Tôi là con mèo. Tôi chưa có tên.
Tôi chẳng biết mình được sinh ra ở đâu. Chỉ còn nhớ là tôi đã cất tiếng kêu “meo meo” ở một nơi ẩm ướt và tối tăm. Ở chỗ này, lần đầu tiên tôi đã nhìn thấy một con vật được gọi là “người”. Hơn nữa, sau này tôi được biết, đó là một thằng “học sinh”, một loại người độc ác nhất trong loài người. Nghe nói bọn học sinh này thỉnh thoảng còn bắt chúng tôi nấu xáo nữa kìa. Nhưng mà hồi đó tôi chẳng nghĩ ngợi gì nên cũng chẳng sợ gì cả. Chỉ có điều, khi bị hắn cầm trong tay nâng bổng lên thì tôi thấy bủn rủn cả người. Khi tôi nằm yên trong lòng bàn tay và bình tĩnh nhìn vào mặt gã học sinh đó chính là lúc tôi đã bắt đầu nhìn vào cái gọi là “con người”. Cái cảm giác kỳ lạ, khó tả của tôi lúc đó, bây giờ vẫn còn. Tôi ấn tượng nhất về cái mặt của hắn. Cái mặt, lẽ ra phải được trang sức bằng lông thì nó lại nhẵn thín như cái siêu đun nước. Sau này tôi đã gặp nhiều mèo, nhưng chưa bao giờ tôi bắt gặp một cái mặt nào thiếu hoàn chỉnh như thế. Không những thế ở giữa mặt lại còn bất ngờ có một chỗ lồi cao lên. Thế rồi từ trong cái gò cao đó, thỉnh thoảng lại có khói phun ra ùn ùn. Tôi bị sặc khói, thật là khốn khổ. Cho mãi đến gần đây tôi mới biết, đó là khói thuốc lá mà con người vẫn hút.
Tôi nằm yên trong lòng bàn tay gã học sinh này, với cảm giác dễ chịu, được một lúc thì bắt đầu chuyển động với một tốc lực rất lớn. Không hiểu đó là do gã học sinh cùng chuyển động hay chỉ có mình tôi mà mắt tôi hoa cả lên, ngực thấy ngột ngạt. Tôi đang nghĩ “thôi nhất định phen này mình toi rồi” thì bỗng nghe đánh “uỵch” một tiếng và mắt tôi tóe lửa. Tôi chỉ nhớ được có đến đấy, còn sau đó ra sao thì chịu, không thể nào nhớ nổi. Dù tôi có muốn cố vắt óc mà nghĩ cũng không thể nhớ ra được.
Khi tôi tỉnh lại thì không thấy gã học sinh nữa. Những anh em cùng lứa với tôi rất đông cũng không thấy ai. Quan trọng nhất là mẹ tôi, cũng chẳng thấy bóng dáng đâu cả. Hơn nữa, khác với nơi trước, chỗ này rất sáng. Sáng đến nỗi tôi không thể mở mắt ra được. Thấy tình hình có vẻ đáng ngờ, tôi cố trườn lên, bò thử xem sao thì thấy rất đau. Tôi đang ở trên đám rơm rạ, bây giờ bất ngờ bị vứt ra bãi cỏ tre[1].
Tôi lấy hết sức bò qua bãi cỏ, thấy phía bên kia có một cái đầm rộng. Tôi ngồi trước đầm mà suy nghĩ phải làm gì bây giờ. Tôi cũng chẳng nghĩ ra được cái gì rõ ràng. Một lúc sau, tôi nghĩ là nếu mình kêu thì có lẽ gã học sinh ấy sẽ lại đến đón chăng? Tôi kêu thử “meo meo” nhưng chẳng có ai đến cả. Trong khi đó, trên mặt đầm gió vẫn thổi rào rào và mặt trời thì sắp lặn. Tôi rất đói. Có muốn kêu cũng không ra tiếng nữa. Vô phương, tôi đành quyết định bò đến chỗ nào có cái gì để ăn, dù bất kỳ là món gì cũng được. Thế là tôi từ từ bò vòng qua phía bên trái đầm. Thật là cực nhọc! Nhưng tôi cố chịu đựng và gắng bò đi cho bằng được. Cuối cùng, tôi đã đến được một nơi có vẻ có người. Tôi nghĩ, hãy cứ vào đây đã, chắc rồi đâu sẽ có đó.
Tôi chui qua một cái lỗ thủng của hàng rào tre, vào trong một ngôi nhà. Duyên số thật kỳ lạ. Nếu mà cái hàng rào tre này không bị thủng, thì chắc là tôi đã chết đói ở bên đường rồi. Người ta thường nói: “Dưới cùng một bóng cây”[2] mà! Cái lỗ thủng hàng rào này, cho đến nay vẫn là con đường để tôi qua lại thăm Tam Mao[3] ở nhà hàng xóm.
Chà, chui vào cái nhà này xong rồi, tôi không biết từ giờ về sau mình sẽ phải làm gì đây? Trong khi đó trời đã sập tối. Bụng đói. Trời lạnh và mưa nữa. Tôi không thể rảnh rang để mà chần chừ được nữa. Thôi thì hãy cứ đành bước đến phía nào có ánh sáng và có vẻ ấm cúng cái đã. Bây giờ nghĩ lại mới biết, hóa ra lúc đó tôi đã ở trong nhà rồi. Ở đây, tôi lại gặp phải cảnh ngộ phải nhìn thấy những “con người” khác, ngoài cái gã học sinh kia. Người mà tôi gặp đầu tiên là người nấu bếp. Người này còn thô bạo hơn cái gã học sinh lúc nãy. Người này vừa nhìn thấy tôi là lập tức tóm luôn cổ tôi ném ra ngoài. Chà, thế này thì không ổn rồi! Tôi nhắm mắt, giao phó vận mệnh của mình cho trời. Nhưng mà đói và lạnh quá, không thể chịu nổi. Thế là tôi nhằm lúc người nấu bếp không để ý, lại bò vào bếp, rồi một lúc sau lại bị ném ra. Tôi nhớ là tôi cứ bò vào lại bị ném ra, rồi bị ném ra lại bò vào như thế, lặp đi lặp lại có đến 4 – 5 lần. Lúc đó sao mà tôi ghét cay ghét đắng cái kẻ gọi là người nấu bếp ấy thế! Sau này, có lần tôi đã công trộm một con cá trích của mụ này để trả thù, từ đó nỗi căm giận trong lòng tôi mới nguôi bớt.
Khi tôi sắp bị tóm cổ vứt ra lần cuối cùng thì người chủ nhà này xuất hiện, hỏi có chuyện gì mà ồn ào thế. Người hầu gái xách cổ tôi giơ về phía chủ, mách “cái con mèo cầu bơ cầu bất này, cứ ném ra nó lại bò vào bếp, bao nhiên lần rồi, thật khó xử quá!”. Người chủ này vừa xoắn những sợi lông đen dưới mũi vừa ngó vào mặt tôi một chập rồi bảo: “Thế thì cứ để cho nó ở trong nhà đi”. Nói rồi đi vào phòng trong. Ông ta có vẻ mồm miệng không nhanh nhẹn lắm. Người hầu gái giận dữ ném tôi về phía bếp. Thế là cuối cùng tôi đã quyết định: “Có lẽ chọn nhà này làm nơi ở của mình chăng”?!
Chủ nhà của tôi chẳng mấy khi dàn mặt với tôi. Nghe đâu ông ta làm nghề dạy học. Cứ ở trường về là ông ta vào phòng sách, ở lì trong đó, hầu như chẳng bao giờ ra khỏi phòng. Những người trong nhà cho rằng ông ta là người học hành rất ghê. Bản thân ông ta cũng tỏ ra như vậy. Nhưng thực ra ông ta chẳng phải học hành gì như những người nhà tưởng. Thỉnh thoảng tôi có rón rén dòm vào trong phòng thì thấy ông ta hay ngủ trưa. Thỉnh thoảng ông ta còn để nước dãi chảy cả vào quyển sách đang đọc dở.
Ông ta bị đau dạ dày, da vàng vọt, tỏ rõ triệu chứng một con người ốm yếu, thiếu sức sống. Vậy mà lại ăn rất khỏe. Sau khi ăn bao nhiêu là cơm, ông ta uống men tiêu hóa Taka Diastase[4]. Uống xong lại giở sách ra. Đọc được vài ba trang thì buồn ngủ. Rồi để nước dãi chảy vào sách. Đó là chương trình lặp đi lặp lại mỗi tối của ông ta.
Tôi là mèo nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn nghĩ làm giáo viên thật nhàn nhã. Tôi mà sinh ra là người thì nhất định tôi sẽ làm giáo viên. Nếu ngủ như thế này mà vẫn có thể làm việc được thì mèo không phải không làm được. Thế mà ông chủ thì cứ bảo rằng không có nghề gì vất vả hơn nghề giáo viên. Mỗi khi có bạn đến chơi, bao giờ ông ta cũng ca cẩm này nọ.
Lúc tôi mới bắt đầu sống trong nhà này, ngoài ông chủ ra, tôi chẳng trông đợi được gì ở những người khác. Đi đến đâu tôi cũng bị đè, bị kẹp. Chẳng ai thèm làm bạn với tôi. Cứ nhìn cái cung cách cho đến bây giờ họ vẫn không thèm đặt tên cho tôi thì đủ biết tôi chẳng được ai ngó ngàng đến như thế nào? Chẳng biết làm gì hơn, tôi đành hết sức cố gắng, tự mình gần gũi cái ông chủ là người đã cho tôi vào nhà này. Buổi sáng, khi ông ta đọc báo, bao giờ tôi cũng leo lên ngồi trên đùi ông. Khi ông ta ngủ trưa, dứt khoát tôi leo lên nằm trên lưng. Chẳng phải là tôi quá yêu thích gì ông ta. Chẳng qua vì chẳng có ai đếm xỉa đến tôi nên tôi đành phải thế thôi. Sau này, khi đã trải qua nhiều kinh nghiệm, tôi thường buổi sáng thì nằm trên nóc nồi cơm, buổi trưa nằm trên bàn lò sưởi Kotatsu, còn những ngày đẹp trời thì ra ngoài thềm hành lang quanh nhà mà nằm ngủ. Nhưng thích nhất là ban đêm, tôi chui vào chỗ bọn trẻ con nhà này đang ngủ mà ngủ thì khoái vô cùng.
Bọn trẻ con này gồm hai đứa, một đứa lên năm và một đứa lên ba tuổi, ban đêm chúng ngủ chung trong một phòng. Bao giờ tôi cũng chui vào giữa hai đứa, tìm một chỗ trống có thể rúc vào rồi chen, lấn, ủn, đẩy lấy chỗ để nằm. Rủi mà có một đứa thức dậy thì sau đó tôi lại bị một trận khốn khổ. Bọn trẻ con, tệ nhất là cái đứa nhỏ hơn, dù là đang giữa đêm, bao giờ cũng khóc và kêu ầm lên “con mèo nó vào, con mèo nó vào”. Thế là cái ông chủ bị đau dạ dày do suy nhược thần kinh ấy, thể nào cũng thức giấc, từ phòng bên cạnh nhảy sang. Hôm vừa rồi, mông tôi đã bị cái thước kẻ quật cho đau điếng.
Tôi sống chung với con người, càng quan sát họ tôi càng không thể không thẳng thắn kết luận rằng bọn họ là một lũ rất ích kỹ. Đặc biệt những đứa trẻ con mà thỉnh thoảng tôi vẫn ngủ chung thì thật hết chỗ nói. Khi hứng lên, chúng tùy tiện dốc lộn đầu người ta xuống, trùm cái túi lên đầu người ta, quẳng người ta ra ngoài trời hay nhét người ta vào một cái hốc bếp nào đó. Vậy mà hễ tôi định làm gì một tí là tất cả nhà xúm vào, đánh đuổi, hãm hại. Hôm vừa rồi tôi chỉ mài móng vào cái chiếu tatami[5] một chút thôi mà bà vợ rất tức giận. Từ đó trở đi, nhất định không cho tôi vào phòng lát chiếu nữa. Người ta rét run cầm cập ở phòng lát gỗ trong bếp mà vẫn cứ bình thản như không vậy. Mỗi khi gặp chị Bạch (mèo trắng), người bạn mà tôi tôn kính, ở nhà phía chếch bên kia đường bao giờ chúng tôi cũng nói với nhau rằng “không có loài nào thiếu tình nghĩa như loài người”. Hôm trước, chị Bạch vừa sinh được 4 con mèo con xinh như ngọc. Thế nhưng cái gã học sinh ở nhà ấy, chỉ đến ngày thứ ba là đem cả 4 con ra vứt ở bên đầm sau nhà. Chị Bạch vừa khóc vừa kể hết đầu đuôi câu chuyện rồi bảo rằng “nhất định chúng ta phải chiến đấu, tiêu diệt hết loài người để cho loài mèo chúng ta được sống cuộc sống đầy tình thương gia đình, mẹ con…”. Tôi thấy chị nói rất có lý. Còn cậu Mike (mèo tam thể) ở nhà bên cạnh thì hào hứng nói rằng: “Con người không hiểu cái gọi là quyền sở hữu. Vốn dĩ, trong loài mèo chúng ta, dù là cái đầu cá khô hay cái rốn con cá đối, ai là người trông thấy trước, người đó có quyền được ăn. Điều đó đã thành lệ. Nếu đối phương không chịu theo quy định này thì có thể dùng sức mạnh của đôi tay để đòi lại công lý. Thế mà bọn ấy tỏ ra không hề có một chút nào về khái niệm này. Những thức ăn ngon mà chúng ta nhìn thấy, bao giờ công bị chúng cướp đoạt mất. Chúng dựa vào sức mạnh, thản nhiên cướp lấy những thứ mà lẽ ra chúng ta được ăn một cách chính đáng.”
Chị Bạch ở trong nhà một quân nhân. Còn người chủ của Mike là luật sư. Tôi sống trong nhà ông chủ là giáo viên nên về mặt này, tôi lạc quan hơm hai bạn kia. Ngày ngày, tôi chỉ nghĩ làm sao sống ngày hôm đó cho tốt là được thôi. Dù là con người thì cũng chẳng phải cứ phồn hoa được mãi. Tốt nhất là cứ bình tâm mà chờ cái thời của mèo sẽ đến.
Nhân nói đến chuyện ích kỷ, ngang ngược, tôi xin nói một chuyện về ông chủ, cũng chỉ vì ngang bướng mà đã thất bại ra sao. Vốn dĩ ông này không phải là người giỏi giang xuất chúng gì, nhưng việc gì ông ta cũng muốn nhúng tay vào. Nào là làm thơ Haiku gửi đăng trên tạp chí Hototogisu (Chim Tử quy) ư? Làm thơ mới gửi cho tạp chí Minh tinh ư? Viết những bài văn tiếng Anh sai be bét ư? Thỉnh thoảng còn say mê đi bắn cung, tập hát, có lúc kéo vi-ô-lông ý éo… Nhưng thật tội nghiệp, chẳng cái nào ra cái nào cả. Đã thế lại còn cái tội, mặc dù đau dạ dày nhưng làm cái gì cũng rất nhiệt tình. Ông ta thường hát ở trong nhà xí và được hàng xóm đặt cho biệt danh là “ông thầy nhà xí”. Vậy mà ông ta vẫn bình thản, chẳng bận tâm gì, cứ lặp đi lặp lại: “Như ta đây là Bình Tông Thịnh, đây là Bình Tông Thịnh!”[6] đến nỗi mọi người phải cười phá lên “đấy, lại Bình Tông Thịnh rồi đấy”.
Khi tôi sống ở cái nhà này được khoảng một tháng, thì chẳng hiểu ông chủ này nghĩ gì mà một hôm, vào ngày lĩnh lương, ông ta tất tưởi về nhà tay xách một cái bọc to tướng. Tưởng ông ta mua cái gì hóa ra là mực vẽ, bút lông rồi giấy vẽ “whatman paper” và xem ra, ông ta có vẻ quyết tâm từ hôm nay sẽ thôi hát vọng cổ với làm thơ Haiku mà chuyển sang vẽ tranh lắm.
Quả đúng thế, từ ngày hôm sau, mấy hôm liền ông ta không ngủ trưa trong phòng sách mà cặm cụi vẽ tranh. Nhưng những cái ông ta vẽ ra thì nhìn chẳng ai hiểu nó là cái gì. Chắc bản thân ông ta cũng thấy tranh chẳng đẹp gì, nên một hôm có người bạn làm về mỹ thuật gì đó đến chơi, tôi đã nghe thấy ông ta nói:
– Mình vẽ có vẻ không ra gì nhỉ? Nhìn người khác vẽ thì tưởng là dễ, nhưng cầm lấy bút vẽ mới biết là khó thật!
Đây là một cách phàn nàn của ông chủ. Quả thật không giả dối chút nào. Người bạn đó nhìn ông qua gọng kính vàng, nói:
– Đúng rồi. Ngay từ đầu thì không có ai vẽ giỏi ngay được. Nhất là không phải chỉ ngồi trong phòng mà vẽ theo trí tưởng tượng. Ngày xưa, Andrea del Sarto[7] đã từng nói là muốn vẽ tranh thì hãy sao chép lại mọi thứ tự nhiên của thiên nhiên. Trên trời có các vì sao, dưới đất có ánh giọt sương, bay thì có chim, chạy thì có thú. Dưới hồ có cá vàng. Trên cành khô có quạ đậu. Thiên nhiên là một bức tranh sống động lớn. Thế nào? Nếu anh cũng muốn vẽ tranh cho ra tranh thì hãy thử vẽ theo kiểu tả chân xem sao?
– Ôi, Andrea del Sarto đã nói như vậy hả. Thế mà tôi không hề biết gì cả. Ra thế đấy, quả đúng thật. Đúng là như vậy thật!
Ông chủ hết sức tán thưởng. Tôi nhìn thấy phía sau gọng kính vàng có ánh cười giễu cợt.
Ngày hôm sau, vào lúc tôi ra nằm ngủ trưa khoan khoái trên thềm nhà thì không hiểu sao, ông chủ từ phòng sách đi ra, đến sau lưng tôi. Tôi tỉnh giấc, hé (một phần mười con) mắt nhìn thử xem ông ta định làm gì thì thấy ông ta đang chân thành mạo tưởng mình là Andrea del Sarto. Nhìn cảnh này tôi không thể kìm nổi tiếng cười tự nhiên bật ra. Kết quả đầu tiên của việc bạn ông trêu đùa, nói lỡm là việc ông ta đang vẽ tả chân tôi.
Tôi đã ngủ đẫy giấc, không nén nỗi buồn ngáp. Nhưng thấy ông chủ đang cầm bút rất nhiệt tình như vậy mà tôi lại ngọ ngoạy thì tội nghiệp quá, nên tôi cố nằm im, nén ngáp. Lúc này ông ta đã phác họa toàn khung bức tranh vẽ tôi, đang tô màu xung quanh mặt. Tôi xin tự bộc bạch! Tôi không phải là một con mèo cao siêu gì. Tôi không dám nghĩ rằng tôi hơn những con mèo khác ở chỗ cái lưng và bộ lông đẹp, cũng như khuôn mặt được trời phú xinh xắn. Nhưng dẫu cho có xấu xí, hèn kém đến đâu thì tôi cũng không nghĩ mình có cái hình dáng kỳ quặc như bức tranh mà ông chủ của tôi đang vẽ kia.
Trước hết là màu sắc, hoàn toàn khác. Tôi có bộ lông màu tro nhạt với những điểm vệt vàng và những đốm vằn như sơn, giống như loài mèo gốc Persia (Ba Tư). Đây là điều mà ai nhìn thấy cũng phải công nhận. Thế mà nhìn cái màu thuốc vẽ của ông chủ này thì thấy chẳng ra vàng cũng chẳng ra đen, chẳng ra màu tro cũng chẳng ra màu quạ, mà cũng chẳng phải là màu pha trộn của những màu này. Tóm lại, nó chỉ là một màu mà người ta chẳng biết gọi nó là gì, ngoài khái niệm là một màu. Một điều kỳ lạ hơn nữa là chẳng có mắt. Đành rằng đây là bức tranh tả chân khi tôi đang ngủ nên không vẽ mắt cũng là có lý, nhưng trong tranh mà không có một chỗ nào giống như chỗ của mắt thì chẳng biết được đó là con mèo đang ngủ hay con mèo mù.
Tồi nghĩ thầm trong bụng, dù có là ông Andre del Sarto gì thì vẽ điểm này cũng hỏng.
Song không thể không cảm phục sự nhiệt tình của ông. Tôi muốn cố gắng hết sức nằm im, không ngọ ngoạy để cho ông vẽ. Nhưng từ nãy tôi đã buồn đi giải, các đường gân thớ thịt trong người thấy nôn nao ngứa ngáy. Đã đến nước không thể chịu thêm một phút nào nữa, tôi đành vô lễ vươn hết cỡ hai chân về phía trước, rụt cổ lại, há hốc mồm ra ngáp. Đến nước này thì tôi có cố gắng ngoan ngoãn cũng không còn để làm gì nữa. Dù sao thì dự định của ông chủ cũng bị phá vỡ rồi, thế là tôi lò dò mò ra phía sau, định để đi tiểu. Thế là ông chủ, với cái giọng vừa pha lẫn thất vọng vừa tức giận, ông thét lác: “Cái đồ mất dạy này!”. Ông chủ này có cái tật là hễ mắng ai, bao giờ ông cũng thét “cái đồ mất dạy” như thế. Ông ta không biết cách chửi bới nào khác thì cũng đành vậy thôi, nhưng thiết nghĩ, ông ta đã không biết rằng người ta đã cố gắng chịu đựng từ nãy đến giờ như thế mà lại còn mắng là “đồ mất dạy” thì quả là vô lễ quá. Giá như mọi khi, mỗi khi tôi trèo lên lưng ông ta mà mặt ông ta hơi tươi tỉnh một chút thì câu mang chửi này tôi cũng cam chịu. Đằng này ông ta đã không hề làm cái gì cho tôi vui, thế mà tôi đi tiểu tiện lại bảo là “đồ mất dạy” thì thật quá đáng, vốn dĩ con người là cái loại luôn tự hào về sức mạnh của mình mà kiêu căng, vênh váo. Nếu không có một loài nào mạnh hơn loài người, liên kết lại để bắt nạt chúng thì chắc là từ nay về sau, ở đâu chúng cũng chỉ vênh vang kiêu ngạo thôi.
Về cái ngang bướng, ích kỷ thì ở mức độ này cũng đành chịu đựng vậy. Nhưng về sự thất đức của con người, thì tôi đã từng nghe nhiều chuyện còn đau lòng gấp nhiều lần thế này.
Phía sau nhà tôi ở, có một vườn chè rộng khoảng chừng 10 chư bô[8]. Vườn không rộng nhưng là nơi có ánh nắng chiếu rọi rất dễ chịu. Những khi bọn trẻ con trong nhà la hét ầm ĩ, không thể ngủ trưa yên lành được, những khi chán chường hay bụng dạ ấm ức, khó chịu, tôi thường ra đây để tĩnh dưỡng tinh thần. Một ngày đầu xuân, đẹp trời, vào khoảng 2 giờ chiều, sau khi ăn cơm trưa, tôi ngủ một giấc ngon rồi bước ra vườn chè này. Đang định đi dạo để đến gần hàng rào cây sam ở phía tây thì tôi thấy một con mèo lớn, tôi chưa hề gặp bao giờ, đang nằm ngủ trên những cọng cúc khô mà nó đã cào xuống lót chỗ. Hình như nó không hề biết là tôi đã đến bên cạnh, mà có lẽ nó thuộc loại không để tâm đến cái gì, nên nằm duỗi dài, ngáy rất to. Cái đồ đi lẻn trộm vào vườn nhà người ta mà lại có thể ngủ thản nhiên như thể ư? Tôi không thể không ngạc nhiên trước sự to gan như vậy.
Nó là một thằng mèo Đen thuần túy. Trời vừa quá trưa, mặt trời chiếu những tia sáng trong suốt lên bộ lông của nó, khiến ta có cảm giác như có ngọn lửa vô hình đang cháy giữa những sợi lông mềm lấp lánh ấy. Con mèo này có một cơ thể vĩ đại, đáng được gọi là vua trong những con mèo. Rõ ràng là phải to gấp đôi tôi.
Với niềm thán phục và sự hiếu kỳ, tôi quên hết trước sau, tôi đứng sững trước nó và ngắm nghía một cách vô tư. Cơn gió nhẹ đầu xuân khẽ lay động những cành ngô đồng từ hàng rào rủ xuống, một vài chiếc lá rơi lả tả trên bụi cúc héo. Vị đại vương mở bừng đôi mắt tròn xoe. Cho đến nay, tôi vẫn còn nhớ rành rành. Đôi mắt ấy đẹp và sáng rực hơn cả hổ phách, thứ mà con người vẫn quý báu. Cơ thể nó không động cựa, hai tròng mắt như tóe ra những tia sáng, dọi vào cái trán bé tí tẹo của tôi, nó hỏi “mày là thằng nào?”
Là đại vương mà lời lẽ thế thì hơi hạ đẳng, nhưng không hiểu sao trong giọng nói ấy như có sức mạnh lấn át được cả chó. Tôi cảm thấy sợ hãi quá. Tôi nghĩ nếu không chào hỏi nó cho tử tế thì sẽ nguy mất. Thế là tôi giả bộ bình tĩnh, trả lời thản nhiên “tôi là mèo, tôi chưa có tên”, nhưng quả thật lúc đó tim tôi đập dữ dội hơn những lúc bình thường.
Bằng một giọng khinh bỉ, hắn hỏi:
– Cái gì? Mèo à? Nghe đến mèo mà thấy ớn quá! Thế mày sống ở đâu?
Thật là coi người bằng nửa con mắt.
– Tôi ở trong nhà ông giáo này.
– Tao cũng nghĩ vậy. Trông mày gầy ngẳng ra thế kia mà lại!
Đúng là đại vương có khác, cứ cố tình gây sự để ra oai. Nghe qua lời ăn tiếng nói thì thấy nhất định đây không thể là con mèo của một nhà tử tế được. Nhưng nhìn thân hình béo núc ních, đầy mỡ thê kia thì chắc hắn ta luôn được ăn ngon và sống sung túc lắm đây. Tôi đành phải hỏi:
– Cậu nói thế thì cậu là ai?
– Tao là Đen, ở nhà hàng xe đây!
Thật là đồ kiêu ngạo. Con Đen nhà phu xe này là một con mèo rất hung hãn mà xung quanh đây không ai là không biết. Nhưng chỉ mạnh như phu xe thôi, chẳng có một chút giáo dục nào nên không ai giao du với nó cả. Đó là một kẻ theo chủ nghĩa xa lánh đồng loại. Nghe tên nó, tôi vừa thấy khó chịu vừa thấy hơi khinh khinh. Đầu tiên, để thử xem mức độ vô học của nó đến đâu, tôi hỏi:
– Thế ông chủ xe với ông giáo thì bên nào oai hơn?
– Nhất định là chủ xe hơn rồi. Mày thử nhìn ông chủ nhà mày xem, cứ như là chỉ có da bọc xương ấy.
– Còn cậu thì, vì là mèo của nhà phu xe nên trông có vẻ khỏe mạnh nhỉ? Ở nhà hàng xe, chắc được ăn nhiều đồ ngon lắm, phải không?
– Mày nói gì? Tao thì dù có ở nơi nào cũng không bao giờ thiếu cái ăn cả. Mày cũng đừng chỉ có luẩn quẩn ở quanh mỗi cái vườn chè này nữa, cứ thử đi theo tao mà xem. Chỉ không đến một tháng là sẽ béo ra, trông khác hẳn ngay.
– Vâng, vậy thì trăm sự nhờ cậu giúp đỡ. Nhưng tôi nghĩ là ông giáo ở cái nhà rộng hơn nhà ông phu xe đấy.
– Đồ ngu. Nhà rộng đến mấy thì cũng có làm no bụng được không hả?
Nó có vẻ tức giận lắm, vẫy vẫy liên hồi cái tai mảnh như một lát tre pha mỏng, rồi đùng đùng bỏ đi.
Từ đó tôi trở thành bạn với Đen nhà phu xe. Sau đó, thỉnh thoảng tôi hay tình cờ gặp Đen. Mỗi lần gặp là hắn lại huênh hoang, khoác lác, rất là “phu xe”.
Tất cả những chuyện thất đức mà tôi nghe được chính là từ Đen mà ra. Một hôm, tôi và Đen nằm khểnh trong vườn chè, nói chuyện phiếm như mọi bận. Sau khi lặp đi lặp lại nhiều lần những chuyện tự phụ cũ rích nhưng vẫn làm như mới của mình, hắn quay sang hỏi tôi:
– Từ trước đến giờ, mày bắt được mấy con chuột rồi?
Tôi vẫn nghĩ, về tri thức thì tôi hơn hẳn Đen, nhưng về sức mạnh và dũng khí thì tôi không thể bì với Đen được. Vậy nên gặp phải câu hỏi loại này thật lúng túng. Nhưng sự thật là sự thật, không thể dối trá được nên tôi trà lời:
– Thực ra thì tôi cũng có định bắt đấy nhưng chưa bắt bao giờ cả.
Đen cười rất ghê, rung tít cả những sợi râu dài, mọc thẳng ra từ cánh mũi của hắn. Vốn dĩ, Đen chỉ phải cái hay kiêu ngạo, chứ hắn cũng có chỗ nào đó hơi thiếu hụt, cho nên nếu cứ làm bộ quan tâm, lắng nghe chuyện của hắn thì hắn là một con mèo rất dễ đối xử. Từ khi tiếp xúc với hắn, tôi đã giữ bài học này nằm lòng, cho nên trong trường hợp này, nếu cứ biện bạch cho sự khinh suất của mình thì chỉ làm cho tình thế trở nên tồi tệ hơn, như vậy là ngu. Do vậy tôi quyết định đánh trống lảng, chỉ gợi cho hắn nói về công trạng của hắn là tốt nhất. Thế là tôi mềm mỏng khích hắn:
– Cậu thì nhiều tuổi rồi nên chắc đã bắt được nhiều lắm rồi đấy nhỉ!
Quả nhiên hắn đã rơi vào bẫy.
– Không phải là nhiều lắm nhưng cũng khoảng ba bốn chục con gì đấy!
Hắn trả lời rất tự mãn, rồi tiếp tục câu chuyện:
– Gì chứ cở một vài trăm con chuột thì lúc nào tao cũng sẵn sàng chấp ngay, nhưng nếu gặp phải con chon itachi (itachi-weasel) thì không trở tay kịp. Đã có lần tao bị một vố đau với chồn rồi đấy.
– Ôi, thế hả?
Tôi tiếp chuyện hắn. Đen chớp chớp đôi mắt to, nói tiếp:
– Năm ngoái, vào lúc tổng vệ sinh cuối năm, ông chủ tao bê cái bọc vôi đi vào phía sau hè thì mày biết không, có một con chồn cực lớn nhảy bổ ra.
– Ồ! – Tôi tỏ vẻ quan tâm lắng nghe.
– Chồn nhưng mà cũng chỉ to hơn con chuột một chút thôi. Tao đuổi theo, định dồn nó vào trong khe.
Tôi khen:
– Giỏi quá nhỉ!
– Nhưng mà mày biết không? Vừa định chộp thì nó phụt ra một luồng kháng khí[9] khai ơi là khai. Từ đó về sau, cứ hễ trông thấy chồn là tao cảm thấy lộn lạo.
Kể đến đây, nó giơ chân trước lên xoa mũi hai ba lần, cứ như là vẫn còn đang ngửi thầy mùi khai của năm ngoái vậy. Tôi cũng cảm thấy nó hơi tội nghiệp. Để tăng khí thế cho nó, tôi bảo:
– Nhưng mà chuột thì đã từng bị cậu lườm cho hàng trăm năm rồi đấy nhỉ? Cậu bắt chuột thiện nghệ, ăn toàn thịt chuột nên béo tốt, da dẻ mỡ màng như thế, phải không?
Không ngờ câu hỏi để nịnh Đen này lại mang lại kết quả hoàn toàn trái ngược. Hắn thở dài, buồn bã:
– Nghĩ mà chán! Dầu có bắt được bao nhiêu chuột đi nữa thì ở đời này có thằng nào mặt dày được như con người đâu. Chuột người ta bắt được, nó lấy hết, đem nộp cho trạm cảnh sát. Ở trạm thì người ta có biết là ai bắt đâu, cứ mỗi lần như thế lại trả cho 5 sen. Ông chủ tao, nhờ tao mà có được tới 1 yen 50 sen rồi đấy. Vậy mà cũng chẳng cho ăn được cái gì ngon lành. Ôi, con người, chúng chỉ là một lũ ăn cắp tốt mã thôi!
Ồ, quả thực, tuy vô học nhưng Đen cũng biết được lý lẽ đến mức đó. Nó xù lông, vẻ vô cùng tức giận. Tôi cảm thấy trong người hơi mệt nên nói chuyện quấy quá cho xong rồi tìm cách chuồn về nhà. Từ đó trở đi, tôi quyết định dứt khoát không bao giờ bắt chuột nữa. Song, tôi cũng không trở thành đệ tử của Đen để theo hắn đi lùng kiếm những món ăn khác, ngoài thịt chuột. Ăn những món đó thì thà nằm ngủ còn nhàn và khoái hơn. Một con mèo sống ở trong nhà ông giáo hình như đã lây tính của ông giáo. Nếu không cẩn thận, có thể sẽ bị đau dạ dày cũng chưa biết chừng.
Nói về ông giáo thì, ông chủ của tôi dạo này hình như đã ngộ ra là mình không có khả năng với tranh thuốc nước, nên trong nhật ký ngày 1-12 đã ghi: “Trong cuộc họp hôm nay, lần đầu tiên mình đã gặp XXX. Nghe nói đây là một tay rất ăn chơi. Quả thật, hắn có phong thái rất trải đời. Những người kiểu này thường được phụ nữ thích. Chính vì vậy hắn lại càng cố tình tỏ ra ga lăng hơn cái bản thân ga lăng của hắn. Nghe đâu vợ hẳn là một cô đào (geisha), thật đáng thèm. Vốn dĩ đa số những người hay chê bai, dè bỉu những kẻ ăn chơi phóng đãng là bởi vì bản thân họ không có tư cách, không có khả năng làm như vậy. Ngay cả những người tự cho mình là tay ăn chơi, cũng có nhiều người chả có mẽ gì cả. Chẳng qua chỉ vì chẳng có gì ràng buộc, cấm đoán nên họ cứ tự nhận thế thôi. Cũng giống như việc vẽ tranh thuốc nước của mình đây cũng vậy. Rút cục, mình cũng chẳng chú ý để mà thành đạt. Vậy mà mình cứ nghĩ chỉ có mình là thông thạo, sành sỏi về tranh thuốc nước. Nếu cứ lý luận kiểu như “vì người đó hay đi nhậu ở quán, hay ra vào những chỗ ăn chơi tụ tập nên đó là người sành điệu” thì bản thân mình cũng có thừa lý lẽ để trở thành nhà họa sĩ tranh thuốc nước lắm chứ. Cũng như vụ tranh thuốc nước của mình, thà đừng vẽ lại hay hơn. Vậy thì thà cứ là một kẻ sơn dã, thô thiển mộc mạc còn hay gấp mấy lần một tay sành điệu ngu xuẩn.”
Ông ta lý luận về việc ăn chơi sành điệu nghe khó mà chấp nhận được. Và chỗ ghen tỵ về người vợ geisha của người khác thì là một ý nghĩ thấp kém, lẽ ra không nên nói ra như vậy từ miệng một ông giáo mới phải. Còn con mắt tự phê phán vê tranh thuốc nước của mình thì rất đúng.
Ông chủ, mặc dù đủ thông minh để hiểu mình như vậy đấy, nhưng vẫn khó tránh khỏi kiêu căng, tự phụ. Hai ngày sau, vào ngày 4-12, ông ta lại viết trong nhật ký: “Đêm qua mơ thấy bức tranh mình vẽ mà cho là hỏng đã vứt đi, đã được ai đó lồng vào một cái khung rất đẹp, treo trên đố cửa (ranma). Chà! Nhìn bức tranh ở trong khung, bản thân mình cũng cảm thấy rất khá. Mình rất vui, tự nhủ “thế này thì cũng là một tác phẩm tuyệt vời đấy” và một mình ngắm cho đến khi trời sáng. Mở mắt ra nhìn thì, lại thấy rõ như mặt trời buổi sáng rằng, đây chỉ là một tác phẩm đáng vứt đi.”
Qua đây cho thấy, ông chủ đã mang nỗi ám ảnh về bức tranh vào cả trong giấc ngủ. Cứ như vậy, tạng ông không trở thành một hoạ sĩ tranh thuốc nước thì tất nhiên rồi, ngay cả thành một nhà thông thái, một kẻ gọi là “đấng nam nhi” cũng không. Sau cái đêm ông chủ mơ về bức tranh đó, ngày hôm sau, sau một thời gian khá lâu không thấy đến, nhà mỹ thuật kính gọng vàng nọ lại đến chơi. Vừa ngồi xuống chiếu, khách hỏi ngay trước tiên:
– Tranh của cậu thế nào?
Ông chủ nói bình thản:
– Theo lời khuyên của cậu, tôi đã vẽ tranh tả chân (photograph picture). Quả thật, bắt tay vào làm mới thấy được những biến đổi tinh tế của màu sắc, của hình dáng sự vật mà trước đây mình không để ý. Ở châu Âu, từ ngày xưa người ta đã chủ trương vẽ tranh tả chân và kết quả là phát triển đến tận nay. Đúng là Andrea del Sarto có khác.
Ông ta rất hèn, không dám nói về nhật ký của mình mà lại đi ca ngợi, thán phục Andrea del Sarto. Nhà mỹ thuật vừa gãi đầu vừa bảo:
– Cậu ạ, thực ra đó là chuyện nhảm đấy.
– Cậu bảo sao?
Ông chủ vẫn chưa biết mình bị bỡn cợt.
– Bảo sao ư? Tức là cái ông Andrea del Sarto mà cậu hết lòng cảm phục ấy, chỉ là chuyện tôi bịa ra thôi. Tôi không ngờ cậu lại tin chân thành đến thế. Ha ha ha…
Ông ta hết sức vui sướng. Tôi nằm ngoài thềm, nghe chuyện của họ và không thể không tưởng tượng, liệu hôm nay nhật ký của ông chủ sẽ được ghi như thế nào đây?!
Nhà mỹ thuật này là một người chỉ có sở thích duy nhất là bịa ra những chuyện tào lao kiểu này đè trêu ghẹo, đánh lừa người khác. Ông ta không hề mảy may bận tâm xem cái vụ A. Sarto kia đã gieo vào lòng ông chủ cái gì, mà đắc chí nói tiếp:
– Chà, thỉnh thoảng nói đùa mà người khác lại nghiêm chỉnh tưởng thật. Đó là một cách kích thích cảm giác mỹ học, mang tính đùa bỡn, kể cũng hay! Hôm trước tôi đã nói với một cậu học trò là “Nicholas Nickelby góp ý với Gibbon rằng cuốn lịch sử cách mạng Pháp của ông ta nên bỏ tiếng Pháp, xuất bản bằng tiếng Anh”. Thế là cái thằng học trò có trí nhớ đến phát rồ này, trong một buổi diễn thuyết ở hội văn học Nhật, đã nhắc lại y nguyên như tôi nói, hài không chịu được. Nhưng lúc đó, thính giả có tới gần một trăm người, tất cả đều nhiệt tình, chăm chú lắng nghe. Rồi còn chuyện buồn cười thế này nữa: Hôm trước, ở chỗ một ông nhà văn, người ta nói đến cuốn Theofano, tiểu thuyết lịch sử của Harrison, tôi mới bảo rằng đó là một tiểu thuyết tuyệt tác nhất trong các tiểu thuyết lịch sử. Rồi tôi bình thêm “đặc biệt là ở đoạn nữ nhân vật chính chết, gây cảm giác rất rùng rợn”. Thế là một tiên sinh ngồi trước mặt tôi – một con người chưa từng bao giờ nói “không biết” – đã nói “đúng, đúng, chính chỗ đó là đoạn văn tuyệt tác nhất!”. Thế là tôi biết ông này cũng giống tôi, chưa hề đọc cuốn đó.
Ông chủ đau dạ dày vì suy nhược thần kinh của tôi tròn mắt, hỏi:
– Cậu nói bịa bạt mạng như vậy, thế nhỡ người nghe là người đã đọc cuốn sách đó thì sao?
Ông ta hỏi cứ như là lừa người khác thì không sao, nhưng chỉ sợ nhỡ con yêu quái mà bị lộ nguyên hình sau tấm da thì gay lắm vậy. Nhà mỹ thuật chẳng hề nao núng:
– Sợ gì! Lúc đó sẽ bảo tôi nhầm với cuốn khác hay nói trí trá gì đó mà chả được.
Nói xong, ông ta cười hề hề. Nhà mỹ thuật này tuy đeo kính gọng vàng, nhưng xem ra bản chất ông ta có nhiều điểm giống với Đen nhà phu xe. Ông chủ không nói gì, lặng lẽ nhả những vòng khói thuốc Hinode, vẻ mặt như muốn nói “tôi không có gan làm như vậy!”. Nhà mỹ thuật, với ánh mắt như muốn bảo “bởi thế nên vẽ tranh cũng không được”, nói:
– Đùa thì đùa thế thôi, chứ vẽ tranh đúng là khó thật. Nghe nói Leonard de Vinci đã từng bảo các môn sinh của mình là hãy thử vẽ lại những vết thấm ở trên tường của nhà thờ xem đấy! Quả thật, khi ngồi trong nhà vệ sinh, lơ đãng ngăm bức tường bị tham nước mưa, tự nhiên thấy như một bức tranh hoa văn rất hay. Cậu thử chú ý vẽ lại xem. Nhất định được một tác phẩm thú vị đấy.
– Cậu lại lừa tôi phải không?
– Không, riêng chuyện này rất nghiêm chỉnh. Thực tế đây là một ý tưởng rất thông minh. Ngay đến chính cả De Vinci cũng muốn nói thế đấy!
– Ừ, đúng thế thật. Đúng là những ý xuất thần đây!
Ông chủ dường như đã đầu hàng một nửa, nhưng không hiểu sao vẫn chưa thấy ông ta vẽ tả chân bức tường nhà xí.
Sau đó, Đen nhà phu xe bị què. Bộ lông óng mượt của nó dần dần nhợt mầu và rụng. Đôi mắt mà tôi thấy đẹp hơn hổ phách bây giờ đầy gỉ. Cái nổi bật, làm tôi chú ý nhất, là sức khỏe suy sụp và cơ thể gầy yếu của nó. Hôm gặp lần cuối cùng trong vườn chè mọi khi, tôi hỏi thăm thế nào thì nó bảo:
– Tao chờn cái mùi tự vệ của chồn và đòn gánh của nhà hàng cá lắm rồi!
Lá vàng kết thành hai, ba tầng thảm đỏ, xen giữa những cây xích tùng[10] rơi lả tả như trong mơ từ ngàn xưa. Những cây sơn trà từng rắc cánh hoa màu trắng, màu hồng xuống bồn nước cạnh hè, cũng đã trút hết lá. Mặt trời mùa đông ngả bóng sớm hơn trên thềm nhà ba gian rưỡi phía nam. Hiếm dần những ngày không có gió bấc. Thời gian ngủ trưa của tôi cũng như bị ngắn lại.
Ông chủ ngày nào cũng đến trường. Hễ về nhà thì ở lì trong phòng sách. Mỗi khi có ai tới thi ca cẩm “nghề dạy học chán quá, chán quá”. Ông cũng chẳng mấy khi vẽ tranh nữa. Thuốc Taka-Diastase cũng không uống vì bảo không có tác dụng.
Bọn trẻ con ngày nào cũng đi nhà trẻ một cách đáng phục, về nhà thì hát hò, chơi cầu. Thỉnh thoảng lại tóm đuôi tôi, dốc lộn cổ xuống.
Tôi chẳng được ăn ngon nên chẳng mấy béo tốt. Nhưng được cái khỏe mạnh, không què quặt mẻ sứt gì, và cứ thế sống qua hết ngày này sang ngày khác. Tôi nhất quyết không bắt chuột. Chị nấu bếp cho đến nay tôi vẫn ghét. Người ta cũng vẫn chưa đặt tên cho tôi. Song, nói ra nguyện vọng của mình thì vô hạn lắm. Vậy nên tôi quyết định cứ sống suốt đời là một con mèo vô danh ở nhà cái ông giáo này thôi.
Chú thích
[1] Cỏ sasa, một loại cây thuộc họ lúa, có lá giống lá tre.
[2] Thỉnh thoảng ngẫu nhiên trú dưới cùng một bóng cây cũng là do duyên kiếp tiền định.
[3] Mikeko – Tam Mao Tử, nghĩa là mèo tam thể, trong truyện Tam Mao là tên nhân vật mèo tam thể này.
[4] Taka Diastase: một loại thuốc dạ dày cao cấp thời đó.
[5] Tatami: tấm đệm lát sàn nhà, bề mặt đan bằng cói giống chiếu trải giường của Việt Nam, bề dày khoảng 4 cm, diện tích 180 cm x 90 cm, là đơn vị tính diện tích gian phòng nhà ở của Nhật Bản.
[6] Lời hát của một vở tuồng cổ, Taira no Munemori (Bình Tông Thịnh, 1147-1185, võ tướng cuối thời Hei An, là tên nhân vật lịch sử trong vở tuồng).
[7] A.Sarto, 1486-1531, nhà họa sĩ lớn người Ý.
[8] Tsubo=3.3 m2, đơn vị đo diện tích đất đai của Nhật.
[9] Tuyến khí tự vệ, tự động phun ra khi gặp nguy hiểm.
[10] Akamatu: xích tùng, thông đỏ, một loại thông, thân có vỏ màu nâu đỏ.