Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 5 PHẦN 2



Tôi đã từng nghe nói trong đám học trò hạ đẳng có những kẻ man di mọi rợ ăn thịt mèo, nhưng cả cái thằng Tatara mà hàng ngày tôi không ngần ngại quý mến này mà cũng ở trong bọn đó thì quả là từ xưa đến nay, dù trong mơ tôi cũng chưa hề nghĩ tới. Hơn nữa nó không phải là học trò mà là một cử nhân luật, mặc dù mới tốt nghiệp ra trường, là một người cán bộ trong công ty sản xuất Mitsui nữa, nên sự kinh ngạc của tôi lại càng không bình thường. “Nhìn người hãy nghĩ đó là kẻ trộm” đó là câu cách ngôn được rút ra qua kiểm chứng hành vi của Kangetsu đệ nhị. Còn “nhìn người hãy nghĩ đó là kẻ ăn thịt mèo” là chân lý tôi cảm nhận được nhờ cái anh Tatara này. Càng sống ở trên đời càng thêm nhiều hiểu biết. Hiểu biết thêm thì vui đấy nhưng ngày càng thấy nguy hiểm, càng thấy không thể lơ là được. Người ta trở nên khôn ngoan, xảo quyệt hay ti tiện bỉ ổi, người ta mặc tấm áo phòng hộ “hai mặt” cũng do kết quả của việc hiểu biết sự đời mà ra. Hiểu biết sự đời là tội lỗi của người già, của những năm tháng ta đã sống. Trong những người già không có kẻ nào tử tế là chính từ logic này mà ra. Có lẽ tôi cũng mau mau cùng với hành tây mà hóa Phật trong cái chảo của Tatara là đắc sách chăng? Tôi đang co rúm người trong góc nhà mà suy nghĩ như vậy thì ông chủ lúc nãy vừa cãi nhau với vợ, bỏ vào phòng sách, nghe thấy tiếng anh Tatara đã lò dò đi ra phòng khách.
– Thưa thầy, nghe nói thầy bị mất trộm phải không ạ? Dở quá đi mất thôi!
Đó là câu mào đầu.
– Cái thằng kẻ trộm ấy thật là đồ ngu (mất dạy, dở hơi).
Ông chủ bao giờ cũng tự nhận mình là hiền nhân như vậy.
– Kẻ ăn trộm là đồ ngu nhưng người bị mất trộm thì hình như cũng không khôn mấy đâu ạ!
– Không bị ăn trộm gì như anh Tatara là khôn nhất đấy. – Lần này bà chủ bênh vực chồng.
– Nhưng ngu nhất là con mèo này. Thật không thể hiểu được. Chuột cũng không bắt, kẻ trộm vào nhà cũng làm ngơ. Thầy ơi, cho em con mèo này đi, để nó cũng chả có tác dụng gì cả.
– Cho cũng được, nhưng anh lấy để làm gì?
– Em ăn thịt.
Nghe lời tuyên bố khủng khiếp này, ông chủ nhoẻn một nụ cười méo mó vốn dĩ do bệnh dạ dày, không nói gì. Tatara cũng không nhất quyết đòi ăn cho bằng được, nên tôi gặp phúc ngoài sự chờ đợi. Ông chủ nói sang chuyện khác.
– Chuyện mèo thì mặc kệ nó, nhưng bị lấy hết quần áo bây giờ mới gay, rét không chịu nổi.
Ông nói có vẻ rất thảm hại. Thì ra thế, rét mà. Cho đến ngày hôm qua vẫn mặc hai lần áo nhồi bông mà hôm nay chỉ có mỗi cái áo có vải lót với một manh áo khoác cộc tay, lại chỉ ngồi yên một chỗ không vận động gì, có một chút máu thì dồn cho dạ dạy nên chân tay lạnh vì không có máu.
– Thầy làm giáo viên thì không ổn rồi, mới bị ăn trộm một tí là khốn đốn ngay. Tốt nhất là từ nay thầy thay đổi suy nghĩ đi, phải kinh doanh hay làm cái gì đó…
– Thầy anh không thích kinh doanh đâu, anh đừng nói thế.
Bà chủ ngồi bên cạnh, trả lời Tatara. Tất nhiên bà rất muốn ông trở thành nhà kinh doanh.
– Thầy ra trường được bao nhiêu năm rồi nhỉ?
– Năm nay là chín năm rồi đấy.
Bà chủ hồi tưởng lại về ông chủ, còn ông thì không hề nói là “ừ, đúng thế” hay “không, không phải như vậy”.
– “Chín năm trôi qua cũng chẳng được lên lương. Học hành bao nhiêu cũng chẳng được ai khen. Lang quân một mình buồn lặng lẽ”.
Ông đọc cho vợ nghe câu thơ mà mình đã thuộc từ hồi học trung học. Bà nghe có vẻ không hiểu mấy nên yên lặng, không nói gì.
– Nghề giáo viên tất nhiên là tôi ghét nhưng nghề kinh doanh lại càng ghét hơn.
Dường như ông chủ đang lật tìm ở phía sau lòng mình xem thực ra ông thích làm nghề gì vậy.
– Thầy anh nghề nào cũng ghét, nên…
– Chỉ có mỗi cô là thầy không ghét thôi, phải không ạ? – Tatara nói đùa chẳng phù hợp với anh ta lắm.
– Ghét nhất thì có!
Ông chủ trả lời rất rành rọt. Bà chủ tỉnh bơ, quay mặt đi chỗ khác rồi lại quay sang ông chủ, công kích:
– Kể cả việc sống cũng ghét chứ gì?
– Cũng chả thích gì!
Ông chủ điềm nhiên trả lời ngoài sự tưởng tượng. Thế này thì trời cũng chịu!
– Thầy mà không năng nổ, đi dạo để vận động cơ thể thì hại sức khỏe lắm. Mà thầy nên làm kinh doanh đi, tự nhiên sẽ kiếm dược nhiều tiền thôi.
– Bản thân mình chả kiếm được tiền mà cũng…
– Chưa kiếm được thôi, thầy ạ. Vì em mới vào công ty năm ngoái mà. Vậy mà cũng có tiền để dành được nhiều hơn thầy đấy.
Bà chủ sốt sắng hỏi:
-Anh để dành được bao nhiêu rồi?
– Được 50 yên rồi.
– Thế lương anh một tháng được bao nhiêu?
– Được 30 yên. Trong đó, mỗi tháng để lại trong công ty 5 yên để tích lũy phòng khi có bất trắc xảy ra. Cô ạ, nếu cô có tiền thì mua cổ phiếu Sotoborisen đi, mua bây giờ thì sau ba, bốn tháng sẽ thành gấp đôi đấy. Chỉ cần có chút vốn là trở thành gấp đôi, gấp ba ngay.
– Nếu có tiền như vậy thì có bị kẻ trộm vào nhà ăn trộm cũng không đến nỗi khốn khổ.
– Cho nên chỉ có làm kinh doanh là hơn. Giá mà thầy cũng học luật rồi đi làm công ty hay ngân hàng thì bây giờ thu nhập tháng ba bốn trăm yên rồi, thật tiếc quá. Thầy biết cái ông cử nhân công nghệ tên là Suzuki Tojuro chứ ạ?
– Ừ, mới vừa gặp hôm qua.
– Thế à? Hôm trước, em gặp ông ấy trong một bữa tiệc, chúng em nói đến thầy thì ông ta bảo “Thế à, anh cũng học cậu Kushami à? Ngày xưa tôi đã từng ở cùng nhà trọ với cậu ấy trong chùa ở Koshikawa đấy. Khi nào gặp cậu ấy cho tôi gửi lời hỏi thăm nhé, bảo là hôm nào tôi sẽ ghé thăm đấy”.
– Nghe nói gần đây cậu ta chuyển về Tokyo rồi, phải không?
– Vâng, trước ở dưới mỏ than Kyushu, bây giờ thì sống ở Tokyo rồi. Ông ấy là người rất giỏi. Với em, ông ấy cũng nói chuyện như bạn bè. Thầy có biết lương ông ấy bao nhiêu không?
– Không biết.
– Lương tháng là 250 yên, ngoài ra còn tiền thưởng, tiền lãi, bình quân cứ là bốn, năm trăm yên một tháng đấy. Người như thế mà thu nhập như thế, còn thầy thì học một ngành hàng đầu mà “10 năm khoác một tấm da cáo” thì thật là dở hơi.
Đúng là dở hơi thật. Một người siêu nhiên như ông chủ thì về quan niệm tiền bạc cũng chẳng khác chi người thường. Thậm chí, vì túng thiếu, biết đâu ông còn cần tiền gấp đôi người khác nữa cũng nên.
Quảng bá đầy đủ về cái lợi của nhà doanh nghiệp xong rồi, không còn chuyện gì nữa, Tatara liền quay sang hỏi bà chủ:
– Thưa cô, cái anh tên là Mizushima Kangetsu có hay đến thăm thầy không ạ?
– Vâng, hay đến lắm.
– Anh ta là người như thế nào cơ?
– Nghe nói là người học vấn rất cao.
– Có nam nhi, hấp dẫn không?
– Ha… cũng cỡ như anh Tatara vậy.
– Vậy à? Cũng cỡ như em thôi à?
Tatara nói rất nghiêm chỉnh. Ông chủ hỏi:
– Sao cậu biết tên cậu Kangetsu?
– Hôm trước có người nhờ em hỏi. Té ra giá trị cái để hỏi chỉ là một nhân vật thế thôi à? Trước khi nghe, em đã chuẩn bị tinh thần về một anh Kangetsu hơn thế cơ.
– Cậu ta hơn hẳn cậu đấy.
– Thế à? Hơn hẳn em à?
Tatara không cười, cũng không phật ý. Đây là đặc tính của anh ta.
– Sắp tới anh ta sẽ thành tiến sĩ, phải không ạ?
– Nghe nói là đang viết luận văn.
– Cũng là đồ dở hơi rồi! Viết luận vân tiến sĩ à? Tưởng là người cũng đáng nói một chút chứ!
Bà chủ cười, nói:
– Vẫn là một kiến thức vĩ đại nhỉ.
– Nghe nói là nếu thành tiến sĩ thì sẽ được ai đó gả con gái cho hay gì ấy. Lại có cái đồ hâm như vậy nữa hay sao? Trở thành tiến sĩ để được gả con gái cho à? Em đã bảo là nếu có con gái để gả cho cái đồ như vậy thì thà gả quách cho em còn hơn.
– Bảo với ai?
– Với cái người nhờ em đi hỏi về anh Mizushima ấy.
– Tay Suzuki chứ gì?
– Không, với người đó thì không thể nói hết như vậy được. Ông ta là người to đầu (ông lớn, kẻ mạnh) mà.
– Anh Tatara đúng là Kage Benkei[7] (chỉ mạnh xó bếp thôi) nhỉ? Đến nhà tôi thì rất oai vệ nhưng trước mặt những ông như Suzuki thì lại khúm núm nhỉ?
– Vâng, nếu không như vậy thì sẽ nguy hiểm.
– Tatara, ta đi dạo một chút chăng?
Đột nhiên, ông chủ rủ khách. Từ nãy đến giờ ông mặc mỗi chiếc áo mỏng nên thấy lạnh. Chắc là ông nghĩ phải cử động một chút cho người ấm lên chăng nên mới nêu ra sáng kiến như vậy. Anh Tatara chẳng có chủ định gì cho nên tất nhiên là nhận lời ngay.
– Vâng, đi đi. Đi Ueno nhé. Hay đi Imosaka ăn bánh trôi đi. Thầy đã ăn bánh trôi ở đó bao giờ chưa? Cô cũng đi ăn thử một lần mà xem, bánh dẻo mà rẻ lắm. Ở đó cũng có thể uống rượu được.
Cũng như mọi bận, trong khi anh ta còn đang ba hoa luyên thuyên thì ông chủ đã đội mũ, đi ra chỗ để giày.
Tôi lại cần nghỉ ngơi một chút. Ông chủ và anh Tatara làm gì ở công viên Ueno? Ăn mấy đĩa bánh trôi ở Imosaka? Những chuyện như vậy tôi không cần theo dõi mà tôi cũng chẳng đủ can đảm đi theo họ. Cho nên tôi tranh thủ lúc này để nghỉ ngơi. Nghỉ ngơi là một quyền lợi mà vạn vật có quyền đòi hỏi thượng đế ban cho. Tất cả những kẻ nào sống và cử động trên thế gian này đều phải được nghỉ ngơi để làm tròn cái nghĩa vụ sinh sống đó. Neu có Chúa mà Chúa bảo rằng mày sinh ra để làm việc chứ không phải để ngủ, thì tôi sẽ trả lời rằng “vâng, tôi sinh ra để làm việc đúng như lời dạy của Ngài. Chính vì vậy mà tôi xin nghỉ ngơi để mà làm việc đấy.” Đến ngay cái đồ vô dụng, đi ca cẩm vói cả đồ vật như ông chủ nhà này, mà ngoài ngày chủ nhật ra, thỉnh thoảng cũng vẫn tự tìm cơ hội để nghỉ ngơi đấy thôi? Một kẻ đa tình, đa hận, ngày đêm lao tâm khổ não như tôi đây, thì dẫu là mèo, đương nhiên cũng cần được nghỉ ngơi nhiều hơn ông. Có điều tôi cảm thấy hơi buồn phiền là khi nãy, anh Tatara nhìn tôi mà lăng mạ rằng tôi lười nhác, chỉ biết nghỉ ngơi mà không làm được gì. Tất cả những bọn phàm phu tục tử, những kẻ bị vật thể sai khiến, chỉ là những đồ tệ hại, không biết cảm nhận gì ngoài năm giác quan. Đánh giá người khác chỉ biết nhìn hình thức bề ngoài, cái gì chúng cũng nghĩ giản tiện, cứ thấy không đổ mồ hôi là chúng nghĩ người ta không làm việc. Nghe nói Đức Đạt Ma đã ngồi thiền mà tu đến thối cả chân. Giả sử lúc đó có một cây Tsuta (cây thường xuân) từ trong khe nứt của tường bò ra, leo lên che kín cả mắt mũi mà Ngài vẫn không nhúc nhích, thì không phải là Ngài đang ngủ hay đã chết rồi đâu. Lúc đó, đầu óc Ngài vẫn đang làm việc. Ngài đang suy ngẫm về những lý lẽ “quách nhiên vô thánh”[8] gì gì đấy chứ. Nghe nói các nhà Nho cũng có phương pháp tọa Thiền. Đây không phải là một cách tu hành an nhàn hay là một cách ngồi lê trong một căn phòng kín. Ngược lại đó là cách bắt đầu óc làm việc gấp đôi người khác. Có điều, nhìn bề ngoài thì thấy tư thế của họ vô cùng thanh thản, điềm tĩnh, cho nên những con mắt phàm tục ở đời lại tưởng các vị đại trí thức bậc thầy này là những người thường hay ngủ say, giả chết, và cất lời phỉ báng họ rằng đó không phải là đại nhân hay chỉ là “túi cơm giá áo” gì gì đó.
Những con mắt phàm tục này vốn dĩ là những kẻ sinh ra chỉ biết dùng thị giác khiếm khuyết để chỉ nhìn người chứ không nhìn tấm lòng người khác. Cái anh Tatara này là loại số một trong cái bọn đó, chỉ nhìn bề ngoài mà không biết bên trong, cho nên nhìn thấy tôi anh ta tưởng chỉ đáng giá ngang với “cái que dính phân khô” thì cũng đúng thôi. Đáng hận hơn là ngay cả dến ông chủ, là người có học, đã từng đọc sách kim cổ, có thể hiểu biết đúng sự đời, vậy mà cũng cứ nhất nhất đồng tình vói cái anh Sanpei nông cạn kia, không hề có một ý kiến khác nào về cái chuyện nồi lẩu mèo kia cả!
Nhưng nếu bình tĩnh mà nghĩ lại thì cái việc từ trước tới nay bọn họ coi thường tôi, cũng không phải hoàn toàn là vô lý. “Tiếng to[9] không lọt tai thiên hạ”! Từ xưa người ta đã ví rằng “thơ Dương Xuân Bạch Tuyết ít có người xướng họa” mà lại. Bắt những kẻ chỉ có thể nhìn thấy vật thể, phải nhìn thấy cái hồn bên trong, thì có khác nào bắt nhà sư phải búi tóc hay bảo tôi đi diễn thuyết cho bọn cá ngừ chúng nó nghe? Làm việc đó khác nào yêu cầu tàu điện phải chạy trật đường ray, bắt ông chủ phải bỏ nghề đang làm hay bảo Sanpei hãy thôi đừng nghĩ tới tiền nữa. Suy cho cùng, đó là những yêu cầu quá mức, không thể thực hiện được.
Tuy nhiên mèo cũng là một động vật trong xã hội. Chừng nào là một động vật của xã hội thì dù đặt mình ở địa vị cao đến đâu, ở mức độ nào đấy, cũng cần phải giữ sự cân bằng với xã hội. Về chuyện cái bọn ông chủ, bà chủ, chị bếp hay Tatara đánh giá không đúng về tôi thì đáng tiếc không thể khác được, đành phải chịu thôi. Nhưng cái khủng khiếp lớn hơn là biết đâu một ngày nào đó, họ lột da tôi đem bán cho nhà hàng Samisen, băm thịt tôi ra bày lên mâm cho Tatara kia. Tôi là một con mèo xưa nay chưa hề có, sinh ra trong bể khổ này với sứ mệnh làm việc bằng cái đầu của mình, cho nên thân thể tôi rất quan trọng. Người xưa đã có câu “của quý chớ để hớ hênh”, nếu cứ “thấy người sang bắt quàng làm họ”, đùa bỡn mà để nguy hiểm đến tính mệnh của mình thì không chỉ tai hại cho một mình ta mà còn là sự trái ý trời rất nghiêm trọng. Mãnh hổ mà sa vào vườn thú thì cũng phải nằm cạnh bọn lợn dính đầy phân. Hồng nhạn mà bị nhốt vào lồng thì có ngày cùng nằm trên thớt với gà con. Để hòa hợp với lũ phàm nhân thì đành phải nhượng bộ mà biến thành phàm mèo thôi. Không phải là phàm mèo thì mới không cần phải bắt chuột. Cuối cùng tôi đã quyết định là mình phải bắt chuột.
Suốt từ dạo gần đây, nghe nói Nhật tranh với Nga. Tôi là mèo Nhật Bản nên tất nhiên là đứng về phe Nhật. Thậm chí tôi còn muốn nếu được thì tổ chức một đội quân “Lữ đoàn mèo hỗn hợp” để cào cấu quân Nga nữa kia. Một kẻ vương trượng, mạnh mẽ như tôi đây, nếu có ý định thì việc bắt một hai con chuột, chỉ cần nằm không cũng bắt được. Nghe nói, ngày xưa có người hỏi một Thiền sư nổi tiếng đương thời rằng “Làm thế nào để tu cho có thành quả?”, Thiền sư trả lời là “hãy làm như mèo rình chuột ấy!” Làm như mèo bắt chuột, có nghĩa là cứ làm như thế là không sai. Tục ngữ có câu “đàn bà khôn cũng…”[10] nhưng chưa có câu “mèo khôn cũng bắt hụt chuột”. Xem ra như vậy thì dù là khôn ngoan như tôi cũng không có kẻ nào là không bắt chuột cả. Không những bắt mà còn không bao giờ bắt trượt nữa. Từ trước tới nay tôi không bắt chẳng qua chỉ là không muốn bắt thôi.
Mặt trời mùa xuân lại sắp lặn như ngày hôm qua. Những cánh hoa trông như tuyết, bay theo gió, qua lỗ thủng ở cửa sổ bay vào tận trong bếp. Dưới ánh sáng mờ mờ của chiếc đèn dầu chuyên dụng trong nhà bếp, tôi nhìn thấy những cái bóng trăng trắng nổi trong bồn bệ rửa bát. Tôi định hôm nay sẽ ra tay, làm cho cả nhà phải kinh ngạc nên cần quan sát kỹ trận địa, nắm vững địa hình trước. Chiến trường tất nhiên không phải là rộng lắm, tính ra chỉ khoảng độ 4 chiếu. Trong đó khoảng một chiếu ngăn ra làm đôi, một nửa là bệ rửa còn một nửa là chỗ để rau cỏ, mắm muối, rượu bia khi người bán hàng mang tới. Trên bếp lò rất sang, không tương xứng với gian bếp nghèo nàn, có một cái bình đun nước bằng đồng đỏ, sáng bóng. Phía sau đó, khoảng 2 thước để trông là phòng lát ván, chính là phòng ăn của tôi. Gần với phòng khách khoảng 6 thước là nơi kê thành kệ để bát đĩa, làm cho gian bếp vốn chật lại càng chật hơn. Cái kệ này cao ngang tầm với cái xích đông đóng chìa ra. Dưới kệ có một cái cối để ngửa, trong cối có một cái gáo nhỏ chĩa đuôi về phía tôi. Những cái bào, cái nạo xếp cạnh nhau, bên cạnh có một bình chữa cháy đờ đẫn đứng chờ. Giữa chỗ giao nhau của xà nhà đã đen kịt, thòng xuống một chiếc móc treo, trên đó treo một cái rổ to bẹt long. Cái rổ thỉnh thoảng bị gió thổi lại đong đưa rất ung dung, đủng đỉnh. Lúc mới đến nhà này, tôi không hiểu cái rổ này treo ở đây để làm gì? Nhưng từ khi tôi biết người ta cố tình để thức ăn vào đấy vì mèo không thể với tới được, thì tôi đã thấm thía được sự đáng ghét của con người.
Bây giờ tôi bắt đầu lập kế hoạch tác chiến. Đánh nhau với chuột ở chỗ nào? Tất nhiên là ở chỗ nào mà chuột xuất hiện. Dù cho địa hình có thuận lợi đến đâu mà cứ chờ cho kẻ địch đến đó mới chiến đấu thì không có chiến tranh. Như vậy, cần nghiên cứu những lỗ mà chuột vẫn chui ra. Tôi đứng giữa bếp, quan sát bốn xung quanh xem chuột sẽ chui ra từ phía nào? Tâm trạng tôi lúc đó giống như Đại tướng Togo[11] vậy. Cô sen lúc nãy vừa đi tắm về. Bọn trẻ con thì đã ngủ cả. Ông chủ đi ăn bánh trôi ở Imosaka về, lại chui vào phòng sách và cố thủ trong đó. Còn bà chủ, bà ta đang làm gì, tôi không biết. Chắc là đang ngủ gật và mơ đến những củ khoai mỡ chăng?
Trước cửa nhà, thỉnh thoảng có tiếng xe kéo tay chạy qua. Xe đi khỏi, tất cả lại trở nên lặng ngắt. Quyết tâm của tôi, ý chí của tôi, quang cảnh trong gian bếp, sự tĩnh mịch xung quanh, tất cả mọi thứ đều toát lên cảm giác rất bi tráng. Dẫu sao cũng không thể không nghĩ rằng đây chính là đại tướng Đông Hương của loài mèo. Bước vào ranh giới này, bất kỳ ai cũng đều cảm thấy một cảm giác cực kỳ thú vị. Với tôi, trong tận đáy sâu xa của nỗi khoái cảm này, tôi lại phát hiện ra một nỗi lo lớn đang hiển hiện. Chiến đấu với chuột là điều tôi đã xác định rõ, dẫu cho có mấy con chuột cùng xuất hiện một lúc tôi cũng không sợ. Song, điều bất tiện là không biết rõ chúng sẽ chui ra từ chỗ nào? Nhìn lại toàn bộ tài liệu đã thu được qua điều tra cẩn mật thì bọn thử tặc thường “đột xuất” theo ba con đường:
Nếu là bọn chuột cống rãnh thì nhất định chúng sẽ mò theo cống nước, từ bệ rửa chui lên rồi vòng ra sau bếp lò. Lúc đó tôi sẽ nấp sau bình cứu hỏa, chặn đường về của chúng. Hoặc có thể chúng từ lỗ thoát nước trong nhà tắm vòng ra, bất ngờ nhảy vào nhà bếp cũng chưa biết chừng. Lúc đó tôi sẽ ngồi trên vung nồi giữ thế, khi chúng đến trước mắt, tôi sẽ từ trên cao nhảy xuống, tóm gọn. Và còn một đường nữa. Khi tôi quan sát xung quanh thì thấy góc bên phải cửa chạn bị cắn rách một lỗ hình bán nguyệt, tôi nghĩ đây là chỗ ra vào của chúng. Tôi đưa mũi hít thử thì thấy có mùi chuột. Nếu chúng hét lên mà nhảy ra từ chỗ này thì tôi sẽ dùng cột nhà làm lá chắn, để cho chúng vượt lên, rồi từ bên cạnh tôi thò móng ra.
Nếu chúng xuất hiện từ trên trần nhà, nơi mà đứng dưới nhìn lên trông giống như phía sau của địa ngục đã được lộn trái, treo lơ lửng, vói những vết muội đen ngòm, phản chiếu ánh đèn lấp lóa? Chỗ này thì tay tôi với lên cũng không tới, với xuống cũng không được. Chắc là chúng chẳng bao giờ xuất hiện từ trên cao thế đâu, nên riêng phía này tôi không cần phải cảnh giác. Mặc dù vậy tôi vẫn cảm thấy một nỗi lo bị tấn công từ ba phía. Nếu chỉ có một cửa thì nửa mắt tôi cũng dẹp xong. Hai cửa thì cũng tự tin là thế nào rồi cũng dẹp được. Nhưng ba cửa thì dẫu cho là kẻ được trông chờ có “bản năng là bắt chuột” như tôi đây cũng có vẻ khó mà với tới được. Mặc dù vậy chẳng lẽ lại đi nhờ mèo Đen nhà hàng xe giúp sức thì còn gì là thể diện của tôi. Làm thế nào bây giờ nhỉ?
Khi mà ta cứ băn khoăn lo lắng “làm thế nào bây giờ nhỉ” mà mãi vẫn không nảy ra được trí tuệ gì, thị cách nhanh nhất làm cho ta an tâm hoàn toàn là không cần lo chuyện đó xảy ra nữa. Vả lại, những kẻ không tìm ra phương kế là những kẻ thích nghĩ rằng không có chuyện xảy ra. Hãy cứ nhìn đời mà thủng ra. Người vợ vừa mới cưới hôm qua, biết đâu hôm nay chết ngoẻo cũng chưa biết chừng. Mặc dù vậy các ông chồng vẫn vui mừng hớn hở, có ai lo lắng gì đâu?! Không lo lắng không phải vì sự lo lắng là vô ích, mà bởi vì có lo cũng chẳng tìm ra cách giải quyết. Trong trường hợp của tôi, không có cơ sở lý luận thích đáng nào để khẳng định rằng dứt khoát không có sự tấn công từ ba phía. Nhưng coi như không có là cách tốt nhất để được yên tâm. Yên tâm là cái cần thiết cho mọi sự, mọi vật. Tôi cũng muốn được yên tâm. Vì vậy tôi quyết định là không xảy ra trường hợp tấn công từ ba phía.
Mặc dù vậy tôi vẫn chưa an tâm. Tại sao lại thế nhỉ? Tôi suy nghĩ và dần dần hiểu ra rằng đó là vì tôi rất khó khăn trong việc phải tìm ra câu trả lời dứt khoát cho việc phải chọn sách lược nào trong cả ba sách lược đã dự tính? Chính điều này làm tôi phiền não. Nếu chúng chui ra từ trong chạn thì tôi đã có cách đối phó. Nếu chúng xuất hiện từ nhà tắm thì cũng đã có kế rồi. Và nếu chúng chui lên từ cống bệ rửa trong nhà bếp thì tôi cũng đã tính toán cách ứng phó. Nhưng tôi rất hoang mang khi phải chọn quyết định một trong ba cái đó.
Nghe nói đại tướng Đông Hương cũng đã từng băn khoăn lo lắng rất nhiều về việc hạm đội Baltic sẽ đi qua eo biển Tsushima hay tiến về eo biển Tsugaru, hay vòng sang tận eo biển Soya? Bây giờ, từ cảnh ngộ của mình suy ra, tôi đã tưởng tượng và thấu hiểu đươc hết nỗi gian nan vất vả của ông ấy. Tôi với đại tướng Đông Hương không chỉ hoàn toàn giống nhau về hoàn cảnh mà cả về địa vị và nỗi khổ tâm cũng hệt như nhau.
Trong lúc tôi đang vùi đầu vào tính toán mưu lược như vậy thì tấm cửa lùa rách đột nhiên mở ra, cô hầu gái ló mặt vào. Chỉ nhìn thấy mỗi cái mặt cô ấy. Không phải vì cô ấy không có chân tay mà bởi vì trời tối nên chẳng nhìn thấy gì, chỉ có mỗi cái mặt là có màu rõ ràng như từ đâu rơi xuống. Cô sen từ nhà tắm về, má đỏ hơn ngày thường, chắc là vì cái vụ tối qua nên vội vàng đóng cửa bếp sớm. Từ trong phòng sách nghe tiếng ông chủ bảo “để cái gậy dưới đầu giường cho tôi”. Tại sao phải trang trí cái gậy ở đầu giường như thế nhỉ? Tôi không thể hiểu nổi. Kiểu này chắc ông ta tưởng mình là tráng sĩ Dịch Thủy muốn say sưa nghe tiếng (sáo) lưu minh chăng? Hôm qua là khoai mỡ, hôm nay là cái gậy, không biết ngày mai sẽ là cái gì?
Đêm vẫn chưa khuya, vẫn chưa thấy chuột ra. Trước một cuộc chiến đấu lớn, tôi cần phải nghỉ ngơi cái đã.
Trong bếp nhà ông chủ không có cửa kéo thông hơi[12]. Nếu là trong phòng nghỉ thì có một chỗ gọi là ranma[13] thì ở đây chỉ là một khoảng trống, chiều rộng khoảng một thước, để ngăn cách thay cho cửa sổ, suốt mùa đông lẫn mùa hè. Một làn gió thổi, cuốn theo những cánh hoa anh đào rơi lả tả, làm tôi giật tỉnh dậy. Từ lúc nào, ánh trăng lờ mờ đã rọi vào làm cho cái bếp lò đổ bóng nghiêng nghiêng trên bệ gỗ. Hai ba lần tôi vẫy tai, nghe ngóng động tĩnh trong nhà xem mọi người có ngủ kỹ quá không, nhưng tất đều lặng ngắt, chỉ nghe thấy tiếng chiếc đồng hồ treo tường như đêm hôm qua. Đã đên giờ bọn chuột chui ra rồi đây. Chúng sẽ chui ra từ đâu?
Trong chạn nghe có tiếng lục sục, lục sục. Chắc bọn chúng đang lấy chân kẹp cái đĩa, rồi lục lọi trong đĩa đây. Chúng sẽ chui ra từ chỗ này đây. Tôi nghĩ vậy và thu mình bên cạnh lỗ thủng, chờ đợi. Mãi vẫn không thấy chúng ra. Tiếng đĩa đã im bặt. Lần này là tiếng bát hay gì đó, thỉnh thoảng có tiếng lạch cạch nghe nặng hơn. Nhưng tiếng động phát ra từ phía bên kia cửa, theo mũi tôi thì khoảng cách không quá 3 tấc. Thỉnh thoảng lại có tiếng chân thủng thẳng đến tận sát miệng lỗ thủng, nhưng rồi lại xa dần. Không thấy có con nào ló mặt ra cả. Chỉ cách một tấm cửa, lúc này, phía bên kia bọn địch đang hoành hành, mà tôi thì phải nín thở chờ đợi bên cạnh cái lỗ cửa, thật là kiên trì nhẫn nại. Bọn chuột đang mở tiệc tưng bừng, nhảy múa trong cái wan Lữ Thuận[14]. Chỉ cần cô sen để hé cửa cho tôi có thể vào được thì hay biết bao. Thế mà… Đúng là cái đồ người rừng, ngớ ngẩn!
Lần này, dưới bóng cái bếp lò, đĩa ăn bằng vỏ bào ngư của tôi kêu “kịch”. Bọn địch đã tràn tới vùng này rồi ư? Tôi rón rén, lặng lẽ tiến đến gần thì chỉ nhìn thấy một cái đuôi lấp ló trong cái chậu con, rồi biển mất sau bệ rửa. Một lúc sau, trong nhà tắm có tiếng cốc đánh răng va vào cái chậu sắt. Lần này từ phía sau à? Tôi vừa quay lại thì cách tôi độ 5 tấc có một con to bự đang kéo đổ hộp thuốc đánh răng, rồi chạy xuống gầm sàn nhà. Ta mà lại để cho mày thoát ư? Tôi nhảy xuống theo, nhưng cả con chuột lẫn bóng dáng của nó đã biến mất. Việc bắt chuột hóa ra khó hơn là ta tưởng! Có lẽ tôi không có cái khả năng bắt chuột bẩm sinh chăng?
Tôi trở lại phòng tắm thì lũ chuột từ trong chạn chạy ra. Tôi canh chừng trong chạn thì bọn chuột nhảy từ bệ rửa lên. Tôi cố gắng giữ vị trí giữa bếp thì đồng thời cả ba phía dần dần náo động. Bọn này thuộc loại hèn mạt hay bỉ ổi chứ không phải loại giặc quân tử. Tôi đã chạy đôn chạy đáo hết bên này sang bên kia đến 15, 16 lần rồi, rất hao tâm tổn sức mà chưa một lần nào thành công. Thật chán quá! Nhưng nếu phải đánh nhau với bọn địch tiểu nhân như thế này, thì dẫu là đại tướng Đông Hương cũng hết phương sách. Lúc đầu thì tràn đầy dũng khí và lòng căm thù, thậm chí cả cảm giác bi tráng cao quý nữa, nhưng cuối cùng chỉ còn lại cảm giác phiền toái, thấy mình sao mà ngu ngốc. Mệt mỏi và buồn ngủ, tôi lặng lẽ ngồi bất động giữa bếp. Mặc dù ngồi bất động, tôi vẫn quan sát hết sức chặt chẽ khắp bốn phía, nhưng bọn địch vốn tiểu nhân nên không làm gì được chúng. Cái bọn mà mình chọn làm kẻ thù này, không ngờ lại là một lũ tiểu nhân keo kiệt, ngoài dự tính, thành ra cái cảm giác vinh quang của chiến tranh biến đi đâu mất, chỉ còn lại mỗi cảm giác căm ghét. Cảm giác này xuyên suốt ý nghĩ của tôi, làm tôi tiêu tan chí khí, trở nên đờ đẫn. Sau thẫn thờ một lúc, tôi mặc xác chúng, cái bọn không thể trị được ấy. Tôi khinh bỉ chúng đến cực kỳ buồn… ngủ. Theo trình tự như vậy cuối cùng tôi đã ngủ béng. Tôi ngủ. Sự nghỉ ngơi, dù là đang lúc ở giữa quân địch, cũng rất cần thiết.
Từ cửa lùa, then cài bị xoay ngang, mở ra, một nắm tuyết cánh hoa ném vào, khiến tôi cảm thấy một luồng gió rất mạnh phả vào mình. Vừa lúc đó, từ cửa chạn một cái gì nhảy phốc ra như một viên đạn. Tôi không kịp tránh nên viên đạn cắt gió, ngoạm vào tai trái tôi. Tiếp theo, tôi tưởng cái bóng đen này sẽ vòng lại phía sau, thì lập tức nó bám vào đuôi tôi. Sự việc xảy ra trong nháy mắt. Tôi nhảy dựng lên theo phản xạ, dồn tất cả sức lực vào các lỗ chân lông để giãy cái vật này ra. Cái vật bám ở tai tôi mất trọng tâm, bám lủng lẳng vào ngay mặt tôi. Cái đuôi của nó mềm như cao su, bất ngờ thọc vào miệng tôi. Lâm vào bước đường cùng, tôi ngoạm lấy cái đuôi đó định cắn cho nát ra và tôi vung người sang hai bên thì chỉ có cái đuôi dính lại trong răng cửa, thân mình nó bập vào bức tường dán giấy báo cũ, rồi bật trở lại, rơi xuống bệ gỗ. Tôi lập tức lao tới chộp giữa lúc nó đang định gượng dậy thì nó sượt qua mũi tôi như đá quả cầu, rồi đứng thu chân trên bệ xích đông. Từ trên bệ đó, nó nhìn xuống tôi. Tôi nhìn lên nó từ kẽ sàn gỗ. Hai bên cách nhau khoảng 5 thước. Giữa khoảng cách đó là ánh trăng chênh chếch chiếu vào, trông như một tấm vải ai đó trải ra trong không gian.
Tôi dồn tất cả sức lực vào chân trước, định nhảy lên kệ. Nhưng chỉ có hai chân trước bám được vào kệ, hai chân sau lơ lửng trong không. Ở đuôi tôi, cái vật lúc nãy vẫn bám chắc, dẫu có chết cũng không chịu rời ra. Tôi bị nguy rồi. Tôi đổi chân trước, định bám chắc hơn nữa vào kệ. Nhưng do sức nặng từ phía đuôi, mỗi lần đổi chân thì chân cứ rời dần ra, chỉ trượt hai ba lần là sẽ rơi xuống mất. Càng ngày tôi càng nguy. Móng chân tôi cào xoẹt xoẹt vào kệ. Thế này không ổn rồi. Nhân khi đổi chân trước bên trái, bị trượt móng tôi chỉ còn bám mỗi một chân bên phải vào kệ. Sức nặng của bản thân cộng với cái vật bám ở đuôi làm cho thân mình tôi xoay lủng lẳng.
Con quái vật trên kệ từ nãy đến giờ im lặng theo dõi, chẩn đoán số mệnh của tôi, dán mất vào trán tôi, rồi nhảy phụt từ trên kệ xuống như người ta ném một hòn đá. Móng chân tôi mất nốt chút níu bám cuối cùng, cả ba khối đen cùng cắt dọc ánh trăng rơi xuống. Cái cối, rồi cái gáo gỗ để trong đó cùng với cái hộp đựng mứt rỗng để dưới tầng kệ cuối cùng, tất cả hợp thành một khối, kéo theo chiếc bình cứu hỏa phía dưới, một nửa rơi vào vại nước, một nửa lăn trên sàn gỗ, tạo thành một tiếng động bất thường trong đêm khuya, làm lạnh cả gan một vật vô tích sự đang điên tiết là tôi.
“Kẻ trộm!”
Ông chủ kêu ré lên, rồi chạy từ phòng ngủ sang. Tôi nhìn thấy ông một tay xách đèn, một tay cầm gậy. Từ đôi mắt ngái ngủ của ông tóe ra một luồng sáng quắc, rất tương xứng với bổn phận của ông lúc ấy. Tôi lặng lẽ nằm cuộn mình bên cạnh cái đĩa ăn bằng vỏ bào ngư. Hai con quái vật thì trốn trong chạn.
Ông chủ một mình quát hỏi thịnh nộ “làm cái gì thế hả? ai? ai mà làm ầm lên thế?”, mặc dù chẳng có ai cả.
Trăng đã ngả về phía tây. Dải ánh sáng trăng đã nhỏ lại chỉ còn bằng cuộn giấy chăng ra.
Chú thích
[1] Ý nói sách tiếng nước ngoài, không phải tiếng Nhật viết dọc.
[2] Quảng Pháp đại sư Không Hai (774-835), một cao tăng thời đại Hei An, người đã đưa Phật phái Chân ngôn tông vào Nhật, một trong ba nhà thư pháp xuất sắc nhất thời Hei An.
[3] Một loại áo khoác giống haori nhưng đơn giản và rẻ tiền, dùng cho người nghèo và người lao động.
[4] Tức tỉnh Saga hiện nay.
[5] tức năm 1905.
[6] Ô-tan-chin âm tiếng Nhật có nghĩa là đoảng vị, ngớ ngẩn, nghe hơi giống âm Constantin trong tên C. Palaeologus, vị hoàng đế cuối cùng của đế quốc Đông La mã Constantin 11 (tại vị 1448-1453) nên tác giả ghép vào chơi chữ, có thể hiểu là “Ngài Palaeologus ngớ ngẩn”.
[7] Biện Khánh, là nhân vật tượng trưng cho sức mạnh, Kage Benkei nghĩa đen là “Biên Khánh trong bóng tối”.
[8] Lời của Đạt ma trong “Bích nghiêm lục”, Phật thư đời Tống, có nghãi là “Ý nghãi sâu xa của Thiền rất trong sáng và bao la, ở đó không có khoảng cách giữa thánh nhân với người phàm”.
[9] Việc lớn, điều khó hiểu.
[10] Câu tục ngữ hoàn chỉnh là “đàn bà khôn cũng bán bò hớ” ý nghĩa như “khôn ngoan cũng thể đàn bà”.
[11] Đông Hương Bình Bát Lang (1847-1934), Đại tướng hải quân, tư lệnh trưởng hạm đội liên quân, trong chiến tranh Nhật Nga 1904-1905.
[12] Hikimado, cửa sổ trên mái.
[13] Bức hoành gỗ bên trên cửa kính, thường có điêu khắc, vừa là nơi trang trí vừa để thông khí.
[14] Trong tiếng Nhật, “vịnh” và “cái bát” đều phát âm là “oan”, ở đây có thể hiểu cả hai nghĩa.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.