Thế Giới Cho Đến Ngày Hôm Qua

PHẦN 2: CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH – CHƯƠNG 2: BỒI THƯỜNG CHO CÁI CHẾT CỦA MỘT ĐỨA TRẺ



Tai nạn
– Đám tang.
– Chuyện gì xảy ra nếu…?
– Nhà nước đã làm gì.
– Bồi thường ở New Guinea.
– Quan hệ lâu dài.
– Các xã hội phi nhà nước khác.
– Thẩm quyền nhà nước.
– Tư pháp dân sự nhà nước.
– Các nhược điểm trong tư pháp dân sự nhà nước.
– Tư pháp hình sự nhà nước.
– Tư pháp phục hồi.
– Lợi thế và cái giá của lợi thế
Tai nạn
Vào một chiều muộn cuối mùa khô, chiếc xe hơi do người đàn ông tên Malo cầm lái bất ngờ đâm phải và khiến cậu học trò nhỏ tên Billy tử vong trên một con đường ở Papua New Guinea. Billy đang trên đường đi học về trên chiếc xe buýt công cộng nhỏ (không phải xe buýt của trường) và chú của Billy là Genjimp khi đó đang đứng đợi cậu ở bên kia đường. Còn Malo là tài xế của một công ty nhỏ tại địa phương, đang trên đường chở nhân viên công ty về nhà đi ngược hướng với chiếc xe buýt chở Billy. Khi Billy bước xuống xe, cậu bé nhìn thấy chú Genjimp và chạy ngay qua đường để gặp chú của cậu. Tuy nhiên, khi qua đường, Billy không đi vòng lên phía trước chiếc xe buýt nhỏ để được nhìn thấy từ xe của Malo và những phương tiện đang lưu thông khác. Thay vào đó, cậu bé lại khuất dạng phía sau xe buýt và chỉ xuất hiện trước xe của Malo khi cậu đột ngột chạy ra giữa đường. Malo không thể dừng kịp nên đâm vào Billy và khiến cậu bé bị hất văng lên. Chú Genjimp mang Billy đến thẳng bệnh viện cấp cứu, nhưng cậu bé đã chết vài giờ sau đó do chấn thương đầu quá nặng.
Ở Mỹ, khi một tài xế gây ra tai nạn nghiêm trọng, người đó phải ở lại hiện trường cho đến khi cảnh sát đến: nếu người đó rời khỏi và không báo với cảnh sát, anh ta sẽ bị cho là bỏ trốn, và chính việc bỏ trốn được xem như một tội ác. Tuy nhiên, ở Papua New Guinea và một số nước khác, luật pháp cho phép tài xế không phải ở lại hiện trường nhưng phải chạy đến trụ sở cảnh sát gần nhất. Đó là bởi những người qua đường đầy giận dữ có thể ngay lập tức lôi người tài xế gây tai nạn kia ra khỏi xe và đánh đến chết, kể cả khi tai nạn là lỗi của người đi bộ. Bên cạnh rủi ro đối với Malo và những hành khách của anh ta, Malo và Billy thuộc các tộc người khác nhau, mà ở Papua New Guinea, điều đó thường rất dễ dẫn đến căng thẳng. Malo là người dân địa phương ở làng bên cạnh, nhưng Billy thuộc nhóm người ở vùng đất thấp cách đó nhiều ki-lô-mét. Rất nhiều người vùng đất thấp đã di cư đến nơi này để làm việc đang ở gần nơi xảy ra vụ tai nạn. Nếu Malo dừng lại và bước ra để giúp cậu bé, anh ta rất có thể sẽ bị đánh đến chết bởi những người qua đường là dân vùng đất thấp, những hành khách cũng có thể bị lôi ra ngoài và bị giết chết. Nhưng Malo đã nhanh trí lái xe đến trụ sở cảnh sát địa phương và khai báo. Cảnh sát tạm giữ hành khách ở trụ sở vì lý do an toàn và hộ tống Malo về làng an toàn, nơi anh ta sẽ ở lại nhiều tháng sau đó.
Những câu chuyện sau đây cho thấy cách người New Guinea, cũng như nhiều kiểu người truyền thống khác sống chủ yếu ngoài tầm kiểm soát của hệ thống tư pháp do chính quyền nhà nước thiết lập, tuy nhiên họ vẫn đạt được công bằng và giải quyết những vấn đề mâu thuẫn một cách hòa bình bằng các cơ chế truyền thống của họ. Các cơ chế giải quyết tranh chấp như vậy có thể đã vận hành suốt thời tiền sử của con người cho đến khi hình thành các quốc gia với các bộ luật, tòa án, thẩm phán và cảnh sát được luật pháp hóa bắt đầu từ 5.400 năm trước đây. Trường hợp của Malo và Billy trái ngược với trường hợp mà tôi sẽ đề cập đến ở chương tiếp theo, một trường hợp cũng được giải quyết bằng các phương thức truyền thống nhưng lại trái ngược với phương thức sử dụng trong trường hợp của Malo và Billy: bằng cách giết hại kẻ thù và gây chiến tranh. Tùy vào hoàn cảnh và các bên liên quan, tranh chấp trong xã hội truyền thống có thể được giải quyết một cách hòa bình hoặc bằng chiến tranh nếu hòa bình bị phá vỡ hoặc không đạt được.
Quá trình diễn ra trong hòa bình này liên quan đến cái được gọi là “bồi thường” (như chúng ta sẽ thấy, bản dịch thông thường sang tiếng Anh của từ New Guinea này không chính xác; việc bồi thường cho cái chết của đứa trẻ là không thể và đó cũng không phải là mục đích. Từ này trong ngôn ngữ chung Tok Pisin của New Guinea là sori money, nghĩa là “tiền xin lỗi” và cách dịch đó phù hợp hơn vì nó thể hiện chính xác là tiền được trả để sẻ chia nỗi đau hay là lời xin lỗi cho những gì đã xảy ra). Tôi được nghe về câu chuyện bồi thường hậu sự theo truyền thống cho Billy qua một người đàn ông tên là Gideon, tại thời điểm đó, người này là quản lý văn phòng địa phương của doanh nghiệp thuê Malo làm tài xế và cũng tham gia vào quá trình diễn ra sau đó. Hóa ra cơ chế tư pháp truyền thống của New Guinea có những mục tiêu cơ bản khác với hệ thống tư pháp nhà nước. Dù tôi đồng ý rằng tư pháp nhà nước có ưu điểm lớn và hoàn toàn cần thiết để giải quyết tranh chấp giữa các công dân của nhà nước, đặc biệt là tranh chấp giữa những người lạ, nhưng giờ đây, tôi lại cảm thấy cơ chế tư pháp truyền thống có thể dạy ta nhiều điều khi các bên tranh chấp không phải là những người xa lạ mà sẽ còn bị ràng buộc trong những mối quan hệ tiếp diễn sau khi giải quyết tranh chấp: ví dụ như hàng xóm, những người có liên hệ trong quan hệ làm ăn, cha mẹ ly dị và anh em tranh chấp thừa kế.
Đám tang
Vì lo ngại thị tộc của Billy có thể tìm cách trả thù Malo và Gideon cùng các nhân viên khác của công ty, nên Gideon yêu cầu nhân viên không đến làm việc vào ngày sau vụ tai nạn. Gideon vẫn ở một mình trong văn phòng của mình, thuộc khu phức hợp có tuần tra và rào kín, chỉ cách ngôi nhà mà Gideon và gia đình ông sinh sống khoảng 100m. ông chỉ thị cho các nhân viên bảo vệ cảnh giác, không để người lạ vào và đặc biệt là cẩn thận với mọi người dân vùng đất thấp. Tuy nhiên, trong buổi sáng hôm đó, Gideon ngước nhìn lên từ bàn làm việc và kinh hoàng thấy ba người đàn ông cao to, dễ nhận biết là người vùng đất thấp nhờ vẻ ngoài của họ, đứng ngoài cửa sổ sau của văn phòng. Suy nghĩ đầu tiên của Gideon là: hoặc tôi mỉm cười với họ hoặc là chạy. Nhưng sau đó, ông suy nghĩ kỹ rằng vợ và các con ông đang ở rất gần đó, việc bỏ chạy chỉ có thể cứu mạng một mình ông. ông cố gắng nở nụ cười và ba người đàn ông kia cũng cố gắng mỉm cười lại. Gideon tiến đến cửa sổ sau của văn phòng và mở cửa, nhận ra rằng việc làm đó có thể gây chết người ngay lập tức, nhưng ông không còn cách nào khác vì mọi lựa chọn khác đều sẽ tệ hơn. Một trong ba người đàn ông, hóa ra là Peti, cha của cậu bé đã chết, hỏi Gideon, “Tôi có thể vào văn phòng và nói chuyện với ông không?” (Cuộc trò chuyện này và hầu hết những đối thoại khác mà tôi sẽ đề cập không sử dụng tiếng Anh mà bằng tiếng Tok Pisin. Những từ mà Gideon thực sự nghe thấy từ Peti là: “Inap mi kam insait long opis bilong yu na yumi tok- tok?”)
Gideon gật đầu, đi ra phía trước văn phòng, mở cửa, mời Peti vào một mình và ngồi xuống. Đối với một người đàn ông có con trai vừa bị giết chết và lúc này đang đối mặt với ông chủ của kẻ gây chết người, thái độ của Peti thật ấn tượng: rõ ràng vẫn còn rất sốc, nhưng ông vẫn bình tĩnh, tôn trọng và thẳng thắn. Peti ngồi im lặng một lúc rồi cuối cùng nói với Gideon, “Chúng tôi đều hiểu đây là một tai nạn và ông không cố ý làm điều đó cũng như không muốn gây ra bất cứ rắc rối nào. Chúng tôi chỉ muốn sự hỗ trợ của ông cho tang lễ. Chúng tôi muốn ông cung cấp một ít tiền và thực phẩm để những người thân của chúng tôi dùng tại buổi lễ”. Gideon trả lời bằng cách bày tỏ sự cảm thông thay mặt công ty cũng như nhân viên và bằng việc đưa ra một số cam kết chung chung. Ngay chiều hôm đó, ông đến siêu thị địa phương để bắt đầu mua các mặt hàng thực phẩm thiết yếu gồm: gạo, thịt đóng hộp, đường và cà phê. Khi ở cửa hàng, ông tình cờ gặp lại Peti và một lần nữa không có vấn đề gì xảy ra.
Đến ngày thứ hai, một ngày sau vụ tai nạn, Gideon nói chuyện với một nhân viên cấp cao trong đội ngũ của ông, một người New Guinea tên Yaghean, tuy là người gốc ở một huyện khác nhưng đã lão luyện trong các cuộc đàm phán bồi thường ở New Guinea. Yaghean đề nghị Gideon để ông ta xử lý các cuộc đàm phán. Vào ngày hôm sau (ngày thứ 3), Gideon triệu tập một cuộc họp nhân viên của công ty ông để thảo luận về cách thức tiến hành. Nỗi sợ lớn nhất của mọi người là dòng họ cậu bé đã chết (họ hàng xa và người trong thị tộc) có thể trở nên hung hãn, dù người cha đã đảm bảo rằng gia đình họ sẽ không gây một rắc rối nào. Được khích lệ bởi thái độ bình tĩnh của Peti trong hai cuộc gặp giữa họ, ban đầu Gideon nghiêng về lựa chọn tự mình tiến thẳng đến khu sinh sống của những người vùng đất thấp, đi tìm gia đình Billy và “nói xin lỗi” (chính thức xin lỗi), cố gắng xoa dịu các mối đe dọa từ dòng họ này. Nhưng Yaghean nhấn mạnh rằng Gideon không được làm điều này: “Nếu ông tự mình đến đó quá sớm, tôi lo rằng dòng họ đó và toàn thể cộng đồng vùng đất thấp vẫn có thể nổi giận. Thay vì vậy, ta nên tiến hành quá trình bồi thường thích hợp. Ta sẽ gửi đi một sứ giả và người đó sẽ là tôi. Tôi sẽ nói chuyện với ủy viên hội đồng phường phụ trách việc hòa giải với người vùng đất thấp, rồi ông ta sẽ nói chuyện với cộng đồng người vùng đất thấp. Cả ông ta và tôi đều biết quá trình đền bù nên tiến hành thế nào. Chỉ sau khi quá trình này hoàn thành, ông và nhân viên mới có thể tiến hành buổi lễ nói – xin – lỗi [tok-sori trong tiếng Tok Pisin] với gia đình này”.
Yaghean đến nói chuyện với người ủy viên hội đồng, người sẽ sắp xếp cuộc họp ngày hôm sau (ngày thứ 4) giữa Yaghean, ủy viên hội đồng, gia đình của Billy và gia tộc. Gideon không biết nhiều về những gì diễn ra tại cuộc họp đó, ngoại trừ báo cáo của Yaghean rằng họ đã bàn rất lâu về cách thức xử lý vấn đề, rằng chính gia đình đó không có ý định dùng đến bạo lực, nhưng một số đàn ông trong cùng khu vực sinh sống vô cùng thương tiếc Billy và vẫn còn đang rất giận dữ. Yaghean nói với Gideon rằng ông nên mua thêm thức ăn cho lễ đền bù thiệt hại và tang lễ. Thỏa thuận cuối cùng đã đạt được với khoản bồi thường 1.000 kina (tương đương khoảng 300 đô-la Mỹ) từ công ty Gideon cho gia đình Billy (Kina là đơn vị tiền tệ quốc gia của Papua New Guinea).
Buổi lễ bồi thường diễn ra vào ngày hôm sau, ngày thứ 5, với những thỏa thuận chính thức và chặt chẽ. Buổi lễ bắt đầu với Gideon, Yaghean và các nhân viên còn lại ngoại trừ Malo lái xe từ công ty đi vào khu sinh sống của những người dân vùng đất thấp. Họ đậu xe, đi qua khu sinh sống và bước vào phần sân sau căn nhà của gia đình Billy. Các nghi thức tang lễ truyền thống của New Guinea diễn ra dưới một mái che, giăng trên đầu những người tham dự tang lễ; trong trường hợp này mái che mà gia đình Billy dựng lên là một tấm bạt và tất cả mọi người – gia đình và khách – sẽ tụ họp ở đây. Khi khách viếng tiến vào, một trong các chú bác của cậu bé đã chết chỉ cho họ vị trí ngồi và ra hiệu cho người trong gia đình đến chỗ ngồi khác.
Buổi lễ bắt đầu khi một người bác của cậu bé phát biểu, cảm ơn khách viếng đã đến và bày tỏ việc cái chết của Billy đã khiến họ đau buồn đến nhường nào. Tiếp đó, Gideon, Yaghean và nhân viên công ty lên phát biểu. Khi kể lại sự việc này với tôi, Gideon giải thích, “Thật khủng khiếp, khi phát biểu lúc đó, tôi đã khóc. Tôi cũng có con nhỏ. Tôi đã nói với gia đình họ rằng tôi hiểu nỗi đau buồn của họ. Nỗi đau của họ chắc chắn là khôn tả. Tôi nói với họ rằng thực phẩm và số tiền mà tôi đưa đến chẳng là gì so với mất mát mà họ phải chịu đựng.”
Gideon tiếp tục kể với tôi, “Tiếp đó là phát biểu của cha Billy, ông Peti. ông nói rất đơn giản. ông đã khóc. ông hiểu rằng cái chết của Billy là một tai nạn và không phải do sơ suất của chúng tôi. ông cảm ơn chúng tôi đã đến và nói rằng người của ông có thể gây rắc rối cho chúng tôi. Sau đó, ông nói về Billy, đưa lên một bức ảnh của con trai ông, và nói: ‘chúng tôi nhớ nó’. Mẹ của Billy ngồi lặng lẽ phía sau người cha khi ông nói. Một vài người chú bác khác của Billy đứng dậy và nhắc lại, ‘Các vị sẽ không gặp bất kỳ vấn đề gì với chúng tôi, chúng tôi hài lòng với phản ứng của các vị và với sự bồi thường.’ Tất cả mọi người – đồng nghiệp, tôi và cả gia đình Billy – đều khóc.”
Gideon và các đồng nghiệp đã mang thức ăn đến để “nói xin lỗi” với dòng chữ “Thức ăn này là để giúp các bạn trong thời điểm khó khăn này.” Sau các cuộc nói chuyện, gia đình và khách viếng cùng ăn một bữa ăn đơn giản gồm khoai lang (thực phẩm truyền thống của người New Guinea) và các loại rau khác. Có rất nhiều cái bắt tay ở cuối buổi lễ. Tôi hỏi Gideon liệu có những cái ôm không và chẳng hạn liệu ông và cha cậu bé có ôm lấy nhau trong khi khóc. Nhưng câu trả lời của Gideon là “Không, buổi lễ đã được sắp đặt và nó diễn ra theo đúng nghi thức”. Tuy nhiên, tôi khó có thể tưởng tượng được một cuộc gặp hòa giải tương tự ở Mỹ hay bất kỳ xã hội Tây phương nào khác, trong đó gia đình của đứa bé đã chết và người vô tình giết chết đứa bé, trước đây là những người lạ, ngồi xuống, khóc và cùng dùng một bữa ăn một vài ngày sau cái chết. Thay vì vậy, gia đình của cậu bé sẽ lên kế hoạch cho một vụ kiện dân sự, còn gia đình của người vô tình giết người sẽ hỏi ý kiến các luật sư và nhà môi giới bảo hiểm để chuẩn bị biện hộ cho vụ kiện cùng với những cáo buộc hình sự có thể có.
Chuyện gì xảy ra nếu…?
Như người cha và họ hàng của Billy công nhận, Malo đã không cố tình giết Billy. Tôi hỏi Malo và Gideon chuyện gì sẽ xảy ra nếu thực sự Malo cố ý giết Billy, hoặc nếu Malo ít nhất có sơ suất rõ ràng.
Malo và Gideon trả lời rằng, trong trường hợp đó, vấn đề vẫn có thể được giải quyết theo quy trình bồi thường tương tự. Kết quả sẽ chỉ không chắc chắn bằng, tình hình nguy hiểm hơn và yêu cầu thanh toán bồi thường lớn hơn. Tồn tại một rủi ro cao hơn là người thân của Billy sẽ không chờ đợi kết quả của cuộc đàm phán bồi thường, hoặc sẽ từ chối việc trả tiền và thay vào đó sẽ tiến hành cái gọi là giết người trả đũa: tốt nhất là bằng cách giết chính Malo, hoặc nếu không thì một người nào đó trong gia đình của Malo nếu họ không thể giết anh ta, hoặc nếu không nữa sẽ là một người khác cùng thị tộc có quan hệ xa hơn với Malo trong trường hợp họ không thể giết một thành viên trong gia đình của anh ta. Tuy nhiên, nếu người thân của Billy bị thuyết phục chờ đợi kết quả của quá trình bồi thường, họ sẽ yêu cầu bồi thường cao hơn nhiều. Malo ước tính cho tôi khoản bồi thường yêu cầu (nếu anh ta phải chịu trách nhiệm cho cái chết của Billy) là khoảng năm con lợn cộng với 10.000 kina (tương đương với khoảng 3.000 đô-la Mỹ), đi kèm với lượng thực phẩm địa phương bao gồm một buồng chuối, khoai môn, khoai lang, bột cọ cao lương, rau vườn và cá khô.
Tôi cũng tự hỏi điều gì sẽ xảy ra nếu Malo không phải là lái xe cho công ty mà chỉ là một người New Guinea đơn độc và do đó không dính dáng đến công ty. Malo trả lời rằng các cuộc đàm phán bồi thường từ phía anh sau đó sẽ không được đồng nghiệp công ty Yaghean của anh tiến hành, mà thay vào đó là chú bác của anh ta và những người lớn tuổi trong làng của anh. Khi đó, bản thân khoản bồi thường sẽ không được thanh toán bởi công ty, mà bởi cả làng Malo, bao gồm gia đình, người cùng tộc và dân làng thuộc các thị tộc khác mà Malo có thể phải kêu gọi sự giúp đỡ để gom góp khoản bồi thường. Từ đó, Malo sẽ mang nợ tất cả những người đã đóng góp. Một lúc nào sau đó trong đời, anh sẽ phải thanh toán cho những người đó vì những đóng góp của họ và cho những người chú bác của anh vì nhiệm vụ tiến hành các cuộc đàm phán đầy khó khăn. Nếu Malo chết trước khi thanh toán các khoản này, những người đóng góp và những chú bác của anh sẽ đòi thanh toán từ gia đình và thị tộc của anh. Tuy nhiên, ngoài sự khác biệt ở đối tượng tiến hành đàm phán và thanh toán, nếu công ty không liên quan đến, quá trình bồi thường sẽ cởi mở hơn nhiều so với thực tế đã diễn ra.
Nhà nước đã làm gì?
Chuỗi sự kiện mà tôi kể lại là một ví dụ về cách các cơ chế trong New Guinea truyền thống xử lý một cách hòa bình những tổn thất mà người này gây ra cho người kia. Nó trái ngược với cách thức hệ thống tư pháp của nhà nước phương Tây giải quyết những tổn thất như vậy. Trong trường hợp Billy và Malo, phản ứng của nhà nước Papua New Guinea là cảnh sát không quan tâm đến các cảm xúc đau buồn hay thù hận của người thân Billy nhưng lại truy tố Malo về việc lái xe ẩu. Mặc dù gia đình của Billy, bao gồm cả ông chú Genjimp, người đã thực sự có mặt tại hiện trường vụ tai nạn, không đổ lỗi cho việc lái xe của Malo, cảnh sát vẫn cho rằng Malo đã lái xe quá nhanh. Trong vòng nhiều tháng, Malo phải ở lại ngôi làng của mình, chỉ trừ khi ông vào thị trấn để nói chuyện với cảnh sát. Đó là bởi Malo vẫn còn sợ những người vùng đất thấp trẻ tuổi nóng nảy trả thù. Những người bạn trong làng của Malo vẫn phải cảnh giác và sẵn sàng để bảo vệ trong trường hợp anh ta bị tấn công.
Sau buổi điều trần đầu tiên với cảnh sát, vài tháng trôi qua mới đến buổi điều trần thứ hai, khi mà Malo được lệnh đi vào thị trấn hai lần một tuần để báo cáo với cảnh sát giao thông trong khi chờ đợi trường hợp của mình được đưa ra xét xử. Mỗi chuyến đi báo cáo như vậy kết thúc với việc Malo ngồi chờ trong văn phòng giao thông từ nửa ngày đến một ngày. Giấy phép lái xe của Malo bị thu giữ từ buổi điều trần thứ hai. Vì công việc của Malo ở công ty là tài xế, nên việc bị thu giấy phép cũng khiến anh mất việc.
Vụ tai nạn của Malo cuối cùng cũng được đưa ra xét xử tại tòa một năm rưỡi sau đó. Trong thời gian đó, Malo tiếp tục sống trong tình trạng thất nghiệp, chờ chực ở làng. Khi Malo có mặt tại tòa vào ngày xét xử định trước, người thẩm phán phụ trách lại vướng vào một nhiệm vụ mâu thuẫn khác nên ngày xét xử bị dời lại ba tháng sau đó. Một lần nữa vào ngày xử thứ hai đã được sắp xếp lại, thẩm phán không thể có mặt nên ngày xét xử lại được dời lại ba tháng sau đó. Lần hẹn thứ ba và vẫn còn một ngày xét xử khác đã phải trì hoãn vì các vấn đề khác nữa liên quan đến thẩm phán. Cuối cùng, vào ngày được định lần thứ năm để xét xử, hai năm rưỡi sau vụ tai nạn, thẩm phán đã xuất hiện. Nhưng cảnh sát được công tố viên gọi đến không xuất hiện và như vậy thẩm phán đã bác bỏ vụ án. Sự can thiệp của nhà nước vào vấn đề của Billy và Malo kết thúc. Để tránh việc các bạn nghĩ rằng những lần không xuất hiện và những dịp trì hoãn như vậy là dấu hiệu cho thấy chỉ duy nhất hệ thống tư pháp của Papua New Guinea là kém hiệu quả, một người bạn thân của tôi gần đây đã trải qua một quá trình và kết quả tương tự trong phiên tòa ở Chicago.
Bồi thường ở New Guinea
Quá trình bồi thường truyền thống, được khắc họa qua câu chuyện của Billy và Malo, có mục đích hướng đến việc giải quyết nhanh chóng vụ tranh chấp trong hòa bình, hòa giải tình cảm giữa hai bên và khôi phục mối quan hệ trước đó. Điều này có vẻ đơn giản, tự nhiên và lôi cuốn đối với chúng ta, cho đến khi chúng ta suy nghĩ kỹ rằng về căn bản phương thức này khác nhau như thế nào với các mục tiêu của hệ thống tư pháp nhà nước của chúng ta. Xã hội New Guinea truyền thống không sở hữu hệ thống tư pháp nhà nước, chính quyền nhà nước, hệ thống chính trị tập trung, hoặc các nhà lãnh đạo, các quan chức và các thẩm phán chuyên nghiệp với quyền ra quyết định và tuyên bố độc quyền sử dụng vũ lực. Nhà nước có lợi ích riêng của họ trong việc giải quyết tranh chấp và thực hiện công bằng giữa các công dân. Các lợi ích của nhà nước đó không nhất thiết trùng hợp với lợi ích của những bên tham gia trong tranh chấp. Thay vào đó, công lý trong xã hội truyền thống New Guinea là một dạng tự-mình-làm-lấy, được dàn xếp bởi chính các bên tranh chấp cùng những người ủng hộ tương ứng. Quá trình bồi thường chỉ theo một hướng, hướng hòa bình, trong hệ thống hai hướng giải quyết tranh chấp truyền thống. Hướng còn lại (chương 3 và 4) là tìm cách trừng phạt cá nhân bằng bạo lực, có xu hướng leo thang thành vòng luẩn quẩn trừng phạt trả đũa và cuối cùng là chiến tranh.
Một thực tế căn bản định hình quá trình bồi thường ở New Guinea truyền thống và phân biệt nó với những tranh chấp của phương Tây, là những bên tham gia trong hầu hết các vụ tranh chấp ở New Guinea truyền thống đều từng biết đến nhau trước đây, hoặc từng trải qua một hình thức quan hệ cá nhân nào đó, hoặc ít nhất là biết tên nhau hoặc tên cha hay liên minh. Ví dụ, ngay cả khi bạn là một người Guinea không quen biết cá nhân một người đàn ông trong ngôi làng cách xa vài ki-lô-mét từng giết lợn của bạn khi nó lang thang trong rừng, thì bạn chắc chắn đã nghe đến tên người đó, biết thị tộc của người đó và quen biết cá nhân một số thành viên của thị tộc đó. Đó là bởi nước New Guinea truyền thống bao gồm những xã hội bản địa (localized societies) có quy mô nhỏ từ vài tá đến vài trăm người. Theo truyền thống, họ duy trì khu vực cư trú hoặc nếu không thì di cư trong phạm vi gần chỉ vì những lý do đặc biệt, chẳng hạn như kết hôn hay đoàn tụ với họ hàng. Người New Guinea truyền thống hiếm khi hoặc không bao giờ gặp phải “người lạ” hoàn toàn như chúng ta, công dân của xã hội nhà nước hiện đại. Tuy nhiên, những công dân của các quốc gia phương Tây, không giống như người New Guinea, sống trong các xã hội gồm hàng triệu người, nên dĩ nhiên hàng ngày chúng ta phải gặp và đối mặt với các thành viên trong xã hội mà chúng ta chưa từng biết đến trước đây. Thậm chí trong khu vực nông thôn ít người sinh sống, nơi tất cả các cư dân biết nhau, như Big Hole Basin của Montana, nơi tôi đã trải qua những mùa hè của tuổi thiếu niên, người lạ thường xuất hiện định kỳ – ví dụ như một người lái xe qua thị trấn và dừng lại để đổ xăng. Hơn nữa, chúng ta phải di chuyển xa vì công việc, trong kỳ nghỉ, hoặc sở thích cá nhân và do đó gần như thay thế hoàn toàn những mối liên hệ trong suốt cuộc đời chúng ta.
Do đó, trong khi ở các xã hội nhà nước, hầu hết các tranh chấp của chúng ta phát sinh từ tai nạn xe hơi hoặc giao dịch kinh doanh với người lạ mà chúng ta không biết trước đây và với người mà chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại, thì ở New Guinea truyền thống, mọi tranh chấp sẽ diễn ra với một ai đó mà bạn sẽ tiếp tục có mối liên hệ thực sự hoặc tiềm năng trong tương lai. Ở mức cao nhất, vụ tranh chấp của bạn sẽ diễn ra với một người nào đó, như một người cùng làng, mà bạn chạm mặt liên tục và bạn không thể không tiếp xúc hàng ngày. ít nhất thì, bên tranh chấp còn lại sẽ là người mà bạn không phải gặp nhiều lần trong tương lai (ví dụ, người dân cách làng bạn một vài ki-lô-mét đã giết lợn của bạn), nhưng người đó vẫn sống trong phạm vi đi lại của bạn, và ít ra bạn có thể trông đợi không gặp phải rắc rối nào khác với anh ta. Đó là lý do tại sao mục tiêu chính trong quá trình bồi thường của nước New Guinea truyền thống là khôi phục lại mối quan hệ trước đó, ngay cả khi nó chỉ đơn thuần là “tình trạng không quan hệ” vốn chỉ bao gồm việc không đem lại rắc rối gì cho nhau dù vẫn có khả năng diễn ra điều đó. Nhưng mục tiêu đó và những thực tế căn bản phía sau mục tiêu đó, cho thấy điểm khác biệt rất lớn so với hệ thống giải quyết tranh chấp của nhà nước phương Tây, trong đó việc khôi phục lại mối quan hệ thường là không thích hợp vì đã không có bất kỳ quan hệ gì trước đó đồng thời sẽ không có quan hệ một lần nào nữa trong tương lai. Ví dụ, trong đời mình, tôi có tham gia vào ba tranh chấp dân sự – với nhà sản xuất tủ, với nhà thầu hồ bơi và với nhà môi giới bất động sản – khi đó tôi không hề biết đến bên có liên quan trước khi giao dịch tranh chấp diễn ra và cũng không còn bất kỳ liên hệ nào nữa hay thậm chí không còn nghe đến họ sau khi vụ tranh chấp được giải quyết hoặc bỏ qua.
Đối với người New Guinea, yếu tố then chốt để khôi phục mối quan hệ bị tổn hại là sự thừa nhận và tôn trọng cảm xúc của nhau, nhờ đó tùy tình huống hai bên có thể xua tan hết mức có thể bầu không khí tức giận và tiếp tục với mối liên hệ hoặc tình trạng không liên hệ trước kia. Mặc dù hiện giờ, khoản thanh toán nhằm thắt chặt mối quan hệ cần khôi phục ở Papua New Guinea được mọi người gọi bằng từ “tiền bồi thường”, nhưng thuật ngữ này sẽ gây hiểu nhầm. Thực ra khoản thanh toán này là một phương tiện mang tính biểu tượng nhằm thiết lập lại mối quan hệ trước đó: bên A “nói xin lỗi” với bên B và thừa nhận cảm xúc của bên B phát sinh từ mất mát của bên này, trong đó có cả khoản bồi thường đã trả. Ví dụ, trong trường hợp của Billy và Malo, những gì cha Billy thực sự muốn là Malo và người chủ của anh ta thừa nhận sự mất mát lớn lao và đau buồn mà ông phải chịu đựng. Như Gideon nói rõ với cha Billy lúc chuyển khoản bồi thường cho ông, khoản tiền đó chẳng đáng gì so với cái chết của Billy; số tiền đó chỉ là một cách nói xin lỗi và chia sẻ mất mát của gia đình Billy.
Tái lập quan hệ là tất cả trong xã hội New Guinea truyền thống, còn việc xác lập tội danh hay sự tắc trách hoặc hình phạt theo khái niệm phương Tây không phải là vấn đề chính. Quan điểm này giúp lý giải một giải pháp – vốn khiến tôi rất sửng sốt khi được biết – về một tranh chấp kéo dài giữa một số thị tộc miền núi New Guinea, một trong các thị tộc là bạn của tôi ở làng Goti. Những người bạn Goti của tôi đã tham gia vào các cuộc tấn công và giết chóc lẫn nhau liên miên với bốn thị tộc khác, suốt thời gian đó, cha và một người anh trai của người bạn thân Goti của tôi tên là Pius đã bị giết. Tình hình trở nên rất nguy hiểm khi hầu hết các bạn bè Goti của tôi phải chạy trốn khỏi vùng đất của tổ tiên họ và tị nạn giữa các đồng minh tại ngôi làng láng giềng để thoát khỏi các cuộc tấn công sau đó. Chỉ cho đến 33 năm sau, người Goti mới cảm thấy đủ an toàn để di chuyển trở lại vùng đất của tổ tiên. Ba năm sau đó, để kết thúc dứt khoát việc sống trong nỗi sợ bị tấn công, họ tổ chức một buổi lễ hòa giải tại Goti, trong đó, Goti trả tiền bồi thường bằng những con lợn và hàng hóa khác cho những kẻ tấn công họ trước đây.
Khi Pius kể cho tôi câu chuyện này, lúc đầu tôi không tin vào tai mình và nghĩ chắc rằng tôi hiểu lầm anh. “Anh trả tiền bồi thường cho họ?” Tôi hỏi anh ta. “Nhưng họđã giết cha và những người thân khác của anh; tại sao không phải là họ trả anh?” Không, Pius giải thích, đó không phải là diễn biến của mọi việc; mục đích cuối cùng của việc này không phải là để đòi tiền thanh toán, cũng không phải là thanh toán sòng bằng việc bên A nhận X con lợn từ bên B sau khi bên B gây ra Y cái chết cho bên A. Thay vào đó, mục đích là tái thiết quan hệ hòa bình giữa các kẻ thù và giúp thị tộc một lần nữa có thể sinh sống an toàn tại làng Goti. Thị tộc đối thủ cũng có những oán trách của riêng họ đối với sự xâm lấn do người Goti tuyên bố trên đất của họ và đối với việc người Goti giết hại một số thành viên của họ. Sau các cuộc đàm phán, hai bên tuyên bố họ hài lòng và sẵn sàng bỏ qua cảm giác nặng nề của mình; trên cơ sở thỏa thuận này, các thị tộc đối thủ nhận được lợn và hàng hóa khác, người Goti giữ lại phần đất trước đây của họ và cả hai bên có thể sống mà không có cuộc tấn công nào nữa.
Quan hệ lâu dài
Trong xã hội New Guinea truyền thống, vì mạng lưới quan hệ xã hội có xu hướng quan trọng hơn và lâu dài hơn so với ở các xã hội nhà nước phương Tây, nên hậu quả của việc tranh chấp có khuynh hướng ảnh hưởng xa hơn tới những người tham gia trực tiếp đến mức khó hiểu đối với những người phương Tây. Đối với người phương Tây chúng ta, việc những thiệt hại ở khu vườn của một thành viên thị tộc gây ra bởi con lợn của một thành viên thị tộc khác có thể châm ngòi chiến tranh giữa hai thị tộc nghe có vẻ vô lý, nhưng đối với người Cao nguyên New Guinea, kết quả đó không đáng ngạc nhiên. Người New Guinea có xu hướng giữ gìn trong cuộc sống các mối quan hệ quan trọng nuôi lớn họ. Những mối quan hệ đó mang đến cho mỗi người New Guinea sự hỗ trợ từ nhiều người khác và cũng tạo ra nghĩa vụ với nhiều người khác. Tất nhiên, người phương Tây hiện đại chúng ta cũng có quan hệ xã hội lâu dài, nhưng chúng ta phát triển và thay thế các mối quan hệ trong suốt cuộc đời mình nhiều hơn người New Guinea và chúng ta cũng sống trong một xã hội tưởng thưởng cho những cá nhân tìm cách vượt lên trước. Do đó trong các tranh chấp của New Guinea, các bên nhận hoặc phải bồi thường không chỉ là những người có liên quan trực tiếp, như Malo và cha mẹ Billy, mà còn là những người có liên quan xa hơn ở cả hai bên: người trong thị tộc của Billy, những người gây lo sợ về sự giết chóc trả thù; đồng nghiệp của Malo, những người là mục tiêu trả đũa tiềm năng và chủ của họ − người thực sự trả tiền bồi thường thiệt hại; và bất kỳ thành viên nào của dòng họ hoặc thị tộc của Malo, những người sẽ trở thành cả mục tiêu trả đũa và đối tượng đòi bồi thường nếu Malo không đi làm ở công ty. Tương tự, ở New Guinea, nếu một cặp vợ chồng đang xem xét về việc ly hôn thì những người bị ảnh hưởng khác tham gia vào các tranh luận trong cuộc ly hôn sẽ nhiều hơn nhiều so với ở phương Tây. Những người khác đó là họ hàng của người chồng, những người đã trả chi phí quà hồi môn và giờ đây sẽ yêu cầu thanh toán lại cho họ; họ hàng của người vợ, những người nhận được quà hồi môn và giờ đây sẽ phải đối mặt với việc đòi trả lại; cũng như bao gồm cả hai thị tộc nếu cuộc hôn nhân đại diện cho một liên minh chính trị quan trọng và do đó cuộc ly hôn sẽ gây nên mối đe dọa với liên minh đó.
Trái ngược với việc nhấn mạnh vào các mạng lưới xã hội trong xã hội truyền thống là sự chú tâm lớn hơn vào cá nhân ở xã hội nhà nước hiện đại, đặc biệt tại Hoa Kỳ. Chúng ta không chỉ cho phép mà còn thực sự khuyến khích các cá nhân phát triển bản thân, giành chiến thắng và tìm kiếm lợi ích trên tổn thất của người khác. Ở nhiều giao dịch kinh doanh, chúng ta cố gắng tối đa hóa lợi nhuận và không bao giờ để tâm đến cảm xúc của đối tác mà chúng ta thật sự đã gây ra mất mát. Ngay cả những trò chơi cho trẻ em Mỹ cũng thường là các cuộc thi thắng và thua. Điều đó không diễn ra trong xã hội truyền thống New Guinea, nơi trò chơi của trẻ em hướng đến sự hợp tác thay vì phân định thắng thua.
Ví dụ, nhà nhân học Jane Goodale quan sát một nhóm trẻ em (trẻ người Kaulong ở Anh), được trao cho nải chuối đủ cho mỗi đứa trẻ một quả. Lũ trẻ tiến hành chơi một trò chơi. Thay vì trong cuộc thi, mỗi trẻ phải tìm cách giành được quả chuối lớn nhất, thì ở đây mỗi trẻ cắt quả chuối của nó thành hai nửa bằng nhau, ăn một nửa, nửa còn lại đưa cho đứa trẻ khác và lần lượt nhận được một nửa quả chuối của đứa trẻ đó. Sau đó, mỗi đứa trẻ tiến hành cắt một nửa thừa chưa ăn thành 2/4, ăn một phần trong 2/4 đó, rồi đưa một phần tư cho đứa trẻ khác và nhận được 1/4 quả chuối còn thừa của đứa trẻ khác bù lại. Các trò chơi diễn ra thành 5 vòng, khi những phần còn lại của quả chuối được chia thành 8 phần bằng nhau, sau đó là 16 phần bằng nhau, cho đến khi cuối cùng mỗi đứa trẻ sẽ ăn phần cuối tương đương 1/32 quả chuối ban đầu, đưa cho đứa trẻ khác ăn 1/32 kia, rồi nhận được và ăn 1/32 cuối cùng của một quả chuối khác từ một đứa trẻ khác nữa. Toàn bộ trình tự của trò chơi này là một phần của việc tập luyện cách chia sẻ và không tìm kiếm lợi ích cho riêng mình mà những đứa trẻ New Guinea học được.
Một thiếu niên chăm chỉ và đầy tham vọng tên Mafuk làm việc cho tôi được vài tháng là một điển hình cho việc không đặt nặng lợi ích cá nhân trong xã hội truyền thống New Guinea. Khi tôi trả lương cho anh ta và hỏi anh ta định làm gì với số tiền đó, anh ta trả lời rằng sẽ mua máy may để vá quần áo cho những người dân khác. Anh ta sẽ tính phí việc sửa vá, từ đó thu hồi lại và nhân số vốn đầu tư ban đầu của mình lên, đồng thời bắt đầu tích lũy tiền để thay đổi số mệnh của mình. Tuy nhiên, người thân của Mafuk lại xúc phạm những gì họ cho là tính ích kỷ của anh ta. Đương nhiên, trong xã hội định cư, người dân có quần áo mà Mafuk vá sẽ là những người mà anh ta biết, hầu hết trong số họ là người thân hoặc họ hàng xa với anh ta. Điều này vi phạm chuẩn mực xã hội New Guinea khi Mafuk tìm lợi cho bản thân mình bằng cách lấy tiền của họ. Thay vào đó, anh ta sẽ phải vá quần áo miễn phí cho họ và để đáp lại họ sẽ ủng hộ theo những cách khác trong suốt cuộc đời của anh ta, chẳng hạn như bằng cách góp vào sính lễ kết hôn của anh ta. Tương tự như vậy, những người thợ mỏ vàng ở Gabon nào không chia sẻ vàng và tiền bạc với những người bạn bè và người thân đang ghen tị sẽ trở thành mục tiêu của những pháp sư vốn được cho là gây ra căn bệnh chết người – sốt xuất huyết Ebola.
Khi các nhà truyền giáo phương Tây – những người đã sống ở New Guinea với con nhỏ của họ – trở lại úc hoặc Hoa Kỳ, hoặc khi họ gửi con cái của họ trở lại úc hay Mỹ để đi học nội trú, bọn trẻ nói với tôi rằng vấn đề về thích nghi lớn nhất của các em là phải đối mặt và hòa nhập với phong cách chủ nghĩa cá nhân ích kỷ phương Tây và phải từ bỏ sự tập trung hợp tác và chia sẻ mà các em đã học được qua trẻ em New Guinea. Các em cho biết các em cảm thấy xấu hổ về bản thân nếu chơi các trò chơi cạnh tranh để giành chiến thắng, hoặc nếu cố gắng để nổi trội trong trường, hoặc nếu tìm kiếm một lợi ích hay cơ hội mà đồng đội của các em không đạt được.
Các xã hội phi nhà nước khác
Thế còn sự khác biệt trong giải quyết tranh chấp giữa các xã hội phi nhà nước thì sao? Trong khi việc sử dụng hòa giải, như trong trường hợp của Billy và Malo, có thể có hiệu quả ở những làng New Guinea truyền thống, nó lại có thể không cần thiết hoặc không hiệu quả ở các loại hình xã hội khác. Thực ra có một sự biến đổi gần như liên tục, từ những xã hội nhỏ không có các cấp thẩm quyền hoặc hệ thống tư pháp tập trung, đến những tù trưởng quốc trong đó người đứng đầu giải quyết tranh chấp, rồi đến các nhà nước yếu ở đó các cá nhân thường vẫn tự thực thi công lý, cuối cùng là các nhà nước mạnh thi hành quyền lực hiệu quả. Chúng ta hãy xem xét phương pháp giải quyết tranh chấp trong hòa bình ở 5 xã hội phi nhà nước khác nhau, từ những xã hội nhỏ hơn cả các ngôi làng New Guinea đến các xã hội lớn đã bắt đầu tập trung chính trị.
Chúng ta bắt đầu với những tranh chấp ở các xã hội nhỏ nhất, bao gồm các thị tộc có quy mô địa phương với vài chục thành viên. Người!Kung gây ấn tượng với một nhà nhân học tìm hiểu một xã hội mà ở đó con người nói không ngừng, các cuộc tranh chấp được công khai và mọi người trong thị tộc tham gia vào mọi cuộc tranh chấp của bất kỳ hai thành viên nào trong thị tộc. Nhà nhân học đó tình cờ đến thăm trong vòng một tháng vào lúc một cặp vợ chồng không sống hạnh phúc với nhau và khi những người khác trong thị tộc (tất cả họ theo cách nào đó đều có quan hệ với người chồng hoặc vợ hoặc cả hai) liên tục tham gia vào những cuộc tranh cãi của cặp vợ chồng. Một năm sau đó, nhà nhân học này trở lại trong một chuyến viếng thăm khác và nhận thấy cặp vợ chồng đó vẫn sống với nhau, vẫn không vui vẻ với nhau và những thành viên khác trong thị tộc vẫn tham gia vào những cuộc cãi cọ của họ.
Người Siriono ở Bolivia, vốn cũng sống theo những nhóm nhỏ, cũng được mô tả là cãi nhau liên tục, đặc biệt là giữa chồng và vợ, giữa những người vợ có chung chồng, giữa những người dâu rể và giữa trẻ con trong dòng họ. Trong số 75 vụ tranh chấp được ghi nhận ở người Siriono, 44 vụ là vì thực phẩm (không chia sẻ, tích trữ, ăn cắp, ăn vụng vào ban đêm trong trại, hoặc ăn cắp sau đó trốn vào rừng để ăn vụng); 19 vụ là vì tình dục, đặc biệt là về ngoại tình; và chỉ có 12 vụ vì một cái gì đó khác thức ăn hoặc tình dục. Nếu không có người phân xử, hầu hết các vụ tranh chấp Siriono được giải quyết giữa những người tranh chấp, đôi khi với sự tham gia của một người thân để hỗ trợ một bên. Nếu tình trạng đối đầu giữa hai gia đình trong cùng trại trở nên căng thẳng, một gia đình có thể di chuyển ra khỏi trại sống riêng trong rừng cho đến khi cảm giác thù địch giảm xuống. Nếu sự đối đầu vẫn tiếp tục tồn tại, một gia đình tách ra để tham gia thị tộc khác hoặc để tạo thành một thị tộc mới. Điều đó cho thấy một sự khái quát hóa quan trọng: trong số những người săn bắt – hái lượm du canh du cư và các nhóm lưu động khác, tranh chấp trong nhóm có thể giải quyết đơn giản bằng cách phân chia nhóm để tách biệt những bên tranh chấp. Lựa chọn đó trở nên khó khăn cho nông dân làng định cư vốn đã đầu tư lớn vào vườn của họ và thậm chí khó hơn nữa đối với công dân phương Tây chúng ta, những người vốn gắn liền với công việc và nhà ở.
Vẫn còn một nhóm nhỏ khác, thổ dân da đỏ Pariha của Brazil, sự tẩy chay từng bậc tạo nên áp lực xã hội phải hành xử theo các chuẩn mực của xã hội và phải giải quyết tranh chấp. Hiện tượng này bắt đầu bằng việc loại trừ ai đó khỏi hoạt động chia sẻ thức ăn trong một ngày, rồi vài ngày, rồi khiến người đó sống xa khỏi khu rừng, cắt các trao đổi thương mại và xã hội thông thường. Hình phạt nghiêm trọng nhất của người Pariha là tẩy chay hoàn toàn. Ví dụ, một thiếu niên tên Tukaaga giết một thổ dân da đỏ Apurina tên là Joaquim sống gần đó và khiến người Pariha phải đối mặt rủi ro bị tấn công trả đũa. Sau đó, Tukaaga đã bị buộc phải sống bên ngoài tất cả các làng Pariha khác và trong vòng một tháng, anh ta chết vì những nguyên do bí ẩn, được cho là do cảm lạnh, nhưng thay vì vậy có thể anh ta đã bị giết bởi những người Pariha khác, những người cảm thấy bị đe dọa bởi hành động của Tukaaga.
Ví dụ áp chót của tôi liên quan đến người Fore, một nhóm người vùng Cao nguyên New Guinea mà tôi làm việc cùng vào những năm 1960, những người này sống với mật độ dân số đông hơn đáng kể, và do đó có vẻ như hung hăng hơn người!Kung, Siriono hoặc Pariha. Từ năm 1951 đến năm 1953, đôi vợ chồng nhà nhân chủng học, Ronald và Catherine Berndt, đã nghiên cứu nhóm người Fore vào thời điểm chiến tranh vẫn còn đang diễn ra ở địa bàn của nhóm này. Khi không có một quyền lực trung tâm hoặc cơ chế chính thức để giải quyết sai phạm, những tranh chấp của người Fore trong thị tộc hay dòng dõi đều phải tự giải quyết. Chẳng hạn, trách nhiệm bảo vệ tài sản khỏi trộm cắp thuộc về chủ sở hữu. Dù tên trộm bị lên án theo các tiêu chuẩn cộng đồng, nhưng việc đòi bồi thường bằng lợn hoặc một hình thức khác lại tùy thuộc vào chủ sở hữu tài sản. Mức độ đền bù không được chuẩn hóa theo giá trị của vật bị đánh cắp mà phụ thuộc vào tương quan sức mạnh giữa kẻ phạm tội và người bị hại, vào hiềm khích trong quá khứ và vào việc họ hàng của tên trộm đánh giá hắn thế nào và có thể hỗ trợ hắn không.
Một cuộc tranh chấp của người Fore có khả năng lôi kéo nhiều hơn hai người liên quan ban đầu. Trong trường hợp bất đồng giữa vợ chồng, người thân của cả hai có thể sẽ tham gia nhưng chính họ có thể gặp phải xung đột lợi ích. Trong khi một người cùng thị tộc với người chồng có thể hỗ trợ người cùng tộc (người chồng) chống lại vợ của người cùng tộc này, thì thay vào đó, người này cũng có thể hỗ trợ người vợ chống lại chồng vì đã góp phần vào việc mua sính lễ để rước người vợ đó về thị tộc. Do đó, các tranh chấp trong một dòng dõi thường bị áp lực phải giải quyết nhanh chóng, bằng cách thanh toán khoản đền bù, trao đổi quà, hoặc tổ chức tiệc để báo hiệu việc tái lập quan hệ hữu nghị. Những tranh chấp giữa hai dòng dõi cùng khu vực cũng có thể được giải quyết bằng cách thanh toán tiền đền bù, nhưng (như chúng ta sẽ thấy trong hai chương tiếp theo) nguy cơ dùng đến bạo lực sẽ cao hơn nếu tranh chấp trong cùng một dòng dõi, vì những người khác sẽ ít tạo áp lực phải giải quyết hơn.
Xã hội cuối cùng trong các xã hội phi nhà nước mà tôi so sánh ở đây là người Nuer của nước Sudan, với dân số thống kê khoảng 200.000 người (chia thành nhiều bộ lạc) vào lúc nhà nhân chủng học E. E. Evans-Pritchard nghiên cứu trong những năm 1930. Trong số 5 xã hội vừa nêu, những người này là đông nhất, là một trong những xã hội với tình trạng bạo lực chính thức hóa lan tràn có vẻ như cao nhất, và là xã hội duy nhất có lãnh đạo chính trị được công nhận chính thức với tên gọi “tù trưởng da báo”. Người Nuer dễ dàng cảm thấy bị xúc phạm và cách thức được ca tụng để đàn ông giải quyết tranh chấp bên trong một làng là đánh nhau với các thị tộc cho đến khi một người bị thương nặng, hoặc (thường xuyên) cho đến khi người làng khác can thiệp và chia tách những người đánh nhau.
Hành vi phạm tội nghiêm trọng nhất giữa những người Neur là giết người, châm ngòi cho cuộc đổ máu: nếu X giết Y, người thân của Y có nghĩa vụ tìm cách trả thù bằng cách giết X và/hoặc một trong những người thân của X. Do đó, việc giết người đánh dấu một sự mâu thuẫn không chỉ giữa kẻ giết người và kẻ bị giết mà còn giữa tất cả những người thân của cả hai và toàn bộ cộng đồng của họ. Ngay lập tức sau khi giết người, kẻ giết người hiểu rằng anh ta là một mục tiêu của việc trả thù, xin tị nạn tại nhà người tù trưởng, nơi anh ta tránh khỏi sự tấn công nhưng những kẻ thù của anh ta vẫn tiếp tục trông chừng để tấn công anh ta nếu anh ta dại dột rời khỏi nhà người tù trưởng. Người tù trưởng đợi vài tuần sau cho sự tức giận lắng dịu (tương tự như sự trì hoãn ngắn hơn trong trường hợp cái chết của Billy ở New Guinea mà tôi đã đề cập), rồi thiết lập các cuộc đàm phán về đền bù giữa họ hàng của kẻ giết người và người nhà nạn nhân. Khoản đền bù thông thường cho cái chết là 40 hoặc 50 con bò.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng người tù trưởng của người Nuer không có thẩm quyền cai trị, quyền quyết định đúng sai trong một cuộc tranh chấp, hoặc quyền tiến hành giải quyết. Thay vào đó, người tù trưởng chỉ là trung gian hòa giải được cần đến khi và chỉ khi cả hai bên muốn đạt đến thỏa thuận và trở về trạng thái ban đầu trước đó. Người tù trưởng tìm kiếm đề xuất từ một bên, mà thường phía bên kia sẽ từ chối. Cuối cùng, người tù trưởng kêu gọi một bên chấp nhận đề xuất của phía bên kia và bên đó sẽ làm như vậy một cách miễn cưỡng, nhấn mạnh rằng làm như vậy chỉ để tôn trọng người tù trưởng. Có nghĩa là, người tù trưởng tạo nên phương cách giữ thể diện khi cần chấp nhận thỏa hiệp vì lợi ích của cộng đồng. Thù hằn trong cùng một làng là việc không được chấp nhận còn thù hằn giữa các làng gần nhau khó có thể duy trì lâu. Tuy nhiên khoảng cách giữa hai dòng dõi liên quan càng lớn, việc giải quyết hận thù càng khó khăn (vì càng có ít động lực khôi phục quan hệ bình thường), dẫn đến việc giết người ban đầu càng dễ leo thang thành bạo lực.
Tù trưởng da báo của người Nuer cũng có thể có khả năng hòa giải những tranh chấp nhẹ hơn, chẳng hạn như những tranh chấp về ăn cắp gia súc, tấn công người khác hoặc gia đình của cô dâu sau khi ly dị không trả lại số bò sính lễ mà họ nhận được tại thời điểm kết hôn. Tuy nhiên, tranh chấp của người Nuer không đặt ra vấn đề quyết định đúng sai rạch ròi. Ví dụ, nếu tranh chấp về ăn cắp gia súc, kẻ trộm không phủ nhận hành vi trộm cắp mà thay vào đó, mạnh dạn biện minh cho hành vi đó bằng cách viện dẫn một số điểm cần phải giải quyết: vụ trộm gia súc trước đó của người chủ hiện tại hoặc thân nhân của người chủ, hoặc một số món nợ (ví dụ như bồi thường cho tội ngoại tình, cho thương tích, cho quan hệ tình dục với một cô gái chưa lập gia đình, cho việc ly hôn, cho trả thiếu hoặc không trả lại sính lễ hoặc cho cái chết của người vợ trong khi sinh nở mà trách nhiệm bị xem là do người chồng). Cũng vì khoản bồi thường của người Nuer không liên quan đến đúng hay sai, bên bị hại sẽ không thể có được tiền bồi thường trừ khi anh ta sẵn sàng sử dụng vũ lực và trừ khi người ta sợ rằng anh ta và người thân sẽ dùng bạo lực nếu không được bồi thường. Cũng như người Fore, tự lực cánh sinh hoặc tự lo liệu là nền tảng trong hoạt động giải quyết tranh chấp của người Nuer.
So với 4 xã hội phi nhà nước khác thảo luận ở đây, vai trò của người tù trưởng Nuer chứng tỏ bước đầu hướng đến hoạt động xét xử tranh chấp. Tuy nhiên, cần tái nhấn mạnh rằng các tính năng xét xử tranh chấp của nhà nước vẫn thiếu vắng ở người Nuer, cũng như trong hầu hết các xã hội phi nhà nước khác ngoại trừ các tù trưởng quốc vững mạnh. Người tù trưởng Nuer không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp, chỉ là một trung gian hòa giải, một phương tiện để giữ thể diện và tạo ra giai đoạn lắng dịu nếu cả hai bên muốn vậy, điều đó cũng đúng với vai trò của Yaghean trong xung đột giữa gia đình Billy và nhân viên của Malo. Người tù trưởng Nuer không có độc quyền sử dụng vũ lực và thực sự cũng không có bất kỳ biện pháp sử dụng vũ lực nào; các bên tranh chấp vẫn là những người có khả năng dùng đến bạo lực. Mục đích giải quyết tranh chấp của người Nuer không phải là quyết định đúng hay sai mà để thiết lập lại quan hệ bình thường trong một xã hội nơi mà mọi người đều quen hoặc ít nhất là biết đến mọi người khác và nơi mà sự tồn tại ý đồ xấu giữa hai thành viên sẽ đe dọa đến sự ổn định xã hội. Tất cả những hạn chế này của các tù trưởng bộ tộc Nuer sẽ thay đổi khi chúng ta tiếp cận các tù trưởng quốc đông dân hơn (chẳng hạn như người ở các hòn đảo Polynesia lớn và những chính thể người Mỹ bản địa rộng lớn), nơi người tù trưởng giữ quyền lực chính trị và tư pháp thực sự, tuyên bố độc quyền sử dụng vũ lực và đại diện cho các chế độ trung gian có tiềm năng dẫn đến nguồn gốc của chính quyền nhà nước.
Thẩm quyền nhà nước
Đến đây hãy cùng so sánh các hệ thống giải quyết tranh chấp phi nhà nước với các hệ thống nhà nước. Cũng như nhiều hệ thống phi nhà nước chúng ta đã thảo luận dù có chung một số đặc điểm nhưng vẫn khác nhau ở các đặc điểm khác, các hệ thống nhà nước cũng chia sẻ một số nền tảng chung giữa các biến thể đa dạng. Những đánh giá của tôi về việc giải quyết tranh chấp sẽ hầu hết dựa trên hệ thống quen thuộc nhất với tôi, đó là Hoa Kỳ, nhưng tôi cũng sẽ đề cập đến một số khác biệt trong những hệ thống nhà nước khác.
Cả giải quyết tranh chấp nhà nước và giải quyết tranh chấp phi nhà nước đều có hai quy trình thay thế lẫn nhau: các cơ chế để đạt được thoả thuận giữa các bên xung đột, sau đó (nếu các cơ chế này đã được thử nhưng thất bại) là cơ chế để đạt được một giải pháp tranh chấp. Ở các xã hội phi nhà nước, mặt trái của quá trình bồi thường để đạt được thỏa thuận chung là sự leo thang của bạo lực (chương 3, 4). Các xã hội phi nhà nước thiếu những cơ chế nhà nước trung ương chính thức để ngăn cản các cá nhân không hài lòng theo đuổi mục tiêu của họ bằng biện pháp bạo lực. Vì một hành vi bạo lực có xu hướng kích động hành vi bạo lực khác nên bạo lực leo thang và trở thành một mối đe dọa đặc trưng với hòa bình ở các xã hội phi nhà nước. Do đó, mối quan tâm chính của một chính quyền nhà nước hiệu quả là phải đảm bảo hoặc ít nhất là cải thiện an toàn công cộng bằng cách ngăn chặn những công dân trong xã hội nhà nước đó sử dụng vũ lực chống lại nhau. Để duy trì hòa bình và an toàn nội bộ, cơ quan chính trị trung ương của nhà nước tuyên bố gần như là độc quyền quyền sử dụng vũ lực trả đũa: chỉ có nhà nước và cảnh sát của nước đó được phép (với đầy đủ lý do) sử dụng các biện pháp bạo lực trả đũa chống lại chính những người dân của nhà nước đó. Tuy nhiên, nhà nước cũng cho phép công dân sử dụng vũ lực để bảo vệ mình: ví dụ, nếu người dân bị tấn công trước, hoặc nếu họ có lý do tin rằng họ hoặc tài sản của họ gặp phải nguy hiểm trầm trọng.
Người dân bị ngăn cản dùng vũ lực cá nhân theo hai cách: vì sợ hãi sức mạnh vượt trội của nhà nước; và vì tin rằng bạo lực cá nhân là không cần thiết bởi nhà nước đã thành lập một hệ thống tư pháp được cho là không thiên vị (ít nhất là trên lý thuyết), bảo đảm an toàn thân thể và tài sản cho công dân và gán tội đồng thời trừng phạt những người gây tổn hại đến sự an toàn của người khác. Nếu nhà nước thực thi hiệu quả những điều đó thì những công dân bị tổn hại có thể cảm thấy ít hơn hoặc không cần phải viện đến công lý tự – lo – liệu, như cách của người New Guinea và người Nuer (Tuy nhiên, tại các nhà nước yếu hơn nơi mà công dân thiếu niềm tin rằng nhà nước sẽ ứng phó hiệu quả, chẳng hạn như ở nhà nước Papua New Guinea ngày nay, công dân thường tiếp tục những tập tục bạo lực truyền thống). Gìn giữ hoà bình trong xã hội là một trong những sự giúp ích quan trọng nhất mà một nhà nước có thể mang lại. Sự giúp ích đó góp phần giải thích rõ ràng nghịch lý rằng, kể từ khi các chính quyền nhà nước đầu tiên ở Fertile Crescent được hình thành vào khoảng 5.400 năm trước đây, người dân đã ít nhiều sẵn sàng (không chỉ bị cưỡng ép) từ bỏ một số quyền tự do cá nhân của họ, chấp nhận thẩm quyền của chính quyền nhà nước, nộp thuế hỗ trợ lối sống cá nhân thoải mái cho các lãnh đạo và quan chức nhà nước.
Một ví dụ về hành vi mà chính quyền nhà nước muốn ngăn chặn bằng mọi giá là vụ án Ellie Nesler ở thị trấn nhỏ của Jamestown, California, cách San Francisco hơn 100km về phía đông. Ellie là mẹ của cậu con trai 6 tuổi, William, vốn bị cho là bị người quản trại Daniel Driver lạm dụng tình dục ở trại hè Cơ Đốc Giáo. Tại buổi điều trần phiên tòa sơ bộ ngày 2/4/1993, nơi Daniel bị buộc tội lạm dụng William và ba cậu bé khác, Ellie đã bắn 5 phát súng ở cự ly gần vào đầu Daniel, khiến anh ta chết ngay lập tức. Đó là một hành động trả thù: Ellie không phải đang bảo vệ con trai mình trước một cuộc tấn công đang diễn ra, cũng không phải trước viễn cảnh sắp xảy ra của cuộc tấn công, mà cô đang trả đũa sau một sự kiện tình nghi. Trong lời biện hộ của mình, Ellie khai rằng con trai cô đã quá quẫn trí vì bị lạm dụng đến mức nôn mửa và không có khả năng làm chứng chống lại Daniel. Cô sợ rằng Daniel sẽ được tự do và cô thiếu niềm tin vào hệ thống tư pháp bất lực vốn đã cho phép một kẻ cuồng dâm với tiền án xâm hại tình dục vẫn được tự do và tiếp tục tội ác của mình.
Vụ án của Ellie đã gây nên một cuộc tranh luận trên cả nước về chủ nghĩa hoài nghi, với những người bảo vệ ca ngợi cô khi thực thi công lý của riêng mình, còn những người phê bình lên án cô khi làm như vậy. Mọi phụ huynh sẽ thấu hiểu sự phẫn nộ của Ellie và có phần thông cảm cho cô. Có lẽ hầu hết các bậc cha mẹ của một đứa trẻ bị lạm dụng đều có mong muốn làm đúng những gì Ellie đã làm. Nhưng quan điểm của tiểu bang California là chỉ có nhà nước mới có thẩm quyền phán xét và trừng phạt những kẻ lạm dụng và (tuy có thể hiểu được cơn giận dữ của Ellie) chính quyền nhà nước sẽ sụp đổ nếu công dân tự thực thi công lý như Ellie đã làm. Cô bị xét xử và kết tội giết người, ngồi tù 3 trong 10 năm, trước khi được thả tự do nhờ kháng cáo do sai sót của bồi thẩm đoàn.
Như vậy, mục tiêu hàng đầu của tư pháp nhà nước là duy trì sự ổn định của xã hội bằng cách đưa ra giải pháp thay thế bắt buộc cho hoạt động tư pháp tự-lo-liệu. Mọi mục tiêu tư pháp nhà nước khác đều không quan trọng so với mục tiêu chính này. Đặc biệt, nhà nước quan tâm ít hoặc không quan tâm đến các mục tiêu hàng đầu của tư pháp ở xã hội phi nhà nước quy mô nhỏ: để khôi phục lại mối quan hệ từ trước hoặc tình trạng không có quan hệ (ví dụ, bằng cách thúc đẩy chia sẻ cảm xúc) giữa các bên tranh chấp vốn có quen hoặc biết đến nhau, và sẽ phải tiếp tục đối mặt với nhau. Vì vậy về cơ bản, việc giải quyết tranh chấp phi nhà nước không phải là một hệ thống tư pháp theo ý nghĩa nhà nước: nghĩa là, một hệ thống quyết định đúng sai, theo pháp luật của nhà nước. Hiểu được những mục tiêu hàng đầu khác nhau này, hoạt động giải quyết tranh chấp của hệ thống nhà nước và phi nhà nước giống nhau như thế nào?
Tư pháp dân sự nhà nước
Ban đầu cần nhận thức được rằng tư pháp nhà nước được chia thành hai hệ thống, thường sử dụng các tòa án, thẩm phán, luật sư và các cơ quan pháp luật khác nhau: tư pháp hình sự và tư pháp dân sự. Tư pháp hình sự liên quan đến tội ác chống lại pháp luật nhà nước, có thể bị trừng phạt bởi nhà nước. Tư pháp dân sự liên quan đến những tổn thương không mang tính hình sự do một cá nhân (hoặc nhóm) gây ra cho một cá nhân (hoặc nhóm) khác, tiếp tục chia thành hai loại hành động: các vụ án hợp đồng, sinh ra từ sự vi phạm hợp đồng và thường liên quan đến tiền; và các trường hợp sai phạm là kết quả của việc làm tổn hại đến thân thể hoặc tài sản của một người, do hành động của một người khác. Sự rạch ròi giữa hành vi hình sự và dân sự ở nhà nước trở nên mập mờ ở xã hội phi nhà nước, nơi dù có những chuẩn mực ứng xử xã hội giữa các cá nhân nhưng không có điều luật được pháp chế hóa phân định các tội ác chống lại một thể chế được xác định chính thức, nhà nước. Cùng với sự mập mờ này là việc tổn hại của một cá nhân cũng có thể ảnh hưởng đến các cá nhân khác và xã hội nhỏ quan tâm đến tác động lên các nhân khác nhiều hơn xã hội nhà nước – minh chứng là trường hợp tôi đề cập đến khi tất cả mọi người trong một thị tộc người!Kung bị ảnh hưởng và tham gia vào tranh cãi giữa một đôi vợ chồng không hạnh phúc (Hãy tưởng tượng nếu thẩm phán tại tòa án ly hôn California lấy lời khai về việc ly hôn ảnh hưởng thế nào đến tất cả mọi người trong thị trấn). Ở New Guinea, về cơ bản, cùng một hệ thống đàm phán bồi thường được dùng để giải quyết việc cố ý giết người, việc trả sính lễ sau khi ly hôn và vụ con lợn của một người gây thiệt hại cho khu vườn của người khác (tương ứng với tội ác, hợp đồng và sai lầm cá nhân ở các tòa án phương Tây).
Hãy bắt đầu bằng cách so sánh các hệ thống nhà nước và phi nhà nước trong những tranh chấp dân sự. Một điểm giống nhau là cả hai đều sử dụng bên thứ ba làm trung gian, để tách rời các bên tranh chấp, và nhờ đó thúc đẩy sự lắng dịu. Các bên trung gian là những nhà đàm phán có kinh nghiệm như Yaghean ở New Guinea, người tù trưởng da báo Nuer và luật sư ở các tòa án nhà nước. Trên thực tế, bên cạnh luật sư, các nhà nước có các hình thức trung gian khác: nhiều tranh chấp được xử lý bên ngoài hệ thống tòa án bởi các bên thứ ba như trọng tài, người hòa giải, v.v… Dù người Mỹ có tiếng là hay kiện tụng, nhưng phần lớn các tranh chấp dân sự ở Mỹ được giải quyết bên ngoài toà án hoặc trước khi đến xét xử. Một số ngành nghề với số lượng nhỏ thành viên độc quyền một nguồn tài nguyên – như ngư dân đánh bắt tôm hùm Maine, chủ trang trại gia súc và thương nhân buôn bán kim cương – thường tự giải quyết tranh chấp giữa các thành viên mà không cần sự tham gia của nhà nước. Chỉ khi đàm phán với bên thứ ba không thể dàn xếp được một thỏa thuận chung cho các bên thì họ mới dùng đến phương pháp giải quyết tranh chấp không qua thỏa thuận chung vốn có trong xã hội của họ: bạo lực hay chiến tranh trong xã hội phi nhà nước và tòa án hoặc xét xử chính thức trong xã hội nhà nước.
Điểm giống nhau tiếp theo là xã hội nhà nước và phi nhà nước thường dàn trải chi phí do bên vi phạm mắc nợ để nhiều người khác thanh toán. Trong xã hội nhà nước, chúng ta mua bảo hiểm ô tô và nhà, các bảo hiểm này thanh toán chi phí nếu xe của chúng ta gây thương tích cho người khác hoặc xe khác, hoặc nếu ai đó bị thương do té ngã ở bậc thềm nhà chúng ta khi ta bất cẩn để nó trơn trợt. Chúng ta và nhiều người khác đóng phí bảo hiểm để cho phép công ty bảo hiểm trả chi phí, do đó trên thực tế những người tham gia bảo hiểm khác sẽ chia sẻ nghĩa vụ của chúng ta và ngược lại. Tương tự như vậy, trong các xã hội phi nhà nước, người thân và thành viên thị tộc cùng chia sẻ các khoản thanh toán do một cá nhân mắc nợ: ví dụ, Malo nói với tôi rằng dân làng của anh sẽ đóng góp vào khoản thanh toán bồi thường cho cái chết của Billy nếu Malo không làm việc cho một công ty có khả năng thanh toán khoản này.
Ở xã hội nhà nước, các vụ án dân sự có lộ trình giống nhất với hoạt động bồi thường ở New Guinea là các tranh chấp kinh doanh giữa các bên có quan hệ kinh doanh lâu dài. Khi vấn đề phát sinh mà các bên kinh doanh không thể tự giải quyết, một bên có thể trở nên giận dữ và tiến hành xin tư vấn từ luật sư (Khả năng đó diễn ra ở Mỹ cao hơn là ở Nhật Bản và các nước khác). Đặc biệt trong mối quan hệ lâu dài nơi niềm tin đã được dựng nên, bên bất lợi sẽ cảm thấy bị lợi dụng, bị phản bội và thậm chí giận dữ hơn nếu so với mối quan hệ “một lần” (ví dụ, lần giao dịch kinh doanh đầu tiên giữa các bên). Như trong cuộc đàm phán bồi thường ở New Guinea, việc tiến hành các cuộc thảo luận về tranh chấp kinh doanh thông qua luật sư sẽ làm nguội đi xung đột bằng cách dùng những phát ngôn điềm tĩnh hợp lý của các luật sư (như người ta hy vọng) thay cho những cáo buộc cá nhân lẫn nhau đầy giận dữ của các bên và làm giảm nguy cơ các quan điểm đối lập trở nên trầm trọng hơn. Khi các bên có hy vọng tiếp tục quan hệ kinh doanh sinh lợi trong tương lai, họ có động lực chấp nhận giải pháp giữ thể diện – cũng như người New Guinea trong cùng làng, hoặc giữa các làng lân cận, khi cho rằng họ sẽ tiếp tục gặp nhau cho đến cuối đời, họ sẽ có động lực tìm kiếm giải pháp. Tuy nhiên, những người bạn luật sư nói với tôi rằng lời xin lỗi chân thành và sự chia sẻ tình cảm theo kiểu New Guinea là rất hiếm ngay cả trong tranh chấp kinh doanh và thông thường điều tốt đẹp nhất có thể kỳ vọng là lời xin lỗi theo kịch bản – một thủ thuật dàn xếp ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, nếu các bên kinh doanh tham gia vào mối quan hệ một lần và không bao giờ mong đợi làm việc với nhau lần nữa, thì động lực tìm kiếm thỏa thuận hữu nghị của họ thấp hơn (cũng đúng với các tranh chấp giữa thành viên thuộc các bộ lạc xa của người New Guinea hoặc Nuer), làm gia tăng nguy cơ các tranh chấp sẽ tiến đến hình thức tương đương như chiến tranh giữa các nhà nước: phiên tòa. Tuy nhiên, các phiên tòa và những lời tuyên án cũng rất rắc rối, kết quả của chúng không thể đoán trước được và thậm chí các bên tranh chấp kinh doanh kiểu một lần cũng chịu áp lực phải đi đến thỏa thuận.
Tuy nhiên, còn điểm giống nhau nữa giữa việc giải quyết tranh chấp nhà nước và phi nhà nước có liên quan đến tranh chấp quốc tế giữa các quốc gia (khác với tranh chấp giữa công dân trong cùng quốc gia). Trong khi một số tranh chấp quốc tế đang được Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) giải quyết bằng thỏa thuận giữa các chính phủ liên quan, các tranh chấp quốc tế khác được xử lý chủ yếu bằng cách tiếp cận truyền thống vận hành trên quy mô lớn: đàm phán trực tiếp hoặc qua trung gian giữa các bên với ý thức rằng thất bại đàm phán có thể kích hoạt cơ chế chiến tranh. Các ví dụ điển hình là tranh chấp năm 1938 giữa nước Đức Quốc xã với Tiệp Khắc về khu vực biên giới Sudetenland của Séc – nơi một dân tộc người Đức chiếm đa số – được giải quyết qua trung gian Anh và Pháp (hai nước này gây áp lực cho đồng minh Séc của họ phải thỏa thuận); và hàng loạt các cuộc khủng hoảng tại châu âu trong những năm trước Thế chiến I, mỗi cuộc khủng hoảng được thỏa thuận tạm thời thông qua đàm phán cho đến khi cuộc khủng hoảng năm 1914 bị kích hoạt bởi vụ ám sát Archduke Franz Ferdinand kết thúc bằng một cuộc chiến tranh.
Trên đây là một số điểm tương đồng giữa hoạt động giải quyết tranh chấp phi nhà nước và tư pháp dân sự nhà nước. Về sự khác biệt, khác biệt cơ bản nhất là, nếu một vụ án dân sự chuyển từ giai đoạn đàm phán đến phiên tòa, thì sau đó mối quan tâm của nhà nước tại phiên tòa không liên quan nhiều đến việc giải tỏa cảm xúc, khôi phục lại quan hệ tốt, hoặc thúc đẩy sự thấu hiểu cảm xúc lẫn nhau giữa các bên tranh chấp – ngay cả khi các bên đó là anh chị em, vợ chồng li thân, cha mẹ và con, hoặc láng giềng vốn đã chia sẻ cảm xúc với nhau rất nhiều và có thể vẫn phải gặp nhau đến cuối đời. Tất nhiên, trong nhiều hoặc hầu hết các phiên tòa ở các xã hội nhà nước đông dân, gồm hàng triệu công dân xa lạ với nhau, những người liên can không có quan hệ trước đó, không trông đợi bất kỳ mối quan hệ nào trong tương lai và phải gặp nhau chỉ một lần do sự kiện được đưa ra tòa: khách hàng và người bán hàng, hai người lái xe liên can đến tai nạn giao thông, tội phạm và nạn nhân, v.v… Tuy nhiên, sự kiện được đưa ra tòa và các thủ tục tư pháp sau đó vẫn ảnh hưởng đến cảm xúc ở cả hai người xa lạ và nhà nước làm ít hoặc không làm gì để xoa dịu những cảm xúc đó.
Thay vào đó, tại một phiên tòa, nhà nước quan tâm trước tiên đến việc xác định đúng sai. Nếu trường hợp liên quan đến hợp đồng, thì là việc bị đơn có vi phạm hợp đồng hay không? Nếu trường hợp liên quan đến sai lầm cá nhân, thì bị đơn có cẩu thả không, hoặc ít ra bị đơn có gây thương tích không? Lưu ý sự tương phản giữa câu hỏi đầu tiên do nhà nước đặt ra với trường hợp Malo và Billy. Người thân của Billy đồng ý rằng Malo không bất cẩn, nhưng họ vẫn yêu cầu bồi thường và sếp của Malo ngay lập tức đồng ý trả bồi thường – vì mục tiêu của cả hai bên là thiết lập lại mối quan hệ trước đó (trong trường hợp này là tình trạng không quan hệ từ trước) chứ không phải để tranh luận đúng sai. Đặc tính giữ gìn hòa bình đó của New Guinea có ở nhiều xã hội truyền thống khác. Ví dụ, theo lời Chánh án Robert Yazzie của quốc gia Navajo, một trong hai cộng đồng thổ dân châu Mỹ đông dân nhất ở Bắc Mỹ, “Xử án ở phương Tây là quá trình tìm kiếm những gì đã xảy ra và người đã gây ra; quá trình gìn giữ hòa bình của người Navajo tập trung vào tác động của những gì đã xảy ra. Ai bị tổn thương? Họ cảm nhận được gì về điều đó? Có thể thực hiện được những gì để bù đắp thiệt hại?”
Khi nhà nước giải quyết được bước đầu tiên là xác định liệu bị đơn có phải chịu trách nhiệm pháp lý trong tranh chấp dân sự hay không, nhà nước tiếp đó tiến hành bước thứ hai là tính toán thiệt hại bị đơn gây ra nếu bị đơn được xác định đã vi phạm hợp đồng, hoặc bất cẩn hoặc phải chịu trách nhiệm pháp lý. Mục đích của việc tính toán là “giúp nguyên đơn toàn vẹn” – tức là, trong chừng mực có thể, khôi phục nguyên đơn về lại trạng thái người đó sẽ có được khi không có vi phạm hoặc sơ suất nào. Ví dụ, giả sử rằng người bán đã ký một hợp đồng bán cho người mua 100 con gà với giá 7 đô-la Mỹ mỗi con gà, nhưng người bán sau đó lại vi phạm hợp đồng khi không cung cấp gà, và người mua vì vậy đã phải mua 100 con gà với giá hơn 10 đô-la cho mỗi con gà trên thị trường mở, do đó người mua buộc phải chi thêm 300 đô-la Mỹ cao hơn giá hợp đồng. Trong trường hợp này, tòa án sẽ lệnh cho người bán phải trả cho bên mua khoản thiệt hại trị giá 300 đô-la Mỹ này, cộng với chi phí phát sinh để tìm kiếm hợp đồng mới, có thể cộng với lãi suất từ việc không thể sử dụng 300 đô-la Mỹ, qua đó khôi phục lại cho người mua vị thế (ít nhất trên danh nghĩa) mà người này lẽ ra đã đạt được nếu người bán không vi phạm hợp đồng. Tương tự như vậy, trong trường hợp sai lầm cá nhân, tòa án sẽ cố gắng tính toán thiệt hại, dù việc tính toán tổn thương về thể chất hoặc tình cảm của một người sẽ khó khăn hơn so với thiệt hại tài sản (Tôi nhớ một người bạn luật sư của tôi từng bảo vệ một chủ xuồng máy mà cánh quạt thuyền cắt đứt chân của một người bơi lội cao tuổi đã phải tranh luận với bồi thẩm đoàn rằng giá trị của cái chân bị đứt rất “khiêm tốn” vì nạn nhân tuổi đã cao và tuổi thọ dự kiến còn lại rất ngắn ngay cả trước khi xảy ra tai nạn).
Thoạt nhìn, tính toán của nhà nước về thiệt hại có vẻ tương tự như việc đàm phán bồi thường ở New Guinea hoặc giữa những người Nuer. Tuy nhiên điều đó không thực sự đúng. Trái với việc bồi thường được chuẩn hóa cho một số hành vi phạm tội ở New Guinea và Nuer (ví dụ, từ 40 đến 50 con bò Nuer cho việc gây chết người) có thể được hiểu là tiền đền bù thiệt hại, trong các trường hợp khác, các khoản bồi thường trong xã hội phi nhà nước được tính như các khoản để các bên tranh chấp dựa trên đó, bỏ qua những cảm giác tổn thương và khôi phục quan hệ: ví dụ, những con lợn cùng số hàng hoá khác mà bạn bè tôi ở làng Goti đồng ý trả cho các thị tộc từng giết cha của người bạn Pius của tôi.
Các nhược điểm trong tư pháp dân sự nhà nước
Các nhược điểm trong hệ thống nhà nước tư pháp dân sự của chúng ta được thảo luận rộng rãi bởi nhiều luật sư, thẩm phán, nguyên đơn và bị đơn. Các khiếm khuyết của hệ thống Mỹ ít nhiều nghiêm trọng hơn so với nhiều xã hội nhà nước khác. Một vấn đề là giải quyết tranh chấp dân sự qua tòa án có xu hướng rất tốn thời gian, thường lên đến 5 năm, vì án hình sự được ưu tiên hơn án dân sự và các thẩm phán có thể được tái bổ nhiệm từ tòa án dân sự lên tòa án hình sự để xét xử vụ án hình sự. Ví dụ, tại thời điểm mà tôi viết đoạn này, chưa có vụ án dân sự nào được xét xử ở hạt Riverside, ngay phía đông của Los Angeles, thành phố quê hương tôi, vì sự tồn đọng của các vụ án hình sự. Điều đó đồng nghĩa với năm năm không thể giải quyết tranh chấp, sống trong chờ đợi cùng những đau khổ cảm xúc so với năm ngày cần để giải quyết vụ án Malo vô tình khiến Billy chết (Tuy nhiên, chiến tranh giữa các thị tộc – vốn có thể nổ ra nếu vụ án của Billy và Malo không giải quyết được bằng đàm phán – có lẽ sẽ kéo dài lâu hơn năm năm rất nhiều).
Thiếu sót thứ hai được xác nhận trong tư pháp dân sự nhà nước Mỹ là, trong hầu hết các trường hợp, hệ thống này không thể yêu cầu bên thua phải thanh toán phí luật sư của bên thắng, trừ khi đã được xác định ngay từ đầu trong hợp đồng đang gây tranh chấp. Điều này được cho là tạo nên tình trạng bất cân xứng có lợi cho bên giàu có hơn (dù đó là nguyên đơn hay bị đơn), khiến bên nguyên đơn ít giàu có hơn phải chịu áp lực chấp nhận một khoản bồi thường ít hơn giá trị mất mát thật sự và khiến bên bị đơn ít giàu có hơn chịu áp lực phải chấp nhận thanh toán một yêu cầu vô lý. Lý do là vì bên giàu có đe dọa kiện tụng tốn kém, sử dụng thủ thuật trì hoãn và gửi đi vô số các kiến nghị đệ trình chứng cứ để khiến bên kia suy sụp về tài chính. Bảo đảm sự toàn vẹn cho bên bị thiệt hại – mục tiêu của tư pháp dân sự là điều không hợp lý, nhưng kẻ thua cuộc không nên bị yêu cầu thanh toán lệ phí luật sư cho bên thắng ở Mỹ. Ngược lại, hệ thống pháp luật ở Anh và một số nước khác yêu cầu bên thua phải thanh toán ít nhất một số loại phí, chi phí cho bên thắng.
Khiếm khuyết cuối cùng trong tư pháp dân sự nhà nước là khiếm khuyết cơ bản nhất: hệ thống này chú tâm đến thiệt hại và xem việc thỏa thuận, hòa giải cảm xúc là phụ hoặc không liên quan. Với tranh chấp dân sự giữa những người lạ vốn sẽ không bao giờ gặp lại nhau (ví dụ, hai người có xe ô tô đụng nhau), ở một số trường hợp, một số điều có thể được thực hiện nhằm thúc đẩy hòa giải tình cảm và tránh hậu quả lâu dài là không thể giải quyết tranh chấp, kể cả nếu điều đó chỉ đơn thuần là đưa ra cơ hội cho cả hai bên (nếu họ đồng ý) nói lên cảm xúc của mình và để cảm nhận nhau cũng là con người với những động cơ và đau khổ của riêng mình. Điều đó vẫn có thể kể cả ở những trường hợp cực đoan như khi một trong hai bên đã giết người thân của bên kia. Tốt hơn so với việc không có trao đổi cảm xúc là sự trao đổi cảm xúc đã diễn ra giữa Gideon và cha của Billy – hoặc trao đổi giữa Thượng nghị sĩ Edward Kennedy và cha mẹ của Mary Jo Kopechne, khi Kennedy tự mình dũng cảm đến thăm và đối mặt với cha mẹ của cô gái mà ông đã gây ra cái chết do sự bất cẩn của mình.
Tồi tệ nhất là rất nhiều các vụ án dân sự, trong đó các bên tham gia tranh chấp có khả năng sẽ duy trì quan hệ sau này: đặc biệt là các cặp vợ chồng ly hôn đã có con, anh chị em trong tranh chấp thừa kế, đối tác kinh doanh và hàng xóm láng giềng. Không hề góp phần hòa giải cảm xúc, thủ tục tòa án thường khiến tình cảm tồi tệ hơn trước. Tất cả chúng ta đều biết đến các trường hợp tranh chấp mà quan hệ giữa các bên tham gia bị hủy hoại đến cuối đời do trải nghiệm ở tòa án. Mới nhất trong danh sách dài những câu chuyện như vậy ở nhiều người quen của tôi, một người bạn thân của tôi và em gái cô đã được triệu tập trong phiên tòa xử thừa kế giữa anh trai cô và cha cô, những người đã kiện tụng lẫn nhau. Càng cay đắng hơn sau những thủ tục pháp lý như vậy, cả người bạn của tôi và cô em gái giờ đây lại bị kiện bởi người mẹ kế, cả bạn tôi cùng người em gái đều nghĩ rằng sẽ không bao giờ nói chuyện lại với người anh trai của họ khi họ còn sống.
Một gợi ý thường được đưa ra để giảm thiểu khiếm khuyết căn bản này của tư pháp dân sự là tăng cường sử dụng các chương trình hòa giải. Chúng hiện hữu và thường có ích. Tuy nhiên, chúng ta không có đủ người hòa giải và thẩm phán luật gia đình, hòa giải viên thường thiếu trình độ, còn các tòa án gia đình lại thiếu nhân lực và tài chính. Kết quả là, cuối cùng các cặp vợ chồng ly hôn chỉ nói chuyện với nhau thông qua luật sư. Bất cứ ai đã nhiều lần đến tòa án gia đình đều biết rằng khung cảnh có thể rất khủng khiếp. Các bên đối đầu trong án ly hôn, luật sư và con cái của họ có thể phải chờ trong phòng chờ cùng với nhau và với những người tranh chấp trong án thừa kế. Để hòa giải có hiệu quả, trước tiên cần phải làm cho các bên cảm thấy thoải mái: điều đó là bất khả thi nếu họ phải nhìn nhau hàng giờ đồng hồ trong phòng chờ. Trẻ con thì lại mắc kẹt giữa những tranh cãi của cha mẹ ly hôn.
Một thẩm phán có thể và thường yêu cầu các bên cố gắng tham gia vào cuộc họp dàn xếp trước khi cho phép đưa ra tòa. Tuy nhiên, một người hòa giải cần phải có kỹ năng và thời gian để hòa giải hay tổ chức cuộc họp dàn xếp. Thông thường, hòa giải đòi hỏi nhiều thời gian hơn một cuộc họp dàn xếp bắt buộc. Ngay cả khi các bên trong tranh chấp không có bất kỳ mối quan hệ nào trong tương lai, hòa giải thành công sẽ làm giảm gánh nặng trong tương lai cho hệ thống tòa án: gánh nặng phát sinh từ các bên với phí tổn khi ra tòa, hoặc khi các bên không thỏa mãn với quyết định và trở lại tòa khiếu nại hoặc chỉ giải quyết được sau một cuộc chiến lâu dài tốn kém.
Nếu xã hội nhà nước của chúng ta trả tiền để có nhiều cuộc hòa giải và nhiều thẩm phán luật gia đình hơn, có lẽ nhiều trường hợp ly hôn, thừa kế có thể được giải quyết với chi phí thấp hơn, ít cảm giác tổn thương hơn và nhanh chóng hơn, vì tiền phải trả thêm, năng lượng cảm xúc và thời gian cần thiết cho hòa giải có thể sẽ ít hơn khoản tiền trả thêm, năng lượng cảm xúc và thời gian bổ sung cần thiết cho các thủ tục tòa án cay đắng khi không có hòa giải. Các cặp vợ chồng ly hôn nào đồng ý và áp dụng được điều này có thể đạt được những lợi thế đã đề cập khi loại bỏ hệ thống tòa án luật gia đình và thuê các thẩm phán về hưu giải quyết tranh chấp. Thẩm phán về hưu tiến hành một phiên tòa giả định và đòi hỏi một khoản phí cao theo giờ, tuy nhiên khoản phí đó cũng sẽ trở nên nhỏ bé so với chi phí theo tuần để trả cho luật sư. Vai trò của người thẩm phán đó là tạo ra thỏa thuận cho tất cả mọi người, và thẩm phán về hưu không vội vã như các thẩm phán tại tòa án gia đình. Các buổi điều trần được định giờ chính xác: các bên biết phiên tòa sẽ diễn ra vào một giờ nhất định và họ không cần phải xuất hiện trước vài giờ chỉ vì không thể đoán trước liệu thẩm phán có bị trễ ở các vụ án trước đó trên sổ ghi án, như vẫn thường xảy ra tại các tòa án ly dị.
Tôi không muốn đánh giá quá cao giá trị của hòa giải, hoặc ngụ ý rằng đó là một thần dược. Hòa giải có nhiều vấn đề của riêng nó. Kết quả hòa giải có thể được giữ bí mật và như vậy có thể không thiết lập một tiền lệ pháp lý hoặc không thể phục vụ mục đích giáo dục rộng hơn. Bên khởi kiện chấp nhận hòa giải hiểu rằng rằng, nếu hòa giải không thành, vụ án sẽ được tiến hành theo các tiêu chuẩn đúng, sai, có tội và chịu trách nhiệm pháp lý thông thường, do đó người hòa giải không cảm thấy hoàn toàn được tự do lựa chọn các tiêu chuẩn khác. Nhiều bên tranh chấp muốn được lắng nghe tại tòa án, không muốn hòa giải và bực bội khi bị áp lực hoặc bị bắt buộc phải hòa giải.
Ví dụ, trong một vụ án nổi tiếng về một sự kiện ở thành phố New York vào ngày 22/12/1984, một người tên Bernhard Goetz bị 4 thanh niên chặn đường và ông cho rằng họ là những kẻ cướp giật. ông lấy súng ra, bắn tất cả bốn người với tuyên bố tự vệ và sau đó bị bồi thẩm đoàn buộc tội cố ý giết người. Vụ án của ông dấy lên những làn sóng thảo luận công khai mạnh mẽ và đa chiều, một số người ca ngợi ông đã can đảm chống lại, những người khác lên án ông phản ứng thái quá và quá cẩn trọng. Chỉ đến sau này nguyên cớ sâu xa mới được hiểu rõ: Goetz đã thật sự bị cướp bốn năm trước đó bởi ba thanh niên, chúng đuổi theo ông và đánh ông suýt chết. Khi một trong số những kẻ tấn công bị bắt, kẻ còn lại khôn ngoan đệ đơn khiếu nại, khẳng định rằng thay vì vậy hắn đã bị Goetz tấn công. Do đó, tòa mời Goetz đến một buổi điều trần hòa giải với kẻ tấn công. Goetz đã từ chối lời mời và không bao giờ được thông báo rằng cuối cùng kẻ tấn công đã bị bắt sau khi tham gia một vụ cướp khác. Goetz quyết định mua súng, mất niềm tin vào một hệ thống pháp luật dường như chỉ đề nghị hòa giải giữa tên cướp và nạn nhân. Dù vụ án của Goetz là không bình thường, nhưng một thực tế đáng buồn là các tòa án của chúng ta bị quá tải đến mức phải thường xuyên đề xuất hoặc bắt buộc hòa giải giữa các bên cho dù họ nhất quyết phản đối. Tuy nhiên những sự kiện này không nên ngăn cản chúng ta thừa nhận giá trị tiềm năng của hòa giải trong nhiều vụ án và thừa nhận tình tình trạng thiếu đầu tư vào lộ trình này.
Tôi sẽ kết thúc cuộc thảo luận về quá trình hòa giải pháp lý và hòa giải tình cảm bằng cách trích lời đánh giá ưu nhược điểm của một đồng nghiệp ngành luật, giáo sư Mark Grady của Đại học Luật UCLA: “Nhiều người phản đối rằng nhà nước không có liên quan gì đến các mối quan hệ cá nhân và cảm xúc bị tổn thương. Họ cho rằng chỉ có một ‘nhà nước vú em’ mới làm nhiệm vụ đó, rằng một nhà nước cố gắng khắc phục các mối quan hệ cá nhân và tình cảm bị tổn thương là mối đe dọa cho sự tự do. Họ cũng cho rằng việc bắt buộc dàn xếp những khác biệt với những người phạm lỗi là một hành vi xâm phạm tự do con người. Thay vào đó, nạn nhân nên có quyền yêu cầu phán xét của nhà nước với đối phương và khi đã nhận được phán quyết, đơn giản là họ hãy tránh xa những người đã phạm lỗi.
“Có một phản hồi rằng nhà nước duy trì hệ thống tư pháp tốn kém để phục vụ cho các mục đích khác biệt và có tầm tiến hóa cao của số đông, của các xã hội không phải đối mặt trực tiếp. Tuy nhiên, chúng ta có thể học được một số điều có giá trị từ người New Guinea mà không làm mất đi các mục đích đặc trưng của hệ thống tư pháp của chúng ta. Một khi giữ thẩm quyền đối với tranh chấp, nhà nước phát sinh chi phí để giải quyết tranh chấp đó. Tại sao không cho các bên ít nhất được lựa chọn để giải quyết tranh chấp ở mức độ cá nhân hay ở mức độ pháp lý? Người ta không nên bắt buộc các bên tranh chấp sử dụng hệ thống hòa giải do nhà nước cung cấp và các hệ thống đó không nhất thiết phải thay thế hệ thống xét xử chính thức thông thường trừ khi các bên đồng ý rằng họ nên làm như vậy. Thay vào đó, hệ thống hòa giải sẽ là một giải pháp thay thế mang tính bổ trợ và khả thi cho hệ thống pháp lý vốn chính thức hơn và luôn sẵn sàng. Sẽ không có hại khi đưa cơ hội này đến cho mọi người và rất nhiều điều tốt đẹp có thể được hình thành từ đó. Mối nguy hiểm, được minh họa rất rõ ở hệ thống của New Guinea, là khi người ta có thể bị cưỡng bức tham gia hòa giải ở những hoàn cảnh phải thỏa hiệp giữa nhân phẩm với tự do và điều đó thậm chí có thể làm tình trạng bất công của những sai trái ban đầu thêm trầm trọng. Hệ thống cải cách sẽ phải ngăn chặn những bất công này, tuy nhiên khả năng xảy ra những bất công này hoàn toàn không có lý do gì khiến chúng ta quên đi một khả năng rằng những sai trái của con người có thể được giải quyết ở cấp độ con người.”
Tư pháp hình sự nhà nước
Sau khi so sánh hệ thống giải quyết tranh chấp nhà nước và phi nhà nước ở lĩnh vực tư pháp dân sự. Sau đây, chúng ta hãy chuyển sang tư pháp hình sự. Lúc này, chúng ta ngay lập tức gặp phải hai điểm khác biệt cơ bản giữa hệ thống nhà nước và phi nhà nước. Đầu tiên, tư pháp hình sự nhà nước liên quan đến trừng phạt các tội vi phạm pháp luật của nhà nước. Mục đích dùng hình phạt của nhà nước là để thúc đẩy việc chấp hành pháp luật nhà nước và duy trì hòa bình ở quốc gia. Nhà nước tuyên án tù cho tội phạm không phải để bồi thường và cũng không có ý định bồi thường cho những thương tích của nạn nhân. Thứ hai, do đó, tư pháp dân sự và tư pháp hình sự nhà nước là những hệ thống riêng biệt, trong khi ngược lại, các hệ thống này không khác biệt trong các xã hội phi nhà nước, các xã hội này nói chung quan tâm đến việc bồi thường cho những thương tích của cá nhân hoặc nhóm – bất kể dù thương tích đó bị xã hội nhà nước xem là tội ác, sai lầm cá nhân hay vi phạm hợp đồng.
Cũng như án dân sự nhà nước, án hình sự nhà nước được tiến hành theo hai giai đoạn. Trong giai đoạn đầu tiên, tòa đánh giá xem liệu tên tội phạm bị cáo buộc có phạm hay không phạm tội, phạm một hay nhiều cáo buộc. Điều đó nghe như vấn đề trắng đen rõ ràng và có vẻ sẽ đưa ra câu trả lời có hoặc không. Trên thực tế, quyết định này không phải quá tuyệt đối vì có thể có những cáo buộc khác nhau tùy theo mức độ nghiêm trọng: kẻ giết người có thể bị phán tội giết người có chủ ý, giết một sĩ quan cảnh sát trong quá trình thi hành công vụ, giết người trong một vụ bắt cóc bất thành, giết người như một hành động giận dữ tự phát, giết người với niềm tin thật sự nhưng vô lý rằng nạn nhân đang đe dọa gây thương tích chết người, hoặc giết người như một hành động trong trạng thái điên loạn tạm thời hoặc trong tình trạng được giảm nhẹ trách nhiệm – với các hình phạt khác nhau tùy theo tội danh. Trên thực tế, nhiều vụ án hình sự được giải quyết bằng thỏa thuận lời khai trước khi ra tòa. Tuy nhiên, nếu vụ án không được đưa ra tòa xét xử, lời cáo buộc vẫn đòi hỏi một phán quyết có tội hay vô tội: Ellie Nesler bị kết tội giết chết Daniel Driver, dù động cơ trả thù cho vụ lạm dụng con trai cô đã giành được sự thông cảm của phần lớn công chúng. Ngược lại, ở các xã hội phi nhà nước, một thương tích bị gây ra thường xuyên được xem như một điều không rõ trắng đen: có, tôi đã giết ông ta – nhưng tôi làm vậy là hợp lý vì ông ta ám bùa con tôi, hoặc người anh em họ của ông ta giết chú tôi, hoặc con lợn của ông ta làm hỏng khu vườn của tôi và ông ta từ chối bồi thường thiệt hại, vì vậy tôi không phải bồi thường gì cho người thân của ông ta hoặc chỉ bồi thường ít (Tuy nhiên, các tình tiết giảm nhẹ tương tự có vai trò quan trọng ở giai đoạn kết án của phiên tòa hình sự phương Tây).
Nếu người bị cáo buộc được chứng minh là phạm tội, nhà nước sau đó tiến đến giai đoạn thứ hai là áp đặt hình phạt, chẳng hạn như án tù. Hình phạt phục vụ ba mục đích, dựa vào ba mục đích này sẽ có sự nhấn mạnh tương đối khác biệt giữa hệ thống tư pháp các nước: răn đe, trừng phạt và cải tạo. Ba mục đích này khác với mục đích chính trong cách giải quyết tranh chấp phi nhà nước, cụ thể là bồi thường cho nạn nhân. Ngay cả nếu Daniel Driver bị kết án tù, điều đó cũng sẽ không bù đắp được cho Ellie Nesler và con trai cô những tổn thương từ vụ lạm dụng tình dục cậu bé.
Mục đích chính của việc trừng phạt tội ác là răn đe: để ngăn chặn công dân khác vi phạm pháp luật của nhà nước, do đó không có những nạn nhân mới. Mong muốn của nạn nhân hiện tại và người thân nạn nhân, hoặc của tội phạm và người thân tội phạm, phần lớn lại không được cân nhắc: thay vào đó sự trừng phạt nhằm phục vụ cho mục đích của nhà nước với vai trò là đại diện cho các công dân khác trong nước. Các nạn nhân, tội phạm, cùng người thân và bạn bè của họ nhiều nhất chỉ có thể được phép phát biểu với các thẩm phán tại thời điểm tuyên án và bày tỏ mong muốn của mình về việc tuyên án, nhưng thẩm phán được phép bỏ qua những mong muốn đó.
Lợi ích khác biệt của nhà nước và của nạn nhân được minh họa qua một vụ án hình sự được biết đến rộng rãi ở bang California: đạo diễn phim Roman Polanski – bị buộc tội ép sử dụng thuốc, cưỡng hiếp và buộc một bé gái 13 tuổi (Samantha Geimer) quan hệ với thú vật vào năm 1977 – đã nhận tội quan hệ tình dục với trẻ vị thành niên năm 1978, nhưng sau đó bỏ trốn sang châu âu trước khi ông ta có thể bị kết án. Nạn nhân của Polanski, giờ đây là một phụ nữ ở độ tuổi 40, nói rằng cô đã tha thứ cho ông và không muốn ông ta bị truy tố hay bị cầm tù. Cô đệ đơn lên tòa án yêu cầu bãi nại. Thoạt đầu, chúng ta có thể ngạc nhiên vì sự mâu thuẫn khi bang California tìm cách bắt giam tên tội phạm trái với mong muốn của nạn nhân, tuy vậy các nguyên nhân dẫn đến hành động như vậy được khẳng định mạnh mẽ ở một bài xã luận trên tờ Los Angeles Times: “Vụ án Polanski không được xử để làm thỏa mãn mong muốn công bằng của cô ấy [nạn nhân] hoặc nhu cầu hòa giải của cô. Vụ án được xử bởi bang California thay mặt người dân California. Thậm chí, nếu Geimer không còn hận thù với Polanski, điều đó không có nghĩa rằng ông ta không còn gây nguy hiểm cho người khác… Tội ác gây ra không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân mà cả cộng đồng… Người bị cáo buộc các tội ác nghiêm trọng phải bị bắt, bị xử án và nếu phạm tội, phải chịu phán quyết.”
Lý do thứ hai cho hình phạt, bên cạnh răn đe, là trừng phạt: để cho phép nhà nước tuyên bố, “chúng ta, quốc gia, đang trừng phạt tội phạm, vì vậy nạn nhân không có lý do gì để cố gắng tự mình thực thi hình phạt”. Vì những lý do được tranh luận mạnh mẽ, tỷ lệ tống giam ở Mỹ cao hơn và hình phạt nặng hơn so với ở các nước phương Tây khác. Mỹ là quốc gia phương Tây duy nhất còn áp dụng hình phạt tử hình. Đất nước này thường áp dụng phạt tù dài hạn hoặc thậm chí tù chung thân, trong khi ở Đức, các án phạt này chỉ dành riêng cho những tội ác ghê tởm nhất (ví dụ, vụ án nặng nề nhất của nước Đức sau chiến tranh là vụ giết người hàng loạt, trong đó một y tá bị kết tội giết chết 28 bệnh nhân tại một bệnh viện của Đức bằng cách tiêm cho họ hỗn hợp thuốc gây chết người). Trong khi án tù dài hạn ở Mỹ đã từ lâu chỉ dành riêng cho các tội ác nghiêm trọng, thì chính sách “ba lần là ngoài vòng pháp luật” đòi hỏi các thẩm phán phải áp thời hạn dài lên những tên tội phạm phạm tội lần thứ ba sau hai lần phạm tội nghiêm trọng – kể cả nếu lần phạm tội thứ ba chỉ là một tội nhẹ như ăn trộm bánh pizza. Một phần do đó, số tiền mà California chi cho hệ thống nhà tù hiện đang ở mức gần với chi phí bang này chi cho giáo dục bậc cao trong các trường cao đẳng và đại học của bang. Người dân California phản đối cách phân bổ ngân sách này không chỉ xem đây là hành động đảo ngược những ưu tiên của con người mà còn là một chính sách kinh tế tồi. Họ lập luận rằng những khó khăn kinh tế phổ biến hiện nay ở California có thể được khắc phục tốt nhất bằng cách chi ít tiền hơn vào việc giam giữ tội phạm phạm tội nhẹ trong thời gian dài, chi nhiều tiền hơn vào cải tạo tội phạm và nhanh chóng đưa họ trở lại xã hội để lao động sản xuất và chi nhiều tiền hơn vào giáo dục những người California không bị bỏ tù khác để họ có khả năng làm được các công việc lương cao. Vẫn chưa rõ liệu những hình phạt nặng nề như vậy ở nước Mỹ có hiệu quả trong việc thúc đẩy tính răn đe hay không.
Mục đích cuối cùng của việc trừng phạt tội phạm là cải tạo họ, để họ có thể tái hòa nhập xã hội, tiếp tục một cuộc sống bình thường, và đóng góp vào nền kinh tế thay vì gây ra gánh nặng về chi phí kinh tế cho xã hội như những tù nhân trong hệ thống nhà tù tốn kém. Cải tạo thay vì trừng phạt là trọng tâm trong cách tiếp cận của người châu âu với việc phạt tội phạm. Ví dụ, một tòa án Đức nghiêm cấm chiếu phim tài liệu ghi lại việc làm của tội phạm trong một tội ác tai tiếng – vì quyền của tội phạm là được cải tạo và có cơ hội công bằng để hoàn lương sau khi chịu án tù, quyền này thậm chí còn thiêng liêng hơn quyền tự do báo chí hoặc quyền được tiếp cận thông tin của người dân. Liệu cách nhìn nhận này có phản ánh mối quan tâm lớn hơn của người châu âu với phẩm giá, sự nuôi dưỡng, lòng thương của con người và mối quan tâm ít hơn của người châu âu với sự trừng phạt theo Kinh Cựu Ước và với quyền tự do phát biểu, so với người Mỹ? Và việc cải tạo thực ra hiệu quả đến mức nào? Ví dụ, tính hiệu quả của quan điểm này có vẻ hạn chế trong những vụ án liên quan đến những người có ham muốn tình dục với trẻ em.
Tư pháp phục hồi
Đến đây, thiếu sót trong cuộc thảo luận của chúng ta về mục đích của việc xử phạt hình sự nhà nước là việc đề cập đến các mục đích chính của tư pháp dân sự nhà nước (để giữ toàn vẹn cho người bị tổn hại) và của cách giải quyết tranh chấp phi nhà nước (để khôi phục quan hệ và đạt được hòa giải tình cảm). Cả hai mục tiêu đó, đều quan tâm đến nhu cầu của nạn nhân, lại không phải là mục tiêu chính của hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta, mặc dù có một số điều khoản dành cho họ. Bên cạnh việc cung cấp các bằng chứng hữu ích để kết án tội phạm bị cáo buộc, nạn nhân hoặc người thân của nạn nhân, vào thời điểm tuyên án, có thể được phép phát biểu tại tòa trước sự hiện diện của tội phạm, và để bày tỏ cảm xúc về tội ác. Để bảo vệ nạn nhân, có một số quỹ bồi thường nhà nước dành cho họ, nhưng nhìn chung các quỹ này rất hạn chế.
Ví dụ, vụ án hình sự được biết đến nhiều nhất trong lịch sử gần đây của nước Mỹ là phiên tòa của cựu ngôi sao bóng đá O. J. Simpson vì tội giết Nicole, vợ mình và bạn của cô, Ron Goldman. Sau phiên tòa hình sự kéo dài 8 tháng, Simpson được chứng minh vô tội. Tuy nhiên, gia đình của Nicole và Ron sau đó chiếm ưu thế trong một vụ kiện dân sự chống lại Simpson thay mặt cho con cái của Simpson và Nicole và thay mặt cho các gia đình, họ đã thắng với một phán quyết đền bù tổng cộng khoảng 43 triệu đô-la Mỹ (dù không dễ thu được tiền). Thật không may, các trường hợp có thể thu được tiền bồi thường từ một vụ kiện dân sự là rất hiếm, vì hầu hết tội phạm không giàu có hay sở hữu nhiều tài sản. Trong các xã hội truyền thống, cơ hội đòi được tiền bồi thường cho nạn nhân có phần cao hơn nhờ triết lý truyền thống là chịu trách nhiệm chung: như trong trường hợp của Malo, không chỉ người gây ra thiệt hại mà cả thân nhân, người cùng thị tộc và đồng nghiệp của người này đều gánh trách nhiệm trả tiền bồi thường. Xã hội Mỹ lại nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân thay vì trách nhiệm chung. Ở New Guinea, nếu cháu trai tôi bị vợ bỏ rơi, tôi sẽ đòi thị bộ của cô vợ phải hoàn trả một phần sính lễ mà tôi đã trả để hỏi vợ cho cháu tôi; là người Mỹ, tôi vui mừng không phải gánh vác trách nhiệm về mức độ thành công trong hôn nhân của các cháu mình.
Một cách tiếp cận đầy hứa hẹn để hòa giải tình cảm trong một số trường hợp, với cả tên tội phạm không bị kết án tử hình, và với nạn nhân còn sống hoặc thân nhân gần gũi nhất của nạn nhân đã chết, là một chương trình có tên: tư pháp phục hồi. Chương trình này xem tội ác như một hành động gây thiệt hại cho nạn nhân, cộng đồng, cũng như nhà nước; họ để tội phạm và nạn nhân nói chuyện trực tiếp với nhau (miễn là cả hai bên đều chấp nhận làm điều đó), thay vì tách biệt họ và yêu cầu luật sư phát ngôn thay họ. Chương trình này khuyến khích tội phạm nhận lãnh trách nhiệm, đồng thời khuyến khích nạn nhân nói về việc họ đã bị ảnh hưởng như thế nào, thay vì ngăn cản những biểu đạt đó hoặc ít tạo ra cơ hội cho họ. Tội phạm và nạn nhân (hoặc người thân của nạn nhân) gặp mặt với sự hiện diện của một người hòa giải được đào tạo, người này sẽ thiết lập các nguyên tắc căn bản chẳng hạn như không cắt ngang và không dùng từ xúc phạm. Nạn nhân và tội phạm sẽ ngồi trực diện, nhìn vào mắt nhau và luân phiên kể lại những câu chuyện của cuộc đời họ, cảm xúc của họ, động cơ của họ và hệ quả của tội ác lên cuộc đời họ. Tên tội phạm có được cái nhìn thực tế về những tổn thương hắn đã gây ra; nạn nhân nhìn tên tội phạm như một con người có lịch sử và động cơ, thay vì như một con quái vật; và tên tội phạm có thể kết nối các điểm trong quá khứ của hắn, hiểu được điều gì dẫn hắn vào con đường phạm tội.
Ví dụ, một cuộc gặp gỡ như vậy ở California đã kết nối góa phụ 41 tuổi, Patty O’Reilly cùng em gái Mary của cô với tù nhân 49 tuổi, Mike Albertson. Mike đang chịu án 14 năm tù vì tội giết Danny, chồng của Patty, cách đây hai năm rưỡi, bằng cách đâm vào Danny từ phía sau bằng chiếc xe tải của Mike trong khi Danny đang đi xe đạp. Trong buổi gặp kéo dài bốn giờ đồng hồ, Patty nói với Mike cảm giác hận thù ban đầu của cô đối với anh ta, các chi tiết trong những lời cuối cùng của chồng với cô, cách cô cùng hai cô con gái nhận được tin về cái chết của Danny bởi một phó cảnh sát trưởng và về việc mỗi ngày cô vẫn còn nhớ Danny nhường nào qua những điều tưởng chừng nhỏ bé như khi nghe bài hát trên radio hay khi thấy một người đạp xe. Mike đã kể với Patty câu chuyện cuộc đời mình về việc bị lạm dụng tình dục bởi chính cha anh ta, nghiện ma túy, bị tật ở lưng, hết thuốc giảm đau vào đêm gây chết người, gọi điện thoại và bị bạn gái từ chối, xuất phát trong tình trạng say rượu để đi đến bệnh viện bằng xe tải, nhìn thấy một người đi xe đạp – và thú nhận rằng anh ta có thể đã cố tình đụng Danny, trong cơn giận dữ với cha mình, người đã nhiều lần hãm hiếp anh ta, và với mẹ mình, người đã không ngăn cản chuyện đó. Sau 4 giờ, Patty kết thúc cuộc gặp bằng cách nói, “Tha thứ là việc làm khó khăn, nhưng không tha thứ còn khó khăn hơn nhiều”. Cô cảm thấy nhẹ nhõm, đầy năng lượng và mạnh mẽ từ khi nhìn qua phía bên kia bàn và thấy kẻ giết chồng mình hiểu được sự hủy hoại mà hắn đã gây ra. Sau đó, Mike cảm thấy kiệt sức, căng thẳng và cuối cùng được nâng đỡ bởi việc Patty sẵn sàng gặp và tha thứ cho anh. Mike giữ trên bàn cạnh giường ngủ của mình một tấm thiệp mà Patty đã đưa cho anh được gửi từ cô con gái Siobhan: “Thưa ông Albertson, hôm nay là ngày 16/8 và cháu sẽ tròn 10 tuổi vào ngày 1/9. Cháu chỉ muốn nói rằng cháu đã tha thứ cho ông. Cháu vẫn rất nhớ cha và cháu nghĩ nỗi nhớ ấy sẽ không bao giờ nguôi trong suốt cuộc đời này. Cháu hy vọng ông thấy ổn. Tạm biệt, Siobhan.”
Các chương trình tư pháp phục hồi như vậy đã hoạt động lên đến 20 năm tại úc, Canada, New Zealand, Vương quốc Anh và các bang khác của Mỹ. Vẫn còn có nhiều thử nghiệm đang diễn ra – ví dụ như, liệu cuộc gặp nên chỉ mời tên tội phạm và nạn nhân, hay cũng nên mời cả những người thân, bạn bè và giáo viên; liệu cuộc gặp nên diễn ra ở giai đoạn đầu (ngay sau khi bị bắt giữ) hay ở giai đoạn sau (trong nhà tù, như trường hợp của Patty và Mike); và liệu tội phạm có cố gắng bồi thường cho nạn nhân. Có rất nhiều chuyện kể về kết quả và cũng có một số kiểm tra kiểm soát, trong đó, tội phạm được gán ngẫu nhiên vào một trong vài chương trình khôi phục, hoặc nếu không thì vào một nhóm có kiểm soát không theo những chương trình như vậy, và sau đó đánh giá kết quả thống kê. Kết quả thuận lợi được báo cáo trong phân tích thống kê tích lũy về các vụ án trong một số chương trình, kết quả đó gồm tỷ lệ phạm tội sau khi tự do thấp hơn, phạm phải tội ít nghiêm trọng hơn trong trường hợp có phạm tội, sự giảm nhẹ cảm xúc tức giận và sợ hãi của nạn nhân, và sự gia tăng cảm giác an toàn cũng như được hòa giải của nạn nhân. Không ngạc nhiên, kết quả tốt hơn xuất hiện ở các trường hợp tội phạm sẵn sàng gặp nạn nhân, chủ động tham gia trong cuộc gặp và nhận ra những thiệt hại người đó đã gây nên, so với các trường hợp mà tội phạm không sẵn sàng tham gia vào cuộc gặp do tòa yêu cầu.
Đương nhiên, tư pháp phục hồi không phải là thuốc chữa bách bệnh cho mọi tội phạm và nạn nhân. Chương trình này cần những người kết nối được đào tạo. Một số tội phạm không cảm thấy hối hận, và một số nạn nhân sẽ cảm thấy lại bị tổn thương thay vì được giúp đỡ khi phải làm sống lại tội ác một lần nữa với sự hiện diện của tên tội phạm. Nhiều nhất thì, tư pháp phục hồi cũng chỉ để bổ trợ, không phải là phương pháp thay thế cho hệ thống tư pháp hình sự của chúng ta. Nhưng nó có nhiều hứa hẹn.
Lợi thế và cái giá của lợi thế
Chúng ta có thể rút ra kết luận gì từ những so sánh về giải quyết tranh chấp trong xã hội nhà nước và xã hội quy mô nhỏ? Một mặt, trong lĩnh vực giải quyết tranh chấp này cũng như trong những lĩnh vực khác sẽ được thảo luận trong các chương kế tiếp, chúng ta không nên ngây thơ lý tưởng hóa xã hội quy mô nhỏ, xem chúng là luôn đáng ngưỡng mộ, phóng đại lợi thế của chúng và chỉ trích chính quyền nhà nước giỏi lắm cũng chỉ là điều xấu không tránh khỏi. Mặt khác, nhiều xã hội quy mô nhỏ có một số đặc trưng mà chúng ta có thể kết hợp hữu ích vào xã hội nhà nước của chúng ta.
Đầu tiên, hãy để tôi ngăn hiểu lầm và nhắc lại rằng việc giải quyết tranh chấp ngay cả trong các nhà nước công nghiệp hiện đại vốn đã có các lĩnh vực tận dụng cơ chế giải quyết tranh chấp như bộ lạc. Khi tranh chấp với người bán hàng, hầu hết chúng ta không ngay lập tức thuê luật sư hoặc kiện tụng; chúng ta bắt đầu bằng việc thảo luận và đàm phán với những người bán, hoặc thậm chí có thể nhờ một người bạn thay mặt liên hệ với các nhà buôn nếu chúng ta cảm thấy quá tức giận hoặc bất lực. Tôi đã đề cập đến nhiều ngành nghề và các nhóm trong xã hội công nghiệp có quy trình giải quyết tranh chấp riêng của họ. Ở khu vực nông thôn và các vùng đất nhỏ khác, nơi mọi người đều biết đến tất cả những người khác và kỳ vọng về mối quan hệ lâu dài, động lực và áp lực để giải quyết tranh chấp một cách phi chính thức rất mạnh. Ngay cả khi chúng ta dùng đến luật sư, một số bên tranh chấp kỳ vọng tiếp tục mối quan hệ – chẳng hạn như một số cặp cha mẹ ly hôn, hay đối tác kinh doanh hoặc đồng nghiệp – cuối cùng vẫn sử dụng luật sư để tái thiết quan hệ không thù địch. Nhiều quốc gia ngoài Papua New Guinea do còn khá non trẻ hoặc yếu ớt nên đa phần xã hội của họ vẫn tiếp tục vận hành theo những cách thức truyền thống.
Dựa vào phân tích trên, giờ đây chúng ta nhận ra ba lợi thế vốn có của tư pháp nhà nước khi hệ thống này hoạt động hiệu quả. Đầu tiên và trên hết, một khó khăn căn bản của hầu như mọi xã hội quy mô nhỏ là vì họ thiếu một quyền lực chính trị trung tâm sở hữu độc quyền sử dụng vũ lực đáp trả nên họ không thể ngăn chặn các thành viên bất tuân lệnh gây hại lẫn nhau và cũng không thể ngăn cản các thành viên bị hại tự xử lý mọi việc, tìm cách đạt được mục tiêu bằng bạo lực. Tuy nhiên, bạo lực lại dẫn đến bạo lực chống đối. Như chúng ta sẽ thấy trong hai chương tiếp theo, hầu hết các xã hội quy mô nhỏ do đó bị mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn bạo lực và chiến tranh. Chính quyền nhà nước và các tù trưởng quốc mạnh tạo ra lợi ích lớn lao khi phá vỡ các chu kỳ đó và tuyên bố độc quyền vũ lực. Tất nhiên, tôi không cho rằng mọi nhà nước đều thành công hoàn toàn trong việc kiềm chế bạo lực và tôi thừa nhận rằng bản thân các nhà nước cũng sử dụng bạo lực ở những mức độ khác nhau đối với công dân của họ. Thay vào đó, tôi lưu ý rằng, nhà nước càng kiểm soát hiệu quả, bạo lực phi nhà nước sẽ càng hạn chế.
Điều này lại là một lợi thế vốn có của chính quyền nhà nước, là lý do chính lý giải tại sao các xã hội lớn, nơi những người xa lạ thường xuyên gặp nhau có xu hướng phát triển thành các tù trưởng quốc mạnh và sau nữa là chính quyền nhà nước. Bất cứ khi nào chúng ta ngưỡng mộ cách giải quyết tranh chấp ở các xã hội quy mô nhỏ, chúng ta phải tự nhắc nhở mình rằng nó gồm hai mặt, một mặt là đàm phán hòa bình đáng ngưỡng mộ và mặt khác là bạo lực và chiến tranh đáng hối tiếc. Giải quyết tranh chấp nhà nước cũng có hai mặt, một mặt là đàm phán hòa bình, còn mặt kia mang tính đối đầu chỉ đơn thuần là một phiên tòa. Ngay cả những phiên tòa kinh khủng nhất cũng vẫn tốt hơn nội chiến hay việc giết người trả thù. Thực tế này có thể khiến thành viên của xã hội quy mô nhỏ sẵn sàng giải quyết tranh chấp riêng thông qua thương lượng hơn thành viên của xã hội nhà nước và sẵn sàng đàm phán để cân bằng tình cảm và khôi phục mối quan hệ (chứ không phải để chứng tỏ quyền lợi) hơn thành viên của xã hội nhà nước.
Lợi thế thứ hai, hay lợi thế tiềm năng, của tư pháp do nhà nước quản lý so với phương thức tư pháp tự xử lý truyền thống liên quan đến các mối quan hệ quyền lực. Người tranh chấp trong xã hội quy mô nhỏ cần có đồng minh nếu vị thế thương lượng của người đó đáng tin cậy và nếu người đó thực sự muốn có được số gia súc mà người tù trưởng da báo Neur từng đề nghị là khoản bồi thường thích hợp. Điều này làm tôi nhớ đến một bài báo rất có tầm ảnh hưởng về tư pháp nhà nước phương Tây, có tên “Thương lượng dưới cái Bóng của Luật pháp” – có nghĩa là ở hòa giải nhà nước, cả hai bên đều nhận thức được rằng, nếu hòa giải không thành, các tranh chấp sẽ được giải quyết tại tòa án bằng việc áp dụng luật. Tương tự như vậy, đàm phán bồi thường ở các xã hội quy mô nhỏ diễn ra “dưới cái bóng của chiến tranh” – có nghĩa là cả hai bên đều biết rằng, nếu đàm phán không thành, giải pháp thay thế sẽ là chiến tranh hoặc bạo lực. Nhận thức này tạo nên một sân chơi không bình đẳng trong xã hội quy mô nhỏ và tạo ra lợi thế thương lượng mạnh mẽ cho bên được cho là có thể tập hợp được nhiều đồng minh hơn trong tình huống cuối cùng là xảy ra chiến tranh.
Về mặt lý thuyết, tư pháp nhà nước nhằm tạo ra một sân chơi công bằng, tạo ra công lý bình đẳng cho tất cả và để ngăn cản bên quyền lực hay giàu có lạm dụng sức mạnh áp đặt thỏa thuận bất công. Tất nhiên, tôi và độc giả sẽ ngay lập tức phản đối: “Lý thuyết là vậy, nhưng…!” Trên thực tế, một đương sự giàu có sẽ được hưởng lợi thế trong án dân sự và hình sự. Cô ta có thể có đủ khả năng để thuê luật sư danh giá và các nhân chứng chuyên gia. Cô ta có thể gây sức ép lên đối thủ kém giàu có hơn khi thỏa thuận, bằng cách đệ trình kiến nghị tìm kiếm bằng chứng mở rộng nhằm gia tăng chi phí pháp lý của đối phương và bằng cách đệ trình những khiếu nại tuy ít có giá trị nhưng lại tốn kém cho bên tranh chấp còn lại. Một số hệ thống tư pháp nhà nước cũng tham nhũng và thiên vị bên giàu có hoặc có nhiều mối quan hệ chính trị.
Đúng vậy, thật không may là bên tranh chấp quyền lực hơn được hưởng lợi thế bất công trong hệ thống tư pháp nhà nước, cũng như ở các xã hội quy mô nhỏ. Tuy nhiên, nhà nước ít ra cũng có một số biện pháp bảo vệ cho bên yếu, trái với xã hội quy mô nhỏ có ít hoặc không có. Ở các nhà nước được quản lý tốt, nạn nhân yếm thế vẫn có thể báo cáo tội ác với cảnh sát và sẽ thường xuyên được lắng nghe; người nghèo khởi sự kinh doanh có thể tìm sự giúp đỡ của nhà nước trong việc thực thi hợp đồng; ở vụ án hình sự, bị đơn có hoàn cảnh nghèo khó sẽ được chỉ định luật sư đã được trả tiền; và nguyên đơn nghèo khó trong một vụ án có sức ảnh hưởng có thể tìm được luật sư tư nhân sẵn sàng chấp nhận vụ án và chỉ nhận thù lao nếu thắng kiện (ví dụ, luật sư sẵn sàng nhận thanh toán một phần của phần thắng nếu vụ án thành công).
Vẫn còn một lợi thế thứ ba của tư pháp nhà nước, liên quan đến mục tiêu xác lập đúng sai và việc trừng phạt hoặc đánh giá hình phạt dân sự đối với người làm sai, nhằm ngăn chặn các thành viên khác của xã hội phạm tội hay làm sai. Răn đe là mục tiêu rõ ràng của hệ thống tư pháp hình sự. Trên thực tế, nó cũng là mục tiêu của hệ thống tư pháp dân sự xử lý sai lầm cá nhân, hệ thống này phân tích kỹ lưỡng nguyên nhân và trách nhiệm đối với những thiệt hại, qua đó tìm cách can ngăn hành vi gây thiệt hại bằng cách khiến mọi người nhận thức được về các bản án dân sự mà họ có thể phải chịu nếu thực hiện những hành vi như vậy. Ví dụ, nếu Malo bị kiện vì những thiệt hại dân sự trong vụ giết chết Billy ở một hệ thống tư pháp nhà nước hiệu quả, luật sư của Malo sẽ lập luận (với khả năng thành công cao) rằng trách nhiệm với cái chết của Billy không thuộc về Malo, người đã lái xe một cách an toàn, mà thay vào đó là trách nhiệm của người lái xe buýt mini – người đã che khuất Billy trước mắt các xe đang đến và chú Genjimp của Billy – người đang đợi để đón Billy ở phía đối diện con đường đông đúc. Một vụ án ở Los Angeles tương tự với vụ của Billy và Malo là vụ Schwartz và Tiệm bánh Helms. Một cậu bé bị giết chết khi đang chạy trên đường phố đông đúc để mua bánh rán sô-cô-la từ xe tải của tiệm bánh Helms; cậu bé đã thỉnh cầu người lái xe chờ đợi trong khi cậu băng qua đường về nhà để lấy tiền; người lái xe đồng ý và vẫn đậu chờ cậu trên con đường đông đúc; và tòa cho rằng bồi thẩm đoàn nên quyết định xem liệu tiệm bánh Helms có phải chịu một phần trách nhiệm cho cái chết của cậu bé, bởi sự bất cẩn của người lái xe.
Các trường hợp sai lầm cá nhân như vậy khiến công dân của xã hội nhà nước chịu áp lực phải liên tục cảnh giác về khả năng sự bất cẩn của họ có thể góp phần gây ra tai nạn. Ngược lại, thỏa thuận được thương lượng riêng giữa gia tộc của Billy và các đồng nghiệp của Malo không tạo ra động cơ để người New Guinea trưởng thành và người lái xe buýt mini phải suy nghĩ về những rủi ro với học sinh chạy trên đường phố. Dù có hàng triệu lượt xe đi hàng ngày trên đường phố ở Los Angeles và dù có vài chiếc xe cảnh sát tuần tra đường phố, hầu hết mọi người Los Angeles đều lái xe an toàn đa phần thời gian và chỉ một phần vô cùng nhỏ của hàng triệu chuyến hành trình hàng ngày này kết thúc bằng tai nạn hoặc những thương tích. Một nguyên nhân là sức mạnh răn đe của hệ thống tư pháp dân sự và hình sự của chúng ta.
Tuy nhiên, hãy để tôi một lần nữa ngăn chặn sự hiểu lầm: Tôi không ca ngợi tư pháp nhà nước là luôn vượt trội. Nhà nước phải trả giá cho ba lợi thế đó. Hệ thống tư pháp hình sự nhà nước tồn tại chủ yếu để thúc đẩy các mục tiêu của nhà nước: giảm bạo lực tư nhân, thúc đẩy sự tuân thủ luật pháp nhà nước, bảo vệ toàn thể cộng đồng, cải tạo tội phạm và trừng phạt, ngăn chặn tội phạm. Sự tập trung của nhà nước ở những mục tiêu đó có xu hướng làm giảm sự chú ý của nhà nước vào những mục tiêu của các công dân đơn lẻ liên quan đến vụ giải quyết tranh chấp trong xã hội quy mô nhỏ là: khôi phục mối quan hệ (hoặc tình trạng không có quan hệ) và hòa giải cảm xúc. Việc nhà nước phớt lờ các mục tiêu này không phải không thể tránh khỏi, tuy nhiên họ thường xuyên bỏ qua chúng vì tập trung vào các mục tiêu khác của nhà nước. Ngoài ra, có những khiếm khuyết khác của hệ thống tư pháp nhà nước, không phải vốn có như các lợi thế trên, nhưng vẫn phổ biến: bồi thường hạn chế hoặc không có bồi thường thông qua hệ thống tư pháp hình sự cho các nạn nhân của tội ác (trừ khi thông qua một vụ kiện dân sự riêng biệt); mọi vụ kiện tụng dân sự đều bị chậm trễ trong việc giải quyết, những khó khăn khi tiền tệ hóa các thiệt hại cá nhân và cảm xúc, tình trạng thiếu quy định (ở Mỹ) về việc thu hồi phí luật sư cho nguyên đơn thắng án và tình trạng thiếu hòa giải (hoặc tệ hơn là gia tăng những cảm xúc tiêu cực) giữa các bên tranh chấp.
Chúng ta đã thấy rằng xã hội nhà nước có thể giảm thiểu những vấn đề này bằng cách áp dụng các thông lệ được học hỏi từ các thủ tục trong xã hội quy mô nhỏ. Ở hệ thống tư pháp dân sự, chúng ta có thể đầu tư nhiều tiền của hơn vào việc đào tạo, tuyển dụng những người hòa giải và gia tăng nguồn cung cấp thẩm phán. Chúng ta có thể nỗ lực nhiều hơn cho hoạt động hòa giải. Chúng ta có thể tặng phí luật sư cho nguyên đơn thắng kiện dưới một số trường hợp. Ở hệ thống tư pháp hình sự, chúng ta có thể thử nghiệm tư pháp phục hồi nhiều hơn. Ở hệ thống tư pháp hình sự Hoa Kỳ, chúng ta có thể tái đánh giá liệu mô hình châu âu nhấn mạnh tính cải tạo cao hơn, tính trừng phạt ít đi có giúp cải thiện tình trạng phạm tội, cho xã hội nói chung và cho nền kinh tế.
Tất cả các đề xuất này đã được thảo luận nhiều. Chúng có những khó khăn riêng. Tôi hy vọng rằng, với sự hiểu biết rộng hơn về cách thức các xã hội quy mô nhỏ giải quyết tranh chấp, các học giả nghiên cứu pháp luật có thể tìm ra cách tốt hơn để kết hợp các thủ tục đáng ngưỡng mộ của xã hội quy mô nhỏ vào chính các hệ thống của chúng ta.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.