Ông chủ là người bị rỗ. Trước Duy tân, người bị rỗ mặt là phổ biến. Nhưng ở thời Nhật Anh thân thiện này nhìn những cái mặt rỗ thấy lạc hậu thế nào ấy. Số người rỗ đang giảm dần theo tỷ lệ nghịch với tăng dân số. Vì vậy, trong tương lai không xa, có thể là cái mặt rỗ sẽ không còn để lại dấu vết nữa. Kết luận này đã được đưa ra dựa trên kết quả thống kê y học được tính toán rất kỹ. Đây là một luận thuyết tuyệt vời mà dù là mèo tôi cũng không mảy may nghi ngờ gì cả. Hiện nay, không rõ là có bao nhiêu người rỗ mặt đang sống trên trái đất này, nhưng nếu chỉ tính riêng trong khu vực tôi có tiếp xúc thì thấy: mèo không có con nào, còn người thì chỉ có một, đó là ông chủ. Thật tội nghiệp quá!
Mỗi khi nhìn mặt ông chủ, tôi vẫn thường nghĩ sao mà ông lại có thể ngang nhiên mang một cái mặt kỳ lạ như vậy, hít thở bầu không khí của thế kỷ 20 này được nhỉ? Ngày xưa thì có thể cho như thế là oai đấy. Nhưng ngày nay, khi tất cả những nốt rỗ đều đã bị ra lệnh lui xuống cánh tay rồi[1], mà những nốt rỗ ở đây vẫn còn ngang nhiên chễm chệ trên mũi, trên má như vậy thì không đáng tự hào tí nào. Không những thế, mà ngược lại, có thể nói, nó còn ảnh hưởng đến thể diện của cái mặt rỗ nữa. Nếu được thì nên xóa bỏ ngay lập tức những nốt rỗ ấy đi là hơn.
Bản thân những nốt rỗ, chắc là chúng cũng thấy tủi thân, bơ vơ lạc lõng. Ấy thế mà, mạnh ai nấy được, chúng ngang ngược chiếm lĩnh toàn bộ cái mặt dường như với ý chí thề quyết xoay chuyển tình thế, bắt mặt trời sắp lặn phải quay lại giữa trưa chăng? Nếu đúng như vậy thì dứt khoát không thể coi thường những nốt rỗ này được. Có thể phải coi đó là một quần thể hang hốc vĩnh viễn, không suy suyển trước mọi thế tục ồ ạt tràn qua, là những cái lồi lõm đáng giá để chúng ta kính nể đấy. Chỉ có điều, có một điểm yếu là trông hơi bẩn.
Khi ông chủ còn bé, ở Ushigome, trên phố Yanabushi có một vị lang y nổi tiếng tên là Asada Sohaku. Nghe nói, ông già này mỗi khi đi thăm bệnh nhân, bao giờ cũng lù lù trên võng cáng. Nhưng sau khi Sohacku qua đời, đến thời người con nuôi kế nghiệp thì võng cáng từ lúc nào đã được thay thế bằng xe tay rồi. Vậy thì, nếu khi người con nuôi này chết mà con ông ta kế nghiệp, thì chắc vị thuốc cát căn (rễ sắn) sẽ được thay thế bằng viên Antipyrine chăng? Việc ngồi trên cáng dạo khắp Tokyo như vậy thì ngay ở thời cụ Sohaku đã thấy là khó coi rồi. Thản nhiên làm được như vậy, có chăng chỉ những người cổ hủ đã chết, những con lợn bị chất trên tàu hỏa và cụ Sohaku mà thôi. Về sự lỗi thời thì những nốt rỗ của ông chủ có thể cũng cùng dạng với cái cáng của cụ Sohaku. Đứng ngoài nhìn vào chỉ thấy tội nghiệp, đáng thương. Thế mà, là một người cũng ngang bướng chẳng kém gì ông thầy lang kia, ông chủ vẫn ngày ngày lên lớp dạy reader, ngang nhiên trưng bày trước thiên hạ những nốt rỗ “cô thành lạc nhật” (buồn tủi cô đơn) này.
Đứng trên bục giảng với những kỷ niệm của thế kỷ trước còn lưu khắc đầy mặt thế này, chắc chắn ngoài những bài học tập bình thường, ông ta còn truyền đạt cho học sinh một bài giáo huấn vĩ đại nữa. Hơn là lật lại vấn đề “khỉ có tay”, ông ta không cần phải dụng công, cứ tự nhiên như nhiên mà thuyết trình được một vấn đề lớn, đó là “ảnh hưởng của những nốt rỗ với toàn thể bộ mặt” một cách rất dễ dàng. Không cần dùng lời nói, cứ thế ông ta đã cho học sinh những câu trả lời rồi. Nếu không có một người như ông chủ này làm giáo viên, thì học sinh muốn nghiên cứu vấn đề này, từ sáng sớm phải chạy đến các thư viện hay viện bảo tàng, sẽ rất vất vả khó khăn, chẳng khác gì phải hình dung ra người Ai Cập qua cái xác ướp của ông vậy. Xét về điểm này thì thấy, từ trong tăm tối của cõi u minh, những nốt rỗ của ông cũng có phần đóng góp kỳ diệu cho công đức đấy. Tuy vậy, không phải vì để làm công đức mà ông chủ đã cấy đầy lên mặt mình những nốt sởi như vậy đâu. Đây chỉ là do chúng tự mọc lên thôi. Thật là tội nghiệp. Lúc đầu cứ tưởng nó chỉ mọc ở cánh tay, ai ngờ từ lúc nào nó đã lan lên mặt. Lúc đó ông là trẻ con nên không có vấn đề xấu đẹp như bây giờ, chỉ thấy ngứa là gãi khắp mặt thôi. Thế là, giống như núi lửa bốc cháy, nham thạch phun ra đầy mặt, làm tan tành bộ mặt do cha mẹ sinh ra. Thỉnh thoảng ông vẫn nói với vợ là khi chưa bị đậu mùa ông đẹp như ngọc. Thậm chí ông còn tự hào mình đẹp như tượng Phật Quan Âm ở chùa Asakusa, tới mức những người phương Tây đi qua phải ngoái nhìn lại. Thế kia đấy! Có thể là như vậy. Nhưng đáng tiếc, điều này không có ai làm chứng cả.
Dù là công đức, là bài học hay là cái gì gì, nhưng bẩn thì vẫn là bẩn. Từ khi lớn lên, biết ra rồi thì ông chủ rất bận tâm về những nốt rỗ, ông tìm mọi cách để loại bỏ cái hình thù xấu xí này đi. Nhưng khác với cái cáng của cụ Sohaku, đây không phải là thứ nói là ghét mà có thể vứt bỏ ngay đi được. Cho nên bây giờ nó vẫn tồn tại. Dường như ít nhiều bận tâm đến sự tồn tại này nên mỗi khi đi đâu, ông chủ thường có thói quen để ý, tính toán về những cái mặt rỗ. Hôm nay bao nhiêu người rỗ? Là đàn ông hay đàn bà? Gặp ở chỗ nào? Phố Ogawa hay công viên Ueno? Tất thảy những cái đó ông đều ghi vào nhật ký. Ông tin chắc rằng tri thức về mặt rỗ thì ông quyết không thua ai. Đến nỗi, hôm vừa rồi có một người bạn của ông mới đi châu Âu về, đến chơi, ông đã hỏi “này cậu, ở châu Âu có ai rỗ mặt không?”. Ông bạn đó ngoẹo cổ ngẫm nghĩ mãi rồi bảo “ừ nhỉ, có lẽ không có mấy nhỉ”. Nghe nói thế, ông chủ hỏi lại cho chắc chắn là “không có mấy có nghĩa là vẫn có phải không?”. Ông bạn mặt tỉnh bơ trả lời “có thì cũng có, nhưng chỉ bọn ăn mày hay đứng đường chứ người có học thì không.” Nghe thế ông chủ bảo “thế à? Khác với Nhật Bản nhỉ”.
Do ý kiến của nhà triết học mà ông chủ gác lại chuyên cãi cọ với Lạc vân quán. Sau đó ông ở lỳ trong phòng sách, nghĩ ngợi gì lung lắm. Có thể ông định thực hiện lời khuyên, ngồi tĩnh lặng để luyện cho tinh thần bớt linh hoạt quá chăng? Nhưng vốn dĩ ông là người yếu đuối mà lại chỉ bó tay một cách tối tăm như vậy thì nhất định không thể mang lại điều gì tốt đẹp được. Tôi biết là làm như vậy thì thà mang những quyển sách tiếng Anh đến hiệu cầm đồ, cầm lấy một ít tiền mà đi học hát với mấy cô geisha còn tốt hơn nhiều. Nhưng một người hâm như ông này thì nhất định chẳng bao giờ lại nghe theo lời khuyên của mèo đâu, cho nên tôi mặc xác ông, năm sáu ngày tôi không thèm đến gần.
Hôm nay vừa đúng là ngày thứ bảy, kể từ hôm đó. Trong các nhà Thiền đạo, có những người ngồi thiền với khí thế rất mãnh liệt, quyết tâm sẽ đạt được sự đại tỉnh ngộ chỉ trong bảy ngày. Vì vậy, tôi lừ lừ đi từ thềm hành lang đến phòng sách, quan sát động tĩnh trong phòng xem ông chủ của mình ra sao, đã chết hay còn sống hay đã kết thúc thế nào rồi?
Phòng sách rộng sáu chiếu, hướng nam, có một cái bàn lớn đặt ở chỗ có ánh nắng chiếu vào. Nếu chỉ nói là cái bàn lớn thì không thể biết nó là thế nào. Đây là cái bàn có chiều dài 6 thước (1,8 m) rộng khoảng 3 thước 8 (1,1 m) và cao cũng độ chừng ấy. Tất nhiên nó không phải là thứ được bán sẵn. Nó là sản vật hiếm có, được đặt làm ở cửa hàng đồ gỗ gần nhà, vừa làm bàn viết vừa làm giường ngủ. Tại sao lại nghĩ ra cái bàn lớn như vậy? Tại sao lại có ý định ngủ trên cái bàn như vậy? Điều này tôi chưa hỏi đương sự nên hoàn toàn không thể biết. Có thể chỉ là do một ý nghĩ thoáng qua mà rồi phải gánh chịu một cái của tội nợ như vậy cũng nên? Thảng hoặc, có thể vì một loại bệnh thần kinh nào đó làm bản thân đương sự liên tưởng đến hai quan niệm hoàn toàn xa lạ đã nhìn thấy, rồi tùy tiện ghép cái bàn vào cái giường như vậy cũng nên. Dẫu sao thì cũng chỉ biết rằng đó là một suy nghĩ rất kỳ quặc. Khuyết điểm của cái bàn này là ở chỗ nó chỉ kỳ quặc thôi chứ không có tác dụng gì cả. Trước đây, đã có lần tôi nhìn thấy ông chủ ngủ trưa trên đó, khi trở mình ngã lăn xuống hành lang. Từ đó trở đi, nó thôi không được kiêm giường ngủ nữa.
Trước bàn có một chiếc đệm ngồi bằng vải dạ mỏng, có khoảng ba lỗ thủng, vết cháy của tàn thuốc lá. Bông nhồi trong ruột đệm lộ ra, trông hơi đen đen. Người đang ngồi tĩnh tọa trên chiếc đệm này, mặt quay về phía kia là ông chủ. Chiếc thắt lưng bẩn, màu cháo lòng buộc thắt nút, hai đầu buông thõng xuống tận bàn chân. Mấy hôm trước, có lần tôi đã cào cào vào cái đầu dây này và bị đánh bốp một cái vào đầu. Đó là cái dây chẳng nên đụng đến làm gì.
Vẫn đang suy nghĩ à? Người ta đã ví “suy nghĩ vớ vẩn thì…”[2] mà lại. Tôi nghĩ thế và từ phía sau nhìn vào, thấy trên bàn có cái gì sáng lấp lánh. Tự nhiên tôi chớp mắt hai ba cái, nghĩ “quái lạ!” và cố chịu đựng cái chói, nhìn chằm chằm vào cái vật sáng chói đó. Tôi hiểu ra cái ánh sáng này phát ra từ cái gương đang động cựa trên bàn. Nhưng tại sao ông chủ lại chiếu gương ở trong phòng sách để làm gì vậy? Rõ ràng, gương là chỉ để dùng trong nhà tắm. Thực ra, sáng nay tôi đã nhìn thấy cái gương này ở trong nhà tắm. Trong nhà ông chủ, cái gương này không thể có cái thứ hai ngoài nó được. Sáng nào rửa mặt xong ông chủ cũng dùng chiếc gương này để chải đầu, rẽ ngôi. Có thể sẽ có người hỏi một người như ông chủ này mà cũng rẽ ngôi, chải đầu ư? Thực ra, những cái khác thì ông không để ý, nhưng riêng mỗi cái đầu thì ông rất cẩn thận. Từ khi tôi đến cái nhà này tới nay, dù nóng nực thế nào ông cũng không cắt tóc ngắn nửa phân mà bao giờ cũng để tóc dài chừng 6 cm, rẽ ngôi bên trái hoặc chải hất về bên phải. Có thể đây cũng là một biểu hiện của bệnh thần kinh. Kiểu rẽ tóc điệu bộ này chẳng cân xứng với cái bàn. Tôi nghĩ vậy, nhưng thấy nó chẳng hại đến ai nên không nói gì. Bản thân ông chủ cũng rất kiêu hãnh.
Hãy bỏ qua chuyện mốt đầu tóc sang một bên, chuyện tại sao ông chủ để tóc dài thì lại có nguyên nhân của nó. Nghe nói, những nốt rỗ của ông chủ không những chỉ xâm chiếm trên mặt mà từ xưa nó đã ăn lên đến đỉnh đầu. Vì vậy nếu cắt ngắn kiểu nửa phân hay 3/10 phân như người khác thì dưới chân tóc sẽ lộ ra hàng chục nốt rỗ, có cố xóa, cố ấn đến đâu cũng không làm mất được những lỗ này. Trông thì có vẻ thơ mộng như những con đom đóm thả trên đồng hoang đấy, nhưng tất nhiên bà vợ không hài lòng. Nếu chỉ cần để tóc dài là che khuất được thì không có lý gì tự mình lại đi phơi bày cái dở của mình ra. Thậm chí, nếu được, còn muốn có lông mọc khắp mặt để ngầm giải quyết những nốt rỗ ở đó nữa kìa. Cho nên không cần phải bỏ tiền ra để cắt tóc mà khoe tôi bị đậu mùa ăn vào tận xương sọ đây này. Đó là lý do vì sao ông chủ để tóc dài, và tóc dài là lý do vì sao ông chải đầu rẽ ngôi. Lý do đó làm ông soi gương và vì cái gương này ở trong nhà tắm nên như vậy thì chỉ có một cái gương này thôi. Sự thật là như vậy.
Một cái gương vốn phải ở trong nhà tắm, lại là cái gương duy nhất mà lại ở trong phòng sách thì nhất định, một là nó có bệnh mộng du, hai là ông chủ đã đem nó đến đây thôi. Nếu ông chủ mang đến thì mang đến để làm gì? Hay có thể đó là một dụng cụ cần thiết cho cái môn tu luyện tiêu cực kia chăng. Nghe nói, ngày xưa có một học giả muốn học hỏi cái gì đó, đã tìm đến một nhà sư trong lúc ông này đang phanh áo, mài một hòn ngói. Học giả hỏi ngài đang làm gì vậy, nhà sư bảo tôi đang cố mài để làm một cái gương. Nghe nói thế, học giả rất ngạc nhiên bảo dù có là một bậc danh tăng đến mấy thì cũng không thể mài ngói thành gương được. Nhà sư cười ha hả, mắng “à, thế hả, thế thì thôi vậy. Những kẻ đọc bao nhiêu sách mà cũng không biết đạo thì cũng là những kẻ như vậy chứ gì?”. Có lẽ ông chủ cũng đã nghe lỏm được chuyện này nên mang chiếc gương từ phòng tắm sang đây để hí hửng múa may gì chăng?! Thật gay to rồi. Tôi lặng lẽ nhìn xem thế nào.
Ông chủ thì không biết gì, cứ ra sức ngắm vào cái gương quý hiếm duy nhất. Gương vốn là cái thứ ghê sợ. Nghe nói, ban đêm mà muốn soi gương một mình trong phòng có thắp nến thì phải dũng cảm lắm. Khi lần đầu tiên tôi bị các tiểu thư nhà này giơ gương vào mặt, tôi đã tá hỏa chạy đến ba vòng xung quanh nhà. Dù là ban ngày mà cứ nhìn vào gương chằm chằm như ông chủ thế này thì nhất định là tự mình sợ cái mặt của mình rồi. Cái mặt thậm chí chỉ nhìn không thôi, cũng chẳng có gì gọi là dễ coi. Một lúc sau, ông nói một mình “ừ, đúng là mặt trông đến bẩn”. Tự mình nhận cái xấu của mình như vậy thì cũng đáng nể đấy. Nhìn dáng vẻ thì đúng là trò điên rồ nhưng nói năng lại rất chân lý. Kiểu này thì thêm một bước nữa sẽ biết sợ cái xấu, cái ác của chính mình đây. Con người, nếu không thấm thía đến tận xương tủy một sự thật là bản thân mình chính là một ác đảng đáng sợ thì không thể nói đó là người từng trải. Không phải là người từng trải thì không bao giờ giải thoát được. Đã đến bước này rồi thì có thể ông chủ sắp nói “chà, sợ quá” đây! Nhưng mãi không thấy nói gì cả.
Sau khi nói mặt bẩn rồi thì không hiểu nghĩ thế nào ông phùng má lên, rồi lấy tay vỗ hai ba lần vào cái má đó. Chả hiểu ông định làm phép làm chú gì với cái mặt này đây? Nghĩ kỹ thì thấy nó giống mặt cô hầu gái. Nhân tiện đây cũng xin giới thiệu một chút về cái mặt của cô sen này. Mặt cô rất phụng phịu. Vừa rồi có một người từ Anamori Inari mang đến làm quà một chiếc đèn lồng làm bằng da cá nóc. Mặt cô sen phình ra trông đúng như cái đèn đó. Vì mặt phùng dữ dội quá nên hai mắt biến mất. Hơn nữa, cái đèn lồng thì nó phồng tròn và đều tất cả, còn mặt cô sen vốn có nhiều góc cạnh nên phồng theo các góc cạnh, làm cho mặt cô giống chiếc đồng hồ sáu cạnh, bị hơi ẩm hành hạ vậy. Cô sen mà nghe thế này là lại cáu đây. Thôi, nói về cô thế thôi, bây giờ quay lại nói về ông chủ.
Ông ra sức phồng má, lấy tay vỗ vỗ vào má như tôi vừa nói, vừa vỗ vừa bảo “giá mà da căng thế này thì không nhìn rõ những nốt rỗ”. Bây giờ ông xoay mặt, soi một nửa mặt có ánh sáng vào gương rồi nói với vẻ thán phục “Thế này thì nhìn rất rõ. Đúng là có ánh sáng rọi thẳng vào thì trông phẳng phiu. Quái lại thật.” Thế rồi ông vươn tay phải ra thật dài, đưa cái gương ra xa hết mức, lặng lẽ ngắm nghía rất nhiệt thành. Và ông nói cái điều như đã ngộ ra: “Nếu cách xa bằng này thì không đến nỗi. Đúng là gần quá thì hỏng. Không phải chỉ cái mặt mà cái gì cũng vậy.” Sau đó, ông bất ngờ xoay ngang cái gương, lấy sống mũi làm trung tâm, dồn nháo nhạo tất ráo cả mắt, trán, lông mày… vào đó. Tôi đang nghĩ chắc là một dung mạo chẳng lý thú gì đây thì dường như bản thân đương sự cũng đã nhận ra, tự nói “không, thế này không được” rồi dừng lại ngay lập tức.
“Tại sao lại có bộ mặt khốn khổ như thế này nhỉ?”. Ông có vẻ khó hiểu, kéo chiếc gương ra xa, cách sống mũi khoảng 10 cm, lấy ngón tay trỏ bên phải xoa cánh mũi rồi ấn mạnh đầu ngón tay đó lên tờ giấy thấm đặt trên bàn. Chất nhờn thấm ra từ mũi, nổi thành vệt trên tờ giấy. Ông làm đủ kiểu rồi sau đó chuyển ngón tay ấy sang mắt phải, lật rất nhanh mí mắt dưới làm betkanko[3] một cách rất ngoạn mục. Không hiểu ông đang nghiên cứu nốt rỗ hay đang lườm nhau với cái gương đây? Việc làm của một người nhiều tính khí như ông chủ thì có thể có nhiều cái sẽ xảy ra chứ không phải chỉ có thế. Nếu thiện ý mà giải thích theo kiểu “ông nói gà, bà nói vịt” thì cũng có thể ông đang diễn các trò với cái gương để hiểu bản tính của mình chăng? Nghiên cứu tất cả mọi người nghĩa là nghiên cứu mình. Trời đất, núi sông, mặt trời hay trăng sao gì, tất cả chẳng qua cũng là một cái tên khác của bản thân mình mà thôi. Nếu bỏ qua mình mà đi nghiên cứu người khác thì sẽ chẳng tìm ra một ai cả. Con người ta, nếu có thể nhảy sang một cái gì khác ngoài bản thân mình thì trong lúc đang nhảy đó, bản thân mình đã mất đi. Vả lại, việc nghiên cứu bản thân mình thì ngoài mình ra không ai có thể làm giúp cả. Đó là một việc dẫu có muốn làm giúp, muốn được làm giúp cũng không thể được. Chính vì vậy, xưa nay các vị hào kiệt đều tự mình trở thành hào kiệt. Nếu nhờ người khác mà hiểu được mình thì người ta đã có thể nhờ người khác ăn thịt bò để mà đánh giá thịt đó cứng hay mềm. Sáng nghe thuyết pháp, tối nghe giảng đạo, đọc sách dưới đèn, ngoài sân… tất cả chẳng qua đều chỉ là cách tự mình tìm hiểu mình mà thôi. Trong pháp người ta thuyết, trong đạo người ta giảng, hay trong hàng đống sách vở mối mọt kia, không có lý do cho mình tồn tại. Có chăng, đó chỉ là bóng ma của mình thôi. Có điều, tùy trường hợp, có thể có bóng lại hơn không có cũng nên. Đuổi theo cái bóng, không nhất thiết là không có lúc bắt gặp cái bản thể – cái hình. Phần nhiều thì, đại để, cái bóng thường không tách rời cái hình. Với ý nghĩa này, nếu như ông chủ vặn vẹo với cái gương thì tương đối có thể nói chuyện được, hơn hẳn những loại học giả chỉ nuốt chửng Epictetus[4]. Cái gương như một dụng cụ nuôi dưỡng sự tự kiêu, đồng thời cũng tẩy rửa sự tự mãn. Nếu soi vào đó niềm vinh hoa phù phiếm thì không có gì xúi giục cái ngu bằng nó. Từ ngày xưa, hai phần ba những nguyên nhân dẫn đến việc tự làm hại mình, làm tổn thương người khác do quá kiêu ngạo là từ những trò múa may của cái gương này đây. Chắc người đầu tiên làm ra cái gương cũng ân hận lắm đấy. Vì đã phạm một tội ác ghê gớm, ngang với thời cách mạng Pháp, có một người bác sĩ tham của, đã phát minh ra cái máy chém cải tiến vậy.
Nhưng khi chính mình ngán ngẩm mình, khi bản thân đã tàn héo thì không có thuốc nào hiệu nghiệm bằng soi gương, xấu, tốt rõ ràng hết. Nhất định sẽ tỉnh ngộ ra rằng cái mặt thế này mà bấy lâu nay vẫn dám vênh vênh sống làm người cho đến hôm nay ư? Khi biết được như vậy là lúc đáng quý nhất trong đời người. Không có gì đáng kính nể bằng tự mình thừa nhận sự ngu xuẩn của mình. Trước sự ngu xuẩn tự giác này, tất cả những kẻ vĩ nhân đều phải cúi đầu mà tạ lỗi. Mặc dù người ấy ngang nhiên cười giễu bản thân mình, nhưng người khác nhìn vào thì thấy, sự ngang nhiên đó chính là sự cúi đầu tạ lỗi.
Ông chủ không phải là người thông minh đến độ biết soi gương để tỉnh ngộ cái ngu của mình đâu. Nhưng ông có thể nhận biết sòng phẳng dấu ấn mà bệnh đậu mùa đã ghi khắc trên mặt mình. Biết tự nhận cái xấu trên mặt mình là một nấc thang để tiến tới nhận biết cái xấu của lòng mình. Ông là người có thể tin cậy được đấy! Có lẽ đây là kết quả mà nhà triết học đã gieo vào cho ông chăng? Tôi suy nghĩ như vậy và quan sát ông, nhưng ông không hề biết. Sau khi làm akanbe[5] chán rồi ông bảo “có vẻ sưng nặng quá, đúng là viêm kết mạc mãn tính rồi”. Ông vừa nói vừa dụi thùn thụt ngón tay vào cái mí mắt sưng mọng. Có vẻ ngứa lắm đấy. Nhưng mắt đỏ như thế mà dụi thế này thì hỏng mất thôi. Chẳng bao lâu nữa, nhất định rồi cũng thối ra như mắt con cá hồng ướp muối cho mà xem. Cuối cùng ông mở mắt, soi vào gương thì quả thật tối om như mùa đông xứ bắc vậy. Mắt ông vốn dĩ bình thường đã chẳng sáng sủa gì, nói một cách phóng đại thì nó mù mờ đến nỗi lẫn lộn không thể phân biệt đâu là lòng trắng đâu là lòng đen. Dường như nhất quán với tinh thần mung lung, rối rắm của ông, mắt ông cũng phiêu diêu trong đáy hốc mắt, mãi mãi mập mập, mờ mờ.
Cái này, người thì bảo do ông bị ngộ độc từ khi còn trong bụng mẹ, người thì giải thích đó là hậu quả của bệnh đậu mùa. Lúc bé, nghe đâu đã tốn không biết bao nhiêu là sâu liễu với nhái bén, rồi sự chăm bẵm hết lòng của bà mẹ, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Cho nên đến tận bây giờ mắt ông vẫn lơ mơ, mù mờ như khi mới đẻ. Theo tôi nghĩ bụng thì dứt khoát đây không phải vì thai bị ngộ độc cũng không phải vì đậu mùa. Sở dĩ mắt ông cứ lang thang, vất vưởng trong bi cảnh tối tăm, vẩn đục như thế này là vì đầu óc ông được cấu tạo từ thực chất không trong sáng, và kết quả là nó đã đạt tới tận cùng của sự tối tăm, ảm đạm. Cho nên kết quả này tự nhiên thể hiện trên cơ thể, khiến bà mẹ vì không biết mà lo lắng không cần thiết. Có khói thì biết là có lửa, con mắt đục chứng tỏ là ngu. Như vậy, xem ra mắt ông là biểu hiện của lòng ông, lòng đã có lỗ thủng như đồng tiền thời Thiên Bảo thì mắt cũng giống đồng tiền Thiên Bảo, đúng là chẳng có giá trị là bao.
Bây giờ ông bắt đầu xoắn bộ râu. Bộ râu của ông vốn thiếu lễ độ, sợi nào sợi ấy mặc sức mọc lung tung. Dù là giữa thời buổi chủ nghĩa cá nhân thịnh hành mà cứ ích kỷ, tự ý mọc khắp nơi thế này thì sự phiền hà của chủ nhân là rất đáng lo ngại. Ông chủ cũng nhận thấy điều này nên gần đây ông ra sức huấn luyện để sắp xếp chúng cho có hệ thống, ngăn nắp. Hiệu quả cho thấy lòng nhiệt thành đã không uổng phí, bộ dạng bộ râu gần đây đã hơi gọn ghẽ. Từ trước đến nay là râu mọc, nhưng gần đây thì đã có thể tự hào là mọc râu rồi. Được kết quả cổ vũ, lại lấy bộ râu của tôi làm mục tiêu hy vọng, không kể sớm tối, cứ ngơi tay là ông chủ lại huấn luyện bộ râu. Mục tiêu của ông là có một bộ râu dày, vểnh lên như nhà vua Đức. Do vậy, dù chân lông hướng lên hay hướng xuống ông cũng không quan tâm, cứ nắm lấy, lôi tuốt cho nó vểnh ngược lên. Bộ râu cũng bị gay go, phiền hà mà người sở hữu nó cũng đã nhiều lần bị đau. Nhưng đây là việc rèn luyện mà. Muốn hay không muốn thì cũng cứ vuốt lên. Kẻ ngoại đạo nhìn vào thấy trò này như một thú vui khó hiểu, chỉ có người trong cuộc mới biết được cái gì nó mang đến. Giống như thầy giáo uốn nắn bản tính học trò một cách vô ích, rồi tự hào hãy xem công lao của ta đây, việc này không có chút lý do nào cần phê phán cả.
Trong lúc ông chủ đang mang hết nhiệt tình huấn luyện bộ râu thì từ dưới bếp, cô sen, người có khuôn mặt nhiều góc cạnh, thò cái tay đỏ mọi khi vào phòng sách, bảo “thưa ông có bưu phẩm đây ạ”. Tay phải túm bộ râu, tay trái cầm gương, ông chủ cứ thế quay mặt lại. Nhìn thấy bộ râu vểnh ngược hình chữ bát, cô “lắm tính nết” chạy ngay xuống bếp, cười ha hả, ngả người vào cái vung nồi. Ông chủ thản nhiên như không. Ông chậm rãi bỏ gương xuống, cầm lấy bưu phẩm. Đầu tiên là một bản in, những con chữ xếp hàng nghiêm chỉnh. Đọc thì thấy nội dung là:
“Kính thưa…
Luôn luôn xin kính chúc quý vị nhiều phúc lộc.
Nhìn lại cuộc chiến tranh Nhật – Nga, với khí thế luôn luôn chiến đấu và chiến thắng, đã giành lại được hòa bình. Những tướng sĩ trung dũng nghĩa liệt của chúng ta hiện nay quá nửa đã cất vang khúc khải ca “muôn năm”, đó là niềm vui không gì sánh được của quốc dân đồng bào. Nghe theo lời chiêu dụ khai chiến[6], những tướng lĩnh, quân sĩ phụng sự Nghĩa dũng công[7] đã bao ngày chịu đựng gian khổ, chịu nóng rét nơi đất khách quê người xa xôi, một lòng chiến đấu, quyết hiến dâng thân mình cho tổ quốc. Đó là điều chúng ta phải ghi nhớ lâu dài, không bao giờ được quên. Và trong vòng tháng này, sự khải hoàn của quân sĩ hầu như sẽ hoàn thành. Do vậy, đại diện cho toàn thể nhân dân khu phố này, Hội chúng tôi sẽ tổ chức lễ chúc mừng lớn nhất sự chiến thắng trở về của trên một ngàn tướng sĩ viễn chinh của quân đội, tại khu phố này, vào ngày 25 tới, hòng bày tỏ một chút lòng biết ơn hết sức nhỏ mọn, nhiệt thành đón chào và úy lạo thân nhân gia đình các liệt sĩ. Vì vậy, nếu được vinh dự tiến hành một cách trọng thể buổi lễ này với sự tán thành, ủng hộ của quý vị thì đó là sự đẹp mặt cho Hội chúng tôi. Xin tha thiết mong quý vị hãy tán đồng và đóng góp tiền ủng hộ.
Xin kính chào.”
Người gửi thư này là một vị hoa tộc[8]. Ông chủ đọc xong lại cuộn bỏ vào phong bì, mặt tỉnh khô. Hình như ông không thích những cái “nghĩa viện” nghĩa vùng này. Trước đây, có lần vùng đông bắc bị mất mùa, ông đã đóng góp ủng hộ 2 hay 3 yên gì đó, rồi gặp ai ông cũng kêu là đã bị “mất” tiền nghĩa viện… Tiền ủng hộ là tự mình đóng góp chứ có phải bị ai lấy đâu. Không bị ăn trộm mà kêu là bị “mất” thì nghe không thỏa đáng. Vậy mà ông cứ thấy như bị kẻ trộm móc túi. Ông chủ này, dù là hoan nghênh quân đội chiến thắng trở về, dù là sự kêu gọi của vị quý tộc, nếu là chuyện bắt buộc thì không biết thế nào, chứ với cái tờ giấy in như thế này mà bảo đưa tiền ra thì chắc chắn ông không thuộc loại người ấy. Ai chứ ông chủ này thì thuộc loại người, trước khi hoan nghênh quân đội, ông muốn hãy hoan nghênh mình đã. Chỉ sau khi hoan nghênh mình rồi thì đại để mới có thể hoan nghênh cái gì đó. Còn trong khi mình cũng khó khăn, việc hoan nghênh cứ mặc kệ vị quý tộc.
Ông cầm lên bức thư thứ hai, nói “chà, cái này cũng lại bản in”:
“Mùa thu đã thật sự lạnh. Chân thành cầu chúc quý gia đình ngày càng long thịnh. Thư này xin được thưa rằng, về trường học của chúng tôi, như quý vị đã biết, từ ba năm trước, vì hai, ba kẻ dã tâm mà đã không tiến triển được, có lúc sự cản trở đó đã lên đến tột đỉnh. Nhưng tôi nghĩ rằng đây là do tôi, Shinsaku này còn thiếu nỗ lực. Tôi đã tự trách mình, và với kết quả lao tâm khổ não, nằm gai nếm mật, cuối cùng tự mình đã nghĩ ra được phương pháp kiếm được kinh phí xây dựng học xá mới, đúng theo lý tưởng của tôi. Cái đó không có gì khác là về việc xuất bản cuốn sách có tên là “Yếu lĩnh kỹ thuật của bí quyết may mặc” mà tôi gửi kèm trong thư đây… Cuốn sách này, dựa theo nguyên tắc nguyên lý công nghệ mà Shinsaku tôi đã nhiều năm vất vả nghiên cứu, được trình bày bằng tâm huyết, quả đúng như xé thịt vắt lấy máu. Vì vậy mong rằng các gia đình nói chung tìm mua cuốn sách này để tăng thêm một chút lợi nhuận cho chi phí làm sách, một mặt giúp phát triển công việc này (việc may mặc), đồng thời là mong muốn tích lũy một chút tiền lãi đập vào khoản tiền xây dựng học xá. Do vậy, quả thật là xin tha lỗi mà tha thiết mong rằng với ý nghĩa đóng góp cho phí xây dựng học xá, quý vị hãy thể hiện sự ủng hộ bằng cách đặt mua một phần “Yếu lĩnh kỹ thuật bí quyết” gửi kèm thư này này cho người giúp việc của gia đình.
Xin mạn phép kính thư.
Đại học viện tối cao đẳng may mặc nữ sinh Đại Nhật Bản.
Hiệu trưởng Nuida Shinsaku cửu bái.”
Ông lạnh lùng vo viên bức thư trịnh trọng này, ném tọt vào thùng rác. Sự chào hỏi kính cẩn cũng như sự “nằm gai nếm mật chẳng dễ gì có được” của cậu Shinsaku này cũng chẳng ăn thua gì, thật tội nghiệp.
Đến bức thư thứ ba. Bức này toát lên một sắc thái làm thay đổi hoàn toàn tình hình hiện tại. Phong bì có vân hoa trắng, hồng, rộn ràng như biển hiệu hàng kẹo que. Chính giữa phong bì ghi “Kính gửi thầy Chinno Kushami”, nét chữ đậm, kiểu chữ bát phân[9], bên trong không dám chắc có “ông Thái”[10] hay không nhưng riêng bề ngoài thì rất hoàn hảo.
“Nếu lấy mình mà chế ngự trời đất thì phải uống một ngụm cạn hết nước Tây giang. Nếu lấy trời đất mà chế ngự mình thì mình chỉ là hạt bụi trên bờ ruộng. Đất trời và ta quan hệ với nhau thế nào? Người đầu tiên ăn hải sâm, ta phải kính trọng lòng dũng cảm đó. Kẻ lần đầu thưởng thức cá nóc, ta phả coi trọng dũng khí đó. Kẻ ăn được hải sâm như Shinran trở lại. Người thưởng thức được cá nóc trở thành Nichiren. Như thầy Kushami thì chỉ biết giấm tương trộn bí đao khô mà thôi. Cho đến nay, trong thiên hạ, tôi chưa thấy ai ăn bí đao khô trộn tương mà trở thành kẻ sĩ cả.
Bạn bè cũng cần bán mày.
Cha mẹ cũng cần bảo mày tao còn tao.
Người yêu cũng cần bỏ mày.
Phú quý vốn là cái khó tin cậy.
Tước lộc chỉ một sớm một chiều
Học vấn chất đầy trong đầu mày mọc rêu
Mày mong muốn gì?
Muốn gì ở đằng sau trời đất?
Thượng đế ư?
Thượng đế là thứ đồ chơi được bịa ra khi con người đầy đau khổ
Chỉ là một khối hôi thối, phân người cô đọng nhất thời mà thôi
Tin cái không đáng tin mà nghĩ là yên ổn
Kẻ say rượu lảm nhảm nói lăng nhăng rồi liêu xiêu, lảo đảo bước dần đến mồ
Hết dầu thì đèn khắc tắt
Hết nghiệp rồi thì còn để lại cái gì?
Hỡi thầy Kushami
Xin mời thầy hãy uống chè đi…
Không coi người là người thì không có gì đáng sợ
Kẻ không coi người là người thì tại sao lại giận dữ cái thế giới đã không coi ta là ta?
Hình như kẻ vinh hoa quyền quý đắc chí về việc không coi người là người.
Chỉ có điều khi bị người khác không coi mình là mình thì mặt sưng mày xỉa. Đồ con lợn…
Khi mình không coi người là người, khi người khác không coi mình là mình thì những nhà bất bình từ trên trời rơi xuống đất một cách lên cơn.
Cái hoạt động mang tính chất lên cơn này được gọi là “cách mạng”
Cách mạng không phải là hành vi bắt nguồn từ nhà bất bình.
Đó là do những kẻ vinh hoa quyền quý thích thú sản sinh ra.
Ở Triều Tiên có nhiều nhân sâm mà sao thầy không uống?
Tại Sugamo
Thiên đạo công bình.
Tái bái[11]”
Cậu Shinsaku viết là “cửu bái” (chào chín lần). Cậu này chỉ viết đơn giản là “tái bái” (chào hai lần) thôi. Chỉ cần không yêu cầu đóng góp gì là đối xử xấc láo với mức “thất bái”[12] như vậy đấy.
Thư này không phải là thư kêu gọi đóng góp nhưng thay vì đó, nội dung rất khó hiểu. Cái này mà gửi cho tạp chí nào thì người ta cũng sẵn sàng vứt đi ngay vì giá trị của nó đấy. Nhưng với một người như ông chủ đây, chắc là đầu óc bị giằng xé tơi bời. Thế mà thấy ông cứ đọc đi đọc lại mãi. Chắc ông nghĩ bức thư này có thể có một ý nghĩa gì đó, và ông quyết tâm tìm hiểu cho bằng được chăng? Trong trời đất, có bao nhiêu cái ta không thể hiểu nổi, nhưng không có cái nào là không có ý nghĩa cả. Dù một bản văn khó hiểu đến mấy, nếu ta muốn tìm hiểu thì cũng có thể hiểu được một cách dễ hiểu. Ta sẽ dễ dàng hiểu được, vì sao có thể nói con người là ngu xuẩn, đồng thời cũng có thể nói con người là khôn ngoan. Không những thế, dù có gọi con người là chó, là lợn thì cũng chẳng có gì là quá đáng, không cần phải khổ vì nó. Bảo núi là thấp cũng chả sao. Bảo vũ trụ là hẹp cũng không có vấn đề gì. Bảo con quạ trắng, nàng Komachi là cô gái xấu, thầy Kushami là quân tử cũng không phải là không được. Vì vậy, cái bức thư vô nghĩa này, nếu gán cho nó một lý lẽ nào đó thì nó sẽ đầy ý nghĩa. Vả lại, với một người như ông chủ, một người đã từng tìm cách giải thích cho bằng được những tiếng Anh mà mình không biết, thì lại càng thích gán ý nghĩa cho nó lắm.
Với một người đã từng, khi học sinh hỏi tại sao ngày trời xấu cũng chào là Good morning thì suy nghĩ tới bảy ngày liền, đã mất ba ngày ba đêm để tìm câu trả lời khi học sinh hỏi tên Columbus tiếng Nhật là gì, thì những “bí đao khô trộn tương giấm là kẻ sĩ trong thiên hạ” hay “hãy ăn sâm Triều Tiên mà làm cách mạng”… sẽ tùy tiện mà toát lên mọi ý nghĩa tùy tiện của nó. Trong một lúc khá lâu, ông chủ dường như nuốt lấy những câu chữ khó hiểu kiểu good morning này, lẩm bẩm tán thưởng: “Đúng là ý nghĩa rất sâu xa. Chắc chắn đây phải là con người suy nghĩ cái gì cũng rất triết lý đây. Quả là một kiến thức thật tuyệt vời, tráng lệ!”. Chỉ qua lời lẽ thế cũng đủ biết cái ngu của ông. Nhưng nghĩ lại, trong đó cũng có một chút gì hay hay.
Ông chủ này có một cái tật là rất coi trọng bất cứ cái gì mà mình không biết. Nhưng không nhất thiết chỉ những người quá quắt như ông mới thế. Những cái mà mình không biết thường hàm chứa nhiều thứ mà mình không thể coi thường, làm nảy sinh tâm trạng cứng cỏi ở những chỗ không lường nổi ấy. Vì vậy, mặc cho những người phàm cứ đưa chuyện một cách hiểu biết về những cái mà họ chẳng hiểu biết gì, các học giả lại lý giải những cái mà họ đã biết rõ một cách “không thể hiểu”. Ai cũng biết, ở các trường đại học, có những người dạy những cái chẳng ai hiểu gì thì được đánh giá cao, còn ai dạy những cái có thể hiểu được thì không được hâm mộ lắm. Ông chủ kính phục bức thư này, không phải vì nó có nội dung rõ ràng dễ hiểu, mà ngược lại, vì khó mà nắm bắt được chủ ý của nó ở chỗ nào? Trong thư đột nhiên xuất hiện hải sâm rồi lại bất ngờ xuất hiện phân tươi. Cái lý do duy nhất khiến ông tôn kính bức thư này là vì ông hoàn toàn chẳng hiểu gì cả. Cái này cùng dạng với kiểu các Đạo gia tôn kính kinh Đạo đức, các Nho gia tôn kính kinh Dịch, các Thiền gia tôn kính Lâm tế lục vậy. Có điều, nếu nói là hoàn toàn không hiểu thì người ta không chịu, nên họ mới tùy tiện giải thích rồi làm bộ như là hiểu, thế thôi. Xưa nay, việc đề cao cái trò tự cho mình là hiểu biết những cái chẳng hiểu gì cả ấy, vốn dĩ vẫn là một khoái cảm mà. Ông chủ cung kính cuộn bức thư danh giá kiểu bát phân này, nhét lại vào phong bì rồi đặt lên bàn. Ông “thọc tay túi áo”, chìm vào cõi suy nghĩ mung lung.
Đúng lúc đó, ngoài cửa có tiếng gọi to “Xin lỗi xin phiền giúp…”. Tiếng thì đúng là tiếng Meitei rồi nhưng cái kiểu gọi cửa mà xin phép đàng hoàng thế này thì chẳng Meitei tí nào cả. Từ nãy ông chủ đã nghe thấy tiếng gọi nhưng cứ mặc kệ, không nhúc nhích. Việc ra mở cửa không phải là việc của ông chăng, nên ông nhất định không lên tiếng thưa. Cô sen thì lúc nãy vừa đi mua xà phòng chưa về, bà chủ đang dở tay nên kẻ đáng phải ra lúc này chỉ còn có tôi. Tôi thì việc ra tiếp khách tôi rất ngại. Thế là khách cởi giày, leo lên sàn, mở toang cửa, nhơn nhơn đi vào. Chủ thì ngang đằng chủ, khách thì trơ đằng khách. Tôi tưởng ông ta chỉ đi vào phòng khách, nhưng ông ta mở mấy lần cửa, tiến thẳng vào phòng sách.
– Này, không đùa đâu nhé, có khách đấy.
– Ồ, cậu à?
– Không phải “cậu à” đâu. Ở đây thì phải thưa lên hay lên tiếng nói cái gì mới phải chứ? Cứ như là nhà đi vắng hết, không có ai là thế nào?
– Ừ, tôi đang có điều phải suy nghĩ mà.
– Đang suy nghĩ thì cũng có thể nói được là “vào đi” hay cái gì đó chứ?
– Không phải là không thể nói được.
– Vậy thì giỏi gan lỳ nhỉ?
– Dạo này tôi đang tu luyện tinh thần mà.
– Hiếu sự quá thật. Tu luyện tinh thần mà không thể lên tiếng trả lời được thì khá gay đấy. Bình tĩnh đến mức này thì gay rồi. Thực ra, không phải tôi đến một mình đâu, tôi dẫn đến cho cậu một người khách cực kỳ đấy. Cậu ra gặp một chút đi.
– Cậu đưa ai đến đây?
– Ai cũng được, cứ ra gặp đi. Người đó cứ nhất định muốn gặp cậu.
– Ai vậy?
– Ai cũng được. Đứng dậy đi.
Ông chủ vẫn thọc tay trong bọc, đứng bật lên nói “lại định chơi nhau chứ gì?” rồi đi ra hành lang, vào phòng khách mà chẳng cần giữ ý tứ gì. Một ông già nghiêm trang đang điềm tĩnh ngồi chờ ngay chính diện sáu thước sàn phòng. Ông chủ vội rút tay ra khỏi bọc, ngồi phệt xuống cạnh tấm cửa lùa dán giấy Đường. Như vậy thì ông quay cùng hướng tây với ông khách nên hai người không thể chào nhau. Những người nệ cổ rất nghiêm khắc về lễ nghĩa. Người khách chỉ chỗ Tokonoma[13] giục ông chủ:
– Nào, xin mời ông ngồi vào chỗ kia đi.
Cho mãi đến vài năm gần đây, ông chủ vẫn nghĩ là ai muốn ngồi chỗ nào cũng được, nhưng sau đó ông được một người giảng giải cho biết ý nghĩa của bệ sàn, rằng đó vốn là chỗ ngồi dành cho người trên. Từ đó ông không bao giờ đến gần Tokonoma nữa. Hơn nữa, ông già không quen biết này lại trông rất khó tính nên càng không thể ngồi ở chỗ đó. Ngay cả chào hỏi ông cũng không biết chào hỏi cho ra hồn, ông chỉ cúi đầu, lặp lại đúng những gì người kia đã nói:
– Nào, xin mời cụ ngồi vào chỗ đó.
– Không, thế thì không thể nói chuyện được. Xin mời ông ngồi chỗ đó.
– Không, thế thì… xin mời cụ.
Ông cứ tùy tiện bắt chước lời lẽ của bên kia.
– Xin lỗi, ông khiêm tốn thế thì phiền quá. Làm thế tôi lại khó xử. Xin ông đừng ngại. Xin mời ông.
– Cụ khiêm tốn thế thì phiền quá… Xin mời cụ…
Mặt ông đỏ bừng, miệng thì lắp ba lắp bắp. Hình như việc tu luyện tinh thần chả có hiệu quả gì cả. Meitei đứng sau tấm cửa lùa, vừa cười vừa quan sát nhưng có lẽ thấy đã đủ, nên vừa đẩy mông ông chủ vừa cố tình can thiệp:
– Thôi, cậu ra đi, cứ bám lấy tấm cửa thế này thì tôi ngồi vào đâu. Không trù trừ nữa, ra chỗ trước kia đi.
Ông chủ đành phải lết ra phía trước.
– Này Kushami, đây là ông bác ở Shizuoka mà tôi vẫn nói với cậu đấy. Bác ạ, đây là anh Kushami.
– Ôi, rất vinh hạnh được gặp ông. Nghe nói Meitei luôn quấy quả ông nhiều. Tôi cũng vẫn mong có dịp lên đây, được hầu chuyện với ông thì may quá. Hôm nay nhân qua đây, tôi muốn đến chào ông luôn. Xin hân hạnh được làm quen với ông. Mong là từ nay về sau vẫn được ông biết đến.
Cụ già không ngừng tuôn ra những lời chào hỏi kiểu ngày xưa. Ông chủ vốn ít giao tiếp, ít nói, lại hầu như chưa bao giờ gặp người cổ như cụ già này nên ngay từ đầu đã ngượng ngập, lúng túng. Bây giờ bị nói ào ào như thế này thì những nhân sâm Triều Tiên, những phong bì kẹo bột đường đều quên hết, chỉ còn biết khổ sở, trả lời ấm ớ:
– Dạ, tôi… tôi cũng… rất muốn được gặp. Xin là được… mong cụ…
Nói xong, ông ngẩng đầu lên khỏi chiếu, thấy cụ già vẫn cúi rạp, ông hoảng hốt lại cúi gập đầu xuống chiếu. Cụ già ngẩng đầu lên, vừa lấy hơi vừa nói:
– Tôi ngày xưa vốn cũng có nhà ở gần đây, đã sống dưới chân Tướng quân bao nhiêu năm, nhưng rồi “trúc chẻ ngói tan” phải về vùng đó sống, từ đó đến nay hầu như không về đây. Hôm nay về, gần như không còn nhận ra đường nữa. Nếu mà không có Meitei dẫn cho thì chắc công chuyện cũng không làm được. Người ta vẫn nói “trải qua một cuộc bể dâu” mà! Từ khi đóng đô ở đó đã ba trăm năm, dòng họ Tướng quân cũng…
Nghe tới đây, thầy Meitei thấy có vẻ phiền toái liền nhắc:
– Bác ạ, dòng họ Tướng quân cũng có thể là đáng quý đấy nhưng thời đại Minh Trị cũng tốt chứ sao. Ngày xưa làm gì có những thứ như “chữ thập đỏ” phải không?
– Cái đó thì không có. Cái gọi là “chữ thập đỏ” thì hoàn toàn không có. Hơn nữa, được nhìn thấy mặt Hoàng tử thì chỉ có thời Minh Trị mới có thôi. Tôi cũng may nhờ sống lâu mà hôm nay được tham gia đại hội, được nghe tiếng nói của Hoàng tử, bây giờ có chết cũng không ân hận gì nữa.
– Ối giời, chỉ riêng việc lâu ngày mới đi tham quan Tokyo cũng là lợi lắm rồi. Cậu Kushami này, bác tôi vì có Đại hội Chữ thập đỏ mà cất công từ Shizuoka lên đây đấy. Hôm nay tôi vừa đưa cụ đi Ueno về, vì vậy nên cụ mặc bộ frock coat mà tôi đặt may ở hiệu Shiraki như thế này đấy.
Meitei nhắc như vậy. Quả thật cụ già mặc bộ frock coat, nhưng chẳng hợp người tí nào. Ống tay áo quá dài, cổ phanh rộng, lưng áo trũng như ao, nách áo thì xếch ngược. Dù có cố tình may xấu đến mấy cũng không ai có thể dụng tâm làm hỏng dáng áo đến mức này. Cái áo sơ mi trắng và cái cổ cồn trắng thì rời rạc với nhau, khi cúi xuống trông rõ cả yết hầu. Nhất là cái nơ đen, cái này không biết để trang trí cho cái áo hay cổ áo? Bộ áo đuôi tôm thì còn khả dĩ, nhưng búi tóc bạc Chonmage thì quả là một kỳ quan vĩ đại.
Tôi để ý xem cái quạt sắt nổi tiếng như thế nào thì thấy nó được đặt cẩn thận bên cạnh gối. Lúc này ông chủ đã trở lại tâm trạng bình thường, vận dụng tất cả thành quả của việc tu luyện tinh thần vào quan sát trang phục của ông cụ già và ông hơi sửng sốt. Ông vẫn nghĩ chẳng lẽ lại đến nỗi như Meitei vẫn nói, vậy mà bây giờ gặp mới biết là còn hơn cả thế. Nếu những nốt rỗ của mình có thể thành tư liệu nghiên cứu lịch sử được thì búi tóc chonmage và cái quạt sắt của cụ già này rõ ràng còn giá trị hơn nhiều. Ông chủ rất muốn hỏi về lai lịch cái quạt này nhưng không thể ngắt lời cụ vì sợ làm thế sẽ thiếu lễ độ. Do vậy, ông hỏi một câu rất bình thường:
– Chắc có nhiều người tham dự lắm chứ ạ?
– Ôi chà, đông lắm. Mà ai cũng cứ nhìn chằm chằm vào tôi thôi. Bây giờ con người ta sao có vẻ thích nhìn thế nhỉ. Ngày xưa không thế đâu.
– Vâng, đúng thế, ngày xưa không thế đâu ạ.
Ông chủ nói cứ như mình là người già vậy. Cái này không nhất thiết vì ông muốn tỏ ra mình hiểu biết đâu. Có thể coi đó chỉ là những lời tùy tiện phát ra từ cái đầu óc mung lung của ông cũng chả sao.
– Mà này, ai cũng dán mắt vào cái kabuto wari[14] này đấy.
– Cái tessen[15] ấy nặng lắm phải không ạ?
– Kushami, cậu cầm thử xem, khá nặng đấy. Bác đưa cho cậu ấy cầm thử đi.
Cụ già cầm cái quạt lên có vẻ nặng nề, đưa cho ông chủ bảo “xin lỗi, đây ạ”. Thầy Kushami cầm cái quạt một lúc, trông như những người đi viếng chùa Kurodani ở Kyoto kính cẩn nhận thanh đao từ hòa thượng Rensobo, bảo “ồ, nặng thật” rồi trả lại.
– Mọi người cứ gọi cái này là tessen, tessen, nhưng cái này gọi là kabuto wari, còn tessen là cái khác.
– Thế… cái này để làm gì ạ?
– Gọi là kabuto wari có nghĩa là để đập vỡ cái mũ sắt, đánh vào chỗ làm cho địch choáng váng. Nghe nói nó được dùng từ thời Kusunoki Masashige[16].
– Bác ơi, thế thì đó là cái “chẻ mũ” của Masashige đấy nhỉ?
– Không, cái này của ai thì không biết, chỉ biết là cũ lắm rồi. Có thể làm từ thời Kemmu[17] cũng nên.
– Cũng có thể là của thời Kemmu đấy. Nhưng cậu Kangetsu thì thua với nó. Kushami này, hôm nay nhân tiện trên đường về, tôi ghé qua trường đại học, vào khoa lý, được xem phòng thí nghiệm của khoa. Cái kabuto wari này bằng sắt nên những máy từ tính trong phòng cảm ứng loạn cả lên, làm mọi người nhốn nháo.
– Không, làm gì có chuyện ấy. Cái này là sắt thời Kiến Vũ, chất lượng rất tốt, không thể có chuyện như thế dược.
– Chất lượng sắt tốt đến mấy thì cũng không phải như bác nghĩ đâu. Thực tế, cậu Kangetsu cậu ấy bảo thế thì đành phải thế thôi.
– Kangetsu là cái cậu mài viên thủy tinh ấy à? Còn trẻ thế mà thật tội nghiệp. Có thể làm được việc gì khác khá hơn như vậy chứ?
– Tội nghiệp nhưng đó là việc nghiên cứu. Nếu mài xong viên bi đó sẽ thành học giả xuất sắc đấy ạ.
– Nếu mài được viên bi mà trở thành học giả xuất sắc thì ai chả làm được. Tôi cũng làm được. Ông chủ cửa hàng thủy tinh cũng thành được. Những người làm việc đó ở bên Tàu người ta gọi là “cầu nhân”, đẳng cấp rất thấp đấy.