Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 10 PHẦN 1



– Mình ơi, 7 giờ rồi đấy.
Bà chủ gọi với qua tấm cửa lùa bằng giấy. Ông chủ không biết đã thức giấc hay còn đang ngủ, nằm quay mặt đi, không trả lời. Không trả lời vốn là cái tật của ông này. Khi nhất thiết phải mở miệng về một cái gì đó, bao giờ ông ta cũng chỉ “ừm” một tiếng. Ngay cả cái tiếng “ừm” này cũng không phải là được phát ra một cách dễ dàng. Con người mà đã đến mức không thèm lên tiếng như vậy thì chắc là phải có ý gì đây. Nhưng với người này thì cái đó chỉ chứng tỏ ông là người không được phái nữ ưa thích thôi. Ngay cả cái bà vợ hiện giờ đang gắn bó với ông đây cũng chẳng yêu thương, quý trọng gì ông lắm. Cứ từ đó mà suy ra thì biết, những người khác cũng thế cả. Một người mà đã bị ngay cả bố mẹ, anh chị em mình bỏ rơi thì chẳng còn hòng gì được những cô gái làng chơi xa lạ, người dưng nước lã thương mến. Cũng như vậy, một người chồng đã không được ngay cả vợ mình yêu thì không có lý gì lại lọt được vào mắt xanh những đàn bà con gái khác trên đời này cả. Chẳng cần phải nói nhiều về cái ông chủ chẳng hấp dẫn gì với thế giới phụ nữ này nữa. Song, xuất phát từ lòng tốt, muốn giúp cho ông ta hiểu ra một chút, tôi muốn nói thêm rằng bản thân ông ta rất sai lầm, cứ viện lý do chống chế rằng mình không được vợ yêu là vì hai người không hợp tuổi nhau. Chính cái đó là nguồn gốc làm cho ông bế tắc, phiền muộn.
Đã nhắc là đến giờ rồi mà không thèm nghe, cũng không lên tiếng trả lời, cứ nằm quay mặt đi như vậy thì đó là lỗi tại ông chứ không phải tại bà vợ. Nghĩ như vậy nên bà chủ tỏ ý “mặc kệ, muộn thì muộn”, bà ôm chổi và cái que đập bụi đi vào phòng sách. Một lúc sau, tiếng đập bụi bùm bụp vang lên trong phòng, báo hiệu sự dọn dẹp đã bắt đầu theo thông lệ. Mục đích của việc dọn dẹp này, không biết là để vận động cơ thể hay là để vui chơi? Vì không được phân công dọn dẹp bao giờ nên mèo tôi không rõ. Vì vậy tôi cứ lờ đi, chẳng cần quan tâm đến làm gì. Nhưng phải nói, cách dọn dẹp của bà chủ nhà này thật hết sức vô nghĩa. Nói là vô nghĩa, bởi vì bà dọn chỉ để mà dọn. Bà đập một loạt lên cửa sổ, lướt một lượt chổi trên chiếu trải sàn, thế là coi như xong. Làm mà chẳng có liên quan, trách nhiệm gì đến nguyên nhân và kết quả của việc quét dọn cả. Cho nên, những chỗ sạch thì ngày nào cũng sạch còn những chỗ bẩn, chỗ bụi thì mãi mãi rác cứ dồn lại, bụi cứ chất lên. Ngày xưa có sự tích cúng sóc vọng. Việc dọn dẹp này cũng giống như vậy, nên có thể là làm còn hơn là không chăng? Do vậy bà vẫn làm, nhưng chẳng mang lại lợi ích gì cho ông chủ cả. Chẳng mang lại lợi ích gì mà ngày nào cũng khổ công làm, thì đó là cái giỏi của bà. Giữa bà và việc dọn dẹp, do thói quen lâu năm nên đã tạo ra một sự liên tưởng máy móc, ngày càng gắn chặt với nhau, không thể tách rời ra được. Mặc dù vậy, bản thân việc dọn dẹp thì chẳng có tiến bộ gì cả, vẫn cứ như trước khi bà ra đời, hay khi người ta chưa phát minh ra cái đập bụi và cái chổi vậy. Xem ra, quan hệ giữa hai thứ này chỉ được gắn với nhau như một cái tên, một khái niệm trong một mệnh đề logic hình thức, chẳng có liên quan gì đến nội dung cả.
Tôi thì khác ông chủ. Vốn là kẻ luôn dậy sớm nên đến giờ này tôi đã đói rồi. Dẫu sao, khi những người trong nhà còn chưa ngồi vào mâm thì thân phận là mèo cũng chưa thể được ăn sáng. Đó là nỗi đau khổ của mèo. Cứ nghĩ đến mùi canh bốc khói thơm, tỏa ra từ cái bát ăn của mình thì tôi không sao mà đứng yên được. Tôi biết là hy vọng rất mong manh, có đòi ăn thì cũng chỉ là đòi thôi, cứ im lặng mà chờ là thượng sách, nhưng không sao làm thế được. Vì vậy, tôi muốn thử xem giữa niềm mong muốn trong lòng và thực tế có hợp nhau không. Thậm chí biết trước là thất vọng đi chăng nữa, tôi cũng không muốn thừa nhận chừng nào chưa nhìn thấy kết quả thất vọng cuối cùng trên thực tế. Không thể kiên trì chờ đợi nữa, tôi chui vào trong bếp. Đầu tiên tôi nhòm vào cái bát của mình đặt dưới chân lò thì đúng như dự đoán, bát đã được liếm nhẵn từ tối hôm qua, lặng lẽ tỏa ra một luồng sáng kỳ lạ, phản chiếu ánh mặt trời đầu thu rọi qua khe cửa. Cô sen đã xới cơm ra liễn, lúc này đang quấy đảo cái nồi trên bếp lò. Những bọt nước cơm sôi trào ra, đã khô lại thành những sợi, bám quanh miệng nồi như mẩu giấy lụa Yoshino. Tôi nghĩ cơm canh đều đã được, có thể cho ăn được rồi. Lúc này mà còn ngại, còn khách sáo thì dở. Cứ nén chịu mãi, không được theo ý mình thì chỉ thiệt. Thế là tôi ra sức giục. Dù là kẻ ăn nhờ ở đậu thì đói vẫn là đói. Nghĩ và quyết định như vậy xong, tôi kêu mấy tiếng “meo meo”, giọng như nũng nịu, như kêu ca, như oán trách. Cô sen chẳng mảy may tỏ ra một dấu hiệu đáng hy vọng nào. Từ lâu tôi đã biết, cô ta là người có nhiều gai góc bẩm sinh, rất thiếu tình nghĩa, nhưng kêu thế nào để lay động được mối thương tâm của cô ta thì đó lại là tài năng của mình. Lần này tôi thử kêu “ngheo ngheo” xem sao? Tiếng kêu đó, bản thân tôi tin rằng nó vang lên một cách đau buồn, thống thiết, thừa sức gợi nên nỗi đau xé ruột, như một kẻ bơ vơ lưu lạc, trôi dạt phương trời xa. Cô sen vẫn tỉnh khô, không đoái hoài. Cô này bị điếc cũng nên. Điếc thì không thể đi làm cô sen được, có lẽ cô chỉ điếc với tiếng mèo thôi chăng?
Trên đời có những kẻ bị mù màu, bản thân tự nghĩ là mình nhìn thấy tất cả, nhưng theo bác sĩ thì đó là người khuyết tật. Cô sen này bị mù âm thanh. Mù âm thanh thì cũng là tàn tật rồi. Đã tàn tật mà còn tinh tướng. Ban đêm, dù khi có việc, tôi bảo mở cửa cho tôi ra thế nào, cô cũng không bao giờ mở. Khi đã mở cho ra rồi thì nhất định không cho vào nữa. Dù là mùa hè thì sương đêm cũng rất độc. Không cần nói thì mọi người cũng biết, khi tôi phải đứng dưới hiên suốt đêm đợi trời sáng thì buồn chán biết bao nhiêu, nỗi buồn không sao mà tưởng tượng nổi. Thậm chí, có lần bị đuổi ra ngoài, không cho vào như vậy, tôi bị một con chó hoang tấn công, nguy hiểm quá tôi phải leo lên mái nhà kho, đứng run suốt cả một đêm. Tất cả mọi sự bất tiện này đều do sự bất nhân của cô sen mà ra. Kêu gào đòi ăn với một con người như thế này thì làm gì có sự động lòng? Nhưng đây cũng là một việc kiểu như kêu trời khi đói, ăn trộm khi nghèo, viết thư tình khi yêu, những việc rất bình thường thôi, cho nên tôi vẫn cứ kêu.
“Me.o.u Me.o.u”. Lần thứ ba tôi kêu thứ âm thanh phức tạp hơn, khêu gợi sự chú ý. Tự bản thân mình, tôi cảm thấy tiếng kêu hay và kỳ ảo, không kém gì khúc giao hưởng của Beethoven, vậy mà hình như cũng chẳng gây được ảnh hưởng gì đến cô sen cả. Bỗng nhiên cô quỳ xuống, lật một tấm ván lát sàn lên, lôi từ trong ra một que than dài chừng bốn tấc cầm gõ boong boong vào góc lò. Thanh than gãy làm ba đoạn, bụi đen bay kín cả xung quanh và hình như bay cả vào nồi canh một ít. Cô sen không phải là người quan tâm đến chuyện đó. Cô lập tức đút ba mẩu than gãy vào dưới đáy nồi, trong lò, tuyệt nhiên không để tai đến khúc giao hưởng của tôi. Tôi đành lủi thủi định quay về phòng nghỉ thì khi ngang qua nhà tắm thấy ở đây ba đứa trẻ con đang rửa mặt rất náo nhiệt.
Nói là rửa mặt nhưng hai đứa lớn thì mới là học sinh mẫu giáo, đứa bé thì bé tí, đứng chưa tới mông con chị, cho nên không thể rửa mặt, trang điểm đàng hoàng được. Đứa bé nhất lôi từ trong xô ra một chiếc giẻ lau, cọ lên khắp mặt. Dùng giẻ lau rửa mặt thì rõ ràng là kinh tởm rồi, nhưng với một đứa trẻ con mà mỗi khi thấy động đất rung chuyển lại thích thú reo lên “hay quá”, thì cũng chẳng có gì ngạc nhiên với những hành động kiểu này. Cô chị cả, ra dáng là chị cả, cảm thấy trách nhiệm làm chị của mình, vứt choang cái cốc đang súc miệng xuống, giằng lấy cái giẻ lau, hét “Bé ơi, đấy là cái giẻ lau đấy!”. Bé con là người rất bản lĩnh, nó không dễ dàng nghe theo lời chị. Nó giằng lại cái giẻ, miệng làu bàu “ứ ừ không đâu… ba bu…” Cái từ “ba bu” này không ai biết được nghĩa là gì và nguồn gốc ở đâu ra? Chỉ biết rằng mỗi khi cô bé này tức giận thì dùng để biểu hiện sự tức giận đó. Lúc này cái giẻ được kéo co giữa cô chị và em bé, nước trong khăn chảy tong tong, nhỏ vào chân cô bé con một cách không thương tiếc. Nếu chỉ vào chân thì cũng còn chịu được, nhưng đã ướt đến tận đầu gối. Lúc này cô bé con đang mặc một chiếc áo Nguyên Lộc. Nguyên Lộc là cái gì? Hỏi ra mới biết, tất cả những quần áo có hoa văn nhỏ đều được gọi là Nguyên Lộc. Không biết ai đã nói như vậy.
– Bé ơi, bỏ ra không ướt hết áo Nguyên Lộc rồi.
Cô chị nói rất thông thạo. Mặc dù vậy, cho đến nay cô này cũng chỉ có trình độ hiểu biết cỡ nhầm lẫn giữa Nguyên Lộc với Song Lục[1]. Nhân chuyện áo Nguyên Lộc này, tôi cũng xin nói thêm là bọn trẻ nhà này rất hay nói sai, có lúc sai đến mức như coi khinh mọi người. Đại loại là: “cháy nhà lửa (lửa phát âm là hinoko) bắn ra” thì chúng nói “cháy nhà nấm (phát âm là kinoko) bắn ra”. Nói “học ở trường ‘Ô-cha-nô-mi-dư’ thì thành ‘O-cha-no-mi-so’[2]”. Có lúc chúng nói “tôi không phải là con nhà giàu!?”, hỏi ra mới biết là chúng định bảo “tôi không phải là con nhà cửa hàng bán rơm” (wa-ra-da-da nói nhầm thành wa-ra-da-na). Mỗi lần nghe chúng nói như thế ông chủ chỉ cười. Chắc chính bản thân ông đi dạy tiếng Anh ở trường cũng toàn nói nhầm lẫn lung tung như thế chăng?
Bé con – mà theo ngôn ngữ của đương sự thì phải là Bé chon – thấy áo bị ướt khóc nói “Nguyên Lộc lánh” (lạnh). Thấy bị ướt lạnh, cô sen từ trong bếp chạy sang, thu lấy chiếc giẻ rồi thay quần áo cho bé. Trong lúc ở đây náo động như vậy thì Shunko, cô chị thứ hai rất lặng lẽ. Shunko quay mặt về phía khác, mở cái hộp phấn bị rơi từ trên kệ xuống, bôi đầy vào mặt. Đầu tiên nó thọc tay vào lọ phấn rồi bôi một vệt thẳng lên mũi, làm cho sống mũi nổi rõ hẳn lên. Sau đó dùng tay đó xoa xuống má, trên má lại có những mảng phấn trắng bám vào. Nó hóa trang được đến đó thì cô sen vào, thay quần áo cho bé con xong, cô sen lau mất cái mặt hóa trang của Shunko. Con bé tỏ vẻ hơi bất bình.
Tôi đứng bên cạnh quan sát cảnh này xong thì từ phòng trà đi sang phòng ngủ của ông chủ, xem ông ấy đã dậy chưa, nhưng không thấy đầu ông đâu. Thay vào đó, một bàn chân có mu cao, to bằng cỡ chân đi giày số 39, thò ra khỏi chăn. Chắc ông sợ thò đầu ra thì bị đánh thức, phiền hà nên giấu đầu đi chăng? Ông này thật giống con rùa. Lúc này bà chủ đã quét dọn xong phòng sách, vác chổi và cái đập bụi sang đây. Giống như ban đầu, bà đứng từ ngoài cửa gọi “mình vẫn chưa dậy à?”. Bà đứng một lúc, nhìn đống chăn đệm không thấy có đầu thò ra. Vẫn không có tiếng trả lời. Bà bước thêm hai bước từ cửa vào, gõ mạnh cái chổi xuống kêu đánh bụp, hỏi liên tiếp đòi được trả lời “Vẫn chưa dậy à? Mình!” Lúc này ông chủ đã tỉnh ngủ. Chính vì đã tỉnh và sợ bà chủ gọi nên mới chui đầu vào trong chăn để phòng ngừa mà. Ông tưởng không thò đầu ra thì sẽ không bị nhìn thấy. Dựa vào một cái vớ vẩn như thế để mà ngủ tiếp thì làm sao có thể được tha thứ! Nhưng lúc đầu, khi bị gọi từ phòng khách sang thì ít ra cũng còn cách một gian nên ông cảm thấy yên tâm. Bây giờ tiếng chổi gõ bụp ngay bên cạnh, chỉ cách có vài tấc thì ông hơi hoảng. Hơn nữa câu hỏi lần thứ hai “vẫn chưa dậy à? Mình!” cả về cự ly lẫn âm lượng đều mang khí thế gấp đôi lần trước, vọng vào trong chăn, làm ông biết là “không xong rồi”. Ông đành phải lên tiếng “ừm”.
– 9 giờ phải có mặt cơ mà, không nhanh lên thì không kịp đâu.
– Không cần phải nói thì người ta cũng dậy rồi đây thôi.
Nhìn ông trả lời từ trong ống tay áo ngủ, quả thật là một kỳ quan. Lần nào cũng vậy, hễ bà vợ thấy thế, yên tâm tưởng ông sẽ dậy thì thế nào ông cũng ngủ tiếp, nên bà không thể lơ là, lại giục tiếp:
– Nhanh lên, dậy đi.
Đã bảo là dậy rồi mà vẫn còn bị giục nhanh lên nhất định là cáu rồi. Với một người ương bướng như ông chủ thì lại càng dễ cáu. Có lẽ vì thế ch­ăng, ông hất tung tấm chăn vẫn trùm kín đầu từ nãy đến giờ ra, hai con mắt to cùng mở thao láo:
– Ngậu ngã cái gì thế? Đã bảo dậy là dậy mà!
– Bảo dậy mà vẫn cứ chẳng nằm ì ra đấy là gì?!
– Ai nằm ì bao giờ? Chỉ nói điêu.
– Bao giờ mà chả thế!
– Đừng có mà nói bậy.
– Chưa biết ai nói bậy thì có.
Bà chủ chống bộp cán chổi xuống sàn, đứng ngay cạnh gối, trông rất hùng dũng. Ngay lúc đó, từ nhà hàng xe phía sau, đứa bé tên là Hachi khóc ré lên. Bé Hachi được mẹ ra lệnh, mỗi khi ông chủ cáu là nhất định phải khóc. Có thể là mỗi khi ông chủ cáu, làm cho bé Hachi phải khóc thì bà chủ nhà ấy lại được cho tiền tiêu vặt cũng nên. Nhưng nếu vậy thì khổ thân Hachi quá. Có một bà mẹ như vậy thì nó sẽ phải khóc suốt ngày suốt đêm mất thôi. Giá ông chủ biết được tình hình xung quanh như vậy mà bớt cáu giận đi một chút thì may ra Hachi còn có thể sống được lâu hơn. Nhưng dẫu rằng, đó là tại ông Kaneda yêu cầu hay thế nào đi chăng nữa, đi làm cái việc ngu xuẩn như vậy thì dám chắc còn nguy hiểm hơn cả Thiên Đạo Công Bình nữa kia. Nếu chỉ mỗi khi ông chủ cáu nó mới bị bắt khóc thì vẫn còn khả dĩ. Đằng này, cả khi ông Kaneda thuê bọn lưu manh gần đó nhất trí khẳng định “đồ gốm” thì bé Hachi cũng lại phải khóc. Mặc dù chưa biết ông chủ có cáu hay không, nhưng đoán rằng thể nào ông cũng cáu là bé vội khóc trước. Kiểu này thì khó mà biết được ông chủ là Hachi hay Hachi là ông chủ nữa. Bảo rằng lỗi là tại ông chủ cũng chẳng khó khăn mà mắng là tại bé Hachi cũng dễ như bỡn. Tha hồ muốn chửi mắng thế nào cũng được.
Ngày xưa, ở phương Tây có một kẻ tội phạm bị xử tử hình. Tên này bỏ trốn ra nước ngoài nên không bắt được. Người ta bèn làm hình nộm nó mà đốt. Chắc là trong bọn này có quân sư, rất thông thạo điển cổ phương Tây, nên có mưu lược rất giỏi. Lạc vân quán hay mẹ bé Hachi là những thứ mà một người bất lực như ông chủ rất e ngại. Ngoài hai thứ đó ra, ông còn e ngại nhiều thứ khác. Hoặc có thể là ông e ngại tất tần tật, tất cả phường phố cũng nên. Nhưng bây giờ không có liên quan gì nên vấn đề này tôi sẽ giới thiệu từ từ, từng chút một sau.
Nghe tiếng khóc của bé Hachi, dường như ông chủ ngay từ sáng sớm đã tức giận, lập tức ngồi phắt lên trên đệm trải giường. Đến nước này thì việc tu luyện tinh thần hay Yagi Dokusen cũng chẳng còn gì nữa cả. Ông ngồi lên, rồi lấy cả hai tay xoa gãi đến tuột cả da đầu. Những gàu, ghét đọng lại cả tháng, rơi qua gáy xuống cổ áo, một quang cảnh phi thường, trác tuyệt. Tôi nhìn xem bộ râu của ông thế nào thì lại càng sửng sốt. Nó dựng đứng hết cả lên. Có lẽ biết rằng nếu chỉ mình ông chủ tức giận, còn bộ râu thì cứ bình tĩnh là không được, cho nên từng sợi râu cũng đồng loạt nổi giận, với tất cả khí thế mãnh liệt của mình, mạnh sợi nào sợi ấy vươn về các phía. Đây cũng là một cảnh tượng đáng kể. Hôm qua trước gương, tốn rất nhiều công sức, chúng đã được huấn luyện để xếp hàng ngoan ngoãn cho giống bộ râu của hoàng đế Đức. Vậy mà sau một đêm thức dậy, chả còn thấy đâu huấn với chả luyện, chúng đã trở lại hoàn toàn như cũ, tùy tiện đứng theo ý thích của mình. Cũng giống như sự tu luyện tinh thần của ông chủ, qua một đêm, sáng hôm sau biến sạch như lau. Những bản tính hoang dã bẩm sinh, ngay lập tức bộc lộ hoàn toàn. Đó cũng là lẽ thường.
Một người thô bạo, mang một bộ râu thô bạo như ông chủ thế này mà cho đến giờ vẫn chưa bị đuổi việc, vẫn được làm giáo viên, thế mới thấy sự rộng lượng của nước Nhật. Chính vì rộng lượng như vậy nên tay Kaneda và bọn chó của hắn vẫn được là người. Hình như ông chủ cũng tin chắc rằng chừng nào bọn ấy còn được làm người thì không có lý gì mà ông bị đuổi việc cả. Nếu có gì bất trắc thì cứ gửi thư đến Sugamo hỏi Thiên Đạo Công Bình là biết ngay thôi.
Ông chủ mở thao láo đôi mắt kèm nhèm mà tôi đã giới thiệu hôm qua, nhìn chằm chằm vào cái tủ tường trước mặt. Cái tủ có chiều cao 1,8 m, chia làm hai ngăn trên dưới, mỗi ngăn có một đôi cửa lùa. Ngăn dưới, ngay sát chỗ trải đệm nằm, nên ngồi lên, chỉ cần mở mắt thì đương nhiên, tự nhiên luồng mắt sẽ chạm vào đó. Nhìn vào, thấy giấy dán cửa lớp ngoài cùng đã rách, lộ hết lớp giấy lót trong ruột. Trong đó gồm đủ thứ, có bản in lito, có bản chữ viết tay, cái ngược cái xuôi, cái quay ra, cái quay vào. Ông chủ nhìn những thứ này và muốn đọc thử xem trong đó viết gì.
Từ nãy đến giờ ông tức điên lên, những muốn tóm cổ mụ vợ nhà hàng xe, gí mũi mụ vào cây thông cho bõ tức. Thế mà bây giờ lại tự nhiên muốn đọc cái bản in lito thì lạ thật. Nhưng với những người cáu bẳn một cách tích cực thì chuyện này cũng chẳng có gì lạ. Trẻ con mà lúc đang khóc hăng nhất nếu được cho quà cũng cười ngay, đó là chuyện bình thường.
Ngày xưa ông chủ đã từng trọ học trong một nhà chùa. Liền vách với phòng ông là phòng của năm, sáu cô sư nữ. Sư nữ vốn là những kẻ đáng ghét nhất trong những người đàn bà đáng ghét nhất. Các cô này biết tính nết của ông chủ nên cứ vừa nấu cơm vừa gõ chảo hát “con quạ từ nãy đang khóc đã cười rồi, con quạ đang khóc đã cười rồi!”. Nghe đâu từ đó trở đi, ông chủ rất ghét bọn sư nữ. Nhưng dù ông ghét các sư nữ thì tuyệt nhiên cái đó cũng không thể khác đi được. Hơn ai hết, ông thoắt khóc thoắt cười, thoắt vui, thoắt buồn, nhưng được cái không bao giờ kéo dài. Nếu diễn giải dài dòng ra thì ông là người không kiên trì, tâm trạng dễ thay đổi. Nhưng nói nôm na cho dễ hiểu thì đó chỉ là một đứa trẻ con thò lò mũi, nông cạn, hời hợt. Đã là một đứa trẻ con nhõng nhẽo không hơn không kém, thì khi ngồi phắt lên với tư thế cãi nhau, bỗng nhiên lại thay đổi tâm trạng, muốn đọc những thứ trong cửa tủ, âu cũng là đương nhiên.
Trước hết là cái đứng lộn ngược của Ito Hirobumi[3].
Nhìn từ trên xuống thì thấy ngày 18-9 năm Minh Trị thứ 11 (1879). Thống đốc Hàn Quốc cũng đã theo đuôi cái lệnh từ thời kỳ này đây. Thời kỳ này, Đại tướng làm cái gì nhỉ? Ông cố đọc cái chỗ không thể nào đọc được ấy, hóa ra là làm Bộ trưởng Bộ tài chính. À, thì ra thế. Oai thật. Dù có đứng lộn ngược thế nào thì cũng vẫn là Bộ trưởng tài chính.
Nhìn sang bên trái một chút thì thấy, lần này Bộ trưởng tài chính đang nằm ngủ trưa. Hết ý! Không lo ngài đứng ngược lâu mãi như thế. Dưới đó, một bản in khắc gỗ, chỉ nhìn thấy mỗi hai chữ “mày là”. Ông muốn nhìn xem tiếp theo là cái gì, nhưng trớ trêu thay, không nhìn được. Dòng bên dưới thì thò ra hai chữ “nhanh lên”.
Đây là những thứ lúc nào ông cũng muốn đọc, rồi chỉ muốn chứ chẳng bao giờ sờ vào. Nếu mà ông là nhân viên trinh sát của sở cảnh sát thì dẫu đó là của người khác cũng mặc, ông sẽ kéo tuột ra hết cũng chưa biết chừng đâu. Nhân viên trinh sát là những kẻ thiếu giáo dục, nên để có được sự thật, chúng có thể làm bất kỳ việc gì. Như vậy thì không xong. Mong sao họ vừa vừa phải phải cho một chút. Ít ra thì, chỉ cần không nhất thiết bắt người ta phải nêu hết sự thật ra thôi cũng được. Nghe nói, họ còn cài bẫy để đưa người lương thiện vào tù tội nữa kia. Những kẻ ăn lương của dân, bỏ tiền ra thuê làm việc, mà lại đưa chủ mình vào vòng tù tội thì đây cũng là một loại điên rồ hết mức.
Sau đó ông chủ đưa mắt nhìn vào chỗ giữa. Ở đó, tỉnh Oita đang đổ chổng kềnh. Thậm chí đến Ito Hirobumi còn đứng lộn ngược thì tỉnh Oita đổ kềnh cũng là đương nhiên. Ông chủ đọc đến đây thì nắm chặt hai nắm tay, giơ cao lên trần nhà. Ông chuẩn bị ngáp. Cái ngáp này như con cá voi đớp hão, làm trong người thay đổi rất mạnh. Ông tạm bình tĩnh, lờ đờ đứng lên thay quần áo rồi đi rửa mặt. Bà chủ đợi mãi, bây giờ mới cuộn chăn đệm, gập quần áo ngủ rồi bắt đầu dọn dẹp như đã thấy.
Giống như sự dọn dẹp thường lệ của bà chủ, cách rửa mặt của ông chủ cũng mười năm giống như một ngày. Như trước đây tôi đã nói, đầu tiên là ông súc miệng rè rè, oặc oặc, sì soạp một lúc, sau đó ông chải đầu, rẽ ngôi, vắt cái khăn mặt Tây lên vai, đi vào phòng ăn, ngồi một cách siêu thoát bên cạnh cái lò sưởi dài, đốt củi.
Nói đến lò sưởi dài, chắc nhiều vị sẽ liên tưởng đến hình ảnh một chiếc lò sưởi bằng gỗ quý, có hoa văn, với chiếc que cời bằng đồng và một bà phu nhân tóc búi gọn ghẽ đang quỳ bên cạnh, khẽ gõ chiếc ống thổi vào thành lò gỗ hồng đen. Nhưng lò sưởi nhà thầy Kushami chúng tôi thì hoàn toàn không có nghĩa như vậy. Nó được làm bằng gì ư? Đó là một thứ cũ kỹ, phức tạp mà với con mắt người không có chuyên môn thì không thể phân định được. Lò sưởi phải được lau chùi bóng láng thì mới biết được nó làm bằng gì. Đằng này, cái thay thế lò sưởi này, đã không biết nó là gỗ quỳ, gỗ anh đào hay gỗ vông đã đành, nó chẳng bao giờ được cái giẻ lau chạm vào, nên tha hồ nép mình trong buồn tủi. Nếu hỏi ông chủ đã mua nó ở đâu, thì dứt khoát không có chuyện mua. Vậy đã được ai cho à? Làm gì có ai cho! Thế thì ăn trộm à? Nếu bị dồn đến mức ấy thì câu trả lời vẫn cứ là mập mờ.
Ngày xưa trong họ hàng có một người già. Khi người này chết, ông được ở nhờ để trông nhà. Rồi sau đó ông có nhà riêng. Khi ông dọn về nhà mình, chiếc lò sưởi lâu nay ông vẫn dùng như của mình ở nhà ấy cũng tự nhiên được mang về theo. Việc này xem ra không được đẹp lắm, nhưng nghĩ cho cùng, trên đời này những việc làm không đẹp kiểu này có thiếu gì.
Những ngân hàng, hàng ngày, trong khi xử lý đồng tiền của mọi người, dần dần thấy tiền đó là của mình. Những nhân viên công sở, chỉ là người làm thuê (đầy tớ) của dân, chỉ được ủy thác quyền thay mặt dân nói về việc gì đó. Nhưng rồi khi gắn cái quyền ấy lên mũ, hàng ngày giải quyết công việc nhiệm sở, thế là trở thành điên, nghĩ đây là quyền của mình, nhân dân không có quyền được chõ mồm vào. Chừng nào trên đời này còn đầy rẫy những kẻ như thế, thì không thể qua vụ cái lò sưởi này mà kết luận là ông chủ có tính ăn cắp được. Nếu ông là người có tính ăn cắp thì bàn dân thiên hạ này đều có tính ăn cắp hết.
Ngồi bên cạnh lò sưởi, chờ đợi trước bàn ăn, xung quanh ông chủ lúc này, bé con rửa một bằng giẻ lau khi nãy, Tonko đi học trường “nước tương” và Shunko, người thọc tay vào lọ phấn trang điểm, tất cả đều đang ăn sáng. Ông chủ đưa mắt nhìn một lượt khắp mặt ba cô con gái.
Tonko có khuôn mặt giống tấm chắn của lưỡi kiếm đồng đen. Shunko là em nên cũng có khuôn mặt giống chị, nhưng có dáng dấp, tư cách và màu của chiếc khay sơn mài Okinawa đen. Riêng mỗi bé con là có khuôn mặt khác, dài chứ không tròn. Nhưng nếu mặt dài theo chiều dọc thì thế gian cũng có nhiều, nhưng con bé này lại dài theo chiều ngang. Dù cho thời nay mốt luôn luôn thay đổi, nhưng chắc không có cái mốt mặt dài bề ngang thế này đâu. Mặc dù là con mình, nhưng ông chủ cũng phải suy nghĩ rất ghê. Dù sao chúng cũng phải lớn lên. Không những lớn mà còn lớn nhanh như măng trong chùa Thiền nữa. Mỗi lần ông nhận thấy “ồ đã lớn rồi nhỉ” thì có cảm giác như có bàn tay vô hình đẩy sau lưng, làm ông lạnh xương sống. Dù có là người rỗng tuếch đến đâu, ông vẫn nhận thức được rằng ba tiểu thư này là con gái, và ông cũng biết rằng là con gái thì phải lo thu xếp cho chúng. Ông tự biết rằng mình biết đấy nhưng chẳng có cách làm nào đâu. Cho nên mặc dầu đó là con mình, ông cảm thấy hơi thừa. Biết là thừa thì đừng có sinh ra là xong. Nhưng đấy là con người. Nếu định nghĩa về con người thì chỉ có thế, chỉ cần nói “con người là cái thứ chuyên nặn ra những cái không cần thiết, rồi tự dằn vặt, tự khổ sở”, thế là đủ.
Trẻ con thật là giỏi. Trong khi ông bố cùng quẫn như vậy mà chúng không hề hay biết, vẫn vui vẻ ăn uống. Nhưng Bé con thì không ổn. Năm nay Bé mới ba tuổi nên bà chủ chú ý chuẩn bị cho Bé bát đũa nhỏ, hợp với trẻ ba tuổi, nhưng Bé nhất định không chấp nhận điều đó. Bé dứt khoát cướp bát, giằng đũa của chị, rồi dùng cái thứ không dễ dùng đó. Nhìn ra thế gian thì thấy, càng những kẻ nhỏ bé, bất tài, vô dụng càng hay leo lên những ghế quan chức chẳng xứng hợp gì. Cái tính chất ấy hoàn toàn manh nha từ thời đại của cô Bé này đây. Nguyên nhân từ đâu thì nó rất sâu xa, nhất định không thể sửa đổi bằng giáo dục hay hun đúc được đâu. Nên từ bỏ sớm ý định ấy đi thì hơn.
Bé con dùng cái bát vĩ đại và đôi đũa trường đại cướp được ở bên cạnh, thả sức tung hoành cái uy thế thô bạo của mình. Vì cố tình dùng đôi đũa không quen tay nên nó phải vận dụng hết năng lực táo bạo. Đầu tiên, nó nắm chặt cả hai chiếc đũa, thục mạnh xuống đáy bát. Bát cơm xới lưng lưng và có chan canh tương. Khi đôi đũa vừa chạm đáy bát, những hạt cơm vẫn thăng bằng từ trước, bị tác động mạnh bất ngờ, nghiêng đi khoảng 30 độ, đồng thời canh bắn tung tóe, không thương tiếc vào ngực nó. Nhưng Bé con không phải là kẻ chỉ mới thế đã ngán. Bé là một bạo chúa. Lần này nó ra sức bẩy đôi đũa đã thục xuống đáy bát lên, đồng thời ghé cái miệng nhỏ xíu vào thành bát. Những hạt cơm được sêu lên, hạt nào vào được miệng thì vào, những hạt khác bị lọt ra thì cùng hòa điệu với canh tương màu vàng, reo hò nhảy lên má, lên mũi, lên cằm. Những hạt nhảy lên nhưng không bám được, rơi xuống sàn nhiều vô số, không đếm được. Quả là một cách ăn bất chấp tất cả. Tôi xin trân trọng cảnh báo cho ông Kaneda nổi tiếng và tất cả quý vị giàu có, quyền thế trong thiên hạ biết rằng, nếu các vị xử lý mọi việc như kiểu Bé con xử lý cái bát và đôi đũa này, thì những hạt cơm chui vào mồm các vị sẽ rất ít ỏi đấy. Những hạt cơm đó nhảy vào miệng các vị, không phải khí phách đáng có của nó, mà chỉ nhảy bừa vào, do hốt hoảng mà thôi. Xin các vị cảm phiền xem lại đi. Cái này không hợp với những nhà cao tay, thông thạo lẽ đời đâu.
Con chị Tonko bị Bé con tranh cướp bát đũa, từ nãy đến giờ, vẻ chịu đựng, đành ăn cái bát và đôi đũa nhỏ không tương xứng. Nhưng bát bé quá, mặc dù xới đầy nhưng chỉ và được ba miếng là hết, nên luôn luôn phải đưa bát về phía liễn cơm. Nó đã ăn bốn bát rồi, bát này là bát thứ năm. Tonko mở vung liễn, cầm cái muỗng xới cơm to đùng lên, nhìn vào trong liễn một lát. Hình như nó đang lưỡng lự có nên ăn nữa hay thôi. Cuối cùng, dường như đã hạ quyết tâm, nó lựa những chỗ không có cháy, xới lên một muỗng. Cứ để nguyên trên muỗng thì không sao, nhưng khi lật úp cái muỗng vào miệng bát, những chỗ cơm không vào bát rơi lả tả, lăn lóc xuống chiếu. Tonko không hề ngạc nhiên, nó bình tĩnh, cẩn thận nhặt những chỗ cơm rơi. Tưởng nhặt làm gì, hóa ra nó bỏ tất cả vào lại trong liễn, trông bẩn quá!
Khi Bé con đang lấy đũa gẩy tung cơm lên, cũng là lúc Tonko vừa xới xong cơm. Đúng là chị có khác, nhìn mặt Bé con dính đầy cơm canh, nó kêu “trời ơi, Bé ơi, chết rồi, mặt mũi đầy cơm canh thế này” và bắt tay vào dọn dẹp cái mặt cho em. Đầu tiên nó nhặt những hạt cơm bám đầy xung quanh mũi, tưởng nó vứt đi, ai ngờ nó nhặt và đút luôn vào miệng, thật kinh hoàng. Sau đó nó nhặt đến những hạt trên má. Ở đây tương đối nhiều, nếu đếm cả hai bên gộp lại có thể lên tới trên hai mươi hạt. Con chị nhặt cẩn thận từng hạt, từng hạt đưa vào miệng. Cuối cùng những hạt cơm dính trên mặt con em đã bị ăn hết, không còn lại hạt nào.
Shunko từ nãy đến giờ ngồi yên nhìn dưa củ cải, lúc này bất ngờ khều được một miếng khoai lang trong bát canh tương, đang lùa mạnh vào miệng. Như các vị đã biết, khoai lang nấu canh tương thì càng nhừ nhai càng không có cảm giác, ngay cả người lớn mà không chú ý cũng dễ bị bỏng. Huống chi, một người thiếu kinh nghiệm về khoai lang như Shunko, tất nhiên là phải lúng túng rồi. Nó kêu “oái” rồi nhổ ngay miếng khoai trong miệng ra mặt bàn. Chẳng hiểu sao, hai ba mẩu khoai lăn tới trước mặt Bé con, vừa đúng tầm tay với của nó. Bé con vốn rất thích khoai lang, thế mà khoai lại bay đến trước mặt nó. Lập tức nó thò đũa ra gẩy, rồi lấy tay bốc, đút vào miệng, nhai nhồm nhoàm.
Suốt từ nãy đến giờ, nhìn thấy hết cảnh này nhưng ông chủ tuyệt nhiên không nói một lời nào, chỉ chăm chú ăn cơm và húp canh của mình. Và bây giờ thì ông đã ăn xong, đang ngậm tăm trong miệng. Đối với việc giáo dục, dạy bảo các con, hình như ông tuyệt đối tuân theo chủ nghĩa mặc kệ. Cho dù lúc này mà ba cô con gái đã là học sinh, cùng có người yêu, rồi bỏ nhà đi theo người yêu, thì ông vẫn cứ ngồi ăn cơm, húp canh thản nhiên như không cho mà xem. Thật là con người vô tích sự.
Thế nhưng, nếu nhìn những người được cho là có tích sự trên đời hiện nay thì hình như chỉ toàn những kẻ chẳng biết gì ngoài việc dối trá, lừa đảo, nẫng tay trên, ra oai dọa người khác, níu chân hay dìm người khác. Ngay cả bọn trẻ con mới học cấp hai mà đã bắt chước và tâm đắc rằng phải làm như vậy mới được, rồi làm những chuyện lẽ ra phải đỏ mặt, xấu hổ mà vẫn tin rằng trong tương lai, ta sẽ là những bậc nam nhi, quân tử đây. Đây không phải là những kẻ “được việc” mà là những bọn lưu manh. Tôi cũng là một con mèo Nhật Bản nên ít nhiều cũng có lòng yêu mến nước Nhật. Mỗi lần nhìn thấy những bọn “được việc” này, tôi chỉ muốn cho chúng mấy cái tát. Cái bọn người này mà tăng thêm thằng nào thì đất nước suy yếu đi từng ấy. Trường học mà có những học sinh loại này thì đó là nỗi sỉ nhục của trường học. Một đất nước có nhân dân như thế này thì đó là nỗi sỉ nhục của đất nước. Là một nỗi sỉ nhục như vậy mà cứ nhâng nhâng, nhâng nhâng, lăn lóc ở trên đời này thì không thể chấp nhận được. Xem ra, người Nhật không khí khái bằng mèo. Thật xấu hổ. So với bọn lưu manh ăn hại này thì phải nói rằng ông chủ còn cao quý hơn nhiều. Cao quý ở chỗ vô tác dụng, ở chỗ không kiêu căng, lếu láo.
Bằng cách ăn uống “vô tích sự” như vậy, ông chủ đã hoàn thành xong xuôi bữa cơm. Ông thay quần áo, lên xe, đi đến trạm cảnh sát Nihon Zutsumi. Khi mở cánh cửa chính, ông hỏi người phu xe có biết Nihon Zutsumi không thì người đó cười hí hí. Ông còn nói thêm Nihon Zutsumi ở gần Yoshiwara, nơi có lầu xanh ấy, nghe rất buồn cười.
Sau khi ông lên xe từ hiên nhà, đi một cách hiếm thấy như vậy, bà chủ cũng ăn sáng xong và như thường lệ, giục các con “thôi, đi học đi, muộn rồi đấy”. Bọn trẻ con bình thản bảo “ôi, nhưng mà hôm nay là ngày nghỉ” và chẳng chuẩn bị gì cả. Bà chủ giục như mắng:
– Làm gì có chuyện nghỉ. Nhanh lên.
– Nhưng hôm qua cô giáo bảo là nghỉ mà!
Con chị nói thế và vẫn không chịu đi. Đến mức này thì bà chủ cũng thấy lạ, bèn lôi tấm lịch từ trong tủ ra xem lại thì đúng là màu đỏ, ngày nghi lễ. Ông chủ chắc cũng không biết hôm nay là ngày nghỉ, đã gửi giấy xin phép đến trường rồi cũng nên. Rồi bà chủ cũng cứ thế bỏ vào thùng thư bưu điện rồi chăng? Chỉ có mỗi Meitei, có đúng là cũng không biết, hay biết mà vẫn lờ đi? Cái này hơi đáng nghi. Ngạc nhiên với sự phát hiện mới này, bà chủ bảo “thế thì tất cả đi chơi đi, đừng làm ồn”. Rồi bà lấy giỏ khâu ra, tiếp tục công việc như mọi ngày.
Trong vòng khoảng ba mươi phút sau đó, trong nhà yên ổn, không có gì xảy ra đáng cho tôi ghi chép cả. Rồi bỗng có một vị khách rất hiếm lạ đến nhà. Một cô nữ sinh khoảng mười bảy, mười tám tuổi. Cô ta đi một đôi giày vẹo gót, mặc quần hakama màu tím, tóc búi củ hành, không gọi ai ra đón, từ cửa sau đi vào. Đây là cháu ông chủ. Nghe nói cô là học sinh. Những ngày nghỉ, cô thường hay đến đây cãi nhau với chú. Cô có cái tên rất đẹp, Yukie (Tuyết Giang), nhưng mặt thì không được như tên. Cô thuộc loại mà nếu đi ngoài phố khoảng mấy chục mét, ta sẽ gặp một người như vậy. Cô ta đi xăm xăm vào phòng ăn rồi ngồi xuống cạnh giỏ khâu:
– Chào thím ạ.
– Ồ, chị đến chơi sớm nhỉ!
– Hôm nay ngày nghỉ lễ lớn, cháu định đến đây trong buổi sáng nên khoảng 8 rưỡi là cháu đã ở nhà đi rồi.
– Thế à? Có việc gì vậy?
– Không, chẳng có việc gì cả. Chỉ là lâu ngày không đến thì cháu muốn đến một lúc thôi.
– Ở chơi lâu cũng được. Cứ thong thả ở đây, chú cũng sắp về bây giờ đấy.
– Chú đã đi đâu rồi à? Hiếm thấy quá nhỉ!
– Ừ, hôm nay thì đi đến một chỗ cũng lạ đấy. Đi đến trạm cảnh sát. Cháu thấy có lạ không?
– Ồ, đến để làm gì cơ?
– Nghe nói họ đã bắt được thằng kẻ trộm vào nhà này hồi mùa xuân.
– Vậy nên chú đi để nhận mặt à? Phiền toái quá nhỉ.
– Nghe nói sẽ lấy lại được đồ đạc đó. Hôm qua cảnh sát đến tận đây, họ bảo đã tìm thấy đồ mất trộm, đến mà nhận.
– À, ra thế. Chứ không thì chú chả bao giờ đi đâu sớm thế này đâu. Bình thường thì bây giờ chắc vẫn còn đang ngủ đấy nhỉ!
– Không có ai mà lại dậy muộn như chú… bị đánh thức là cáu gắt um cả lên. Sáng nay dặn thím là phải đánh thức trước 7 giờ. Đến giờ thím gọi, vậy mà cứ nằm trong chăn, không thèm trả lời gì cả. Thím sợ muộn, gọi lần thứ hai thì làu bàu cái gì đó trong ống tay áo, thật chán vô cùng.
– Tại sao chú buồn ngủ nhiều thế nhỉ? Chắc là bị suy nhược thần kinh rồi.
– Chẳng hiểu.
– Chú hay cáu vô lý nhỉ. Thế mà vẫn dạy học được à?
– Nghe nói ở trường thì lại hiền từ.
– Thế thì lại càng dở. Cứ như là Diêm vương ấy nhỉ!
– Tại sao lại là Diêm vương?
– Chẳng tại sao cả, nhưng mà đúng là Diêm vương. Thì chú chẳng giống như ông vua của địa ngục là gì?
– Mà không chỉ cáu gắt không đâu cháu ạ. Cứ hễ ai bảo trái thì làm phải, bảo phải thì làm trái, chưa bao giờ một lần nghe lời ai cả, ương thế cơ chứ.
– Chắc là quỷ thiên tà rồi. Hay đó là sở thích của chú chăng? Vậy thì nếu muốn bảo chú làm gì, cứ nói ngược lại, chú sẽ làm theo ý mình thôi mà. Hôm trước chú mua cho cháu cái ô cánh dơi cũng vậy đấy. Cháu bảo cháu không cần đâu, không cần đâu. Thế là chú bảo làm gì có chuyện không cần và mua ngay.
– Ha ha ha… chị giỏi thật. Từ nay thím cũng sẽ làm kiểu như vậy.
– Thím cứ làm thế đi, không thì chỉ thiệt thôi.
– Hôm vừa rồi, nhân viên hãng bảo hiểm đến đây, khuyên chú nên vào bảo hiểm. Họ nói rất nhiều, nào là có lợi thế này, có ích thế kia, nói đến hàng tiếng đồng hồ nhưng chú cũng không vào. Nhà thím thì chẳng có tiền để dành gì, lại ba đứa con, ít ra có bảo hiểm thì cũng yên tâm. Nhưng mà chú chẳng đoái hoài gì đến chuyện đó cả.
– Ừ, đúng thế đấy. Nhỡ có gì xảy ra thì… làm sao mà yên tâm được…
Cô ta đã nói chuyện về nhà cửa, về gia đình như vậy. Thật chẳng hợp với một cô gái mười bảy, mười tám tuổi gì cả.
– Chú nói rất ngang thế này cháu ạ: Tôi may mắn được nghe những lời thương thuyết của ông, thấy rất hay. Đúng là không thể phủ nhận sự cần thiết của bảo hiểm được. Chính vì cần thiết nên các công ty bảo hiểm mới vẫn cứ tồn tại mà. Nhưng nếu không chết thì không cần vào bảo hiểm cũng được chứ gì?
– Chú nói thế à?
– Ừ. Nghe chú nói thế, cậu nhân viên hãng bảo hiểm mới nói là: “Vâng, nếu không ai chết thì không cần có công ty bảo hiểm làm gì. Nhưng tính mạng con người ta, trông thì có vẻ bền vững đấy nhưng thật ra rất mong manh. Có thể những nguy hiểm bất ngờ ập đến lúc nào không biết”. Thế là chú lại nói tam toạng là không lo, tôi đã quyết tâm nhất định không chết mà.
– Quyết tâm thì cũng vẫn chết chứ. Cháu ba giờ cũng quyết tâm sẽ lên lớp, thế mà rồi vẫn thi trượt đấy.
– Cậu nhân viên công ty bảo hiểm cũng nói thế. Cậu ta bảo mạng người sống được đến đâu không phải do con người tự quyết định được. Nếu quyết tâm mà sống mãi được thì chẳng có ai chết cả.
– Phía công ty bảo hiểm họ nói đúng đấy.
– Thì đúng chứ sao! Nhưng chú cứ ngang ngạnh bảo không, nhất định là không chết mà, tôi xin thề sẽ không chết.
– Lạ quá nhỉ!
– Lạ lắm. Rất là lạ cơ. Ông ấy còn thản nhiên gạt đi, bảo nếu có tiền đóng bảo hiểm thì thà gửi ngân hàng còn lợi hơn nhiều.
– Chú thím có tiền gửi ngân hàng à?
– Làm gì có. Chú ấy chả nghĩ một chút nào là nếu mình chết đi rồi thì sau đó những người còn lại sẽ ra sao.
– Đúng là đáng lo thật đấy. Tại sao chú lại thế nhỉ? Những người hay đến đây, có ai như chú không?
– Làm gì có. Một mình một kiểu thôi, chẳng giống ai cả.
– Hay là nhờ ông Suzuki góp ý với chú xem sao? Người điềm đạm như ông ấy thì dễ nói đấy.
– Nhưng ông Suzuki thì lại không thích nhà này.
– Tất cả đều trái ngược nhỉ. Thế còn cái ông ấy chắc được đấy… cái ông mà rất ít nói, chậm chạp ấy?
– Ông Yagi ấy à?
– Vâng.
– Với ông Yagi thì chú có vẻ im lặng đấy nhưng hôm qua ông Meitei đến đây nói xấu ông ấy rất nhiều, cho nên có thể không được như mình nghĩ đâu.
– Như ông ấy thì cũng được đấy chứ. Một người ung dung, ăn nói điềm đạm như thế mà. Hôm trước ông ấy cũng nói chuyện ở trường cháu đấy.
– Ông Yagi ấy à?
– Vâng.
– Ông Yagi là giáo viên ở trường chị Yukie à?
– Không, không phải là giáo viên, ông ấy được mời đến nói chuyện trong hội nghị “người phụ nữ đức hạnh” mà.
– Nói có hay không?
– Dạ, cũng chẳng hay lắm đâu. Nhưng mà ông ấy có cái mặt rất dài, lại còn để bộ râu trông giống Đức Thánh Tenjin[4] nữa nên ai cũng cảm phục.
– Ông ấy nói chuyện về vấn đề gì vậy?
Bà chủ vừa hỏi đến đó thì từ ngoài hành lang thềm nhà, ba đứa trẻ con nghe có tiếng chị Yukie, chạy sầm sầm vào phòng ăn. Từ nãy đến giờ chắc chúng chạy chơi ngoài bãi trống, bên ngoài hàng rào tre.
– Ôi, chị Yukie đến.
Hai cô chị reo lên vui mừng. Bà chủ dẹp công việc vào một góc, bảo các con:
– Đừng làm ầm lên thế, tất cả ngồi xuống đi, chị Yukie đang nói chuyện hay.
Tonko nói:
– Chị Yukie đang nói chuyện gì vậy? Em rất thích nghe chuyện.
Shunko hỏi:
– Chắc là chuyện cổ tích núi Kachi Kachi phải không?
Cô em thứ ba chen vào giữa hai chị, chìa đầu gối ra phía trước:
– Em cũng “chiện”.
Nghĩa là Bé con không nghe chuyện mà Bé cũng nói chuyện của mình. Chị cười bảo:
– Ái chà, Bé cũng nói chuyện nhỉ?
Bà chủ dỗ dành:
– Thôi, Bé nói chuyện sau, nghe chị Yukie nói xong đã.
Bé con vẫn tỏ vẻ không chịu, hét to:
– Không, không thích, ba bu.
Chị Yukie khiêm tốn nói:
– Thôi, thôi, được rồi, Bé nói trước đi. Chuyện gì nhỉ?
– Này nhé, bé ơi, bé ơi, ti tâu đấy.
– Ồ, hay quá nhỉ. Rồi sao nữa?
– Em ti ra ruộng cắt núa.
– À, thế à? Bé biết giỏi quá nhỉ.
– Mày tến thì vuống chan (vướng chân).
– Không phải “ten” mà là “đến”.
Tonko chen vào nhắc nhở, Bé con vẫn mắng ba bu và bắt chị phải thua. Nhưng bị nhắc giữa chừng, nó quên mất chuyện, không nói tiếp được. Chị Yukie hỏi:
– Bé ơi, chuyện hết rồi à?
– Thế rồi nhé, sau này không được đánh rắm đâu, kêu bụp bụp… ấy.
– Ha ha ha… dở quá, ai dạy em nói thế hả?
– Chị sen.
Bà chủ cười nhăn nhó:
– Cái chị sen dở quá, đi dạy trẻ như thế. Nào, bây giờ đến lượt chị Yukie nói, Bé ngồi yên nghe đi.
Thì ra bạo chúa cũng có thể chấp thuận ngồi yên trong một lúc khá lâu. Thế là chị Yukie lại tiếp tục lên tiếng:
– Chuyện của ông Yagi là thế này: Ngày xưa ở một ngã ba đường có một cái tượng đá Địa tạng[5]. Nhưng chỗ đó là nơi ngựa xe qua lại rất đông đúc, ồn ào, tượng đá trở thành vật cản trở, bất tiện. Người trong thành phố tụ tập nhau lại rất đông, bàn xem làm thế nào dẹp bức tượng vào một chỗ cho khỏi vướng.
– Chuyện có thật à?
– Không biết có thật hay không, không thấy ông ấy nói. Thế rồi mọi người bàn đi tính lại mãi, cuối cùng một người đàn ông khỏe mạnh nhất bảo “chuyện đó không có gì khó, nhất định tôi sẽ dẹp được”, rồi anh ta đi đến ngã ba, cởi áo ra, vần, kéo, toát cả mồ hôi mà tượng đá vẫn không nhúc nhích.
– Tượng đá nặng ghê nhỉ?
– Vâng. Thế là người đàn ông đó mệt, bỏ về nhà ngủ. Những người khác vẫn tiếp tục bàn bạc. Lần này, một người đàn ông khôn ngoan nhất thành phố bảo: “Cứ để mặc tôi, tôi sẽ làm được cho mà xem”. Rồi anh ta xếp đầy bánh dày ngọt vào một cái hộp, đem chìa trước mặt địa tạng bảo “địa tạng ơi, đến đây”. Anh ta nghĩ rằng địa tạng thì cũng thích ăn nên đã dùng bánh để dụ dỗ. Nhưng địa tạng vẫn không nhúc nhích. Anh chàng khôn ngoan nghĩ bụng thế này thì không được. Lần này anh ta đổ đầy rượu vào nậm, một tay xách bầu rượu, một tay cầm chén, lại đi đến trước mặt địa tạng, khiêu khích dụ dỗ suốt ba tiếng đồng hồ: “này, có muốn uống rượu không? Muốn uống thì lại đây” nhưng địa tạng vẫn không nhúc nhích.
Tonko hỏi:
– Chị Yukie ơi, thế địa tạng không đói à?
Shunko nói:
– Ôi, bánh dày ngọt, nghe thèm quá nhỉ?
– Người khôn ngoan hai lần đều thất bại. Sau đó anh ta chuẩn bị thật nhiều tiền giả, cứ cầm tiền giơ ra lại kéo về, dử dử: “chà, muốn tiền chứ gì? Muốn thì đến đây mà lấy này”, nhưng cũng không ăn thua. Một vị địa tạng tương đối cứng đầu cứng cổ.
– Đúng đấy nhỉ, hơi giống chú đấy.
– Vâng, giống y hệt như chú. Cuối cùng người khôn ngoan kia hết hứng thú, đành bỏ cuộc. Thế rồi sau đó có một người thổi tù và, mang một cái tù và rất to, xuất hiện. Anh ta nhận lời làm và nói như dễ lắm “tôi thì nhất định sẽ dẹp được, cứ yên tâm”.
– Cái người thổi tù và[6] ấy đã làm thế nào?
– Chuyện này rất hay. Đầu tiên anh ta mặc quần áo cảnh sát, đeo râu giả, đến trước mặt địa tạng, ra oai dọa “này, nếu địa tạng không nhúc nhích thì không có lợi cho anh đâu. Cảnh sát sẽ không để yên mãi cho anh đâu”. Đời bây giờ mà lại dùng cảnh sát dọa như thế thì chẳng ai nghe đâu nhỉ.
– Ừ, đúng đấy. Thế địa tạng có lay chuyển không?
– Làm gì mà lay chuyển. Đó là ông chú nhà mình mà lại.
– Nhưng chú thì lại rất sợ cảnh sát đấy.
– Ôi, thế à? Ra bộ thế mà lại… thế thì không có gì sợ bằng nữa rồi! Nhưng nghe nói vị địa tạng ấy vẫn không nhúc nhích, cứ thản nhiên như không vậy. Thế là tay thôi tù và này rất tức, bèn cởi bỏ quần áo cảnh sát, gỡ râu giả quăng vào sọt rác, và lần này mặc quần áo đóng vai nhà giàu đi đến. Nếu là bây giờ thì trông bộ điệu, vẻ mặt như kiểu Nam tước Iwasaki ấy, rất buồn cười.
– Vẻ mặt, điệu bộ của Iwasaki là như thế nào?
– Một bộ mặt rất to[7]. Thế rồi hắn ta chẳng làm gì, cũng không nói gì, chỉ vừa hút một cái tẩu thuốc rất to, vừa lững thững đi đi lại lại xung quanh địa tạng.
– Làm như vậy để làm gì?
– Để cuốn địa tạng vào khói.
– Cứ như là chuyện tấu hài ấy nhỉ? Thế có cuốn được không?
– Không được. Vì là đá mà lại! Có trí trá thì cũng vừa vừa phải phải thôi chứ. Lần này hắn lại giả làm một ông Hoàng. Thật là dở hơi.
– Sao? Thời đó cũng có ông Hoàng à?
– Có chứ! Thầy Yagi bảo thế mà. Đúng là ông ấy nói là hắn đã đóng giả một ông Hoàng mà. Trước hết, như vậy là rất láo, một tay thổi tù và mà lại dám…
– Ông Hoàng thì là ông Hoàng gì?
– Ông Hoàng gì ấy nhỉ? Dù là ông Hoàng gì thì cũng vẫn là láo.
– Ừ nhỉ.
– Chắc là ông Hoàng cũng chẳng làm gì được. Tay thổi tù và cũng còn không ăn thua nữa là. Cháu thì, với một vị địa tạng như vậy, thú thật cháu chỉ xin hàng thôi.
– Hay đấy.
– Vâng, cuối cùng chỉ có cho đi tù là tốt nhất. Nhưng mọi người trong thành phố rất lo ngại, lại họp bàn nhưng không còn ai dám đứng ra nhận làm nữa.
– Thế là hết à?
– Vẫn còn nữa. Cuối cùng thì họ thuê rất đông bọn phu xe và bọn lưu manh đến gây ầm ĩ xung quanh địa tạng, chúng thay nhau ngày đêm, làm sao cho địa tạng không chịu nổi thì thôi.
– Vất vả quá nhỉ.
– Vậy mà địa tạng cũng vẫn không thèm chấp. Cái ông địa tạng này cũng khá ương bướng.
Tonko sốt sắng hỏi:
– Thế sau đó thế nào?
– Sau đó, ngày nào chúng cũng la hét ầm ĩ mà vẫn không có hiệu quả gì nên tất cả đều chán. Riêng bọn phu xe và bọn lưu manh thì được lĩnh công, nên chúng vẫn vui vẻ làm.
Shunko hỏi:
– Chị Yukie ơi, công là cái gì cơ?
– Công ấy à? Là tiền em ạ.
– Được tiền thì để làm gì cơ?
– Được tiền thì… ha ha ha, em Shunko chán quá. Thế rồi thím ạ, chúng cứ náo động hết ngày này sang đêm nọ như vậy. Hồi đó, trong thành phố có một thằng ngốc, chẳng biết gì, chẳng chơi với ai, tên là Bakatake. Thằng ngốc này nhìn bọn kia làm náo động như vậy mới bảo “Tại sao chúng mày làm ầm ĩ như thế mà bao nhiêu năm vẫn không lay động được địa tạng hả? Thật tội nghiệp!”
– Ngốc mà cũng giỏi nhỉ?
– Vâng, một thằng ngốc tương đối giỏi. Mọi người nghe hắn nói thế thì nghĩ việc gì cũng phải thử mới biết được. Đã làm cách nào cũng không được rồi thì cứ để thằng ngốc làm thử xem sao. Họ nhờ thằng ngốc, hắn nhận ngay. Hắn bảo bọn phu xe và bọn lưu manh thôi đừng có làm inh ỏi, vướng chỗ người khác nữa, hãy im đi. Rồi hắn tỉnh bơ[8], đi đến trước mặt địa tạng.
– Chị Yukie ơi, “tỉnh bơ” là bạn của Bakatake à?
Đang lúc quan trọng thì Tonko hỏi chen ngang làm chị Yukie và bà chủ bật cười.
– Không, không phải bạn.
– Thế là gì?
– Tỉnh bơ là… không biết nói thế nào được.
– Tỉnh bơ là không nói được à?
– Không phải thế, nhưng tỉnh bơ là…
– Vâng.
– À này, con biết anh Tatara Sanpei chứ gì?
– Vâng, anh ấy cho khoai mà.
– Là giống như anh Tatara Sanpei ấy.
– Anh Tatara Sanpei là tỉnh bơ à?
– Ừ, đại khái là như vậy. Thế là Bakatake đi đến trước địa tạng, tay xỏ trong bọc bảo “Này ông địa tạng, người thành phố này bảo ông chuyển đi thì ông chuyển đi cho”. Địa tạng liền bảo ngay “Thế à? Nếu thế thì nói ngay từ đầu có được không?” và thế là địa tạng rời đi.
– Cái vị địa tạng này kỳ lạ nhỉ?
– Thế rồi sau đó là phần diễn thuyết.
– Vẫn còn nữa à?
– Vâng. Sau đó thầy Yagi bắt đầu diễn thuyết. Ông ấy nói “Hôm nay trong cuộc họp mặt của quý bà, tôi có một số ý nghĩ xin được trình bày ở đây. Tôi nói thế này có thể không phải phép, nhưng theo tôi, phụ nữ hay có thói quen xấu là không đi đường thẳng, chính diện mà cứ đi theo đường vòng. Hơn nữa, cái này không chỉ riêng phụ nữ, đàn ông thời Minh Trị này, do tiếp thu những tập quán xấu của văn minh nên ít nhiều đã trở nên nữ tính. Họ thường làm những cái cố gắng không cần thiết và lầm tưởng đó là cái chính, cái cần làm của người đàn ông. Đây chỉ là một thứ quái thai, bị ràng buộc bởi sự khai hóa văn minh, chúng ta cần bàn luận nhiều về nó. Đối với phụ nữ, cái cần thiết là phải nhớ những chuyện ngày xưa như tôi vừa kể, để khi cần thì giải quyết mọi việc một cách thẳng thắn như nhân vật Bakatake. Nếu quý bà đây cũng là những Bakatake thì những khúc mắc giữa nàng dâu mẹ chồng, giữa vợ chồng với nhau nhất định sẽ giảm đi một phân ba. Con người ta càng khí phách, càng cứng cỏi thì càng nhiều bất hạnh do nó tác oai tác quái. Rất mong quý vị hãy trở thành những Bakatake.” Đấy, ông ta diễn thuyết như vậy.
– Ồ, thế chị Yukie định sẽ trở thành một Bakatake chứ?
– Không, cháu không thích trở thành Bakatake đâu. Cô Tomiko nhà Kaneda thì tức lắm, bảo là nói láo.
– Tomiko nhà Kaneda là cái cô nhà ở ngõ phía đằng trước kia ấy à?
– Vâng cái cô rất là thời thượng ấy.
– Cô ấy cũng học cùng trường với Yukie à?
– Không, cô ấy chỉ đến nghe nói chuyện trong hội nghị phụ nữ thôi. Cô ta rất thức thời, đến mức kinh ngạc.
– Nhưng nghe nói có giá lắm cơ mà?
– Cũng bình thường thôi, không đến mức như tự hãnh diện thế đâu. Son phấn bự vào như vậy thì trông cũng tạm được.
– Nếu chị Yukie mà cũng son phấn như vậy thì sẽ đẹp gấp đôi cô Kaneda đấy.
– Không, chán quá. Thím cứ nói thế chứ, cháu không biết đâu. Nhưng mà cô ấy trang điểm quá mức! Cho dù có nhiều tiền thì…
– Làm giả quá mức nhưng mà nhiều tiền thì cũng tốt chứ sao?
– Vẫn biết là như vậy. Nhưng chính cô ta mới là người nên thành Bakatake một chút thì hay hơn. Kiêu ngạo quá đáng. Vừa rồi cô ta rêu rao là có một ông nhà thơ nào đó đã tặng cô ta một tập thơ mới.
– Anh Tofu chứ gì?
– Ôi trời, chính anh ấy tặng à? Thật là người hiếu sự.
– Nhưng anh Tofu là người rất nghiêm túc. Thậm chí anh ta còn nghĩ mình làm như vậy là đương nhiên nữa cơ.
– Chính vì có người như vậy nên mới hỏng. Rồi còn có một chuyện khác nữa, rất buồn cười. Nghe nói, gần đây có một người nào đó đã gửi cho cô ta một bức thư tình rất thắm thiết.
– Ối chà, quái thật, ai mà lại làm như thế nhỉ?
– Cô ta bảo không biết là ai cả.
– Không đề tên à?
– Có, nhưng là cái tên cô ta chưa nghe thấy bao giờ và thư thì dài đến một gian (1,8 m), trong thư viết toàn những cái rất kỳ, nào là “tôi yêu cô như một tín đồ tôn kính chúa. Vì cô, tôi sẵn sàng cảm thấy vinh dự nếu được làm một con cừu non bị giết thịt, dâng lên bàn thờ Chúa. Trái tim tôi chính là hình tam giác đã bị mũi tên của thần ái tình cắm vào chính giữa.v.v…”
– Chuyện ấy đúng là có thật hả?
– Vâng, nghiêm chỉnh đấy. Thực tế đã có ba đứa trong số các bạn của cháu được đọc bức thư ấy mà.
– Cô ta dở quá nhỉ! Ai lại đi cho xem thư khắp nơi như vậy. Cô ấy định sẽ lấy anh Kangetsu đấy. Chuyện này mà lộ ra thì gay quá.
– Gay gì đâu. Cô ta còn rất tự hào là đằng khác. Lần sau anh Kangetsu đến đây, thím nói cho anh ấy biết đi. Hình như anh ấy không biết gì đâu.
– Cũng chả biết thế nào cả. Anh ấy suốt ngày chỉ đến trường mài viên bi, chắc là không biết đâu.
– Anh Kangetsu định lấy cô ấy thật à? Tội nghiệp quá nhỉ!
– Sao lại tội nghiệp? Cô ấy giàu, nhỡ có làm sao thì có chỗ dựa, tốt quá còn gì?
– Thím dạo này lúc nào cũng tiền, tiền, nghe xoàng quá. Tình yêu mới đáng quý hơn tiền nhiều chứ. Không có tình yêu thì không thể có quan hệ vợ chồng được.
– Thế à? Thế chị Yukie định sẽ đi làm dâu ở chỗ thế nào?
– Cái đó thì làm sao mà biết được. Cháu chẳng định gì cả.
Yukie và thím đang tranh luận sôi nổi về vấn đề hôn nhân như vậy thì Tonko, từ nãy đến giờ lắng nghe mà chẳng hiểu gì, đột nhiên lên tiếng:
– Em cũng muốn đi làm dâu.
Cái nguyện vọng ngô nghê này quả thật hình như làm cho một người đang tràn đầy sức trẻ như Yukie cũng phải đồng tình, bớt ấm ức được một chút. Còn bà chủ thì cười, hỏi rất nhẹ nhàng:
– Con định đi làm dâu ở đâu?
– Em ấy à? Thực ra, em định đi làm dâu ở Đền chiêu hồn[9] nhưng mà em ngại đi qua cầu Thủy đạo, nên chưa biết thế nào.
Bà chủ và chị Yukie nghe câu trả lời trứ danh này thật quá sức tưởng tượng, không còn dám hỏi thêm gì nữa, cùng cười phá lên. Cô con gái thứ hai – Shunko, quay sang bàn bạc với chị thế này:
– Chị cũng thích Đền chiêu hồn à? Em cũng rất thích. Chúng mình cùng đi làm dâu ở Đền chiêu hồn đi, được không? Chị không thích à, không thích thì thôi. Em thuê xe đi một mình ngay bây giờ đây.
– Bé cũng đi cơ.
Cuối cùng cả Bé con cũng quyết định đi làm dâu ở Đền chiêu hồn. Nếu cả ba cô con gái đều nhất loạt đi làm dâu ở đó như thế này thì chắc ông chủ cũng nhẹ người đây.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.