Trí Tuệ Giả Tạo: Internet Đã Làm Gì Chúng Ta?

CHƯƠNG 10: MỘT THỨ NHƯ TÔI



Đó là một trong những chương kỳ quặc của lịch sử khoa học máy tính, tuy nhiên cũng là một chương đáng kể lại. Trong khoảng thời gian một vài tháng từ năm 1964 đến 1965, Joseph Weizenbaum, một nhà khoa học máy tính 41 tuổi tại Viện công nghệ Massachusetts, đã viết một ứng dụng phần mềm phân tích ngôn ngữ viết mà ông lập trình để chạy trên hệ điều hành phân chia thời gian mới của trường đại học. Một sinh viên ngồi tại một trong các thiết bị của hệ thống sẽ nhập một câu vào máy tính, và chương trình của Weizenbaum sẽ dựa theo một bộ quy tắc đơn giản về ngữ pháp tiếng Anh để phát hiện một từ hoặc một cụm từ nổi bật trong câu và phân tích bối cảnh cú pháp của từ hoặc cụm từ đó. Tiếp đó, chương trình sẽ dựa theo một bộ quy tắc khác để chuyển câu đó thành một câu mới, trông như một lời hồi đáp lại câu ban đầu. Câu văn do máy tính tạo ra xuất hiện gần như ngay lập tức trên máy tính của sinh viên, tạo cảm giác giống một cuộc hội thoại.
Trong một bài viết vào tháng 1 năm 1966 để giới thiệu chương trình của mình, Weizenbaum nêu một ví dụ cụ thể về hoạt động của chương trình này. Nếu một người nhập vào câu “I am very unhappy these days” (Những ngày này tôi buồn lắm) thì máy tính chỉ cần biết rằng cụm từ “I am” thường đi trước mô tả về trạng thái hoặc cảm xúc hiện tại của người nói. Máy tính sẽ trả lời bằng câu “How longhave you been very unhappy these days?” (Những ngày này bạn đã buồn bao lâu rồi?).Weizenbaum giải thích chương trình hoạt động nhờ áp dụng “một kiểu mẫu theo câu ban đầu, một phần trong đó ứng với hai từ “I am” và phần còn lại sẽ cô lập các từ “very unhappy these days”“. Sau đó chương trình sử dụng một thuật toán “bộ dụng cụ ghép” phù hợp với mẫu, bao gồm một quy tắc chỉ rõ rằng “bất kỳ câu nào có dạng “I am very ABC” sẽ được chuyển thành “How long have you been very ABC”, không phụ thuộc vào nghĩa của ABC”.[389]
Ứng dụng của Weizenbaum là một sản phẩm nổi bật của thời đại đó. Trong thập niên 1950 và 1960, lòng nhiệt tình với máy tính, lập trình phần mềm và trí thông minh nhân tạo không chỉ làm dấy lên ý tưởng cho rằng bộ não con người là một loại máy tính mà còn tạo cảm giác rằng ngôn ngữ của con người là sản phẩm đầu ra của một trong những thuật toán đang chạy bên trong máy tính. Theo giải thích của David Golumbia trong cuốn sách The Cultural Logic of Computation (Logic văn hóa của tính toán), một nhóm “các nhà ngôn ngữ học tính toán” mới do Noam Chomsky, đồng nghiệp của Weizenbaum tại Viện công nghệ Massachusetts, dẫn đầu thừa nhận rằng dạng “ngôn ngữ tự nhiên” mà con người nói và viết phản ánh “hoạt động của máy tính bên trong phần tâm trí thực hiện nhiệm vụ ngôn ngữ của con người”.[390] Trong một bài báo năm 1958 trên tạp chí Information and Control, Chomsky đã viết rằng “một phương pháp khả thi để mô tả ngữ pháp là theo một chương trình chạy trên máy Turing phổ dụng”.[391] Theo Golumbia, điều khiến thuyết tính toán hấp dẫn là nó được bao bọc trong “một vùng tranh tối tranh sáng hấp dẫn của sự mới mẻ về công nghệ”. Nó mang tới “sự rõ ràng cơ học”, thay thế “sự hỗn độn” mang tính con người của ngôn ngữ bằng “một máy tính nội bộ trong sạch”.[392] Bằng cách đảo lại cách nói chuyện của con người, bạn có thể khám phá được mã nền tảng của ngôn ngữ, sau đó thay thế bằng phần mềm.
Weizenbaum đặt tên cho chương trình của mình là ELIZA theo tên của Eliza Doolittle, một cô hàng hoa ở khu Đông London trong tác phẩm Pygmalion củaGeorge Bernard Shaw. Eliza phải học nói chuẩn tiếng Anh dưới sự hướng dẫn của giáo sư ngữ âm Henry Higgins kiêu căng. Để cuộc đối thoại mô phỏng trở nên thú vị hơn, Weizenbaum tạo nhân cách cho người nói chuyện nhân tạo của mình – nhân cách của một nhà liệu pháp tâm lý theo chủ nghĩa Roger. Theo giải thích của ông, đó là một lựa chọn thực tế. Các nhà liệu pháp theo chủ nghĩa Roger sử dụng một phương pháp do nhà tâm lý học Carl Rogers phát triển vào thập niên 1940. Trong các cuộc đối thoại với bệnh nhân, họ sẽ giả vờ không hiểu gì về thế giới. Họ đơn giản nhắc lại câu nói của bệnh nhân ở dạng các câu hỏi mở hoặc các bình luận sáo rỗng. Biết rằng sự ngây thơ chỉ là giả vờ, bệnh nhân có thể tự do gắn cho nhà liệu pháp của mình “mọi loại kiến thức nền tảng, kiến thức chuyên sâu và khả năng lý luận”. Weizenbaum nhận ra rằng nhân cách kiểu Roger có “ích lợi quan trọng về tâm lý học” đối với ELIZA: nó cho thấy trong sự ngây ngô của chương trình ẩn hiện một kiểu trí thông minh thật sự.
Weizenbaum giới thiệu một đoạn trao đổi giữa ELIZA và một cô gái, người từng là đối tượng thí nghiệm của chương trình (trả lời của máy tính được in nghiêng).
Mọi đàn ông đều giống nhau.
Giống như thế nào?
Họ luôn khiến chúng ta khó chịu về chuyện này hoặc chuyện khác.
Bạn có thể đưa ra ví dụ cụ thể không?
Bạn trai tôi bắt tôi đến đây.
Bạn trai của bạn bắt bạn đến đây.
Anh ấy nói hầu như lúc nào tôi cũng chán nản.
Tôi rất tiếc khi biết bạn chán nản.
Đúng vậy. Tôi đang buồn.
Bạn có nghĩ đến đây sẽ giúp hạn hết buồn không?
Tôi cần sự giúp đỡ, chuyện đó hiển nhiên rồi.
Việc được giúp đỡ có ý nghĩa như thế nào với bạn?
Có lẽ tôi sẽ học được cách hòa thuận với mẹ.
Hãy kể cho tôi nghe thêm về gia đình của bạn.
Mẹ tôi chăm sóc tôi.
Còn ai trong gia đình chăm sóc bạn nữa?
Bố tôi.
Bố của bạn.
Bạn giống bố tôi ở một số điểm.
Bạn nhận thấy sự giống nhau nào?
Bạn không đáng sợ cho lắm nhưng tôi nghĩ bạn không muốn tôi nhận ra điều đó.
Điều gì khiến bạn nghĩ tôi không đáng sợ lắm?
Bạn không tranh luận với tôi.
Bạn nghĩ tại sao tôi không tranh luận với bạn?
Bạn sợ tôi.
Bạn có cảm thấy hài lòng khi tin rằng tôi sợ bạn không?
Bố tôi sợ tất cả mọi người.[393]
Weizenbaum thừa nhận phát minh của mình là một đóng góp khiêm tốn, thậm chí hơi ngốc nghếch cho ngành xử lý ngôn ngữ tự nhiên còn non trẻ. Khi bình luận về phát minh này, ông nhận thấy các kỹ sư lập trình máy tính có thể dễ dàng tạo ra những chiếc máy “hành động một cách kỳ lạ nhưng đủ làm kinh ngạc nhà quan sát có kinh nghiệm nhất”. Tuy nhiên, ông nhận xét tiếp rằng khi “những hoạt động bên trong chương trình được lý giải theo ngôn ngữ đủ đơn giản để hiểu thì sự kỳ diệu lại biến mất, đó chỉ đơn thuần là bộ sưu tập các quy trình dễ hiểu”. Nhà quan sát tự nhủ: “Mình cũng viết được như vậy”. Thế là chương trình chuyển từ khu vực được dán nhãn “Thông minh” tới khu vực dành cho đồ cổ.[394]
Tuy nhiên cũng giống như Henry Higgins, Weizenbaum sớm chứng kiến trạng thái cân bằng của mình bị đảo lộn. ELIZA nhanh chóng nổi tiếng tại Viện công nghệ Massachussets, trở thành đề tài chính trong các bài giảng và bài thuyết trình về máy tính và phân chia thời gian. Đó là một trong những phần mềm đầu tiên có khả năng thể hiện sức mạnh và tốc độ của máy tính theo cách mà những người dù không có chuyên môn vẫn có thể hiểu được. Bạn không cần có kiến thức về toán học hay khoa học máy tính khi trò chuyện với ELIZA. Các bản sao của chương trình lan rộng tới các trường khác. Giới báo chí nhận thấy sự kiện này và ELIZA trở thành “đồ chơi quốc gia” theo cách gọi của Weizenbaum.[395]Cho dù ông ngạc nhiên về sự hứng thú của công chúng dành cho chương trình thì điều khiến ông thật sự choáng váng là những người sử dụng chương trình “trở nên gắn bó về tình cảm với máy tính” một cách nhanh chóng và sâu đậm, nói chuyện với nó như thể đang nói chuyện với người thật. “Sau khi trò chuyện với máy tính một thời gian, họ khăng khăng cho rằng chiếc máy thật sự hiểu mình cho dù tôi có giải thích thế nào”.[396] Ngay cả thư ký của ông, người đã quan sát ông viết mã cho ELIZA và “chắc chắn hiểu nó chỉ là một chương trình máy tính”, cũng bị mê hoặc. Sau một vài phút sử dụng phần mềm tại máy trong phòng làm việc của Weizenbaum, cô yêu cầu vị giáo sư rời khỏi phòng bởi thấy ngượng vì tính thân mật của cuộc đối thoại. Weizenbaum cho biết: “Điều tôi không nhận ra là chỉ cần tiếp xúc trong một thời gian cực kỳ ngắn với một chương trình máy tính tương đối đơn giản cũng có thể tạo ra tư duy ảo tưởng mạnh mẽ ở những người rất bình thường”.[397]
Tuy nhiên mọi thứ ngày càng trở nên kỳ lạ hơn. Các nhà khoa học và chuyên gia tâm thần bắt đầu nhiệt tình đưa ra kết luận rằng phần mềm đóng vai trò quý giá trong việc điều trị bệnh nhân. Trong mộtbài báo trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease, ba chuyên gia nghiên cứu tâm thần học lỗi lạc viết hóm hỉnh rằng ELIZA có thể trở thành “một công cụ chữa bệnh được sử dụng rộng rãi tại những bệnh viện tâm thần và trung tâm thần kinh đang thiếu bác sỹ chuyên khoa”. Nhờ vào “khả năng phân chia thời gian của máy tính đương đại và tương lai, một hệ thống thiết kế đặc biệt có thể làm việc với hàng trăm bệnh nhân trong một giờ”. Trên tạp chí Natural History, nhà vật lý học thiên thể xuất chúng Carl Sagan thể hiện hứng khỏi về tiềm năng của ELIZA, ông tiên đoán sự phát triển của “một mạng máy tính chữa bệnh, giống một dãy buồng điện thoại lớn mà ở đó, chỉ với vài đôla cho mỗi phiên sử dụng, chúng ta đã có thể trò chuyện với một chuyên gia tâm lý ân cần, đã được chứng nhận và hầu như không chỉ đạo gì”.[398]
Trong bài viết Computing Machinery and Intelligence (Máy tính và trí thông minh), Alan Turing vật lộn với câu hỏi: “Máy móc có biết suy nghĩ không?”. Ông đề xuất một thí nghiệm đơn giản để đánh giá xem liệu có thể nói ràng máy tính thông minh hay không. Ông gọi đó là “trò chơi bắt chước” nhưng sau này người ta thường gọi là thí nghiệm Turing. Thí nghiệm gồm một người, “người chất vấn”, ngồi tại một máy tính trong một căn phòng trống và tham gia vào một cuộc đối thoại đánh máy với hai người khác, một là người thật và còn lại là máy tính đóng giả làm người. Nếu người chất vấn không thể phân biệt giữa máy tính và người thật thì theo Turing, có thể coi máy tính là thông minh. Khả năng tạo ra cá tính nhờ từ ngữ cho thấy sự xuất hiện của một chiếc máy tư duy thật sự.
Trò chuyện với ELIZA là một thay đổi so với thí nghiệm Turing. Tuy nhiên Weizenbaum ngạc nhiên khi biết người “trò chuyện” với chương trình của ông không quan tâm nhiều tới việc đưa ra đánh giá lý trí, khách quan về nhân dạng của ELIZA. Họ muốn tin rằng ELIZA là một cỗ máy tư duy. Họ muốn gắn thêm cho ELIZA phẩmchất của con người – mặc dù họ nhận thức rõ rằng ELIZA không hơn một chương trình máy tính tuân theo những chỉ dẫn đơn giản và khá hiển nhiên. Hóa ra thí nghiệm Turing giống một bài kiểm tra cách nghĩ của con người về cách máy móc tư duy. Trong bài báo trên tờ Journal of Nervous and Mental Disease, ba chuyên gia tâm thần học không kết luận rằng ELIZA có thể thay thế một bác sỹ chuyên khoa thật sự. Họ tiếp tục lập luận lòng vòng rằng một chuyên gia tâm thần học về bản chất là một kiểu máy tính. “Có thể xem bác sỹ chuyên khoa con người như chiếc máy xử lý thông tin và đưa ra quyết định bằng một loạt các quy tắc có liên hệ mật thiết với các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn”.[399] Tuy nhiên dù vụng về đến đâu thì khi mô phỏng con người, ELIZA cũng khiến mọi người nghĩ họ chính là phiên bản mô phỏng của máy tính.
Phản ứng với phần mềm khiến Weizenbaum lo lắng. Nó mang tới một câu hỏi mà ông chưa từng đặt ra cho bản thân nhưng lại khiến ông phải suy nghĩ trong nhiều năm liền. “Điều gì ở máy tính khiến quan niệm con người giống máy móc trở nên đáng tin hơn bao giờ hết?”.[400] Năm 1976, một thập kỷ sau sự ra mắt của ELIZA, ông đưa ra câu trả lời trong cuốn sách Computer Power and Human Reason (Sức mạnh của máy tính và Lý trí của con người). Ông cho rằng để hiểu được ảnh hưởng của máy tính, bạn cần nhìn máy móc trong bối cảnh các công nghệ trí tuệ trước đây của nhân loại, một chuỗi dài các công cụ như bản đồ và đồng hồ đã chuyển hóa tự nhiên và thay đổi “quan niệm về thực tế của con người”. Những công nghệ này trở thành một phần “giúp con người xây dựng thế giới”. Một khi đã được chấp nhận thì chúng không bao giờ bị bỏ rơi, ít nhất không thể không khiến xã hội rơi vào “nhầm lẫn rất lớn và có thể là hỗn loạn hoàn toàn”. Theo ông, một công nghệ trí tuệ “trở thành một phần không thể thiếu trong bất kỳ cấu trúc nào khi nó hợp nhất hoàn toàn với cấu trúc đó, gắn bó chặt chẽ với nhiều cấu trúc nhỏ bên dưới tới mức không thể loại bỏ nó mà không làm hỏng toàn bộ cấu trúc”.
Thực tế đó, gần như là “phép lặp thừa”, giúp lý giải sự phụ thuộc ngày càng lớn, và hầu như không thể lay chuyển, của chúng ta vào máy tính kỹ thuật số sau khi chúng được phát minh vào cuối Thế chiến thứ II. Weizenbaum biện luận rằng: “Máy móc không phải điều kiện tiên quyết cho sự sống còn của xã hội hiện đại thời kỳ sau chiến tranh và sau đó nữa. Sự chấp nhận nhiệt tình của các thành phần “tiến bộ” nhất của chính phủ, doanh nghiệp và ngành công nghiệp Mỹ khiến máy móc trở thành một tài nguyên thiết yếu cho sự sống còn của xã hội mà máy tính là công cụ hình thành nên dạng thức đó”. Từ kinh nghiệm với mạng phân chia thời gian của mình, ông hiểu rằng vai trò của máy tính sẽ vươn xa hơn sự tự động hóa các quy trình công nghệ và chính phủ. Máy tính sẽ làm trung gian cho những hoạt động đặc trung trong cuộc sống thường nhật của con người – cách học, cách tư duy và cách giao tiếp, ông cảnh báo rằng điều mà lịch sử các công nghệ trí tuệ muốn nói với chúng ta là “việc sử dụng máy tính trong một số hoạt động phức tạp của con người có thể cấu thành một cam kết không thể đảo ngược”. Cuộc sống xã hội và trí tuệ của chúng ta, cũng giống các thói quen công nghiệp, sẽ phản ánh dạng thức mà máy tính áp đặt lên chúng.[401]
Weizenbaum tin rằng điều mang tính người nhiều nhất là điều ít có thể tính toán nhất của chúng ta – các kết nối giữa tâm trí và thể xác, những trải nghiệm hình thành nên trí nhớ và tư duy, khả năng cảm nhận và đồng cảm. Nguy hiểm mà chúng ta đang phải đối mặt khi ngày càng thân thiết với máy tính hơn – khi chúng ta trải nghiệm phần lớn cuộc sống thông qua những ký hiệu kỳ quặc xuất hiện trên màn hình -là chúng ta sẽ bắt đầu mất đi tính người của mình, hy sinh những phẩm chất giúp phân biệt con người với máy tính. Theo Weizenbaum, điều duy nhất để tránh khỏi số phận đó là phải có nhậnthức và lòng dũng cảm không cho máy tính tham gia vào phần lớn các hoạt động tinh thần và trí tuệ của chúng ta, đặc biệt là “những nhiệm vụ đòi hỏi sự suy xét”.[402]
Không chỉ là một luận điểm đã được chứng minh về hoạt động của máy tính và phần mềm, cuốn sách của Weizenbaum còn là sự than khóc của trái tim, một bài kiểm tra đầy đam mê và đôi khi ngay thẳng của một lập trình viên máy tính về giới hạn nghề nghiệp của mình. Cuốn sách không làm các đồng nghiệp yêu quý tác giả. Sau khi cuốn sách ra đời, Weizenbaum bị các nhà khoa học máy tính hàng đầu, đặc biệt là những người đang theo đuổi trí tuệ nhân tạo, hắt hủi như một kẻ dị giáo. Trong một bài nhận xét chế nhạo, John McCarthy, một trong những người đồng tổ chức hội nghị Trí tuệ nhân tạo Dartmouth đầu tiên, phát biểu thay mặt cho rất nhiều nhà công nghệ khi ông bác bỏ Computer Power and Human Reasonnhư “một cuốn sách vô lý” và mắng Weizenbaum vì “triết lý” phản khoa học.[403] Bên cạnh lĩnh vực xử lý dữ liệu, cuốn sách còn gây ra một xáo động nhỏ. Cuốn sách xuất hiện khi những chiếc máy tính đầu tiên đang chuẩn bị rời phòng thí nghiệm để đi vào sản xuất hàng loạt. Công chúng đã sẵn sàng cho một thời kỳ mải mê mua sắm khiến máy tính sau này xuất hiện tại hầu hết các công sở, gia đình và trường học trên cả nước và họ không có tâm trạng để hoan nghênh mối nghi ngờ của kẻ bội giáo.
KHI NGƯỜI THỢ MỘC cầm chiếc búa lên thì theo nhận thức của bộ não, chiếc búa là một phần của cánh tay. Khi người lính nâng cặp ống nhòm lên mắt thì bộ não của anh ta sẽ nhìn qua một cặp mắt mới, ngay lập tức thích ứng với một tầm nhìn khác. Các thí nghiệm cho khỉ sử dụng kiềm cho thấy bộ não của động vật linh trưởng có thể kết hợp nhiều công cụ vào bản đồ cảm giác của nó, khiến những thứ giả tạo trở nên tự nhiên. Trong bộ não con người, khả năng đó đã tiến triển hơn nhiều so với những gì quan sát được ở loài linh trưởng tiến hóa gần nhất với loài người. Khả năng thích nghi với mọi kiểu công cụ là một trong những phẩm chất phân biệt loài người. Kết hợp với các kỹ năng nhận thức cao cấp, chúng ta trở nên rất giỏi sử dụng cũng như phát minh công nghệ mới. Bộ não của chúng ta có thể hình dung ra cơ chế và lợi ích khi sử dụng thiết bị mới từ trước khi thiết bị đó ra đời. Scott Frey, nhà thần kinh học thuộc Đại học Oregon, phát biểu rằng sự tiến hóa năng lực tinh thần kỳ diệu của chúng ta nhằm xóa mờ ranh giới giữa bên trong và bên ngoài, cơ thể và công cụ chính là “bước cơ bản trong quá trình phát triển công nghệ”.[404]
Sự gắn kết chặt chẽ giữa chúng ta và công cụ của mình là quan hệ hỗ tương. Chúng ta là phiên bản mở rộng của công nghệ cũng giống như công nghệ là phiên bản mở rộng của chúng ta. Khi người thợ mộc cầm búa trong tay, anh ta chỉ có thể sử dụng tay đó để làm những việc mà chiếc búa có thể làm. Cánh tay trở thành dụng cụ bổ sung để đóng đinh và kéo đinh. Khi người lính đặt ống nhòm lên mắt, anh ta chỉ có thể nhìn thấy những gì ống kính cho phép. Tầm nhìn của anh ta xa hơn nhưng anh ta lại không thể nhìn thấy những gì ở gần. Trải nghiệm của Nietzsche với máy đánh chữ là một ví dụ tiêu biểu về ảnh hưởng của công nghệ tới chúng ta. Nhà triết gia không chỉ tưởng tượng rằng chiếc máy đánh chữ là “một thứ giống tôi” mà ông còn cảm nhận mình đang dần trở thành một thứ giống nó, rằng máy đánh chữ đang hình thành nên suy nghĩ của ông. T.S.Eliot cũng có trải nghiệm tương tự khi chuyển từ tự tay viết thơ văn sang đánh máy chữ. Trong một lá thư gửi Conrad Aiken năm 1916, ông viết: “Tôi thấy mình vứt bỏ hết tất cả những câu văn dài mà trước đây tôi từng mê mẩn. Ngắn gọn, ngắt đoạn, giống thể thơ Pháp hiện đại. Máy đánh chữ dùng để tạo ra sự rõ ràng nhưng tôi không chắc nó có thể tạo ra sự tinh tế”.[405]
Mọi công cụ đều gây hạn chế cũng như mở ra cơ hội. Chúng ta càng dùng công cụ nhiều hơn thì càng ép bản thân theo hình dạng và chức năng của chúng. Điều đó lý giải tại sao sau một thời gian làm việc với máy xử lý văn bản, tôi bắt đầu mất dần khả năng viết và sửa bằng chữ viết tay. Sau này tôi nhận ra trải nghiệm của mình rất phổ biến. Nornam Doidge ghi nhận: “Những người viết trên máy tính thường lúng túng khi phải viết tay”. Khả năng “chuyển ý tưởng thành văn bản” giảm dần khi họ quen hơn với việc gõ bàn phím và quan sát các chữ cái xuất hiện một cách kỳ diệu trên màn hình.[406] Ngày nay, với việc trẻ em sử dụng bàn phím máy tính và điện thoại ở độ tuổi còn rất nhỏ và trường học ngừng dạy viết, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy khả năng viết tay đang dần biến mất khỏi nền văn hóa của chúng ta. Nó trở thành một nghệ thuật bị thất lạc. Vào năm 1967, theo nhận xét của John Culkin, một học giả truyền thông đồng thời là linh mục dòng Tên, “Chúng ta tạo ra công cụ của mình và sau đó chúng cũng tạo ra chúng ta”.[407]
Marshall McLuhan, cố vấn trí tuệ của Culkin, làm sáng tỏ cách thức mà công nghệ cùng một lúc vừa làm tăng sức mạnh lại vừa làm giảm nhuệ khí của chúng ta. Ở một trong những đoạn văn sâu sắc, và cũng đáng chú ý nhất, trong cuốn Understanding Media, McLuhan viết rằng cuối cùng các công cụ “làm tê liệt” những bộ phận cơ thể mà chúng “khuếch đại”.[408] Khi chúng ta mở rộng nhân tạo một phần nào đó của bản thân thì chúng ta cũng tạo khoảng cách với phần đó và chức năng tự nhiên của nó. Khi nguồn điện ra đời, thợ dệt vải có thể tạo ra nhiều vải hơn trong một ngày làm việc so với khi làm bằng tay như trước đây, tuy nhiên họ mất đi sự khéo léo thủ công, và chưa kể đến “cảm nhận” về vải. Theo thuật ngữ của McLuhan, ngón tay của họ trở nên tê liệt. Tương tự, nông dân cũng mất cảm giác với đất khi bắt đầu sử dụng máy cày bừa cơ khí. Các nông dân công nghiệp ngày nay ngồi trong khoang điều hòa trên một chiếc máy kéo khổng lồ và hiếm khi chạm vào đất – mặc dù trong một ngày họ vẫn có thể cày xong một thửa ruộng mà cha ông mình với chiếc cuốc không thể làm nổi trong vòng một tháng. Khi ngồi sau tay lái ô tô, chúng ta có thể đi xa hơn so với khi đi bộ nhưng lại mất đi kết nối thân thiết của người đi bộ với mặt đất.
McLuhan thừa nhận rằng ông không phải người đầu tiên quan sát thấy hiệu ứng gây tê liệt của công nghệ. Đó là một ý tưởng cổ xưa, có lẽ được thể hiện một cách hùng hồn và đáng ngại nhất bởi tác giả cuốn Kinh Cựu Ước:
Những tượng thần của họ bằng vàng và bạc,
Sản phẩm từ đôi bàn tay con người.
Chúng có mồm nhưng không nói;
Chúng có mắt nhưng không nhìn;
Chúng có tai nhưng không nghe;
Chúng có mũi nhưng không ngửi;
Chúng có tay nhưng không cầm;
Chúng có chân nhưng không đi;
Chúng cũng không nói bằng cổ họng.
Những kẻ làm ra chúng sẽ giống như chúng;
Và những kẻ tin nơi chúng cũng thế.
Cái giá chúng ta phải trả khi thừa nhận sức mạnh của công nghệ là sự tách biệt. Và cái giá đó có thể lên rất cao với các công nghệ trí tuệ. Các công cụ của trí óc tăng cường và làm tê liệt những năng lực tự nhiên mật thiết và mang tính con người nhiều nhất – về lý luận, nhận thức, trí nhớ và cảm xúc. Chiếc đồng hồ cơ khí giúp chúng ta thoát khỏi dòng chảy tự nhiên của thời gian. Khi Lewis Mumford mô tả cách những chiếc đồng hồ hiện đại giúp “tạo ra niềm tin vào một thế giới độc lập khỏi những chuỗi tính toán”, ông cũng nhấn mạnh rằng kết quả là đồng hồ cũng “tách biệt thời gian khỏi các hoạt động của con người”.[409] Dựa trên quan điểm của Mumford, Weizenbaumlập luận rằng nhận thức về thế giới xuất phát từ các công cụ chỉ giờ “là phiên bản nghèo nàn của một nhận thức cũ hơn bởi nó dựa vào sự phủ nhận những trải nghiệm trực tiếp làm nền tảng và tạo nên thực tế cũ”.[410] Để quyết định khi nào nên ăn, làm, ngủ hay thức dậy, chúng ta ngừng lắng nghe cảm nhận của mình và bắt đầu tuân theo đồng hồ. Chúng ta trở nên khoa học hơn nhưng cũng máy móc hơn.
Ngay cả một công cụ tưởng chừng đơn giản và lành tính như bản đồ cũng có hiệu ứng gây tê liệt. Các kỹ năng định hướng của tổ tiên chúng ta được củng cố nhiều nhờ nghệ thuật vẽ bản đồ. Lần đầu tiên con người có thể tự tin đi tới những vùng đất và vùng biển trước đây chưa từng đặt chân đến – một sự tiến bộ thúc đẩy việc mở rộng mang tính lịch sử về khám phá, thương mại và chiến tranh. Tuy nhiên khả năng bẩm sinh trong việc thấu hiểu một vùng đất và tự tạo một bản đồ chi tiết trong đầu lại giảm đi. Cách trình bày không gian hai chiều trừu tượng của bản đồ xen giữa người đọc bản đồ và nhận thức về vùng đất thực tế. Từ các nghiên cứu gần đây về bộ não, chúng ta có thể kết luận rằng tổn thất hẳn phải bao gồm một thành phần thể chất. Khi con người dựa dẫm nhiều vào bản đồ thay vi khả năng xác định phương hướng của mình, khu vực hồi hải mã của họ sẽ giảm dần khả năng xác định không gian. Sự tê liệt có thể diễn ra ở sâu trong các tế bào thần kinh.
Ngày nay chúng ta chắc chắn sẽ trải qua một thay đổi tương tự vì phụ thuộc vào các thiết bị định vị toàn cầu GPS khi đi lại. Eleanor Maguire, một nhà khoa học thần kinh dẫn đầu nghiên cứu về bộ não của người lái xe taxi tại London, lo ngại rằng hệ thống định vị vệ tinh có “ảnh hưởng lớn” tới tế bào thần kinh của họ. Cô phát biểu thay mặt đội ngũ các nhà nghiên cứu của mình: “Chúng tôi hy vọng họ sẽ không sử dụng hệ thống đó. Chúng tôi tin rằng khu vực [hồi hải mã] của bộ não sẽ tăng lượng chất xám do [người lái xe] phải nhớ một lượng thông tin khổng lồ. Nếu tất cả đều bắt đầu sử dụng GPS thì cơ sở tri thức đó sẽ ngày càng ít đi và có thể ảnh hưởng tới những thay đổi mà chúng ta đang nhận thấy ở bộ não”.[411] Người lái taxi không phải mất công học thuộc đường đi trong thành phố nhưng họ cũng mất đi những lợi ích tinh thần đặc trưng của việc đó. Bộ não của họ sẽ trở nên kém cỏi hơn.
Để giải thích cách thức công nghệ làm tê liệt những bộ phận chúng tăng cường, McLuhan không cố lãng mạn hóa xã hội như trước sự ra đời của đồng hồ, bản đồ hay dòng điện. Ông hiểu rằng sự tách biệt là tác dụng phụ không thể tránh khỏi khi sử dụng công nghệ. Mỗi khi sử dụng công cụ để kiểm soát nhiều hơn thế giới bên ngoài thì chúng ta cũng thay đổi mối quan hệ với thế giới đó. Quyền kiểm soát đó chỉ có thể được thực thi từ một khoảng cách tâm lý. Trong một số trường hợp, sự tách biệt chính xác là cái đem lại giá trị cho công cụ. Chúng ta xây nhà và may áo bởi chúng ta muốn tách biệt khỏi gió, mưa và cái lạnh. Chúng ta xây dựng hệ thống cống rãnh công cộng bởi chúng ta muốn giữ khoảng cách lành mạnh khỏi rác thải của chính mình. Tự nhiên không phải kẻ thù cũng không phải bè bạn của chúng ta. Quan điểm đó của McLuhan là một sự đánh giá trung thực rằng bất kỳ công nghệ mới hoặc đang tiến triển nào nói chung đều đòi hỏi sự nhạy cảm với những gì đã mất và những gì thu được. Chúng ta không nên để ánh hào quang của công nghệ che lấp cảm nhận rằng có thể chúng ta đã làm tê liệt một phần thiết yếu của bản thân mình.
LÀ MỘT PHƯƠNG TIỆN thông tin toàn cầu, một phần mở rộng cực kỳ linh hoạt của cùng các giác quan, sự nhận thức và trí nhớ của chúng ta, các máy chủ được nối mạng đóng vai trò như một bộ khuếch đại thần kinh đầy quyền lực. Những tác động làm tê liệt của nó mang tính mạnh mẽ như nhau. Norman Doidge giải thích rằng “máy tính tăng cường năng lực xử lý của hệ thần kinh trung ương của chúng ta” và trong quá trình này “cũng làm thay đổi nó”. Truyền thông điện tử “có thể làm thay đổi hệ thần kinh một cách hiệu quả bởi chúng có cách thức hoạt động tương tự nhau, và về cơ bản chúng tương thích và dễ dàng kết nối với nhau”. Nhờ đặc tính linh hoạt, hệ thần kinh “có thể tận dụng sự tương thích này và kết hợp với truyền thông điện tử để tạo thành một hệ thống đơn nhất và có quy mô lớn hơn”.[412]
Có một lý do khác, thậm chí sâu xa hơn, giải thích tại sao hệ thần kinh của chúng ta có thể “kết hợp” nhanh chóng với các máy tính cá nhân. Quá trình tiến hóa đã truyền vào bộ não chúng ta một bản năng xã hội mạnh mẽ, như Jason Mitchell, giám đốc Phòng thí nghiệm khoa học thần kinh cảm xúc và nhận thức xã hội của trường Đại học Harvard mô tả, đã dẫn tới một tập hợp các quá trình suy luận về suy nghĩ và cảm xúc của những người xung quanh chúng ta. Những nghiên cứu về sự hình thành ý niệm thần kinh gần đây đã chỉ ra rằng ba khu vực hoạt động mạnh mẽ nhất trong não bộ – một trong vỏ não trước trán, một trong vỏ não đỉnh, và một ở vùng giao nhau của vỏ não đỉnh và vỏ não thái dương – “được tập trung sử dụng cho nhiệm vụ đọc hiểu những gì đang diễn ra trong tâm trí người khác”. Theo Mitchell, khả năng “đọc ý nghĩ” bẩm sinh đóng vai trò quan trọng trong thành công của loài người, cho phép chúng ta “phối hợp nhiều nhóm người để đạt được những mục tiêu mà từng cá nhân không thể đạt được”.[413] Tuy nhiên, khi chúng ta bước vào kỷ nguyên máy tính, tài năng kết nối với trí óc của những người khác đã nảy sinh một hệ quả ngoài ý muốn. Mitchell nhận xét “sự hoạt động quá mức đến độ mãn tính của những khu vực não bộ này có liên quan tới tư duy xã hội”, và điều này có thể dẫn chúng ta tới chỗ cảm nhận về những tâm trí không tồn tại, thậm chí trong “những đối tượng vô tri vô giác”. Hơn nữa, ngày càng có nhiều minh chứng rõ ràng cho thấy bộ não của chúng ta bắt chước các trạng thái của những tâm trí khác có tương tác với chúng ta một cách rất tự nhiên, cho dù những tâm trí đó là có thực hay tưởng tượng. Quá trình “phản chiếu” thần kinh như vậy giúp giải thích tại sao chúng ta có thể nhanh chóng trao cho máy tính những đặc điểm của con người và áp dụng những đặc điểm của máy tính cho bản thân chúng ta – tại sao chúng ta nghe thấy giọng nói của con người khi ELIZA cất tiếng.
Sự thiện chí, thậm chí là háo hức, gia nhập cái mà Doidge gọi là “một hệ thống đơn nhất và có quy mô lớn hơn” cùng các thiết bị xử lý dữ liệu của chúng ta thể hiện tốc độ phát triển quá mức, không chỉ của những đặc tính của máy tính số với tư cách là một phương tiện thông tin mà còn của những bộ não đã được xã hội hóa. Mặc dù sự nhập nhằng giữa tâm trí và máy móc có thể cho phép chúng ta thực hiện một số nhiệm vụ nhận thức nhất định một cách hiệu quả hơn rất nhiều, nhưng nó vẫn đe dọa tính toàn vẹn của con người. Thậm chí ngay cả khi mang lại sức mạnh phục vụ con người, hệ thống có quy mô lớn hơn mà tâm trí của chúng ta đang từng bước hợp nhất vẫn áp đặt lên chúng ta những mặt hạn chế của nó. Theo cách diễn giải của Culkin thì chúng ta lập trình cho máy tính và sau đó máy tính sẽ lập trình chúng ta.
Ở một mức độ thực tế, những tác động đó không phải lúc nào cũng có lợi như những gì chúng ta muốn tin. Theo kết quả của nhiều nghiên cứu về siêu văn bản và đa phương tiện, khả năng học hỏi của chúng ta có thể bị tổn hại nghiêm trọng khi bộ não trở nên quá tải bởi nhiều kích thích trực tuyến khác nhau. Nhiều thông tin hơn đôi khi đồng nghĩa với ít kiến thức hơn. Vậy còn tác động của những công cụ phần mềm mà chúng ta sử dụng thì sao? Làm thế nào tất cả các ứng dụng thiên tài mà chúng ta vẫn dựa vào để tìm kiếm và đánh giá thông tin, hình thành và truyền tải suy nghĩ cũng như thực hiện những công việc nhận thức, có thể tác động tới cách thức và đối tượng chúng ta học hỏi? Năm 2003, Christof van Nimwegen, một nhà tâm lý học người Hà Lan đã bắt đầu thực hiện một nghiên cứu thú vị về quá trình học tập với sự hỗ trợ của máy tính mà sau này, một phóng viên của BBC đã gọi là “một trong trong những nghiên cứu lý thú nhất về lợi ích hiện tại của máy tính và những nhược điểm tiềm tàng của việc lệ thuộc ngày càng nhiều vào sự tương tác qua màn hình với các hệ thống thông tin”.[414] Van Nimwegen có hai nhóm tình nguyện viên tham gia giải một trò chơi logic phức tạp trên máy tính. Trò chơi yêu cầu chuyển những quả bóng màu giữa hai hộp theo một số nguyên tắc quy định những quả bóng nào có thể được di chuyển tại một thời điểm nào đó. Một trong hai nhóm sử dụng phần mềm đã được thiết kế với tính hữu dụng cao nhất. Phần mềm này cung cấp sự hỗ trợ trực tiếp qua màn hình trong suốt quá trình tham gia trò chơi giải đố, chẳng hạn thể hiện những tín hiệu hình ảnh để nhấn mạnh những phương án di chuyển được chấp nhận. Nhóm còn lại sử dụng một chương trình cơ bản nhất, không đưa ra bất kỳ sự gọi ý hay hướng dẫn nào khác.
Trong những bước đầu của trò chơi, nhóm sử dụng phần mềm hỗ trợ thực hiện những bước di chuyển đúng nhanh hơn nhóm còn lại, đúng như dự đoán. Nhưng, cùng với sự tiến triển của cuộc thử nghiệm, trình độ của các thành viên trong nhóm sử dụng chương trình cơ bản cũng nâng cao rõ rệt. Cuối cùng, những người sử dụng chương trình cơ bản có thể giải bài toán của trò chơi nhanh hơn và với ít lần di chuyển sai hơn. Họ cũng gặp phải ít trường hợp bế tắc hơn – đó là tình trạng khi không thể thực hiện bất kỳ phương án di chuyển nào – so với những người sử dụng phần mềm hỗ trợ. Theo báo cáo của Van Nimwegen, những phát hiện đã chỉ ra rằng những người sử dụng chương trình cơ bản có khả năng lập kế hoạch trước và định hình chiến lược tốt hơn, trong khi những người sử dụng phần mềm hỗ trợ có xu hướng phụ thuộc vào các thử nghiệm đơn giản và mắc sai lầm. Trên thực tế, thông thường, những người sử dụng phần mềm hỗ trợ được quan sát thấy là “đã nhấp chuột một cách vô định” khi họ cố gắng tiếp tục trò chơi.[415]
Tám tháng sau cuộc thử nghiệm, Van Nimwegen đã tập hợp các nhóm này lại và yêu cầu họ thực hiện trò chơi về những quả bóng màu cùng với một phiên bản sửa đổi của nó. Ông nhận thấy rằng những người ban đầu sử dụng chương trình cơ bản có khả năng giải quyết các tình huống trong trò chơi nhanh hơn gấp hai lần so với những người đã từng sử dụng phần mềm hỗ trợ. Trong một cuộc thử nghiệm khác, ông đã yêu cầu các nhóm tình nguyện viên khác nhau sử dụng một phần mềm lịch thông thường để sắp xếp lịch cho một chuỗi cuộc hợp phức tạp liên quan tới những nhóm người chồng chéo nhau. Cũng như lần trước, một nhóm sẽ sử dụng phần mềm hữu ích có tác dụng cung cấp những chỉ dẫn trên màn hình, và nhóm còn lại sử dụng phần mềm không hữu ích. Các kết quả thu được là như nhau. Các đối tượng sử dụng chương trình không hữu ích “giải quyết vấn đề với ít hành động thừa [và] theo cách thức đơn giản hơn”, và họ thể hiện những “hành vi dựa trên kế hoạch” cùng “những giải pháp thông minh” với tần suất lớn hơn.[416]
Trong báo cáo kết quả nghiên cứu của mình, Van Nimwegen nhấn mạnh rằng ông đã kiểm soát được những biến đổi về kỹ năng nhận thức cơ bản của những người tham gia. Chính những khác biệt trong thiết kế phần mềm đã giải thích sự khác biệt về hiệu suất và khả năng học hỏi. Các đối tượng sử dụng phần mềm cơ bản luôn thể hiện “sự tập trung cao độ hơn, những giải pháp trực tiếp và kinh tế hơn, những chiến lược hiệu quả hơn, và mức độ ghi nhớ kiến thức tốt hơn”. Những người càng phụ thuộc vào sự chỉ dẫn rõ ràng của phần mềm thì càng ít tham gia vào nhiệm vụ được giao và cuối cùng càng học hỏi được ít hơn. Van Nimwegen kết luận rằng các phát hiện đã cho thấy khi chuyển giao nhiệm vụ giải quyết vấn đề cũng như các nhiệm vụ nhận thức khác cho máy tính, chúng ta sẽ làm giảm khả năng của bộ não trong việc “xây dựng các cơ cấu kiến thức ổn định” – nói cách khác là các lược đồ tri thức – có thể “được áp dụng trong những tình huống mới” sau này.[417] Một nhà lý luận còn có thể nhận xét sắc sảo hơn rằng: Phần mềm càng thông minh, người sử dụng càng chậm chạp.
Khi thảo luận về kết luận của cuộc nghiên cứu này, Van Nimwegen đề xuất rằng các lập trình viên có thể thiết kế phần mềm của mình theo cách giảm tính hữu ích đi để thúc đẩy người sử dụng phải tư duy nhiều hơn. Dù đây dường như là một lời khuyên tốt, các nhà phát triển những chương trình máy tính và ứng dụng Web mang tính thương mại khó có thể coi trọng nó. Bản thân van Nimwegen cũng nhận thấy rằng một trong những xu hướng tồn tại lâu đời nhất trong ngành lập trình phần mềm chính là sự theo đuổi những giao diện “thân thiện với người sử dụng” hơn bao giờ hết. Điều này đặc biệt đúng đối với Mạng. Những công ty Internet đang tham gia vào một cuộc cạnh tranh khốc liệt để làm cho cuộc sống của con người trở nên dễ dàng hơn, để giúp người sử dụng cởi bỏ gánh nặng giải quyết vấn đề và các công việc trí óc khác đồng thời giao nó cho bộ vi xử lý. Một ví dụ nhỏ nhưng đầy ý nghĩa có thể được nhận thấy trong sự phát triển của các công cụ tìm kiếm. Ở thuở sơ khai, Google là một công cụ rất đơn giản: bạn nhập từ khóa vào ô tìm kiếm và nhấp vào nút Search. Tuy nhiên, Google, khi phải đối diện sự cạnh tranh từ các công cụ tìm kiếm khác như Bing của Microsoft, đã cần mẫn nghiên cứu để khiến cho dịch vụ của mình trở nên tuyệt vời hơn bao giờ hết. Hiện nay, chỉ cần bạn gõ chữ cái đầu tiên của từ khóa vào ô tìm kiếm, Google ngay lập tức sẽ gợi ý một danh sách những từ khóa tìm kiếm bắt đầu bằng chữ cái đó. Công ty này giải thích: “Những thuật toán của chúng tôi sử dụng một khối lượng thông tin phong phú với mục đích phán đoán những câu hỏi mà người sử dụng có thể muốn xem. Bằng cách đưa ra những gọi ý được chọn lọc trước, [chúng tôi] có thể làm cho quá trình tìm kiếm của bạn thuận tiện và hiệu quả hơn”.[418]
Những quá trình nhận thức tự động như vậy đã và đang trở thành một kỹ năng của nhà lập trình hiện đại. Và mặt tích cực là: một cách tự nhiên, con người luôn tìm kiếm những công cụ phần mềm và những trang web có khả năng cung cấp nhiều hướng dẫn và hỗ trợ nhất – và tránh xa những phần mềm và trang web khó sử dụng. Chúng ta muốn những phần mềm hữu ích và thân thiện. Tại sao lại không chứ? Song, khi chúng ta nhường cho phần mềm càng nhiều công việc tư duy mệt nhọc thì chúng ta càng có khả năng làm giảm dần năng lực trí óc của mình theo những cách tinh vi nhưng rất nghiêm trọng. Khi một công nhân đào rãnh đổi chiếc xẻng của mình để lấy một chiếc máy xúc, cơ tay của anh ta sẽ bị yếu đi ngay cả khi hiệu suất làm việc của anh ta tăng lên. Một cuộc đổi chác tương tự sẽ diễn ra khi chúng ta tự động hóa công việc trí óc của mình.
Một nghiên cứu khác gần đây mang tính học thuật đã cung cấp một bằng chứng thực tế về cách thức những công cụ chúng ta sử dụng để sàng lọc thông tin trực tuyến tác động tới thần kinh và hình thành lối tư duy của chúng ta như thế nào. James Evans, một nhà xã hội học tại trường Đại học Chicago đã tập hợp một cơ sở dữ liệu khổng lồ gồm 34 triệu công trình nghiên cứu được xuất bản trong các tạp chí học thuật từ năm 1945 tới năm 2005. Ông phân tích những trích dẫn được đưa ra trong những công trình này để xác định xem liệu những mô hình của trích dẫn, và do đó của nghiên cứu, có thay đổi khi các tạp chí chuyển từ hình thức in trên giấy sang hình thức xuất bản trực tuyến hay không. Trên cơ sở xem xét mức độ dễ dàng của việc tìm kiếm những văn bản số so với những văn bản được in giấy, giả định chung thường là việc đăng tải các tạp chí trên mạng sẽ mở rộng một cách đáng kể phạm vi nghiên cứu học thuật, từ đó mang lại nguồn dẫn chứng phong phú hơn. Tuy nhiên, đó chẳng phải là những gì Evans khám phá ra. Trên thực tế, khi có nhiều tờ báo được xuất bản trực tuyến hơn, các học giả cũng dẫn chứng ít bài viết hơn trước kia. Và khi những vấn đề cũ của các tờ báo giấy được số hóa và đưa lên trang web, các học giả lại dẫn chứng những bài viết mới hơn với tần suất ngày càng cao. Theo cách mô tả của Evans, quá trình mở rộng nguồn thông tin hiện hữu đã dẫn tới “sự thu hẹp của khoa học và nghiên cứu”.[419]
Khi lý giải về những phát hiện trái với nhận thức thông thường trong một bài báo trên tạp chí Science năm 2008, Evans đã nhấn mạnh rằng những công cụ sàng lọc thông tin tự động, chẳng hạn như công cụ tìm kiếm, có xu hướng đóng vai trò như những bộ khuếch đại tính phổ biến, nhanh chóng thiết lập và không ngừng củng cố sự thống nhất về những thông tin quan trọng và những thông tin không quan trọng. Hơn nữa, sự dễ dàng của việc đi theo những siêu liên kết đã khiến các nhà nghiên cứu trực tuyến “bỏ qua nhiều vài viết có mối liên quan hạn chế mà những nhà nghiên cứu trên giấy” sẽ thường xuyên lượm lặt khi họ lướt qua các trang của một tờ báo hay một cuốn sách. Theo Evans, càng nhanh chóng “tìm ra những ý kiến phổ biến” thì càng có nhiều khả năng các học giả “sẽ chấp nhận ý kiến đó, kết quả là sẽ có nhiều trích dẫn hơn để tham chiếu tới ít bài viết hơn”. Mặc dù tính hiệu quả thấp hơn nhiều so với việc tìm kiếm trên Web, phương pháp nghiên cứu thư viện truyền thống có thể giúp mở rộng chân trời của các học giả: “Bằng cách thu hút sự chú ý của các nhà nghiên cứu vào những bài viết không liên quan, việc tìm kiếm và đọc kỹ trên giấy sẽ khuyến khích những phép so sánh trên bình diện rộng hơn và đưa nhà nghiên cứu trở về quá khứ”.[420] Con đường dễ dàng có thể không phải lúc nào cũng là con đường tốt nhất, nhưng nó là con đường mà máy tính và các công cụ tìm kiếm luôn khuyến khích chúng ta đi vào.
Trước khi Frederick Taylor giới thiệu hệ thống quản lý mang tính khoa học của mình, một người lao động, dựa vào học vấn, kiến thức và kinh nghiệm riêng sẽ tự đưa ra quyết định về cách thức làm việc của anh ta. Anh ta sẽ viết kịch bản của riêng mình. Sau Taylor, người lao động bắt đầu làm theo kịch bản được viết bởi một người khác. Người điều khiển máy móc không cần thiết phải hiểu kịch bản đó được xây dựng như thế nào hay quá trình suy diễn đằng sau nó; anh ta chỉ cần tuân thủ nó. Sự hỗn độn đi liền với quyền tự chủ cá nhân đã được loại bỏ, và toàn bộ nhà máy sẽ hoạt động hiệu quả hơn và sản lượng cũng dễ kiểm soát hơn. Ngành công nghiệp sẽ trở nên thịnh vượng. Những điều mất đi ngoài sự hỗn độn còn có những phát kiến, tính sáng tạo và niềm dam mê của mỗi cá nhân. Công việc có ý thức trở thành thói quen vô thức.
Khi chúng ta hoạt động trực tuyến, chúng ta cũng đang làm theo kịch bản được viết bởi những người khác – những thuật toán hướng dẫn mà rất ít người trong chúng ta có thể hiểu ngay cả trong trường hợp những đoạn mã ẩn được tiết lộ cho chúng ta. Khi tìm kiếm thông tin qua Google hay bất kỳ công cụ tìm kiếm nào khác, chúng ta đang tuân theo một kịch bản. Khi xem xét một sản phẩm được gọi ý bởi Amazon hay Netflix, chúng ta cũng đang tuân theo một kịch bản. Khi lựa chọn từ một danh mục để mô tả bản thân hay những mối quan hệ của mình trên Facebook, chúng ta cũng đang tuân theo một kịch bản. Những kịch bản này có thể rất tuyệt vòi và đặc biệt hữu ích, như thể chúng ở trong các nhà máy của Taylor, nhưng chúng cũng cơ giới hóa những quy trình khám phá không theo trật tự của trí óc, và thậm chí là những hệ quả xã hội kèm theo. Như nhà lập trình máy tính Thomas Lord lý luận, phần mềm cuối cùng có thể biến những hoạt động mang tính cá nhân và riêng tư nhất của con người thành những “nghi lễ” vô thức mà các bước của chúng đã được mã hóa trong logic của các trang web.[421] Thay vì đi theo tri thức và trực giác, chúng ta hành động một cách máy móc.
ĐIỀU GÌ THỰC SỰ ĐÃ DIỄN RA trong đầu Hawthorne khi ông ngồi giữa một vùng hẻo lánh đầy màu xanh tại Sleepy Hollow và đắm mình trong suy tư? Và những suy tư ấy khác với những gì đang xảy ra trong tâm trí những người dân thành thị trên chuyến tàu ồn ào đông đúc ấy như thế nào? Trong hơn 20 năm qua, một chuỗi những nghiên cứu tâm lý đã chỉ ra rằng sau khi dành thời gian trong một khung cảnh đồng quê yên tĩnh, gần gũi với thiên nhiên, con người có được sự tập trung cao hơn, trí nhớ tốt hơn, và nhìn chung nhận thức được cải thiện. Bộ não của họ trở nên điềm tĩnh hơn và nhạy bén hơn. Nguyên do, theo thuyết hồi phục sự tập trung, hay ART, là vì khi con người không bị tấn công bởi sự kích thích từ bên ngoài, bộ não của họ có thể được thư giãn. Họ không còn phải đặt gánh nặng lên trí nhớ hiệu dụng của mình bằng cách xử lý luồng vấn đề từ dưới lên. Trạng thái suy ngẫm sâu sẽ tăng cường khả năng kiểm soát tâm trí của họ.
Cuối năm 2008, kết quả của cuộc nghiên cứu gần đây nhất đã được đăng tải trên tạp chí Psychological Science. Một nhóm các nhà nghiên cứu của trường Đại học Michigan, đứng đầu là nhà tâm lý học Marc Berman, đã tuyển 36 đối tượng và yêu cầu họ tham gia hàng loạt những bài kiểm tra nghiêm ngặt và mệt mỏi về mặt tinh thần được xây dựng để đánh giá năng lực trí nhớ và khả năng kiểm soát sự tập trung từ trên xuống. Những đối tượng này được chia thành hai nhóm. Một nửa trong số họ dành khoảng một giờ đi dạo quanh một công viên cây xanh tách biệt, và một nửa còn lại dành thời lượng tương đương để đi bộ trên những con đường thành phố đông đúc. Sau đó, cả hai nhóm sẽ tham gia các bài kiểm tra lần thứ hai. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng dành thời gian trong công viên giúp “nâng cao một cách đáng kể” hiệu suất của đối tượng trong các bài kiểm tra nhận thức, đồng nghĩa với mức độ tập trung đã tăng mạnh. Ngược lại, việc đi bộ trong thành phố không mang lại dấu hiệu tích cực nào trong kết quả của các bài kiểm tra.
Tiếp đó, các nhà nghiên cứu tiến hành một thí nghiệm tương tự đối với một nhóm đối tượng khác. Thay vì đi dạo, những đối tượng này chỉ cần ngắm những bức tranh phong cảnh đồng quê thanh bình hay phố phường đông đúc. Kết quả cũng tương tự. Những người ngắm tranh phong cảnh thiên nhiên có khả năng kiểm soát sự tập trung tốt hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu kết luận: “về cơ bản, sự tương tác ngắn và đơn giản với tự nhiên có thể tạo ra sự tăng cường đáng kể trong kiểm soát nhận thức”. Dành thời gian trong thế giới tự nhiên dường như đóng vai trò “quan trọng thiết yếu” đối với “hoạt động nhận thức hiệu quả”.[422]
Trên Internet không hề có Sleepy Hollow, không thể có những địa điểm thanh bình, nơi sự tĩnh lặng có thể thực hiện phép màu phục hồi của nó. Ở đó chỉ có những tiếng ồn ào bất tận và đầy mê hoặc của đường phố thành thị. Những yếu tố kích thích của mạng Internet, cũng giống như những kích thích của thành phố, có thể tiếp thêm sinh lực và truyền cảm hứng. Chúng ta không muốn bỏ lỡ lợi ích đó. Tuy nhiên, chúng cũng làm chúng ta kiệt sức và mất tập trung. Theo ý của Hawthorne, chúng có thể dễ dàng lấn át các trạng thái yên tĩnh hơn của suy nghĩ. Một trong những mối nguy hại lớn nhất mà chúng ta gặp phải khi tự động hóa công việc của trí óc, khi nhường quyền kiểm soát dòng suy nghĩ và trí nhớ cho một hệ thống điện tử đầy quyền lực, đó chính là thứ tạo nên những mối quan ngại cho cả nhà khoa học Joseph Weizenbaum và nghệ sĩ Richard Foreman: sự xói mòn dần dần tính nhân bản và nhân văn.
Không chỉ những suy nghĩ sâu sắc mới cần một tâm trí điềm tĩnh và tập trung. Sự cảm thông và lòng trắc ẩn cũng cần điều đó. Các nhà tâm lý học trong một thời gian dài đã nghiên cứu cách con người trải nghiệm nỗi sợ hãi và phản ứng với những mối đe dọa vật chất, nhưng chỉ gần đây họ mới bắt đầu nghiên cứu nguồn gốc của những bản năng phi thường. Theo Antonio Damasio, giám đốc Học viện Sáng tạo và Não bộ của Use, những phát hiện của họ là những cảm xúc cao độ xuất phát từ những quá trình thần kinh “vốn đã diễn biến chậm”.[423] Trong một thí nghiệm gần đây, Damasio và các đồng nghiệp của ông đã yêu cầu các đối tượng tham gia lắng nghe những câu chuyện mô tả những con người đang phải trải qua sự đau đớn về thể chất cũng như tinh thần. Các đối tượng này sau đó sẽ được đưa vào một chiếc máy chụp cộng hưởng từ và trong quá trình hồi tưởng lại câu chuyện, bộ não của họ sẽ được quét trên máy. Cuộc thí nghiệm cho thấy trong khi bộ não con người phản ứng nhanh chóng với những biểu hiện của sự đau đớn về thể xác – chẳng hạn khi bạn trông thấy một người bị thương, trung khu đau đớn nguyên thủy trong bộ não của bạn sẽ được kích hoạt gần như ngay lập tức – quy trình trí não phức tạp liên quan tới sự cảm thông với nỗi đau về tinh thần hoạt động chậm hơn rất nhiều. Các nhà nghiên cứu khám phá ra rằng bộ não cần thời gian để “vượt qua sự liên hệ ngay lập tức của cơ thể” để bắt đầu hiểu và cảm nhận “những khía cạnh tinh thần và đạo đức của tình huống”.[424]
Theo các học giả, cuộc thí nghiệm cho thấy càng bị mất tập trung, chúng ta càng khó có thể cảm nhận được những tình cảm tinh tế nhất và đặc biệt nhất của con người, trong đó có sự cảm thông, lòng trắc ẩn và các cảm xúc khác. Mary Helen Immordino Yang, một thành viên của nhóm nghiên cứu, cảnh báo: “Đối với một số loại suy nghĩ, đặc biệt là quá trình ra quyết định mang tính đạo đức liên quan tới những tình huống tâm lý và xã hội của người khác, chúng ta cần có đủ thời gian và sự suy ngẫm”.[425] Nếu mọi thứ diễn ra quá nhanh, bạn có thể không cảm nhận hết được những cảm xúc về tình trạng tinh thần của người khác. Sẽ là vội vàng khi kết luận Internet đang hủy hoại các cảm giác mang tính đạo đức của chúng ta. Nhưng sẽ không vội vàng để khuyến nghị rằng khi Internet định hướng lại con đường cuộc sống và làm giảm khả năng tư duy trầm lắng của con người, nó đang thay đổi chiều sâu cảm xúc và suy nghĩ của họ.
Có những người cảm thấy hài lòng về mức độ dễ dàng thích nghi với đạo đức trí tuệ trên Internet của bộ não chúng ta. Một biên tập viên của tờ Wall Street Journal đã viết: “Tiến bộ công nghệ không đảo ngược, bởi vậy xu hướng tiếp thu và xử lý cùng lúc nhiều loại hình thông tin khác nhau sẽ vẫn tiếp tục”. Dù vậy, chúng ta cũng không cần phải lo lắng, bởi “phần mềm con người” của chúng ta sẽ “theo kịp công nghệ máy móc đã khiến thông tin trở nên phong phú nhất có thể”. Chúng ta sẽ “tiến hóa” để trở thành những người sử dụng thông tin nhanh nhẹn hơn.[426] Người viết bài cho trang nhất của tạp chí New York thì cho rằng khi chúng ta trở nên quen thuộc với “nhiệm vụ của thế kỷ XXI” trong việc “lướt nhanh qua” những thông tin trực tuyến vặt vãnh, “cơ cấu của bộ não tất yếu sẽ phải thay đổi để xử lý thông tin hiệu quả hơn”. Chúng ta có thể đánh mất năng lực “tập trung trọn vẹn vào một nhiệm vụ phức tạp”, nhưng bù lại, chúng ta sẽ thu nạp được những kỹ năng mới, chẳng hạn như khả năng “thực hiện đồng thời 34 cuộc hội thoại trên 6 kênh truyền thông khác nhau”.[427] Một nhà kinh tế học nổi tiếng viết một cách hứng khởi rằng “Internet cho phép chúng ta mượn thế mạnh nhận thức từ bệnh tự kỷ và trở nên những người tiêu thụ thông tin tốt hơn”.[428] Một tác giả của Atlantic đề xuất rằng “chứng rối loạn thiếu tập trung dựa trên công nghệ” của chúng ta có thể là “một vấn đề trong ngắn hạn”, bắt nguồn từ sự phụ thuộc của chúng ta vào “những thói quen nhận thức được phát triển và hoàn thiện trong kỷ nguyên của dòng chảy thông tin giới hạn”. Còn việc phát triển những thói quen nhận thức mới là “phương pháp tiếp cận duy nhất có thể đứng vững được để vượt qua kỷ nguyên của sự kết nối tức thì”.[429]
Những tác giả này chắc chắn đúng khi tranh luận rằng chúng ta đang được định hình bởi môi trường thông tin quanh mình. Khả năng thích nghi về trí não, được gắn với những hoạt động sâu xa nhất của bộ não, đóng vai trò then chốt trong lịch sử tri thức. Tuy nhiên, nếu trong khẳng định của họ có bất kỳ sự an ủi nào thì nó cũng rất lạnh nhạt. Sự thích nghi khiến chúng ta thích hợp hơn với hoàn cảnh, nhưng xét về mặt chất lượng, đó là một quá trình trung tính. Cuối cùng, điều quan trọng không nằm ở quá trình biến đổi của chúng ta mà ở chỗ chúng ta sẽ trở thành cái gì. Trong những năm 1950, Martin Heidegger đã nhận định rằng “xu thế phát triển công nghệ” đang dần dần hiện ra có thể “quyến rũ, mê hoặc, làm lóa mắt, và đánh lừa con người rằng tư duy tính toán một ngày nào đó có thể trở nên dễ chấp nhận và được áp dụng như một phương thức tư duy độc nhất”. Khả năng của chúng ta trong việc tham gia vào “quá trình đắm chìm trong suy nghĩ” mà ông coi là bản chất của loài người, có thể trở thành nạn nhân của sự phát triển vội vàng.[430] Cũng như sự xuất hiện của đầu máy xe lửa tại ga Concord, sự phát triển bừa bãi của công nghệ có thể sẽ lấn át những nhận thức, tư duy và cảm xúc tinh tế chỉ có được qua quá trình suy tư và ngẫm nghĩ. Theo Heidegger, “cơn điên cuồng của công nghệ” đe dọa sẽ “bám rễ ở khắp nơi”.[431]
Có lẽ hiện nay chúng ta đang tiến vào giai đoạn cuối cùng của sự bám rễ đó. Chúng ta đang đón chào cơn điên cuồng bước vào tâm hồn mình.

Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.