Friedrich Nietzsche đã từng tuyệt vọng. Vốn ốm yếu từ nhỏ, ông không thể hồi phục chấn thương gặp phải sau lần ngã ngựa đầu những năm 20 tuổi khi ông còn phục vụ trong quân chủng kỵ pháo binh của quân đội Phổ. Năm 1879, tình hình sức khỏe biến chuyển xấu, ông buộc phải từ chức giảng viên ngữ văn ở Đại học Basel. Ở tuổi 34, ông đã bắt đầu du hành khắp châu Âu tìm cách chữa bệnh. Ông đi về phương nam tới bờ biển Địa Trung hải khi mùa thu trời trở lạnh, rồi mùa xuân lại về phương bắc tới dãy Alps của Thụy Sỹ hoặc tới nhà mẹ ông gần Leipzig. Cuối năm 1882, ông thuê một căn buồng áp mái tại thành phố cảng Genoa, Italy. Thị lực sụt giảm khiến ông thấy mệt mỏi và đau nhức khi phải tập trung nhìn vào trang giấy, kèm theo là những cơn đau buốt đầu và ói mửa. Ông buộc phải viết ít đi, và lo sợ không bao lâu nữa mình sẽ phải ngừng viết.
Hết cách, ông đặt mua một chiếc máy đánh chữ – chiếc máy có tên Malling-Hansen Writing Ball được làm ở Đan mạch và được đưa tới căn phòng trọ của ông vào những tuần đầu tiên của năm 1882. Chiếc máy là một thiết bị đẹp lạ lùng, được phát minh vài năm trước đó bởi Hans Rasmus Johann Malling-Hansen, viện trưởng học viện hoàng gia cho người câm-điếc ở Copenhagen.Nó trông như một chiếc gối bằng vàng đầy hoa mỹ. Writing Ball có 52 phím – gồm các chữ cái viết thường, viết hoa, cả chữ số và các dấu chấm câu – nhô ra từ phía trên hình quả bóng theo cách sắp xếp đồng tâm hợp lý, giúp người dùng có thể gõ dễ dàng nhất. Ngay dưới các phím là một tấm cong giữ tờ giấy đánh chữ. Với hệ thống bánh răng tài tình, tấm kim loại dịch chuyển như cơ cấu đồng hồ với mỗi lần gõ phím. Khi luyện tập đầy đủ, một người có thể gõ tới 800 ký tự một phút với chiếc máy đánh chữ này, biến nó thành chiếc máy đánh chữ nhanh nhất lúc bấy giờ.[22]
Chiếc máy đã cứu Nietzsche, ít nhất trong một khoảng thời gian. Khi đã học được cách gõ, ông có thể nhắm mắt mà vẫn gõ được, chỉ bằng các đầu ngón tay. Những dòng chữ lại có thể chảy từ tâm trí ông sang trang giấy. Ông gắn bó với sản phẩm của Malling-Hansen đến mức ông đã gõ lại một bài thơ ca ngợi nó:
Chiếc máy như tôi: làm từ thép
Mà vẫn uốn theo những con đường
Cần nhiều kiên nhẫn và khéo léo
Và những ngón tay tinh tế để dùng.
Vào tháng Ba, một tờ báo ở Berlin đăng tin Nietzsche đang “khỏe hơn bao giờ hết” và nhờ chiếc máy đánh chữ, ông “đã viết trở lại”.
Nhưng thiết bị đó còn có ảnh hưởng tinh vi hơn đối với tác phẩm của ông. Một trong những người bạn thân nhất của Nietzsche, nhà văn kiêm nhà soạn nhạc Heinrich Köselitz đã đề cập đến sự thay đổi trong văn phong của ông.Văn của Nietzsche trở nên kín kẽ hơn, có vẻ giống điện báo hơn.Trong lời văn có sức thuyết phục mạnh mẽ, như thể sức mạnh của cỗ máy – chất “thép” của nó – đã được chuyển vào những từ ngữ nó in trên giấy bằng một cách thức kỳ bí siêu nhiên nào đó. “Công cụ này có lẽ còn khiến anh thích thú một cách diễn đạt mới”, Köselitz viết trong một lá thư, nhận xét về chính các tác phẩm của mình rằng “tư duy âm nhạc và ngôn ngữ của tôi thường phụ thuộc chất lượng bút và giấy”.
“Anh đúng đấy,” Nietzsche hồi âm. “Dụng cụ viết lách tham dự vào việc hình thành ý nghĩ của chúng ta”.[23]
TRONG KHI NIETZSCHE đang học cách dùng máy đánh chữ ở Genoa, cách đó năm trăm dặm về phía đông bắc, một sinh viên y khoa trẻ tuổi có tên Sigmund Freud đang làm công việc nghiên cứu bệnh học thần kinh trong một phòng thí nghiệm ở Vienna. Chuyên môn của anh ta là mổ xẻ hệ thần kinh của cá và các loài giáp xác.Qua các thí nghiệm, anh ta đi tới phỏng đoán rằng bộ não, giống như các cơ quan khác trong cơ thể, cũng được cấu thành từ các tế bào riêng lẻ. Về sau, anh đã mở rộng học thuyết và đề xuất rằng khoảng trống giữa các tế bào mà anh gọi là “vách tiếp xúc” đóng vai trò thiết yếu trong việc kiểm soát các chức năng của trí óc, định hình trí nhớ và ý nghĩ của chúng ta. Vào thời điểm đó, các kết luận của Freud nằm ngoài xu hướng chung của khoa học. Hầu hết bác sĩ và nhà nghiên cứu lúc đó tin rằng bộ não không cấu trúc theo tế bào, mà là một cơ cấu liên tục duy nhất gồm các sợi dây thần kinh. Thậm chí trong những người cùng quan điểm với Freud về cấu trúc tế bào của bộ não, rất ít người chú ý tới điều gì xảy ra giữa những tế bào đó.[24]
Sau khi đính hôn và cần khoản thu nhập lớn hơn, Freud mau chóng bỏ dở công việc nghiên cứu và chuyển sang làm nhà tâm lý học. Tuy vậy, những nghiên cứu sau này đã chứng minh những suy đoán thời trẻ của Freud. Được trang bị kính hiển vi hiện đại hơn, các nhà khoa học đã khẳng định sự tồn tại của các tế bào thần kinh riêng lẻ. Chúng ta cũng đã khám phá được rằng các tế bào đó – tế bào thần kinh – vừa giống và vừa không giống các tế bào khác trong cơ thể chúng ta. Tế bào thần kinh có lõi trung tâm, còn gọi là phần thân, thực hiện các chức năng chung cho tất cả các tế bào, nhưng chúng cũng có hai phần phụ dạng xúc tu: sợi trục (axon) và sợi nhánh (dendrite) giúp truyền và nhận các xung điện. Khi một tế bào thần kinh hoạt động, một xung điện phát ra từ thân cho tới ngọn sợi trục, ở đó nó kích thích tiết ra một loại chất hóa học gọi là chất dẫn truyền thần kinh.Chất dẫn truyền thần kinh chảy qua vách tiếp xúc mà Freud đề cập – ngày nay chúng ta gọi là liên hợp thần kinh – và gắn vào sợi nhánh của tế bào thần kinh liền kề, từ đó phát (hoặc ngắt) một xung điện mới trong tế bào đó. Chính nhờ dòng chất truyền dẫn thần kinh truyền qua các liên hợp thần kinh mà các tế bào thần kinh giao tiếp được với nhau và truyền đi các tín hiệu điện theo những đường đi phức tạp. Ý nghĩ, trí nhớ, cảm xúc – tất cả đều bắt nguồn từ các phản ứng điện hóa của tế bào thần kinh với các liên hợp thần kinh làm trung gian.
Trong suốt thế kỷ XX, các nhà thần kinh học và tâm lý học cũng ngày càng xem trọng sự phức tạp đáng kinh ngạc của bộ não người. Bên trong hộp sọ người, có khoảng 100 tỷ tế bào thần kinh với nhiều hình dạng khác nhau và có kích thước từ vài phần mười mm cho tới vài chục cm.[25] Một tế bào thần kinh tiêu biểu có nhiều sợi nhánh (dù chỉ có một sợi trục), các sợi nhánh và sợi trục có thể có vô số nhánh nhỏ và các đầu liên hợp. Một tế bào thần kinh trung bình có một nghìn điểm liên hợp, và một số tế bào thần kinh có thể có hàng trăm lần con số đó. Hàng triệu tỷ liên hợp thần kinh bên trong hộp sọ gắn kết các tế bào thần kinh thành một mạng lưới dày đặc, và theo những cách chúng ta còn xa mới hiểu được, bộ não cho chúng ta suy nghĩ, cảm nhận và ý thức chúng ta là ai.
Thậm chí khi kiến thức về cách hoạt động thể chất của bộ não đã tiến bộ lên nhiều trong thế kỷ vừa qua, một giả định từ xưa vẫn tồn tại chắc chắc: hầu hết các nhà sinh vật học và thần kinh học tiếp tục tin, như họ từng tin trong vài trăm năm qua, rằng cấu trúc của não người trưởng thành không bao giờ thay đổi. Các tế bào thần kinh của chúng ta kết nối thành hệ thống mạch thần kinh trong thời niên thiếu khi não chúng ta vẫn dễ định hình, và khi chúng ta tới tuổi trưởng thành hệ thống mạch thần kinh đó trở nên cố định.Theo quan điểm thịnh hành, bộ não là cái gì đó có cấu trúc kiên cố.Sau khi được nhào nặn trong thời niên thiếu, bộ não nhanh chóng rắn lại trong khuôn dạng cuối cùng của nó.Một khi chúng ta tới tuổi hai mươi, tế bào thần kinh mới không được sinh ra, mạch thần kinh mới cũng không được tạo ra. Dĩ nhiên, chúng ta vẫn tiếp tục lưu trữ các ký ức mới trong suốt cuộc đời (và mất đi một số ký ức cũ), nhưng sự thay đổi duy nhất với cấu trúc não bộ trong thời kỳ trưởng thành là quá trình lão hóa chậm chạp khi cơ thể già đi và các tế bào thần kinh chết đi.
Dù quan điểm về tính bất biến của não người trưởng thành đã được hiểu rộng rãi và sâu sắc, vẫn có một số ý kiến trái chiều. Một số nhà sinh học và tâm lý học quan tâm tới con số tăng nhanh của các nghiên cứu não bộ với các dấu hiệu cho thấy não người trưởng thành vẫn có thể định hình được, nói cách khác là vẫn “dẻo”. Họ đề xuất ý kiến rằng các mạch thần kinh mới có thể hình thành trong suốt cuộc đời chúng ta, và các mạch thần kinh cũ có thể trở nên mạnh hơn hoặc yếu đi hoặc teo đi hoàn toàn. Trong loạt bài giảng được BBC truyền hình năm 1950, nhà sinh học người Anh J.Z. Young đưa lập luận rằng thực ra cấu trúc não bộ có thể ở trong trạng thái luôn luôn biến đổi nhằm thích ứng với bất cứ công việc gì nó cần xử lý. “Có những bằng chứng về việc các tế bào trong não chúng ta phát triển theo nghĩa đen và tăng trưởng lớn hơn khi sử dụng và hao mòn hay teo đi khi không sử dụng”, ông nói. “Có thể vì vậy mỗi hành động đều để lại những vết hằn vĩnh viễn lên mô thần kinh.”[26]
Young không phải là người đầu tiên đề xuất ý tưởng đó. Bảy mươi năm trước, nhà tâm lý học người Mỹ William James đã bộc lộ quan điểm tương tự về khả năng thích ứng của bộ não.Ông đã viết trong tác phẩm quan trọng của mình Principles of Psychology (Các nguyên lý Tâm lý học), “Mô não dường như được phú cho khả năng mềm dẻo phi thường”.Giống như với bất kì hợp chất vật lý nào khác, “những sức ép hướng ngoại hay những căng thẳng hướng nội đều có thể, giờ này qua giờ khác, biến cấu trúc này thành một thứ gì đó khác”.James đã ưng ý trích lại một phép so sánh trước đó của nhà khoa học người Pháp Léon Dumont trong một bài luận về hệ quả sinh học của thói quen. Đó là sự so sánh giữa hoạt động của nước đối với đất và tác động của kinh nghiệm đối với bộ não: “Nước chảy làm rỗng mạch nước và làm nó ngày càng rộng và sâu hơn; những lần sau đó, nước lại chảy theo con đường cũ mà chính nó tạo ra. Cũng như vậy, sự phản ánh các đối tượng khách quan tự định hình cho chúng những đường đi ngày càng phù hợp hơn trong hệ thần kinh, và những đường sinh tồn đó lại xuất hiện cùng những kích thích ngoại lai tương tự, dù cho chúng đã bị ngắt quãng trong một khoảng thời gian”.[27] Freud cũng từng có quan điểm ngược trào lưu như vậy. Trong bản thảo Project for a Scientific Psychology (Dự án cho một ngành Tâm lý học khoa học) viết năm 1895 nhưng chưa từng được xuất bản, ông lập luận rằng bộ não và đặc biệt là các vách tiếp xúc giữa các tế bào thần kinh có thể biến đổi theo kinh nghiệm sống của người đó.[28]
Những suy luận trên đã bị hầu hết giới khoa học và thần kinh học bác bỏ với thái độ khinh thường. Họ vẫn một mực tin rằng tính mềm dẻo của bộ não kết thúc trong thời niên thiếu, và “đường sinh tồn” khi đã định ra sẽ không thể được mở rộng, bó hẹp hay nắn lại. Họ đứng về phía Santiago Ramón Y Cajal, bác sĩ và nhà thần kinh học nổi tiếng người Tây Ban Nha, người từng đạt giải Nobel và từng có phát biểu đầy tranh cãi năm 1913 rằng: “Trong não người trưởng thành, các đường thần kinh là cái gì đó cố định, hoàn chỉnh và không thể biến đổi được. Mọi thứ có thể chết đi, không gì có thể tái sinh được”.[29] Khi còn trẻ tuổi, Ramón Y Cajal từng biểu lộ những hoài nghi về quan điểm chính thống đó – năm 1894, ông viết “cơ quan của ý nghĩ, trong giới hạn nhất định, có thể được định hình, và có thể được hoàn thiện bằng các bài tập thần kinh hợp lý”[30] – nhưng cuối cùng ông đã đi theo cách nhìn truyền thống và trở thành một trong những ủng hộ viên có tiếng nói mạnh nhất.
Quan niệm não người trưởng thành là một bộ máy vật lý không đổi bắt nguồn và được củng cố bởi một phép ẩn dụ thời Công nghiệp, ví bộ não như một cỗ máy cơ khí kỳ khôi. Giống như đầu máy hơi nước hay máy phát điện, hệ thần kinh được cấu thành từ nhiều bộ phận, mỗi bộ phận có một nhiệm vụ cụ thể và có đóng góp thiết yếu vào sự vận hành của toàn bộ máy. Các bộ phận không thể thay đổi về hình dạng hay chức năng, bởi điều đó sẽ chắc chắn và ngay lập tức dẫn tới sự sụp đổ của cỗ máy. Các vùng khác nhau của não, dù là các mạch thần kinh đơn lẻ, đều đóng những vai trò chính xác trong việc xử lý các cảm quan đầu vào, điều khiển vận động của các cơ, hình thành ký ức và ý nghĩ; các vai trò đó được hình thành trong thời niên thiếu và không dễ bị thay đổi. Như lời nhà thơ Wordsworth, khi nói tới trí não, đứa trẻ mới thực là cha.
Quan niệm cơ học về bộ não vừa phản ảnh vừa phản bác thuyết nhị nguyên nổi tiếng mà René Descartes đặt ra trong tác phẩm Meditations năm 1641 của ông. Descartes tuyên bố rằng bộ não và trí óc tồn tại trong hai phạm vi riêng biệt: một vật chất, một siêu nhiên. Giống những phần còn lại của cơ thể, bộ não là một thiết bị cơ học thuần túy như cái đồng hồ hay cái bơm, và hoạt động theo sự vận hành của các bộ phận cấu thành. Nhưng hoạt động của bộ não lại không giải thích được hoạt động của ý thức, về bản chất, ý thức tồn tại bên ngoài không gian, bên ngoài quy luật vật chất. Ý thức và bộ não có thể tác động lẫn nhau (theo cách nhìn của Descartes, qua hoạt động kì bí của tuyến yên), song chúng vẫn hoàn toàn là những thứ tách biệt. Vào thời điểm khoa học chuyển mình cùng nhiều biến động xã hội, thuyết nhị nguyên của Descartes mang lại một sự giải tỏa.Hiện thực có khía cạnh vật chất nằm trong địa hạt của khoa học, nhưng hiện thực cũng có khía cạnh tâm linh nằm trong địa hạt của thần học, và hai thứ chẳng bao giờ đồng thuận.
Khi lý trí trở thành thứ tôn giáo mới trong thời Khai sáng, khái niệm ý thức phi vật chất vốn nằm ngoài tầm với của sự quan sát và thí nghiệm ngày càng trở nên mờ nhạt. Các nhà khoa học bác bỏ dạng bán “ý thức” trong thuyết nhị nguyên của Cartesian, dù họ ủng hộ quan điểm của Cartesian cho bộ não giống như một cỗ máy.Ý nghĩ, ký ức và cảm xúc, thay vì bắt nguồn từ thế giới tâm linh, bắt đầu được xem là kết quả logic và cố định từ các hoạt động thể chất của bộ não.Ý thức chỉ là một sản phẩm phụ từ các hoạt động đó.“Tâm trí là một từ lạc hậu”, một nhà thần kinh học có tiếng tuyên bố.[31] Hình ảnh ẩn dụ về cỗ máy được mở rộng và củng cố hơn với sự ra đời của máy tính số – “cỗ máy biết nghĩ” – ở giữa thế kỷ XX. Đó là khi các nhà khoa học và triết học bắt đầu nói tới việc mạch thần kinh và cả hành vi của chúng ta đang bị “đấu dây”, giống như những mạch điện tử nhỏ xíu được bắn vào bảng mạch Silicon của con chip máy tính.
Khi quan niệm não người trưởng thành là bất biến được cô đúc thành một giáo lý, bản thân nó biến thành một dạng “thuyết thần kinh học hư vô”, theo lời bác sĩ tâm thần Norman Doidge. Bởi nó tạo ra “cảm giác rằng điều trị các vấn đề về não là vô hiệu hoặc không đảm bảo”, Doidge giải thích, nó làm những người có bệnh tâm thần hoặc chấn thương não ít có hy vọng vào điều trị, chưa nói tới chữa khỏi. Cùng lúc quan điểm đó “lan đi trong cộng đồng”, nó “làm nghèo quan điểm tổng thể của chúng ta về bản chất con người. Bởi bộ não không thể thay đổi, bản chất con người vốn xuất phát từ đó cũng hẳn nhiên cố định và không thể thay đổi”.[32] Không có cải tạo, chỉ có mục ruỗng. Chúng ta cũng mắc kẹt trong khối bê-tông đông đặc các tế bào thần kinh của chúng ta – hay ít nhất là trong khối bê-tông đông đặc những kiến thức chúng ta được học.
NĂM 1968, TÔI LÀ MỘT CẬU BÉ chín tuổi còn đùa nghịch trong đống gỗ gần nhà.Marshall McLuhan và Norman Mailer đang tranh luận trên tivi về khí a cạnh trí tuệ và đạo đức của cái Mailer gọi là “bước tăng tốc của loài người vào thế giới siêu công nghệ”.[33] Bộ phim 2001 đang được công chiếu lần đầu, khiến khán giả mụ người đi, sửng sốt hoặc chí ít là thấy nôn nao.Trong khi đó, tại một phòng thí nghiệm yên tĩnh của Đại học Wisconsin ở Madison, Michael Merzenich đang khoét lỗ trên sọ một con khỉ.
Hai mươi sáu tuổi, Merzenich vừa nhận bằng tiến sĩ sinh lý học của Đại học Johns Hopkins, nơi ông theo học nhà thần kinh học tiên phong Vernon Mountcastle. Ông vừa tới Wisconsin để làm đồ án sau tiến sĩ về bản đồ não. Từ nhiều năm chúng ta đã biết mỗi vùng trên cơ thể người đều tương ứng với một vùng trên vỏ não, lớp nhăn ngoài cùng của bộ não. Khi tế bào thần kinh nào đó bị kích thích – ví dụ bị chạm hoặc châm kim – chúng phát một xung điện qua tủy sống tới một cụm tế bào thần kinh nhất định trên vỏ não và chuyển cái chạm hay châm đó thành cảm giác có ý thức. Vào những năm 1930, nhà phẫu thuật thần kinh người Canada Wilder Penfield đã dùng các đầu dò điện để vẽ bản đồ cảm quan đầu tiên của não người. Tuy vậy, các thiết bị Penfield dùng còn thô sơ, và bản đồ của ông thiếu sự chính xác dù có tính đột phá vào thời điểm đó. Merzenich dùng một loại đầu dò khác, loại vi điện cực mỏng như sợi tóc để có thể tạo bản đồ chính xác hơn, và ông hy vọng nó có thể đem lại những hiểu biết mới về cấu trúc bộ não.
Sau khi khoét được một lỗ nhỏ trên hộp sọ con khỉ và làm lộ ra một phần nhỏ não của nó, ông luồn đầu dò điện cực siêu nhỏ vào vùng vỏ não ghi nhận cảm giác từ tay con vật. Ông bắt đầu gõ vào nhiều điểm khác nhau trên bàn tay con khỉ cho đến khi tế bào thần kinh ở đầu điện cực được kích thích. Sau khi đặt đi đặt lại điện cực hàng ngàn lần trong vài ngày, ông thu được một “vi bản đồ” mô tả chi tiết tới từng tế bào thần kinh cách não con khỉ xử lý khi nó có cảm giác ở tay. Ông còn tỉ mỉ lặp lại thí nghiệm với năm con khỉ nữa. Merzenich tiếp tục bước thí nghiệm thứ hai. Ông dùng dao mổ tạo các vết cắt trên tay các con vật, cắt đứt dây thần kinh tại đó. Ông muốn tìm hiểu bộ não phản ứng như thế nào khi một hệ thần kinh ngoại biên bị tổn thương và khi nó lành lại. Kết quả khiến ông sửng sốt. Đúng như dự kiến, các dây thần kinh trên tay con khỉ mọc lại không theo trật tự nào, và não của chúng cũng bị nhầm lẫn như dự kiến. Ví dụ, khi Merzenich chạm vào khớp ngón tay gần đầu ngón tay con khỉ, não con khỉ lại ghi nhận cảm giác đến từ đầu ngón tay. Các tín hiệu bị bắt chéo, bản đồ não bị rối loạn. Nhưng khi Merzenich thực hiện thí nghiệm cảm giác tương tự vài tháng sau, ông nhận ra sự nhầm lẫn đó đã biến mất. Não các con khỉ lúc này xác định đúng những gì đang xảy ra với tay của chúng. Merzenich nhận ra rằng bộ não của chúng đã tự tổ chức lại. Các mạch thần kinh của con vật đã tự kết thành một bản đồ mới tương ứng với sự sắp xếp mới của các dây thần kinh ở tay chúng.
Ban đầu, ông không thể tin được những gì mình chứng kiến. Giống như mọi nhà thần kinh học khác, ông được truyền đạt rằng cấu trúc não người trưởng thành là cố định. Nhưng trong chính phòng thí nghiệm của mình, ông đã chứng kiến não của sáu con khỉ trải qua những đợt tái cấu trúc mạnh mẽ ở mức độ tế bào. “Tôi biết đó là sự tái cấu trúc đáng kinh ngạc, nhưng tôi không thể giải thích được”, Merzenich hồi tưởng lại sau đó. “Nhìn lại vấn đề, tôi nhận ra mình đã chứng kiến bằng chứng về tính mềm dẻo của não bộ. Lúc đó tôi không biết về nó. Tôi chỉ đơn giản không hiểu cái mình đang nhìn thấy. Hơn nữa, trong khoa học thần kinh chính thống, sẽ không ai tin rằng sự định hình lại diễn ra ở mức độ này”.[34]
Merzenich công bố các kết quả thí nghiệm trên một tạp chí chuyên ngành.[35] Song chẳng ai để tâm đến. Tuy vậy, ông biết rằng mình đang đối diện vấn đề gì đó, và trong ba thập kỷ tiếp theo, ông đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm khác trên khỉ, tất cả đều chỉ ra sự tồn tại của khả năng định hình rộng của não động vật linh trưởng trưởng thành. Trong một tài liệu viết năm 1983, Merzenich dứt khoát tuyên bố: “Các kết quả này hoàn toàn trái với quan điểm cho rằng hệ thần kinh bao gồm một loạt những cơ cấu đóng cứng”.[36] Dù ban đầu bị bác bỏ, công trình nghiên cứu tỉ mỉ của Merzenich cuối cùng cũng nhận được sự quan tâm nghiêm túc trong giới khoa học thần kinh. Nghiên cứu của ông đã khơi mào một cuộc tái thẩm định toàn diện về các lý thuyết đã được chấp nhận từ trước về hoạt động của não bộ. Các nhà nghiên cứu khám phá ra sự móc nối trong các thí nghiệm xưa kia của William James và Sigmund Freud về bằng chứng của sự định hình thần kinh. Sau thời gian dài nằm trong quên lãng, vấn đề nghiên cứu cũ lại được đặt ra nghiêm túc.
Cùng bước tiến trong khoa học về não bộ, các bằng chứng về tính mềm dẻo ngày càng được củng cố. Với các thiết bị chụp não nhạy bén, cũng như kim dò điện cực siêu nhỏ, các nhà khoa học thần kinh đã thực hiện thêm nhiều thí nghiệm, không chỉ trên động vật mà trên cả con người. Tất cả đều khẳng định phát hiện của Merzenich là đúng. Chúng ta còn biết thêm rằng: Khả năng định hình của não bộ không chỉ giới hạn với phần võ não cảm thụ, khu vực kiểm soát xúc giác. Nó tồn tại ở khắp nơi. Gần như tất cả mạch thần kinh của chúng ta – dù liên quan đến cảm xúc, thị giác, thính giác, chuyển động, tư duy, học hỏi, nhận thức, hay ghi nhớ – đều có thể biến đổi. Kiến thức mặc nhiên đúng khi xưa đã bị gạt bỏ.
HÓA RA, NÃO NGƯỜI TRƯỞNG THÀNH không chỉ linh động, mà như lời giáo sư thần kinh học James Olds – giám đốc Học viện Nghiên cứu cao cấp Krasnow của Đại học George Mason – nó “rất linh động”.[37] Hoặc theo cách nói của chính Merzenich là nó “cực kỳ linh động”.[38]Tính mềm dẻo đó giảm dần theo tuổi tác của chúng ta – bộ não có lúc trì trệ nhưng nó không bao giờ đứng lại. Các tế bào thần kinh không ngừng phá vỡ các kết nối cũ và hình thành các kết nối mới, và luôn có các tế bào thần kinh mới được tạo ra. Olds nhận định rằng “bộ não có khả năng liên tục tự lập trình lại chính nó, thay đổi cách nó hoạt động”.
Chúng ta vẫn chưa biết cụ thể bộ não lập trình lại chính nó ra sao, nhưng một điều rõ ràng như Freud đã đề cập là hầu hết bí mật nằm ở chất hóa học phong phú của liên hợp thần kinh. Cái đang diễn ra trong khe trống siêu nhỏ giữa các tế bào thần kinh là rất phức tạp; về cơ bản quá trình đó bao gồm rất nhiều phản ứng hóa học giúp khai báo và lưu trữ kinh nghiệm trong các mạch thần kinh. Mỗi lần chúng ta thực hiện một công việc hay có một cảm giác về thể chất hay tâm lý, một tập hợp các tế bào thần kinh trong não sẽ được kích hoạt. Nếu ở gần nhau, các tế bào thần kinh này kết nối với nhau qua sự trao đổi chất dẫn truyền thần kinh như amino acid glutamate.[39] Khi kinh nghiệm nào đó được lặp lại, kết nối liên hợp giữa các tế bào thần kinh sẽ mạnh hơn và nhiều hơn, thông qua thay đổi sinh lý học như sự giải phóng nhiều chất dẫn truyền thần kinh hơn, và cả thay đổi giải phẫu học như việc sản sinh các tế bào thần kinh mới hoặc mọc thêm các đầu liên hợp trên các sợi trục và sợi nhánh đã có. Các kết nối liên hợp cũng có thể yếu đi tùy thuộc vào tác động của các kinh nghiệm, và đó cũng là kết quả của các biến đổi sinh lý và giải phẫu. Những gì chúng ta học được trong quá trình sống được lưu trữ trong các kết nối tế bào không ngừng biến đổi trong não chúng ta. Chuỗi kết nối các tế bào thần kinh đó hình thành những “đường sinh tồn” đích thực trong trí óc chúng ta. Ngày nay, các nhà khoa học tổng kết đặc tính cốt yếu của sự định hình thần kinh bằng câu nói được gọi là nguyên lý Hebb: “Những tế bào phản ứng cùng nhau thì nối với nhau”.
Một trong những minh chứng đơn giản mà hùng hồn nhất về sự biến đổi của kết nối liên hợp là loạt thí nghiệm do nhà sinh học Eric Kandel thực hiện đầu những năm 1970 trên loại sên biển có tên Aplysia, còn gọi là thỏ biển (Sinh vật biển là đối tượng đặc biệt phù hợp cho thí nghiệm thần kinh học bởi chúng thường có hệ thần kinh đơn giản và tế bào thần kinh lớn). Kandel, về sau sẽ đạt giải Nobel trong lĩnh vực này, phát hiện ra rằng nếu bạn chạm dù rất nhẹ vào phần mang mềm của con sên, phần đó sẽ lập tức co lại theo phản xạ. Nếu bạn chạm liên tiếp vào phần mang mà không làm đau con sên, bản năng co lại sẽ giảm dần. Con sên trở nên quen với va chạm đó và học cách bỏ qua. Bằng việc theo dõi hệ thần kinh của sên, Kandel phát hiện ra “sự thay đổi trong hành vi này song hành với sự yếu đi liên tục của các kết nối liên hợp” giữa các tế bào thần kinh cảm thụ “cái chạm” và các tế bào thần kinh vận động điều khiển sự co lại của phần mang. Ở trạng thái bình thường, khoảng 90% tế bào thần kinh ở mang của sên có kết nối với tế bào thần kinh vận động. Nhưng chỉ sau 40 lần phần mang bị chạm, chỉ còn 10% số tế bào thần kinh cảm thụ giữ kết nối với tế bào thần kinh vận động. Kandel viết: “Nghiên cứu này là minh chứng hùng hồn về việc liên hợp thần kinh có thể trải qua những biến đổi lớn và lâu dài về cường độ chỉ sau một thời gian huấn luyện tương đối ngắn”.[40]
Tính mềm dẻo của các liên hợp thần kinh giúp điều hòa mâu thuẫn trong hàng thế kỷ giữa hai trường phái triết học: chủ nghĩa kinh nghiệm và chủ nghĩa duy lý. Theo quan điểm của người theo chủ nghĩa kinh nghiệm như John Locke, trí óc của chúng ta được sinh ra là một tấm bảng trắng. Cái chúng ta biết hoàn toàn đến từ kinh nghiệm chúng ta học được trong quá trình sống. Nói cách khác, chúng ta là sản phẩm của dưỡng dục, không phải của tự nhiên. Theo quan điểm của người theo chủ nghĩa duy lý như Immanuel Kant, chúng ta sinh ra với các “khuôn mẫu” thần kinh có sẵn, chúng quyết định chúng ta nhận thức và hiểu về thế giới như thế nào. Tất cả kinh nghiệm sống được sàng lọc qua các khuôn mẫu bẩm sinh đó. Tự nhiên đóng vai trò chủ đạo.
Kandel nhận định “thí nghiệm với sên biển Aplysia cho thấy cả hai quan điểm đều có giá trị – trên thực tế chúng bổ sung lẫn nhau”. Gen của chúng ta “chỉ định” nhiều “kết nối giữa các tế bào thần kinh – ví dụ, tế bào thần kinh nào hình thành kết nối liên hợp với tế bào thần kinh nào và khi nào”. Những kết nối xác lập bởi gen đó hình thành các khuôn mẫu bẩm sinh như Kant nói, đó là kiến trúc nền tảng của bộ não. Nhưng kinh nghiệm sống của chúng ta điều chỉnh cường độ, nói cách khác “mức hiệu quả lâu dài” của các kết nối đó. Locke lập luận rằng điều đó cho phép trí óc liên tục tái định hình và hình thành “các khuôn mẫu hành vi mới”.[41] Hai trường phái triết học đối lập nay đã tìm được điểm chung ở liên hợp thần kinh. Nhà thần kinh học của Đại học Tổng hợp New York Joseph LeDoux giải thích trong cuốn sách Synaptic Selfrằng bản chất tự nhiên và sự giáo dục “thực chất có cùng tiếng nói. Cuối cùng chúng đều đạt được các hiệu ứng tâm lý và hành vi bằng cách định hình tổ chức liên hợp thần kinh trong não”.[42]
Bộ não không phải là một cỗ máy như chúng ta từng nghĩ. Mặc dù một số vùng não gắn với một số chức năng thần kinh khác nhau, các tế bào thần kinh cấu thành không tạo ra các cấu trúc cố định hay chỉ đóng một vai trò cứng nhắc. Chúng rất linh động. Chúng thay đổi theo kinh nghiệm sống, theo tình huống và nhu cầu. Một số biến đổi mạnh và đáng kể nhất xảy ra khi hệ thần kinh gặp tổn thương. Ví dụ, các thí nghiệm cho thấy nếu một người bất ngờ bị mù, phần não chuyên xử lý kích thích thị giác – vỏ não thị giác – sẽ không trở nên vô dụng. Nó nhanh chóng được kiểm soát bởi các mạch thần kinh xử lý âm thanh. Và nếu người đó học đọc chữ nổi Braille, vỏ não thị giác sẽ được khai thác để xử lý thông tin xúc giác.[43] “Các tế bào thần kinh dường như ‘muốn’ nhận được tín hiệu đầu vào”, Nancy Kanwishe thuộc Học viện Nghiên cứu Não McGovern – MIT giải thích. “Khi tín hiệu thị giác biến mất, chúng bắt đầu phản ứng với tín hiện tốt nhất có được tiếp theo”.[44] Nhờ khả năng thích ứng sẵn sàng của tế bào thần kinh, thính giác và xúc giác trở nên nhạy bén hơn để làm giảm bớt tác động của việc mất thị giác. Sự biến đổi tương tự cũng xảy ra với não người bị điếc: các giác quan khác của họ được tăng cường để bù đắp cho việc mất thính giác. Ví dụ, vùng não xử lý thị giác ngoại biên to ra, cho phép họ nhìn thấy cái mà trước đây họ dùng tai để nghe.
Thí nghiệm trên những người mất tay hoặc chân vì tai nạn cũng cho thấy bộ não có thể tái tổ chức mạnh mẽ như thế nào. Các vùng não vốn tiếp nhận giác quan từ phần chi đã mất nhanh chóng được tiếp quản bởi các mạch thần kinh gắn với các bộ phận khác trên cơ thể. Trong khi nghiên cứu một cậu bé bị mất cánh tay trái trong một vụ tai nạn ô tô, nhà thần kinh học V. S. Ramachandran – giám đốc Trung tâm Não và Nhận thức ở Đại học California, San Diego – phát hiện ra rằng khi nhắm mắt và bị chạm vào các điểm trên mặt, cậu bé tin rằng người ta đang chạm vào cánh tay đã mất của cậu. Lúc đó, Ramachandran chạm nhẹ vào một điểm dưới mũi cậu bé và hỏi: “Cháu cảm thấy bị chạm ở đâu?”. Cậu bé trả lời: “Ngón út tay trái. Nó nhói lên”. Bản đồ não cậu bé đang trong quá trình tái cơ cấu, các tế bào thần kinh đang được phân bổ cho các chức năng mới.[45] Từ những thí nghiệm như vậy, hiện nay chúng ta tin rằng các giác quan từ phần “chi ảo” của những người bị mất chi phần lớn do các biến đổi định hình thần kinh trong não.
Những hiểu biết mới về khả năng thích ứng của não đã giúp phát triển các liệu pháp mới cho những trường hợp từng bị xem là vô phương cứu chữa.[46] Trong cuốn sách The Brain That Changes Itself (Bộ não tự biến đổi nó) phát hành năm 2007, Doidge kể lại câu chuyện về người đàn ông tên là Michael Bernstein. Một cơn đột quỵ nặng vào năm 54 tuổi đã làm tổn thương một vùng trên bán cầu não phải của nạn nhân, khu vực điều khiển vận động nửa trái cơ thể. Sau đợt vật lý trị liệu truyền thống, ông đã phục hồi một số chức năng vận động, nhưng bàn tay trái vẫn tê liệt và ông phải đi bằng nạng. Kết thúc câu chuyện đã ở đó cho đến một ngày gần đây. Bernstein tham gia một khóa trị liệu thử nghiệm của Edward Taub, nhà nghiên cứu tiên phong về tính mềm dẻo thần kinh tại Đại học Alabama. Tám giờ/ngày, sáu ngày/tuần, Bernstein dùng bàn tay trái và chân trái để thực hiện lặp đi lặp lại một số công việc. Một ngày có thể ông lau ô cửa kính. Ngày tiếp theo có thể ông tìm chữ trong bảng chữ cái. Những hoạt động lặp lại là phương tiện khơi gợi các tế bào thần kinh và liên hợp thần kinh hình thành mạch mới để tiếp quản các chức năng từng được thực hiện bởi phần não bị tổn thương. Trong một vài tuần, ông đã hồi phục gần như tất cả khả năng vận động ở tay và chân, và ông có thể trở lại cuộc sống thường nhật mà không cần dùng nạng. Nhiều bệnh nhân khác của Taub cũng có những sự hồi phục mạnh mẽ tương tự.
Nhiều bằng chứng ban đầu về tính mềm dẻo thần kinh xuất phát từ phản ứng của não đối với các chấn thương, từ việc cắt đứt dây thần kinh ở tay những con khỉ do Merzenich thực hiện, cho đến việc mất thị giác, thính giác hay mất chi ở người. Thực tế đó khiến một số nhà khoa học băn khoăn liệu tính mềm dẻo của não người trưởng thành có giới hạn chỉ trong những tình huống cực đoan hay không. Họ đi tới giả thiết rằng có thể tính mềm dẻo thần kinh về bản chất là cơ chế hồi phục được kích thích bởi tổn thương ở não hoặc các cơ quan cảm thụ. Các thí nghiệm về sau lại chỉ ra đó không phải trường hợp duy nhất. Sự định hình mạnh và liên tục đã được ghi nhận ở những trường hợp có hệ thần kinh khỏe mạnh, hoạt động bình thường. Điều đó đưa các nhà thần kinh học đi tới kết luận là não người luôn ở trong trạng thái biến đổi và thích ứng với những thay đổi rất nhỏ trong các tình huống và hành vi của chúng ta. “Chúng ta học được rằng sự định hình thần kinh không chỉ có thể xảy ra mà nó còn luôn luôn diễn biến”, Mark Hallett – giám đốc Chi nhánh thần kinh học chữa trị của Viện Sức khỏe Quốc gia – viết. “Đó là cách chúng ta thích nghi với các điều kiện thay đổi, là cách chúng ta học hỏi kiến thức mới, và là cách chúng ta phát triển các kỹ năng mới”.[47]
Alvaro Pascual-Leone – nhà nghiên cứu thần kinh học hàng đầu của Trường Y Harvard – cho biết: “Tính mềm dẻo là trạng thái diễn biến bình thường của hệ thần kinh trong suốt cuộc đời chúng ta”. Bộ não không ngừng biến đổi theo kinh nghiệm sống và hành vi của chúng ta, tái lập các mạch thần kinh với “mỗi tín hiệu cảm thụ, mỗi sự vận động, liên hệ, dấu hiệu khen thưởng, kế hoạch hành động, hoặc [sự thay đổi về] nhận thức”. Pascual-Leone lập luận rằng tính mềm dẻo thần kinh là một trong những sản phẩm quan trọng nhất của quá trình tiến hóa, là đặc tính cho phép hệ thần kinh “thoát ra khỏi sự giới hạn của bộ gen di truyền của chính nó và nhờ thế thích nghi được với sức ép từ môi trường, sự biến đổi sinh lý học, và kinh nghiệm sống”.[48] Sự kỳ diệu của cấu trúc não không phải là nó chứa rất nhiều kết nối cố định, mà là nó không hề như thế. Triết gia David Buller viết trong tác phẩm phê bình về tâm lý tiến hóa AdaptingMinds (Trí óc thích nghi) rằng lựa chọn của tự nhiên “không cấu tạo bộ não với nhiều kết cấu dựng sẵn” mà cấu tạo bộ não với khả năng “thích nghi với yêu cầu của môi trường xung quanh trong suốt cuộc đời mỗi cá nhân, đôi khi trong một vài ngày, bằng cách hình thành các kết cấu đặc thù để đối phó với các yêu cầu đó”.[49]
Giờ chúng ta biết rằng cách mình nghĩ, nhận thức và hoạt động không hoàn toàn do gen của chúng ta quyết định. Chúng cũng không hoàn toàn do kinh nghiệm sống thời niên thiếu của chúng ta quyết định. Chúng ta thay đổi chúng qua cách sống, qua công cụ chúng ta dùng, như Nietzsche từng cảm thấy. Nhiều năm trước khi mở phòng khám phục hồi chức năng ở Alabama, Edward Taub đã thực hiện một thí nghiệm nổi tiếng với một nhóm nghệ sĩ viôlông thuận tay phải. Với máy đo hoạt động thần kinh, ông đã đo vùng vỏ não xử lý tín hiệu từ bàn tay trái của người nghệ sĩ, tức là tay dùng để bấm dây đàn. Ông cũng theo dõi vùng võ não tương tự ở một nhóm tình nguyện viên thuận tay phải nhưng chưa từng chơi nhạc cụ. Ông phát hiện thấy vùng não đó của các nghệ sĩ viôlông lớn hơn đáng kể so với vùng não tương tự của những người không chơi nhạc cụ. Sau đó, ông đo kích thước vùng vỏ não xử lý giác quan từ bàn tay phải của các đối tượng. Kết quả là không có khác biệt nào giữa các nghệ sĩ và những người bình thường. Chơi một nhạc cụ như viôlông tạo nên những thay đổi thể chất quan trọng trong não. Điều đó thậm chí đúng với những nghệ sĩ bắt đầu chơi nhạc cụ khi đã trưởng thành.
Khi các nhà khoa học huấn luyện động vật linh trưởng và các động vật khác sử dụng một số công cụ giản đơn, họ phát hiện ra bộ não có thể bị công nghệ tác động sâu sắc đến thế nào. Ví dụ, khỉ được dạy cách dùng cào và kìm để lấy miếng thức ăn mà chúng không thể với được bằng tay không. Khi theo dõi hoạt động thần kinh của con vật trong suốt quá trình huấn luyện, các nhà khoa học nhận thấy sự tăng trưởng đáng kể vùng não thị giác và vận động liên quan đến việc điều khiển bàn tay cầm công cụ. Nhưng họ còn khám phá một điều đáng kinh ngạc hơn: cái cào và cái kìm đã thực sự gắn kết vào bản đồ não của tay con vật. Theo cách nhìn nhận của não con vật, các công cụ đã trở thành một phần cơ thể chúng. Các nhà nghiên cứu làm thí nghiệm với chiếc kìm cho biết não các con khỉ bắt đầu hoạt động “như thể chiếc kìm giờ là các ngón tay”.[50]
Không chỉ hoạt động thể chất lặp đi lặp lại mới có thể biến đổi não chúng ta. Hoạt động tinh thần thuần túy cũng có thể làm biến đổi mạch thần kinh của chúng ta, đôi khi còn tác động sâu rộng. Cuối những năm 1990, một nhóm nghiên cứu người Anh đã tiến hành quét hình ảnh não của 16 lái xe taxi ở London; những người đó có từ 2 đến 42 năm kinh nghiệm lái xe. Khi so sánh hình ảnh quét não với nhóm điều khiển, họ phát hiện vùng hậu thùy hải mã, phần não đóng vai trò chủ đạo trong việc lưu trữ và xử lý không gian xung quanh, lớn hơn nhiều so với bình thường. Hơn nữa, người lái xe càng lâu năm thì vùng hậu thùy hải mã của anh ta càng lớn. Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện thấy tỉ lệ vùng tiền thùy hải mã của các lái xe nhỏ hơn mức trung bình, rõ ràng đó là kết quả của nhu cầu tăng trưởng vùng hậu. Các thí nghiệm sau này cho thấy sự thu nhỏ vùng tiền thùy hải mã có thể làm giảm một số khả năng ghi nhớ của các lái xe taxi. Các nhà nghiên cứu kết luận “việc xử lý không gian liên tục trong hệ thống đường xá chằng chịt của London có liên hệ với sự tái phân bổ chất xám ở thùy hải mã”.[51]
Một thí nghiệm khác được Pascual-Leone thực hiện khi ông làm nghiên cứu ở Viện Sức khỏe Quốc gia đem lại những bằng chứng rõ rệt hơn về vấn đề cách thức tư duy tác động lên cấu trúc giải phẫu của não chúng ta. Pascual-Leone đã tuyển chọn những người chưa từng chơi piano, và ông dạy họ chơi một đoạn nhạc đơn giản, có ít nốt nhạc. Sau đó ông chia họ thành hai nhóm, ông cho một nhóm luyện tập đoạn nhạc hai giờ mỗi ngày trong năm ngày tiếp theo. Ông cho nhóm còn lại ngồi trước đàn trong cùng lượng thời gian đó, nhưng họ chỉ tưởng tượng việc chơi bản nhạc – mà không hề chạm vào phím đàn. Với thủ thuật kích thích từ xuyên sọ, viết tắt là TMS, Pascual-Leone đã lập bản đồ hoạt động não của tất cả người tham gia trước, trong và sau thí nghiệm. Ông phát hiện ra rằng những người chỉ tưởng tượng việc chơi nhạc cũng biểu hiện thay đổi trong não giống hệt những người thực sự chơi nhạc.[52] Não họ thay đổi theo những hoạt động xảy ra thuần túy trong tưởng tượng – tức là theo ý nghĩ của họ. Descartes có thể sai về thuyết nhị nguyên, nhưng ông lại có vẻ đúng trong việc tin rằng ý nghĩ của chúng ta có thể tạo tác động về thể chất hoặc chí ít là tạo ra phản ứng thể chất trong não chúng ta. Trong lĩnh vực thần kinh học, chúng ta trở thành cái chúng ta nghĩ tới.
TRONG MỘT BÀI VIẾT NĂM 2008 trên tạp chí New York Review of Books, Michael Greenberg đã phát hiện ra sự tinh tế trong tính mềm dẻo thần kinh. Ông viết rằng hệ thần kinh của chúng ta “với các nhánh, chất truyền dẫn, và những khoảng trống tài tình có khả năng ứng biến tức thì, phản ánh tính bất định của bản thân ý nghĩ”. Đó là “chốn phù du luôn đổi thay khi kinh nghiệm sống của chúng ta đổi thay”.[53] Có nhiều lý do để chúng ta thấy biết ơn vì bộ máy thần kinh của mình có thể thích ứng nhanh chóng với kinh nghiệm sống đến vậy; thậm chí những bộ não già cỗi cũng có thể học được những điều mới. Khả năng thích ứng của não không chỉ dẫn đường cho những phương pháp điều trị mới, hy vọng mới cho những người mắc chấn thương hay bệnh lý về não. Nó còn mang lại cho tất cả chúng ta sự linh hoạt về tâm lý, sự uyển chuyển về trí tuệ, cho phép chúng ta thích nghi với hoàn cảnh mới, học kỹ năng mới, và nhìn chung mở rộng tầm hiểu biết của chúng ta.
Tuy vậy, không phải không có tin xấu. Dù tính mềm dẻo thần kinh tạo cho chúng ta lối thoát ra khỏi sự định đoạt của gen, cho chúng ta kẽ hở để có ý nghĩ và mong muốn tự do, nó cũng áp đặt khuôn mẫu riêng của nó lên hành vi của chúng ta. Khi mạch thần kinh nào đó trong não chúng ta mạnh lên qua sự lặp đi lặp lại một hoạt động thể chất hoặc tinh thần, chúng bắt đầu biến hoạt động đó thành thói quen. Doidge nhận định nghịch lý của tính mềm dẻo thần kinh là với tất cả khả năng linh động tinh thần chúng ta được trao, chúng ta cũng có thể bị mắc kẹt trong “các hành vi cứng nhắc”.[54] Các liên hợp thần kinh vốn được kích thích bằng hóa học và gắn kết các tế bào thần kinh muốn chúng ta tiếp tục sử dụng các mạch thần kinh chúng đã tạo ra. Một khi chúng ta tạo thêm mạch thần kinh mới trong não, Doidge nhận định “chúng ta sẽ mong muốn nó tiếp tục được kích hoạt”.[55] Đó là cách thức não tinh chỉnh hoạt động của nó. Các hoạt động thường nhật được thực hiện nhanh và hiệu quả hơn hết, trong khi các mạch thần kinh không dùng đến sẽ bị cắt bót đi.
Nói cách khác, linh động không có nghĩa là đàn hồi. Các dây thần kinh không bật trở lại trạng thái ban đầu như vòng dây cao su; chúng giữ lấy trạng thái sau thay đổi. Và không ai nói trước được trạng thái mới là trạng thái đáng trông đợi. Thói quen xấu có thể ăn sâu vào tế bào thần kinh của chúng ta dễ dàng như những thói quen tốt. Pascual- Leone nhận định rằng “những thay đổi mềm dẻo không nhất thiết thể hiện sự thay đổi hành vi với một đối tượng cụ thể”. Ngoài việc là “cơ chế phát triển và học hỏi”, tính mềm dẻo có thể là “nguyên nhân bệnh lý”.[56]
Không có gì ngạc nhiên khi tính mềm dẻo thần kinh được liên hệ với các chứng bệnh thần kinh từ trầm cảm, rối loạn ám ảnh-cưỡng bức cho đến chứng ù tai. Người bệnh càng tập trung vào các triệu chứng, các triệu chứng đó càng ăn sâu vào các mạch thần kinh. Trong trường hợp xấu nhất, trí óc thực sự tự làm nó bị bệnh. Nhiều chứng nghiện cũng tăng cường do sự mềm dẻo của các chuỗi phản ứng thần kinh trong não. Một lượng rất nhỏ chất gây nghiện cũng có thể thay đổi mạnh dòng chảy của chất truyền dẫn thần kinh trong các liên hợp thần kinh, dẫn tới những biến đổi lâu dài trong hệ thần kinh và chức năng của nó. Trong một số trường hợp, sự tăng dần của một số chất truyền dẫn thần kinh như dopamine – một chất họ hàng cùng tạo cảm giác dễ chịu như adrenaline – dường như kích thích việc bật hoặc ngắt một số gen nhất định, từ đó gây ra những cơn thèm thuốc mạnh hơn. Đường sinh tồn đã trở thành chết chóc.
Khả năng hình thành những biến đổi thần kinh không mong đợi cũng tồn tại trong hoạt động thường nhật của trí óc chúng ta. Các thí nghiệm cho thấy trong khi bộ não có thể tạo các mạch thần kinh mới hoặc mạnh hơn thông qua hoạt động thể chất hoặc tinh thần, những mạch thần kinh đó có thể yếu đi hoặc biến mất nếu bị sao lãng. Doidge viết: “Nếu chúng ta ngừng rèn luyện các kỹ năng thuộc về trí não, chúng ta không chỉ quên chúng: không gian bản đồ não của các kỹ năng đó sẽ được chuyển giao cho các kỹ năng khác mà chúng ta rèn luyện”.[57] Jeffrey Schwartz – giảng viên môn bệnh học tâm thần ở trường Y thuộc Đại học California, Los Angeles – gọi quá trình này là “sự sinh tồn của kẻ bận rộn nhất”.[58] Các kỹ năng trí óc mất đi có thể giá trị bằng hoặc hơn những kỹ năng có được, về vấn đề chất lượng ý nghĩ, tế bào thần kinh và liên hợp thần kinh của chúng ta hoàn toàn bàng quan. Khả năng suy giảm trí tuệ là vấn đề cố hữu xét trong tính mềm dẻo của não chúng ta.
Điều đó không có nghĩa là chúng ta không thể điều chỉnh lại các tín hiệu thần kinh và tạo dựng lại các kỹ năng chúng ta đã mất với những nỗ lực hợp lý. Điều đó có nghĩa là những đường sinh tồn trong não chúng ta hóa ra là những con đường ít trở ngại nhất, theo cách hiểu của Ngài Dumont. Chúng là những con đường chiếm phần lớn thời gian của hầu hết chúng ta, và càng đi sâu vào đó, chúng ta càng khó quay trở lại.