Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

PHẦN 1: DÀN DỰNG SÂN KHẤU BẰNG CÁCH CHIA NHỎ KHÔNG GIAN – CHƯƠNG 1: BẠN BÈ, KẺ THÙ, NGƯỜI LẠ VÀ THƯƠNG NHÂN



Biên giới
– Lãnh thổ không dùng chung
– Sử dụng đất chung.
– Bạn hữu, kẻ thù và người lạ.
– Những lần tiếp xúc đầu tiên.
– Thương mại và thương nhân Kinh tế thị trường.
– Các hình thức thương mại truyền thống
– Hàng hóa giao thương truyền thống.
– Ai buôn bán cái gì.
– Các quốc gia tí hon
Biên giới
Ở phần lớn thế giới ngày nay, công dân nhiều nước có thể đi lại tự do mà không gặp phải các hạn chế. Khi đi qua biên giới vào một nước khác, chúng ta đến mà không cần báo trước và chỉ cần đưa ra hộ chiếu, hoặc chúng ta phải xin visa trước nhưng sau đó có thể đi lại mà không gặp trở ngại nào ở đất nước đó. Chúng ta không phải xin giấy phép để đi lại trên đường hoặc các khu vực công cộng. Luật lệ của một số nước thậm chí còn đảm bảo quyền tiếp cận các khu vực tư nhân. Ví dụ, ở Thụy Điển người sở hữu đất có thể cấm công chúng không được vào cánh đồng hoặc khu vườn của ông ta nhưng khu rừng thì không. Chúng ta gặp hàng ngàn người lạ hàng ngày và không nghĩ gì về điều đó. Tất cả những quyền lợi này được chúng ta xem là hiển nhiên mà không hề nghĩ rằng việc đó khó tưởng đến thế nào ở hầu như khắp nơi trên thế giới trong suốt lịch sử loài người và ở nhiều phần trên thế giới ngày nay. Tôi sẽ trình bày các điều kiện truyền thống về quyền tiếp cận đất đai bằng kinh nghiệm của mình khi đi đến một làng vùng núi ở New Guinea. Các điều kiện truyền thống đó đặt nền tảng cho việc hiểu được chiến tranh và hòa bình, tuổi thơ và tuổi già, các mối hiểm nguy và tất cả những đặc tính khác của các xã hội truyền thống mà chúng ta sẽ khám phá trong phần còn lại của cuốn sách này.
Tôi đến khu làng này để khảo sát về các loài chim ở dải núi phía nam. Vào ngày thứ hai trong chuyến đi, vài dân làng đề nghị dẫn tôi đi dọc theo một đường mòn lên đỉnh núi, nơi tôi đặt trại nghiên cứu của mình. Đường mòn này đi qua các khu vườn trong làng, sau đó dẫn qua khu rừng nguyên sinh cao. Sau một tiếng rưỡi leo dốc, chúng tôi đi ngang qua một căn chòi bỏ hoang ở giữa một khu vườn nhỏ rậm rạp ngay phía dưới sườn núi, tại đó đường dẫn lên núi của chúng tôi chấm dứt ở một khúc giao chữ T. Bên phải khúc giao, một đường khác khá đẹp tiếp tục dọc theo sườn núi.
Vài trăm ki-lô-mét dọc theo đường mòn đó, tôi chọn khu đặt trại ngay phía bắc sườn núi, nói cách khác chính là bên hông khu làng miền núi của những người bạn mới này. Theo hướng ngược lại, về phía nam đường mòn và sườn núi, ngọn núi đổ dốc thoai thoải xuống những khu rừng cao trải rộng đến một đường rãnh, nơi tôi có thể nghe thấy tiếng suối từ bên dưới. Tôi sung sướng tìm được một nơi đẹp và thuận tiện như vậy, ở đỉnh cao nhất khu vực và do đó có cơ hội tốt nhất để xác định các loài chim sống ở vùng cao, có nơi tiếp cận dễ dàng đến vùng bằng phẳng phù hợp để quan sát chim, cũng như gần nguồn nước để uống, nấu nước, giặt giũ và tắm rửa. Và tôi cũng đề nghị với những người bạn đồng hành rằng, vào ngày hôm sau, tôi sẽ đi lên phía trên khu trại này và ở đó vài đêm cùng hai người khác để tìm kiếm chim và cắm trại.
Các bạn tôi gật đầu đồng ý cho đến khi tôi đề cập đến việc hai người ở lại trại với tôi. Vào lúc đó, họ lắc đầu và quả quyết rằng đây là khu vực nguy hiểm, rằng trại của tôi phải được bảo vệ bởi nhiều người có vũ trang. Thật là một viễn cảnh không vui vẻ gì đối với một nhà quan sát chim! Nếu xuất hiện nhiều người, chắc chắn họ sẽ gây ra tiếng ồn, nói chuyện liên tục và khiến lũ chim sợ bay mất. Tôi hỏi, tại sao tôi phải cần đội hộ tống lớn như vậy và khu rừng xinh đẹp, trông có vẻ hiền lành này có gì nguy hiểm đến vậy?
Câu trả lời được đưa ra ngay lập tức: ở chân núi phía bên kia (phía nam sườn núi) là làng của những người xấu được biết đến là người vùng sông nước, kẻ thù của các bạn tôi ở vùng núi. Người vùng sông nước giết người vùng núi chủ yếu bằng thuốc độc và yêu thuật, không phải bằng việc đánh nhau công khai với vũ khí. Tuy nhiên, ông cố của một thanh niên vùng núi đã bị bắn chết bởi những mũi tên khi đang ngủ trong căn lều đặt tại khu vườn ông cách xa khu làng trên núi. Người cao tuổi nhất có mặt trong buổi nói chuyện của chúng tôi nhớ lại rằng khi còn là một đứa trẻ, ông đã thấy xác của ông cố với những mũi tên còn cắm trên người sau khi ông được mang trở lại ngôi làng, và không quên cảnh người ta đã khóc lóc bên xác ông cố cũng như nỗi sợ của chính ông.
Tôi hỏi, liệu chúng tôi có “quyền” cắm trại ở sườn núi không? Người miền núi trả lời rằng chính đường sườn núi là biên giới giữa lãnh thổ của họ về phía bắc sườn núi và lãnh thổ của người miền sông nước xấu xa ở triền núi phía nam. Tuy nhiên, người miền sông nước cũng tuyên bố sở hữu một phần đất của người miền núi vượt qua đường sườn núi về phía bắc. Bạn tôi hỏi liệu tôi có nhớ ngôi lều bỏ hoang và khu vườn rậm rạp chỉ ngay phía dưới đường sườn núi không? Ngôi lều và khu vườn đó do người miền sông nước xấu xa lập nên như một cách để khẳng định tuyên bố của họ đối vùng đất ở phía bắc cũng như phía nam đường sườn núi.
Nhờ những kinh nghiệm không mấy vui vẻ trước kia của tôi về việc xâm nhập lãnh thổ đã công nhận ở New Guinea, tôi nhận ra rằng tốt hơn là nên cẩn trọng trong tình huống này. Dù sao đi nữa, bất kể tôi tự đánh giá mối nguy hiểm này như thế nào, người miền núi cũng không để tôi cắm trại trên sườn núi đó khi không có đội hộ tống hùng hậu. Họ yêu cầu tôi phải được đi kèm với 12 người đàn ông và tôi đáp lại với đề nghị chỉ 7 người. Chúng tôi rốt cuộc “thỏa hiệp” giữa 12 và 7: đến khi trại của chúng tôi được dựng xong, tôi đếm có khoảng 20 người đàn ông trong trại, tất cả đều được trang bị cung và tên, có cả phụ nữ để nấu nướng, đi lấy nước và củi lửa. Hơn nữa, tôi bị cảnh báo không nên bước ra khỏi con đường mòn dọc sườn núi dẫn đến khu rừng hấp dẫn ở triền núi thoai thoải phía nam. Khu rừng đó đã thuộc về người miền sông nước và sẽ rắc rối lớn nếu tôi bị bắt khi đi vào đó, dù chỉ là để quan sát chim. Cũng vậy, phụ nữ miền núi trong trại của chúng tôi không thể lấy nước từ khe nước gần đó ở triền núi phía nam, vì điều đó không chỉ là xâm nhập mà còn là lấy đi những tài nguyên có giá trị, từ đó có thể đền bù nếu vấn đề đó được giải quyết bằng cách hữu nghị. Thay vào đó, hàng ngày họ phải đi ngược lại toàn bộ chặng đường đến ngôi làng và mang các thùng chứa nước 20 lít ngược lên 1.500 feet7 đường núi cho trại chúng tôi.
Vào sáng ngày thứ hai ở trại, một sự kiện hú tim đã dạy cho tôi rằng quan hệ lãnh thổ giữa người miền núi và miền sông nước phức tạp hơn những tuyên bố rõ ràng trắng đen về sự loại trừ lẫn nhau hoàn toàn ở vùng đất của mỗi bên. Cùng với một người đàn ông miền núi, tôi đi ngược lại đến khúc giao hình chữ T của đường mòn và đi tiếp về bên trái dọc theo đường sườn núi để dọn sạch một đường mòn cũ kỹ rậm rạp. Bạn đồng hành miền núi của tôi không có vẻ lo lắng về sự có mặt của chúng tôi ở đây và tôi nghĩ rằng, kể cả nếu người miền sông nước thấy chúng tôi ở đây, họ không được phép phản đối hành động của chúng tôi ở đường sườn núi miễn là chúng tôi không lấn sang phía của họ. Tuy nhiên sau đó, chúng tôi nghe tiếng người đang lên núi từ phía nam. Uh-ho! Người miền sông nước! Nếu họ tiếp tục tiến lên núi đến đường sườn núi và khúc giao chữ T, họ sẽ nhận ra các dấu hiệu của việc dọn dẹp đường mòn mới diễn ra và lần theo chúng tôi, chúng tôi sẽ bị bắt ở đây, họ có thể cho là chúng tôi xâm phạm vào lãnh thổ của họ và ai mà biết được họ sẽ làm gì.
Tôi lắng nghe đầy vẻ lo lắng và cố gắng theo sát những chuyển động của tiếng người và ước tính vị trí của họ. Đúng vậy, họ thật sự đang đi lên hướng đến đường sườn núi từ phía của họ. Hiện giờ, họ đã phải có mặt ở khúc quanh chữ T, nơi họ không thể không thấy các dấu hiệu của con đường mòn sạch sẽ. Liệu họ có đuổi theo chúng tôi không? Tôi tiếp tục theo sát những giọng người khi chúng có vẻ như lớn dần, át tiếng tim đập nhói lên trong tai tôi. Tuy nhiên sau đó, những giọng nói này không tiến đến nữa mà đang xa dần. Có phải họ đang trở lại phía nam và làng của người miền sông nước? Không! Họ đang đi xuống phía bắc hướng đến làng người miền núi của chúng tôi! Không thể nào! Đó có phải là một cuộc tấn công đột kích? Nhưng có vẻ như chỉ có hai hoặc ba giọng người và họ lại đang nói lớn: không phải là thứ người ta chờ đợi từ một nhóm tập kích lén lút.
Người bạn đồng hành giải thích, không có gì phải lo lắm; mọi việc vẫn ổn. Người miền núi chúng tôi (anh ta nói) công nhận việc người miền sông nước được đi xuống con đường mòn một cách hòa bình đến làng chúng tôi và rồi đi từ đó đến bờ biển để mua bán. Người miền sông nước không được phép rời khỏi đường mòn để tìm kiếm thức ăn hoặc chặt gỗ, nhưng đi trên đường mòn thì được. Hơn nữa, có hai người đàn ông miền sông nước đã kết hôn với phụ nữ miền núi và chuyển đến định cư ở làng miền núi. Điều đó có nghĩa là, không chỉ là sự thù ghét thuần túy giữa hai nhóm, mà thay vào đó là một thỏa thuận căng thẳng. Một số điều được cho phép và những điều khác bị cấm theo sự đồng thuận chung, trong khi những điều khác (như chủ quyền đất ở ngôi lều và khu vườn bỏ hoang) vẫn còn đang tranh cãi.
Hai ngày sau, tôi không hề nghe thấy giọng nói người miền sông nước gần đó một lần nào nữa. Tôi vẫn chưa thấy một người miền sông nước nào và không hề biết họ trông ra sao và ăn mặc thế nào. Tuy nhiên, ngôi làng của họ đủ gần nên có một lần tôi nghe thấy tiếng trống trong làng đó vọng lên từ lưu vực sông phía nam cùng lúc tôi có thể nghe loáng thoáng tiếng hét ở xa phía dưới từ ngôi làng miền núi trên lưu vực phía bắc. Khi người dẫn đường miền núi và tôi đi bộ ngược lại phía cắm trại, chúng tôi trêu đùa nhau về việc mình sẽ làm gì với một người miền sông nước nếu chúng tôi bắt được một người ở đây. Bất ngờ, ngay khi chúng tôi vòng qua một khúc quanh ở đường mòn và sắp đến trại, người chỉ đường của tôi ngừng nói đùa, đưa tay anh ta che miệng tôi và cảnh báo tôi bằng một giọng trầm, “Sh-h-h! Người miền sông nước!”
Ở nơi đó, trong trại chúng tôi, là một nhóm những người đồng hành miền núi quen thuộc đang nói chuyện với sáu người tôi chưa từng thấy bao giờ: ba người đàn ông, hai phụ nữ và một trẻ em. Ở đó, cuối cùng thì tôi cũng đã thấy những người miền sông đáng sợ! Họ không phải là những con quái vật nguy hiểm mà tôi tưởng tượng trong vô thức, mà là những người New Guinea dáng vẻ bình thường, không khác với những người miền núi đang trò chuyện với họ. Đứa trẻ miền sông nước và hai người phụ nữ hoàn toàn không đáng sợ. Ba người đàn ông mang theo cung và tên (cũng như tất cả đàn ông miền núi) nhưng lại mặc áo thun ngắn tay và trông không giống như trang phục chiến đấu. Cuộc trò chuyện giữa người miền sông nước và miền núi có vẻ thân thiện và không căng thẳng. Hóa ra là nhóm người sông nước này đang đi xuống bờ biển và cố tình đến thăm trại chúng tôi, có lẽ chỉ để đảm bảo rằng ý định hòa bình của họ không bị hiểu lầm và chúng tôi không tấn công họ.
Đối với người miền núi và miền sông nước, chuyến viếng thăm này là một hoạt động bình thường trong mối quan hệ phức tạp trải rộng ở nhiều hành vi: hiếm hoi, các vụ giết người bí mật; thường xuyên hơn, các vụ giết người được tin là bằng thuốc độc hoặc yêu thuật; quyền qua lại được công nhận khi làm một số điều (như tạm đi ngang qua để đến bờ biển và viếng thăm xã giao) nhưng không phải là những điều khác (như tìm kiếm thức ăn, gỗ và nước khi đi ngang qua); mâu thuẫn về những vấn đề khác (như căn lều và khu vườn kia) mà thỉnh thoảng bùng lên bạo lực; việc kết hôn qua lại với tần suất bằng với các vụ giết người bí mật (cứ mỗi vài thế hệ). Tất cả những việc này giữa hai nhóm người mà với tôi không khác biệt về vẻ bề ngoài, nói những loại ngôn ngữ tuy khác biệt nhưng có liên hệ, hiểu được ngôn ngữ của nhau, mô tả lẫn nhau bằng những từ vốn chỉ được dành cho các giống mọi rợ xấu xa và xem nhóm còn lại là những kẻ thù tồi tệ nhất.
Những lãnh thổ không dùng chung
Theo lý thuyết, quan hệ không gian giữa các xã hội láng giềng truyền thống có thể bao gồm một tập hợp rất nhiều loại, từ một thái cực là loại lãnh thổ riêng biệt không chồng lấn với những ranh giới được canh gác và không dùng chung, đến hình thức lãnh thổ được tiếp cận tự do đối với mọi người từ mọi nơi và không lãnh thổ nào được thừa nhận ở thái cực còn lại. Có lẽ không xã hội nào lại theo đuổi đầy đủ cả hai thái cực này, dù một số đã tiến gần đến thái cực đầu tiên. Ví dụ, những người bạn miền núi mà tôi vừa kể không cách thái cực này quá xa: họ có những ranh giới xác định để tuần tra, họ khẳng định tuyên bố độc quyền với những tài nguyên trong lãnh thổ của họ và cho phép người ngoài tiếp cận chỉ để đi ngang qua và vì các vụ hôn nhân xuyên lãnh thổ hiếm hoi.
Các xã hội khác tiến đến thái cực lãnh thổ độc chiếm bao gồm người Dani của thung lũng Baliem phía tây Cao nguyên New Guinea, người Iñupiat (một nhóm người Inuit)8 ở Tây Bắc Alaska, người Ainu phía bắc Nhật Bản, người Yolngu (nhóm Dân bản địa ở vùng Arnhem Land ở Tây Bắc úc), thổ dân Da đỏ Shoshone ở thung lũng Owens, California, thổ dân Da đỏ Yanomamo ở Brazil và Venezuela. Ví dụ, người Dani làm thủy lợi và canh tác các khu vườn vốn được tách biệt khỏi những khu vườn của nhóm Dani liền kề bằng khu đất không có vườn và vô chủ. Mỗi nhóm xây dựng một hàng tháp canh bằng gỗ cao đến gần 10m về phía của họ ở vùng đất không thuộc sở hữu riêng, với một cái bệ trên cùng đủ lớn cho một người ngồi. Gần như cả ngày, người ta thay phiên nhau quan sát từ mỗi tháp canh, trong khi những người khác ngồi ở chân tháp để bảo vệ tháp và người quan sát, người này bao quát khu vực để tìm ra những kẻ thù đang tiếp cận lén lút và báo động trong trường hợp bị tấn công bất ngờ.
Một ví dụ khác, người Iñupiat của Alaska gồm 10 nhóm với các lãnh thổ không dùng chung. Người từ một vùng lãnh thổ bị bắt khi đi vào vùng lãnh thổ khác theo lệ sẽ bị giết nếu họ không chứng minh được mình có quan hệ với chủ nhân lãnh thổ đó, người đã bắt họ. Hai lý do thường xuyên nhất cho việc xâm nhập là những thợ săn vượt qua ranh giới khi mải miết đuổi theo tuần lộc và thợ săn hải cẩu trên tảng băng bị đứt gãy và trôi dạt khỏi đất liền. Trong trường hợp thứ hai, nếu tảng băng sau đó trôi ngược lại bờ và đưa người thợ săn đến vùng lãnh thổ khác, họ sẽ bị giết. Đối với chúng ta những người không phải người Iñupiat, điều đó có vẻ bất công một cách tàn nhẫn: những người thợ săn tội nghiệp đã phải gánh lấy rủi ro lớn khi bị đẩy đi trên một tảng băng trôi, họ gặp xui xẻo khi tảng băng đứt gãy, sau đó họ gặp rủi ro chết người nếu bị chìm hoặc trôi ra biển, giờ đây họ thật may mắn nếu sau đó được trôi lại vào bờ, họ không hề có ý định xâm nhập mà chỉ bị đưa đến một cách không chủ đích bởi dòng nước – nhưng họ vẫn bị giết ngay khi được cứu khỏi chết chìm hoặc trôi dạt ra đại dương. Nhưng đó là luật lệ trong cuộc sống của người Iñupiat. Tuy nhiên, tính loại trừ lãnh thổ của người Iñupiat không phải tuyệt đối: người ngoài thỉnh thoảng được phép đi vào lãnh thổ vì lý do đặc biệt như hội chợ hè, hoặc đi ngang qua lãnh thổ vì lý do đặc biệt khác như viếng thăm hoặc tấn công một nhóm ở xa sống bên ngoài rìa của vùng lãnh thổ được đi ngang qua.
Khi chúng tôi thu thập ví dụ về các xã hội (như những người bạn miền núi của tôi, người Dani, và người Iñupiat) đang tiến về thái cực lãnh thổ được bảo vệ không dùng chung, chúng tôi khám phá ra rằng kết quả đó hình thành từ sự kết hợp bốn điều kiện. Đầu tiên, lãnh thổ được bảo vệ đòi hỏi dân số đủ lớn và đủ đông để người ta có thể có dư người dành thời gian chỉ để canh gác lãnh thổ, nhờ đó người dân đó không cần phải trông cậy mọi người phải thi thoảng canh chừng kẻ xâm nhập khi đang trong cuộc mưu sinh hằng ngày. Thứ hai, lãnh thổ loại trừ đòi hỏi môi trường có năng suất cao, ổn định và tiên đoán được mà ở đó người chủ sở hữu lãnh thổ có thể tin tưởng thường xuyên tìm được hầu hết hoặc tất cả tài nguyên cần thiết, như thế họ hiếm khi hoặc không bao giờ phải đi ra ngoài lãnh thổ của mình. Thứ ba, lãnh thổ phải chứa một số tài nguyên cố định quý giá hoặc những cải tiến tư bản đáng để bảo vệ và hy sinh, như những khu vườn năng suất cao, những vườn cây ăn trái, đập cá hoặc mương thủy lợi vốn đòi hỏi nhiều nỗ lực xây dựng và duy trì. Cuối cùng, trạng thái thành viên của nhóm phải tương đối ổn định và các nhóm láng giềng phải thật khác biệt, ít có sự di cư giữa các nhóm – ngoại lệ chủ yếu là việc di chuyển của những thanh niên chưa kết hôn (phụ nữ thường nhiều hơn đàn ông) rời nhóm sinh thành để kết hôn ở một nhóm khác.
Chúng tôi có thể quan sát được bốn điều kiện này phù hợp đến mức nào ở các nhóm tôi vừa đề cập là tiến đến thái cực lãnh thổ độc chiếm và ranh giới được bảo vệ. Những người bạn miền núi New Guinea của tôi đầu tư nhiều vào các khu vườn quanh năm, lợn và cánh rừng của họ, những nơi mà theo truyền thống họ sẽ gặt hái tất cả những thứ họ cần. Dọn rừng và trồng vườn rất tốn sức lao động với họ, và thậm chí còn tốn nhiều hơn nữa đối với những người Dani ở phía tây New Guinea, họ phải đào và duy trì hệ thống mương chằng chịt để cấp nước và rút nước cho khu vườn. Người Iñupiat và Ainu chiếm đóng những vùng lãnh thổ quanh năm dồi dào nguồn tài nguyên biển là cá nước mặn, hải cẩu, cá heo và chim biển, cá nước ngọt, chim nước và các vùng trong đất liền với động vật có vú trên cạn để săn bắt. Tương tự, người Yolngu của vùng Arnhem Land sống trong những khu dân cư đông đúc được hình thành bởi sự kết hợp của những tài nguyên biển và đất liền năng suất cao. Thổ dân da đỏ Shoshone của thung lũng Owens là người săn bắt – hái lượm sống ở mật độ tương đối cao trong vùng nước nhiều cho phép họ tưới đất và gia tăng sản lượng hạt cỏ dại ăn được và mang lại những vụ thu hoạch trái thông có thể dự trữ được. Trữ lượng thức ăn, vườn thông, hệ thống tưới tiêu rất đáng bảo vệ và cũng có đủ người Shoshone của thung lũng Owens để bảo vệ chúng. Cuối cùng, thổ dân da đỏ Yanomamo duy trì việc trồng cây cọ đào và cây mã đề giúp cung cấp lương thực cho nhiều năm và đang được được bảo vệ.
Ở những vùng có dân số đặc biệt lớn và đông đúc như những vùng của người Dani và người Nuer ở Sudan, không chỉ có những nhóm riêng biệt với lãnh thổ riêng cho từng nhóm, mà các nhóm lãnh thổ đó cũng được chia thành các hệ thống cấp bậc với ba cấp hoặc hơn. Những hệ thống thứ bậc đó nhắc chúng ta về cách tổ chức thứ bậc liên quan đến đất đai, con người và sự kiểm soát chính trị vốn quen thuộc với chúng ta ở các xã hội nhà nước hiện đại, bắt đầu với mảnh đất xây nhà cá nhân, rồi kết hợp lại thành thành phố, hạt, bang rồi đến chính quyền quốc gia. Ví dụ, người Nuer, có khoảng 200.000 người trong diện tích 30.000 dặm9 vuông, được chia thành các bộ tộc với từ 7.000 đến 42.000 người trong mỗi bộ tộc, mỗi bộ tộc lại được chia và chia nhỏ hơn nữa thành các tiểu tộc cấp một, cấp hai và cấp ba, xuống đến các ngôi làng có khoảng 50 đến 700 người và cách nhau từ 9 đến 32km. Đơn vị càng nhỏ và càng thấp trong hệ thống cấp bậc, càng có ít xung đột về ranh giới và những vấn đề khác, họ hàng và bạn bè càng chịu áp lực phải liên kết với những bên xung đột để giải quyết mâu thuẫn nhanh chóng và không bạo lực đồng thời càng khó có ẩu đả xảy ra. Ví dụ, người Nuer chịu rất ít hạn chế trong cách ứng xử với các bộ tộc Dinka láng giềng: họ thường xuyên tấn công người Dinka, cướp gia súc Dinka, giết đàn ông Dinka, bắt một số phụ nữ và trẻ em Dinka làm tù binh và giết những người khác. Tuy nhiên, những cuộc chiến của người Nuer chống lại các tộc Nuer khác chỉ gồm vài cuộc tấn công thưa thớt, giết một vài người đàn ông và không giết hoặc bắt cóc phụ nữ, trẻ em.
Sử dụng đất chung
Thái cực trái ngược của ít hoặc không hề độc chiếm hiện diện ở các điều kiện là đảo ngược của các điều kiện có sự độc chiếm. Một điều kiện như vậy là dân số nhỏ và thưa thớt khiến việc tuần tra (thay vì thỉnh thoảng trông chừng những kẻ xâm nhập khi đang làm việc khác) trở nên bất khả thi. Ví dụ, một xã hội chỉ có một gia đình duy nhất không thể kham nổi việc tuần tra liên tục, vì xã hội này không thể để người đàn ông trưởng thành duy nhất ngồi cả ngày ở đỉnh tháp canh. Điều kiện thứ hai liên quan đến năng suất thấp, đất đai khó canh tác và môi trường biến động với tài nguyên ít ỏi và không thể dự đoán, như vậy bất kỳ lãnh thổ nào người ta có thể tuyên bố chủ quyền sẽ thường (vì một số lý do hoặc trong một năm không thuận lợi) không có những tài nguyên cần thiết, từ đó định kỳ người ta sẽ phải tìm kiếm tài nguyên ở lãnh thổ của một nhóm khác và ngược lại. Thứ ba, không cần phải đánh cược tính mạng để bảo vệ vùng lãnh thổ không có gì đáng để hy sinh: nếu lãnh thổ đó bị tấn công, tốt hơn là nên di chuyển đến nơi khác. Cuối cùng, các vùng lãnh thổ có khả năng dùng chung nếu quyền thành viên nhóm linh động và nếu các thành viên nhóm thường viếng thăm hoặc chuyển sang nhóm khác. Dù sao việc ngăn chặn một nhóm nào đó sẽ không có nghĩa lý gì khi nửa số thành viên của nhóm đó là những người viếng thăm hoặc chuyển đến từ nhóm của chính bạn.
Tuy nhiên, hình thức phân chia đất đai thông thường trong những điều kiện của tình trạng không độc chiếm không phải là thái cực mở cho tất cả mà bất kỳ ai cũng có thể làm bất cứ việc gì ở bất cứ nơi đâu. Thay vì vậy, vẫn là tình cảnh mà mỗi nhóm xác định một khu vực cốt lõi cụ thể. Các xã hội không độc chiếm khác với các xã hội độc chiếm ở chỗ, thay vì vùng đất không thuộc sở hữu của bất cứ ai vốn được phân định rõ ràng bởi các tháp canh của người Dani, các ranh giới được công nhận không hề tồn tại và quyền sở hữu đất ngày càng trở nên mờ nhạt vì người ta ngày càng di chuyển ra xa khỏi khu vực cốt lõi. Một điểm khác biệt khác nữa của xã hội không độc chiếm so với xã hội độc chiếm là các nhóm láng giềng được phép đi lại trong vùng lãnh thổ của bạn thường xuyên hơn với nhiều mục đích khác nhau hơn – đặc biệt là để lấy thức ăn và nước vào một số mùa hoặc trong một số năm. Cũng vậy, bạn có thể dễ dàng được phép đi đến lãnh thổ láng giềng khi bạn cần, do đó sự dàn xếp này trở thành một giao dịch dựa trên sự qua lại và lợi ích chung.
Một ví dụ về quyền sở hữu đất không loại trừ được trình bày chi tiết là những người!Kung săn bắt – hái lượm của vùng Nyae Nyae thuộc Sa mạc Kalahari. Khi được nghiên cứu vào những năm 1950, họ gồm 19 nhóm với 8-42 người/nhóm, mỗi nhóm với “lãnh thổ” riêng (gọi là n!ore) rộng từ 100 đến 250 dặm vuông. Tuy nhiên, biên giới giữa các n!ore không rõ ràng: khi các nhà nhân học và những người!Kung cung cấp thông tin đi cùng nhau từ trại của những người cung cấp thông tin này đến n!ore tiếp theo, những người cung cấp thông tin càng lúc càng không chắc chắn, hoặc càng bất đồng với nhau về việc họ đang đứng ở n!ore nào khi đi xa hơn khỏi trung tâm n!ore của họ. Không có tháp canh hoặc đường mòn sườn núi nào để đánh dấu ranh giới giữa các n!ore.
N!ore của người!Kung không bị độc chiếm vì việc chia sẻ tài nguyên của n!ore rất cần thiết và khả thi. Việc chia sẻ tài nguyên là cần thiết vì nước ở sa mạc Kalahari rất hiếm hoi và mỗi nhóm cần phải dành đa số thời gian ở gần nguồn nước. Tuy nhiên, cũng có những biến động không thể dự đoán được về lượng mưa giữa các năm. Nhiều nguồn nước trong vùng cạn đi trong mùa khô. Chỉ hai nguồn nước trong vùng không bao giờ biến mất trong giai đoạn nghiên cứu; 3 hồ khác thường có nước quanh năm dù có cạn trong một vài năm nhất định; 5 hồ nữa chỉ thỉnh thoảng có nước trong mùa khô; và 50 hồ có nước theo mùa và luôn khô hạn vào các mùa khác. Do đó trong mùa khô, có đến 200 người từ nhiều nhóm tụ tập ở một nguồn nước lâu dài với sự cho phép của các chủ sở hữu, những người chủ này rồi lại được phép đi đến và sử dụng tài nguyên của các n!ore khác khi những nơi đó có nguồn tài nguyên dồi dào. Do đó, nhu cầu về nước đòi hỏi người!Kung phải có các vùng lãnh thổ không độc chiếm: không có ý nghĩa gì khi tuyên bố độc quyền sử dụng một vùng nếu vùng đó có thể cạn nước và do đó trở nên vô dụng. Trái lại, mức độ dư thừa rất lớn một số tài nguyên theo mùa cho phép dùng chung: không có nghĩa gì khi gây hấn với những liên minh có thể sẽ hữu ích trong tương lai bằng cách ngăn họ vào lãnh thổ của bạn khi vùng đất đó đang tạo ra nhiều thức ăn hơn cần thiết. Điều đó đặc biệt đúng với loại lương thực là hạt mongongo, đậu và dưa theo mùa.
Có thể cho rằng, bất kỳ ai từ bất kỳ nhóm nào ở vùng Nyae Nyae cũng có thể săn bắt ở mọi nơi, kể cả bên ngoài n!ore của nhóm người đó. Tuy nhiên, nếu bạn giết một con thú bên ngoài n!ore của mình, bạn cần phải tặng quà là thịt thú nếu gặp phải một thành viên của nhóm sở hữu n!ore đó. Mặc dù vậy, sự tự do ra vào để săn bắt đó không áp dụng cho những thợ săn!Kung từ những vùng xa xôi hơn. Nhìn chung, các nhóm!Kung láng giềng có thể sẵn sàng cho phép nhau sử dụng n!ore của mình vào các mục đích khác, như lấy nước, hạt mongongo, đậu và dưa – nhưng trước tiên, họ phải xin phép và phải có nghĩa vụ đối ứng sau đó bằng cách cho phép những người bản địa đến n!ore của họ. Cuộc chiến có thể nổ ra nếu họ không xin phép. Các nhóm ở xa hơn phải đặc biệt cẩn thận khi xin phép và cần giới hạn khoảng thời gian cũng như số người tiếp cận. Những người ngoài không có quan hệ huyết thống và hôn nhân được công nhận với những người sở hữu n!ore đó không thể tiếp cận. Do đó, các lãnh thổ dùng chung chắc chắn không có nghĩa là tự do cho tất cả mọi người.
Quyền sử dụng đất và tài nguyên, cho dù độc chiếm hay không, bao hàm khái niệm quyền sở hữu. Ai sở hữu n!ore của một nhóm!Kung? Câu trả lời là k’ausi của nhóm đó, nghĩa là một nhóm nòng cốt gồm những người già hoặc nếu không thì là một người già trong những người đã sống ở khu vực đó lâu nhất. Tuy nhiên, thành phần của nhóm lại linh hoạt và thay đổi hằng ngày, vì người ta thường đi thăm họ hàng ở các n!ore khác, đi theo mùa đến những n!ore có nguồn nước hoặc thức ăn dồi dào, một số người còn thay đổi nhóm mãi mãi vì nhiều lý do, và một chú rể mới cùng với những người phụ thuộc anh ta (cha mẹ già, người vợ đầu tiên và những đứa con nếu anh ta đang lấy người vợ thứ hai) có thể sống với nhóm của người vợ mới trong khoảng một thập niên cho đến khi anh ta và người vợ mới sinh thêm vài đứa con. Do đó, nhiều người!Kung dành nhiều thời gian ở bên ngoài hơn là tại n!ore của họ. Trong một năm, trung bình 13% dân số chuyển khu sinh sống mãi mãi từ trại này sang trại khác và 35% dân số phân chia thời gian sinh sống bằng nhau giữa hai hoặc ba trại. Trong những điều kiện đó, chỉ một phần nào dân số của nhóm ở n!ore láng giềng là người của chính nhóm đó; họ không phải là lũ mọi rợ xấu xa với hình thức chuyển dịch duy nhất giữa các nhóm là hai cuộc hôn nhân khác nhóm trong vài thế hệ như trường hợp những người bạn miền núi New Guinea của tôi. Bạn sẽ không ứng xử độc chiếm cứng rắn với những tài nguyên của mình khi nhiều “người xâm nhập” thực ra lại là anh em ruột và họ hàng, hay những đứa con trưởng thành và cha mẹ cao tuổi của bạn.
Một miêu tả thú vị khác về lãnh thổ dùng chung có liên quan đến người Shoshone vùng Đại bồn địa ở Bắc Mỹ, họ là người châu Mỹ bản địa thuộc cùng nhóm ngôn ngữ với người Shoshone ở thung lũng Owens mà tôi đã đề cập trong mô tả về lãnh thổ độc chiếm. Những người anh em Đại bồn địa của họ khác họ về cách sử dụng đất vì những khác biệt môi trường. Trái với đất đai thung lũng Owens đầy đủ nước, phù hợp để làm thủy lợi và đáng để bảo vệ, vùng Đại bồn địa là một sa mạc khô hạn khắc nghiệt, rất lạnh vào mùa đông, tài nguyên hiếm hoi và khó ước đoán đồng thời có rất ít cơ hội để dự trữ thực phẩm. Mật độ dân số ở Đại bồn địa chỉ vào khoảng một người trên mỗi 16 dặm vuông. Người Shoshone vùng Đại bồn địa sống trong những gia đình tách biệt phần lớn thời gian trong năm, quy tụ lại vào mùa đông thành những trại có 5 hoặc 10 gia đình gần các dòng suối và rừng thông, thường xuyên kết hợp thành các nhóm lớn hơn gồm 15 gia đình cho những chuyến săn sơn dương và thỏ mang tính công xã. Họ không duy trì những vùng lãnh thổ được phân định rõ ràng. Thay vào đó, các gia đình đơn lẻ sở hữu một số địa phận cụ thể như khu rừng thông, vốn có thể được san sẻ với các gia đình khác nhưng có thỏa thuận: những người đi vào có ý định thu hoạch hạt thông mà không thỏa thuận trước sẽ bị đánh đuổi bằng cách ném đá. Các tài nguyên thực vật và động vật khác được chia sẻ theo những quyền không độc chiếm linh động hơn.
Cuối cùng, mức thấp nhất trong phân biệt và tuần tra lãnh thổ thuộc về thổ dân da đỏ Machiguenga của Peru và thổ dân da đỏ Siriono của Bolivia trong các vùng rừng nhiệt đới. Vào những thời điểm các nhóm người này được nghiên cứu bởi những nhà nhân học, người Machiguenga là những người trồng vườn sống với mật độ dân số ít ỏi, có thể vì dân số đông hơn trước đây đã bị tụt giảm do những căn bệnh mà người châu âu mang đến hoặc nếu không thì từ những vụ giết hại trong giai đoạn bùng nổ cao su và cũng vì nông nghiệp trong vùng của họ chỉ cho năng suất thấp. Người Machiguenga di chuyển theo mùa để tìm thức ăn hoang dã và để dọn khỏi những khu vườn chặt – và – đốt vốn chỉ tạo ra thức ăn cho một vài năm đồng thời không đáng phải đánh nhau để giữ lại. Không có lãnh thổ nào: về lý thuyết, mọi nguồn tài nguyên rừng và sông nước đều mở với tất cả những người Machiguenga. Trên thực tế, các nhóm gồm nhiều gia đình duy trì khoảng cách với vùng trú ngụ của những nhóm khác. Tương tự, thổ dân da đỏ Siriono do nhà nghiên cứu Allan Holmberg nghiên cứu sinh sống bằng cách săn bắt – hái lượm và một số loại hình nông nghiệp thông thường trong các nhóm gồm từ 60 đến 80 người, không có lãnh thổ xác định. Tuy nhiên, nếu một nhóm đi vào địa phận săn bắt do một nhóm khác tạo ra, nhóm này sẽ chọn không săn trong khu vực săn bắt của nhóm kia. Có một sự dè chừng không chính thức ở đây.
Do đó, cách sử dụng đất truyền thống bao gồm rất nhiều hình thức, từ lãnh thổ được đánh dấu rõ ràng có tuần tra, được bảo vệ và loại trừ người ngoài bằng việc giết hại, đến những khu vực trú ngụ không có ranh giới rõ ràng và người ngoài có thể sử dụng bằng những thỏa thuận chung đến các khu vực trú ngụ được giữ tách biệt chỉ bằng hình thức tránh lẫn nhau phi chính chức. Không một xã hội truyền thống nào chấp nhận quyền tiếp cận tương đối mở rộng như những người Mỹ hiện đại hoặc công dân Liên minh châu âu, hầu hết những người này có thể đi đến mọi nơi trong nước Mỹ hoặc Liên minh châu âu và cũng có thể đi đến nhiều nước khác chỉ bằng cách trình ra hộ chiếu và visa có hiệu lực cho các nhân viên kiểm soát hộ chiếu ở biên giới (Dĩ nhiên, vào ngày 11/9/2011, sự kiện tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới đã đẩy người Mỹ lùi về với mối nghi ngờ người lạ truyền thống và đã dẫn đến những giới hạn trong việc đi lại tự do, chẳng hạn như danh sách cấm bay và các điểm kiểm tra an ninh sân bay). Tuy nhiên, người ta cũng có thể cho rằng hệ thống hiện đại của chúng ta về quyền tiếp cận tương đối mở là một phiên bản mở rộng cao cấp của các quyền và giới hạn tiếp cận truyền thống. Những người truyền thống, sống trong xã hội có vài trăm cá thể, tìm kiếm quyền tiếp cận đến lãnh thổ của người khác bằng khả năng quen biết cá nhân, bằng các mối quan hệ cá nhân và bằng cách xin phép cá nhân. Trong xã hội của chúng ta với hàng trăm triệu người, định nghĩa của chúng ta về “quan hệ” mở rộng ra với bất kỳ công dân nào của nhà nước chúng ta hoặc của một nhà nước bạn nào đó và việc xin phép được chính thức hóa cũng như được cung cấp với số lượng lớn bằng phương tiện hộ chiếu và visa.
Bạn hữu, kẻ thù và người lạ
Tất cả những hạn chế về di chuyển tự do đó khiến thành viên của các xã hội quy mô nhỏ phải phân loại con người thành ba nhóm: bạn hữu, kẻ thù và người lạ. “Bạn hữu” là những thành viên trong chính nhóm hoặc làng của bạn, của các nhóm và làng láng giềng mà nhóm bạn đang có quan hệ hòa bình vào thời điểm hiện tại. “Kẻ thù” là thành viên của các nhóm và làng láng giềng mà nhóm bạn đang có quan hệ thù địch vào thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, bạn có thể biết ít nhất tên và mối quan hệ, khả năng cả bộ dạng của nhiều hoặc hầu hết cá thể trong các nhóm thù địch đó, vì bạn sẽ nghe về họ hoặc thật sự gặp họ trong quá trình đàm phán bồi thường, các giai đoạn hòa bình có được từ việc thay đổi liên minh và việc trao đổi cô dâu (hoặc thỉnh thoảng là chú rể) trong các giai đoạn ngừng chiến đó. Một ví dụ là hai người đàn ông miền sông nước nhờ hôn nhân đã trở thành một phần trong ngôi làng của những người bạn miền núi của tôi.
Nhóm còn lại là “người lạ”: những cá thể không biết thuộc về các nhóm ở xa mà nhóm bạn ít hoặc không liên lạc. Hiếm khi hoặc không bao giờ thành viên của các xã hội quy mô nhỏ gặp phải người lạ vì việc đi vào một khu vực lạ với những cư dân bạn không biết hoặc hoàn toàn không có quan hệ là một hành động tự sát. Nếu bạn thực sự gặp một người trong lãnh thổ của mình, bạn phải xem như người đó rất nguy hiểm vì (với các mối nguy hiểm khi đi đến những khu vực không quen thuộc) người lạ rất có khả năng đang thám thính để đột kích hoặc giết chết nhóm của bạn, hoặc nếu không thì sẽ xâm nhập để săn bắt, ăn trộm tài nguyên hoặc bắt cóc phụ nữ chưa lập gia đình.
Trong vùng dân cư địa phương quy mô nhỏ với khoảng vài trăm người, bạn chắc chắn biết tên và mặt của tất cả thành viên, chi tiết của mọi mối quan hệ máu mủ, quan hệ hôn nhân và quan hệ nhận nuôi của họ, cũng như biết những việc đó có liên hệ đến bạn như thế nào. Khi bạn thêm vào nhóm của chính bạn một số nhóm láng giềng thân thiết, tất cả những “bạn hữu” tiềm năng của bạn có thể lên đến hơn 1.000 người, bao gồm nhiều người bạn đã nghe đến nhưng thực sự chưa bao giờ thấy. Do đó giả sử rằng, trong khi ra ngoài một mình cách xa khu vực trung tâm của bạn hoặc gần biên giới khu vực, bạn gặp một người hoặc những người bạn không thể nhận ra. Nếu họ có một số người và bạn chỉ có một mình, bạn sẽ chạy đi và ngược lại. Nếu bạn một mình và họ cũng một mình, và nếu hai người bạn thấy nhau từ xa, cả hai có thể sẽ chạy đi nếu nhìn qua để đoán thế cân bằng sức mạnh (ví dụ, hai người đàn ông trưởng thành, chứ không phải một người đàn ông đối mặt một phụ nữ hoặc một đứa trẻ). Nhưng nếu bạn đi qua một khúc cua và bất ngờ đối mặt một người khác, và đã quá trễ để chạy, đó là cách căng thẳng nảy sinh. Tình huống này có thể được giải quyết bằng cách cả hai cùng ngồi xuống, mỗi người tự xưng danh, họ hàng của mình và nói cụ thể bạn có liên quan đến họ như thế nào đồng thời tiếp tục nỗ lực xác định một người bà con chung, như vậy để xác minh cả hai sẽ có quan hệ nào đó với người còn lại và không có lý do để tấn công lẫn nhau. Nhưng nếu sau một vài giờ đối thoại như vậy mà cả hai vẫn không thể xác định được bà con chung, bạn không thể quay lưng đi và nói, “Rất vui được gặp bạn, tạm biệt”. Thay vào đó, bạn hoặc anh ta hoặc cả hai phải xem nhau là người xâm nhập mà không có mối quan hệ để biện minh cho chuyến đi, rất có khả năng giữa hai người sẽ nổ ra một cuộc đuổi bắt hoặc một cuộc chiến.
Người sử dụng thổ ngữ!Kung Trung tâm trong khu vực Nyae Nyae gọi những người khác sử dụng cùng ngôn ngữ đó là jũ/wãsi, với jũ nghĩa là “người,” si là hậu tố số nhiều và wã gần nghĩa với “thật, tốt, thành thật, sạch sẽ, không có hại”. Những chuyến đi tới lui giữa mọi người trong khu vực Nyae Nyae tạo nên sự quen thuộc cá nhân hợp nhất 19 nhóm và toàn bộ khoảng 1.000 thành viên của khu vực đó và biến họ thành jũ/wãsi của nhau. Từ ngược lại jũ/dole (từ dole hàm ý “xấu xa, lạ, có hại”) được dùng cho tất cả người da trắng, người Bantu da đen và thậm chí cả người!Kung nói cùng thổ ngữ nhưng thuộc về một nhóm ở xa mà bạn không có họ hàng hay người quen. Như thành viên của các xã hội quy mô nhỏ khác, người!Kung hơi lo ngại về người lạ. Trên thực tế, họ thành công trong việc tìm kiếm một số thuật ngữ chỉ quan hệ để dùng cho hầu như tất cả những người!Kung họ gặp. Nhưng nếu bạn gặp một người!Kung lạ và không thể xác định được bất kỳ quan hệ nào với anh ta sau khi bạn dò theo quan hệ của bạn và anh ta dò theo quan hệ của anh ta, thì khi đó anh ta trở thành người xâm nhập mà bạn cần đánh đuổi hoặc giết chết.
Ví dụ, một người đàn ông!Kung tên Gao, theo đề nghị của nhà nhân học Lorna Marshall, đưa cô đến một nơi gọi là Khadum, nằm ngoài nhưng không quá xa về phía bắc của vùng Nyae Nyae. Gao chưa từng đến Khadum và rất ít người!Kung Nyae Nyae khác từng ở đó. Người!Kung ở Khadum ban đầu gọi Gao là một jũ/dole, đồng nghĩa với một sự tiếp đón lạnh nhạt và có thể gây rắc rối. Tuy nhiên, Gao nhanh chóng nói rằng anh có nghe cha của ai đó sống ở Khadum có cùng tên với cha của Gao và ai đó ở Khadum có người anh em tên Gao, giống tên của Gao. Người!Kung ở Khadum sau đó nói với Gao, “Như vậy, bạn là!gun!a của Gao [nghĩa là Gao của chúng tôi].”(!gun!a là từ chỉ quan hệ). Sau đó, họ chấp nhận cho Gao tham gia lửa trại và tặng thức ăn cho anh ta.
Một cách phân loại tương tự tồn tại giữa những thổ dân da đỏ Ache của Paraguay. Khi những người châu âu sống trong hòa bình tiếp cận khoảng 700 người Ache, sống thành các nhóm với mỗi nhóm gồm từ 15 đến 70 người và vài nhóm sẽ kết hợp chặt chẽ thành một nhóm lớn. Có bốn nhóm lớn như vậy. Người Ache gọi những thành viên trong nhóm lớn của họ là irondy (nghĩa là những người theo tục lệ là người của chúng ta hoặc là anh em) và gọi người Ache ở ba nhóm lớn khác là irolla (nghĩa là những người Ache không phải người của chúng ta).
Trong các xã hội quy mô lớn hiện đại với công dân đi lại khắp đất nước và khắp thế giới, chúng ta tích lũy nhiều tình bạn dựa trên quan hệ cá nhân thay vì quan hệ nhóm. Một số bạn bè suốt đời của chúng ta là những người cùng chúng ta lớn lên và đi học, nhưng cũng có những người khác ta gặp khi di chuyển. Tình bạn có nghĩa là người ta quý mến nhau, chia sẻ những sở thích chung, chứ không phải là có liên minh chính trị với nhóm của người khác. Chúng ta sử dụng khái niệm tình bạn cá nhân quá phổ biến đến nỗi chỉ sau nhiều năm làm việc ở New Guinea mới có một sự kiện giúp tôi hiểu rõ quan điểm khác biệt về tình bạn phổ biến ở các xã hội New Guinea quy mô nhỏ.
Sự kiện đó liên quan đến một người New Guinea tên Yabu, làng của anh này ở Cao nguyên Trung tâm có lối sống truyền thống cho đến khi hệ thống kiểm soát của chính quyền được áp dụng và chiến tranh giữa các bộ lạc kết thúc vào khoảng một thập niên trước. Trong quá trình nghiên cứu chim, tôi để Yabu làm việc bên mình như một trong những trợ lý thực địa tại vùng cắm trại ở Cao nguyên Đông Nam, nơi tôi được một giáo viên người Anh tên Jim viếng thăm trong vài ngày. Yabu và Jim dành nhiều thời gian nói chuyện và trêu chọc lẫn nhau, kể cho nhau những câu chuyện dài và rõ ràng rất thích đi chung với nhau. Khu phố Cao nguyên Trung tâm mà Jim dạy học chỉ cách làng của Yabu vài chục ki-lô-mét. Khi Yabu hoàn tất công việc thực địa với tôi, anh ta sẽ trở lại làng của mình bằng cách bay từ sân bay ở khu phố của Jim và sau đó đi bộ về làng của anh ta. Do đó khi Jim rời trại của chúng tôi và tạm biệt Yabu và tôi, Jim làm một việc có vẻ “đương nhiên” đối với tôi: mời Yabu ghé lại và đến thăm anh ta khi Yabu đến khu phố của Jim.
Vài ngày sau khi Jim đi, tôi hỏi Yabu liệu anh ta có kế hoạch đến thăm Jim trên đường về không. Phải ứng của Yabu là sự ngạc nhiên và hơi phật lòng với câu hỏi tôi như một sự lãng phí thời gian: “Thăm anh ta? Để làm gì? Nếu anh ta thuê tôi làm gì đó, thì tôi sẽ đến. Nhưng anh ta đâu có việc gì cho tôi. Dĩ nhiên là tôi sẽ không dừng lại ở khu phố của anh ta và tìm anh ta chỉ vì ‘tình bạn’!” (Cuộc nói chuyện diễn ra bằng thổ ngữ Tok Pisin của Papua New Guinea; câu nói tiếng Tok Pisin mà tôi chuyển ngữ thành “vì ‘tình bạn’ ” là “bilong pren nating”.) Tôi sửng sốt nhận ra rằng mình đã giả định sai về những đặc tính được cho là phổ quát của loài người, những đặc tính mà tôi thậm chí chưa từng bao giờ thắc mắc.
Đương nhiên, khám phá này của tôi cần phải được hiểu chính xác. Dĩ nhiên, thành viên của các xã hội quy mô nhỏ thân thiện với một số cá nhân hơn những cá nhân khác trong xã hội của họ. Khi các xã hội quy mô nhỏ dần lớn hơn hoặc tiếp xúc nhiều hơn với các ảnh hưởng phi truyền thống bên ngoài, các quan điểm truyền thống thay đổi, bao gồm cả cách nhìn nhận về tình bạn. Tuy nhiên, tôi cho rằng sự khác biệt giữa các quan niệm tình bạn ở các xã hội quy mô lớn và nhỏ, lần lượt thể hiện qua lời mời của Jim và phản ứng của Yabu, là thực tế thông thường. Đó không chỉ là sự khác biệt giữa cách trả lời của Yabu với người châu âu và cách anh ta phải hồi với người New Guinea. Như một người bạn New Guinea quen thuộc với cả những cách thức phương Tây và New Guinea truyền thống giải thích với tôi, “Ở New Guinea chúng tôi không đi và gặp người khác mà không có mục đích. Nếu bạn chỉ mới gặp và đi cùng nhau một tuần với ai đó, điều đó không có nghĩa là bạn đã tạo được mối quan hệ hoặc tình bạn với người đó.” Ngược lại, vô vàn cơ hội ở các xã hội Tây phương hóa quy mô lớn, cùng những lần di chuyển địa lý thường xuyên, đã gia tăng phạm vi – và nhu cầu – về các mối quan hệ dựa trên các liên kết tình bạn cá nhân hơn là quan hệ gia đình, quan hệ hôn nhân và những gần gũi tình cờ nhờ khoảng cách địa lý từ khi còn nhỏ.
Trong các xã hội phân cấp quy mô lớn mà hàng ngàn hoặc hàng triệu người sống với nhau dưới sự kiểm soát của một tù trưởng quốc hoặc nhà nước, thì việc gặp gỡ người lạ là chuyện bình thường và an toàn, không có gì mang tính đe dọa. Ví dụ, mỗi lần đến Đại học California hoặc đi dọc những con đường ở Los Angeles, tôi gặp hàng trăm người mà không cảm thấy sợ hãi hoặc nguy hiểm, những người đó tôi chưa từng thấy trước đây và có thể sẽ không bao giờ gặp lại, đồng thời tôi cũng không có mối quan hệ có thể truy nguyên nào với họ, dù là huyết thống hay hôn nhân. Giai đoạn ban đầu trong việc thay đổi thái độ với người lạ này được cho thấy bởi người Nuer của Sudan, những người mà tôi đã đề cập với khoảng 200.000 cá thể và tổ chức thành hệ thống gồm một số cấp bậc từ làng lên đến bộ lạc. Dĩ nhiên, không người Nuer nào biết và nghe nói về toàn bộ 199.999 người Nuer còn lại. Tổ chức chính trị yếu: mỗi ngôi làng có một trưởng làng bù nhìn không có mấy quyền lực, sẽ được mô tả trong chương 2. Tuy nhiên (theo lời của nhà nhân học E. E. Evans-Pritchard), “Giữa những người Nuer, bất kể họ đến từ đâu và dù họ là người lạ đối với nhau, thì các mối quan hệ hữu nghị ngay lập tức được thiết lập khi họ gặp gỡ nhau ở ngoài đất nước của họ, vì người Nuer không bao giờ xem nhau là người nước ngoài như đối với người Dinka hoặc người Shilluk. Cảm giác ưu việt hơn và xem thường mà họ thường có trước tất cả người nước ngoài và sự sẵn sàng chiến đấu chống lại là mối liên kết chung của nhóm người, còn tiếng nói và các giá trị chung cho phép sự liên lạc dễ dàng giữa các nhóm.”
Do đó, so với các xã hội quy mô nhỏ, người Nuer không còn xem người lạ như một mối đe dọa mà xem họ như những người trung lập hoặc thậm chí là có khả năng kết thân – miễn họ là người Nuer. Người lạ không phải người Nuer hoặc sẽ bị tấn công (nếu là người Dinka) hoặc chỉ đơn thuần bị khinh miệt (nếu họ thuộc các nhóm người khác). Còn trong các xã hội lớn hơn với nền kinh tế thị trường, người lạ có giá trị tiềm năng tích cực như là các đối tác kinh doanh, khách hàng, nhà cung cấp hoặc nhân viên tương lai.
Những lần tiếp xúc đầu tiên
Đối với các xã hội quy mô nhỏ truyền thống, sự chia tách thế giới thành bạn hữu và các nhóm láng giềng, kẻ thù láng giềng và những người lạ ở xa hơn dẫn đến sự hiểu biết về thế giới rất cục bộ. Con người ta biết về khu vực và trung tâm lãnh thổ của họ và biết nhiều hơn về khu vực bao quanh gần nhất các lãnh thổ láng giềng nhờ những cuộc viếng thăm dựa trên các quyền sử dụng qua lại hoặc trong các giai đoạn ngừng chiến. Tuy nhiên, họ ít có khả năng biết về khu vực bao quanh thứ hai; và những khi hòa bình với người ở khu vực bao quanh đầu tiên, thì có khả năng họ đang chiến tranh với những láng giềng ở khu vực thứ hai, như vậy một lần nữa ngăn cản họ đến được những khu vực láng giềng đó.
Thậm chí đi vào lãnh thổ của những người láng giềng ngay cạnh (khu vực thứ nhất) vào những thời điểm được cho là hòa bình cũng dấy lên các mối nguy hiểm. Bạn có thể không nhận ra rằng những láng giềng đó mới vừa nổ ra chiến tranh với một số đồng minh khác của nhóm bạn và vì vậy, bạn được xem như kẻ thù vào lúc đó. Lúc này, người chứa chấp và họ hàng của bạn trong xã hội láng giềng đó có thể không sẵn sàng hoặc không thể bảo vệ bạn. Ví dụ, Karl Heider, Jan Broekhuijse và Peter Matthiessen đã mô tả về sự kiện diễn ra ngày 25/8/1961 giữa những người Dani vùng Dugum của thung lũng Baliem. Người Dani được chia thành vài chục liên minh, hai trong số đó là Liên minh Gutelu và Liên minh Widaia, chiến đấu chống lại người láng giềng Dugnum. Gần đó là Liên minh Asuk-Balek riêng biệt, hình thành từ một nhóm tách khỏi những người Gutelu từ bỏ quê hương và tị nạn dọc dòng sông Baliem sau các trận chiến. Bốn người đàn ông Asuk-Balek liên minh với Liên minh Widaia đến một ngôi làng Gutelu nhỏ tên là Abulopak nơi hai trong số những người này có họ hàng tại đó. Tuy nhiên, các vị khách này không biết rằng Widaia gần đây đã giết hai người Gutelu, rằng người Gutelu gần đây đã thất bại trong những cố gắng đáp trả bằng cách giết một người Widaia và rằng căng thẳng giữa những người Gutelu đang ở cao độ.
Chuyến viếng thăm của những người Asuk-Balek chân thành, liên minh với Widaia, tạo cho những người Gutelu Abulopak cơ hội hoàn hảo thứ hai để trả thù, thứ hai chỉ sau việc giết một người Widaia. Hai người Asuk-Balek có họ hàng tại Abulopak không bị ảnh hưởng, nhưng hai người không có họ hàng bị tấn công. Một người xoay sở trốn thoát được. Người kia trốn trong gác ngủ của một căn chòi nhưng bị ngã và bị đâm. Cuộc tấn công đó tạo nên niềm hân hoan chung giữa những người Abulopak khi họ kéo cơ thể của người Asuk-Balek chưa chết suốt con đường lầy lội đến nơi nhảy múa. Sau đó, những người Abulopak ăn mừng suốt đêm bên thi thể và cuối cùng ném cái xác vào một mương nước, nhấn chìm nó và lấp lại bằng cỏ. Vào sáng hôm sau, hai người Asuk-Balek có họ hàng Abulopak được phép mang xác đi. Sự kiện này cho thấy yêu cầu cẩn trọng đến mức đa nghi khi đi lại. Chương 7 sẽ nói nhiều thêm về yêu cầu này với hiện tượng mà tôi gọi là “đa nghi mang tính xây dựng”.
Khoảng cách truyền thống của việc đi lại và sự hiểu biết về khu vực rất thấp ở những vùng có mật độ dân số và tính ổn định môi trường cao và cao ở những vùng có dân cư thưa thớt cũng như môi trường biến đổi. Sự hiểu biết địa lý có tính địa phương rất cao ở Cao nguyên New Guinea với các vùng dân cư đông và môi trường tương đối ổn định. Việc đi lại và hiểu biết trở nên rộng hơn ở những vùng có môi trường ổn định nhưng dân số thấp hơn (như các vùng đất thấp ở New Guinea, các khu rừng nhiệt đới châu Phi có người Pygmy châu Phi cư trú) và rộng hơn nữa ở những vùng có môi trường biến đổi và dân số thấp (như các sa mạc hoặc các vùng đất liền Bắc Cực). Ví dụ, người dân đảo Adaman không biết gì về các bộ lạc Andaman sống cách đó hơn 32km. Thế giới được biết đến của người Dani Dugum chủ yếu giới hạn đến thung lũng Baliem, họ có thể quan sát hầu khắp khu vực từ đỉnh đồi, nhưng chỉ có thể đi đến một phần nhỏ của thung lũng vì khu vực đó đã bị chia tách bởi các chiến trận khiến việc đi vào đồng nghĩa với tự sát. Như người Pygmy, khi được cho xem một danh sách lên đến 70 địa điểm và hỏi những nơi nào họ đã đến, họ chỉ biết một nửa những nơi nằm trong vòng hơn 30km và chỉ một phần tư số nơi nằm trong vòng 70km. Khi tôi sống ở Anh vào những năm 1950 và 1960, việc nhiều người ở nông thôn Anh dành trọn đời ở trong hoặc ở gần những ngôi làng của họ vẫn là điều đương nhiên, trừ khi họ phải đi vượt biển để phục vụ quân đội trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất hoặc Thứ hai.
Do đó, sự hiểu biết về thế giới vượt khỏi những khu vực láng giềng thứ nhất hoặc thứ hai của một người không hề tồn tại hoặc chỉ được nghe lại giữa các xã hội quy mô nhỏ truyền thống. Ví dụ, không ai trong các vùng thung lũng dân cư đông đúc của trung tâm New Guinea từng thấy hoặc thậm chí là nghe nói về đại dương, cách đó chỉ từ 90 đến 120km. Người cao nguyên New Guinea khi buôn bán có nhận những vỏ sò biển và (sau khi người châu âu lên đến bờ biển) một số rìu thép là vật để định giá. Tuy nhiên, những vỏ sò và cây rìu đó được buôn bán từ nhóm này cho nhóm kia và được truyền tay nhiều người trong suốt quãng đường từ bờ biển đến Cao nguyên. Cũng như trong trò chơi gọi điện thoại của trẻ em, khi đám trẻ ngồi thành một hàng hoặc vòng tròn, một đứa thì thầm điều gì đó cho đứa kế bên, sau đó thông tin mà đứa trẻ cuối cùng nghe được không có liên hệ gì với điều đứa trẻ đầu tiên nói ra, tất cả những hiểu biết về môi trường và con người nơi cung cấp vỏ sò và rìu bị mất đi khi chúng đến được Cao nguyên.
Đối với nhiều xã hội quy mô nhỏ, những giới hạn truyền thống về sự hiểu biết thế giới này bị chấm dứt đột ngột bởi cái gọi là những lần tiếp xúc đầu tiên, khi những cuộc đổ bộ của thực dân, nhà thám hiểm, thương lái và nhà truyền giáo châu âu chứng minh sự tồn tại của một thế giới bên ngoài chưa hề được biết đến trước đây. Những người cuối cùng vẫn “chưa được tiếp xúc” ngày nay là một vài nhóm xa xôi ở New Guinea và Nam Mỹ nhiệt đới, nhưng đến giờ ít nhất những nhóm còn lại đó cũng đã biết về sự tồn tại của thế giới bên ngoài, bởi họ thấy những chiếc máy bay trên đầu và nghe về những người ngoài từ các nhóm New Guinea láng giềng “đã được tiếp xúc”. (Với từ “đã được tiếp xúc”, ý của tôi là đã tiếp xúc với những người ngoài ở xa như người châu âu và người Indonesia; dĩ nhiên các nhóm “chưa được tiếp xúc” đã liên lạc với những người New Guinea và thổ dân da đỏ Nam Mỹ hàng ngàn năm rồi). Ví dụ, khi tôi ở vùng núi phía tây New Guinea vào những năm 1990, nhóm người tiếp nhận tôi, những người vốn được liên lạc lần đầu tiên bởi người Hà Lan trước đây vài thập kỷ, nói với tôi về một nhóm người ở phía bắc của họ vẫn chưa được tiếp xúc, theo nghĩa là họ chưa được viếng thăm bởi các nhà truyền giáo và những người ngoài khác (Các nhà truyền giáo thường cẩn trọng gửi một sứ giả từ nhóm láng giềng đã được tiếp xúc để hỏi xem nhà truyền giáo có được chào đón không, thay vì hứng chịu nguy hiểm khi đi đến mà không báo trước). Tuy nhiên, những người miền núi “chưa được tiếp xúc đó” chắc hẳn đã biết về người châu âu và người Indonesia từ các nhóm láng giềng “đã được tiếp xúc” mà nhóm chưa được tiếp xúc này đã liên lạc. Hơn nữa, nhóm chưa được tiếp xúc trong nhiều năm đã chứng kiến máy bay bay trên đầu, như chiếc máy bay mà tôi đã ngồi trên đó và rồi hạ cánh ở ngôi làng của những người láng giềng đã tiếp xúc của họ. Do đó, các nhóm chưa được tiếp xúc cuối cùng còn lại đã biết rằng có một thế giới khác ngoài kia.
Các điều kiện trở nên khác đi khi người châu âu bắt đầu bành trướng thế giới từ năm 1942 SCN trở đi và “khám phá” ra những người này rất lâu trước khi những chuyến bay báo cho họ biết về thế giới bên ngoài. Những lần tiếp xúc quy mô lớn đầu tiên gần đây nhất trong lịch sử thế giới được chứng minh là diễn ra ở Cao nguyên New Guinea, nơi từ những năm 1930 đến những năm 1950, các đoàn tuần tra từ chính phủ úc và Hà Lan, các đoàn thám hiểm do thám quân đội, những người đào mỏ trong các chuyến đi thăm dò và các nhóm thám hiểm sinh học đã “khám phá” ra một triệu người Cao nguyên mà thế giới bên ngoài chưa từng biết đến sự tồn tại của họ và ngược lại – dù những người châu âu vào lúc đó đã đến và định cư ở các bờ biển New Guinea được 400 năm. Cho đến những năm 1930, những lần tiếp xúc đầu tiên ở New Guinea được thực hiện bởi những người châu âu thám hiểm bằng đường bộ hoặc đường thủy và những bằng chứng đầu tiên về sự tồn tại của người châu âu đối với người Cao nguyên là sự xuất hiện “bằng xương bằng thịt” của người châu âu. Từ những năm 1930 trở đi, các chuyến bay báo trước những cuộc đổ bộ và cảnh báo người Cao nguyên rằng đang có điều gì đó mới mẻ ngoài kia. Ví dụ, dân số Cao nguyên đông nhất ở phía tây New Guinea, khoảng 100.000 người ở thung lũng Baliem, được “khám phá” vào ngày 23/6/1938 khi một chiếc máy bay thuộc về nhóm thám hiểm hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Hoa Kỳ ở New York và chính quyền thực dân Hà Lan, được tài trợ bởi ông trùm dầu mỏ Richard Archbold để tìm hiểu về động thực vật ở của New Guinea, bay qua địa hình núi vốn trước đây được cho là hiểm trở, bị rừng bao phủ và không người sinh sống. Thay vào đó, Archbold và đội của ông kinh ngạc khi nhìn thấy một thung lũng rộng, bằng phẳng với phần rừng bị phá bỏ và có mạng lưới các mương đan xen chằng chịt giống với những vùng dân cư dày đặc của Hà Lan.
Những địa bàn cuối cùng của những lần tiếp xúc đầu tiên quy mô lớn giữa người Cao nguyên với người châu âu được mô tả ở ba cuốn sách quan trọng. Cuốn đầu tiên có tên là First Contact (tạm dịch: Lần tiếp xúc đầu tiên) của Bob Connolly và Robin Anderson, kể lại các cuộc tuần tra của những người khai mỏ Michael Leahy, Michael Dwyer và Daniel Leahy, những người châu âu đầu tiên đi vào một số thung lũng Cao nguyên đông dân ở phía đông New Guinea trong giai đoạn 1930-1935. (Các nhà truyền giáo Lutheran trước đó đã đến vùng rìa phía đông Cao nguyên vào những năm 1920.) Cuốn thứ hai là câu chuyện của riêng Michael Leahy, Explorations into Highland New Guinea, 1930-1935 (tạm dịch: Các cuộc khám phá Cao nguyên New Guinea, 1930-1935). Cuốn còn lại là The sky travelers (tạm dịch: Những hành khách trên bầu trời) của Bill Gammage, mô tả cuộc tuần tra của chính phủ úc do Jim Taylor và John Black dẫn đầu đi đến phần phía tây của Cao nguyên Papua New Guinea vào năm 1938 và 1939. Cả hai chuyến thám hiểm này đều có nhiều hình ảnh và được Michael Leahy dựng thành các đoạn phim. Những biểu hiện kinh hãi trên khuôn mặt của những người New Guinea được chụp vào thời điểm tiếp xúc đầu tiên truyền tải sự kinh ngạc về “lần đầu tiếp xúc” tốt hơn bất cứ ngôn từ nào.
Một đặc điểm của cuốn sách thứ nhất và thứ ba trong ba cuốn sách này là chúng kết nối những ấn tượng trong lần tiếp xúc đầu tiên của cả người New Guinea và những người châu âu có tham gia. Cả hai nhóm tác giả đều phỏng vấn những người New Guinea 50 năm sau các sự kiện được mô tả. Cũng như những người Mỹ lớn tuổi sẽ ghi nhớ trong suốt phần đời còn lại của họ những việc họ đang làm khi xảy ra ba sự kiện đau thương nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại – đợt tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng ngày 7/12/1941, sự kiện ám sát Tổng thống Kennedy ngày 22/11/1963 và đợt tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới ngày 11/9/2001 – những người New Guinea hơn 60 tuổi vào những năm 1980 cũng sẽ nhớ chính xác khi còn nhỏ, họ đã thấy những người da trắng trong nhóm tuần tra Leahy-Dwyer như thế nào vào năm 1930. Đây là câu chuyện của một người New Guinea như vậy: “Vào lúc đó, những người to lớn hơn này [chỉ vào hai người già hơn] – giờ đây họ già rồi – mới chỉ là thanh niên và chưa kết hôn. Họ vẫn chưa cạo đầu. Đó là lúc người da trắng đến… tôi rất kinh hãi, tôi đã la hét trong trạng thái gần như mất kiểm soát. Cha tôi kéo tôi đi và chúng tôi trốn sau một số lùm cỏ kunai cao. Sau đó, ông bí mật quan sát những người da trắng… Khi họ đi rồi, chúng tôi, những người New Guinea, ngồi xuống, định thần và xem chuyện gì đã xảy ra. Chúng tôi không biết gì về những người da trắng. Chúng tôi chưa từng thấy những nơi xa xôi. Chúng tôi chỉ biết phía bên này các ngọn núi và cho rằng chúng tôi là những người duy nhất sinh sống. Chúng tôi tin rằng khi một người chết đi, da người đó chuyển sang màu trắng và người đó đi qua ranh giới đến ‘nơi đó’ – nơi của cái chết. Do đó, khi những người lạ này đến, chúng tôi đã hét lên: ‘Ah, những người này không thuộc về Trái đất. Chúng ta đừng giết họ – họ là họ hàng của chúng ta. Những người đã chết trở nên trắng bệch và quay trở lại.’”
Khi lần đầu tiên nhìn thấy người châu âu, người Cao nguyên New Guinea đã cố gắng hợp lý hóa những sinh vật trông kỳ lạ này vào những phần đã biết trong thế giới quan của họ. Họ tự hỏi: Những sinh vật này có phải con người không? Vì sao chúng đến đây? Chúng muốn gì? Thường thì, người New Guinea xem người da trắng là “người trời”: những người cũng giống người New Guinea, được cho là sống trên trời; họ giao thương, yêu đương và giao chiến giống người New Guinea nhưng bất tử; họ là linh hồn hoặc những hồn ma tổ tiên và thỉnh thoảng mang hình hài con người da trắng hoặc đỏ đi xuống mặt đất. Vào những lần tiếp xúc đầu tiên, người New Guinea cẩn thận quan sát kỹ lưỡng những người châu âu, hành vi của họ và những rác thải họ để lại khu trại nhằm tìm kiếm bằng chứng lý giải họ là ai. Hai khám phá giúp thuyết phục người New Guinea rằng người châu âu thật sự là con người, gồm: phân thu được từ khu vệ sinh của trại người da trắng trông giống phân người đặc trưng (nghĩa là giống phân của người New Guinea); và những cô gái trẻ người New Guinea được đưa đến làm bạn tình cho những người châu âu cung cấp thông tin tình báo lại rằng người châu âu có các bộ phận sinh dục và làm tình giống đàn ông New Guinea.
Thương mại và thương nhân
Quan hệ còn lại giữa các xã hội láng giềng, ngoài việc bảo vệ lãnh thổ, chia sẻ tài nguyên và chiến tranh, là thương mại. Tôi đánh giá cao mức độ phức tạp về thương mại giữa các xã hội truyền thống trong quá trình nghiên cứu các loài chim mà tôi thực hiện ở 16 hòn đảo vùng eo biển Vitiaz, nằm về phía đông bắc New Guinea. Hầu hết các đảo chủ yếu được rừng bao phủ, chỉ với một vài ngôi làng, mỗi làng có những ngôi nhà cách nhau vài chục bước chân và có những không gian mở cho cộng đồng rộng lớn. Tôi cảm thấy như thể mình vừa bất ngờ nhảy dù xuống một phiên bản quy mô nhỏ của Manhattan. Đông đúc, san sát nhau như những dãy nhà trên phố ở New York, là các ngôi nhà gỗ hai tầng, là “những tòa nhà cao chọc trời” thực sự so với những ngôi nhà nhỏ một tầng hiện diện ở những nơi khác vào lúc bấy giờ trên các hòn đảo thuộc eo biển Vitiaz. Những chiếc xuồng độc mộc bằng gỗ lớn được kéo lên bờ biển mang lại cảm giác về một bến tàu thuộc Thế giới Thứ nhất10 kín không còn chỗ đậu. Trước các ngôi nhà có nhiều người tụ tập hơn tôi từng thấy ở bất kỳ khu vực nhỏ nào khác trên eo biển Vitiaz. Một cuộc điều tra dân số năm 1963 cho biết dân số của Malai là 448 người, khi chia cho diện tích của Malai là 0,32 dặm vuông, ta được kết quả mật độ dân số là 1.400 người trên một dặm vuông, cao hơn bất kỳ nước châu âu nào. Ví dụ như, kể cả ở Hà Lan, quốc gia có mật độ dân số cao nhất châu âu, cũng chỉ có 1.010 người trên một dặm vuông.
Khu dân cư đáng chú ý này thuộc về những thương nhân đi đường dài Siassi nổi tiếng, với phạm vi hoạt động trên những chiếc xuồng buồm lên đến 500km qua các vùng biển động, mang theo lợn, chó, bình chứa, trang sức, vỏ chai và các hàng hóa khác. Họ mang đến những dịch vụ cho những cộng đồng họ tiếp cận, bằng cách cung cấp cho các cộng đồng này những hàng hóa thiết yếu và sang trọng. Trong khi giúp đỡ người khác, họ cũng tự giúp bản thân, thông qua việc mua được những thực phẩm của chính họ và trở nên cực kỳ giàu có theo tiêu chuẩn của người New Guinea được đo lường bằng số lợn. Một chuyến đi có thể mang lại 900% lợi nhuận, bằng cách mang theo lợn từ Malai, đổi mỗi con lợn ở điểm dừng đầu tiên, Đảo Umboi, thành 10 gói sago, đổi 10 gói đó ở điểm dừng thứ hai tại Làng Sio trong lục địa New Guinea thành 100 cái bình và đổi 100 cái bình đó ở điểm dừng tiếp theo tại New Britain thành 10 con lợn, để mang ngược lại Malai và sử dụng trong các bữa tiệc nghi lễ. Theo truyền thống, không có trao đổi tiền mặt vì tất cả xã hội đó đều không có tiền mặt. Những chiếc xuồng hai cột buồm của người Siassi, dài đến 20m và cao gần 2m, với trọng tải hàng hóa khoảng hai tấn, là tuyệt tác công nghệ về thuyền buồm gỗ.
Ghi nhận khảo cổ học cho thấy rằng tổ tiên Thời Băng hà của chúng ta đã giao thương theo cách đó hàng ngàn năm rồi. Chỉ một số ít các xã hội truyền thống hiện đại được cho là chủ yếu tự cung tự cấp và ít hoặc không hề thực hiện giao thương, gồm những người săn tuần lộc Nganasan của Siberia và thổ dân da đỏ Siriono của Bolivia theo nghiên cứu của Allan Holmberg. Hầu hết các xã hội truyền thống, cũng như tất cả các xã hội phát triển, phải nhập khẩu một số hàng hóa. Như chúng ta sẽ thấy, thậm chí các xã hội truyền thống dù đã có thể tự cung tự cấp vẫn lựa chọn không làm như vậy và thay vào đó ưu tiên thu mua một số sản phẩm mà họ đã có thể tự sản xuất hoặc tìm được.
Hầu hết hoạt động thương mại trong các xã hội quy mô nhỏ truyền thống là loại thương mại phạm vi ngắn giữa các nhóm láng giềng vì chiến tranh liên miên đã khiến việc thực hiện những chuyến giao thương ngang qua một số khu dân cư khác nhau trở nên nguy hiểm. Kể cả những thương nhân Siassia dùng xuồng đi đường dài cũng phải cẩn thận chỉ cập bờ ở những ngôi làng họ đã thiết lập quan hệ thương mại. Nếu bị thổi chệch lộ trình hoặc gãy cột buồm và buộc phải cập bờ ở bờ biển mà họ không có mối quan hệ giao thương, họ có thể bị giết như những người xâm nhập và hàng hóa của họ sẽ bị tịch thu bởi những dân làng không quan tâm đến việc đối xử tử tế và không khuyến khích các cuộc viếng thăm trong tương lai.
Thương mại truyền thống khác biệt ở một số khía cạnh so với cách thức tương đương trong thời hiện đại khi chúng ta nhận hàng hóa từ người khác, được gọi là mua bằng tiền mặt ở cửa hàng. Ví dụ, ngày nay việc một khách hàng mua xe từ một cửa hàng xe mới và lái đi mà không trả bất kỳ thứ gì hoặc không ký một hợp đồng nào, chỉ để người bán xe tin rằng vào một lúc nào đó trong tương lai, người khách hàng sẽ quyết định tặng một món quà có giá trị tương đương cho anh ta là điều không tưởng. Nhưng hành động đặc trưng đầy bất ngờ đó lại phổ biến trong các xã hội truyền thống. Tuy nhiên, một vài đặc điểm của thương mại truyền thống lại rất quen thuộc với những người mua bán hiện đại, đặc biệt là tỷ lệ cao của số hàng hóa mua về chỉ để trưng bày hoặc quá đắt tiền, như nữ trang hoặc quần áo thiết kế. Do đó, hãy bắt đầu bằng việc hình dung điều gì sẽ khiến những người truyền thống bên ngoài sau lần tiếp xúc đầu tiên cảm thấy lạ lẫm với nền kinh tế thị trường sử dụng tiền mặt của chúng ta. Một số người ở Cao nguyên New Guinea vừa mới tiếp xúc đã được đưa đến các khu phố miền biển New Guinea và gặp phải cú sốc văn hóa. Những người Cao nguyên đó đã nghĩ gì khi họ tìm hiểu về cách thức hoạt động của nền kinh tế thị trường của chúng ta?
Kinh tế thị trường
Ngạc nhiên đầu tiên đối với người Cao nguyên chắc hẳn là việc nhận ra rằng phương thức vô cùng phổ biến để thu mua một món hàng của chúng ta không phải là trao đổi hàng hóa mà bằng trả tiền. Không giống như hầu hết các món hàng trao đổi trong thương mại truyền thống, tiền không có giá trị nội tại và cũng không được xem là vật phẩm sang trọng đẹp đẽ như nữ trang hoặc chén bát thương mại của người Siassi, vốn được dùng để trao đổi, cất giữ hoặc ngưỡng vọng và thể hiện đẳng cấp. Công dụng duy nhất của tiền là sử dụng để đổi lấy nhiều thứ khác. Không giống chén bát thương mại của người Siassi mà bất kỳ cư dân nào của một số ngôi làng sở hữu kỹ năng cần thiết đều được phép chế tác, tiền chỉ được phát hành bởi chính phủ: nếu một công dân của Thế giới Thứ nhất sở hữu kỹ năng cần thiết cùng với một chiếc máy in tìm cách sử dụng kỹ năng đó để tự mình phát hành tiền, anh ta sẽ bị bỏ tù vì làm tiền giả.
Phương pháp trao đổi hàng hóa truyền thống, theo đó hai người trực tiếp trao đổi một vật phẩm lấy một vật phẩm khác mình muốn mà không có các bước trung gian trả tiền mặt cho một bên thứ ba, giờ đây ít được sử dụng hơn ở các xã hội hiện đại. Trái lại, một số xã hội truyền thống sử dụng các vật phẩm có giá trị tự định theo cách mà đôi khi gần giống với cách sử dụng tiền của chúng ta. Ví dụ như: việc sử dụng vỏ trai có viền vàng của người Kaulong New Britain và các dĩa đá lớn của cư dân Đảo Yap ở Micronesia. Người Cao nguyên New Guinea sử dụng vỏ ốc tiền và người eo biển Vitiaz sử dụng chén bát gỗ chế tác, như những món hàng trao đổi, kể cả dùng như một phần quà hồi môn ở tỷ lệ cố định: rất nhiều vỏ sò hoặc chén bát cùng với các hàng hóa khác cho cô dâu. Nhưng những vật phẩm đó vẫn khác với tiền vì chúng được dùng chỉ để trả cho một số thứ (không dùng phí phạm để đổi khoai lang trong bữa trưa) và vì chúng cũng là những món hàng sang trọng hấp dẫn để cất trữ và khoe khoang. Không như người Cao nguyên New Guinea, người Mỹ có tờ 100 đô-la sẽ giấu nó trong ví cho đến khi họ phải dùng nó và không hiên ngang đi vòng vòng với một chùm giấy bạc treo trên cổ để mọi người cùng thấy.
Một đặc điểm thứ hai của nền kinh tế thị trường gây ngạc nhiên cho nhiều người truyền thống là quá trình mua hàng của chúng ta rõ ràng được xem như một cuộc trao đổi, theo đó sự bàn giao một vật nào đó (thường là tiền) của người mua được xem là thanh toán thay vì quà đáp lại. Gần như luôn luôn, người mua hoặc thanh toán vào thời điểm thu mua, hoặc ít nhất đồng ý về giá nếu thanh toán được thực hiện sau đó hoặc vào thời điểm lắp đặt. Nếu người bán đồng ý chờ cho đến sau đó để được thanh toán một phần hoặc toàn bộ, như trong trường hợp mua xe mới, việc thanh toán vẫn là một nghĩa vụ cụ thể, chứ không phải là món quà đáp lại sau đó theo ý thích của người mua. Khi so sánh tương quan quy trình này với trường hợp tưởng tượng về một người bán “cho” khách hàng chiếc xe và mong đợi một món quà không cụ thể trong tương lai: chúng ta sẽ xem một giao dịch như vậy là điều phi lý. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy rằng đó chính xác là cách thương mại diễn ra ở nhiều xã hội truyền thống.
Đặc điểm thứ ba là hầu hết các giao dịch thị trường của chúng ta diễn ra giữa người mua và một người trung gian chuyên nghiệp chuyên sâu (“nhân viên bán hàng”) ở cơ sở chuyên nghiệp chuyên sâu (“cửa hàng”), thay vì giữa người mua và nhà cung cấp gốc ở gần nhà. Một mô hình đơn giản hơn được vận hành ở cấp độ thấp nhất trong hệ thống thứ bậc kinh tế của chúng ta gồm các giao dịch trực tiếp, thanh toán ngay lập tức, theo đó người bán quảng cáo hàng bán của mình (bằng thông báo trước nhà, quảng cáo trên báo, hoặc thông báo trên eBay) và bán nhà hoặc xe của anh ta trực tiếp cho người mua nào xem các quảng cáo đó. Trái lại, mô hình phức tạp hơn ở cấp độ cao nhất trong hệ thống thứ bậc kinh tế gồm những trao đổi buôn bán giữa các chính phủ, ví dụ như hợp đồng vận chuyển dầu giữa các chính phủ, hoặc bán vũ khí từ các nước Thế giới Thứ nhất cho các nước khác.
Dù các giao dịch thị trường có nhiều dạng thức khác nhau, nhưng trong tất cả dạng thức, người mua và người bán thường ít hoặc không có quan hệ cá nhân tiếp diễn ngoài giao dịch. Họ có thể không bao giờ thấy hoặc giao dịch với nhau trước đây, họ có thể không bao giờ giao dịch với nhau lần nữa và họ chủ yếu quan tâm đến các món hàng trao tay (hàng hóa mua và tiền) thay vì mối quan hệ. Thậm chí trong các trường hợp khi người mua và người bán liên tục thực hiện giao dịch với nhau, như trong trường hợp người mua hàng đến quầy chợ nông sản của một số nông dân hàng tuần, giao dịch vẫn là chính, quan hệ chỉ là phụ. Chúng ta sẽ thấy rằng thực tế căn bản này của nền kinh tế thị trường, thứ mà độc giả của cuốn sách này xem là hiển nhiên, thường không áp dụng được cho các xã hội quy mô nhỏ truyền thống, nơi các bên không phải là những người chuyên bán hoặc người mua, mối quan hệ giữa hai bên sẽ tiếp diễn và họ có thể xem các món hàng trao đổi có tầm quan trọng không đáng kể so với quan hệ cá nhân mà hoạt động trao đổi đó sẽ củng cố.
Đặc điểm thứ tư của nền kinh tế thị trường có liên quan đến đặc điểm thứ ba: hầu hết các thị trường chuyên nghiệp hoạt động liên tục hoặc nếu không thì đều đặn và thường xuyên. Theo đặc thù, cửa hàng mở cửa hằng ngày trừ Chủ nhật, trong khi chợ của người nông dân hoạt động hàng tuần (ví dụ, vào các buổi sáng thứ Tư). Ngược lại, hầu hết hoạt động thương mại quy mô nhỏ truyền thống không thường xuyên kết nối các bên, thường chỉ một năm hoặc thậm chí vài năm một lần.
Đặc điểm áp chót của thị trường là một sự tương đồng thay vì khác biệt với giao thương của các xã hội quy mô nhỏ truyền thống. Ở cả hai trường hợp, vật phẩm giao thương có rất nhiều từ cần thiết về mặt vật chất (“những hàng thiết yếu”) đến vô dụng về vật chất (“xa xỉ phẩm”). Ở một thái cực là các vật phẩm hỗ trợ hoặc không thể thiếu để tồn tại như thức ăn, trang phục giữ ấm và công cụ máy móc. Ở thái cực ngược lại là các vật phẩm không liên quan đến khả năng tồn tại nhưng được định mức giá xa xỉ như trang sức, để giải trí hoặc để chứng tỏ đẳng cấp như nữ trang và ti-vi. Trong vùng không phân định rõ ở giữa là những vật phẩm hữu ích về mặt vật chất, nhưng cũng là những món hàng chức năng có chi phí tối thiểu, ít danh giá hoặc đắt tiền, nhiều danh giá với chức năng như nhau. Ví dụ, một túi xách sợi tổng hợp giá 10 đô-la Mỹ và một túi Gucci da giá 2.000 đô-la Mỹ đều phù hợp như nhau trong việc chứa đồ, nhưng món hàng thứ hai tạo nên đẳng cấp còn món thứ nhất thì không. Ví dụ này đã gợi ý rằng chúng ta không nên xem những món hàng xa xỉ “vô dụng” về mặt vật chất là vô dụng: vị thế mà chúng tạo nên có thể mang đến những lợi ích vật chất khổng lồ, như những cơ hội kinh doanh hoặc tán tỉnh người vợ hoặc chồng tiềm năng. Tập hợp “tính hữu dụng” này cũng đã tồn tại trong hoạt động thương mại sớm nhất có thể được ghi nhận theo khảo cổ: hàng chục ngàn năm trước, những người Cro-Magnon đã buôn bán những mũi giáo bằng đá obsidian cần thiết để săn bắt, vỏ sò và hổ phách đơn thuần chỉ để làm trang sức và các mũi giáo bằng thạch anh mờ được làm tinh xảo, đẹp đẽ. Người Cro-Magnon được cho là không hề muốn sử dụng các mũi giáo thạch anh khi săn bắt và vì có thể làm vỡ chúng cũng như chúng ta không muốn sử dụng chiếc túi Gucci đẹp nhất để đựng phần cá vừa mua đang bốc mùi tanh từ chợ hải sản về nhà.
Đặc điểm còn lại của thị trường hiện đại thường giống hệt thương mại truyền thống, nhưng trong các điều kiện khác, xã hội truyền thống thay thế bằng một hành động ít có tiền lệ trong cuộc sống hiện đại. Chúng ta mua vật nào đó chủ yếu chỉ vì chúng ta muốn có nó (thay vì để củng cố quan hệ cá nhân với người bán), và chúng ta mua nó từ người cung cấp phải chăng và có thể bán những hàng hóa không tiếp cận được hoặc chúng ta không biết cách sản xuất. Ví dụ, những khách hàng không làm nông thường không có khả năng tự tay trồng được táo: họ phải mua táo từ những nông dân trồng táo hoặc từ các tiệm hoa quả. Người nông dân trồng táo lại mua dịch vụ y tế và pháp lý từ các dược sĩ và luật sư – những người có kiến thức y tế và pháp lý mà người nông dân trồng táo không có. Không người nông dân trồng táo nào lại bán táo và mua lại táo từ những nông dân trồng táo khác chỉ để duy trì sự thân thiện với các nông dân trồng táo khác. Chúng ta sẽ thấy rằng các xã hội quy mô nhỏ truyền thống cũng giống như những người tiêu dùng và cung cấp hiện đại, thường mua bán vật phẩm mà một bên có khả năng tiếp cận và một bên không (ví dụ, một loại đá chỉ tồn tại ở địa phương) và buôn bán vật phẩm mà một bên biết cách tạo ra mà bên kia không (ví dụ, xuồng độc mộc đi biển phức tạp). Tuy nhiên, họ cũng giao thương những vật phẩm sẵn có như nhau ở hai bên và họ giao thương như vậy để duy trì quan hệ vì những lý do chính trị và xã hội.
Các hình thức thương mại truyền thống
Từ đầu chương đến giờ, chúng ta đã xem xét thương mại từ quan điểm của các thành viên xã hội truyền thống và về những gì họ có thể cảm thấy khác biệt, ngạc nhiên hoặc quen thuộc trong nền kinh tế thị trường của chúng ta. Hãy nghiên cứu các cơ chế tương đương trong thương mại truyền thống. Tôi đã đề cập đến sự thay thế các khoản mua bằng tiền mặt bằng các hoạt động trao đổi vật phẩm và thỉnh thoảng bằng việc sử dụng các vật phẩm có giá trị như vỏ ốc tiền theo cách tương tự như tiền. Bây giờ, hãy xem xét những hình thức truyền thống tương đương với các đặc trưng khác của nền kinh tế thị trường mà chúng ta vừa thảo luận.
Dù ở một số trường hợp, các xã hội truyền thống đàm phán trong các cuộc trao đổi công khai và cả hai vật phẩm trao tay cùng lúc, nhưng trong các trường hợp khác khi một bên tặng quà và người nhận từ đó phát sinh nghĩa vụ tặng quà có giá trị tương đương ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Dạng thức đơn giản nhất của hoạt động tặng quà đối ứng như vậy diễn ra ở những người dân đảo Andaman, đối với họ không có trì hoãn đáng kể nào giữa hai nửa của giao dịch. Một nhóm địa phương mời một hoặc nhiều hơn các nhóm địa phương khác đến buổi tiệc kéo dài vài ngày và các vị khách sẽ mang theo những vật phẩm như cung, tên, búa rìu lưỡi vòm, giỏ và đất sét đến đó. Người khác trao vật phẩm cho chủ tiệc, người này không thể từ chối món quà nhưng được mong đợi sẽ trao lại gì đó có cùng giá trị. Nếu món quà thứ hai không đáp ứng được nhu cầu của người khách, anh ta có thể trở nên giận dữ. Thỉnh thoảng người tặng quà, khi trao quà, nói ra món quà mà anh ta muốn nhận lại, nhưng đó là ngoại lệ. Trong cộng đồng thổ dân da đỏ Yanomamo của Nam Mỹ, hoạt động tặng quà đối ứng cũng có liên hệ với những buổi tiệc mà một nhóm mời nhóm láng giềng. Việc tặng quà đối ứng của người Yanomamo khác với phong tục người Andaman ở chỗ món quà thứ hai, phải khác thể loại hàng hóa với món quà thứ nhất, được tặng ở bữa tiệc sau đó. Mỗi món quà Yanomamo được ghi nhớ rất lâu sau đó. Khoảng trễ giữa món quà thứ nhất và thứ hai có nghĩa rằng nghĩa vụ tích lũy trở thành một lý do liên tục để các ngôi làng láng giềng đến gặp nhau trong các bữa tiệc và một số thành viên của một làng luôn nợ quà một số thành viên của làng khác từ cuộc gặp lần trước.
Trong số những người Inuit ở Tây Bắc Alaska, người Agta của Philippines, người đảo Trobriand và người!Kung, mỗi loại người đều công nhận các đối tác thương mại để trao đổi quà. Mỗi người Inuit có từ một đến sáu đối tác như vậy. Người Agta và người săn bắt – hái lượm Pygmy châu Phi lần lượt có quan hệ với các gia đình nông dân Philippines và Bantu, các mối quan hệ đó được truyền từ đời này sang đời khác. Mỗi người dân đảo Trobriand thực hiện một chuyến giao thương bằng xuồng ngang qua mỗi đảo sẽ có một đối tác thương mại để anh ta tặng quà, và anh ta kỳ vọng nhận được một món quà tương đương từ người đó ở lần ghé thăm tiếp theo một năm sau. Hệ thống thương mại đường xa được gọi là hxaro của người!Kung khác biệt ở chỗ mỗi cá nhân có hàng chục đối tác thương mại, cũng khác biệt ở thời gian dài giữa việc trao quà và nhận lại món quà tương đương khi hai bên gặp nhau lần đầu tiên, thường là nhiều tháng hoặc nhiều năm sau.
Ai là thương gia, trong trường hợp nào và bao lâu thì họ gặp nhau một lần? Ở các xã hội quy mô nhỏ, mọi người đều giao thương. Tuy nhiên, ở các tù trưởng quốc lớn và các nhà nước ban đầu với việc chuyên môn hóa các vai trò kinh tế, những thương gia chuyên nghiệp như thương nhân thời đại chúng ta đã xuất hiện như được ghi nhận trong các hồ sơ từ buổi bình minh của hoạt động viết 4.000 hoặc 5.000 năm trước đây ở Cận Đông. Một hiện tượng hiện đại khác với tiền lệ ở các xã hội đơn giản hơn kể đến mọi xã hội chuyên môn hóa vào việc giao thương. Người đảo Malai với “các tòa nhà chọc trời” khiến tôi sửng sốt sống ở một hòn đảo quá nhỏ để thỏa mãn được mọi nhu cầu về thực phẩm đã trở thành những người trung gian, nhà sản xuất và thương nhân xuyên biển, nhờ đó đáp ứng được những nhu cầu thực phẩm còn lại của họ. Do đó, đảo Malai trở thành mô hình của Singapore hiện đại.
Tất cả hình thức và tần suất của thương mại truyền thống tạo nên một tập hợp. Ở cấp độ đơn giản nhất là các chuyến đi ít ỏi của người!Kung và người Dani đến gặp các đối tác thương mại cá nhân của họ ở các nhóm hoặc các làng khác. Gợi nhớ về các chợ mở và chợ đồ cũ của chúng ta là các chợ thỉnh thoảng mới họp mà qua đó người làng Sio sống ở bờ biển Đông Bắc New Guinea gặp người New Guinea từ các làng nội địa. Khoảng vài chục người từ mỗi bên sẽ ngồi xuống thành hàng đối diện nhau. Một người nội địa đẩy tới một túi lưới chứa từ 10 đến khoảng 18kg khoai môn, khoai lang và người làng Sio ngồi đối diện trả lời bằng cách chào mời một số lượng nồi, quả dừa được đánh giá là tương đương với giá trị của túi thực phẩm. Các thương gia đi xuồng của đảo Trobriand tiến hành hoạt động giao thương tương tự trên những hòn đảo mà họ đến, trao đổi hàng thiết thực (thức ăn, nồi, chén bát và đá) lấy những món quà đáp lại là các vật phẩm xa xỉ (vòng cổ và băng tay).
Các nhóm trên đảo Andaman và dân làng thổ dân da đỏ Yanamamo sắp xếp gặp nhau vào những khoảng thời gian không đều đặn ở các buổi tiệc nhiều ngày như những dịp để tặng quà. Người Inuit ở Tây Bắc Alaska tổ chức các hội chợ mùa hè và các bữa tiệc sứ giả mùa đông mà ở đó các nhóm vốn là kẻ thù trong hầu hết thời gian của năm sẽ ngồi lại hòa bình với nhau trong một hoặc hai tuần giao thương và lễ hội. Các xã hội chuyên môn hóa của những thương nhân đi xuồng, như những người đảo Siassi, người đảo Trobriand, người đảo Mailu ở Đông Nam New Guinea và người Indonesia (người Macassar) – những người đến phía bắc úc để mua trepang (dưa leo biển khô) cung cấp cho thị trường súp Trung Hoa – đã để các nhóm thương gia thực hiện những hành trình hàng trăm hoặc hàng ngàn ki-lô-mét trên đại dương trong các chuyến buôn bán hàng năm.
Hàng hóa giao thương truyền thống
Nói về các vật phẩm trao đổi trong giao thương, người ta có xu hướng bắt đầu bằng cách phân chia chúng thành hai loại: hàng thiết yếu (như thực phẩm và công cụ) và hàng xa xỉ (như vỏ ốc tiền và vòng kim cương). Tuy nhiên, sự phân cực này trở nên không rõ ràng khi người ta cố gắng áp dụng nó. Như nhà kinh tế học Frank Knight viết, “Trong số tất cả các quan niệm gây nhầm lẫn và phi lý, khiến việc thảo luận kinh tế và xã hội bị sai sót trầm trọng, có lẽ quan niệm sai lầm nhất là niềm tin… rằng việc diễn giải tính hữu dụng hoặc hữu ích trong những điều kiện tồn tại sinh học hoặc vật lý có tầm quan trọng đáng kể ở cấp bậc con người.” Ví dụ, một chiếc xe BMW rõ ràng thuộc hàng xa xỉ và một biểu tượng đẳng cấp, nhưng nó cũng vẫn được sử dụng để đi đến cái quầy hoa quả và hình ảnh nó tạo ra có thể cần thiết đối với người sử dụng nó trong việc kiếm tiền bằng cách hoàn tất các vụ làm ăn hay tìm kiếm người yêu. Điều tương tự cũng đúng với một chiếc bát Siassi được chế tác từ gỗ quý, vốn được dùng để đựng rau ở các bữa tiệc nhưng nó cũng là biểu tượng đẳng cấp không thể thiếu để mua được một người vợ ở vùng eo biển Vitiaz. Về những chú heo, từ trước đến giờ, chúng là biểu tượng đẳng cấp giá trị nhất ở New Guinea. Đó là lý do cho ghi chú của Thomas Harding rằng, “Cũng có thể nói rằng việc ít quan trọng nhất mà người ta có thể làm với những chú heo là ăn chúng.”
 

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.