Các định nghĩa về chiến tranh.
– Nguồn thông tin.
– Các loại hình chiến tranh truyền thống.
– Tỷ lệ tử vong.
– Tương đồng và khác biệt.
– Kết thúc chiến tranh.
– Tác động từ sự tiếp xúc với châu âu.
– Những động vật hiếu chiến, những con người yêu chuộng hòa bình.
– Các động cơ của chiến tranh truyền thống.
– Những nguyên nhân sâu xa.
– Con người chiến đấu với ai?
– Lãng quên Trân Châu Cảng
Các định nghĩa về chiến tranh
Chiến tranh truyền thống, được minh họa qua chiến tranh của người Dani được miêu tả trong chương trước, đã lan rộng nhưng không lan khắp các xã hội quy mô nhỏ. Điều này dấy lên nhiều câu hỏi được tranh luận kịch liệt. Ví dụ, nên định nghĩa chiến tranh thế nào và cái gọi là chiến tranh bộ lạc có thật sự tạo thành chiến tranh không? Số người chết trong chiến tranh thuộc những xã hội quy mô nhỏ như thế nào so với số người chết từ chiến tranh nhà nước? Các cuộc chiến tăng lên hay giảm đi khi những xã hội quy mô nhỏ bắt đầu tiếp xúc và bị ảnh hưởng bởi châu âu và những xã hội khác tập trung hơn? Nếu chiến tranh giữa các nhóm tinh tinh, sư tử, sói và các loài động vật có tính bầy đàn khác tạo ra tiền lệ cho chiến tranh loài người, thì điều đó có cho thấy nguồn gốc di truyền theo gen của chiến tranh hay không? Giữa các xã hội của loài người, có tồn tại xã hội nào đặc biệt thái bình không? Nếu có thì tại sao? Và: đâu là động cơ cũng như nguyên nhân của chiến tranh truyền thống?
Hãy bắt đầu với câu hỏi về việc làm cách nào để định nghĩa chiến tranh. Bạo lực của con người có nhiều hình thức, chỉ một vài trong số đó thường được sử dụng gây nên chiến tranh. Bất cứ ai cũng sẽ đồng ý rằng một cuộc chiến giữa những đội quân lớn với binh lính được đào tạo chuyên nghiệp phục vụ cho các chính phủ nhà nước đối đầu nhau khi đã đưa ra lời tuyên bố chiến tranh chính thức sẽ cấu thành nên chiến tranh. Hầu hết chúng ta đều đồng ý rằng có một vài hình thức bạo lực của nhân loại không gây ra chiến tranh, ví như tội giết người (việc một cá nhân nào đó giết một cá nhân khác thuộc về cùng một tổ chức chính trị), hay thù hận gia đình với cùng một tổ chức chính trị (như thù hận giữa gia đình Hatfield và McCoy ở Miền Đông nước Mỹ khoảng đầu những năm 1880). Các trường hợp không phân định rõ bao gồm bạo lực tái diễn giữa các nhóm thù địch trong cùng một tổ chức chính trị như đấu tranh giữa những băng đảng thành thị (thường được biết tới như chiến tranh băng đảng), giữa các liên minh buôn ma túy, hay giữa các phe phái chính trị khi sự đấu đá chưa đạt tới giai đoạn nội chiến công khai (như cuộc đấu tranh của các lực lượng vũ trang giữa chủ nghĩa phát xít với chủ nghĩa xã hội ở ý và Đức dẫn đến sự nắm quyền của Mussolini và Hitler). Vậy chúng ta nên đặt giới hạn ở đâu?
Câu trả lời cho câu hỏi trên có lẽ phụ thuộc vào mục đích của người nghiên cứu. Với những người lính tương lai trong buổi đào tạo ở Đại học Quân đội do Nhà nước bảo trợ, có lẽ cần phải loại khỏi định nghĩa chiến tranh những câu chuyện về bạo lực ở chương 3 giữa các liên minh đối đầu của người Dani. Tuy nhiên, vì mục đích của chúng ta trong cuốn sách này vốn là về toàn bộ những hiện tượng có liên quan được quan sát thấy từ những thị tộc nhỏ nhất với 20 người cho tới những đất nước lớn nhất trên một tỉ người, chúng ta phải định nghĩa chiến tranh theo cách để không loại bỏ chiến tranh truyền thống giữa các thị tộc nhỏ ra khỏi khái niệm này. Theo như Steven LeBlanc đã tranh luận, “Các định nghĩa về chiến tranh không nhất thiết phải phụ thuộc vào quy mô của nhóm hay các phương thức đấu tranh nếu chúng có ích cho việc nghiên cứu chiến tranh trong quá khứ… Nhiều nhà nghiên cứu định nghĩa chiến tranh như ám chỉ một thứ gì đó mà chỉ những xã hội phức tạp dùng công cụ kim loại mới có (nghĩa là, dùng chiến thuật đánh giáp lá cà và lính chuyên nghiệp). Họ tin rằng mọi thứ khác – thỉnh thoảng một hay hai cuộc đột kích – không phải là chiến tranh “thật sự”, mà là điều gì đó giống cuộc chơi hơn và không phải là chủ đề cần quan tâm nhiều. Tuy nhiên, cách tiếp cận hoặc thái độ như vậy không phân biệt được giữa phương pháp chiến tranh với kết quả chiến tranh… Liệu những xung đột giữa các tổ chức chính trị độc lập có gây ra chết chóc và mất mát nghiêm trọng trong lãnh thổ, đồng thời có khiến một vài lãnh thổ bị xem như vô dụng vì quá nguy hiểm để sinh sống hay không? Liệu mọi người có hao tổn rất nhiều thời gian và năng lượng để tự bảo vệ bản thân? Nếu đánh nhau gây ra những ảnh hưởng to lớn đến con người, nó là chiến tranh bất kể cuộc chiến được tiến hành thế nào.” Từ góc nhìn đó, chiến tranh nên được định nghĩa đủ rộng để bao hàm cuộc chiến của người Dani được đề cập ở chương 3.
Hãy xem một định nghĩa khá điển hình về chiến tranh, trích từ Bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica tái bản lần thứ 15: “Trạng thái xung đột thù địch có vũ trang thường xuyên công khai và có tuyên bố giữa các đơn vị chính trị như nhà nước hay quốc gia, giữa các bè phái chính trị thù địch trong cùng nhà nước hay quốc gia. Đặc điểm của chiến tranh là tình trạng bạo lực có chủ ý nhắm đến các nhóm lớn gồm nhiều cá nhân vốn được tổ chức hoặc đào tạo chuyên nghiệp để tham gia những hoạt động bạo lực như vậy… Nói chung, chiến tranh được hiểu chỉ gồm các xung đột vũ trang ở quy mô tương đối lớn, thường không bao gồm những xung đột có ít hơn 50.000 chiến binh tham gia.” Cũng như nhiều định nghĩa chiến tranh thông dụng khác, định nghĩa này quá hạn chế đối với mục đích của chúng tôi vì nó yêu cầu “các nhóm lớn gồm nhiều cá nhân vốn được tổ chức hoặc đào tạo chuyên nghiệp”, và do đó, định nghĩa này từ chối thừa nhận khả năng xảy ra chiến tranh ở các xã hội thị tộc nhỏ. Yêu cầu thiếu căn cứ là tối thiểu 50.000 chiến binh, nhiều hơn 6 lần toàn bộ dân số (chiến binh nam, phụ nữ và trẻ em) được đề cập tới trong cuộc chiến của người Dani ở chương 3 và lớn hơn rất nhiều những xã hội quy mô nhỏ được thảo luận trong sách.
Do đó, nhiều học giả nghiên cứu xã hội quy mô nhỏ đã đi đến những định nghĩa khác rộng hơn về chiến tranh, tương tự như nhau và thường đòi hỏi ba yếu tố. Yếu tố đầu tiên là bạo lực do các nhóm ở bất cứ quy mô nào gây ra, nhưng không phải bởi các cá nhân (Việc ám sát gây ra bởi một cá nhân được coi là tội giết người, không phải là một hành động của chiến tranh). Một yếu tố khác là bạo lực giữa các nhóm thuộc hai đơn vị chính trị khác nhau, không phải của cùng một đơn vị chính trị. Nhân tố cuối cùng là bạo lực phải được chấp thuận bởi toàn thể đơn vị chính trị, ngay cả khi chỉ một vài thành viên của đơn vị đó thi hành bạo lực. Vì vậy, việc tàn sát giữa hai gia đình Hatfield và McCoy không cấu thành chiến tranh vì cả hai gia đình đều thuộc cùng một đơn vị chính trị (nước Mỹ) và toàn nước Mỹ không chấp nhận mối thù hận gia đình đó. Những nhân tố này có thể được tổng hợp vào trong một định nghĩa ngắn gọn về chiến tranh và là định nghĩa mà tôi sử dụng trong cuốn sách này, định nghĩa đó tương tự với những định nghĩa do các nhà nghiên cứu khác về xã hội quy mô nhỏ cũng như xã hội nhà nước đưa ra: “Chiến tranh là tình trạng bạo lực lặp đi lặp lại giữa các nhóm thuộc về các đơn vị chính trị thù địch và được chấp thuận bởi các đơn vị đó.”
Nguồn thông tin
Câu chuyện về chiến tranh của người Dani ở chương 3 có thể cho thấy rằng không khó để nghiên cứu chiến tranh truyền thống: gửi những sinh viên sau đại học và một đoàn phim, quan sát và quay phim các trận chiến, đếm số chiến binh bị thương và tử trận được đưa về, phỏng vấn những người tham gia để biết thêm chi tiết. Đó là bằng chứng sống cho chúng ta biết về chiến tranh Dani. Nếu chúng ta có hàng trăm nghiên cứu như thế, chắc chắn sẽ không có những tranh cãi về hiện thực chiến tranh truyền thống.
Thực tế, vì một vài lý do hiển nhiên, những quan sát trực tiếp về chiến tranh truyền thống của các nhà nghiên cứu với máy quay khá hiếm hoi và tồn tại một số tranh cãi về mức độ chiến tranh truyền thống khi không có ảnh hưởng của châu âu. Do người châu âu bành trướng toàn cầu từ năm 1492 SCN trở đi và đã chạm trán, chinh phục những người không phải là người châu âu, một trong những điều đầu tiên mà chính phủ các nước châu âu đã làm là ngăn chặn chiến tranh truyền thống: vì sự an toàn cho bản thân những người châu âu, để cai trị những vùng bị xâm chiếm và là một phần của sứ mệnh văn minh hóa tự nhận thức. Đến khi khoa học của ngành nhân học bước vào thời đại của vô vàn nghiên cứu thực địa và sinh viên sau đại học sau Thế chiến thứ 2, chiến tranh giữa các xã hội quy mô nhỏ trở nên thu hẹp lại chỉ còn ở đảo New Guinea và một số phần của Nam Mỹ. Chiến tranh truyền thống đã kết thúc sớm hơn rất nhiều ở các đảo Thái Bình Dương khác, Bắc Mỹ, châu úc bản địa, châu Phi và Đại lục á – âu, mặc dù gần đây các hình thức hiện đại của chiến tranh truyền thống đang tái xuất hiện ở một số vùng, đặc biệt là châu Phi và New Guinea.
Ngay cả ở New Guinea và Nam Mỹ, những cơ hội gần đây để ngành nhân học quan sát trực tiếp chiến tranh truyền thống cũng khá hạn chế. Chính phủ không muốn rắc rối và bị các nước khác chú ý khi những người ngoài cuộc không có vũ trang bị tấn công bởi những người đang đánh nhau ở các bộ lạc. Chính phủ cũng không muốn các nhà nhân học được vũ trang, trở thành những đại diện đầu tiên của xã hội nhà nước tiến vào các lãnh thổ bộ lạc không hề hòa bình, cố gắng tự mình kết thúc chiến tranh. Do đó, cả ở New Guinea và Nam Mỹ đã có những giới hạn của chính phủ dành cho việc đi lại cho đến khi một khu vực được chính thức bình định và an toàn với những người đến thăm. Tuy nhiên, một vài nhà nghiên cứu và nhà truyền giáo đã thành công khi làm việc tại những vùng chiến tranh còn đang tiếp diễn. Các ví dụ điển hình là những nhà quan sát ở vùng Dani năm 1961, nơi vốn đã có một trạm tuần tra của Hà Lan được thiết lập tại Thung lũng Baliem, tuy nhiên nơi đó đoàn thám hiểm Harvard Expedition cũng đã được cho phép hoạt động ngoài phạm vi kiểm soát của chính phủ; nghiên cứu của gia đình Kuegler khi sống giữa những người Fayu phía Tây New Guinea bắt đầu từ năm 1979; và nghiên cứu của Napoleon Chagnon khi sống với thổ dân da đỏ Yanomamo ở Venezuela và Brazil. Tuy nhiên, ngay cả trong những nghiên cứu từng cung cấp các quan sát trực tiếp về chiến tranh như vậy, khá nhiều hoặc phần lớn chi tiết vẫn không được quan sát trực tiếp bởi những người phương Tây nghiên cứu về chiến tranh, mà thay vào đó là gián tiếp thu thập được từ những người cung cấp tin địa phương: ví dụ, các báo cáo chi tiết của Jan Broekhuijse về những người bị thương ở mỗi trận chiến Dani trong hoàn cảnh nào, ở phần thân thể nào.
Hầu hết thông tin của chúng ta về chiến tranh truyền thống hoàn toàn là gián tiếp và dựa trên các câu chuyện những người tham gia cung cấp cho khách phương Tây, hoặc nếu không thì dựa trên những quan sát trực tiếp của người châu âu (như quan chức chính phủ, nhà thám hiểm, thương nhân), những người vốn không phải những nhà khoa học được đào tạo về khâu thu thập dữ liệu để làm luận án tiến sĩ. Ví dụ, nhiều người New Guinea đã thuật lại cho tôi những trải nghiệm của họ trong chiến tranh truyền thống. Tuy nhiên, trong mọi chuyến thăm của tôi tới miền Đông New Guinea thuộc úc (giờ là quốc gia độc lập Papua New Guinea) và miền Tây Indonesia New Guinea, cá nhân tôi chưa bao giờ chứng kiến người New Guinea tấn công người New Guinea. Chính phủ úc và Indonesia chưa khi nào cho phép tôi vào những khu vực mà bạo động vẫn còn tiếp diễn, ngay cả khi tôi rất muốn tới đó, nhưng tôi không thể làm thế. Hầu hết những người phương Tây quan sát và miêu tả về chiến tranh truyền thống đều không phải là những nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Ví dụ, Sabine Kuegler, con gái của nhà truyền giáo Klaus và Doris Kuegler, khi 6 tuổi, đã miêu tả trong cuốn sách nổi tiếng của cô, Child of the Jungle (tạm dịch: Đứa con của Rừng), về một trận chiến với cung và tên giữa thị tộc Tigre của người Fayu (nơi gia đình cô đang sống cùng) với những vị khách từ thị tộc Sefoidi. Cô đã chứng kiến những mũi tên bay vun vút tứ phía và những người đàn ông bị thương được mang ra ca-nô. Tương tự như vậy, linh mục Juan Crespí người Tây Ban Nha, một thành viên của đoàn thám hiểm Gaspar de Portolá, đoàn thám hiểm bằng đường bộ đầu tiên của người châu âu tiếp cận thổ dân da đỏ Chumash dọc theo bờ biển Nam California vào những năm 1769-1770, đã viết lại chi tiết về các nhóm người Chumash bắn tên vào nhau.
Vấn đề liên quan đến tất cả những câu chuyện trên về chiến tranh truyền thống của các nhà quan sát bên ngoài (thường là người châu âu), dù là các nhà nhân học hay thường dân, đều gợi nhớ Nguyên lý Bất định Heisenberg trong vật lý: bản thân sự quan sát làm nhiễu loạn sự kiện được quan sát. Trong nhân học, điều này có nghĩa là sự hiện diện của những người ngoài cuộc chắc chắn có ảnh hưởng lớn tới những người “chưa được tiếp cận” trước đó. Các chính quyền nhà nước thường thông qua một chính sách có chủ đích để kết thúc chiến tranh truyền thống: chẳng hạn, mục tiêu đầu tiên của các sĩ quan tuần tra người úc thế kỷ XX trong lãnh thổ Papua và New Guinea, khi xâm nhập vào một khu vực mới, là chấm dứt chiến tranh và tục ăn thịt người. Những người ngoài cuộc không thuộc chính phủ có thể đạt được kết quả giống như vậy theo nhiều cách khác nhau. Ví dụ, Klaus Kuegler cuối cùng đã phải nài nỉ tộc trưởng thị tộc Fayu ngừng đánh nhau quanh nhà anh ấy và giao chiến ở nơi khác, nếu không anh ta và gia đình sẽ phải rời khỏi đó vì sự an toàn và bình yên của chính họ. Người Fayu đồng ý và dần ngừng đánh nhau.
Trên đây là ví dụ cho thấy người châu âu cố tình kết thúc hoặc giảm thiểu chiến tranh giữa các thị tộc, nhưng cũng có những cáo buộc cho thấy người châu âu xúi giục các thị tộc đánh nhau một cách có chủ đích. Rất nhiều cách mà theo đó những người ngoài cuộc, thông qua các hoạt động hoặc chỉ đơn giản là sự xuất hiện của họ, có thể không có chủ ý đã làm gia tăng hoặc giảm thiểu chiến tranh. Do đó, mỗi khi một người ngoài cuộc tường thuật lại những quan sát về chiến tranh truyền thống (hoặc tình trạng không chiến tranh), sẽ khó tránh khỏi sự thiếu chắc chắn về mức độ chiến tranh, nếu không có thêm người thứ hai quan sát bên ngoài. Tôi sẽ quay lại câu hỏi này sau trong chương này.
Một cách tiếp cận khác là nghiên cứu bằng chứng về mâu thuẫn bộ lạc được thể hiện trong các di tích khảo cổ được chôn trước khi những người ngoài tới. Cách tiếp cận này có lợi thế là loại bỏ toàn bộ tác động của những người quan sát đương thời bên ngoài. Tuy nhiên, trong phép so sánh với Nguyên lý Bất định Heisenberg, lợi thế đó được đánh đổi bằng bất lợi: tính thiếu chắc chắn về sự thật gia tăng, vì chiến tranh không được quan sát trực tiếp và cũng không được miêu tả dựa trên báo cáo của nhân chứng địa phương, thay vào đó phải được suy luận từ các bằng chứng khảo cổ vốn có nhiều điều không chắc chắn. Một loại bằng chứng khảo cổ không thể phủ nhận về các trận chiến là các bộ xương, được gom chung lại không có những dấu hiệu của hoạt động chôn cất phù hợp với những dấu cắt và vết gãy trên xương được nhận thấy là do vũ khí hoặc các công cụ gây ra. Những dấu vết đó gồm những vết mũi tên hằn, những vết cắt trên xương gây ra bởi các vũ khí sắc bén như rìu, xương sọ với những dấu cắt thẳng dài cho thấy việc da đầu họ bị lột, hoặc xương sọ đi kèm hai đốt sống đầu tiên vốn là kết quả thường thấy của việc bị chặt đầu (chẳng hạn để săn đầu người). Ví dụ, ở Talheim thuộc Tây Nam nước Đức, Joachim Wahl và Hans Konig nghiên cứu 34 bộ xương được xác định là của 18 người lớn (9 người đàn ông, 7 phụ nữ, 2 người không rõ giới tính) và 16 trẻ em. Họ được chất đống ngổn ngang vào khoảng 5.000 năm TCN trong một căn hầm không có vật dụng chôn cất thường có trong hoạt động chôn cất người thân nghiêm trang. Những vết cắt không lành lại bên phải mặt sau của 18 chiếc sọ cho thấy những người này đã chết vì những cú đánh từ phía sau bởi ít nhất 6 cái rìu, chắc chắn được sử dụng bởi những người tấn công thuận tay phải. Các nạn nhân ở mọi lứa tuổi, từ trẻ nhỏ tới một người đàn ông ở độ tuổi 60. Có vẻ như toàn bộ nhóm gồm sáu gia đình đã cùng lúc bị tàn sát bởi một nhóm tấn công đông hơn rất nhiều.
Các loại bằng chứng khảo cổ học khác về chiến tranh bao gồm những phát hiện về vũ khí, áo giáp, khiên và pháo đài. Trong khi một số vũ khí không phải là dấu hiệu chắc chắn của chiến tranh vì giáo mác, cung và mũi tên có thể được sử dụng để săn bắt cũng như giết người, rìu chiến và súng cao su thật sự là bằng chứng của chiến tranh vì chúng được sử dụng chỉ hoặc chủ yếu để chống lại con người thay vì con mồi. áo giáp và khiên gần như được chế tạo ra chỉ để dùng trong chiến tranh, không phải phục vụ cho việc săn mồi. Việc sử dụng chúng trong chiến tranh đã được miêu tả theo dân tộc học ở nhiều nhóm người truyền thống đang sống, gồm người New Guinea, thổ dân úc và người Inuit. Do đó, những phát hiện tương tự về áo giáp, khiên là bằng chứng về chiến tranh trong quá khứ. Các dấu hiệu khảo cổ học khác về chiến tranh là các pháo đài, như tường, hào, hàng rào bảo vệ và các tháp canh để bắn đạn chống lại những nỗ lực hòng phá tường của kẻ thù. Ví dụ, khi người châu âu bắt đầu định cư ở New Zealand đầu những năm 1800, người Maori bản xứ ở New Zealand đã có các pháo đài trên đồi, gọi là pa, ban đầu được sử dụng để chiến đấu chống lại nhau, cuối cùng lại dùng để chống lại người châu âu. Có khoảng một ngàn pa của người Maori được biết tới, nhiều trong số đó được khai quật và được định tuổi nhiều thế kỷ trước khi người châu âu xuất hiện, nhưng vẫn giống với những pháo đài còn được sử dụng mà người châu âu quan sát thấy. Vì vậy, không còn nghi ngờ gì về việc người Maori đã gây chiến với nhau từ rất lâu, trước khi người châu âu xuất hiện.
Cuối cùng, những dấu hiệu định cư khảo cổ học khác trên những địa điểm như đỉnh đồi, vách đá hay trên bề mặt vách đá không có ý nghĩa nào khác ngoại trừ mục đích phòng thủ khỏi sự tấn công của kẻ thù. Những ví dụ quen thuộc bao gồm việc định cư của thổ dân da đỏ Ansazi ở Mesa Verde và bất cứ nơi đâu ở Tây Nam nước Mỹ, trên bờ vực đá hay phần nhô ra của vách đá vốn chỉ có thể lên được bằng thang. Vị thế cao bên trên nền thung lũng của họ có nghĩa rằng nước và những nguồn cung cấp khác phải được đưa lên trên hàng trăm mét. Khi người châu âu đến vùng Tây Nam, thổ dân da đỏ đã sử dụng những nơi có địa hình này làm nơi trú ngụ hoặc bảo vệ bản thân khỏi sự tấn công của những người châu âu. Do đó, người ta giả định rằng các ngôi nhà nằm trên vách đá được khảo cổ học xác định tồn tại từ nhiều thế kỷ trước khi người châu âu xuất hiện đã từng được sử dụng để chống lại những thổ dân da đỏ. Nếu tất cả những bằng chứng khảo cổ học này vẫn không đủ thuyết phục, thì các hình vẽ trên đá có nguồn gốc từ thời Upper Pleistocene cho thấy trận chiến giữa các nhóm đối đầu, miêu tả con người bị đâm và các nhóm người đánh nhau bằng cung, tên, khiên, giáo mác và gậy gộc. Về sau, các tác phẩm nghệ thuật tiền – châu âu theo cùng truyền thống này, nhưng tinh xảo hơn, là bức vẽ tường nổi tiếng của người Maya ở Bonampak, từ một xã hội tồn tại trong khoảng năm 800 SCN, miêu tả những cuộc chiến và cách tra tấn đẫm máu những người tù một cách chi tiết và chân thực.
Vì thế, chúng ta có ba nguồn thông tin dồi dào – từ những người quan sát hiện đại, từ những nhà khảo cổ học và từ những nhà sử học nghệ thuật – về chiến tranh truyền thống, trong những xã hội quy mô nhỏ đủ kích cỡ, từ các thị tộc nhỏ đến các tù trưởng quốc lớn và các nhà nước sơ khai.
Các loại hình chiến tranh truyền thống
Chiến tranh đã được biến tấu dưới nhiều hình thức, cả trong quá khứ và ngày nay. Chiến tranh truyền thống tận dụng tất cả chiến thuật cơ bản mà nhà nước hiện đại sử dụng và có tính khả thi về kỹ thuật đối với các xã hội bộ lạc (Tất nhiên, các phương tiện không chiến không có ở các bộ lạc và chiến tranh hải quân với tàu chiến được chuyên môn hóa không được ghi nhận cho đến khi hình thành chính phủ nhà nước sau năm 3000 TCN). Một chiến thuật quen thuộc và vẫn còn được áp dụng là đánh dàn trận, trong đó rất nhiều các chiến binh đối mặt nhau và chiến đấu công khai. Đây là chiến thuật đầu tiên được liên tưởng đến khi chúng ta nghĩ về chiến tranh nhà nước hiện đại – các ví dụ nổi tiếng gồm Trận chiến Stalingrad, Gettysburg và Waterloo. Nếu không kể quy mô và vũ khí, những trận chiến này chắc hẳn đã quen thuộc với người Dani, những người vốn có những trận chiến tự phát vào các ngày 7/6, 2/8, và 6/8/1961 mà tôi đã mô tả ở chương 3.
Chiến thuật quen thuộc tiếp theo là các cuộc đột kích, theo đó một nhóm nhỏ các chiến binh ẩn mình, di chuyển dưới lùm cây hoặc vào ban đêm, tiến hành một cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ đối phương với mục tiêu giết chết một số quân địch hoặc phá hoại tài sản của đối phương sau đó rút lui, chứ không kỳ vọng tiêu diệt toàn bộ quân địch hoặc chiếm được lãnh thổ của đối phương. Đây có lẽ là hình thức phổ biến nhất của chiến tranh truyền thống, chẳng hạn như các cuộc đột kích của người Nuer chống lại người Dinka, hoặc các cuộc đột kích lẫn nhau của người Yanomamo. Tôi đã mô tả các cuộc đột kích của người Dani diễn ra vào ngày 10/5, 26/5, 29/5, 8/6, 15/6, 5/7 và 28/7/1961. Vô vàn ví dụ về các cuộc đột kích, bởi bộ binh và ngày nay là bởi tàu và máy bay, trong chiến tranh nhà nước.
Liên quan đến các cuộc đột kích và cũng phổ biến trong chiến tranh truyền thống, là phục kích, một hình thức tấn công bất ngờ, trong đó những kẻ gây hấn, thay vì di chuyển lén lút, lại ẩn mình và chờ tại một địa điểm mà kẻ thù không hoài nghi. Tôi đã mô tả cuộc phục kích của người Dani diễn ra vào ngày 27/4, 10/5, 4/6, 10/6, 12/7 và 28/7/1961. Phục kích vẫn còn khá phổ biến trong chiến tranh hiện đại, với radar hỗ trợ và các phương pháp giải mã giúp phát hiện những chuyển động của kẻ địch – những người ít có khả năng phát hiện ra bên phục kích.
Một chiến thuật truyền thống không có hình thức tương đương trong chiến tranh nhà nước hiện đại là bữa tiệc xảo trá được ghi chép giữa những người Yanomamo và ở New Guinea: mời hàng xóm đến dự tiệc, sau đó bất ngờ giết chết họ khi họ đã bỏ khí giới xuống và tập trung vào việc ăn uống. Tại sao mọi nhóm Yanomamo lại để bản thân rơi vào cái bẫy đó dù đã được nghe đến những câu chuyện xảo trá như vậy từ trước. Đó là bởi có thể các buổi lễ vinh dự khá phổ biến, mà chấp nhận một lời mời thường mang lại lợi thế lớn để xây dựng liên minh và chia sẻ thực phẩm, đồng thời nhóm chủ nhà bỏ ra nhiều nỗ lực để chứng tỏ ý định của họ có vẻ thân thiện. Ví dụ duy nhất trong thời hiện đại tôi có thể nghĩ tới liên quan đến chính quyền nhà nước là vụ thảm sát vị chỉ huy người Phi gốc Hà Lan (người Bua) tên Piet Retief cùng toàn bộ đoàn gồm một trăm người của ông do vua Zulu Dingane, thực hiện vào ngày 6/2/1838 khi những người Phi gốc Hà Lan đang là khách mời của Dingane tại một bữa tiệc ở trại của ông ta. Ví dụ này có thể được xem là trường hợp ngoại lệ chứng minh cho quy tắc: người Zulu từng chỉ là một trong hàng trăm tù trưởng quốc tham chiến cho đến khi thống nhất đất nước và thành lập nhà nước Zulu vài thập kỷ trước đây.
Hầu hết những xảo trá trắng trợn như vậy đã bị loại bỏ theo các quy tắc ngoại giao mà các quốc gia hiện đại ngày nay nhận thấy cần phải tuân thủ vì lợi ích riêng của chính họ. Thậm chí Hitler và Nhật Bản cũng lần lượt ban hành tuyên bố chiến tranh chính thức chống lại Liên Xô và Mỹ, đồng thời (chứ không phải trước khi) tấn công vào các nước này. Tuy nhiên, các nhà nước vẫn sử dụng sự xảo trá để chống lại những cuộc nổi loạn mà họ xem là không bị ràng buộc bởi các quy tắc ngoại giao thông thường giữa các quốc gia. Ví dụ, vị tướng người Pháp Charles Leclerc đã không ngần ngại mời vị lãnh đạo phong trào độc lập người Haiti tên Toussaint Louverture tới một cuộc đàm phán vào ngày 7/6/1802, bắt giữ ông ta ở đó rồi chuyển đến một nhà tù Pháp, nơi ông ta qua đời. Ở các quốc gia hiện đại, việc giết người một cách xảo trá vẫn đang được thực hiện bởi các băng nhóm thành thị, băng đảng ma túy và các nhóm khủng bố, vốn không hoạt động theo các quy tắc ngoại giao nhà nước.
Một loại hình chiến tranh truyền thống khác không có hình thức hiện đại tương đương là các cuộc tụ hợp không gài bẫy bị thoái hóa thành những trận đánh nhau. Phổ biến hơn một buổi tiệc xảo trá rất nhiều, loại hình này thường xảy ra giữa các dân tộc láng giềng gặp nhau trong một buổi lễ mà không có bất kỳ ý định đánh nhau nào. Tuy nhiên, bạo lực vẫn có thể xảy ra vì những cá nhân mang theo những bất bình chưa được giải quyết và những cá nhân hiếm khi gặp nhau giờ đây lại thấy mình phải mặt đối mặt, không thể tự kiềm chế bản thân và bắt đầu gây gổ, sau đó người nhà hai bên vào cuộc. Ví dụ, một người bạn Mỹ của tôi, góp mặt tại một cuộc gặp hiếm hoi gồm vài chục người Fayu, kể với tôi về tình trạng căng thẳng bao trùm khi những người đàn ông lăng mạ lẫn nhau và nổi cơn thịnh nộ, giáng rìu của họ xuống đất và có một trường hợp đã cầm rìu lao vào nhau. Rủi ro các trận đánh ngoài dự liệu nổ ra ở các cuộc họp có mục đích hòa bình là khá cao ở các xã hội truyền thống nơi các dân tộc láng giềng hiếm khi gặp mặt. Trả thù cho những bất bình là việc của các cá nhân và không có lãnh đạo hay “chính phủ” nào có thể độc quyền hóa vũ lực và kiềm chế những người nóng tính.
Sự leo thang của các trận đánh tự phát giữa các cá nhân thành chiến tranh quân đội có tổ chức rất hiếm xảy ra trong xã hội nhà nước tập trung nhưng không phải là không có. Một ví dụ là Chiến tranh Bóng đá diễn ra vào tháng 6-7/1969 giữa El Salvador và Honduras. Lúc đó, khi các căng thẳng giữa hai quốc gia vốn đã dâng cao do chênh lệch kinh tế và lấn chiếm đất di dân, các đội bóng của họ đã gặp nhau trong ba trận tại vòng loại World Cup 1970. Những người hâm mộ ẩu đả ngay từ trận đấu đầu tiên vào ngày 8/6 tại thủ đô Honduras (Honduras thắng 1-0) và người hâm mộ càng trở nên bạo lực hơn ở trận thứ hai vào ngày 15 tại thủ đô El Salvador (3-0 nghiêng về El Salvador). Khi El Salvador có trận thắng quyết định với tỷ số 3-2 vào thời gian đá bù giờ ngày 26/6 tại thành phố Mexico, hai nước đã cắt đứt quan hệ ngoại giao và vào ngày 14/7 bộ binh cùng không quân El Salvador bắt đầu dội bom xâm lược Honduras.
Tỷ lệ tử vong
Tử vong do chiến tranh bộ lạc truyền thống cao đến mức nào? Làm thế nào để so sánh tỷ lệ đó với tỷ lệ tử vong từ chiến tranh giữa các chính quyền nhà nước?
Các nhà sử học quân sự thường xuyên tổng hợp số người tử vong trong từng cuộc chiến hiện đại: ví dụ, nước Đức trong Thế chiến II. Điều đó cho phép người ta tính toán tỷ lệ tử vong bình quân của quốc gia liên quan đến chiến tranh trong một thế kỷ: ví dụ, nước Đức trong cả thế kỷ XX. Những tỷ lệ như vậy cũng đã được tính toán hoặc ước tính trong hàng chục nghiên cứu về các xã hội cá thể truyền thống trong thời hiện đại. Bốn cuộc điều tra – của Lawrence Keeley, của Samuel Bowles, của Steven Pinker và của Richard Wrangham, Michael Wilson và Martin Muller – đã tổng kết những đánh giá như vậy về khoảng 23 tới 32 xã hội truyền thống. Không ngạc nhiên, các nghiên cứu đã chứng tỏ nhiều khác biệt giữa các xã hội cá thể. Trung bình số người chết liên quan đến chiến tranh hàng năm cao nhất là 1% mỗi năm hoặc hơn thuộc về người Dani, Dinka ở Sudan và hai nhóm Thổ dân da đỏ Bắc Mỹ, giảm xuống 0,02% mỗi năm hoặc ít hơn ở người Andaman và người đảo Semang, Malaysia. Một vài trong số những khác biệt này có liên quan đến mức sống, với mức chi phí sinh hoạt trung bình cho nông dân cao gấp gần 4 lần so với người săn bắt – hái lượm theo phân tích của Wrangham, Wilson và Muller. Một thước đo khác về tác động của chiến tranh là tỷ lệ phần trăm của tổng số trường hợp tử vong liên quan đến chiến tranh. Thước đo đó dao động từ 56% ở người thổ dân da đỏ Waorani của Ecuador xuống chỉ còn 3-7% ở sáu vùng dân cư truyền thống rải rác khắp toàn cầu.
Để so sánh với các thước đo tử vong liên quan đến chiến tranh trong các xã hội quy mô nhỏ truyền thống, Keeley xác định 10 mức giá trị cho các xã hội có chính quyền nhà nước: một trong số các giá trị đó dành cho Thụy Điển trong thế kỷ XX, nơi không trải qua chiến tranh và do đó con số tử vong do chiến tranh bằng 0, chín giá trị còn lại dành cho các nhà nước và những giai đoạn được chọn với nỗi đau tận cùng trong chiến tranh. Số lượng người chết trong dài hạn chiếm tỷ lệ phần trăm dân số cao nhất khi được tính bình quân trong một thế kỷ ở thời hiện đại thuộc về Đức và Nga ở thế kỷ XX, tương ứng 0,16% và 0,15% mỗi năm do những nỗi kinh hoàng kết hợp của Thế chiến I và II. Một giá trị thấp hơn là 0,07% mỗi năm ở Pháp vào thế kỷ xảy ra cả Chiến tranh Napoléon12 và cuộc rút lui mùa đông của quân đội Napoléon khỏi Nga. Dù có những cái chết do hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki, hoạt động thả bom lửa và việc ném bom quy ước ở hầu hết các thành phố lớn khác của Nhật Bản và những cái chết bởi súng đạn, nạn đói, tự tử cũng như chết đuối của hàng trăm ngàn binh sĩ Nhật Bản ở nước ngoài trong thời gian Chiến tranh Thế giới II, cộng với thương vong từ cuộc xâm lược của Nhật Bản ở Trung Quốc trong những năm 1930 và cuộc chiến tranh Nga-Nhật năm 1904-1905, tỷ lệ phần trăm tử vong do chiến tranh của Nhật Bản tính bình quân trong thế kỷ XX thấp hơn nhiều so với Đức hay Nga, “chỉ” 0,03% mỗi năm. Trong dài hạn, tính ở đế chế Aztec nổi tiếng đẫm máu vào thế kỷ trước khi bị Tây Ban Nha hủy diệt, tỉ lệ cao nhất đối với bất kỳ nhà nước nào ước tính là 0,25% mỗi năm.
Bây giờ hãy so sánh các tỷ lệ tử vong do chiến tranh (thể hiện tỷ lệ phần trăm dân số tử vong mỗi năm do chiến tranh, tính bình quân trong thời gian dài hạn xen kẽ giữa chiến tranh và hòa bình) giữa các xã hội truyền thống quy mô nhỏ với xã hội đông dân hiện đại có chính quyền nhà nước. Các giá trị cao nhất trong mọi quốc gia hiện đại (Đức và Nga ở thế kỷ XX) hóa ra chỉ bằng 1/3 các giá trị trung bình của các xã hội truyền thống quy mô nhỏ và chỉ bằng 1/6 các giá trị của người Dani. Các giá trị trung bình của các nhà nước hiện đại bằng khoảng 1/10 các giá trị trung bình của các xã hội truyền thống.
Bạn đọc có lẽ sẽ ngạc nhiên, cũng như tôi lúc đầu đã bị sốc, khi biết rằng chiến tranh chiến hào, súng máy, bom napan, bom nguyên tử, pháo binh, tàu ngầm và ngư lôi dẫn đến con số tử vong do chiến tranh tính bình quân theo thời gian thấp hơn rất nhiều so với số người tử vong do giáo mác, mũi tên và gậy gộc. Nguyên do trở nên rõ ràng khi ta nhìn lại sự khác biệt giữa chiến tranh truyền thống và chiến tranh nhà nước hiện đại, điều mà chúng ta sẽ thảo luận chi tiết hơn sau đây. Đầu tiên, chiến tranh nhà nước là một tình trạng hiếm hoi và không liên tục, trong khi chiến tranh bộ lạc thì ngược lại. Trong suốt thế kỷ XX, Đức chỉ có 10 năm chiến tranh (1914-1918 và 1939-1945) và tử vong do chiến tranh trong 90 năm còn lại không đáng kể, trong khi người Dani có truyền thống giao chiến vào mọi tháng trong mọi năm. Thứ hai, thương vong trong chiến tranh nhà nước chủ yếu chỉ xảy ra với nam binh sĩ tuổi từ 18 đến 40; thậm chí trong độ tuổi đó, hầu hết các cuộc chiến tranh nhà nước chỉ sử dụng các đội quân chuyên nghiệp nhỏ, việc bắt lính hàng loạt ở hai cuộc chiến tranh thế giới là ngoại lệ; đông đảo quần chúng không gặp phải rủi ro trực tiếp cho đến khi hoạt động ném bom tập trung được thực hiện ở Thế chiến II. Ngược lại, trong xã hội truyền thống, mọi người – đàn ông và phụ nữ, người trưởng thành và người già, trẻ em và trẻ sơ sinh – đều là mục tiêu. Thứ ba, trong chiến tranh nhà nước, những người lính đầu hàng hoặc bị bắt giữ thường được phép sống, trái với trong chiến tranh truyền thống, tất cả đều bị giết. Cuối cùng, chiến tranh truyền thống thường định kỳ bị gián đoạn bởi những cuộc thảm sát hàng loạt khi hầu hết hoặc tất cả số dân của một bên bị bao quanh và tiêu diệt, như trong các vụ thảm sát của người Dani ngày 4/6/1966, cuối những năm 1930, 1952, tháng 6/1962 và tháng 9/1962. Ngược lại, các quốc gia chiến thắng ngày nay thường để người dân ở những quốc gia bị xâm chiếm sống sót nhằm khai thác họ hơn là tiêu diệt họ.
Tương đồng và khác biệt
Chúng ta nên nhận thấy rằng không có sự đối lập hoàn toàn giữa hai dạng chiến tranh, mà thay vào đó chiến tranh thay đổi liên tiếp từ xã hội nhỏ nhất đến lớn nhất. Xã hội càng lớn, các lực lượng vũ trang có thể tập hợp được càng lớn, do đó khả năng che giấu lực lượng càng thấp, khả năng bị một số ít người âm mưu tấn công và đột kích cũng thấp hơn và mối quan tâm đến chiến tranh công khai giữa các lực lượng lớn càng lớn. Quyền lãnh đạo trở nên mạnh hơn, tập trung hơn và phân cấp thứ bậc hơn trong xã hội lớn hơn: quân đội quốc gia có nhiều sĩ quan với cấp bậc khác nhau, hội đồng chiến tranh và tổng tư lệnh, trong khi các nhóm nhỏ chỉ có những nam chiến binh cùng cấp bậc, còn các nhóm với quy mô tầm trung (như Liên minh Gutelu ở những người Dani) có những người lãnh đạo với quyền lực yếu, chỉ huy bằng sự thuyết phục hơn là bằng thẩm quyền ra lệnh. Chiến tranh giữa các tù trưởng quốc quy mô lớn tập trung hóa có thể gần giống với chiến tranh ở các quốc gia nhỏ. Mặc cho tính tiếp nối theo quy mô xã hội đó, việc so sánh cách chiến đấu trong xã hội lớn và nhỏ vẫn hữu ích.
Một điểm tương đồng là trong tầm quan trọng của việc kêu gọi đồng minh. Như Liên đoàn Wilihiman-Walalua của người Dani đã tìm kiếm đồng minh ở những liên đoàn khác trong trận chiến chống người Widaia và đồng minh của họ, Thế chiến II chứng kiến sự đọ sức giữa hai liên minh, Anh, Mỹ, Nga là các thành viên chính nằm cùng phe và Đức, ý, Nhật ở phe còn lại. Các liên minh thậm chí còn cần thiết trong chiến tranh ở các xã hội truyền thống hơn là ở các quốc gia. Các quốc gia hiện đại khác nhau rất nhiều trong công nghệ quân sự, do đó, một quốc gia nhỏ bé có thể dựa vào công nghệ cao và khả năng lãnh đạo, thay vì đồng minh, để giành chiến thắng trong một cuộc chiến (Hãy suy nghĩ về những thành công của quân đội Israel chống lại các liên minh Ả Rập đông hơn rất nhiều). Trái lại, chiến tranh truyền thống có xu hướng diễn ra giữa các đối thủ với công nghệ tương tự và khả năng lãnh đạo tương tự, do đó bên có lợi thế về số lượng đồng minh sẽ có khả năng giành chiến thắng cao.
Một điểm tương đồng khác là sự phụ thuộc của các xã hội ở mọi quy mô vào cả giao chiến giáp lá cà và vũ khí tầm xa. Ngay cả những thị tộc nhỏ người Fayu đánh nhau xung quanh nhà của Kuegler cũng có cung và tên, còn người Dani ném giáo và giết người Wejakhe, người Jenokma ở cự ly gần dùng mũi giáo. Các loại vũ khí trở nên đa dạng hơn cùng với sự tăng lên của quy mô và trình độ công nghệ của xã hội. Mặc dù những lính La Mã tiếp tục sử dụng gươm và dao găm khi giáp lá cà, vũ khí từ xa của họ vẫn có mũi tên, lao, súng cao su và máy bắn đá với tầm bắn lên tới gần 1km. Đến thời điểm Thế chiến I, quân đội Đức đã phát triển một khẩu pháo (có tên Big Bertha) để bắn phá Paris từ khoảng cách 100km, trong khi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện đại có tầm bắn đạt bằng bán kính địa cầu. Mặc dù vậy, người lính hiện đại vẫn phải sẵn sàng sử dụng súng lục hoặc lưỡi lê để chiến đấu ở cự ly gần.
Một hệ quả tâm lý của việc các loại vũ khí tầm xa hiện đại ngày càng đa dạng là hầu hết việc tàn sát quân sự ngày nay được thực hiện bởi công nghệ “bấm nút” (bom, pháo và tên lửa), cho phép binh lính tiêu diệt đối thủ ngoài tầm nhìn và không phải đấu tranh tâm lý như khi giết người trực tiếp. Trong mọi cuộc chiến truyền thống, một người tự lấy mục tiêu của anh ta và nhìn thấy khuôn mặt của người đó, dù đâm mục tiêu ở khoảng cách gần hay bắn tên nhắm vào mục tiêu từ khoảng cách hàng chục mét. Đàn ông trong xã hội truyền thống từ nhỏ tới lớn đã được khuyến khích tàn sát, hoặc ít nhất là biết cách để giết người, nhưng hầu hết các công dân nhà nước hiện đại từ nhỏ đã luôn được dạy rằng việc giết hại là một hành động xấu xa, cho đến sau 18 tuổi, họ đột ngột bị huy động hoặc bị đưa vào quân đội, được giao cho súng, được ra lệnh nhắm vào một kẻ địch và bắn anh ta. Một tỷ lệ lớn những người lính trong Thế chiến I và II – một số ước tính lên đến một nửa – không thể tự bắn kẻ thù mà họ xem là con người. Chính vì vậy, trái với xã hội truyền thống vốn không có những rào cản về đạo đức trước việc sát hại kẻ thù trực diện và công nghệ cần thiết để vượt qua những cản trở đó bằng cách giết chết từ xa những nạn nhân ngoài tầm quan sát, các xã hội nhà nước hiện đại có xu hướng gia tăng những cản trở như vậy và phát triển công nghệ cần thiết để vượt qua những cản trở đó.
Một điểm khác biệt nữa giữa chiến tranh truyền thống và chiến tranh nhà nước, là hệ quả trực tiếp từ tranh luận về tâm lý giết người. Ngay cả khi các binh sĩ hiện đại nhìn thấy một kẻ thù một cách trực diện, kẻ thù gần như luôn là một người vô danh, một người mà họ chưa bao giờ gặp và không có hận thù cá nhân trước đó. Ngược lại, trong xã hội truyền thống quy mô nhỏ, người ta nhận ra và biết tên không chỉ từng thành viên trong xã hội của mình, mà còn biết nhiều hoặc hầu hết các chiến binh trong xã hội của kẻ thù của họ – vì việc thay đổi liên minh và các cuộc hôn nhân thỉnh thoảng giữa các xã hội khiến những xã hội láng giềng cũng trở nên quen thuộc như những cá nhân. Những lời nhạo báng mà những chiến binh Dani hét vào mặt nhau trong trận chiến được kể lại chi tiết trong chương 3 là những lời mang tính lăng mạ cá nhân. Độc giả của cuốn Iliad sẽ nhớ cách những nhà lãnh đạo đối đầu của Hy Lạp và Trojan hô tên nhau trước khi cố gắng giết nhau trong trận chiến – một ví dụ điển hình là những đối thoại giữa Hector và Achilles ngay trước khi Achilles giáng cho Hector một đòn chí mạng. Trả thù cá nhân một kẻ được cho là đã giết chết một trong những người thân hoặc bạn bè của bạn đóng vai trò quan trọng trong chiến tranh truyền thống, nhưng lại có vai trò nhỏ hơn nhiều hoặc vô nghĩa trong chiến tranh nhà nước hiện đại.
Một điểm khác biệt về tâm lý khác là việc tự nguyện hy sinh, được ca ngợi trong chiến tranh hiện đại và không được biết tới trong chiến tranh truyền thống. Những người lính của nhà nước hiện đại thường được lệnh, thay mặt cho đất nước mình, làm những việc khiến họ có khả năng bị giết, chẳng hạn như tấn công nhanh trên về phía tường phòng thủ thép gai. Những người lính khác tự quyết định hy sinh mạng sống của họ (ví dụ, tự lao mình vào một quả lựu đạn đã rút chốt) để cứu sống đồng đội. Trong Thế chiến II hàng ngàn binh lính Nhật, ban đầu là tự nguyện và sau đó bị áp lực, đã tiến hành những cuộc tấn công liều chết, bằng cách lái các máy bay cảm tử, máy baybaka động cơ tên lửa thả bom lượn và kaiten − ngư lôi có người lái vào tàu chiến Mỹ. Hành vi đó đòi hỏi bất cứ ai đều phải được dạy dỗ từ nhỏ về khả năng đề cao sự tuân thủ có trách nhiệm và sự hy sinh cho đất nước hay tôn giáo của mình. Tôi chưa từng nghe nói về hành vi này ở chiến tranh truyền thống New Guinea: Mục tiêu của mỗi chiến binh là tiêu diệt kẻ thù và bảo toàn mạng sống của mình. Ví dụ, khi những kẻ tấn công người Wilihiman bắt và giết một người Widaia tên Huwai ngày 11/5/1961, hai người đồng hành của Huwai tuy đông hơn nhưng lại bỏ trốn mà không cố gắng để cứu anh ta; khi những kẻ tấn công người Widaia từ nơi phục kích bắt và giết cậu bé đã bị thương người Wilihiman tên Wejakhe ngày 10/6, ba người đàn ông và các cậu bé người Wilihiman khác tuy đông hơn nhưng cũng đã bỏ chạy.
Các xã hội truyền thống và các nhà nước khác biệt ở chỗ phân định ai là người sẽ trở thành binh lính. Quân đội của mọi nhà nước gồm những quân nhân chuyên nghiệp, có thể đóng tại chiến trường trong nhiều năm liền, được hỗ trợ và chu cấp bởi những thường dân. Những người lính chuyên nghiệp này sẽ tạo nên toàn bộ quân đội (như ở Mỹ hiện nay), hoặc nếu không thì hàng ngũ của họ sẽ được bổ sung (chủ yếu là trong thời chiến) bởi những tình nguyện viên không chuyên hoặc lính nghĩa vụ quân sự. Ngược lại, mọi chiến binh của thị tộc và bộ lạc, như các chiến binh Dani được mô tả trong chương 3 và tất cả hoặc hầu hết các chiến binh của các tù trưởng quốc, đều không chuyên. Họ là những người đàn ông bận rộn săn bắn, canh tác hoặc chăn gia súc, họ tạm ngưng các hoạt động mưu sinh trong những giai đoạn từ vài giờ đến vài tuần để chiến đấu và sau đó trở về nhà vì mọi người cần họ cho việc săn bắn, trồng trọt hoặc thu hoạch. Do đó, “quân đội” truyền thống không thể ở lại mặt trận trong thời gian dài. Thực tế cơ bản này đã tạo ra lợi thế mang tính quyết định cho binh lính thực dân châu âu trong cuộc chinh phục các bộ lạc và các tù trưởng quốc trên thế giới. Một số giống người không phải người châu âu đó, như người Maori của New Zealand, Thổ dân da đỏ Araucanian của Argentina, Thổ dân da đỏ Sioux và Apache của Bắc Mỹ, là những chiến binh kiên định, khéo léo, họ có thể tập hợp lực lượng lớn trong thời gian ngắn và đạt được một số thành công ngoạn mục trước các đội quân châu âu. Tuy nhiên, họ không thể tránh khỏi việc bị yếu dần và cuối cùng bị đánh bại vì phải gián đoạn việc chiến đấu để tiếp tục tìm kiếm và sản xuất lương thực, trong khi những người lính chuyên nghiệp châu âu có thể tiếp tục chiến đấu.
Những sử gia quân sự hiện đại thường xuyên nhận xét rằng họ bị bất ngờ bởi “tính kém hiệu quả” của chiến tranh truyền thống: đó là hàng trăm người có thể chiến đấu trong cả một ngày, rồi đến cuối ngày đó không có ai hoặc chỉ một hai người thiệt mạng. Tất nhiên, một phần là do xã hội truyền thống thiếu đạn pháo và các vũ khí khác có khả năng sát thương hàng loạt. Tuy nhiên, những lý do khác liên quan đến quân đội không chuyên của bộ lạc và việc thiếu quyền lãnh đạo mạnh. Các chiến binh truyền thống không trải qua các chương trình đào tạo nhóm vốn có thể giúp họ trở nên nguy hiểm hơn bằng cách tiến hành các kế hoạch phức tạp hoặc thậm chí chỉ bằng cách phối hợp bắn tên. Các mũi tên nếu được bắn đồng loạt sẽ hiệu quả hơn là bắn từng mũi: kẻ thù mục tiêu có thể né tránh một mũi tên nhưng không thể né tránh một loạt tên bay. Tuy nhiên, người Dani, cũng như hầu hết tộc người bắn cung truyền thống khác, lại không tiến hành phối hợp các loạt tên (Người Inuit Tây Bắc Alaska là trường hợp ngoại lệ trong việc này). Kỷ luật và đội hình đội ngũ vô cùng yếu: ngay cả khi các đơn vị chiến đấu được sắp xếp tỉ mỉ trước trận chiến, các đơn vị này nhanh chóng bị vỡ đội hình và chiến trường biến thành một trận hỗn chiến. Những nhà lãnh đạo chiến tranh truyền thống không thể đưa ra những mệnh lệnh mà nếu bất tuân sẽ dẫn đến tòa án quân sự. Vụ thảm sát năm 1966 đã phá vỡ liên minh của lãnh đạo người Dani Gutelu có lẽ là do Gutelu không thể ngăn chặn những chiến binh miền Bắc nóng nảy của ông tàn sát quân đồng minh miền Nam.
Một trong hai khác biệt lớn nhất giữa chiến tranh truyền thống và chiến tranh nhà nước có liên quan đến sự khác biệt giữa chiến tranh toàn diện và chiến tranh hạn chế. Người Mỹ chúng ta đã quen với suy nghĩ về chiến tranh toàn diện như một khái niệm mới được vị tướng miền Bắc, William Tecumseh Sherman, đưa ra trong cuộc nội chiến Mỹ (1861-1865). Chiến tranh ở các quốc gia và các tù trưởng quốc lớn thường có các mục tiêu hạn chế: để tiêu diệt lực lượng và năng lực chiến đấu của kẻ thù, nhưng không phải để giành đất, tài nguyên và dân chúng của kẻ thù vì đó là những gì mà một người đi chinh phục tiềm năng muốn chiếm cứ. Tướng Sherman, trong cuộc hành quân ra biển (từ thủ phủ của Atlanta ra Đại Tây Dương) ngang qua trung tâm của Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ và sau đó tiến lên phía bắc ngang qua Bắc Carolina, đã trở nên nổi tiếng với chính sách chiến tranh toàn diện rõ ràng: tiêu diệt mọi thứ có thể có giá trị quân sự và đập tan tinh thần miền Nam, bằng cách cướp bóc thức ăn, đốt cây, giết gia súc, phá hoại máy móc nông nghiệp, đốt bông và máy quay sợi, phá hủy đường sắt và xoắn cong đường ray để ngăn cản sửa chữa, đốt hoặc phá nổ cầu, đường ray dự trữ, nhà máy, xưởng và các tòa nhà. Những hành động của Sherman là kết quả của một triết lý chiến tranh có tính toán, được ông mô tả như sau: “Chiến tranh rất tàn ác và anh không thể làm nó tốt đẹp hơn được… Chúng ta không chỉ đánh nhau với quân đội thù địch, mà còn cả với người dân thù địch và phải khiến mọi người, từ thanh niên đến người già, cả người giàu lẫn người nghèo cảm nhận được sự khắc nghiệt của chiến tranh… Chúng ta không thể thay đổi trái tim của những người dân miền Nam, nhưng thông qua chiến tranh, chúng ta có thể khiến họ khiếp sợ đến nỗi các thế hệ sẽ phải từ chối chiến tranh trước khi họ bị nó cuốn vào một lần nữa.” Tuy nhiên, Sherman đã không tiêu diệt người dân hoặc những binh sĩ miền Nam đầu hàng hay bị bắt.
Dù hành vi của Sherman là ngoại lệ theo tiêu chuẩn chiến tranh nhà nước, nhưng ông không phải là người đã nghĩ ra chiến tranh toàn diện. Thay vào đó, ông đã thực hành một hình thức giảm nhẹ của những gì đã được các thị tộc và bộ lạc thực hiện trong hàng chục ngàn năm, ghi nhận qua những mảnh xương còn sót lại của vụ thảm sát Talheim. Quân đội nhà nước tha mạng và bắt giữ tù binh vì có thể cho họ ăn, bảo vệ họ, bắt họ làm việc và ngăn họ chạy trốn. “Quân đội” truyền thống không giữ chiến binh của kẻ thù làm tù nhân, bởi họ không thể làm bất cứ điều gì trong những điều trên để tận dụng tù nhân. Các chiến binh truyền thống bị bao vây hoặc bị đánh bại sẽ không đầu hàng, bởi họ biết rằng kết cục của họ sẽ chỉ là cái chết. Các bằng chứng lịch sử hoặc khảo cổ học sớm nhất về các nhà nước bắt giữ tù nhân chỉ xuất hiện ở các quốc gia Lưỡng Hà khoảng 5.000 năm trước, các nhà nước đó vốn đã giải quyết được vấn đề tồn tại của việc sử dụng tù nhân bằng cách khoét mù mắt họ tránh việc chạy trốn, sau đó để họ làm những việc có thể được thực hiện chỉ bởi xúc giác, chẳng hạn như quay bánh xe và một số công việc làm vườn. Một vài bộ lạc và tù trưởng quốc săn bắt – hái lượm đã chuyên môn hóa kinh tế, sống định cư với quy mô lớn, chẳng hạn như thổ dân da đỏ ở bờ biển Tây Bắc Thái Bình Dương và Thổ dân da đỏ Calusa ở Florida, cũng có thể thường xuyên bị nô lệ hóa, được nuôi sống và bị khai thác tù nhân.
Tuy nhiên, đối với các xã hội đơn giản hơn các nhà nước Lưỡng Hà, thổ dân da đỏ ở Tây Bắc Thái Bình Dương và người Calusa, kẻ thù bị đánh bại không có giá trị sống. Mục tiêu chiến tranh giữa người Dani, người Fore, người Inuit Tây Bắc Alaska, người dân đảo Andaman và nhiều bộ lạc khác là để tiếp quản đất của kẻ thù và tiêu diệt kẻ thù ở mọi giới tính, mọi lứa tuổi, gồm cả hàng chục phụ nữ và trẻ em Dani thiệt mạng trong vụ thảm sát ngày 4/6/1966. Những xã hội truyền thống khác, chẳng hạn như người Nuer đột kích người Dinka, có chọn lọc hơn, trong đó, họ giết đàn ông người Dinka, đánh chết trẻ sơ sinh và phụ nữ lớn tuổi người Dinka, nhưng lại mang về phụ nữ người Dinka ở độ tuổi kết hôn để ép kết hôn với đàn ông Nuer và cũng mang về cả trẻ em Dinka đã cai sữa để nuôi nấng như người Nuer. Người Yanomamo tương tự cũng tha mạng cho phụ nữ của quân địch để sử dụng họ như bạn tình.
Chiến tranh toàn diện giữa các xã hội truyền thống cũng có nghĩa là huy động tất cả đàn ông, bao gồm cả các cậu bé Dani từ 6 tuổi trở lên để chiến đấu trong trận chiến ngày 6/8/1961. Tuy nhiên, chiến tranh nhà nước thường có tỷ lệ quân chuyên nghiệp thấp. Grande Armée [Đại Quân] mà Napoléon dùng để xâm lược nước Nga năm 1812 gồm 600.000 người, có số lượng quân khổng lồ theo tiêu chuẩn của chiến tranh nhà nước thế kỷ XIX, tuy nhiên con số đó chiếm chưa đến 10% tổng dân số của nước Pháp thời bấy giờ (thực tế còn ít hơn vì bao gồm cả một số lính đồng minh không phải người Pháp). Ngay cả trong quân đội nhà nước hiện đại, lính chiến đấu thường ít hơn lính hỗ trợ: tỷ lệ hiện nay là 1:11 trong quân đội Mỹ. Người Dani có thể sẽ khinh bỉ việc quân đội Mỹ và Napoléon bất lực khi dàn quân chiến đấu, việc được đánh giá bằng tỷ lệ quân với toàn bộ dân số xã hội. Tuy nhiên, người Dani sẽ nhận ra hành vi quen thuộc của Sherman trong cuộc hành quân ra biển, gợi nhớ đến hành vi của người Dani trong các cuộc tấn công lúc bình minh ngày 4/6/1966, khi họ đốt cháy hàng chục khu định cư và bắt trộm lợn.
Kết thúc chiến tranh
Điểm khác biệt lớn cuối cùng giữa chiến tranh bộ lạc và chiến tranh nhà nước liên quan đến mức độ dễ dàng để kết thúc chiến tranh và duy trì hòa bình. Được minh họa qua chiến tranh của người Dani ở chương 3, cuộc chiến của các xã hội quy mô nhỏ thường liên quan đến việc giết người trả thù qua lại. Một cái chết mà bên A gánh chịu buộc bên A phải trả thù bằng cách giết chết một ai đó của bên B, rồi đến lượt bên B cũng phải trả thù lại bên A. Chu kỳ này kết thúc khi một bên bị hủy diệt hoặc bị đánh đuổi, hoặc nếu không, khi cả hai đều đã kiệt sức, đều gánh chịu thương vong nặng nề và không bên nào nghĩ rằng có thể tiêu diệt hoặc đuổi được bên còn lại. Trong khi những cân nhắc tương tự cũng được dùng để kết thúc chiến tranh nhà nước, các nhà nước và tù trưởng quốc lớn phát động chiến tranh với mục tiêu hạn chế hơn nhiều so với các nhóm và các bộ lạc: cao nhất là chỉ để chinh phục toàn bộ lãnh thổ của kẻ thù.
Tuy nhiên, bộ lạc gặp nhiều khó khăn hơn nhà nước (và tù trưởng quốc lớn tập trung hóa) để đi đến quyết định tìm cách kết thúc đánh nhau và để thương lượng thỏa thuận ngừng chiến với kẻ thù – vì nhà nước có quá trình ra quyết định và những đàm phán viên tập trung hóa, trong khi bộ lạc thiếu lãnh đạo tập trung và mọi người đều có tiếng nói của mình. Bộ lạc thậm chí còn khó duy trì hòa bình hơn nhà nước, một khi đã đưa ra được thỏa thuận ngừng chiến. Trong bất cứ xã hội nào, dù là bộ lạc hay nhà nước, sẽ có một số cá nhân bất mãn với mọi thỏa thuận hòa bình và sẽ có những người muốn tấn công kẻ thù vì lý do cá nhân và muốn kích động để nổ ra trận chiến mới. Chính phủ nhà nước khi tuyên bố độc quyền sử dụng vũ lực tập trung có thể kìm hãm những người nóng nảy đó; còn một lãnh đạo bộ lạc yếu thế không thể làm điều đó. Do đó, hòa bình giữa các bộ lạc rất mong manh và dễ bị suy yếu thành một chu kỳ chiến tranh khác.
Sự khác biệt giữa các nhà nước và các xã hội tập trung quy mô nhỏ là lý do chính mà nhờ đó các nhà nước có thể tồn tại được. Đã có một cuộc tranh luận từ lâu giữa các nhà khoa học chính trị về cách các nhà nước hình thành và lý do quần chúng bị trị không chống đối các vị vua, các dân biểu và quan chức. Các nhà lãnh đạo chính trị toàn thời gian không sản xuất thực phẩm, mà sống nhờ lương thực được trồng bởi nông dân. Làm thế nào mà các nhà lãnh đạo của chúng ta thuyết phục hoặc buộc chúng ta phải cung cấp thực phẩm cho họ và tại sao chúng ta lại để họ duy trì quyền lực? Nhà triết học người Pháp, Jean-Jacques Rousseau, suy đoán, dù không có bằng chứng nào để chứng minh cho những suy đoán của ông, rằng các chính phủ hình thành là kết quả của các quyết định duy lý của quần chúng, những người nhận ra quyền lợi của họ sẽ được đáp ứng tốt hơn bởi một lãnh đạo và nhiều quan chức. Trong mọi trường hợp hình thành nhà nước ngày nay mà các sử gia biết đến, những tính toán xa rộng như vậy chưa từng được quan sát thấy. Thay vào đó, các quốc gia hình thành từ các tù trưởng quốc thông qua cạnh tranh, chinh phục, hoặc áp lực bên ngoài: tù trưởng quốc nào có hệ thống ra quyết định hiệu quả nhất sẽ có khả năng chống lại sự xâm lược tốt hơn hoặc mạnh mẽ hơn các tù trưởng quốc khác. Ví dụ, từ năm 1807 đến năm 1817, hàng chục tù trưởng quốc đơn lẻ của người Zulu ở Đông Nam châu Phi, từ lâu đã giao chiến với nhau, hợp nhất thành một nhà nước dưới sự lãnh đạo của một tù trưởng quốc có tên Dingiswayo, đơn vị đã chinh phục được tất cả các tù trưởng quốc đối thủ khi thành công hơn trong việc tìm ra cách tốt nhất để tuyển quân, giải quyết tranh chấp, liên kết các tù trưởng quốc bại trận và quản lý lãnh thổ.
Bất chấp sự phấn khích và danh dự trong chiến tranh bộ lạc, cư dân bộ lạc hiểu hơn ai hết những đau khổ do chiến tranh, sự nguy hiểm ở khắp nơi và nỗi đau của việc mất đi những người thân yêu. Cuối cùng, khi chiến tranh bộ lạc kết thúc bởi sự can thiệp mạnh mẽ của các chính phủ thuộc địa, cư dân bộ lạc thường xuyên nói về hệ quả cải thiện chất lượng cuộc sống mà họ không thể tạo ra cho chính mình, vì nếu không có chính phủ tập trung, họ không thể ngăn cản vòng lặp giết người để trả thù. Nhà nhân học Sterling Robbins được nghe kể từ người Auyana tại Cao Nguyên New Guinea rằng, “Cuộc sống tốt hơn kể từ khi chính phủ xuất hiện, vì người ta giờ đây có thể ăn mà không phải dè chừng xung quanh và có thể rời khỏi nhà vào buổi sáng mà không sợ bị bắn. Tất cả đàn ông đều thừa nhận rằng họ sợ hãi khi phải chiến đấu. Trên thực tế, họ thường nhìn tôi như thể đầu óc tôi có vấn đề khi hỏi như vậy. Họ hay gặp ác mộng, trong mơ, họ bị cô lập khỏi nhóm trong suốt cuộc chiến và không thấy đường về.”
Phản ứng trên lý giải sự dễ dàng đáng kinh ngạc khi chỉ một số ít các sĩ quan tuần tra úc và cảnh sát bản địa đã có thể kết thúc chiến tranh bộ lạc ở khu vực sau này là lãnh thổ của Papua New Guinea. Họ tới một ngôi làng đang xảy ra chiến tranh, mua một con lợn và bắn nó để chứng minh sức mạnh của vũ khí, kéo đổ làng Stockades và tịch thu khiên chiến của các nhóm đang tham chiến nhằm khiến việc khơi mào chiến tranh trở nên nguy hiểm và thỉnh thoảng họ bắn cả người New Guinea nào dám tấn công họ. Tất nhiên, người New Guinea cũng nhận ra được sức mạnh của súng. Tuy nhiên người ta khó có thể dự đoán được họ sẽ từ bỏ những hoạt động chiến tranh mà họ đã thực hiện trong hàng ngàn năm dễ đến thế nào, khi mà thành tựu chiến trận đã được ca ngợi từ thời thơ ấu và được dựng lên như thước đo cho một người đàn ông.
Lời giải thích cho kết quả đáng ngạc nhiên này là người New Guinea đánh giá cao những lợi ích của hòa bình do nhà nước đảm bảo mà họ đã không thể tạo ra được khi không có chính quyền nhà nước. Ví dụ, vào những năm 1960, tôi đã trải qua một tháng trong khu vực vừa được bình định ở Cao nguyên New Guinea, tại nơi này 20.000 người cao nguyên cho đến một thập niên trước hoặc lâu hơn nữa vẫn liên tục gây chiến với nhau, giờ đây lại sống chung cùng với một sĩ quan tuần tra úc và một vài cảnh sát New Guinea. Đúng vậy, sĩ quan tuần tra và các cảnh sát được trang bị súng, còn người Guinea thì không. Tuy nhiên, nếu người New Guinea thực sự muốn tiếp tục chiến đấu, việc giết chết sĩ quan tuần tra và các cảnh sát vào ban đêm, hoặc phục kích họ vào ban ngày đều không quá khó khăn. Nhưng họ thậm chí còn không cố gắng làm như vậy. Điều đó cho thấy họ đánh giá cao lợi thế lớn nhất của chính quyền nhà nước: đem đến hòa bình.
Tác động từ sự tiếp xúc với châu âu
Chiến tranh truyền thống tăng hay giảm hay vẫn giữ nguyên khi tiếp xúc với châu âu? Đây không phải là một vấn đề đơn giản, vì nếu ai đó tin rằng sự tiếp xúc với châu âu ảnh hưởng đến cường độ chiến tranh truyền thống, thì họ sẽ nghiễm nhiên nghi ngờ mọi báo cáo của người quan sát vì cho rằng chúng bị ảnh hưởng bởi người quan sát và không thể phản ánh những điều kiện ban đầu. Lawrence Keely đã sử dụng phép loại suy khi giả định rằng những trái dưa hấu có màu trắng ở bên trong và biến thành màu đỏ ngay khi được cắt ra: làm thế nào người ta có thể hy vọng chứng minh được những quả dưa hấu thực sự mang màu đỏ trước khi chúng được cắt ra để kiểm tra màu sắc?
Tuy nhiên, hàng loạt bằng chứng khảo cổ học và báo cáo về chiến tranh trước khi có sự tiếp xúc với châu âu, như đã được đề cập ở trên, khiến chúng ta khó tin rằng con người từ lâu đã có một cuộc sống yên bình cho đến khi những người châu âu xấu xa đến và làm mọi thứ trở nên hỗn độn. Có thể chắc chắn rằng các cuộc tiếp xúc với châu âu hay các hình thức chính quyền nhà nước khác trong dài hạn gần như luôn làm chấm dứt hay giảm thiểu chiến tranh, vì mọi chính quyền nhà nước đều không muốn chiến tranh phá vỡ việc điều hành lãnh thổ. Những nghiên cứu về các trường hợp quan sát được theo góc nhìn dân tộc học cho thấy rằng, trong ngắn hạn, giai đoạn đầu của quá trình tiếp xúc với người châu âu đều có thể làm tăng hoặc giảm xung đột, vì một số lý do như sự du nhập của vũ khí, bệnh tật, cơ hội giao thương từ châu âu, và sự gia tăng hay giảm sút nguồn cung thức ăn.
Một ví dụ dễ hiểu về việc tiếp xúc với người châu âu dẫn đến gia tăng xung đột trong ngắn hạn là trường hợp những cư dân Polynesian bản địa ở New Zealand, tộc người Maori, vốn đã định cư ở New Zealand vào khoảng năm 1200 TCN. Những cuộc khai quật khảo cổ ở các pháo đài của người Maori chứng tỏ xung đột của người Maori đã lan rộng từ lâu trước khi người châu âu đến. Các báo cáo của những nhà thám hiểm châu âu đầu tiên từ năm 1642 trở đi và những thực dân châu âu đầu tiên từ năm 1790, mô tả rằng người Maori giết người châu âu và chém giết lẫn nhau. Từ năm 1818 đến 1835, hai vật phẩm do người châu âu du nhập đã làm gia tăng mức độ sát thương trong chiến tranh của người Maori, ở một giai đoạn được gọi là Chiến tranh Súng hỏa mai trong lịch sử New Zealand. Dĩ nhiên, một nhân tố là sự xuất hiện của súng hỏa mai, loại súng có thể giết người ở tầm xa một cách hiệu quả hơn nhiều so với gậy. Một nhân tố khác có thể làm bạn ngạc nhiên: đó là khoai tây. Ta khó có thể tưởng tượng được khoai tây lại là một tác nhân chính gây ra chiến tranh. Tuy nhiên, hóa ra là thời gian và quy mô của những cuộc hành quân nhằm tấn công lẫn nhau của những nhóm Maori bị giới hạn bởi lượng lương thực có thể mang theo để nuôi binh. Lương thực chính ban đầu của người Maori là khoai lang. Khoai tây được người châu âu du nhập (dù có nguồn gốc từ Nam Mỹ) cho năng suất cao hơn khoai lang ở New Zealand, mang lại lượng thực phẩm dư thừa lớn hơn, cho phép tiến hành các cuộc hành quân đột kích lớn hơn trong thời gian dài hơn so với trước đây. Sau khi khoai tây xuất hiện, các cuộc hành quân bằng ca-nô của người Maori nhằm bắt nô lệ hoặc giết những người Maori khác đã phá vỡ mọi kỷ lục về khoảng cách trước đây của họ. Ban đầu, chỉ một số bộ lạc sống chung với thương nhân châu âu mới có thể có được súng hỏa mai và hủy diệt các bộ lạc khác không có súng. Tuy nhiên, khi súng hỏa mai trở nên phổ biến, các cuộc được trang bị súng hỏa mai lên đến đỉnh điểm, cho đến khi mọi bộ lạc đều có súng hỏa mai, và không bộ lạc nào có ít súng hơn để trở thành một mục tiêu tấn công yếu ớt thì chiến tranh hỏa mai kết thúc.
Ở người Fiji cũng vậy, sự du nhập súng hỏa mai từ người châu âu khoảng năm 1808 đã khiến người Fiji sát hại nhau nhiều hơn so với khi họ còn sử dụng gậy, giáo và cung tên. Súng, thuyền và rìu thép của người châu âu nhanh chóng tạo điều kiện cho việc săn đầu người xuyên đảo ở các đảo Solomon trong thế kỷ XIX: không như những chiếc rìu đá, rìu thép có thể chặt đầu nhiều người mà không bị mòn. Tương tự, lần lượt súng, ngựa và những người mua nô lệ ở châu âu đã kích động xung đột ở vùng Đại Bình nguyên thuộc Bắc Mỹ và ở Trung Phi. Ở mỗi xã hội mà tôi đề cập, chiến tranh đã xuất hiện từ lâu trước khi người châu âu tới. Tuy vậy, sự xuất hiện của người châu âu đã làm gia tăng tính nghiêm trọng của chiến tranh trong hàng thập kỷ (New Zealand, Fuji, các đảo Solomon) hoặc thế kỷ (Đại Bình nguyên, Trung Phi) trước khi biến mất.
Ở các trường hợp khác, sự xuất hiện của người châu âu hay những người ngoài khác lại dẫn đến sự kết thúc chiến tranh mà không có bất kỳ dấu hiệu bùng nổ nào lúc đầu. Ở nhiều vùng của Cao nguyên New Guinea, những người châu âu đầu tiên là những tuần tra viên của chính phủ, họ đã ngay lập tức kết thúc các cuộc chiến trước khi thương nhân, nhà truyền giáo châu âu hay thậm chí những hàng hóa nhập khẩu gián tiếp từ châu âu kịp xuất hiện. Năm 1950, khi các nhà nhân học lần đầu nghiên cứu những nhóm người!Kung ở châu Phi thì những người này, tuy không còn tấn công lẫn nhau, nhưng tần suất những vụ giết người đơn lẻ trong nội bộ nhóm hoặc giữa những nhóm láng giềng vẫn còn cao cho đến những năm 1955. Bốn trong năm vụ giết người cuối cùng (năm 1946, 1952, 1952 và 1955) dẫn đến việc chính quyền Tswana phải bỏ tù những kẻ sát nhân. Bên cạnh đó, sự hình thành tòa án Tswana nhằm giải quyết tranh chấp đã khiến người!Kung loại bỏ hoạt động giết người như một cách giải quyết mâu thuẫn từ sau năm 1955. Tuy nhiên, lịch sử truyền miệng của!Kung có kể về những cuộc tấn công giữa các nhóm ở một vài thế hệ trước đó, cho đến khi việc gia tăng tiếp xúc với người Tswana dẫn đến sự du nhập sắt cho các mũi tên cùng những thay đổi khác. Bằng cách nào đó, sự tiếp xúc đó dẫn đến việc chấm dứt hoạt động đột kích từ lâu trước khi cảnh sát Tswana can thiệp để bắt giữ kẻ giết người.
Ví dụ cuối cùng diễn ra ở Tây Bắc Alaska, nơi những cuộc chiến lan rộng và những cuộc hủy diệt giữa người Yupik với người Inuit Iñupiaq đã chấm dứt trong vòng một thập niên hoặc một thế hệ kể từ khi tiếp xúc với người châu âu – không phải vì lực lượng tuần tra, cảnh sát và tòa án cấm chiến tranh mà vì những hệ quả khác từ sự tiếp xúc này. Việc kết thúc chiến tranh Yupik được cho là do một đợt dịch bệnh đậu mùa vào năm 1838, làm suy giảm dân số của một số nhóm. Chiến tranh Iñupiaq kết thúc có vẻ như bởi nỗi ám ảnh lâu đời của Iñupiaq với thương mại và sự gia tăng cơ hội buôn bán lông thú cho người châu âu, vốn tiếp xúc thường xuyên hơn sau năm 1848: tiếp tục chiến tranh chắc hẳn sẽ là trở ngại đương nhiên cho những cơ hội đó.
Như vậy, ảnh hưởng lâu dài của châu âu, Tswana hoặc những mối liên hệ bên ngoài với các chính phủ hoặc các tù trưởng quốc khác đã gần như luôn ngăn chặn chiến tranh giữa các bộ lạc. Hệ quả ngắn hạn diễn ra theo nhiều cách khác nhau, hoặc là ngăn chặn tức thì hoặc bùng nổ rồi ngăn chặn sau đó. Do vậy, không thể nói rằng chiến tranh truyền thống là kết quả từ sự tiếp xúc với người châu âu.
Tuy nhiên, nhiều học giả châu âu trước đây đã phủ nhận chiến tranh truyền thống. Jean-Jacques Rousseau cũng có một lý thuyết không kém phần suy đoán và thiếu cơ sở: ông khẳng định bản chất con người là dễ cảm thông trong điều kiện tự nhiên và rằng chiến tranh chỉ bắt đầu khi có sự hình thành nhà nước. Những nhà dân tộc học được đào tạo khi nghiên cứu về các xã hội truyền thống trong thế kỷ XX hầu như đều nhận thấy chính họ chỉ tìm hiểu về các bộ lạc và các nhóm vốn đã được bình định bởi chính quyền thuộc địa, cho đến khi một số nhà nhân học có thể xác nhận được những ví dụ về chiến tranh truyền thống vào những năm 1950 và 1960 ở vùng Cao nguyên New Guinea và Amazon. Các nhà khảo cổ khi tiến hành khai quật, thường coi nhẹ, bỏ qua, hoặc giải nghĩa theo cách khác, ví như chỉ coi hào và những hàng rào phòng thủ xung quanh làng đơn thuần là “rào bao quanh” hay “những vật tượng trưng cho sự ngăn chặn”. Tuy nhiên những bằng chứng về chiến tranh truyền thống, cho dù dựa trên quan sát trực tiếp, lịch sử truyền miệng hay bằng chứng khảo cổ, cũng áp đảo đến mức người ta phải tự hỏi: tại sao vẫn còn những cuộc tranh luận về tầm quan trọng của nó?
Một lý do là những khó khăn thực tế, mà chúng ta đã thảo luận, khi đánh giá chiến tranh truyền thống ở những điều kiện trước hoặc sau khi tiếp xúc. Các chiến binh nhanh chóng nhận thấy rằng các nhà nhân học tìm đến không ủng hộ chiến tranh và họ có xu hướng không mang các nhà nhân học theo trong các cuộc tấn công hoặc không cho phép họ chụp ảnh những trận chiến không được can thiệp: các cơ hội quay phim như cuộc thám hiểm Harvard Peabody về người Dani là duy nhất. Một lý do khác nữa là các tác động ngắn hạn từ sự tiếp xúc với người châu âu lên chiến tranh của bộ lạc có thể diễn ra theo nhiều hướng và phải được đánh giá từng trường hợp một với đầu óc cởi mở. Tuy nhiên, hiện tượng phủ nhận chiến tranh truyền thống một cách rộng rãi dường như không chỉ bởi những lý do trên và sự không chắc chắn trong bằng chứng, mà thay vào đó còn là sự miễn cưỡng khi chấp nhận bằng chứng về sự tồn tại hoặc phạm vi của chiến tranh truyền thống. Tại sao?
Có thể có một số lý do liên quan đến tính chất công việc. Các học giả có xu hướng ưu ái, đồng cảm hay thông cảm với những người bản xứ mà họ đã sống cùng trong nhiều năm. Các học giả xem chiến tranh là xấu, họ cũng biết rằng hầu hết các độc giả đọc những tài liệu chuyên khảo của họ cũng sẽ xem chiến tranh là xấu xa, nhưng vì không muốn “người thân của họ” bị xem là người không tốt nên họ lưỡng lự trong việc chấp nhận các bằng chứng về chiến tranh truyền thống. Một lý do khác liên quan đến những tuyên bố vô căn cứ cho rằng xung đột của loài người là do cơ sở di truyền học không thay đổi được. Điều đó dẫn đến các giả định sai lầm rằng chiến tranh là không thể ngăn cản được và từ đó gây nên sự miễn cưỡng thừa nhận một kết luận không lấy làm vui vẻ là chiến tranh truyền thống thực sự đã rất phổ biến. Một lý do khác là một số nhà nước hoặc chính quyền thuộc địa mong muốn loại bỏ những người dân bản địa bằng cách xâm chiếm hoặc đuổi họ ra khỏi lãnh thổ hoặc nhắm mắt làm ngơ trước sự tuyệt chủng của họ. Họ cáo buộc những người bản địa là hiếu chiến để biện minh cho sự ngược đãi của họ, vì vậy các học giả tìm cách loại bỏ cái cớ đó bằng cách cố gắng bào chữa cho những người dân bản địa mà họ nghiên cứu khỏi các cáo buộc đó.
Tôi thực sự thông cảm với các học giả phẫn nộ với việc ngược đãi người dân bản địa. Tuy nhiên, việc phủ nhận thực tế chiến tranh truyền thống vì thực tế này bị thao túng với mục đích chính trị không phải là chiến lược hay. Cũng với lý do đó, việc từ chối bất kỳ thực tế nào vì các mục tiêu chính trị đáng ca ngợi cũng là một chiến lược tồi. Nguyên nhân không được ngược đãi người dân bản địa không phải vì cáo buộc họ hiếu chiến là sai, mà vì việc ngược đãi họ là bất công. Sự thật về chiến tranh truyền thống, cũng giống như sự thật về mọi hiện tượng gây tranh cãi có thể được quan sát và nghiên cứu khác, cuối cùng cũng sẽ sáng tỏ. Khi sự thật phơi bày, nếu các học giả phủ nhận thực tế chiến tranh truyền thống vì lý do chính trị đáng ca ngợi, việc phát hiện ra sự thật sẽ làm các mục tiêu chính trị đáng quý đó trở nên xấu đi. Quyền lợi của người dân bản địa phải được khẳng định trên nền tảng đạo đức, thay vì bằng cách đưa ra những tuyên bố sai lệch dễ bị bác bỏ.
Những động vật hiếu chiến, những con người yêu hòa bình
Nếu ai đó định nghĩa chiến tranh là “bạo lực được lặp đi lặp lại giữa các nhóm thuộc các đơn vị chính trị cạnh tranh và được những đơn vị đó đồng thuận” – và nếu người đó nhìn rộng hơn về khái niệm “các đơn vị chính trị” và “được đồng thuận” thì chiến tranh trở thành đặc trưng không chỉ ở con người mà còn ở một số loài động vật. Loài thường được đề cập nhiều nhất trong các cuộc thảo luận về xung đột của con người là loài vượn, vì nó là một trong hai họ hàng động vật gần nhất với chúng ta. Xung đột giữa các con vượn giống với chiến tranh giữa các nhóm người và các bộ lạc ở chỗ nó bao gồm những cuộc chạm trán tình cờ hoặc nếu không cũng là các cuộc chiến có mục đích rõ ràng giữa những con đực trưởng thành với nhau. Tỷ lệ tử vong do các cuộc chiến của loài vượn là 0,36% mỗi năm, tương đương với những tính toán trong xã hội loài người truyền thống. Liệu có phải điều này đồng nghĩa rằng chiến tranh là do tổ tiên loài vượn của chúng ta truyền sang loài người, do đó chiến tranh có cơ sở về mặt di truyền, chúng ta bị lập trình để gây ra chiến tranh, dẫn đến chiến tranh là không thể tránh khỏi hay ngăn chặn được?
Câu trả lời cho bốn câu hỏi trên là “không”. Vượn không phải tổ tiên của loài người, thay vào đó, vượn và người đều có chung nguồn gốc tổ tiên sống cách đây khoảng 6 triệu năm, và do đó, loài vượn hiện đại có thể khác xa so với loài người hiện đại. Không phải mọi hậu duệ đều có cùng loài tổ tiên đó đều gây ra chiến tranh: loài bonobo (hay trước đây còn được gọi là loài vượn lùn) về mặt di truyền có chung khoảng cách với chúng ta như loài vượn, là loài còn lại trong số hai loài động vật có họ hàng gần nhất với chúng ta, cũng có chung một tổ tiên như vậy, nhưng theo quan sát, chúng không hề gây chiến; một số xã hội loài người truyền thống cũng vậy. Trong số những loài động vật khác loài vượn, một số loài (như sư tử, sói, linh cẩu và một số loài kiến) được cho là tiến hành đánh giết giữa các nhóm, còn một số loài khác thì không. Rõ ràng, chiến tranh nổ ra một cách độc lập, lặp đi lặp lại nhưng không phải là không thể tránh được ở các loài động vật sống theo bầy đàn, ở dòng tiến hóa người – vượn và ở xã hội loài người hiện đại. Richard Wrangham lập luận rằng hai đặc điểm phân biệt các loài có tính bầy đàn gây chiến với những loài không gây chiến là: mức độ cạnh tranh nguồn lực cao và sự xuất hiện nhiều nhóm có quy mô khác nhau, từ đó những nhóm lớn đôi khi gặp những nhóm nhỏ hoặc những cá thể động vật mà chúng có thể tấn công và áp đảo mà không sợ gặp rủi ro.
Về bản chất di truyền của chiến tranh loài người, chiến tranh loài người chắc chắn có bản chất di truyền, nhưng là theo nghĩa xa rộng cũng như sự hợp tác và những hành vi đa diện khác của con người có bản chất di truyền. Bộ não con người, hoóc-môn và các bản năng đều do yếu tố gen di truyền quyết định, chẳng hạn như các gen kiểm soát quá trình tổng hợp hoóc-môn testosterone vốn chi phối hành vi hiếu chiến. Tuy nhiên, mức độ thông thường của hành vi hiếu chiến, cũng như chiều cao trung bình cơ thể, chịu ảnh hưởng của nhiều gen khác nhau lẫn các yếu tố môi trường và xã hội (như ảnh hưởng của dinh dưỡng lúc con người còn nhỏ đến chiều cao cơ thể của họ khi trưởng thành). Nó không giống những đặc điểm di truyền đơn tính như hồng cầu lưỡi liềm, một loại gen mang đặc điểm đơn nhất, không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố khác như dinh dưỡng lúc nhỏ, các gen khác hay sự cạnh tranh môi trường. Cũng giống như chiến tranh, điều trái với chiến tranh là sự hợp tác cũng phổ biến nhưng lại được thể hiện khác nhau giữa các xã hội con người. Như đã thấy ở Chương 1, sự hợp tác giữa các xã hội láng giềng thuận lợi hơn ở một số điều kiện môi trường, chẳng hạn như những biến động tài nguyên theo thời gian và việc có hay không một nơi tập hợp mọi nguồn lực cần thiết cho sự sống tự cung tự cấp. Sự hợp tác với nhau trong những nhóm láng giềng nhỏ không phải là hiển nhiên, hay được quy định bởi yếu tố di truyền học; có một số lý do dẫn đến hiện tượng một số nhóm phối hợp nhiều với nhau trong khi một số nhóm khác lại ít hợp tác.
Tương tự, một số lý do ngoại cảnh giải thích tại sao một số nhóm người sống với nhau hòa thuận, trong khi đa phần các nhóm khác lại xung đột. Các xã hội nhà nước hiện đại nhất đa phần đều đã tham gia vào các cuộc chiến tranh gần đây, nhưng một số nhỏ khác vẫn chưa tham gia vì một số lý do có thể hiểu được. Quốc gia Trung Mỹ Costa Rica gần đây không có chiến tranh, thậm chí đã giải tán quân đội của họ vào năm 1949 vì dân số và điều kiện lịch sử xã hội đã tạo nên truyền thống tương đối bình đẳng, dân chủ; đồng thời những láng giềng duy nhất của nước này (Nicaragua và Panama) không đáng sợ và cũng không có mục tiêu giá trị nào để xâm chiếm ngoại trừ Kênh đào Panama sẽ được bảo vệ bởi quân đội Mỹ nếu Costa Rica “khờ khạo” đầu tư quân đội tấn công. Thụy Điển và Thụy Sỹ cũng không có cuộc chiến nào gần đây (mặc dù Thụy Điển trước đây từng có chiến tranh), vì giờ đây họ có những người láng giềng hiếu chiến, hùng mạnh và đông dân (Đức, Pháp, Nga). Đây là những quốc gia mà họ không bao giờ hy vọng có thể xâm chiếm và họ còn ngăn chặn thành công những người láng giềng này không tấn công mình bằng cách trang bị vũ trang một cách kỹ lưỡng.
Giống như những nhà nước hiện đại này, một bộ phận thiểu số trong những xã hội truyền thống cũng rất yên bình vì một số lý do dễ hiểu. Người Eskimos Bắc Cực của Greenland không có láng giềng và sống hoàn toàn tách biệt với bên ngoài, vì vậy xung đột không thể xảy ra, kể cả khi họ muốn thế. Theo báo cáo, những nhóm người du mục quy mô nhỏ sống chủ yếu bằng săn bắt và hái lượm, có mật độ dân số ít, lại ở trong môi trường khắc nghiệt với những dãy nhà lớn nhưng không có tài sản đáng giá để bảo vệ hay giành lấy và sống cô lập với những nhóm khác cũng không xảy ra chiến tranh. Những người này bao gồm thổ dân da đỏ Shoshone của Đại bồn địa Mỹ, thổ dân da đỏ Siriono của Bolivia, một số bộ lạc ở sa mạc úc và người Nganasan ở phía bắc Siberia. Những người nông dân chưa từng xảy ra chiến tranh gồm có thổ dân da đỏ Machiguenga của Peru, họ sống trong rừng thưa không bị kẻ khác dòm ngó, không có nhiều đất tốt để dẫn đến động cơ xung đột hay phòng thủ, có mật độ dân số thấp mà lý do có thể là vì sự sụt giảm dân số trong đợt sốt mủ cao su13.
Do đó, không thể khẳng định rằng một số xã hội sống hòa bình nhờ kế thừa từ đời trước hoặc nhờ di truyền, trong khi những cộng đồng khác lại hiếu chiến theo di truyền. Thay vào đó, việc các cộng đồng có thường xuyên gây chiến hay không phụ thuộc vào việc liệu họ có lợi ích gì khi khai chiến không và/hoặc liệu chiến tranh có cần thiết để họ tự phòng vệ khỏi những cuộc chiến mà kẻ khác gây nên không. Phần lớn các xã hội đều đã thực sự tham gia vào các cuộc chiến tranh xung đột, nhưng vẫn còn một số ít chưa tham gia vì một số lý do chính đáng. Các xã hội đó đôi khi được khẳng định có bản tính hiền hòa (ví dụ, người Semang, người!Kung và người Pygmy châu Phi), nhưng họ vẫn có những xung đột bạo lực nội bộ thị tộc. Khi những người Semang vốn hiền hòa bị huy động nhập ngũ bởi quân đội Anh vào những năm 1950, nhằm mục đích trinh sát và tiêu diệt phiến quân Cộng sản tại Malaya, họ đã chém giết một cách hăng hái. Vậy nên sẽ là vô ích khi tranh luận liệu con người có bản chất bạo lực hay hợp tác. Mọi xã hội loài người đều vừa bạo động, vừa hợp tác; đặc điểm nào thắng thế tùy thuộc vào hoàn cảnh.
Các động cơ của chiến tranh truyền thống
Điều gì đã dẫn xã hội truyền thống đến chiến tranh? Chúng ta có thể trả lời câu hỏi này theo nhiều cách khác nhau. Phương pháp trực tiếp nhất không phải là cố gắng diễn giải lại những động lực mà họ tuyên bố hay các động lực ẩn sau những tuyên bố đó, thay vào đó, phải quan sát những lợi ích mà người chiến thắng có được từ cuộc chiến. Phương pháp thứ hai là hỏi họ về những động lực gây ra chiến tranh (“những nguyên nhân trước mắt của chiến tranh”). Phương pháp còn lại là cố gắng phát hiện ra những động cơ ẩn giấu thực sự của họ (“các nguyên nhân sâu xa của chiến tranh”).
Các xã hội truyền thống chiến thắng có được nhiều lợi ích. Khi liệt kê một số lợi ích chính theo thứ tự bảng chữ cái mà không xếp hạng về mức độ quan trọng, các lợi ích đó bao gồm trẻ em bị bắt, bò, thực phẩm, đầu người (đối với những tộc săn đầu người), ngựa, xác người để dùng cho thực phẩm (với những tộc ăn thịt người), đất đai, tài nguyên đất (ví dụ như khu vực đánh bắt cá, vườn cây ăn quả, vườn, hồ muối và mỏ đá), lợn, danh dự, nguồn chất đạm, nô lệ, quyền giao thương và các bà vợ.
Tuy nhiên, những động cơ mà con người đưa ra để khởi động chiến tranh, cũng như các động cơ họ đưa ra để lý giải các quyết định quan trọng khác, có thể không giống với các lợi ích quan sát được. Trong chiến tranh cũng như những lĩnh vực khác của cuộc sống, con người có thể không nhận ra hoặc không thành thật về những gì thúc đẩy họ. Vậy những người này đã nói gì về động cơ gây ra chiến tranh của họ?
Câu trả lời phổ biến nhất là “trả thù” cho vụ giết những người cùng bộ lạc hoặc những thành viên trong cộng đồng, vì hầu hết trước các cuộc chiến của bộ lạc là những trận chiến khác chứ không phải một nền hòa bình lâu dài. Các ví dụ từ Chiến tranh Dani trong chương 3 là những khao khát trả thù của Wilihiman sau các trận đánh hoặc những cái chết trong tháng 1, ngày 10/4, ngày 27/4, 10/6, 5/7, 16/8/1961, và của Widaia sau ngày 3/4, 10/4, 29/5.
Nếu trả thù là động lực chính để tiếp tục chiến tranh, vậy những động cơ để bắt đầu một cuộc chiến là gì? Ở vùng Cao nguyên New Guinea, câu trả lời phổ biến là “phụ nữ” và “lợn”. Đối với nam giới ở New Guinea cũng như những nơi khác trên thế giới, phụ nữ làm gia tăng xung đột ngày một nhiều vì dính líu vào hoặc là nạn nhân của việc ngoại tình, bỏ chồng, bắt cóc tống tiền, hãm hiếp và các tranh cãi về sính lễ. Tương tự người Yanomamo và nhiều tộc người khác cho rằng phụ nữ là một trong những nguyên nhân chính gây ra chiến tranh. Khi nhà nhân học Napoleon Chagnon nói chuyện với một thủ lĩnh của Yanomamo về việc người của “thị tộc” Chagnon (tức là, người Mỹ và người Anh) “tấn công” kẻ thù của họ (ví dụ, Đức), người thủ lĩnh đoán, “Anh tấn công để lấy đi những người phụ nữ phải không?” Động lực đó không còn đúng với các xã hội nhà nước quy mô lớn ngày nay. Tuy nhiên, nguồn gốc của cuộc chiến thành Troy với việc Paris, con trai của vua Priam, bị quyến rũ bởi nàng Helen, vợ vua Menelaus, là minh chứng cho việc phụ nữ vẫn là một nhân tố dẫn đến chiến tranh, ít nhất là ở thời đại của các nhà nước nhỏ cổ đại.
Người New Guinea xếp lợn ngang bằng với phụ nữ trong những nguyên nhân dẫn đến chiến tranh là vì ở New Guinea, lợn không chỉ là thực phẩm có nguồn protein lớn nhất, mà còn là đại diện cho sự giàu có và danh dự, đồng thời dùng để đổi phụ nữ như một phần thiết yếu trong sính lễ. Cũng như phụ nữ, lợn dễ đi lang thang và trốn khỏi “chủ sở hữu”, do đó chúng dễ bị đánh cắp, từ đó dẫn đến các cuộc chiến tranh liên miên.
Đối với các dân tộc khác, các loài vật nuôi, đặc biệt là bò, ngựa, thay vì lợn ở New Genia, được sử dụng để đo lường sự giàu có và là các nguyên nhân gây tranh chấp. Người Nuer bị ám ảnh bởi bò cũng như người Guinea bị ám ảnh bởi lợn và các mục tiêu chính của họ khi tấn công các bộ lạc Dinka và các bộ lạc Nuer khác là để ăn cắp bò. Bò Nuer cũng là nguyên nhân gây ra những tranh chấp thương mại và bồi thường (“Anh đã không trả tiền mua những con bò cho tôi như đã hứa”). Một người đàn ông Nuer (trích dẫn của Evans-Pritchard) đã tổng kết: “Số người chết vì một con bò nhiều hơn bất kỳ nguyên nhân nào khác.” Ngựa và việc trộm cắp ngựa cũng gây ra xung đột giữa những thổ dân da đỏ ở vùng Đại bồn địa, Bắc Mỹ và giữa các tộc người ở vùng thảo nguyên châu á. Sự thèm muốn, đánh cắp hay tranh chấp những dạng vật chất khác, bên cạnh phụ nữ và động vật, đã dẫn đến các cuộc chiến tranh.
Các xã hội quy mô nhỏ giao chiến không chỉ để có được phụ nữ về làm vợ, mà còn để bắt những người khác phục vụ cho các mục đích của họ. Người Nuer bắt trẻ em Dinka để biến chúng thành người Nuer. Danh sách dài những dân tộc săn đầu người gây chiến tranh, bắt giữ và tiêu diệt kẻ thù để lấy đầu của họ bao gồm người Asmat, Marind ở New Guinea, người Roviana tại quần đảo Solomon; nhiều dân tộc khác ở châu á, Indonesia, các đảo Thái Bình Dương, Ireland, Scotland, châu Phi và Nam Mỹ. Những dân tộc ăn thịt người đã ăn những kẻ địch bị bắt hoặc xác chết của họ gồm có người Carib, một số dân tộc ở châu Phi và châu Mỹ, một số người New Guinea, nhiều cư dân ở các đảo Thái Bình Dương. Một số xã hội tù trưởng quốc và bộ lạc bắt giữ kẻ thù để làm nô lệ như ở phía Tây Bắc New Guinea, phía tây đảo Solomon, người Mỹ bản địa của vùng Tây Bắc Thái Bình Dương, Florida và Tây Phi. Chế độ nô lệ đã được phổ biến với quy mô lớn ở nhiều hoặc có lẽ hầu hết các xã hội nhà nước, trong đó có Hy Lạp cổ đại, Đế chế La Mã, Trung Quốc, Đế chế Ottoman và các nước thực dân châu âu trong Thế giới mới.
Có ít nhất hai lý do khác thường xuyên được con người trong các xã hội truyền thống đề cập đến như những động cơ cho chiến tranh. Một là phù thủy: thông thường người New Guinea và nhiều xã hội quy mô nhỏ khác hay đổ lỗi cho phù thủy của kẻ địch khi có bất cứ điều gì xấu xảy ra (chẳng hạn như một căn bệnh hay một cái chết mà chúng ta coi là tự nhiên), người này phải bị giết chết. Một động cơ khác là quan niệm chung rằng những người láng giềng là những kẻ có bản chất xấu xa, thù địch, cấp thấp và nguy hiểm; do đó đáng bị trừng trị, bất kể họ có hành động thiếu thiện chí nào gần đây hay không. Tôi đã trích dẫn một ví dụ ở New Guinea trong chương 3: câu trả lời của một người đàn ông Wilihiman Dani với một người phụ nữ Dani về việc tại sao ông ta cố gắng giết người Widaia Dani (“Những người đó là kẻ thù của chúng ta, tại sao chúng ta không nên giết chúng – chúng không phải là con người.”)
Bên cạnh các cuộc xung đột vì yếu tố con người và động vật, tranh chấp đất đai cũng thường xuyên được xem như động lực chiến tranh. Ví dụ điển hình là cuộc tranh chấp đất đai tôi đã đề cập ở chương 1, giữa những người bạn miền núi New Guinea của tôi với người láng giềng miền sông nước về đường sườn núi giữa hai làng.
Những nguyên nhân sâu xa
Các động cơ dẫn đến chiến tranh do thành viên ở các xã hội quy mô nhỏ kể ra – gồm phụ nữ, trẻ em, đầu người, v.v… – không phải là toàn bộ danh sách các động cơ. Tuy nhiên, có thể hiểu rõ được vì sao những động cơ được kể không phải là lời giải thích thỏa đáng cho chiến tranh truyền thống. Láng giềng của mọi người đều có phụ nữ, trẻ em, đầu người và xác người để ăn, nhiều hoặc hầu hết những người láng giềng trong xã hội truyền thống đều có vật nuôi, thực hành phép thuật và có thể bị xem là kẻ xấu. Ham muốn sở hữu hoặc tranh chấp về những người và vật này không hẳn gây ra chiến tranh. Ngay cả trong các xã hội đặc biệt hiếu chiến, phản ứng thông thường đối với một tranh chấp phát sinh là cố gắng giải quyết trong hòa bình, ví dụ, bằng cách trả tiền bồi thường (chương 2). Chỉ khi nỗ lực giải quyết một cách hòa bình thất bại thì bên bị tổn hại mới dùng đến chiến tranh. Vậy tại sao một số dân tộc có nhiều khả năng thất bại trong những cuộc đàm phán bồi thường hơn những nhóm khác? Tại sao lại có những sự khác biệt như vậy, dù phụ nữ và các động cơ được khẳng định khác đều là động cơ chiến tranh mọi nơi?
Các nhân tố sâu xa đằng sau mỗi cuộc chiến không nhất thiết phải là những nhân tố mà người tham gia vào cuộc chiến hiểu được hoặc giải thích rõ được vào thời điểm đó. Ví dụ, một lý thuyết về xung đột của người Yanomamo gây tranh cãi trong ngành nhân học cho rằng mục đích quan trọng nhất của các cuộc xung đột Yanomamo là để có được protein khan hiếm thông qua việc đảm bảo nguồn động vật phong phú để săn bắt. Tuy nhiên, người Yanomamo truyền thống không biết protein là gì và họ vẫn khăng khăng với lý do phụ nữ làm dẫn đến xung đột thay vì nguồn động vật có sẵn. Do đó, ngay cả khi lý thuyết protein của chiến tranh Yanomamo là đúng (hoặc không), chúng ta sẽ không bao giờ nghe về điều đó từ chính những người Yanomamo.
Thật không may, để hiểu được các nhân tố sâu xa mà bạn không thể hỏi bất kỳ ai khó hơn rất nhiều so với việc tìm hiểu những động lực trước mắt mà người khác có thể miêu tả cho bạn. Chẳng hạn khi chúng tôi xác định các nguyên nhân sâu xa của Thế chiến I, chúng tôi vẫn gặp khó khăn dù có một lượng tài liệu đồ sộ liên quan của hàng trăm nhà sử học đã dành cả đời để nghiên cứu. Mọi người đều biết nguyên nhân trước mắt của Thế chiến I là vụ ám sát Archduke Franz Ferdinand, người thừa kế ngai vàng của Đế chế Habsburg, do một người Serbia là Gavrilo Princip thực hiện tại Sarajevo vào ngày 28/6/1914. Tuy nhiên, rất nhiều những người đứng đầu và người thừa kế ngai vàng khác cũng bị ám sát mà không dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, vậy đâu là những nguyên nhân sâu xa khiến vụ ám sát này châm ngòi cho Thế chiến I? Các giả thuyết tiềm năng được tranh luận về nguyên nhân sâu xa của Thế chiến I bao gồm hệ thống liên minh trước chiến tranh, chủ nghĩa dân tộc, mối đe dọa đến sự ổn định của hai đế chế đa sắc tộc trọng yếu (Đế chế Habsburg và Ottoman), các tranh chấp lãnh thổ dồn nén ở Alsace-Lorraine và về việc đi ngang qua ở Dardanelles cũng như sức mạnh kinh tế ngày càng lớn mạnh của Đức. Vì vẫn không thể đồng ý với nguyên nhân sâu xa của Thế chiến I, nên chúng tôi cũng không mong đợi có thể hiểu được dễ dàng những nguyên nhân sâu xa của chiến tranh truyền thống. Tuy nhiên, sinh viên nghiên cứu về chiến tranh truyền thống sẽ có lợi thế hơn những sinh viên nghiên cứu về hai cuộc chiến tranh thế giới, vì có vô vàn những cuộc chiến tranh truyền thống để đem ra so sánh và phân tích.
Nhân tố sâu xa thường được đưa ra cho chiến tranh truyền thống là chiếm đất hoặc các tài nguyên khan hiếm khác như thủy sản, nguồn muối, mỏ đá hoặc sức lao động con người. Ngoại trừ những môi trường có nhiều biến động khắc nghiệt khiến mật độ dân số thấp trong dài hạn hoặc vĩnh viễn, các nhóm người thường gia tăng kích thước quần thể để tận dụng được hết đất đai, tài nguyên, sau đó có thể tăng thêm bằng cách chiếm đoạt của những nhóm khác. Do đó, con người đi đến chiến tranh để tước đoạt đất hoặc tài nguyên của những nhóm khác, hoặc để bảo vệ đất đai và tài nguyên của mình. Chính quyền nhà nước tiến hành chiến tranh để chiếm đoạt đất đai và lao động thường tuyên bố động cơ này một cách rõ ràng. Ví dụ, Hitler đã viết và nói về nhu cầu của Đức về Lebensraum (khoảng không gian sống ở phía đông), nhưng người Nga và những người Xla-vơ khác lại sống ở phía đông của Đức, vì vậy mục tiêu có được không gian sống phía đông cho nước Đức của Hitler đã dẫn ông đến việc xâm lược Ba Lan và sau đó là Nga để có thể chinh phục, bắt làm nô lệ, hoặc giết người Xla-vơ sống ở đó.
Carol và Melvin Ember đã tiến hành cuộc kiểm định quy mô nhất về lý thuyết cho rằng tình trạng thiếu đất và tài nguyên dẫn đến chiến tranh, họ sử dụng mẫu nghiên cứu so sánh giữa nhiều vùng văn hóa – 186 xã hội. Dựa trên thông tin dân tộc học về các xã hội này được tóm tắt trong Hồ sơ Vùng Quan hệ Con người (một cuộc khảo sát đa văn hóa quy mô lớn), Carol và Melvin đã chọn ra các thước đo cho một số nguyên nhân gây thiếu tài nguyên: tần suất của nạn đói, tần suất của thiên tai như hạn hán hoặc sương giá và tần suất khan hiếm thực phẩm. Các thước đo này hóa ra lại là yếu tố dự báo tần suất chiến tranh chính xác nhất. Dựa trên phát hiện này, các tác giả cho rằng con người đi đến chiến tranh để giành lấy tài nguyên (đặc biệt là đất đai) từ kẻ địch của họ nhằm bảo vệ bản thân, từ đó tự bảo vệ họ trước tình trạng khan hiếm tài nguyên không thể đoán trước trong tương lai.
Tuy cách giải thích này hợp lý nhưng nó không đủ rõ ràng để mọi học giả có thể chấp nhận. Trong khi sau một số cuộc chiến tranh truyền thống, người thua cuộc thường chạy trốn và người chiến thắng chiếm đất đai của họ, nhưng cũng có trường hợp đất đai bị bỏ hoang một thời gian. Trường hợp đó cũng không phù hợp với lý thuyết trên, chiến tranh không phải luôn ác liệt hơn ở những nơi đông dân cư vì ở đó có môi trường sống và phương thức mưu sinh có thể dễ dàng phục vụ cho mật độ dân số cao hơn rất nhiều so với mật độ ở những nơi có môi trường sống và phương thức mưu sinh khác. Ví dụ, những người săn bắt – hái lượm sống với mật độ 5 người trên mỗi dặm vuông sa mạc sẽ cảm thấy thiếu hụt tài nguyên và có động lực để mở rộng hơn là những người nông dân sống với mật độ 100 người trên mỗi dặm vuông đất nông nghiệp màu mỡ. Điều này cho thấy rằng yếu tố quyết định không chỉ đơn thuần là mật độ dân số, mà là mật độ dân số trong tương quan với mật độ tài nguyên, dẫn đến vấn đề thiếu hụt tài nguyên thực sự hoặc tiềm tàng. Nếu chúng ta so sánh những tộc người truyền thống giống nhau về phương thức mưu sinh, môi trường sống và nguồn tài nguyên thì tần suất chiến tranh sẽ tăng theo mật độ dân số.
Những lý do sâu xa khác để giải thích cho chiến tranh truyền thống liên quan đến các yếu tố xã hội. Con người có thể tiến hành chiến tranh để giữ những người láng giềng hay gây rắc rối xa họ, để loại bỏ những người láng giềng như vậy, hoặc để tạo dựng hình ảnh hiếu chiến từ đó ngăn chặn khả năng bị tấn công bởi kẻ láng giềng vốn không ngần ngại tấn công những thị tộc không phòng thủ. Sự lý giải về mặt xã hội này cũng tương thích với những giả thuyết về đất đai và nguồn lực trước đó: một lý do quan trọng để giữ cho người láng giềng tránh xa là để đảm bảo tài nguyên đất đai của mình nằm trong tầm kiểm soát. Mặc dù vậy, cần phải tách biệt những suy xét mang tính xã hội với những suy xét về tài nguyên, vì mong muốn giữ khoảng cách với láng giềng có thể dẫn họ đến những hành động cực đoan hơn mức cần thiết để đảm bảo nguồn lực của mình không bị xâm phạm.
Chẳng hạn như, khoảng 500 năm trước đây dân số Phần Lan tập trung chủ yếu ở các bờ biển còn phần đất rừng sâu trong đất liền thưa thớt người sinh sống. Khi các gia đình đơn lẻ và thị tộc nhỏ bắt đầu di chuyển vào bên trong lục địa như những người đi khai hoang, họ cố gắng sống tách khỏi những người khác càng xa càng tốt. Những người bạn Phần Lan đã kể với tôi một câu chuyện để minh họa cho việc những người đi khai hoang ghét cảm giác đông đúc như thế nào. Một người đàn ông đã khai phá cho mình và gia đình một trang trại nhỏ cạnh bờ sông, bởi ở đó không có người láng giềng nào. Nhưng một ngày nọ, ông ta kinh hoàng nhìn thấy một khúc gỗ mới bị đốn hạ trôi nổi trên sông. Hẳn có ai đó đang sống ở thượng nguồn! Tức giận, người đàn ông bắt đầu đi bộ ngược lên thượng nguồn, băng qua một khu rừng, để truy tìm những kẻ xâm phạm. Hai ngày đầu tiên đi bộ, ông ta không gặp một ai. Nhưng, vào ngày thứ ba, ông đến một vùng đất mới và thấy một người khai hoang khác. ông ta đã giết người đó và đi suốt ba ngày để trở lại vùng đất khai hoang của mình và gia đình. ông ta cảm thấy nhẹ nhõm khi sự riêng tư của gia đình mình lại được đảm bảo. Mặc dù câu chuyện có thể không có thật, nhưng nó minh họa cho các yếu tố xã hội khiến các xã hội quy mô nhỏ phải bận tâm về “những láng giềng” ở xa ngoài tầm mắt của họ.
Vẫn còn những nhân tố sâu xa khác được đề xuất liên quan đến lợi ích tham chiến, có ý nghĩa với cá nhân hơn là với nhóm xã hội. Một cá nhân hiếu chiến hoặc một người lãnh đạo cuộc chiến có thể sẽ trở nên đáng sợ và đạt được uy tín của mình thông qua những thành tích trong chiến tranh. Điều đó có nghĩa là, họ có thể có được nhiều vợ và nhiều con hơn. Ví dụ, theo nhà nhân học Napoleon Chagnon tính toán từ phả hệ Yanomamo mà ông thu thập được, nếu chúng ta so sánh những người đàn ông Yonomamo đã giết người và chưa giết người với nhau, thì những người từng giết người có trung bình nhiều vợ hơn gấp 2,5 lần và có con cái nhiều hơn gấp ba lần so với người chưa giết người. Tất nhiên những kẻ giết người cũng có nhiều khả năng bị chết hoặc bị giết ở độ tuổi trẻ hơn những người không giết người, nhưng trong thời gian sống ngắn ngủi đó, họ giành được nhiều sự tín nhiệm và tưởng thưởng của xã hội, từ đó có nhiều vợ con hơn. Tất nhiên, ngay cả khi mối tương quan này là đúng đối với người Yanomamo, tôi cũng không khuyến khích các bạn làm như vậy và tôi không nghĩ nó có thể được khái quát hóa để áp dụng cho mọi xã hội truyền thống. Trong một số xã hội, những người đàn ông hiếu chiến có tuổi thọ ngắn có khả năng sẽ không được bù đắp bằng việc thu hút nhiều vợ hơn tính trên mỗi thập kỷ trong cuộc đời vốn đã ngắn ngủi hơn của họ. Đó là trường hợp của thổ dân da đỏ Waorani của Ecuador, những người thậm chí còn hiếu chiến hơn người Yanomamo. Tuy nhiên, các chiến binh Waorani hiếu chiến không những có ít vợ hơn những người đàn ông ôn hòa, mà họ thậm chí còn có ít con cái sống sót qua tuổi sinh sản hơn.
Con người chiến đấu với ai?
Chúng ta đã thảo luận vì sao những xã hội quy mô nhỏ lại chiến đấu với nhau, bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu về việc họ chiến đấu với ai. Ví dụ, các bộ lạc sẽ có xu hướng xung đột với những bộ lạc nói khác ngôn ngữ hay cùng ngôn ngữ với mình? Liệu họ sẽ chiến đấu hay tránh xung đột với những bộ lạc mà họ có giao thương hay có hôn phối?
Chúng ta có thể tìm kiếm câu trả lời trong bối cảnh quen thuộc hơn bằng cách đặt câu hỏi tương tự với các quốc gia hiện đại khi tiến hành gây chiến. Nhà khí tượng học nổi tiếng người Anh, Lewis Richardson, người có chuyên môn phân tích các dấu hiệu phức tạp của gió dựa trên toán học, đã trải nghiệm hai năm trong Thế chiến I khi đi theo một đoàn xe cứu thương vận chuyển thương binh và bệnh binh. Hai trong ba người anh em của vợ ông đã hy sinh trong chiến tranh. Được thúc đẩy bởi những mất mát này cộng thêm nền tảng gia đình Cơ đốc giáo Quaker, Richardson đã phát triển sự nghiệp thứ hai là phân tích các nguyên nhân gây ra chiến tranh dựa vào toán học với hy vọng rút ra những bài học về cách phòng tránh nó. Phương pháp của ông bao gồm lập bảng các cuộc chiến tranh mà ông có thể tìm hiểu từ năm 1820 đến năm 1949, ghi chú số lượng tử vong, rồi dựa trên số liệu này chia thành 5 bảng phụ, sau đó, ông kiểm định câu hỏi khi nào và tại sao các quốc gia đi đến chiến tranh.
Trong giai đoạn 1820-1949, số lượng các cuộc chiến mà một quốc gia tham chiến biến đổi rất khác nhau giữa các nước, từ 20 cuộc chiến đối với mỗi nước Pháp, Anh đến 1 cuộc chiến với Thụy Sỹ và không có cuộc chiến nào với Thụy Điển. Nguồn gốc chính của sự khác biệt này chỉ đơn giản là do số lượng các nước mà một quốc gia có chung biên giới: càng có nhiều láng giềng, số lượng các cuộc chiến trong dài hạn càng cao; nói cách khác, số lượng các cuộc chiến tỷ lệ thuận với số lượng các quốc gia liền kề. Việc quốc gia láng giềng nói cùng hay khác ngôn ngữ ít có ảnh hưởng đến số lượng các cuộc chiến. Những ngoại lệ duy nhất của quy luật này là việc các nước nói tiếng Hoa ít giao chiến hơn và các nước nói tiếng Tây Ban Nha giao chiến nhiều hơn so với ước tính thống kê từ tổng số người nói tiếng Hoa hay tiếng Tây Ban Nha trên thế giới. Richardson đưa ra suy đoán về việc những yếu tố văn hóa nào có thể khiến những người nói tiếng Tây Ban Nha đặc biệt có xu hướng đi đến chiến tranh và những người nói tiếng Hoa thì ngược lại. Suy đoán của Richardson thực sự thú vị, nhưng tôi sẽ để độc giả nào quan tâm tự nghiên cứu thêm những phân tích của Richardson, trong các trang 223-230 và 240-242 của cuốn Statistics of Deadly Quarrels (tạm dịch: Thống kê những cuộc tranh chấp chết chóc) của ông vào năm 1960.
Richardson đã không kiểm định thống kê ảnh hưởng của thương mại giữa các quốc gia lên khả năng xảy ra chiến tranh. Tuy nhiên, do chiến tranh thường rất dễ diễn ra giữa các nước láng giềng có khả năng giao thương cao với nhau, người ta có thể cho rằng quan hệ thương mại và chiến tranh có tương quan với nhau. ít nhất qua cảm nghĩ từ các giai thoại, có vẻ như các quốc gia hiện đại nào là đối tác thương mại với nhau sẽ đánh nhau thường xuyên hơn những nước khác không phải đối tác. Có lẽ một phần là do mối tương quan rõ ràng của thương mại với chiến tranh thật ra chỉ vì hai điều này đều có tương quan với độ gần gũi về mặt địa lý và một phần cũng vì thương mại thường làm nảy sinh tranh chấp. Ngay cả đối với các quốc gia không phải là láng giềng, các cuộc chiến hiện đại lớn nhất đã khiến các đối tác thương mại quay lại đối đầu nhau. Ví dụ, trong Thế chiến II, hai mục tiêu tấn công chính của Nhật Bản là nguồn nguyên vật liệu nhập khẩu hàng đầu (nước Mỹ) và thị trường xuất khẩu hàng hóa hàng đầu (Trung Quốc). Tương tự, Phát xít Đức và Nga vẫn giao thương cho đến trước khi Đức xâm lược Nga ngày 22/6/1941.
Dựa vào những thảo luận trên, chúng ta hãy xem xét những câu hỏi tương tự cho xã hội truyền thống quy mô nhỏ. Chúng ta không có bảng phân loại về mọi cuộc chiến tranh truyền thống gần đây để phân tích, như bảng các cuộc chiến tranh nhà nước hiện đại của Richardson. Thay vào đó, chúng ta phải tự tìm hiểu thông qua những giai thoại. Những giai thoại này cho rằng các xã hội quy mô nhỏ xung đột với láng giềng, thậm chí còn nhiều hơn các quốc gia, vì họ không thể di chuyển đường dài như Anh đã đưa quân đội đi nửa vòng thế giới để đánh nhau với người Maori của New Zealand giữa những năm 1800. Có rất ít bằng chứng cho thấy các xã hội quy mô nhỏ phân biệt giữa láng giềng nói cùng ngôn ngữ với láng giềng khác khôn ngữ khi xem xét việc gây chiến. Hầu hết các cuộc chiến tranh truyền thống là giữa các nước láng giềng nói cùng một ngôn ngữ, bởi các nước láng giềng thường có chung ngôn ngữ. Những người tham gia vào cuộc chiến tranh Dani như chương 3 đề cập đều nói tiếng Dani. Một danh sách dài các cộng đồng xung đột với nhau nói cùng một ngôn ngữ, bao gồm người Enga, Fayu, Fore, Hinihon, Inuit, Mailu, Nuer và Yanomamo; danh sách có thể được mở rộng vô hạn. Tuy nhiên, có một ngoại lệ là tuy các bộ lạc Nuer đánh các bộ lạc Nuer khác lẫn người Dinka, nhưng họ xung đột với người Dinka thường xuyên hơn và có những ranh giới nhất định khi gây chiến với những người Nuer khác mà chiến tranh với người Dinka không có. Ví dụ, họ không giết phụ nữ và trẻ em Nuer, không bắt người Nuer làm tù nhân, không đốt lều của người Nuer; hạn chế giết đàn ông Nuer và ăn cắp gia súc của Nuer.
Về ảnh hưởng của thương mại và hôn nhân giữa các xã hội, các bằng chứng giai thoại một lần nữa cho thấy những kẻ thù của một xã hội truyền thống thường cũng là đối tác về thương mại và hôn nhân. Lawrence Keeley nói: “Nhiều xã hội có xu hướng gây chiến với những tộc người mà họ kết hôn và kết hôn với những tộc người mà họ gây chiến, tấn công những người mà họ giao thương và giao thương với kẻ địch của mình.” Lý do của hiện tượng này cũng giống như những lý do chiến tranh của nhà nước hiện đại: khoảng cách gần thúc đẩy giao thương và hôn nhân, đồng thời, thương mại và hôn nhân cũng làm phát sinh các tranh chấp, bất hòa giữa thành viên của các xã hội quy mô nhỏ. Trong số các mối quan hệ gọi là giao thương, các bên láng giềng trao đổi hàng hóa theo các mức giá và tỷ lệ trao đổi thay đổi liên tục dựa trên các giao dịch thực tế (giao dịch tự nguyện giữa các bên ngang thế với giá hợp lý), các vụ “tống tiền” (giao dịch bất bình đẳng giữa một bên mạnh và một bên yếu với giá cả bất hợp lý, theo đó bên yếu bán hàng với giá thấp để đổi lấy sự yên ổn), những vụ chiếm đoạt (một bên “cung cấp” hàng hóa và bên còn lại nhận mà không trao đổi lại bằng bất cứ thứ gì, khi yếu điểm của một bên tạo điều kiện cho bên còn lại tấn công và từ đó chiếm đoạt hàng hóa). Những “kẻ tấn công” nổi tiếng như người Apache của miền Tây Nam Hoa Kỳ và người Tuareg của sa mạc phía bắc châu Phi, tiến hành phối hợp làm phức tạp các hình thức như mua bán công bằng, tống tiền và chiếm đoạt, tùy thuộc vào khả năng các đối tác có thể tự bảo vệ mình ở thời điểm đó hay không.
Về hôn nhân giữa các nhóm và bộ lạc, hiện tượng này thường gây nên chiến tranh cũng vì những lý do tương tự như các lý do từ những cuộc giao thương bất hòa. Bé gái của một bộ lạc khi sinh ra được hứa hẹn gả cho người đàn ông lớn hơn của bộ lạc khác và được chi trả cho việc này. Tuy nhiên, khi tới tuổi dậy thì, cô lại không được đem đến cho bên bộ lạc kia. Sính lễ hoặc của hồi môn được ghi nợ và trả thành nhiều đợt, cho đến khi một đợt không được trả. Tranh chấp về chất lượng “hàng hóa” (ví dụ, ngoại tình, bị vợ hoặc chồng ruồng bỏ, ly dị, không thể hoặc không chịu nấu ăn, làm vườn, lấy củi) dẫn đến các yêu cầu bồi hoàn sính lễ, nhưng yêu cầu đó bị từ chối hoặc khoản thanh toán nhận được đã bị bán hoặc bị ăn hết (nếu đó là một con lợn). Bất kỳ người tiêu dùng, chủ doanh nghiệp, nhà xuất nhập khẩu khi đọc đoạn này sẽ nhận ra sự tương đồng với các vấn đề mà thương nhân ở các nước hiện đại phải đối mặt.
Kết quả thông thường của việc chiến đấu với những người mà bạn kết hôn là lòng trung thành bị chia cắt khi xảy ra chiến tranh. Một số kẻ thù lại là người thân hoặc dâu rể. Khi bắn một mũi tên hoặc ném một cây giáo, một chiến binh phải nhắm mục tiêu chính xác hết mức để không trúng họ hàng của mình ở phía bên kia. Khi một người phụ nữ Inuit kết hôn và chuyển đến sống ở thị tộc của người chồng, nếu người thân trong xã hội mà cô sinh ra lên kế hoạch tấn công thị tộc người phía bên chồng, họ có thể cảnh báo cô tránh khỏi các cuộc tấn công để không bị giết. Ngược lại, nếu cô biết những người bên phía thị tộc của chồng đang sẵn sàng tấn công người thân của mình, cô có thể cảnh báo người thân – hoặc có thể không làm vậy; cô có thể đứng về phía bên chồng hoặc họ hàng của mình.
Hãy lãng quên Trân Châu Cảng
Cuối cùng, chúng ta trở lại với chủ đề sự trả thù mà dường như các xã hội quy mô nhỏ đã bị quá ám ảnh, vì điều này là lời giải thích phổ biến nhất cho động cơ tiến hành chiến tranh của các xã hội quy mô nhỏ. Là công dân của các quốc gia hiện đại, chúng ta thường không lưu tâm đến sức mạnh của khát vọng trả thù. Trong số những cảm xúc của con người, nó được xếp ngang hàng với tình yêu, sự giận dữ, nỗi đau và sự sợ hãi. Xã hội nhà nước hiện đại cho phép và khuyến khích chúng ta thể hiện tình yêu, sự giận dữ, nỗi đau và sự sợ hãi, thay vì khát khao trả thù. Chúng ta được nuôi dạy rằng cảm xúc thù hận là kém cỏi, đáng xấu hổ và chúng ta nên vượt qua nó. Xã hội khắc sâu vào tâm trí chúng ta những niềm tin để ngăn cản ta khỏi những thù hận cá nhân.
Nếu không loại bỏ quyền trả thù cá nhân và không để chính quyền nhận trách nhiệm thực hiện phán xử những kẻ có tội, thì chắc chắn chúng ta không thể chung sống hòa bình trong cùng một nhà nước. Thay vào đó, chúng ta sẽ sống trong tình trạng chiến tranh liên miên như ở hầu hết các xã hội phi nhà nước. Tuy nhiên, ngay cả đối với người phương Tây, khi bị kẻ khác làm điều xấu, mặc dù kẻ đó đã bị nhà nước xử phạt, họ vẫn đau khổ vì chưa có được sự thỏa mãn cá nhân. Một người bạn của tôi có em gái bị sát hại bởi toán cướp, anh ta vẫn còn ôm mối hận nhiều thập kỷ sau đó, mặc dù nhà nước đã bắt, xét xử và bỏ tù những tên cướp đó.
Do đó, chúng ta – những công dân của xã hội nhà nước bị ràng buộc mà không hề nhận biết. Sự kiên quyết của nhà nước ở độc quyền trừng phạt là điều cần thiết để chúng ta có một cuộc sống hòa bình và an toàn. Nhưng lợi ích đó đi kèm một mất mát cá nhân nghiêm trọng. Những cuộc trò chuyện của tôi với người New Guinea đã khiến tôi hiểu ra những gì mà chúng ta từ bỏ khi để quyền phán xét cho nhà nước. Xã hội nhà nước cùng những tôn giáo liên quan và các nguyên tắc đạo đức liên tục truyền đến chúng ta thông điệp rằng tìm cách trả thù là xấu, nhằm khiến chúng ta tuân theo pháp luật của nhà nước. Tuy nhiên, khi những hành động vì thù hận đã bị ngăn chặn thì việc công nhận những cảm xúc đó không nên chỉ đơn thuần là được phép mà còn phải được khuyến khích. Đối với người thân hoặc bạn bè của người bị giết chết hoặc bị đối xử tệ bạc, đối với chính các nạn nhân bị tổn thương thì những cảm xúc đó là tự nhiên và mạnh mẽ. Nhiều chính quyền nhà nước đã cố gắng giúp cho người thân của nạn nhân có được sự thỏa mãn cá nhân: bằng cách cho phép họ có mặt tại phiên tòa của bị cáo; trong một số trường hợp, để đưa ra phán xét và luận tội (chương 2); để gặp riêng các tội phạm, thông qua hệ thống tư pháp phục hồi (chương 2); hoặc thậm chí để chứng kiến vụ hành quyết kẻ giết người thân của họ.
Những độc giả chưa được nói chuyện nhiều năm với người vùng Cao nguyên New Guinea có thể vẫn tự hỏi: Làm thế nào mà các xã hội này quá khác với chúng ta, họ thích thú và tưởng thưởng việc giết người? Họ là loại người mạn rợ nào mà có thể nói không chút xấu hổ về sự vui thích khi giết kẻ thù như vậy?
Trên thực tế, các nghiên cứu dân tộc học về những xã hội loài người truyền thống nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền nhà nước đã chỉ ra rằng chiến tranh, giết người và sự tàn bạo với các nước láng giềng đã trở thành quy chuẩn thay vì ngoại lệ; thành viên của những xã hội chấp nhận các quy chuẩn nêu trên đều là những người hạnh phúc, tỉnh táo và không hề man rợ. Điều khác biệt trong xã hội nhà nước là chúng ta được dạy để bắt đầu tiếp nhận những quy chuẩn truyền thống đó một cách đột ngột và chỉ ở một số thời điểm nhất định (khi tuyên bố chiến tranh), rồi gạt bỏ chúng một cách bất ngờ sau đó (khi ký kết hiệp ước hòa bình). Hệ quả là sự bối rối bởi hận thù một khi đã khởi phát thì không thể dứt bỏ dễ dàng.
Trong các xã hội nhà nước phương Tây ngày nay, khi lớn lên, chúng ta học những nguyên tắc đạo đức phổ biến được truyền bá hàng tuần trong nhà thờ, được hệ thống hóa trong các bộ luật. Điều răn thứ sáu tuyên bố đơn giản rằng, “Ngươi không được giết” – và không có sự phân biệt đối xử nào giữa công dân cùng nước hay đối với công dân của các nước khác. Và rồi, sau ít nhất 18 năm truyền dạy những nguyên tắc đạo đức như vậy, chúng ta tuyển thanh niên, đào tạo họ thành binh lính, đưa cho họ súng và yêu cầu họ phải quên đi tất cả những điều dạy dỗ không được giết người trước đó.
Không ngạc nhiên khi nhiều binh lính hiện đại không thể vào trận chĩa súng vào kẻ địch và bóp cò. Những người giết kẻ địch thường bị rối loạn căng thẳng kéo dài sau cú sốc (ví dụ, khoảng 1/3 binh sĩ Mỹ, những người đã từng phục vụ ở Iraq hoặc Afghanistan). Khi trở về nhà, thay vì khoe khoang về việc giết địch, họ gặp phải những cơn ác mộng và cũng không nói chuyện về nó, trừ khi nói chuyện với các cựu chiến binh khác (Hãy tưởng tượng nếu không phải một cựu chiến binh, bạn sẽ cảm nhận thế nào về một người lính Mỹ mô tả chi tiết cho bạn một cách đầy tự hào về việc anh ta đã giết chết một người Iraq, hoặc một người lính Đức Quốc xã trong Thế chiến II như thế nào). Tôi đã có hàng trăm cuộc trò chuyện với các cựu chiến binh Mỹ và châu âu, một số là bạn thân hoặc họ hàng, nhưng không ai kể cho tôi cách họ giết kẻ địch, một điều hoàn toàn khác so với những người New Guinea.
Người New Guinea truyền thống từ thời thơ ấu đã thấy các chiến binh ra đi và trở về từ các cuộc chiến đấu, nhìn thấy xác chết và vết thương của người thân, thị tộc của họ bị giết bởi kẻ thù, nghe những câu chuyện giết chóc, chiến đấu được coi như lý tưởng cao nhất, chứng kiến những chiến binh thành công tự hào kể về vụ giết người của mình và được đánh giá cao vì điều đó. Hãy nhớ rằng các chàng trai Dani Wilihiman hào hứng đâm cây giáo nhỏ của mình vào người đàn ông Asuk-Balek sắp chết và các cậu bé Dani Wilihiman 6 tuổi bắn tên vào các cậu bé Dani Widaia 6 tuổi dưới sự hướng dẫn của cha chúng (chương 3). Tất nhiên, người New Guinea không cảm giác mâu thuẫn khi giết kẻ thù: họ không có bất kỳ thông điệp trái ngược nào để phải xóa bỏ.
Ngẫm lại, với những người Mỹ đủ lớn tuổi để nhớ về trận dội bom của Nhật vào căn cứ hải quân ở Trân Châu Cảng (mà chúng tôi đã cực kỳ phẫn nộ vì không hề có tuyên bố chiến tranh nào trước đó), lòng căm thù kẻ địch sục sôi và khát khao trả thù, mà người truyền thống được học từ các thế hệ trước của họ đã không còn xa lạ. Chúng tôi, những người Mỹ sống trong những năm 1940, đã lớn lên trong bầu không khí thấm đẫm sự căm ghét Nhật Bản, những người đã làm những điều hết sức tàn nhẫn không thể diễn tả bằng lời. Lòng hận thù sâu sắc và nỗi sợ hãi Nhật Bản lan truyền rộng khắp, ngay cả trong số những thường dân Mỹ, những người không bao giờ nhìn thấy trực tiếp một người lính Nhật Bản hoặc xác chết của một người thân bị người Nhật giết; trong khi bạn bè New Guinea của tôi đã nhìn thấy xác chết của người thân của họ. Hàng trăm ngàn người Mỹ tình nguyện để giết hàng trăm ngàn người Nhật, thường là trong những cuộc chiến trực diện, bằng các phương pháp tàn bạo bao gồm cả lưỡi lê và súng phun lửa. Những người lính đã giết người Nhật với số lượng rất lớn hoặc với lòng dũng cảm đặc biệt đã được trao huy chương trước công chúng và những người đã chết trong chiến tranh đã được truy tặng, tưởng nhớ như những người anh hùng đã hy sinh anh dũng.
Chưa đầy 4 năm sau trận Trân Châu Cảng, người Mỹ được yêu cầu phải ngừng căm ghét và giết hại người Nhật, quên đi những khẩu hiệu vốn đã ăn sâu vào đời sống người Mỹ: “Hãy nhớ đến Trân Châu Cảng”. Nhiều người Mỹ từng trải qua những năm tháng đó đã rất vất vả trong phần đời còn lại vì những điều họ được dạy bị gạt bỏ sau đó, đặc biệt nếu họ là những người bị ảnh hưởng trực tiếp, ví dụ như có những người bạn, người thân ra đi mà không trở lại. Tuy nhiên, những di sản trong thái độ của người Mỹ chỉ mới là kết quả của bốn năm trải nghiệm chiến tranh, mà hầu hết họ chỉ trải qua một cách gián tiếp. Lớn lên trong thời kỳ chống Nhật cuồng loạn của Thế chiến II, tôi không ngạc nhiên với việc người Dani Wilihiman khao khát giết người Dani Widaia, khi mà những thái độ này đã được họ khắc sâu trong nhiều thập kỷ thông qua việc dạy bảo lẫn vô vàn trải nghiệm thực tế. Khao khát trả thù không phải là tốt đẹp, nhưng nó không thể bị phớt lờ. Nó phải được hiểu, thừa nhận và giải quyết – theo những cách khác với việc tự mình trả thù.