Tôi Là Con Mèo

CHƯƠNG 6 PHẦN 2



– Tôi cũng nghĩ mãi về chuyện đó. Chắc là ăn nhiều cơm thịt rắn quá chăng? Cơm rắn nó nóng mà.
– Thế mà anh không bị làm sao. May quá nhỉ.
– Tôi may mắn không bị hói đầu, nhưng thay vào đó lại bị cận thị nặng thế này đây.
Meitei nói rồi rút khăn mùi xoa ra, lau rất cẩn thận chiếc kính gọng vàng. Một lúc sau, ông chủ hình như chợt nhớ ra, hỏi:
– Vậy thì chuyện của cậu nó thần bí ở chỗ nào?
– Thần bí ở chỗ là cái bộ tóc già đó mua ở đâu hay nhặt được ở đâu? Tôi cứ thắc mắc mãi, cho đến bây giờ vẫn chưa hiểu được!
Meitei đeo kính lại trên sống mũi. Bà chủ bình luận:
– Cứ như là tấu hài vậy.
Chuyện của Meitei đến đây tạm kết thúc. Tưởng thế là xong. Nhưng vốn bản chất tiên sinh này là không bị bịt miệng thì không thể im lặng được, cho nên lại nói tiếp:
– Vụ thất tình của tôi cũng là một kinh nghiệm cay đắng. Nếu hồi đó mà không biết, rước cái bình vôi đó về thì suốt đời sẽ thành một cái gai trước mắt. Không cẩn thận thì rất nguy hiểm. Kết hôn là chuyện nhiều khi một người nào đó, khi sắp quyết định rồi mới phát hiện ra ở đối phương có một tì vết ở một chỗ vớ vẩn nào đó. Anh Kangetsu cũng đừng có tự mình quá ngưỡng mộ hay lơ đễnh, nên chú ý, thận trọng thì hơn. Mà phải bình tĩnh, cứ mài quả cầu đi đã.
Nghe ông ta đưa ra “dị kiến”[13] như vậy, anh Kangetsu cố tình tỏ ra nhún nhường nói:
– Vâng, tôi cũng sẽ cố hết sức chỉ tập trung vào mài quả cầu thôi. Nhưng phía bên kia không để cho yên, nên tôi cũng yếu thế lắm!
– Đúng rồi, cậu thì phía bên kia họ làm rùm beng lên thế, nhưng trong đó cũng có sự ranh mãnh đấy. Còn cái cậu Robai vào thư viện đi tiểu kia thì cũng có chuyện kỳ quặc lắm nhé.
Ông chủ tiếp giọng, hỏi:
– Nó đã làm gì vậy?
– Chả là thế này, tiên sinh này ngày xưa đã có lần trọ ở cái quán Đông Tây ở Shizuoka, chỉ một đêm thôi. Thế rồi ngay đêm đó đã ngỏ lời cầu hôn cô hầu phòng của quán đó. Tôi cũng là người rất gặp hay chớ, nhưng cũng chưa đến mức như vậy. Vả lại, hồi đó có tin đồn là ở nhà trọ này có một cô hầu đẹp nổi tiếng tên là O Natsu. Chính cô này là người phục vụ phòng cậu Robai hôm đó, cho nên cũng không phải không có lý.
– Không những không vô lý, mà chuyện cũng giống như cậu ngủ trọ ở trên đèo vậy thôi.
– Cũng hơi giống nhỉ. Thực ra thì giữa tôi với Robai cũng chẳng khác nhau là mấy mà! Chỉ biết là cậu ta ngỏ lời xin kết hôn với cô O Natsu và chưa được trả lời thì lại muốn ăn dưa hấu.
– Cái gì?
Ông chủ tỏ vẻ khó hiểu. Không phải chỉ có mình ông chủ mà cả bà chủ, anh Kangetsu đều ngoẹo cổ suy nghĩ. Meitei vẫn mặc kệ, tiếp tục kể:
– Cậu ta gọi O Natsu vào, hỏi ở Shizuoka có dưa hấu không? Cô hầu trả lời dù là Shizuoka thì cái gì chứ dưa hấu làm gì mà không có. Thế rồi cô ấy bưng đến một mâm đầy ụ dưa hấu. Cậu ta ăn hết sạch một mâm đầy như vậy và chờ đợi câu trả lời của cô O Natsu. Nhưng câu trả lời chưa có thì đã bị đau bụng. Cậu ta rên ư ử cũng không hết đau, nên lại gọi cô O Natsu đến. Lần này cậu ta hỏi ở Shizuoka có thầy thuốc không? Cô ấy lại trả lời cái gì chứ thầy thuốc thì có và dẫn đến một vị doctor có cái tên nghe như kẻ trộm trong Thiên tự văn[14] là Thiên Địa Huyền Hoàng.
Sáng hôm sau, nhờ trời bụng cậu ta cũng hết đau. Trước khi lên đường mười lăm phút, cậu ta lại gọi cô O Natsu đến, hỏi xem kết quả cô chấp nhận hay từ chối vụ cầu hôn đêm qua? Cô O Natsu cười bảo ở Shizuoka dưa hấu cũng có, thầy thuốc cũng có, nhưng không có cô dâu nào chỉ qua một đêm mà thành được. Nói rồi cô ta đi biệt, không bao giờ còn thấy mặt nữa. Cậu Robai từ đó cũng thất tình giống tôi và đến thư viện chỉ để đi tiểu thôi. Xem ra đàn bà con gái là những người có tội cả.
Ông ta nói như vậy và ông chủ cũng đồng cảm từ lúc nào, tỏ ra lên nước vào đúng đoạn tế nhị, nói:
– Đúng thế đấy. Hôm trước tôi đọc kịch bản của Musset[15] trong đó nhân vật dẫn lời một thi sĩ La Mã nói là “Nhẹ hơn lông là bụi, nhẹ hơn bụi là gió, nhẹ hơn gió là đàn bà. Nhẹ hơn đàn bà là hư vô”. Ông ta nói rất chính xác. Đàn bà là không thể khác được.
Nghe điều này, bà chủ không thừa nhận:
– Mình nói đàn bà nhẹ thì xấu nhưng đàn ông nặng cũng chẳng tốt đẹp gì.
– Nặng? Cô bảo cái gì nặng?
– Những cái gọi là nặng ấy, như mình chẳng hạn.
– Tôi nặng ở chỗ nào?
– Thế không phải là nặng à?
Một cuộc tranh luận kỳ lạ đã bắt đầu. Meitei lắng nghe một cách thích thú, rồi mập mờ lên tiếng, không ra khen cũng không ra giễu cợt:
– Công kích nhau thẳng thừng thế này mới đúng là chân tướng của vợ chồng đấy nhỉ? Chứ vợ chồng ngày xưa thì chỉ bị ràng buộc vào vật chất một cách vô nghĩa thôi.
Thế rồi, giá ông ta im đi ở chỗ đó thì hay, nhưng không, vẫn cái giọng lên lớp mọi khi, ông ta tiếp tục:
– Nghe nói, ngày xưa không có một người đàn bà nào dám cãi lại chồng. Như vậy thì khác gì lấy một người câm về làm vợ. Tôi chẳng muốn như vậy tí nào. Tôi cũng muốn được vợ bảo “Anh chả nặng là gì” hay gì gì đó, như chị ấy đây xem thế nào. Nếu lấy một người vợ tương đương mà thỉnh thoảng không cãi nhau một chút thì buồn chán chết. Như mẹ tôi thì trước mặt bố tôi chỉ biết vâng dạ là hết. Nghe nói trong suốt hai mươi năm sống với nhau, ngoài đi chùa ra, bà chưa bao giờ đi đâu khác, thật tội nghiệp. Được cái cũng nhờ thế mà tên tuổi cúng cơm của các đời tiên tổ, mẹ tôi thuộc hết.
Về giao tiếp nam nữ cũng vậy, khi tôi còn bé, tuyệt nhiên không có chuyện nào là đi hòa nhạc, giao cảm tâm linh hay gặp gỡ người trong mộng một cách mông lung như anh Kangetsu đây được.
Anh Kangetsu cúi đầu nói một cách lễ phép:
– Tội nghiệp quá nhỉ!
– Quả là tội nghiệp thật đấy. Nhưng không nhất thiết là phụ nữ hồi đó tốt hơn phụ nữ ngày nay đâu. Chị này, gần đây người ta cứ hay khắt khe, phàn nàn là nữ sinh hư hỏng này nọ… Nhưng ngày xưa còn khắt khe, quá quắt hơn nhiều.
Bà chủ hỏi rất nghiêm chỉnh:
– Thế à?
– Vâng, thế đấy. Không phải tôi nói bậy bạ đâu, mà có chứng cớ hẳn hoi đấy. Cậu Kushanu, chắc cậu còn nhớ chứ? Cho đến hồi tụi mình năm, sáu tuổi, người ta vẫn còn bỏ con gái vào quang thúng, gánh đi bán như bán bí đỏ ấy, nhỉ?
– Tôi không biết chuyện đó.
– Ở quê cậu thế nào không biết, chứ ở Shizuoka thì đúng là như vậy.
– Thật à?
Bà chủ cất tiếng hỏi khe khẽ. Lập tức Kangetsu cũng hỏi, vẻ không thật tí nào:
– Thật thế à?
– Thật mà. Thực ra bố tôi còn đã từng định giá nữa kia. Lúc đó tôi khoảng sáu tuổi. Đang đi dạo cùng với bố tôi từ khu Abura sang phố Tori thì nghe có tiếng la rất to ở phía trước “con gái đây, ai mua con gái không?” Khi chúng tôi vừa đến góc phố thứ hai thì gặp người đàn ông ấy trước cửa tiệm quần áo kimono Isegen. Nhà hàng Isegen là tiệm quần áo kimono lớn nhất ở Shizuoka. Cửa hàng rộng mười gian, kho hàng của họ loại năm cửa. Lần sau đi Shizuoka, các cậu đến đó mà xem, bây giờ vẫn còn nguyên như thế. Một ngôi nhà cực kỳ! Người quản lý nhà đó tên là Kanbee, lúc nào cũng ngồi ở quầy tính tiền với bộ mặt như mẹ mới chết cách đây ba hôm. Bên cạnh ông ta là một người trẻ khoảng hai mươi bốn, hai mươi lăm tuổi tên là Hachu. Cậu Hachu này cũng có bộ mặt vàng vọt của người đã quy y với Unshorishi[16], ba bảy hăm mốt ngày chỉ uống có nước luộc mì soba cho qua ngày độ tháng. Bên cạnh cậu Hachu là anh Cho. Anh này trông như người vừa được kéo ra khỏi đám cháy hôm qua, buồn bã tì người vào chiếc bàn tính. Ngang hàng với Cho là…
– Cậu định nói về cửa hàng kimono hay là về chuyện bán người đấy?
– Đúng, đúng. Tôi đang định nói về chuyện bán người mà. Thực ra thì cái nhà hàng Isegen này cũng có chuyện rất kỳ quặc, nhưng đành bỏ qua đi. Hôm nay chỉ nói về chuyện bán người thôi.
– Chuyện bán người cũng bỏ qua luôn đi thì tốt,
– Sao lại bỏ? Đây là một tài liệu tham khảo rất hay để so sánh phẩm cách của phụ nữ thế kỷ 20 hiện nay với thời kỳ đầu Minh Trị mà lại. Làm sao mà có thể bỏ qua một cách dễ dàng như vậy?… Thế rồi, tôi và bố tôi đi đến cửa tiệm Isegen thì cái ông bán người này nhìn bố tôi bảo “này ông, ông có mua những đứa con gái ế thừa này không, tôi bán rẻ cho, mua đi”. Rồi ông ta đặt gánh xuống, lau mồ hôi. Nhìn vào thấy trong giỏ phía trước có một đứa, phía sau một đứa con gái, đứa nào cũng khoảng độ hai tuổi. Bố tôi nhìn người đàn ông này bảo “Nếu ông bán rẻ thì tôi mua. Nhưng chỉ còn bằng này thôi à?” “Vâng, đáng tiếc là hôm nay bán hết rồi, chỉ còn lại có hai đứa. Đứa nào cũng được, ông ưng thì lấy đi”. Ông ta nói và lấy hai tay nhấc đứa con gái lên, chìa vào mặt bố tôi như một quả bí đỏ hay quả gì vậy. Bố tôi vỗ bộp bộp vào đầu con bé bảo “chà, tiếng kêu nghe khá đây” rồi hai bên bắt đầu mà cả giá. Kỳ kèo lên xuống mãi, cuối cùng bố tôi bảo “tôi mua cũng được, nhưng chất lượng có tốt không?” “Vâng, đứa phía trước thì tôi đã nhìn kỹ từ đầu đến cuối nên đảm bảo là được. Còn đứa phía sau thì ai có mắt đằng sau để mà nhìn. Có thể cũng có vết rạn nứt nào đấy, tùy hoàn cảnh. Đứa này nếu ông không chấp nhận thì tôi sẽ giảm giá cho”. Những lời mặc cả này cho đến giờ tôi vẫn còn nhớ như in. Lúc đó, trong thâm tâm trẻ con, tôi tự nhủ “quả thật đối với con gái, không thể lơ là khinh suất được”. Nhưng ở năm Minh Trị 38 ngày nay, không còn ai bắt chước cái việc ngu ngốc là gánh con gái đi bán rong như vậy nữa. Mà cũng không nghe ai nói là đứa gánh ở sau không để mắt tới được là đứa nguy hiểm cả. Nhưng theo suy nghĩ của tôi, nhờ văn minh phương Tây mà phẩm cách phụ nữ đã tiến bộ rất nhiều. Anh Kangetsu thấy thế nào?
Trước khi trả lời, anh Kangetsu đã đằng hắng lấy giọng, rồi bằng một giọng trầm, anh bình tĩnh nêu nhận xét của mình như sau:
– Con gái ngày nay họ đi học, đi đàn hát, đi làm từ thiện, đi hội hè vui chơi. “Nào mua đi! Này ông kia…” Họ tự rao bán mình chứ không cần thuê ông hàng rong đi rao “ai mua con gái không”, một loại buôn bán ủy thác tầm thường như thế nữa. Khi ý thức độc lập của con người phát triển thì tự nhiên nó sẽ như vậy. Những người già cứ gánh lấy cái khổ là hay lo xa vô ích, rồi kêu ca này nọ. Thực tế mà nói thì đây là xu thế của thời đại mà tôi vẫn thầm lặng lẽ tỏ ý hoan nghênh nó như một hiện tượng đáng mừng. Người mua không có ai phải gõ vào đầu để kiểm tra chất lượng một cách thô bạo nữa. Đó là điều làm ta an tâm. Vả lại, trong thế giới phức tạp này, làm nhiêu khê như vậy đến đâu cũng không hết giới hạn. Nếu làm thế thì đến năm, sáu mươi tuổi, người ta vẫn chưa thể đi lấy chồng được.
Là một thanh niên của thế kỷ 20, anh Kangetsu đã bày tỏ rõ ràng quan điểm về thời đại mình như vậy, rồi phả khói thuốc lá Shikisima ra trước mặt tiên sinh Meitei. Meitei không phải là loại người chùn bước trước khói thuốc.
– Đúng như lời dạy rất quý báu này, các nữ sinh, tiểu thư ngày nay có bản lĩnh, tự tin nên cái gì họ cũng làm được. Cho đên tận thịt da xương tủy, họ không chịu thua kém nam giới bất kỳ nột cái gì. Thật đáng kính nể hết chỗ nói. Ở trường nữ sinh gần nhà tôi, mỗi khi các cô ấy đến trường thì khiếp lắm. Họ xắn tay áo lên mà đu xà, trông rất nể. Mỗi khi đứng trên tầng hai nhìn họ tập thể dục, tôi lại nghĩ đến những phụ nữ Hy Lạp cổ đại.
– Lại Hy Lạp à?
Ông chủ cười nhạt buông lời. Meitei lập tức ra vẻ hiểu biết giảng giải:
– Thì tất cả mọi cảm giác về cái đẹp đều bắt nguồn từ Hy Lạp mà, biết làm sao được. Nhà mỹ học và Hy Lạp là hai thứ không thể tách rời nhau. Vì vậy, mỗi khi nhìn những nữ sinh da đen xạm, hì hục chơi thể thao thì tôi lại nghĩ đến chuyện ngụ ngôn về Agnodice.
Anh Kangetsu vẫn tủm tỉm cười:
– Lại có một cái tên khó hiểu nữa!
– Agnodice là một phụ nữ rất giỏi. Tôi thật sự khâm phục. Hồi đó luật pháp Athen cấm phụ nữ làm nghề đỡ đẻ, rất bất tiện. Bà Agnodice cũng cảm thấy sự bất tiện đó chứ sao!
– Cái gì? Cái mà cậu nói là gì gì ấy nó là cái gì?
– Là phụ nữ. Đó là tên một người đàn bà. Người phụ nữ này đã suy nghĩ mãi và nghĩ rằng nếu phụ nữ không trở thành bà đỡ được thì rất xấu hổ nhục nhã và bất tiện. Có cách nào, làm thế nào để trở thành bà đỡ được không? Bà ấy đã khoanh tay suy nghĩ suốt ba ngày ba đêm. Đúng rạng sáng ngày thứ ba thì từ nhà bên cạnh có tiếng trẻ sơ sinh oe oe khóc. A. Đây rồi! Bà ta bừng tỉnh ngộ. Bà ta lập tức cắt tóc ngắn, mặc quần áo đàn ông, đi dự lớp học của Hierophilus. Nghe chăm chú buổi giảng từ đầu đến cuối xong, thế là được rồi, bà ta bắt đầu làm nghề đỡ đẻ. Nhưng mà, chị này, việc đó trở thành trào lưu nhé! Thế là khắp nơi, chỗ nào cũng trẻ con oe oe chào đời. Tất cả những đứa trẻ đó đều nhờ bà đỡ Agnodice nên bà giàu to. Nhưng con người ta, cái gì cũng là “Tái ông mất ngựa” cả, “bảy lần ngã tám lần đứng lên”, “chó cắn áo rách, dậu đổ bìm leo” mà, cuối cùng bí mật bị lộ, bà ta bị ghép vào tội phá vỡ chế độ pháp luật của Bề trên (thần phật) và bị phạt rất nặng.
– Nghe cứ như là Koshaku[17] ấy nhỉ!
– Nói giỏi đấy chứ hả? Nhưng rồi tất cả phụ nữ Athen đã đồng loạt ký tên vào đơn kêu ca và thỉnh cầu, làm cho nhà chức trách đương thời không thể nhắm mắt làm ngơ được. Cuối cùng đương sự được tha bổng, trắng tội. Kết cục, thậm chí còn có đạo dụ tuyên bố từ nay trở đi phụ nữ cũng được làm nghề đỡ đẻ.
– Anh biết nhiều thứ nhỉ. Giỏi thật đấy.
– Vâng, những thứ đại khái thì cái gì tôi cũng biết cả, chỉ có mỗi sự ngu ngốc của mình là không biết thôi. Nhưng cũng hơi biết biết một chút đấy.
– Hí hí… toàn những chuyện kỳ quặc, hay ghê cơ.
Khi bà chủ cười phá lên thì ngoài cửa có tiếng chuông, y hệt như tiếng khi nó mới được lắp ở đây.
– Ôi, lại có khách nữa!
Bà chủ nói và chạy sang phòng nghỉ. Người thay thế chỗ ngồi của bà, tưởng ai, hóa ra là anh Ochi Tofu mà chúng ta đã biết. Có thêm anh Tofu nữa thì ở đây tề tựu, mặc dù không nói được là đủ cả những kẻ dị thường, vẫn thường lui tới nhà ông chủ, nhưng phải nói là đã có được một số lượng đáng ngạc nhiên, đến nỗi có thể xoa dịu nỗi chán chường của tôi. Nếu thế này mà vẫn còn cho là thiếu thì thật đáng tiếc đấy. Nếu rủi mà được nuôi ở một nhà khác thì có thể cho đến khi chết, tôi vẫn chưa biết được rằng ở trên đời này đã từng có, dù chỉ là một người trong các tiên sinh này đã từng tồn tại đâu! May sao tôi đã được làm một đệ tử mèo dưới cửa nhà tiên sinh Kushami, suốt ngày ngồi trước bức trướng da hổ, nhờ vậy mà có thể vừa nằm vừa quan sát, ngắm nhìn mọi cử chỉ hành động của các vị hào kiệt “hơn ngàn lần người khác” mà cả Tokyo rộng lớn này cũng hiếm thấy như Meitei, Kangetsu hay Tofu, và tất nhiên là cả ông chủ nữa. Đó là một vinh hạnh “ngàn năm có một đối với tôi. Nhờ vậy mà tôi quên được cái nóng mùa hè khó chịu, khi phải quấn trong bộ lông dày cộp, qua được một nửa ngày thú vị. Thật là may mắn. Họ tập trung đông đủ thế này không phải là thường đâu. Nhất định sẽ có cái gì đây! Tôi nấp sau cánh cửa, cung kính nhìn ngắm họ.
– Ôi, xin lỗi, lâu quá rồi mới gặp lại quý vị.
Tôi nhìn lên đầu cái người vừa cất lời chào là ông Tofu này thì thấy nó vẫn sáng bóng như lần trước. Nếu chỉ nói về cái đầu thì nó giống đầu một anh kép quèn trong một gánh hát, nhưng nhìn chiếc quần hakama cứng quèo mà anh ta mặc một cách khổ sở thì không thể không nghĩ tới một đệ tử ruột của Sakakibara Kenkichi[18]. Do vậy, thân thể anh ta, chỉ có từ vai đến lưng là giống người bình thường.
– Trời ơi, nóng thế này mà cũng chịu khó đi nhỉ. Nào, vào trong này đi.
Tiên sinh Meitei chào mời cứ như đây là nhà của mình không bằng.
– Lâu lắm rồi không được gặp thầy nhỉ?
– Đúng vậy. Có lẽ từ sau hội ngâm đọc văn thơ hồi mùa xuân đến giờ, bây giờ mới gặp đấy nhỉ. Lại nói đến hội ngâm đọc, dạo này hội đó phát triển mạnh chứ? Sau đó cậu có sắm vai Omiya nữa không? Cái đó hay thật. Tôi đã nhiệt liệt vỗ tay đấy, cậu có biết không?
– Vâng, biết. Nhờ thế mà em đã mạnh dạn lên chèo được đò cho đến cuối cùng đấy.
– Bao giờ thì lại tổ chức? – Lần này là ông chủ hỏi.
– Tháng 7, tháng 8, nghỉ hai tháng. Sang tháng 9 thì định làm một cái gì cho rộn rã hơn. Thầy có ý tưởng gì không ạ?
– Ồ…
Ông chủ trả lời một cách lơ đãng. Lần này đến lượt anh Kangetsu tiếp chuyện:
– Này anh Tofu, các anh có biểu diễn một tác phẩm của tôi sáng tác không?
– Tác phẩm của anh thì chắc là hay đấy. Tác phẩm gì vậy?
– Một kịch bản.
Nghe Kangetsu ra sức vật nài, đúng theo ý đồ, cả ba người cũng trút bớt ác ý, nhất loạt nhìn vào mặt đương sự. Tofu sốt sắng hỏi:
– Kịch bản thì tốt rồi. Bi kịch hay hài kịch đấy?
Kangetsu lạnh lùng đáp:
– Chẳng phải hài cũng chẳng phải bi. Gần đây người ta hay làm rùm beng về vấn đề kịch mới hay kịch cũ, cho nên tôi đưa ra một khoảng cách mới, sáng tác “bài kịch”.
– Bài kịch là thế nào?
– Đó là hai chữ “bài” và “kịch”, chứa đựng chất kịch mang sở thích bài cú.
Nghe nói thế, cả ông chủ và Meitei đều bị bắn hỏa mù, hơi chững lại.
– Vậy thì chủ đề là gì?
Người hỏi vẫn là anh Tofu.
– Gốc rễ của nó từ haiku mà ra nên nếu hay độc ác thì không tốt, do vậy tôi chỉ làm một màn thôi.
– À, thế hả?
– Trước hết nói về đạo cụ. Đạo cụ cũng thật đơn giản mới hay. Chỉ dựng một cây liễu ở giữa sân khấu. Từ cây liễu đó, cho một cành vươn về phía tay phải, trên đó có một con quạ đang đậu.
Ông chủ có vẻ lo lắng, nói một mình:
– Nếu con quạ nó đậu yên một chỗ thì tốt, nhưng…
– Không, làm gì có chuyện. Sẽ lấy chỉ buộc chân con quạ vào cành cây chứ. Thế rồi, bên dưới cành cây đặt một cái bồn tắm. Trong bồn tắm có một người đẹp đang nằm, tay cầm chiếc mùi xoa.
Meitei hỏi:
– Cái đó hoi decadent[19] đấy nhỉ. Nhưng trước hết ai sẽ là người đẹp đó?
– Lo gì, sẽ có ngay thôi mà. Sẽ thuê một người mẫu của trường mỹ thuật.
Ông chủ lại lo:
– Làm thế thì sở cảnh sát sẽ làm khó dễ đấy.
– Nếu không biểu diễn để lấy tiền thì không sao cả. Một chuyện như vậy mà bị nói gì thì ở trường mỹ thuật làm sao mà vẽ được tranh khỏa thân tả chân?
– Nhưng đó là để luyện tập thì hơi khác với để xem chứ?
– Các thầy đây mà vẫn còn nói thế thì nước Nhật chưa thể khá được. Hội họa hay là sân khấu thì cũng đều là nghệ thuật cả.
Anh Kangetsu khí thế tỏ ra rất hăng hái. Tofu có vẻ đồng ý muốn làm lắm rồi, hỏi:
– Thôi, không cần tranh luận nữa. Thế rồi sau đó thế nào?
– Thế rồi, từ cánh gà, thi nhân Takahama Kyoshi[20], tay cầm gậy, đầu đội mũ phớt trắng, áo khoác haori vải gấm hoa, chân đi giày, mặc kimono vải sợi bông Satuma vén vạt, bước ra. Ăn mặc thì trông như một tướng tá lục quân, nhưng lại là một thi sĩ haiku. Vì vậy ông hết sức ung dung, đĩnh đạc, tỏ ra trong thâm tâm không hề có ý định làm thơ. Thế rồi Kyoshi rẽ khỏi cánh gà, tiến dần đến sân khấu chính, bất chợt ngẩng nhìn lên thấy cây liễu. Dưới cây liễu có người đẹp đang tắm. Thi sĩ giật mình ngẩng lên thì thấy đậu trên cành liễu dài, con quạ đang cúi nhìn cô gái. Lập tức Hư Tử tiên sinh cảm thấy một chất bài cú rất mạnh, chỉ trong năm mươi giây, ngài lớn tiếng đọc:
Một cô gái đang tắm.
Mải mê nhìn người đẹp say đắm
Là con quạ đấy ư.
Và đó cũng đồng thời là tín hiệu báo kéo phông, hạ màn.
Thế nào? Ý tưởng của tôi thế nào? Anh thấy có được không? Đóng vai Kyoshi còn hơn vai Omiya nhiều.
Anh Tofu, vẻ mặt như còn cảm thấy thiếu một cái gì đó, trả lời thành thật:
– Không có ý nghĩa lắm. Tôi muốn nó phải là một câu chuyện tình nghĩa gì cơ.
Yên lặng từ nãy tới giờ, tới đây Meitei dường như không thể ngồi yên được nữa:
– Vậy thì “bài kịch” sơ sài nhỉ. Theo thuyết của ông Ueda Bin thì cái mùi vị “bài” (đùa bỡn) hay cái chất hài hước gì đó là những âm thanh vong quốc, tiêu cực. Chỉ mỗi ông Ueda là đã phát hiện ra cái điều rất hay ấy. Ai lại đi làm thử cái thứ vớ vẩn như thế, chỉ tổ bị ông ấy cười cho thôi. Dù đó là kịch hay là trò hề trò hiếc gì thì cũng rất tiêu cực, không hiểu nổi đâu. Nói vô phép chứ, cậu Kangetsu thì tốt nhất là hãy cứ mài cái viên đá trong phòng thí nghiệm đi là hơn, chứ “bài kịch” thì dẫu có sáng tác một trăm hay hai trăm vở mà bi liên lụy với cái vần vong quốc thì cũng vứt đi.
Anh Kangetsu có vẻ hơi tức, liền giải thích chỗ ý nghĩa hai mặt của tác phẩm:
– Tiêu cực thế kia ư? Tôi lại nghĩ là tích cực cơ đấy. Cái ông Kyoshi này ấy à? Tiên sinh Kyoshi đã bắt con quạ phải mê say cô gái bằng câu thơ “mải mê nhìn người đẹp say đắm” là chỗ tích cực nhất đấy.
– Ồ, một lý thuyết mới đấy nhỉ. Xin hãy thuyết trình rõ hơn cho nghe đi.
– Với các nhà khoa học tự nhiên thì, việc một con quạ say mê một cô gái, xem ra có vẻ là vô lý.
– Rất đúng.
– Nhưng cái vô lý đó, nếu được nói lên một cách thành thật, tự nhiên thì nghe lại không vô lý tí nào cả.
– Có thể như vậy à?
Ông chủ hoài nghi hỏi chen vào, nhưng anh Kangetsu vẫn không giảm khí thế:
– Tại sao nghe không thấy vô lý? Cái này, nếu phân tích về mặt tâm lý thì dễ hiểu thôi. Thực ra thì việc “mê” hay “không mê” là tâm trạng tình cảm của thi nhân chứ chẳng có liên quan gì đến con quạ cả. Nhưng việc cảm nhận rằng con quạ này say mê đây, cái đó không phải con quạ nói mà chính là bản thân thi nhân say mê. Bản thân Kyoshi khi bất chợt nhìn thấy người đẹp đang tắm thì giật mình và chắc là say mê. Với con mắt mê say của mình, lại nhìn thấy con quạ trên cành cao, đang im lặng nhìn xuống, nên ngài đã lầm tưởng “à thì ra con quạ kia tâm trạng cũng giống mình”. Rõ ràng đây là sự lầm tưởng. Nhưng sự lầm tưởng này mang tính chất văn học và có tính tích cực. Thản nhiên đem cảm giác của mình mà phóng đại lên một con quạ, chẳng có liên quan gì, chính chỗ này là chỗ mang chủ nghĩa tích cực nhất đấy. Thế nào? Tiên sinh thấy có đúng không ạ?
– À, thì ra là thế. Một lý luận thật là sáng giá. Neu đem lý luận này mà nói cho Kyoshi nghe thì ông ta sẽ vô cùng kinh ngạc đấy. Nghe giải thích thì tích cực đấy, nhưng thực tế, nếu vở kịch này mà công diễn thì những người xem nhất định sẽ tiêu cực, anh Tofu nhỉ?
– Vâng, tôi nghĩ là sẽ quá tiêu cực mất.
Anh ta trả lời rất nghiêm chỉnh, ông chủ hình như không muốn mở rộng thêm việc bàn luận này nữa, quay sang hỏi Tofu:
– Thế nào cậu Tofu, dạo này có kiệt tác gì không?
– Không, chẳng có tác phẩm gì đáng đem ra khoe cả. Nhưng vừa rồi em định cho in một tập thơ. Em có mang bản thảo theo đây, nhân tiện muốn thầy cho ý kiến.
Anh nói rồi rút trong túi ra một cái bọc, gói bằng tấm lụa tím, lôi từ trong đó ra khoảng năm, sáu chục tờ bản thảo, đặt trước mặt ông chủ. Ông chủ có vẻ thích thú, vội cầm lên và “xin phép được bái kiến”. Ông nhìn thấy ở ngay trang đầu tiên hai dòng chữ;
“Xin dâng tặng tiểu thư Tomiko,
Trông yêu kiều yểu điệu chẳng giống ai.”
Ông tiếp tục lẩm nhẩm đọc được chừng một trang, nét mặt lộ vẻ kỳ lạ, bí hiểm thì Meitei ghé ngang nhìn vào, cứ thế khen lấy khen để:
– Cái gì thế? Thơ mới à? Ái chà, dâng tặng à? Cậu Tofu hết lòng dâng tặng tiểu thư Tomiko thì oai thật!
Ông chủ có vè càng hoài nghi hơn, hỏi:
– Này Tofu, cái người tên là Tomiko này là có thật đấy à?
– Vâng, là một trong những phụ nữ trước đây em đã từng mời đến hội ngâm đọc văn học cùng với thầy Meitei đấy. Vả lại, nhà cô ta ở ngay gần đây thôi. Thực ra, lúc nãy em định đến đó để cho cô ấy xem tập thơ này, nhưng trớ trêu thay, cả nhà ấy đã đi nghỉ mát ở Oiso từ tháng trước mất rồi.
Anh ta nói một cách trịnh trọng, nghiêm túc.
– Này, cậu Kushami, đây là thế kỷ 20, cậu không nên giữ cái bộ mặt như vậy, hãy ngâm to kiệt tác ấy lên đi. Nhưng mà cậu Tofu, cái kiểu dâng tặng thê này là hơi dở đấy. Cái nhã từ “yểu điệu” này cậu nghĩ nghĩa là cái gì vậy?
– Là “yếu” hay là “yêu yếu” gì đấy.
– À, thì ra thế hả. Không phải là tôi không luận ra như vậy, nhưng nghĩa gốc của nó vốn là “có vẻ nguy hiểm” “không yên”, cho nên nếu là tôi thì tôi không viết thế này đâu.
– Thế thì viết như thế nào nghe mới thơ hơn?
– Nếu tôi thì tôi sẽ viết thế này:
“Xin dâng tặng dưới mũi nàng Tomiko
Nhìn kiều điệu chẳng giống ai trên đời”
Chỉ cần thêm hai từ “dưới mũi” vào thôi mà cảm giác khác hẳn giữa khi thêm và không thêm.
– À, đúng như vậy thật!
Anh Tofu có vẻ như cố tình chấp nhận một cái mà mình không thể hiểu, ông chủ lẳng lặng lật một trang rồi đọc to lên chương mở đầu:
Sau làn hương chán chường lan tỏa
Đây hồn em hay hương khói thương nhau
Ôi… ta! A! Tôi… trên cõi trần cay đắng
Được thắm thiết hôn hương say ngọt lịm.
– Cái này tôi không thể hiểu được.
Ông chủ phàn nàn rồi giao tập thơ cho Meitei.
– Cái này hơi quá lên gân.
Meitei lại đưa cho Kangetsu. Kangetsu bảo “à, thì ra thế đấy” rồi đưa cho Tofu.
– Thầy ạ, thầy không hiểu được là rất đúng. Thế giới thơ hiện nay đã phát triển, khác hẳn so với mười năm trước. Thơ ngày nay, nằm mà đọc hay ngồi ở bến xe mà đọc cũng đều không thể hiểu được. Ngay cả tác giả của nó, nếu có hỏi cũng khó mà trả lời được. Đó là vì sáng tác hoàn toàn theo cảm hứng ngẫu nhiên (Inspiration) nên tác giả không chịu trách nhiệm gì cả. Tùy người đọc suy diễn, lý giải hay nghiền ngẫm thế nào cũng được. Hôm trước, một người bạn của em tên là Soseki đã viết một truyện ngắn tựa đề là “Một đêm”, ai đọc cũng thấy mung lung, chẳng nắm bắt được gì. Có người tìm đến tác giả hỏi những chỗ nào là sâu sắc, đáng chú ý thì tác giả bảo không biết. Có lẽ đó là cái đặc trưng nhất của nhà thơ chăng?
– Có thể đó là một nhà thơ, nhưng có lẽ là người hơi kỳ dị nhi?!
Ông chủ nói thế. Meitei nói, khẳng định luôn về Soseki:
– Đó là đồ gàn.
Tofu dường như vẫn chưa nói hết, lại tiếp:
– Cái tay Soseki này thì ngay cả nhóm chúng ta cũng phải loại trừ ra rồi, nhưng thơ của tôi thì mong các thầy đọc cho với tinh thần như vậy. Ở đây xin lưu ý đến cái đối lập giữa “cuộc đời cay đắng này” với “cái hôn ngọt ngào” là dụng ý rất công phu của tôi.
– Vâng nhìn thấy rất rõ vết tích của sự công phu vất vả đấy.
– Sự đối lập giữa “cay” và “ngọt” là cái hay của ớt và bột gia vị 17 vị[21] đấy. Đây hoàn toàn là tài năng rất đặc biệt của cậu Tofu, xin bái phục sát đất.
Mọi người cứ thế đùa bỡn, trêu chọc một con người thật thà. Ông chủ không biết nghĩ gì, tự nhiên đứng lên, đi vào phòng sách lấy một tờ giấy rồi quay ra, nói có vẻ thực lòng:
– Chúng ta đã được chiêm ngưỡng tác phẩm của cậu Tofu, bây giờ tôi xin làm một bài văn và xin các vị cho lời bình.
– Nếu là văn bia mộ của Thiên Nhiên Cư Sĩ thì chúng tôi đã nghe hai, ba lần rồi.
– Thôi, im đi. Này anh Tofu, đây hoàn toàn không phải bài tủ của tôi đâu, thực sự là ngẫu hứng, xin hãy lắng nghe đây.
– Vâng, nhất định xin lắng nghe ạ.
– Cậu Kangetsu cũng nghe luôn thể đi.
– Không phải nghe luôn thể đâu mà là nghe thật sự đấy ạ. Chác là không dài chứ ạ?
– Không, độ sáu chục chữ thôi.
Thầy Kushami bắt đầu từ từ đọc tác phẩm danh giá do mình sáng tác:
“Hồn Đại hòa[22], khỉ gào lên
Người Nhật ho như bị đau phổi. ”
Anh Kangetsu khen:
– Nghe thấy cao vời vợi ấy nhỉ.
– “Hiệu bán báo nói Hồn Đại hòa!
Thằng móc túi nói Hồn Đại hòa!
Hồn Đại hòa, nhảy một bước qua biển, sang Anh
Ở nước Anh, Hồn Đại hòa diễn thuyết
Ở Đức, Hồn Đại hòa diễn kịch”
Lần này thầy Meitei ngồi nghiêm lại, nói:
– À, ra thế! Đây là tác phẩm còn hơn cả Thiên Nhiên Cư Sĩ đấy.
– “Đại tướng Đông Hương mang hồn Đại hòa
Ông Ngân hàng cá mang hồn Đại hòa
Nhà lừa đảo, nhà thầu khoán, nhà giết người
cũng mang hồn Đại hòa”
– Thưa thầy, xin thêm vào là cả anh Kangetsu cũng mang nữa ạ!
– “Hồn Đại hòa là cái gì?
Nếu hỏi người ta bảo
Nó là Hồn Đại hòa, rồi bỏ đi
Đi được hơn chục thước thì nghe tiếng “e hèm”
– Câu ấy được nhất đấy. Cậu thế mà có vẻ năng khiếu văn chương nhỉ. Câu tiếp theo thế nào?
– “Cái tam giác là hồn Đại hòa ư?
Cái tứ giác là hồn Đại hòa ư?
Hồn Đại hòa, như cái tên của nó, nó là hồn
Nó là hồn nên lúc nào nó cũng liêu xiêu”
– Thưa thầy, hay đấy, nhưng “hồn Đại hòa” hơi bị nhiều quá, phải không ạ? – Anh Tofu nhắc nhở như vậy.
– Rất tán thành. – Người nói này tất nhiên là Meitei.
– “Không có ai là không nói
Nhưng không có ai nhìn thấy
Ai cũng nghe nói tới
Nhưng chưa có ai gặp bao giờ
Hồn Đại Hòa, vậy phải chăng
Nó giống con Thiên cẩu[23]?”
Ông chủ đã đọc xong tác phẩm với ý định “ý tại ngôn ngoại”, tự nó mang ý nghĩa sâu xa. Song bài thơ hay, quá ngắn, không biết tứ của nó nằm ở chỗ nào, cả ba người cứ tưởng vẫn còn tiếp nên cố chờ. Chờ mãi không thấy gì, cuối cùng anh Kangetsu phải hỏi “hết rồi à?”. Lúc đó ông chủ mới khẽ trả lời “ừ”. Cái “ừ” của ông mới thoải mái làm sao! Đáng ngạc nhiên là ông Meitei, không mấy bình luận về bài tuyệt bút này như mọi khi, mà rút cuộc quay sang bảo:
– Cậu tập trung tất cả các bài viết của mình lại thành một tập, tặng cho ai đó chăng?
Ông chủ thản nhiên bảo:
– Tặng cậu nhé?
Meitei bảo “xin kiếu” rồi móc chiếc kéo khoe với bà chủ lúc nãy ra cắt móng tay “tanh tách”. Anh Kangetsu quay lại hỏi Tofu:
– Cậu biết tiểu thư nhà Kaneda à?
– Tôi đã mời cô ấy đi dự hội ngâm văn học mùa xuân vừa rồi mà. Thấy hợp nhau nên sau đó vẫn quan hệ quen biết. Khi đứng trước cô ấy, không hiểu sao tôi có một sự rung động đặc biệt. Ngay lúc đó, cảm xúc thơ ca cứ vui vẻ trào lên. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, nhiều thơ tình đã nảy sinh, có lẽ do có sự truyền cảm ngẫu hứng mà tình bạn giữa những người khác giới gây ra chăng? Vì vậy, tôi định nhân dịp này phải dâng tặng tập thơ của mình để bày tỏ lòng cảm ơn tha thiết đối với tiểu thư đó. Nghe nói, xưa nay không có một người nào không có bạn gái mà lại làm được thơ hay cả.
– Thế à? – Anh Kangetsu đáp với nụ cười ẩn trong nét mặt.
Dẫu cho đó là những nhà hùng biện tào lao đến mấy thì cũng không thể cứ kéo dài mãi được. Ngọn lửa hăng say của những cây đàm tiếu cũng đã nguội dần. Tôi cũng chẳng có nghĩa vụ phải suốt ngày nghe những chuyện tán gẫu thường lệ của họ, nên vô phép đi ra sân tìm con bọ ngựa.
Mặt trời ngả về tây, để lọt những vầng nắng qua vòm lá xanh của cây ngô đồng. Trên cây, con bosi[24] miệt mài kêu ra rả. Kiểu này chắc đêm nay trời sẽ mưa.
Chú thích
[1] Nhà văn, mục sư người Anh (1771-1848).
[2] Nguyên văn là “lúc thổ dụng” tức thời gian 18 ngày trước khi bước vào tiết mùa hạ.
[3] Cơm chan nước chè.
[4] Nhà ảo thuật nổi tiếng thời đầu Minh Trị, đã tích cực đưa ảo thuật Tây phương vào Nhật Bản.
[5] Mì sợi làm từ bột kiều mạch
[6] Mì sợi to (bằng khoảng 2/3 chiếc đũa ăn cơm), làm từ bột tiểu mạch.
[7] Lão Mai, Lang cẩu, cáo già, gian giảo.
[8] Anh Kangetsu gọi cô này bằng họ, chứng tỏ mức độ quan hệ rất xã giao, xa lạ.
[9] Nhà văn, nhà phê bình người Anh (1850-1904), sinh ở Hy Lạp, làm phóng viên báo ở Mỹ. Năm 1890 sang Nhật lấy vợ Nhật và vào quốc tịch Nhật, lấy tên theo họ vợ. Từng dạy tiếng Anh và văn học Anh tại Đại học Tokyo và Waseda. Tác giả của tác phẩm “Mặt sau không biết của nước Nhật”.
[10] Khúc giả, kẻ méo mó, vạn năng, đồ hâm.
[11] Kiểu búi tóc mốt thịnh hành đương thời.
[12] Loại lò sưởi đốt củi, đồng thời là bếp ở giữa nhà.
[13] “Ý kiến” và “dị kiến” trong tiếng Nhật phát âm như nhau. Trong nguyên bản dùng chữ Hán “dị kiến” có thể hiểu là “ý kiến” hay “ý kiến khác người” hay “ý kiến kỳ dị”.
[14] Sách giáo khoa Trung Quốc thời Lục triều.
[15] Alfred Musset nhà thơ lãng mạn Pháp (1810-1857).
[16] (1827-1909), một vị sư phái Chân ngôn tông.
[17] Chuyện kể chuyên nghiệp.
[18] Sakakibara Kenkichi (1803-1894) một kiếm khách nổi tiếng thời cuối Mạc phủ, đầu Minh Trị.
[19] Trụy lạc, suy thoái.
[20] Cao Tân Hư Tử (1874-1959), một nhà thơ haiku có thực lực của trường phái Masaoka Siki, người đứng đầu tạp chí Hototogisu, là bạn của Natsume Soseki. Chính ông là người đã khuyên N.S viết văn và bắt đầu bằng tiểu thuyết “Tôi là con mèo” này đăng trên tạp chí Hototogisu.
[21] Một câu haiku 17 âm tiết.
[22] Yamato (Đại hòa) là một tên khác của Nhật Bản.
[23] Thiên cẩu là một quái vật trong tưởng tượng, sống trong rừng sâu, có hình người, mặt đỏ, mũi cao, có cánh, có sức thần thông… là tượng tưng cho sự kiêu căng, tự phụ.
[24] Pháp sư, tên một loài ve sầu.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.