Thị Trấn Tortilla Flat

CHƯƠNG 14



Về cuộc sống tốt đẹp ở nhà Danny, về con lợn làm quà, về nỗi đau của Bob Cao Kều, và về mối tình bị cấm cản của ông Ravanno.
 
★★★
 
Đồng hồ, bất kể treo tường hay đeo tay, không được các paisano của Tortilla Flat ưa dùng. Thỉnh thoảng một người trong hội bạn kiếm được một chiếc đồng hồ đeo tay bằng một cách thức dị thường, nhưng chàng ta chỉ giữ nó đủ lâu để đổi một món gì đó chàng thực sự muốn có. Ở nhà Danny, đồng hồ đeo tay có chút ít tiếng tăm, nhưng chỉ như một phương tiện trao đổi. Cho mục đích xem giờ, đã có cái đồng hồ mặt trời vĩ đại bằng vàng. Chẳng những nó tốt hơn một cái đồng hồ mà còn an toàn hơn, vì không có cách nào sang tay nó cho Torrelli.
Mùa hè, kim đồng hồ chỉ số bảy có thể thức dậy thoải mái, nhưng mùa đông cũng vào giờ ấy mà thức dậy thì chẳng ích gì. Mặt trời tốt hơn chán vạn lần! Khi mặt trời vượt qua khỏi ngọn thông treo chếch chếch trên hàng hiên trước, bất kể đông hay hè, khi ấy là giờ khắc hợp lý để thức dậy. Đó là lúc mà tay người ta không run run mà bụng người ta cũng không ọp ẹp vì trống rỗng.
Cướp Biển và bầy chó ngủ trong phòng khách, an toàn và ấm áp trong xó của mình. Pilon, Pablo, Jesus Maria, Danny và Joe Voi ngủ trong phòng ngủ. Cho dù rất tử tế và rộng lượng, Danny không bao giờ cho ai khác ngoại trừ bản thân chiếm giường của mình. Joe Voi đã thử hai lần, và đã bị quất gậy vào lòng bàn chân; cho nên ngay cả Joe Voi cũng biết rằng giường của Danny là bất khả xâm phạm.
Những người còn lại ngủ trên sàn, và giường chiếu của họ cũng kỳ cục. Pablo thì có ba tấm da cừu kết lại với nhau. Jesus Maria đi nghỉ bằng cách xỏ hai tay vào ống tay một áo khoác cũ và hai chân vào ống một chiếc áo khác. Pilon cuộn mình trong một cái thảm to. Hầu như lúc nào cũng vậy – Joe Voi chỉ đơn giản khoanh lại như một con chó, bận nguyên quần áo mà ngủ. Tuy Joe Voi không có khả năng giữ bất cứ món đồ gì quá lâu, chàng lại phát triển tài năng đổi chác mọi thứ rơi vào tay mình lấy ít rượu. Họ ngủ như thế, đôi khi ầm ĩ nhưng lúc nào cũng thoải mái. Một đêm lạnh nọ, Joe Voi cố mượn một con chó để giữ ấm chân, nhưng đã bị cắn ra trò, vì chó của Cướp Biển đâu có phải là để cho mượn.
Các cửa sổ đều không có rèm, nhưng Thiên nhiên hào phóng đã phủ lên kính cửa bằng mạng nhện, bụi và dấu vết gọn ghẽ của những hạt mưa.
“Cửa sổ kia nếu lau bằng nước và xà phòng thì hay đấy,” Danny có lần nói.
Trí tuệ sắc sảo của Pilon hăng hái lao ngay tới xử lý vấn đề, nhưng với chàng việc này quá dễ. Nó không đòi hỏi nhiều lắm khả năng của chàng. “Như vậy thì ánh sáng sẽ lọt vào nhiều hơn,” chàng nói. “Chúng ta sẽ không dành nhiều thời gian ngoài trời nếu như trong này có ánh sáng. Còn buổi tối, khi không khí rất độc, chúng ta lại không cần ánh sáng.”
Danny rút lui khỏi trận địa, vì dự án của chàng nếu chỉ mới đề cập chút ít đã gây ra phản đối nhanh chóng và rõ rệt như thế, nếu cứ khăng khăng làm thì sẽ dẫn đến thứ lô-gich khốc liệt nào đây? Cửa sổ được giữ y nguyên như vậy; dần dần, khi hết con ruồi này đến con ruồi kia lọt vào làm mồi nuôi gia đình nhện và bỏ xác trong các mạng nhện bám trên mặt kính, khi bụi chồng thêm bụi, căn phòng ngủ khoác lên mình vẻ thâm u nhã nhặn khiến họ có thể ngủ được trong ánh sáng nhờ nhờ ngay cả vào giữa trưa.
Họ, những người bạn, thanh thản ngủ; nhưng buổi sáng, khi ánh nắng rọi tới cửa sổ mà không lọt vào được nên biến lớp bụi thành màu bạc và tỏa sáng trên những con nhặng xanh lấp lánh ngũ sắc, những người bạn tỉnh dậy, duỗi người nhìn quanh tìm giày của mình. Họ biết khi nắng rọi lên cửa sổ thì ngoài hiên trước đã ấm áp.
Họ không quá vội vàng khi thức, không tung người dậy cũng không làm bất cứ cử động đột ngột nào khiến cơ thể bị sốc. Không, họ trỗi dậy từ giấc ngủ nhẹ nhàng như bong bóng xà phòng bay ra từ ống thổi. Họ lê gót xuống khe núi, vẫn còn nửa mơ nửa tỉnh. Dần dần họ mới tỉnh táo ra. Họ đốt một đống lửa, đun nước pha trà, uống trà bằng các hũ trái cây, và cuối cùng họ ra hiên trước ngồi sưởi nắng. Đám ruồi lửa lượn vòng vòng quanh đầu họ. Cuộc sống cứ thế định hình quanh họ, cả hình dáng của hôm qua và của ngày mai.
Những cuộc trò chuyện thường chậm chạp bắt đầu, vì mỗi người hãy còn nâng niu chút mơ ngủ còn sót lại. Từ lúc này đến tận chiều, đầu óc họ dần quy về một hướng. Rồi các mái nhà được nhấc lên, các căn nhà được ngó nghiêng vào, các động cơ được xem xét và các cuộc phiêu lưu được thuật lại. Thường ý nghĩ của họ sẽ đến với Cornelia Ruiz trước tiên, vì hiếm có ngày nào hay đêm nào mà Cornelia lại không có một cuộc phiêu lưu ly kỳ, thú vị nào đó. Và nó thường là một cuộc phiêu lưu bất thường mà từ đó người ta chẳng thể rút ra bài học luân lý nào.
Mặt trời lấp lánh trên đám lá thông. Đất dậy mùi khô ráo, dễ chịu. Những bông hồng dại tỏa hương ngào ngạt. Đây là một trong những quãng thời gian đẹp nhất đối với hội bạn của Danny. Cuộc tranh đấu cho sinh tồn thật xa xăm. Họ ngồi đó phán xét bạn bè mình, không phải phán xét vì đạo đức mà vì sở thích. Ai có chuyện gì hay thì thường dành chuyện ấy để kể lại vào lúc này. Mấy chú bướm nâu đại tướng bay đến bên bụi hồng dại, đậu trên các bông hoa và rung cánh nhịp nhàng như thể chúng đang hút mật bằng lực của đôi cánh.
“Tôi nhìn thấy Albert Rasmussen,” Danny nói. “Hắn từ nhà của Cornelia đi ra. Thật là rắc rối cho Cornelia. Ngày nào cũng có rắc rối gì đấy.”
“Ấy là kiểu sống của cô nàng,” Pablo nói. “Tôi chẳng phải là kẻ ưa ném đá, nhưng đôi lúc tôi nghĩ Cornelia hơi sinh động thái quá. Với Cornelia chỉ có hai thứ xảy ra, là yêu đương và ẩu đả.”
“Hừm,” Pilon nói. “Cậu còn muốn gì nào?”
“Cô ấy chẳng bao giờ bình yên,” Jesus Maria chùng giọng.
“Cô ả chẳng muốn chút bình yên đâu,” Pilon nói. “Trao bình yên cho cô nàng Cornelia ấy, cô ta sẽ lăn đùng ra chết. Yêu đương và ẩu đả. Chuyện đó hay chứ, Pablo. Yêu đương và ẩu đả, và thêm tí rượu nữa. Được thế thì ta sẽ luôn luôn trẻ trung, luôn luôn vui vẻ. Thế hôm qua chuyện gì xảy ra với Cornelia?”
Danny nhìn Pilon đắc thắng. Thật bất thường khi Pilon không biết tất cả mọi chuyện xảy ra. Lúc này, bằng vào vẻ tổn thương và tò mò trên mặt Pilon, Danny có thể chắc rằng Pilon không biết vụ này.
“Tất cả các anh đều biết Cornelia rồi đấy,” chàng bắt đầu. “Thỉnh thoảng cánh đàn ông mang quà đến cho Cornelia, một con gà, một con thỏ, hay một cái bắp cải. Chỉ những thứ nho nhỏ thôi là Cornelia đã khoái rồi. Chuyện là, hôm qua Emilio Murietta mang đến cho Cornelia một con lợn con, chỉ dài ngần này; một con lợn nhỏ màu hồng xinh xắn. Emilio tìm thấy con lợn ấy dưới khe núi. Con lợn nái đuổi theo khi cậu ta bắt lợn con, nhưng cậu ta chạy thật nhanh đến nhà Cornelia, mang theo con lợn đó. Cậu Emilio này dẻo mồm lắm. Cậu ta nói với Cornelia, ‘Chẳng có gì dễ thương hơn một con lợn. Gì nó cũng ăn. Nó là một con thú cưng dễ thương. Em sẽ yêu con lợn con này. Nhưng rồi nó sẽ lớn lên và tính cách sẽ thay đổi. Nó sẽ trở nên bần tiện và xấu tính, nên em sẽ không yêu nó nữa. Rồi có ngày nó cắn em, khiến em nổi giận. Thế là em ngả thịt nó ra xơi.’”
Những người bạn gật đầu lia lịa, còn Pilon nói, “Kể ra thì Emilio không phải tay vừa. Hãy xem, chỉ có một con lợn mà cậu ta tạo ra biết bao nhiêu khoan khoái – nào là tình mến thương, nào là tình yêu, sự trả thù và thực phẩm. Lúc nào tôi phải đi nói chuyện với Emilio mới được.” Nhưng những người bạn có thể nhận thấy Pilon đang ganh tị với một nhà lý luận kỳ phùng địch thủ.
“Kể tiếp chuyện con lợn đi,” Pablo nói.
“À thì,” Danny nói, “Cornelia nhận con lợn, cô nàng đối xử tử tế với Emilio. Cô ả bảo chừng nào cô nổi giận với con lợn ấy, Emilio có thể tới xơi vài phần. Ừm, rồi Emilio đi. Cornelia sửa soạn một cái thùng nhỏ cho con lợn ấy ngủ, ở gần bếp lò. Sau đó có mấy bà đến gặp Cornelia, cô ta cho họ bế con lợn ấy nựng nịu. Được một lúc thì Sweets Ramirez dẫm lên đuôi con lợn ấy. Ôi chao, nó rú như siêu nước sôi. Thế là cửa trước bung ra. Con lợn nái to đùng ấy xông vào tìm con mình. Bàn, đĩa bị hất tung cả. Ghế thì gãy hết. Nó cắn Sweets Ramirez, kéo váy Cornelia xuống, mãi tới khi các bà các cô chạy vào trong nhà bếp chốt cửa lại thì nó mới bỏ đi và con lợn con cũng đi theo. Bấy giờ Cornelia rất giận dữ. Cô ta nói sẽ tẩn Emilio một trận.”
“Ra vậy”, Pablo nói. “Đời là thế, chẳng bao giờ diễn ra theo cách ta dự liệu. Chuyện Bob Smoke Cao Kều tự sát cũng giống vậy.”
Các bạn ngoảnh mặt về phía Pablo với vẻ háo hức..
“Các anh chắc đều biết Bob Smoke,” Pablo bắt đầu. “Trông anh chàng cũng giống một cao-bồi, chân dài, người mảnh dẻ; nhưng anh chàng cưỡi ngựa không giỏi lắm. Ở các cuộc đua cưỡi ngựa bắt trâu bò anh ta thường hít bụi. Ấy vậy mà anh chàng Bob này lại muốn người ta ngưỡng mộ mình. Lúc nào diễu hành anh ta cũng thích cầm cờ. Khi có đánh nhau anh ta muốn làm trọng tài. Ở chỗ xem biểu diễn bao giờ anh ta cũng là người đầu tiên nói ‘Đằng trước ngồi xuống!’ Thế đấy, một người lúc nào cũng muốn vĩ đại, muốn người ta nhìn thấy, ngưỡng mộ mình. Có điều các anh có lẽ chưa biết, anh ta cũng muốn mọi người phải yêu mến mình.
“Tội nghiệp kẻ không may, anh ta là kẻ sinh ra để người khác cười nhạo. Một vài người thương hại anh ta, nhưng hầu hết chỉ cười nhạo anh. Chuyện cười cợt khiến Bob Cao Kều đau nhất.
“Có lẽ các anh nhớ lần ấy trong buổi diễu hành, anh ta mang lá cờ. Rất thẳng thớm Bob ngồi trên một con ngựa trắng cao to. Ngay trước chỗ các giám khảo ngồi, con ngựa to cao ngốc nghếch ấy xụi lơ vì nóng. Bob bay thẳng qua đầu ngựa, còn lá cờ thì phóng trên không như mũi lê rồi cắm phập xuống đất, đầu chúc xuống.
“Chuyện với anh ta là thế. Bất cứ khi nào anh ta cố làm người vĩ đại, thì chuyện gì đó sẽ xảy ra và mọi người được một phen cười. Các anh nhớ khi là người nuôi dạy chó, anh ta bỏ ra cả buổi chiều cố bắt một con con chó bằng dây thòng lọng. Mọi người trong thị trấn đều đến xem. Anh ta cứ ném sợi thừng tức thì con chó phủ phục xuống, sợi dây trượt qua và nó chạy mất. Ôi thôi, mọi người tha hồ cười. Bob xấu hổ quá nên tự nhủ, ‘Mình sẽ tự sát, rồi mọi người sẽ buồn. Họ sẽ hối hận vì đã cười mình.’ Rồi anh ta lên kế hoạch thế này, ‘Mình sẽ chờ tới khi nghe tiếng ai đó vào phòng. Mình sẽ dí súng ngắn lên đầu. Khi đó người kia sẽ cãi cọ với mình. Anh ta sẽ bắt mình hứa là không được tự sát. Mọi người sẽ hối hận vì đã dồn mình tới chỗ tự sát.’ Anh ta trù liệu như vậy.
“Thế là anh ta về căn nhà nhỏ của mình; thấy anh đi ngang mọi người đều gọi, ‘Bob, anh có bắt được con chó không?’ Về tới nhà anh ta buồn thỉu. Anh lấy một khẩu súng lục ra nạp đạn, rồi ngồi xuống đợi ai đó tới.
“Anh ta lên kế hoạch chuyện sẽ diễn ra như thế nào, và anh tập dượt với một khẩu súng lục. Người bạn sẽ nói, ‘Trời ơi, anh làm gì đấy? Đừng tự sát nhé, anh bạn đáng thương.’ Rồi Bob sẽ nói can cớ làm sao anh không muốn sống nữa bởi vì mọi người bần tiện quá.
“Anh ta nghĩ đi nghĩ lại về kế hoạch này, nhưng không ai tới cả. Ngày hôm sau anh cũng đợi nhưng cũng không ai tới. Nhưng đêm hôm sau nữa Charlie Meeler tới. Bob nghe tiếng anh kia ngoài hàng hiên bèn dí súng vào đầu. Anh kéo quy lát để khiến việc ấy trông có vẻ thực hơn. ‘Giờ hắn sẽ cãi cọ với mình, và mình sẽ để cho hắn thuyết phục,’ Bob nghĩ.
“Charlie Meeler mở cửa. Anh ta thấy Bob đang cầm súng tự chĩa vào đầu. Nhưng anh không la lên; không, Charlie Meeler nhảy tới chộp lấy súng làm súng cướp cò bắn bay chóp mũi của Bob. Thế là mọi người thậm chí còn cười đã đời hơn nữa. Báo cũng đưa tin về chuyện này. Cả thị trấn được mẻ cười.
“Các anh đều đã thấy mũi của Bob, với chóp mũi đã bị bắn bay đi rồi. Mọi người cười, nhưng cười như vậy cũng ác, họ cảm thấy không thoải mái. Kể từ đó, họ để cho Bob Cao Kều cầm cờ ở tất cả các buổi diễu hành nếu có. Thành phố còn mua cho anh ta một cái lưới để bắt chó.
“Nhưng anh ta không thể nào hạnh phúc với cái mũi như thế.” Pablo chợt im lặng rồi nhặt một cái que từ hàng hiên lên khẽ quất vào chân mình.
“Tôi nhớ mũi anh ta trông như thế nào,” Danny nói. “Anh chàng Bob đó không phải là người xấu. Khi Cướp Biển về, cậu ấy có thể kể thêm. Thỉnh thoảng Cướp Biển cho tất cả lũ chó của mình vào trong xe của Bob, khi đó mọi người sẽ nghĩ Bob đã bắt chúng, và mọi người nói, ‘Người bắt chó của chúng ta kìa.’ Bắt chó chẳng dễ dàng gì nếu đó là công việc.”
Từ nãy giờ Jesus Maria vẫn tư lự, đầu ngả vào tường. Chàng bình luận, “Bị cười nhạo còn tệ hơn là bị ăn roi. Lão Tomas, cái lão đàng điếm ấy, bị cười đến tận mồ. Sau đó người ta hối hận vì đã cười lão”.
“Và,” Jesus Maria nói, “còn có một loại cười khác nữa. Chuyện về Bob Cao Kều đó buồn cười; nhưng khi bạn ngoác mồm cười, một cái gì đó như một bàn tay sẽ bóp chặt trái tim bạn lại. Tôi biết chuyện lão Ravanno treo cổ hồi năm ngoái. Đó cũng là một chuyện buồn cười, nhưng không phải là dễ chịu gì khi cười đâu.”
“Tôi có nghe loáng thoáng,” Pilon nói, “nhưng không rõ đầu đuôi.”
“À,” Jesus Maria nói. “Tôi sẽ kể các anh nghe chuyện đó, các anh sẽ thấy liệu có cười được không. Hồi nhỏ, tôi hay chơi với Petey Ravanno. Petey là một thằng bé nhanh nhẹn, tốt bụng, nhưng luôn luôn dính vào rắc rối. Cậu ta có hai anh em trai và bốn chị em gái, còn cha cậu là ông già Pete. Cả nhà ấy giờ đi cả rồi. Một người con trai thì ở San Quentin, người kia bị một người làm vườn người Nhật giết vì ăn trộm một xe đầy dưa hấu. Còn các cô gái, ừ thì các anh biết con gái thì thế nào rồi; họ đi làm dâu. Giờ Susy đang làm dâu nhà bác Jenny ở Salinas.
“Vậy chỉ còn Petey và ông già ở lại. Petey lớn lên, lúc nào cũng vướng vào rắc rối. Cậu ta vào trại cải tạo một thời gian rồi quay về. Thứ bảy nào cậu ta cũng say xỉn, và lần nào cậu ta cũng ngồi tù ở Monterey đến thứ hai. Cha cậu nói chung là người thân thiện. Tuần nào ông ấy cũng say xỉn cùng Petey. Gần như họ luôn luôn ngồi tù cùng nhau. Ông già Ravanno cô đơn khi Petey không ở đó cùng ông. Ông thích Petey. Petey làm gì ông già cũng làm theo, ngay cả khi ông đã sáu mươi tuổi.
“Có thể các anh còn nhớ Gracie Montez?” Jesus Maria hỏi. “Cô nàng không phải là gái ngoan lắm. Lúc cô nàng mới mười hai tuổi, hạm đội hải quân ghé Monterey, và Gracie có đứa con đầu tiên, khi còn rất trẻ như vậy. Cô ấy xinh, như các anh đều thấy, và nhanh nhẹn, miệng lưỡi sắc sảo. Lúc nào trông cô ta cũng có vẻ chạy trốn đàn ông, còn đàn ông cong đuôi chạy theo cô ta. Đôi khi họ tóm được cô ta. Nhưng không thể lại gần cô ta. Lúc nào Gracie dường như cũng có điều gì dễ thương mà cô ta không trao cho ai cả, điều gì đó sâu thẳm trong mắt cô nói, ‘Nếu tôi thật sự muốn, tôi sẽ đối xử với anh khác hẳn bất kỳ người đàn bà nào anh từng biết.’”
“Tôi biết chuyện đó,” Jesus Maria nói, “vì chính tôi cũng chạy theo Gracie. Petey cũng theo cô ta. Chỉ có điều, Petey làm khác.” Jesus Maria nhìn thật sâu vào mắt các bạn để nhấn mạnh luận điểm của mình.
“Petey muốn cái mà Gracie có tha thiết đến nỗi cậu trở nên còm cõi, mắt cậu ta thao láo và thất thần như mắt những người hút cần sa. Petey không ăn được, cậu lăn ra ốm. Ông già Ravanno đến nói chuyện với Gracie. Ông nói, ‘Nếu cô không tử tế với Petey, nó sẽ chết mất.’ Nhưng cô ta chỉ cười. Cô ta chẳng phải là người tử tế gì cho cam. Rồi em gái út của cô là ’Tonia bước vào phòng. ’Tonia mới mười bốn tuổi. Ông già nhìn cô bé nín thở. ’Tonia giống như Gracie, cũng với cái vẻ bí ẩn không chịu đầu hàng đàn ông. Ông già Ravanno không kiềm được. Ông nói, ‘Lại đây với ta, cô bé.’ Nhưng ’Tonia không phải là cô bé. Cô ta biết. Nên cô phá lên cười và chạy ra khỏi phòng.
“Sau đó ông già Ravanno đi về nhà. Petey nói, ‘Có chuyện gì với cha rồi, thưa cha.’
“‘Không có gì, Petey,’ ông nói, ‘có điều, cha e rằng con sẽ không thể lấy được Gracie để mà khỏe lại.’ “Si tình quá – cả cái nhà Ravanno ấy!
“Rồi các anh nghĩ sao?” Jesus Maria tiếp tục. “Petey đi thái mực cho lão Chin Kee, cậu ta mang quà đến cho Gracie, những chai Agua Florida to đùng với cả ruy-băng và nịt bít-tất. Cậu ta trả tiền chụp ảnh cho cô ta, ảnh màu cơ đấy.
“Quà thì Gracie nhận hết nhưng cô ta vừa chạy trốn cậu ấy vừa cười hí hí. Các anh phải nghe giọng cô nàng cười thế nào kìa. Nó khiến ta vừa muốn bóp cổ đồng thời vừa muốn nựng nịu cô. Nó khiến ta muốn phanh thây cô và móc cái thứ ấy bên trong cô ra. Tôi biết cảm giác ấy thế nào. Tôi đã theo đuổi cô ta mà, và Petey kể với tôi cậu ấy cũng vậy. Nhưng chuyện ấy khiến Petey phát điên. Cậu ta không thể nào ngủ được. Cậu ấy nói với tôi, ‘Nếu Gracie chịu làm đám cưới với tôi trong nhà thờ, thì nàng sẽ không dám chạy trốn nữa, bởi vì nàng đã kết hôn, khi ấy chạy trốn sẽ là tội lỗi.’ Vậy là cậu ấy cầu hôn. Cô ta cười ha há, giọng cười the thé khiến người ta muốn bóp cổ cô ta.
“Ôi chao, Petey phát điên. Cậu ấy về nhà, luồn dây thừng qua xà nhà rồi đứng trên một cái thùng, tròng dây quanh cổ, rồi đá đổ thùng. Cũng may lúc đó cha Petey về tới. Ông cắt dây và gọi bác sĩ. Nhưng phải hai giờ sau Petey mới mở mắt ra và phải bốn ngày sau cậu ấy mới có thể nói.”
Jesus Maria dừng lại. Chàng kiêu hãnh nhìn các bạn đang chồm tới hóng nghe. “Chuyện là thế đấy,” chàng nói.
“Nhưng Gracie Mortez lấy anh chàng Petey Ravanno ấy mà,” Pilon hào hứng kêu lên. “Tôi biết cô ấy. Cô ấy là một phụ nữ đứng đắn. Cô ấy không bao giờ lỡ lễ mi-xa, và tháng nào cũng đi xưng tội một lần.”
“Bây giờ thì như thế,” Jesus Maria đồng ý. “Ông già Ravanno nổi giận. Ông chạy tới nhà Gracie, réo, ‘Cô nhìn xem sự ngu ngốc của cô giết con trai tôi như thế nào. Nó cố tự tử vì cô, đồ gà chỉ biết ỉa.’
“Gracie lo sợ, nhưng cô cũng hài lòng, bởi không quá nhiều phụ nữ có thể khiến đàn ông liều mạng đến thế. Cô ta tới thăm Petey khi Petey còn nằm trên giường, cổ bị vẹo. Không lâu sau họ cưới nhau.
“Chuyện cũng đã chuyển biến theo cách mà Petey đã nghĩ. Khi nhà thờ bảo cô ta phải làm vợ tốt, cô ấy làm người vợ tốt. Cô ấy không chớt nhả với đàn ông nữa. Cô ta không bỏ chạy để đàn ông đuổi theo nữa. Petey đi thái mực, rồi chả mấy chốc lão Chin Kee cho phép cậu ta đổ mực trong thùng ra. Không lâu sau đó cậu ta làm quản đốc xưởng chế biến mực. Các anh thấy đấy,” Jesus Maria nói, “cả một câu chuyện hay ho. Nếu chỉ dừng ở đó, nó sẽ là một câu chuyện hay cho các cha xứ kể lại.”
“Ồ, đúng rồi,” Pilon trịnh trọng nói. “Trong câu chuyện này có nhiều điều để học.”
Những người bạn gật đầu tán thưởng, vì họ thích một câu chuyện có ý nghĩa.
“Tôi cũng biết một cô gái ở Texas y như thế,” Danny nói. “Có điều cô ấy không thay đổi. Họ gọi cô ta là vợ của trung đội hai. ‘ Bà Trung đội hai,’ họ gọi thế.”
Pablo giơ tay lên. “Chuyện này còn dài nữa,” chàng nói. “Để Jesus Maria kể nốt đi.”
“Đúng rồi, còn nữa. Và đấy không phải là một câu chuyện có hậu. Ông già vẫn còn đó, hơn sáu mươi tuổi. Petey và Gracie dọn sang sống ở một ngôi nhà khác. Ông già Ravanno cô đơn, vì ông ấy đã luôn luôn sống cùng với Petey. Ông ấy chẳng biết làm gì cho hết ngày hết giờ. Ông chỉ ngồi đó, trông buồn bã, cho đến một ngày ông gặp lại ’Tonia. ’Tonia mười lăm tuổi, cô bé thậm chí còn xinh đẹp hơn Gracie. Một nửa số binh sĩ ở Presidio bám theo cô như những con chó con.
“Chuyện đã từng xảy ra với Petey như thế nào thì cũng xảy ra với ông già y như thế. Dục vọng khiến ông nhức nhối khắp cả người. Ông không ăn không ngủ được. Má ông hóp lại, mắt ông trông như mắt những người hút cần sa. Ông mang kẹo đến cho ’Tonia, cô bé chộp kẹo từ tay ông rồi cười nhạo ông. Ông nói, ‘Đến với ta nào, người dấu yêu bé bỏng, vì ta là bạn của nàng.’ Cô bé lại phá ra cười.
“Rồi ông già kể cho Petey nghe chuyện. Petey cũng phá ra cười. ‘Cụ khốt ngớ ngẩn ơi,’ Petey nói. ‘Cha đã có đủ đàn bà trong đời rồi. Đừng chạy theo trẻ con.’ Nhưng chẳng ích gì. Ông già Ravanno ốm tương tư. Họ đều si tình cả, những tay nhà Ravanno ấy. Ông ta nấp trong đám cỏ ngắm cô bé đi ngang qua. Trong lồng ngực ông, trái tim đau thắt lại.
“Cần tiền để mua quà, nên ông kiếm việc ở Trạm đổ xăng. Ông cào sỏi và tưới hoa ở trạm đó. Ông đổ nước vào bộ tản nhiệt và lau kính chắn gió. Có được xu nào là ông ta mua quà cho ’Tonia, kẹo, ruy-băng và áo đầm. Ông trả tiền để cô bé được chụp ảnh màu.
“Cô bé chỉ cười nhiều hơn, còn ông già gần như điên khùng. Nên ông nghĩ, ‘Nếu hôn nhân trong nhà thờ khiến Gracie trở thành đàn bà tốt, hẳn nó cũng khiến ’Tonia trở thành đàn bà tốt.’ Ông cầu hôn cô. Cô càng cười tợn hơn bao giờ hết. Cô tung váy vào ông làm ông càng bấn loạn. Ôi chao, cô ta là con quỷ, cái con bé ’Tonia đó.”
“Ông ta là một lão ngốc,” Pilon kẻ cả nói. “Người già không nên chạy theo con nít. Họ nên ngồi sưởi nắng.”
Jesus Maria tiếp lời đầy tức giận, “Những tay nhà Ravanno ấy thì khác,” chàng nói, “họ si tình lắm.”
“Dào, chả phải thứ hay hớm gì,” Pilon nói. “Như thế là làm mất mặt Petey.”
Pablo ngoảnh sang chàng. “Để Jesus Maria kể tiếp. Đây là câu chuyện của cậu ấy, không phải của huynh. Khi khác bọn tôi sẽ nghe huynh kể.”
Jesus Maria nhìn Pablo vẻ biết ơn. “Như tôi đang kể đấy, ông già không thể chịu đựng thêm nữa. Nhưng ông ta không phải là người có óc sáng tạo. Ông ta không giống như Pilon. Ông ta chẳng thể nghĩ ra trò gì mới. Ông già Ravanno nghĩ như thế này:‘Gracie cưới Petey vì nó treo cổ. Ta sẽ treo cổ, có thể ’Tonia sẽ cưới ta.’ Rồi ông nghĩ, ‘Nếu không ai sớm tìm thấy ta, ta sẽ chết chắc. Phải để ai đó tìm ra ta.’
“Các anh phải biết,” Jesus Maria nói, “ở trạm xăng đó có một nhà chứa dụng cụ. Sáng sớm, ông già đi xuống mở khóa nhà chứa dụng cụ và cào sỏi, tưới hoa trước khi trạm mở cửa. Những người khác tới sở làm lúc tám giờ. Thế rồi, một sáng, ông già vào trong nhà chứa dụng cụ mắc một sợi dây thừng lên. Rồi ông chờ đến tám giờ. Ông thấy mấy người đang đến. Ông tròng dây thừng quanh cổ rồi bước khỏi một cái ghế băng. Ngay khi ông vừa làm như thế, cánh cửa nhà chứa dụng cụ sập lại.”
Những nụ cười nở ra trên gương mặt hội bạn. Họ nghĩ đôi khi cuộc đời rất, rất chi là hài hước.
“Những người kia không nhớ ra ông ngay lập tức,” Jesus Maria tiếp. “Họ nói, ‘Lão già đó chắc say xỉn rồi.’ Một tiếng đồng hồ sau họ mới mở cửa nhà chứa dụng cụ đó.” Chàng nhìn quanh.
Nụ cười vẫn còn trên mặt những người bạn, nhưng ấy là những nụ cười đã thay đổi. “Các anh xem,” Jesus Maria nói, “chuyện này buồn cười. Nhưng nó cũng bóp nghẹt tim ta.”
“‘Tonia có nói gì không?” Pilon hỏi. “Cô ta có học được một bài học và thay đổi cách sống?”
“Không. Cô ta không thay đổi. Petey kể chuyện cho cô ta, song cô ta phá ra cười. Petey cũng cười. Nhưng cậu ấy rất xấu hổ. ’Tonia nói, ‘Ông già mới ngốc làm sao’, và ’Tonia nhìn Petey cái kiểu của mình.
“Rồi Petey nói, ‘Có một em gái như nàng thật tốt. Một đêm nào đó tôi sẽ đi vào rừng với nàng.’ Khi đó ’Tonia lại phá ra cười, bỏ chạy đi một đoạn. Rồi cô nói, ‘Anh có nghĩ em xinh đẹp như Gracie không?’ Thế là Petey theo cô ấy vào trong nhà.”
Pilon phàn nàn, “Chuyện này không hay. Có quá nhiều ý nghĩa, quá nhiều bài học trong ấy. Một số bài học ấy lại trái ngược nhau. Chẳng có một câu chuyện nào đáng nhớ cả. Nó chẳng chứng tỏ điều gì.”
“Tôi thích câu chuyện này,” Pablo nói. “Tôi thích bởi vì chẳng thấy nó có nghĩa gì cả, thế mà nó vẫn có vẻ như có ý nghĩa gì đó, tôi không nói được là gì.”
Mặt trời đã sang chính ngọ, không khí nóng rẫy.
“Tôi thì đang nghĩ không biết Cướp Biển sẽ mang đồ ăn gì về,” Danny nói.
“Có một đội đánh cá thu ngoài vịnh,” Pablo thông báo.
Mắt Pilon sáng bừng lên. “Tôi vừa nghĩ ra một kế hoạch,” chàng nói. “Hồi nhỏ, anh em tôi sống cạnh đường tàu. Hằng ngày khi tàu đi ngang qua, anh em bọn tôi ném đá vào đầu máy, và người đốt than trên tàu ném than vào bọn tôi. Có lúc bọn tôi nhặt được cả một xô to đầy than đem về nhà cho mẹ. Bây giờ tôi nghĩ chúng ta có thể mang đá xuống cầu cảng. Khi các tàu lại gần ta sẽ chửi, ta sẽ ném đá. Bọn dân chài có thể đáp trả ta thế nào chứ? Liệu họ có thể ném mái chèo, hoặc lưới? Không. Họ chỉ có thể ném cá thu.”
Danny hớn hở đứng dậy. “Thế mới là kế hoạch chứ!” chàng kêu lên. “Làm thế nào mà Pilon nhỏ bé lại là bạn của chúng ta được nhỉ! Chúng ta biết làm gì nếu không có Pilon? Đi nào, tôi biết một chỗ có một đống đá to.”
“Tôi thích cá thu hơn bất cứ loại cá nào khác,” Pablo nói.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.