Tâm Lý Học Đám Đông

Tập 3 – Phân loại và mô tả các dạng khác nhau của đám đông – Chương 1: Phân loại đám đông



Trong bài viết này cho đến nay chúng ta đã xác định được những đặc tính chung mà các đám đông đều có. Tiếp đến chúng ta còn phải nghiên cứu đến những đặc tính riêng biệt được là tiền đề cho những đặc tính chung này tùy theo chủng loại của các tập thể.

Trước hết chúng ta hãy xây dựng một sự phân loại ngắn gọn cho các đám đông.

Xuất phát điểm của chúng ta là tập hợp đơn giản (la simple multitude). Lớp dưới cùng của nó sẽ hình thành nên khi nó được tập hợp bởi các phần tử riêng biệt của nhiều giống nòi khác nhau. Sợi dây ràng buộc chung duy nhất giữa chúng là ý chí của người lãnh đạo, cái ít nhiều được tôn trọng. Có thể lấy các bầy lũ man rợ có xuất xứ khác nhau trong suốt nhiều thế kỷ đã từng tàn phá đế chế Rôm làm ví dụ cho dạng đám đông này.

Bên trên cái đám đông không có mối liên kết đó là đám đông với những đặc trưng chung tạo bởi ảnh hưởng của một số yếu tố nào đó và cuối cùng làm nên một chủng tộc. Chúng thỉnh thoảng cũng tiếp nhận một vài đặc điểm đặc biệt của đám đông nhưng thường thì sự tiếp nhận đó luôn bị các đặc tính riêng của giống nòi cản trở.

Các loại đám đông khác nhau quan sát thấy ở các dân tộc được phân thành các nhóm sau:

A. Đám đông không đồng nhất (foules hétérogènes):

1. Không danh tính (ví dụ: Sự tụ tập trên đường phố)

2. Không có danh tính (ví dụ: đoàn bồi thẩm, nghị viện) B. Đám đông đồng nhất (foules homogènes):
1. Các nhóm, hội kín (chính trị, tôn giáo và các loại hội nhóm khác)

2. Đẳng cấp (quân đội, cha đạo, công nhân v.v…

3. Giai cấp (tư sản, nông dân v.v…)

Chúng tôi chỉ trình bày ngắn gọn các tính chất khác biệt của các dạng khác nhau này của đám đông. Về chi tiết có thể tìm hiểu thêm trong các bài viết mới đây của tôi.

§1. Đám đông không đồng nhất

Những nét cơ bản của tập thể này chúng ta đã nghiên cứu đến. Chúng được tạo thành từ những phần tử riêng biệt bất kỳ nào đó, nghề nghiệp hoặc trình độ hiểu biết không là vấn đề quan trọng.

Chúng ta đã chỉ ra ở đây, rằng trạng thái tâm hồn của những con người trong đám đông không giống với trạng thái lúc họ còn là một con người riêng lẻ, và cho đến trước khi xảy ra sự khác biệt này trình độ nhận thức cũng không cứu vãn được tình hình. Chúng ta cũng đã nhận thấy, trình độ hiểu biết không đóng một vai trò nào trong đám đông. Chỉ có những tình cảm vô thức là có thể có tác động trong chúng.

Một yếu tố cơ bản, đó là giống nòi, đã giúp cho chúng ta có thể phân loại một cách tương đối rõ ràng các đám đông không đồng nhất khác nhau. Chúng ta lại một lần nữa đã quay trở lại với vấn đề giống nòi và đã chỉ ra, rằng nó là yếu tố mạnh mẽ nhất có được cái quyền lực quyết định hành động của con người. Tác động của nó cũng thể hiện trong các tính chất của đám đông. Một tập hợp được tạo thành từ các cá nhân khác nhau riêng biệt bất kỳ nào đó, có thể là người Anh hoặc là người Trung quốc, sẽ rất khác biệt so với một đám đông khác được tạo thành từ người Nga hoặc người Pháp hoặc người Tây ban nha.

Sự khác biệt sâu sắc, hình thành nên bởi cấu trúc tinh thần được thừa kế trong cách cảm nhận và suy nghĩ của con người, sẽ thể hiện ra một cách rõ ràng, nếu trong một điều kiện nhất định, tuy nhiên là rất ít khi xảy ra, các dân tộc riêng biệt khác nhau tạo thành một đám đông, cho dù dường như các mối quan tâm của họ rất giống nhau. Sự cố gắng của những người xã hội chủ nghĩa trong việc liên kết rộng rãi các đại diện của giới công nhân của tất cả các nước lại với nhau, luôn kết thúc với một sự bất hòa kịch liệt. Một đám đông Latinh, bất kể thuộc loại bảo thủ hay cách mạng, bao giờ cũng tìm đến nhà nước để thỏa mãn những yêu cầu của họ. Họ luôn ngả theo hướng tập trung hơn là hướng quân chủ. Một đám đông người Anh hoặc người Mỹ ngược lại không biết đến nhà nước và chỉ dựa vào sức lực của chính mình.

Một đám đông người Pháp coi trọng trước hết là sự bình đẳng, còn đám đông người Anh thì lại coi trọng trước hết là sự tự do. Sự khác biệt về giống nòi này đã tạo nên nhiều dạng đám đông có số lượng gần như số lượng các dân tộc.

Tâm hồn giống nòi như vậy nó quyết định hoàn toàn tâm hồn đám đông. Nó là một nguyên tố cơ bản mạnh mẽ, quyết định sự giao động của tâm hồn đám đông. Những tính chất thấp hèn của đám đông càng ít thể hiện rõ khi tâm hồn đám đông trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là quy luật cơ bản. Nhà nước của đám đông hay sự thống trị của đám đông đồng nghĩa với việc quay trở lại thời đại dã man. Qua việc tiếp nhận một tâm hồn vững chắc, giống nòi tự bảo vệ mình trước những bạo lực thiếu suy nghĩ và vượt qua được tình trạng dã man.

Việc phân loại duy nhất đối với đám đông không đồng nhất mà không sử dụng đến yếu tố giống nòi của nó là sự phân loại theo đám đông không danh tính, như đám đông của đường phố, và theo đám đông có danh tính, ví dụ như các hội đồng cố vấn và tòa bồi thẩm. Sự thiếu vắng cảm giác về tinh thần trách nhiệm trong nhóm thứ nhất và sự có mặt của nó trong nhóm thứ hai đã khiến cho hành động của hai nhóm này thường đi theo những hướng khác nhau.

§2. Đám đông đồng nhất

Đám đông đồng nhất trước tiên bao gồm các hội đoàn, các tầng lớp đặc quyền và các giai cấp.

Các hội đoàn được coi là mức độ ban đầu trong sự tổ chức của các đám đông đồng nhất. Nó bao gồm những thành phần riêng lẻ mà giáo dục, nghề nghiệp, môi trường sống của họ thường rất khác nhau và niềm tin là sự liên kết giữa họ với nhau, ví dụ như các hội nhóm tôn giáo hoặc chính trị.

Tầng lớp đặc quyền đuợc coi là mức độ tổ chức cao nhất mà đám đông có thể tạo ra. Trong khi các hội đoàn gồm những người rất khác nhau về nghề nghiệp, trình độ và môi trường sống và họ liên kết lại với nhau chỉ bởi niềm tin, thì tầng lớp đặc quyền bao gồm chỉ những cá nhân có cùng một nghề nghiệp và do đó cũng có một sự giáo dục, đào tạo tương đối giống nhau và gần như có cùng một kiểu hành xử trong cuộc sống. Ví dụ như tầng lớp quân sự hoặc tầng lớp các thầy tu.

Giai cấp được hình thành nên từ những cá nhân có xuất xứ khác nhau, họ không giống như những thành phần của một hội đoàn là có chung niềm tin, họ cũng không có cùng chung một nghề nghiệp như những thành phần trong tầng lớp đặc quyền, cái chung mà họ có là những quan tâm về các quyền lợi nhất định, họ có một lối sống và được dạy dỗ một cách tương đối giống nhau. Ví dụ cho trường hợp này là các giai cấp như tư sản, nông dân v.v…
Do bởi trong bài này tôi chỉ nghiên cứu về đám đông không đồng nhất, cho nên tôi chỉ đề cập đến một vài dạng của đám đông loại này khi cần phải dẫn ra một số ví dụ.

§3. Cái gọi là đám đông tội phạm

Bởi đám đông sau một khoảng thời gian bị kích thích sẽ rơi vào trạng thái của một người máy đơn giản và vô thức, nó nằm dưới sự tác động của các ảnh hưởng, vì vậy có vẻ như rất khó có thể gọi tên nó là đám đông tội phạm trong bất kỳ một trường hợp nào. Tuy nhiên tôi vẫn giữ nguyên cái tên không rõ ràng này bởi nó đã thường được sử dụng trong các nghiên cứu về tâm lý học. Chắc chắn có những hành động của đám đông là tội phạm, nhưng cũng chỉ như là những hành động của một con hổ ăn thịt một người theo đạo Hindu, sau khi đã vờn cho lũ con của nó xem chán chê rồi mới xé xác.

Đám đông tội phạm thông thường là hậu quả của sự kích hoạt (suggestion) mạnh và những cá nhân can dự vào sau đó đều tin rằng họ đã thực hiện một nghĩa vụ. Đó cũng là điều không có trong các trường hợp phạm tội thông thường. Lịch sử tội phạm của đám đông sẽ cho ta nhận thấy rõ ràng điều đó.

Một thí dụ tiêu biểu đó là sự giết hại giám đốc ngục Bastille, du Launay. Sau khi chiếm được ngục, đám đông giận dữ đã vây quanh ông giám đốc và đánh ông ta từ đủ mọi phía. Người ta đề nghị treo cổ ông ta, chặt đầu ông ta hoặc buộc vào đằng sau cho ngựa kéo. Trong khi tìm cách vùng thoát khỏi đám đông, ông đã vô tình đá phải một người nào đó trong số đứng vây quanh. Lập tức có người đề nghị kẻ bị đá được phép cắt cổ ông ta và đám đông đã reo hò hưởng ứng.

“Cái ông đầu bếp thất nghiệp nọ, cũng chỉ vì tò mò mà lần đến chỗ ngục Bastille để xem xem ở đấy đang xảy ra chuyện gì, và tại đây ông ta đã tin, rằng đó là một hành động yêu nước, bởi vì tất cả mọi người cũng đều có một ý nghĩ như vậy, và thậm chí ông ta còn tin rằng sẽ được khen thưởng hoặc được nhận huân chương, nếu như ông ta giết một con quái vật. Người ta trao cho ông ta một thanh kiếm, và ông ta đã nhằm vào cái cần cổ trần trụi kia mà chém xuống; nhưng do bởi thanh kiếm quá cùn, chém không thể đứt, ông ta liền rút con dao đeo trong mình và kết thúc thắng lợi cuộc giải phẫu (bởi là đầu bếp nên ông ta rất thạo việc pha thịt).”

Ở đây cái cơ chế, từng được nhắc tới trước đây trong bài viết này, đã thể hiện một cách rất rõ ràng: đó là sự tuân phục một ảnh hưởng, mà tác động của nó càng mạnh mẽ khi nó được sinh ra từ đám đông, nó tạo nên niềm tin cho kẻ giết người về tính cao cả của hành động đó, và kẻ giết người càng trở nên tự nhiên hơn khi được những người đồng chí của nó cổ vũ một cách nhiệt tình. Một hành động kiểu như vậy về mặt luật pháp có thể bị quy là tội phạm nhưng về mặt tâm lý học thì không có thể. Những đặc tính chung của cái gọi là đám đông tội phạm cũng giống hệt như những đặc tính chung của mọi đám đông, là những điều chúng ta đã từng xác định, đó là: tính dễ bị tác động, tính nhẹ dạ, tính dao động quá đáng giữa tình cảm tốt và xấu, sự nổi bật của những tính cách đạo đức nhất định v.v…

Tất cả những đặc tính đó chúng ta đều nhận thấy ở những người đàn ông của những ngày tháng chín, những con người đã để lại trong lịch sử của chúng ta những hồi ức chấn động tâm hồn mạnh mẽ nhất. Tuy nhiên họ cũng đã thể hiện nhiều nét giống với những kẻ chủ mưu gây ra sự kiện “đêm ở đền Bartholomeus”. Chi tiết của sự kiện này tôi trích dẫn từ tường trình của Taine, được viết theo hồi ức của những người đương thời. Cũng không thể biết được một cách rõ ràng ai là người đã ra lệnh hoặc chỉ thị cho việc thủ tiêu các tù binh, nhằm dọn sạch các nhà tù. Có thể đó là Danton hoặc một ai khác, điều này cũng không quan trọng; chúng ta ở đây chỉ quan tâm đến cái ảnh hưởng cực kỳ lớn mà đám đông đã tiếp nhận để tạo nên một cuộc tắm máu.

Một đoàn đao phủ gồm khoảng ba trăm người, một dạng cơ bản của đám đông không đồng loại. Ngoại trừ một số ít những người ăn mày chuyên nghiệp thì số còn lại trong họ bao gồm các nhà buôn và các thợ thủ công thuộc đủ các ngành nghề, như thợ giày, thợ nguội, thợ làm tóc giả, thợ nề, viên chức, quân nhân v.v… Do ảnh hưởng sau khi tiếp nhận sự kích hoạt, giống như ông đầu bếp đã kể ở trên, toàn bộ những người này đều hoàn toàn tin rằng họ đang thực thi một nghĩa vụ đối với tổ quốc. Họ đóng vai hai chức trách cùng một lúc, một của quan tòa và một của đao phủ, không hề có một chút gì cảm thấy mình là kẻ tội phạm.

Nhận thức được một cách sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ được trao, trước hết họ đã tự lập nên cái gọi là tòa án, và điều này lập tức thể hiện cái trí tuệ hạn hẹp, và cũng là cái cảm nhận rất chi hạn chế về luật pháp của đám đông. Do số lượng bị cáo quá lớn cho nên ban đầu một quyết định đã được ban ra: quý tộc, cha đạo, sĩ quan, người hầu của nhà vua, có nghĩa là tất cả những ai, trong con mắt của một người yêu nước chân chính, chỉ với nghề nghiệp của họ đã đủ là bằng chứng chứng minh cho tội lỗi của họ, thì đều cần phải đem đi thủ tiêu tất không có xét xử gì cả. Ngoài ra người ta còn phán quyết dựa trên hình dáng và uy tín nữa. Bằng cách đó cái lương tâm không được chỉ bảo của đám đông đã được thỏa mãn, và họ có thể ung dung thực thi luật pháp, cũng như để cho các bản năng tàn bạo tự do phát triển – những thứ luôn nảy nở một cách mạnh mẽ trong đám đông, mà sự hình thành của chúng tôi đã nói ở một chỗ nào đó trong đây. Bản thân họ cũng không ngăn cản được sự biểu lộ những tình cảm trái ngược nhau – cái này cũng là quy luật – ví dụ như sự đa cảm cũng y như sự tàn bạo của họ đều thể hiện ra ở mức tới hạn. “Họ có một sự đồng cảm nhiệt thành và những thái độ rất cảm động của những người công nhân Paris. Khi một nhân viên liên bang biết được người ta đã để những người tù khát nước đến nay đã hai mươi sáu tiếng, ông ta liền nổi giận và ra lệnh lập tức đem viên cai ngục ra xử tử. Chỉ đến khi những người tù tha thiết van xin, viên cai ngục kia mới không bị mất mạng. Nếu một người tù nào đó được tòa (tòa lưu động) tuyên án vô tội, anh ta sẽ được những lính canh và các đao phủ ôm hôn thắm thiết và nhiệt thành chúc mừng.” Sau đó người ta lại quay trở lại với công việc hành quyết. Trong suốt cuộc tắm máu lúc nào cũng có một bầu không khí vui mừng và phấn khởi. Người ta nhảy múa ca hát xung quanh những xác chết, giành chỗ ngồi cho các “quý bà” đang sung sướng ngắm cảnh những nhà quý tộc bị giết. Các cử chỉ lịch sự đặc biệt khác cũng tiếp tục được phô diễn. Khi một đao phủ than phiền rằng các quý bà đã phải đứng quá xa nên không thể theo dõi tường tận cảnh hành quyết các nhà quý tộc và chỉ có một số ít người có mặt được chiêm ngưỡng cảnh đó, điều này đã được thừa nhận là đúng nên người ta quyết định sau đó các nạn nhân phải đi một vòng giữa hai hàng đồ tể để kéo dài nỗi khổ đau của họ, thay vì chấm dứt nó một cách nhanh chóng bằng một nhát gươm. Trong ngục Bastille toàn bộ các tù nhân phải cởi bỏ hết quần áo, họ bị hành hạ đến tan nát xương thịt, những ai sống sót còn chút lành lặn liền bị giải quyết tiếp bằng cách bị rạch bụng. Những kẻ đồ tể giết người đều là những kẻ rất có lương tâm và thừa nhận mọi lý lẽ đạo đức, sự tồn tại của những điều như vậy trong trái tim đám đông chúng tôi cũng đã từng chỉ ra. Họ nộp lại tất cả tiền bạc và trang sức của các nạn nhân trên bàn của ủy ban.

Tất cả các hành động của họ thể hiện rõ một dạng kém phát triển của tư duy, đó cũng là một đặc điểm của đám đông. Và như vậy một ai đó sau khi làm thịt khoảng một ngàn hai đến ngàn rưởi kẻ thù của nhân dân bỗng nhiên được chú ý – sự hăng hái của người đó lập tức được học theo – và trong các nhà tù khác, ở đó những người ăn mày, những nông dân làm thuê, những tù nhân trẻ, đúng là những kẻ vô dụng và tốt nhất là thủ tiêu hết. Vả lại trong số họ thế nào cũng có ai đó là kẻ thù của nhân dân, ví dụ như bà Delarue, vợ góa của một người pha chế độc dược: “Bà này đã tỏ ra rất tức giận vì bị nhốt tù; nếu làm được bà ta sẽ đốt trụi cả thành phố Paris; chính bà ta đã nói như vậy, tử hình ngay lập tức.” Bằng chứng quả là thuyết phục, và hàng loạt người đã bị hành quyết, có đến khoảng năm mươi trẻ nhỏ ở độ tuổi từ mười hai đến mười bảy, chúng có thể cũng là kẻ thù của nhân dân và do vậy cần phải thủ tiêu hết.

Sau độ một tuần làm việc tất cả các biện pháp đã được thực hiện và đám đồ tể được phép mơ đến sự nghỉ ngơi. Do bởi họ tin chắc rằng họ đã phục vụ tổ quốc một cách tốt đẹp cho nên họ đã đòi hỏi những kẻ cầm quyền phải thưởng công cho họ, ngày đó có người còn đòi cả huân chương.

Lịch sử của công xã Paris năm 1870 cũng cho thấy có những hiện tượng tương tự. Ảnh hưởng ngày càng tăng của đám đông và sự thoái lui của các quyền lực khác trước nó chắc chắn rằng sẽ còn tạo thêm nhiều sự kiện khác kiểu như vậy.

§4. Đám đông cử tri

Đám đông cử tri là những người tham gia bầu cử để lựa chọn những người vào các vị trí công quyền, họ tạo nên những đám đông không đồng nhất; do vì những đám đông này chỉ phát huy tác dụng đối với một vấn đề hoàn toàn xác định, cụ thể là trong việc lựa chọn trong số nhiều các ứng cử viên, cho nên chúng chỉ thể hiện một vài đặc tính của trong số những đặc tính của đám đông đã được mô tả trước đây. Đặc biệt nổi bật là khả năng nhận xét rất thấp, sau đó là thiếu sự suy nghĩ mang tính phê phán, sự dễ bị kích động, nhẹ dạ, đơn giản. Người ta cũng nhận ra trong các quyết định của họ có ảnh hưởng của người lãnh đạo và tác động của những động lực đã được mô tả trước đây như: sự quả quyết, sự lặp lại, uy lực và truyền nhiễm.

Chúng ta hãy xem xét việc làm cách nào để giành được sự ủng hộ của đám đông này. Tâm lý của họ có thể xác định được qua những phương pháp tin cậy của tâm lý học. Tính chất đầu tiên là ứng cử viên phải có một uy lực nhất định. Uy lực cá nhân chỉ có thể được thay thế bởi sự giàu có. Tài năng và ngay cả thiên tài cũng không phải là điều kiện quan trọng cho thành công.

Do vậy uy lực cá nhân của ứng cử viên sẽ mang một ý nghĩa quyết định để có thể đạt được thắng lợi một cách không bàn cãi. Điều thực tế là một lớp các cử tri xuất thân phần lớn từ công nhân hoặc nông dân thường không lựa chọn những người của họ làm đại diện đã được giải thích là do những người đồng chí ngang hàng với họ không hề có uy lực. Họ bầu cho những người giống họ hầu như thường chỉ bởi những lý do rất phụ, ví dụ như để chọn ra một nhân vật có vị thế cao để có thể làm đối trọng với một ông chủ cứng rắn, bởi vì họ cảm thấy càng ngày càng bị phụ thuộc vào ông chủ đó và tưởng rằng làm như vậy có thể nhanh chóng áp đảo được ông ta.

Tuy nhiên việc ứng cử viên có một uy lực cũng chưa chắc đã đảm bảo thành công. Cử tri rất thích người ta tâng bốc sự thèm khát và tính tự cao tự đại của họ. Ứng cử viên vì vậy phải không phải ngại ngần gì trong việc tâng bốc họ hết cỡ và hứa hẹn những điều tuyệt vời. Đối với tầng lớp công nhân thì việc chửi rủa những ông chủ của họ có lẽ không biết thế nào là đủ. Đối với đối thủ cạnh tranh ngược lại luôn phải tìm cách triệt tiêu, bằng cách sử dụng các phương pháp khẳng định, lặp lại và truyền nhiễm để chứng minh rằng nó chính là một kẻ đê tiện hèn nhát nhất, ai cũng biết rằng nó từng phạm tội nhiều lần. Khi nói về bản thân không cần thiết phải chưng ra một cái gì có vẻ như một bằng chứng. Nếu đối thủ là một kẻ hiểu biết ít về tâm lý học nó sẽ thử tìm mọi bằng chứng xác đáng để phản biện thay vì cũng sử dụng một cách đơn giản những quả quyết mang tính vu khống hoặc tiến hành vu khống để phản đòn, và chính vì thế nó sẽ hầu như không có hy vọng để chiến thắng.

Văn bản các mục tiêu sẽ thực hiện của các ứng cử viên không nên viết một cách cương quyết là phải làm cái gì, bởi như vậy sau này các đối thủ có thể sẽ dựa vào đó để bắt bẻ, nhưng khi phổ biến các mục tiêu bằng nói miệng thì việc nói quá không bao giờ có thể nên gọi là đủ. Những cải cách đặc biệt nên đẩy ra xa trong tương lai. Đối với hiện tại làm như vậy nó có được tác dụng rất lớn nhưng đối với tương lai thì chẳng bị ràng buộc bởi cái gì. Các cử tri thực ra sau này họ cũng chẳng để ý gì đến chuyện xem ứng củ viên có giữ đúng những lời hứa hẹn hay không, và cũng chẳng nhớ lại những gì đã làm cho họ phấn khích mà bỏ phiếu và những gì có vẻ như là những lý do đưa đến quyết định cho sự lựa chọn của họ.

Ở đây chúng ta lại nhận thấy có mặt tất cả các phương tiện để quyến rũ như đã từng được mô tả ở trên đây. Chúng ta cũng sẽ lại gặp lại tác động của lời nói và khẩu hiệu mà chúng ta đã từng bàn về cái sức mạnh mãnh liệt của nó. Người diễn thuyết biết cách xử sự với đám đông sẽ có thể dẫn dắt họ tùy ý. Những khái niệm như: chủ nghĩa tư bản thối nát, những kẻ bóc lột đểu cáng, những người công nhân tuyệt vời, xã hội hóa các loại tài sản v.v… luôn tạo nên được một tác động giống nhau tuy có cũ đi đôi chút. Tuy nhiên ứng cử viên nào phát hiện ra một khẩu hiệu mới nhưng không mang bất kỳ một ý nghĩa nhất định nào đó và vì thế có thể đáp ứng được với các niềm mong ước khác nhau, anh ta chắc chắn nhất định sẽ thắng lợi. Cuộc cách mạng Tây ban nha đẫm máu năm 1873 đã sinh ra từ những lời nói mê hoặc, đa nghĩa mà mỗi một người đều có thể hiểu theo cách của mình. Một tác giả đương thời đã thuật lại sự ra đời của những câu khẩu hiệu kiểu như vậy bằng một cách thức rất đáng nhớ cho nên cũng xứng đáng được dẫn ra đây để làm ví dụ:

“Những kẻ cực đoan phát hiện ra rằng một nền cộng hòa thống nhất chính là một chế độ quân chủ được che đậy, và để có thể vừa lòng họ phái Cortes đã đồng ý kêu gọi thành lập nền cộng hòa liên bang mà không hề nói phải biểu quyết cho cái gì, và ngay cả những người đồng ý trong số họ không có một ai có thể nói rõ họ đã bỏ phiếu cho cái gì. Nhưng khẩu hiệu đó đã làm mê hoặc cả thế giới, người ta ngây ngất, say sưa trong sự mê sảng. Sự thống trị của đạo đức và hạnh phúc như thể đã được thiết lập dưới trần gian. Người cộng hòa nào bị đối thủ từ chối không chấp nhận coi như một người theo chủ nghĩa liên bang, liền cảm thấy đó như là một sự lăng nhục bằng những câu chửi chết người. Trên đường phố người ta đến với nhau bằng những từ: “Salud y republica federal”. Sau đó người ta ngâm nga những bài hát ca ngợi sự vô kỷ luật bất khả xâm phạm và sự tự đánh bóng mình của các binh sĩ. Hồi đó cái gì là “nền cộng hòa liên bang”? Người thì hiểu đó là sự bình đẳng giữa các tỉnh lỵ, là sự tổ chức nhà nước kiểu nước Mỹ hoặc là sự loại bỏ nền hành chính thống nhất, người khác thì lại hiểu đó là sự loại bỏ tất cả các tổ chức hành pháp, là khởi đầu của một cuộc thanh toán lớn về mặt xã hội. Những người xã hội chủ nghĩa ở Barcelona và Andalusie rao giảng về sự độc lập không giới hạn của các đơn vị hành chính và đòi phải thành lập hàng chục ngàn đơn vị hành chính kiểu như vậy trên toàn cõi Tây ban nha, những đơn vị này có quyền tự đặt ra luật pháp riêng và đồng thời bãi bỏ công an cũng như quân đội. Chẳng bao lâu sau các cuộc nổi dậy ở các tỉnh phía nam đã lan khắp từ thành phố nọ đến thành phố kia, từ làng nọ đến làng kia. Chừng nào một đơn vị hành chính công bố “pronunciamento” (tuyên ngôn) của nó thì vấn đề quan tâm đầu tiên sẽ là việc phá hủy các trạm điện tín và hệ thống xe lửa để cắt đứt liên lạc với các vùng xung quanh và với thủ đô Madrid. Ngay cả vùng khốn khổ nhất cũng tự nấu riêng cháo cho mình. Chủ nghĩa liên bang đã nhường chỗ cho một chủ nghĩa vùng miền đầy tang thương và chết chóc, khắp mọi nơi người ta hân hoan đón chào cảnh đầu rơi máu chảy.”

Những gì liên quan đến sự tác động của các suy luận lôgic vào suy nghĩ của các cử tri mà người ta không nhận thấy, chẳng qua là vì người ta không bao giờ đọc các bài tường thuật về các cuộc miting tranh cử. Ở đó người ta giành cho nhau những khẳng định, những câu chửi và thỉnh thoảng cả những cú đấm nữa, nhưng không bao giờ có sự lập luận. Không khí chỉ yên lặng đôi chút khi một người tham dự khả kính nào đó lòng vòng tỏ ý muốn đặt ra một số câu hỏi rắm rối cho các ứng cử viên, những câu hỏi đã làm cho khán giả khoái chí. Tuy nhiên sự thỏa mãn của đối phương cũng kéo dài không lâu bởi chẳng bao lâu âm thanh của người đang diễn thuyết sẽ bị chìm trong tiếng la ó của những kẻ phản đối. Bài tường thật sau đây mô tả dạng thường thấy của các cuộc họp công cộng được đúc kết từ hàng trăm bài viết tương tự xuất hiện trên các mặt báo:

“Khi ban tổ chức lấy ý kiến đề bầu ra chủ tọa cũng là lúc bão tố bắt đầu. Những kẻ vô chính phủ lập tức chiếm giữ khán đài, đoạt lấy bục nói. Những người xã hội chủ nghĩa kháng cự kịch liệt, người ta xông vào nhau, chửi bới nhau, đổ cho nhau là gián điệp, là kẻ đút lót và những gì tương tự… một ai đó ôm đầu máu chạy ra.

Cuối cùng trong cái đám lộn xộn đó cũng có được một ban điều hành tạm chấp nhận và như vậy bục diễn thuyết lúc này thuộc về đồng chí X.

Kẻ diễn thuyết tấn công những người xã hội chủ nghĩa một cách cay độc đến nỗi họ phải ngắt lời anh ta và hét lớn: “ Thằng ngu, đồ kẻ cướp, thằng đểu” v.v… Đồng chí X liền phản công bằng cách đưa ra những bằng chứng chứng minh những người xã hội chủ nghĩa là những kẻ “đần độn” hoặc là những “thằng hề”.

“Đảng quốc tế lao động tối qua đã triệu tập một cuộc họp tại phòng họp của các thương gia ở đường Rue Faubourg-du-Temple để bàn về lễ kỷ niệm ngày 1 tháng 5… Khẩu hiệu hành động là: thanh thản và yên lặng.

Đồng chí G… nhận xét những kẻ xã hội chủ nghĩa là một bọn “ngu ngốc” “lừa đảo”.

Những lời này là nguyên nhân gây nên sự chửi rủa của người nghe, họ xông vào nhau; bàn, ghế, ghế băng đã đảm nhiệm vai trò của chúng v.v…”

Đừng có tin rằng những va chạm kiểu này chỉ là một dạng riêng biệt của các cử tri và phụ thuộc vào địa vị xã hội của họ. Trong bất kỳ một cuộc miting bầu cử nào, và trong đó giả như chỉ gồm toàn những người có trình độ đại học, thì sự va chạm giữa họ với nhau cũng sẽ dễ xảy ra ở một dạng tương tự. Tôi đã nói, rằng những con người khi đã trở thành thành viên của đám đông, họ sẽ có xu hướng có chung một mức độ trí tuệ giống nhau, chúng ta sẽ tìm ra những ví dụ để chứng minh cho điều này. Sau đây là một bằng chứng được rút ra từ một bản tường thuật về một cuộc miting chỉ gồm các sinh viên:

“Càng về tối sự lộn xộn càng tăng. Tôi không nghĩ có một diễn giả nào lại có thể nói trọn hai câu mà không bị ngắt lời giữa chừng. Liên tục vang lên những tiếng la hét từ góc bên này hoặc từ góc bên kia, hoặc từ mọi phía cùng một lúc; tiếng vỗ tay tán thưởng, tiếng huýt sáo; những sự tranh cãi quyết liệt giữa những người tham gia chỉ tạm nghỉ để lấy sức và trong khoảng thời gian đó gậy gộc được vung lên đầy đe dọa trong tiếng dậm xuống sàn theo nhịp. Những câu hét giận dữ tiếp nối những kẻ phá quấy: Cút ra ngoài kia! Cút khỏi diễn đàn!

Ông C… trút xuống đầu hội đoàn hàng loạt những tính từ thối tha và ghê tởm như: đáng sợ, đểu giả, mua chuộc, đầy hận thù và ông tuyên bố sẽ tiêu diệt họ v.v…”

Người ta tự hỏi, trong một quang cảnh như vậy làm sao có thể tạo nên được một chính kiến cho một cử tri? Nhưng để có thể đặt ra một câu hỏi kiểu như thế người ta phải dâng hiến mình cho một ảo tưởng đáng ngạc nhiên vượt lên trên mức độ của tự do để làm vừa lòng một tập thể. Đám đông chỉ có những quan điểm đuợc cấy từ ngoài vào và không bao giờ có được những quan điểm mang lý tính trong nó. Những quan điểm như vậy và quyết định bỏ phiếu của cử tri nằm trong tay ủy ban bầu cử mà lãnh đạo của nó thường là một vài chủ quán có ảnh hưởng lớn đến những người công nhân, và cũng chính là những người cho họ ghi sổ nợ. “Ông có biết ủy ban bầu cử là gì không?”, Scherer, một người bảo vệ nhiệt thành nền dân chủ, viết, “đơn giản quá đó là chìa khóa để vào các cơ quan nhà nước, là phần quan trọng nhất của bộ máy chính trị. Nước Pháp ngày nay được lãnh đạo bởi các ủy ban.”[23]

Và như thế cũng không có gì là khó để có thể tác động vào họ, nếu như ứng cử viên chỉ cần tương đối chấp nhận được và có đầy đủ các phương tiện. Theo sự thú nhận của phía chi tiền thì chỉ cần ba triệu là đủ để có thể tiến hành thắng lợi nhiều cuộc tranh cử của tướng Boulanger. Tất cả đó là tâm lý học về đám đông cử tri. Nó giống hệt như tâm lý học của các đám đông khác. Không tốt hơn mà cũng chẳng xấu hơn.

Quyền phổ thông đầu phiếu

Tôi hoàn toàn không muốn rút ra những kết luận chống lại quyền phổ thông đầu phiếu từ những điều đã viết trên đây. Nếu tôi có thể quyết định được khả năng của nó, thì tôi sẽ vẫn giữ nguyên trạng như hiện giờ, vì chính bởi những nguyên nhân thực tế nảy sinh trong nghiên cứu về tâm lý học đám đông và từ những nguyên nhân tôi sẽ tiếp tục tranh luận, nếu như một khi tôi nhớ lại những khiếm khuyết của nó.

Những khiếm khuyết của quyền phổ thông đầu phiếu đập vào mắt ta một cách rõ ràng không có gì để phải nghi ngờ. Điều không thể phủ nhận, đó là các nền văn hóa đều là sản phẩm của một thiểu số những cái đầu nổi trội; họ tạo nên cái ngọn của kim tự tháp, càng trở xuống dưới chúng càng rộng ra tương ứng với giá trị tinh thần giảm dần và thể hiện những tầng lớp thấp của một dân tộc. Mức độ to lớn của một nền văn hóa không thể để phụ thuộc vào quyền bỏ phiếu của các phần tử bên dưới một tập thể hoàn toàn không mang một ý nghĩa gì ngoài con số. Rõ ràng rằng việc biểu quyết của một đám đông quả thật thường rất nguy hiểm. Nó đã làm cho chúng ta bao lần tổn thất bởi các cuộc xâm lược từ bên ngoài, và với sự chiến thắng của chủ nghĩa xã hội, chúng ta chắc chắn sẽ còn phải trả giá đắt gấp bội cho những sáng kiến của sự cai trị bởi nhân dân.

Nhưng những sự phê phán như vậy, về mặt lý thuyết không có gì để chê trách, tuy nhiên trong thực tiễn chúng bị mất hết sức lực, nếu như người ta nhớ đến cái sức mạnh không gì ngăn cản nổi của những ý tưởng một khi đã trở thành những tín điều. Học thuyết cai trị của đám đông, theo quan điểm triết học cũng khó biện hộ như việc biện hộ cho những tín điều tôn giáo thời trung cổ, nhưng ngày nay nó đã đạt đến một quyền lực không giới hạn. Chính vì vậy cho nên nó cũng bất khả xâm phạm như những ý tưởng tôn giáo của chúng ta một thời. Chúng ta hãy hình dung một người hiện đại có suy nghĩ tự do, do một tác động huyền diệu nào đó đã được đưa trở về tít tận sâu thẳm của thời trung cổ. Nếu anh ta khi đó phát hiện ra những quyền lực không giới hạn của các ý tưởng tôn giáo đang ngự trị, liệu ta có tin, rằng anh sẽ tìm cách để chống lại chúng? Liệu anh ta có nghĩ là phải chối bỏ sự tồn tại của ma quỷ và chối bỏ ngày hội các quần ma, một khi anh ta rơi vào tay các quan tòa, những người muốn thiêu sống anh ta vì theo họ anh ta đã phạm phải tội liên kết với ma quỷ và đã tham gia vào ngày hội của quần ma? Người ta không nghĩ đến chuyện bàn cãi để chống lại quyền lực của đám đông y như không có chuyện bàn cãi để chống lại một cơn bão lốc vậy. Học thuyết về phổ thông đầu phiếu ngày nay đã có được cái quyền lực như ngày xưa giáo lý thiên chúa giáo đã từng có. Các diễn giả và các nhà văn nói về nó với một niềm kính trọng xen lẫn với sự tán dương, là những điều mà ngay cả Louis XIV cũng chưa được biết tới. Người ta phải chú ý theo dõi nó như đã từng theo dõi tất cả các giáo điều. Thời gian mình nó sẽ tác động vào chúng.

Hơn nữa sẽ càng chẳng được gì khi tấn công học thuyết này bởi vì bản thân nó có những lý do rõ ràng riêng cho nó. “Trong thời đại bình đẳng”, Tocqueville đã nói rất chính xác, “không ai tin ai, bởi tất cả đều giống nhau; nhưng chính cái sự giống nhau này đã đem lại cho họ một niềm tin gần như vô hạn vào sự phán xét của tập thể. Bởi vì có lẽ nào sự thật lại không phải nằm ở phía đa số chỉ vì tất cả có cùng chung một cách nhìn nhận.”

Liệu người ta có được phép cho rằng sự biểu quyết của đám đông được giới hạn bởi quyền biểu quyết của những người có năng lực – nếu người ta muốn vậy – là một phương pháp tốt hơn? Tôi không một phút giây nào có thể tin vào điều đó và cụ thể là vì những lý do như tôi đã trình bày ở trên và vì sự vô nghĩa về mặt trí tuệ của một tập thể, cho dù chúng được hợp thành một cách như thế nào. Tôi nhắc lại: trong đám đông mọi con người trở nên giống nhau cho nên sự biểu quyết của bốn mươi người có trình độ học vấn đại học về những vấn đề chung cũng không hơn gì biểu quyết của bốn mươi anh gánh nước thuê. Tôi hoàn toàn tin một cách chắc chắn, rằng không có một cuộc bỏ phiếu nào mà người ta thường sử dụng quyền phổ thông đầu phiếu để tiến hành, giống như việc cải cách chế độ quân chủ chẳng hạn, lại có thể có được kết quả khác hơn, nếu như những người tham gia bầu cử chỉ bao gồm những con người thông thái và có học. Người ta học hỏi ở người Hy lạp, ở các nhà toán học, những kiến thức để trở thành các kiến trúc sư, các bác sĩ thú y, các luật gia, nhưng không hề có được sự nhìn nhận đặc biệt trong các vấn đề tình cảm. (Dịch tối nghĩa, phải là, “không thể suy diễn từ việc một người biết tiếng Hy lạp, hay biết toán học, hành nghề kiến trúc sư, thú y sĩ, bác sĩ hay luật gia, thì người ấy phải có khả năng đặc biệt thông hiểu những vấn đề xã hội”.) Tất cả các nhà kinh tế quốc dân của chúng ta đều là những con người rất thông thái, phần đông họ là giáo sư hoặc tốt nghiệp đại học. Nếu hiện nay đang có một vấn đề chung duy nhất, ví dụ như hệ thống bảo hộ thuế quan, thử hỏi rằng họ có thống nhất với nhau? Trước các vấn đề xã hội đầy rẫy những yếu tố không rõ ràng và bị ảnh hưởng bởi những logic ngầm và logic tình cảm thì sự thiếu hiểu biết của tất cả mọi người sẽ được san đều cho nhau.

Nếu như khối những cử tri chỉ được lập nên từ những con người lành mạnh và hiểu biết thì kết quả cũng không hơn gì của những cử tri hiện nay. Họ cũng vẫn để cho lý trí bị tình cảm hoặc tinh thần bè đảng lôi cuốn. Chúng ta do vậy chẳng những không hề bớt đi chút khó khăn nào so với hiện nay mà lại còn thêm vào trên đó sự chuyên chế tàn bạo của các đẳng cấp.

Cho dù là quyền bầu cử phổ thông hay giới hạn, cho dù nó xảy ra ở một nước cộng hòa hay là ở một nước quân chủ, cho dù nó xảy ra ở Pháp, ở Bỉ, ở Hy lạp, ở Bồ đào nha hay Tây ban nha, khắp mọi nơi quyền bầu cử của đám đông đều tương tự và thường phản ánh những đòi hỏi vô thức và những nhu cầu của giống nòi. Mức độ trung bình (dịch sai, phải là “quan điểm trung bình”) của những người trúng cử đối với một dân tộc nó thể hiện mức độ trung bình của tâm hồn chủng tộc của dân tộc đó, là cái được giữ lại hầu như nguyên vẹn từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Và như vậy chúng ta lại quay trở lại với khái niệm cơ bản đó là khái niệm giống nòi, khái niệm mà ta đã liên tục gặp phải, và ta cũng gặp những ý tưởng khác được hình thành nên từ đó, rằng trong cuộc sống của các dân tộc những thiết chế và các dạng chính quyền chỉ đóng một vai trò không đáng kể. Các dân tộc chủ yếu được dẫn dắt bởi tâm hồn giống nòi, có nghĩa là bởi sự tích tụ của các yếu tố di truyền mà kết quả của sự tích tụ đó là tạo nên tâm hồn của giống nòi. Giống nòi và cơ cấu vận hành của các nhu cầu hàng ngày: đó chính là những quyền lực đầy bí ẩn điều hành lịch sử của chúng ta.

§5. Quốc hội

Quốc hội thuộc vào nhóm đám đông không đồng nhất, có danh tính. Mặc dù thành phần của nó thay đổi tùy theo thời đại và dân tộc, nhưng luôn có rất nhiều những đặc tính giống nhau. Ảnh hưởng của giống nòi trong trường hợp này tuy cũng đã làm cho sự giống nhau đó giảm đi ít nhiều trông thấy, nhưng vẫn không thể ngăn cản được các đặc tính đó hình thành. Quốc hội ở tại các nước khác nhau như Hy lạp, Ý, Bồ đào nha, Tây ban nha, Pháp và Mỹ tỏ ra rất giống nhau trong các cuộc thương lượng và biểu quyết và đều đã để cho các chính phủ phải một mình chiến đấu với với chính các khó khăn đó.

Vả lại các chính phủ nghị viện đều mang trong mình nó lý tưởng của các dân tộc văn minh hiện đại. Nó là sự thể hiện những ý nghĩ sai về mặt tâm lý nhưng lại được mọi người chấp nhận, rằng khả năng một tập hợp của nhiều con người để ra một quyết định thông minh và độc lập trong một trường hợp nào đó sẽ lớn hơn nhiều so với tập hợp của một số ít người.

Trong quốc hội ta cũng tìm thấy lại những đặc tính của đám đông, đó là: tính phiến diện của các ý tưởng, tính dễ bị kích động, tính dễ bị lôi cuốn, tính dao động mạnh về tình cảm, chịu ảnh hưởng quá lớn của lãnh đạo. Nhưng do sự hợp thành đặc biệt của nó, đám đông nghị viện cũng có những đặc tính riêng biệt. Chúng ta sẽ xác định ra chúng ngay bây giờ.

Dĩ nhiên tôn chỉ, mục đích của mỗi một đảng là khác nhau; nhưng chỉ riêng bởi sự hợp nhất của các thành phần thành đám đông, những phần tử riêng biệt trong họ sẽ có xu hướng đánh giá quá cao những tôn chỉ mục đích đó và cố gắng thúc đẩy chúng đến tận giới hạn của những hậu quả. Hơn nữa quốc hội chủ yếu đại diện cho những quan điểm cực đoan nhất.

Dạng hoàn thiện nhất của sự phiến diện của quốc hội đã được những người Jacobin hiện thực hóa trong cuộc cách mạng Pháp vĩ đại. Do bởi họ, tất cả đều là những người giáo điều và suy luận lôgic, trong đầu đầy ắp những sự tầm thường và sáo rỗng, vì thế họ đã cố gắng một cách vô tư khi vận dụng và thực hành một cách cứng nhắc các tôn chỉ, mục đích; và người ta đã có lý khi quả quyết, rằng họ đã trải qua cách mạng mà không hề nhìn thấy nó. Họ ảo tưởng, rằng với một vài tín điều là có thể cải tạo được một xã hội từ gốc lên ngọn và có thể đem lại một nền văn hóa tinh tế trên một nấc thang đã vượt quá từ lâu của sự phát triển xã hội. Sự phiến diện hoàn toàn kiểu như vậy cũng đã thể hiện trong các phương tiện mà họ sử dụng để đạt đến ước mơ của mình. Nhưng thực tế họ chỉ chú trọng đến sự phá nát một cách tàn bạo những gì làm họ khó chịu. Vả lại tất cả họ, những người Girondin, đảng thợ mỏ, những thành viên câu lạc bộ Thermidor đều say sưa về cùng một ý tưởng như vậy.

Đám đông nghị viện rất dễ bị tác động và sự kích hoạt xảy ra ở đây cũng giống như ở các đám đông khác khi mà chúng chịu sự tác động của một lãnh đạo có uy lực. Dù có tài năng như Demosthenes cũng không thể thay đổi được sự biểu quyết của một nghị viên về các vấn đề của hệ thống bảo hộ thuế quan và quyền ưu tiên sản xuất rượu – đó là biểu hiện của các đòi hỏi từ những cử tri có ảnh hưởng lớn. Những tác động cấp thiết của cử tri có một trọng lượng đến nỗi tất cả những tác động khác sẽ bị bỏ qua và một sự kiên định bắt buộc trong các quan điểm sẽ được duy trì[24].

Nhưng đối với các vấn đề chung, như sự hạ bệ một bộ trưởng, sự bổ sung một thuế mới v.v… là những trường hợp không hề có những quan điểm xác định sẵn và sự kích hoạt lúc này có thể gây ra tác động, cho dù không mạnh mẽ như đối với các đám đông thông thường. Mỗi một đảng có người lãnh đạo riêng, tác động của nó đôi lúc có ảnh hưởng mạnh như nhau. Như vậy có nghĩa là người nghị viên đã phải đứng giữa những tác động trái ngược nhau và vì thế không thể tránh được chuyện ông ta sẽ bị dao động. Ở đây thỉnh thoảng người ta thấy ông ta chỉ sau 15 phút đã biểu quyết hoàn toàn ngược lại và đồng ý với việc thêm một điều khoản phụ vào một điều luật mà tác dụng của việc thêm vào này thực ra đã làm mất hiệu lực của điều luật đó: ví dụ như trong công nghiệp điều luật tuyển chọn và sa thải nhân công, và sau đó là những tu chính đã làm cho các biện pháp kia gần như trở nên không chính đáng.

Bởi thế một nghị viện trong mỗi một nhiệm kỳ bên cạnh những quan điểm rất kiên định còn có những quan điểm khác rất dễ thay đổi. Nhưng do vì về cơ bản các vấn đề chung chiếm đa số cho nên sự do dự cũng là điều phổ biến, hơn nữa nó được nuôi dưỡng bởi sự sợ hãi thường xuyên trước việc không thỏa mãn được các đòi hỏi của cử tri, là những ảnh hưởng ngầm mà người lãnh đạo luôn phải biết cách giữ sao cho cân bằng.

Và như thế trong các cuộc giằng co, nếu những người tham gia ngay từ đầu không có những quan điểm được thiết lập một cách chắc chắn thì người lãnh đạo sẽ là người làm chủ tình hình.

Vai trò và quyền lực của lãnh đạo

Rõ ràng cần phải có những người lãnh đạo, bởi người ta thấy họ ở trong tất cả các cơ quan đầu não của các đảng phái trong tất cả các nước. Họ là những ông chủ thực sự của các quốc hội. Tất cả những người tụ hợp lại thành môt đám đông sẽ chẳng biết làm gì nếu không có một người lãnh đạo, chính vì thế cho nên kết quả các biểu quyết nhìn chung chỉ là sự thể hiện quan điểm của một số nhỏ.

Tôi nhắc lại: hiệu quả tác động của những nhà lãnh đạo chủ yếu là do uy lực của họ, chứ rất ít khi do những lập luận. Nếu vì một lý do nào đó họ bị mất đi cái uy lực đó thì cũng là lúc họ cũng không còn có thể tác động gì được nữa.

Cái uy lực lãnh đạo đó chủ yếu là uy lực của cá nhân và hoàn toàn không liên quan gì đến tên tuổi hoặc danh tiếng. Jules Simon đã cung cấp cho chúng ta môt ví dụ hoàn toàn kỳ quặc về vấn đề này, khi ông ta nói về những ông lớn trong quốc hội mà ông ta đã từng chứng kiến:

“Hai tháng trước lễ đăng quang Luis Napoleon vẫn không là gì.

Victor Hugo bước lên bục diễn thuyết. Tuy nhiên ông ta chẳng thu được kết quả nào. Người ta nghe ông như đã họ đã nghe Felix Pyat, nhưng có điều ông ta không được họ tán thưởng nhiều như Pyat. “Tôi không khoái cái ý tưởng của ông ta”, Vaulabelle nói với tôi về Felix Pyat, “nhưng ông ta là một nhà văn lớn và đồng thời là một nhà hùng biện của nước Pháp.” Một trí tuệ hiếm có và mãnh liệt của một Edgar Quinet cũng không làm được gì hơn. Ông ta chỉ được quần chúng đón nhận trước lúc khai mạc cuộc họp, nhưng trong cuộc họp thì lại không.

Các cuộc miting chính trị là những chỗ trên thế giới mà ánh hào quang của sự thông thái ít có giá trị nhất. Ở đây người ta chỉ lo làm sao nói năng cho phù hợp với thời cuộc và địa điểm, và làm sao để thể hiện được sự cống hiến của họ giành cho đảng phái chứ không phải cho tổ quốc. Chính điều này đã làm cho Lamartine năm 1848 và Thiers năm 1871 đạt được sự tín nhiệm mà đáng lý ra tầm quan trọng và cấp thiết của vấn đề mới là động cơ thúc đẩy. Khi mối hiểm nguy đã qua đi, sự sợ hãi cũng biến mất cùng với niềm biết ơn.”

Tôi chỉ viết lại cái chỗ trong đó đơn thuần chỉ vì những sự kiện xảy ra chứ không vì muốn giải thích chúng, những sự kiện đó chỉ chứng tỏ một vấn đề tâm lý bình thường. Một đám đông sẽ mất đi lập tức cái đặc điểm để trở thành đám đông, nếu nó bắt đầu đòi hỏi các lãnh đạo trả công, cho dù là đó là sự phục vụ của nó là cho tổ quốc hoặc cho đảng. Đám đông, nó thuần phục uy lực của lãnh đạo mà không hề cảm thấy phải có được lợi lộc hoặc phải được đền ơn.

Người lãnh đạo có đủ uy lực cũng sẽ có được cái quyền lực gần như tuyệt đối. Người ta đã từng biết có nghị viên nhờ có uy lực nên đã đạt đến ảnh hưởng cực lớn, nhưng chỉ do vì mắc phải vấn đề tài chính mà đã chịu để mất đi cái ảnh hưởng có được từ bao năm nay. Chỉ cần một dấu hiệu của ông ta là đã có thể có một bộ trưởng bị hạ bệ. Một nhà văn đã viết những dòng sau về tầm ảnh hưởng của ông ta:

“Ông C… chúng ta đặc biệt mang ơn vì đã phải mua Tongkin với cái giá đắt gấp ba lần giá thực của nó, vì chúng ta chỉ có được một vị trí không hề chắc chắn ở Madagaskar, vì đã để bị cướp mất cả một vùng đất ở vùng hạ lưu sông Niger, vì chúng ta đã mất đi quyền thống trị ở Ai cập. – Các lý thuyết của ông C… đã làm chúng ta mất đi nhiều vùng lãnh thổ hơn là sự thất bại của Napoleon I.”

Chúng ta không phải vì thế mà tức giận lãnh đạo quá mức. Rõ ràng là chúng ta đã phải chịu cái giá quá đắt, nhưng một phần lớn ảnh hưởng của lãnh đạo liên quan tới

sự chiều theo ý kiến quần chúng, là cái mà trong các vấn đề thuộc địa hoàn toàn không phải là ý kiến của ngày hôm nay. Rất hiếm khi một lãnh đạo vượt lên trước được ý kiến của quần chúng, mà ngược lại nó hầu như lúc nào cũng vui lòng chấp nhận những sai lầm của họ.

Nghệ thuật diễn thuyết của lãnh đạo

Phương tiện thuyết phục của lãnh đạo, ngoại trừ uy lực ra, là những yếu tố mà chúng ta đã đề cập đến nhiều lần. Để có thể vận dụng chúng một cách khéo léo, người lãnh đạo ít nhất vô thức cũng phải nắm bắt được tâm lý đám đông và biết cách đối thoại với họ như thế nào. Mà trước hết nó phải nhận thức được mức độ huyền diệu của ngôn từ các khẩu hiệu cũng như của các hình tượng. Nó phải có một khả năng hùng biện đặc biệt, xuất phát từ những khẳng định quyết liệt không cần phải chứng minh và rất ấn tượng được bao bọc bởi những hình ảnh có tính phán quyết hoàn toàn chung chung. Kiều hùng biện như vậy ta có thể thấy ở khắp các cuộc họp, hội nghị, và ngay cả ở trong quốc hội Anh, nơi mà được coi là có không khí dung hòa nhất trong tất cả các quốc hội.

“Chúng tôi có thể liên tục quan sát các kỳ thương thảo của hạ viện”, nhà triết học người Anh Maine viết, “ở đó tất cả các cuộc thương thảo xảy ra trong không khí trao đổi của những ngôn từ thô lỗ về mặt ám chỉ, xúc phạm và rất yếu về mặt sáo rỗng. Kiểu phát ngôn này của dạng phát ngôn thường thấy đã gây nên một tác động rất đáng ngạc nhiên vào sức tưởng tượng của một nền dân chủ thuần túy. Nó luôn dễ dàng đạt được sự đồng tình của đám đông bằng những quả quyết chung chung được nhấn mạnh bởi những ngôn từ ngắn gọn, mặc dù chúng không hề chứa đựng một chút sự thật nào và việc hiện thực hóa chúng có thể hoàn toàn chẳng bao giờ làm được.”

Câu trích dẫn đó chỉ ra một điều là không nên coi thường ý nghĩa của các ngôn từ chủ chốt . Chúng ta cũng đã từng nhấn mạnh không ít lần về quyền lực đặc biệt của các ngôn từ và khẩu hiệu, rằng chúng cần phải được lựa chọn sao cho có thể gợi nên được những hình ảnh sống động. Câu nói sau của một lãnh đạo trong một cuộc họp cho ta thấy một ví dụ tương đối đầy đủ về vấn đề này:

“Rồi sẽ đến cái ngày mà hôm đó, những nghị viên có lời nói nhỏ nhẹ sẽ được ngồi chung tàu với những kẻ vô chính phủ giết người trên con đường đi đày biệt xứ đến xứ sở của các loại bệnh sốt, khi đó họ sẽ có dịp nói chuyện với nhau và tự thể hiện là hai mặt bù trừ của một trật tự xã hội.”

Cái hình tượng được đưa ra quả rõ ràng và chính xác, và tất cả các đối thủ của người diễn thuyết đều cảm thấy bị đánh trúng. Họ bỗng thấy hiện ra trước mắt cái xứ sở của các loại bệnh sốt, thấy cái tàu đã đưa họ tới đó, bởi không lẽ họ cũng thuộc vào cái nhóm được định nghĩa một cách rất mù mờ của các nhà chính trị đang bị đe dọa?

Một cảm giác sợ hãi ngấm ngầm như vậy cũng sẽ xâm nhập vào những nghị viên bảo thủ, khi họ bị những lời nói mập mờ của Robespierres ít nhiều mang tính dọa dẫm về việc lên máy chém và họ đã liên tục lùi từng bước trước ông ta do sức ép của nỗi sợ hãi đó.

Tất cả những người lãnh đạo đều có xu hướng sa vào những sự thổi phồng sự việc đến mức kỳ quái nhất. Nhà diễn thuyết mà tôi dẫn ra trong thí dụ trên đây, có thể khẳng định một điều mà không hề có sự phản kháng nào, rằng những chủ nhà băng và các thầy tu đã trả tiền cho bọn đánh bom, và các hội đồng quản trị của các tập đoàn tài chính lớn xứng đáng phải chịu các hình phạt như những tên vô chính phủ. Những biện pháp như vậy lúc nào cũng có được những tác động vào đám đông. Sự quả quyết không sẽ bao giờ là quá mạnh mẽ, giọng nói sẽ không bao giờ bị coi là quá đe dọa. Không có gì có thể làm cho người nghe sợ hãi. Chính những cái trái ngược đó đã làm cho họ sợ bị coi là những kẻ phản bội hoặc đồng phạm.

Khả năng hùng biện đặc biệt này, như đã nói, nó luôn áp đảo trong mọi cuộc hội họp, ở những thời điểm cấp thiết chúng chỉ có ngắn gọn và rõ ràng hơn mà thôi. Về mặt này cũng sẽ rất thú vị khi đọc lại những lời phát biểu của những nhà cách mạng. Họ cảm nhận thấy có trách nhiệm phải liên tục ngừng giữa chừng để nguyền rủa những hành động tội ác và ca ngợi những hành động đạo đức; sau đó họ thể hiện mong ước chống đối lại những kẻ chuyên chế và thề rằng tự do hay là chết. Những người có mặt tất cả đều đứng dậy hoan hô như vũ bão và sau đó lại ngồi xuống một cách rất yên tâm.

Thỉnh thoảng cũng có một lãnh đạo thông minh và có học, nhưng điều này chỉ có hại cho ông ta hơn là có lợi. Sự thông minh giúp cho nắm biết được các mối liên quan của tất cả các sự vật, giúp cho việc hiểu và giải thích chúng, nhưng đó cũng là điều làm cho người ta trở nên yếu đuối và suy giảm năng lực cũng như sức mạnh của niềm tin một cách đáng kể, bởi niềm tin vững chắc là những cái mà các thánh tông đồ cần phải có. Những lãnh đạo lớn của các thời đại, chủ yếu là của những thời đại cách mạng, đều rất kém thông minh nhưng lại gây ra được tác động cực kỳ lớn.

Diễn văn của một trong những người nổi tiếng trong số họ, Robespierre, thường lộ rõ những điểm không mạch lạc. Nếu người ta đọc nó, họ sẽ không tìm ra được những lý giải có thể chấp nhận tương xứng với vai trò cực kỳ to lớn của một nhà chuyên chế đầy quyền lực:

“Kiểu nói sáo rỗng và kiểu diễn đạt quanh quẩn trong việc giáo dục phép hùng biện và giảng dạy về ngôn ngữ Latinh nhằm mục đích phục vụ cho một tâm hồn con trẻ hơn là cho một tâm hồn phẳng lặng, một tâm hồn dường như trong tấn công cũng như trong phòng ngự chủ yếu tự giới hạn mình ở cái “hãy tiếp cận” của học trò. Không có một ý tưởng, không có một hành vi, không có một sáng kiến – đó là sự buồn tẻ ở mức độ cao nhất. Người ta ngừng đọc một cách chua xót và có hứng phải thở dài ‘ồ’ một cái với Camille Desmoulins đáng yêu.”

Người ta giật mình khi nghĩ đến cái quyền lực của một con người đã đạt đến nhờ biết cách bao bọc quanh mình một uy lực qua việc kết nối niềm tin mãnh liệt với sự đặc biệt giới hạn về mặt trí tuệ. Nhưng đó chính là những tiền đề cần thiết để có thể bỏ ngơ những trở ngại và để có thể muốn một cái gì. Theo bản năng đám đông đã nhận ra ở con người đầy niềm tin này một vị chúa tể mà họ cần đến.

Thắng lợi của một bài diễn thuyết được trình bày ở quốc hội phụ thuộc hầu như hoàn toàn vào uy lực của diễn giả, không bao giờ phụ thuộc vào lý lẽ mà nó đưa ra.

Một diễn giả không tên tuổi mà diễn văn của ông ta có những lập luận tốt và cũng chỉ toàn là lập luận sẽ không có chút hy vọng gì cho dù chỉ được người ta chú ý nghe. Một nguyên nghị viên, ông Descubes, đã mô tả hình ảnh của một nghị viên không có uy thế qua những dòng như sau:

“Cứ khi nào ông ta bước lên bục diễn thuyết, ông ta lại rút ra từ cặp tài liệu của mình một tập dày giấy tờ dày cộm, ông ta bày chúng ra nghiêm chỉnh trước mặt và bắt đầu một phong thái hoàn toàn tự tin.

Ông ta tự tán dương niềm tin mà ông ta tâm đắc nhằm truyền đạt nó vào tâm hồn người nghe. Ông ta cân nhắc các luận cứ của mình, nhét đầy vào đó những số liệu, những luận chứng và tin rằng mình có lý. Bất kỳ sự phản kháng nào cũng phải tan biến trước sự rõ ràng của những điều ông ta trình bày. Ông ta bắt đầu trong niềm tin rằng lẽ phải đang nằm phía mình và tin rằng đồng nghiệp sẽ chú ý nghe ông, những người chắc chắn không có mong muốn gì hơn là được phép nghiêng mình trước những sự thật.

Ông ta nói – và lập tức ông ta lấy làm lạ trước những chuyển động và sự ồn ào nổi lên trong phòng họp, ông ta ngạc nhiên và hơi bức xúc.

Tại sao không ai chịu im lặng thế nhỉ? Tại sao mọi người lại không tập trung nghe? Những người đang nói chuyện với nhau kia họ nghĩ về những gì? Có lý do cấp thiết nào khiến người kia rời bỏ chỗ của mình?

Trên mặt ông ta bắt đầu xuất hiện những nét không yên tâm; ông ta nhăn trán, rồi nín lặng. Chủ tọa phải có lời động viên ông ta mới lại tiếp tục cất giọng. Lại vẫn cảnh mất trật tự như lúc trước. Ông ta cố gắng to giọng, cảnh mất trật tự lại càng gia tăng. Tiếng ồn ào xung quanh ông ta ngày càng lớn. Bản thân ông ta cũng chẳng còn nghe thấy mình nói gì, và ông ta im lặng, sau đó ông ta cố gắng tiếp tục nói chừng nào còn có thể, bởi vì ông ta sợ, nếu im lặng lúc này rất có nguy cơ ở đâu đó sẽ vang lên lời đề nghị “đủ rồi, xuống thôi”. Sự ồn ào đã đến mức không thể chịu đựng nổi.”

Những mỗi nguy của chủ nghĩa nghị viện (Parliamentarianism)

Parliamentarianism, parlementarisme. Danh từ này theo nghĩa rộng, nhằm để chỉ toàn bộ nền dân chủ hiện đại, bao gồm cả hai hình thức: chế độ nghị viện (parliamentary system, régime parlementaire) kiểu Anh và chế độ Tổng thống (presidential system, régime présidentiel) kiểu Mỹ.

Mặc dù có nhiều khó khăn trong cách thức hoạt động, các kỳ họp quốc hội đã tạo nên một hình thức lãnh đạo đất nước tốt nhất mà các dân tộc cho đến nay đã tìm ra, nhằm trước hết bằng cách có thể nhất để thoát ra khỏi ách thống trị của cá nhân kẻ độc tài. Chúng cho dù dạng gì cũng là điều lý tưởng đối với một chính phủ, nếu không ít ra cũng là đối với các triết gia, những nhà tư tưởng, nhà văn, nghệ sĩ và các nhà bác học, tóm lại là đối với tất cả những ai thuộc về tầng lớp đỉnh cao của nền văn hóa.

Trong các mối hiểm nguy thực ra chỉ tiềm ẩn hai điều cần phải được đặc biệt chú ý: đó là sự lãng phí quá đáng về mặt tài chính và sự giới hạn tự do cá nhân ngày càng gia tăng. Mối nguy thứ nhất là hậu quả tất yếu của các đòi hỏi và của sự thiển cận trong cách nhìn của đám đông cử tri. Nếu một nghị viên quốc hội đệ trình một kiến nghị mà nó rõ ràng phù hợp với một nguyện vọng mang tính dân chủ, ví dụ như việc chăm sóc về già cho tất cả những người lao động hoặc việc tăng phụ cấp cho những người điểu khiển tín hiệu xe lửa, cho giáo viên v.v…, thì lúc đó có những nghị viên khác, do vì lo sợ trước những cử tri ủng hộ mình, cho nên đã không dám thể hiện ra rằng họ đã đánh giá thấp ích lợi của đề nghị trên qua việc không chấp thuận nó. Họ biết chắc, đề nghị trên nếu được thực hiện sẽ làm cho ngân sách nhà nước bị quá tải và đương nhiên sẽ dẫn đến việc bắt buộc phải tăng thuế. Thế nhưng đến lúc biểu quyết họ đã chấp thuận nó không chút do dự. Trong khi những hậu quả của việc gia tăng chi tiêu ngân sách còn nằm xa ở tương lai và như vậy đối với họ những tác động khó chịu từ đó chưa thể xảy ra ngay được, ngược lại hậu quả của việc không chấp thuận họ có thể cảm nhận ngay lập tức vào những ngày sau đó, khi phải đứng ra đối chất trước cử tri của mình.

Tiếp ngay theo nguyên nhân đầu tiên làm căng thẳng vấn đề chi tiêu này là một nguyên nhân khác cũng không kém phần quyết định: đó là nghĩa vụ phải chấp thuận mọi khoản chi cho những nhu cầu thuần túy công cộng. Không có một nghị viên nào có thể chống lại những nhu cầu này, bởi chúng thể hiện những đòi hỏi của đám đông cử tri và bởi mỗi một nghị viên chỉ có thể đạt được những cái cần thiết nhất cho đơn vị bầu cử của họ nếu như họ chấp nhận những đề nghị tương ứng của các nghị viên khác. Mối nguy hiểm thứ hai được nhắc đến trên đây đó là sự hạn chế không tránh khỏi của tự do gây ra bởi nghị viện, điều này thực ra khó nhận thấy, nhưng đó là một thực tế. Nó là hậu quả của hàng loạt những đạo luật luôn mang tính giới hạn, mà các tác động của chúng những nghị viên thiển cận đã không nhìn ra, và họ đã cảm thấy phải có nghĩa vụ chấp thuận chúng.

Mối nguy hiểm này phải thuộc vào loại không tránh khỏi được, bởi ngay ở Anh, là nơi mà chắc chắn có một dạng chính phủ nghị viện thuộc loại hoàn hảo nhất và các nghị viên tỏ ra là những người độc lập đối với các cử tri, thế nhưng có vẻ như cũng không thể tránh khỏi được điều này . Ông Spencer đã từng chỉ ra trong một bài viết trước đây, rằng hậu quả nhất định phải dẫn đến sự gia tăng của hiện tượng các tự do thực sự dường như ngày càng ít đi. Trong một bài viết sau đó ít lâu. “Đơn độc chống lại nhà nước”, ông ta lại nhắc lại nhận định trên và nói về nghị viện Anh như sau:

“Từ cái thời điểm đó những nhà lập pháp Anh đã đi đúng theo con đường mà tôi đã dự đoán. Những biện pháp độc đoán, chúng được nhân rộng một cách nhanh chóng, chúng liên tục nhằm tới việc giới hạn tự do cá nhân mà cụ thể là ở hai cách thức: mỗi một năm càng có nhiều các đạo luật được ban hành mà tính chất của chúng là giới hạn tự do hoạt động của công dân và bắt buộc họ phải làm những gì mà trước đây họ có thể làm một cách tùy thích hoặc bỏ qua. Đồng thời gánh nặng ngày càng chồng chất, đặc biệt là những khoản chi tiêu công mà ngay từ đầu chúng đã hạn chế sự tự do, qua việc cắt giảm một phần thu nhập của công dân mà đáng lý ra cái phần đó trước đây họ có thể sử dụng một cách tùy thích, và làm gia tăng cái phần bị lấy đi để chi tiêu cho những ý đồ tùy theo cách đánh giá có thể là tốt đẹp của các quan chức.”

Sự giới hạn tự do ngày càng tăng kiểu này có ở tất cả các nước trong một cách thức đặc biệt, mà Spencer không chỉ ra: Sự tạo nên hàng loạt những biện pháp mang tính luật pháp theo kiểu giới hạn những cái chung tất nhiên sẽ dẫn đến việc gia tăng con số, quyền lực và ảnh hưởng của các quan chức, những người được trao nhiệm vụ thực thi những biện pháp đó. Quyền lực của họ càng lớn khi mà tầng lớp quan chức trở nên là tầng lớp duy nhất vô trách nhiệm, không nhiệt tình và được bổ nhiệm suốt đời, thoát ra khỏi sự thay đổi liên tục của chính quyền. Và giờ đây không có bạo lực nào cứng rắn hơn cái bạo lực thể hiện ở ba hình thái như vậy.

Việc liên tục tạo ra những điều luật và những biện pháp giới hạn bọc chặt lấy những biểu hiện không có ý nghĩa nhất của cuộc sống bằng những nghi thức phức tạp đã dẫn đến kết quả thảm hại là lĩnh vực trong đó người công dân được phép chuyển động một cách tự do ngày càng bị thu hẹp lại. Là nạn nhân của sự sai lầm, rằng càng nhiều điều luật thì tự do và bình đẳng càng được đảm bảo tốt hơn, đã dẫn tới các dân tộc chỉ càng tự trói chặt mình hơn khi làm điều đó.

Họ quàng vào mình những thứ đó không có nghĩa là không bị trả giá. Đã quen với việc tròng bất kỳ cái ách nào vào cổ, dứt khoát họ sẽ đi đến chỗ đi tìm những cái ách đó và cuối cùng là mất hết tất cả căn nguyên và sức mạnh. Họ lúc đó chỉ còn là những cái bóng không có sức đề kháng, chỉ còn là những cỗ máy tự động, không ý chí, không phản kháng và không sức lực.

Nếu một khi con người không còn thấy một sinh lực nào trong nó, lúc đó nó sẽ phải đi tìm kiếm ở một nơi khác. Với sự gia tăng ngày càng lớn của sự vô cảm và bất lực của công dân đã dẫn tới bắt buộc phải gia tăng hơn nữa tầm quan trọng của chính phủ. Chính phủ vì thế bắt buộc phải có thêm đầu óc khởi xướng, đầu óc kinh doanh và lãnh đạo, là những cái mà người công dân đã bị mất đi. Chính phủ phải tổ chức kinh doanh, phải lãnh đạo, phải bảo vệ. Và như thế nhà nước bỗng nhiên trở thành một ông thánh toàn năng. Tuy nhiên kinh nghiệm đã chỉ ra rằng, quyền lực của một ông thánh kiểu như vậy chẳng những không bền vững mà cũng chẳng hề mạnh.

Việc giới hạn tự do một cách liên tục ở một số dân tộc, mặc cho sự liên kết lỏng lẻo giữa họ đã gây cho họ một cảm giác tự do, có vẻ dường như là hậu quả của tuổi tác của họ và cũng như tuổi tác của chính phủ. Nó là một dấu hiệu ban đầu của sự thoái hóa mà cho đến nay không một dân tộc nào có thể tránh khỏi.

Nếu người ta từ những bài học của quá khứ rút ra những kết luận và phán xét tùy theo những dấu hiệu thể hiện khắp mọi nơi thì sẽ có nhiều nền văn hóa hiện đại của chúng ta đang ở nấc thang của sự già cỗi cao nhất, và đang trên đường thoái hóa. Có những hình thái phát triển nhất đinh dường như đối với tất cả các dân tộc đều phải trải qua, bởi quá trình như vậy đã lặp lại rất nhiều lần trong lịch sử. Việc mô tả đặc điểm của các nấc thang phát triển này hoàn toàn có thể dễ dàng làm được một cách khái quát, và với sự tóm tắt như vậy sẽ kết thúc bài viết này của chúng tôi ở đây.

Kết quả mang tính lịch sử triết học

Nếu chúng ta quan sát những nét chính về sự lớn lên và tiêu vong của các nền văn hóa trong quá khứ, chúng ta sẽ thấy những điều sau đây:

Trong sự bừng tỉnh của các nền văn hóa này, một bầy đoàn những con người có nguồn gốc khác nhau, đã tình cờ quy tụ lại qua các cuộc hành trình, qua những cuộc tấn công và xâm chiếm. Từ những dòng máu khác nhau, từ những ngôn ngữ khác nhau và cũng như từ những quan điểm khác nhau, không có gì khác hơn chính những luật lệ của một tù trưởng là sợi dây đã ràng buộc những con người như thế lại với nhau. Trong một đám hỗn độn, những đặc điểm tâm lý của đám đông đã thể hiện ở mức độ cao nhất. Chúng bộc lộ những quan hệ nhất thời như lòng quả cảm, sự yếu đuối, những hoạt động bản năng và những hành vi bạo lực. Không có gì trong số đó có chiều hướng lâu dài. Họ chính là những kẻ hoang dã man rợ.

Sau đó thời gian đã hoàn tất tác phẩm của mình. Sự đồng nhất của môi trường, sự lai giống thường xuyên, nhu cầu của một đời sống tập thể đã dần dần phát huy tác động. Những thành phần khác nhau của đám đông bắt đầu hòa đồng vào nhau và hình thành nên một giống nòi, có nghĩa là một hợp thành của những tính cách và những tình cảm chung, chúng ngày càng củng cố sự vững chắc qua di truyền. Đám đông đã trở thành một dân tộc, và cái dân tộc đó đã vươn lên thoát khỏi tình trạng dã man.

Tuy nhiên, chỉ có thể để lại hoàn toàn sau nó tình trạng dã man một khi qua những cố gắng dài lâu, trải qua những đoạn trường tranh đấu liên tục không ngừng nghỉ, một lý tưởng đã được đạt đến. Cái cấu thành nên lý tưởng đó không phải là điều quan trọng. Cho dù nó là sự sùng bái Rom, là quyền lực của Athen hoặc sự chiến thắng của Allah, nó phải đạt đến trạng thái trong đó, tất cả các thành phần riêng biệt của giống nòi, những phần tử tự nguyện tham gia, phải có một sự thống nhất hoàn toàn về cảm nhận và tư duy.

Giờ đây một nền văn hóa mới đã ra đời với những thiết chế, những hình thức tín ngưỡng và nghệ thuật của nó. Bị lôi cuốn bởi ước mơ hoài bão giống nòi dần dần đạt được tất cả những gì là hào quang, sức mạnh và vĩ đại. Rõ ràng rằng đôi khi họ sẽ là một đám đông, nhưng đứng đằng sau những tính chất chuyển động và thay đổi của đám đông sẽ là một kết cấu vững chắc của tâm hồn giống nòi, cái xác định mức giao động của một dân tộc và điều tiết sự thăng giáng.

Sau khi đã hoàn thiện công cuộc tạo hóa của của mình, thời gian bắt đầu với công cuộc tàn phá cả thánh thần lẫn con người đều không tránh khỏi. Nếu nền văn hóa đã đạt đến một đỉnh cao nào đó của quyền lực và sự phong phú, lúc đó nó sẽ ngưng phát triển và khi nó ngừng phát triển cũng là lúc nó nhanh chóng chuyển qua lụi tàn. Chẳng bao lâu tiếng chuông báo hiệu sự già cỗi sẽ điểm.

Giờ phút không tránh khỏi này luôn được báo hiệu bởi sự mờ nhạt của cái lý tưởng một thời đã từng nâng tâm hồn giống nòi lên. Ở mức độ lớn khi mà lý tưởng đó lụi tàn, các hình thể tôn giáo, chính trị và xã hội được lập nên từ nó cũng bắt đầu lung lay.

Với sự tan biến lý tưởng của mình ngày càng tăng, giống nòi liên tục mất đi những cái đã làm cho nó gắn bó lại với nhau, mất đi những cái làm nên sự thống nhất và sức mạnh của nó. Nhân cách và hiểu biết của mỗi một người riêng biệt có thể lớn lên, nhưng đồng thời với nó, thay vào chỗ tính vị kỷ tập thể của giống nòi là sự nảy nở quá đáng của tính ích kỷ cá nhân, cái luôn đi cùng với sự suy yếu các tính cách và giảm thiểu năng lực hoạt động. Cái một thời được coi là một dân tộc, là một sự thống nhất, là một khối, cuối cùng sẽ trở nên một đám những kẻ riêng biệt chẳng còn liên quan gì đến nhau và chỉ được kết dính lại một cách nhân tạo qua những truyền thuyết và các thiết chế. Điều xảy ra sau đó là những con người, bị tách rời khỏi nhau do bởi các lối sống và đòi hỏi của họ, sẽ trở nên không còn tự chủ và họ đòi phải được chỉ dẫn ngay cả trong những hành động không có ý nghĩa nhất, và rằng nhà nước phải mở rộng ảnh hưởng của nó trên mọi lĩnh vực.

Cùng với việc mất đi hoàn toàn lý tưởng đã có trước đây, giống nòi cuối cùng cũng sẽ mất đi cả tâm hồn, lúc đó nó chỉ còn là một tập hợp gồm những con người cô độc, và như thủa ban đầu, họ trở về là một đám đông. Đám đông thể hiện tất cả những đặc tính không bền vững, nhất thời và không có tương lai. Nền văn hóa mất đi tất cả sự bền vững và nó đầu hàng mọi sự tấn công. Đám đông hạ tiện chiếm ưu thế, sự dã man mọi rợ xuất hiện. Cho đến đây nền văn hóa vẫn còn tỏ ra sáng lạn bởi nó vẫn còn giữ được cái vẻ bề ngoài từng được tạo nên từ một quá khứ lâu dài, nhưng thực ra nó đã là một ngôi nhà đã mục ruỗng, không còn có gì để chống đỡ, và sẽ sụp đổ tan tành ngay từ cơn bão đầu tiên.

Từ dã man mọi rợ được ước mơ hoài bão dẫn dắt đã trở thành một nền văn hóa, sau đó, chừng nào niềm mơ ước này không còn sức lực, cũng là giây phút của sự suy tàn và cái chết – cuộc sống của các dân tộc luôn chuyển động trong cái vòng luân hồi như vậy.

[1] Tuy nhiên những cố vấn thông minh nhất của ông ta cũng không hiểu vấn đề tốt hơn. Talleyrand viết cho ông ta rằng, Tây Ban Nha sẽ chào đón quân lính của ông ta như những người giải phóng. Nó đã đón họ như những con thú dữ. Một nhà tâm lý học hiểu biết về tính di truyền bản năng của chủng tộc có thể dễ dàng thấy trước được sự chào đón thực tế sẽ như thế nào.

[2] Một số ít tác giả, chuyên tâm nghiên cứu về tâm lý học đám đông, chỉ nặng khảo sát về khía cạnh tội phạm của nó. Bởi vì tôi chỉ đề cập một cách ngắn gọn đến lĩnh vực này, cho nên tôi giới thiệu với độc giả nên đọc thêm các công trình của Tarde và các bài viết của Sighele: “Đám đông tội ác”. Công trình cuối cùng không hề có một ý tưởng nào mới của tác giả, nhưng cho ra một tóm tắt về những sự kiện mà những nhà tâm lý học có thể khai thác sử dụng. Tuy nhiên những kết luận của tôi về tội phạm và đạo đức của đám đông hoàn toàn trái ngược với hai tác giả nêu trên. Người ta sẽ tìm thấy trong các công trình khác nhau của tôi, đặc biệt là trong bài viết “Tâm lý học của chủ nghĩa xã hội”, một vài kết quả từ những quy luật chi phối tâm lý học đám đông. Những quy luật này ngoài ra cũng còn có thể vận dụng vào những lĩnh vực hoàn toàn khác. Ông giám đốc nhạc viện hoàng gia tại Brussel, A. Gevaert, đã sử dụng những quy luật mà tôi đã diễn đạt vào trong một luận văn về âm nhạc, với cái tên rất chính xác “Nghệ thuật đám đông” do ông đặt ra, để tạo nên một ứng dụng có giá trị rất đặc biệt. “Hai bài viết của ông”, ông giáo tuyệt vời này đã viết trong luận văn gửi cho tôi, “đã giúp cho tôi giải quyết được một vấn đề mà mãi đến trước đây tôi vẫn nghĩ là không có lời giải: ứng dụng được một cách đáng ngạc nhiên với hết thảy các đám đông, để cảm nhận được một bản nhạc, mới hoặc cũ, trong nước hay nước ngoài, đơn giản hay phối hợp với điều kiện là nó phải được chơi hay và các nhạc sĩ phải có một nhạc trưởng nhiệt tình”. Ông Gevaert đã chỉ ra rất chuẩn, tại sao “một tác phẩm, được các nhạc sĩ tài ba xem xét về phối khí trong phòng riêng của họ sẽ mãi mãi không ai khác ngoài họ hiểu được, thường lại được thính giả trình độ không cao lĩnh hội một cách dễ dàng”. Cũng tuyệt vời như vậy khi ông ta giải thích, tại sao những ấn tượng thẩm mỹ hầu như không để lại dấu vết gì.
[3] Ai đã từng tham gia vụ vây chiếm Paris chắc hẳn phải được chứng kiến nhiều trường hợp cả tin của đám đông vào những thứ cực kỳ vô lý. Một ánh nến cháy sáng trên một tầng nhà cao lập tức được coi là một tín hiệu báo cho những kẻ bao vây. Sau hai giây suy nghĩ người ta nhận ngay ra không thể nào nhìn thấy ánh sáng của một ngọn nến ở cách xa đến nhiều dặm như vậy.

[4] “Eclair” ngày 21 tháng 4 1895.

[5] Liệu chúng ta có biết, chỉ duy nhất về một trận đánh, rằng nó đã xảy ra như thế nào? Tôi rất nghi ngờ điều này. Chúng ta chỉ biết kẻ chiến thắng và kẻ chiến bại, ngoài ra có lẽ chẳng còn gì nữa. Những gì d’Harcourt viết về trận Solferimo mà ông ta một phần trực tiếp tham dự và một phần quan sát thấy, ta có thể vận dụng cho tất cả các trận đánh khác: “Những vị tướng (dĩ nhiên là có hàng trăm nhân chứng xác nhận) lập nên các báo cáo chính thức; các sĩ quan được giao nhiệm vụ phát tán các báo cáo này đã sửa đổi và quyết định nội dung cuối cùng của báo cáo; Tổng tham mưu trưởng xem xét và viết lại. Người ta đem báo cáo trình thống chế, ông ta hét lên: “Ngài nhầm lẫn hoàn toàn!” và tự mình sửa lại báo cáo. Nguyên văn ban đầu của báo cáo giờ đây hầu như chẳng còn gì nữa.” D’Hartcourt kể chuyện này để chứng minh rằng không thể biết được sự thật là như thế nào ở những sự kiện hấp dẫn nhất và được quan sát một cách chính xác nhất.

[6] Qua đó cũng giải thích một điều rằng, một số tác phẩm kịch, bị tất cả các giám đốc nhà hát từ chối, thỉnh thoảng lại đặc biệt thành công, nếu tình cờ được công diễn. Thành công của vở “Pour la Couronne” của Coppé là một điều ai cũng biết, vở này hàng chục năm trời, mặc dù tác giả là một người có danh, luôn bị các giám đốc nhà hát từ chối. “Charleys Tante” sau một loạt các chối từ đã được giới môi giới thị trường chứng khoán chịu chi để trình diễn và đã đạt 200 lượt trình diễn tại Pháp và trên một nghìn lượt tại Anh. Nếu không có sự giải thích như đã dẫn rằng các giám đốc nhà hát đã không thể tự đặt mình vào tâm hồn của đám đông, ta sẽ không hiểu được, tại sao những con người độc lập quả quyết, coi việc che giấu những nhầm lẫn là trọng, lại có thể có những phán xét sai sót như vậy.

[7] Bởi học thuyết này còn rất mới và nếu không có nó ta sẽ vẫn chưa hiểu được lịch sử, cho nên tôi đã dành chỗ cho nó ở nhiều chương trong tác phẩm của tôi mang tên “Các định luật của phát triển dân tộc”. Độc giả qua đó sẽ nhận thấy, mặc dù bị vẻ ngoài che lấp, kể cả ngôn ngữ lẫn tôn giáo, lẫn các loại nghệ thuật, hoặc bất kể một yếu tố nghệ thuật nào đều không thể không bị biến đổi khi được truyền từ dân tộc này sang dân tộc khác.

[8] Báo cáo của nghị viên già Fourcroy, mà Taine lấy làm ví dụ, chỉ ra rất rõ mặt này: “Những gì người ta thấy ở những cuộc lễ chủ nhật và đi nhà thờ chứng minh rằng, đám đông người Pháp muốn quay trở lại với những tập tục cũ, và cái thời để chống lại cái mong muốn này của dân tộc đã không còn nữa. Đám đông con người thấy cần phải có tôn giáo, có một thần tượng và các giáo sĩ. Một sự nhầm lẫn của một vài triết gia, điều mà bản thân tôi cũng lâm phải, là đã tin vào khả năng của một sự giáo dục, chỉ cần nó đủ phổ cập là có thể phá vỡ những định kiến tôn giáo: chúng là nguồn an ủi đối với nhiều nỗi bất hạnh… Do vậy người ta không nên động chạm đến những giáo sĩ, những nơi thờ phượng và thần tượng của đám đông dân chúng.”

[9] Điều này được thừa nhận ngay cả ở Mỹ bởi những người cộng hòa kiên quyết nhất. Tờ báo Mỹ “Forum” đã nhận xét về ý kiến này, và tôi cũng đã đăng lại trong “Review of Reviews” tháng 12 1894: “Ngay cả những kẻ thù sôi máu nhất của giới quý tộc cũng không được phép quên rằng, ngày nay nước Anh là một nước dân chủ nhất thế giới, ở đó quyền của mỗi một con người được chú trọng và nó có nhiều tự do nhất.”

[10] Nếu người ta so sánh sự bất đồng sâu sắc giữa tôn giáo và chính trị, cái đã làm nên sự chia cắt giữa nhiều vùng ở nước Pháp, với xu hướng ly khai xuất hiện trong thời đại cách mạng và trong thời kỳ kết thúc cuộc chiến tranh Pháp-Đức, ta sẽ thấy, rằng các chủng tộc khác nhau, sống trên đất nước chúng ta, còn lâu nữa mới có thể hòa hợp. Sự tập trung hóa đầy quyền lực và sự tạo nên các cơ quan giả tạo nhằm mục đích trộn lẫn các tỉnh thành xưa kia vào nhau, chắc chắn là những công việc có ích nhất của cách mạng. Giả như sự tản quyền, cái mà những cái đầu thiển cận hôm nay ra rả nói, có thể thành công, thì nó sẽ dẫn đến những cuộc chiến tranh đẫm máu không thể lầm lẫn. Không nhận ra được điều đó, có nghĩa là lịch sử của chúng ta đã hoàn toàn bị lãng quên.

[11] xem thêm trong “Tâm lý học của chủ nghĩa xã hội”, “Tâm lý học giáo dục”

[12] Vả lại đó cũng không phải là hiện tượng đặc biệt chỉ ở các dân tộc Latinh, người ta cũng thấy hiện tượng như vậy ở Trung quốc, chúng được hình thành từ thứ bậc chặt chẽ của hệ thống quan lại, và ở đâu nghề làm quan đạt đến được bằng thi cử như ở chỗ

chúng ta, thì ở đó đòi hỏi duy nhất là nói một cách trôi chảy những gì đã có trong các sách giáo khoa. Đội quân những nhà giáo thất nghiệp ở Trung quốc ngày nay đang là một tai họa thực sự. Ở Ấn độ cũng vậy, từ khi người Anh ở đó mở trường để chỉ bảo người bản xứ, chứ không phải giáo dục, một đẳng cấp đặc biệt của những người có học, đẳng cấp Babus, đã hình thành, và đã trở nên kẻ thù không khoan nhượng của chính quyền Anh, nếu như họ không nhận được chỗ làm. Tác động đầu tiên của việc giảng dạy ở đẳng cấp Babus, bất kể sau đó có công việc hay không, là sự xuống dốc một cách đặc biệt về đạo đức.Về điểm này tôi đã trình bày rất tường tận trong quyển “Văn hóa Ấn độ”. Tất cả các tác giả đã từng tới thăm tiểu lục địa này đều có chung một nhận xét như vậy.

[13] Taine, Le régime moderne II, 1894. – Đó gần như là những trang cuối cùng Taine đã viết. Chúng tóm tắt lại một cách tuyệt vời các kết quả của những kinh nghiệm lâu năm của một nhà tư tưởng lớn. Giáo dục là phương tiện duy nhất của chúng ta để có thể tác động chút ít đến tâm hồn đám đông, và nghĩ đến lại rất buồn, khi mà hầu như chẳng có ai ở Pháp có thể hiểu được, rằng nền giáo dục hiện nay của chúng ta là nguyên nhân kinh khủng của một sự méo mó. Đáng lý phải nâng tầm của tuổi trẻ lên thì nó lại dìm họ xuống và làm cho họ thối rữa.

[14] Trong quyển “Các quy luật tâm lý của sự phát triển của các dân tộc” tôi đã chỉ rõ sự khác biệt giữa ý tưởng của các dân tộc Latinh và các dân tộc Anglo-Saxon về khái niệm dân chủ.

[15] Quan điểm của đám đông trong trường hợp này tạo thành bởi những liên kết thô thiển giữa những sự vật tương tự nhau, mà cơ chế vận hành của nó trước đây tôi đã giải thích. Do vì trước đây đội cận vệ quốc gia của chúng ta gồm những công dân bình thường lương thiện, chưa hề có tiền án tiền sự và không được coi là quan trọng, cho nên điều này đã tạo ra một cảm giác, rằng tất cả những gì có tên tương tự như vậy, cũng sẽ có hình ảnh tương tự và dẫn đến cũng được đánh giá là không có gì đáng sợ. Sự nhầm lẫn của đám đông khi đó, cũng giống như quan điểm chung thời ấy là những điều được giới lãnh đạo chia sẻ. Trong một diễn văn, ngày 31 tháng 12 năm 1867 ông Thier trước các đại biểu quốc hội đã lặp lại điều của một người lãnh đạo nhà nước, là người thường chạy theo quan điểm của đám đông như sau: “Phổ ngoài một đội quân thường trực với số lượng đông tương đương với quân ta, chỉ có thêm một đội cận vệ quốc gia y như kiểu của chúng ta đã từng có và do vậy không đáng kể” – đó là một nhận định cũng đúng y như lời tiên tri nổi tiếng của cũng chính nhà lãnh đạo đó về tương lai ảm đạm của ngành đường sắt.

[16] Quan sát đầu tiên của tôi về nghệ thuật tác động vào đám đông và về những phương tiện trợ giúp yếu ớt mà Logíc học trong mối liên quan này đã cung cấp, được thực hiện trong thời gian Paris bị phong tỏa, đúng vào ngày tôi nhìn thấy thống chế V… được giải đến Louvre, trụ sở của chính quyền khi đó, bởi một đám đông dân chúng tức giận, họ có vẻ như đã phát hiện thấy ông ta một cách bất ngờ trong khi đang định lấy cắp sơ đồ pháo đài để bán cho quân Phổ. Một thành viên chính phủ, G.P…, là thuyết gia rất nổi tiếng, đã xuất hiện để phủ dụ đám đông đang đòi phải hành quyết ngay lập tức kẻ bị bắt. Tôi đã trông chờ diễn giả sẽ chứng minh sự vô lý của những lời buộc tội bằng cách khẳng định, rằng vị thống chế bị kết tội kia chính là công trình sư của pháo đài, và những tài liệu thiết kế của nó có thể mua được ở tất cả các hiệu sách. Nhưng tôi đã phải hết sức kinh ngạc – lúc đó tôi còn rất trẻ – vì lời phủ dụ đã hoàn toàn khác hẳn: “Công lý phải được thực thi”, ông ta kêu gọi đám đông, trong khi bước tới gần kẻ bị bắt, “và sẽ được thực thi một cách không khoan nhượng. Hãy để cho chính phủ của hội đồng bảo vệ quốc gia thực hiện công việc cho các bạn; ngay sau đây chúng tôi sẽ bắt nhốt kẻ bị kết tội.” Đám đông lập tức dịu xuống bởi dường như họ đã được thỏa mãn và sau đó tự động giải tán, còn vị thống chế nọ khoảng mười lăm phút sau đã có mặt tại nhà mình. Chắc chắn là ông ta sẽ bị đánh chết ngay lập tức, nếu như người bảo vệ ông ta đã sử dụng những lý lẽ lôgic trước đám đông đang căm phẫn, những lý lẽ mà tuổi trẻ của tôi nhận thấy rất hợp lý.

[17] Xem thêm các bài viết cuối của tôi: “Tâm lý chính trị học”, “Ý kiến và quan điểm”, “Cuộc cách mạng Pháp và Tâm lý học của các cuộc cách mạng”.

[18] Gustave le Bon. Con người và các hình thái xã hội. 1881. Tập 2, tr. 116.

[19] Người ta thấy kiểu tác động của chức danh, băng choàng danh dự, và đồng phục vào đám đông ở tất cả các nước, ngay cả ở những nơi mà sự yêu chuộng đối với độc lập cá nhân đã nảy nở một cách mạnh mẽ. Để làm sáng tỏ điều này, tôi dẫn ra đây một đoạn thú vị trong quyển sách mới gần đây của một du khách, nói về ảnh hưởng của tính cách cá nhân ở Anh: “Nhiều cuộc gặp gỡ khác nhau đã làm cho tôi có thể tin vào sự ngây ngất của những người Anh bình thường khi được tiếp xúc với một nhà quý tộc hoặc qua cái nhìn của ông ta.”

“Với điều kiện là sự phô trương của ông ta phải tương xứng với chức danh của ông, họ yêu mến ông ta ngay từ giây phút đầu, và với sự có mặt của ông ta, họ chấp nhận tất cả mọi thứ của ông ta với một niềm sung sướng. Người ta thấy họ đỏ mặt lên vì cảm động, khi ông ta tiến lại gần, và khi ông ta nói chuyện với họ, nó lại càng làm tăng thêm cái cảm giác hạnh phúc, tăng thêm sắc đỏ trên khuôn mặt họ, và nó làm cho ánh mắt của họ rực sáng lung linh. Họ có nhà vua trong máu của mình, ta có thể nói như vậy, như người Tây ban nha có các điệu nhảy, người Đức có âm nhạc và người Pháp có cách mạng. Sự say mê của họ dành cho ngựa và cho Shekespeare cũng không được nồng nhiệt như thế, sự bằng lòng và hãnh diện về điều đó cũng thấp hơn. Quyển sách về quý tộc đã được bán ra với số lượng lớn, và người ta thấy chúng trong tay tất cả mọi người giống như là quyển kinh thánh vậy.”

[20] Hoàng đế hoàn toàn lượng biết tác động của mình mạnh đến đâu và biết cách làm gia tăng nó, bằng cách ông ta đã đối xử với những bậc danh tiếng quanh mình còn tồi tệ hơn là đối xử với những người chăn bò, mà trong đám họ không ít người là những nghị viên nổi tiếng đến nỗi cả châu Âu phải khiếp sợ. Những tường thuật đương thời đã viết đầy rẫy các sự kiện kiểu như vậy. Ngày nọ Napoleon trong một hội nghị của hội đồng nhà nước, đã mắng Beugnot một cách thô lỗ chẳng khác gì cách người ta hành xử đối với một kẻ hầu vụng về: “Thế nào bây giờ hả ông, cái đầu đần độn vĩ đại, ông đã tìm thấy lại cái đầu của ông chưa?” Đáp lại, Beugnot, một kẻ cao lớn như cột cờ, đã cúi gập mình thật thấp, và người đàn ông nhỏ con kia giơ tay kéo tai anh chàng to lớn, như Beugnot viết: “một dấu hiệu của sự khích lệ ngây ngất, một cử chỉ tin cậy của một của một ông chủ nói năng ân cần”. Những thí dụ như vậy cho thấy một khái niệm rõ ràng về mức độ nhạt nhẽo mà uy lực có thể tạo nên; nó đã làm cho ta hiểu được sự khinh bỉ vô cùng lớn của những kẻ chuyên chế đối với những con người xung quanh ông ta.

[21] Một tờ báo nước ngoài, tờ “Neue Freie Presse” của thủ đô nước Áo, nhận sự kiện Lesseps qua đời đã có những nhận xét rất sắc sảo về mặt tâm lý, thấy cũng nên được trích dẫn ra ở đây: “Sau vụ kết án Ferdinands von Lesseps người ta không còn có quyền ngạc nhiên gì về cái kết cục buồn thảm của Chiristoph Columbus nữa. Nếu Lesseps là một kẻ lừa đảo, thì mọi sự lừa dối cao quý đều phải là tội phạm. Nếu ở thời thượng cổ thì người ta đã vinh danh ông với vòng nguyệt quế và để cho ông ta uống cạn chén nước tiên trên đỉnh Olympus, bởi vì ông ta đã làm thay đổi diện mạo thế giới và đã thực hiện một công trình hoàn thiện tác phẩm của tạo hóa. Qua việc kết án Lesseps, ông chánh án của tòa phúc thẩm đã trở thành bất tử, bởi dân chúng sẽ mãi mãi lôi tên cái con người, đã không biết sợ trước sự xỉ vả của thời đại về việc đã tròng cho một ông già khọm rọm bộ áo tù, mà cuộc đời ông ta đã mang lại vinh quang cho những người cùng thời.” “Người ta luôn nói với chúng ta về việc không được bẻ cong luật pháp, lại ở đúng cái nơi mà sự căm thù một cách quan liêu chống lại tất cả những sứ mệnh vĩ đại và táo bạo đang ngự trị. Nhân dân cần đến những người đàn ông dũng cảm, tin ở chính mình và không chú trọng đến cái tôi để chinh phục tất cả những gì khó khăn trở ngại. Thiên tài không thể thận trọng, với sự thận trọng sẽ không bao giờ nới rộng được cái giới hạn hoạt động của loài người. … Ferdinand von Lesseps đã biết đến cái say sưa của sự chiến thắng và cái đắng cay của sự thất bại: Suez và Panama. Ở đây tính nết chống lại đạo đức của thành công. Khi mà Lesseps nối liền được hai đại dương, tất cả các lãnh chúa và các dân tộc đã tỏ lòng kính trọng ông; ngày nay, do ông bị tai nạn đắm tàu tại vách đá vùng Cordillerie, ông bỗng chốc trở thành kẻ lừa đảo bỉ ổi. Đó là cuộc chiến của các giai cấp trong xã hội, những kẻ quan liêu bất mãn và những quan chức, đã sử dụng luật pháp để trả thù những ai muốn vươn lên trên những người khác. Những nhà lập pháp hiện nay trở nên rất khó nói khi giáp mặt với những ý tưởng to lớn của trí tuệ loài người, dân chúng lại càng hiểu về nó ít hơn, và công tố nhà nước cảm thấy dễ dàng chứng minh được Stanley là một kẻ ám sát và Lesseps là một tên lừa đảo.”

[22] Tính tàn bạo theo nghĩa triết học, dĩ nhiên là phải hiểu như thế. Trong thực tế chúng đã tạo nên một nền văn hóa hoàn toàn mới và đã làm cho con người thấy được thiên đường của mộng mơ, của hy vọng đầy quyến rũ mà nó chưa hề bao giờ được biết tới.

[23] Các ủy ban, có thể là các câu lạc bộ, các tập đoàn v.v… có lẽ là những cái tạo nên mối nguy hiểm đáng sợ nhất mà chúng đe dọa chúng ta qua quyền lực của đám đông. Chúng quả là dạng không phụ thuộc cá nhân nhất và do vậy cũng là mạnh mẽ nhất của bạo lực cai trị. Những lãnh đạo của các ủy ban, những người phát ngôn và hành động có vẻ như nhân danh một tập thể, là những người hoàn toàn được thoát khỏi mọi trách nhiệm và có thể được phép làm tất cả. Kẻ chuyên chế tàn bạo nhất cũng không bao giờ, cho dù chỉ là trong mơ, dám quyết định việc đày biệt xứ như ủy ban đã từng quyết định. Họ đã thu nhỏ quốc hội lại, đúng ra là đã cắt xén nó, ông Barras đã nói như vậy. Chừng nào còn được phép nói nhân danh quốc hội thì Robespierre còn là một ông chủ quyền lực không giới hạn. Cái ngày mà kẻ độc tài kinh tởm từ bỏ họ một cách ích kỷ thì cũng là suy tàn của nó. Sự thống trị của đám đông có nghĩa là sự thống trị của các ủy ban, và cũng chính là là sự thống trị của người lãnh đạo ủy ban đó. Một kẻ chuyên chế tàn bạo hơn thế người ta khó có thể tưởng tượng ra.

[24] Trên những quan điểm như vậy được xác định từ trước do bởi các đòi hỏi của cử tri, một nghị viên già của nước Anh đã tự đánh giá một cách rõ ràng như sau: “Trong suốt năm mươi năm tôi có mặt ở Westminster tôi đã từng nghe hàng ngàn lời phát biểu và chỉ có một số ít trong đó đã làm tôi thay đổi quan điểm; nhưng không có một bất cứ điều nào có ảnh hưởng đến sự biểu quyết của tôi cả.”


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.