Trăng Lạnh
CHƯƠNG 11 (TIẾP)
Duncan không trả lời. “Nó thể hiện âm lịch. Nhưng là một loại lịch rất đặc biệt. Loại lịch Gregory mà chúng ta sử dụng có ba trăm sáu mươi lăm ngày và các tháng không dài bằng nhau. Âmlịch nhất quán hơn lịch Gregory, các tháng luôn luôn dài bằng nhau. Nhưng chúng không tương ứng với mặt trời, tức là tháng âm lịch bắt đầu vào, ví dụ, mùng năm tháng Tư năm nay, sang năm sẽ rơi vào một ngày khác. Tuy nhiên, Đồng hồ Delphi thể hiện lịch âm-dương, một dạng kết hợp của cả hai loại lịch. Tao ghét lịch Gregory và âm lịch thuần túy.” Có sự hăng hái trong giọng gã. “Những loại lịch thật cẩu thả.”
Anh ta ghét những loại lịch ấy? Vincent tự nhủ.
“Nhưng lịch âm-dương, nó tao nhã, hài hòa. Tuyệt vời.”
Duncan hất đầu về phía mặt chiếc Đồng hồ Delphi. “Nhiều người không tin nó là thật, bởi các nhà khoa học không thể sao lại sự tính toán của nó nếu không nhờ vào máy tính. Họ không tin nổi ai đó đã chế tạo được một cái máy tính tinh vi như thế từ xa xưa. Nhưng tao tin nó là thật.”
“Nó có giá lắm hả?”
“Nó vô giá.” Lát sau Duncan nói thêm. “Có hàng chục lời đồn đại về nó, rằng nó chứa đựng câu trả lời cho những bí ẩn của cuộc sống và vũ trụ.”
“Anh nghĩ thế à?”
Duncan tiếp tục nhìn chằm chằm vào ánh sáng long lanh phát ra từ vỏ chiếc đồng hồ. “Theo một cách nào đó. Nó có làm được gì siêu nhiên không? Tất nhiên không. Nhưng nó làm được một việc quan trọng. Nó thống nhất thời gian. Nó giúp chúng ta hiểu rằng đó là dòng sông bất tận. Nó đối xử với một giây hoàn toàn không khắc với thiên niên kỉ. Và chẳng biết làm sao mà nó đo được tất cả những khoảng cách thời gian ấy với sự chính xác gần như tuyệt đối.” Gã chỉ chiếc hộp. “Người cổ xưa suy nghĩ về thời gian như một thế lực riêng rẽ, bản thân nó là một thứ thánh thần, với quyền năng của chính nó. Mày có thể bảo chiếc đồng hồ là biểu tượng cho quan niệm đó. Tao nghĩ chúng ta nên nhìn nhận thời gian theo cách ấy thì hơn: mỗi một giây có thể chứa sức mạnh bằng một viên đạn hay một con dao hay một trái bom. Nó có thể ảnh hưởng đến các sự kiện sẽ xảy ra sau một nghìn năm nữa. Có thể thay đổi chúng hoàn toàn.”
Cái đà vĩ đại của các sự việc…
“Đó là một điều đầy ý nghĩa.”
Tuy nhiên giọng Vincent hẳn đã bộc lộ rằng gã không chia sẻ nhiệt tình của Duncan.
Nhưng chuyện này cũng có vẻ ổn. Sát thủ nhìn chiếc đồng hồ bỏ túi. Gã bật tiếng cười hiếm hoi. “Mày nghe đủ những lời lan man điên rồ rồi đấy. Hãy đi thăm cô nàng bán hoa của chúng ta nào.”
* * *
Cuộc đời chàng cảnh sát tuần tra Ron Pulaski như thế này: vợ và các con, cha mẹ và người anh em sinh đôi, ngôi nhà đứng tách biệt gồm ba phòng ngủ ở Queens, và những niềm thích thú nho nhỏ là nấu ăn ngoài trời với bạn bè cùng vợ con họ (anh tự làm nước xốt thịt nướng và dầu dấm trộn sa lát), đi bộ thể dục, cùng nhau xoay xở đủ tiền thuê người giữ trẻ để hai vợ chồng chuồn ra rạp chiếu phim, làm việc tại cái sân sau bé đến nỗi người anh em sinh đôi của anh phải gọi là tấm thảm trải sofa bằng cỏ.
Những thứ đơn giản. Nên Pulaski khá lo lắng về chuyện gặp Jordan Kessler, đối tác của Benjamin Creeley. Khi cú tung đồng xu trong chiếc xe Camaro của Sachs dành cho nhà doanh nghiệp, chứ không phải cô nhân viên phục vụ quầy bar, anh đã gọi điện và thu xếp gặp Kessler, ông ta vừa trở về sau một chuyến đi làm ăn. (Chiếc máy bay phản lực của ông ta, tức là thực sự của ông ta, vừa hạ cánh, và người tài xế của ông ta đang lái xe đưa ông ta vào thành phố.)
Pulaski lúc này ước gì anh chọn được cô nhân viên phục vụ quầy bar. Cái giàu sụ làm anh không thoải mái.
Kessler đang có mặt tại văn phòng của một khách hàng ở khu Hạ Manhattan và muốn hoãn gặp Pulaski. Nhưng Sachs đã bảo anh phải thật dai và anh đã thực hiện đúng như vậy. Kessler đồng ý gặp anh trong tiệm Starbucks(40) dưới tầng trệt tòa nhà mà khách hàng ông ta đặt văn phòng.
Chàng cảnh sát trẻ bước vào dãy hành lang công ti Vận chuyển Năng lượng Penn, một nơi không tầm thường tí nào – toàn kính và chrome, vô số tác phẩm điêu khắc bằng cẩm thạch. Trên tường treo những bức ảnh khổng lồ chụp các đường ống dẫn của công ti, sơn nhiều màu khác nhau. Là thứ trang trí cho nhà máy thì chúng khá nghệ thuật. Pulaski thực sự thích những bức ảnh ấy.
(40) Starbucks là một công ty đa quốc gia đặt trụ sở tại Mỹ, sản xuất cà phê và có mạng lưới các quán bán cà phê.
Trong tiệm Starbucks, một người đàn ông nheo mắt nhìn về phía chàng cảnh sát và vẫy anh ta. Pulaski tự mua một tách cà phê – nhà doanh nghiệp đã có cà phê rồi – và họ bắt tay nhau. Kessler có vóc dáng rắn chắc, mái tóc mỏng được chải ngược lên che phần đỉnh đầu hói bóng loáng. Ông ta mặc sơ mi màu xanh lơ thẫm, hồ mượt như gỗ balsa(41). Cổ và măng sét áo màu trắng, bộ khuy măng sét là những cái nút bằng vàng đắt tiền.
(41) Balsa: Một loại cây to, lớn nhanh, có thể cao tới ba mươi mét, là loại cây bản địa của vùng nhiệt đới Nam Mỹ.
“Cảm ơn anh đã đến gặp tôi dưới này”, Kessler nói. “Tôi không chắc chắn là khách hàng sẽ nghĩ thế nào khi một cảnh sát gặp tôi trên tầng dành cho hội đồng quản trị.”
“Ông làm việc gì cho họ?”
“À, cuộc đời của một nhân viên kế toán. Chẳng bao giờ nghỉ ngơi.” Kessler nhấm nháp cà phê, ngồi vắt chân chữ ngũ và nói bằng giọng trầm trầm: “Thật kinh khủng, cái chết của Ben. Thật kinh khủng. Khi nghe nói tôi đã không thể nào tin được… Vợ và con trai ông ấy đang chịu đựng nó ra sao?” Rồi ông ta lắc đầu và tự trả lời câu hỏi ấy: “Họ đang chịu đựng nó ra sao? Họ choáng váng, tôi chắc chắn vậy. Ờ, tôi có thể giúp gì cho anh, anh cảnh sát?”
“Như tôi đã trình bày, chúng tôi chỉ đang điều tra về cái chết của ông ta.”
“Rất sẵn sàng, bất cứ điều gì tôi có thể giúp.”
Kessler xem ra chẳng bối rối khi phải nói chuyện với một sĩ quan cảnh sát. Và không có vẻ gì là hạ cố trong cung cách ông ta nói chuyện với một người có thu nhập ít hơn ông ta một nghìn lần.
“Liệu ông Creeley có gặp vấn đề về ma túy không?”
“Ma túy à? Tôi chưa từng trông thấy. Tôi biết ông ấy có một lần sử dụng thuốc giảm đau vì cái lưng. Nhưng lâu rồi. Và tôi không nghĩ tôi từng trông thấy ông ấy, anh nói thế nào nhỉ? Tôi chưa từng trông thấy ông ấy suy sụp. Nhưng có một điều, giữa chúng tôi không có sự cởi mở lắm. Kiểu không hợp tính. Chúng tôi làm ăn chung và biết nhau sáu năm nay rồi, nhưng chúng tôi vẫn giữ cho cuộc sống riêng tư của mỗi người được, ờ, riêng tư. Trừ phi với khách hàng, còn thì cả năm chúng tôi cũng chỉ ăn tối với nhau có lẽ độ một, hai lần.”
Pulaski lái cuộc đối thoại quay lại hướng đang điều tra. “Thế chuyện buôn bán ma túy bất hợp pháp?”
“Ben ấy à? Không.” Kessler cười thành tiếng.
Pulaski thầm nghĩ lại những câu hỏi anh đã dự tính đặt ra. Sachs bảo anh hãy ghi nhớ chúng. Cô nói, nếu anh cứ phải nhìn vào giấy, anh sẽ có vẻ không chuyên nghiệp.
“Ông ta có bao giờ gặp người nào mà theo ông bộ dạng trông nguy hiểm không, người nào gây cho ông ấn tượng rằng họ là tội phạm ấy?”
“Chưa bao giờ.”
“Ông đã bảo thám tử Sachs rằng ông ta có tâm trạng chán nản.”
“Đúng thế.”
“Ông biết ông ta chán nản vì cái gì chứ?”
“Không. Xin nhắc lại là chúng tôi không trao đổi nhiều về những vấn đề riêng tư.” Người đàn ông đặt cánh tay lên bàn và chiếc khuy măng sét lớn đập vào mặt gỗ kêu thành tiếng to. Giá của nó khoảng bằng một tháng lương của Pulaski.
Pulaski nghe thấy trong đầu câu động viên của vợ. Đừng căng thẳng, anh yêu. Anh đang làm tốt đấy.
Người anh trai chen vào: Ông ta có bộ khuy vàng, nhưng chú có khẩu súng to tổ bố.
“Ngoài tâm trạng chán nản, ông có để ý thấy điều gì bất thường ở ông ta thời gian gần đây không?”
“Thực tế là có. Ông ấy uống nhiều hơn bình thường. Và ông ấy bắt đầu chơi bạc. Vài lần đến Vegas hoặc Atlantic City. Trước kia thì chưa bao giờ.”
“Ông có thể xác định cái này không?” Pulaski đưa cho nhà doanh nghiệp một bản sao những hình ảnh khôi phục được từ chỗ tro Amelia Sachs thu tại ngôi nhà của Creeley ở Westchester. “Nó là một bảng tính hay bảng quyết toán gì đó”, chàng cảnh sát tuần tra nói.
“Tôi hiểu.” Bây giờ thì có một chút hạ cố nhưng xem chừng không phải do chủ ý.
“Những mảnh này được tìm thấy trong nhà ông Creeley. Theo ông chúng có nghĩa gì không?”
“Không. Chúng rất khó đọc. Chúng đã bị sao vậy?”
“Đó là việc chúng tôi đã tìm thấy chúng như thế nào.”
Sachs bảo Pulaski đừng nói gì về chuyện chúng bị đốt. Ý chị là giữ quân bài sát ngực hả[42], Pulaski đã định hỏi thế, rồi lại nghĩ không nên sử dụng những lời lẽ đó đối với một phụ nữ. Anh đỏ mặt. Người anh sinh đôi của anh thì sẽ không vậy đâu. Họ chung nhau mọi gien trừ gien xấu hổ.
[42] Nguyên văn là “play it close to the chest”: Thành ngữ ám chỉ việc giữ kín ý đồ.
“Chúng xem ra thể hiện một khoản tiền lớn.”
Kessler nhìn lại những con số.
“Không nhiều lắm. Chỉ vài triệu.”
Không nhiều lắm.
“Quay lại chuyện chán nản. Làm sao ông biết được ông ta chán nản? Nếu ông ta không nói tới tâm trạng của mình.”
“Ông ấy cứ quanh quẩn thẫn thờ suốt. Hay cáu gắt. Mất tập trung. Dứt khoát là ông ấy đang bị ám ảnh bởi cái gì đó.”
“Ông ta có bao giờ nói tới Tửu quán Thánh James không?”
“Tửu quán…?”
“Một quán bar ở Manhattan.”
“Không. Tôi biết thi thoảng ông ấy rời khỏi văn phòng sớm. Đi uống cùng bạn bè, tôi nghĩ thế. Nhưng ông ấy chẳng hề nói là đi cùng ai.”
“Ông ta đã bao giờ bị điều tra chưa?”
“Về chuyện gì?”
“Bất cứ chuyện gì bất hợp pháp.”
“Không. Nếu có thì tôi đã nghe nói.”
“Ông Creeley có vấn đề gì với các khách hàng của ông ta không?”
“Không. Chúng tôi giữ quan hệ rất tốt với tất cả các khách hàng. Tiền lời trung bình của họ gấp ba, gấp bốn lần top 500 S và P(43). Có ai lại chẳng hài lòng chứ?”
(43) S và P: Ở đây muốn nói tới năm trăm công ty hàng đầu trong các ngành công nghiệp nổi bật của Mỹ, được đưa vào danh sách của Standard & Poor’s – một công ty về thông tin đầu tư thuộc tập đoàn McGraw-Hill, Mỹ.
S và P… Pulaski không hiểu. Dù sao anh cũng ghi chép lại. Rồi đến từ “hài lòng”.
“Ông có thể gửi cho tôi danh sách các khách hàng được không?”
Kessler ngập ngừng. “Nói thật, tôi mong anh không liên hệ với họ.” Ông ta hơi cú đầu và đăm đăm nhìn vào mắt chàng cảnh sát trẻ.
Pulaski nhìn lại ngay. Anh hỏi: “Tại sao?”
“Bất tiện lắm. Rất dở cho việc kinh doanh. Như tôi đã nói lúc trước.”
“Vâng, thưa ông, nếu ông suy nghĩ về chuyện đó, chẳng có gì đáng xấu hổ khi cảnh sát đặt ra vài câu hỏi sau cái chết của một người, phải không ạ? Nó chủ yếulàcông việc của chúng tôi.”
“Tôi nghĩ thế.”
“Và tất cả các khách hàng của ông đều biết chuyện xảy ra với ông Creeley chứ?”
“Biết.”
“Vậy chúng tôi đang điều tra, các khách hàng của ông cũng chẳng bất ngờ về điều ấy.”
“Một số cho là bình thường, nhưng một số lại cho là bất bình thường.”
“Trong bất cứ trường hợp nào, ông cũng đã làm gì đó để kiểm soát tình hình rồi, phải không? Đã thuê một công ti PR hay có lẽ chính ông đã gặp gỡ các khách hàng nhằm đem lại sự yên tâm cho họ?”
Kessler ngập ngừng. Rồi ông ta nói: “Tôi sẽ yêu cầu lập một danh sách chung và gửi cho anh.”
Được đấy! Pulaski tự nhủ thầm, phương pháp quay xe ở chỗ hẹp(44)! Anh phải cố gắng kiềm chế để không mỉm cười.
(44) Quay xe ở chỗ hẹp: Nguyên văn là “three-pointer”, là phương pháp quay xe bằng cách tiền, rồi lùi, rồi lại tiến, mỗi lần tiến và lùi quay được một chút.
Amelia Sachs đã dặn là nên dành câu hỏi lớn ấy tới lúc cuối cùng. “Một nửa công ti thuộc về ông Creeley sẽ thế nào?”
Câu hỏi chứa đựng một chút ám chỉ rằng Kessler đã giết đối tác của mình để chiếm toàn bộ cơ sở kinh doanh. Nhưng Kessler hoặc là không nắm bắt được ý này hoặc là có nhưng không mếch lòng. “Tôi sẽ mua nó. Hợp đồng chung phần làm ăn của chúng tôi cho phép điều đó. Suzanne, vợ ông ấy, sẽ được trả cho phần của ông ấy theo đúng giá trị thị trường. Nó sẽ là một sự thay đổi lớn.”
Pulaski ghi chép lại ý này. Anh chỉ bức ảnh chụp những đường ống dẫn năng lượng, nhìn thấy được qua cánh cửa kính. “Khách hàng của ông là các công ti lớn như thế?”
“Chúng tôi chủ yếu làm việc cho các cá nhân, các giám đốc điều hành và thành viên hội đồng quản trị.” Kessler bỏ thêm một túi đường vào tách cà phê của mình, khuấy lên. “Anh cảnh sát, anh từng tham gia kinh doanh bao giờ chưa?”
“Tôi ấy à?” Pulaski nở nụ cười. “Chưa. Tôi muốn nói, có một mùa hè tôi làm việc cho một ông chú. Nhưng rồi ông ấy sa sút. Ờ, không phải ông ấy. Cái hiệu in của ông ấy.”
“Thật hứng thú khi người ta thành lập một doanh nghiệp và gây dựng để nó lớn mạnh.” Kessler nhấm nháp cà phê, lại khuấy lên rồi ngả người về phía trước. “Rõ ràng anh nghĩ trong cái chết của ông ấy chứa đựng điều gì đó phức tạp hơn một vụ tử tử.”
“Chúng tôi muốn bao quát mọi xuất phát điểm.” Pulaski cũng chẳng biết mình nói thế nghĩa là thế nào, nó hoàn toàn buột khỏi miệng anh. Anh thầm soát các câu hỏi. Cái giếng cạn rồi. “Tôi nghĩ cuộc trao đổi giữa chúng ta sẽ kết thúc ở đây, thưa ông. Xin cám ơn ông đã giúp đỡ.”
Kessler uống nốt tách cà phê. “Nếu tôi nghĩ ra được điều gì, tôi sẽ gọi cho anh. Anh có danh thiếp chứ?”
Pulaski đưa danh thiếp cho nhà doanh nghiệp, ông ta hỏi: “Nữ thám tử mà tôi đã nói chuyện. Xin anh nhắc lại tên cô ấy?”.
“Thám tử Sachs.”
“Phải rồi. Nếu tôi không thể gọi cho anh, liệu tôi có nên gọi cho cô ấy chăng? Cô ấy vẫn làm vụ này chứ?”
“Vâng, thưa ông.”
Pulaski đọc cho Kessler viết tên và số di động của Sachs vào mặt sau tấm danh thiếp. Pulaski cũng đưa số điện thoại ở nhà Rhyme.
Kessler gật đầu. “Tôi phải quay lại với công việc đây.”
Pulaski cảm ơn ông ta lần nữa, uống nốt tách cà phê và rời khỏi tiệm. Một cái nhìn cuối cùng đặt lên bức ảnh lớn nhất chụp các đường ống dẫn năng lượng. Nó thực sự chứa đựng ý nghĩa gì đó. Anh sẽ chẳng ngại kiếm một bức nho nhỏ để treo trong phòng giải trí của mình. Nhưng anh cho là một công ti như công ti Penn này hẳn không có cửa hiệu bán quà tặng, kiểu khu giải trí Walt Disney.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.