Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 7 PHẦN 2



Từ ngày xửa ngày xưa, thiên nhiên đã tạo ra con người và ném họ vào đời bình đẳng như nhau, nên khi sinh ra, ai cũng trần truồng như nhau. Nếu bản tính con người là an phận với sự bình đẳng này thì lớn lên vẫn mãi mãi không mặc quần áo gì cả. Nhưng trong số những người không quần áo đó bỗng có một người nói rằng “Nếu ai cũng như thế này thì việc học hành chả có ý nghĩa gì cả. Mình cố gắng vất vả cũng chả nhìn thấy thành quả gì. Phải làm thể nào để mình là mình, ai nhìn vào cũng biết đó là mình thì mới được!”. Để thực hiện điều này, anh ta muốn thử khoác vào mình một cái gì đó mà người khác nhìn vào phải giật mình, sợ hãi. Anh ta tìm tòi, suy nghĩ suốt trong mười năm, cuối cùng đã phát minh ra cái quần đùi. Anh ta lập tức mặc chiếc quần này và bước đi vênh vang, tỏ vẻ “đã thấy chưa? đã sợ chưa?”. Người đó chính là ông tổ của những người phu xe ngày nay.
Chỉ để phát minh ra một cái quần đùi đơn giản thế mà phải mất mười năm, hao mòn tổn phí thời gian như vậy? Điều đó làm chúng ta cảm thấy khó tin được. Nhưng đó là kết quả thẩm định mà chúng ta phải đi ngược về thời cổ đại, đặt mình trong hoàn cảnh thế giới mông muội mà phán đoán thì mới được. Do vậy, vào thời kỳ đó, đây là một phát minh lớn chưa từng có. Nghe nói, để nghĩ ra được một chân lý mà đứa trẻ con ba tuổi cũng có thể hiểu được, đại ý là “tôi suy nghĩ tức là tôi tồn tại” Descartes đã phải mất mười năm. Tất cả Ià mọi thứ khác, để nghĩ được ra nó đều phải cổ gắng, vất vả. Vì vậy, dùng mười năm cho một phát minh tìm ra cái quần đùi, phải nói là quá giỏi đối với trí tuệ của một người phu xe.
Khi chiếc quần đùi đã ra đời thì chỉ có một mình anh phu xe là kiêu ngạo, lên mặt. Thấy những người phu xe mặc quần đùi đi lại vênh vang, cứ như thể mọi con đường lớn trong thiên hạ này đều là của riêng mình, có con ma khác cũng căm ghét, không chịu thua. Nó lần mò, tìm kiếm trong sáu năm, phát minh ra một “ông lớn” vô tích sự, đó là cái áo khoác Haori. Những người hàng rau, người bán thuốc Nam, người bán quần áo kimono chính là hậu duệ của nhà đại phát minh này.
Sau thời kỳ quần đùi Sarumata, áo khoác Haori là đến thời quần dài Hakama. Đây là nhờ sự tìm tòi của một con ma, nó đã nổi khùng “Haori là cái quái gì?!” Những võ sĩ ngày xưa hay quan chức ngày nay là thuộc vào loại này. Cứ như thế, những con ma tranh nhau khoe mình cũng khác người và đi tìm cái mới. Cuối cùng xuất hiện một cái loại quái thai có tên là “đuôi én”.
Nếu ta bình tĩnh nhìn lại nguyên do ra đời của những thứ ấy thì sự thật cho thấy chúng được cố tình mang đến, chứ hoàn toàn không phải do ngẫu nhiên tùy tiện hay tình cờ gì cả. Sự dũng mãnh, lòng hiếu thắng của tất cả đã ngưng đọng lại, tạo ra nhiều hình hài mới. Thay vì vừa đi vừa xua tay, la hét “tao không phải là mày”, người ta khoác vào người những cái đó. Xem ra, những phát minh mới cũng đã ra đời từ tâm lý này, chứ không có gì khác.
Giống như thiên nhiên kỵ chân không, con người rất ghét bình đẳng. Ngày nay, khi con người gì ghét bình đẳng mà khoác vào người những thứ quần áo như da thịt, thì việc muốn quay về thời đại vốn công bằng, bình đẳng, chống lại một phần bản chất này là việc làm của những thằng điên. Giả sử cứ tưởng bở, dựa vào danh nghĩa “cuồng nhân” thì hoàn toàn cũng không thể trở lại được. Trong con mắt những người đã được khai hóa, những kẻ trở về đó là những con ma, lũ ma quỷ. Nếu như cả mấy tỉ người trên thế giới này đều quay trở về khuôn khổ của những con ma kia thì sẽ bình đẳng chăng? Tất cả đều là ma quỷ cả thì an tâm, không sợ xấu hổ gì nữa chăng? Nhưng cũng không được! Khi thế giới đã thành ma cả rồi thì ngay ngày hôm sau, lập tức sự cạnh tranh giữa những con ma lại bắt đầu. Không mặc quần áo để cạnh tranh được thì cứ cạnh tranh bằng những con ma đó. Những kẻ khỏa thân cứ hoàn toàn khỏa thân như thế mà tùy sức tạo ra những sự phân biệt, sự khinh bỉ nhau. Qua đây cho thấy, không thể bỏ quần áo được!
Ấy thế mà, dưới mắt tôi đang nhìn xuống lúc này là cả một tập đoàn người, họ gác tất cả những thứ không nên cởi ra như quần đùi, áo khoác quần dài… lên trên giá, không ngần ngại để phô ra trước bàn dân thiên hạ tình trạng khỉ vốn dĩ của mình, bình thản, tự nhiên đàm tiếu thỏa thích.
Cái mà lúc nãy tôi nói là đại kỳ quan chính là cái này đây. Tôi lấy làm vinh dự được trân trọng giới thiệu với quý vị văn minh quân tử về khái quát tổng thể của kỳ quan này:
Lung tung, lộn xộn như thế này, không biết bắt đầu từ chỗ nào đây? Việc của bọn ma quỷ gì có quy củ. Nói theo thứ tự sắp xếp thì rất khó. Đầu tiên hãy nói về bể nước nóng. Chẳng biết có phải đó là bể nước nóng hay là cái gì, nhưng tôi nghĩ đại khái đó là bể nước nóng. Bể rộng chừng một mét, có bề dài khoảng một gian rưỡi[19], được ngăn ra làm đôi, một nửa là nước nóng trắng, nghe nói là nước thuốc gì đấy nên màu đục như nước vôi. Mà không chỉ có đục không đâu, nó trông còn có vẻ đặc quánh, váng mỡ. Nếu nghe nói kỹ về nước này thì có cho là “trông như thối rữa” cũng không có gì lạ. Nghe nói, mỗi tuần chỉ thay nước có một lần. Bên cạnh đó là nước nóng bình thường nhưng không dám hứa chắc chắn là nó trong trẻo, sạch sẽ… Giá trị của nó chỉ ngang bằng bể nước mưa bị khuấy thôi. Điều đó được thể hiện rõ trên màu sắc.
Từ chỗ này trở đi là ghi chép về bọn ma quỷ. Tương đối vất vả. Trong bể “nước mưa” có hai gã trẻ đang đứng sừng sững. Cả hai cứ đứng quay mặt vào nhau mà dội nước xòa xòa lên bụng. Một sự an ủi thật tuyệt, về màu da đen thì cả hai đều đạt tới mức không thể chê trách. Tôi đang nghĩ những con ma này trông có vẻ khỏe khoắn nhỉ, thì một con cầm khăn vừa kỳ cọ ngực vừa nói “này, Kim, tao bị đau chỗ này, không biết vì sao?” Nghe hỏi thế, thằng Kim liền khuyên nhủ rất nhiệt tình:
– Thế thì dạ dày rồi. Dạ dày là mất mạng đấy. Không cẩn thận là nguy đấy.
– Nhưng ở phía trái cơ mà. – Con ma kia nói và chỉ tay vào phổi bên trái.
– Chỗ ấy đúng là dạ dày rồi. Bên trái là dạ dày, bên phải là phổi.
– Thế à, thế mà tao lại nghĩ dạ dày ở chỗ này.
Lần này lại vỗ vỗ chỉ vào mạn lưng. Kim bảo:
– Thế thì bệnh lồng ruột rồi.
Vừa lúc đó, một thằng khoảng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, để râu mờ mờ nhảy ùm vào bể. Xà phòng cùng với ghét trên người hắn nổi lên trên mặt nước trông lấp lánh như nhìn vào nước có chất sắt. Bên cạnh đó, một ông già đầu hói, tóc cạo nửa phân (1,5 cm), đang lý luận gì đó. Cả người nói lẫn người nghe, tôi chỉ nhìn thấy mỗi cái đầu nhô lên.
– Ối chà, đến cái tuổi này rồi thì chán lắm. Con người ta đến xế chiều rồi thì không thể bì với bọn trẻ được. Nhưng mà nước chả nóng gì cả, chán quá nhỉ.
– Ông vẫn chưa sao đâu. Sức khỏe còn được thế là ổn rồi.
– Chẳng khỏe gì đâu, chỉ được cái là không mắc bệnh gì thôi. Con người ta nếu không có bệnh gì thì có thể sống được đến một trăm hai mươi tuổi đấy.
– Ê! Sống được đến thế ư?
– Sống được chứ! Đảm bảo là sống được đến một trăm hai mươi tuổi. Hồi trước Duy tân, ở Usigome có một người lính canh tên là Magaribuchi, ông ta có một gia nhân sống đến một trăm ba mươi tuổi đấy.
– Thằng cha đấy sống giỏi nhỉ?
– Ừ, sống lâu quá, nó quên mất tuổi của mình. Chỉ nhớ được đến một trăm tuổi, sau đó thì không nhớ gì cả. Theo tôi biết thì lúc đó là một trăm ba mươi tuổi mà vẫn chưa chết, không biết sau đó thế nào, có thể vẫn đang còn sống cũng nên.
Ông ta nói rồi lên khỏi bể nước. Người đàn ông để râu rắc lên khắp người một cái gì trông như mica, tủm tỉm cười một mình.
Nhảy vào thay thế bọn này không thuộc loại ma quái bình thường nói chung, mà trên lưng chúng có khắc những hình vẽ. Có vẻ như màn trình diễn Iwami Jutaro[20] vung đại đao chém mãng xà, nhưng đáng tiếc chưa hoàn thành nên chưa thấy mãng xà đâu. Do vậy, thầy Jutaro trông có vẻ hơi xuống nước. Hắn vừa nhảy xuống vừa kêu “nước nguội bỏ xừ!”. Một tay khác nhảy xuống tiếp theo, mặt nhăn nhó dường như phải chịu đựng cái nóng, nói “ái chà, phải nóng hơn chút nữa mới được nhỉ” rồi quay sang thầy Jutaro chào “ôi, đại ca!”.
Jutaro đáp “à” rồi hỏi:
– Thằng Tami thế nào rồi?
– Thế nào ư? Vì nó thích chuông mà.
– Không phải chỉ có chuông…
– Thế à? Thằng ấy không phải là kẻ tốt bụng đâu. Chẳng hiểu sao mọi người không thích nó. Không biết vì sao người ta không tin nó. Thợ tay nghề chẳng ai như thế cả.
– Đúng thế. Tay Tami ấy thì không phải nó thấp đâu mà vì đầu nó cao quá, nên nó không được tín nhiệm mấy.
– Đúng vậy đấy. Cứ tưởng là cũng có tay nghề chẳng kém ai, nghĩa là tự mình thiệt thôi.
– Ở phố Sirokane, người cũ cũng không còn. Bây giờ chỉ còn những người như ông Moto hàng săng, đại tướng hàng gạch ngói, và cỡ như đại ca thôi nhỉ? Tôi thì sinh ra ở đây chứ Tami thì chả biết ở đâu tới.
– Thế đấy. Nhưng mà nó cũng đã giỏi được đến thế.
– Ừ, không hiểu sao mọi người lại không thích nó. Có lẽ vì ít giao thiệp chăng?
Câu chuyện từ đầu đến cuối chỉ độc chỉ trích ông Tami mà thôi.
Về bể nước mưa, tôi xin nói đến đây. Bây giờ nhìn sang bể nước nóng trắng mới thấy ở đây đông nghịt người. Có thể nói, không phải người ta ngâm mình trong nước mà là nước tràn vào giữa khối người thì đúng hơn. Không những thế, họ lại vô cùng ung dung, thanh thản. Mặc dù liên tiếp có người vào thêm nhưng chẳng có ai đứng lên đi ra cả. Người ta ngâm như thế này, nước lại để cả một tuần thì bẩn là đúng thôi. Tôi thán phục, đưa mắt nhìn khắp lượt bể nước thì thấy Kushami tiên sinh, người đỏ rực, đang ngồi co ro, bị ép về góc phía bên trái. Thật tội nghiệp, giá mà ai dãn ra, nhường chỗ cho ông ấy có lối thoát ra được thì tốt. Tôi nghĩ vậy nhưng thực tế xem ra chẳng có ai muốn nhúc nhích, mà bản thân thầy Kushami cũng không có vẻ gì là muốn lên. Tất cả chỉ ngồi im, người đỏ dần lên. Thế này thì thật là vất vả. Có lẽ họ nghĩ phải làm sao cố tận dụng hai chinh rưỡi tiền tắm nước nóng nên để cho người nóng đỏ lên như thế này chăng? Không lên mau lên thì bị trúng hơi nước mất thôi. Là một kẻ luôn nghĩ đến chủ mình, tôi đứng trên kệ mà lòng không ít lo lắng. Thế rồi có một người nhấp nhô ở chỗ cách ông chủ một người, nhăn mặt sáp lại tìm sự đồng cảm của con ma cùng ngồi chung ghế trong bóng đêm, than thở:
– Thế này thì công hiệu quá mức, thấy nóng rát cả phía sau lưng rồi.
– Nóng gì đâu, thế này là vừa vặn tốt. Nước thuốc mà không nóng thế này thì không công hiệu. Ở quê tôi còn ngâm nước nóng gấp đôi thế này ấy chứ.
Ông ta lên mặt thuyết giáo, vẻ tự đắc.
– Cái nước nóng này thì nó có hiệu nghiệm gì nhỉ?
Người đàn ông gấp chiếc khăn mặt, đặt lên trên cái đầu gối gồ ghề của mình, quay sang hỏi mọi người như vậy.
Công hiệu nhiều thứ lắm. Có thể nói là cái gì cũng công hiệu hết. Đây là một “hào khí” mà lại!
Người nói này là một người có bộ mặt đã được “công hiệu” cả về hình thù lẫn màu sắc của một quả dưa chuột, gầy đét. Nếu công hiệu như vậy thì nhìn ông ta phải khá hơn một chút mới phải.
– Ngày thứ ba, thứ tư sau khi hòa thuốc là công hiệu nhất. Hôm nay là ngày nên ngâm đấy.
Tôi nhìn vào mặt cái người nói có vẻ hiểu biết đó thì thấy một bộ mặt phù thũng, có lẽ đây là béo ghét chăng? Không biết từ chỗ nào, có người cất tiếng vàng vọt hỏi:
– Uống thì có hiệu nghiệm không?
– Nếu bị lạnh mà uống một bát trước khi đi ngủ thì sẽ không đi tiểu vặt. Cứ uống thử mà xem.
Tiếng trả lời này không biết từ cái mặt nào phát ra.
Quan sát bể nước chừng đó xong, tôi quay sang nhìn sàn gỗ thì thấy bày la liệt những Adam hình thù gớm ghiếc (không thể vẽ lên tranh được). Các Adam, kẻ nào người ấy tùy ý mà chọn tư thế, vị trí để rửa ráy. Đáng kinh ngạc là trong đó có người nằm ngửa, nhìn lên tia sáng trên cao, có kẻ nằm sấp bụng, dòm vào máng nước thải. Những người này trông hết sức nhàn rỗi. Có một ông sư ngồi xổm, quay mặt vào tường đá. Phía sau, một chú tiểu miệt mài đấm vai cho ông. Đây là họ đang làm thay nhiệm vụ người phục vụ nhà tắm trên quan hệ thầy trò chăng? Người phục vụ chính cống cũng có nhưng trông có vẻ bị cảm. Nóng thế này mà người đó ăn mặc tề chỉnh, múc nước từ cái chậu hình bầu dục, dội òa òa lên vai ông khách. Nhìn xuống chân anh ta, thấy kẹp một chiếc giẻ kỳ ghét bằng len thô.
Ở góc đằng này có một người tham lam ôm cả ba cái chậu con trong tay, ra sức bàn luận rất lâu với người bên cạnh “dùng xà phòng đi, dùng xà phòng đi”. Tôi lắng nghe xem họ nói gì với nhau thì thấy:
– Súng là mang từ nước ngoài vào chứ trước đây chỉ có chém nhau thôi. Bọn nước ngoài thật là bỉ ổi mới làm ra cái đó. Hình như không phải Tàu đâu. Đúng là bọn Tây rồi. Thời Watonai[21] làm gì có cái đó. Thời đó đúng là chỉ có dòng họ Minamoto của Seiwa (Thanh Hòa) thôi. Khi Yoshitsune từ Ezo sang Mãn Châu, nghe đâu có một người Edo rất có học cứ bám sát theo ông ta. Rồi con trai của Yoshitsune đã tấn công nước Đại Minh, làm cho nước này lao đao, bèn cử sứ giả sang Tam Đại tướng quân yêu cầu cho mượn 3000 quân. Tướng quân giữ sứ giả đó lại rồi sau cho về. Rồi thế nào nhỉ? Rồi sao đó, cái vị sứ giả này, giam giữ hai năm, cuối cùng lấy vợ ở Nagasaki. Con của bà vợ này chính là Watonai. Khi về nước thì nước Đại Minh đã bị giặc đánh tan…
Họ nói gì tôi chả hiểu gì cả.
Phía sau người này, một thanh niên chừng hai mươi lăm, hai mươi sáu tuổi, vẻ mặt tối tăm, thẫn thờ xông nước nóng trắng vào chỗ dưới đùi. Trông anh ta có vẻ như đang đau đớn vì mụn nhọt hay vì cái gì đó. Cạnh đó, một tay khoảng mười bảy, mười tám tuổi đang liến thoắng nói gì có vẻ hỗn láo, cậu, tớ gì đó. Có lẽ một thằng học sinh ở gần đây chăng? Tiếp theo, lại nhìn thấy một cái lưng rất kỳ lạ. Xương sống nổi rõ từng đốt trông như có một cành tre cắm ngược từ hậu môn trở lên. Hai bên cột sống có bốn cái hình giống ô bàn cờ xếp ngăn nắp. Những ô ấy, có cái sưng tấy, xung quanh mưng mủ… Ồ, nếu cứ viết thế này thì nhiều quá mà độc giả cũng không hình dung nổi. Tôi đang cảm thấy ngại khi mình đi vào chỗ phức tạp thì ở cửa ra vào, bất thình lình xuất hiện một ông già đầu trọc khoảng bảy mươi tuổi, mặc kimono vải sợi bông, màu vàng nhạt. Ông cung kính chào khắp lượt những con ma không mặc quần áo này:
– Vâng, thưa tất cả quý vị, ngày nào chúng tôi cũng xin cảm ơn quý vị, không trừ một ai. Hôm nay trời hơi lạnh, xin các vị cứ tắm thong thả, xin các vị cứ lên xuống, ngâm nhiều lần trong nước nóng trắng cho ấm người lên. Này, bác quản lý ơi, bác xem nước cho vừa độ nóng nhé!
Lời lẽ của ông tuôn chảy không ngừng. Người quản lý chỉ đáp “dạ”. Watonai thì hết lời khen ngợi ông già “dễ thương nhỉ, phải như thế làm ăn mới phát đạt chứ!”. Đột nhiên ông già này làm tôi hơi ngạc nhiên nên tôi bỏ dở quang cảnh đang miêu tả này, quay sang quan sát ông ta. Ông già nhìn và chìa tay nói với một thằng bé khoảng bốn tuổi vừa ở dưới bể ngâm lên “Ồ, cậu ấm, lại đây nào”. Nhìn thấy ông già như một người hãm tài, chắc thằng bé sợ hãi, khóc thét lên. Ông già có vẻ lúng túng, xuýt xoa “ối chà, khóc à? Sao mà khóc, sợ ông à? Trời ơi, thế này thì…” Vô phương, ông đành chuyển mũi giáo sang bố thằng bé “À, anh Gên à? Hôm nay hơi lạnh nhỉ. Cái thằng kẻ trộm vào nhà hàng Oumi tối qua sao mà ngu thế không biết. Nó đi khoét cái lỗ chui vào là hình vuông, thế rồi anh biết không, nó bỏ đi mà chẳng lấy cái gì cả. Hay là nó nhìn thấy cảnh sát hay người tuần đêm chăng?”
Sau khi chê bai thằng kẻ trộm xong, ông lại bắt qua một người khác:
– Vâng, vâng, lạnh lắm. Các anh còn trẻ nên không thấy lạnh nhỉ?
Hình như vì già nên mỗi mình ông ta là cảm thấy lạnh. Trong khoảnh khắc tôi đang bị cuốn hút về phía ông già, không những quên béng những con ma quái dị, mà ngay cả ông chủ đang co ro, khổ sở cũng biến khỏi ký ức của tôi, thì đột nhiên có kẻ nào đó nói rất to ở chỗ khoảng giữa chỗ dội nước và sàn lát ván. Tôi nhìn ra thì hóa ra chính ông thầy Kushami, không lẫn vào đâu được. Cái giọng rất to và khản đục, rất khó nghe của ông chủ không phải tôi nghe lần đâu tiên, nhưng vì nó phát ra ở một địa điểm khác nên tôi rất ngạc nhiên. Có lẽ vì ngâm mình quá lâu trong nước nóng, phải cố nén chịu nên bây giờ nó bật ra như thế chăng? Tự nhiên tôi bất chợt nghĩ như vậy. Nếu đó chỉ đơn thuần vì bệnh tật thì không có gì phải bận tâm cả. Nhưng tại sao, mặc dù là phản xạ mà ông ta lại có vẻ thực lòng, cố ý hét như vậy? Tại sao phải dùng phương pháp ngoại lệ, phát ra tiếng bằng toàn thân như vậy? Nghe thì hiểu ngay, ông ta đang bắt đầu một cuộc cãi nhau chẳng người lớn gì với một thằng học trò lếu láo không đáng kể.
– Mày lui xa ra, không được để nước chảy vào chậu của tao.
Người quát này tất nhiên là ông chủ. Sự việc có thể nhìn nhận thế nào cũng được. Tiếng thét này không cần nghĩ là kết quả của sự phản ứng “uất ngược”. Trong muôn vạn người, có thể cũng có một người cho rằng có lẽ đó là Takayama Hikokuro[22] đang mắng bọn sơn tặc đấy. Bản thân đương sự muốn như vậy nhưng đối phương lại không đóng vai sơn tặc nên kết quả không như mong muốn. Thằng học trò quay lại trả lời nhẹ nhàng:
– Tôi ngồi chỗ này từ trước mà.
Đó là câu trả lời rất thường tình, nó chỉ biểu hiện là “tôi không lui ra đâu”, nghĩa là không theo ý ông chủ. Cả ngôn ngữ và thái độ của nó đều cho thấy là không đáng bị mắng mỏ như sơn tặc. Điều này thì dẫu có bị “uất ngược” đến mức nào, chắc ông chủ cũng hiểu được. Nhưng sự phẫn nộ của ông không phải vì chỗ ngồi mà vì từ nãy đến giờ hai học trò này toàn nói những chuyện kiêu ngạo, không hợp với lứa tuổi của họ. Xem ra ông chủ vì phải nghe chuyện của họ từ đầu đến cuối mà đâm ra tức giận thôi. Vì vậy, mặc dù bên kia nói năng điềm đạm, ông cũng không yên lặng mà đi lên sàn gỗ. Lần này ông lại quát:
– Cái đồ mất dạy ở đâu ấy, ai lại để bắn tung tóe nước bẩn vào chậu của người ta thế này.
Tôi cũng hơi ghét bọn trẻ này nên lúc này trong lòng cảm thấy hơi khoái, nhưng tôi nghĩ là một thầy giáo dạy học mà cách ăn nói của ông chủ thế này thì không được nhã nhặn lắm. Ông chủ vốn dĩ là người rất cứng nhắc, rất dở. Cứ khô không khốc, cứng quèo như hòn than đá đã đốt rồi vậy.
Ngày xưa, khi Hannibal[23] vượt dãy Alpes gặp một tảng đá lớn nằm giữa đường, cản trở bước tiến của quân sĩ, ông đã cho dội giấm lên tảng đá, lấy lửa nung cho mềm ra, rồi dùng cưa xẻ tảng đá ra như cắt chả để cho đoàn quân tiến lên suôn sẻ. Một người vào ngồi ngâm như ninh trong nước nóng, có thuốc công hiệu như thế mà vẫn không có kết quả gì như ông chủ này, có lẽ cũng phải dội giấm vào mà hơ trên lửa mới được. Nếu không làm như vậy thì dù cho có hàng trăm thằng học trò thế này, có mặt ở đây mấy chục năm, cái ngang bướng của ông cũng không thể chữa khỏi được.
Những kẻ nổi lều bều trong bể nước, những thằng nằm lăn lóc trên sàn gỗ là một lũ ma quái đã lột bỏ hết quần áo, thứ cần thiết của văn minh con người, nên tất nhiên không thể kiềm chế theo đạo lý thông thường. Làm thế nào cũng được, không sao cả. Dạ dày nằm ở chỗ phổi, Watonai biến thành Seiwagenji, ông Tami chẳng đáng tin cậy cũng được. Nhưng một khi đã ra khỏi phòng tắm, bước lên phòng lát gỗ thì không còn là ma quái nữa, đã ra đến Sa bà, nơi nhân loại bình thường sinh sống, cần phải mặc quần áo, thứ cần thiết cho văn minh của thế giới người, thì cũng phải hành động cho hợp với thế giới người. Chỗ ông chủ đang đứng hiện giờ là ngưỡng cửa, là nơi giáp ranh giữa bệ rửa và phòng thay quần áo, là thời điểm bản thân ông đang định quay về thế giới “hoan ngôn du sắc”[24], “viên truyền hoạt thoát”[25] – thế giới trần tục, cần phải ăn nói dịu dàng, mặt mũi tươi tỉnh, nhanh nhẹn hoạt bát. Ngay ở cái thời điểm ấy mà vẫn ngang bướng kiểu này thì sự ngang bướng đó đúng là một cái bệnh, nó giam hãm ông mà ông không bao giờ thoát ra được. Nếu đã là bệnh thì không dễ dàng chữa được. Để chữa căn bệnh này, theo thiển nghĩ của tôi thì chỉ có một cách, tức là nhờ ông hiệu trưởng cho ông nghỉ việc đi thôi. Một khi đã mất việc rồi, một người không bình thường như ông chủ, nhất định chỉ có ngơ ngác đứng đầu đường. Bơ vơ đứng đường mãi cuối cùng dẫn đến phải chết. Nói một cách khác, miễn nhiệm sẽ là nguyên nhân sâu xa dẫn đến cái chết của ông chủ. Ông chủ là người thích bệnh, sẵn sàng mắc bệnh nhưng rất ghét chết. Chừng nào còn chưa chết, ông còn sống xa hoa với một thứ gọi là “bệnh”. Vì vậy nếu dọa mày cứ bệnh như thế ta sẽ giết thì người nhát gan như ông chủ, nhất định sẽ run lên. Tôi nghĩ khi run như vậy bệnh tật sẽ rơi hết. Mà nếu làm như vậy, bệnh cũng không rơi thì đành đến đó là xong.
Dù có dở hơi đến đâu, bệnh tật đến thế nào thì chủ vẫn là chủ. Có nhà thơ đã từng nói rằng “dẫu một bữa cũng đội ơn quân chủ”. Mặc dù là mèo, tôi không thể không lo lắng cho chủ của mình. Lòng đầy lo âu, thương hại, tôi bị cuốn hút vào ông mà quên cả theo dõi trong bệ rửa. Bỗng nhiên nghe có tiếng chửi hướng về phía bể nước nóng. Ở đây lại có đám cãi nhau chăng? Tôi quay nhìn ra thì thấy, chỗ cửa chắn lò chật hẹp, những ma quái đứng chật ních, không còn hở một tấc trống nào. Những bắp chân lông lá, những bắp đùi nhẵn lông cứ xen cài loạn xạ vào nhau mà cử động. Lúc này, mặt trời đầu thu đã xế bóng, đang chiếu rọi chênh chếch trên bệ rửa, nơi hơi nước bốc lên bám đầy trần nhà. Cảnh tượng ầm ĩ, nhộn nhạo này của bọn ma quái, tôi nhìn thấy lờ mờ qua khe cửa. Tiếng kêu “nóng, nóng” như xuyên qua tai tôi, lọt sang hai bên, loạn xạ ở trong đầu. Trong tiếng kêu ấy, các màu vàng, xanh, đỏ, đen… quyện vào nhau, dội vào trong nhà tắm một loại âm hưởng không thể gọi tên là gì. Chỉ biết rằng đó là một loại tiếng động làm người ta hình dung được một cảnh loạn xạ, ầm ĩ. Ngoài ra nó chẳng có tác động gì khác. Tôi bị cuốn hút vào quang cảnh này, đứng ngẩn ngơ, sợ sệt. Một lúc sau, tiếng ầm ĩ đạt tới cực điểm hỗn loạn. Khi nó gào đến mức không thể gào hơn được nữa, đột nhiên giữa đám đông đang chen lấn, huých đẩy lẫn nhau, có một thằng nhất đại trường hán đứng phắt lên. Người nó đứng lên trông cao hơn những thầy khác khoảng 10 cm. Không những thế, nó quay cái mặt đỏ mà không biết râu mọc trên mặt hay mặt nằm trong râu lại, hét như lệnh vỡ: “Mẹ kiếp, nóng. Nóng quá!”.
Trong đám đông đang xúm xít, quấn quýt vào nhau, chỉ có mỗi cái tiếng nói và cái mặt này là nổi bật. Trong giây lát, nhà tắm như chỉ còn có mỗi một mình người này. Siêu nhân đây! Siêu nhân mà Nictzsche[26] nói đây. Đại vương của những con ma, đầu đảng của bọn ma quái.
Tôi đang nghĩ bụng như vậy thì nghe từ phía sau bể nước có tiếng đáp “dạ”. Ái chà chà! Tôi lại đánh đồng tử về phía đó thì thấy từ trong tăm tối, không nhìn rõ người rõ vật, cậu sansuke[27] quần áo chỉnh tề lúc nãy, ném mạnh một tảng than đá vào trong lò như muốn bảo “vỡ ra”. Khi tảng than chui qua cửa lò, kêu lép bép thì một bên mặt cậu sansuke sáng bừng lên, đồng thời bức tường gạch sau lưng cậu cũng sáng rực như cháy trong bóng tối. Tôi cảm thấy có gì hơi ghê sợ, vội vã nhảy từ cửa sổ xuống, đi về nhà. Trên đường về, tôi vừa đi vừa ngẫm nghĩ: “Cởi bỏ hết áo khoác, quần đùi, quần dài, cố gắng để cho bình đẳng. Vậy mà trong đám đông trần như nhộng ấy lại vẫn xuất hiện kẻ hào kiệt trần truồng, áp đảo đám người khác. Bình đẳng là cái, dù có trần truồng đến mấy cũng không thể đạt được!”
Về đến nhà, thấy đời thật thanh bình. Ông chủ đi tắm về, mặt tươi tỉnh, đang ăn tối. Nhìn thấy tôi trèo lên từ thềm hành lang, ông bảo “con mèo này nhàn nhã quá nhỉ. Từ bấy đến giờ đi đâu vậy?” Nhìn lên mâm cơm của ông, mặc dù chẳng có tiền mà vẫn thấy có hai, ba món, trong đó có cả một con cá nướng. Không biết cá này gọi là cá gì nhưng nhất định là loại cá đã bị bắt hôm qua ở gần Odaiba đây. Cá thì khỏe mạnh rồi, như tôi đã từng trình bày. Nhưng dù khỏe khoắn đến đâu mà bị nướng, bị kho như thế này thì cũng không thể cầm cự được. Thà cứ ốm đau bệnh tật vẫn giữ được những ngày sống tàn còn hơn.
Nghĩ vậy, tôi đến ngồi cạnh mâm, giả vờ như không có ý gì là chờ cơ hội để có thể được xin một miếng đâu. Những kẻ không biết cách giả vờ như thế này thì cứ là phải chấp nhận không bao giờ được ăn cá ngon đâu. Ông chủ chọc đũa vào, gắp một tí cá nhưng nhăn mặt vẻ không ngon, đặt đũa xuống. Ngồi đối diện trước mặt ông, bà chủ im lặng, chăm chú nghiên cứu tình hình lên xuống của đôi đũa, mức độ đóng mở, phồng dẹp của hai má ông chủ. Bỗng ông chủ bảo vợ:
– Này, mình vỗ thử vào đầu con mèo xem.
– Vỗ làm gì?
– Làm gì cũng được, cứ vỗ thử xem.
– Vỗ thế này à?
Bà chủ lấy bàn tay vỗ nhẹ vào đầu tôi. Chả thấy đau cũng chả thấy sao cả.
– Nó không kêu gì nhỉ.
– Vâng.
– Vỗ lại một lần nữa xem nào.
– Vỗ mấy lần thì cũng thế thôi mà!
Bà chủ lại đập lòng bàn tay bụp một cái. Cũng chẳng cảm thấy gì nên tôi lặng yên. Nhưng làm như vậy để làm gì thì một kẻ trí tuệ sâu rộng như tôi cũng thấy quả thật khó hiểu. Giá mà hiểu được làm như vậy để làm gì thì thiếu gì cách làm. Nhưng ở đây chỉ bảo “vỗ xem” thì người vỗ là bà chủ, người bị vỗ là tôi đều cảm thấy khó xử.
Lần thứ hai cũng không được như ý, ông chủ vẻ sốt ruột, bảo:
– Này, vỗ thử cho nó kêu lên xem nào.
– Làm cho nó kêu để làm gì?
Bà chủ vẻ mặt phiền toái, vừa hỏi vừa vỗ “bét’’ một cái.
Nếu tôi biết nguyện vọng của ông ấy như vậy thì dẫu là tiếng kêu vô nghĩa, tôi cũng có thể làm thỏa mãn ông ấy được. Nhưng ông chủ là cái đồ ngu xuẩn như vậy nên tôi rất ghét. Nếu ngay từ đầu, ông ấy bảo là làm cho nó kêu lên thì chẳng phải dùng tay đập hai, ba lần phiền hà như vậy cũng xong. Mà tôi cũng không bị đánh đến lần thứ ba vì cái việc chỉ một lần là xong ấy. Còn ông ấy bảo là “vỗ thử xem” thì mục đích của ông ấy chỉ là vỗ. Vỗ là việc của người khác. Kêu là việc của tôi. Chỉ cần ra lệnh vỗ mà đòi ngay từ đầu tôi sẽ kêu theo ý của ông ta thì quả là hỗn láo, không coi trọng tư cách của người khác. Đó là thái độ coi thường mèo. Nếu là bà Kaneda, kẻ mà ông vẫn ghét cay ghét đắng như rắn rết, thì có thể làm như vậy được. Nhưng đây là một ông chủ, vẫn thường tự hào về mình, mà lại làm như thế thì thật bỉ ổi. Thực ra, ông chủ cũng không đến nỗi keo kiệt lắm, cho nên cái lệnh này của ông cũng không phải là xảo quyệt gì. Nghĩa là, ta có thể suy luận rằng đó là một loại giòi bọ, phát sinh từ sự thiếu trí tuệ mà ra thôi.
Ăn cơm vào thì bụng to lên; cắt thì chảy máu; giết thì sẽ chết. Đó là điều tất nhiên. Cho nên vỗ thì sẽ kêu cũng là đương nhiên. Ông ta đã suy đoán nhanh như vậy. Nhưng đáng tội nghiệp cho ông là điều đó không được hợp logic. Nếu cứ kiểu này thì rơi xuống song nhất định phải chết; ăn tempura (chả rán tẩm bọt) nhất định bị tiêu chảy; lĩnh lương là nhất định sẽ làm việc và đọc sách nhất định sẽ tài giỏi. Nếu cứ “nhất định” như vậy thì nhiều người bị gay to. Tưởng cứ vỗ là sẽ kêu thì thật làm phiền tôi quá. Nếu tôi bị đánh đồng với quả chuông báo giờ ở Mejiro thì sinh ra làm kiếp mèo hỏi còn có ý nghĩa gì nữa? Trước hết, trong lòng tôi oán trách ông chủ như vậy, nhưng rồi tôi cũng kêu cho ông một tiếng “meo” theo nguyện vọng của ông.
Thế là ông chủ quay sang hỏi bà chủ:
– Cái tiếng “meo” mà nó vừa kêu đó, cô có biết là “cảm thán từ” hay “phó từ” hay là gì không?
Bị hỏi quá bất ngờ, bà chủ im lặng, không nói gì. Thực ra tôi cũng nghĩ có lẽ đây là chứng bệnh phản ứng do tắm nước nóng khi nãy vẫn còn chưa tan hết chăng. Ông chủ này vốn dĩ vẫn nổi tiếng trong bàn dân quanh vùng là người gàn dở, thực ra còn có người quả quyết là ông ta mắc bệnh thần kinh nữa. Nhưng sự tự tin của ông chủ rất ghê. Ông vẫn cố gắng và tin là ta không mắc bệnh thần kinh, chính thiên hạ mới là những kẻ bị thần kinh. Nếu những người xung quanh gọi ông là “chó” thì để cho công bằng, ông gọi họ là “lợn”. Thực tế, dù ở đâu, bao giờ ông cũng muốn công bằng, rất phiền toái. Là một người như vậy nên việc ông đặt câu hỏi kỳ quái với bà chủ như thế này, với ông là chuyện cơm bữa. Nhưng về phía người hỏi thì cách nói có vẻ như người bị thần kinh nên bà chủ mặc kệ, không nói gì. Tất nhiên tôi cũng không trả lời gì cả.
Thế rồi lập tức ông chủ gọi thật to:
– Này.
Bà chủ giật mình thưa:
– Dạ.
– Cái “dạ” đó là cảm thán từ hay phó từ đấy?
– Là gì ư? Cái vớ vẩn ấy thì là gì mà chả được.
– Được thế nào được! Thật ra đây là một vấn đề rất lớn, chi phối đầu óc các nhà ngôn ngữ học đấy.
– Ối trời ơi, cái tiếng mèo kêu ấy à, thật vớ vẩn. Nhưng tiếng mèo kêu thì có phải là tiếng Nhật đâu mà!
– Chính vì thể mới là vấn đề khó. Đây là vấn đề nghiên cứu so sánh.
– Thế à? – Bà chủ là người khôn nên không dây vào vấn đề này.
– Vậy mình có biết nó là gì không?
– Vấn đề quan trọng nên tôi không thể hiểu ngay được.
Ông trả lời và tiếp tục hăng hái ăn món cá vừa nãy, sau đó lại ăn món thịt lợn và món khoai hầm ở bên cạnh.
– Đây là thịt lợn à?
– Vâng, thịt lợn đấy.
– Chà!
Ông chủ nuốt với vẻ rất coi khinh món thịt lợn. Rồi ông chìa cốc bảo:
– Tôi uống thêm một cốc rượu nữa.
– Tối nay mình có vẻ phấn chấn nhỉ, mặt đỏ nhiều rồi đấy.
– Đã bảo uống mà lại. Thế cô có biết từ dài nhất thế giới là từ nào không?
– Vâng, đó là Quan bạch Thái chính đại thần[28] chứ gì?
– Đó là tên người. Tôi hỏi từ ngữ dài nhất cơ mà.
– Từ ngữ là cái thứ chữ viết ngang ấy à?
– Ừ.
– Không biết. Thôi uống rượu thế thôi, bây giờ ăn cơm đi nhé?
– Không, tôi còn uống. Tôi nói cho cô biết từ dài nhất nhé. Đó là chữ Archaiomlesidonophrunicherata[29].
– Chắc là bịa lung tung ra chứ gì?
– Bịa à? Đó là tiếng Hy Lạp đấy.
– Nếu nói thành tiếng Nhật nó là cái gì?
– Không biết nghĩa, chỉ biết vần của nó thế thôi. Nếu viết dài ra thì được 6,3 tấc[30] đấy.
Rất ngoạn mục ở chỗ, trong lúc đầu óc còn tỉnh táo, ông đã nói những cái mà người khác chỉ nói ra khi say rượu. Vả lại, chỉ riêng mỗi hôm nay ông mới uống rượu bạt mạng như vậy. Bình thường ông chỉ quy định hai chén là thôi, nhưng hôm nay ông đã uống bốn chén. Ông chỉ uống hai chén là đã đỏ mặt rồi nên hôm nay uống gấp đôi thì cái mặt đỏ rực như chiếc que cời bị nướng, trông rất khổ sở. Vậy mà vẫn chưa thôi.
– Một chén nữa.
Ông lại chìa cốc ra. Quá quắt quá, bà chủ nhăn nhó:
– Thôi, không uống nữa, chỉ khổ thôi.
– Cái gì? Khổ cũng phải cố tập cho quen. Ngài Omachi Keigetsu bảo cứ uống[31] đi mà.
– Quế Nguyệt là cái gì?
Đổi với bà chủ, quả là Quế Nguyệt cũng chẳng có một xu giá trị nào cả.
– Quế Nguyệt là nhà phê bình hàng đầu hiện nay. Ông đã bảo uống đi thì có nghĩa là tốt rồi.
– Nói vớ vẩn. Quế với chả Mai. Bảo uống rượu đi cho nó khổ thì quá thừa.
– Không phải chỉ có rượu. Ông ấy còn bảo phải giao tiếp, chơi bời, đi đây đi đó nữa.
– Lại càng tệ hại hơn chứ gì? Người như thế mà là nhà phê bình hàng đầu à? Thật ngán ngẩm. Lại đi xui người có vợ con hãy ăn uống, chơi bời…
– Ăn chơi cũng được chứ sao. Chẳng cần chờ Quế Nguyệt phải khuyên, nếu có tiền chắc tôi cũng ăn chơi đấy.
– Không có lại sướng đấy. Nếu mà từ hôm nay mình bắt đầu ăn chơi thì thật là tai vạ.
– Tai vạ thì thôi. Nhưng bù vào đó, cô hãy biết quý trọng chồng hơn một chút, bữa tối nên cho ăn ngon hơn một chút đi.
– Như thế này cũng hết sức rồi đấy.
– Có lẽ thế chăng? Thế thì nếu khi nào có tiền tôi sẽ ăn chơi, còn hôm nay thì thôi.
Ông nói rồi chìa bát. Không hiểu sao ông ăn tới ba bát cơm chan nước chè. Tối hôm đó tôi được ăn ba miếng thịt và một cái đầu cá nướng.
Chú thích
[1] Nơi tắm biển gần Tokyo.
[2] Nhỏ hẹp, tấm lòng.
[3] Kích thước, hình dáng.
[4] Một cồn cát ở vịnh Mi-ya-chư, tỉnh Kyoto, một trong ba cảnh quan nổi tiếng của Nhật Bản.
[5] Tên địa phương sản xuất giấy.
[6] Nhân vật lớn, kẻ mạnh.
[7] Phát huy vai trò tác dụng.
[8] Thực ra là “Thất tung thất cầm” – bảy lần thả bảy lần bắt.
[9] Chỉ nghe tiếng mà không nhìn thấy người.
[10] Khoảng 1,8 m.
[11] Trong tiếng Nhật, từ “ô-chi-ru” có nghĩa là “rơi”, “ô-ri-ru” nghĩa là “xuống”.
[12] Khoảng 16, 17 m.
[13] Lính canh, kẻ cướp.
[14] Tây Hành (1118-1190), nhà sư, nhà thơ.
[15] Tây Hương Long Thịnh (1827-1877), một công thần của Minh Trị duy tân.
[16] Giọng nói nhẹ nhàng như vuốt ve mèo. Giọng nói nhằm vuốt ve, nịnh, lấy lòng đối phương. Nghĩa đen là giọng của mèo khi được vuốt ve.
[17] Nguyên văn là ngửa bàn tay ra thì mưa, úp bàn tay xuống thì râm.
[18] Phiên, đơn vị của tấm vải có khổ rộng 2 thước 6 hoặc 2 thước 8.
[19] Khoảng 2,7 m.
[20] Một nhân vật hào kiệt trong truyền thuyết.
[21] Hòa Đường Nội, tên một nhân vật chính trong tuồng Tịnh lưu ly của Chikamatsu, sáng tác dựa theo cuộc đời hình tượng mẫu là ông Teiseiko (Trịnh Thành Công 1624-1662), có cha là người Trung Quốc, mẹ là người Nhật, nhưng trong mẩu hội thoại này lại nói đến Minamoto Yoshitsune (Nguyên Nghĩa Kinh 988-1075).
[22] Một nhân vật tôn vương thời kỳ cuối Edo (1747-1793).
[23] 247-183 TCN, một danh tướng.
[24] Lời vui, mặt tươi.
[25] Thay đổi nhanh nhạy.
[26] Friedrich Wilhelm Nietzsche (1844-1900) triết gia Đức, người đi đầu trong existentialism – CN thực tồn.
[27] Bồi nhà tắm.
[28] “Thái Tính Tự Nhập Đạo Tiền Quan Bạch Thái Chính Đại Thần” là tên gọi kính trọng ông Fujiwara Tadamichi, nhà thơ, Quan bạch và sau trở thành Thái chính đại thần thời Hei An. Tên này đọc theo tiếng Nhật có 23 âm tiết.
[29] Một từ trong một hài kịch Hy Lạp cổ trước công nguyên. Đọc theo cách phát âm tiếng Nhật có 17 âm tiết.
[30] Khoảng gần 20 cm.
[31] Đại Đinh Quế Nguyệt (1869-1925), nhà phê bình thời Minh Trị, Đại chính, thích đi du lịch và để lại nhiều ghi chép về những nơi đã đi.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.