Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

LỜI NÓI ĐẦU



Tại sân bay
– Quang cảnh sân bay
– Vì sao lại nghiên cứu các xã hội truyền thống?
– Nhà nước
– Các loại hình xã hội truyền thống
– Cách tiếp cận, nguyên nhân và tài nguyên
– Cuốn sách nhỏ về chủ đề lớn Bố cục của cuốn sách
Quang cảnh sân bay
7 giờ sáng, ngày 30/4/2006, tôi đang ở sảnh chờ làm thủ tục lên máy bay, giữ chặt chiếc xe đẩy hành lý trong khi bị xô lấn bởi một đám đông cũng đang làm thủ tục cho những chuyến bay đầu tiên vào sáng sớm hôm đó. Quang cảnh quen thuộc: hàng trăm hành khách mang theo vali, ba-lô và trẻ em, xếp thành những hàng song song dẫn đến một quầy dài, phía sau là các nhân viên hàng không mặc đồng phục ngồi bên máy tính. Những nhân viên mặc đồng phục khác đứng rải rác trong đám đông: phi công và tiếp viên, những người kiểm tra hành lý cùng hai cảnh sát, lọt thỏm trong đám đông. Những kiểm tra viên đang chiếu tia X lên hành lý, các nhân viên hàng không dán nhãn lên hành lý ký gửi và những người bốc xếp thì bốc chúng lên các băng chuyền để chuyển lên đúng máy bay. Dọc theo phía đối diện quầy làm thủ tục là các cửa hàng bán báo và đồ ăn nhanh. Ngoài ra còn có những vật thể khác xung quanh tôi như những chiếc đồng hồ treo tường, điện thoại, bốt ATM, thang máy và dĩ nhiên là cả những chiếc máy bay trên đường băng có thể thấy được qua cửa sổ nhà ga sân bay.
Nhân viên hàng không đang lướt các ngón tay trên bàn phím máy tính và nhìn vào màn hình, dừng lại để in biên nhận thẻ tín dụng ở các máy quét thẻ tín dụng rồi lại tiếp tục chúi mặt vào màn hình. Đám đông mang theo nhiều trạng thái cảm xúc như vui vẻ, kiên nhẫn, bực tức, tuân thủ việc xếp hàng và cười nói với bạn bè. Khi lên đến đầu hàng, tôi chìa tờ giấy (lịch trình bay) cho người mà tôi chưa từng gặp và có lẽ sẽ không bao giờ gặp lại (nhân viên làm thủ tục bay). Sau đó, cô ấy đưa lại cho tôi một tờ giấy cho phép tôi bay hàng trăm ki-lô-mét đến nơi tôi chưa từng đến, nơi những người dân ở đó cũng không hề biết tôi nhưng dù sao cũng sẽ chấp nhận chuyến viếng thăm của tôi.
Đối với hành khách từ Mỹ, châu âu hoặc châu á, điểm khác biệt đầu tiên khiến họ chú ý trong quang cảnh vốn quen thuộc này là mọi người trong sảnh trừ tôi và vài khách du lịch khác đều là người New Guinea. Ngoài ra, các hành khách nước ngoài còn chú ý tới lá quốc kỳ trên quầy đón tiếp với màu đen, đỏ và vàng; có hình chim thiên đường và chòm sao Nam Thập Tự của Papua New Guinea; biểu tượng hãng hàng không tại quầy đón tiếp không phải là của American Airlines hay British Airways mà là Air Niugini; và các điểm đến hiện trên màn hình với những cái tên lạ tai: Wapenamanda, Goroka, Kikori, Kundiawa và Wewak.
Sân bay mà tôi làm thủ tục sáng hôm đó nằm ở Port Moresby, thủ đô của Papua New Guinea. Đối với bất kỳ ai biết về lịch sử New Guinea – trong đó có tôi, người đến Papua New Guinea lần đầu tiên vào năm 1964 khi nước này còn do úc quản lý – thì quang cảnh này mang lại cảm giác vừa quen thuộc vừa kinh ngạc, pha lẫn xúc động. Tôi nhận ra mình đang ngầm so sánh quang cảnh này với các bức hình được chụp bởi những người úc đầu tiên đến và “khám phá” ra cao nguyên New Guinea vào năm 1931 với một triệu dân làng New Guinea đông đúc lúc bấy giờ vẫn còn sử dụng công cụ bằng đá. Trong những bức hình đó, người dân cao nguyên, vốn sống cả thiên niên kỷ tương đối cách biệt và ít biết đến thế giới bên ngoài, đã nhìn chằm chằm đầy kinh hãi khi lần đầu tiên nhìn thấy người châu âu. Tôi quan sát gương mặt của những hành khách, nhân viên đứng quầy và phi công người New Guinea ở sân bay Port Moresby năm 2006 và thấy phảng phất đâu đó những gương mặt New Guinea trong các bức ảnh được chụp năm 1931. Những người đứng quanh tôi ở sân bay dĩ nhiên không phải những người trong các bức ảnh được chụp năm 1931, nhưng có nét gì đó tương đồng và họ hẳn có thể là con hoặc cháu của thế hệ “năm 1931”.
Điểm khác biệt rõ ràng nhất mà quang cảnh của năm 2006 này ghi dấu trong trí nhớ của tôi so với những bức ảnh năm 1931 về “lần đầu gặp mặt”, là những người dân cao nguyên New Guinea vào năm 1931 mặc trang phục không mấy kín đáo được kết bằng cỏ, túi lưới trên vai và vòng đội đầu bằng lông vũ, nhưng đến năm 2006, họ khoác lên người những trang phục hiện đại với áo, quần, váy, quần đùi và mũ bóng chày. Trong một hoặc hai thế hệ và trong cuộc đời của nhiều cá nhân ở sảnh sân bay hôm ấy, người dân cao nguyên New Guinea đã học được cách viết, sử dụng máy vi tính và lái máy bay. Một số người trong sảnh rất có thể là những người đầu tiên trong bộ tộc của họ được học đọc và viết. Với tôi khoảng cách thế hệ này đặc trưng bởi hình ảnh hai người New Guinea trong đám đông sân bay, người nhỏ tuổi đang dẫn đường cho người lớn tuổi: người trẻ trong trang phục phi công, giải thích với tôi rằng anh ta đang giúp người lớn tuổi hơn, ông của anh, vì đây là chuyến bay đầu tiên của ông; và ông cụ tóc bạc có vẻ bối rối xen lẫn kinh ngạc hệt như những người xuất hiện trong các bức hình năm 1931.
Tuy nhiên, một nhà nghiên cứu lịch sử New Guinea chắc hẳn phải nhận ra những khác biệt lớn hơn giữa quang cảnh năm 1931 và năm 2006, ngoài thực tế rằng người dân cao nguyên New Guinea mặc váy cỏ vào năm 1931 và mặc trang phục phương Tây vào năm 2006. Các xã hội của Cao nguyên New Guinea năm 1931 thiếu không chỉ quần áo mà cả mọi sản phẩm của công nghệ hiện đại từ đồng hồ, điện thoại và thẻ tín dụng cho đến máy vi tính, thang máy và máy bay. Căn bản hơn, cao nguyên New Guinea năm 1931 không có hoạt động viết lách, chế tác kim loại, tiền, trường học và chính phủ tập trung. Nếu lịch sử gần đây không cho biết kết quả, hẳn ta sẽ tự hỏi: Liệu một xã hội không biết viết có thể thật sự viết thuần thục chỉ sau một thế hệ hay không?
Một nhà nghiên cứu lịch sử New Guinea chắc hẳn còn nhận ra những đặc trưng khác nữa ở quang cảnh năm 2006, dù giống với quang cảnh ở các sân bay hiện đại nhưng lại khác với quang cảnh Cao nguyên năm 1931 từng xuất hiện trong các bức hình của những nhà tuần tra trong lần đầu tiên tiếp xúc. Tỷ lệ người già năm 2006 cao hơn, trong khi ở xã hội cao nguyên truyền thống, lớp người này có số lượng tương đối ít. Đám đông ở sân bay, dù gây ngạc nhiên cho những người phương Tây vốn chưa từng biết đến “tính đồng nhất” của người New Guinea – tất cả họ đều giống nhau với làn da sẫm màu và tóc xoăn – lại khác biệt ở những đặc điểm ngoại hình khác: dân vùng đất thấp đến từ bờ biển phương nam cao ráo với bộ râu lưa thưa và khuôn mặt thon hơn; người dân cao nguyên thấp hơn, râu quai nón và gương mặt bè ngang; người dân trên đảo cùng vùng đất thấp ở bờ biển phía bắc với gương mặt hao hao người châu á. Năm 1931, gần như không thể bắt gặp cùng lúc người dân cao nguyên và người ở vùng đất thấp bờ biển nam hay bờ biển bắc; bất kỳ cuộc quy tụ nào của người dân New Guinea hẳn đều đã đồng nhất hơn rất nhiều so với đám đông ở sân bay năm 2006. Một nhà ngôn ngữ học lắng nghe đám đông chắc hẳn sẽ phát hiện ra hàng tá ngôn ngữ thuộc rất nhiều nhóm khác nhau: các loại ngôn ngữ có thanh điệu với các từ khác nhau về cao độ của giọng nói như trong tiếng Trung hay những ngôn ngữ Nam Đảo (Austronesian), hoặc tiếng châu Đại Dương với tương đối ít âm và phụ âm cũng như các loại ngôn ngữ không thanh điệu của người Papua. Năm 1931, người ta có thể cùng lúc bắt gặp các cá nhân sử dụng vài ngôn ngữ khác nhau, nhưng không bao giờ gặp được nơi nào quy tụ những người sử dụng hàng tá ngôn ngữ. Hai ngôn ngữ được sử dụng nhiều nhất, tiếng Anh và Tok Pisin (được biết đến như là tiếng Melanesia mới hay tiếng Anh Pidgin), là các ngôn ngữ được sử dụng ở những quầy làm thủ tục năm 2006 và trong nhiều cuộc hội thoại giữa các hành khách, nhưng vào năm 1931, mọi cuộc hội thoại ở khắp Cao nguyên New Guinea đều dùng các ngôn ngữ địa phương, mỗi loại lại giới hạn trong một vùng nhỏ.
Một sự khác biệt nhỏ nữa giữa quang cảnh năm 1931 và năm 2006 là đám đông năm 2006 có một số người New Guinea sở hữu hình thể không mấy hấp dẫn phổ biến của người Mỹ: thừa cân và bụng phệ. Các bức ảnh của 75 năm về trước cho thấy không hề có một người New Guinea nào bị béo phì: mọi người đều có thân hình cân đối và cơ bắp. Nếu phỏng vấn các bác sĩ của những hành khách tại sân bay này (theo đánh giá từ thống kê sức khỏe cộng đồng New Guinea hiện tại), tôi sẽ có được số liệu ngày càng tăng về các trường hợp béo phì có liên quan đến tỷ lệ thừa cân, đi kèm với bệnh cao huyết áp, bệnh tim, đột quỵ và ung thư mà thế hệ trước đó không hề biết đến.
Vẫn còn một điểm khác biệt nữa giữa đám đông năm 2006 với đám đông năm 1931 mà chúng ta luôn coi là hiển nhiên trong thế giới hiện đại: Hầu hết những người đang đứng trong sảnh sân bay đều là những người lạ chưa từng gặp nhau trước đây, nhưng sẽ không có chuyện xô xát xảy ra giữa họ. Đó hẳn là chuyện không tưởng vào năm 1931, khi cuộc gặp mặt giữa những người lạ rất hiếm xảy ra, nguy hiểm và có khả năng biến thành những cuộc đụng độ. Đúng là có hai cảnh sát trong sảnh sân bay làm nhiệm vụ duy trì trật tự, nhưng thật ra đám đông đã tự làm việc ấy chỉ vì hành khách biết rằng không ai trong số những người lạ này sẽ tấn công họ và rằng họ đang sống trong một xã hội mà rất nhiều cảnh sát và quân lính sẽ ập đến nếu các trường hợp tranh cãi mất kiểm soát xảy ra. Năm 1931, cảnh sát và quyền lực chính phủ không hề tồn tại. Hành khách trong sảnh sân bay có quyền bay và đi lại bằng các phương tiện khác đến Wapenamanda hoặc những nơi khác ở Papua New Guinea mà không phải xin phép. Trong thế giới phương Tây hiện đại, chúng ta đã coi việc đi lại tự do là điều hiển nhiên, nhưng trước đây điều đó chỉ là ngoại lệ. Năm 1931, không một người New Guinea nào sinh ra ở Goroka từng đến Wapenamanda chỉ cách đó khoảng 165km về phía tây; việc đi từ Goroka đến Wapenamanda mà không bị người lạ sát hại trong vòng 16km đầu tiên là điều không tưởng. Tuy nhiên tôi vừa mới đi 10.000km từ Los Angeles tới Port Moresby – một khoảng cách lớn hơn hàng trăm lần tổng quãng đường tích lũy mà bất kỳ người dân cao nguyên New Guinea truyền thống nào từng đi trong suốt cuộc đời mình tính từ nơi họ sinh ra.
Tất cả những điểm khác biệt đó giữa đám đông năm 2006 và năm 1931 có thể tổng hợp như sau, trong 75 năm vừa qua, dân cư Cao nguyên New Guinea đã thay đổi nhanh chóng với những tiến bộ vốn phải mất đến hàng ngàn năm mới diễn ra ở hầu hết phần còn lại của thế giới. Đối với cá nhân những người Cao nguyên, những thay đổi này thậm chí còn nhanh hơn: một số người bạn New Guinea kể với tôi rằng những chiếc rìu đá cuối cùng được tạo ra và những cuộc chiến giữa các bộ lạc truyền thống cuối cùng diễn ra cách thời điểm tôi gặp họ chỉ khoảng một thế kỷ. Ngày nay, công dân các nước công nghiệp xem các đặc trưng của quang cảnh năm 2006 mà tôi vừa đề cập là hiển nhiên: Kim loại, viết lách, máy móc, máy bay, cảnh sát và chính phủ, người thừa cân, gặp gỡ người lạ mà không sợ hãi, dân số không đồng nhất và đông hơn. Nhưng tất cả những đặc trưng đó của xã hội hiện đại còn khá mới trong lịch sử loài người. Trong gần 6 triệu năm từ khi các dòng tiến hóa người cổ đại và vượn cổ đại tách khỏi nhau, mọi xã hội loài người đều không có kim loại cũng như tất cả những điều vừa được đề cập. Những đặc điểm hiện đại này chỉ bắt đầu xuất hiện trong khoảng 11.000 năm trước và chỉ ở một số khu vực trên thế giới.
Do đó, ở một số khía cạnh, New Guinea1 là phương tiện quan sát thế giới loài người bởi cho đến hôm qua, nó vẫn được so với quãng thời gian 6 triệu năm tiến hóa của loài người (Tôi nhấn mạnh vào cụm từ “ở một số khía cạnh” – dĩ nhiên Cao nguyên New Guinea của năm 1931 không phải là thế giới giữ nguyên như ngày hôm qua). Tất cả những thay đổi diễn ra ở Cao nguyên trong 75 năm qua cũng diễn ra ở các xã hội khác trên toàn thế giới, nhưng ở hầu hết phần còn lại của thế giới, những thay đổi đó diễn ra sớm hơn và từ từ hơn ở New Guinea. Tuy nhiên, “từ từ” chỉ mang ý nghĩa tương đối: kể cả trong những xã hội nơi có các thay đổi diễn ra đầu tiên, độ sâu thời gian ở các xã hội đó vẫn chưa đến 11.000 năm – quá ít so với 6 triệu năm. Về cơ bản, xã hội loài người đã trải qua những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng chỉ mới gần đây.
Vì sao lại nghiên cứu các xã hội truyền thống?
Vì sao các xã hội “truyền thống2” lại thú vị đối với chúng ta đến vậy? Một phần vì sự hấp dẫn của loài người trong những xã hội này: sự hấp dẫn của việc tìm hiểu về những người giống chúng ta và dễ hiểu theo một số cách nhưng lại quá khác chúng ta và khó hiểu theo những cách khác. Khi đến New Guinea lần đầu tiên vào năm 1964 ở tuổi 26, tôi hoàn toàn bị bất ngờ trước sự kỳ lạ của người New Guinea: họ trông khác với người Mỹ, nói những ngôn ngữ khác, ăn mặc khác và hành xử cũng khác. Nhưng qua các thập niên tiếp theo, trong hàng tá chuyến đi kéo dài từ 1 đến 5 tháng của tôi, mỗi chuyến lại đến nhiều vùng của New Guinea và các hòn đảo lân cận, cảm giác hiếu kì mạnh mẽ đó nhường chỗ cho cảm giác thân quen khi tôi gần gũi hơn với những người New Guinea: Chúng tôi trò chuyện, cùng cười trước những câu chuyện vui, cùng quan tâm đến trẻ con, tình dục, thực phẩm và thể thao đồng thời cảm thấy tức giận, sợ hãi, đau buồn, thư giãn và hoan hỉ cùng nhau. Thậm chí, ngôn ngữ của họ cũng là những biến thể từ các nền ngôn ngữ quen thuộc trên thế giới: Dù ngôn ngữ New Guinea đầu tiên tôi học (tiếng Fore) không hề liên quan đến các ngôn ngữ vùng Ấn-âu và do đó, hệ thống từ vựng của nó hoàn toàn xa lạ đối với tôi, nhưng tiếng Fore vẫn kết hợp động từ một cách chi tiết như tiếng Đức và ngôn ngữ này có những đại từ kép như tiếng Slovenia, phụ ngữ như tiếng Phần Lan và ba trạng từ mô tả (“here – ở đây,” “there nearby – gần đó,” và “there away – xa đó”) như tiếng Latinh.
Tất cả những điểm tương đồng đó khiến tôi rối trí, sau cảm giác hiếu kỳ ban đầu về New Guinea, với suy nghĩ “con người ở mọi nơi về cơ bản là giống nhau”. Nhưng cuối cùng tôi nhận ra, chúng tôi không hoàn toàn giống nhau ở những khía cạnh căn bản: nhiều người bạn New Guinea của tôi đếm theo cách khác (bằng cách vẽ trực quan chứ không phải bằng số trừu tượng), chọn vợ hoặc chồng theo cách khác, đối xử với cha mẹ và con cái họ theo cách khác, nhìn nhận nguy hiểm theo cách khác và có quan điểm khác về tình bạn. Sự kết hợp rắc rối giữa những điểm tương đồng và khác biệt là một phần khiến xã hội truyền thống trở nên thú vị với một người ngoài cuộc.
Một lý do khác cho sự quan tâm và tầm quan trọng của các hội truyền thống đó là họ giữ lại các đặc điểm về cách thức sinh sống của tổ tiên trong hàng chục ngàn năm, cho đến gần như chỉ mới ngày hôm qua. Lối sống truyền thống là những gì định hình nên chúng ta và biến chúng ta trở thành chúng ta của ngày hôm nay. Quá trình chuyển đổi từ săn bắt – hái lượm sang trồng trọt bắt đầu chỉ cách đây 11.000 năm; công cụ kim loại đầu tiên được sản xuất chỉ cách đây khoảng 7.000 năm; chính quyền quốc gia đầu tiên và hoạt động viết lách đầu tiên xuất hiện chỉ cách đây khoảng 5.400 năm. Các điều kiện “hiện đại” hiện diện, dù chỉ ở địa phương, chỉ trong một khoảnh khắc ngắn ngủi của lịch sử loài người; mọi xã hội đều mang tính truyền thống lâu hơn nhiều so với tính hiện đại. Ngày nay, độc giả của cuốn sách này coi thực phẩm được trồng ở các trang trại và mua ở cửa hàng thay vì thức ăn tự nhiên được săn bắt và hái lượm hằng ngày; các công cụ kim loại thay vì công cụ đá, gỗ và xương; chính quyền quốc gia và các tòa án liên quan, cảnh sát, quân đội và hoạt động đọc viết là những thứ hiển nhiên. Tuy nhiên, tất cả những điều tưởng như thiết yếu đó chỉ mới xuất hiện và hàng tỉ người trên thế giới ngày nay vẫn phần nào sống theo những phương thức truyền thống.
Thậm chí, trong các xã hội công nghiệp hiện đại, nhiều cơ chế truyền thống vẫn còn hoạt động ở một số lĩnh vực. Tại nhiều vùng nông thôn ở Thế giới Thứ nhất, như thung lũng Montana nơi vợ chồng tôi và các con đã trải qua những kỳ nghỉ hè hàng năm, nhiều mâu thuẫn vẫn được giải quyết bằng cơ chế phi chính thức truyền thống thay vì ra tòa. Những băng đảng ở các thành phố lớn không gọi cảnh sát để giải quyết xung đột mà sử dụng những phương pháp truyền thống là đàm phán, đền bù, đe dọa và chiến tranh. Bạn bè châu âu của tôi lớn lên ở những ngôi làng châu âu vào những năm 1950 đã miêu tả tuổi thơ của họ giống với quang cảnh ở ngôi làng New Guinea truyền thống, nơi mọi người trong làng đều biết nhau, biết về hoạt động của nhau. Họ kết hôn với bạn đời chỉ sinh ra cách đó 2 hoặc 3km, họ sống trọn đời tại hoặc gần ngôi làng đó trừ những thanh niên trẻ phải đi xa để chiến đấu khi có chiến tranh thế giới và mâu thuẫn trong làng phải được giải quyết theo cách nối lại quan hệ hoặc chịu đựng, vì bạn sẽ sống gần người đó suốt phần đời còn lại. Điều này có nghĩa là, thế giới hôm qua không bị xóa sổ và thay thế bằng thế giới mới hôm nay mà đa phần nó vẫn tồn tại bên chúng ta. Đó là một lý do nữa cho việc cần phải tìm hiểu thế giới ngày hôm qua.
Như chúng ta sẽ thấy trong các chương của cuốn sách này, so với các xã hội công nghiệp, các xã hội truyền thống có những hoạt động văn hóa đa dạng hơn nhiều. Trong sự đa dạng đó, nhiều chuẩn mực văn hóa của các xã hội nhà nước hiện đại đang bị thay thế, từ các chuẩn mực truyền thống đến các thái cực của sự đa dạng truyền thống. Ví dụ, so với bất cứ xã hội công nghiệp hiện đại nào, một số xã hội truyền thống đối xử với người già theo cách dã man hơn rất nhiều, trong khi số khác lại cung cấp cho họ cuộc sống thoải mái hơn; các xã hội công nghiệp hiện đại ở gần miền cực đoan hơn miền thoải mái. Dù vậy, các nhà tâm lý học lại khái quát hóa bản chất loài người hầu hết dựa trên các nghiên cứu về một phần hẹp mà không đặc trưng trong sự đa dạng của loài người. Trong số các chủ thể người được nghiên cứu trong một mẫu những nghiên cứu từ các tạp chí tâm lý học hàng đầu được thực hiện vào năm 2008, 96% từ các nước công nghiệp Tây phương hóa (Bắc Mỹ, châu âu, úc, New Zealand và Israel), đặc biệt 68% từ Mỹ và đến 80% là các sinh viên đại học đăng ký các khóa học tâm lý, điều này nghĩa là các đối tượng này thậm chí còn không đặc trưng cho xã hội của đất nước họ. Do đó, như các nhà khoa học xã hội Joseph Henrich, Steven Heine và Ara Norenzayan cho thấy, hầu hết hiểu biết của chúng ta về tâm lý loài người chỉ dựa trên các đối tượng có thể được miêu tả bằng từ WEIRD (Kỳ quặc): từ các xã hội phương Tây, có giáo dục, đã công nghiệp hóa, giàu có và dân chủ. Hầu hết các đối tượng này cũng trở nên kỳ lạ đúng theo nghĩa đen so với các chuẩn mực về tình trạng khác biệt văn hóa trên thế giới, bởi họ được cho là những cá thể ngoại lai trong nhiều nghiên cứu về hiện tượng văn hóa có lấy mẫu kiểm tra ở quy mô rộng hơn về những khác biệt trên thế giới. Các hiện tượng được lấy mẫu nghiên cứu đó gồm nhận thức trực quan, tính công bằng, sự hợp tác, sự trừng phạt, lập luận sinh học, định hướng không gian, lập luận phân tích so với lập luận tổng thể, lập luận đạo đức, động lực của sự tuân thủ, lựa chọn và quan niệm về cái tôi. Do đó, nếu muốn khái quát hóa bản chất loài người, chúng ta cần mở rất rộng mẫu nghiên cứu từ các đối tượng WEIRD thông thường (chủ yếu là các sinh viên tâm lý học Mỹ) sang toàn thể các xã hội truyền thống.
Trong khi chắc chắn rằng các nhà khoa học xã hội có thể rút ra những kết luận mang lợi ích học thuật từ các nghiên cứu về xã hội truyền thống, thì những người còn lại trong chúng ta lại có thể học hỏi được những điều mang lại lợi ích thực tế. Các xã hội truyền thống nói chung là hình ảnh của hàng ngàn thử nghiệm tự nhiên về cách thức tạo dựng xã hội loài người. Chúng tạo ra hàng ngàn giải pháp cho các vấn đề của con người, các giải pháp vốn khác biệt với những giải pháp được lựa chọn bởi các xã hội hiện đại WEIRD. Chúng ta sẽ thấy rằng một số giải pháp đó – ví dụ, một số cách nuôi con, đối xử với người già, duy trì sức khỏe, nói chuyện, sử dụng thời gian nhàn rỗi và giải quyết mâu thuẫn mà các xã hội truyền thống sử dụng – có thể khiến bạn ngạc nhiên như nó đã làm vậy với tôi, vì những cách đó quá tốt so với hiện thực ở Thế giới Thứ nhất. Có lẽ chúng ta có thể thu lợi khi lựa chọn có chọn lọc một số giải pháp truyền thống đó. Một số trong chúng ta đã làm vậy, với những lợi ích rõ rệt về sức khỏe và hạnh phúc. Ở một số khía cạnh, chúng ta – những người hiện đại – là những ngoại lai; cơ thể và hoạt động của chúng ta hiện đối mặt với các điều kiện khác với những điều kiện mà từ đó chúng tiến hóa và thích nghi.
Tuy vậy, chúng ta cũng không nên đi đến thái cực đối lập là lãng mạn hóa quá khứ và trông đợi một thời đại đơn giản hơn. Với nhiều tập tục truyền thống mà chúng ta có thể xem mình như có phước mới loại bỏ được – như cúng tế bằng trẻ em, bỏ rơi hoặc giết người già, đối mặt với rủi ro của nạn đói định kỳ, gia tăng rủi ro từ các hiểm họa thiên nhiên và bệnh dịch, thường xuyên chứng kiến con nhỏ qua đời và sống trong nỗi sợ hãi triền miên về việc bị tấn công. Các xã hội truyền thống có thể không những chỉ cho chúng ta một số tập tục sống tốt hơn, mà còn giúp chúng ta trân trọng những lợi thế của xã hội mà chúng ta cho là hiển nhiên.
Nhà nước
Các xã hội truyền thống đa dạng về cách tổ chức hơn các xã hội có chính quyền nhà nước. Để bắt đầu tìm hiểu về những đặc trưng xa lạ của các xã hội truyền thống, chúng ta hãy cùng nhắc lại các đặc trưng quen thuộc của nhà nước quốc gia mà chúng ta đang sinh sống.
Hầu hết các quốc gia hiện đại có dân số hàng trăm ngàn hoặc hàng triệu người, cho đến hơn một tỷ người như ở Ấn Độ hoặc Trung Quốc, hai quốc gia hiện đang có số dân đông nhất hành tinh. Kể cả các quốc gia hiện đại riêng biệt nhỏ bé nhất như các quốc đảo Nauru và Tuvalu ở Thái Bình Dương cũng có hơn 10.000 người ở mỗi nước (Vatican, với dân số chỉ 1.000 người cũng được coi là một quốc gia, dù đó chỉ là một vùng lãnh thổ nhỏ bé bên trong thành phố Rome). Cũng trong quá khứ, các quốc gia có dân số trong khoảng từ hàng vạn lên đến hàng triệu người. Với số lượng dân lớn như thế này đủ để cho chúng ta thấy các quốc gia làm thế nào để tự nuôi sống họ, được tổ chức ra sao và vì sao họ tồn tại được. Mọi quốc gia nuôi sống người dân chủ yếu bằng cách sản xuất thức ăn (trồng trọt và chăn nuôi) thay vì bằng săn bắt – hái lượm. Người ta có thể làm ra rất nhiều thức ăn bằng cách trồng cây lương thực hoặc nuôi gia súc tại một mẫu Anh (arce3) vườn, ruộng hay đồng cỏ với rất nhiều giống cây trồng và vật nuôi có lợi cho chúng ta, thay vì săn bắt – hái lượm bất cứ loài động vật và cây cối nào (mà hầu như không ăn được) sinh sôi nảy nở trong một mẫu rừng. Chỉ vì lý do đó, không một xã hội săn bắt – hái lượm nào có thể nuôi sống được số dân đủ đông để hỗ trợ chính quyền quốc gia. Ở bất cứ quốc gia nào, chỉ một phần dân số – khoảng 2% trong các xã hội hiện đại có nông trại cơ khí hóa cao – tạo ra lương thực. Phần dân số còn lại phải làm những việc khác (như quản lý, sản xuất hay buôn bán), không tự tạo ra lương thực, mà thay vào đó, sống dựa vào lượng thực phẩm dư thừa do người nông dân tạo ra.
Lượng dân cư lớn của quốc gia cũng đảm bảo rằng hầu hết mọi người trong quốc gia đó không quen biết nhau. Việc người dân ở đất nước nhỏ bé như Tuvalu biết tất cả 10.000 người đồng hương của họ là điều không thể và 1,4 tỷ người ở Trung Quốc thì càng không. Do đó, các quốc gia cần có cảnh sát, luật lệ và các nguyên tắc đạo đức để đảm bảo rằng những cuộc gặp mặt liên tục khó tránh khỏi giữa những người lạ sẽ không thường xuyên bùng nổ thành các cuộc chiến. Yêu cầu cần có cảnh sát, luật lệ và các nguyên tắc đạo đức để hành xử tử tế với người lạ không tồn tại trong các xã hội nhỏ, nơi mọi người đều biết nhau.
Cuối cùng, khi xã hội đạt ngưỡng 10.000 người, việc ra quyết định, thực thi và quản lý các quyết định bằng cách để mọi công dân tham gia vào một cuộc thảo luận trực tiếp, từng người chia sẻ quan điểm và biểu quyết là điều hoàn toàn bất khả thi. Những khu vực đông dân không thể vận hành mà không có các nhà lãnh đạo ra quyết định, các viên chức hành pháp thực thi quyết định, các quan chức quản lý các quyết định và luật lệ. Đối với những người vô chính phủ và ước mong về việc sinh sống mà không có bất kỳ chính quyền nhà nước nào, đây là những lý do vì sao giấc mơ của họ phi thực tế: Họ sẽ phải tìm một số nhóm hoặc bộ tộc nhỏ sẵn sàng chấp nhận họ, nơi không một ai là người lạ và là nơi các vị vua, tổng thống và quan chức là những chức vị không cần thiết.
Chúng ta sẽ sớm thấy rằng một số xã hội truyền thống đủ đông dân để cần đến những quan chức có sứ mệnh tổng thể. Tuy nhiên, những nhà nước đông dân hơn cần các quan chức chuyên môn hóa phân biệt theo chiều ngang và chiều dọc. Chúng ta, những công dân nhà nước nhận thấy mọi quan chức đó thật phiền phức nhưng đáng buồn là, chúng ta cần họ. Nhà nước có quá nhiều luật lệ và công dân, nên một kiểu quan chức không thể quản lý mọi luật lệ được đề ra: cần phải tách biệt nhân viên thu thuế, thanh tra giao thông, cảnh sát, thẩm phán, thanh tra vệ sinh nhà hàng, v.v… Bên trong một cơ quan nhà nước chỉ có một kiểu quan chức như trên, chúng ta cũng thường thấy rằng có nhiều quan chức trong một kiểu, được sắp xếp theo hệ thống thứ bậc ở nhiều cấp độ khác nhau: một cơ quan thuế có nhân viên thuế kiểm toán khoản đóng thuế của bạn, chịu sự quản lý của một người giám sát mà bạn có thể khiếu nại nếu không đồng tình với báo cáo của nhân viên thuế, đến lượt người này lại dưới quyền một nhà quản lý bộ phận, làm việc cho một nhà quản lý quận hoặc bang, tiếp nữa, người này lại chịu sự quản lý của một ủy viên hội đồng về doanh thu nội bộ của Hoa Kỳ (Thực tế thậm chí còn phức tạp hơn: Tôi đã bỏ qua một số cấp bậc khác để đảm bảo sự súc tích). Tiểu thuyết The Castle (tạm dịch: Lâu đài) của Franz Kafka đã mô tả một bộ máy quan liêu tưởng tượng như vậy lấy cảm hứng từ bộ máy thực tế của Vương quốc Habsburg mà Kafka là công dân. Nếu đọc câu chuyện của Kafka về sự thất vọng mà nhân vật chính của ông gặp phải khi làm việc với bộ máy quan liêu của lâu đài tưởng tượng trước khi ngủ, chắc chắn tôi sẽ gặp ác mộng, nhưng các bạn độc giả hẳn sẽ gặp những cơn ác mộng và nỗi thất vọng khi trực tiếp làm việc với bộ máy quan liêu này trong thực tế. Đó là cái giá chúng ta phải trả cho việc sống dưới các chính quyền nhà nước: không một người nào theo thuyết xã hội lý tưởng tìm ra cách vận hành một quốc gia mà không cần đến một số quan chức nhất định.
Một đặc tính cuối cùng hoàn toàn quen thuộc của nhà nước là: thậm chí ở các nền dân chủ Scandinavia bình đẳng nhất, người dân vẫn bất bình đẳng về chính trị, kinh tế và xã hội. Bất khả kháng, bất kỳ nhà nước nào đều phải có một số ít lãnh đạo chính trị thiết lập trật tự, làm luật và rất nhiều dân thường tuân thủ các trật tự và luật lệ đó. Công dân nhà nước hoạt động trong nhiều ngành kinh tế khác nhau (như nông dân, lao động, luật sư, chính trị gia, nhân viên cửa hàng, v.v…) và một vài ngành trong số đó có lương cao hơn những ngành khác. Một số công dân có vị thế xã hội cao hơn những công dân khác. Mọi nỗ lực mang tính lý tưởng nhằm tối thiểu hóa tình trạng bất công trong nhà nước – ví dụ, quá trình phát triển lý tưởng cộng sản của Karl Marx, “làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu” – đều đã thất bại.
Không thể có một nhà nước nếu hoạt động sản xuất thực phẩm không xuất hiện (chỉ bắt đầu vào khoảng năm 9000 TCN) và sẽ vẫn không có nhà nước cho đến khi việc sản xuất lương thực được vận hành đủ vài ngàn năm để tạo ra được các vùng dân số đông đến mức cần có các chính quyền nhà nước. Nhà nước đầu tiên hình thành tại Fertile Crescent4 (hay vùng Trăng Lưỡi liềm màu mỡ) khoảng năm 3400 TCN và các nhà nước khác kế đó được hình thành ở Trung Hoa, Mexico, vùng Andes, Madagascar và các vùng khác trong suốt nhiều thiên niên kỷ sau, cho đến ngày nay, bản đồ thế giới cho thấy vùng đất liền của cả hành tinh này trừ Nam Cực đã bị chia thành các quốc gia. Kể cả Nam Cực cũng phần nào phải chịu các tuyên bố lãnh thổ chồng lấn lẫn nhau của 7 quốc gia.
Các loại hình xã hội truyền thống
Do đó, trước năm 3400 TCN, không nơi nào tồn tại nhà nước và trong giai đoạn gần đây vẫn còn có những khu vực rộng lớn nằm ngoài sự kiểm soát của nhà nước, hoạt động dưới các hệ thống chính trị truyền thống giản đơn hơn. Những khác biệt giữa các xã hội truyền thống và các xã hội nhà nước vốn quen thuộc với chúng ta sẽ là chủ đề của cuốn sách này. Chúng ta nên phân loại và bàn về tính đa dạng trong chính các xã hội truyền thống bằng cách nào?
Dù mỗi xã hội loài người đều mang tính độc nhất, nhưng vẫn tồn tại những mẫu hình ở nhiều nền văn hóa cho phép chúng ta tổng quát hóa. Cụ thể, có những xu hướng tương quan ở ít nhất bốn khía cạnh của xã hội: quy mô dân số, sinh kế, độ tập trung hóa chính trị và phân tầng xã hội. Với quy mô và mật độ dân số ngày càng tăng, việc tìm kiếm thức ăn và các nhu yếu phẩm khác có xu hướng ngày càng mạnh mẽ. Điều này có nghĩa là nhiều thực phẩm sẽ được tạo ra trên một mẫu Anh bởi người nông dân tự cung tự cấp hơn là bởi những nhóm du canh du cư săn bắt – hái lượm nhỏ lẻ; và còn nhiều thực phẩm hơn nữa được thu hoạch trên mỗi mẫu Anh đất được những người ở các khu vực có mật độ dân số cao hơn và ở các nông trại cơ khí hóa của các nhà nước hiện đại chăm sóc. Quá trình ra quyết định chính trị ngày càng tập trung hơn, từ các cuộc thảo luận nhóm trực tiếp của những nhóm người săn bắt – hái lượm đến hệ thống thứ bậc chính trị và quyết định bởi những lãnh đạo trong các nhà nước hiện đại. Sự phân tầng xã hội tăng dần, từ chủ nghĩa công bằng tương đối của các nhóm người săn bắt – hái lượm nhỏ lẻ đến tình trạng bất bình đẳng giữa người với người ở các xã hội tập trung hóa quy mô lớn.
Những tương quan giữa các khía cạnh khác nhau này của một xã hội không hề cứng nhắc: một số xã hội ở quy mô nào đó có sinh kế mạnh mẽ hơn, tập trung chính trị hơn hoặc phân tầng xã hội hơn những xã hội khác. Tuy nhiên chúng ta cần một số thuật ngữ ngắn gọn để chỉ những loại hình xã hội khác nhau hình thành từ các xu hướng rộng này, đồng thời công nhận tính đa dạng bên trong các xu hướng. Vấn đề thực tế của chúng ta cũng giống với khó khăn mà các nhà tâm lý học phát triển gặp phải khi thảo luận về sự khác biệt giữa những cá thể người. Dù mọi con người đều là độc nhất, nhưng vẫn có những xu hướng rộng liên quan đến tuổi tác, chẳng hạn như thường thì trẻ lên 3 sẽ khác với người 24 tuổi ở nhiều khía cạnh tương quan. Tuy nhiên, tuổi tác tạo thành một chuỗi liên tục không đứt quãng đột ngột: không có những chuyển đổi bất ngờ từ trạng thái “như 3 tuổi” thành trạng thái “như 6 tuổi”. Và vẫn có khác biệt giữa những người cùng độ tuổi. Trước những điểm phức tạp này, các nhà tâm lý học phát triển vẫn nhận thấy cần phải sử dụng những phân nhóm nhanh như “trẻ sơ sinh”, “trẻ mới biết đi”, “trẻ vị thành niên”, “thanh niên”, v.v… trong khi vẫn công nhận những khiếm khuyết của các phân nhóm này.
Tương tự, những nhà khoa học xã hội nhận thấy cần phải sử dụng những danh mục vắn tắt với những khiếm khuyết mà họ có thể hiểu rõ. Họ gặp phải vấn đề phức tạp khác: những thay đổi giữa các xã hội có thể đảo ngược, trong khi những thay đổi trong tuổi tác thì không. Những ngôi làng sản xuất nông nghiệp có thể quay trở lại thành những nhóm săn bắt – hái lượm nhỏ lẻ khi gặp các điều kiện hạn hán, trái với một đứa trẻ 4 tuổi không bao giờ có thể trở lại làm trẻ lên 3. Dù hầu hết các nhà tâm lý học phát triển đều công nhận và đặt tên các phân nhóm rộng nhất là trẻ sơ sinh/trẻ nhỏ/trẻ vị thành niên/người lớn, thì các nhà khoa học xã hội lại sử dụng rất nhiều các bộ phân nhóm nhanh khác nhau để chỉ những khác biệt trong xã hội truyền thống và một số nhà khoa học trở nên bất bình với việc sử dụng bất kỳ danh mục nào. Trong cuốn sách này, thi thoảng, tôi sẽ sử dụng phương pháp Elman Service phân chia xã hội loài người thành bốn nhóm dựa trên quy mô dân số, mức độ tập trung chính trị và phân tầng xã hội tăng dần: nhóm, bộ lạc, tù trưởng quốc (chiefdom5) và nhà nước. Dù những thuật ngữ này tính đến nay đã tồn tại được 50 năm và có những thuật ngữ khác được đề xuất từ lúc đó, nhưng những thuật ngữ của Service6 có lợi thế là tính đơn giản: bốn thay vì bảy thuật ngữ để ghi nhớ và thuật ngữ một từ thay vì nhiều từ. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng những thuật ngữ này chỉ mang tính vắn tắt, có ích khi thảo luận về tính đa dạng vô cùng của xã hội loài người và chúng ta chưa nhấn mạnh đến những khiếm khuyết trong các thuật ngữ vắn tắt này cũng như những biến thể quan trọng bên trong mỗi danh mục mỗi lần thảo luận trong bài viết.
Loại hình xã hội nhỏ nhất và đơn giản nhất (Service gọi là nhóm) gồm chỉ vài chục cá thể, nhiều trong số này thuộc về một hoặc một vài dòng họ (nghĩa là: người chồng cùng người vợ trưởng thành, con cái của họ và một vài người trong số cha mẹ, anh chị em ruột và anh chị em họ). Theo truyền thống, hầu hết những người săn bắt – hái lượm sống du canh du cư và một số nông dân trồng vườn ở những vùng mật độ dân cư thấp cũng sống theo những nhóm nhỏ như vậy. Nhóm có số thành viên đủ ít để mọi người đều biết rõ nhau, các quyết định của nhóm có thể đạt được bằng những cuộc thảo luận trực tiếp và không có vị trí lãnh đạo chính trị chính thức hoặc quá trình chuyên môn hóa kinh tế nào. Một nhà khoa học xã hội cho rằng loại hình nhóm tương đối bình đẳng và dân chủ: các thành viên không khác biệt nhiều về “sự giàu có” (dù vẫn có sự tư hữu) và về quyền lực chính trị, ngoại trừ như kết quả của những khác biệt cá nhân về năng lực, tính cách và vì được cân bằng bởi quá trình chia sẻ nguồn lực rộng rãi giữa các thành viên trong nhóm.
Theo những gì chúng ta có thể đánh giá từ bằng chứng khảo cổ về cách tổ chức của các xã hội trong quá khứ, có lẽ loài người đều sống trong những nhóm như vậy cho đến cách đây ít nhất vài vạn năm và hầu như vẫn duy trì cho đến khoảng 11.000 năm về trước. Khi người châu âu bắt đầu bành trướng ra thế giới, đặc biệt sau chuyến hải du của Columbus vào năm 1492 SCN và gặp những người phi châu âu sống trong các xã hội không nhà nước, các nhóm này vẫn sinh sống ở khắp hoặc hầu như khắp châu úc và Bắc Cực, cùng với vùng sa mạc năng suất thấp và những vùng rừng ở châu Mỹ và châu Phi hạ Sahara. Các nhóm xã hội sẽ được thường xuyên thảo luận trong cuốn sách này gồm:!Kung ở sa mạc Kalahari châu Phi, thổ dân da đỏ Ache và Sirino ở Nam Mỹ, dân đảo Andaman ở vịnh Bengal, người lùn ở rừng nhiệt đới châu Phi và những người trồng vườn là thổ dân da đỏ Machiguenga ở Peru. Mọi ví dụ được đề cập ở trên trừ Machiguenga đang là hoặc từng là những người săn bắt – hái lượm.
Các nhóm dần chuyển thành loại hình xã hội lớn hơn và phức tạp hơn (Service gọi là bộ lạc), một nhóm gồm hàng trăm cá thể địa phương. Hình thức này vẫn còn nằm trong giới hạn quy mô nhóm khi mọi người đều quen biết những người khác và không có người lạ. Ví dụ, ở trường trung học của tôi có khoảng 200 học sinh, tất cả học sinh và giáo viên đều biết tên những người khác, nhưng điều đó là không thể ở trường trung học của vợ tôi với hàng ngàn học sinh. Một xã hội hàng trăm người đồng nghĩa với hàng tá gia đình, thường chia thành các nhóm thân thích gọi là thị tộc và có thể kết hôn với các cá thể của thị tộc khác. Dân số cao hơn của bộ lạc so với nhóm đòi hỏi nhiều thực phẩm hơn để cung cấp cho nhiều người hơn trong một khu vực nhỏ và do đó, các bộ lạc thường làm nông hoặc chăn nuôi, nhưng một số ít cũng săn bắt – hái lượm, những bộ lạc như vậy sinh sống ở những môi trường năng suất đặc biệt cao (như người Ainu ở Nhật Bản và thổ dân da đỏ Tây Bắc Thái Bình Dương ở Bắc Mỹ). Các bộ lạc có xu hướng định cư và sống phần lớn hoặc trọn năm trong những ngôi làng ở gần khu vườn, đồng cỏ hoặc khu vực đánh cá. Tuy nhiên, dân du mục Trung á và người dân của một số bộ lạc khác cũng di trú – nghĩa là di chuyển gia súc theo mùa giữa các vùng để tận dụng cỏ mọc ở những vùng đất cao hơn khi đổi mùa.
Ở những khía cạnh khác, bộ lạc vẫn còn giống với các nhóm lớn – ví dụ, mức độ bình đẳng tương đối, sự chuyên môn hóa kinh tế yếu, mức độ lãnh đạo chính trị yếu, không có quan chức và việc ra quyết định vẫn diễn ra thông qua biểu quyết trực tiếp. Tôi đã quan sát những cuộc họp tại các ngôi làng ở New Guinea nơi hàng trăm người ngồi trên đất, tìm cách đưa ra ý kiến của mình và đi đến kết luận cuối cùng. Một số bộ lạc có “ông lớn” đóng vai trò như một lãnh đạo yếu ớt, chỉ lãnh đạo dựa vào khả năng thuyết phục và tính cách của mình thay vì thẩm quyền được công nhận. Điển hình về giới hạn quyền lực của “ông lớn”, chúng ta sẽ thấy ở chương 3 những kẻ ủng hộ mạo danh một vị lãnh đạo tên Gutelu trong bộ lạc Dani New Guinea đã thành công trong việc ngăn cản ý chí của Gutelu và phát động một cuộc tấn công diệt chủng chia rẽ liên minh chính trị của Gutelu như thế nào. Bằng chứng khảo cổ học về việc tổ chức bộ lạc, chẳng hạn như những phần còn lại của các công trình kiến trúc lớn và các khu định cư, cho thấy rằng các bộ lạc hình thành ở một số khu vực vào ít nhất 13.000 năm trước đây. Ở thời đại gần đây, các bộ lạc vẫn còn rải rác ở nhiều phần của New Guinea và Amazonia. Các xã hội bộ lạc tôi sẽ thảo luận trong cuốn sách này gồm Iñupiat của Alaska, thổ dân Da đỏ Yano-mamo của Nam Mỹ, Kirghiz của Afghanistan, Kaulong của New Britain; Dani, Daribi và Fore của New Guinea.
Các bộ lạc sau đó tiến lên cấp độ tiếp theo trong mức độ phức tạp tổ chức được gọi là tù trưởng quốc và gồm hàng ngàn chủ thể. Quy mô dân số lớn như vậy và quá trình chuyên môn hóa kinh tế sơ khai của các tù trưởng quốc, đòi hỏi lượng thực phẩm lớn, khả năng tạo ra và cất trữ thực phẩm dư thừa để cung cấp cho những người được chuyên môn hóa không sản xuất thực phẩm như các thủ lĩnh, họ hàng của họ và các quan chức. Từ đó, họ đã xây dựng các ngôi làng định cư và các xóm nhỏ với các cơ sở lưu trữ và hầu như là các xã hội sản xuất thực phẩm (làm nông và chăn nuôi), trừ một số vùng năng suất cao nhất có sẵn cho những người săn bắt – hái lượm, như tù trưởng quốc Calusa của Florida và các tù trưởng quốc Chumash của vùng Nam California giáp biển.
Trong một xã hội có hàng ngàn người, việc biết đến tất cả những người khác hoặc tổ chức các buổi thảo luận trực tiếp gồm toàn thể mọi người là không thể. Do đó, các tù trưởng quốc đối mặt với hai vấn đề mới không có ở các nhóm và bộ lạc. Thứ nhất, những người không quen biết trong một tù trưởng quốc phải có khả năng gặp nhau, nhận ra nhau là thành viên của cùng một tù trưởng quốc dù không quen biết một cách cá nhân, tránh nổi giận trước việc xâm nhập lãnh địa và tránh khơi mào chiến tranh. Do đó, các tù trưởng quốc phát triển những ý thức hệ và các đặc trưng chính trị, tôn giáo chung vốn thường hình thành từ vị thế được cho là thiêng liêng của người thủ lĩnh. Thứ hai, giờ đây đã có lãnh đạo được công nhận, người thủ lĩnh, người ra quyết định nắm giữ thẩm quyền được công nhận, tuyên bố độc quyền về quyền sử dụng vũ lực chống lại các thành viên trong xã hội của ông ta nếu cần và do đó đảm bảo rằng những người không quen biết trong cùng một tù trưởng quốc không xảy ra xung đột. Thủ lĩnh được hỗ trợ bởi các viên chức đa mục đích không chuyên môn hóa (tiền thân của các quan chức), những người này thu thập đồ cống nạp và giải quyết các mâu thuẫn cũng như thực thi các nhiệm vụ hành chính khác, chứ không phải những người thu thuế, thẩm phán hay thanh tra hành chính riêng biệt như trong nhà nước (Tuy nhiên, vẫn có một điều khó hiểu là một số xã hội truyền thống có thủ lĩnh và được mô tả đúng như tù trưởng quốc trong các nghiên cứu khoa học và trong cuốn sách này nhưng lại được gọi là “bộ lạc” ở các văn bản phổ biến: ví dụ, “các bộ lạc” da đỏ của vùng Đông Bắc Mỹ, các xã hội này thực tế là các tù trưởng quốc).
Một cải tiến kinh tế của các tù trưởng quốc được gọi là kinh tế tái phân phối: thay vì chỉ trao đổi trực tiếp giữa các cá nhân, người thủ lĩnh thu đồ cống nạp gồm thực phẩm và nhân công, nhiều phần trong số này được tái phân phối cho các chiến binh, thầy tu và thợ thủ công phục vụ người thủ lĩnh. Tái phân phối do đó là hình thức lâu đời nhất của hệ thống thuế để hỗ trợ những thể chế mới. Một số thực phẩm cống nạp được hoàn lại cho dân thường vì họ là những người mà người thủ lĩnh có nghĩa vụ đạo đức phải hỗ trợ những khi nạn đói xảy ra, cũng là những người làm việc cho thủ lĩnh trong các hoạt động như xây dựng tượng đài và hệ thống canh tác. Bên cạnh những điểm cải tiến chính trị, kinh tế vượt trội so với nhóm và bộ lạc này, tù trưởng quốc còn tiên phong tạo nên một cải tiến xã hội là thể chế hóa tình trạng bất bình đẳng. Trong khi một số bộ lạc đã có những dòng dõi riêng biệt, thì các dòng dõi của một tù trưởng quốc được xếp hạng cha truyền con nối, với người thủ lĩnh và gia đình của ông ta đứng ở vị trí cao nhất, dân thường hoặc nô lệ ở dưới cùng và (trong trường hợp Polynesian Hawaii) có khoảng 8 tầng lớp xếp ở giữa. Đối với thành viên của những dòng dõi hoặc tầng lớp xếp hạng cao hơn, đồ cống nạp do thủ lĩnh thu được sẽ mang đến cuộc sống tốt hơn, đầy đủ về thực phẩm, nơi ở, trang phục và trang sức đặc biệt.
Do đó, các tù trưởng quốc trong quá khứ có thể được nhận dạng khảo cổ học (thi thoảng) bằng công trình tượng đài và bằng những dấu hiệu như phân phối bất bình đẳng vật dụng mai táng ở các nghĩa trang: một số xác chết (của thủ lĩnh, người thân và các quan chức) được chôn cất trong các ngôi mộ lớn đầy ắp những đồ dùng sang trọng như ngọc bích và ngựa tế, trái với các ngôi mộ nhỏ sơ sài của dân thường. Dựa trên những bằng chứng như vậy, các nhà khảo cổ suy luận rằng tù trưởng quốc bắt đầu xuất hiện rời rạc vào khoảng năm 5500 TCN. Ở thời hiện đại, ngay trước thời điểm áp đặt quyền kiểm soát của chính quyền nhà nước gần như rộng khắp thế giới vừa diễn ra gần đây, các tù trưởng quốc vẫn còn trải rộng ở Polynesia, hầu hết vùng châu Phi Hạ Sahara, và các vùng có năng suất cao hơn ở phía đông và tây nam Bắc Mỹ, Trung Mỹ và Nam Mỹ, bên ngoài những khu vực bị các nhà nước Mexico và Andean kiểm soát. Các tù trưởng quốc được thảo luận trong cuốn sách này gồm những người dân đảo Mailu và đảo Trobriand của vùng New Guinea, Thổ dân Calusa và Chumash của Bắc Mỹ. Từ các tù trưởng quốc, nhà nước được hình thành (từ khoảng năm 3400 TCN trở đi) bằng cách chinh phục hoặc hợp nhất dưới áp lực, dẫn đến dân số lớn hơn, thường là các vùng dân số đa sắc tộc, các phạm vi và tầng lớp quan chức chuyên môn hóa, quân đội thường trực, quá trình chuyên môn hóa kinh tế, quá trình đô thị hóa và những thay đổi khác mạnh mẽ hơn nhiều, để tạo nên các loại hình xã hội bao trùm thế giới hiện đại.
Do đó, nếu các nhà khoa học xã hội được trang bị cỗ máy thời gian có thể nghiên cứu thế giới vào thời điểm trước khoảng năm 9000 TCN, họ chắc hẳn sẽ thấy mọi người ở khắp nơi sinh tồn bằng săn bắt – hái lượm, sống theo nhóm và có thể là một số bộ lạc, không có công cụ kim loại, hoạt động viết lách, chính quyền tập trung hay chuyên môn hóa kinh tế. Nếu những nhà khoa học xã hội đó quay trở về những năm 1400, khi người châu âu chỉ vừa bắt đầu bành trướng đến các lục địa khác, họ sẽ nhận ra rằng châu úc là lục địa duy nhất vẫn còn hoàn toàn bị chiếm đóng bởi những người săn bắt – hái lượm, vẫn còn sống chủ yếu theo bầy đàn và có thể là một số bộ lạc. Tuy nhiên, khi đó, các nhà nước đã chiếm đóng hầu hết lục địa á – âu, Bắc Phi, các đảo lớn nhất phía đông Indonesia, hầu hết vùng Andes, nhiều phần của Mexico và Đông Phi. Vẫn còn nhiều nhóm, bộ lạc và tù trưởng quốc tồn tại ở Nam Mỹ, ngoài vùng Andes, ở Bắc Mỹ, New Guinea và vùng Bắc Cực cũng như ở các đảo Thái Bình Dương. Ngày nay, toàn bộ thế giới ngoại trừ Nam Cực đã phân chia thành các nhà nước, ít nhất trên danh nghĩa, dù chính quyền nhà nước vẫn còn không hiệu quả ở một số phần của thế giới. Các khu vực trên thế giới còn lưu giữ số lượng lớn nhất những xã hội không có sự kiểm soát hiệu quả của nhà nước ở thế kỷ XX là New Guinea và vùng Amazon.
Quá trình tiếp tục gia tăng quy mô dân số, hệ thống tổ chức chính trị và cường độ sản xuất thực phẩm trải dài từ nhóm đến nhà nước sẽ song hành cùng những xu hướng khác, như việc gia tăng mức độ phụ thuộc vào công cụ kim loại, tính phức tạp của công nghệ, chuyên môn hóa kinh tế và bất bình đẳng giữa các cá thể, hoạt động viết, cộng với những thay đổi về chiến tranh và tôn giáo mà tôi thảo luận lần lượt ở chương 3, 4 và 9 (Nhắc lại: những bước tiến từ nhóm lên nhà nước không diễn ra ở khắp nơi, cũng không phải không thể đảo nghịch và cũng không phải tiến theo đường thẳng). Những xu hướng đó, đặc biệt ở các vùng dân số đông, tập trung hóa chính trị và công nghệ, vũ khí cải tiến của nhà nước so với ở các xã hội đơn giản hơn, là những yếu tố thúc đẩy nhà nước chiến thắng các loại hình xã hội truyền thống đó và xâm chiếm, nô dịch, thu nạp, đánh đuổi hoặc tiêu diệt cư dân xã hội cũ ở các vùng đất bị xã hội nhà nước thèm muốn. Điều đó bỏ lại những nhóm và bộ lạc trong thời hiện đại bị giới hạn ở những khu vực kém hấp dẫn hoặc khó tiếp cận đối với những người xâm chiếm để thiết lập nhà nước (như sa mạc Kalahari nơi cư trú của người!Kung, rừng nhiệt đới châu Phi của người Pygmy, những vùng hẻo lánh của hồ Amazon bỏ lại cho người châu Mỹ Bản xứ và New Guinea bỏ lại cho người New Guinea).
Tại sao vào năm Columbus thực hiện hành trình xuyên Đại Tây Dương đầu tiên, năm 1942, con người lại sống dưới nhiều loại hình xã hội khác nhau ở nhiều phần khác nhau trên thế giới đến vậy? Vào lúc đó, một số người (đặc biệt là người ở lục địa á – âu) vốn đã sống dưới các chính quyền nhà nước với hoạt động viết lách, công cụ kim loại, nông nghiệp phát triển và quân đội thường trực. Nhiều người khác lúc này vẫn không có những dấu hiệu đó của nền văn minh, và Thổ dân úc,!Kung rồi những người lùn Pygmy châu Phi lúc bấy giờ vẫn còn duy trì nhiều kiểu sống đặc trưng trên toàn thế giới trước năm 9000 TCN. Chúng ta lý giải như thế nào cho những khác biệt theo địa lý đáng kinh ngạc như vậy?
Một quan niệm từng phổ biến trước đây và ngày nay vẫn nhiều người tin theo, là những kết quả khác biệt theo vùng đó phản ánh những khác biệt bẩm sinh ở trí tuệ con người, tính hiện đại về mặt sinh học và tinh thần làm việc. Giả sử, theo niềm tin đó, người châu âu thông minh hơn, tiên tiến hơn về mặt sinh học, cần cù hơn, trong khi thổ dân úc và người New Guine hay những nhóm và bộ lạc người hiện đại khác lại kém thông minh hơn, sơ đẳng hơn và ít tham vọng hơn. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào về những khác biệt sinh học tưởng tượng đó, ngoại trừ lập luận xoay vòng rằng nhóm và bộ lạc người hiện đại tiếp tục sử dụng công nghệ thô sơ, các tổ chức chính trị và các phương thức sinh sống sơ đẳng hơn, do đó bị cho là sơ đẳng hơn về sinh học.
Thay vào đó, lời giải thích cho những khác biệt ở các loại hình xã hội cùng tồn tại trong thế giới hiện đại phụ thuộc vào các khác biệt môi trường. Những gia tăng trong mức độ tập trung hóa chính trị và phân tầng xã hội được thúc đẩy bởi những gia tăng trong mật độ dân số, yếu tố này lại bị thúc đẩy bởi sự gia tăng và tăng cường sản xuất thức ăn (trồng trọt và chăn nuôi). Nhưng đáng ngạc nhiên là rất ít loài cây và động vật hoang dã có thể phù hợp để thuần hóa trở thành cây trồng và gia súc. Những loài hoang dã ít ỏi đó chỉ tập trung ở khoảng hơn chục vùng nhỏ trên thế giới, nơi các mà xã hội loài người nhờ đó có được bước khởi đầu quyết định trong phát triển sản xuất thực phẩm, thực phẩm dư thừa, gia tăng dân số, phát triển công nghệ tiên tiến và chính quyền nhà nước. Như tôi đã thảo luận chi tiết trong cuốn sách trước Súng, Vi trùng và Thép (đã được Alpha Books mua bản quyền), những khác biệt đó giải thích vì sao châu âu, sống gần vùng này của thế giới (vùng Fertile Crescent) với những loài cây và động vật có thể thuần hóa có giá trị nhất, cuối cùng có thể bành trướng ra thế giới, trong khi người!Kung và thổ dân úc không thể. Quay lại mục đích của cuốn sách này, điều đó có nghĩa là những người hiện vẫn còn sống hoặc gần đây còn sống trong các xã hội truyền thống là những người hiện đại về sinh học nhưng đơn thuần phải sống ở những vùng với ít loài cây và động vật có thể thuần hóa, nếu không như vậy thì cách sống của họ vẫn có nét tương đồng với độc giả của cuốn sách này.
Cách tiếp cận, nguyên nhân và tài nguyên
Trong phần trước, chúng ta thảo luận về những khác biệt giữa các xã hội truyền thống có liên quan một cách hệ thống đến những khác biệt về quy mô và mật độ dân số, phương tiện tìm kiếm thức ăn và môi trường. Dù những xu hướng tổng quát này thật sự tồn tại, nhưng sẽ là nực cười khi cho rằng mọi thứ về xã hội có thể được dự báo từ những điều kiện vật chất. Ví dụ, hãy nghĩ về những khác biệt văn hóa và chính trị giữa người Pháp và người Đức, không có liên hệ hiển nhiên nào với những khác biệt giữa môi trường của Pháp và Đức, những khác biệt mà dù trong trường hợp nào cũng là không đáng kể theo các chuẩn mực về biến đổi môi trường trên toàn thế giới.
Các học giả sử dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau để giải thích những khác biệt giữa các xã hội. Mỗi cách tiếp cận có thể giải thích được một số khác biệt giữa một số xã hội, nhưng không phù hợp để lý giải những hiện tượng khác. Có một cách tiếp cận là sự tiến hóa, được thảo luận và diễn giải trong phần trước: công nhận những đặc điểm bao quát khác nhau giữa các xã hội có quy mô và mật độ dân số khác nhau, nhưng giống nhau ở các xã hội có quy mô và mật độ dân số tương đồng; rồi suy luận ra và đôi khi có thể quan sát trực tiếp, các thay đổi trong một xã hội khi nó trở nên lớn hơn hay nhỏ hơn. Liên quan đến cách tiếp cận tiến hóa là phương pháp có thể được gọi là cách tiếp cận thích ứng: ý tưởng rằng một số đặc tính của một xã hội có thể biến đổi thích nghi và chúng thúc đẩy xã hội vận hành hiệu quả hơn dưới các điều kiện vật chất, môi trường vật lý và xã hội, quy mô và mật độ dân số cụ thể. Các ví dụ tính đến sự đòi hỏi có lãnh đạo ở mọi xã hội với hơn vài ngàn người, và tiềm năng các xã hội lớn này tạo ra những thực phẩm dư thừa cần thiết để cung cấp cho các thủ lĩnh. Cách tiếp cận này khuyến khích đưa ra công thức tổng quát và diễn giải những thay đổi của một xã hội theo thời gian bằng các điều kiện và môi trường mà xã hội đó tồn tại.
Cách tiếp cận thứ hai, trái ngược với cách thứ nhất, xem mỗi xã hội là độc nhất vì lịch sử riêng của nó và xem những niềm tin cũng như thực hành văn hóa phần lớn là yếu tố biến đổi độc lập không bị chi phối bởi điều kiện môi trường. Trong số vô vàn ví dụ, tôi sẽ đề cập đến một trường hợp cực đoan từ một bộ tộc được thảo luận trong cuốn sách này, vì trường hợp này quá đặc biệt và quá thuyết phục, tách biệt với các điều kiện vật chất. Người Kaulong, một trong hàng tá nhóm dân cư nhỏ sống dọc lưu vực phía nam đảo New Britain tiếp giáp phía đông New Guinea, trước đây có nghi thức bóp cổ góa phụ. Khi người đàn ông chết đi, người vợ góa phải yêu cầu anh em của cô siết cổ cô đến chết. Cô ta không bị cưỡng ép bóp cổ đến chết, cũng không bị áp lực phải thực hiện hình thức tự sát theo nghi thức này bởi những thành viên khác trong xã hội. Thay vào đó, cô ta đã lớn lên và tuân theo điều này như một phong tục, thực hiện theo phong tục này khi chính mình trở thành góa phụ, yêu cầu anh em cô (hoặc con trai cô nếu cô không có anh em) phải hoàn thành nghĩa vụ trang trọng đó là bóp cổ cô bất chấp những miễn cưỡng tự nhiên của họ và thể hiện sự hợp tác khi thực hiện hành động đó.
Không học giả nào tuyên bố rằng việc góa phụ Kaulong bị siết cổ là có lợi cho xã hội Kaulong hoặc cho những lợi ích di truyền dài hạn (sau khi chết) của người góa phụ bị siết cổ hay họ hàng của cô. Không nhà khoa học môi trường nào công nhận đặc điểm của môi trường Kaulong có xu hướng khiến việc góa phụ bị siết cổ sẽ có ích hơn hay dễ hiểu hơn so với vùng lưu vực phía bắc của New Britain, hay xa hơn về phía đông hoặc tây của lưu vực phía nam New Britain. Tôi không biết xã hội nào khác tiến hành nghi thức siết cổ góa phụ ở New Britain hoặc New Guinea, ngoại trừ người Sengseng có quan hệ láng giềng với người Kaulong. Thay vào đó, có vẻ như cần xem tục siết cổ góa phụ Kaulong là một dấu vết văn hóa lịch sử độc lập vì một vài lý do không rõ đã đặc biệt được hình thành ở vùng New Britain đó và lý do cuối cùng đã bị loại bỏ bởi quá trình chọn lọc tự nhiên trong các xã hội (có nghĩa là, thông qua việc các xã hội New Britain khác không thực hiện tục siết cổ góa phụ mà nhờ đó đạt được lợi thế hơn người Kaulong), nhưng điều đó lại tồn tại trong thời gian dài cho đến khi các áp lực và sự tiếp xúc với thế giới bên ngoài khiến tập tục này bị cấm sau khoảng năm 1957. Bất kỳ ai quen với bất cứ xã hội nào khác sẽ có khả năng nghĩ đến những điểm ít cực đoan hơn đặc trưng cho xã hội đó, những điểm có thể không có những lợi ích trông thấy hoặc thậm chí còn có vẻ có hại đối với xã hội đó và những điểm đó không phải là kết quả của các điều kiện địa phương một cách rõ ràng.
Tuy nhiên, còn một cách tiếp cận khác để hiểu được những khác biệt giữa các xã hội là công nhận những niềm tin và tập tục văn hóa có tính phổ quát rộng và lan truyền lâu đời khắp khu vực đó mà không có quan hệ rõ ràng với các điều kiện địa phương. Những ví dụ quen thuộc kể đến sự tồn tại gần như khắp mọi nơi của các tôn giáo độc thần và các ngôn ngữ không âm tiết ở châu âu, trái ngược với tần suất của các tôn giáo đa thần và ngôn ngữ có âm tiết ở Trung Hoa và các khu vực liền kề ở Đông Nam á. Chúng ta biết rất nhiều về nguồn gốc và lịch sử lan truyền của mỗi hình thức tôn giáo ở mỗi vùng. Tuy nhiên, tôi không biết những lý do thuyết phục cho việc ngôn ngữ có âm tiết kém hiệu quả hơn ở môi trường châu âu cũng như vì sao các tôn giáo độc thần về bản chất lại không phù hợp ở môi trường Trung Hoa và Đông Nam á. Tôn giáo, ngôn ngữ, các niềm tin và tập tục khác có thể lan truyền theo hai cách. Một là bởi những người đi khai phá và mang theo văn hóa của họ, như trường hợp những di dân châu âu đến châu Mỹ và châu úc thiết lập nên ngôn ngữ châu âu và xã hội giống châu âu ở những nơi này. Cách thứ hai là kết quả của việc chấp nhận những niềm tin và tập tục của các nền văn hóa khác: ví dụ, người Nhật hiện đại chọn phong cách trang phục Tây phương và người Mỹ hiện đại du nhập thói quen ăn sushi dù không có hiện tượng di dân phương Tây tràn qua Nhật hay di dân Nhật tràn qua Mỹ.
Còn một vấn đề khác nữa về những cách giải thích sẽ thường xuyên tái diễn trong toàn bộ cuốn sách: sự khác biệt giữa việc tìm kiếm những lý giải trước mắt và những lý giải sâu xa. Để hiểu được sự khác biệt này, hãy xét trường hợp một cặp vợ chồng tham vấn một nhà trị liệu tâm lý sau 20 năm kết hôn và giờ đây đang định ly hôn. Với câu hỏi của nhà trị liệu, “Điều gì bỗng nhiên đưa hai người đến gặp tôi và định ly hôn sau 20 năm chung sống?”, người chồng trả lời: “Là vì cô ta đã dùng một chai thủy tinh lớn đánh mạnh vào mặt tôi. Tôi không thể sống với một phụ nữ như vậy”. Người vợ thừa nhận rằng đúng là cô đã đánh anh ta bằng chai thủy tinh và rằng đó chính là “nguyên nhân” (nghĩa là nguyên nhân trước mắt) cho sự đổ vỡ của họ. Tuy nhiên, nhà trị liệu biết rằng các cuộc tấn công bằng chai hiếm khi diễn ra trong các cuộc hôn nhân hạnh phúc nên đưa ra câu hỏi về nguyên nhân riêng của họ. Người vợ trả lời, “Tôi không thể chịu đựng được nữa những vụ ngoại tình của anh ta, do đó tôi đánh anh ta – những vụ ngoại tình là nguyên nhân thật sự [nghĩa là nguyên nhân sâu xa] cho đổ vỡ giữa chúng tôi”. Người chồng thừa nhận việc ngoại tình của mình, nhưng một lần nữa nhà trị liệu thắc mắc vì sao người chồng này, không giống như những người chồng trong các cuộc hôn nhân hạnh phúc, lại đi ngoại tình. Người chồng trả lời, “Vợ tôi là một người lạnh lùng, ích kỷ và tôi nhận thấy mình muốn dành tình cảm cho người khác – đó là lý do tôi ngoại tình và là nguyên nhân gốc rễ của sự đổ vỡ này”.
Trong quá trình trị liệu dài hạn, nhà trị liệu sẽ tìm hiểu sâu hơn về tuổi thơ của người vợ, yếu tố đã khiến người vợ trở nên lạnh lùng và ích kỷ (nếu thật sự là như vậy). Như vậy, chỉ một mẩu chuyện ngắn này cũng đủ cho thấy hầu hết các nguyên nhân và hệ quả thật ra bao gồm những chuỗi nguyên nhân, một số có tính ngắn hạn hơn và số khác sâu xa hơn. Trong cuốn sách này, chúng ta sẽ gặp nhiều chuỗi như vậy. Ví dụ, nguyên nhân trước mắt của chiến tranh bộ lạc (chương 4) có thể là người A ở một bộ lạc ăn trộm heo từ người B ở bộ lạc khác; A biện minh cho vụ trộm bằng một nguyên nhân sâu xa hơn (cháu của B trước đó đã giao ước mua heo từ cha của A nhưng lại không trả đúng giá thỏa thuận cho con heo); và nguyên nhân sau cùng của cuộc chiến là hạn hán và tình trạng khan hiếm nguồn lực cũng như áp lực dân số, dẫn đến không đủ heo để nuôi người dân của cả hai bộ lạc.
Như vậy, đó là những cách tiếp cận tổng quát được các học giả sử dụng nhằm cố gắng lý giải những khác biệt giữa các xã hội loài người. Về cách thức các học giả phát triển hiểu biết của chúng ta về các xã hội truyền thống, những nguồn thông tin có thể được chia thành bốn danh mục, mỗi loại có những điểm mạnh, điểm yếu riêng và không phân biệt rõ. Phương pháp rõ ràng nhất và là nguồn cung cho hầu hết thông tin trong cuốn sách này, là cử các nhà khoa học xã hội hoặc sinh học được đào tạo đến thăm hoặc sống cùng những người truyền thống và tiến hành nghiên cứu tập trung vào một số đề tài cụ thể. Hạn chế chính của phương pháp này là các nhà khoa học thường không thể hòa nhập với những người truyền thống cho đến khi những người này bị “bình định”, bị suy giảm dân số bởi các bệnh mới du nhập, bị xâm chiếm và kiểm soát bởi một chính quyền nhà nước và do đó đã biến đổi đáng kể so với tình trạng trước đó của họ.
Phương pháp thứ hai là bóc tách những thay đổi gần đây trong các xã hội truyền thống hiện đại, bằng cách phỏng vấn những người không biết chữ còn sống về lịch sử truyền miệng của họ và thông qua đó, tái xây dựng xã hội của họ giống như vài thế hệ trước. Phương pháp thứ ba có cùng mục tiêu tái dựng truyền miệng, đến mức cố gắng hình dung ra các xã hội truyền thống trước cả khi các nhà khoa học hiện đại tìm đến. Tuy nhiên, cách tiếp cận này sử dụng những câu chuyện của các nhà thám hiểm, thương lái, các sĩ quan tuần tiễu của chính phủ và các nhà ngôn ngữ học truyền giáo vốn thường tiếp cận những người truyền thống trước các nhà khoa học. Dù những câu chuyện từ họ có xu hướng kém hệ thống hơn, ít định tính hơn và ít toàn diện khoa học hơn so với các kết quả từ những người hoạt động thực địa được đào tạo khoa học, nhưng chúng cho thấy lợi thế bù đắp khi mô tả xã hội bộ lạc ít bị biến đổi hơn so với khi được nghiên cứu sau đó bởi các nhà khoa học đến thăm. Cuối cùng, nguồn thông tin duy nhất về các xã hội trong quá khứ xa xôi, không có chữ viết và không tiếp cận với những nhà quan sát biết chữ là các cuộc khai quật khảo cổ. Các cuộc khai quật này có lợi thế là xây dựng lại một nền văn hóa đã tồn tại rất lâu trước khi nó được biết đến và bị biến đổi bởi thế giới hiện đại – bù lại sẽ bị mất đi những chi tiết quan trọng (như tên tuổi và những mẫu người), gặp phải nhiều điều bất định hơn và phải tiêu tốn nhiều nỗ lực hơn để đi đến các kết luận xã hội từ những bằng chứng vật lý lưu giữ dưới những lớp đất khảo cổ.
Cuốn sách nhỏ về chủ đề lớn
Có thể nói, chủ đề của cuốn sách này là mọi khía cạnh về văn hóa loài người, về mọi người trên toàn thế giới, trong vòng 11.000 năm qua. Tuy nhiên, phạm vi đó có lẽ đòi hỏi một công trình dài 2.397 trang mà không ai muốn đọc. Thay vào đó, vì các lý do thực tế, tôi đã chọn lọc ra các đề tài và xã hội để soạn thành cuốn sách có độ dài vừa phải, dễ đọc hơn. Tôi hy vọng điều đó sẽ thúc đẩy độc giả tìm hiểu về các đề tài và xã hội mà tôi không soạn ra, bằng cách tham khảo nhiều cuốn sách xuất sắc khác đã được xuất bản.
1
Hình 1. Vị trí của 39 bộ lạc sẽ được nhắc đến thường xuyên trong cuốn sách này
New Guinea và các vùng đất láng giềng. 1 = Dani. 2 = Fayu. 3 = Daribi. 4 = Enga. 5 = Fore. 6 = Tsembaga Maring. 7 = Hinihon. 8 = Người dân đảo Mailu. 9 = Người dân đảo Trobriand. 10 = Kaulong.
úc. 11 = Ngarinyin. 12 = Yolngu. 13 = Sandbeach. 14 = Yuwaaliyaay. 15 = Kunai. 16 = Pitjantjatjara. 17 = Wiil và Minong.
Á – âu. 18 = Agta. 19 = Ainu. 20 = Người dân đảo Andaman. 21 = Kirghiz. 22 = Nganasan.
Châu Phi. 23 = Hadza. 24 =!Kung. 25 = Nuer. 26 = Người lùn châu Phi (Mbuti, Aka). 27 = Turkana.
2
Bắc Mỹ. 28 = Calusa. 29 = lục địa Chumash. 30 = đảo Chumash. 31 = Iñupiat. 32 = Người Inuit ở Bắc Alaska. 33 = Đại bồn địa Shoshone. 34 = Thổ dân da đỏ ở bờ Tây Bắc.
Nam Mỹ. 35 = Ache. 36 = Machiguenga. 37 = Piraha. 38 = Siriono. 39 = Yanomamo
Về việc lựa chọn đề tài, tôi chọn 9 lĩnh vực để thảo luận trong 11 chương nhằm mô tả toàn bộ các phương pháp giúp chúng ta hiểu rõ các xã hội truyền thống. Hai đề tài – những nguy hiểm và nuôi dạy trẻ nhỏ – liên quan đến các lĩnh vực mà chúng ta với tư cách những cá thể có thể xem xét kết hợp một số tập tục của các xã hội truyền thống vào cuộc sống cá nhân. Đây là hai lĩnh vực mà những tập tục của một số xã hội truyền thống tôi từng sinh sống cũng ảnh hưởng rất mạnh mẽ đến lối sống và quyết định của chính tôi. Ba đề tài khác – đối xử với người già, ngôn ngữ và hiện tượng đa ngôn ngữ, và lối sống đề cao sức khỏe – liên quan đến những lĩnh vực mà ở đó các tập tục của xã hội truyền thống có thể mang lại cho chúng ta một số hình mẫu về các quyết định cá nhân, nhưng cũng có thể đưa ra các hình mẫu chính sách mà xã hội của chúng ta nói chung có thể áp dụng. Một đề tài nữa – giải quyết mâu thuẫn hòa bình – có thể có ích trong việc gợi ý chính sách cho toàn thể xã hội của chúng ta hơn là định hướng cuộc sống cá nhân. Về tất cả những đề tài này, chúng ta phải hiểu rõ rằng việc vay mượn và điều chỉnh các tập tục từ một xã hội vào một xã hội khác không phải là vấn đề đơn giản. Ví dụ, dù ngưỡng mộ một số thực tiễn nuôi dưỡng con cái của một số xã hội truyền thống, nhưng việc áp dụng tập tục đó vào nuôi dưỡng con bạn có thể trở nên khó khăn nếu tất cả phụ huynh khác xung quanh bạn đang nuôi con của họ theo cách của hầu hết các bậc cha mẹ hiện đại.
Về đề tài tôn giáo, tôi không kỳ vọng bất cứ độc giả cá nhân hay xã hội nào ủng hộ một số tôn giáo bộ lạc cụ thể sau khi đọc những thảo luận về tôn giáo của tôi ở chương 9. Tuy nhiên, hầu hết chúng ta trong vòng quay cuộc sống sẽ trải qua một hoặc nhiều giai đoạn mà khi đó chúng ta phải lần mò tìm kiếm giải pháp cho các nghi vấn về tôn giáo của chính mình. Trong một giai đoạn như vậy, độc giả có lẽ sẽ thấy hữu ích khi suy nghĩ kỹ về phạm vi nghĩa rộng mà tôn giáo nắm giữ ở những xã hội khác nhau xuyên suốt lịch sử loài người. Cuối cùng, hai chương về chiến tranh dẫn giải một lĩnh vực mà ở đó, tôi tin rằng, sự am hiểu về các hoạt động truyền thống có thể giúp chúng ta trân trọng một số ích lợi mà chính quyền nhà nước đã mang lại cho chúng ta, so với các xã hội truyền thống (Đừng ngay lập tức tức giận bằng cách nghĩ về Hiroshima hoặc chiến tranh chiến hào và có thái độ phản đối khi thảo luận về “lợi ích” của chiến tranh nhà nước; chủ đề này phức tạp hơn so với những nhận định ban đầu).
Dĩ nhiên, việc lựa chọn các đề tài này sẽ bỏ lỡ nhiều chủ đề trọng tâm nhất của nghiên cứu xã hội con người – chẳng hạn như nghệ thuật, nhận thức, hành vi hợp tác, ẩm thực, khiêu vũ, quan hệ giới tính, hệ thống thân tộc, ảnh hưởng đáng tranh luận của ngôn ngữ lên nhận thức và suy nghĩ (giả thuyết Sapir-Whorf), văn học, hôn nhân, âm nhạc, hoạt động tình dục và các đề tài khác. Đổi lại, tôi tái nhấn mạnh rằng cuốn sách này không nhằm mục đích trở thành một công trình toàn diện về xã hội loài người, mà thay vào đó, nó chọn một số đề tài từ góc nhìn của những khung nghiên cứu khác.
Về lựa chọn các xã hội của tôi, một cuốn sách ngắn đưa ra ví dụ về mọi xã hội loài người truyền thống quy mô nhỏ trên khắp thế giới là điều không thể. Tôi quyết định tập trung vào những nhóm và bộ lạc gồm những người nông dân quy mô nhỏ và người săn bắt – hái lượm – vì những xã hội xưa này khác biệt hơn nhiều đồng thời có thể dạy cho chúng ta nhiều hơn khi so sánh tương phản với các xã hội hiện đại của chúng ta. Tôi trích dẫn lặp đi lặp lại các ví dụ từ vài chục những xã hội truyền thống như vậy trên khắp thế giới. Theo cách đó, tôi hy vọng rằng các độc giả sẽ xây dựng được một bức tranh hoàn chỉnh và sinh động về vài chục xã hội này, sẽ thấy các khía cạnh khác nhau của các xã hội kết hợp với nhau như thế nào: ví dụ, nuôi con, tuổi già, mối nguy hiểm và giải quyết mâu thuẫn giữ vai trò như thế nào trong cùng một xã hội.
Một số độc giả có thể cảm thấy rằng những ví dụ tôi đưa ra không cân đối, phần lớn là về đảo New Guinea và các đảo Thái Bình Dương lân cận. Một phần bởi tôi biết rõ vùng này nhất và là nơi tôi dành nhiều thời gian nhất. Tuy nhiên cũng vì New Guinea thật sự đóng vai trò rất lớn trong tính đa dạng văn hóa của loài người. Nơi đây là ngôi nhà duy nhất của 1.000 trong số 7.000 ngôn ngữ trên thế giới. Nơi đây có số lượng xã hội lớn nhất và thậm chí trong thời hiện đại, số này vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của chính quyền nhà nước hoặc chỉ gần đây mới bị ảnh hưởng bởi chính quyền nhà nước. Dân số vùng này có rất nhiều lối sống truyền thống, từ những người săn bắt – hái lượm du mục, đi biển và những người chuyên làm bột cọ cao lương ở đồng bằng đến những nông dân định cư ở Cao nguyên, gồm những nhóm từ vài chục đến 200.000 người. Dù vậy, tôi cũng thảo luận cả những quan sát của các học giả khác về các xã hội từ mọi lục địa có người cư trú.
Bố cục của cuốn sách
Cuốn sách này gồm 11 chương được nhóm thành 5 phần, cùng với phần Lời kết. Phần 1 chỉ gồm chương 1, xác định lộ trình để các đề tài ở các chương còn lại được phát triển, bằng cách lý giải cách thức các xã hội truyền thống phân chia không gian – bằng ranh giới rõ ràng phân chia các lãnh thổ loại trừ lẫn nhau như các nhà nước hiện đại, hay bằng những dàn xếp dễ thay đổi hơn theo đó các nhóm lân cận có quyền qua lại để sử dụng đất đai của nhau cho các mục đích cụ thể. Tuy nhiên, không bao giờ có tự do hoàn toàn cho bất cứ ai đến bất cứ đâu, do đó người truyền thống có xu hướng phân chia những người khác thành ba nhóm: những cá nhân đã biết và là bạn, những cá nhân đã biết và là kẻ thù, người lạ chưa biết và gần như được xem là kẻ thù. Do đó, người truyền thống không thể biết đến thế giới ngoài phạm vi quê hương của họ.
Phần 2 gồm 3 chương về giải quyết mâu thuẫn. Khi thiếu vắng các chính quyền nhà nước tập trung hóa và những bộ máy tư pháp, các xã hội quy mô nhỏ truyền thống giải quyết mâu thuẫn theo hai cách, một cách mang tính hòa giải hơn, cách còn lại bạo động hơn, so với việc giải quyết mâu thuẫn ở xã hội nhà nước. Tôi trình bày việc giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình (chương 2) bằng sự việc một đứa trẻ New Guinea bị chết trong tai nạn và cha mẹ đứa trẻ cũng như người quen của kẻ giết người tiến đến thảo thuận về đền bù và hàn gắn tình cảm trong một vài ngày. Mục tiêu của quá trình đền bù truyền thống như vậy không phải để quyết định đúng hay sai, mà để khôi phục quan hệ hoặc không-quan-hệ giữa các thành viên của một xã hội nhỏ, những người vốn sẽ liên tục chạm mặt nhau đến cuối đời. Tôi so sánh một cách tương phản hình thức giải quyết mâu thuẫn truyền thống trong hòa bình này với sự vận hành luật pháp ở các xã hội nhà nước, nơi quá trình này chậm chạp và đầy tranh chấp. Các bên thường là người lạ, sẽ không bao giờ gặp lại nhau, trọng tâm là quyết định đúng sai thay vì khôi phục quan hệ, và nhà nước có lợi ích riêng của chính nó dù có thể không phù hợp với lợi ích của nạn nhân. Đối với nhà nước, hệ thống tư pháp của chính quyền là thiết yếu. Tuy nhiên, vẫn có một số đặc trưng của việc giải quyết mâu thuẫn trong hòa bình truyền thống mà chúng ta có thể áp dụng một cách hữu ích vào hệ thống tư pháp của nhà nước.
Nếu tranh chấp trong một xã hội quy mô nhỏ không được giải quyết trong hòa bình giữa các bên, lựa chọn thay thế là bạo lực hoặc chiến tranh vì không có sự xét xử của tòa án nhà nước can thiệp. Khi thiếu sự lãnh đạo chính trị mạnh mẽ và tuyên bố độc quyền sử dụng sức mạnh của nhà nước, bạo lực có xu hướng dẫn đến vòng tròn chém giết trả thù. Chương 3 trình bày về chiến tranh truyền thống bằng cách mô tả một cuộc chiến có vẻ rất nhỏ giữa những người Dani của Cao nguyên New Guinea phía đông. Chương 4 dài hơn đánh giá chiến tranh truyền thống trên toàn thế giới để hiểu được nó có thật sự xứng đáng được gọi là chiến tranh không, vì sao tỷ lệ người chết thường quá cao, nó khác biệt với chiến tranh giữa các nhà nước như thế nào và vì sao các cuộc chiến lại diễn ra thường xuyên giữa một số nhóm người hơn là giữa những nhóm người khác.
Phần 3 của cuốn sách này gồm hai chương về hai giai đoạn đối nghịch nhau trong vòng đời con người: Tuổi thơ (chương 5) và Tuổi già (chương 6). Phạm vi các tập tục truyền thống nuôi dạy con cái khá rộng, từ các xã hội với những tập tục mang tính trấn áp hơn đến những xã hội với các tập tục trao quyền tự do nhiều hơn so với hầu hết các xã hội có nhà nước. Tuy nhiên, một số chủ đề thường xuất hiện từ một nghiên cứu về việc nuôi dạy con cái truyền thống. Độc giả của chương này có thể thấy ngưỡng mộ một số tập tục nuôi dưỡng con cái nhưng sẽ thấy ghê sợ những tập tục khác và thắc mắc liệu một số tập tục đáng ngưỡng mộ có thể được áp dụng vào các cách nuôi con của chúng ta hay không.
Về việc đối xử với người già (chương 6), một số xã hội truyền thống, đặc biệt là các xã hội du mục hoặc sống trong môi trường khắc nghiệt, buộc phải bỏ bê, bỏ rơi, hoặc giết người già. Những xã hội khác cung cấp cho người cao tuổi cuộc sống thoải mái và hữu ích hơn hầu hết các xã hội Tây phương hóa. Các nhân tố đằng sau sự khác biệt này gồm điều kiện môi trường, khả năng hữu dụng và quyền lực của người cao tuổi, giá trị và luật lệ của xã hội. Tuổi thọ tăng và khả năng hữu dụng có vẻ giảm đi của người cao tuổi trong các xã hội hiện đại đã gây nên một bi kịch, thế nhưng các xã hội truyền thống cải thiện điều đó bằng cách mang lại cuộc sống hữu ích đầy thỏa mãn hơn cho người cao tuổi.
Phần 4 gồm hai chương về các mối nguy hiểm và phản ứng của chúng ta. Tôi bắt đầu (chương 7) bằng cách mô tả ba trải nghiệm thật sự hoặc có vẻ nguy hiểm mà tôi đã sống sót trải qua ở New Guinea, cũng như những gì tôi học được từ các trải nghiệm này về quan điểm phổ biến của người truyền thống mà tôi ngưỡng mộ và gọi đó là “đa nghi mang tính xây dựng”. Bằng cách diễn giải nghịch lý như vậy, tôi muốn thường xuyên phản ánh tầm quan trọng của những sự kiện hoặc dấu hiệu nhỏ mỗi lần xảy ra mang theo rủi ro thấp nhưng lại có khả năng diễn ra hàng ngàn lần trong cuộc đời một người, do đó cuối cùng có khả năng gây tàn tật hoặc tử vong nếu bị phớt lờ. “Các tai nạn” đó không chỉ diễn ra ngẫu nhiên hoặc do xui xẻo: theo cách nhìn nhận truyền thống, mọi thứ diễn ra đều được xem là có nguyên do, vì vậy người ta phải duy trì cảnh giác với các lý do khả dĩ và phải cẩn trọng. Chương 8 tiếp theo mô tả những hình thức nguy hiểm vốn có trong đời sống truyền thống và nhiều phương cách phản ứng đa dạng của con người. Hóa ra, quan niệm của chúng ta về các mối nguy hiểm và những phản ứng của chúng ta đối với chúng lại phi lý một cách hệ thống theo nhiều cách.
Phần 5 kết luận gồm ba chương về ba đề tài trung tâm của cuộc sống con người và thay đổi nhanh chóng trong thời hiện đại: tôn giáo, đa dạng ngôn ngữ và sức khỏe. Chương 9, về hiện tượng độc nhất của loài người là tôn giáo, liên kết trực tiếp với chương 7 và 8 về các mối nguy hiểm, do truyền thống tìm kiếm không ngừng của chúng ta về nguyên nhân của các mối nguy hiểm có lẽ đã đóng góp vào nguồn gốc của tôn giáo. Hiện tượng gần như phổ quát của tôn giáo trong các xã hội loài người cho thấy rằng tôn giáo thỏa mãn những chức năng quan trọng, bất kể những khẳng định của nó có đúng hay không. Tuy nhiên, tôn giáo phục vụ các chức năng khác mà tầm quan trọng tương đối của chúng đã thay đổi khi xã hội loài người tiến hóa. Thật thú vị khi suy đoán xem chức năng nào của tôn giáo có khả năng trở nên mạnh nhất trong những thập niên sắp tới.
Ngôn ngữ (chương 10), cũng như tôn giáo, là độc nhất ở loài người: thực ra yếu tố này thường được xem là khía cạnh quan trọng nhất phân biệt loài người với những loài động vật khác. Trong khi số người trung bình nói một ngôn ngữ chỉ là vài trăm đến vài ngàn cá thể ở hầu hết các xã hội săn bắt – hái lượm quy mô nhỏ, thì thành viên của những xã hội này thông thường lại là người đa ngôn ngữ. Người Mỹ hiện đại thường cho rằng đa ngôn ngữ cần phải bị hạn chế vì điều đó được cho là sẽ ngăn cản việc tiếp thu ngôn ngữ của trẻ em và quá trình đồng hóa người nhập cư. Mặc dù vậy, nghiên cứu gần đây cho thấy rằng những người đa ngôn ngữ có được những lợi thế nhận thức quan trọng trong suốt cuộc đời. Tuy nhiên, ngày nay ngôn ngữ đang biến mất nhanh đến nỗi 95% ngôn ngữ trên thế giới sẽ biến mất hoặc suy tàn trong một thế kỷ nếu xu hướng hiện tại tiếp tục tiếp diễn. Kết quả của thực tế rõ ràng này cũng gây tranh cãi như kết quả của hiện tượng đa ngôn ngữ: nhiều người sẽ chào đón một thế giới bị hạn chế chỉ còn một vài ngôn ngữ phổ biến rộng, trong khi những người khác sẽ chỉ ra những lợi thế mà tính đa dạng ngôn ngữ mang lại cho các xã hội cũng như cho cá nhân.
Chương cuối cùng (chương 11) có sự liên quan thực tế trực tiếp nhất đối với chúng ta ngày nay. Hầu hết chúng ta, những công dân của các nhà nước hiện đại sẽ chết vì các bệnh không truyền nhiễm – béo phì, cao huyết áp, đột quỵ, đau tim, các loại ung thư và các bệnh khác – vốn rất hiếm hoặc không hề được biết đến ở những người truyền thống, những người này tuy vậy lại tiến đến nhiễm phải các bệnh này trong vòng một hoặc hai thập niên áp dụng lối sống Tây phương hóa. Rõ ràng, có điều gì đó trong lối sống Tây phương hóa đã mang đến các căn bệnh này và chúng ta có thể tối thiểu hóa rủi ro chết vì những nguyên nhân tử vong phổ biến nhất này nếu có thể tối thiểu hóa các nhân tố rủi ro trong lối sống. Tôi mô tả những thực tế đáng lo ngại bằng hai ví dụ về cao huyết áp và tiểu đường loại 2. Cả hai bệnh này đều liên quan đến gen và hiếm gặp trong các điều kiện của lối sống truyền thống, nhưng lại có thể gây chết người trong điều kiện lối sống Tây phương hóa. Nhiều cá nhân hiện đại đã suy nghĩ về những thực tế này, thay đổi lối sống của họ theo đó và nhờ vậy, kéo dài tuổi thọ cũng như cải thiện chất lượng cuộc sống. Do đó, nếu những căn bệnh này giết chết chúng ta, thì đó là do chúng ta cho phép chúng.
Cuối cùng, Lời kết khép lại vòng tròn hoàn chỉnh từ cảnh sân bay Port Moresby nơi mà Lời mở đầu của tôi bắt đầu. Chỉ cho đến khi hạ cánh ở sân bay Los Angeles, tôi mới bắt đầu quá trình hồi tưởng đầy cảm xúc của mình ở Mỹ, sau nhiều tháng ở New Guinea. Mặc cho sự khác biệt đáng kể giữa Los Angeles và những cánh rừng New Guinea, đa phần thế giới cho đến ngày hôm qua vẫn còn sống trong cơ thể chúng ta và trong xã hội chúng ta. Những thay đổi lớn mới chỉ bắt đầu cách đây 11.000 năm ở những nơi đầu tiên trên thế giới chúng xuất hiện, bắt đầu mới chỉ vài thập niên trước ở những vùng đông dân cư của New Guinea và chỉ vừa bắt đầu ở vài vùng còn lại chưa được kết nối tới ở New Guinea và Amazon. Tuy nhiên, đối với chúng ta, những người lớn lên trong các xã hội nhà nước hiện đại, các điều kiện sống hiện đại quá phổ biến và quá dễ dàng có được khiến chúng ta chú ý đến những khác biệt căn bản của các xã hội truyền thống trong những chuyến đi ngắn đến các xã hội này. Do đó Lời kết mở đầu bằng cách điểm lại một số những khác biệt trên vì chúng gây ngạc nhiên cho tôi khi hạ cánh ở sân bay Los Angeles và vì chúng gây ngạc nhiên cho những đứa trẻ châu Mỹ, hoặc dân làng New Guinea và châu Phi, những người vốn lớn lên ở các xã hội truyền thống, sau đó chuyển đến phương Tây khi ở tuổi vị thành niên hoặc đã trưởng thành. Tôi dành tặng cuốn sách này cho một người bạn như vậy, Meg Taylor (phu nhân Meg Taylor), người lớn lên ở Cao nguyên New Guinea và dành nhiều năm ở Hoa Kỳ với vai trò là Đại sứ New Guinea và với vai trò Phó Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới. Phần cuối cuốn sách sẽ tóm tắt ngắn gọn những trải nghiệm của bà.
Các xã hội truyền thống đại diện cho hàng ngàn những cuộc thử nghiệm tự nhiên về cách tổ chức cuộc sống của loài người kéo dài hàng thiên niên kỷ. Chúng ta không thể lặp lại những thí nghiệm đó bằng cách tái thiết hàng ngàn xã hội ngày nay để chờ hàng thập kỷ và quan sát kết quả; chúng ta phải học từ những xã hội đã trải qua thử nghiệm. Một số đặc trưng của đời sống truyền thống, mà chúng ta học khiến chúng ta cảm thấy nhẹ nhõm vì đã loại bỏ được và giúp chúng ta trân trọng xã hội của chính chúng ta hơn. Các đặc trưng khác có thể khiến chúng ta ghen tị, hoặc nuối tiếc vì đã mất đi, hoặc tự hỏi chúng ta có thể lựa chọn và áp dụng đối với chúng ta hay không. Ví dụ, chúng ta chắc chắn sẽ ghen tị với việc các xã hội truyền thống không tồn tại các căn bệnh không truyền nhiễm liên quan đến lối sống Tây phương hóa. Khi chúng ta biết về cách giải quyết mâu thuẫn, nuôi dạy con cái, đối xử với người già, cảnh giác trước mối nguy hiểm và hiện tượng đa ngôn ngữ thông thường trong truyền thống, chúng ta cũng có thể nhận ra rằng một số đặc trưng truyền thống rất hay và có khả năng áp dụng.
Tóm lại, tôi mong rằng các bạn sẽ chia sẻ mối quan tâm của tôi về những cách thức khác biệt mà các giống người khác tổ chức cuộc sống của họ. Ngoài mối quan tâm đó, các bạn có thể cân nhắc về một số yếu tố rất có ích cho họ cũng có thể có ích cho cá nhân bạn hoặc cho cả xã hội chúng ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.