn phải tiếp tục nghiên cứu thêm – thâm nhập được vào cái vô thức của đám đông và trở nên tình cảm của họ. Sự biến chuyển này thông thường kéo dài rất lâu.

Người ta không được phép tin rằng, một ý nghĩ chỉ cần qua chứng minh được tính đúng đắn của nó là có thể gây nên tác động, ngay cả đối với những người hiểu biết. Ta sẽ tin vào điều này, khi ta thấy, những bằng chứng sáng tỏ nhất cũng chỉ có một ảnh hưởng rất nhỏ bé vào phần đông các con người. Một bằng chứng vững chắc có thể được một người nghe có kinh nghiệm chấp nhận, nhưng cái vô thức bên trong anh ta sẽ nhanh chóng đưa anh ta trở lại cái quan điểm có từ ban đầu. Nếu vài ngày sau gặp lại, anh ta sẽ lại nêu lên những nghi vấn mới với những lý lẽ y hệt như thế. Anh ta rõ ràng đã bị những ảnh hưởng của các quan niệm trước đây tác động, những cái lớn lên từ tình cảm; và chính chúng đã ảnh hưởng tới động cơ của những lời nói và hành động.

Nếu một ý tưởng, khi đã ăn sâu được vào tâm hồn đám đông, lúc đó nó sẽ phát triển thành một quyền lực không gì chống lại được, và tạo ra hàng loạt những tác động. Các ý tưởng triết học dẫn đến cuộc cách mạng Pháp đã phải cần đến gần một thế kỷ mới có thể bám rễ vào tâm hồn những người dân. Người ta cũng biết, nó đã sinh ra một sự tàn bạo không gì ngăn cản nổi như thế nào. Cuộc tấn công của toàn dân nhằm giành lại sự công bằng xã hội, hiện thực hóa những ý tưởng về nhân quyền và tự do đã làm rung chuyển cả châu Âu đến tận gốc rễ. Hai mươi năm trời dân chúng xông vào đâm chém lẫn nhau, châu Âu được nếm mùi thế nào là hủy diệt, chỉ có thể so sánh được với những gì mà Dschingiskhan (Thành Cát Tư Hãn) và Tamerlan đã làm. Rõ ràng hơn bao giờ hết, những gì nhiệt thành của một ý tưởng đem lại, đúng là có khả năng làm đổi hướng các tình cảm.

Các ý tưởng cần phải có nhiều thời gian để có thể bám rễ vào đám đông, và nó cũng cần không ít hơn thời gian để có thể biến đi khỏi đó. Về mặt ý tưởng, đám đông cũng luôn lạc hậu hơn nhiều thế hệ so với những nhà khoa học và triết học. Ngày nay tất cả những nhà cầm quyền đều thừa biết, có bao nhiêu sai lầm hiện nằm trong những ý tưởng nền tảng, những cái mà tôi vừa đề cập đến ở trên; nhưng bởi vì ảnh hưởng của những ý tưởng đó còn rất lớn, cho nên các nhà cầm quyền vẫn bắt buộc phải điều hành đất nước theo những ý tưởng nền tảng đó, mặc dù từ lâu bản thân họ đã không còn tin vào sự đúng đắn của chúng nữa.

§2. Lập luận của đám đông

Người ta không thể quả quyết một cách chắc chắn rằng, đám đông không thể bị tác động bởi những suy luận. Nhưng những lý lẽ họ vận dụng và những lý lẽ tác động đến họ, dường như nhìn về mặt logic nó tầm thường đến nỗi người ta chỉ cần làm một phép so sánh cũng có thể rút ra kết luận.

Những lập luật tầm thường cũng như những lập luận sâu sắc chúng đều dựa trên sự liên kết các ý tưởng: nhưng những liên kết các ý tưởng mà đám đông thực hiện chỉ là sự kết nối những gì giống nhau và có thứ tự. Họ kết nối như người Eskimo, từ kinh nghiệm biết rằng, băng đá là một vật thể trong suốt, tan trong miệng và từ đó rút ra kết luận rằng thủy tinh, do cũng trong suốt, nên nó cũng phải tan trong miệng; Hoặc như người hoang dã, họ cho rằng, nếu họ ăn trái tim của một kẻ thù dũng cảm thì họ sẽ nhận được sự dũng cảm của nó; hoặc như những người công nhân, bị chủ của họ bóc lột và từ đó rút ra kết luận rằng, tất cả giới chủ đều là kẻ bóc lột.

Sự kết nối các sự vật tương tự, cho dù chúng chỉ có những biểu hiện giống nhau về bề mặt, và sự khái quát hóa một cách vội vã những trường hợp riêng biệt, là những đặc điểm trong logic của đám đông. Những kiểu lập luận như vậy luôn được các thuyết gia khéo nói sử dụng trước đám đông. Một chuỗi những lập luận vững chắc sẽ là điều hoàn toàn khó hiểu đối với đám đông, cho nên ta có thể được phép nói rằng, họ chẳng lập luận gì cả hoặc lập luận sai và lập luận logic không có tác động gì tới họ. Thường chúng ta hay bị ngạc nhiên khi đọc những bài viết về những điểm yếu trong một bài phát biểu nào đó, thế mà nó lại có tác động mạnh mẽ đến người nghe; nhưng ta quên mất rằng, bài phát biểu đó được làm ra để lôi kéo đám đông, chứ không phải để cho những triết gia đọc. Thuyết gia, người gần gũi với đám đông, luôn biết cách gợi lên những hình ảnh để có thể lôi cuốn họ. Nếu ông ta đạt được điều đó, có nghĩa là ông ta đã đạt được mục đích, và hàng loạt những lời phát biểu cũng không bằng một vài câu đi vào lòng người và đem đến niềm tin cho họ.

Cũng quá thừa khi lưu ý rằng, sự thiếu khả năng lập luận của đám đông đã tước đi của họ mọi năng lực phê phán, có nghĩa là khả năng để phân biệt được giữa đúng và sai, khả năng đưa ra một phán xét xác đáng. Những lập luân mà đám đông chấp nhận chỉ là những lập luận khiên cưỡng, không bao giờ được kiểm chứng. Nhiều con người độc lập về mặt này cũng không hơn gì đám đông. Sự nhẹ dạ khi khái quát hóa những ý kiến nhất định nào đó phụ thuộc trước hết vào sự thiếu khả năng để có thể đưa ra một ý kiến của chính mình, trên cơ sở của những suy luận đặc biệt, ở phần đông các con người.

§3. Sức tưởng tượng của đám đông

Giống như ở tất cả những ai không biết suy nghĩ một cách logic, sức tưởng tượng đặc biệt của đám đông dễ dàng tạo nên sự xúc động cực kỳ sâu sắc. Những hình ảnh hiện lên trong trí óc họ bởi một người nào đó, bởi một sự kiện, bởi một tai nạn xảy ra đều sống động gần như là hiện thực. Đám đông gần như ở trong trạng thái của một người đang ngủ, khả năng suy xét trong phút chốc bi gạt sang một bên, nhường chỗ cho những hình ảnh cực kỳ mạnh mẽ hiện lên trong đầu và sau đó chúng cũng sẽ biến đi rất nhanh một khi sự suy xét có ý định xen trở lại. Đám đông, không có khả năng xem xét và suy nghĩ một cách lô gic, với họ chẳng có gì là không có thể. Ngược lại những cái không có thể nhất thường lại hay lộ ra rõ nhất.

Chính vì thế đám đông thường bị những mặt diệu kỳ và huyền thoại của các sự kiện tác động mạnh mẽ nhất. Sự diệu kỳ và huyền thoại quả đúng là những trụ cột của một nền văn hóa. Cái ảo trong lịch sử luôn có vai trò quan trọng hơn là cái thực. Cái không thực luôn có quyền đứng trước cái thực.

Đám đông chỉ có thể suy nghĩ qua hình ảnh và chỉ để các hình ảnh tác động vào mình. Chỉ có những hình ảnh mới làm cho họ khiếp sợ hoặc say đắm và chúng là nguyên nhân của những hành động của họ. Chính vì thế trong các vở kịch khi tạo ra những hình tượng với đường nét sâu đậm đã gây nên một sự tác động cực mạnh vào đám đông. Với đám đông dân chúng thành Rom khi xưa, bánh mì và các trò chơi là lý tưởng hạnh phúc. Lý tưởng này rất ít thay đổi trong dòng chảy của thời gian. Không có gì kích động trí tưởng tượng của đám đông mạnh mẽ hơn là một vở diễn sân khấu. Tất cả các khán giả cảm nhận đồng thời một tình cảm giống nhau, và nếu như nó không thể ngay lập tức trở thành hành động, thì cũng chỉ vì người khán giả vô thức chưa thể phớt lờ sự nghi ngờ rằng anh ta lại là nạn nhân của ảo giác, và đã khóc, đã cười về những cuộc phiêu lưu tưởng tượng. Song thỉnh thoảng những tình cảm được khơi dậy bởi các hình ảnh cũng đủ mạnh để có thể biến thành hành động, giống như được tác động bởi sự kích hoạt (suggestion) thông thường. Người ta cũng đã từng kể về những buổi trình diễn, trong đó diễn viên đóng vai kẻ phản bội, sau khi kết thúc buổi trình diễn phải được bảo vệ cẩn thận để tránh sự tấn công của những khán giả vẫn còn đang công phẫn trước hành động tội ác dường như là của diễn viên nọ đã thể hiện trong vở kịch. Điều này theo ý kiến của tôi là một ví dụ chính xác nhất về trạng thái tinh thần của đám đông, và đặc biệt là sự nhẹ dạ, dễ bị tác động. Cái không có thật trong con mắt họ cũng quan trọng như cái có thật. Họ có xu hướng rõ ràng là không hề phân biệt bất cứ cái gì.

Quyền lực của kẻ chiến thắng và sức mạnh của nhà nước được xây dựng trên trí tưởng tượng của người dân. Nếu ta gây được ấn tượng trong trí tưởng tượng đó, ta có thể lôi kéo cả đám đông đi theo. Tất cả những sự kiện có ý nghĩa trong lịch sử, sự ra đời của đạo Phật, của đạo Thiên chúa, đạo Hồi, các cuộc cải cách, các cuộc cách mạng và sự bùng nổ đầy đe dọa của chủ nghĩa xã hội trong thời đại của chúng ta đều là hậu quả trực tiếp hoặc gián tiếp của những ấn tượng mạnh vào trí tưởng tượng của đám đông.

Cũng thế, những nguyên thủ quốc gia trong mọi thời đại ở tất cả các nước, là những người chiếm được quyền thống trị tuyệt đối, đều coi trí tưởng tượng của dân chúng là các cột trụ của quyền lực. Không bao giờ họ có ý định cai trị ngược với những trí tưởng tượng đó. “Tôi đã kết thúc cuộc chiến tại Vendeé, bởi vì tôi đã trở thành người công giáo”, Napoleon đã nói như vậy trước hội đồng quốc gia, “tôi chiếm giữ được Ai cập, bởi vì tôi đã trở thành người theo đạo Hồi, và tôi đã chiến thắng những thầy tu người Ý bởi vì tôi ủng hộ sự toàn quyền của giáo hoàng. Khi tôi cai trị người Do thái tôi sẽ cho xây lại đền thờ vua Salomon.” Từ thời Alexander và Cäsar có lẽ chưa có một con người vĩ đại nào lại biết cách gây ấn tượng vào tâm hồn đám đông như Napoleon; mối quan tâm thường xuyên của Napoleon là sự tác động vào tâm hồn đám đông. Ông ta mơ đến nó trong chiến thắng, trong lời nói, trong hành động, và trong tất cả các công việc – ngay cả khi nằm chờ chết ông ta vẫn còn mơ đến điều đó.

Làm thế nào để có tạo nên ấn tượng trong trí tưởng tượng của đám đông? Chúng ta sẽ thấy điều này ngay bây giờ. Trong khi chờ đợi chỉ có thể nói rằng, mục đích này sẽ không bao giờ đạt đến đựơc bằng cách thử tác động vào suy nghĩ và lý trí. Antonius không cần đến những sự hùng biện trừu tượng để kích động nhân dân chống lại những kẻ đã sát hại Cäsar. Ông ta chỉ đọc cho họ nghe di chúc và cho họ xem thi hài của Cäsar.

Tất cả những gì làm kích động trí tưởng tượng của đám đông đều thể hiện ở dạng một hình ảnh cô đọng, rõ nét, không cần có một phương tiện giải thích nào đi kèm và chỉ được một vài sự kiện tuyệt vời hỗ trợ như: một thắng lợi lớn, một điều kỳ lạ lớn, một tội ác lớn, một niềm hy vọng lớn. Chúng làm cho sự vật được tiếp nhận một cách chớp nhoáng và không mảy may cần biết đến nó đã như thế nào. Hàng trăm tội ác nhỏ hoặc hàng trăm tai nạn nhỏ thường sẽ chẳng gây nên một chút tác động đáng kể đối với trí tưởng tựợng của đám đông; thế nhưng nó lại bị sốc rất mạnh bởi duy nhất một tội ác man rợ, một tại nạn thảm thương, cho dù máu có đổ ít hơn nhiều so với số máu của tất cả những tai nạn nhỏ cộng lại. Đại dịch cúm cách đây vài năm làm cho năm nghìn người Paris tử vong trong vòng vài tuần, song chỉ gây nên chút ít ấn tượng tới trí tưởng tựợng của dân chúng. Dĩ nhiên thảm họa này, trong cái nghĩa đúng nhất của nó, đã không tự biến thành một vài hình ảnh thấy được, mà chỉ là những con số thống kê trong các báo cáo hàng ngày. Một tai họa đáng lý ra phải lấy đi năm ngàn sinh mạng nhưng chỉ có năm trăm người bị chết, và chỉ nội trong một ngày, tại một địa điểm công cộng, nhiều người nhìn thấy, giả sử như sự sụp đổ của tháp Eiffel chẳng hạn, sẽ gây nên một ấn tượng kinh khủng đổi với óc tưởng tượng. Sự phỏng đoán về việc mất tích của một con tàu vượt đại dương, mà người ta nhầm tưởng rằng nó đã bị đắm ngoài biển xa, đã đặc biệt kích thích trí tưởng tượng của đám đông tám ngày liền. Các con số thống kê đến giờ cho thấy, trong cùng những năm đó có tới hàng ngàn chiếc tàu lớn bị đắm. Thế nhưng đám đông chẳng mảy may quan tâm đến những sự tổn thất một cách từ từ như vậy, những tai nạn đã xảy ra theo một kiểu khác với số người chết và lượng hàng hóa bị tổn thất lớn hơn nhiều.

Vậy có thể nói, không phải tự bản thân các sự kiện đã kích thích trí tưởng tượng của dân chúng, mà là hình thức và cung cách của chúng đã xảy ra như thế nào. Chúng phải qua dồn nén – nếu tôi được phép nói như vậy – thành một hình ảnh cô đọng thỏa mãn và nắm bắt được tâm trí. Nghệ thuật kích thích sức tưởng tượng của đám đông cũng chính là nghệ thuật để lãnh đạo họ.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.