Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 11 PHẦN 1



Trước bệ sàn, anh Meitei và anh Dokusen đang ngồi đối diện qua bàn cờ gô. Meitei giao hẹn:
– Không chơi suông đâu nhé, bên nào thua là phải chiêu đãi cái gì đấy. Đồng ý không?
Nghe thế, Dokusen vẫn như mọi khi, vuốt chòm râu nói:
– Như thế thì làm cho trò vui thanh tao bị tầm thường đi. Chơi mà cứ để tâm trí chạy theo sự đỏ đen, ăn thua thì còn gì là hay. Phải gạt cái được thua sang một bên, để cho lòng mình thanh thản tự nhiên, cuốn theo mây gió thì mới thấy được cái thú vị của ván cờ chứ.
– Lại đến rồi đấy à? Chơi với “bộ hài cốt”[1] như thế thì gãy xương mất thôi. Nhân vật trong “Liệt tiên truyện”[2] à?
– Gảy Tố Cầm không dây mà![3]
– Ừ, đánh điện vô tuyến đấy?
– Hãy cứ chơi đi đã.
– Cậu dùng quân trắng chứ?
– Quân nào cũng được.
– Đúng là “tiên cốt” có khác, ung dung nhỉ? Nếu cậu trắng thì tất nhiên tớ là đen, phải không? Được rồi, đi đi. Muốn đi từ đâu cũng được.
– Nguyên tắc là quân đen đi trước.
– À, phải rồi. Thế thì tôi khiêm tốn đi theo phương pháp phổ thông cơ bản. Đi từ chỗ này.
– Phương pháp phổ thông cơ bản, không ai đi từ chỗ ấy cả.
– Không ai đi cũng được. Đây là phương pháp mới, mới được phát minh ra.
Hiểu biết thế gian của tôi hạn hẹp nên mãi gần đây, lần đầu tiên trong đời tôi mới nhìn thấy cái gọi là bàn cờ gô. Càng nghĩ càng thấy nó kỳ lạ. Trên một cái bàn vuông chẳng lấy gì làm rộng, đi kẻ những ô vuông nhìn đến rối cả mắt, rồi bày lên đó những viên đá trắng, đen rất lộn xộn. Thế rồi nào là thắng à, thua à, sống à, chết à, cứ nhắng cả lên, toát cả mồ hôi ra. Bàn cờ cùng lắm chỉ rộng độ mấy thước vuông, chỉ cần chân trước của mèo cào một cái là lung tung phèng lên ngay. Đúng là cứ buộc túm vào thì thành thảo am mà cởi ra thì lại thành đồng hoang là vậy. Một trò nghịch ngợm không cần thiết. Người chơi thì ngồi thọc tay trong bọc mà ngắm, trông rất nhàn nhã.
Lúc đầu, mới bày khoảng ba bốn chục quân cờ thì trông chưa thấy rối mắt lắm. Nhưng khi cuộc chơi đến độ quyết liệt mà nhìn vào thì trời ơi, thật thảm hại. Quân đen quân trắng chen chúc nhau, đầy ứ lên như muốn rơi ra khỏi bàn, thay nhau đi tới tấp. Những quân cờ, không thể vì bức bách mà bảo thằng bên cạnh đứng lui ra, cũng không thể ra lệnh cho thằng đứng trước mày tránh ra không được làm vướng tao, cứ đành chấp nhận như đó là định mệnh, không thể làm gì ngoài việc đứng yên, không động đậy, không nhúc nhích cả.
Kẻ nghĩ ra môn cờ gô này là con người. Nếu thị hiếu con người được thể hiện trên bàn cờ này thì chính thân phận gò bó của những quân cờ gô là đại diện cho tính hẹp hòi, nhỏ nhen của con người. Nếu từ thân phận những quân cờ gô mà suy ra tính chất con người, thì phải đoan quyết rằng: Con người là cái thứ toàn những kẻ thiển cận, chỉ nhìn thấy những cái trước mắt. Tự mình vạch ra ranh giới rồi cứ đứng nguyên một chỗ, không bước ra khỏi được chỗ chân mình đang đứng, mặc dù thế giới rộng bao la. Có thể nói con người là cái thứ luôn cố tình tự chuốc lấy cái khổ.
Cái anh Meitei ung dung, nhàn nhã và anh Dokusen bình tĩnh, tự tại như thiền gia này, không hiểu sao hôm nay lại đi lôi cái bàn cờ cũ từ trong tủ ra, bắt đầu cuộc đấu thế này? Lúc đầu cả hai đều làm theo ý mình, thoải mái bày những con cờ đen trắng lên bàn cờ. Nhưng diện tích bàn cờ có hạn, khi những ô cờ dọc ngang cứ lần lượt bị lấp hết thì đương nhiên, dẫu có ung dung bình tĩnh đến mấy, dần dần cũng rất gay rồi.
– Này Meitei, cậu chơi ẩu quá đấy. Làm gì có luật nào cho phép đi vào chỗ ấy nhỉ?
– Cờ của các vị thiền sư thì có thể không có luật này, nhưng phái Honinbo[4] thì có, nên đành phải thế mà.
– Nhưng chỗ ấy chết[5] rồi mà.
– Lính thì không sợ chết. Đi nước này nhằm miếng thịt vai[6] chăng?
– Thế cũng chẳng sợ. Gió nam thổi thì lầu cao mát. Đánh chỗ này là yên tâm rồi đây.
– Ái chà, chơi con ấy thì cừ đấy. Cứ tưởng không để ý chứ. Đừng rung chuông chùa Hachiman ư[7]? Thử đấm[8]thế này xem nào.
– Không có thế này thế kia gì cả. Đã vung kiếm lên rồi. Chà, phiền toái. Thôi, cắt béng đi.
– Ôi ôi, chết rồi, cắt chỗ ấy thì chết mất. Không đùa được rồi! Cứ chờ đấy.
– Đã nói rồi, chỗ này không vào được mà.
– Ồ, xin lỗi nhưng trót vào mất rồi. Xin ông bỏ con trắng này ra cho.
– Con ấy cũng chờ à?
– Nhân thể, cầm luôn con bên cạnh lên xem nào?
– Trâng tráo quá đấy. Này.
– Do you see the boy[9] à? Không, đó là mối quan hệ giữa cậu với tớ mà! Thôi đừng khách sáo nữa, cầm lên đi. Đây là lúc sống, chết. Là lúc “Bấy lâu nay, bấy lâu nay”[10]từ cánh gà nhảy ra sân khấu mà lại!
– Cái đó tôi không biết.
– Không biết cũng được, cứ bỏ ra đi.
– Từ nãy đến giờ cậu đã chờ[11]sáu lần rồi đấy.
– Cậu nhớ tốt nhỉ? Tôi sẽ còn chờ gấp hai số lần như thế nữa. Nên đã bảo là lui ra đi mà. Cậu cũng ngoan cố nhỉ? Đã tọa thiền thì phải biết điều một chút chứ.
– Nhưng nếu không chặn con này thì tôi bị thua mất.
– Ngay từ đầu cậu đã bảo thua cũng chả sao cơ mà?
– Thua cũng không sao, nhưng tôi không muốn cho cậu thắng.
– Một sự ngộ đạo vớ vẩn nhỉ? Vẫn cứ là “xuân phong ảnh lý trảm điện quang” à?
– Không phải “xuân phong ảnh lý” mà là “điện quang ảnh lý”, cậu nói ngược rồi.
– Ha ha ha, cứ tưởng đã đến lúc ngược lại rồi chứ? Vậy mà đúng thế nhỉ. Thế thì thôi, đành vậy.
– Sinh tử đại sự, vô thường thần tốc[12], hãy chấp nhận đi.
– Lạy chúa tôi!
Lần này thầy Metei đập “chát” con cờ vào một chỗ chẳng có liên quan gì.
Trong khi ở trước bệ sàn, Meitei và Dokusen đang mải mê tranh giành thắng bại như vậy thì ngay cửa phòng sảnh, Kangetsu ngôi cạnh Tofu, bên cạnh đó là ông chủ với bộ mặt vàng vọt. Trước mặt Kangetsu là một kỳ quan, ba con cá trích khô nằm xếp hàng lễ phép trên chiếu, không gói ghém gì cả. Những con cá khô này xuất xứ từ trong túi xách của anh Kangetsu, khi lôi ra nó vẫn còn nóng ấm, sờ tay vào có thể cảm nhận được. Nó không được gói ghém gì và nóng hôi hổi.
Ông chủ và Tofu nhìn những con cá khô với ánh mắt nghi hoặc, lúc đó anh Kangetsu mới lên tiếng:
– Thực ra em về quê lên đã bốn hôm nay, nhưng có nhiều việc phải chạy chỗ nọ chỗ kia nên hôm nay mới đến đây được.
Ông chủ vẫn lạnh lùng như mọi khi, nói:
– Bận thế thì thôi, không đến cũng chả sao.
– Em bận không đến được thì cũng không sao, nhưng mà chỉ lo cái món quà này, không thể để lâu được.
– Là cá khô chứ gì?
– Vâng, đây là đặc sản của quê em.
– Đặc sản đó thì ở Tokyo cũng có.
Ông chủ nói và cầm con cá to nhất đưa lên mũi ngửi.
– Ngửi thì không thể biết được là cá ngon hay không đâu thầy ạ.
– Con to hơn thì có vẻ đúng là đặc sản đấy nhỉ.
– Thầy cứ dùng thử xem.
– Ăn thì nhất định là ăn rồi. Nhưng sao con này đầu bị vỡ thế này?
– Vì thế nên em mới lo, phải mang nhanh đến đây.
– Vì sao vậy?
– Vì sao ư? Bị chuột gặm đấy.
– Thế thì nguy hiểm quá, ăn vào dễ bị dịch hạch lắm.
– Làm gì, không sao đâu. Gặm một tí như vậy chưa bị độc gì.
– Thế bị chuột gặm ở đâu?
– Ở trên thuyền.
– Trên thuyền à? Làm thế nào mà nó lại gặm được?
– Không có chỗ đựng, em bỏ chung vào cùng một bọc với cái đàn Violon, mang lên thuyền, thế là đến đêm bị chuột gặm. Nếu mà nó chỉ gặm cá không thôi thì không sao, nhưng nó tưởng cái đàn cũng là cá khô, thế là cái violon yêu quý của em cũng bị gặm một chút.
– Cái con chuột hấp tấp quá nhỉ. Nó sống trên thuyền nên không còn biết phân biệt được gì nữa như thế chăng?
Ông chủ nói cái gì mà chẳng ai hiểu gì cả. Và ông tiếp tục chăm chú nhìn những con cá khô.
– Không phải thế đâu. Chuột thì ở đâu cũng hấp tấp thế cả, nên khi em mang về để ở ký túc xá, lại bị gặm nữa. Vì nguy hiểm như vậy nên đêm đến, em phải mang để vào tận trong chăn mà ngủ đấy.
– Thế thì bẩn nhỉ!
– Vì vậy khi ăn, thầy nhớ bảo phải rửa qua đi đã.
– Rửa qua thì không thể sạch được.
– Vậy thì lấy nước tro mà rửa, cọ thật kỹ đi là được thôi mà.
– Thế violon cũng phải ôm mà ngủ à?
– Violon thì to quá, không thể ôm được…
Vừa nói đến đây thì từ đằng kia, Meitei lớn tiếng góp chuyện:
– Các cậu nói gì? Ôm đàn violon mà ngủ à? Cái đó rất sang trọng đấy. Có một bài thơ cổ đã nói: “Mùa xuân đang trôi qua, ôm cây đàn tỳ bà, mà nỗi lòng trĩu nặng”[13]. Đó là thơ ngày xưa. Còn ngày nay, những thiên tài ưu tú của thời Minh Trị thì phải ôm violon mới hơn người xưa.
“Khư khư suốt đêm trường
nâng niu ôm giữ dưới chăn bông
Cây đàn violon”
Thế nào, thơ thế được đấy chứ? Này, cậu Tofu, thơ mới có thể xuất khẩu thành thơ như thế không nhỉ?
Anh Tofu trả lời rất nghiêm túc:
– Thơ mới khác haiku, không thể nghĩ ngay ra như thế được. Nhưng thơ mới, ngay khi mới ra đời, nó đã mang âm điệu đầy kỳ ảo, ma quái rồi.
– Thế à? Mình tưởng ma quái thì phải đốt than củi đay đón về mà thờ chứ, hóa ra nó cũng về bằng sức mạnh của thơ mới à?
Meitei bỏ mặc cờ gô, quay ra tán gẫu.
– Cứ mải hóng chuyện thế, lại thua đấy.
Ông chủ nhắc nhở, nhưng Meitei vẫn phớt lờ, nói:
– Muốn thắng hay thua cũng chẳng được. Đối phương cứ như con bạch tuộc ở trong nồi, không chịu thò tay, thò chân ra. Mình chán quá, đành ra nhập bọn với đám violon thôi.
Nghe thế, đối phương là anh Dokusen nói nghiêm chỉnh:
– Đến lượt cậu rồi đấy, tôi chờ ở đây.
– Sao? Đánh rồi à?
– Đánh rồi. Đánh từ lâu rồi.
– Chỗ nào?
– Đánh chéo vào chỗ con trắng này này.
– À, thế hả?
“Đặt con cờ trắng này
Nối chéo thêm vào đây
Để rồi sẽ thua nhỉ.”
Nếu thế thì ta sẽ… ta sẽ… Hết chỗ rồi, không còn chỗ nào nữa nhỉ? Thôi, cho cậu đánh lại một nước, cậu muốn đặt chỗ nào thì đặt đi.
– Làm gì có cái kiểu cờ gô nào như vậy?
– Làm gì có à? Thế thì tôi đi. Tôi sẽ đặt chéo vào chỗ góc này chăng! Này Kangetsu, violon của cậu xoàng quá nên chuột nó mới khinh, nó cắn đấy. Cậu phải cố mua một cái tốt hơn đi. Hay để tôi đặt mua cho một cái đàn cổ ba trăm năm của Ý nhé?
– Vâng, xin nhờ thầy và nhân thể xin thầy trả luôn cả tiền nữa.
Ông chủ chẳng hiểu biết gì, quát Meitei:
– Đàn cũ như vậy thì dùng thế nào được.
– Cậu đánh giá đàn cũ cũng như người già à? Người cũ thì cũng có loại người cũ như lão Kaneda nào đó mà bây giờ rất được thời nữa là. Huống chi, violon thì càng cổ càng quý. Nào ông Dokusen, xin ông đánh nhanh lên, đây không phải là lời thoại của Keimasa[14] mà ề à mãi. Trời mùa thu mau tối lắm.
– Đánh với người vội vàng như cậu khó đánh lắm, không có thời gian để suy nghĩ gì cả. Thôi, cũng đành đặt vào chỗ này một con để lấy chỗ vậy.
– Ôi, ôi, lại bị chiếm mất rồi, tiếc quá! Mình đã cố nói để đánh lạc hướng cho hắn khỏi đánh vào chỗ ấy, thế mà không được à? Cố hết cả hơi mà vẫn hỏng ư?
– Tất nhiên. Cậu có đánh đâu, chỉ toàn lừa đảo.
– Đó là các kiểu chơi của Honinbo, Kaneda, Toseisinshi… Này, tiên sinh Kushami, đúng là cái cậu Dokusen này đi Kamakura ăn dưa vạn niên nên không dao động gì cả! Thật đáng khâm phục. Cờ thì thấp nhưng chí khí thì cao lắm.
– Thế nên cái loại không có chí khí như cậu, nên bắt chước người ta một chút thì hơn.
Ông chủ vẫn quay lưng về phía Meitei, nói chưa dứt lời thì Meitei thè lưỡi ra. Dokusen không thèm quan tâm, giục:
– Nào, đến lượt cậu đấy.
Meitei hỏi Kangetsu:
– Cậu chơi violon từ bao giờ vậy? Mình cũng muốn học nhưng có vẻ khó lắm nhỉ?
– Vâng, khó một tí lúc đầu thôi. Ai cũng chơi được mà.
– Mình nghĩ, đều là nghệ thuật cả nên nếu là người có sở thích thơ ca thì âm nhạc chắc cũng có khả năng chóng thành đạt, không biết có đúng không nhỉ?
– Đúng đấy. Ai chứ thầy thì chắc nhanh giỏi lắm.
– Cậu bắt đầu chơi từ bao giờ?
– Từ hồi học cấp ba. Thầy đã nghe em nói đầu đuôi về cái chuyện học violon này chưa nhỉ?
– Chưa, chưa nghe.
– Ngay từ hồi học cấp ba, cậu đã có thầy dạy rồi cơ à?
– Không, không có thầy nào cả, em tự học thôi.
– Đúng là thiên tài có khác!
– Tự học thì không nhất thiết là thiên tài!
Anh Kangetsu nói lạnh lùng. Được khen là thiên tài mà lại dửng dưng như vậy thì chỉ có mỗi anh Kangetsu này.
– Thôi, cái đó thì thế nào cũng được. Cậu hãy nói xem cậu đã tự học violon thế nào đi. Mình muốn nghe để tham khảo kinh nghiệm.
– Nói thì cũng được thôi. Em nói, thầy nhé?
– Ừ, nói đi.
– Bây giờ thì việc bọn trẻ xách hộp đàn violon đi ngoài đường là chuyện bình thường, nhưng hồi đó, học sinh cấp ba hầu như chẳng có ai học âm nhạc phương Tây cả. Đặc biệt, trường em ở cái nơi hẻo lánh, nhà quê của nhà quê, đến cái dép đế gai cũng không có, thì tất nhiên không có ai chơi violon cả…
– Bên kia đã bắt đầu nói chuyện gì nghe có vẻ hay quá rồi. Nào, Dokusen, thôi, đánh quàng lên, đại khái cho xong đi.
– Vẫn còn hai ba chỗ nữa, chưa xong được.
– Còn cũng được, đại khái thôi mà. Cho cậu đi đấy.
– Cậu nói thế nhưng tôi không thể nhận được.
– Cậu này chi li quá, không có vẻ thiền gì cả. Thế thì đánh ù lên đi. Cậu Kangetsu đang nói chuyện gì hay lắm. Cái trường cấp ba ấy, học sinh đi chân đất tới trường chứ gì?
– Không phải thế.
– Thế thì đi chân không, tập thể thao quốc phòng, bên phải, quay! Bên trái, quay! Da chân dày cộp lên phải không? Có phải chuyện thế không?
– Thật à? Ai nói thế?
– Ai cũng được. Thế rồi, đeo bên hông một nắm cơm to bự như quả bưởi để ăn trưa chứ gì? Không phải là ăn mà là ngoạm. Rồi từ giữa nắm cơm sẽ lòi ra một quả mơ muối. Nỗi vui mừng hồi hộp là chờ cho đến khi quả mơ lòi ra, nên cứ hăng hái, cắm cúi gặm xung quanh nắm cơm nhạt mà tiến dần vào giữa. Cậu Dokusen, chuyện này có vẻ hợp với cậu đấy.
– Khí chất lành mạnh, chất phác như vậy là đáng tín cậy đấy.
– Còn có cái đáng tin cậy hơn nữa cơ! Nghe nói ở vùng đó không có cái gạt tàn thuốc. Bạn tôi đến đó làm việc, đi tìm mua cái gạt tàn mác Togetsuho[15] nhưng không có cái gì có tên là ống gạt tàn cả. Bạn tôi lạ quá, hỏi mọi người thì người ta bảo cái gì chứ cái ống ấy thì cứ ra bụi tre chặt về mà dùng là xong, ai chả chặt được, làm gì phải bán? Đây cũng là một chuyện rất hay, thể hiện cái khí chất lành mạnh, thuần khiết, phải không anh Dokusen?
– Ừ, cái đó thì đúng rồi. Nhưng cậu phải cho một ô “thồ mục”[16] vào chỗ này.
– Được rồi, chỗ này, chỗ đó, chỗ kia, thế là xong. Nghe chuyện đó tôi rất ngạc nhiên. Cậu đã học violon ở một nơi như vậy thì đáng kính lắm. Sách Sở có ghi rằng “cô đơn thì bất quần”, anh Kangetsu đúng là Khuất Nguyên của thời Minh Trị đấy.
– Tôi không thích Khuất Nguyên.
– Vậy thì là Werther[17] của thế kỷ này vậy… Cái gì? Cầm con cờ lên và suy nghĩ kỹ đi à? Tính cậu cứng nhắc quá nhỉ? Không suy nghĩ thì tôi cũng thua rồi, vậy là xong.
– Nhưng vẫn chưa quyết định mà…
– Thế thì cậu đánh đi, tôi hết nước rồi. Tôi phải nghe chuyện một thiên tài đã tự học violon như thế nào mới được, nếu không thì mang tội với tổ tiên. Tôi xin thất lễ với cậu.
Meitei rời chỗ, lê đến gần chỗ anh Kangetsu. Dokusen vẫn chăm chú chuyên tâm nhặt quân trắng đặt vào chỗ trắng, quân đen vào chỗ đen rồi lẩm nhẩm tính toán rất tỉ mỉ. Anh Kangetsu tiếp tục câu chuyện:
– Tính cách địa phương đã thành cố hữu, người quê tôi rất bảo thủ, nếu có ai nhu nhược một chút là bảo rằng làm như vậy học sinh nơi khác nó khinh cho, rồi trừng phạt rất nặng, rất là rắc rối.
– Học trò quê cậu thì chẳng đáng nói đến làm gì. Vốn dĩ ai cũng chỉ mặc quần hakama vải trơn, màu tối, thật hết ý. Thế rồi, có lẽ vì ảnh hưởng gió biển nên da ai cũng đen. Con trai mà đen thì còn được chứ con gái thì chắc là gay rồi.
Một khi mà anh Meitei đã chen vào thì câu chuyện không biết sẽ được lái đi đến đâu.
– Con gái cũng đen thế đấy.
– Thế mà cũng có người lấy à?
– Tất cả vùng đều thế thì phải đành chứ sao?
– Thật là quả báo đấy. Bất hạnh tội nghiệp quá, cậu Kushami nhỉ?
Ông chủ thở dài, trút bầu tâm sự:
– Đen hóa ra lại hay đấy. Không may mà trắng thì còn gay hơn nữa. Rồi mỗi lần soi gương lại kiêu căng, lên nước mới chết. Con gái là cái thứ không bao giờ ổn cả.
– Thế nhưng cả một vùng ai cũng đen thì đen lại thành ra đáng tự hào chứ?
Anh Tofu đặt vấn đề rất chí lý. Ông chủ nói:
– Chỉ biết rằng con gái là cái thứ hoàn toàn không cần thiết.
Tiên sinh Meitei cười, nhắc nhở ông chủ:
– Cậu nói thế thì bà xã sẽ khó chịu đấy.
– Sợ gì. Chẳng sao cả.
– Bà xã không ở nhà à?
– Vừa nãy đưa bọn trẻ con đi đâu rồi!
– Hẳn nào thấy yên lặng. Thế bà ấy đi đâu?
– Đi đâu chả biết. Muốn đi đâu thì đi.
– Thế cũng muốn về thì về à?
– Ừ, thế đấy. Cậu chưa có vợ con, sướng thật đấy.
Nghe ông chủ nói thế anh Tofu có vẻ không đồng ý. Anh Kangetsu thì cười tủm tỉm, còn Meitei thì bảo:
– Anh nào có vợ rồi cũng đều nói thế cả. Này, Dokusen, cậu cũng thuộc loại xa lánh vợ chứ?
– Cái gì? Chờ một chút đã, bốn sáu hai mươi bốn, 25, 26, 27… cứ tưởng hẹp mà có tất cả 46 ô cơ à? Tưởng thắng nhiều hơn nữa mới phải chứ, thế mà chỉ chênh nhau có 18 ô thôi à? Cậu bảo gì?
– Bảo là cậu cũng thuộc loại lánh mặt vợ phải không?
– Ha ha… cũng chẳng xa lánh lắm, vốn dĩ vợ tôi rất yêu tôi mà!
– Thế thì hơi thất lễ. Thế mới đúng là anh Dokusen chứ!
– Không phải chỉ có anh Dokusen đâu, mà những trường hợp như thế còn rất nhiều.
Anh Kangetsu ra sức bênh vực các bà vợ trên đời. Anh Tofu vẫn nghiêm túc, quay sang Meitei:
– Tôi cũng tán thành ý kiến anh Kangetsu. Theo tôi, con người ta muốn đi vào lĩnh vực tuyệt đối chỉ có hai con đường, đó là nghệ thuật và tình yêu. Tình yêu vợ chồng chính là đại diện của một trong hai con đường đó. Con người nếu không kết hôn và không hưởng trọn niềm hạnh phúc hôn nhân thì trái với ý trời. Tôi nghĩ như vậy, thầy thấy thế nào?
– Một lý thuyết rất tuyệt vời. Người như tôi thì có lẽ không thể đi vào lĩnh vực tuyệt đối được.
Ông chủ nói với vẻ mặt cau có:
– Nếu lấy vợ thì lại càng không thể vào được nữa.
– Dẫu sao, bọn thanh niên chưa vợ chúng ta cũng phải chọn con đường đi lên đầy chí khí thiêng liêng là nghệ thuật, nếu không sẽ không hiểu được ý nghĩa của cuộc đời. Tôi nghĩ trước hết chúng ta hãy học violon, vì vậy nên mới chú ý lắng nghe kinh nghiệm của anh Kangetsu từ nãy đến giờ đấy.
– Đúng rồi, chúng ta đang nghe chuyện violon của chàng Werther nhỉ. Thôi, nói đi, mình không gây cản trở nữa.
Cuối cùng mãi Metei mới chịu co bớt cái mũi gậy chọc phá lại.
– Con đường lên cao không phải mở ra bằng những thứ như violon. Hiểu chân lý của vũ trụ bằng ba cái thứ đàn sáo, vui chơi như vậy thì nguy to. Nếu thực sự muốn hiểu nó thì phải bằng khí phách của một người đang bám tay vào vách núi, đã từng chết đi sống lại mới có thể hiểu được.
Anh Dokusen trịnh trọng lên lớp cho anh Tofu một bài thuyết giáo. Song đáng tiếc, Tofu là người không biết một chữ bẻ đôi về thiền nên hình như chẳng cảm nhận được gì, nói:
– Ồ, có thể là như vậy. Nhưng tôi nghĩ, nghệ thuật là cái thể hiện khát vọng cao nhất của con người, dù sao cũng không thể loại bỏ nó được.
– Nếu không thể loại bỏ được thì, theo nguyện vọng của anh, xin hãy nghe chuyện violon của tôi đây. Như tôi đã nói,trước khi tập chơi violon, tôi đã trải qua rất nhiều gian khổ. Trước hết, mua được đàn cũng là một việc rất khó khăn, thầy ạ.
– Đúng rồi. Ở cái nơi đến dép đế đay còn không có thì lấy đâu ra violon cơ chứ?!
– Không, có thì vẫn có. Tiền thì từ trước em đã để dành nên cũng có, nhưng mà mãi vẫn không thể mua được.
– Tại sao?
– Tại vì ở một vùng nhỏ hẹp nên hễ cứ mua là bị lộ. Nếu bị phát hiện ra mua đàn là bị phạt vì cho là hỗn láo.
Anh Tofu tỏ ra rất thông cảm:
– Xưa nay những người tài bao giờ cũng hay bị hãm hại nhỉ?
– Lại người tài à? Thôi, cái khoản thiên tài thì xin miễn cho. Thế rồi, hàng ngày tôi cứ tha thẩn các cửa hàng, không một ngày nào là không ước ao “Giá mà mua được cái này nhỉ!” “Giá được ôm cây đàn kia thì sung sướng biết bao!” “Ôi, thích cái này quá!” “Thích cái kia quá!”
– Hết ý đấy!
Người nhận xét là Meitei. Ông chủ thì tỏ ý không hiểu nổi, nói:
– Say mê một cách kỳ lạ nhỉ.
Còn Tofu thì cảm phục:
– Đúng cậu là một thiên tài thật.
Chỉ riêng mỗi anh Dokusen là vẫn thản nhiên mân mê bộ râu.
– Trước hết, có thể mọi người sẽ nghi ngờ tại sao ở một nơi như vậy mà lại có đàn violon được? Nhưng đó cũng là tất nhiên thôi. Bởi vì ở đó cũng có trường nữ sinh, mà học sinh trường này thì việc chính hàng ngày là tập chơi violon, cho nên mới có. Tất nhiên không có đàn tốt, mà chỉ toàn là những thứ cố tình gọi là violon thôi. Vì vậy, cửa hàng cũng chẳng bày biện một cách trân trọng mà chỉ treo hai ba cái ở cửa. Thế là khi tôi dạo qua đó, mỗi khi gặp gió thổi hay một thằng nhỏ nào vô tình chạm tay vào là tiếng đàn ngân lên. Nghe tiếng đàn đó, tự nhiên tôi cảm thấy tim mình như vỡ ra, không sao bình tĩnh được.
– Nguy hiểm quá nhỉ? Bệnh động kinh cũng có nhiều loại, có bệnh động kinh nước, động kinh người. Riêng cậu là Werther nên đó là bệnh động kinh violon đấy.
Mặc dù Meitei giễu cợt như thế nhưng Tofu vẫn rất cảm kích:
– Không phải, nếu không có sự nhạy cảm như vậy thì không thể trở thành nhà nghệ thuật thực thụ được. Nhất định đó là da thịt của thiên tài rồi!
– Vâng, đúng thật, có thể là động kinh thật đấy, nhưng riêng mỗi tiếng đàn đó thì rất kỳ lạ. Cho đến nay, tôi đã từng kéo rất nhiều nhưng chưa bao giờ có được tiếng đàn hay như lúc ấy. Không biết diễn tả nó như thế nào nhỉ? Đúng là không có từ nào để biểu hiện cả.
– Tiếng kêu “lâm ly thánh thót”, có phải không?
Anh Dokusen đưa ra một khái niệm rất khó, nhưng không có ai tán đồng. Thật tội nghiệp.
– Khi hàng ngày đi dạo qua cửa hàng này, đã ba lần tôi nghe thấy tiếng đàn linh thiêng, kỳ diệu ấy. Đến lần thứ ba thì tôi hạ quyết tâm dù có thế nào cũng nhất định mua. Dẫu cho tôi có bị quê nhà khiển trách, quê khác khinh bỉ. Được! Dù tôi có bị trừng phạt, bị đấm cho đến ngất đi, dẫu có bị đuổi học thì cũng nhất định phải mua cho bằng được cái đàn này.
– Đó, thiên tài là thế đấy. Nếu không thì làm sao có thể nghĩ như thế được? Thật là đáng ngưỡng mộ! Tôi cũng chỉ mong sao, suốt cả năm chỉ cần có được một lần cái cảm giác mãnh liệt như vậy mà không được. Tôi đã hết sức cố gắng đi dự rồi chăm chú, nhiệt tình lắng nghe các buổi hòa nhạc, thế mà không bao giờ rung động được đến mức ấy!
Anh Tofu cứ tấm tắc ghen tị mãi.
– Không bị rung cảm là sướng đấy. Cái mà lúc này tôi có thể nói đến một cách thản nhiên thì lúc đó là sự đau khổ không thể tưởng tượng nổi đâu. Thế rồi thầy ạ, cuối cùng em đã hứng chí lên, nhắm mắt mua bằng được.
– Ồ, sao vậy?
– Đúng vào đêm trước ngày Lễ quốc khánh[18] tháng 11, mọi người đều đi du lịch suối nước nóng, ngủ lại qua đêm nên ở quê không còn ai cả. Hôm đó, em cáo ốm và nghỉ học, chỉ nằm trong chăn mà nghĩ “hôm nay mình sẽ đi mua và cái violon mong ước nhất định sẽ nằm trong tay”.
– Giả vờ ốm và nghỉ cả học kia à?
– Vâng, đúng thế ạ.
Meitei có vẻ hơi vị nể:
– Thế thì, quả đúng là hơi thiên tài thật đấy nhỉ!
– Tôi nằm trong chăn, thò đầu ra chờ trời tối, sao mà thấy lâu không chịu nổi. Tôi đành lại chui đầu vào chăn, nhắm mắt, thử chờ nhưng cũng không xong. Thò cổ ra thì thấy ánh nắng mùa thu rọi chang chang vào khung cửa, làm thần kinh phát cuồng cả lên. Thế rồi trên khung cửa lại có bóng vật gì dài dài, cứ thỉnh thoảng đung đưa theo gió, đập vào mắt.
– Bóng cái gì vậy?
– Đó là những quả hồng chát đã được gọt vỏ, treo phơi trước mái hiên.
– Thế rồi thế nào?
– Tôi không biết làm cách nào, đành dậy mở cửa, ra hành lang, lấy một quả hồng ăn.
Ông chủ hỏi như trẻ con:
– Có ngon không?
– Ngon chứ. Hồng ở vùng đó ngon lắm. Người Tokyo thì không được biết vị ngon đó đâu.
Lần này anh Tofu hỏi:
– Chuyện hồng thì được rồi, nhưng sau đó thế nào?
– Sau đó, tôi lại chui vào chăn, nhắm mắt lại thầm cầu Trời khấn Phật sao cho trời mau tối. Sau đó, khoảng ba, bốn tiếng đồng hồ, tôi nghĩ có lẽ được rồi đây, thò đầu ra thì không ngờ nắng thu chói chang vẫn cứ rọi chang chang vào cửa, những cái bóng dài, nhỏ phía trên chụm vào nhau, lơ lửng, đung đưa.
– Cái đấy thì nghe rồi.
– Nhưng nó lặp đi lặp lại nhiều lần mà. Thế là tôi lại dậy, mở cửa lấy hồng ăn rồi lại chui vào trong chăn nằm, cầu Trời khấn Phật cho mau tối.
– Lại lặp lại chỗ trước đấy.
– Thôi, thầy đừng nôn nóng, cứ bình tĩnh mà nghe. Thế là em lại chịu đựng thêm ba bốn tiếng đồng hồ nữa nằm trong chăn và lần này thò đầu ra, chắc mẩm là được rồi. Nhưng rồi nắng thu gay gắt vẫn cứ chiếu chang chang trên cánh cửa và trên đó, những cái bóng tròn, dài lại vẫn đung đưa, đung đưa.
– Nói mãi cũng chỉ lặp đi lặp lại mỗi chuyện như vậy thôi à?
– Thế là em lại dậy, mở cửa, ra hè lấy hồng ăn…
– Lại ăn hồng à? Đúng là chỉ ăn hồng mãi thôi, không bao giờ hết nhỉ?
– Em cũng sốt ruột lắm chứ!
– Người nghe còn sốt ruột gấp mấy lần cậu đấy.
– Tính thầy nôn nóng quá, thật khó nói chuyện. Phiền thật!
Anh Tofu ngầm bày tỏ sự bất bình:
– Người nghe cũng thấy hơi phiền đấy!
– Nếu quý vị thấy phiền như vậy thì đành phải chịu cắt bỏ bớt chuyện đi thôi. Nói tóm lại là tôi cứ ăn hồng rồi lại chui vào chăn, nằm trong chăn rồi lại dậy ăn hồng. Cuối cùng tôi đã ăn hết những quả hồng treo dưới mái hiên.
– Ăn hết rồi thì trời cũng tối chứ?
– Nào có được như thế cho! Khi ăn xong quả hồng cuối cùng, tôi nghĩ bây giờ chắc được rồi, thò đầu ra thì ánh nắng vẫn chiếu chang chang trên cánh cửa…
– Thôi, tôi không nghe nữa. Nói mãi cũng không hết được.
– Bản thân tôi nói cũng tự thấy rất nhàm chán!
– Nhưng vì có ý chí như vậy nên sự nghiệp cũng đã tương đối thành đạt chứ gì? Nếu cứ kiên nhẫn chờ mãi thì sáng hôm sau ánh nắng mùa thu lại chiếu chang chang chứ gì? Thế, đại thể là đến lúc nào thì cậu mua được violon?
Thì ra ngay cả đến anh Meitei cũng đã hết chịu nổi. Chỉ có mỗi anh Dokusen là vẫn điềm nhiên, mặc cho ánh nắng mùa thu cứ việc chiếu chang chang, dù cho đến sáng ngày mai hay sáng ngày kia, anh cũng không có vẻ nao núng gì cả. Anh Kangetsu cũng vẫn bình tĩnh nói:
– Anh bảo bao giờ mua ư? Tôi cũng định là hễ đêm xuống là đi mua ngay, nhưng đáng tiếc là lúc nào thò đầu ra nắng cũng vẫn chiếu chang chang nên… nếu nói về nỗi khổ của tôi lúc đó thì không phải như sự nôn nóng, sốt ruột của các vị vừa rồi đâu! Khi đã ăn hết quả hồng cuối cùng mà mặt trời vẫn chưa lặn thì tôi đã khóc sướt mướt. Anh Tofu ạ, thực tình tôi đã khóc vì quá đau khổ đấy.
– Đúng rồi, các nghệ sĩ thì vốn đa tình đa cảm mà! Việc khóc thì tôi đồng tình rồi, nhưng xin nói nhanh nhanh lên cho.
Là người dễ tính nên anh Tofu lúc nào cũng có lời lẽ hài hước một cách nghiêm túc.
– Những cái tôi muốn nói thì rất nhiều nhưng khổ một nỗi là mặt trời cứ không chịu lặn cho, thế mới gay.
Cuối cùng, hình như không thể chịu được nữa, ông chủ nói:
– Nếu là chuyện mà mặt trời không lặn thì không thể nói được như vậy thì thôi, đừng nói nữa.
– Thôi thì gay quá nhỉ. Bây giờ mới bắt đầu vào đoạn hay mà!
– Vậy thì chúng tôi sẽ nghe, nhưng cậu cũng phải cho mặt trời lặn nhanh lên một chút đi, được không?
– Yêu cầu này hơi khó đấy. Nhưng thôi, thầy đã yêu cầu thì em xin lược qua, cho mặt trời lặn ở chỗ này vậy.
– Như vậy là tiện nhất.
Anh Dokusen nói tỉnh bơ, làm tất cả đều bật cuời vì bất ngờ.
– Cuối cùng thì đêm cũng xuống, tôi thở phào và an tâm ra khỏi nhà trọ ở làng Kurakake. Tôi vốn ghét những nơi ồn ào nên cố tình tránh ở trong phố tiện lợi, mà chọn chỗ trọ là nhà một nông dân, ở một làng hẻo lánh để dựng một túp lều ốc sên, ẩn dật…
Ông chủ phản đối:
– Cậu nói hẻo lánh là hơi phóng đại đấy.
– Nói “lều ốc sên” cũng hơi quá. Chỉ nên nói là một cái phòng khoảng bốn chiếu rưỡi, không có bệ sàn thì hiện thực và hay hơn.
Anh Meitei cũng bày tỏ thắc mắc. Chỉ mỗi anh Tofu là khen:
– Thực tế là thế nào cũng được nhưng ngôn ngữ thể hiện thì rất thơ mộng, hay lắm!
Còn anh Dokusen thì hỏi với vẻ mặt nghiêm trang:
– Ở một chỗ như vậy thì đi học vất vả lắm nhỉ? Từ đó đến trường khoảng mấy lý[19]?
– Chỉ khoảng 4 đinh[20] rưỡi thôi. Vốn dĩ trường cũng ở nơi hẻo lánh mà.
Anh Dokusen vẫn chưa chịu chấp nhận:
– Vậy hầu hết học sinh đều trọ ở đó phải không?
– Vâng, thường thì trong mỗi nhà nông dân nhất định có một vài đứa trọ.
– Thế mà bảo là hẻo lánh? – Anh ta đập lại thẳng cánh.
– Vâng. Nếu không có trường học thì hẻo lánh lắm. Thế rồi tối hôm đó, tôi mặc áo măng tô đồng phục học sinh, có khuy sắt mạ vàng, ra ngoài áo bông có vỏ bọc là vải dệt tay sợi bông, đội mũ đồng phục đàng hoàng, nghĩa là cố gắng làm sao để mọi người không chú ý. Lúc đó là vào dịp lá hồng đang rụng nên từ khi ra khỏi nhà trọ cho đến khi vào tới phố Nango (Nam Hương), đường đi ngập đầy lá rụng. Cứ mỗi bước đi, lá úa lại kêu lạo xạo làm tôi lo quá, cứ tưởng có ai đang đi theo mình. Quay lại thì thấy rừng cây của chùa Torei (Đông Lĩnh) lù lù hiện bóng đen ngòm giữa màn đêm. Chùa Đông Lĩnh là ngôi chùa Phật, rất u tịch nằm dưới chân núi Canh Thân, cách nhà trọ của tôi chừng một đinh, vốn là nơi thờ cúng của dòng họ Matsudaira[21]. Bên trên rừng cây là bầu trời đêm bao la đầy trăng sao, dòng Ngân hà chảy vắt qua sông Nagase. Đuôi của nó… thế nào nhỉ, trước hết là đuôi của nó chảy về phía Hawai…
Meitei nói:
– Tự nhiên lại nhảy đến Hawai à?
– Tôi đi đến đoạn lô thứ hai của phố Nam Hương thì vào phố theo cửa ngõ Takanodai. Đi qua phố Cổ thành, ngoặt qua phố Tiên thạch, nhìn ngang sang phố Thực đại, lần lượt đi qua các lô 1,2,3 của phố Tô-ô-ri, rồi đi qua các phố Ô-oa-ri, Na-gô-ya, Sa-chi-hô-kô, Ka-oa-bô-kô…
Ông chủ sốt ruột hỏi:
– Không cần phải đi qua nhiều phố như vậy. Tóm lại là cậu có mua đàn hay không?
– Cái cửa hàng bán nhạc cụ nằm ở Kanezen, tức là Kanezen Heibeikata, cho nên đi mãi vẫn chưa đến mà.
– Mãi chưa đến cũng được, nhưng mua nhanh nhanh lên.
– Vâng ạ. Thế là tôi đi đến Kanezen Kata thì cửa hàng thắp đèn sáng choang…
Lần này Meitei chặn trước:
– Lại sáng chang chang rồi. Cậu này mà hễ sáng chang chang là nhất định một lần không xong đâu.
– Không, lần này sáng choang thì chỉ một lần thôi, cứ yên tâm… Dưới ánh đèn, chiếc violon mà tôi đã nói, phản chiếu ánh đèn mùa thu lờ mờ. Hông đàn đọng những tia sáng lạnh lùng, chỉ có mấy sợi dây đàn được thắng rất căng là lấp lánh, đập vào mắt.
Anh Tofu khen:
– Ôi, miêu tả hay quá, giỏi quá nhỉ.
– Thế là lúc đó tôi chợt nghĩ “đây rồi, cây đàn đó đây!” và tự nhiên cảm động, thấy bủn rủn hết cả chân tay.
Anh Dokusen cười mũi:
– Hừ!
– Tôi bất ngờ chạy tới, móc ví tiền từ trong túi ra, lấy ra hai tờ 5 yên.
Ông chủ hỏi:
– Thế là cuối cùng đã mua được rồi hả?
– Em định mua, nhưng hãy khoan đã! Đây là một chuyện rất hệ trọng, sơ xuất sẽ thất bại. Thôi, không mua nữa. Thế là em đã kìm lại được. Suýt nữa thì mua!
– Sao? Lại không mua à? Có mỗi một cây violon mà kéo người ta đi mãi.
– Không phải kéo đâu mà đúng là chưa thể mua được nên đành phải thế thôi!
– Tại sao?
– Tại sao ư? Bởi vì vừa mới chập tối nên còn rất nhiều người qua lại.
Ông chủ tức giận nói:
– Thì mặc kệ họ cũng có sao? Một trăm hay hai trăm người thì cũng liên quan gì? Cậu đúng là một thằng kỳ quặc.
– Nếu là người bình thượng thì một hay hai ngàn người cũng chẳng sao. Nhưng đây là bọn học sinh. Chúng khoác tay nhau, hoặc cầm những cái gậy to đùng, đi qua đi lại nên không thể dễ dàng ra tay được. Trong bọn này có cả những thằng được mệnh danh là “cặn chìm”, lúc nào cũng vui lòng chìm dưới đáy lớp. Trong bọn chúng, cá biệt có thằng rất giỏi Judo. Người chơi violon thì không thể ra tay với chúng được. Không thể lường trước được là mình sẽ gặp phải tai vạ gì với chúng. Với tôi, quả thật violon thì cũng muốn lắm, nhưng tôi cũng rất tiếc tính mạng của mình. Nếu kéo violon mà bị giết chết thì thà không được kéo mà còn được sống vẫn hơn.
Ông chủ hỏi lại:
– Thế là cuối cùng không mua nữa à?
– Không, em đã mua mà.
– Cái thằng, dai dẳng quá nhỉ. Mua thì mua nhanh lên, không mua thì thôi, sao không giải quyết dứt khoát sớm đi nhỉ?
– Ối trời ơi, sự đời không dễ dàng như mình nghĩ đâu ạ!
Anh Kangetsu cười và lạnh lùng châm điếu thuốc lá Asahi, rít một hơi rồi nhả khói. Hình như thấy phiền toái, ông chủ đứng lên, bỏ vào phòng sách. Ông lấy ra một cuốn sách tiếng Tây đã cũ, nằm xoài ra, úp sấp bụng mà đọc. Anh Dokusen thì đã lỉnh ra phía trước bệ sàn từ lúc nào, bày bàn cờ đánh một mình. Câu chuyện hay hiếm có nhưng dài quá nên thỉnh thoảng bớt dần một người, rồi hai người, cuối cùng chỉ còn mỗi anh Tofu, người trung thành với nghệ thuật và anh Meitei, người không bao giờ chùn bước trước bất kỳ một cái dài nào.
Mặc sức thả những hơi khói dài vào thế gian, anh Kangetsu lại tiếp tục câu chuyện, với tốc độ như lúc trước:
– Anh Tofu này, lúc đó tôi nghĩ thế này: Tóm lại thì vào lúc chập tối không được rồi, nhưng nếu chờ đến tận khuya mới đến thì nhà hàng họ đi ngủ mất, cũng không được. Phải tính toán thế nào đúng vào cái giờ mà bọn học trò đi chơi đã về rồi mà nhà hàng thì vẫn chưa ngủ mới được. Nếu không thì kế hoạch mình cất công đặt ra cũng thành bọt nước. Tuy nhiên, tính toán cái thời khắc đó là vô cùng khó.
– Đúng rồi, cái này thì khó đấy.
– Thế là tôi định đến cửa hàng vào lúc khoảng 10 giờ. Vậy thì, từ lúc này cho đến 10 giờ phải đi một chỗ nào đó, chứ quay về nhà thì vất vả quá. Đi đến nhà bạn chơi, nói chuyện thì tôi không thích. Vậy là đành đi dạo khắp thị trấn cho đến thời điểm đó. Thường thì, hai ba tiếng đồng hồ dạo chơi, thời gian sẽ trôi vèo qua lúc nào không biết, hết ngay, nhưng sao đêm đó thời gian trôi chậm thế! Người ta bảo “nhất nhật thiên thu” có lẽ chính là thế này chăng? Lúc đó tôi cảm thấy thật thấm thía.
Anh ta nói và quay nhìn thầy Meitei với cái vẻ như đang “thấm thía” ấy.
– Người ta đã từng nói:
“Chiếc lò sưởi để đây
Chờ người xưa trở lại
Ôi nỗi niềm chờ đợi
Biết bao nhiêu chán chường. ”
Vả lại, người được chờ không chán bằng người chờ. Cây violon treo trên tường chắc cũng chán chường lắm đấy. Nhưng lang thang như một kẻ trinh thám, không có mục tiêu, bơ vơ, lúng túng như cậu thì lại càng chán hơn. Cứ lùi lũi như một con chó mất nhà vậy. Thực ra còn khổ hơn cả con chó không có chỗ nương thân ấy chứ.
– Ví với con chó thì thậm tệ quá. Em chưa bao giờ bị ví với chó như vậy cả.
– Nghe chuyện của cậu, mình cảm giác như đọc tự truyện của những nghệ sĩ ngày xưa, mình rất thông cảm. Còn chuyện so sánh với chó là tiên sinh đây nói đùa, cậu đừng bận tâm, cứ nói tiếp đi.
Anh Tofu an ủi. Tất nhiên, dù không được an ủi thì anh Kangetsu cũng vẫn nói tiếp:
– Thế rồi tôi đi từ phố Ô-ka-chi sang phố Hi-ya-ki, từ Ri-yô-ga-ê qua Ta-ka-dô, đếm những cây liễu già trước dinh quan tỉnh, đếm những ngọn đèn trong cửa sổ bệnh viện, đứng trên cầu Kôn-ya hút hết hai điếu thuốc, rồi nhìn đồng hồ…
– Đã đến 10 giờ chưa?
– Đáng tiếc là vẫn chưa! Tôi đi hết cầu Kôn-ya rồi đi dọc theo sông về phía đông thì gặp ba người mù đánh tầm quất. Rồi có tiếng chó sủa liên hồi, thầy ạ.
– Giữa đêm thu dằng dặc, đứng trên bờ sông, nghe tiếng chó sủa xa xa, nghe có vẻ kịch lắm nhỉ? Cậu thì là kẻ bại trận đang chạy trốn.
– Tôi đã làm gì xấu ư?
– Từ lúc này trở đi sẽ bắt đầu làm mà.
– Tội nghiệp quá! Nếu mua violon mà là một việc xấu thì tất cả bọn học sinh trường nhạc đều trở thành tội phạm cả.
– Làm cái việc không được cho phép thì dù đó là việc tốt đến mấy cũng cứ là phạm tội. Cho nên trên đời này không có gì khó định nghĩa bằng tội phạm cả. Nếu Jesus mà sinh ra trong thế giới ấy thì cũng là tội phạm. Một người tốt như Kangetsu mà đi mua violon ở nơi đó cũng thành kẻ tội phạm.
– Vâng, thế thì tôi xin chịu. Tôi là kẻ tội phạm. Tội phạm cũng được nhưng vẫn chưa đến 10 giờ thì thật gay quá.
– Lại kể lại tên các phố đi. Nếu vẫn chưa đủ thì lại cho mặt trời mùa thu chiếu chang chang đi. Nếu vẫn cứ chưa đủ thì ăn thêm mấy tá hồng chát phơi nắng đi. Tôi sẵn sàng nghe đến khi nào tới 10 giờ thì thôi.
Kangetsu tiên sinh cười tủm tỉm:
– Đã bị vượt lên trước như vậy thì chỉ còn có cách đầu hàng thôi. Vậy thì hãy nhảy một bước tói 10 giờ vậy. Đến giờ đã định, tôi tới cửa hàng Kanezen thì đêm đã hơi lạnh, phố Ryogae náo nhiệt ban nãy cũng hầu như không còn ai qua lại, tiếng guốc của những người đang đi tới gần khuya vọng lên nghe rất buồn. Cửa hàng Kanezen đã đóng cửa lớn, chỉ còn để cửa phụ, có cửa lùa bằng giấy. Tự nhiên tôi có cảm giác như mình đang bị chó bám theo. Tôi đẩy tấm cửa lùa, bước vào trong cửa hàng mới thấy hơi ngán ngẩm.
Lúc này, ông chủ rời mắt khỏi quyển sách trông bẩn bẩn, hỏi:
– Này, đã mua được violon chưa?
Anh Tofu trả lời:
– Đang đến chỗ sắp mua rồi.
– Vẫn chưa mua à? Lâu quá nhỉ!
Ông chủ nói như nói một mình rồi lại bắt đầu đọc sách. Anh Dokusen thì vẫn yên lặng lấp kín gần nửa bàn cờ bằng những quân đen, trắng.
– Tôi lấy hết sức đi vào phòng, cứ đội nguyên mũ, bảo“bán cho tôi chiếc violon”. Thế là năm, sáu thằng, vừa trẻ con vừa thanh niên, đang ngồi xúm xít xung quanh lò sưởi nói chuyện gì đó, cùng ngạc nhiên quay nhìn mặt tôi. Tự nhiên tôi đưa tay phải lên kéo mũ chụp xuống trán. Tôi lại nhắc lần thứ hai “này, bán cho tôi chiếc violon” thì một thằng ngồi ngoài cùng, đang nhìn như xoáy vào mặt tôi, đáp “hả?” một cách nghi ngờ, rồi đứng lên, lấy cả ba, bốn cây đàn treo trước cửa xuống. Tôi hỏi bao nhiêu, nó bảo 5 yên 20 sen.
– Trời ơi, có loại violon rẻ thế à? Chắc là đồ chơi chứ gì?
– Tôi hỏi “tất cả giá đều như nhau à” thì nó bảo “vâng, cái nào cũng thế, không khác gì cả”. Nó còn nói thêm là tất cả đều được làm rất cẩn thận, tốt lắm. Thế là tôi móc từ trong ví ra một tờ 5 yên và 20 sen tiền xu đưa trả, rồi giở tấm khăn đã chuẩn bị sẵn ra, gói chiếc violon. Trong lúc tôi gói, tất cả mọi người trong cửa hàng không nói chuyện nữa, im lặng nhìn tôi rất chăm chú. Tôi đã có mũ che mặt rồi nên không sợ bị phát hiện, nhưng có lẽ do cảm giác, tôi cứ muốn mau chóng ra khỏi cửa hàng. Cuối cùng thì tôi cũng nhét được cái bọc đã gói vào dưới áo khoác và ra khỏi cửa hàng. Tất cả nhân viên đồng thanh “cảm ơn” rất to làm tôi lạnh toát cả người. Trên đường về, tôi nhìn ngó xung quanh, rất may là không thấy ai. Trước mặt, cách khoảng một đinh, có hai ba người đang ngâm thơ, tiếng ngâm vọng vào trong phố. Thế này thì gay rồi. Tôi liền rẽ về phía tây, ngay góc phố cạnh cửa hàng Kanezen, đi qua cửa hàng, qua bờ ngòi, ra đường Ya-ku-ô-ji rồi từ cửa hàng bán con dấu Ki-mu-ra đi ra chân núi Canh Thân. Cuối cùng, rồi cũng lần được về đến nhà trọ. Về đến nhà, nhìn đồng hồ đã 2 giờ kém 10.
– Đi bộ gần như suốt đêm ấy nhỉ!
Anh Tofu có vẻ thương hại nói. Còn Meitei thì thở phào:
– Thế là xong rồi. Trời ơi, một ván chơi tìm đường thật là dài.
– Câu chuyện từ bây giờ mới bắt đầu đáng nghe đây. Từ nãy đến giờ mới chỉ là khúc dạo đầu sơ sơ thôi.
– Vẫn còn nữa cơ à? Tay này không phải vừa đâu nhỉ? Người bình thường mà gặp cậu là thua về chí khí ngay đây!
– Về chí khí thì thế nào cũng được, nhưng nếu dừng câu chuyện ở đây thì khác gì nặn tượng Phật mà không thổi hồn vào. Cho nên cứ phải nói tiếp thôi.
– Tất nhiên rồi. Nói thì cứ việc nói tùy thích. Nghe thì chúng tôi sẽ nghe.
– Thế nào, thầy Kushami, mời thầy cũng cùng nghe chứ? Thầy ơi, mua được đàn rồi đấy!
– Bây giờ đến bán đàn à? Chuyện bán đàn thì thôi, không cần nghe đâu.
– Vẫn chưa bán đâu ạ.
– Vậy thì cũng không cần phải nghe nữa.
– Gay quá nhỉ! Tofu, chỉ còn mỗi anh là nhiệt tình nghe thôi nhỉ! Xem chừng nhiệt tình cũng hơi đi xuống rồi, nhưng thôi, tôi cứ nói đại đi vậy.
– Không cần phải nói đại. Anh cứ nói từ từ, chuyện rất hay mà!
– Cuối cùng đã có violon rồi, nhưng cái gay trước tiên là chỗ để. Nơi tôi ở luôn luôn có người đến chơi nên nếu treo hay dựng đàn ở chỗ bình thường thì nhất định bị lộ. Nếu đào lỗ mà chôn xuống thì lúc moi lên cũng phiền hà.
Anh Tofu nói một cách dễ dàng:
– Thế là cậu giấu sau trần nhà chứ gì?
– Nhà không có trần. Đó là nhà nông dân mà!
– Thế thì gay quá nhỉ! Thế cậu cất ở đâu?
– Anh đoán xem ở đâu?
– Không biết. Hay là trong hộc tủ đựng đồ?
– Không phải.
– Thế thì gói trong chăn, rồi để trong tủ quần áo?
– Cũng không phải.
Trong lúc anh Tofu và anh Kangetsu đang hỏi đáp về nơi cất giấu violon như thế thì ông chủ và anh Meitei cũng đang nói chuyện gì rất hăng. Ông chủ hỏi:
– Này, cái này đọc là gì?
– Đâu?
– Đây, hai dòng này này.
– Cái gì thế này? Quid aliud est mulier nisi amicitiae inimica… Đây là tiếng Latin chứ gì?
– Tiếng Latin thì biết rồi, nhưng đọc như thế nào?
– Thế cậu vẫn bảo cậu đọc được tiếng Latin cơ mà?
Hình như anh Meitei cũng thấy nguy nên tìm cách lẩn tránh.
– Tất nhiên là đọc được. Đọc thì đọc, nhưng cái này nghĩa là gì?
– Đọc thì đọc được nhưng không biết nghĩa là gì thì quá quắt nhỉ?
– Quá quắt gì cũng được. Cậu cứ dịch thử sang tiếng Anh xem nào?
– Xem nào! Nói cứ như là ra lệnh cho lính hầu không bằng.
– Ra lệnh cũng được. Nói thử xem là cái gì?
– Cái chữ Latin ấy thì để sau cũng được. Hãy nghe chuyện quan trọng của cậu Kangetsu đã. Bây giờ đến chỗ đang gay cấn đây. Chiếc đàn có bị phát hiện hay không? Thật là một cảnh vượt trạm gác Ataka[22] tính mạng nguy hiểm như ngàn cân treo sợi tóc đây. Nhỉ, cậu Kangetsu nhỉ? Thế rồi sau đó thế nào?
Meitei bỗng nổi hứng, lại nhập bọn với nhóm violon. Ông chủ bất lực, cũng không níu kéo nữa. Nhân đà này, anh Kangetsu đã tiết lộ nơi giấu đàn:
– Cuối cùng thì tôi cũng đã giấu nó trong một cái rương cũ. Cái rương này là quà tặng của bà tôi, tiễn tôi khi rời quê. Nghe nói đây vốn là cái rương đựng của hồi môn khi bà về nhà chồng…
– Thế thì cũ lắm nhỉ, hơi thiếu cân xứng với violon, phải không cậu Tofu?
– Vâng, hơi thiếu cân xứng.
Anh Kangetsu dồn tiên sinh Tofu:
– Thế nếu để sau trần nhà thì cân xứng à?
– Không cân xứng nhưng cũng thành cân xứng, cứ yên tâm.
“Cây đàn violon,
Cất trong rương hòm cũ,
Ôi nỗi buồn mùa thu.”
Thế nào? Hai vị thấy được chứ?
– Hôm nay thầy ra nhiều Haiku nhỉ!
– Không phải chỉ có hôm nay đâu, trong bụng tôi lúc nào cũng có thơ. Nói về tài năng Haiku của tôi thì ngay cả đến cố Tử Quy tử[23] cũng phải uốn lưỡi, ngạc nhiên kia đấy.
Anh Tofu chân thật, ngay thẳng hỏi:
– Thầy cũng chơi với ông Siki à?
– Không. Dù không giao tiếp thì người ta cũng có thể hiểu thấu lòng nhau từ đầu đến cuối bằng đường điện tín chứ sao.
Nghe Meitei nói tào lao như vậy, Tofu ngán ngẩm, đành im lặng. Anh Kangetsu mỉm cười, tiếp tục câu chuyện:
– Chỗ để đàn thì như vậy là được rồi, bây giờ lấy đàn ra mới gay. Nếu chỉ lấy ra không thì cứ chờ lúc nào không có người nhìn thấy mà lấy ra cũng được. Nhưng nếu chỉ nhìn ngắm cây đàn thì chẳng được tích sự gì, phải kéo đàn thì mới có ý nghĩa. Nhưng kéo đàn thì sẽ có tiếng, mà có tiếng thì bị lộ ngay. Ngay cạnh phòng tôi, cách một hàng rào râm bụt[24] về phía nam là phòng trọ của tên cầm đầu nhóm “cặn bã” nên rất nguy hiểm.
Anh Tofu hòa theo với vẻ thương hại:
– Gay quá nhỉ!
– Đúng là gay rồi. Trọng chứng hơn trọng cung mà. Chứng cớ rành rành là tiếng đàn đã nghe thấy thì ngay đến bà Kogo[25] cũng thất bại hoàn toàn thôi. Ăn vụng hay làm bạc giả thì còn có thể giấu được chứ tiếng đàn thì không thể che tai mọi người được.
– Giá mà không có tiếng thì thế nào cũng chơi được. Nhưng…
– Này, nghe đây, cậu bảo giá mà không có tiếng ư? Dù không có tiếng thì cũng có cái không thể giấu lâu được đâu nhé. Ngày xưa, khi bọn mình còn nấu cơm trong chùa Koishikawa[26], có một cậu tên là Tô con nhà Suzuki. Cậu này rất thích rượu giấm mirin, mua về đựng trong chai bia, uống một mình. Một hôm, cậu ta đi vắng, giá không thì không sao nhưng cậu Kushami đã uống trộm…
Ông chủ đột nhiên nói rất to:
– Tôi uống trộm bao giờ? Chính cậu uống thì có.
– Ồ, cứ tưởng cậu đang đọc sách thì không sao, hóa ra cậu cũng đang nghe chuyện à? Tay này không thể coi thường được. Cậu chính là kẻ “tai tám đinh mắt cũng tám đinh”[27] đấy. Ừ, chính thế. Thực ra thì mình cũng có uống. Mình uống thì đúng rồi, nhưng người bị phát hiện ra là cậu. Xin mời hai vị nghe đây: Thầy Kushami vốn dĩ không uống được rượu, thấy mirin của người khác thì uống lấy uống để nên mặt đỏ bừng bừng. Trời ơi, thảm hại không thể nhìn nổi.
– Im đi. Cái chữ Latin không đọc nổi mà cũng…
– Ha ha… thế là khi cậu Tô về, lắc thử chai rượu thấy chỉ còn quá nửa, nghi ngờ, nhìn quanh xem có ai uống của mình không thì thấy ở góc nhà có một vật gì trông như thằng nộm gỗ sơn bùn đỏ, cứng đơ, đang nằm còng queo.
Cả ba người cùng cười ầm lên. Ông chủ cũng vừa đọc sách vừa cười khúc khích. Chỉ riêng Dokusen là đã vượt quá cái “cơ” của “ngoại cơ”[28], có vẻ hơi mệt nên đã nằm gục bên bàn cờ, ngủ khò khò từ lúc nào rồi.
– Lại còn có trường hợp không gây ra tiếng động mà vẫn bị lộ đấy. Hồi xưa, một lần tôi đi suối nước nóng ở Ubako, ở cùng phòng với một ông già. Nghe nói ông này là một người kinh doanh cửa hàng kimono ở Tokyo, đã nghỉ hưu. Chỉ là một người ở cùng phòng thì dù kinh doanh cửa hàng kimono hay cửa hàng quần áo cũ cũng chả sao. Có điều, có chuyện hơi gay là tôi đến Ubako được ba hôm thì hết thuốc lá. Các vị cũng biết đấy, Ubako là nơi giữa rừng núi, chỉ có thể ăn và tắm nước nóng, chứ ngoài ra không có cái gì khác. Ở một nơi bất tiện như vậy mà lại hết thuốc lá thì rất gay. Sự đời, đã thiếu cái gì thì lại càng thèm muốn. Biết là hết thuốc lá rồi thì thèm vô cùng. Đáng ghét là cái ông già ấy lại dự trữ rất nhiều thuốc lá, nhét đầy trong bọc, đi leo núi mang theo rồi cứ lấy dần ra, ngồi hút như trêu ngươi trước mắt người khác. Mà nào chỉ có hút không thì còn chịu nổi. Đằng này ông ta cứ thỉnh thoảng lại nhả khói thành vòng tròn, rồi khói dọc, khói ngang, khói ngược cứ như là “gối” trong “giấc mơ Kan tan”[29] ấy, rồi thì hít thở khói qua mũi như “sư tử ẩn hiện trong hang”. Nghĩa là kiểu hút biểu diễn, “hút khoe”.
– Cái gì? Hút khoe nghĩa là thế nào?
– Thì người ta khoe quần áo, đồ vật. Còn hút thuốc thì cũng khoe hút chứ sao.
– Chà, nếu thèm quá như vậy thì xin một điếu cũng được chứ, sao không xin?
– Nhưng mà mình không xin. Mình cũng là đàn ông nên sĩ mà.
– Sao? Không thể xin được à?
– Cũng có thể được, nhưng không xin.
– Thế rồi làm thế nào?
– Mình không xin mà lấy trộm.
– Ối trời ơi.
– Khi ông ấy xách khăn mặt đi tắm, mình nghĩ cơ hội đến rồi đây. Thế là đứng rít mải miết. Trời ơi, sao mà khoái! Đang sung sướng như vậy thì nghe cửa lạch xạch, mình quay lại, trời ơi chính người chủ của thuốc lá!
– Ông ấy không tắm à?
– Đang định tắm thì chợt nhớ quên cái túi xách tay nên quay lại theo đường hành lang. Ai mà thèm lấy cái túi cơ chứ. Quan trọng hơn là ngón khác sau đó cơ.
– Khó mà biết là gì nhỉ? Chắc ngón thuốc lá rồi!
– Ha ha… Ông già đó là người rất có mắt. Cái túi là một chuyện. Khi ông già mở cửa thì trong phòng vẫn còn cả một lượng khói thuốc bằng lượng khói đã hút trong hai ngày. Thế là “tiếng dữ đồn xa”, ngay lập tức bị lộ tẩy.
– Thế ông già có nói gì không?
– Đúng là sống lâu thì trải đời. Ông ấy không nói gì mà gói năm, sáu chục điếu thuốc vào một tờ giấy, đưa cho tôi, bảo: “Xin lỗi, nếu anh không chê thuốc này thì xin mời anh dùng tạm”, thế rồi lại đi ra bể ngâm nước nóng.
– Có lẽ đó là cách chơi của dân Edo đấy nhỉ?
– Không biết đó là sở thích ăn chơi của dân Edo hay dân buôn bán kimono, nhưng chỉ biết rằng sau đó mình và ông già rất thân nhau. Sống chung ở đó hai tuần lễ rất thú vị rồi chia tay.
– Thế trong suốt hai tuần đó ông già đãi thuốc cả à?
– Ừ, thì nó là như vậy mà!
Ông chủ, cuối cùng cũng đã gập sách đứng dậy, tuyên bố đầu hàng:
– Thế nào, chuyện violon đã xong chưa?
– Chưa. Bây giờ bắt đầu đến đoạn hay đây. Vừa đúng lúc. Xin mời thầy nghe luôn. Cả cái thầy đang ngủ bên bàn cờ gô kia nữa – tên là gì nhỉ? À, thầy Dokusen. Thầy Dokusen ơi, xin nhờ cả thầy cũng nghe giùm cho đây. Thế nào thầy? Ngủ như vậy hại người lắm. Thôi, đã đến lúc dậy được rồi đấy.
– Này anh Dokusen, dậy đi, dậy đi. Chuyện đang hay lắm này, dậy đi thôi. Ngủ như vậy hại lắm. Rồi bà xã lại lo đấy.
Anh Dokusen vừa “hả” vừa ngẩng đầu lên, một dòng nước dãi rớt xuống chòm râu dê, ánh lên như vệt ốc sên bò.
– Ôi, buồn ngủ quá!
“Mây trắng trên đỉnh núi
Giăng trải với bao la
như nỗi buồn của ta” chăng?
Chà, ngủ ngon quá!
– Ai cũng biết ông ngủ ngon rồi. Xin nhờ ông dậy đi cho.
– Ừ, dậy cũng được rồi đấy nhỉ? Có chuyện gì hay vậy?
– Bây giờ đến đoạn violon… làm sao nhỉ, anh Kushami?
– Thế nào nhỉ? Tôi cũng chả biết.
– Bây giờ đến đoạn kéo violon.
– Bây giờ bắt đầu kéo violon đây, xin mời lại đây nghe đi.
– Vẫn violon à? Gay nhỉ?
– Cậu thuộc trường phái chơi đàn không dây thì chẳng có gì gay cả. Chỉ có cậu Kangetsu kéo cò ke, í éo, bị những người liền vách nghe thấy thì mới gay thôi.
– Thế à? Cậu Kangetsu không biết cách kéo đàn sao cho hàng xóm không nghe thấy à?
– Không biết! Nếu có cách như vậy thì tôi cũng muốn học lắm.
– Chả cần phải học. Cứ nhìn những con bò trắng ở trên đường[30] là biết ngay.
Ông Dokusen nói cái gì mà chẳng ai hiểu cả. Anh Kangetsu cho là ông ta ngái ngủ nên nói nhảm, không quan tâm nữa, tiếp tục kể chuyện:
– Mãi tôi mới nghĩ ra được một cách. Hôm sau là ngày lễ lớn nên tôi ở nhà, suốt từ sáng, cứ mở ra mở vào cái rương, bồn chồn suốt ngày. Cuối cùng thì trời cũng tối. Khi nghe tiếng con dế vọng ra từ đáy rương thì tôi quyết tâm, dứt khoát lấy chiếc đàn và dây cung ra.
Anh Tofu nói:
– Thế là cuối cùng cũng lộ đàn ra rồi nhỉ?
Meitei nhắc nhở:
– Kéo như thường là nguy hiểm đấy!
– Đầu tiên, tôi cầm dây cung lên, xem xét kỹ càng từ sống dây đến lưỡi dây.
Meitei trêu đùa:
– Không phải một anh hàng dao xoàng đâu nhé!
– Quả thật tôi đã nghĩ đây chính là hồn của mình, và tôi cầm nó với tâm trạng của một võ sĩ rút chiếc gươm đã mài ra khỏi bao, trước ánh đèn, trong đêm. Tôi cứ cầm chiếc cung đàn trong tay mà run lên bần bật.
Tofu nói:
– Ôi, thật đúng là thiên tài!
– Đúng là động kinh!
Meitei nói tiếp. Ông chủ thì bảo:
– Cứ kéo nhanh lên cũng được mà!
Còn Dokusen thì nét mặt tỏ ra “thật gay quá!”
– May là chiếc cung đàn không bị sao cả. Lần này tôi lại ghé chiếc đàn vào đèn, xem xét kỹ lưỡng mặt trước, mặt sau. Các vị cứ tưởng tượng là khoảng thời gian này kéo dài năm phút. Trong khi đó thì dưới đáy rương, con dế vẫn kêu…
– Được rồi. Chúng tôi sẵn sàng tưởng tượng cái gì cũng được, anh cứ yên tâm kéo đàn đi.
– Vẫn chưa thể kéo được. Rất may, violon cũng không bị sứt mẻ gì. Tôi nghĩ thế là tốt rồi và đứng bật lên.
– Định đi đâu vậy?
– Cứ im mà nghe đã. Đừng có hỏi từng câu từng câu như vậy thì làm sao mà nói được.
– Thôi, tất cả im lặng đi. Suỵt… không được nói nữa.
– Chỉ mỗi mình cậu nói chứ ai nói.
– Ồ, thế hả? Thế thì xin lỗi. Xin lắng nghe. Trịnh trọng lắng nghe.
– Tôi cắp cây đàn vào nách, xỏ chân vào dép lê, bước hai ba bước ra khỏi túp lều tranh – nhà trọ của mình, nhưng rồi chợt dừng lại…
– Thấy chưa? Lại sắp bắt đầu đấy. Chắc lại có cái gì bị mất điện ở đâu đây.
– Này, có quay về cũng không còn hồng phơi nữa đâu nhé!
– Nhiều người cứ phá quấy thế này thì chán lắm. Nhưng thôi, còn hơn chỉ có mỗi một mình anh Tofu nghe, nên đành vậy. Được không? Anh Tofu? Tôi đi được hai, ba bước thì quay lại, lấy chiếc khăn choàng len màu đỏ mà tôi đã mua 3 yên 20 sen lúc rời quê, trùm lên đầu rồi tắt phụt ngọn đèn. Trời ơi, tối om. Bây giờ lại đến lượt không biết đôi dép ở chỗ nào nữa.
– Thế cậu định đi đâu?
– Thì cứ nghe đã. Mãi tôi mới tìm được dép và đi ra khỏi nhà. Thế là dưới bầu trời đầy trăng sao, cùng với những lá hồng rụng, tôi đi với cây đàn và chiếc khăn choàng len đỏ. Tôi rẽ phải rồi rẽ trái, rồi leo dần lên, khi vừa chạm chân đến núi Koshin thì tiếng chuông chùa Toreiji xuyên qua chiếc khăn choàng, chui qua tai, đập vào đầu tôi. Các vị có biết lúc đó là mấy giờ không?
– Không.
– Là 9 giờ. Từ lúc đó trở đi, suốt đêm thu dài dằng dặc, một mình tôi leo trên dốc núi cũng dài dằng dặc, cho đến tận một nơi gọi là Odaira (Đại bằng phẳng). Tôi vốn là một kẻ nhút nhát, bình thường thì lúc đó sẽ cảm thấy rất sợ, nhưng không hiểu sao, khi say mê vùi đầu vào một việc thì trong lòng không con mảy may cảm giác sợ hay không sợ gì nữa. Kỳ lạ thay, chỉ còn mỗi niềm khát khao được kéo đàn là tràn ngập trong lòng thôi. Cái chỗ Odaira này nằm ở phía nam núi Canh Thân. Vào những ngày trời đẹp,leo lên đây sẽ nhìn thấy toàn cảnh thành phố, lâu đài qua những tán thông đỏ, một phong cảnh rất tuyệt vời. Bãi trống này rộng chừng 100 chư-bô, chính giữa có một phiến đá to khoảng tám chiếu, phía bắc tiếp giáp với hồ Unonuma (Bãi Vạc), xung quanh hồ toàn những cây chương não to khoảng ba người ôm. Vì ở giữa núi nên nhà cửa chỉ có một túp lều của người cạo nhựa chương não. Xung quanh hồ, ngay cả ban ngày cũng không phải là một nơi dễ chịu gì lắm. May là công binh đã sẻ núi, mở đường để diễn tập, có đường nên leo lên đây cũng không vất vả lắm. Cuối cùng thì tôi cũng đến được một phiến đá, trải chiếc khăn choàng lên, rồi chỉ biết rằng hãy cứ ngồi lên trên đó đã.
Lần đầu tiên trong đời tôi leo lên đây, giữa đêm lạnh thế này, nên khi đã ngồi yên vị trên phiến đá, nỗi buồn tẻ xung quanh cứ thấm dần, thấm dần vào lòng. Những lúc như thế này, chỉ còn có nỗi sợ là có thể làm xáo động lòng người. Nhưng loại bỏ nỗi sợ đi rồi thì chỉ còn lại sự trống rỗng, như một hồn ma giữa bầu trời trăng sao vằng vặc. Tôi ngồi lặng đi khoảng hai mươi phút, cảm giác như đang sống một mình trong một tòa lâu đài bằng thủy tinh. Hơn thế nữa, không những chỉ thân thể tôi – kẻ sống một mình đó – mà cả lòng tôi, cả hồn tôi, tất ráo cả mọi thứ đều như được làm bằng thạch rong biển hay bằng gì đó, trong suốt một cách kỳ lạ, không còn biết là mình đang ở trong tòa lâu đài thủy tinh hay ngay trong lòng mình có một tòa lâu đài bằng thủy tinh nữa…
– Chuyện rắc rối quá nhỉ!
Anh Meitei chế giễu một cách nghiêm chỉnh. Tiếp theo, anh Dokusen nói với vẻ hơi cảm phục:
– Một ranh giới rất là lý thú.
– Nếu trạng thái này mà cứ kéo dài thì có lẽ đến tận sáng hôm sau tôi vẫn cứ ngồi thẫn thờ trên phiến đá đó, không kéo được một tiếng đàn nào mất.
Anh Tofu hỏi:
– Ở đó cũng có cáo à?
– Đang trong tình trạng không phân biệt nổi mình hay là kẻ khác, không xác định được mình đang sống hay đã chết như thế thì từ dưới lòng hồ phía sau lưng vọng lên một tiếng kêu khủng khiếp.
– Ái chà, bắt đầu xuất hiện rồi đấy!
– Tiếng kêu đó vọng rất xa, như cùng bão tố, truyền qua những ngọn cây phủ đầy trên các ngọn núi mùa thu, dội vào tai tôi, làm tôi bất giác bừng tỉnh…
Anh Meitei làm điệu bộ vuốt ngực, thở phào nói:
– Thôi, thế là an tâm rồi.
– Đại tử nhất phiên, càn khôn biến tân[31].
Anh Dokusen nháy mắt nói, nhưng anh Kangetsu chả hiểu gì.
– Tôi trở lại với mình và nhìn ra xung quanh. Núi Canh Thân im lìm, không một tiếng tí tách nhỏ. Vậy thì tiếng động vừa xong là cái gì? Nếu là tiếng người thì quá sắc, tiếng chim thì quá to, tiếng khỉ thì… vùng này quả thật là không có khỉ.
Là cái gì nhỉ? Khi câu hỏi “nó là cái gì?” nảy ra, do muốn biết “nó là cái gì” mà trong đầu tôi, cái trạng thái im lìm từ trước đến đó lập tức trở nên nháo nhào, hỗn độn, nhập nhằng, lung tung beng hết cả lên, y hệt tình trạng nhân dân thành phố cuồng nhiệt đi đón Thái tử Konnot[32] vậy.
Trong khi đó, ống chân tôi giống như bị phun rượu, tất cả các lỗ chân lông đều mở ra, các vị khách được gọi là “dũng khí”, “can đảm”, “sáng suốt”, “bình tĩnh” đều bay vù đi đâu hết. Tim thì nhảy loạn xạ trong ngực, hai chân run bần bật, phát ra tiếng nghe như tiếng sáo diều. Thế này thì không thể chịu nổi nữa, tôi vội choàng cái khăn lên đầu, cắp đàn vào nách, run rẩy, lảo đảo, tụt xuống khỏi phiến đá, cắm đầu cắm cổ chạy theo sườn núi dài dằng dặc, xuống chân núi, về nhà trọ, rồi chui vào chăn ngủ. Bây giờ nghĩ lại vẫn còn thấy rùng rợn, chưa bao giờ tôi có cảm giác sợ như lúc ấy, anh Tofu ạ!
– Thế rồi sau đó thế nào?
– Thế là hết.
– Thế không kéo violon à?
– Thì có muốn cũng không thể kéo được đấy thôi. Cái tiếng thét “ối…” ấy thì nếu mà là anh, anh cũng không thể kéo được đâu!
– Chuyện của cậu nghe sao cứ thấy thiếu thiếu thế nào ấy.
– Thấy thiếu thì cũng đúng thôi. Thế nào ạ, thưa các thầy?
Anh Kangetsu quay nhìn khắp một lượt với vẻ đắc ý.
– Ha ha… Quả là một tuyệt tác đấy. Mang được câu chuyện đến chỗ đó thì cũng lao tâm, khổ não, vất vả lắm đây. Tôi cứ tưởng sắp có một Sandra Belloni[33] đàn ông xuất hiện trên quê hương quân tử phương Đông, nên đã nghiêm chỉnh ngồi nghe cho đến tận lúc này.
Meitei nói và chờ xem có ai hỏi về Sandra Belloni không nhưng chẳng thấy ai hỏi gì nên tự mình giải thích:
– Sandra Belloni thì gảy đàn và hát dân ca Ý trong rừng, dưới ánh trăng, còn cậu thì vác violon leo lên núi Koshin, giống và khác nhau một cách rất bí hiểm[34]. Đáng tiếc là bên kia thì làm chị Hằng giật mình, còn cậu thì ngược lại, bị con quái ly trong hồ nó dọa cho hoảng hồn, suýt thì nguy. Đó là sự khác nhau rất lớn, vừa cao cả, vừa hài hước. Thành ra, đáng tiếc quá!
– Chả có gì đáng tiếc cả.
Anh Kangetsu tỏ ra bình thản ngoài sức tưởng tượng. Đến lượt ông chủ góp ý kiến, bình luận một cách nghiêm khắc:
– Tất cả chỉ vì muốn kéo violon trên núi cho nó sang trọng nên mới bị dọa thế mà!
Dokusen ca thán:
– Bậc hảo hán tìm kế sinh nhai trong hang quỷ. Cái đó thật đáng tiếc!
Không có dấu hiệu nào cho thấy là anh Kangetsu đã hiểu được những gì Dokusen nói. Mà chẳng cứ gì một mình Kangetsu, có lẽ các vị khác cũng thế cả. Một lúc sau, Meitei hỏi sang chuyện khác:
– Này, thế dạo này cậu Kangetsu vẫn đến trường mài viên bi đấy chứ?
– Không, vừa rồi tôi mới về quê ra, tạm thời đang nghỉ. Viên bi tôi cũng chán lắm rồi, đang định bỏ đây.
– Nhưng nếu không mài viên bi thì không thể thành tiến sĩ được đâu.
Ông chủ nói, mặt hơi nhăn nhó, nhưng bản thân đương sự thì lại rất lạc quan:
– Tiến sĩ ư? Tiến sĩ thì thôi, không thành cũng được.
– Nhưng vậy thì việc cưới vợ sẽ bị hoãn lại, làm khó khăn cho cả hai bên thì sao?
– Việc cưới vợ của ai? Ai cưới cơ?
– Cậu chứ còn ai nữa.
– Em cưới ai?
– Thì cô con gái nhà Kaneda chứ còn ai.
– Ủa…
– Ủa cái gì? Đã hứa như vậy rồi mà lại?
– Làm gì có chuyện hứa? Nói như vậy là bên kia tự ý nói thôi.
– Cái cậu này hơi quá đáng. Này, Meitei, cậu cũng biết chuyện này, đúng không?
– Chuyện này là chuyện cái mũi ấy à? Nếu là chuyện ấy thì chả phải chỉ có cậu và tôi biết, mà đó là một bí mật đã được công bố, tất cả bàn dân thiên hạ đều biết cả. Thực tế, còn có người đến hỏi tôi nhắng cả lên là bao giờ thì trên tờ báo Mancho (Vạn triệu) sẽ vinh hạnh được đăng ảnh hai người với chú thích “cô dâu chú rể” nữa cơ đấy. Anh Tofu thì đã sáng tác cả một đại trường ca, có nhan đề là “Uyên Ương ca” cách đây ba tháng rồi, vẫn đang giữ đấy. Có nguy cơ kiệt tác này cũng sẽ bị ế ẩm chỉ vì cậu Kangetsu không trở thành tiến sĩ mất thôi! Nhỉ, đúng thế không, anh Tofu?
– Cũng chưa đến nỗi bị ế như thầy lo đâu. Tôi đang định biến cái tác phẩm được mọi người rất đồng tình ấy thành của chung đây.
– Đó, thấy chưa? Cậu có thành tiến sĩ hay không là ảnh hưởng đến khắp nơi như thế đấy. Hãy cố mà mài viên bi đi.
– Ôi, tôi xin lỗi đã làm quý vị phải bận tâm, lo lắng nhiều đến thế. Nhưng mà thôi, không cần phải thành tiến sĩ nữa.
– Tại sao?
– Tại sao ư? Bởi vì tôi đã có vợ hẳn hoi rồi.
– Ôi chao, ghê quá, cậu lấy vợ bí mật lúc nào vậy? Cuộc đời này không thể coi thường được. Cậu Kushami, vừa rồi cậu đã nghe rõ rồi chứ? Cậu Kangetsu đã có vợ con rồi đấy.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.