Theo định luật chuyển động số I của Newton thì “một vật không bị lực tác động của vật khác, khi đang chuyển động sẽ di chuyển theo đường thẳng, với một tốc độ nhất định.” Nếu chuyển động của vật thể chỉ bị tác động theo quy luật này thì đầu ông chủ đã cùng chung số phận với Aeschylus rồi. Nhưng may là, cùng với định luật thứ nhất, Newton đã tạo ra định luật thứ hai, cho nên trong lúc nguy hiểm, đầu ông chủ đã vượt qua được số mệnh.
Định luật chuyển động thứ hai nói rằng “Sự thay đổi của chuyển động tỷ lệ thuận với lực tác động, nhưng theo phương cùng chiều với phương chuyển động của lực đó”. Cái này là thế nào, tôi chả hiểu gì cả. Nhưng thấy viên đạn đam đam không xuyên qua hàng rào tre, xé toang cửa kính, đập vỡ đầu ông chủ thì chắc là nhờ có ông Newton.
Một lúc sau, theo dự án, nghe có vẻ như quân địch đã vượt rào, chui vào vườn. Có tiếng sào khua lá cây, tiếng nói “chỗ này à?” “dịch về bên phải một chút chăng” v.v… Khi tất cả quân địch đều đã vào vườn nhà ông chủ để nhặt đạn đam đam, nhất định bao giờ cũng là những tiếng nói to đặc biệt. Nếu chúng cứ lẳng lặng mà vào, im lặng mà nhặt thì không đạt được mục đích quan trọng nhất. Viên đạn đam đam có thể là rất quý nhưng cái quý hơn là mục đích trêu tức ông chủ kia. Những lúc thế này, từ đằng xa chúng đã biết viên đạn ở chỗ nào rồi. Đã biết nó va vào hàng rào, biết cả chỗ nó va thì thừa biết chỗ nó rơi. Cho nên, nếu muốn yên lặng mà nhặt thì có thể hết sức yên lặng.
Theo định nghĩa của Leibniz[19] thì không gian là trật tự có thể xảy ra của các hiện tượng (có khả năng) cùng tồn tại. Các chữ cái A B C D… bao giờ cũng xuất hiện theo cùng một thứ tự. Dưới cây liễu nhất định có cá trạch. Đi liền với con dơi là mặt trăng. Quả bóng thì có thể không hợp với hàng rào. Nhưng cái không gian trong con mắt những kẻ ngày nào cũng ném bóng vào vườn nhà người khác thì nhất định đã quen với thứ tự sắp xếp này. Chỉ nhìn qua là biết ngay. Làm ầm ĩ lên thế này, rốt cuộc là sách lược khiêu chiến với ông chủ. Đến mức này thì dù có tiêu cực đến đâu, ông chủ cũng không thể không ứng chiến. Vừa mới ban nãy ở trong phòng nghỉ, nghe bài giảng luân lý rồi nhoẻn miệng cười, ông chủ đứng vùng dậy, tức tốc chạy ra, bắt sống ngay một tên địch. Với ông chủ thì tên địch này rất lớn xác. Lớn xác thì đúng rồi, nhưng tôi nhìn thì thấy chỉ là thằng nhóc độ mười bốn, mười lăm tuổi. Nó không xứng đáng lắm là địch thủ của một người có râu như ông chủ. Nhưng có lẽ, với ông chủ thì cho như thế này cũng đủ lắm rồi. Mặc cho nó xin lỗi, ông cứ kéo bừa nó vào đến tận trước thềm.
Ở đây cần nói một chút về sách lược của quân địch. Bọn địch nhìn hành động của ông chủ hôm qua thì biết, kiểu này thế nào hôm nay ông cũng đích thân xông ra. Lúc đó, nếu không may chạy không kịp mà một thằng lớn xác bị bắt thì phiền. Cho một thằng năm thứ nhất hay năm thứ hai làm chân nhặt bóng là tốt nhất trong việc tránh nguy hiểm. Được rồi. Nếu ông chủ tóm được một thằng nhóc con mà mè nheo lý lẽ nọ kia thì cũng chẳng tổn thương gì đến danh dự của Lạc vân quán, chỉ xấu mặt ông đi chấp với thằng nhãi ranh mà thôi. Bọn địch đã nghĩ như vậy. Đây là một suy nghĩ rất đúng với những người bình thường. Có điều, chúng lại không nhớ rằng kẻ thù của chúng không phải là người bình thường. Nếu có ý thức như vậy thì hôm qua ông đã chẳng nhảy ra.
Sự “lên cơn” nó làm người bình thường lên cơn mạnh hơn mức bình thường, làm cho người có ý thức trở thành vô ý thức. Đàn bà hay trẻ con, phu xe hay thằng chăn ngựa, nếu có ý thức phân biệt được như vậy thì đâu còn tự hào là người “lên cơn” nữa? Nếu không như ông chủ này, đi bắt sống một thằng học sinh trung học năm thứ nhất, không đáng chấp, làm con tin chiến tranh, thì làm sao có thể liệt vào hàng ngũ những nhà “lên cơn” được? Chỉ tội nghiệp là tên tù binh. Vì thi hành vai trò tạp binh, đi nhặt bóng theo lệnh của học sinh lớp trên mà không may bị một tướng địch không bình thường, một thiên tài “lên cơn” đuổi bắt, không kịp vượt hàng rào, nên bây giờ bị lôi ra trước sân. Như thế này thì quân địch không thể an nhàn ngồi nhìn nỗi hổ thẹn của phe ta được. “Cả tôi nữa. Cả tôi nữa…” Chúng nhảy qua hàng rào mắt cáo, từ cửa sau tràn vào trong sân. Số lượng có đến cả tá, chúng đứng la liệt trước mặt ông chủ. Đại để chúng không mặc áo ngoài, áo gilê cũng không. Có thằng xắn tay áo sơ mi trắng, khoanh tay. Có thằng áo vải flanel sợi bông nhưng chỉ khoác trên lưng. Tưởng vậy thôi, nhưng cũng có thằng rất diện, áo vải bông trắng có viền đen, giữa ngực thêu chữ hoa[20] cùng màu. Thằng nào trông cũng dũng mãnh, đáng một chọi trăm, bắp gân cuồn cuộn như muốn nói “mới từ Sasayama, Tanba đến tối qua đây!”[21]. Bọn này đưa vào trường trung học mà trau dồi học vấn thì thật phí. Cho đi làm ngư phủ hay chân sào, thủy thủ thì có lợi cho đất nước hơn. Trông chúng như một đám người đi chân không, quần xắn quá gối, sẵn sàng chạy sang chữa giúp đám cháy bên cạnh. Chúng chỉ đứng dàn hàng trước mặt ông chủ mà không nói năng gì. Ông chủ cũng không lên tiếng. Trong khoảnh khắc, hai bên gườm gườm kình nhau, đây sát khí.
– Các anh là kẻ trộm à?
Ông chủ hỏi với khí thế bừng bừng. Cục uất giận, bị nghiến răng kìm nén trong họng, bùng lên thành ngọn lửa, phun qua mũi, làm cho cái mũi nhỏ rõ ràng đang rung lên vì tức giận. Có lẽ mũi con sư tử Echigo cũng đã được làm phỏng theo mũi một người khi tức giận chăng? Nếu không thì làm sao có thể trông đáng sợ được như vậy?
– Không, không phải là kẻ trộm. Chúng tôi là học sinh của trường Lạc vân quán.
– Đừng nói bậy. Học sinh Lạc vân quán mà lại có người chui trộm vào vườn nhà người khác à?
– Nhưng rõ ràng chúng tôi đội mũ có phù hiệu của trường đây mà.
– Đồ giả chứ gì? Học sinh trường Lạc vân quán sao lại chui trộm vào vườn?
– Vì quả bóng rơi vào trong vườn.
– Tại sao bóng lại rơi vào vườn?
– Không may nó rơi vào thôi.
– Quái lạ nhỉ?
– Lần sau chúng tôi sẽ chú ý. Hôm nay xin ông tha thứ cho.
– Một kẻ không biết ở đâu tự nhiên nhảy qua rào, đột nhập vào nhà người khác mà có thể dễ dàng tha thứ được ư?
– Nhưng chúng tôi đúng là học sinh của trường Lạc vân quán mà!
– Học sinh trường Lạc vân quán thì học sinh năm thứ mấy?
– Năm thứ ba.
– Có đúng thật không?
– Vâng.
Ông chủ quay vào trong nhà gọi “này, này”. Cô sen, người Saitama, hé tấm cửa lùa, ló mặt ra.
– Đi sang Lạc vân quán, gọi một người nào đó về đây cho tôi.
– Gọi ai cơ ạ?
– Ai cũng được, cứ đi gọi đi.
Cô sen “vâng”, nhưng trước quang cảnh kỳ quặc trong sân cùng với việc không hiểu nổi bị sai để làm gì, cộng với sự tiến triển vớ vẩn của sự kiện từ nãy đến giờ, làm cho cô không biết làm gì, chỉ cười hề hề.
Ông chủ định phen này sẽ quyết làm to chuyện, sẽ vung mạnh cánh tay mẫn cán của người “lên cơn”. Vậy mà người bị ông sai lúc này lại có thái độ không nghiêm chỉnh, vừa nghe lệnh vừa cười, làm ông càng nổi giận hơn.
– Đã bảo là gọi ai cũng được mà, không hiểu à? Ông hiệu trưởng, người đại diện hay ông hiệu phó cũng được.
– Gọi ông hiệu trưởng ấy à cơ…?
Cô sen nghe chỉ hiểu mỗi từ hiệu trưởng.
– Đã bảo là hiệu trưởng cũng được, người đại diện cũng được, hiệu phó cũng được mà, vẫn không hiểu à?
– Nếu ai cũng đi vắng thì gọi người tạp dịch có được không ạ?
– Đồ dở hơi. Tạp dịch thì biết cái gì.
Đến đây thì cô sen cũng đành phải hiểu.
– Vâng ạ.
Cô vâng rồi đi nhưng vẫn chưa hiểu việc mình được sai nghĩa là thế nào. Tôi đang lo, nhỡ đâu cô dẫn người tạp dịch về thì làm thế nào, thì không ngờ ông thầy luân lý khi nãy từ cửa chính đi vào. Chờ cho ông ta điềm tĩnh ngồi xuống xong, ông chủ lập tức đi vào đàm phán:
– Thưa ông, vừa xong những người này đã chui trộm vào vườn nhà tôi.
Ông chủ dùng những ngôn từ cổ kính như các quan đại thần, giọng có vẻ giễu cợt.
– Có đúng là học sinh của quý trường không ạ?
Ông thầy luân lý không tỏ ra ngạc nhiên, bình tĩnh nhìn khắp một lượt các dũng sĩ đang xếp hàng ngoài sân, rồi quay lại ông chủ, trả lời:
– Vâng, đúng ạ. Tất cả đều là học sinh của trường chúng tôi. Trước sau, chúng tôi đã dạy bảo các em không được làm thế này. Vậy mà… thật khó hiểu… Tại sao các em lại trèo rào như vậy, hả?
Đúng là học sinh có khác. Không đứa nào nói gì với ông thầy luân lý cả. Chúng xúm lại một góc sân, ngồi chờ, trông như một đàn cừu bị tuyết…
– Thỉnh thoảng bóng rơi vào thì cũng đành… Sống bên cạnh trường thế này thì nhất định bóng sẽ rơi sang rồi. Nhưng mà… quá quắt quá. Giá như leo vào mà lẳng lặng nhặt như không ai biết thì cũng còn có thể bỏ qua được…
– Ông nói rất đúng. Chúng tôi luôn nhắc nhở đấy, nhưng vì học sinh đông quá. Từ nay, chúng tôi sẽ phải nhắc nhở hơn nữa. Nếu bóng rơi vào vườn thì phải đi vòng ra cửa trước, xin phép rồi mới được nhặt, nghe chưa? Trường rộng quá nên để mắt không xuể. Nhưng thể thao là môn giáo dục cần thiết nên không thể cấm được. Tôi biết là nếu tha thứ lần này thì lần sau có thể chúng lại làm phiền ông, nhưng thôi, mong ông rộng lượng. Thay vào đó, từ nay chúng tôi sẽ bắt chúng nó nhất định phải vào cổng, xin phép thì mới được nhặt.
– Vâng, nếu ông hiểu cho như vậy thì được rồi. Bóng rơi bao nhiêu cũng chẳng sao, cứ xin phép vào cửa chính thì không sao cả. Vậy thì tôi giao những học sinh này cho ông, ông đưa họ về đi. Chà, xin lỗi, tự nhiên đã làm mất thì giờ của ông.
Như thường lệ, ông chủ đã tiếp chuyện một cách đầu voi đuôi chuột như vậy. Ông thầy luân lý dẫn các thổ dân của Tanba rút qua cổng về Lạc vân quán. Đến đây tôi xin kết thúc cái gọi là “đại sự kiện”.
Ai có cười bảo thế mà cũng gọi là đại sự kiện thì cứ việc cười. Chưa phải là đại sự kiện đối với người đó thôi. Tôi nói đại sự kiện của ông chủ chứ không phải của người đó. Nếu ai chê là chuyện “đầu voi đuôi chuột”[22] thì nên nhớ rằng đó là đặc điểm của ông chủ. Xin nhớ rằng ông chủ là nguồn tư liệu để viết nên những tác phẩm hài hước và là người luôn bị thua thiệt cũng vì đặc điểm này. Nói rằng chấp với thằng nhãi ranh mười bốn, mươi lăm tuổi là việc dại dột thì tôi cũng đồng ý rằng đúng là dại. Cho nên ông Omachi Keigetsu mới bảo ông chủ là chưa thoát khỏi ấu trĩ.
Tôi đã trình bày sự kiện nhỏ, lại vừa nói xong sự kiện lớn. Bây giờ tôi định sẽ miêu tả những dư âm sau sự kiện lớn này để kết thúc toàn bộ thiên phóng sự của mình. Độc giả có thể nghĩ rằng những điều tôi viết toàn là chuyện bịa, nhưng tôi không phải là một con mèo cẩu thả, thiếu ý thức như vậy đâu. Trong từng câu, từng chữ của tôi, tất nhiên, đều chứa đựng những triết lý lớn lao của vũ trụ. Những câu, chữ ấy còn phối hợp với nhau theo từng từng lớp lớp, có trước có sau, có đầu có đuôi, đâu ra đấy. Nếu ai coi đây chỉ là chuyện nhảm nhí, chỉ đọc giữa chừng qua loa thì nội dung sẽ hốt nhiên biến báo (thay đổi đột ngột) thành loại thuyết giáo cao siêu, không đơn giản, dễ dàng. Vì vậy không được vô lễ vừa nằm vừa đọc hay đọc nhảy cóc năm dòng một. Phải như kiểu Liêu Tông Nguyên mỗi khi đọc văn Hàn Thái Chi, trước khi đọc phải rửa tay bằng nước hoa hồng, văn của tôi cũng thế. Ít ra cũng phải bỏ tiền túi ra mua mà đọc chứ đừng có kiểu bừa bãi, mượn của người khác về, đọc quấy quá cho xong là không được đâu.
Những chuyện tôi sắp nói sau đây, tôi gọi là “dư âm”, nhưng nếu vì gọi như thế mà nghĩ là không hay, không cần phải đọc thì sẽ hối tiếc đấy. Xin hãy nhiệt tâm mà đọc cho hết đi.
Sau hôm xảy ra sự kiện lớn, tôi muốn đi dạo một chút nên ra khỏi nhà. Ở góc đường, chỗ rẽ vào ngõ phố, thấy ông Kaneda và ông Suzuki đang đứng nói chuyện rất say sưa. Chả là ông Kaneda vừa đi xe từ đâu về thì gặp ông Suzuki đến thăm trong lúc đi vắng nên quay ra. Gần đây, nhà Kaneda không có gì kỳ lạ hấp dẫn tôi nên tôi ít lui tới phía đó. Hôm nay, nhìn thấy nhân vật này tôi thấy hơi nhơ nhớ quá khứ. Đã lâu lắm không gặp ông Suzuki, hãy dòm thử xem mặt mũi bây giờ thế nào? Nghĩ vậy, tôi lừ lừ đi đến gần chỗ hai vị đang đứng và tự nhiên nghe được chuyện của họ. Lỗi này không phải tại tôi mà tại người nói chuyện.
Kaneda là người có lòng tốt đến mức dùng thám tử theo dõi mọi động tĩnh của ông chủ thì ta ngẫu nhiên nghe chuyện của mi cũng không có gì đáng tức giận cả. Có tức chăng là ở chỗ mi không hiểu ý nghĩa của sự công bằng. Hãy cứ biết là ta đã nghe chuyện của hai cậu. Không phải ta nghe vì thích nghe, mà ta không thích nghe nhưng chuyện nó cứ tự nhiên lọt vào.
Cậu Tô[23] trịnh trọng cúi rạp đầu:
– Ôi, may quá, tôi vừa ở nhà anh ra đây.
– Ồ thế à? Thực ra mấy hôm vừa rồi tôi cũng định gặp cậu. May quá.
– May à? Thế anh có chuyện gì vậy?
– Cũng chẳng có gì quan trọng lắm. Việc thế nào cũng được ấy mà. Có điều, phải là cậu thì mới xong.
– Nếu làm được, việc gì tôi cũng sẵn sàng. Việc gì vậy?
-Ừm… cái đó thì…
Ông ta yên lặng suy nghĩ.
– Có việc gì thì khi nào tiện tôi sẽ đến, thế lúc nào thì anh rỗi?
– Không, không cần thiết đến thế đâu. Thế thì tiện đây, có lẽ nhờ cậu luôn chăng?
– Anh cứ nói, đừng ngại…
– Cái thằng gàn ấy mà, bạn cũ của cậu ấy, tên là Kushami hay là gì đấy.
– Vâng, tên là Kushami. Có chuyện gì vậy?
– Không, cũng chẳng có chuyện gì cả. Nhưng từ sau cái vụ ấy, tôi cứ thấy khó chịu thế nào ấy.
– Đúng là vậy. Kushami là kẻ rất ngạo mạn. Giá cậu ta nghĩ đến cái địa vị của mình một chút thì tốt, nhưng lại cứ nghĩ như dưới gầm trời này chỉ có mỗi một mình ta ấy.
– Thì vậy. Nó nói rất nhiều cái láo lếu, nào là không cần cúi đầu trước đồng tiền à? Nào là nhà doanh nghiệp thì là cái thớ gì à?… Nên tôi định cho hắn biết bàn tay của nhà doanh nghiệp nó là thế nào. Nhờ thế, dạo này cũng đã bớt bớt đi một chút nhưng vẫn còn cố lên gân. Thằng cha đến là ngang bướng. Thật đáng kinh ngạc.
– Cái quan niệm được mất của cậu ta rất nghèo nàn nên bị thế nào cũng cố chịu đựng. Từ trước tới giờ vẫn thế, dù có bị thiệt thòi, cậu ta cũng không bao giờ để ý, cho nên không sửa được.
– Ha ha… Đúng là không thể sửa được thật. Tôi đã dùng đủ mọi cách. Cuối cùng tôi phải dùng bọn học sinh.
– Cách đó kỳ diệu đấy. Thế có hiệu quả không?
– Dùng cái này thì cậu ta có vẻ gay go lắm. Chắc là không xa nữa, phải chịu thua thôi.
– Thế thì hay quá. Dù là người kiêu ngạo đến đâu thì rồi cũng phải đuối sức trước số đông thôi.
– Vậy mà… Một mình thì chẳng làm gì nổi đâu. Cũng có vẻ yếu đi nhiều rồi đấy, không biết bây giờ thế nào? Tôi muốn cậu đến xem thử giúp xem.
– À, thế à? Thế thì không có gì cả, tôi sẽ đi ngay. Tình hình thế nào, khi về tôi sẽ báo cáo anh. Chắc là thú vị lắm đây! Một kẻ ngoan cố như vậy mà bị mất ý chí thì chắc là thú vị lắm.
– Ừ, vậy khi về, cậu ghé qua tôi nhé, tôi sẽ chờ.
– Vậy, xin phép anh, tôi đi.
Trời ơi, lại âm mưu rồi. Thì ra thế lực của các nhà doanh nghiệp thật ghê gớm, làm phát điên những người tựa tro than như ông chủ. Vì đau buồn mà cái đầu của ông bị hói. Rồi cái đầu ấy cũng lại chịu số phận như đầu ông Aeschylus thôi. Tất cả đều do sức mạnh của các nhà doanh nghiệp mà ra! Không hiểu sức mạnh nào làm cho trái đất xoay quanh trục của nó, nhưng quả thật, đồng tiền đã làm xoay chuyển thế giới này. Chỉ có các nhà doanh nghiệp là hiểu được tác dụng và sức mạnh của đồng tiền, biết phát huy tối đa uy lực của nó theo ý muốn của mình. Cũng chính nhờ các nhà doanh nghiệp mà mặt trời có thể an toàn mọc lên ở phía đông, lặn xuống ở phía tây. Bản thân tôi tự cảm thấy hổ thẹn vì từ bấy đến nay đã không hiểu được điều này, được nuôi trong nhà một học giả nghèo, không biết những cái lợi của nhà doanh nghiệp.
Vậy thì cái ông chủ ngu si, bướng bỉnh lần này cũng phải sáng mắt ra thôi. Nếu vì ngu mà cứ khăng khăng gàn dở thì nguy to. Trước tiên, cái quý nhất là tính mạng của ông sẽ bị nguy hiểm. Không biết gặp Suzuki ông ấy sẽ nói năng gì đây? Với cung cách ấy thì cũng có thể biết được mức độ giác ngộ của ông rồi! Không thể chần chừ được nữa, dù là mèo, việc của chủ, mình phải lo lắng. Tôi vượt qua Suzuki, về nhà trước.
Suzuki vẫn là con người rất khôn khéo. Hôm nay ông ta không hề đả động gì đến nhà Kaneda, chỉ nói bâng quơ chuyện đời một cách vui vẻ.
– Nhìn sắc mặt cậu có vẻ không được khỏe, cậu có bị sao không thế?
– Cũng chẳng sao cả.
– Nhưng trông xanh lắm. Cậu phải cẩn thận đấy. Thời tiết không tốt mà. Đêm có ngủ được không?
– Ừ.
– Cậu có chuyện gì buồn phiền chăng? Nếu giúp được gì tôi sẵn sàng, cậu cứ nói, đừng ngại.
– Buồn phiền là buồn phiền cái gì?
– Không, nếu không có thì thôi. Tôi bảo là nếu có ấy mà. Buồn phiền là thứ độc hại nhất. Trên đời này, chỉ có sống vui vẻ, tươi cười là có lợi hơn cả. Sao cậu có vẻ trầm lặng quá.
– Cười cũng độc hại đấy. Cố tình cười có khi còn bị chết nữa cơ đấy.
– Đừng có nói đùa. “Phúc đến cửa nhà nào có tiếng cười” mà lại.
– Cậu có biết ngày xưa ở Hy Lạp có nhà triết học tên là Chrysippus không?
– Không. Thì làm sao?
– Ông ta cười nhiều quá mà chết đấy.
– Ủa, tay đó kỳ lạ nhỉ. Nhưng đó là chuyện ngày xưa.
– Ngày xưa hay ngày nay thì cũng khác gì nhau. Ông ta nhìn con lừa đang ăn quả sung trong một cái xô bằng bạc thì buồn cười quá, không sao nhịn được. Nhưng cười mãi không thể nín được, cuối cùng bị chết.
– Ha ha… Nhưng làm gì phải cười nhiều đến nỗi bị chết như vậy, chỉ cần cười một chút thôi, vừa đủ lượng, như vậy sẽ rất dễ chịu.
Trong lúc cậu Suzuki đang ra sức nghiên cứu ông chủ thì có tiếng cửa mở loạch xoạch, tưởng có khách, nhưng không phải.
– Xin lỗi, quả bóng bị rơi vào vườn, xin cho phép nhặt ạ.
Từ trong bếp, cô sen trả lời “vâng”. Cậu học sinh đi vòng ra sau vườn. Suzuki, vẻ khó hiểu, hỏi thế là thế nào?
– Bọn học trò sau nhà nó ném bóng vào vườn.
– Học trò sau nhà à? Ở sau nhà có học trò à?
– Có trường Lạc vân quán mà.
– À, thế à, trường học à? Thế thì ồn ào lắm nhỉ?
– Ồn ào hay náo nhiệt gì thì không biết, nhưng không sao mà làm việc, học hành, nghiên cứu được. Tôi mà là bộ trưởng giáo dục thì tôi ra lệnh đóng cửa ngay.
– Ha ha… cậu có vẻ tức lắm nhỉ? Có việc gì làm cậu cáu giận không?
– Có hay không gì? Suốt ngày suốt đêm, lúc nào cũng điên cả người.
– Nếu tức như vậy thì chuyển nhà đi nơi khác có hơn không?
– Ai chuyển nhà? Chỉ nói láo!
– Tức với tôi thì chẳng giải quyết được gì. Toàn là bọn trẻ con ấy mà, cứ mặc kệ là xong.
– Cậu xong nhưng tôi không xong được. Hôm qua tôi đã gọi giáo viên đến nói chuyện rồi.
– Ồ thế thì tốt nhỉ, thế họ xin lỗi chứ?
– Ừ.
Lúc này cửa lại mở, lại có tiếng “bóng rơi, xin cho nhặt”.
– Trời, cứ đến luôn xoành xoạch ấy nhỉ! Lại bóng đấy cậu ạ.
– Ừ. Họ đã hứa là xin vào cửa chính để nhặt mà.
– À, ra thế! Vì thế nên cứ vào nhặt như vậy. Thế à? Hiểu rồi.
– Hiểu cái gì?
– Thì ra, nguyên nhân là chuyện vào nhặt bóng.
– Hôm nay, đây là lần thứ mười sáu rồi đấy.
– Thế cậu không thấy phiền à? Đừng cho vào nhặt nữa có hơn không?
– Không cho là thế nào? Không cho nó cũng vào, không thể có cách nào khác được.
– Nếu nói là không còn cách nào thì cũng đành thế. Nhưng cậu đừng có khăng khăng như vậy. Con người ta mà có góc cạnh thì lăn lóc trên đời này sẽ rất vất vả và thua thiệt. Tròn trĩnh thì lăn vào đâu cũng dễ dàng. Vuông vắn, góc cạnh thì khi lăn khó đã đành, mỗi khi lăn, cái góc lại bị cứa đau đớn nữa. Dù sao thì đời cũng không phải của riêng mình mình, cho nên người khác không thể thành như mình được. Ừ, nó thế đấy. Gì thì gì, chọc vào bọn nhà giàu thì mình chỉ có thiệt thôi. Chỉ đau thần kinh và hại người, chẳng ai khen cả. Bên kia thì vẫn bình thản, cứ ngồi đấy, dùng bàn tay người khác là xong. Không có sức mà lại chọi với sức mạnh thì ai cũng biết là vô vọng rồi. Cứng đầu thì cũng hay. Nhưng trong lúc mình tưởng giữ vững được thì họ quấy rầy việc học hành của mình, gây phiền nhiễu công việc hàng ngày, cuối cùng chỉ khổ và thiệt.
– Xin lỗi, vừa xong quả bóng bị rơi vào vườn, cho phép tôi đi vòng ra sau nhặt, được không ạ?
– Đấy, chúng lại đến nữa đấy.
Suzuki cười, bảo. Ông chủ đỏ bừng mặt:
– Hỗn láo quá!
Ông Suzuki thấy tương đối đã đạt được mục đích cuộc viếng thăm nên “xin lỗi, tôi ghé một chút thế” rồi đi. Người đến thay ông ta là bác sĩ Amaki.
Từ ngày xưa, hiếm có nhà “lên cơn” nào mà lại tự nhận là mình “lên cơn”. Khi đã nhận ra rằng thế này thì hơi kỳ, có nghĩa là đã qua khỏi đỉnh dốc của cơn phát bệnh rồi. Sự “lên cơn” của ông chủ, nhân sự kiện lớn hôm qua, đã lên đến mức cao nhất. Mặc dù cuộc thương lượng cũng đầu voi đuôi chuột nhưng đã xong xuôi nên đêm đó, trong phòng sách, ông suy nghĩ rất nhiều và cảm thấy có cái gì hơi quái lạ. Hơn nữa, ông cũng thừa biết có sự gì đáng ngờ, không biết phía mình quái lạ hay phía Lạc vân quán quái đản, nhưng dù thế nào cũng nhất định không phải là bình thường. Dù có ở cạnh trường học đến mấy mà suốt năm, lúc nào cũng thấy điên tiết thế này, ông cảm thấy có cái gì kỳ lạ. Như vậy thì phải làm thế nào đây? Nhưng làm thế nào thì ông lại không biết. Chỉ còn mỗi con đường là uống thuốc của bác sĩ, tức là dừng hối lộ để xoa dịu cái nguồn gốc sinh ra sự điên tiết mà thôi. Hiểu ra điều đó, ông nảy ra ý đinh đi mời bác sĩ Amaki, người mà ông vẫn nhờ vả xưa nay, đến khám bệnh. Làm như vậy là khôn hay dại là một vấn đề khác. Chỉ biết rằng, việc ông nhận ra sự “lên cơn” của mình đã là một ý chí cao cả, một giác ngộ tuyệt vời. Bác sĩ Amaki vẫn bình tĩnh, tươi cười như mọi khi, hỏi:
– Thế nào?
Một cách hỏi đã thành lệ mà bất kỳ ông thầy thuốc nào cũng hỏi. Không hiểu sao tôi không thể tin tưởng được những thầy thuốc nào mà lại không hỏi “thế nào” chứ!
– Thưa bác sĩ, gay quá mất thôi.
– Sao, có gì đâu mà gay?
– Liệu thuốc của bác sĩ có công hiệu không?
Bác sĩ Amaki cũng sửng sốt. Nhưng ông là người rất điềm đạm nên không tỏ ra giận, ôn tồn trả lời:
– Làm gì có chuyện không công hiệu.
– Cái bệnh dạ dày của tôi, uống bao nhiêu thuốc cũng vẫn thế.
– Không thể có chuyện như thế được.
Ông chủ hỏi người khác về cái dạ dày của mình:
– Không thể à? Đã đỡ rồi chăng?
– Không thể khỏi ngay lập tức được, nó sẽ ngấm dần dần. Bây giờ cũng khá hơn lúc đầu rồi đấy.
– Thật thế à?
– Ông lại lên cơn tức giận phải không?
– Tức chứ! Ngay cả trong mơ tôi cũng điên tiết lắm.
– Ông nên hoạt động một chút thì tốt.
– Nhưng vận động thì lại càng nổi điên hơn.
– Nào, cho xem thử xem nào?
Bác sĩ Amaki hình như đành chịu, bắt tay vào khám bệnh. Không chờ khám xong, ông chủ đột nhiên hỏi rất to:
– Thưa bác sĩ, hôm trước tôi có đọc cuốn sách nói về thuật thôi miên, thấy nói là nếu ứng dụng thuật thôi miên sẽ có thói quen táy máy và chữa được nhiều thứ bệnh, có đúng thế không?
– Vâng, có phương pháp chữa bệnh như vậy đấy.
– Hiện nay cũng có à?
– Vâng.
– Xin chữa bằng thuật thôi miên có khó không?
– Không có vấn đề gì cả. Tôi cũng vẫn chữa đấy.
– Bác sĩ cũng chữa à?
– Vâng. Ông hãy thử một lần xem? Ai cũng có lý do cần phải chữa thôi miên, ông lại càng nên làm thử.
– Thế thì hay lắm, bác sĩ làm cho tôi đi. Tôi muốn thử từ lâu rồi, nhưng nếu thôi miên mà cứ thế mãi, không tỉnh lại thì gay nhỉ?
– Làm gì có chuyện thế. Không sao cả. Vậy tôi làm thử nhé?
Cuộc trao đổi lập tức được quyết định. Cuối cùng ông chủ được thôi miên. Từ trước đến nay, tôi chưa bao giờ được xem cái này, nên hồi hộp ngồi bên cạnh, chờ xem kết quả.
Bác sĩ bắt đầu gây thôi miên từ mắt cho ông chủ. Nhìn cách làm thì thấy bác sĩ xoa hai mi mắt từ trên xuống, ông chủ mặc dù đã ngủ vẫn ngả dần theo hướng xoa. Một lúc sau, bác sĩ hỏi:
– Xoa thế này cảm thấy mắt nặng dần lên, có phải không?
– Vâng, đúng vậy, cảm thấy nặng dần lên.
Ông chủ trả lời thế và bác sĩ lại tiếp tục xoa dần xuống, dần xuống và bảo:
– Nó sẽ càng nặng dần thêm lên đấy, được không?
Ông chủ chắc vừa lòng nên im lặng, không nói gì. Việc xoa bóp như vậy đã được khoảng ba, bốn phút, cuối cùng bác sĩ bảo:
– Thôi, nhắm rồi đấy.
Tội nghiệp, thế là mắt ông chủ không mở ra được nữa rồi!
– Thôi, mắt đã nhắm hẳn rồi chứ?
– Vâng, không mở được nữa rồi.
Ông chủ nhắm nghiền mắt. Tôi tưởng ông bị mù rồi. Một lúc sau bác sĩ bảo:
– Muốn mở thì mở thử ra xem. Đại loại là không thể mở được đâu.
– Thế à?
Ông chủ vừa nói xong thì hai mắt ông mở bừng ra như bình thường. Ông nhỏn nhẻn cười, bảo “không ngấm nhỉ?”. Bác sĩ cũng cười bảo “ừ, không ngấm!”. Kết cục, thuật thôi miên đã không thành công. Bác sĩ Amaki đi về.
Sau đó, nhà lại có khách. Chưa bao giờ nhà ông chủ lắm khách như thế, tưởng như là chuyện không có thật, với một người ít giao thiệp như ông chủ này. Nhưng quả đúng là có khách, mà lại là một vị khách rất quý hiếm, đặc biệt. Tôi xin nói qua một chút về vị khách này. Không phải chỉ vì đó là vị khách quý hiếm đặc biệt đâu.
Như đã nói, tôi đang miêu tả về dư âm của sự kiện lớn hôm trước. Vị khách này là nguồn tư liệu không thể bỏ qua cho cuộc dư chấn này.
Chẳng biết người này tên là gì, chỉ biết đó là một người đàn ông trên dưới bốn mươi tuổi, mặt dài, để râu như râu dê. Cũng như đã gọi Meitei là nhà mỹ học, tôi gọi người này là nhà triết học. Tại sao lại là nhà triết học? Đó là vì, khác với Meitei, lúc nào cũng rêu rao về mình, người này khi nói chuyện với ông chủ, trông cứ như là nhà triết học vậy. Ông ta cũng có vẻ là bạn học của ông chủ. Hai người đối với nhau rất cởi mở.
– À, Meitei ấy à, tay ấy cứ bồng bềnh như miếng bột xốp nổi trên mặt hồ ấy. Hôm trước, hắn dẫn một người bạn đi qua cửa một nhà quý tộc chẳng quen biết gì, bảo là ghé vào uống chén nước, kéo bạn vào rồi cứ thế nhởn nhơ ở đó.
– Thế rồi sao?
– Tôi cũng chẳng biết rồi thế nào. Hắn là cái thằng kỳ quặc bẩm sinh mà. Được cái không có bụng dạ gì. Đúng là một viên bột xốp. Suzuki ấy à? Cậu ấy cũng đến đây à? Ừ, cậu ta thì có nhiều lý lẽ không hiểu được nhưng là người khôn ngoan ở đời. Có đồng hồ vàng, nhưng cậu ta không phải là người sâu sắc nên không chắc chắn, khó chơi lắm. Mồm lúc nào cũng “suôn xẻo, suôn xẻo” nhưng ngay cả suôn xẻo là cái gì cũng không biết. Nếu Meitei là một viên bột xốp thì đó là một miếng bánh đúc rơm. Hắn ta lúc nào cũng “suôn xẻo” một cách xấu xa, rung bần bật, bần bật thôi.
Ông chủ nghe ví von gợi cảnh kỳ diệu như vậy thì có vẻ rất cảm phục, lâu lắm mới thấy ông cười hà hà…
– Thế cậu thì là cái gì?
– Tôi ấy à? Tôi thì là gì nhỉ? Có lẽ là củ khoai rừng chăng? Dài ra nhưng vùi trong bùn.
– Cậu lúc nào cũng thoải mái, thanh thản, thật đáng mong ước.
– Có gì đâu, mình chỉ sống như tất cả mọi người bình thường khác, chẳng có gì đáng phải thèm muốn cả. Chỉ có điều may mắn là không oán giận ai, cái đó rất tốt.
– Thu nhập gần đây khá chứ?
– Khá gì, vẫn thế. Không đủ mà cũng không thiếu, nhưng vẫn được ăn, không sao cả. Tôi cũng chả ngạc nhiên gì.
– Tôi thì không thoải mái, lúc nào cũng cáu giận, nhìn chỗ nào cũng chỉ thấy bất bình thôi…
– Bất bình cũng được. Có gì không vừa lòng, tức giận xong thì tâm trạng lại bình thường trở lại. Con người ta có nhiều loại, khuyên người khác hãy giống mình thì không thể giống được. Đũa mà không cầm giống người khác thì ăn cơm hơi khó. Nhưng bánh mỳ của mình, mình cứ bẻ tùy theo ý thích là tiện nhất. Đặt may bộ Kimono ở cửa hàng may khéo thì mặc vừa người, không may gặp phải cửa hàng dở thì ít nhiều phải gắng chịu mới được. Nhưng cuộc đời này rất kỳ diệu, bây giờ người ta mặc Âu phục nhiều vì nó hợp với phong cách của người mặc. Nếu cha mẹ sinh ra mình khéo léo, phù hợp với thời thế thì hạnh phúc nhất. Nhưng nếu không may không hợp thời thế thì phải một là gắng chịu, hai là chịu cho đến khi hòa hợp được vào cuộc đời, ngoài ra không có cách nào khác cả.
– Nhưng tôi thì mãi mãi không bao giờ hòa hợp được, nghĩ buồn tủi quá.
– Cứ cố mặc bộ quần áo không vừa người thì nó sẽ bục ra. Nhiều vụ ầm ĩ, đánh nhau, tự sát vẫn xảy ra. Nhưng cậu thì chỉ thấy chán chứ tự tử thì tất nhiên rồi, cả đánh nhau, cãi nhau cũng chưa. Như vậy là thuộc loại tốt rồi.
– Nhưng ngày nào cũng toàn cãi nhau thôi. Mặc dù không biết cãi nhau với ai nhưng tự mình cáu giận thì cũng là cãi nhau chứ gì?
– À, thì ra đó là cãi nhau một mình, hay nhỉ. Vậy thì muốn cãi nhau bao nhiêu chả được.
– Như vậy chán lắm.
– Thế thì thôi, đừng cãi nữa.
– Cậu làm được như thế chứ tôi thì lòng nó không nghe theo mình.
– Vậy, thực ra cậu không hài lòng cái gì?
Thế là ông chủ ào ào nói hết với nhà triết học mọi nỗi bất bình của mình, từ vụ Lạc vân quán đến con chồn Imado, rồi Pinsuke, Kishago… và tất cả mọi chuyện khác. Nhà triết học ngồi im lắng nghe, cuối cùng mới lên tiếng giảng giải cho ông chủ như sau:
– Những chuyện Pinsuke, Kisago… có nói gì thì cứ lờ đi là xong. Toàn những chuyện vặt, chấp với bọn học sinh trung học thì được cái gì. Nó cản trở mình ư? Nhưng thương lượng, cãi cọ cũng có giải quyết được đâu. Về điểm này, tôi thấy so với người châu Âu, người Nhật ngày xưa giỏi hơn nhiều. Cách làm của người phương Tây cứ nói là “tích cực, tích cực” và gần đây người ta bắt chước nhiều. Nhưng cái đó có cái dở rất lớn. Trước hết, nói tích cực thì nó vô cùng, không có giới hạn. Có tích cực đến đâu cũng không đi đến giới hạn làm cho mình thỏa mãn hoàn toàn. Cậu hãy nhìn bên kia, có cây bách, phải không? Nếu thấy nó vướng mắt, chặt bỏ nó đi thì đằng sau đó lại có nhà trọ. Nếu bắt dỡ bỏ nhà trọ đi thì sau đó lại có ngôi nhà khác trêu ngươi ta. Chuyện không bao giờ hết giới hạn. Hành động của người phương Tây luôn luôn vì như vậy. Napoleon hay Alexander cũng đều không bao giờ thỏa mãn. Không vừa lòng người khác, cãi nhau. Người khác không công bằng, kiện ra tòa. Nhưng thắng kiện ở tòa rồi thì yên tâm chăng? Hoàn toàn nhầm. Sự thanh thản của lòng người, cho đến lúc chết cũng không dẹp bỏ hết được những băn khoăn, nôn nóng.
Nền chính trị phong kiến không tốt nên hủy bỏ, lập chính thể đại nghị[24]. Nền đại nghị cũng không được, lại muốn làm cái gì đây. Dòng sông bố láo nên phải bắc cầu. Quả núi bất trị nên phải đào hầm. Giao thông khó khăn nên làm đường tàu. Cứ như thế, mãi mãi không bao giờ thỏa mãn. Nhưng đó là vì con người không biết đến đâu thì thỏa mãn hết được cái ý muốn tích cực của mình cả. Văn minh phương Tây có thể là tích cực, là tiến thủ đấy, nhưng nó là nền văn minh do con người, suốt cả cuộc đời không bao giờ thỏa mãn, tạo ra.
Văn hóa Nhật Bản không đi tìm sự thỏa mãn ở chỗ làm thay đổi tình trạng bên ngoài bản thân mình. Cái khác nhau rất lớn với văn minh phương Tây là ở chỗ nó phát triển theo một sự giả định “về cơ bản, không nên bắt buộc hoàn cảnh khách quan phải thay đổi”. Nếu quan hệ cha con không tốt thì người Nhật không cải thiện mối quan hệ này để tìm sự thanh thản như người phương Tây, mà cứ để cho mối quan hệ đó tồn tại như bản thân nó vốn có, rồi đi tìm phương pháp tạo ra sự thanh thản trong mối quan hệ đó. Mối quan hệ vợ chồng hay vua tôi cũng vậy. Việc phân chia đẳng cấp giữa võ sĩ với thường dân cũng thế. Cách nhìn nhận tự nhiên, thiên nhiên cũng thế. Nếu phải đi sang vùng bên cạnh mà lại vướng núi thì (người Nhật xưa) không nghĩ là phải phá núi mà đi, mà lại nghĩ là “không cần đi nữa cũng chả sao”. Nghĩa là họ nuôi dưỡng một tâm hồn “không qua núi cũng vẫn hài lòng”.
Vì vậy, cậu hãy nhìn xem, các nhà Nho học hay Thiền học, về cơ bản, họ đều nắm vững vấn đề này. Họ biết rằng dù mình có tài giỏi đến đâu thì cũng không thể làm cho thế gian thành theo ý mình được. Không thể cấm mặt trời lặn. Không thể bắt sông Kamo chảy ngược dòng. Cái có thể thay đổi được chỉ có lòng mình. Nếu tu luyện để có thể tự do sai khiến được lòng mình thì dẫu cho bọn học trò Lạc vân quán có hò hét đến đâu, mình cũng vẫn cứ bình thản như thường; vụ con chồn gốm cũng dẹp yên không có vấn đề gì cả; những thằng Pinsuke có nói năng gì vớ vẩn thì mắng “đồ dở hơi” rồi cho qua đi là xong hết. Nghe nói ngày xưa có ông sư, khi bị người ta chém đã nói một cái gì đó, đại loại như là “điện quang ảnh lý trảm xuân phong”[25] hay một lời hoa mỹ gì đó. Khi lòng đã được tu luyện đạt đến độ tột cùng của tiêu cực thì nó tác dụng kỳ diệu thế chăng? Tôi thì không hiểu nổi cái vấn đề khó như vậy, chỉ biết là nếu cứ cho rằng chỉ có “tích cực” mới là tốt như người phương Tây thì có vẻ hơi sai lầm. Thực tế, cậu có tích cực đến đâu thì cũng không dẹp được bọn học trò đến quấy phá, trêu chọc cậu đấy thôi? Nếu cậu có quyền mà đóng cửa trường đó hay phía bên kia làm cái gì đến nỗi phải đi báo cảnh sát, nghĩa là làm toàn những chuyện không hay, thì lại là chuyện khác. Còn không thì có tích cực đến đâu, cậu vẫn cứ thua. Mà có muốn “tích cực” được thì lại phải có tiền. Đây là tương quan giữa một kẻ mạnh và một kẻ bất lực. Nói một cách khác, cậu sẽ phải cúi đầu trước kẻ giàu, phải đầu hàng trước bọn trẻ con đông đúc. Một người nghèo như cậu, lại chỉ có một mình mà lại muốn đấu tranh tích cực thì chính cái đó là nguyên nhân làm cho cậu bất bình chứ gì? Thế nào? Cậu đã hiểu ra chưa?
Ông chủ nghe mà không trả lời là hiểu hay không hiểu. Sau khi vị khách hiếm lạ về rồi, ông vào phòng sách, không đọc mà suy nghĩ gì đó.
Ông Suzuki thì bảo ông hãy nghe theo đồng tiền và số đông. Bác sĩ Amaki thì góp ý nên dùng thuật thôi miên để trấn an thần kinh. Ông khách hiếm lạ này thì thuyết pháp là hãy tu luyện sự tiêu cực để được an tâm. Chọn cách nào là tùy ông chủ. Chỉ biết rằng nếu cứ thế này thì không thể được.
Chú thích
[1] Gian là đơn vị đo chiều dài trong xây dựng, 1 gian bằng 1,818 m, bằng 6 thước.
[2] Cây Hinoki, một loại thông.
[3] Cây kiri, chữ Hán là cây ngô đồng.
[4] 1 thước bằng khoảng 30,3 cm.
[5] Ý nói thơ Tanka.
[6] Nhà y học La Mã cổ đại, khoảng 130-200.
[7] Nhà y học Đức (1493-1541).
[8] Danh y huyền thoại Trung Quốc thời Chiến quốc, khoảng thế kỷ I TCN.
[9] Khoảng 11 lít.
[10] “Bàn về bệnh thương hàn”, sách y học Trung Quốc thời Hậu Hán.
[11] Từ “ngược thượng” tức “chảy ngược” từ đây trở đi cũng được dịch là “lên cơn” hay “xuất thần” cho hợp với mạch văn.
[12] Bệnh viện tỉnh Tokyo, trung tâm điều dưỡng bệnh tâm thần nổi tiếng.
[13] 1850-1894, nhà văn Anh.
[14] Vị thần bảo vệ chùa Phật, nổi tiếng chạy nhanh.
[15] Giữ lòng thương người, hết lòng thành thật, khoan dung, tha thứ.
[16] Khoảng 5,4 m.
[17] Thuộc tỉnh Hà Nam, Trung Quốc.
[18] Đội hình hàng dọc.
[19] Gottfried Wilhelm Leibniz (1646-1716), nhà toán học, thần học, triết học Đức.
[20] Chữ La tinh viết hoa, một loại họa tiết trang trí.
[21] Tên địa phương, một thị trấn nằm trong thung lũng, miền đông tỉnh Hyogo. Ý nói là lũ man di mọi rợ.
[22] Nguyên văn là “cường cung mạt thế” nghĩa là tên bắn ra từ cái cung mạnh nhưng bay yếu và rơi đi vô tích sự.
[23] Tên đầy đủ là Suzuki Junoto, nhưng chỉ gọi ngắn như vậy để tỏ ý rất coi khinh.
[24] Nghị viện, quốc hội.
[25] Chém đầu ta bằng kiếm thì cũng như chém gió mùa xuân thôi, không thể làm dao động lòng ta chút nào cả.