Nếu ta có thể gắn một tiểu thuyết gia với một địa phương, John Steinbeck sẽ mãi mãi được gắn kết với vùng Monterey, bang California, và vịnh Monterey, bối cảnh của ba trong số các tiểu thuyết nổi tiếng nhất của ông: Thị Trấn Tortilla Flat, Phố Cannery[1] và phần tiếp theo là cuốn Ngày Thứ Năm Ngọt Ngào[2]; thêm nữa là bản khắc họa chân dung người bạn ông, Ed Ricketts, trong cuốn Khúc Gỗ Từ Biển Cortez[3].
Mặc dù sinh ra ở Salinas, nhưng gia đình Steinbeck có nhà ở Pacific Grove, thuộc vùng Monterey; Steinbeck thường ở đó, vì ông say đắm với hơi thở con người của phố Cannery, bị biển hớp hồn, và bị ngành sinh vật học hải dương mê hoặc.
Steinbeck theo học tại trường Đại học Stanford từ năm 1919 đến năm 1925 với nhiều gián đoạn, và mặc dù không bao giờ nhận được mảnh bằng nào, song ông được hưởng lợi nhiều từ các khóa học tiếng Anh và sinh vật học hải dương. Vào các quãng thời gian khác nhau, ông đi làm công việc coi sóc một điền trang mùa đông trong vùng Lake Tahoe, làm kỹ thuật viên phòng thí nghiệm cho các nhà máy đường ở Spreckles, làm phu xây dựng khu Công viên Quảng trường Madison ban đầu ở New York, và làm phóng viên báo ngày ở New York.
Câu chuyện về ba cuốn sách đầu tiên của ông ngày nay đã là một phần của huyền thoại Steinbeck: Chiếc Cốc Vàng[4] (1929), Đồng Cỏ Nhà Trời[5] (1932), Gửi Vị Thần Chưa Biết[6] (1933) được ba nhà xuất bản khác nhau in. Và cả ba đều phá sản trong thời kỳ Đại suy thoái. Cuốn Chiếc Cốc Vàng bán được có 1.533 bản, bởi vì chẳng mấy nhà phê bình buồn điểm cuốn sách khi nó được in lần đầu, vốn chỉ hai tháng sau khởi đầu của thời Đại suy thoái. Đồng Cỏ Nhà Trời đem lại cho Steinbeck một khoản tạm ứng 400 đô-la. Với cả Chiếc Cốc Vàng lẫn Gửi Vị Thần Chưa Biết, Steinbeck cũng chỉ kiếm được khoản tiền tạm ứng 250 đô-la cho mỗi cuốn.
Trước khi phát hành Đồng cỏ nhà trời, Steinbeck gặp và cưới người vợ đầu tiên, Carol Henning. Từ 1930 đến 1933, gia đình Steinbeck sống ở Pacific Grove, California, rồi chuyển đến Los Angeles, rồi lại chuyển về vùng Monterey, bối cảnh của các cuốn Thung Lũng Dài[7], Thị Trấn Tortilla Flat, Phố Cannery và Ngày Thứ năm Ngọt Ngào. Khu vực Watsonville là địa điểm của một vụ đình công mà Steinbeck hư cấu trong cuốn Trong Trận Chiến Mơ Hồ, còn Thung lũng Salinas là địa điểm của cuốn Phía Đông Vườn Địa Đàng[8].
Trong nhiều tác phẩm chính của mình, Steinbeck cơ hồ chưa bao giờ rời khỏi miền duyên hải California cũng như hình ảnh của người dân và các nơi chốn ở Del Monte, Pacific Grove, Pebble Beach, Monterey, Carmel, Corral de Terra (vốn được hư cấu thành Đồng Cỏ Nhà Trời), và Salinas. Với các kịch bản phim Ngôi Làng Bị Bỏ Quên[9] và Viva Zapata!; và trong Hạt Ngọc[10], Biển Cortez[11], Khúc Gỗ Từ Biển Cortez, ông du hành xuyên biên giới sang Mexico, nhưng vẫn rất gần gũi với vùng đất của tuổi thơ mình.
Trong khi ba cuốn sách đầu tiên của Steinbeck nằm mốc meo trên các kệ sách ở nước Mỹ giữa thời kỳ Đại suy thoái, ông đã bắt đầu viết cuốn thứ tư, Thị Trấn Tortilla Flat. Trong thời gian viết cuốn này, một cuộc gặp gỡ tình cờ giữa hai người bạn cũ ở Chicago đã làm thay đổi sự nghiệp Steinbeck mãi mãi. Cuộc gặp diễn ra giữa Ben Abramson – một chủ tiệm sách, và Pascal Covici – người trước đây cũng sở hữu một tiệm sách ở Chicago và đã mở một công ty xuất bản của riêng mình.
Abramson giục Covici đọc Đồng Cỏ Nhà Trời; Covici đọc xong, quyết định rằng sách của Steinbeck đáng được in. Sau đó, ông liên lạc với đại diện của Steinbeck ở hãng McIntosh và Otis. Năm 1935, Covici xuất bản Thị Trấn Tortilla Flat, một năm rưỡi sau khi Steinbeck gửi bản thảo đến McIntosh và Otis.
Trong những năm của thời kỳ Đại suy thoái, ai mà không bị mê hoặc khi đọc Thị Trấn Tortilla Flat? Với nhiều người trong thời kỳ Đại suy thoái, đọc sách và xem phim đơn giản và thuần túy chính là một cách thoát ly. Thoát ly khỏi nghèo khó triền miên, thoát ly khỏi âu lo về tiền thuê nhà, thoát ly khỏi âu lo về làm thế nào để kiếm việc (hoặc bám víu một công việc lao động phổ thông), thậm chí thoát ly khỏi âu lo về việc lấy đâu ra tiền để mua thức ăn tuần tới.
Với nhiều độc giả của Thị Trấn Tortilla Flat trong thời kỳ Đại suy thoái, cuốn tiểu thuyết là sự thoát ly và giải trí thuần túy. Steinbeck viết về Danny và hội những người anh em của chàng, các paisano sống ở vùng Monterey:
Paisano là ai? Một paisano là một người mang dòng máu lai giữa người Tây Ban Nha, người da đỏ, người Mexico và đủ thứ dòng máu da trắng. Tổ tiên anh ta đã sống ở California hơn một hay hai trăm năm. Anh ta nói tiếng Anh bằng giọng paisano và nói tiếng Tây Ban Nha cũng bằng giọng paisano. Khi bị chất vấn về chủng tộc, anh ta phẫn nộ tuyên bố mình mang dòng máu Tây Ban Nha thuần khiết và xắn tay áo lên cho người ta xem phần thịt mềm phía trong cánh tay mình gần như có màu trắng. Màu da anh, giống như màu của một cái tẩu thuốc nâu đã lên nước, anh đổ tại cháy nắng. Một paisano là như thế và anh ta sống ở cái thị trấn nằm trên sườn đồi về mạn phía trên của Monterey tên là Tortilla Flat, tức Tortilla bằng phẳng, mặc dù nó chẳng bằng phẳng chút nào.
Quả thực, Tortilla Flat không bằng phẳng, buồn chán, với nhiều người thì nó cực kỳ hiện thực và vô cùng duyên dáng. Trong chương hai của cuốn sách, Danny trở về nhà sau Thế chiến thứ nhất, chàng khám phá ra rằng mình thừa kế hai căn nhà. Thậm chí trước khi đi xem xét nhà cửa, chàng đã mua một ga-lông rượu vang rẻ tiền, uống say mèm ở Monterey, rồi ngồi tù ba mươi ngày ở nhà tù Monterey. Trong thời Đại suy thoái, với một số người, ba mươi ngày tù đồng nghĩa với việc có ba bữa ăn một ngày và một chỗ ấm áp để ngủ.
Nhiều độc giả nhận ra rằng Danny và các paisano sống theo quy tắc của riêng họ: các quy tắc ấy chẳng có mấy điểm chung với văn hóa “phố thị” đáng kính trọng của Monterey. Mục đích chính của họ dường như chỉ đơn giản là kiếm đủ tiền mua rượu. Tài sản, như Danny khám phá ra, là một sự bất tiện, vì tài sản đồng nghĩa với trách nhiệm. Khi tiền thuê nhà là một vấn đề thực sự trong thời Đại suy thoái, độc giả thấy rất buồn cười khi thấy Danny cho các bạn thuê căn nhà thứ hai của mình, những người này cho thuê lại căn nhà ấy, nhưng không ai trong số họ tính tới chuyện tiền thuê có thể, hoặc sẽ, được trả.
Tài sản – chẳng hạn đồng hồ – chỉ có giá trị chừng nào có thể đổi được thành rượu; với các paisano, Steinbeck viết, đồng hồ tốt nhất là “cái đồng hồ mặt trời vĩ đại vàng óng.”
Với một số độc giả của Steinbeck, Thị Trấn Tortilla Flat thuộc Monterey là khung cảnh điền viên an nhàn; tiền chẳng mấy khi cần đến khi các vật dụng đều có thể đổi lấy rượu được. Các paisano chỉ thực sự cần có đủ đồ ăn, một chỗ ấm áp để ngủ, rượu – và thỉnh thoảng – đàn bà và tiệc tùng.
Các paisano có thực không? Như nhiều tiểu thuyết gia khác, Steinbeck dựa vào những câu chuyện ông biết được hay nghe người khác kể rồi sáng tạo thêm. Ông nghe được nhiều câu chuyện từ một người gốc Monterey tên là Susan Gregory. (Sau này ông đề tặng bà cuốn sách.) Ông nghe được một số chuyện khác từ cảnh sát vùng Monterey và từ đồng nghiệp trong các nhà máy đường ở Spreckles cùng các nơi khác.
Trong tác phẩm Lịch sử cuốn Phố Cannery của Steinbeck, Tom Mangelsdorf viết:
Tuy nhiên, tình yêu thực sự của Gregory xoay quanh một nhóm người cực kỳ thú vị được gọi là các paisano, những người sống trong các nhà ổ chuột, lán trại tạm bợ ở trên một triền đồi trong khu rừng trông xuống Monterey. Những người da nâu này, nam cũng như nữ, là hậu duệ của những người Tây Ban Nha đầu tiên đến định cư ở Monterey vào năm 1770. Qua nhiều năm trời kết hôn dị chủng lộn xộn giữa người Tây Ban Nha, người Mễ, người da đỏ và các nhóm khác, đã hình thành nên các paisano. Đặc điểm chung của nhóm là họ không trải nghiệm một nền giáo dục chính thức và thường thất nghiệp hoặc chỉ được giao làm những việc phổ thông nhất. Một paisano tốt, tuy nhiên, không quan tâm mấy đến việc làm. Các giá trị văn hóa của họ vẫn gần như không thể hiểu được đối với hầu hết mọi người trừ một paisano khác và một số ít người ngoài ví dụ như Gregory, người đã bỏ thời gian để tìm hiểu họ. Chính Gregory giới thiệu Steinbeck với các paisano tính khí thất thường và khu vực họ sinh sống ở Monterey, thường được gọi là Tortilla Flat.
Theo Mangelsdorf, nguyên mẫu của nhân vật Pilon trong tiểu thuyết của Steinbeck là một paisano tên là Eddie Romero. Romero sinh ở miền nam của Monterey và không bao giờ biết chắc tuổi của mình. Mùa hè năm 1891, Romero và một tay chăn gia súc khác làm một cuộc đua ngựa ngắn ngủi với nhau. Romero thua, nên đã giải quyết vấn đề tính nam nhi bị thương tổn bằng cách rút một khẩu súng ngắn ra bắn địch thủ bị thương ở vai. Tay đua kia được chạy chữa, nhưng bác sĩ cáo buộc Romero hành hung người khác bằng vũ khí giết người.
Tại tòa, Romero không thể giải thích đầy đủ được rằng phát súng chỉ là cách mà các paisano diễn giải công lý; anh ta bị kết án tù hai năm ở San Quentin. Theo Mangelsdorf, sau khi được thả, Romero trở về Monterey. Trong nhiều năm trời, anh ta cứ bị bắt đi bắt lại, thường là vì say xỉn; nhưng năm 1932, anh gặp một thợ xây, hai người nhậu với nhau, rồi cãi cọ – một khẩu súng xuất hiện và đối thủ của Romero bị bắn. Sau này, Romero trình bày rằng đối thủ của anh, tên là Olaf Olson, buông lời lăng mạ nguồn gốc của Romero – một hành động sỉ nhục kinh khủng đối với một paisano.
Anh ta ra tòa và bồi thẩm đoàn do dự về cáo buộc ngộ sát. Một bồi thẩm đoàn thứ hai kết luận anh ta có tội. Do đã có tiền án, Romero bị kết án từ hai đến mười năm tù trong nhà tù Folsom. Anh ta bước chân vào nhà tù Folsom cùng khoảng thời gian Steinbeck đang viết Thị Trấn Tortilla Flat. Ba năm sau, anh ta ra tù và trở nên nổi tiếng ở địa phương như nhân vật Pilon trong cuốn sách.
Bruce Arliss, một cư dân cố cựu ở Monterey, cũng tham gia phỏng đoán về nguồn gốc của Thị trấn Tortilla Flat. Trong cuốn Bên Trong Phố Cannery: Những phác thảo từ thời kỳ Steinbeck, ông viết:
Nơi thực sự mang tên Tortilla Flat thuộc một phần hoàn toàn khác của Bán đảo [Monterey]. Nó nằm ở mạn Carmel của vùng đồi núi, đánh dấu ngược trở về những ngày đầu của trận động đất năm 1906.
Vào thời gian đó, một số nghệ sĩ và nhà văn lang bạt nổi tiếng từ San Francisco đến cư ngụ tại Carmel, đâu đó một trăm dặm về hướng nam, mà họ hy vọng là bên ngoài phạm vi của một trận động đất khác như trận đã phá hủy thành phố [San Francisco].
Trong số các nghệ sĩ và nhà văn đó, Arliss kể tên Sinclair Lewis, Jack London và Ida Tarbell.
Bởi vì hầu hết các nhà văn đó đều thành công đủ để có tiền thuê người giúp việc nhà, một nhóm paisano sẵn lòng hỗ trợ – những người nửa Mễ, nửa gốc da đỏ của vùng Thung lũng Carmel – đã chuyển tới để cung cấp dịch vụ giúp việc. Họ dựng một dãy nhà tạm bợ không phép, ngay bên ngoài thành phố, trong một khu vực nhiều cây cối mà bây giờ là Đường số Hai. Vợ của các paisano xuống phố để làm các việc ban ngày, và thi thoảng các đấng ông chồng lười biếng của họ có thể được thuyết phục để làm một chút việc vườn tược hay tay chân nhẹ.
Các nhà văn và các trí thức khác của Carmel khi đó đã gọi dãy nhà ổ chuột này của các paisano là Tortilla Flat, và cái tên này được sử dụng suốt nhiều năm trời. Steinbeck thích cái tên và mượn nó cho câu chuyện của mình, áp nó vào một phần khác của bán đảo – khu vực đồi núi phía trên các nhà máy đóng hộp của Monterey.
Arliss cũng tin rằng ông biết nguồn gốc nhân vật “Cướp Biển” của Steinbeck: Tom Run-rẩy, ông già mà John dùng làm hình mẫu cho Cướp Biển, sống trong căn nhà nhỏ tồi tàn cuối cùng trên đỉnh Đồi Huckleberry [ở Monterey], bên cạnh một bồn nước cũ bằng gỗ…
Tôi sớm khám phá ra rằng Tom Run-rẩy, hay Ông già Run-rẩy, như lũ trẻ con hay gọi vì chứng run của ông, cũng không phải là tên thật của Cướp Biển. Đó là một cái tên Anh – Lloyd Lytton. Ông không phải là một paisano, mà là một người Anh lập dị, đầu óc không bình thường, ông nuôi một tá chó lai làm bầu bạn thân thiết nhất của mình. Ông tự gọi mình là “Thi sĩ của đồi thông” và viết những bài vè thỉnh thoảng đăng trên bản tin hàng tuần nho nhỏ của Pacific Grove.
Không giống như nhân vật Cướp Biển của Steinbeck (to cao, râu đen, nhếch nhác), Tom Run-rẩy nhỏ con, mày râu nhẵn nhụi, ăn mặc gọn gàng. Mái tóc bạc của ông ta được chải chuốt cẩn thận. Ông ta thường vận một chiếc sơ-mi trắng và quần lam nhạt, có dây đeo màu đen. Giống như Cướp Biển, đi đâu ông ta cũng có bầy chó theo cùng. Steinbeck nói có sáu con. Tôi đếm được hơn mười, thừa sức để gác chân lên một hay hai con, nếu như ban đêm ông ta thấy lạnh, như John tả ở một cảnh trong cuốn sách.
Arliss viết rằng Steinbeck đã từng viếng thăm những địa điểm khác gần Monterey có các paisano sinh sống và cuối cùng chúng trở thành một phần trong cuốn tiểu thuyết của nhà văn.
Thị Trấn Tortilla Flat là một thành công tức thời cho nhà xuất bản của Steinbeck, Pascal Covici. Nó cho phép hãng Covici-Friede chào mừng chút dễ thở về tài chính. Cuốn sách đoạt Huy chương vàng thường niên do Câu lạc bộ Thịnh vượng chung của California trao tặng cho tác phẩm hay nhất của một người California bản địa. Tác quyền làm phim được bán và cuối cùng lại được bán lại trước khi phim được dựng. (Hãng MGM phát hành bộ phim Thị trấn Tortilla Flat vào năm 1942. Trong cuốn Steinbeck và Phim ảnh, Joseph Millichap gọi bộ phim là “một nỗi hổ thẹn có tông màu nâu đỏ vô lý mà chỉ Hollywood mới sản xuất được.”) Nhưng Steinbeck khám phá ra rằng độc giả không hoàn toàn chấp nhận các paisano với tinh thần phóng khoáng như ông. Độc giả không hoàn toàn tán thưởng cái lô-gích rối rắm và quan điểm đạo đức của họ. Nhiều người đánh giá họ là những kẻ lười nhác – thú vị (có lẽ), lập dị (rõ rồi), nhưng dù gì thì vẫn là những kẻ lười nhác. Và điều đó làm cho Steinbeck tức giận. Trong lời nói đầu cho ấn bản năm 1937 của Modern Library (Random House), ông viết:
Khi viết cuốn sách này, tôi không thấy các paisano là những người lạ lùng hay kỳ quặc, trơ trọi hay yếu thế. Họ là những người tôi quen biết và yêu mến, những người hòa nhập thành công với môi trường sống. Ở con người, điều này gọi là triết lý, và ấy là một điều tốt.
Nếu mà biết rằng những mẩu chuyện này và những con người này bị coi là kỳ quặc, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ viết ra.
Tôi nhớ một cậu bé, một người bạn thời đi học. Chúng tôi gọi cậu ta là piojo [con rận, kẻ sống bám – giải thích của Thomas Fensch], cậu ta là một cậu bé dễ thương, hiền lành, da nâu. Cậu không cha không mẹ – chỉ có một chị gái mà chúng tôi yêu mến và kính trọng. Chúng tôi gọi chị, với tất cả lòng kính trọng, là một nàng gà móng đỏ. Chị có đôi má hồng nhất thị trấn và thỉnh thoảng chị làm xăng-uýt cà chua cho chúng tôi. Bấy giờ, trong căn nhà nhỏ nơi piojo và chị cậu, gà móng đỏ, sống, cái vòi nước ở bồn rửa bị gãy. Một cái chốt bằng gỗ được chèn vào đường ống cho nó khỏi rỉ. Nước để nấu ăn và uống được lấy từ toa-lét. Trên sàn có một cái muôi để múc nước ra. Khi nước cạn, bạn chỉ cần giật toa lét là lại có nước mới. Không ai được phép dùng cái toa-lét này như một cái toa-lét. Có lần bọn tôi để một đám nòng nọc trong bồn cầu, nàng gà móng đỏ nổi khùng với bọn tôi và giật nước cho chúng trôi hết xuống ống thải.
Có lẽ chuyện này thật kinh hãi. Nhưng tôi lại chẳng thấy như thế. Có lẽ chuyện ấy kỳ quặc – chẳng ai chịu được. Tôi đã theo sự đứng đắn lễ nghi một thời gian dài, nhưng vẫn không thể nào nghĩ rằng nàng gà móng đỏ (cái từ xấu xa nhất ấy) là điếm, cũng như đông đảo các ông chú của piojo, những con người vui nhộn thỉnh thoảng cho bọn tôi vài xu ấy, là khách hàng của chị.
Nói vòng vo thế này là để muốn nói rằng đây không phải là lời giới thiệu, mà là kết luận. Tôi viết ra những câu chuyện này bởi chúng là những chuyện có thật và tôi thích chúng. Nhưng những kẻ mạt hạng văn chương đã xử sự với những người này với kiểu dung tục của các công nương – những người thấy nông dân là buồn cười và đáng thương. Những chuyện này đã in ra rồi, tôi không thể thu hồi chúng. Nhưng tôi sẽ không bao giờ mang những con người tốt bụng ưa cười đùa và rất mực tử tế này, những người si mê thật thà và có cặp mắt ngay thẳng, những người nhã nhặn trên mức lịch sự này, ra làm đối tượng cho sự đụng chạm dung tục của những kẻ bảnh bao. Nếu tôi gây hại cho họ vì đã trót kể vài câu chuyện của họ, thì tôi xin lỗi. Chuyện ấy sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Thỏa giận, lời nói đầu này không bao giờ được in lại; ấn bản năm 1937 của nhà Random House bây giờ khá hiếm.
Qua năm tháng, các nhà phê bình, học giả về Steinbeck và các nhà giáo dục càng trở nên khó chịu (thậm chí còn hổ thẹn) về cách Steinbeck khắc họa các paisano trong Thị Trấn Tortilla Flat.
Trong tiểu luận “Người Mỹ gốc Mễ của Steinbeck” (trong cuốn sách in năm 1971 – Steinbeck: Con người và tác phẩm, do Richard Astro và Tetsumaro Hayashi biên tập), Charles R. Metzger chủ yếu bảo vệ cái nhìn của Steinbeck về các paisano, nhưng cũng cảnh báo: “Bây giờ cần thiết… phải chỉ ra rằng cách khắc họa các paisano trong Thị Trấn Tortilla Flat của Steinbeck không có ý định bao hàm nhiều hơn một loại người Mỹ gốc Mễ, đó là paisano, ở một địa điểm, là Monterey, và vào một thời điểm, đó là ngay sau Thế chiến thứ nhất.”
Hai năm sau, trong bài tiểu luận “Ngụ ngôn của căn cước: Định kiến và hí họa về người Mỹ gốc Mễ trong Thị Trấn Tortilla Flat của Steinbeck” (trong Tạp chí Nghiên cứu Dân tộc quyển 1, 1973), Philip D. Ortego viết rằng Philip Roth có thể nhìn đời sống người Mỹ gốc Do Thái dưới một ánh sáng đặc biệt như là một “người trong cuộc”, trong khi chân dung Meyer Wolfsheim của Scott Fitzgerald trong Gatsby vĩ đại gây ấn tượng như là một định kiến và một bức hí họa. Tương tự, William Styron, một tiểu thuyết gia miền Nam da trắng, không bao giờ có thể khắc họa Nat Turner như một tiểu thuyết gia da đen có thể.
Oretego viết rằng, trong Thị Trấn Tortilla Flat, trong khi “Steinbeck thông qua một môi trường ‘lạ lẫm’ vất vả tìm kiếm giọng điệu của người kể chuyện, vấn đề nhận dạng sắc tộc trở nên quan trọng và thiết yếu trong việc xác định tính tin cậy của diễn ngôn”.
Trong bài tiểu luận ngắn của mình, Ortego cho rằng “người Mỹ gốc Mễ của Monterey ngày nay chẳng thấy hình ảnh mình trong Thị Trấn Tortilla Flat nhiều hơn chút nào so với cha ông họ thấy mình trong cuốn sách cách đây ba mươi bốn năm.” Ngôn ngữ của Steinbeck cũng sai lệch, Ortego cáo buộc. Người Mỹ gốc Mễ không nói năng như các nhân vật của Steinbeck, kể cả bằng tiếng Anh hay Tây Ban Nha.
Trên hết, ông nói: “tin vào mô tả về các đặc tính của người Mỹ gốc Mễ của Steinbeck trong Thị Trấn Tortilla Flat là củng cố lại những định kiến và hí họa phổ biến nhất về người Mỹ gốc Mễ” và “chân dung người Mỹ gốc Mễ… là sự bất công đối với những người mà tổ tiên họ – cả người Tây Ban Nha và người da đỏ – đã có mặt trên lục địa này hàng thế kỷ.”
Thị Trấn Tortilla Flat “là một cuốn sách buồn về nhiều khía cạnh hơn mức mà John Steinbeck có thể tưởng tượng ra” – Ortego viết.
Trong cuốn Những hình ảnh về người Mỹ gốc Mễ trong Tiểu thuyết và Phim ảnh (1980), Arthur C. Pettit cũng thẳng thắn (và chỉ trích) như vậy: “Thị Trấn Tortilla Flat là ví dụ rõ ràng nhất về sự man dã thoải mái trong văn chương Mỹ về người Mễ. Dù gì đi nữa thì đây là cuốn sách thường được trích dẫn nhất như là tiểu thuyết Anglo tiêu biểu về người Mỹ gốc Mễ. Việc nó đã sản sinh ra tương đối ít những quyển bắt chước càng khẳng định vị trí độc tôn của nó trong khi làm nổi bật thực tế là cuốn tiểu thuyết chứa đựng những nhân vật rất gần với những hình mẫu người Mễ tiêu cực nhất.”
Pettit lấy ví dụ: “Nếu quả những người Mễ trong Thị Trấn Tortilla Flat uống đến mức đủ để làm hầu hết mọi người chết… [tại sao] họ không chịu đựng tác động xấu lên cơ thể mà cũng chẳng bị sang chấn tâm lý. Những người con của tự nhiên này cũng chia sẻ đàn bà ở một mức độ phóng khoáng mà chẳng thể nào là một phần của văn hóa người Mễ hay người Mỹ gốc Mễ.”
Trên hết, Pettit kết luận: “Cách Steinbeck đối xử với các paisano dấy lên ngờ vực về những bóp méo có tính cách sắc tộc. Những kẻ Anglo lạc loài của Steinbeck thường là những kẻ kỳ dị thực sự – những gã ngốc, người què quặt, người vô gia cư mấp mé bên rìa chính chủng tộc của họ. Trong khi đó, Danny và các bạn của mình, lại chính là chủng tộc của họ như Steinbeck cho phép ta nhìn thấy.”
Trong tiểu luận “Steinbeck và vấn đề sắc tộc” (trong cuốn Chùm Nho Phẫn Nộ: Các tiểu luận về Steinbeck), Susan Shillingshaw trích dẫn Louis Owens, nhà phê bình chuyên nghiên cứu Steinbeck, khi nói Steinbeck “không giúp ích gì nhiều cho thuyết đa văn hóa. Cách ông đối xử với phụ nữ và những người mà ngày nay ta gọi là da màu còn nhiều khiếm khuyết. Ông là người da trắng, người đàn ông trung lưu xuất thân từ vùng Salinas. Ông là sản phẩm của thời đại ông.”
Về mối quan tâm của Steinbeck đến các paisano, bà viết: “một phần có tính chất tâm lý – nghiên cứu con người trong nhóm – và một phần có tính cách thực tế – ‘lịch sử’ của một văn hóa thứ cấp – và cuối cùng có phần thẩm mỹ – vật lộn với mép ngoài của biểu đạt nghệ thuật.”
Dường như rất có thể trong tương lai sẽ có thêm những phê phán như của Ortego, Pettit và Owens.
Steinbeck thường sử dụng các chủ đề và huyền thoại cổ xưa hay các điển tích kinh thánh trong tiểu thuyết của mình: Chiếc Cốc Vàng kể lại huyền thoại tên cướp biển Henry Morgan; Gửi Vị Thần Chưa Biết sử dụng huyền thoại cổ về vị vua đánh cá; Thị Trấn Tortilla Flat và Phố Cannery sử dụng các ngụ ngôn về vua Arthur; Trong Trận Chiến Mơ Hồ với tôi, dường như gợi tới điển tích kinh thánh về việc đánh mất sự ngây thơ và chối từ ân sủng trong Vườn Địa Đàng; Của Chuột Và Người, Phía Đông Vườn Địa Đàng rõ ràng là kể lại chuyện Cain và Abel (tôi có phải là kẻ canh giữ người anh em của mình?); và Chùm Nho Phẫn Nộ, vốn chứa đựng nhiều, rất nhiều, tham chiếu đến kinh thánh, thuật lại chuyện một bộ lạc người Israel và hành trình từ Ai Cập, vùng đất ngục tù, xuyên qua sa mạc, đến vùng đất của riêng mình – ngoại trừ hành trình của những người dân bang Oklahoma đến California là hoàn toàn trái ngược với câu chuyện kinh thánh: những người dân bang Oklahoma không tìm thấy tự do ở California, mà chỉ thêm thành kiến và khổ đau trong xứ sở của mặt trời và cam.
Tiêu đề các chương trong Thị Trấn Tortilla Flat góp phần vào việc kể câu chuyện. Dường như các tiêu đề này không có trong bản thảo đầu tiên. Một số nhà phê bình tin rằng người vợ đầu của Steinbeck, Carol, gợi ý mô-típ Vua Arthur. Nhưng ai cũng biết cuốn sách đầu tiên thu hút trí tưởng tượng trẻ trung của Steinbeck là những câu chuyện về Vua Arthur.
Jay Parini đã viết trong cuốn John Steinbeck: Một tiểu sử:
Khi viếng thăm dì Molly, người em mê sách của mẹ ông, vào mùa hè năm 1912, ông được giới thiệu bản của Malory[12] về huyền thoại vua Arthur. Sau này, ông nhớ lại mình đã ngồi dưới một gốc cây “choáng ngợp và bị cuốn trôi đi” bởi những chuyện kể mạnh mẽ ấy, gây nên một ấn tượng không phai với cậu thiếu niên. Cấu trúc của những câu chuyện anh hùng này sẽ nâng đỡ rõ rệt nhiều trong số các tiểu thuyết hay nhất của ông, chẳng hạn Thị Trấn Tortilla Flat và Phố Cannery, trong khi các khía cạnh của huyền thoại Camelot sẽ ảnh hưởng kín đáo gần như đối với mọi tác phẩm của ông. (Cuộc tìm kiếm “người tốt” của Malory là thiết yếu cho tiểu thuyết của ông, chẳng hạn. Người ta cũng thấy các phiên bản người phụ nữ lý tưởng của Malory thường xuyên xuất hiện. Sự phản bội vua của ngài Lancelot là một hình ảnh then chốt trong tâm thức của Steinbeck, nó cung cấp nhiều thông tin về tác phẩm và có lẽ cả cuộc đời của ông.) Mức độ mà Malory bao trùm lấy ông được ghi nhận trong sự kiện rằng ông bỏ ra cả thập niên cuối đời đắm chìm trong tác phẩm đó, thậm chí thuê một căn nhà nhỏ cả năm ở Somerset thuộc nước Anh – chỉ để được ở gần địa điểm được cho là lâu đài Camelot[13].
Và Steinbeck có lẽ biết thứ tiếng Tây Ban Nha của paisano đủ để biết rằng Monterey có nghĩa là “Núi của Vua.”
Năm 1934, Steinbeck viết cho đại diện văn chương của mình, Mavis McIntosh (trích trong Steinbeck: Một cuộc đời qua thư từ):
Tôi dự định viết gì đó về thị trấn Tortilla Flat và về vài ý tưởng mà tôi đã nảy ra về nó. Cuốn sách có một chủ đề rất dứt khoát. Tôi nghĩ nó khá rõ rệt. Tôi mong đợi là kế hoạch sử dụng hội bạn của Arthur sẽ được nhận ra, rằng Gawaine và Lancelot của tôi, Arthur và Galahad[14] của tôi sẽ được nhận ra. Ngay cả khi sự kiện Sangreal[15] trong cuộc tìm kiếm trong rừng, tôi đồ là không rõ lắm. Hình thức cuốn sách sẽ theo bản của Malory, sự xuất hiện của Arthur và phẩm chất thần bí của việc sở hữu một căn nhà, sự hình thành chiếc bàn tròn, các cuộc phiêu lưu của các hiệp sĩ, và cuối cùng, sự chuyển hóa thần bí của Danny.
Nhà phê bình Joseph Fontenrose thì chỉ ra Thị Trấn Tortilla Flat tương đồng với truyền thuyết vua Arthur như thế nào (trong bài “Thị Trấn Tortilla Flat và sự ra đời của một huyền thoại” trong cuốn Các tiểu thuyết ngắn của John Steinbeck của Jackson Benson). Ông thấy những tương đồng này: Sau một thời thơ ấu lặng lẽ, Arthur thừa kế một vương quốc và chuyển từ người bình thường sang thành chúa đất (Danny thừa kế hai căn nhà); nhà vua mới gặp rắc rối với các vua chư hầu và tử tước, những người này không chịu thần phục (Pilon và Pablo từ chối trả tiền thuê căn nhà thứ hai cho Danny), nhưng cuối cùng bị đánh bại (căn nhà cháy rụi) và giảng hòa. Arthur (Danny) tập hợp các hiệp sĩ (các người bạn) quanh Bàn Tròn và cấp đất cho họ (mái nhà và chỗ ngủ). Các hiệp sĩ tuyên thệ hết mình (các bạn của Danny hứa sẽ đảm bảo chàng không bao giờ bị đói). Arthur và các hiệp sĩ chú ý đến Pelles, Vua Maimed và chiếc cốc thánh mà ông giữ (Cướp Biển và kho tàng). Percival, vốn không được các hiệp sĩ đoái hoài, được cho một chỗ giữa các hiệp sĩ (Cướp Biển được cho một góc trong nhà Danny, nơi anh ta ngủ cùng bầy chó).
Đây chỉ là chưa tới một nửa những tương đồng mà Fonterose phát hiện được. Thực tế, ông đã dò theo những tương đồng như vậy trong suốt toàn bộ cuốn sách. (Nghi lễ và biểu tượng của nhà thờ Thiên chúa giáo cũng là những chìa khóa đối với cả các huyền thoại vua Arthur và Thị trấn Tortilla Flat.)
Cách Steinbeck tái hiện lại các huyền thoại của Malory thực ra rất khéo léo. Thượng đế cho Galahad một chiếc thuyền, trên đó, ông khám phá ra một vương miện lụa và một thanh kiếm tuyệt diệu. Một dịp khác, một chiếc thuyền trống rỗng khác trôi đến chỗ Arthur khi ông đứng bên bờ sông; nó đưa ông đến một lâu đài có rượu thịt ê hề. Steinbeck cho một chiếc xuồng dạt tới chỗ Jesus Maria gần Seaside, California – chàng ta chèo nó tới Monterey, bán được bảy đô-la, và mua rượu cho mình cùng một món quà cho Arabella.
Trong diễn biến nổi tiếng nhất (và hiển nhiên nhất) trong huyền thoại của Malory, các hiệp sĩ (các paisano) đi tìm kiếm chiếc Cốc Thánh; thay vì tìm thấy chiếc Cốc, họ tìm thấy mốc đánh dấu của Cơ quan Khảo sát địa chất Hoa Kỳ mà họ nhận ra là không thể đào lên để bán lấy rượu, bởi vì không ai dám mua.
Cuốn sách của Mark Twain Một Tay Yankee Người Connecticut Trong Lâu Đài Của Vua Arthur chắc chắn là sách cùng loại với Thị Trấn Tortilla Flat. Samuel Clemens[16] có thể đã đọc những chuyện về vua Arthur khi còn bé, như Steinbeck, và rồi quay trở lại với các câu chuyện ấy khi đã lớn, cũng giống như Steinbeck.
Nhưng Steinbeck đã ra dấu hiệu – cả công khai và kín đáo – rằng ta chớ xem Thị Trấn Tortilla Flat là thuật lại một trăm phần trăm hoàn hảo chuyện Vua Arthur.
Trong cuốn sách John Steinbeck nhìn lại nước Mỹ, nhà phê bình Louis Owens quan sát thấy rằng “cách Steinbeck dùng lito rất cẩn thận trong lời dẫn truyện cũng cảnh báo ta về phương pháp ông dùng trong Thị Trấn Tortilla Flat.” (“Lito” là những lối nói giảm khinh, trong đó, một sự khẳng định được biểu đạt bằng sự phủ định của cái ngược lại, ví dụ như cô ấy “không phải là một ca sĩ tồi.”)
Lời dẫn truyện bắt đầu khá đơn giản với lời trần thuật: “Đây là câu chuyện kể về Danny, về những người bạn của Danny và về ngôi nhà của Danny. Nó là chuyện làm thế nào mà ba yếu tố này hợp thành một.” Và Steinbeck tiếp tục: “Bởi vì nhà của Danny không phải là không giống chiếc Bàn Tròn, và các bạn của Danny cũng không phải là không giống các Hiệp Sĩ Bàn Tròn.” [Owens in nghiêng]
Với cách dùng các lito, Steinbeck gợi ý chúng ta đừng xem những tương đồng với Bàn Tròn quá sát sao.
Sau đó, trong Thị Trấn Tortilla Flat, Steinbeck hỏi: “Arthur Morales ở đâu?”. Ông trả lời: “Chết ở Pháp…Chết cho tổ quốc của chàng. Chết ở một vùng đất lạ.” Trong mồ của chàng ở Pháp, chết trong chiến tranh (Thế chiến thứ nhất). Trong phiên bản Bàn Tròn của Steinbeck, không có Vua Arthur.
Cũng trong lá thư năm 1934 gửi Mavis McIntosh, Steinbeck viết:
Tôi không có ý định làm sự tương đồng với chuyện bàn tròn thêm rõ ràng, mà chỉ đơn giản cho thấy sự lặp lại là có ở đó. Anh sẽ nhớ rằng hội bạn hình thành, bừng nở rồi lụi tàn. Không có một chủ đề xuyên suốt cuốn sách, một trong những ý định là cho thấy rằng hiếm có chủ đề nào trong đời sống những con người này tồn tại qua đêm.
Elaine Steinbeck và Robert Wallsten, trong Steinbeck: Một cuộc đời qua thư từ, lưu ý rằng vấn đề chủ đề được giải quyết, ít ra là một phần, với cách sử dụng các tiêu đề chương giống như chuyện vua Arthur (có vẻ như được thêm vào ít lâu sau khi Steinbeck hoàn thành bản thảo đầu tiên).
Trong Thị Trấn Tortilla Flat, Steinbeck bắt đầu bàn đến những người nghèo bị chà đạp. Chúng ta có thể thấy họ trở đi trở lại trong Trong Trận Chiến Mơ Hồ; là Lennie và George trong Của Chuột Và Người; như gia đình Joad và những gia đình Oklahoma khác trong Chùm Nho Phẫn Nộ; trong Phố Cannery và cuốn tiếp theo, Ngày Thứ Năm Ngọt Ngào. Thực ra, có thể nói Steinbeck đạt đỉnh cao khi ông viết về Danny và các paisano, về George và Lenny, về Tom và Ma Joad và về các cậu bé trên phố Cannery, hơn là khi (sau này) quay sang các địa phương khác và những nhân vật thành công hơn (và phổ biến hơn), chẳng hạn Ethan Allen Hawley trong Mùa Đông Chúng Ta Bất Mãn.
Với Thị Trấn Tortilla Flat, Steinbeck cũng có một phương tiện thích hợp cho triết lý của ông về nhóm. Trong thời Đại suy thoái, gia đình khó có thể gắn kết với nhau cả về mặt tài chính, tinh thần và tâm lý. Trong Thị Trấn Tortilla Flat, Steinbeck cho ta thấy rằng các cá nhân (các hiệp sĩ) trở thành nhà Danny (bàn tròn) và nhà Danny là một phần của thị trấn Tortilla Flat, Tortilla Flat là một phần của Monterey và Monterey là một phần của thế giới rộng lớn hơn.
Steinbeck quan tâm đến sự ra đời, tồn tại và cuối cùng cái chết của nhóm, một “hội đoàn” – trong đó, “tôi” trở thành “chúng ta.” Trong phiên bản bàn tròn kiểu paisano của mình ở Tortilla Flat, ông tưởng tượng ra sự ra đời, cuộc sống và cái chết lý tưởng của hội đoàn.
Hội đoàn là một ý tưởng sinh/triết học mà Steinbeck và người bạn, nhà sinh vật học hải dương Ed Ricketts, bàn luận trong suốt mối quan hệ của họ.
Trong bài “Thị trấn Tortilla Flat và Sự ra đời của huyền thoại” (trong cuốn Các tiểu thuyết ngắn của John Steinbeck, Jackson Benton biên soạn) Fontenrose cũng viết:
Căn nhà là một sinh thể. Trong Thị Trấn Tortilla Flat, quan điểm sinh học của Steinbeck khá rõ rệt, và lần đầu tiên ông tận dụng một cách cố ý, thậm chí hài hước, khái niệm nhóm như một sinh thể. Những từ đầu tiên là: “Đây là câu chuyện kể về Danny, về những người bạn của Danny và về ngôi nhà của Danny. Nó là chuyện làm thế nào mà ba yếu tố này hợp thành một, cho nên ở thị trấn Tortilla Flat, nếu bạn nói tới nhà của Danny thì không có nghĩa là bạn nói về một kết cấu bằng gỗ lốm đốm vôi bạc phếch…. Không phải vậy, khi nói tới nhà của Danny, người ta biết là bạn đang nói về một chỉnh thể hợp thành từ những con người, từ đấy sinh ra sự ngọt ngào và sướng vui, lòng nhân ái và cuối cùng là một nỗi sầu bí ẩn.” Sinh thể nhóm không chỉ là cộng dồn các bộ phận của nó, và cảm xúc của các bộ phận đơn vị hợp lại thành một cảm xúc nhóm đơn nhất.
Trong lời nói đầu cho bản in cuốn Thị Trấn Tortilla Flat của Modern Library, năm 1937, Steinbeck đề xuất nguyên tắc sinh thái mà một sinh thể sẽ thích nghi với môi trường: các paisano, ông viết, “là những người hòa hợp thành công với môi trường sống. Ở con người, đây là cái được gọi là triết lý, và ấy là một điều tốt.”
Steinbeck và Ricketts cũng chia sẻ tư duy triết thuyết phi mục đích, đó là nhấn mạnh cái bây giờ hoặc cái đang là hơn là cái tại sao của một tình huống. Các paisano của Tortilla Flat là những phương tiện lý tưởng phục vụ cho tư duy phi mục đích của Steinbeck. (Sau này, niềm tin của Steinbeck vào triết thuyết phi mục đích được bộc lộ ở nhan đề trong khi viết Của Chuột Và Người: “Điều gì đó xảy ra”.)
Thị Trấn Tortilla Flat khảo nghiệm cái đang là, hơn là cái nên là.
Tư duy phi mục đích cũng liên quan đến nguyên tắc sau: tình yêu tự do, chắc chắn là một chìa khóa cuộc sống của các paisano; chấp nhận sự vật như nó đang hiện hữu, cũng là một yếu tố then chốt trong cuộc đời của những người ở thị trấn Tortilla Flat; chấp nhận Thượng đế và nhà thờ cùng các vấn đề tôn giáo; không quan tâm đến những thứ vật chất (đồ đạc, của mình hay của người khác, đều có thể được mang đổi lấy rượu); và giá trị của tình bạn đặt trên giá trị tiền bạc.
Với các paisaino, Steinbeck tạo ra có lẽ là biểu hiện lý tưởng cái tư duy phi mục đích của ông, mặc dù ông còn trở lại với triết lý này trong Của Chuột và Người, và những cuốn khác.
Charles Metzger, trong bài tiểu luận “Người Mỹ gốc Mễ của Steinbeck,” viết:
Các paisano của Steinbeck từ chối tán thành những quan điểm về thế giới và quyền hành xử trong thế giới đó khiến họ được nể trọng và/hoặc hiểu được đối với những người hàng xóm hoặc độc giả đã chấp nhận chuẩn mực đạo đức Tin lành Anglo-Saxon của người da trắng. Họ chủ yếu từ chối bằng cách bảo vệ hình ảnh về một phong cách sống thích hợp tích cực, tự do hơn, gần như quý phái hơn,… lãng mạn theo nghĩa cũ. Hoàn toàn không phải là ngẫu nhiên hay để châm biếm mà Steinbeck chọn mô tả các paisano của ông dựa theo truyền thuyết Vua Arthur – theo cái phong cách mà con người vĩ đại và khát khao lãng mạn Thomas Malory ca ngợi những chiến binh Briton lãng mạn ngày xưa, các hiệp sĩ bàn tròn, qua văn của mình.
Về cáo buộc, thường được đưa ra, rằng cách Steinbeck đối xử với các paisano là lãng mạn và ủy mị, tôi chỉ có thể trả lời rằng: (a) hiển nhiên nó là lãng mạn, và (b) sự lãng mạn đó không ủy mị, mà là khá thích hợp – nó thực sự khớp với những sự kiện trong cuộc đời, vì cuộc đời là do những người có thực điều hành – những người cung cấp cho Steinbeck hình mẫu cho các nhân vật hư cấu của mình. Dĩ nhiên Steinbeck tự làm cho hai khẳng định này thêm rõ rệt bằng cách hướng sự chú ý của độc giả tới những điểm tương đồng với truyền thuyết vua Arthur mà qua đó ông phát triển chuyện kể của mình. Việc những điểm tương đồng đó phần nào làm một số độc giả bối rối, một phần do thực tế là họ, chứ không phải Steinbeck, có lẽ tư duy theo nghĩa đen thái quá. Nhưng có thể phần nào cũng do sự thể là Steinbeck không thông báo cụ thể cho các độc giả Anglo của mình những điều mà ông biết, và những điều mà hầu hết người Mỹ gốc Mễ biết, về những khái niệm vận hành rất thực và chủ động “dignidad de la persona,”[17] “muy hombre,”[18] “macho.”[19] Những khái niệm này mô tả theo phong cách Mexico một số điều rất thực mà Steinbeck nói tới khi ông nhắc đến “hệ đạo đức triết lý khác biệt” của các paisano, khi mà thực ra ông tả các paisano, được nhìn qua lăng kính của ông, bằng những ngôn ngữ quý tộc.
Tóm lại, Steinbeck đánh giá các huyền thoại về Vua Arthur và các paisano đều quá cao nên không thể hạ thấp cả hai.
Bằng cách thêm ngôn ngữ của paisano và quy tắc đạo đức rối rắm của họ vào tiểu thuyết của mình, ông nâng họ lên tầm của Arthur, mà không hạ thấp họ hay các câu chuyện về các hiệp sĩ mà ông say mê gần như cả đời.
Các nhà phê bình cho rằng giọng điệu của cuốn sách thay đổi xuyên suốt; quả đúng như thế. Steinbeck trộn lẫn mối quan tâm nghiêm túc của ông dành cho các paisano với chủ nghĩa anh hùng giả vờ; sự tôn trọng với bông đùa; vui nhộn ầm ĩ với nghiêm túc. Một số người phàn nàn rằng kết cục của tiểu thuyết đen tối hơn nhiều so với hầu hết văn bản cuốn sách, nhưng Steinbeck dự đoán việc nhà Danny sụp đổ và cái chết của chàng qua sự phá hủy say sưa mà Danny gây ra ở đoạn đầu của câu chuyện.
Thị Trấn Tortilla Flat là tiểu thuyết đầu tiên mà Steinbeck cho cấu trúc và chủ đề hài hòa xuyên suốt: trong cuốn này, ông kết hợp tình yêu dành cho các huyền thoại về vua Arthur với kiến thức và lòng yêu mến dành cho các paisano ở Monterey; ông cũng có thể thêm vào một cách hoàn hảo các yếu tố về thuyết hội đoàn của mình và tư duy phi mục đích mà ông phát triển cùng “người bạn Ed”, Ed Ricketts.
Bây giờ thì từ lâu rồi, Vịnh Monterey đã không còn cá xác-đin và các nhà xưởng trên phố Cannery cũng không còn nữa. Chỉ còn lại là đoạn mở đầu tuyệt diệu của Steinbeck cho cuốn Phố Cannery:
Phố Cannery ở Monterey thuộc California là một bài thơ, một mùi thối, một tiếng ồn chói tai, một phẩm chất ánh sáng, một âm điệu, một thói quen, một niềm hoài nhớ, một giấc mơ. Phố Cannery là nơi tập kết và vương vãi hộp thiếc, sắt gỉ, và gỗ vụn, vỉa hè sứt mẻ, những lô đất đầy cỏ và những đống tạp nham, những nhà máy đóng hộp cá xác-đin với tôn sóng, tiệm nhảy, quán ăn và nhà thổ, những cửa hàng tạp hóa nhỏ đông đúc, phòng thí nghiệm và nhà trọ. Cư dân của nó, như người ta từng nói, là “đĩ điếm, ma cô, bạc bợm và du côn,” theo đó, anh ta có ý nói là tất cả mọi người. Giả như anh ta nhìn bằng một góc nhìn khác, biết đâu anh ta lại chẳng có thể nói: “thánh, thiên thần, kẻ tử đạo và những bậc linh hiển,” và anh ta cũng có ý nói về những người ấy.
Ở vùng Vịnh, ở Carmel và nơi khác, lán trại và nhà ổ chuột của các paisano giờ đã không còn, tất cả đã bị ủi để xây nhà hàng loạt, trung tâm mua sắm và đường sá. Nhưng qua cặp mắt của Steinbeck, ta vẫn còn thấy họ nói cười dưới ánh nắng vàng ấm áp, trong những ngày êm đềm ấy của thời Đại suy thoái, khi tình bè bạn và rượu vang còn có ý nghĩa hơn cả tiền bạc.
• • •
Đây là câu chuyện kể về Danny, về những người bạn của Danny và về ngôi nhà của Danny. Nó là chuyện làm thế nào mà ba yếu tố này hợp thành một, cho nên ở thị trấn Tortilla Flat nếu bạn nói tới nhà của Danny thì không có nghĩa là bạn nói về một kết cấu bằng gỗ lốm đốm vôi bạc thếch, có cội hoa hồng dại rậm rạp um tùm. Không phải vậy, khi nói tới nhà của Danny, người ta biết là bạn đang nói về một chỉnh thể hợp thành từ những con người, từ đấy sinh ra sự ngọt ngào và sướng vui, lòng nhân ái và cuối cùng là một nỗi sầu bí ẩn. Bởi vì nhà của Danny không phải là không giống chiếc Bàn Tròn, và các bạn của Danny cũng không phải là không giống các Hiệp Sĩ Bàn Tròn. Đây cũng là câu chuyện về việc nhóm bạn này đã hình thành như thế nào, đã đâm hoa kết trái thành một tổ chức đẹp đẽ và khôn ngoan ra sao. Câu chuyện xoay quanh những chuyến phiêu lưu của các bạn của Danny, những việc thiện họ làm, cùng bao suy nghĩ và nỗ lực của họ. Cuối cùng, câu chuyện kể lại việc linh hồn của nhóm đã mất đi thế nào và nhóm đi đến chỗ tan rã ra sao.
Ở Monterey, thành phố cổ kính miệt duyên hải California ấy, ai cũng biết những chuyện này, chúng được kể đi kể lại nhiều lần, đôi khi còn được thêm thắt. Đã đến lúc câu chuyện truyền kỳ này nên được chép lại để trong tương lai các học giả, những người chỉ nghe phong thanh về các huyền thoại này, không thể nào tuyên bố như họ từng tuyên bố về Vua Arthur, về Roland, hay Robin Hood – “Làm quái gì có Danny, làm quái gì có những người bạn của Danny, mà cũng chẳng có ngôi nhà nào cả. Danny là một vị thần thiên nhiên còn các bạn của Danny là biểu tượng nguyên thủy của gió, bầu trời và mặt trời”. Lịch sử này phải được chỉnh đốn ngay bây giờ và cho muôn đời để các học giả chua ngoa không thể buông lời mỉa mai khinh thị.
Monterey tọa lạc trên sườn một ngọn đồi, phía dưới là vịnh xanh biếc, còn sau lưng là rừng thông với những thân cây cao sẫm màu. Mạn dưới chân đồi là nơi sinh sống của người Mỹ, người Ý, những người đánh bắt và đóng hộp cá. Nhưng trên đồi nơi rừng và phố đan xen, nơi những con đường không biết tới nhựa đường và các góc phố vắng bóng đèn xanh đỏ, các cư dân cố cựu của Monterey cư ngụ như người Anh bản địa xưa cố thủ tại xứ Wales. Họ là các paisano.
Họ sống trong những căn nhà gỗ cũ kỹ dựng trong những cái sân đầy cỏ dại, quanh nhà thấp thoáng bóng thông rừng. Các paisano hãy còn chưa dính đến chủ nghĩa thương mại, chưa vướng víu vào các hệ thống kinh doanh rối rắm của Mỹ, và họ chẳng có gì để có thể bị đánh cắp, khai thác hoặc thế chấp, cái hệ thống ấy chưa tấn công họ mạnh mẽ lắm.
Paisano là ai? Một paisano là một người mang dòng máu lai giữa người Tây Ban Nha, người da đỏ, người Mexico và đủ thứ dòng máu da trắng. Tổ tiên anh ta đã sống ở California hơn một hay hai trăm năm. Anh ta nói tiếng Anh giọng paisano và nói tiếng Tây Ban Nha cũng giọng paisano. Khi bị chất vấn về chủng tộc, anh ta phẫn nộ tuyên bố mình mang dòng máu Tây Ban Nha thuần khiết và xắn tay áo lên cho người ta xem phần thịt mềm phía trong cánh tay mình gần như có màu trắng. Màu da anh, giống như màu của một cái tẩu thuốc nâu đã lên nước, anh đổ tại cháy nắng. Một paisano là như thế và anh ta sống ở cái thị trấn nằm trên sườn đồi về mạn phía trên của Monterey tên là Tortilla Flat, tức Tortilla bằng phẳng, mặc dù nó chẳng bằng phẳng chút nào.
Danny là một paisano, chàng lớn lên ở Tortilla Flat, mọi người ai cũng yêu quý chàng, nhưng chàng cũng không đặc biệt nổi bật trong đám trẻ con huyên náo của Tortilla Flat. Chàng có quan hệ máu mủ hoặc yêu đương với gần hết mọi người trong thị trấn. Ông nội chàng là người có địa vị; ông sở hữu hai căn nhà nhỏ ở Tortilla Flat và được mọi người kính trọng vì giàu có. Nếu có những lúc chàng thanh niên mới lớn Danny ưa ngủ trong rừng, làm thuê trong các trang trại chăn nuôi, và vất vả kiếm đồ ăn với rượu uống từ một thế giới chẳng mấy thân thiện, thì chẳng phải là vì chàng không có lấy những người bà con giàu ảnh hưởng. Danny nhỏ con, da ngăm ngăm và sôi nổi. Ở tuổi hai lăm cặp giò chàng cong hệt như đường cong hai bên hông ngựa.
Bấy giờ, khi Danny hai mươi lăm tuổi, người ta đã tuyên chiến với Đức. Lúc nghe tin chiến tranh, Danny cùng với bạn mình là Pilon đang có hai ga-lông[20] rượu vang (nhân tiện, Pilon là thứ người ta quẳng thêm vào khi gút một thương vụ – một chiếc giày chẳng hạn). Joe Voi, anh chàng người Bồ, thấy ánh lấp lánh của mấy cái chai giữa đám thông và thế là chàng nhập bọn với Danny và Pilon.
Rượu trong chai vơi đi thì lòng ái quốc của ba chàng bốc lên nghi ngút. Và khi rượu cạn thì họ khoác tay nhau, vì tình thân hữu và vì sự an toàn, đi xuống đồi, rồi cuốc bộ vào Monterey. Trước một trạm đăng lính họ ầm ĩ tung hô nước Mỹ và thách thức nước Đức. Họ hú hét đe dọa Đế quốc Đức cho tới khi viên trung sĩ có nhiệm vụ ghi danh lính thức giấc tròng quân phục vào rồi bước ra đường yêu cầu họ im lặng. Anh ta ở lại đó ghi danh cho họ.
Viên trung sĩ bắt họ xếp hàng trước bàn mình. Họ vượt qua mọi bài kiểm tra trừ bài về độ tỉnh táo và rồi viên trung sĩ bắt đầu hỏi Pilon.
“Anh muốn sung vào ngành nào?”
“Ngành quái nào chả được,” Pilon tự tin nói.
“Tôi đồ là chúng tôi cần người như anh bên bộ binh.” Và Pilon được ghi vào bộ binh.
Rồi anh ta quay sang Joe Voi, khi đó anh người Bồ đang tỉnh ra. “Anh muốn vào đâu?”
“Tôi muốn về nhà,” Joe Voi rầu rĩ nói.
Viên trung sĩ cũng ghi cho chàng vào bộ binh. Cuối cùng, anh ta khua Danny, lúc đó đang ngủ gục dưới chân anh. “Anh muốn vào đâu?”
“Hử?”
“Ý tôi nói là, ngành nào?”
“‘Ngành’, ý anh là sao?”
“Anh biết làm gì?”
“Tôi ấy à? Gì tôi cũng làm được.”
“Trước đây anh làm gì?”
“Tôi ấy à? Tôi chăn la.”
“Ồ, thế à? Anh có thể chăn được bao nhiêu con la?”
Danny chồm người tới trước, hỏi một cách vừa mơ hồ vừa chuyên nghiệp. “Các anh có bao nhiêu con?”
“Khoảng ba chục nghìn,” viên trung sĩ nói.
Danny phẩy tay. “Thắng hết chúng lại!” chàng đáp.
Thế là Danny đi Texas huấn luyện la trong suốt thời gian chiến tranh. Pilon thì hành quân quanh vùng Oregon cùng bộ binh, còn Joe Voi, như sau sẽ được làm rõ, đi tù.