Câu hỏi về tôn giáo
– Định nghĩa về tôn giáo
– Chức năng và cá chình điện.
– Việc tìm kiếm lời giải thích cho nguyên nhân.
– Niềm tin siêu nhiên.
– Chức năng giải thích của tôn giáo.
– Xoa dịu lo lắng.
– Đem lại sự thoải mái.
– Tổ chức và sự tuân thủ.
– Quy chuẩn hành vi đối với người lạ.
– Biện minh cho chiến tranh.
– Phù hiệu cam kết.
– Các biện pháp đo lường sự thành công của tôn giáo
– Thay đổi trong chức năng của tôn giáo
Câu hỏi về tôn giáo
“Ban đầu, mọi người đều sống xung quanh một cây gỗ lim lớn trong rừng, nói cùng một thứ tiếng. Một người đàn ông có cặp tinh hoàn bị sưng vù do nhiễm một con sâu ký sinh đã phải leo lên một nhánh cây để cặp tinh hoàn nặng nề của ông có thể nằm “thoải mái” trên mặt đất. Tò mò, động vật trong rừng đến ngửi cặp tinh hoàn của ông. Thợ săn từ đó nhận ra rằng động vật rất dễ săn bắn, từ đó tất cả mọi người đều có thật nhiều thức ăn và sống vui vẻ.
Rồi một ngày, một người đàn ông xấu giết chết chồng của một người phụ nữ xinh đẹp, để cướp người phụ nữ đó. Người thân của người chồng quá cố tấn công kẻ giết người, nhưng hắn lại được những người thân của mình bảo vệ, cho đến khi kẻ giết người và thân nhân của hắn leo lên cây gỗ lim để trốn. Những kẻ tấn công đu lên một sợi dây leo ở một bên của thân cây, kéo ngọn cây xuống mặt đất và bắt kẻ thù của họ.
Cuối cùng, sợi dây leo bị đứt, khiến thân cây bung ngược trở lại với một lực mạnh khủng khiếp. Kẻ giết người và người thân của hắn bị văng tứ phía khỏi thân cây. Họ rơi xuống ở rất xa, ở nhiều nơi khác nhau và không bao giờ tìm thấy nhau nữa. Thời gian trôi qua, ngôn ngữ của họ ngày càng trở nên khác nhau. Đó là lý do con người ngày nay nói nhiều thứ tiếng và không thể hiểu được nhau nữa và đó cũng là lý do những người thợ săn rất vất vả khi kiếm ăn bằng cách săn bắt động vật.”
Câu chuyện này được lưu truyền trong một bộ lạc ở miền bắc New Guinea. Nó minh họa cho một chuỗi các huyền thoại truyền bá rộng rãi được gọi là huyền thoại khởi đầu, tương tự như những câu chuyện quen thuộc với chúng ta như Vườn Địa Đàng và Tháp Ba-ben trong Sách Kinh Sáng Thế. Mặc dù có những điểm tương đồng với Do Thái-Kitô giáo, nhưng xã hội New Guinea truyền thống và các xã hội quy mô nhỏ khác, đều không có nhà thờ, linh mục và sách kinh. Tại sao hệ thống tín ngưỡng của các bộ lạc này có những huyền thoại khởi đầu gần giống như các tôn giáo Do Thái-Kitô, nhưng lại quá khác biệt ở những khía cạnh khác?
Hầu hết các xã hội loài người đều đã có “tôn giáo”, hay một hình thức tương tự. Điều này cho thấy rằng tôn giáo đáp ứng một số nhu cầu chung của con người, hoặc ít nhất cũng xuất phát từ một số điểm chung của bản chất con người trong chúng ta. Nếu vậy, nhu cầu đó là gì, hay những điểm chung của bản chất con người là gì? Và định nghĩa thực sự của “tôn giáo” là gì? Các học giả đã tranh luận vấn đề này và những câu hỏi có liên quan trong nhiều thế kỷ. Để hệ thống tín ngưỡng tạo thành một tôn giáo, nó có cần phải bao gồm niềm tin vào Thượng Đế hay các thánh thần hoặc một số các thế lực siêu nhiên hay không và nó có nhất thiết phải bao gồm điều gì khác không? Tôn giáo đã xuất hiện từ khi nào trong lịch sử tiến hóa của con người? Tổ tiên loài người tách ra từ tổ tiên vượn từ khoảng 6 triệu năm trước. Dù là tôn giáo nào đi nữa, chúng ta có thể đồng ý rằng loài vượn không hề có, nhưng liệu tôn giáo có tồn tại giữa các tổ tiên Cro-Magnon và họ hàng người Neanderthal của chúng ta từ 40.000 năm trước? Sự phát triển của các tôn giáo có trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau không, như việc Kitô giáo và Phật giáo đại diện cho một giai đoạn cận đại hơn hệ thống tín ngưỡng của các bộ lạc? Chúng ta thường có xu hướng liên kết tôn giáo với sự cao quý của nhân loại, mà không phải là mặt xấu của loài người: vậy tại sao tôn giáo lại có khi rao giảng về việc giết người và tự tử?
Những câu hỏi về tôn giáo này đặc biệt thú vị trong bối cảnh của cuốn sách này khi nó được dành để khám phá toàn bộ các mặt của xã hội loài người, từ quy mô nhỏ hoặc cổ xưa đến đông đúc hay hiện đại. Tôn giáo là một lĩnh vực mà các thể chế truyền thống vẫn còn phát triển mạnh trong xã hội hiện đại: các tôn giáo lớn của thế giới ngày nay phát sinh cách đây từ 1.400 đến hơn 3.000 năm trước, trong các xã hội nhỏ hơn và truyền thống hơn nhiều những xã hội vẫn đang ủng hộ các tôn giáo ấy cho đến ngày hôm nay. Nhưng dù sao tôn giáo vẫn thay đổi theo quy mô của xã hội và sự khác nhau này cần được giải thích. Ngoài ra, hầu hết các độc giả của cuốn sách này và trong đó có cả tôi, đều tự hỏi về những quan điểm tín ngưỡng cá nhân của bản thân (hoặc sự thiếu tín ngưỡng) nhiều lần trong cuộc sống. Mỗi khi như thế, sự hiểu biết về những điểm khác nhau về ý nghĩa của tôn giáo đối với những người khác nhau có thể giúp chúng ta tìm ra câu trả lời phù hợp nhất với mỗi cá nhân.
Đối với cá nhân và cả xã hội, tôn giáo thường đòi hỏi sự đầu tư rất lớn cả về thời gian lẫn nguồn lực. Ví dụ, tín đồ đạo Mormon phải đóng góp 10% thu nhập của họ cho nhà thờ. Người ta ước tính những người thổ dân da đỏ Hopi truyền thống trung bình cứ ba ngày sẽ dành một ngày để thực hiện các nghi lễ tôn giáo và 1/4 dân số của xã hội Tây Tạng truyền thống là các nhà sư. Nguồn lực của xã hội Thiên Chúa giáo thời Trung cổ ở châu âu dành cho việc xây dựng, điều hành các nhà thờ và thánh đường, hỗ trợ vô số các hệ thống tu viện và ni viện, thực hiện các cuộc thập tự chinh ắt hẳn phải vô cùng lớn. Mượn một cụm từ kinh tế, tôn giáo vì vậy dẫn đến các “chi phí cơ hội”: các khoản đầu tư về thời gian và nguồn lực cho tôn giáo thay vì vậy đã có thể được dành cho các hoạt động sinh lợi nhuận rõ ràng hơn, như trồng trọt, xây đập hay nuôi những đội quân chinh phục lớn hơn. Nếu tôn giáo không mang lại một lợi ích thực sự lớn nào để bù đắp cho các chi phí cơ hội này thì bất kỳ xã hội vô thần nào có cơ hội nảy sinh cũng sẽ có khả năng vượt trội hơn các xã hội có tôn giáo và thống trị thế giới. Vậy tại sao thế giới vẫn không trở nên vô thần và những lợi ích rõ ràng mà tôn giáo mang lại là gì? Các “chức năng” của tôn giáo là gì?
Đối với một người sùng tín, việc đặt câu hỏi về chức năng của tôn giáo có vẻ như vô lý hoặc thậm chí gây khó chịu. Một tín hữu có thể trả lời rằng tôn giáo phổ quát trong xã hội loài người chỉ đơn giản vì Chúa có thật và việc tôn giáo có mặt khắp nơi không đòi hỏi việc xác lập chức năng và lợi ích của nó, cũng giống như sự hiện diện của một hòn đá. Nếu là một tín đồ như vậy, tôi muốn bạn thử tưởng tượng rằng, dù chỉ trong một khoảnh khắc, có một sinh vật tiên tiến đến từ thiên hà Andromeda, đã đi quanh vũ trụ với tốc độ vượt xa tốc độ ánh sáng (dù con người chúng ta xem việc này là bất khả), đến thăm hàng nghìn tỷ các vũ trụ gồm các ngôi sao và hành tinh, để nghiên cứu sự đa dạng của sự sống trong vũ trụ, với sự trao đổi chất được hỗ trợ bởi ánh sáng, hay các hình thức khác của bức xạ điện từ, hay nhiệt độ, gió, phản ứng hạt nhân và các phản ứng hóa học vô cơ hay hữu cơ. Rồi sinh vật Andromeda của chúng ta đến thăm Trái đất, nơi mà sự sống tiến hóa chỉ nhờ vào năng lượng ánh sáng và phản ứng hóa học vô cơ và hữu cơ. Trong một thời gian ngắn giữa năm 11.000 TCN và ngày 11/9/2051 SCN, Trái đất được thống trị bởi một loài sinh vật tự gọi là con người và mang theo một số quan niệm gây tò mò. Một trong số những quan niệm đó là: có một đấng toàn năng, được gọi là Thiên Chúa, quan tâm đặc biệt đến con người so với hàng triệu nghìn tỷ các loài khác trong vũ trụ. Đây cũng là đấng sáng tạo ra vũ trụ và có hình dạng như con người ngoại trừ việc toàn năng hơn. Dĩ nhiên, sinh vật Andromeda sẽ nhìn nhận những tín ngưỡng này là các ảo tưởng đáng được nghiên cứu hơn là một điều đáng tin, bởi Andromeda và nhiều sinh vật khác biết thật sự vũ trụ đã được tạo ra như thế nào. Thật lố bịch khi tưởng tượng rằng có bất kỳ đấng toàn năng nào sẽ đặc biệt quan tâm tới hay có hình dạng giống loài người, một giống loài kém thú vị và kém phát triển hơn so với hàng tỷ các dạng sự sống khác ở những nơi khác trong vũ trụ. Sinh vật Andromeda cũng quan sát thấy rằng có hàng ngàn các tôn giáo khác nhau của con người, hầu hết các tín đồ của mỗi tôn giáo sẽ cho rằng tôn giáo của mình là đúng và các tôn giáo khác là sai lầm và chính điều này khiến sinh vật Andromeda cho rằng tất cả đều là sai lầm.
Tín ngưỡng về thần thánh rất phổ biến trong xã hội loài người. Sinh vật Andromeda hiểu được các nguyên tắc xã hội học tổng quát giúp giải thích sự tồn tại của tôn giáo trong xã hội loài người bất chấp sự đòi hỏi quá lớn về thời gian và nhân lực của tôn giáo đối với cá nhân và xã hội, thậm chí cả sự thúc đẩy do tôn giáo dẫn đến các hành vi gây đau đớn hoặc tự tử. Rõ ràng, sinh vật Andromeda lý luận rằng tôn giáo phải mang lại một số lợi ích đáng kể; nếu không, xã hội vô thần không bị ảnh hưởng bởi những gánh nặng về thời gian và nguồn lực lẫn xu hướng tự tử chắc hẳn sẽ thay thế xã hội tôn giáo. Do đó, nếu các bạn, những độc giả của tôi, cảm thấy bị xúc phạm khi bị hỏi về chức năng của tôn giáo của bạn, hãy sẵn lòng dành một chút thời gian để lùi lại và đặt câu hỏi về chức năng của các tôn giáo của bộ lạc New Guinea, hoặc để đặt mình vào vị trí của vị khách Andromeda nọ khi tìm hiểu về tôn giáo của con người nói chung.
Định nghĩa về tôn giáo
Hãy bắt đầu bằng cách định nghĩa tôn giáo, để ít nhất chúng ta có thể đồng ý về những hiện tượng sẽ được thảo luận. Những đặc tính nào xuất hiện ở mọi tôn giáo, từ Kitô giáo đến các tôn giáo đa thần cổ điển của Hy Lạp và La Mã và có cần thiết và đầy đủ để phân định một hiện tượng là một tôn giáo thay vì những hiện tượng có liên quan khác (chẳng hạn như ma thuật, lòng yêu nước hay một triết lý sống)?
Bảng 9.1. Một số định nghĩa được đưa ra về tôn giáo
1. “Sự công nhận của con người về một quyền lực kiểm soát siêu nhiên và đặc biệt là của Đấng tạo hóa được mỗi cá nhân tuân phục.” (Từ điển Oxford rút gọn)
2. “Bất kỳ hệ thống cụ thể nào của niềm tin và sự thờ phụng, thường có liên quan đến quy tắc đạo đức và triết học.” (Từ điển Webster’s New World)
3. “Một hệ thống liên kết trong xã hội dựa trên sự giống nhau về niềm tin hoặc thái độ đối với một sự vật, con người, vật thể không nhìn thấy được, hoặc một hệ thống tư tưởng được coi là siêu nhiên, thiêng liêng, thần thánh hay là chân lý tuyệt đối, những quy chuẩn đạo đức, các giá trị, các tổ chức, truyền thống và nghi lễ có liên quan tới niềm tin hoặc hệ thống tư tưởng đó.” (Wikipedia)
4. “Tôn giáo, theo nghĩa rộng và khái quát nhất có thể gồm niềm tin vào một trật tự siêu nhiên và điều đẹp đẽ tối cao nằm trong việc điều chỉnh bản thân chúng ta một cách hài hòa theo đó.” (William James)
5. “Những hệ thống xã hội mà người tham gia đặt niềm tin vào một đấng siêu nhiên hoặc trông chờ vào sự chấp thuận từ đó.” (Daniel Dennett)
6. “Sự cứu rỗi hay giải thoát của một quyền lực siêu nhiên được cho là kiểm soát thiên nhiên và con người.” (Sir James Frazer)
7. “Một tập hợp các hình thức và hành vi có tính biểu tượng liên kết con người với trạng thái tột cùng của sự tồn tại của họ.” (Robert Bellah)
8. “Một hệ thống niềm tin và tập tục hướng về – mối quan tâm tột cùng‘ của một xã hội.” (William Lessa và Evon Vogt)
9. “Niềm tin vào những đấng siêu nhiên và quyền lực của họ để hỗ trợ hoặc làm tổn hại con người, phổ biến trên toàn cầu, và niềm tin này – tôi xin nhấn mạnh – là biến số cốt lõi cần được nhắc đến trong bất kỳ định nghĩa nào về tôn giáo… Tôi xin định nghĩa – tôn giáo‘ là ‘một tổ chức hội bao gồm sự tương tác theo khuôn mẫu văn hóa với sự mặc nhiên công nhận của văn hóa về những đấng siêu nhiên’”.(Melford Spiro)
10. “Yếu tố chung của tôn giáo giữa các nền văn hóa là niềm tin rằng điều tốt đẹp nhất được xác định bởi một trật tự vô hình kết hợp với một loạt các biểu tượng giúp cá nhân và tập thể thiết lập cuộc sống của họ hài hòa với trật tự này và một cam kết về mặt cảm xúc nhằm đạt được sự hài hòa đó.” (William Irons)
11. “Tôn giáo là một hệ thống hợp nhất giữa niềm tin và tập tục có liên quan đến những điều thiêng liêng, cụ thể là những thứ được dành riêng, cấm kỵ và tập tục được hợp nhất thành một cộng đồng đạo giáo duy nhất được gọi là Giáo hội, gồm tất cả những người tuân thủ nó.” (émile Durkheim)
12. “Một cách đơn giản, tôn giáo là (1) sự cam kết tốn kém và khó giả vờ của cộng đồng (2) vào một thế giới giả thuyết và khác thường về các đấng siêu nhiên (3), những người có quyền quyết định sự tồn tại của con người, chẳng hạn như cái chết và sự lừa dối.” (Scott Atran)
13. “Một tôn giáo là: (1) một hệ thống các biểu tượng có tác dụng (2) thiết lập các cảm xúc và động lực mạnh mẽ, rộng rãi và kéo dài của con người bằng cách (3) xây dựng những khái niệm về một trật tự tổng quát của sự tồn tại và (4) khoác lên các quan niệm này hào quang của sự xác thực (5) làm cho những cảm xúc và động lực đó có vẻ đặc biệt thực tế.” (Clifford Geertz)
14. “Tôn giáo là một tổ chức xã hội phát triển như một cơ chế không thể tách rời của nền văn hóa nhân loại để tạo ra và thúc đẩy huyền thoại, để khuyến khích lòng vị tha và lòng vị tha đối ứng, khơi dậy sự cam kết hợp tác và đáp lại giữa các thành viên của cộng đồng.” (Michael Shermer)
15. “Chúng ta sẽ định nghĩa tôn giáo như một tập hợp các niềm tin, tập tục và các tổ chức của con người đã phát triển qua nhiều xã hội khác nhau, như chúng có thể hiểu được, là những phản ứng lại các khía cạnh của cuộc sống và tình huống được cho là không có tính thực nghiệm cụ thể để có thể thấu hiểu và/hoặc kiểm soát một cách hợp lý, đồng thời được gắn kèm những ý nghĩa bao gồm cả những căn cứ dẫn đến các hành động và sự kiện liên quan đến quan niệm của con người về sự tồn tại của một trật tự “siêu nhiên” được con người cảm nhận và tiếp thu, tác động trực tiếp đến sự xác nhận vị trí của con người trong vũ trụ và các giá trị đem lại ý nghĩa cho số phận của con người như một cá thể và cho các mối quan hệ của con người với những người xung quanh.” (Talcott Parsons)
16. “Tôn giáo là tiếng thở dài của một sinh vật bị áp bức, là trái tim của một thế giới tàn nhẫn và là tâm hồn của nơi không có linh hồn. Nó là thuốc phiện của con người.” (Karl Marx)
Bảng 9.1 liệt kê 16 định nghĩa khác nhau được đề xuất bởi các học giả về tôn giáo. Định nghĩa số 11 và 13, của émile Durkheim và Clifford Geertz, được trích dẫn thường xuyên nhất bởi các học giả khác. Rõ ràng, chúng ta thậm chí còn không thống nhất được về định nghĩa. Nhiều định nghĩa còn được viết bằng một phong cách phức tạp tương tự như ngôn ngữ của luật sư khi soạn thảo hợp đồng, điều đó cảnh báo rằng chúng ta đang đặt chân vào một cuộc tranh luận nảy lửa.
Nếu thoái lui, chúng ta có thể né tránh vấn đề về việc định nghĩa tôn giáo giống như chúng ta thường né tránh việc định nghĩa sự khiêu dâm, bằng cách nói, “Tôi không thể định nghĩa sự khiêu dâm, nhưng tôi sẽ biết khi tôi nhìn thấy nó?” Thật không may, sự né tránh này là vô ích, các học giả còn không đồng ý về việc công nhận một số phong trào phổ biến và được nhiều người biết đến là tôn giáo hay không. Ví dụ, cuộc tranh luận giữa các học giả tôn giáo về việc có coi Phật giáo, Nho giáo và Thần đạo là tôn giáo hay không đã kéo dài rất lâu; xu hướng hiện nay công nhận Phật giáo nhưng không công nhận Nho giáo, mặc dù Nho giáo vẫn được xem là một tôn giáo trong một hoặc hai thập kỷ trước; thay vào đó, Nho giáo ngày nay thường được xem là một lối sống hay một triết lý thế tục.
Những khó khăn trong việc định nghĩa tôn giáo là một bài học. Chúng cảnh báo chúng ta rằng những hiện tượng mà chúng ta gộp chung là tôn giáo bao hàm nhiều thành phần khác nhau, có thể mạnh, yếu khác nhau, hay hầu như vắng mặt trong các tôn giáo khác nhau, các xã hội khác nhau và các giai đoạn khác nhau của sự tiến hóa của tôn giáo. Tôn giáo, không tách biệt rõ khỏi các hiện tượng khác, cũng mang nhiều, nhưng không phải tất cả, các thuộc tính vốn gắn liền với nó. Đó là lý do tại sao lại xảy ra bất đồng về việc xác định liệu Phật giáo, một trong bốn tôn giáo lớn nhất thế giới, có thực sự là một tôn giáo không hay chỉ một triết lý về cuộc sống. Các thuộc tính căn bản của tôn giáo chia thành 5 nhóm: niềm tin vào đấng siêu nhiên, sự chia sẻ tập thể trong một phong trào xã hội, sự cam kết tốn kém và dễ nhận thấy, các quy tắc thực hiện hành vi (hay là “quy tắc đạo đức”), niềm tin rằng đấng siêu nhiên cùng các thế lực tối cao có thể được tác động (ví dụ, bằng cách cầu nguyện) để can thiệp vào cuộc sống trần tục. Tuy nhiên, chúng ta sẽ thấy việc định nghĩa tôn giáo bằng cả 5 thuộc tính là không hợp lý, cũng như không thể xác định ‘không phải là tôn giáo’ vì thiếu một hoặc một vài thuộc tính này, vì như vậy, chúng ta sẽ loại trừ một số nhánh của các phong trào được công nhận rộng rãi là tôn giáo.
Thuộc tính đầu tiên trong 5 thuộc tính là nền tảng căn bản để định nghĩa tôn giáo mà tôi đã khẳng định với các sinh viên của mình khi còn giảng dạy về địa lý văn hóa ở Đại học California. Tôi nêu ra, “Tôn giáo là niềm tin vào một đấng siêu nhiên giả định hoặc người mà sự tồn tại của họ không thể chứng minh được bằng các giác quan của chúng ta, nhưng lại được viện dẫn để giải thích những điều mà chúng ta có thể xác nhận bằng các giác quan.” Định nghĩa này có hai ưu điểm: niềm tin vào đấng siêu nhiên thực sự là một trong những đặc điểm phổ biến nhất của tôn giáo; và lời giải thích, như chúng ta sẽ thảo luận sau đây, là một trong những nguồn gốc sơ khai và chức năng ban đầu của các tôn giáo. Hầu hết các tôn giáo giả định sự tồn tại của các vị thần, linh hồn và các thế lực khác mà chúng ta gọi là “siêu nhiên” bởi họ hoặc cơ sở minh chứng cho họ không thể được cảm nhận trực tiếp trong thế giới tự nhiên (Trong suốt chương này, tôi sẽ sử dụng nhiều lần từ “siêu nhiên” với nghĩa trung lập, không có bất kỳ ý nghĩa miệt thị nào mà đôi khi được gắn với từ này). Nhiều tôn giáo đi xa hơn và giả định sự tồn tại của cả một thế giới siêu nhiên song song – thường gặp là thiên đường, địa ngục hoặc một thế giới bên kia mà chính chúng ta sẽ đi đến sau cái chết trong thế giới tự nhiên này. Một số tín đồ hoàn toàn tin tưởng vào sự tồn tại của các thế lực siêu nhiên này và khẳng định họ đã nhìn thấy, nghe thấy, hoặc cảm thấy các linh hồn hay bóng ma.
Nhưng tôi sớm nhận ra rằng định nghĩa của tôi là không đầy đủ, vì những lý do đáng được rút kinh nghiệm. Niềm tin vào các đấng siêu nhiên sẽ xác định không chỉ tôn giáo mà còn cả những hiện tượng mà không ai có thể xem là tôn giáo, chẳng hạn như niềm tin vào tiên, ma, yêu tinh, người ngoài hành tinh và UFO. Tại sao niềm tin vào các vị thần được xem là tôn giáo, nhưng tin vào chuyện cổ tích thì không? (Gợi ý: những người tin vào cổ tích không gặp nhau vào một ngày cố định mỗi tuần để thực hiện các nghi lễ nhất định, không tự nhận mình là một cộng đồng các tín đồ tin vào cổ tích và tách biệt khỏi những người không tin, cũng như họ không sẵn sàng chết để bảo vệ niềm tin của mình vào cổ tích.) Ngược lại, một số phong trào mà mọi người xem là tôn giáo không đòi hỏi niềm tin vào các đấng siêu nhiên. Nhiều người Do Thái (bao gồm cả các giáo sĩ Do Thái), người Unitarian (người theo thuyết nhất thể), người Nhật và một số nhóm người theo thuyết bất khả tri hay là người vô thần nhưng vẫn tự coi mình và được người khác xem là thuộc về một tôn giáo. Đức Phật không liên kết mình với bất kỳ một vị thần nào và tuyên bố rằng ông “chỉ đơn thuần” giảng dạy về con đường giác ngộ mà ông đã tìm thấy.
Một thất bại lớn trong định nghĩa của tôi là đã bỏ qua thuộc tính thứ hai của tôn giáo: nó còn là một phong trào xã hội của những người tự nhận mình có chung một niềm tin sâu sắc. Một người tin vào Thượng đế và một danh sách dài các học thuyết chủ nghĩa khác mà anh ta tự sáng tạo ra, dù anh ta dành mỗi ngày Sa-bát ngồi trong phòng một mình, cầu nguyện và đọc một cuốn sách do anh ta tự viết nhưng không cho ai khác xem, thì vẫn không hội đủ điều kiện của một người thực hành tôn giáo. Một ví dụ trong thực tế gần giống với một người như vậy là các ẩn sĩ sống cô lập và cống hiến bản thân cho việc cầu nguyện. Nhưng các ẩn sĩ đó xuất phát từ một cộng đồng tín đồ đã đem đến niềm tin cho họ, những người có thể vẫn tiếp tục hỗ trợ và đến thăm các ẩn sĩ. Tôi chưa từng biết đến một ẩn sĩ nào tự dựng nên tôn giáo của riêng họ từ con số không, đi vào sa mạc để sống một mình, và từ chối thức ăn được những người viếng thăm dâng lên. Nếu ai đó có thể chỉ cho tôi một ẩn sĩ như vậy, tôi sẽ xem ông là một ẩn sĩ không theo tôn giáo nào hoặc như một kẻ yếm thế, trong khi người khác có thể coi ông là một ẩn sĩ theo tôn giáo điển hình, ngoại trừ việc thất bại hoàn toàn trước thử thách mang tính xã hội.
Thuộc tính thứ ba của nhiều tôn giáo là các tín đồ sẵn sàng cống hiến một cách rất tốn kém hoặc hy sinh đau đớn để thuyết phục người khác về sự tận tụy của họ đối với tôn giáo. Có thể là cống hiến về thời gian: ví dụ, tạm ngừng các hoạt động khác để hướng về phía thánh địa Mecca và cầu nguyện 5 lần mỗi ngày, hoặc mỗi Chủ nhật phải đến nhà thờ, hoặc bỏ nhiều năm để ghi nhớ một nghi lễ phức tạp, lời cầu nguyện và các bài hát (có thể cần phải học thêm một ngôn ngữ khác), hoặc dành hai năm để hoạt động truyền giáo khi đến tuổi trưởng thành (yêu cầu đối với người Mormon), hoặc tham gia một cuộc thập tự chinh hay một cuộc hành hương hoặc phải tự bỏ tiền đi thăm Thánh địa. Sự cống hiến cũng có thể dưới dạng tiền hoặc tài sản hiến tặng cho nhà thờ. Tín đồ có thể hiến tặng một vật nuôi có giá trị: tín đồ phải hy sinh con cừu của chính mình cho Chúa, chứ không thể hy sinh một con vật hoang dã bắt được mà không phải tốn công sức hay tiền của. Hoặc có thể hy sinh sự thoải mái của bản thân hoặc sự toàn vẹn của chính cơ thể mình, như bằng cách nhịn ăn, cắt bỏ một đốt ngón tay, cắt mũi hoặc lưỡi, cuống họng hay một phần cơ thể khác. Mọi hy sinh có tính thể hiện trước công chúng hay sự đau đớn là nhằm thuyết phục các tín đồ khác về sự nghiêm túc tận tụy của một người đối với tôn giáo của họ và thậm chí sẵn sàng hy sinh mạng sống của họ nếu cần. Chỉ cần hét lên, “Tôi là một người theo Kitô giáo!”, tôi có thể đã nói dối vì lợi ích cá nhân (như một số tù nhân thường làm với hy vọng được ân xá), hoặc để cứu chính mình. Trong khi thuộc tính thứ hai và thứ ba (là một phong trào xã hội và sự hy sinh tốn kém) có vẻ là điều kiện cần để một phong trào được gọi là tôn giáo, nhưng chúng không phải là điều kiện đủ. Vẫn có các phong trào xã hội phi tôn giáo khác cũng đòi hỏi sự chia sẻ sâu sắc, một niềm tin trong tổ chức và đòi hỏi sự hy sinh tốn kém từ những người tham gia, chẳng hạn như phong trào yêu nước.
Thuộc tính kế cuối của tôn giáo là niềm tin vào các vị thần và các đấng siêu nhiên khác được mặc nhiên công nhận dẫn đến những kết quả thực tế ảnh hưởng tới cách hành xử của con người. Những quy tắc ứng xử này có thể mang nhiều hình thức khác nhau như pháp luật, chuẩn mực đạo đức, những điều cấm kỵ, hoặc nghĩa vụ, tùy vào loại xã hội. Trong khi hầu như mọi tôn giáo đều có những quy tắc về hành vi, các quy định về hành vi này không chỉ xuất phát từ tôn giáo: các chính quyền nhà nước, các nhóm phi tôn giáo và những người vô thần hay người theo thuyết bất khả tri cũng có những quy định riêng của họ.
Cuối cùng, nhiều tôn giáo truyền dạy rằng các đấng siêu nhiên không chỉ tưởng thưởng những người tuân theo các quy tắc đạo đức và trừng phạt những kẻ ác cũng như những kẻ phá luật, mà còn có thể tác động bằng những lời cầu nguyện, đóng góp, hy sinh để can thiệp theo ý nguyện của những người thành tâm.
Vì vậy, tôn giáo bao gồm tập hợp của cả 5 thuộc tính, mà mức độ của mỗi thuộc tính có thể khác nhau giữa các tôn giáo khác nhau trên thế giới (bao gồm cả các tôn giáo truyền thống). Chúng ta có thể sử dụng tập hợp này để hiểu được sự khác biệt giữa các tôn giáo và một số hiện tượng có liên quan bao hàm một số nhưng không phải tất cả các thuộc tính của tôn giáo. Lòng yêu nước và lòng tự hào dân tộc cũng giống như tôn giáo là một dạng phong trào xã hội phân biệt các tín đồ với những người còn lại, đòi hỏi sự hy sinh (thậm chí cả tính mạng) như một cách thể hiện sự tận tụy của một người, cũng tổ chức các nghi lễ như Ngày Quốc khánh, Ngày Lễ Tạ ơn và Ngày Tưởng niệm (đối với người Mỹ). Nhưng không giống với tôn giáo, lòng yêu nước và tự hào dân tộc không tuyên truyền niềm tin về các đấng siêu nhiên. Người hâm mộ thể thao, cũng như các tín đồ tôn giáo, cũng thành lập các nhóm xã hội (ví dụ, câu lạc bộ người hâm mộ Boston Red Sox) tách biệt với các nhóm khác (ví dụ, câu lạc bộ người hâm mộ Yankee New York) nhưng không tin vào thế lực siêu nhiên, không đòi hỏi sự hy sinh lớn lao để làm bằng chứng và cũng không quy định hành vi đạo đức. Chủ nghĩa Mác, chủ nghĩa xã hội và các phong trào chính trị khác cũng thu hút các nhóm thành viên tận tâm (như tôn giáo), cũng thúc đẩy tín đồ chết cho lý tưởng của họ và có thể có những điều luật đạo đức rõ ràng, nhưng không dựa vào các thế lực siêu nhiên. Ma thuật, phù thủy, mê tín dị đoan, phép định thủy (niềm tin có thể xác định mạch nước ngầm bằng một quẻ bói) có liên quan đến niềm tin vào các thế lực siêu nhiên và cũng ảnh hưởng tới hành vi hằng ngày. Tuy nhiên, ma thuật, mê tín dị đoan và các hiện tượng có liên quan không có chức năng xác định những nhóm xã hội gồm các tín đồ thành viên cùng chung cam kết: không có nhóm tín đồ nào cùng tin vào sự nguy hiểm của mèo đen gặp nhau Chủ nhật hằng tuần để xác nhận sự tách biệt của họ khỏi những người không tin. Và lằn ranh phân định còn rất mập mờ đối với các phong trào như Phật giáo, Nho giáo và Thần đạo, khi khó xác định chắc chắn chúng có phải là tôn giáo hay chỉ là những thuyết khác về cuộc sống.
Chức năng và cá chình điện
Tôn giáo rất phổ biến ở loài người, nhưng không có hiện tượng nào gần giống như vậy được mô tả ở động vật. Tuy nhiên, chúng ta có thể tìm hiểu về nó, nguồn gốc của tôn giáo, cũng như cách chúng ta tìm hiểu về nguồn gốc của những đặc điểm độc đáo khác của loài người như nghệ thuật và ngôn ngữ nói. 6 triệu năm trước, tổ tiên của chúng ta là loài vượn chắc chắn không có tôn giáo; nhưng đến khi xuất hiện các tài liệu bằng văn bản đầu tiên khoảng 5.000 năm trước thì tôn giáo đã có mặt. Chuyện gì đã xảy ra trong 5.995.000 năm đó? Tiền đề của tôn giáo xuất hiện ở động vật và tổ tiên của con người là gì, khi nào và tại sao nó lại xuất hiện? Một phương pháp được gọi là phương pháp tiếp cận theo chức năng đã được sử dụng rộng rãi bởi các học giả tôn giáo kể từ khi họ bắt đầu nghiên cứu các tôn giáo một cách khoa học gần 150 năm trước đây. Câu hỏi được đặt ra là: chức năng của tôn giáo là gì? Các học giả nhận ra rằng tôn giáo thường áp đặt các chi phí nặng nề lên cá nhân và xã hội, chẳng hạn như dẫn dắt nhiều người vào lối sống độc thân và từ bỏ việc có con, hay bỏ ra nhiều công sức và chi phí để xây dựng các kim tự tháp khổng lồ, cho đến việc giết các vật nuôi có giá trị và thậm chí là chính bản thân và con cái, bỏ ra nhiều thời gian lặp đi lặp lại những cụm từ giống nhau. Tôn giáo phải có chức năng rõ ràng và mang đến lợi ích bù đắp lại được những chi phí nặng nề này; nếu không, nó sẽ không thể xuất hiện và không thể được duy trì. Sự phát minh ra tôn giáo đã giải quyết được những vấn đề gì của con người? Tóm tắt ngắn gọn về cách tiếp cận theo chức năng có thể được diễn đạt như sau: tôn giáo được phát minh ra để thực hiện những chức năng nhất định, để giải quyết những vấn đề nhất định, chẳng hạn như duy trì trật tự xã hội, xoa dịu sự lo lắng của dân chúng và truyền giảng sự tuân phục chính trị.
Một cách tiếp cận khác, đang nổi lên gần đây dựa trên nền tảng tiến hóa tâm lý học, lại phản đối: tôn giáo chắc chắn không phát triển và không được phát minh ra một cách có ý thức vì bất kỳ mục đích cụ thể nào hoặc để giải quyết bất kỳ vấn đề cụ thể nào. Một người đứng đầu nào đó không thể nảy sinh một ý tưởng tuyệt vời trong một ngày đẹp trời rồi tạo ra tôn giáo từ con số 0 và tiên đoán rằng ông ta có thể dễ dàng sai khiến người dân của mình nếu thuyết phục được họ tin vào những lý tưởng tôn giáo để xây nên một kim tự tháp. Cũng như một người săn bắt – hái lượm không thể vì lo lắng về việc những người trong bộ tộc của anh ta trở nên quá đau lòng vì cái chết của một người khác trong cuộc đi săn gần đây, đã dựng nên câu chuyện về thế giới bên kia để an ủi họ và cho họ một niềm hy vọng mới. Tôn giáo thay vì vậy có thể đã xuất hiện như một sản phẩm phụ của một số khả năng nào khác của tổ tiên chúng ta và của chính những động vật tổ tiên của họ, những khả năng này đã đưa đến những hậu quả khó lường và dần dẫn đến các chức năng mới khi chúng phát triển.
Với một nhà sinh học tiến hóa như tôi thì không có mâu thuẫn nào giữa hai cách tiếp cận khác nhau này về nguồn gốc của tôn giáo, mà thực chất chúng định hướng ra hai giai đoạn. Sự tiến hóa sinh học tương tự cũng tiến hóa theo hai giai đoạn. Đầu tiên, sự khác nhau giữa các cá nhân được tạo ra bởi đột biến và sự kết hợp của các gen. Thứ hai, chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính dẫn đến sự khác biệt giữa các cá thể trong việc sinh tồn, sinh sản và truyền tiếp gen đến thế hệ sau. Với điều kiện một trong số những biến thể này có khả năng thực hiện các chức năng và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống tốt hơn so với các biến thể khác. Những vấn đề về chức năng (ví dụ như sống sót trong khí hậu lạnh) không được giải quyết bằng việc con vật nhận ra nó cần có lông dày hơn, cũng không phải bằng việc khí hậu lạnh kích thích đột biến tạo nên bộ lông dày hơn. Mà thay vào đó, một cơ chế khác (trong trường hợp của tiến hóa sinh học là cơ chế di truyền phân tử) đã dẫn đến một kết quả nào đó (trong trường hợp này là con vật với bộ lông dày hơn hoặc mỏng hơn), và điều kiện sống hoặc các vấn đề môi trường (trong trường hợp này là nhiệt độ lạnh) sẽ ưu đãi một số có chức năng vượt trội trong những dạng biến thể này của động vật. Do đó, đột biến gen và sự kết hợp gen cung cấp nguyên liệu cho sự đa dạng sinh học, trong khi đó chọn lọc tự nhiên và chọn lọc giới tính sẽ sàng lọc lại những nguyên liệu gốc này bằng cách đặt điều kiện về chức năng.
Tương tự như vậy, các nhà tâm lý học tiến hóa khẳng định rằng tôn giáo là một sản phẩm phụ từ các tính năng của bộ não con người sinh ra vì những lý do khác mà không phải để dựng kim tự tháp hay an ủi người thân. Đối với một nhà sinh học tiến hóa, cách lý giải này là chính đáng và không hề gây ngạc nhiên. Lịch sử tiến hóa đầy ắp các sản phẩm phụ và những đột biến ban đầu được lựa chọn cho một chức năng nhưng sau đó tiếp tục phát triển và được lựa chọn để thực hiện một chức năng hoàn toàn khác. Ví dụ, các nhà tiến hóa hoài nghi về quá trình tiến hóa của những con cá chình điện có thể giết chết con mồi với một dòng điện 600V, họ lập luận rằng một con cá chình có thể phóng dòng điện 600V không bao giờ có thể tiến hóa trực tiếp từ một con cá chình bình thường 0V thông qua chọn lọc tự nhiên, bởi giai đoạn trung gian bắt buộc của những con cá chình có điện áp thấp sẽ không thể giật chết bất kỳ con mồi nào. Trong thực tế, những con cá chình 600V phát triển thông qua những thay đổi về chức năng, như một sản phẩm phụ của khả năng phát hiện điện trường và phát điện ở những con cá bình thường.
Nhiều loài cá có các cơ quan thụ cảm trên da nhạy cảm với điện trường trong môi trường xung quanh. Các điện trường này có thể có nguồn gốc vật lý (ví dụ, từ các dòng hải lưu hoặc từ sự pha trộn của các vùng nước có độ mặn khác nhau), hoặc nguồn gốc sinh học (từ sự kích thích điện từ của các hoạt động co cơ ở động vật). Những loài cá có các thụ quan nhạy cảm với điện trường có thể sử dụng chúng cho hai mục đích: để phát hiện con mồi và để định hướng trong môi trường, đặc biệt là trong đầm lầy hoặc trong điều kiện đêm tối khi thị giác ít có khả năng được sử dụng. Con mồi sẽ bị phát hiện bởi cơ quan dò điện trường của động vật vì nó có độ dẫn điện cao hơn nhiều so với nước. Khả năng dò điện trường này được gọi là khả năng dò điện trường thụ động; nó không đòi hỏi bất kỳ cơ quan phát điện chuyên biệt nào.
Nhưng một số loài cá có khả năng tạo ra vùng điện trường thấp của chính nó cho phép chúng phát hiện ra con mồi không chỉ dựa trên điện trường của chính con mồi, mà còn bằng sự thay đổi của điện trường do chúng thiết lập. Các cơ quan phát điện chuyên biệt tiến hóa độc lập trong ít nhất là 6 loài cá. Hầu hết các cơ quan phát điện có nguồn gốc từ màng phát điện của tế bào cơ, nhưng có một loài cá phát triển các cơ quan phát điện này từ các tế bào thần kinh. Nhà động vật học Hans Lissmann đã đưa ra được bằng chứng thuyết phục đầu tiên cho hoạt động dò điện này, sau nhiều suy đoán không thuyết phục của những người khác. Lissmann tập cho những con cá điện, bằng cách thưởng thức ăn, phân biệt những vật thể dẫn điện với những vật thể không dẫn điện có bề ngoài giống hệt nhau, chẳng hạn như một cái đĩa kim loại dẫn điện và đĩa nhựa hay thủy tinh không dẫn điện giống hệt nhau. Khi còn làm việc trong một phòng thí nghiệm của Đại học Cambridge gần với tòa nhà Lissmann đang tiến hành nghiên cứu của mình, một người bạn của Lissmann đã kể cho tôi câu chuyện minh họa cho sự nhạy cảm của các cơ quan dò điện ở những con cá điện này. Lissmann nhận thấy những con cá điện ông nuôi trong phòng thí nghiệm bị kích thích vào một khoảng thời gian nhất định vào cuối buổi chiều của các ngày trong tuần. Cuối cùng, ông đã phát hiện ra rằng đó là vì một kỹ thuật viên nữ của ông thường chuẩn bị về nhà vào giờ đó và hay bước ra sau một màn hình để chải tóc, tạo nên một điện trường mà những con cá có thể dò được.
Những con cá có điện thế thấp sử dụng các cơ quan phát điện và cơ quan dò điện trên da của chúng để cải thiện hiệu quả của hai chức năng khác nhau cũng xuất hiện ở nhiều loài cá khác có cơ quan dò điện nhưng thiếu cơ quan phát điện: phát hiện con mồi và định hướng. Những con cá có điện thế thấp còn sử dụng xung điện của mình cho chức năng thứ ba, đó là giao tiếp với nhau. Tùy thuộc vào mô hình điện xung, thay đổi theo loài và các cá thể, những con cá này có thể trích xuất thông tin và do đó nhận ra loài, giới tính, kích thước và từng cá thể (lạ hay quen) đã tạo ra xung điện. Một con cá có điện thế thấp có thể truyền thông điệp xã hội đến những con cá khác cùng loài.
Những con cá có thể phát ra những xung điện vài vôn không chỉ phát hiện con mồi mà còn có thể sử dụng những xung điện này cho chức năng thứ tư: giết con mồi nhỏ hơn, như cá tuế. Những xung điện cao thế hơn có thể giết chết con mồi lớn hơn, cho đến lúc một con cá chình 600V dài khoảng hơn 2 mét có thể giật chết một con ngựa trong nước. Những con cá có điện thế cao còn có thể sử dụng những xung điện cao thế của chúng cho hai chức năng khác: tự vệ trước kẻ săn mồi bằng cách chích điện chúng; và săn mồi bằng điện, tức là thu hút con mồi đến cơ quan tích điện dương của chúng (cực dương), một kỹ thuật cũng được sử dụng bởi các ngư dân khi họ tạo ra điện trường bằng pin hoặc máy phát điện thay vì bằng chính cơ thể họ.
Bây giờ, chúng ta hãy trở lại với những học giả phản đối giả thuyết chọn lọc tự nhiên có thể sản sinh ra một con cá 600V từ một con cá bình thường 0V, dựa trên lập luận rằng mọi giai đoạn trung gian cần thiết của cơ quan phát ra điện thế thấp là hoàn toàn vô ích và sẽ không giúp cho cá thể đó tồn tại. Câu trả lời là chức năng giết chết con mồi với một xung điện 600V không phải là chức năng ban đầu của các cơ quan điện này, mà nó là một sản phẩm phụ phát sinh từ một cơ quan ban đầu được lựa chọn để thực hiện một chức năng khác. Chúng ta thấy rằng các cơ quan điện này đã tích lũy 6 chức năng liên tiếp khi quá trình chọn lọc tự nhiên lựa chọn đẩy mạnh khả năng xung điện của chúng từ 0V lên đến 600V. Một con cá 0V có thể dò điện một cách thụ động để phát hiện con mồi và định hướng; một con cá điện thế thấp có thể thực hiện hai chức năng này một cách hiệu quả hơn và còn có thể giao tiếp bằng xung điện; một con cá có điện thế cao có thể giật điện con mồi, tự vệ và săn mồi bằng điện. Chúng ta sẽ thấy rằng tôn giáo của con người cũng trải qua quá trình này nhưng sẽ đi qua 7 thay vì 6 chức năng.
Việc tìm kiếm lời giải thích cho nguyên nhân
Từ thuộc tính nào của con người mà tôn giáo có thể đã xuất hiện như một sản phẩm phụ? Một quan điểm hợp lý cho rằng nó là một sản phẩm phụ của việc bộ não của chúng ta ngày càng phát triển tinh vi để có khả năng suy ra nguyên nhân, lực dẫn động và ý định, để dự đoán trước nguy hiểm, từ đó xây dựng những giải thích cho nguyên nhân của các giá trị dự đoán giúp chúng ta tồn tại. Tất nhiên, động vật cũng có bộ não và do đó cũng có thể suy diễn ra một số ý định. Ví dụ, một con cú trong kho thóc có thể phát hiện một con chuột bằng âm thanh trong bóng tối, có thể nghe thấy tiếng bước chân của con chuột, tính toán hướng đi và tốc độ của con chuột, từ đó suy ra ý định của con chuột là tiếp tục chạy theo hướng đó với tốc độ đó, để phóng xuống vào một thời điểm chính xác và từ một vị trí chính xác để cắt ngang đường chạy và chộp lấy con chuột. Nhưng động vật, thậm chí họ hàng gần nhất của chúng ta, có khả năng suy luận kém hơn con người rất nhiều. Ví dụ, đối với những chú khỉ châu Phi được gọi là khỉ Vervet, những con trăn dưới mặt đất là kẻ săn mồi chính. Những con khỉ này có một tiếng gọi báo động đặc biệt khi chúng nhìn thấy một con trăn và chúng biết nhảy lên cây nếu nghe thấy tiếng gọi cảnh báo này của những con khỉ khác gần đó. Nhưng thật đáng ngạc nhiên, những con khỉ thông minh này lại không liên kết được dấu vết của một con trăn ngay trên thảm cỏ trước mặt với mối nguy rằng một con trăn có thể rình rập gần đó. Ngược lại với khả năng suy luận yếu kém của loài khỉ: con người chúng ta đã được mài giũa qua quá trình chọn lọc tự nhiên để bộ não có khả năng trích xuất thông tin tối đa từ các tín hiệu bình thường và phát triển ngôn ngữ để truyền đạt chính xác thông tin này, thậm chí ngay cả khi có sự tác động của những kết luận sai không thể tránh khỏi thường xuyên xảy ra.
Ví dụ, chúng ta thường xuyên xác lập tính dẫn động cho những người khác. Chúng ta nhận ra rằng mọi người khác đều có những mục đích như bản thân chúng ta và mỗi cá nhân mỗi khác. Do đó, hằng ngày, chúng ta dành nhiều hoạt động của não bộ để hiểu người khác và theo dõi các biểu hiện từ họ (chẳng hạn như biểu hiện trên khuôn mặt, giọng nói của họ và những gì họ làm hoặc nói hay không làm hoặc không nói), để dự đoán những gì một số cá nhân có thể làm tiếp theo, và tìm hiểu cách để chúng ta có thể làm cô ta cư xử theo cách chúng ta muốn. Tương tự, chúng ta cũng gắn tính dẫn động lên động vật: thợ săn người!Kung khi tiếp cận xác một con mồi mà sư tử đã ăn xong sẽ nhìn vào bụng và hành vi của con sư tử để suy luận liệu những con sư tử này đã thỏa mãn và sẽ bỏ đi hay chúng vẫn còn đang đói. Chúng ta còn gắn tính dẫn động lên chính mình: chúng ta nhận ra những hành động của bản thân luôn dẫn đến kết quả, nếu chúng ta thấy hành xử theo cách này sẽ mang lại thành công trong khi những cách khác thì không, chúng ta sẽ học cách lặp lại các hành động có liên quan đến sự thành công. Khả năng phân tích nguyên nhân – của não bộ của chúng ta là lý do chính cho sự thành công của loài người. Đó là lý do, từ 12.000 năm trước đây, trước cả khi chúng ta phát triển nông nghiệp hoặc kim loại hay chữ viết và vẫn còn sống theo quần thể săn bắt – hái lượm, con người đã là loài động vật có vú phân bố rộng nhất, từ Bắc Cực tới xích đạo trên mọi lục địa, chỉ trừ Nam Cực.
Chúng ta vẫn luôn cố gắng tìm ra những lời giải thích bằng nguyên nhân. Một số lời giải thích truyền thống của con người dự đoán đúng với những lý do mà sau này được chứng minh là đúng theo khoa học; một số dự đoán đúng với lý do sai (Ví dụ, “tránh ăn một số loài cá đặc biệt vì đó là điều cấm kỵ”, mà không hiểu biết về tác hại của các chất độc trong cá); và một số giải thích đưa ra dự đoán sai. Ví dụ, những người săn bắt – hái lượm khái quát hóa tính dẫn động và mở rộng nó lên những thứ khác có thể di chuyển ngoài con người và động vật, chẳng hạn như các dòng sông, mặt trời và mặt trăng. Con người trong xã hội truyền thống thường tin rằng những vật thể vô tri vô giác di chuyển được, hoặc được đẩy đi, là những vật thể sống. Họ cũng có thể gắn tính dẫn động lên những vật thể không di chuyển được như bông hoa, ngọn núi hay tảng đá. Ngày nay, chúng ta gọi đó là niềm tin vào các thế lực siêu nhiên, tách biệt khỏi thế giới tự nhiên, nhưng những người truyền thống thường không phân định như vậy. Thay vào đó, họ tìm cách giải thích nguyên nhân giá trị dự đoán được mà họ quan sát thấy: họ giả thiết rằng mặt trời (hoặc một vị thần chở mặt trời trên cỗ xe của ông) diễu hành hằng ngày ngang qua bầu trời, phù hợp với những sự kiện quan sát được. Họ không có đủ kiến thức về thiên văn học độc lập để biết rằng niềm tin vào mặt trời như một biểu tượng được thần thánh hóa là ‘lỗi lầm siêu nhiên’. Nhưng đó không phải là suy nghĩ ngớ ngẩn theo quan điểm của họ: mà đó là cách suy luận hợp lý của họ về những điều chắc chắn trong tự nhiên.
Vì vậy, một trong những hình thức mà sự tìm kiếm lời giải thích nguyên nhân của chúng ta bị tổng quát quá mức và dẫn thẳng đến những gì hôm nay chúng ta gọi là niềm tin vào siêu nhiên là việc gắn tính dẫn động vào thực vật và những vật thể không có sự sống. Một hình thức khác là sự tìm kiếm kết quả của những hành vi của chúng ta. Một người nông dân luôn tự hỏi ông đã làm gì sai khiến cánh đồng có năng suất cao trước đây bị thất thu trong năm nay và những người thợ săn Kaulong tự hỏi một người thợ săn nào đó đã làm gì để rơi vào hố trong rừng. Như những người dân tộc truyền thống khác, người nông dân và các thợ săn suy nghĩ rất nhiều để tìm ra lời giải thích. Một số giải thích của họ sau này được chứng minh là chính xác một cách khoa học, trong khi những lời giải thích khác chỉ đơn giản là những điều cấm kỵ không mang tính khoa học. Ví dụ, người nông dân nghèo Andean không có kiến thức về hệ số biến đổi vẫn canh tác phân tán cây trồng của mình ra 8 đến 22 cánh đồng (chương 8); họ sẽ cầu thần mưa theo cách truyền thống; và thợ săn Kaulong cẩn thận để không bao giờ gọi tên loài dơi trong hang động khi đang săn dơi trong khu vực có hố sụt. Ngày nay, chúng ta đã biết được việc phân tán đất trong trồng trọt là một phương pháp khoa học để đảm bảo sản lượng thu được luôn trên giá trị tối thiểu để sống sót và những lời cầu nguyện đến thần mưa hay việc cấm kỵ gọi tên dơi chỉ là mê tín dị đoan không có căn cứ khoa học, nhưng đó chỉ là những hiểu biết sau khi nhìn lại. Đối với bản thân người nông dân và thợ săn, không hề có khác biệt giữa căn cứ khoa học và mê tín dị đoan.
Một điển hình khác về việc theo đuổi công cuộc tìm kiếm lời giải thích bằng nguyên nhân một cách thái quá là những giả thuyết về bệnh tật. Nếu ai đó bị bệnh, nạn nhân và bạn bè hay người thân của họ sẽ cố gắng tìm lời giải thích cho căn bệnh giống như với bất kỳ vấn đề quan trọng nào khác. Có phải do người bệnh đã làm điều gì đó (ví dụ, uống nước từ một nguồn nào đó), hoặc quên làm việc gì (như rửa tay trước khi ăn, hoặc cầu nguyện đến một linh hồn)? Hay do người khác làm một điều gì đó (ví dụ, một người bệnh khác hắt hơi trúng vào bệnh nhân, hoặc một thầy phù thủy trù ếm họ)? Giống như những người truyền thống, chúng ta – công dân của xã hội hiện đại – vẫn tiếp tục tìm kiếm những lời giải thích y học cho các loại bệnh tật. Chúng ta đã chứng minh được rằng uống nước từ một nguồn nào đó hoặc không rửa tay trước khi ăn có thể dẫn đến một số bệnh, nhưng việc không cầu nguyện đến một linh hồn nào đó thì không. Việc được thông báo rằng bạn bị ung thư dạ dày vì bạn thừa hưởng biến thể 211 của gen PX2R không đem lại sự thỏa mãn và thường làm bạn trở nên thất vọng thay vì nói rằng bạn mắc bệnh do chế độ ăn uống của mình. Con người trong xã hội truyền thống tìm kiếm phương pháp chữa bệnh, cũng giống như chúng ta làm ngày nay, khi phương pháp chữa trị của các bác sĩ đều thất bại. Thông thường, những phương pháp chữa trị truyền thống thường có lợi vì nhiều lý do: hầu hết các bệnh đều có khả năng tự lành, nhiều biện pháp chữa trị bằng thảo dược truyền thống đã được chứng minh có giá trị dược lý; sự có mặt của các pháp sư bên cạnh giường người bệnh có thể làm giảm nỗi sợ hãi và trấn an bệnh nhân; việc xác định nguyên nhân của căn bệnh, ngay cả khi nó không đúng, khiến bệnh nhân cảm thấy tốt hơn vì được chữa trị thay vì chờ đợi một cách bất lực; nếu bệnh nhân chết, nó có thể đồng nghĩa với việc anh ta đã phạm phải một điều cấm kỵ, hoặc có thể đổ tội cho một phù thủy quyền lực để mọi người truy chết.
Mặt khác, chúng ta vẫn tìm kiếm những nguyên nhân giải thích cho các sự kiện mà khoa học hiện đại chỉ đưa ra những câu trả lời không thể thỏa mãn như: “Việc này không thể giải thích được, đừng cố gắng để lý giải nó nữa.” Ví dụ, một vấn đề trung tâm trong ngay cả các tôn giáo có tổ chức tốt nhất là vấn đề thần học, chủ đề của một cuốn sách của Job: nếu một vị thần tốt và toàn năng tồn tại, thì tại sao cái ác lại xảy ra trên thế giới? Những dân tộc truyền thống sẵn sàng bỏ hàng giờ để thảo luận về một khúc cây trên mặt đất, chắc chắn sẽ không bỏ qua việc tranh cãi tại sao một người tốt luôn tuân theo các quy định của xã hội lại bị thương, bị đánh bại hoặc bị giết. Anh ta có phạm phải một điều cấm kỵ nào không, hay do các linh hồn ma quỷ, hoặc do những vị thần nổi giận? Mọi người chắc chắn cũng sẽ cố gắng giải thích tại sao người mà một tiếng trước vẫn còn thở, di chuyển, giờ đây lại lạnh ngắt, tắt thở và bất động như thể một hòn đá: có phải một phần của con người, được gọi là linh hồn, đã trốn thoát và nhập vào một con chim hay đang sống ở một nơi khác? Bạn có thể phản đối rằng những việc đó chỉ nhằm tìm kiếm “ý nghĩa” thay vì lời giải thích, vì vậy, chúng ta phải hướng đến tôn giáo để tìm ra ý nghĩa, hoặc nếu không, chúng ta phải thừa nhận khát khao tìm kiếm ý nghĩa của mình chỉ là vô nghĩa. Nhưng tất cả mọi người trong quá khứ, và hầu hết mọi người hôm nay, vẫn luôn có nhu cầu tìm ra một câu trả lời có “ý nghĩa”.
Tóm lại, những gì chúng ta gọi là tôn giáo ngày nay có thể phát sinh như một sản phẩm phụ của sự phức tạp hóa tăng cao của bộ não con người trong việc xác định nguyên nhân giải thích và đưa ra dự đoán. Trong một thời gian dài, không có sự phân biệt nào được công nhận giữa tự nhiên và siêu nhiên, hoặc giữa tôn giáo và phần còn lại của cuộc sống. Còn về vấn đề “tôn giáo” phát sinh vào lúc nào trong quá trình tiến hóa của con người, tôi đoán rằng: đó là theo quá trình bộ não của chúng ta trở nên tinh vi hơn. Hơn 15.000 năm trước đây, người Cro-Magnon đã bắt đầu may quần áo theo số đo, phát minh ra các công cụ mới và tạo ra những bức tranh tuyệt vời về động vật và con người nhiều màu sắc trên các vách của các hang động ở Lascaux, Altamira và Chauvet, trong những hốc sâu nơi chỉ có thể nhìn thấy bằng ánh nến và làm dấy lên những cảm xúc về tôn giáo ở những du khách hiện đại. Dù việc kích thích những cảm xúc này có phải là chủ đích của những người cổ đại hay không, bộ não của họ chắc chắn đã đủ phức tạp như người hiện đại để có khả năng giữ vững những niềm tin có đầy đủ các thuộc tính như tôn giáo. Còn đối với người Neanderthal, bằng chứng được tìm thấy khẳng định họ trang trí xác chết với các sắc tố màu vàng nâu và có tập tục chôn người chết. Tôi có căn cứ để cho rằng tổ tiên của chúng ta đã có các niềm tin tôn giáo trong ít nhất hơn 60.000 năm lịch sử của loài Homo sapiens có tập tính hiện đại và có lẽ từ trước đó nữa.
Bảng 9.2. Ví dụ về các niềm tin siêu nhiên giới hạn trong một số tôn giáo đặc biệt
1. Thần khỉ có thể vượt hàng ngàn cây số chỉ với một cú lộn nhào (Hindu).
2. Bạn có thể cầu xin các linh hồn bằng cách ở trong một nơi cô lập không có thức ăn, nước uống trong 4 ngày và cắt đứt một đốt ngón tay bên trái của mình (Thổ dân Crow).
3. Một người phụ nữ không quan hệ với bất kỳ người đàn ông nào nhưng mang thai và hạ sinh một cậu bé, cơ thể của cậu sau khi chết đã được mang đến một nơi gọi là thiên đường, thường được miêu tả là ở trên trời (Công giáo).
4. Một pháp sư, người được trả công để làm phép, ngồi trong một căn nhà ánh sáng lập lờ cùng với những người lớn trong làng và tất cả đều nhắm mắt. Pháp sư đi xuống đáy đại dương, nơi ông xoa dịu cơn giận của nữ thần biển – người đã gây ra nhiều bất hạnh (Inuit).
5. Để xác định một người bị buộc tội ngoại tình có tội hay không, ép một con gà ăn thức ăn có độc. Nếu con gà không chết có nghĩa là bị cáo vô tội (Azande).
6. Những người đàn ông hy sinh trong những cuộc chiến vì tôn giáo sẽ được lên thiên đường nơi có đầy những trinh nữ xinh đẹp (Hồi giáo).
7. Trên đồi Tepeyac phía bắc của Mexico vào năm 1531, Đức Mẹ Đồng Trinh Maria hiện ra trước một thổ dân da đỏ theo đạo Chúa, nói chuyện với ông bằng tiếng Nahuatl (tiếng Aztec, vào thời điểm này ở đó vẫn còn rất phổ biến) và cho phép ông hái những đóa hồng trên một vùng sa mạc mà bình thường hoa hồng không thể nào phát triển được (Công giáo Mexico).
8. Trên một đỉnh đồi gần Manchester Village ở miền tây New York vào 21/9/1823, Thiên thần Moroni xuất hiện trước một người đàn ông tên là Joseph Smith và chỉ cho ông chỗ chôn những bảng khắc chữ bằng vàng chờ được con người dịch ra – quyển Kinh Thánh bị thất lạc, Sách Mormon (Mormon).
9. Một đấng siêu nhiên đã tặng một vùng sa mạc ở Trung Đông cho một dân tộc mà ông yêu mến để làm ngôi nhà vĩnh hằng của họ (Do Thái).
10. Trong những năm 1880, Thiên Chúa hiện ra với một người thổ dân da đỏ Paiute tên là Wovoka trong một buổi nhật thực và thông báo với ông rằng trong vòng 2 năm nữa, trâu bò sẽ lại đầy ắp các cánh đồng và người da trắng sẽ biến mất, với điều kiện người thổ dân da đỏ phải tham gia vào một nghi lễ được gọi là Điệu nhảy của những Hồn ma.
Niềm tin siêu nhiên
Hầu như mọi tôn giáo đều có một số niềm tin siêu nhiên đặc trưng. Có nghĩa là các tín đồ của một tôn giáo sẽ giữ vững niềm tin dù nó có xung đột và không thể lý giải bằng kinh nghiệm của chúng ta về thế giới tự nhiên và dù nó có vẻ không hợp lý đối với những người khác không cùng trong tôn giáo đó. Bảng 9.2 đưa ra những ví dụ về kiểu niềm tin như thế và còn vô số những ví dụ khác không thể kể hết. Không có thuộc tính nào khác của tôn giáo có thể tạo ra sự phân cách lớn như vậy giữa những người tin vào tôn giáo và những người thế tục hiện đại thậm chí còn không thể tưởng tượng được lại có người nào có thể tin vào những điều như vậy. Cũng không có thuộc tính nào khác có thể phân chia được các tín đồ thành các nhóm tôn giáo vô cùng khác nhau, mỗi nhóm tin tưởng vững chắc vào tôn giáo của mình nhưng lại vô lý khi cho rằng các tôn giáo khác tin vào những niềm tin khác. Vậy tại sao niềm tin siêu nhiên lại trở thành một đặc tính phổ biến như vậy trong mọi tôn giáo?
Một gợi ý trả lời là niềm tin siêu nhiên trong tôn giáo cũng chỉ là mê tín dị đoan giống như niềm tin siêu nhiên phi tôn giáo, điều này đơn giản cho thấy rõ rằng bộ não con người có khả năng tự lừa dối chính nó để tin vào bất cứ điều gì. Chúng ta đều có thể nhận ra sự bất hợp lý của niềm tin siêu nhiên phi tôn giáo một cách rõ ràng. Nhiều người châu âu cho rằng việc nhìn thấy một con mèo đen báo hiệu điều bất hạnh, nhưng mèo đen thực chất khá phổ biến. Bằng cách liên tục kiểm đếm trong một tiếng sau khi nhìn thấy một con mèo đen trong khu vực có nhiều mèo có hay không có xảy ra những điều xui xẻo ở một mức nhất định nào đó và sau đó áp dụng phương pháp thống kê, bạn có thể nhanh chóng chứng minh được rằng xác suất xảy ra của giả thuyết mèo đen thấp hơn một phần ngàn. Một số nhóm người vùng đất thấp New Guinea tin rằng tiếng hót thánh thót của loài chim nhỏ nhắn được gọi là Khướu Chuột vùng đất thấp báo tin một người nào đó vừa qua đời, nhưng thực tế loài chim này là một trong những loài phổ biến nhất và thường xuyên hót nhất trong rừng rậm vùng thấp ở New Guinea. Nếu niềm tin này là thật, thì toàn bộ dân số trong địa phương sẽ chết hết chỉ trong vòng vài ngày, nhưng những người bạn New Guinea của tôi tin vào điềm báo của chim khướu cũng nhiều như người châu âu sợ mèo đen.
Một hiện tượng mê tín dị đoan phi tôn giáo nổi bật hơn cả là phép định thủy, vì ngày nay, con người vẫn còn đầu tư tiền của vào niềm tin sai lầm này, hay còn được gọi bằng nhiều tên khác như cảm xạ, phép thần, hoặc phép dùng que dò nước. Xuất hiện ở châu âu hơn 400 năm trước đây và có thể còn trước cả khi có Chúa, người ta tin rằng các nhà ngoại cảm có thể dựa trên vòng quay của một nhánh cây chĩa ba khi ông đi quanh khu vực mà người chủ muốn tìm nơi đào giếng, để xác định được vị trí và đôi khi cả độ sâu của mạch nước ngầm không nhìn thấy. Những thí nghiệm kiểm chứng cho thấy xác suất thành công của nhà ngoại cảm trong việc xác định thành công mạch nước ngầm chỉ là ngẫu nhiên, nhưng nhiều chủ đất ở những khu vực mà ngay cả những nhà địa chất cũng gặp khó khăn khi dự đoán vị trí của nước ngầm vẫn sẵn sàng trả tiền cho những nhà cảm xạ, sau đó thậm chí còn dành nhiều tiền hơn để đào những cái giếng thường là không có nước. Quy luật tâm lý đằng sau những niềm tin này dựa trên việc chúng ta thường chỉ nhớ những lần thành công mà quên đi những lần thất bại, từ đó bất cứ điều mê tín dị đoan nào của chúng ta đều trở nên chắc chắn bởi những bằng chứng thành công mỏng manh nhất mà chúng ta nhớ được. Lối suy nghĩ như vậy là điều tự nhiên; những thí nghiệm và các phương pháp khoa học kiểm chứng để phân biệt giữa các hiện tượng ngẫu nhiên và không ngẫu nhiên là khác thường và không tự nhiên, nên không được tìm thấy ở các xã hội truyền thống.
Có lẽ, mê tín dị đoan theo tôn giáo chỉ là bằng chứng mạnh hơn cho những sai lầm của con người, giống như niềm tin vào mèo đen và những mê tín dị đoan không theo tôn giáo khác. Nhưng thật kỳ lạ, khi sự hy sinh rất tốn kém cho niềm tin mê tín dị đoan theo tôn giáo dù có vẻ không hợp lý đối với những người khác lại là một thuộc tính đồng nhất đến như vậy của tất cả các tôn giáo. Sự cống hiến của 10 nhóm tín đồ được liệt kê trong Bảng 9.2 khiến niềm tin của họ nặng nề hơn, tốn thời gian hơn, gây ra nhiều hậu quả nặng nề hơn so với những hành vi như sợ và tránh xa mèo đen. Điều này cho thấy mê tín dị đoan theo tôn giáo không phải chỉ là sản phẩm phụ vô tình của khả năng lý luận của con người mà còn có một số ý nghĩa sâu sắc hơn.
Một cách giải thích gần đây của một số học giả tôn giáo là niềm tin mê tín dị đoan theo tôn giáo có chức năng biểu thị sự cam kết của một người đối với tôn giáo của họ. Mọi tổ chức tồn tại lâu dài của con người – những người hâm mộ Boston Red Sox (như tôi), những người Công giáo tận tâm, những người Nhật Bản yêu nước và những nhóm người khác – đều phải đối mặt với cùng một vấn đề cơ bản là phải xác định được những người có thể tin tưởng được để giữ làm thành viên trong nhóm. Một người càng gắn bó lâu dài với một tổ chức thì việc xác định chính xác những thành viên đáng tin trong nhóm càng quan trọng hơn và không để bị lừa gạt bởi những người trục lợi tạm thời bằng cách tuyên thệ có cùng lý tưởng nhưng thực sự thì không. Nếu một người mang theo biểu ngữ của Boston Red Sox và đã được bạn xem như một người cùng hâm mộ Red Sox, đột nhiên reo mừng khi đội New York Yankees ghi bàn, bạn có thể thấy việc này thật bẽ mặt nhưng không thể đe dọa đến tính mạng. Nhưng nếu anh ta là một người lính chiến đấu bên cạnh bạn ở tiền tuyến và anh ta hạ súng (hoặc thậm chí chĩa súng vào bạn) khi quân thù tấn công, thì bạn có thể phải trả giá bằng mạng sống của mình vì đã nhận định sai lầm.
Đó là lý do tôn giáo lại liên quan đến nhiều sự thể hiện rất tốn kém để chứng minh sự cam kết của bạn: hy sinh về thời gian và nguồn lực, chịu đựng thử thách và những phương thức thể hiện tốn kém khác mà tôi sẽ thảo luận sau đây. Những phương pháp thể hiện có thể dùng để ủng hộ những niềm tin phi lý mâu thuẫn với các bằng chứng thông qua giác quan của chúng ta, mà những người ngoại đạo sẽ không bao giờ tin. Nếu bạn nói rằng người sáng lập ra tôn giáo của bạn được sinh ra từ việc quan hệ tình dục bình thường giữa mẹ và cha của ông, bất cứ ai khác cũng sẽ tin vào điều này, và bạn không cần phải làm gì để chứng minh sự tận tụy của bạn đối với tôn giáo. Nhưng nếu bạn nhấn mạnh, bất chấp mọi bằng chứng chống lại, rằng ông được sinh ra bởi một trinh nữ và không ai có thể làm lung lay niềm tin bất hợp lý này của bạn sau nhiều thập kỷ, thì các tín hữu của bạn sẽ chắc chắn hơn về việc bạn giữ vững niềm tin của mình và có thể tin rằng bạn sẽ không từ bỏ họ.
Tuy nhiên, không phải là không có giới hạn cho những gì có thể được chấp nhận như một niềm tin siêu nhiên theo tôn giáo. Scott Atran và Pascal Boyer đã chỉ ra rằng mê tín dị đoan theo tôn giáo thực tế trên khắp thế giới chỉ bao gồm một tập hợp rất nhỏ của các mê tín dị đoan ngẫu nhiên có thể được tạo ra trên lý thuyết. Trích lời Pascal Boyer, không một tôn giáo nào có thể tuyên bố điều gì giống như giáo lý sau đây: “Chỉ có một Đức Chúa Trời! ông là đấng toàn năng. Nhưng ông ta chỉ tồn tại vào những ngày thứ Tư.” Thay vào đó, các thế lực siêu nhiên tôn giáo mà chúng ta tin vào lại giống con người, động vật, hoặc các đối tượng tự nhiên khác một cách đáng ngạc nhiên, ngoại trừ việc có quyền năng tối cao. Họ có tầm nhìn xa hơn, sống lâu hơn, mạnh mẽ hơn, đi nhanh hơn, có thể dự đoán tương lai, thay đổi hình dạng, có thể đi xuyên tường và những điều đại loại như vậy. Trong những khía cạnh khác, các vị thần và các hồn ma đều cư xử như con người.
Thiên Chúa trong kinh Cựu Ước đã tức giận khi các nam và nữ thần Hy Lạp trở nên đố kỵ, ăn uống và quan hệ tình dục sa đọa. Quyền năng của họ vượt xa con người cũng thể hiện tham vọng về quyền lực của mỗi cá nhân chúng ta; họ có thể làm những điều mà chúng ta mong muốn mình có thể làm. Tôi từng tưởng tượng mình có thể giáng sấm sét xuống những kẻ ác và có lẽ nhiều người khác cũng có những ước muốn như vậy, nhưng tôi chưa bao giờ mơ đến việc chỉ tồn tại vào những ngày thứ Tư. Do đó, tôi không ngạc nhiên khi các vị thần trong nhiều tôn giáo là hiện thân của người trừng phạt cái ác, nhưng không tôn giáo nào nói về ước mơ chỉ tồn tại vào ngày thứ Tư. Như vậy, niềm tin siêu nhiên theo tôn giáo là không hợp lý, nhưng chính đáng và thỏa mãn về mặt cảm xúc. Đó là lý do chúng trở nên đáng tin bất chấp tính vô lý.
Chức năng giải thích của tôn giáo
Tôn giáo đã thay đổi chức năng của mình theo dòng lịch sử của xã hội. Hai chức năng lâu đời nhất của nó đã gần như biến mất đối với các công dân của xã hội phương Tây ngày nay. Ngược lại, một số chức năng hiện đại phổ biến của nó hầu như không tồn tại trong các xã hội săn bắt – hái lượm và nông nghiệp quy mô nhỏ. Bốn chức năng trước đây đóng vai trò thứ yếu hoặc thậm chí chưa có, đã được nâng lên tầm quan trọng cao nhất và rồi trong ngày nay, lại suy giảm một lần nữa. Những thay đổi chức năng của tôn giáo trong quá trình tiến hóa của nó cũng tương tự như các thay đổi chức năng của nhiều cấu trúc sinh học (chẳng hạn như các cơ quan phát điện của cá) và các hình thức tổ chức xã hội trong tiến hóa sinh học.
Tôi sẽ thảo luận về 7 chức năng chính của tôn giáo được đề xuất bởi nhiều học giả khác nhau, để dự đoán liệu tôn giáo có trở nên lỗi thời hoặc có thể tiếp tục tồn tại, và nếu tồn tại, những chức năng nào sẽ giúp nó duy trì. Tôi sẽ trình bày 7 chức năng này theo trình tự xuất hiện và biến mất của chúng trong lịch sử tiến hóa của xã hội, bắt đầu với các chức năng nổi bật trong giai đoạn sớm của lịch sử nhân loại nhưng ít gặp bây giờ và kết thúc với những chức năng ban đầu chưa có mặt nhưng rất quan trọng trong thời gian gần đây.
Chức năng ban đầu của tôn giáo là để giải thích. Những người truyền thống chưa có khoa học giải thích mọi thứ họ gặp phải và dĩ nhiên không có khả năng phân biệt giữa những lời giải thích mà các nhà khoa học ngày nay xem là theo tự nhiên, khoa học và những lời giải thích khác được xem là siêu nhiên, mang tính tôn giáo. Đối với những người truyền thống, tất cả đều là lời giải thích, những lý lẽ sau này được xem như tôn giáo cũng không có gì khác biệt. Ví dụ, trong xã hội New Guinea mà tôi từng sống, người ta đưa ra nhiều giải thích về các hành vi của chim mà những nhà điểu học hiện đại nhận xét là rất sâu sắc và vẫn còn chính xác (ví dụ, tính đa chức năng của tiếng chim hót), đồng thời có những lời giải thích khác mà các nhà điểu học không còn chấp nhận và bây giờ chỉ xem là mê tín (ví dụ, tiếng hót của một số loài chim cụ thể là tiếng của những người từng sống nay bị biến thành chim). Những huyền thoại về khởi đầu của loài người, như trong những bộ tộc hay trong sách Sáng Thế, được phổ biến rộng rãi để giải thích sự tồn tại của vũ trụ, con người và sự đa dạng ngôn ngữ. Người Hy Lạp cổ đại dù đã giải thích chính xác nhiều hiện tượng theo khoa học, nhưng vẫn sử dụng những vị thần siêu nhiên để giải thích một cách thiếu chính xác các hiện tượng như bình minh, hoàng hôn, thủy triều, gió và mưa. Những người theo thuyết sáng tạo, đa phần người Mỹ ngày nay, vẫn còn xem Thiên Chúa là “nguyên nhân đầu tiên” sáng tạo ra vũ trụ cũng như những nguyên tắc của nó và từ đó sinh ra sự sống, bao gồm động vật, thực vật và cả con người. Nhưng tôi không biết người theo thuyết sáng tạo nào còn tiếp tục sử dụng thần thánh để giải thích hiện tượng mặt trời mọc, thủy triều và gió. Nhiều người thế tục ngày nay, trong khi vẫn tin Đức Chúa Trời là nguồn gốc của vũ trụ và các nguyên tắc của nó, vẫn đồng thời chấp nhận rằng vũ trụ, sau khi được tạo ra, đã tự vận hành với rất ít hoặc không có sự can thiệp của Thiên Chúa.
Trong xã hội phương Tây hiện đại, vai trò giải thích nguồn gốc loài người của tôn giáo ngày càng bị yếu thế trước khoa học. Nguồn gốc của vũ trụ như chúng ta biết bây giờ là do vụ nổ Big Bang và tiếp theo đó vận hành theo các định luật vật lý. Sự đa dạng ngôn ngữ hiện đại không còn được giải thích theo các huyền thoại khởi đầu nữa, chẳng hạn như Tháp Ba-ben hay sợi dây leo giữ cây lim New Guinea bị đứt, thay vào đó được giải thích đầy đủ dựa trên việc quan sát quá trình lịch sử của sự thay đổi ngôn ngữ, như sẽ được thảo luận trong chương 10. Giải thích cho các hiện tượng bình minh, hoàng hôn và thủy triều là công việc của các nhà thiên văn học, giải thích về gió và mưa là công việc của các nhà khí tượng học. Tiếng hót của chim được các nhà điểu học giải thích và nguồn gốc của các loài động thực vật, bao gồm cả loài người, dành cho các nhà sinh học tiến hóa.
Đối với nhiều nhà khoa học hiện đại, pháo đài cuối cùng của việc giải thích theo tôn giáo là Thiên Chúa là nguyên nhân đầu tiên: khoa học dường như không thể đưa ra lý do tại sao vũ trụ lại tồn tại. Khi còn là sinh viên năm nhất tại Đại học Harvard năm 1955, tôi nhớ lại một nhà thần học tài ba, Paul Tillich, đã thách thức cả lớp của ông gồm toàn những sinh viên siêu lý tính – tìm ra câu trả lời một cách khoa học cho một câu hỏi đơn giản của ông: “Tại sao lại có, khi có thể đơn giản là không có gì?” Không ai trong số các bạn cùng lớp của tôi theo chuyên ngành khoa học có thể trả lời Tillich. Nhưng họ lần lượt phản đối rằng việc Tillich trả lời “Chúa Trời” chỉ là cách đặt tên của ông cho sự không thể trả lời. Trong thực tế, các nhà khoa học hiện nay đang nghiên cứu câu hỏi của Tillich và đã đề xuất một số câu trả lời.
Xoa dịu lo lắng
Chức năng tiếp theo của tôn giáo mà tôi sẽ thảo luận cũng là một trong những thuộc tính mạnh nhất trong xã hội cổ đại: xoa dịu sự lo lắng của con người trước những vấn đề và mối nguy ngoài tầm kiểm soát. Khi con người đã làm mọi thứ thực tế trong khả năng của mình, đó cũng là khi họ sẽ quay sang cầu nguyện, thực hiện các nghi thức, nghi lễ, hiến tặng cho các vị thần, đến khẩn cầu các đạo sĩ và pháp sư, tin vào điềm báo, quan sát những điều cấm kỵ và thực hiện ma thuật. Những biện pháp này không có hiệu quả khoa học trong việc đạt được kết quả mong muốn. Tuy nhiên, bằng cách tin vào sự hư cấu và thuyết phục chính mình rằng chúng ta vẫn đang làm gì đó, chúng ta không bất lực và vẫn chưa bỏ cuộc, ít nhất chúng ta cảm thấy còn có khả năng kiểm soát, ít lo lắng và có thể tiếp tục nỗ lực.
Khát khao được giải thoát khỏi cảm giác bất lực được minh họa bằng một nghiên cứu về những nữ tín đồ Israel, thực hiện bởi nhà nhân chủng học Richard Sosis và W. Penn Handwerker. Trong cuộc Chiến tranh Liban năm 2006, Hizbollah phóng tên lửa Katyusha vào khu vực Galilee ở miền Bắc Israel, thị trấn Tzfat và các vùng lân cận bị phóng hàng chục tên lửa mỗi ngày. Mặc dù còi cảnh báo khi phát hiện tên lửa giúp cư dân Tzfat bảo vệ tính mạng bằng cách trú dưới hầm tránh bom, nhưng họ bất lực trong việc bảo vệ nhà cửa của mình. Trên thực tế, mối đe dọa từ tên lửa là không thể đoán trước và không kiểm soát được. Tuy nhiên, khoảng 2/3 số phụ nữ được phỏng vấn bởi Sosis và Handwerker cầu nguyện mỗi ngày để đối phó với sự căng thẳng từ những cuộc tấn công tên lửa. Khi được hỏi lý do, câu trả lời chung là họ cảm thấy cần “phải làm một cái gì đó” thay vì không làm gì cả. Mặc dù đọc thánh kinh không thực sự làm chệch hướng tên lửa, nhưng việc đó đã đem đến cho những người cầu nguyện cảm giác tự chủ khi họ ‘có vẻ’ làm một điều gì đó (Tất nhiên, dù không nói ra, nhưng họ tin rằng đọc Thánh kinh có thể bảo vệ ngôi nhà của họ khỏi sự hủy diệt của tên lửa). So với những phụ nữ không cầu nguyện trong cùng cộng đồng đó, những người đọc thánh kinh ít bị khó ngủ hơn, ít bị mất tập trung hơn, ít có xu hướng tức giận hơn và cảm thấy ít lo lắng, căng thẳng hay chán nản hơn. Vì vậy, họ tránh được nguy cơ phải chịu những lo lắng tự nhiên trước những mối nguy hiểm không kiểm soát được có thể khiến họ làm gì đó liều lĩnh và dại dột gây nguy hiểm cho bản thân. Chúng ta, những người đã từng phải trải qua các tình huống nguy hiểm không thể lường trước được và không kiểm soát được, đều biết rằng con người dễ trầm trọng hóa vấn đề do suy nghĩ thiếu tự chủ trước sự lo lắng của bản thân.
Chức năng này của tôn giáo đạt đỉnh cao trong các xã hội tôn giáo sơ khai và giảm dần khi xã hội ngày càng kiểm soát được diễn tiến của cuộc sống, thông qua các chính quyền nhà nước ngày càng phát triển vững mạnh hơn và giảm tần suất bạo lực cũng như những nguy hiểm khác, các nhà nước ngày càng có khả năng ngăn chặn nạn đói bằng cách phân phối lương thực dự trữ (trong hai thế kỷ qua) nhờ vào sự phát triển của khoa học và công nghệ. Điều này không có nghĩa xã hội truyền thống yếu ớt và bất lực, ngược lại, họ gây ấn tượng mạnh với chúng ta bằng khả năng sử dụng những quan sát và kinh nghiệm có được để hạn chế rủi ro. Ví dụ, người New Guinea và những nông dân truyền thống khác biết hàng chục giống khoai lang và các loại cây trồng khác được trồng ở đâu như thế nào là tốt nhất, làm thế nào để diệt cỏ dại, bón phân, thoát nước và tưới cây. Khi đi săn bắn, người!Kung nghiên cứu và giải thích các dấu vết của động vật, từ đó ước tính số lượng, khoảng cách, tốc độ, hướng di chuyển của con mồi, quan sát hành vi của các loài động vật khác để thu thập manh mối của con mồi. Ngư dân và thủy thủ không cần la bàn hay các công cụ khác mà vẫn có thể định hướng bằng sự hiểu biết quỹ đạo của mặt trời và các ngôi sao, gió, thủy triều, độ phản quang của những đám mây, chim biển, sự phát quang sinh học dưới đại dương và các dấu hiệu định hướng khác. Mọi dân tộc đều phòng thủ, cảnh giác trước những cuộc tấn công của kẻ thù, tổ chức liên minh và lên kế hoạch phục kích để tấn công kẻ thù trước.
Đối với các dân tộc truyền thống hơn, thậm chí đúng hơn với xã hội hiện đại, mức độ hiệu quả của những phương pháp này có giới hạn và có những khu vực quá lớn ngoài tầm kiểm soát của họ. Sản lượng cây trồng bị ảnh hưởng bởi những yếu tố không thể đoán trước như hạn hán, lượng mưa, mưa đá, gió bão, nhiệt độ và côn trùng gây hại. Sự di chuyển của các loài động vật nhiều khả năng là ngẫu nhiên. Hầu hết bệnh tật đều nằm ngoài khả năng kiểm soát của người truyền thống vì giới hạn của kiến thức y học. Như những người phụ nữ Israel cầu nguyện nhưng không thể kiểm soát đường bay của tên lửa, nhiều việc vẫn nằm ngoài tầm kiểm soát của các dân tộc truyền thống dù họ đã làm hết sức mình. Họ và cả chúng ta luôn chống lại việc thụ động và không làm gì. Sự thụ động làm cho họ và chúng ta lo lắng, cảm giác bất lực, dễ mắc sai lầm. Đó là lúc các dân tộc truyền thống và cả chúng ta ngày nay, hướng về việc cầu nguyện, các nghi lễ, điềm báo, ma thuật, những điều cấm kỵ, mê tín dị đoan và pháp sư. Khi tin rằng những biện pháp này có hiệu quả, họ và chúng ta trở nên ít lo lắng, bình tĩnh và tập trung hơn.
Nhà dân tộc học Bronislaw Malinowski nghiên cứu quần đảo Trobriand gần New Guinea, nơi người dân đánh bắt cá ở hai kiểu địa hình khác nhau đòi hỏi phải có những phương pháp đánh bắt khác nhau: trong khu vực vịnh nước yên được che chở, họ có thể rải chất độc vào một vùng nước và sau đó chỉ cần vớt những con cá bị trúng độc hay đã chết; ở ngoài khơi, họ phải phóng lao hoặc giăng lưới để đánh bắt trong khi chèo xuồng giữa những con sóng. Đánh cá trong vịnh an toàn, dễ dàng hơn và sản lượng có thể dự đoán được; đánh cá ngoài biển khơi nguy hiểm hơn và không thể đoán trước được, có thể bội thu nếu bầy cá vô tình bơi qua đúng lúc, nhưng có thể sẽ phải ra về tay trắng và gặp nhiều rủi ro cá nhân nếu họ không bắt gặp bầy cá nào. Cư dân trên đảo thực hiện các nghi lễ ma thuật phức tạp trước khi ra khơi đánh cá để đảm bảo an toàn và thành công, bởi không có gì là chắc chắn ngay cả khi họ đã lên kế hoạch tốt nhất dựa trên kinh nghiệm của mình. Nhưng không có phép thuật nào liên quan đến những chuyến đánh cá trong vịnh.
Một ví dụ khác là về những thợ săn người!Kung chuyên nghiệp và dường như không cho phép xảy ra rủi ro. Những cậu bé người!Kung đã bắt đầu chơi với cung tên từ lúc biết đi và tập đi săn với cha mình khi đến tuổi vị thành niên. Vào những buổi tối quanh lửa trại, những người đàn ông luôn kể đi kể lại những cuộc đi săn trước đó của họ, lắng nghe những câu chuyện của nhau về việc ai đã nhìn thấy con gì trong những ngày gần đây, từ đó lên kế hoạch phù hợp cho cuộc săn bắn tiếp theo. Trong cuộc đi săn, họ chăm chú quan sát dấu vết và tiếng động có thể tiết lộ sự hiện diện của thú rừng và các loài chim, cũng như xem xét kỹ lưỡng các dấu vết của con vật đã đi qua, dự đoán nơi chúng có thể được tìm thấy và đang hướng tới. Người ta có thể tưởng rằng những bậc thầy về kỹ năng săn bắn này sẽ không cần đến ma thuật. Nhưng thực tế, khi lên đường vào mỗi buổi sáng, những người thợ săn này luôn lo lắng về việc không chắc chắn có thể tìm thấy con mồi.
Một số đàn ông người!Kung đối phó với sự lo lắng của họ bằng cách cầu khấn đĩa tiên tri để biết hướng đi nào có nhiều hứa hẹn nhất, và họ nên chuẩn bị đối phó với những con mồi nào. Bộ đĩa tiên tri gồm 5 hoặc 6 vòng tròn mỏng làm bằng da linh dương có đường kính từ 5 đến 7cm, mỗi vòng có tên riêng và có hai mặt trên dưới khác nhau. Mỗi người đàn ông đều có một bộ. Họ sắp xếp các đĩa trên lòng bàn tay trái của mình với đĩa lớn nhất ở trên, lắc và thổi bộ đĩa trong khi cầu khấn bằng một giọng nói lớn theo nghi lễ, sau đó ném bộ đĩa lên một miếng vải trải trên mặt đất. Nhà tiên tri sẽ giải thích vị trí của các đĩa trên mặt đất dựa trên việc chúng có nằm chồng lên nhau không, và đĩa nào nằm sấp hay ngửa. Việc giải thích vị trí này tuân theo một vài quy tắc nhất định, đĩa 1 đến 4 nằm úp dự đoán sự thành công của chuyến đi săn.
Tất nhiên, bộ đĩa không nói cho người!Kung bất cứ điều gì mới mẻ. Người!Kung hiểu rõ về hành vi động vật đến mức kế hoạch săn bắn của họ có nhiều cơ hội thành công, bất kể bộ đĩa rơi xuống như thế nào. Thay vào đó, vị trí của các đĩa này dường như chỉ được giải thích một cách tưởng tượng như kiểu bài kiểm tra tâm lý Rorschach16, có tác dụng khích lệ tinh thần những người đàn ông cho một ngày săn bắn. Nghi lễ tiên tri này giúp họ xác nhận lại hướng khởi hành, việc lựa chọn một hướng, dù là hướng nào, làm theo quyết định đó tốt hơn là luôn bị phân tâm vì hoài nghi.
Đối với chúng ta ngày nay, cầu nguyện, các nghi lễ và ma thuật ít phổ biến hơn, bởi khoa học và kiến thức phổ thông đóng vai trò lớn hơn trong sự thành công của những nỗ lực của chúng ta. Nhưng vẫn còn nhiều điều chúng ta không thể kiểm soát; khoa học, công nghệ không thể đảm bảo sự thành công của nhiều nỗ lực và thậm chí cả sự liều mình của chúng ta. Đó chính là lúc chúng ta cũng dùng đến những lời cầu nguyện, hiến lễ và các nghi thức khác. Ví dụ điển hình trong thời hiện đại là việc cầu nguyện để ra khơi thuận buồm xuôi gió, để mùa vụ thành công, để thắng trận và đặc biệt là để lành bệnh. Khi các bác sĩ không thể dự đoán chắc chắn kết quả điều trị của bệnh nhân, đặc biệt là khi chính các bác sĩ thừa nhận rằng họ cũng bất lực, con người gần như chắc chắn sẽ cầu nguyện.
Thêm hai ví dụ cụ thể khác minh họa cho sự kết hợp giữa việc cầu nguyện hay các nghi lễ trên một mặt và kết quả không chắc chắn trên mặt khác. Con bạc thường thực hiện các nghi lễ của riêng họ trước khi ném xúc xắc, nhưng người chơi cờ không có các nghi thức này trước mỗi nước đi. Đó là vì trò chơi xúc xắc nổi tiếng là trò may rủi, nhưng không có may rủi trong cờ vua: nếu đi một nước và thua trận, bạn không có lý do nào khác, đó hoàn toàn là lỗi của bạn vì không nhìn thấy trước nước đi của đối thủ. Tương tự như vậy, người nông dân ở phía tây New Mexico muốn khoan giếng để tìm nước ngầm thường xuyên tham khảo ý kiến của nhà ngoại cảm, nơi đó có địa chất khu vực rất phức tạp, không thể đoán được sự thay đổi về độ sâu và số lượng của mạch nước ngầm, mà thậm chí các nhà địa chất chuyên nghiệp cũng không thể dự đoán chính xác vị trí và độ sâu của nước ngầm từ các đặc điểm trên bề mặt. Nhưng ở Texas Panhandle, nơi mực nước ngầm nằm ở cùng độ sâu 38m, người nông dân chỉ cần khoan giếng đến đúng độ sâu này ở gần chỗ cần nước nhất; không ai cần nhà ngoại cảm, mặc dù mọi người vẫn biết đến phương pháp này. Những người nông dân New Mexico và người chơi xúc xắc đều phải đối mặt với sự không chắc chắn, phải dùng đến các nghi lễ giống như các ngư dân Trobriand đánh bắt xa khơi và thợ săn người!Kung; trong khi nông dân Texas Panhandle và người chơi cờ bỏ qua các nghi lễ này giống như ngư dân Trobriand đánh bắt trong vịnh.
Tóm lại, các nghi lễ tôn giáo (và cả không tôn giáo) vẫn còn để giúp chúng ta đối phó với sự lo lắng khi phải đối mặt với sự không chắc chắn và nguy hiểm. Tuy nhiên, chức năng này của tôn giáo có vai trò quan trọng hơn trong các xã hội truyền thống luôn phải đối diện với nhiều sự thiếu chắc chắn và nguy hiểm hơn là các xã hội phương Tây hiện đại.
Mang lại sự thoải mái
Bây giờ, chúng ta sẽ đề cập đến một chức năng của tôn giáo đã phát triển trong hơn 10.000 năm qua: để đem lại sự thoải mái, hy vọng và ý nghĩa khi cuộc sống trở nên khó khăn. Một ví dụ cụ thể là để an ủi chúng ta trước viễn cảnh về cái chết của bản thân và của người thân. Một số động vật có vú – điển hình là voi – có khả năng nhận biết và thương tiếc cái chết của bạn đồng hành. Nhưng chúng tôi không có lý do gì để nghĩ rằng có bất kỳ loài động vật nào khác trừ con người có khả năng hiểu rằng, một ngày nào đó, chính nó cũng sẽ chết. Chúng ta chắc chắn đã nhận ra số phận được an bài cho bản thân nhờ vào khả năng tự ý thức, lập luận tốt hơn và bắt đầu khái quát hóa từ việc quan sát thấy những người xung quanh lần lượt chết. Hầu hết các bằng chứng quan sát và khảo cổ cho thấy con người trong một cộng đồng thể hiện sự hiểu biết của họ về ý nghĩa của cái chết bằng cách không vứt xác chết đi mà tìm cách chôn cất, hỏa táng, quấn xác, ướp xác, thiêu hoặc các phương pháp khác.
Thật đáng sợ khi một người mới đây còn ấm áp, di chuyển, nói chuyện và có khả năng tự vệ, bây giờ lạnh ngắt, bất động, im lặng và bất lực. Thật đáng sợ khi tưởng tượng rằng điều này cũng sẽ xảy ra với chúng ta. Hầu hết các tôn giáo đem lại nguồn an ủi bằng cách phủ nhận bản chất của cái chết và đưa ra những giả thuyết về thế giới bên kia cho các linh hồn đã từng gắn liền với cơ thể của chúng ta. Linh hồn của một người cùng với bản sao của cơ thể của họ có thể đi đến một nơi siêu nhiên gọi là thiên đường hay một số tên khác, hoặc linh hồn của một người có thể chuyển hóa vào một con chim hay một người khác trên Trái đất. Các tôn giáo truyền giảng về thế giới bên kia thường đi xa hơn và sử dụng nó không chỉ để phủ nhận cái chết mà còn để đem đến hy vọng về một điều gì đó tốt đẹp hơn chờ đợi chúng ta sau khi chết, chẳng hạn như cuộc sống vĩnh cửu, đoàn tụ với người thân, giải thoát khỏi những mối quan tâm.
Ngoài nỗi đau về cái chết, có rất nhiều nỗi đau khác trong cuộc sống mà tôn giáo cũng giúp chúng ta xoa dịu theo nhiều cách. Một cách “giải thích” sự đau khổ là khẳng định nó không phải chỉ là một sự việc ngẫu nhiên vô nghĩa mà có một ý nghĩa sâu sắc hơn: ví dụ, để thử thách xem bạn có xứng đáng với thế giới bên kia không, hoặc để trừng phạt bạn vì tội lỗi bạn mắc phải, hay điều ác xảy ra với bạn do một số người xấu nào đó và bạn nên thuê pháp sư để truy tìm, tiêu diệt. Một cách khác là sự hứa hẹn bạn sẽ được đền bù ở thế giới bên kia cho những nỗi khổ đã trải qua: đúng vậy, bây giờ bạn đang phải chịu đựng, nhưng đừng sợ hãi, bạn sẽ được tưởng thưởng sau khi chết. Cách thứ ba là sự hứa hẹn không chỉ được bù đắp những đau khổ đã phải chịu đựng ở thế giới bên kia, mà những kẻ đã làm việc xấu với bạn cũng sẽ bị trừng trị khi hắn bước sang thế giới bên kia. Trong khi việc trừng phạt kẻ thù trên Trái đất này chỉ đem đến sự trả thù và thỏa mãn hữu hạn, sự tra tấn vĩnh cửu mà kẻ thù phải chịu sau khi chết trong Địa ngục của Dante17 sẽ đảm bảo cho bạn đạt được sự trả thù và thỏa mãn bạn hằng mong muốn. Địa ngục có một chức năng kép: để an ủi rằng những kẻ thù mà bạn không thể trả thù khi còn ở Trái đất sẽ bị trừng phạt; và để răn dạy bạn phải tuân theo những quy định đạo đức của tôn giáo, bằng cách đe dọa bạn cũng sẽ bị đày xuống Địa ngục nếu mắc lỗi. Như vậy, giả thuyết về thế giới bên kia đã giải quyết được nghịch lý của giáo lý (sự cùng tồn tại của cái ác và một Thiên Chúa tốt lành) bằng cách trấn an bạn rằng không có gì phải lo lắng; tất cả sẽ được giải quyết sau.
Chức năng an ủi này của tôn giáo hẳn đã xuất hiện trong giai đoạn đầu lịch sử tiến hóa của chúng ta, khi chúng ta đủ thông minh để nhận ra mình sẽ chết và tự hỏi tại sao cuộc sống thường đau đớn. Những người săn bắt – hái lượm thường tin vào những dạng tồn tại sau khi chết như linh hồn. Nhưng chức năng này đã được mở rộng rất nhiều sau đó cùng với sự xuất hiện của những tôn giáo được gọi là tôn giáo phủ nhận thế giới, không chỉ khẳng định có thế giới bên kia, mà thế giới đó thậm chí còn quan trọng hơn và lâu dài hơn cuộc sống trần gian này và mục tiêu chính của cuộc sống trần gian là để có được sự cứu rỗi và chuẩn bị cho thế giới bên kia. Sự phủ nhận thế giới không chỉ rõ nét trong Thiên Chúa giáo, Hồi giáo và một số hình thức của Phật giáo, mà còn đặc trưng cho một số triết lý thế tục (tức là, không liên quan đến tôn giáo) như thuyết của Plato. Những niềm tin như vậy có thể trở nên hấp dẫn đến nỗi một số tín đồ hoàn toàn phủ nhận cuộc sống trên thế gian. Các tu sĩ nam nữ cố gắng đạt được điều này bằng cách sinh sống, ăn ngủ một cách tách biệt khỏi thế giới trần tục, dù họ có thể ra ngoài hằng ngày để truyền bá, giảng dạy và thuyết giáo. Nhưng có một số giáo phái cô lập hoàn toàn khỏi thế giới trần tục. Trong số đó có dòng Cistercian với các tu viện lớn tại Rievaulx, Fountains Abbey và Jerveaulx ở Anh, là những di tích tu viện được bảo tồn tốt nhất nước Anh cho đến giờ bởi chúng được xây dựng cách xa các thị trấn và do đó ít bị cướp bóc, tái sử dụng sau khi bị bỏ hoang. Cực đoan hơn nữa là chủ nghĩa phủ nhận thế giới của một vài tu sĩ người Iceland, khi họ trở thành những ẩn sĩ sống ở những nơi hoàn toàn không có người ở Iceland.
Những xã hội quy mô nhỏ ít nhấn mạnh vào sự phủ nhận thế giới, sự cứu rỗi và thế giới bên kia so với những xã hội quy mô lớn, phức tạp và hiện đại. Có ít nhất ba lý do cho việc này. Đầu tiên, sự phân cấp và bất bình đẳng trong xã hội ngày càng tăng, từ xã hội bình đẳng quy mô nhỏ trở thành xã hội lớn phức tạp với sự xuất hiện của vua chúa, quý tộc, tầng lớp thượng lưu, tư hữu và thành viên của các gia tộc đứng đầu tương phản với tầng lớp nông dân nghèo và người lao động. Nếu mọi người xung quanh đều chịu đau khổ như bạn, thì không có sự bất công nào cần phải giải thích và không có ví dụ rõ ràng nào của một cuộc sống tốt đẹp hơn để khao khát. Nhưng nếu có một số người có cuộc sống thoải mái hơn, có quyền thống trị, rõ ràng bạn cần phải được giải thích và xoa dịu, đây là điều mà tôn giáo đem lại.
Lý do thứ hai giải thích việc những xã hội lớn phức tạp chú trọng hơn vào tính an ủi và thế giới bên kia so với các xã hội quy mô nhỏ là vì các bằng chứng khảo cổ học và dân tộc học cho thấy cuộc sống thực sự đã trở nên khó khăn hơn khi con người từ săn bắt – hái lượm chuyển thành nông dân và tập hợp thành những xã hội lớn hơn. Việc chuyển đổi sang sản xuất nông nghiệp làm số giờ lao động trung bình tăng lên, chế độ dinh dưỡng giảm xuống, bệnh truyền nhiễm và suy yếu cơ thể tăng lên, tuổi thọ suy giảm. Điều kiện sống càng trở nên xấu hơn nữa đối với giai cấp vô sản ở thành thị trong cuộc Cách mạng Công nghiệp, giờ làm việc bị kéo dài, trong khi điều kiện vệ sinh, y tế và việc vui chơi giải trí bị cắt giảm. Cuối cùng, như chúng ta sẽ thảo luận dưới đây, các xã hội đông dân phức tạp có nhiều quy chuẩn về đạo đức được chính thức hóa hơn, phân biệt rõ thiện ác trắng đen và dẫn đến các vấn đề lớn hơn của giáo lý: tại sao, trong khi bản thân bạn hành xử đức hạnh và tuân theo pháp luật, những kẻ phạm pháp và cả thế giới lại được phép ngược đãi bạn?
Cả ba lý do này giải thích vì sao chức năng an ủi của tôn giáo đã tăng lên trong những xã hội đông dân hơn và hiện đại hơn: đơn giản là vì những xã hội này tạo nên nhiều điều xấu hơn vì vậy mà chúng ta thèm khát sự an ủi. Vai trò an ủi này của tôn giáo giúp giải thích hiện tượng thường xuyên xảy ra khi bất hạnh khiến mọi người có xu hướng tin vào tôn giáo nhiều hơn, các tầng lớp xã hội, các khu vực và các nước nghèo hơn thường có khuynh hướng đi theo tôn giáo hơn những nước giàu có: vì họ cần được an ủi hơn. Trong các quốc gia trên thế giới hiện nay, tỷ lệ phần trăm công dân cho rằng tôn giáo là một phần quan trọng trong đời sống của họ là 80%-99% đối với hầu hết các quốc gia có tổng thu nhập bình quân đầu người trong nước (GDP) dưới 10.000 đô-la, nhưng con số này chỉ chiếm 17%-43% đối với hầu hết các quốc gia có GDP bình quân đầu người hơn 30.000 đô-la (Không tính đến những tín đồ người Mỹ giàu có mà tôi sẽ đề cập đến trong đoạn tiếp theo). Thậm chí chỉ trong nước Mỹ, có nhiều nhà thờ và nhiều tín đồ đi lễ trong khu vực nghèo hơn là trong khu vực giàu có, bất chấp nguồn lực về tài chính và thời gian lớn hơn có thể dùng để xây nhà thờ, đi lễ ở những khu vực giàu có. Trong xã hội Mỹ, sự tận tụy với tôn giáo là cao nhất và những nhánh Kitô giáo cực đoan nhất xuất phát từ những tầng lớp xã hội bị thiệt thòi, khó khăn nhất.
Ban đầu, có vẻ khó tin khi tôn giáo vẫn được duy trì và thậm chí còn phát triển trong thế giới hiện đại, bất chấp sự phát triển của hai yếu tố cản trở tôn giáo đã được đề cập đến: sự chiến thắng của khoa học trong việc giải thích nguồn gốc của tôn giáo; và sự thành công của nền công nghệ giúp gia tăng hiệu quả của việc giảm thiểu nguy cơ trong xã hội nằm ngoài tầm kiểm soát có thể dẫn đến việc cầu nguyện. Vậy mà tôn giáo không hề có dấu hiệu tàn lụi, có thể là vì sự ngoan cố tìm kiếm “ý nghĩa” của chúng ta. Con người luôn tìm kiếm ý nghĩa trong cuộc sống có vẻ như vô nghĩa, không mục đích và phù du của chúng ta trong một thế giới đầy bất hạnh không thể đoán trước. Cùng với khoa học, dường như việc nói rằng “có nghĩa” cũng thực sự không có ý nghĩa, và cuộc sống cá nhân của chúng ta thực sự là vô nghĩa, không mục đích và phù du như những hộp chứa gen chỉ có mục đích duy nhất là tự nhân giống. Một số người vô thần sẽ ngoan cố cho rằng vấn đề của giáo lý không tồn tại; thiện và ác chỉ là định nghĩa của con người; nếu bệnh ung thư hoặc một vụ tai nạn xe giết chết X và Y nhưng không giết chết A và B, đó chỉ là một thảm họa ngẫu nhiên; không có bất kỳ thế giới bên kia nào; nếu bạn đã phải chịu đựng hoặc bị bạc đãi trên Trái đất, sẽ chẳng có sự cứu rỗi nào cho bạn ở thế giới bên kia. Nếu bạn nói với những người vô thần, “Tôi không muốn nghe điều đó, hãy nói điều đó là không đúng sự thật, hãy chỉ ra một cách thức khoa học có thể giải thích ý nghĩa,” họ sẽ phản ứng lại rằng, “Yêu cầu của bạn là vô ích, quên nó đi, đừng tìm kiếm ý nghĩa nữa, không có bất kỳ ý nghĩa nào cả” – như Donald Rumsfeld nói về sự cướp bóc xảy ra trong cuộc chiến tranh ở Iraq, “Mọi chuyện chỉ đơn giản là xảy ra!” Nhưng chúng ta vẫn mang trong mình bộ não khao khát ý nghĩa như cũ. Chúng ta có hàng triệu năm lịch sử tiến hóa bảo chúng ta rằng, “Ngay cả khi đó là sự thật, tôi không thích như vậy và tôi sẽ không tin vào điều đó: nếu khoa học không lý giải được, tôi sẽ tìm đến tôn giáo”. Đây có thể là một yếu tố quan trọng trong sự tồn tại và thậm chí cả sự phát triển của tôn giáo trong thế kỷ của tăng trưởng khoa học và công nghệ. Nó có thể đóng góp một phần – chắc chắn không phải tất cả, nhưng có lẽ là một phần – để giải thích tại sao Hoa Kỳ, quốc gia có sự phát triển cơ sở khoa học và công nghệ cao nhất, cũng là nước sùng tín nhất trong số các nước giàu có nhất thế giới. Sự phân cách giàu-nghèo ở Mỹ lớn hơn ở châu âu cũng có thể là một phần của đáp án.
Tổ chức và sự tuân thủ
Bốn tính năng còn lại của tôn giáo mà tôi sẽ thảo luận – sự chuẩn hóa tổ chức, truyền giảng về sự tuân thủ chính trị, điều chỉnh hành vi đối với người lạ theo những quy chuẩn đạo đức chính thức và biện hộ cho chiến tranh – không có mặt trong những xã hội quy mô nhỏ, chúng chỉ xuất hiện cùng với việc hình thành sự cai trị, sự thành lập nhà nước, sau đó lại suy giảm trong các quốc gia thế tục hiện đại. Một thuộc tính nhất định của các tôn giáo hiện đại mà chúng ta thường mặc nhiên chấp nhận là các tổ chức được tiêu chuẩn hóa. Hầu hết các tôn giáo hiện đại đều có nhân sự ‘toàn thời gian’ như linh mục, ẩn sĩ, giám mục, thầy tế, hoặc bất cứ tên gọi nào khác; những người được nhận lương hoặc những nhu yếu phẩm của cuộc sống. Tôn giáo hiện đại cũng có nhà thờ (đền thờ, giáo đường Do Thái, nhà thờ Hồi giáo, v.v…). Trong mỗi giáo phái, mọi nhà thờ trực thuộc đều sử dụng chung một loại kinh thánh được chuẩn hóa (Kinh Thánh, kinh Torah, kinh Koran, v.v…), có chung các nghi lễ, phong cách nghệ thuật, âm nhạc, kiến trúc và lễ phục. Một người Công Giáo lớn lên ở Los Angeles có thể đến New York và tham gia những buổi lễ Chủ nhật ở một nhà thờ Công giáo New York mà vẫn thấy mọi nghi lễ là quen thuộc. Trái lại, đối với tôn giáo của những xã hội quy mô nhỏ, những đặc tính này không được chuẩn hóa (nghi lễ, nghệ thuật, âm nhạc, lễ phục) hoặc thậm chí không hề tồn tại (linh mục toàn thời gian, nhà thờ riêng, kinh thánh). Những xã hội quy mô nhỏ có thể có pháp sư của họ và một số những pháp sư này có thể nhận lệ phí hoặc quà tặng, nhưng các pháp sư này không phải là các chuyên gia toàn thời gian: Họ vẫn phải săn bắt – hái lượm và trồng trọt như mọi người trưởng thành khác trong bộ lạc hoặc tổ chức của mình.
Trong lịch sử, những tính năng tổ chức của tôn giáo xuất hiện để giải quyết vấn đề mới nổi khi xã hội loài người cổ đại trở nên giàu có hơn, đông dân hơn, có khả năng và bắt buộc phải tập trung hơn. Xã hội bộ lạc quá nhỏ và không đủ hiệu quả để tạo ra thực phẩm thặng dư để nuôi sống linh mục, người lãnh đạo, người thu thuế, pháp sư, hoặc bất kỳ chuyên gia nào. Thay vào đó, mỗi người trưởng thành đều phải tự tìm thức ăn bằng cách săn bắt – hái lượm hoặc trồng trọt. Chỉ những xã hội lớn hơn và có hiệu quả hơn mới tạo ra thặng dư để nuôi sống các nhà lãnh đạo hoặc các chuyên gia, những người này không cần phải trồng trọt hay săn bắt.
Sự phân bố thực phẩm này được hình thành như thế nào? Một tình trạng tiến thoái lưỡng nan hình thành từ sự kết hợp của 3 sự thật hiển nhiên: các xã hội đông dân có khả năng đánh bại các xã hội nhỏ; xã hội đông dân cần có người lãnh đạo toàn thời gian và các quan chức khác, bởi 20 người có thể ngồi xung quanh lửa trại để thảo luận nhưng 20 triệu người thì không thể; và các nhà lãnh đạo cùng các quan chức này vẫn cần tiêu thụ thực phẩm. Nhưng những tộc trưởng hay vua chúa làm thế nào để người nông dân chấp nhận thực tế đó – một hiện tượng mà bản chất là đánh cắp thực phẩm của họ bằng những giai cấp ăn bám xã hội? Vấn đề này là quen thuộc với tất cả công dân của bất kỳ xã hội dân chủ nào, những người đều tự hỏi mình cùng một câu hỏi vào mỗi kỳ bầu cử: những kẻ đương nhiệm đã làm được gì kể từ lần bầu cử trước để biện minh cho mức lương béo bở mà họ tự trả cho mình từ kho bạc của nhân dân?
Giải pháp đưa ra bởi các xã hội cai trị và nhà nước sơ khai nổi tiếng – từ Ai Cập cổ đại và Mesopotamia, đến Polynesia Hawaii, cho đến Đế chế Inca – là thành lập một tổ chức tôn giáo với các nguyên lý sau: người cai trị hay vua có liên quan đến các vị thần, hoặc thậm chí là một vị thần; người đó có thể đại diện cho người dân cầu xin các vị thần, ví dụ, để gọi mưa hoặc để đảm bảo một vụ mùa bội thu. Các tộc trưởng hay vua cũng thực hiện những công trình có giá trị như tổ chức để người dân xây dựng các công trình công cộng, như đường sá, hệ thống thủy lợi và nhà kho có lợi cho tất cả mọi người. Đổi lại, người dân phải nuôi sống người lãnh đạo, các linh mục và người thu thuế. Các nghi lễ được chuẩn hóa, được tiến hành tại những ngôi đền chuẩn hóa được dùng để phục vụ việc truyền giảng giáo lý tôn giáo cho người dân để từ đó giúp họ tuân theo tộc trưởng và những người dưới quyền của ông. Lực lượng quân đội chinh phục các vùng đất lân cận, mở rộng lãnh thổ vì lợi ích của người dân, cũng được nuôi sống bởi chính những người dân. Những đội quân như vậy mang lại hai lợi thế khác cho những nhà lãnh đạo: chiến tranh với các nước láng giềng có thể huy động năng lượng của những quý tộc trẻ đầy tham vọng có thể đe dọa đảo chính; và quân đội cũng sẵn sàng đàn áp những cuộc nổi dậy của nông dân. Khi các quốc gia thần quyền phát triển thành đế quốc Babylon và Rome cổ đại đòi hỏi ngày càng nhiều thực phẩm, lao động hơn, các cạm bẫy tôn giáo của các nhà nước này cũng trở nên phức tạp hơn. Vì vậy, Karl Marx xem tôn giáo như là thuốc phiện của nhân dân và là công cụ của giai cấp áp bức.
Tất nhiên, những thế kỷ gần đây trong thế giới Do Thái-Thiên Chúa giáo, xu hướng này đã bị đảo ngược, tôn giáo không còn là người hầu của bộ máy nhà nước như trước. Các chính trị gia và tầng lớp thượng lưu ngày nay sử dụng các phương tiện khác thay cho sự xác nhận của thần thánh để thuyết phục hoặc ép buộc dân chúng. Nhưng sự hợp nhất giữa tôn giáo và nhà nước vẫn tồn tại ở một số quốc gia Hồi giáo, Israel (cho đến gần đây) là Nhật Bản và ý. Ngay cả chính phủ Hoa Kỳ cũng sử dụng biểu tượng về Chúa trên tiền tệ của mình và để các giáo sĩ nhậm chức trong Quốc hội cũng như trong các lực lượng vũ trang và bất cứ tổng thống Mỹ nào (cho dù là Đảng Dân chủ hay Đảng Cộng hoà) đều nói “Chúa ban phước lành cho nước Mỹ” ở cuối bài phát biểu.
Quy chuẩn hành vi đối với người lạ
Tuy nhiên, một thuộc tính của tôn giáo rất quan trọng trong các xã hội nhà nước nhưng đã không có mặt trong những xã hội nhỏ là đưa ra khái niệm đạo đức về hành vi đối với người lạ. Tất cả các tôn giáo lớn trên thế giới đều giảng dạy điều gì là đúng, điều gì là sai và ta nên cư xử như thế nào. Nhưng mối liên hệ giữa tôn giáo và đạo đức này rất mỏng manh hoặc thậm chí không tồn tại, đặc biệt là khi liên quan đến hành vi đối với người lạ, trong xã hội New Guinea mà tôi từng trải nghiệm. Thay vào đó, nghĩa vụ xã hội ở đó phụ thuộc nhiều vào các mối quan hệ. Vì một bộ tộc chỉ gồm vài chục hoặc vài trăm người và ai cũng biết nhau. Mỗi người có nghĩa vụ khác nhau đối với những người thân khác nhau, đối với gia đình của vợ hay chồng, đối với các thành viên cùng bộ tộc của mình và đối với một số dân làng thuộc những bộ tộc khác.
Những mối quan hệ này xác định việc liệu bạn có thể gọi một người bằng tên của họ, kết hôn với họ, hoặc yêu cầu họ chia sẻ thức ăn và nhà ở với bạn không. Nếu bạn gây hấn với một thành viên khác trong bộ lạc, những người khác trong bộ lạc có liên quan đến bạn hoặc biết cả hai sẽ ngăn bạn lại. Vấn đề về việc đối xử một cách hòa bình với những người xa lạ không hề phát sinh, bởi các cá nhân không quen thuộc duy nhất là thành viên của bộ lạc đối địch. Vì vậy, một vấn đề mới đã phát sinh khoảng 7.500 năm trước, khi một số bộ lạc phát triển thành xã hội độc tài bao gồm hàng nghìn cá nhân – một con số quá lớn để bất kỳ người nào có thể biết hết tên và các mối quan hệ. Sự cai trị độc tài và xã hội nhà nước đối mặt với một vấn đề lớn về khả năng mất ổn định, bởi các quy tắc ứng xử cũ của bộ lạc không còn thích hợp. Nếu bạn va chạm với một người không quen và bắt đầu đánh nhau với anh ta theo quy tắc về hành vi của bộ lạc, cuộc ẩu đả này sẽ dẫn đến kết quả là người thân của bạn sẽ đứng về phía bạn và người thân của anh ta sẽ đứng về phía anh ta. Tử vong trong vụ ẩu đả này sẽ châm ngòi cho việc hai gia đình tìm cách giết lẫn nhau để trả thù. Khi đó cái gì sẽ cứu xã hội khỏi bị sụp đổ trong mớ hỗn độn của những vụ ẩu đả và trả thù không ngừng?
Giải pháp cho tình trạng khó xử này của các xã hội lớn được áp dụng trong chính xã hội của chúng ta và được ghi chép lại trong tất cả các xã hội cai trị và nhà nước sơ khai khác. Quy tắc ứng xử hòa bình được áp dụng giữa các thành viên trong xã hội, bất kể đó là người thân hay người lạ. Các quy tắc này được thực thi bởi các nhà lãnh đạo chính trị (tộc trưởng hoặc vua) và những đại diện của họ và những người biện minh cho các quy tắc này như một chức năng mới của tôn giáo. Các vị thần hoặc các thế lực siêu nhiên được cho là đã sáng lập ra những quy tắc này và hệ thống hóa thành những quy chuẩn đạo đức. Người dân được dạy từ nhỏ rằng phải tuân theo các quy tắc và sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc nếu vi phạm (vì bây giờ tấn công người khác cũng là một hành vi bất kính đối với các vị thần). Một ví dụ điển hình quen thuộc với tất cả người Do Thái và Thiên Chúa giáo là Mười Điều Răn.
Ở các xã hội hiện đại, những quy tắc về hành vi đạo đức trong xã hội đã vượt khỏi nguồn gốc tôn giáo của chúng. Lý do những người vô thần, cũng như nhiều tín đồ ngày nay không tiêu diệt kẻ thù của họ xuất phát từ các giá trị thấm nhuần trong xã hội, và từ nỗi sợ bị pháp luật trừng phạt hơn là cơn thịnh nộ của Chúa. Nhưng từ khi có sự xuất hiện của xã hội độc tài cho đến khi hình thành các nhà nước ngày nay, tôn giáo vẫn biện minh cho những quy chuẩn hành vi và giúp cho con người sống hòa thuận trong một xã hội rộng lớn, nơi chúng ta thường xuyên gặp những người lạ. Chức năng của tôn giáo cho phép người lạ sống hòa bình với nhau, và giáo dục quần chúng tuân theo các nhà lãnh đạo chính trị, tạo thành những khía cạnh song song thường được thảo luận về vai trò của tôn giáo trong việc duy trì trật tự xã hội. Như Voltaire đã nhận xét, “Nếu Chúa không tồn tại, Ngài sẽ phải được sáng tạo ra”. Tùy thuộc vào quan điểm của mỗi người, những vai trò này của tôn giáo sẽ được đánh giá là tích cực (thúc đẩy sự hòa hợp xã hội) hoặc tiêu cực (dẫn đến việc bóc lột quần chúng).
Biện minh cho chiến tranh
Một vấn đề khác mà xã hội độc tài và xã hội nhà nước phải đối mặt là chiến tranh, một vấn đề mà các bộ lạc trước đây không phải quan tâm. Bởi các bộ lạc chủ yếu sử dụng những mối quan hệ huyết thống hay hôn nhân, không liên quan đến tôn giáo, để thiết lập quy tắc ứng xử, họ không phải đối mặt với những tình huống khó xử về đạo đức trong việc tiêu diệt các thành viên của bộ lạc khác không có quan hệ với họ. Nhưng một khi nhà nước sử dụng tôn giáo để thiết lập hành vi hòa bình đối với những người đồng hương nhưng không có quan hệ gần gũi, làm sao để nhà nước đó thuyết phục người dân bỏ qua những giới luật này trong chiến tranh? Các nhà nước cho phép và thậm chí ra lệnh cho người dân ăn cắp cũng như giết chết công dân của các quốc gia khác đã tuyên bố chiến tranh với họ. Sau khi nhà nước đã bỏ ra 18 năm giảng dạy một cậu bé rằng, “Ngươi không được giết chóc,” làm thế nào nhà nước có thể quay ngược lại và nói, “Ngươi phải giết, trong một số trường hợp nhất định,” mà không làm binh lĩnh bối rối và có thể giết sai người (ví dụ, người đồng hương)?
Một lần nữa, trong lịch sử cổ đại và hiện đại, tôn giáo lại trở thành cứu cánh của một chức năng mới. Mười Điều Răn chỉ áp dụng cho đồng bào trong cùng một quốc gia. Hầu hết các tôn giáo đều tự xưng rằng chỉ họ nắm giữ sự thật, tất cả các tôn giáo khác đều sai. Thường trong quá khứ và cả ngày nay, người dân được dạy rằng họ không chỉ đơn thuần là được phép, mà còn có nghĩa vụ, giết chết và ăn cắp từ các tín đồ của những tôn giáo sai lạc đó. Đó chính là mặt trái bên cạnh tất cả những lời kêu gọi lòng yêu nước cao quý. Không có cách nào để hạn chế tội lỗi của những kẻ giết người cuồng tín trong hiện tại đã kế thừa những tôn giáo truyền thống từ lâu đời, phổ biến và sai lạc.
Trong Kinh Cựu Ước chứa đầy những lời hô hào tàn nhẫn với kẻ ngoại đạo. Ví dụ, Deuteronomy 20:10-18, giải thích nghĩa vụ của người Israel phải tiến hành diệt chủng: khi quân đội của ngươi tiếp cận một thành phố xa xôi, ngươi phải bắt tất cả các cư dân của nó làm nô lệ nếu nó đầu hàng, và giết tất cả đàn ông, bắt tất cả phụ nữ và trẻ em làm nô lệ, ăn cắp toàn bộ gia súc của chúng cũng như mọi thứ khác nếu thành phố đó không đầu hàng. Nếu đó là một thành phố của dân Canaan hoặc Hittite hoặc của bất kỳ những kẻ khả ố nào khác tin vào tà thần, thì đấng Thiên Chúa đích thực ra lệnh cho ngươi giết mọi vật thở được trong thành phố đó. Sách Joshua đã tán dương việc Joshua trở thành anh hùng bằng cách thực thi những chỉ dẫn đó, giết chết mọi cư dân của hơn 400 thành phố. Cuốn sách của giáo sĩ Do Thái Talmud đã phân tích những sự nhập nhằng có khả năng phát sinh từ mâu thuẫn giữa hai nguyên tắc: “Ngươi không được giết [tín đồ cùng trong Thiên Chúa giáo của ngươi]” và “Ngươi phải giết [tín đồ của các tôn giáo khác]”. Ví dụ, theo một số nhà bình luận kinh Talmud, một người Israel phạm tội giết người nếu anh ta cố ý giết chết một người Israel; nhưng là vô tội nếu anh ta cố ý giết chết một người không phải người Israel; và cũng vô tội nếu anh ta giết chết một người Israel khác trong khi ném đá vào một nhóm gồm 9 người Israel và 1 người ngoại đạo (vì anh ta có thể chỉ nhắm vào kẻ ngoại đạo).
Công bằng mà nói, quan điểm này chỉ là đặc trưng của Kinh Cựu Ước chứ không phải của Kinh Tân Ước mà các nguyên tắc đạo đức đã tách biệt khỏi những quy định về việc hành xử giữa người với người, ít nhất là trên lý thuyết. Nhưng tất nhiên trong thực tế, một số nạn diệt chủng rộng lớn nhất từng xảy ra trong lịch sử được thực hiện bởi những người châu âu theo đạo Thiên Chúa chống lại người không phải người châu âu, dựa trên sự biện hộ về đạo đức của cả Kinh Tân Ước và Cựu Ước.
Điều thú vị là trong xã hội New Guinea, tôn giáo không bao giờ được viện dẫn để biện minh cho việc giết chóc hoặc chiến tranh với các thành viên của bộ tộc khác. Nhiều người bạn New Guinea đã mô tả với tôi việc họ tham gia vào các cuộc tấn công diệt chủng nhằm vào những bộ tộc láng giềng. Nhưng chưa bao giờ tôi nghe được một manh mối nhỏ nào về động cơ tôn giáo, như chết cho Đức Chúa Trời hay tử vì đạo, hoặc hy sinh bản thân cho lý tưởng. Ngược lại, những tư tưởng được tôn giáo hỗ trợ đi kèm với sự gia tăng của các quốc gia tiêm nhiễm công dân của họ về nghĩa vụ tuân theo người lãnh đạo được Chúa chỉ ra, tuân theo giới luật đạo đức như Mười Điều răn với duy chỉ đồng bào, và được xả thân trong khi chiến đấu chống lại các nước khác (ví dụ, những kẻ ngoại đạo). Đó là lý do làm cho xã hội tôn giáo cuồng tín rất nguy hiểm: một phần rất nhỏ các tín đồ của chúng (ví dụ, 19 người trong ngày 11/9/2001) tử vì đạo và xã hội của những kẻ cuồng tín thành công trong việc tiêu diệt một số lượng lớn kẻ thù (ví dụ, 2.996 người chết ngày 11/9/2001). Quy tắc về những hành vi xấu đối với người ngoại đạo đạt mức đỉnh điểm trong 1.500 năm qua, khi những tín đồ Thiên Chúa và Hồi giáo cuồng tín gây ra chết chóc, nô lệ, hoặc ép buộc cải đạo lẫn nhau và trên các dân tộc khác. Trong thế kỷ XX, các quốc gia châu âu thêm vào những lý do thế tục khác để biện minh cho việc giết chết hàng triệu người dân của các quốc gia châu âu khác, tuy nhiên chủ nghĩa cuồng tín tôn giáo vẫn còn rất mạnh trong một số xã hội.
Phù hiệu cam kết
Những người thế tục vẫn còn bối rối và không hiểu rõ một số tính năng của tôn giáo. Quan trọng nhất là sự liên quan thường xuyên của nó với những niềm tin siêu nhiên phi lý, đến nỗi mà mỗi tôn giáo có một hệ thống khác nhau những niềm tin như vậy mà các tín đồ tin tưởng chắc chắn vào đó và bác bỏ hết những niềm tin tương tự của các tôn giáo khác; từ đó thúc đẩy thường xuyên những hành vi tốn kém, thậm chí tự hành hạ bản thân hoặc tự tử làm cho con người có vẻ sùng đạo ít đi – thay vì nhiều hơn; sự đạo đức giả cơ bản rõ ràng của nó khi rao giảng các quy tắc đạo đức và tự xưng độc tôn cả vũ trụ, trong khi cùng lúc đó ngăn chặn phần lớn hoặc hầu hết mọi người khỏi việc thực hiện các quy tắc đạo đức đó và giết chóc vì nó. Làm sao để giải thích những nghịch lý phiền phức này? Có hai giải pháp mà tôi thấy hữu ích.
Một giải pháp là nhận ra sự cần thiết phải có một tôn giáo cụ thể để các tín đồ thể hiện những “phù hiệu” cam kết đối với tôn giáo đó. Các tín đồ dành cả cuộc sống của họ với nhau và liên tục hỗ trợ lẫn nhau, trong một thế giới mà hầu hết mọi người khác đều gia nhập vào các tôn giáo khác, có thể là thù địch với tôn giáo của bạn, hoặc có thể hoài nghi tất cả các tôn giáo. Sự tồn tại, an toàn và thịnh vượng của bạn phụ thuộc vào việc xác định chính xác các tín đồ chung đạo của mình, và vào việc thuyết phục họ tin rằng họ có thể tin tưởng bạn cũng giống như bạn có thể tin tưởng họ. Bằng chứng nào và sự cam kết nào của bạn là đáng tin?
Để có thể tin được, các bằng chứng này phải dễ nhìn thấy và không ai sẵn sàng hoặc có thể giả mạo nhằm trục lợi tạm thời. Đó là lý do “phù hiệu” tôn giáo luôn tốn kém: sự cống hiến rất lớn về thời gian để tìm hiểu, thường xuyên thực hành các nghi lễ, cầu nguyện và các bài hát hay đi hành hương; cống hiến về nguồn lực, bao gồm cả tiền bạc, hiến lễ, hiến tế động vật; công khai tán thành các niềm tin không hợp lý mà những người khác sẽ nhạo báng là ngớ ngẩn; công khai chịu đựng hoặc thể hiện chứng cứ vĩnh viễn của những đau đớn thể xác như tự cắt và làm chảy máu các bộ phận nhạy cảm trên cơ thể, làm biến dạng bộ phận sinh dục, tự cắt cụt các khớp ngón tay. Nếu bạn thấy một người đã thực hiện những cam kết dẫn đến những hậu quả vĩnh viễn như vậy, chắc chắn họ thuyết phục được bạn nhiều hơn so với việc nói suông, “Hãy tin tôi, tôi đồng lòng với bạn, tôi cũng đội chung một loại nón (nhưng tôi có thể đã mua nó với giá rất rẻ ngày hôm qua và có thể vứt nó đi vào ngày mai).” Cũng với lý do cơ bản tương tự như vậy, các nhà sinh vật học tiến hóa nhận ra rằng nhiều tín hiệu động vật (chẳng hạn như đuôi con công) đã tiến hóa rất tốn kém, chính vì nó có độ tin cậy cao hơn. Khi một con công mái nhìn thấy một con công đực có cái đuôi to lớn xinh đẹp, nó có thể tin rằng một con đực có khả năng phát triển và sống sót với một cái đuôi lớn như vậy, chắc chắn phải có gen tốt hơn và được nuôi dưỡng tốt hơn một con công tỏ ra vượt trội nhưng chỉ có một cái đuôi nhỏ.
Một ví dụ thú vị minh họa cho cách tôn giáo thúc đẩy sự hợp tác nhóm và sự tận tâm với đạo là về tỷ lệ sống sót của các công xã ở Mỹ. Trong suốt quá trình lịch sử của Hoa Kỳ cho đến thời hiện đại, con người đã trải nghiệm với các mô hình công xã nơi mọi người có thể sống chung với những người khác cùng chia sẻ những lý tưởng của họ. Một số công xã chia sẻ những lý tưởng tôn giáo, một số khác có những động cơ không liên quan đến tôn giáo; có rất nhiều công xã phi tôn giáo đã được thành lập ở Mỹ vào những năm 1960 và 1970. Tất cả các công xã này đều chịu áp lực tài chính, thực tế, xã hội, tình dục và các sức ép khác, cũng như sự cám dỗ của thế giới bên ngoài. Phần lớn các công xã này đã giải tán, dần dần hoặc bùng nổ, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn trong cuộc đời của những người sáng lập. Ví dụ, trong những năm 1960, một người bạn của tôi là người đồng sáng lập ra một công xã ở một khu vực xinh đẹp, yên tĩnh, nhưng hẻo lánh ở Bắc California. Dần dần, các thành viên sáng lập khác đều bỏ đi vì sự cô lập, buồn chán, sự căng thẳng trong cộng đồng và nhiều lý do khác, cho đến khi bạn của tôi là người cuối cùng còn lại. Cô ấy vẫn sống ở đó, nhưng giờ đây cô ấy trở thành người đơn độc, không còn là thành viên của một tập thể nữa.
Richard Sosis so sánh số phận của hàng trăm tôn giáo và các hệ tư tưởng thế tục ở Mỹ được thành lập vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX. Hầu như tất cả cuối cùng đều tan rã, ngoại trừ một số khu cực kỳ thành công về những nhóm tôn giáo được biết đến như những Hutterite: tất cả 20 khu Hutterite đều tồn tại trong ví dụ của Sosis. Gác lại những khu Hutterite, 199 khu khác được nghiên cứu đều tan rã hoặc chết dần chết mòn, luôn luôn bắt đầu bằng sự mất lòng tin vào hệ tư tưởng của nhóm và cũng có khi do thiên tai, hay do cái chết của nhà lãnh đạo có sức lôi cuốn lớn, hay sự thù địch của thế giới bên ngoài. Tuy nhiên, xác suất giải thể hàng năm của các hệ tư tưởng thế tục cao gấp 4 lần so với các hệ tư tưởng tôn giáo. Rõ ràng, ý thức hệ tôn giáo có hiệu quả hơn hệ tư tưởng thế tục trong việc thuyết phục các thành viên duy trì sự tận tụy có vẻ không hợp lý, ngăn họ bỏ đi ngay cả khi làm như vậy có vẻ hợp lý hơn và để đối phó với những thách thức liên tục xảy ra trong một cộng đồng chia sẻ chung toàn bộ tài sản, dễ dàng bị lạm dụng bởi các thành viên khác. Ở Israel cũng vậy, trong nhiều thập kỷ đã tồn tại các kibbutzim18 theo tôn giáo và một số lượng lớn hơn các kibbutzim thế tục, các kibbutzim tôn giáo đã thành công hơn những khu thế tục khác mỗi năm, mặc dù các kibbutzim tôn giáo phải trả giá cao hơn vì những thực hành tôn giáo của họ (ví dụ, không lao động một ngày mỗi tuần).
Các biện pháp đo lường sự thành công của tôn giáo
Một giải pháp khác mà tôi thấy hữu ích trong việc giải quyết các nghịch lý tôn giáo là cách tiếp cận của nhà sinh học tiến hóa David Sloan Wilson. ông chú ý rằng một tôn giáo có chức năng xác định một nhóm người cạnh tranh với những nhóm theo các tôn giáo khác. Thước đo sự thành công tương đối của một tôn giáo đơn giản nhất là dựa trên số lượng các tín đồ. Tại sao thế giới hôm nay lại có hơn một tỷ người Công giáo, 14 triệu người Do Thái và không có người Albigensian Manichaean nào (một nhánh của Thiên Chúa giáo trước đây tin vào sự tồn tại song song của những thế lực siêu nhiên của cái ác và cái thiện bị kẹt trong cuộc chiến vĩnh viễn)?
Wilson nhận ra rằng số lượng tín đồ của một tôn giáo phụ thuộc vào sự cân bằng của nhiều quá trình khác nhau nhằm gia tăng số lượng tín đồ và những quá trình khác làm suy giảm con số đó. Số lượng tín đồ tăng thêm qua việc các tín đồ sinh con và nuôi dạy chúng thành công để tiếp tục đức tin của họ, việc cải đạo tín đồ của các tôn giáo khác hoặc những người vô thần. Con số này bị suy giảm do các tín đồ qua đời hay cải đạo qua các tôn giáo khác. Một người có thể dừng ở đây và nói, “Tất nhiên rồi, điều này quá hiển nhiên, vậy thì sao? – làm thế nào việc này giúp tôi hiểu được lý do số người Công giáo tin vào sự phục sinh của Chúa lại nhiều hơn số người Do Thái không tin?” Sức mạnh trong phương pháp tiếp cận của Wilson nằm ở chỗ nó cung cấp một khuôn khổ chung để kiểm tra riêng biệt các tác dụng khác nhau của niềm tin hay thực hành tôn giáo lên những quá trình làm tăng hoặc giảm số lượng tín đồ. Một số kết quả thì đơn giản, nhưng một số lại phức tạp hơn. Có vẻ như mỗi tôn giáo có một chiến lược riêng rất khác nhau để đạt được thành công.
Ví dụ, một tôn giáo ở Mỹ được gọi là phong trào Shaker rất thành công trong một giai đoạn của thế kỷ XIX, bất chấp yêu cầu các tín hữu phải sống độc thân và do đó mất đi phương pháp truyền bá phổ biến nhất của các tôn giáo (bằng cách có con). Đạo Shaker đạt được thành công của mình hoàn toàn bằng việc cải đạo qua nhiều thập kỷ. Trái ngược hoàn toàn, Do Thái giáo đã tồn tại hàng ngàn năm dù không cố gắng cải đạo. Và không có gì ngạc nhiên khi Thiên Chúa giáo và Hồi giáo, truyền bá việc cải đạo có số lượng tín đồ nhiều hơn Do Thái giáo rất nhiều, nhưng Do Thái giáo vẫn tiếp tục tồn tại nhờ các yếu tố khác góp phần gia tăng số lượng tín đồ của nó như: tỷ lệ sinh tương đối cao, tử vong thấp trừ những lúc bị tàn sát, chú trọng vào giáo dục để tạo ra nhiều cơ hội phát triển kinh tế, giúp đỡ lẫn nhau một cách mạnh mẽ, và ít tổn hại nếu chuyển đổi từ Do Thái sang các tôn giáo khác. Đối với người Albigensian Manichaean, sự biến mất của họ chỉ là kết quả gián tiếp từ niềm tin của họ rằng các thế lực thiện ác luôn ở trong một cuộc chiến vĩnh hằng. Không phải niềm tin đó không khuyến khích người Albigensian sinh con, hoặc là nó vô lý đến mức không thể truyền giảng và cải đạo. Mà vì niềm tin đó đối chọi quyết liệt với người Công giáo chính thống, những người đã khởi xướng một cuộc thánh chiến chống lại người Albigensian, họ đã bao vây và chiếm đóng tất cả thành trì rồi thiêu sống những người Albigensian còn lại.
Từ mô hình của Wilson, chúng ta nhận ra những lý do tinh tế hơn để trả lời một trong những câu hỏi lớn nhất của lịch sử tôn giáo phương Tây. Tại sao trong vô số các phe phái Do Thái giáo cạnh tranh với nhau và với những nhóm không phải Do Thái trong đế chế La Mã vào thế kỷ đầu tiên, một phe trở thành Kitô giáo ngày nay và nổi lên như một tôn giáo thống trị suốt ba thế kỷ sau đó? Trong thời kì cuối La Mã, những thuộc tính đặc trưng của Kitô giáo góp phần vào kết quả này bao gồm việc tích cực cho nhập đạo của nó (không giống như đạo Do Thái giáo chính thống), nó khuyến khích việc có nhiều con và cho phép nhiều người sinh tồn hơn (không giống như xã hội La Mã đương đại), mở rộng cơ hội hơn đối với phụ nữ (trái ngược với Do Thái giáo và ngoại giáo La Mã tại thời điểm đó, và cả Kito giáo sau này), hệ thống tổ chức xã hội hạ thấp tỷ lệ tử vong do bệnh dịch so với các đạo Thiên Chúa La Mã khác, và giáo lý Kitô về sự tha thứ. Giáo lý này thường bị hiểu lầm như một khái niệm đơn giản, nhưng thực tế nó là một phần của một hệ thống phức tạp, hệ thống các phản ứng khác nhau phụ thuộc vào bối cảnh, từ sự tha thứ đến trả thù. Trong một số trường hợp, các thử nghiệm kiểm tra được thực hiện bằng cách chơi mô phỏng cho thấy tha thứ cho một người đã mắc lỗi với bạn có thể là một phản ứng có nhiều khả năng mang lại lợi thế cho bạn trong tương lai.
Một ví dụ khác của việc sử dụng mô hình Wilson liên quan đến sự thành công của đạo Mormon, một trong những tôn giáo phát triển nhanh nhất trong hai thế kỷ qua. Những người không theo đạo Mormon thường có xu hướng nghi ngờ tuyên bố của người sáng lập ra đạo Mormon – Joseph Smith – mà tôi trích dẫn bên trên rằng thiên thần Moroni xuất hiện ngày 21 tháng 9 năm 1823, tiết lộ với ông về nơi chôn cất những bản khắc vàng trên một đỉnh đồi gần làng Manchester ở miền tây New York và đang chờ ông dịch lại. Những người không theo đạo Mormon cũng nghi ngờ các báo cáo của 11 nhân chứng (Oliver Cowdery, Christian Whitmer, Hiram Page và 8 người khác) tuyên thệ đã nhìn thấy và cầm trên tay những bản khắc vàng đó. Do đó, những người không theo đạo Mormon sẽ tự hỏi: làm thế nào những tuyên bố rõ ràng không hợp lý như vậy lại dẫn đến sự phát triển bùng nổ của đạo Mormon?
Cách tiếp cận của Wilson liên quan đến việc nhận ra rằng sự thành công của một tôn giáo trong việc gia tăng số lượng tín đồ không phụ thuộc vào giáo lý của nó có đúng hay không, mà phụ thuộc vào việc những giáo lý và những tập tục liên quan của nó có thúc đẩy các tín đồ sinh con đẻ cái, có thêm tín đồ cải đạo, tạo thành một xã hội hoạt động thuận lợi, hoặc tất cả những điều này hay không. Nói như Wilson, “Ngay cả những niềm tin hư cấu nhất cũng có thể thích nghi, miễn là chúng khuyến khích những hành vi thích nghi được trong thế giới thực… Kiến thức dựa trên sự thật không phải lúc nào cũng đủ để thúc đẩy hành vi thích nghi. Có lúc hệ thống niềm tin mang tính biểu tượng tách biệt khỏi thực tế lại làm việc này tốt hơn.”
Trong trường hợp của đạo Mormon, nguyên lý và những tập tục của nó đã thành công xuất sắc trong việc thúc đẩy tăng trưởng dân số. Người Mormon có xu hướng có nhiều con. Họ tạo thành một xã hội hỗ trợ mạnh mẽ và phụ thuộc lẫn nhau, đưa đến một cuộc sống đầy đủ và thỏa mãn cũng như động lực để làm việc. Họ nhấn mạnh việc cải đạo; trẻ con Mormon được yêu cầu phải cống hiến 2 năm để được cải đạo, dù ở nước ngoài hay trên quê nhà. Người Mormon phải đóng góp cho nhà thờ của họ mỗi năm một khoản bằng 10% thu nhập của họ (ngoài các khoản thuế nhà nước, thuế tiểu bang và địa phương như những công dân khác). Những đòi hỏi lớn về thời gian và nguồn lực như vậy đảm bảo rằng những người chọn trở thành hoặc vẫn theo đạo Mormon xem xét đức tin của họ một cách nghiêm túc. Còn đối với những tuyên bố đáng ngờ của Joseph Smith và 11 nhân chứng về những mặc khải19 của Chúa Trời trên những bản khắc vàng, thực sự điều này có gì khác biệt so với những điều trong kinh thánh về Jesus và Moses, ngoại trừ sự cách biệt hàng thiên niên kỷ về thời gian và sự hoài nghi khác nhau bắt nguồn từ chính sự khác nhau của nền giáo dục mà chúng ta được nuôi dạy?
Wilson có thể nói gì về thói đạo đức giả cơ bản có chung ở mọi tôn giáo, trong việc rao giảng nguyên tắc đạo đức cao quý nhưng đồng thời cũng thúc đẩy việc giết hại tín đồ của các tôn giáo khác? Trả lời của Wilson là sự thành công của một tôn giáo (hoặc “tính thích nghi” của nó, nếu sử dụng thuật ngữ sinh học tiến hóa) là tương đối và chỉ có thể được xác định bằng cách so sánh với sự thành công của các tôn giáo khác. Dù có thích hay không, sự thật là các tôn giáo chỉ có thể phát triển và thường gia tăng sự “thành công” của mình (định nghĩa theo số lượng tín đồ) bằng cách giết chết hoặc ép buộc sự chuyển đổi của tín đồ thuộc các tôn giáo khác. Như Wilson viết: “Bất cứ khi nào tôi bắt đầu nói về tôn giáo, tôi thường nhận được bản kinh cầu về những điều ác phạm phải nhân danh Thiên Chúa. Trong hầu hết các trường hợp là về những nỗi kinh hoàng của các nhóm tôn giáo chống lại nhau gây ra. Làm sao tôi có thể gọi tôn giáo là thích nghi trước những bằng chứng như vậy? Câu trả lời là‚ dễ dàng “miễn là chúng ta xem xét sự thích nghi trong điều kiện tương đối. Điều quan trọng là phải nhấn mạnh rằng một hành vi cần được giải thích từ khía cạnh tiến hóa mà không bị đánh giá về mặt đạo đức.”
Thay đổi trong chức năng của tôn giáo
Hãy cùng quay lại câu hỏi ban đầu của tôi về chức năng và định nghĩa của tôn giáo. Bây giờ chúng ta đã thấy lý do tại sao rất khó định nghĩa tôn giáo: bởi nó đã thay đổi chức năng trong quá trình phát triển. Trên thực tế, nó còn thay đổi chức năng nhiều hơn các cơ quan phát điện của loài cá chình điện, các cơ quan này chỉ có 6 chức năng trong khi có đến 7 chức năng khác nhau đặc trưng cho tôn giáo (biểu đồ 9.1). Trong số này, 4 chức năng hoàn toàn vắng mặt trong một giai đoạn lịch sử của tôn giáo và 5 chức năng vẫn còn hiện diện ngày nay nhưng suy giảm ở giai đoạn khác. Hai chức năng đã xuất hiện và đạt đến đỉnh cao vào thời điểm có sự xuất hiện của những con người thông minh biết đặt câu hỏi trước năm 50.000 TCN, liên tục suy giảm trong những thiên niên kỷ mới: giải thích siêu nhiên (suy giảm mạnh hơn) và xoa dịu sự lo lắng về những nguy hiểm không kiểm soát được thông qua nghi lễ (suy giảm chậm chạp). 5 chức năng còn lại hoặc vắng mặt (4 chức năng) hoặc rất yếu (chức năng thứ năm) trong xã hội những người thông minh sơ khai và tăng đến đỉnh cao trong giai đoạn vương quyền và hình thức xã hội nhà nước sớm (ba trong số năm) hoặc cuối thời kỳ Phục Hưng (hai trong số đó) và đã suy giảm phần nào hoặc giảm mạnh từ đỉnh cao đó.
Biểu đồ 9.1. Chức năng của tôn giáo thay đổi qua thời gian
4
Những thay đổi về chức năng làm cho việc định nghĩa tôn giáo khó khăn hơn việc xác định các cơ quan phát điện của cá chình, bởi các cơ quan phát điện mạnh nhất là đều có một đặc điểm là tạo ra điện trường phát hiện được trong môi trường xung quanh, trong khi không có thuộc tính nào là đặc trưng cho mọi tôn giáo. Trước nguy cơ suy nghĩ ra một định nghĩa khác để thêm vào Bảng 9.1, tôi muốn đề xuất định nghĩa: “Tôn giáo là một tập hợp các đặc điểm phân biệt một nhóm người trong xã hội chia sẻ những đặc điểm chung này với những nhóm khác không chia sẻ những đặc điểm này dưới hình thức đồng nhất. Luôn có ít nhất một hoặc nhiều hơn, thường là cả ba, trong số ba đặc điểm sau: giải thích siêu nhiên, xoa dịu nỗi lo lắng về những mối nguy không kiểm soát được thông qua các nghi lễ, đem đến sự an ủi cho những nỗi đau trong cuộc sống và cái chết. Các tôn giáo, chỉ trừ những tôn giáo sơ khởi nhất, đều hỗ trợ những tổ chức theo tiêu chuẩn nào đó, thúc đẩy sự tuân thủ chính trị, sự khoan dung đối với người lạ cùng thuộc tôn giáo của mình và biện hộ cho các cuộc chiến tranh giữa các nhóm tôn giáo khác nhau.” Định nghĩa của tôi cũng như những định nghĩa đã có trong Bảng 9.1, nhưng tôi nghĩ rằng nó đúng với thực tế hơn.
Còn tương lai của tôn giáo thì sao? Điều đó phụ thuộc vào thế giới sẽ thay đổi thế nào trong 30 năm tới. Nếu mức sống trên toàn thế giới vẫn tăng lên, thì các chức năng số 1 và 4-7 của tôn giáo trong Biểu đồ 9.1 sẽ tiếp tục giảm, nhưng chức năng 2 và 3 theo tôi vẫn tồn tại. Tôn giáo đặc biệt sẽ tiếp tục được ủng hộ trong việc đưa ra ý nghĩa cho sự sống và cái chết của mỗi cá nhân, điều mà khoa học không quan tâm. Ngay cả khi khoa học đưa ra câu trả lời đích thực cho việc tìm kiếm ý nghĩa này và nếu những giá trị ý nghĩa theo tôn giáo chỉ là một ảo tưởng, nhiều người sẽ tiếp tục không thích câu trả lời của khoa học. Mặt khác, nếu phần lớn thế giới vẫn còn nghèo đói, hoặc nếu (tệ hơn) nền kinh tế, mức sống trên thế giới và hòa bình trở nên tồi tệ hơn, thì mọi chức năng của tôn giáo, thậm chí cả những giải thích siêu nhiên, sẽ ‘hồi sinh’. Thế hệ con cái của tôi sẽ tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này.