Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 4 PHẦN 2



Ông chủ trả lời lạnh nhạt như vậy nhưng trong thâm tâm, khi nghe nói “cả hai bên” thì không hiểu sao ông cũng hơi động lòng. Ông có cảm giác như có một làn gió nhẹ thổi qua ống tay áo mình giữa đêm hè nóng nực vậy. Ông chủ này vốn dĩ là một người được nhào nặn chủ yếu bằng sự cục cằn, ương bướng, sạm màu. Song bản chất ông không phải là sản phẩm của nền văn minh lạnh nhạt, bạc bẽo, thiếu tình người. Ông ta hơi một tí là nổi giận, mặt sưng mày sỉa, nhưng sau đó thì vẫn biết được phải trái. Hôm trước, ông cãi nhau với bà Mũi là vì không ưa bà ta, chứ ông biết con gái bà không có tội gì. Ông ghét các nhà doanh nghiệp nên ghét ông Kaneda là một trong những nhà doanh nghiệp là đúng rồi, và ông ra lệnh không được quan hệ với con gái nhà ấy. Với người con gái ấy, ông không mang ơn huệ hay có thù hằn gì. Kangetsu là một học trò mà ông quý hơn cả em trai mình. Nếu quả như ông Suzuki nói, nếu hai bên cùng thích nhau mà mình lại gián tiếp ngăn cản thì đó không phải là cách làm của người quân tử. Ở đây, thầy Kushami cũng nghĩ mình là người quân tử. Nếu cả hai bên đều thích nhau? Nhưng đó lại là một vấn đề. Để tỏ thái độ của mình trong việc này, trước tiên phải xác minh được chân tướng đã.
– Này cậu, thế cô con gái nhà ấy có muốn lấy Kangetsu không? Ông Kaneda hay bà Mũi thì thế nào cũng được, vấn đề là ý định của cô ta thế nào?
– Cái đó thì… thế nào nhỉ? Chắc là cũng muốn chứ, phải không?
Chuyện của ông Suzuki hơi mập mờ. Thực ra ông nghĩ, theo yêu cầu thì chỉ cần hỏi về anh Kangetsu là đủ, nên đã không hỏi xem ý định của quý tiểu thư nó như thế nào. Câu chuyện trượt theo đà, làm ông có vẻ bối rối.
Ông chủ, bất kỳ cái gì cũng vậy, không đập thẳng là không chịu được:
– “Chắc là cũng” thì không thể biết được.
– À, cách nói của tôi hơi dở. Phía tiểu thư thì rõ ràng là có tình ý rồi. Vâng, hoàn toàn là có. Bà vợ ông ấy có nói với tôi như vậy. Bà ta bảo, thỉnh thoảng cô ấy vẫn hay nói xấu anh Kangetsu.
– Cái cô con gái người ấy ư?
– Vâng.
– Cái đồ quỷ quái. Lại đi nói xấu người ta. Trước hết, điều đó chứng tỏ nó không có ý gì với Kangetsu chứ gì?
– Cái đó thì trên đời này cũng có kẻ kỳ quặc, cứ thích nói xấu người mà mình thích cơ.
– Ở đâu mà lại có người ngu xuẩn như vậy nhỉ?
Ông chủ nói như thế mà không hề cảm thấy rằng sẽ bị người ta phê phán là đã động đến sự tế nhị của lòng người.
– Những kè ngu xuẩn như vậy ở trên đời này khá nhiều, biết làm sao được. Thực tế thì bà Kaneda cũng suy diễn ra như vậy thôi. Bà ta bảo rằng chắc là nó bối rối, băn khoăn gì đó nên thỉnh thoảng vẫn nói xấu Kangetsu. Cho nên chắc chắn là, trong lòng nó nghĩ đến anh ấy nhiều chứ không phải không có đâu!
Nghe cái sự suy diễn kỳ lạ này, ông chủ quá bất ngờ, tròn xoe mắt, không trả lời gì, nhìn chằm chằm vào mặt ông Suzuki, giống như ông thầy bói ngồi chợ. Hình như ông Suzuki cảm thấy rằng, với kiểu này có khi hỏng việc mất, cho nên ông chuyển câu chuyện sang hướng mà ông chủ có thể hiểu được:
– Cậu nghĩ thì cũng thấy đấy, một nhà có của cải có thế lực như vậy, họ gả đâu mà chả được nơi tương xứng. Anh Kangetsu thì có thể là giỏi đấy nhưng mà về đẳng cấp, ồ nói đẳng cấp thì có lẽ thiếu tôn trọng, vậy thì nói về tài sản thì ai cũng thấy là không cân xứng. Vậy mà bố mẹ phải bận tâm đên mức phải nhờ tôi đi như thế này thì chẳng phải là cô ấy yêu anh Kangetsu thì là cái gì?
Ông Suzuki đã giải thích bằng những lý lẽ rất hay như vậy. Lần này hình như ông chủ đã hiểu được nên ông Suzuki hơi yên tâm. Nhưng ông ta nghĩ, nêu cứ loanh quanh luẩn quẩn ở đây thì rồi sẽ lại cãi nhau, nên tốt nhất là đưa câu chuyện đi nhanh lên, hoàn thành sứ mệnh của mình càng sớm càng tốt.
– Vậy thì như vừa rồi tôi đã nói, phía bên kia họ không yêu cầu gì tiền bạc, tài sản cả, nhưng bù lại, họ muốn có cái bằng cấp chuyên môn. Bằng cấp nó là cái cầu vai. Họ nói là nếu thành tiến sĩ thì có thể lấy con gái họ cũng được. Nói như vậy cũng chẳng phải là kiêu căng làm phách gì, xin đừng hiểu lầm. Hôm trước, khi bà vợ ông ấy đến đây, vì có cậu Meitei ở đây, cậu ấy nói toàn những chuyện kỳ quặc. Không, cái này không phải lỗi tại cậu. Bà Kaneda cùng khen cậu là người tốt, thẳng thắn, không nói lấy lòng. Chắc hoàn toàn lỗi tại cậu Meitei kia thôi. Bà Kaneda còn bảo rằng nếu anh Kangetsu thành tiến sĩ thì họ cũng nở mày nở mặt với thiên hạ đấy. Thế nào, sắp tới đây, anh Mizushima có khả năng nộp luận văn và nhận bằng tiến sĩ được không? Cái gì chứ nhà Kaneda thì họ chả cần tiến sĩ, cử nhân gì đâu, nhưng mà đời nó là thế, không đơn giản được.
Nghe nói như thế này thì việc bên kia yêu cầu phải có học vị tiến sĩ xem ra cũng không hoàn toàn là vô lý. Đã thấy không vô lý rồi thì ông chủ muốn làm theo lời ông Suzuki. Vì thế, ý muốn của ông Suzuki có thể cho ông chủ sống hay chết cũng được, ông chủ quả là người ngay thẳng và đơn giản.
– Vậy thì lần này Kangetsu đến đây tôi sẽ khuyên cậu ấy làm luận văn tiến sĩ. Nhưng trước hết, phải hỏi lại xem bản thân cậu ấy có ý định lấy cô con gái nhà Kaneda không đã.
– “Hỏi lại xem”? Nếu cậu làm cái việc cứng nhắc như vậy thì chuyện sẽ chẳng đi đến đâu mất. Tốt nhất là trong lúc nói chuyện bình thường, cậu nên lựa lời gọi ý thôi.
– Gọi ý à?
– Vâng, nói là gợi ý thì nghe có vẻ không hay, nhưng mà không cần phải gợi, cứ nói chuyên bình thường thì tất sẽ hiểu thôi.
– Cậu thì có thể cậu hiểu đấy, nhưng tôi thì nếu không hỏi tôi hoàn toàn không thể hiểu được.
– Không hiểu cũng chẳng sao, nhưng nếu cứ như kiểu cậu Meitei, nói này nói nọ để phá quấy thì không nên. Giả sử không vun vào thì trong chuyện này, nên để tùy ý người trong cuộc là hơn. Lần này, nếu anh Kangetsu đến đây thì xin đừng có cản trở anh ấy nữa. Đây không phải là nói cậu mà là nói cậu Meitei ấy. Nếu mà bị cậu ấy nói vào là nhất định chẳng được việc gì đâu!
Trong lúc tôi đang nghe nói xấu ông Meitei, người đại diện của ông chủ, thì đúng là “nhắc đến hổ hổ đến”, thầy Meitei, vẫn như mọi khi, từ cửa bếp theo gió xuân bay vào.
– Ối trời ơi, khách quý hiếm quá nhỉ! Cứ đến luôn nhẵn mặt như tôi đây là tay Kushami này đối xử tuềnh toàng, không được đâu. Cái nhà Kushami này, dẫu sao cũng chỉ nên 10 năm hãy đến một lần thôi. Kẹo bánh này chả cao cấp hơn mọi khi là gì?
Ông ta nói và thản nhiên ăn bánh ngọt (của hãng) Fujimura. Ông chủ tủm tỉm cười. Từ hành lang, tôi nhìn cảnh này và nghĩ cái này có thể dựng thành một màn kịch câm rất hay. Nếu như ở nhà những người theo đạo Thiền, người ta có thể im lặng hỏi đáp nhau theo cách “ý tại ngôn ngoại” thì rõ ràng, màn kịch này có thể thực hiện được theo cách đó. Một màn kịch rất ngắn, song cũng rất gay cấn.
– Tôi cứ tưởng cậu là một cánh chim bay đi mãi mãi, không ngờ cũng có lúc trở lại nhỉ. Muốn sống lâu mà, phải không? Không hẳn là đã không gặp được vận may bất ngờ nào đấy rồi chứ?
Đối với ông Suzuki, ông Meitei cũng không giữ gìn chút nào, y hệt như với ông chủ vậy. Dẫu cho đó là bạn từ thời còn trẻ, nhưng 10 năm rồi mới gặp lại nhau, đáng lẽ người ta phải giữ ý một chút mới phải. Thế mà chỉ có cái ông Meitei này, không hề thấy tỏ ra giữ ý gì cả. Điều đó làm tôi hoàn toàn không thể đoán biết được ông là người rất oai hay rất dở hơi nữa?
– Tội nghiệp quá. Tôi không đến nỗi bị coi thường đến thế đâu.
Ông Suzuki trả lời một cách vô thưởng vô phạt như thế nhưng có vẻ không được bình tĩnh, ông nôn nóng mân mê cái dây chuyền vàng. Bỗng ông chủ hỏi ông Suzuki một câu hỏi kỳ lạ:
– Này, cậu đã đi tàu điện chưa?
– Hôm nay tôi như kẻ đến đây cho các vị giễu cợt ấy nhỉ. Dẫu tôi có nhà quê đến mấy thì tôi cũng đã có sáu chục cổ phiếu đường sắt thành phố đấy.
– Chà, thế thì không thể coi thường được. Tôi đã có tám trăm tám mươi tám cổ phiếu rưỡi, nhưng đáng tiếc bị gián nhấm mất, bây giờ chỉ còn lại mỗi nửa cổ phiếu thôi. Giá cậu lên Tokyo sớm hơn một chút thì tôi cho cậu 10 trong số những cổ phiếu ấy, khi chưa bị gián nhấm. Thật tiếc quá!
– Cậu vẫn độc mồm độc miệng nhỉ? Nhưng thôi, nói đùa là nói đùa. Cái số cổ phiếu cậu có ấy cứ giữ, không thiệt đâu. Hàng năm chỉ có lên thôi.
– Vậy thì, giả sử tôi giữ nửa cổ phiếu này 1.000 năm thì có thể xây được ba cái nhà kho đấy nhỉ? Trong lĩnh vực này, cậu và mình đều là những tài tử thức thời, không để lỡ cơ hội. Đến lúc đó thì Kushami đây thật đáng thương. Kabu (cổ phiếu) thì ta có thể coi là họ hàng với daikon (củ cải) được đấy nhỉ?![5]
Meitei nói rồi lại nhón bánh ngọt và quay nhìn ông chủ. Ông chủ cũng bị lôi cuốn theo, vô tình đưa tay với đĩa bánh ngọt. Trên đời này, mọi hoạt động tích cực đều có quyền được người khác bắt chước.
– Cổ phiếu thì thế nào cũng được, nhưng tôi chỉ muốn cho Sorosaki được đi tàu điện, dù chỉ một lần thôi cũng được.
Ông chủ nói rồi thẫn thờ liếm mãi chân răng vừa nhai xong bánh ngọt.
– Sorosaki mà đi tàu điện thì sẽ đi thẳng tuột đến Sinagawa mất. Dù sao đó cũng là thiên nhiên cư sĩ, nên cứ khắc vào đá nén dưa là an toàn hơn.
– Nghe nói Sorosaki chết rồi phải không? Tội nghiệp quá! Anh ta rất thông minh vậy mà tiếc thật!
Nghe Suzuki nói thế, Meitei lập tức bắt chuyện:
– Thông minh nhưng mà nấu cơm thì kém nhất đấy. Hôm nào phiên nó nấu cơm là tôi và nó lại đi ra ngoài ăn soba (mì kiều mạch) thay cơm đấy.
– Quả thật cơm Sorosaki nấu thì vừa sống vừa khê, tôi cũng không ăn được. Đã thế, thức ăn thì bao giờ cũng bắt ăn đậu phụ sống, lạnh không thể ăn được.
Ông Suzuki cũng lôi từ đáy ký ức ra những bất mãn của 10 năm trước.
– Từ hồi đó Kushami đã thân với Sorosaki, hai người tối nào cũng rủ nhau đi ăn chè. Hậu quả là bây giờ, bệnh dạ dày kinh niên nó hành cho khổ sở. Nói đúng ra, Kushami là người ăn nhiều hơn, đáng lẽ phải chết trước Sorosaki mới phải.
Ông chủ cũng không chịu thua, bới ra những tội cũ của Meitei:
– Làm gì có cái logic như vậy. Còn hơn cái tội ăn chè của tôi, cậu có cái tội lấy cớ vận động (rèn luyện cơ thể), tối nào cũng vác kiếm gỗ ra nghĩa trang quật vào các bia đá, bị nhà sư bắt được mắng cho nên thân đấy thôi.
– Ha ha… Nhà sư bảo quật gậy vào bia như thế là đánh vào đầu Phật, làm các ngài không ngủ được, thôi đi, không được làm thế. Nhưng tôi chỉ dùng kiếm gỗ chứ cậu Suzuki này mới thô bạo hơn. Cậu đã vật nhau với bia đá, làm đổ tất cả ba cái lớn nhỏ.
– Lúc đó nhà sư tức giận mới khiếp chứ! Ông ta bắt phải dựng lại bia như cũ. Tôi bảo chờ tôi đi mượn người, nhưng ông ta không cho mượn, bắt phải tự tay làm lấy để sám hối, nếu không Phật không bằng lòng.
– Lúc đó trông cậu chẳng còn phong thái gì cả, mặc áo phin nõn mà đóng khố, hì hà hì hục trong vũng nước…
– Thế mà cậu thì tỉnh bơ, đứng vẽ tả chân mới quá đáng chứ. Tôi là người ít khi tức giận nhưng lúc đó tôi nghĩ bụng cái thằng sao mà láo thế. Những lời cậu nói lúc đó tôi vẫn còn nhớ, cậu có biết không?
– Mười năm rồi, ai mà còn nhớ được. Nhưng trong bia có khắc những chữ “Quy tiên viện điện hoàng hạc đại cư sĩ an vĩnh ngọ niên thìn chính nguyệt” thì tôi vẫn nhớ. Cái bia đá đó rất phong nhã theo kiểu cổ, đến nỗi khi chuyển đi nơi khác, người ta muốn lấy cắp nó. Thực ra nó là cái bia đá theo sở trường Gotic, đáp ứng nguyên lý mỹ học.
Meitei lại bắt đầu tùy tiện vãi kiến thức mỹ học ra.
– Cái đó thì được rồi. Nhưng lời lẽ của cậu lúc đó là như thế này “tôi định sẽ học chuyên môn về mỹ học, cho nên phải cố gắng tả chân để lưu lại cái thú vị xảy ra giữa trời và đất, để làm tài liệu tham khảo sau này. Những tình cảm cá nhân như ‘tội nghiệp’ ‘đáng thương’.v.v. không phải là những thứ nên nói ra từ miệng một người luôn trung thành với học vấn như tôi”. Đấy, cậu đã thản nhiên nói như vậy đấy. Còn tôi thì nghĩ cái thằng sao mà thiếu tình người đến thế nên đã giật và xé mất quyển vẽ ký họa của cậu.
– Tài năng hội họa của tôi bị dập gãy, không bao giờ còn hồi phục được cũng chính là từ cái vụ ấy. Cậu đã bẻ gãy ngọn giáo của tôi đấy, tôi rất hận cậu.
– Cậu đừng có đánh lừa tôi. Chính tôi mới đang hận cậu thì có.
Từ đó trở đi Meitei bắt đầu nói khoác lác. Ông chủ đã ăn bánh xong, quay lại xen vào chuyện của hai người:
– Một con người không bao giờ giữ lời hứa cả. Bị trách móc cũng không bao giờ xin lỗi, thế nào cũng biện bạch lý do này nọ. Hồi đó, trong sân chùa, hoa bách nhật hồng[6] bắt đầu nở. Cậu ta bảo từ nay đến khi hoa rụng, mình sẽ viết xong luận văn mỹ thuật. Tôi bảo, trông cậu hoàn toàn chẳng có ý chí ấy chút nào, nhất định không viết được đâu! Thế là Meitei bảo “tôi trông thế nhưng là thằng rất có chí đấy, không như bề ngoài đâu, không tin cậu cứ đánh cuộc đi’. Thế là tôi nghiêm túc nhận lời đánh cuộc, bên nào thua thì phải chiêu đãi bữa ăn Âu ở nhà hàng ở Kanda. Tôi nghĩ là nhất định cậu ta chẳng lo viết luận văn đâu nên mới đánh cuộc, nhưng trong lòng cũng hơi lo. Bởi vì tôi làm gì có tiền mà chiêu đãi món ăn Âu? Thế rồi chẳng thấy tiên sinh động tĩnh viết lách gì. Một tuần trôi qua, rồi 20 ngày trôi qua, cũng chẳng thấy viết được trang nào. Thế rồi hoa bắt đầu rụng, cho đến khi chẳng còn một bông nào, đương sự vẫn thản nhiên. Thế này thì mình sắp được chiêu đãi cơm Tây đây. Tôi yêu cầu cậu ta thi hành cam kết nhưng Meitei tỉnh bơ, không thực hiện gì cả.
Suzuki nói đưa đẩy:
– Chắc lại viện lý do này nọ chứ gì?
– Ừ. Thực ra thì cậu ta rất trâng tráo, ngang bướng bảo là “tôi thì không có năng khiếu gì đặc biệt, nhưng về ý chí thì nhất định không chịu thua cậu đâu”.
Lần này chính tự bản thân Meitei hỏi:
– Thế không viết được trang nào cả à?
– Tất nhiên rồi. Lúc đó cậu còn bảo thế này chứ: “Riêng về mặt ý chí thì tôi dám chấp, dù bao nhiêu người tôi cũng quyết không nhường một bước đâu. Nhưng đáng tiếc là về trí nhớ thì tôi không bằng nửa người khác. Ý chí viết luận văn thì tôi có đủ nhưng sau khi nói ra với cậu xong, hôm sau tôi quên béng đi mất. Vì vậy, việc cho đến khi hoa rụng vẫn không hoàn thành luận văn là lỗi tại trí nhớ chứ không phải tại ý chí của tôi. Không phải tại ý chí thì không có lý do gì phải chiêu đãi cả”. Đấy cậu ta nói rất ngang như vậy.
– À, ra thế đấy. Cậu Meitei là người phát huy một trào lưu đặc trưng nên rất thú vị!
Ông Suzuki thú vị với cái gì đó, khẩu khí của ông khác hẳn khi chưa có mặt Meitei ở đây. Có thể đây là “đặc trưng” của loại người khôn chăng? Ông chủ hỏi như sắp cáu:
– Thú vị cái gì?
– Tội nghiệp quá nhỉ? Bù lại vào đó tôi đã tìm cho cậu món lưỡi công bằng tiền và bằng trống còn gì nữa? À, nói đến viết lách, hôm nay tôi mang đến cho cậu một tin cực kỳ quý hiếm đấy nhé.
– Cậu thì bao giờ cũng mang đến toàn tin cực kỳ quý hiếm nên phải cảnh giác.
– Nhưng tin hôm nay đúng là hiếm lạ thật mà. Một tin hiếm lạ chính cống, không hề hạ giá một chinh nào đâu. Cậu có biết là Kangetsu bắt đầu viết luận văn tiến sĩ không? Cứ tưởng cậu ta là người có kiến thức kỳ lạ như vậy thì chẳng thích làm cái chuyện vất vả, chẳng lý thú gì như luận văn luận võ ấy đâu. Vậy mà cậu ta lại ham mê mới lạ chứ. Cậu có thể thông báo cho cái Mũi ấy được rồi đấy. Chắc dạo này cũng đang mơ giấc mơ tiên sĩ hạt dẻ cũng nên.
Ông Suzuki nghe đến tên Kangetsu thì dùng cằm và mắt ra hiệu cho ông chủ, ý muốn bảo “đừng nói đến, đừng nói đến”, nhưng ông chủ hoàn toàn chẳng hiểu ý. Lúc nãy được ông Suzuki giảng đạo, ông chỉ toàn thấy thương hại cô con gái nhà Kaneda, nhưng bây giờ nghe Meitei nhắc đến mũi, mũi thì ông lại nhớ đến chuyện cãi nhau hôm nọ. Nghĩ lại thì thấy vừa hài hước vừa có phần đáng ghét. Nhưng chuyện Kangetsu bắt đầu viết luận văn tiến sĩ thì đúng là môt tin vui hiếm có, hơn bất kỳ món quà nào mà Meitei mang tới gần đây, quả đúng như Meitei tự khen. Đó không chỉ là một tin mới lạ mà còn là một tin vui khoái trá nữa. Có lấy con gái nhà Kaneda hay không điều đó không quan trọng. Chỉ biết rằng nếu Kangetsu thành tiến sĩ thì rất tốt. Một cái tượng gỗ đẽo hỏng như mình thì chỉ cần hơ qua khói, rồi cứ để nguyên gỗ mộc trong góc nhà hàng đồ thờ cho đến khi bị mọt cũng không sao. Nhưng đây là một tác phẩm điêu khắc thật sự, đã thành công thì ông muốn mau chóng dát vàng cho nó. Ông dẹp hẳn cái sự ra hiệu của Suzuki sang một bên mà sốt sắng hỏi:
– Thế nó bắt đầu viết luận văn thật à?
– Cậu này hay nghi ngờ người khác nhỉ. Vấn đề lớn nhất là không biết cậu ta chọn đề tài lực học của “hạt dẻ” hay “thắt cổ” thôi. Dù sao thì đây cũng là Kangetsu, cho nên chắc chắn cái mũi sẽ biết kiêng nể đấy.
Từ nãy đến giờ ngồi nghe Meitei nhắc đến cái mũi một cách không kiêng nể, Suzuki có vẻ lo lắng. Meitei không biết gì nên cứ bình thản như không, cứ nói thả cửa theo ý thích.
– Từ sau đó, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu về mũi. Gần đây tôi đã phát hiện ra trong tác phẩm (The life and opinions of) “tristram shandy”có nói về mũi. Những cái mũi như của Kaneda mà cho Sterne xem thì thành tư liệu quý biết mấy. Tiếc thật, có đủ tư cách là “mũi (mỹ) danh để tiếng ngàn năm” vậy mà cứ để cho úa héo đi thì đáng thương biết bao, phải không? Lần sau, nếu bà ta đến đây, tôi sẽ vẽ ký họa tả chân để làm tài liệu tham khảo cho mỹ thuật học.
– Nhưng nghe nói cô con gái nhà ấy muốn về với cậu Kangetsu.
Ông chủ nói theo ý đã nghe được từ ông Suzuki lúc nãy. Ông Suzuki liên tục đánh mắt, ra hiệu cho ông chủ với vẻ mặt muốn nói “thế này thì phiền cho người ta quá”, nhưng ông chủ vẫn như một vật cách điện, không cảm nhận được tí nào luồng điện mà ông Suzuki truyền đến cả.
– Yêu con gái của một người như vậy cũng tạm được đấy, nhưng không phải là mối tình đẹp lắm đâu. Phần lớn là yêu cái mũi thôi.
– Yêu cái mũi cũng được. Nếu Kangetsu muốn thì có sao.
– Cũng được? Hôm trước cậu đã chẳng phản đối kịch liệt là gì? Sao hôm nay cậu lại mềm đi đáng sợ thế?
– Không phải là mềm đi. Tôi hoàn toàn không bao giờ mềm đi cả. Nhưng mà…
– Nhưng mà đã làm sao rồi? Này Suzuki, cậu cũng là một nhà doanh nghiệp hạng bét, cậu hãy cho ý kiến tham khảo đi. Cái tay Kaneda nào đó, tôi nghĩ con gái cái tay nào đó mà lên làm vợ Mizushima Kangetsu, một nhân tài của đời, thì khác chi một cái đèn lồng treo cùng một quả chuông. Là bạn bè, chúng ta không thể nhắm mắt bỏ qua. Vậy thì là nhà doanh nghiệp, cậu có ý kiến gì khác không?
Suzuki lựa theo chiều gió, nói lảng:
– Cậu vẫn khỏe, vui tếu nhỉ, hay thật. Mười năm rồi mà cậu không thay đổi gì so với trước, giỏi thật đấy.
– Nếu cậu khen tôi giỏi thì hãy để mắt đến chỗ tri thức rộng lớn này. Ngày xưa người Hy Lạp trọng rèn luyện thân thể nên có rất nhiều giải thưởng cho tất cả các môn thể thao – một chính sách khuyến khích toàn diện. Nhưng có cái lạ là, riêng đối với vấn đề tri thức của các học giả thì không thấy có tài liệu nào ghi lại là đã khen thưởng. Đây là một vấn đề khó hiểu, cho đến nay vẫn chưa tìm ra lý do vì sao.
– À, đúng vậy thật, quả là hơi kỳ lạ nhỉ? – Ông Suzuki phụ họa theo bất kỳ cái gì.
– Nhưng mà cách đây hai ba hôm, khi nghiên cứu về cái mũi, tôi đã bất ngờ tìm ra lý do đó, phá tan tảng băng nghi ngờ đã bao năm nay. Tìm ra một sự hiểu biết thú vị như vậy, giống như thoát ra khỏi màn đêm tăm tối, dốt nát, thực sự đạt tới niềm hoan hỉ thấu trời thấu đất.
Nghe Meitei thao thao bất tuyệt, dù là người khôn khéo như Suzuki cũng tỏ nét mặt “cái này thì mình không thể đương nổi!”. Ông chủ thì cúi đầu, tay cầm đôi đũa ngà gõ keng keng vào thành đĩa bánh như muốn nói “lại bắt đầu rồi đấy”! Chỉ riêng mỗi Meitei vẫn đắc ý, tiếp tục diễn thuyết:
– Các cậu có biết ai là người đã viết rất rõ, giải thích cái sự mâu thuẫn này, cứu vớt chúng ta ra khỏi vực thẳm đen tối suốt bao nhiêu năm nay không? Đó chính là Aristotle, một người có học vấn, tự học giả, thủy tổ của phái đi bộ, nhà triết học Hy Lạp đấy. Ông ấy giải thích là… Này, đừng có gõ đĩa thế, phải lễ phép mà lắng nghe chứ. Ông ấy giải thích là, những phần thường mà người Hy Lạp nhận được trong thi đấu thể thao quý giá hơn những nghệ thuật mà họ trình diễn. Vả lại, đó còn là phương tiện để khuyến khích, khen thưởng. Còn tri thức thì sao? Nếu trả ơn cho tri thức bằng một cái gì đó thì phải dùng một “cái gì đó” có giá trị cao hơn tri thức mới được. Nhưng tren đời này có cái gì là giá trị hơn tri thức? Tất nhiên là không thể có. Nếu không khéo thì chỉ làm tổn thương đến danh dự của tri thức mà thôi. Dù họ có chất những hòm vàng cao như núi Olympus, làm khuynh gia bại sản gia tài của vua Croesus thì cũng hoàn toàn không thể báo đáp xứng đáng giá trị của tri thức được. Suy nghĩ mãi, họ đã khám phá ra rằng chẳng có gì tương xứng cả. Từ đó trở đi, họ không thưởng gì hết.
Chúng ta đã đủ hiểu là mọi vàng, bạc, đồng, thau đều không sánh bằng tri thức rồi chứ? Vậy chúng ta hãy nắm vững nguyên lý này mà xem xét các vấn đề thời sự. Cái tay Kaneda nào đó là cái gì? Chẳng qua chỉ là một người dính mắt dính mũi vào đồng tiền. Nếu chúng ta nói một cách hình dung cho đẹp thì hắn chẳng qua chỉ là một tờ tiền biết đi. Con gái của một tờ tiền biết đi thì tầm cỡ bằng một cái tem biết đi chứ mấy? Còn Kangetsu thì thế nào? Dù sao cũng đã tốt nghiệp đầu bảng một khoa cao nhất trong học vấn, không hề lười nhác, đeo cái dải áo từ thời chinh phạt Choshu[7] ngày đêm nghiên cứu sự cân bằng của hạt dẻ. Vậy mà vẫn chưa hài lòng, sắp tới đang định công bố một luận văn lớn, làm áp đảo cả Lord Kelvin nữa. Tuy thỉnh thoảng cũng có đi qua cầu Azuma, diễn hụt cái trò trẫm mình đấy, nhưng đó chỉ là những cơn sốt thường có ở tuổi thanh niên đang lớn, chứ chẳng có gì tới mức làm phiền đến nhà đầu cơ tri thức cả. Lấy ví dụ kiểu Meitei để đánh giá Kangetsu thì cậu ta là một cái thư viện biết đi, là một viên đạn 280 ly được đúc bằng tri thức. Viên đạn này, nếu có cơ hội bắn thử một lần vào giới học thuật xem? Hãy bắn thử xem, nhất định sẽ nổ đấy!
Nói đến đây không thấy Meitei dùng tính từ “kiểu Meitei” tự xưng ấy nữa, tưởng có lẽ đã xuống nước kiểu đầu voi đuôi chuột rồi, thì tự dưng lại tiếp tục:
– Tem biết đi thì mấy vạn chiếc cũng đánh bạt được. Vì thế cho nên cậu Kangetsu không thể xứng với người như vậy. Tôi không chấp nhận. Giống như là cuộc hôn nhân giữa một con voi, loài thông minh nhất trong muôn loài, với một con lợn con tham lam vậy, có đúng không, Kushami?
Ông chủ vẫn im lặng gõ cái đĩa. Ông Suzuki có vẻ thua, trả lời vụng về:
– Cũng chẳng phải thế đâu.
Lúc nãy mình đã nói xấu Meitei như vậy, bây giờ mà lại nói gì nữa thì nhỡ ra, cái người vô chính phủ như ông chủ này lại làm một cái gì đó, không thể biết được! Chi bằng lựa mà ứng phó cho qua chuyện là thượng sách, ông Suzuki là người rất khôn, ông luôn luôn thuộc nằm lòng rằng phương sách của thời nay là hết sức né tránh những chống đối bất ngờ. Tranh cãi vô ích chỉ là di sản của thời phong kiến. Mục đích của cuộc đời là hành động thực tế chứ không phải lời nói. Mọi việc cứ tiến triển theo ý mình thì đó là đạt mục đích rồi. Không cần phải vất vả, lo lắng, không cần tranh cãi mà công việc cứ tiến triển thì mục đích của đời mình đã đạt được cái mốc cực lạc. Từ sau khi ra trường, ông Suzuki đã nhờ cái chủ nghĩa cực lạc này mà đeo đồng hồ vàng, với chủ nghĩa cực lạc ông đã nhận lời vợ chồng Kaneda. Và cũng bằng chủ nghĩa ấy ông đã thuyết phục được ông Kushanu gần như xuôi lọt. Sự việc mười phần đã đi đến chín rồi thì một cái người thô bạo, có tâm lý như khác người thường, không thể dùng những chuẩn mực thông thường mà khuất phục được như Meitei này nhảy vào, cho nên trước sự bất ngờ ấy, ông hơi bị lúng túng.
Phát minh ra chủ nghĩa cực lạc là các đấng nam nhi thời Minh Trị. Thực hiện chủ nghĩa này là ông Suzuki Tojuro và bây giờ người lúng túng, khó khăn với nó cũng là ông.
– Cậu chẳng biết gì nên thản nhiên phủ định là “chẳng phải thế đâu”, ít nói một cách đặc biệt để tỏ ra mình rất sang trọng đây. Nhưng mà hôm trước, chủ nhân của cái mũi ấy đến đây thì thấy là, dù có là người bênh che cho các nhà doanh nghiệp như cậu thì cũng thua thôi. Phải không, cậu Kushami? Cậu đã chẳng chiến đấu kịch liệt đó sao?
– Thế mà tôi lại được đánh giá tốt hơn cậu đấy.
– Ha… Tự tin quá nhỉ. Nếu không thế thì đã không bị học sinh và giáo viên chế giễu về cái savage tea gì ấy mà vẫn tỉnh bơ đến trường được. Tôi thì về ý chí tự cho là không thua kém ai, nhưng cũng không thể dạn dĩ đến thế được. Thật hết sức khâm phục.
– Bọn học sinh hay giáo viên mè nheo một chút thì có gì mà sợ? Sainte Beuve là nhà phê bình cổ kim vô địch mà khi dạy ở đại học Paris cũng bị chê ghê gớm. Để chống lại bọn học sinh, mỗi lần đi đâu, ông ta phải thủ một thanh kiếm ngắn trong tay áo làm vũ khí phòng ngự đấy. Còn Brune Tiere thì cũng ở đại học Paris, khi đả kích tiểu thuyết của Zola thì…
– Nhưng mà cậu thì có phải là giáo sư đại học gì đâu, trình độ chỉ là giáo viên tập đọc, lại đi lấy ví dụ những người nổi tiếng như vậy, có khác nào con cá lẹp ví mình với con cá voi không? Nói như vậy sẽ càng bị chế giễu đấy.
– Cậu im đi. Sainte Beuve hay tôi thì cũng là học giả như nhau thôi.
– Trời ơi, một kiến thức dễ sợ. Nhưng mang trong túi mà đi ra ngoài thì nguy hiểm lắm. Riêng cái đó thì đừng có bắt chước nhé. Nếu giáo sư đại học mà thủ đoản kiếm thì giáo viên tập đọc chỉ ở cỡ cầm dao con thôi. Nhưng dù sao cũng vẫn là dao, nguy hiểm lắm. Nên ra chợ mua khẩu súng hơi đồ chơi ấy, về đeo vào bên hông thì tốt hơn. Trông lại hay nữa phải không cậu Suzuki?
Thế là chuyện đã đi xa việc nhà Kaneda. Suzuki thở phào nhẹ nhõm, nói:
– Cậu vẫn hồn nhiên vui vẻ quá. Sau mười năm mới gặp lại cậu, tôi cảm thấy như đang đi trong ngõ hẹp ngột ngạt, được bước ra cánh đồng rộng thênh thang vậy. Dù sao chuyện trò giữa bạn bè với nhau cũng thoải mái. Nếu nói gì mà cũng phải giữ ý, giữ tứ, lo ngại, gò bó thì rất bức bối. Chuyện vô tội vạ, thoải mái thật. Nói chuyện với bạn bè thời học sinh là thoải mái nhất, không phải ngại ngần gì. Hôm nay tôi không ngờ lại được gặp cậu Meitei, rất sung sướng. Tôi có chút việc, bây giờ phải xin phép các cậu.
Ông Suzuki nói thế và đang định đứng lên thì ông Meitei cũng bảo:
– Tôi cũng đi đây. Bây giờ tôi phải đến Hội chấn hưng nghệ thuật sân khấu[8], ở Nihonbasi đây. Tôi sẽ đi cùng cậu đến đó.
– Thế thì hay quá. Lâu lắm mới có dịp được đi dạo hai người với nhau.
Thế là hai người dắt nhau đi.
Chú thích
[1] Kẻ trộm khét tiếng cuối thời HeiAn.
[2] Cái đệm ngồi.
[3] Mộc Am (1611-1684), thiền sư người Trung Quốc, đến Nhật thời Edo.
[4] Có thể hiểu là “tam giác” hay “tam khuyết” cũng được.
[5] Kabu, nghĩa là “cổ phiếu” đồng âm với “kabu” là một loại củ cải tròn như củ su hào.
[6] Loại cây cùng họ với cây bằng lăng.
[7] Trường Châu, tức tỉnh Yamaguchi ngày nay. Những sự kiện xung đột giữa Mạc phủ và lãnh địa này, xảy ra vào các năm 1864 và 1866.
[8] Diễn nghệ kiều phong hội, một tổ chức cải cách nghệ thuật sân khấu thành lập năm 1888.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.