Cô bé lấy một chiếc bút màu từ trong hộp và vẽ nguệch ngoạc một hình tròn màu vàng ở góc tờ giấy: đây là mặt trời. Cô lấy tiếp một chiếc bút màu khác và vẽ một đường cong queo màu xanh chia đôi tờ giấy: đây là đường chân trời. Xuyên qua đường chân trời, cô vẽ hai đường thẳng cắt nhau thành một cái đỉnh lởm chởm: đây là ngọn núi. Bên cạnh ngọn núi, cô vẽ tiếp một hình chữ nhật xiên xiên màu đen với hình tam giác màu đỏ bên trên: đây là ngôi nhà của mình. Cô bé lớn lên, đi học, và trong lớp học, cô vẽ ra từ trí nhớ hình dạng đất nước của cô, vẽ đại khái thành hình thù của các bang. Bên trong một bang, cô bé vẽ một ngôi sao năm cánh đánh dấu thành phố cô ở. Rồi cô bé dần trưởng thành. Cô học để trở thành một nhân viên trắc địa. Cô mua những dụng cụ tốt để đo ranh giới và đường đồng mức của một mảnh đất. Với những thông tin đó, cô vẽ ra sơ đồ chính xác của miếng đất, sau đó nó sẽ được chuyển thành bản thiết kế cho người khác sử dụng.
Có thể theo dõi sự trưởng thành về trí tuệ của mỗi chúng ta qua cách chúng ta vẽ tranh, hoặc bản đồ về những thứ xung quanh. Chúng ta bắt đầu với những hình thô sơ, đơn giản mô tả đặc điểm của mảnh đất xung quanh chúng ta, sau đó chúng ta tiến tới thể hiện chính xác hơn và trừu tượng hơn về không gian địa lý và địa hình. Nói cách khác, chúng ta tiến dần từ vẽ cái chúng ta thấy tới vẽ cái chúng ta biết. Vincent Virga – chuyên gia địa đồ học hợp tác với Thư viện Quốc Hội Mỹ – đã quan sát thấy các bước phát triển kỹ năng vẽ bản đồ của chúng ta gần như song song với các bước phát triển chung về nhận thức ở trẻ nhỏ được nhà tâm lý học Thụy Sĩ thế kỷ XX Jean Piaget thảo ra. Chúng ta tiến dần từ nhận thức của trẻ con – cảm quan thuần túy, tự coi mình là trung tâm – tới khả năng phân tích trừu tượng và khách quan theo kinh nghiệm ở tuổi thanh niên. Virga mô tả sự tiến bộ của trẻ em khi vẽ: “Ban đầu, sự nhận thức và khả năng biểu đạt không khớp nhau; trẻ chỉ thể hiện được những quan hệ địa hình đơn giản nhất, mà không tính tới luật xa gần hay khoảng cách. Sau đó, khi ‘hiện thực’ trí tuệ phát triển, trẻ có thể mô tả mọi thứ đã biết với nhiều quan hệ tỉ lệ hơn. Cuối cùng, khi ‘hiện thực’ trực quan xuất hiện, các tính toán khoa học sẽ được dùng đến”.[63]
Song song với quá trình trưởng thành trí tuệ, chúng ta thể hiện toàn bộ lịch sử việc vẽ bản đồ. Những bản đồ đầu tiên của nhân loại, vốn được vẽ bằng gậy lên đất hoặc khắc bằng đá vào đá, cũng thô sơ như những nét nguệch ngoạc của đứa bé mới chập chững biết đi. Sau này, các bức vẽ trở nên thực tế hơn, thể hiện tỉ lệ thực trong không gian mà thường vượt ngoài tầm mắt chúng ta. Theo thời gian, tính hiện thực trở nên khoa học hơn cả về độ chính xác và tính trừu tượng. Người lập bản đồ đã bắt đầu sử dụng những công cụ tinh vi như la bàn định hướng, máy kinh vĩ đo góc và bắt đầu dựa vào các tính toán và công thức toán học. Cuối cùng, trong một bước nhảy xa hơn về tri thức, bản đồ không chỉ được dùng để thể hiện chi tiết các vùng đất hoặc trời, mà còn để thể hiện các ý tưởng – kế hoạch trận chiến, phân tích sự lây lan dịch bệnh, dự báo tăng trưởng dân số. Virga ghi nhận: “Quá trình tri thức chuyển kinh nghiệm về không gian thành sự trừu tượng hóa của không gian là một cuộc cách mạng về phương thức tư duy”.[64]
Những bước tiến trong địa đồ học không chỉ đơn giản phản ảnh sự phát triển tư duy của con người. Chúng giúp thúc đẩy và định hướng những bước tiến tri thức mà chúng ghi lại. Bản đồ không chỉ là phương tiện lưu trữ và truyền tải thông tin mà còn đại diện một cách nhìn nhận và tư duy cụ thể. Theo thời gian, sự truyền bá bản đồ cũng phổ biến cách nhận thức và hiểu biết đặc thù về thế giới của người vẽ bản đồ. Càng dùng bản đồ thường xuyên và chuyên sâu, trí óc chúng ta càng hiểu thêm hiện thực theo các thuật ngữ trên bản đồ. Ảnh hưởng của bản đồ vượt xa việc vẽ ranh giới nhà cửa và lộ trình. Nhà sử học về địa đồ Arthur Robinson giải thích: “Bản thân việc sử dụng không gian rút gọn thay thế cho không gian thực đã là một hoạt động ấn tượng”. Nhưng điều ấn tượng hơn là bản đồ “đã thúc đẩy sự tiến bộ của tư duy trừu tượng” trong cả cộng đồng như thế nào. Sự kết hợp của việc giảm bớt tính hiện thực và việc xây dựng một không gian tương tự là một thành tựu ở mức độ rất cao trong tư duy trừu tượng”, Robinson viết, “bởi việc đó cho phép ta khám phá những cấu trúc mà ta sẽ không biết tới nếu không lập bản đồ”.[65] Khoa học bản đồ đã cho loài người một tư duy mới và toàn diện hơn, cho phép ta hiểu rõ hơn những thế lực vô hình tạo nên những gì xung quanh và bản thân sự tồn tại của chúng ta.
Trong khi bản đồ giúp khai phá không gian – chuyển đổi một hiện tượng tự nhiên thành một khái niệm nhân tạo và trừu tượng về hiện tượng đó – một công nghệ khác lại giúp khai phá thời gian. Trong phần lớn lịch sử loài người, chúng ta trải nghiệm thời gian là một dòng chảy liên tục và tuần hoàn. Xét về khía cạnh “theo dõi” thời gian, chúng ta đã dùng các công cụ phỏng theo chu trình tự nhiên: đồng hồ mặt trời dựa vào bóng nắng, đồng hồ cát dựa vào cát đổ, đồng hồ nước dựa vào nước chảy. Trước kia không có nhu cầu rõ rệt cho việc tính toán chính xác thời gian hoặc chia một ngày thành các phần nhỏ. Với hầu hết mọi người, sự di chuyển của mặt trời, mặt trăng và các vì sao là đủ để biết thời gian. Theo lời nhà trung cổ học người Pháp Jacques Le Goff, cuộc sống trước kia “được kiểm soát bởi nhịp điệu của ruộng đất, không có chỗ cho sự vội vàng, không cần để tâm đến sự chính xác, không cần lo lắng đến năng suất”.[66]
Cuộc sống đó bắt đầu thay đổi vào nửa cuối thời Trung cổ. Những người đầu tiên mong muốn một thiết bị đo đạc thời gian chính xác là các thầy tu Thiên Chúa, những người sống quẩn quanh một lịch cầu nguyện khắt khe. Vào thế kỷ thứ VI, Thánh Benedict đã ra lệnh cho các con chiên làm bảy lễ cầu nguyện vào thời gian chính xác mỗi ngày. Sáu trăm năm sau đó, các cha cố dòng Xitô nâng tầm quan trọng của việc đúng giờ, chia một ngày thành chuỗi các hoạt động khắt khe, và coi việc trễ nải hay lãng phí thời gian là sự báng bổ Chúa. Từ yêu cầu thời gian chính xác, các thầy tu đã đi đầu trong việc thúc đẩy các công nghệ tính thời gian. Chính trong tu viện, những chiếc đồng hồ cơ học đầu tiên đã được lắp ráp, những chiếc đồng hồ chạy nhờ chuyển động đung đưa của quả lắc. Và tiếng chuông nhà thờ chính là âm thanh đầu tiên con người dùng để quản lý thời gian trong ngày.
Nhu cầu tính thời gian chính xác lan rộng ra khỏi các tu viện. Các cung điện của vua chúa và hoàng thân ở Châu Âu, vốn luôn treo thưởng cho những thiết bị mới và tài tình nhất, bắt đầu thèm muốn những chiếc đồng hồ và bỏ tiền đầu tư để nâng cấp và chế tạo chúng. Khi người dân chuyển từ nông thôn đến thành phố và làm việc trong các khu chợ, hầm mỏ và nhà máy thay vì ở đồng ruộng, ngày làm việc của họ bắt đầu được chia thành từng khoảng chính xác hơn, mỗi khoảng đánh dấu bằng một tiếng chuông. David Landes mô tả trong cuốn sách Revolution in Time (Cách mạng về Thời gian): “Tiếng chuông báo hiệu giờ bắt đầu công việc, giờ ăn, giờ kết thúc công việc, giờ đóng cổng, giờ hợp chợ, giờ tan chợ, báo tập hợp, báo cấp cứu, giờ hợp hội đồng, giờ ngừng phục vụ nước uống, giờ dọn phố, giờ giới nghiêm, vân vân, bằng đủ kiểu hồi chuông trong mỗi thành phố và thị trấn”.[67]
Nhu cầu sắp xếp và phối hợp chặt chẽ hơn trong công việc, chuyên chở, cầu nguyện và cả nghỉ ngơi đã tạo động lực cho bước phát triển nhanh chóng của công nghệ đồng hồ. Và rồi mỗi thị trấn hay giáo xứ không thể chỉ nhìn theo đồng hồ của mình. Thời gian phải thống nhất ở mọi nơi – nếu không nền thương mại và công nghiệp sẽ lỗi nhịp. Đơn vị thời gian đã được chuẩn hóa – giờ, phút, giây – và cơ chế hoạt động của đồng hồ được điều chỉnh theo các đơn vị đó với độ chính xác lớn hơn nhiều. Vào thế kỷ XIV, đồng hồ cơ học đã trở nên thông dụng và là một công cụ gần như phổ cập để điều phối những công việc phức tạp trong xã hội thành thị. Các thành phố ganh đua nhau lắp những chiếc đồng hồ kỳ công nhất trên các tháp thành phố, nhà thờ hoặc cung điện.
Nhà sử học Lynn White đã nhận định: “Không cộng đồng Âu Châu nào cảm thấy có thể ngẩng cao đầu trừ khi ở giữa họ, các hành tinh xoay theo chu kỳ và theo các vòng quay, trong khi các thiên thần thổi kèn, các chú gà gáy, và các tông đồ, các vị vua và các nhà tiên tri dạo bước theo tiếng chuông điểm giờ”.[68]
Đồng hồ không chỉ trở nên chính xác hơn và hoa mỹ hơn. Chúng còn nhỏ hơn và rẻ hơn. Tiến bộ trong việc thu nhỏ kích thước đồng hồ dẫn tới sự phát triển của những chiếc đồng hồ giá rẻ, có thể đặt trong phòng và thậm chí có thể mang theo người. Nếu sự nở rộ của đồng hồ công cộng thay đổi cách mọi người làm việc, mua sắm, giải trí và hành xử với tư cách là thành viên trong một xã hội có trật tự hơn, sự phổ biến của công cụ theo dõi thời gian cá nhân – đồng hồ treo tường, đồng hồ bỏ túi, và sau đó một chút là đồng hồ đeo tay – còn tạo ra nhiều hệ quả gần gũi hơn. Landes nhận xét đồng hồ cá nhân đã trở thành “một người đồng hành và người giám sát luôn tai luôn mắt”. Bằng việc liên tục nhắc nhở người chủ của nó về “thời gian đã dùng, thời gian đã qua, thời gian đã lãng phí, thời gian đã mất”, chiếc đồng hồ trở thành “động lực và chìa khóa cho sự thành công và năng suất lao động cá nhân”. Việc “cá nhân hóa” thời gian một cách chính xác là “chất kích thích quan trọng cho chủ nghĩa cá nhân vốn là một khía cạnh nổi bật của nền văn minh phương Tây”.[69]
Đồng hồ cơ học đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận bản thân. Giống như bản đồ, nó thay đổi cách chúng ta suy nghĩ. Khi đồng hồ đã định ra các thang đơn vị bằng nhau, tư duy của chúng ta bắt đầu coi trọng việc chia nhỏ và tính toán một cách có phương pháp. Chúng ta bắt đầu xem xét các mảnh ghép làm nên tổng thể sự vật, và sau đó lại tiếp tục chia nhỏ từng mảnh ghép đó. Tư duy của chúng ta trở nên giống Aristotle ở chỗ nhấn mạnh việc hiểu rõ quy luật đằng sau những bề mặt hiện hữu của thế giới vật chất. Chiếc đồng hồ đóng một vai trò cốt yếu trong việc thúc đẩy chúng ta thoát khỏi thời Trung cổ, tiến tới thời Phục Hung và sau đó là thời Khai Sáng. Trong cuốn Technics and Civilization(Kỹ thuật và Văn minh) viết năm 1934 về hệ quả của công nghệ, Lewis Mumford mô tả cách thức đồng hồ “giúp tạo niềm tin vào một thế giới tự do của những chuỗi sự kiện có thể tính toán chính xác”. “Khuôn khổ trừu tượng của thời gian chia khoảng” đã trở thành “trục tham chiếu cho cả hành động và suy nghĩ”.[70] Độc lập đối với những nhu cầu thực dụng đã thúc đẩy sự phát minh công cụ tính giờ và kiểm soát cách sử dụng nó hàng ngày, tiếng tích tắc của đồng hồ đã giúp tạo ra tư duy khoa học và những nhà khoa học.
MỖI CÔNG NGHỆ đều là sự biểu hiện ước muốn của con người. Thông qua các công cụ, chúng ta tìm cách mở rộng sức mạnh và sự kiểm soát của chúng ta trong các tình huống – vượt qua tự nhiên, thời gian, khoảng cách và những người khác. Công nghệ có thể được chia khái quát thành bốn nhóm, xét theo cách chúng bổ sung hoặc tăng cường khả năng tự nhiên của chúng ta. Một nhóm, gồm cái cày, cái kim và máy bay phản lực, tăng cường sức mạnh thể chất, độ khéo léo hay độ dẻo dai của chúng ta. Nhóm thứ hai gồm kính hiển vi, máy khuếch đại và máy đếm Geiger, mở rộng biên độ hoặc độ nhạy bén của các giác quan của chúng ta. Nhóm thứ ba, gồm các công nghệ như bể chứa nước, thuốc tránh thai và thực vật biến đổi gen, cho phép chúng ta biến đổi tự nhiên nhằm phục vụ nhu cầu hay mong muốn của mình.
Bản đồ và đồng hồ thuộc về nhóm thứ tư mà chúng ta có thể gọi theo thuật ngữ của nhà nhân chủng học Jack Goody và nhà xã hội học Daniel Bell là “công nghệ tri thức”, dù hai ông dùng thuật ngữ này theo nghĩa hơi khác một chút. Nhóm này gồm tất cả những công cụ chúng ta dùng để mở rộng hoặc hỗ trợ sức mạnh trí tuệ của mình – để tìm kiếm và phân loại thông tin, để cô đúc và trình bày ý tưởng, để chia sẻ kỹ năng và kiến thức, để đong đếm và tính toán, và để mở rộng khả năng ghi nhớ của chúng ta. Máy đánh chữ là một công nghệ tri thức. Tương tự với bàn tính và thước loga, kính lục phân và quả địa cầu, sách và báo, trường học và thư viện, máy tính và Internet. Mặc dù bất cứ công cụ nào cũng có thể ảnh hưởng đến ý nghĩ và quan điểm của chúng ta – cái cày thay đổi cách suy nghĩ của người nông dân, kính hiển vi mở ra thế giới mới cho các nhà khoa học khám phá trí não – chính các công nghệ tri thức có sức ảnh hưởng lớn nhất và lâu dài nhất tới việc chúng ta nghĩ gì và như thế nào. Chúng là những công cụ gần gũi nhất với chúng ta, những thứ chúng ta dùng để khẳng định bản thân, để gây dựng hình ảnh cá nhân và xã hội, và tạo dựng các mối quan hệ.
Điều Nietzsche cảm thấy khi ông gõ các dòng chữ vào tờ giấy kẹp trong chiếc máy đánh chữ – rằng các công cụ chúng ta dùng để viết, đọc, điều khiển thông tin cũng tác động đến trí óc của chúng ta ngay cả khi trí óc của chúng ta làm việc với chúng – là chủ đề trung tâm của lịch sử tri thức và văn hóa. Như minh chứng trong câu chuyện về bản đồ và đồng hồ cơ học, các công nghệ tri thức khi trở nên phổ biến thường thúc đẩy những cách nghĩ mới hoặc mở rộng những cách nghĩ từng giới hạn trong một nhóm nhỏ ưu tú ra quảng đại quần chúng. Nói cách khác, mỗi công nghệ tri thức đại diện một quy cách tri thức, tức là tập hợp các giả định về cách tư duy của con người và các quy luật nó nên tuân theo. Chiếc bản đồ và đồng hồ có quy cách tương tự nhau. Cả hai đều nhấn mạnh sự tính toán và trừu tượng hóa, nhận thức và định nghĩa các hình thái và quy trình vốn nằm ngoài những thứ hiển nhiên đối với các giác quan.
Quy cách tri thức của một công nghệ hiếm khi được người tạo ra nó nhận thấy. Họ thường tập trung giải quyết một vấn đề cụ thể hoặc gỡ rối một tình thế khoa học hoặc kỹ thuật hóc búa, mà không nhận ra sự tác động rộng hơn từ phát minh của mình. Người sử dụng công nghệ cũng thường không để ý đến quy cách của nó. Họ cũng chỉ quan tâm đến lợi ích thực dụng họ có được từ việc sử dụng công cụ đó. Tổ tiên của chúng ta không vẽ hoặc sử dụng bản đồ để tăng cường khả năng tư duy trừu tượng hoặc để khám phá những cấu trúc ẩn kín của thế giới. Họ cũng không sản xuất đồng hồ cơ học để thúc đẩy lối tư duy khoa học hơn. Đó đều là sản phẩm phụ của công nghệ. Nhưng quả là những sản phẩm phụ đáng giá! Cuối cùng, chính quy cách tri thức của các phát minh có tác động sâu sắc nhất đối với chúng ta. Quy cách tri thức là thông điệp mà một phương tiện hoặc công cụ truyền vào trí óc và văn hóa của người sử dụng nó.
Trong nhiều thế kỷ, các nhà sử học và triết học đã theo dõi và tranh luận về vai trò của công nghệ trong việc định hình nền văn minh. Một số đã lý luận về cái mà nhà xã hội học Thorstein Veblen gọi là “tính định đoạt của công nghệ”; họ cho rằng tiến bộ công nghệ là một thế lực độc lập nằm ngoài sự kiểm soát của con người, chính là yếu tố cơ bản tác động lên tiến trình lịch sử của loài người. Karl Marx chia sẻ quan điểm này khi viết: “Cối xay gió cho bạn xã hội với địa chủ phong kiến; máy hơi nước cho bạn xã hội với nhà tư bản công nghiệp”.[71]Ralph Waldo Emerson nhận định quả quyết hơn: “Đồ vật đang nắm quyền/Con người bị sai khiến”.[72] Theo cách diễn đạt thái quá từ quan điểm của thuyết định đoạt, loài người chỉ hơn “cơ quan sinh sản của thế giới máy móc” một chút, trích lời McLuhan trong chương “Gadget Lover” của cuốn Understanding Media.[73]Vai trò thiết yếu của chúng ta là sản sinh ra nhiều công cụ phức tạp hơn nữa – để “thụ thai” cho máy móc như ong thụ phấn cho cây hoa – cho tới khi công nghệ đạt tới khả năng tự tái sản xuất được. Tới lúc đó, sự tồn tại của chúng ta sẽ trở thành không cần thiết.
Ở đầu kia quan điểm là những người theo thuyết công cụ, ví dụ như David Sarnoff. Họ hạ bớt tầm quan trọng của công nghệ, tin rằng công cụ là những vật vô tri, hoàn toàn tuân theo mong muốn có ý thức của người sử dụng nó. Công cụ là phương tiện chúng ta dùng để đạt được mục đích; bản thân chúng không có mục đích. Chủ nghĩa công cụ được chấp nhận rộng rãi trong công nghệ, ít nhất bởi đó là quan điểm chúng ta mong là đúng. Ý tưởng chúng ta bằng cách nào đó bị các công cụ điều khiển là điều đáng nguyền rủa với hầu hết mọi người. Nhà phê bình về phương tiện truyền thông James Carey tuyên bố: “Công nghệ là công nghệ, nó chỉ là phương tiện liên lạc và truyền tải qua không gian, chứ không là gì khác nữa”.[74]
Cuộc tranh luận giữa chủ nghĩa định đoạt và chủ nghĩa công cụ có nhiều điểm sáng. Cả hai phía đều có những luận điểm mạnh mẽ. Nếu bạn nhìn vào một công nghệ nào đó ở một thời điểm cụ thể, chắc hẳn bạn sẽ thấy công cụ của chúng ta nằm chắc chắn trong tầm kiểm soát của chúng ta, đúng như lời những người theo chủ nghĩa công cụ. Mỗi ngày, mỗi chúng ta tự quyết định một cách có ý thức việc chúng ta sử dụng những công cụ gì và sử dụng chúng như thế nào. Các xã hội cũng chủ động lựa chọn cách khai thác các công nghệ khác nhau.
Người Nhật với mong muốn gìn giữ văn hóa samurai truyền thống đã ra lệnh cấm sử dụng súng trong hai thế kỷ. Một số cộng đồng tôn giáo khác như cộng động người Amish ở Bắc Mỹ tránh xa xe hơi và các công nghệ hiện đại khác. Tất cả các quốc gia đều có luật định hoặc giới hạn cụ thể với việc sử dụng một số công cụ.
Nhưng nếu bạn có góc nhìn lịch sử hoặc xã hội rộng hơn, lập luận của chủ nghĩa định đoạt lại trở nên đáng tin cậy. Dù các cá nhân và cộng đồng có những quyết định rất khác biệt về việc sử dụng công cụ nào, điều đó không có nghĩa là loài người chúng ta nắm quyền kiểm soát hướng phát triển hay tốc độ phát triển của công nghệ. Sẽ thật khiên cưỡng khi nói rằng chúng ta “quyết định” dùng bản đồ và đồng hồ (như thể chúng ta được lựa chọn không dùng vậy). Còn khó chấp nhận hơn khi nói chúng ta “quyết định chọn” vô số tác dụng phụ của các công nghệ này, rất nhiều trong số đó đã không được lường trước khi các công nghệ được đưa vào sử dụng. “Nếu việc trải nghiệm xã hội hiện đại chỉ ra điều gì”, nhà khoa học chính trị Langdon Winner nhận định, “thì đó là công nghệ không chỉ bổ trợ cho hoạt động của con người, nó còn là thế lực mạnh mẽ điều chỉnh hoạt động đó và ý nghĩa của nó”.[75] Dù chúng ta ít khi ý thức được thực tế đó, nhiều hoạt động trong cuộc sống của chúng ta đi theo những lối mòn được đặt ra bởi các công nghệ đã có từ lâu trước khi chúng ta ra đòi. Sẽ quá lời khi nói rằng công nghệ phát triển một cách độc lập – việc chúng ta lựa chọn công cụ nào bị ảnh hưởng lớn bởi vấn đề kinh tế, chính trị và dân số – nhưng sẽ không quá lời khi nói sự tiến bộ công nghệ có logic riêng của nó, và logic này không hoàn toàn đồng nhất với mục đích hay mong muốn của người phát minh và người sử dụng công cụ. Đôi khi, công cụ làm cái chúng ta yêu cầu. Đôi khi, chúng ta phải tự thích nghi với yêu cầu của công cụ.
Mâu thuẫn giữa chủ nghĩa định đoạt và chủ nghĩa công cụ sẽ không bao giờ được giải quyết. Sau cùng, chúng ta có hai quan điểm khác biệt cơ bản về bản chất và vận mệnh của loài người. Cuộc tranh luận về niềm tin cũng như về lý lẽ. Nhưng có một điều cả hai trường phái có thể đồng thuận: những bước tiến công nghệ thường đánh dấu những bước ngoặt trong lịch sử. Công cụ mới trong săn bắn và nông nghiệp tạo thay đổi trong sự tăng trưởng dân số, định cư và tập quán lao động. Các hình thức vận tải mới dẫn tới sự mở rộng và tái tổ chức việc trao đổi và thương mại. Vũ khí mới làm thay đổi cán cân quyền lực giữa các quốc gia. Các bước đột phá trong các lĩnh vực khác như y học, luyện kim và từ trường đã thay đổi cuộc sống của chúng ta trên vô số phương diện, và chúng ta vẫn tiếp tục thay đổi cho tới ngày nay. Ở phạm vi lớn, nền văn minh đã giả định hình thái hiện tại là kết quả của các công nghệ mà chúng ta đã quyết định sử dụng.
Điều khó nắm bắt hơn là ảnh hưởng của công nghệ, đặc biệt là các công nghệ tri thức, đối với hoạt động của não người. Chúng ta thấy được sản phẩm của ý nghĩ – các tác phẩm nghệ thuật, các phát kiến khoa học, các ký hiệu được bảo tồn trên văn bản – nhưng chúng ta không thấy được bản thân ý nghĩ. Có nhiều cơ thể hóa thạch, nhưng không có trí óc hóa thạch. Năm 1841, Emerson viết: “Tôi có nên trình bày lịch sử tự nhiên của trí tuệ một cách không ồn ào không, khi mà loài người vẫn chưa thể chỉ ra những bước đi và ranh giới của trí tuệ?”.[76]
Hiện nay, màn sương che phủ mối liên hệ giữa công nghệ và tư duy cuối cùng đã hé mở. Những phát hiện gần đây về tính mềm dẻo thần kinh đã làm rõ hơn bản chất của trí tuệ, và dễ dàng hơn để chỉ ra các bước đi và ranh giới của nó. Chúng ta đã biết rằng những công cụ con người từng dùng để hỗ trợ hoặc mở rộng hệ thần kinh – tất cả những công nghệ trong quá khứ từng ảnh hưởng tới cách chúng ta tìm kiếm, lưu trữ và xử lý thông tin, cách chúng ta điều khiển ý nghĩ và sử dụng các giác quan, cách chúng ta ghi nhớ và cách chúng ta quên – đều định hình cấu trúc vật lý và cách thức hoạt động của tư duy con người. Việc sử dụng công nghệ củng cố một số mạch thần kinh và làm yếu đi một số khác, tăng cường một số đặc tính thần kinh, đồng thời làm mờ đi một số khác. Tính mềm dẻo thần kinh là mắt xích còn thiếu trong hiểu biết của chúng ta về vấn đề phương tiện thông tin và các công nghệ tri thức khác tác động như thế nào lên sự phát triển của nền văn minh, và giúp định hướng lịch sử nhận thức của loài người như thế nào ở mức độ sinh học.
Chúng ta biết rằng hình thái cơ bản của não người không thay đổi nhiều trong 40 ngàn năm qua.[77] Sự tiến hóa ở cấp độ gen diễn ra đặc biệt chậm, ít nhất là theo quan niệm thời gian của con người. Nhưng chúng ta cũng biết rằng cách con người suy nghĩ và hành động đã thay đổi khôn lường trong suốt nhiều nghìn năm đó. H. G. Wells nhận định về loài người trong cuốn sách World Brain (Bộ não của thế giới) được viết năm 1983: “Cuộc sống xã hội và thói quen của loài người đã thay đổi hoàn toàn, trải qua những đợt biến động và đảo lộn, trong khi tính di truyền dường như rất ít thay đổi nếu có, kể từ cuối thời kỳ Đồ Đá.[78] Kiến thức về tính mềm dẻo thần kinh đã giúp chúng ta lý giải câu đố hóc búa này. Ở giữa bức tường của trí tuệ và hành vi mà mã di truyền của chúng ta đặt ra, con đường vẫn rộng mở và chúng ta vẫn là người cầm lái. Qua những việc chúng ta làm và cách chúng ta làm – từng khoảnh khắc, từng ngày, ý thức hay vô thức – chúng ta đã thay đổi dòng chảy hóa học trong các liên hợp thần kinh của mình và làm biến đổi bộ não của mình. Và khi truyền lại các thói quen suy nghĩ cho thế hệ sau bằng những ví dụ chúng ta đặt ra, bằng nền giáo dục chúng ta xây dựng, và bằng các phương tiện chúng ta dùng, chúng ta truyền lại cả những thay đổi trong cấu trúc bộ não của mình.
Dù cách thức hoạt động của chất xám vẫn nằm ngoài tầm với của các nhà khảo cổ, giờ chúng ta biết rằng công nghệ tri thức không chỉ có thể định hình và tái tổ chức mạch thần kinh trong đầu con người, mà nó phải như vậy. Bất cứ kinh nghiệm lặp lại nào cũng ảnh hưởng tới các liên hợp thần kinh; những thay đổi do dùng lặp đi lặp lại các công cụ với chức năng bổ trợ cho hệ thần kinh cũng nên được chú trọng. Dù không thể ghi nhận lại một cách cụ thể những thay đổi về tư duy trong quá khứ xa xăm, chúng ta vẫn có thể lấy hiện tại làm đại diện. Ví dụ, chúng ta có bằng chứng rõ rệt của quá trình tái sinh và thoái hóa thần kinh trong não những người mù học chữ nổi Braille. Xét cho cùng, Braille cũng là một công nghệ, một môi trường thông tin.
Với hiểu biết về các lái xe taxi ở London, chúng ta có thể khẳng định rằng mọi người đã trở nên phụ thuộc vào bản đồ hơn là trí nhớ của họ khi di chuyển. Gần như chắc chắn họ đã trải qua những thay đổi về cả giải phẫu và chức năng ở thùy hải mã và các vùng não liên quan đến việc định hình và xử lý không gian. Mạch thần kinh chuyên biểu diễn không gian có khả năng đã thu nhỏ lại, trong khi các vùng não chuyên giải mã các thông tin thị giác trừu tượng và phức tạp có khả năng đã to ra hoặc mạnh lên. Chúng ta cũng biết rằng có thể khai thác những thay đổi ở não do sử dụng bản đồ cho các mục đích khác. Điều đó giúp giải thích sự phổ biến của bản đồ đã thúc đẩy tư duy trừu tượng nói chung như thế nào.
Quá trình thích nghi về thần kinh và xã hội của chúng ta đối với các công nghệ tri thức mới được phản ảnh và củng cố bởi những kiểu ẩn dụ chúng ta dùng để mô tả và giải thích hoạt động của tự nhiên. Khi bản đồ trở nên phổ biến, mọi người bắt đầu nhìn các kiểu quan hệ tự nhiên và xã hội dưới dạng bản đồ, xem chúng như những cấu trúc cố định khép kín trong một không gian thực hoặc tượng trưng. Chúng ta bắt đầu “lập bản đồ” cho cuộc sống, các khía cạnh xã hội và cả ý tưởng của mình. Dưới con lắc đồng hồ, mọi người bắt đầu nghĩ bộ não và cơ thể họ – và thật ra cả vũ trụ này – đang hoạt động “như bộ máy đồng hồ”. Trong những bánh răng khít chặt của chiếc đồng hồ, quay theo các quy luật vật lý và tạo thành một chuỗi nhân quả dài và có thể theo dõi, chúng ta tìm thấy một hình ảnh ẩn dụ cơ học dường như giải thích sự vận hành của mọi thứ và cả mối quan hệ giữa chúng. Chúa trở thành Người thợ làm đồng hồ Vĩ đại. Tác phẩm của ngài không còn là một điều huyền bí. Nó là một câu đố đã có lời giải. Năm 1646, Descartes viết: “Khi chim nhạn tới vào mùa xuân, không còn nghi ngờ gì nữa, chúng hoạt động như những chiếc đồng hồ”.[79]
BẢN ĐỒ và đồng hồ đã làm thay đối ngôn ngữ một cách gián tiếp, bằng cách đưa ra những kiểu ẩn dụ mới để mô tả các hiện tượng tự nhiên. Các công nghệ tri thức khác làm thay đổi ngôn ngữ trực tiếp hơn và sâu sắc hơn bằng cách thực sự biến đổi cách chúng ta nghe và nói, đọc và viết. Chúng có thể mở rộng hay thu hẹp vốn từ của chúng ta, thay đổi quy tắc phát âm hay thứ tự từ, hoặc khuyến khích cú pháp đơn giản hay phức tạp hơn. Bởi với loài người, ngôn ngữ là mạch nguồn của ý nghĩ, đặc biệt là các hình thức cao hơn của ý nghĩ, những công nghệ biến đổi cấu trúc ngôn ngữ có xu hướng tác động mạnh nhất lên đời sống tri thức của chúng ta. Như học giả cổ điển Walter J. Ong đã viết, “Công nghệ không chỉ là vật bổ trợ bên ngoài, mà còn là sự biến đổi nhận thức bên trong, và không gì hơn vậy khi chúng ảnh hưởng tới ngôn từ”.[80] Lịch sử ngôn ngữ cũng là lịch sử của tư duy.
Bản thân ngôn ngữ không phải là một công nghệ. Ngôn ngữ mang tính tự nhiên đối với loài người. Não và cơ thể chúng ta tiến hóa để có thể nói và nghe thấy ngôn từ. Đứa trẻ có thể học nói mà không cần hướng dẫn, cũng như con chim non học bay. Vĩ đọc và viết đã trở thành trọng tâm trong đặc tính và văn hóa của chúng ta, chúng dễ được coi là khả năng bẩm sinh. Nhưng không phải vậy. Đọc và viết là hoạt động phi tự nhiên, có được nhờ sự phát triển có chủ đích của bảng chữ cái và nhiều công nghệ khác. Trí óc của chúng ta được dạy cách dịch các ký tự tượng trưng trong ngôn ngữ mà chúng ta biết. Đọc và viết đòi hỏi quá trình học tập và rèn luyện, tức là việc định hình não có chủ đích.
Có thể thấy bằng chứng về quá trình định hình này trong nhiều nghiên cứu thần kinh học. Các thí nghiệm chỉ ra rằng não người biết chữ khác so với não người không biết chữ ở nhiều phương diện – không chỉ ở cách họ hiểu ngôn ngữ, mà còn ở cách họ xử lý tín hiệu thị giác, cách họ lý luận, và cách họ hình thành ký ức. Nhà tâm lý học người Mexico Feggy Ostrosky-Solís viết: “Việc học đọc đã được chứng minh có thể biến đổi mạnh mẽ hệ thần kinh và tâm lý của người trưởng thành”.[81] Hình ảnh quét não cũng cho thấy những người viết ngôn ngữ tượng hình như tiếng Trung Quốc phát triển mạch thần kinh cho việc đọc khác đáng kể so với mạch thần kinh tương tự ở những người viết ngôn ngữ với bảng chữ cái ngữ âm. Nhà tâm lý học phát triển Maryanne Wolf thuộc Đại học Tufts đã giải thích về việc đọc trong cuốn sách khoa học thần kinh, Proust and the Squid: “Dù tất cả kiểu đọc đều sử dụng một số bộ phận của thùy trán và thùy thái dương để sắp xếp và phân tích âm thanh cùng ý nghĩa của từ, các hệ chữ tượng hình dường như kích hoạt những vùng não rất đặc thù, đặc biệt những vùng liên quan đến kỹ năng ghi nhớ vận động”.[82] Sự khác biệt trong hoạt động của não cũng được ghi nhận giữa những người đọc bằng ngôn ngữ với bảng chữ cái khác nhau. Ví dụ, nghiên cứu cho thấy người đọc tiếng Anh tập trung mạnh hơn ở vùng não liên quan đến việc giải mã hình thù thị giác so với người đọc tiếng Italy. Người ta tin rằng sự khác biệt bắt nguồn từ việc từ tiếng Anh thường được viết khác so với cách đọc, trong khi từ tiếng Italy thường được viết giống như cách đọc.[83]
Những ghi nhận sớm nhất về việc đọc và viết xuất hiện hàng ngàn năm trước. Từ tận năm 8000 Trước Công nguyên, con người đã sử dụng ký hiệu bằng đất sét có những hình tượng trưng đơn giản để theo dõi số lượng gia súc và các vật phẩm khác. Việc hiểu những ký hiệu sơ đẳng đó cũng đòi hỏi sự phát triển mạnh các mạch thần kinh mới trong não người, kết nối vỏ não thị giác với các vùng nhận thức liền kề trong não. Các nghiên cứu hiện nay cho thấy hoạt động thần kinh ở các mạch này tăng gấp đôi hoặc gấp ba khi chúng ta nhìn vào những ký hiệu có ý nghĩa so với khi nhìn vào những nét nguệch ngoạc vô nghĩa. Wolf mô tả: “Tổ tiên chúng ta có thể đọc các ký hiệu bởi não của họ đã có thể kết nối các vùng thị giác cơ bản với các vùng liền kề chuyên xử lý thông tin hình ảnh và khái niệm phức tạp hơn”.[84] Các kết nối đó được họ truyền lại cho con cháu khi họ dạy chúng cách dùng các ký hiệu, và từ đó hình thành cơ cấu thần kinh cơ bản cho việc đọc.
Chữ viết đạt một bước tiến quan trọng ở khoảng cuối thiên niên kỷ thứ tư Trước Công nguyên. Trong khi người Sumerian, sống giữa sông Tigris và Euphrates thuộc địa phận Iraq hiện nay, bắt đầu viết một hệ thống ký hiệu hình mũi nhọn gọi là hệ chữ hình nêm, cách đó vài trăm dặm về phía tây, người Ai Cập đang phát triển chữ tượng hình trừu tượng hơn để biểu diễn các vật thể và ý tưởng. Bởi hệ chữ hình nêm và hệ chữ tượng hình gồm nhiều ký tự tượng hình lẫn tượng thanh (logosyllabic), tức là vừa chỉ sự vật vừa chỉ cách phát âm, chúng đòi hỏi nỗ lực lớn hơn nhiều ở bộ não so với những ký hiệu mang ý nghĩa đơn thuần. Trước khi người đọc có thể dịch được nghĩa một ký tự, họ phải phân tích ký tự để hiểu cách nó được dùng. Theo Wolf, người Sumerian và người Ai Cập đã phải phát triển những mạch thần kinh “bắt chéo” vỏ não, liên kết các vùng não liên quan không chỉ tới chức năng nhìn và nhận thức mà còn chức năng nghe, phân tích không gian và ra quyết định.[85] Khi các hệ chữ tượng hình lẫn tượng thanh đó mở rộng ra hàng trăm ký tự, việc ghi nhớ và sử dụng chúng trở nên quá mệt mỏi với hệ thần kinh đến mức phạm vi sử dụng chỉ giới hạn trong một nhóm ưu tú có nhiều thời gian và trí tuệ cao. Để chữ viết phát triển hơn hệ chữ của người Sumerian và Ai Cập, và để chữ viết trở thành công cụ phổ biến, nó phải được đơn giản hóa đi nhiều.
Điều đó chỉ xảy ra tương đối gần đây – khoảng năm 750 Trước Công nguyên – khi người Hy Lạp sáng chế ra bảng chữ cái ngữ âm hoàn chỉnh đầu tiên. Bảng chữ cái Hy Lạp có nhiều nguyên mẫu đi trước, đặc biệt là hệ thống chữ cái của người Phoenician xuất hiện vài thế kỷ trước đó, nhưng nhìn chung các nhà ngôn ngữ học nhất trí rằng bảng chữ cái Hy Lạp là bảng chữ cái đầu tiên biểu diễn cả nguyên âm và phụ âm. Người Hy Lạp đã phân tích các âm thanh trong ngôn ngữ nói, còn gọi là âm vị, và đã có thể biểu diễn chúng chỉ bằng 24 ký tự, tạo nên một bảng chữ cái toàn diện và hiệu quả cho việc viết và đọc. Wolf viết: “Lợi thế của chữ cái đã rút ngắn thời gian và công sức cần để hiểu nhanh” các ký hiệu, và từ đó đòi hỏi “ít nỗ lực nhận thức và ghi nhớ hơn”. Các nghiên cứu gần đây cho thấy não ít phải hoạt động hơn nhiều khi đọc chữ bằng hệ chữ cái ngữ âm so với đọc các ký hiệu tượng hình hoặc các ký hiệu hình họa khác.[86]
Bảng chữ cái Hy Lạp đã trở thành mô hình cho các bảng chữ cái sau này ở phương Tây, trong đó có bảng chữ cái La Mã mà chúng ta vẫn dùng ngày nay. Sự ra đời của bảng chữ cái đã đánh dấu bước khỏi đầu của một trong những cuộc cách mạng sâu rộng nhất trong lịch sử tri thức: sự chuyển đổi từ văn hóa nói, trong đó kiến thức phần lớn được truyền miệng, sang văn hóa viết, trong đó viết trở thành phương tiện chính cho việc thể hiện ý nghĩ. Đó là cuộc cách mạng thực sự thay đổi cuộc đời và cả bộ não của gần như mọi người trên trái đất, nhưng không phải tất cả đều đón chào sự biến đổi đó, ít nhất ban đầu không phải vậy.
Đầu thế kỷ thứ tư Trước Công nguyên, khi chữ viết vẫn còn mới mẻ và gây tranh cãi ở Hy Lạp, Plato đã viết tác phẩm đối thoại Phaedrus về tình yêu, vẻ đẹp và thuật hùng biện. Trong câu chuyện, nhân vật chính cùng tên là một thần dân Athens, đã cùng nhà hùng biện vĩ đại Socrates đi về miền quê, ở đó hai người bạn ngồi dưới một gốc cây bên con suối và có cuộc trò chuyện dài và loanh quanh. Hai người đã bàn về tiếng nói, bản chất của ham muốn, các kiểu điên rồ, con đường của linh hồn bất tử trước khi hướng vào đề tài chữ viết. Socrates trầm ngâm nói: “vẫn còn đó câu hỏi về sự phù hợp và không phù hợp của chữ viết”.[87] Phaedrus đồng ý và Socrates bắt đầu câu chuyện về cuộc gặp gỡ giữa vị thần Ai Cập đa tài Theuth, người đã sáng tạo bảng chữ cái, và Thamus, một trong những vị vua của Ai Cập.
Theuth mô tả nghệ thuật chữ viết cho Thamus và lập luận rằng người dân Ai Cập nên được cùng tận hưởng phúc phận này. Ông nói nó sẽ “giúp người dân Ai Cập khôn ngoan hơn và cải thiện trí nhớ”, bởi nó “đem lại phương thuốc cho trí nhớ và kiến thức”. Thamus phản đối. Ông nhắc nhở vị thần rằng người sáng chế không phải quan tòa đáng tin nhất đối với giá trị của vật được sáng chế. “Hỡi thần toàn năng, ban tặng thứ dùng để tạo ra nghệ thuật là một mặt, mặt khác ta cần đánh giá tầm tác hại và lợi ích đối với những kẻ sử dụng nó. Với sự quan tâm cẩn trọng tới con cháu ngài, ngài hãy nói lên mặt trái của vấn đề”. Thamus tiếp tục nhận định rằng nếu người dân Ai Cập học viết, “nó sẽ tiêm nhiễm tính hay quên vào linh hồn họ: Họ sẽ ngừng rèn luyện trí nhớ bởi họ lệ thuộc vào những thứ được viết ra, việc nhớ lại không còn chỉ trong bản thân họ nữa, mà từ những ký hiệu bên ngoài”. Chữ viết “không phải là phương thuốc cho trí nhớ mà là công thức cho lời nhắc nhở. Ngài không đem lại kiến thức đích thực cho các môn đồ, mà chỉ là vẻ bề ngoài thôi”. Những kẻ lệ thuộc vào việc đọc để có kiến thức sẽ “có vẻ biết nhiều, trong khi chúng phần lớn không biết gì cả”. Chúng sẽ “chứa đầy, không phải kiến thức, mà là sự tự phụ về kiến thức”.
Rõ ràng Socrates đồng tình với quan điểm của vị vua Thamus. Socrates nói với Phaedrus rằng chỉ có “một người đơn giản” mới nghĩ một bài viết “tốt hơn kiến thức và ký ức về cùng một vấn đề”. “Lời tri thức tạc vào linh hồn người học” qua sự truyền miệng tốt hơn nhiều những từ được viết ra bằng thứ “nước” gọi là mực. Socrates công nhận rằng có những lợi ích thực tế trong việc lưu lại ý nghĩ bằng chữ viết – đó là “thứ ký ức chống lại sự đãng trí của tuổi già” – tuy nhiên ông lập luận rằng sự phụ thuộc vào bảng chữ cái sẽ biến đổi trí óc con người, nhưng không phải theo chiều hướng tốt hơn. Theo ông, bằng cách dùng ký hiệu bên ngoài thay thế cho ký ức bên trong, chữ viết có nguy cơ làm chúng ta suy nghĩ nông cạn hơn, ngăn cản chúng ta đạt được tầng sâu tri thức dẫn tới sự khôn ngoan và hạnh phúc đích thực.
Không giống nhà hùng biện Socrates, Plato là một người viết sách; mặc dù chúng ta có thể ngầm hiểu Plato có cùng lo lắng như Socrates rằng việc đọc có thể thay thế việc ghi nhớ, từ đó dẫn tới mất mát chiều sâu ý nghĩ, rõ ràng ông đã nhận ra lợi ích của chữ viết so với lời nói. Trong một đoạn văn nổi tiếng và ý nghĩa ở cuối tác phẩm The Republic(Nền cộng hòa), một đoạn hội thoại được cho là xuất hiện cùng thời gian với Phaedrus, Plato để Socrates đổi hướng sang đả kích “thơ”, tuyên bố rằng ông sẽ trục xuất các nhà thơ ra khỏi đất nước. Ngày nay, chúng ta nghĩ thơ là một bộ phận của văn học, là một thể loại viết lách, nhưng thời Plato thì không phải vậy. Thơ vốn được ngâm hơn là viết, được nghe hơn là đọc, đại diện cho tập tục truyền miệng cổ xưa mà vẫn nắm vị trí trung tâm trong hệ thống giáo dục Hy Lạp và văn hóa Hy Lạp xưa nói chung. Thơ và văn đại diện cho hai lý tưởng đối lập trong đời sống tri thức. Luận điểm của Plato đối với các nhà thơ, qua giọng của Socrates, không phải luận điểm chống lại những bài thơ mà chống lại tập tục truyền miệng – thói quen của nhà thơ Homer và cũng là thói quen của bản thân Socrates – và lối tư duy được tập tục đó phản ánh và ủng hộ. Học giả người Anh Eric Havelock viết trong cuốn Preface to Plato (Lời nói đầu về Plato)rằng “tư duy truyền miệng” là “kẻ thù chính” của Plato.[88]
Theo Havelock, ông và các học giả kinh điển khác, sự phê phán của Plato đối với thơ hàm ý bảo vệ chữ viết và lối tư duy đi kèm chữ viết: logic, kín kẽ, tự lực. Plato đã nhìn thấy những lợi ích tri thức lớn lao mà bảng chữ cái có thể mang lại cho nền văn minh – những lợi ích hiển nhiên trong chính những gì ông viết ra. Ong nhận định: “Quan điểm triết học của Plato chỉ có thể hình thành khi chữ viết đã bắt đầu có ảnh hưởng đối với các quá trình tâm lý”.[89] Từ mâu thuẫn tế nhị trong quan điểm của Plato về giá trị của chữ viết trong Phaedrus và The Republic, chúng ta có thể thấy bằng chứng về sự phản kháng trong giai đoạn chuyển tiếp từ văn miệng sang văn viết. Theo những cách khác nhau, cả Plato và Socrates đều nhận ra đó là sự chuyển đổi bắt nguồn từ phát minh của một công cụ – bảng chữ cái – và sự chuyển đổi đó sẽ tạo những hệ quả sâu sắc đối với ngôn ngữ và tư duy của chúng ta.
Trong văn hóa nói thuần túy, tư duy được kiểm soát bởi khả năng ghi nhớ của con người. Kiến thức là điều bạn nhớ lại, và điều bạn nhớ lại bị giới hạn bởi điều bạn có thể lưu giữ trong trí óc.[90] Qua hàng nghìn năm lịch sử không có chữ viết, ngôn ngữ đã phát triển để có thể hỗ trợ khả năng lưu trữ thông tin phức tạp của trí óc mỗi cá nhân, và để việc trao đổi thông tin qua lời nói được dễ dàng. Ong viết rằng “Ý nghĩ nghiêm túc” nhất thiết phải “từng được bện chặt với khả năng ghi nhớ”.[91] Cách phát âm và cú pháp cần có nhịp điệu, dễ nghe, và thông tin được đặt trong những cụm từ được nhắc đi nhắc lại – cái chúng ta ngày nay gọi là lời sáo rỗng (clichés) – nhằm hỗ trợ việc học thuộc. Như lời Plato, kiến thức được bao hàm trong “thơ ca” và một tầng lớp học-giả-nhà-thơ chuyên biệt đã trở thành thứ công cụ biết nói, thứ công nghệ tri thức bằng xương bằng thịt, để lưu trữ, tìm kiếm và truyền tải thông tin. Luật lệ, hồ sơ, giao dịch, quyết định, truyền thuyết – mọi thứ ngày nay được “ghi chép lại” – từng phải được “sáng tác theo các thể thơ” và truyền bá bằng cách “hát hoặc tụng kinh lớn tiếng” trong văn hóa truyền miệng, theo Havelock.[92]
Thế giới truyền miệng của tổ tiên xa xưa của chúng ta có thể từng có chiều sâu về cảm xúc và trực giác mà chúng ta không còn hiểu rõ. McLuhan tin rằng những người ở thời chưa có chữ viết hẳn đã trải nghiệm sự “gắn bó trần tục” với thế giới. Ông lập luận khi chúng ta học viết, chúng ta chịu một “sự tách biệt đáng kể khỏi sự gắn bó tình cảm hoặc cảm xúc có được ở một người hay một xã hội chưa có chữ viết”.[93] Tuy vậy, về mặt tri thức, văn hóa truyền miệng của tổ tiên chúng ta nông cạn hơn hiện tại trên nhiều phương diện. Chữ viết đã giải phóng kiến thức khỏi giới hạn của trí óc cá nhân, và giải phóng ngôn ngữ khỏi cấu trúc vần điệu có quy tắc vốn cần cho việc học thuộc và kể lại. Chữ viết đã mở ra những chân trời mới cho ý nghĩ và cách diễn đạt. “Thành tựu của xã hội phương Tây là minh chứng rõ ràng cho giá trị to lớn của chữ viết”, McLuhan nhận định.[94]
Trong nghiên cứu nổi tiếng năm 1982 có tên Orality and Literacy (Văn miệng và văn viết), ông cũng thể hiện quan điểm tương tự. Ông nhận định: “Văn hóa truyền miệng tạo ra những tác phẩm hay và có ảnh hưởng lớn về giá trị con người và nghệ thuật, những thứ không còn có thể xuất hiện khi chữ viết đã chiếm lĩnh tâm hồn”. Nhưng chữ viết “tuyệt đối cần thiết cho sự phát triển không chỉ của khoa học mà còn của lịch sử, triết học, hiểu biết về văn học và nghệ thuật, và cần thiết để giải thích bản thân ngôn ngữ (bao gồm cả ngôn ngữ nói)”.[95]Khả năng viết là “thực sự vô giá và thực sự thiết yếu để nhận thức đầy đủ hơn tiềm năng của con người”, ông kết luận. “Chữ viết nâng cao tầm nhận thức”.[96]
Ở thời Plato và hàng thế kỷ sau, tầm nhận thức cao hơn đó chỉ dành cho tầng lớp cao quý. Trước khi lợi ích nhận thức của bảng chữ cái mở rộng ra cộng đồng, một loạt công nghệ tri thức khác – trong đó có việc sao chép, sản xuất, và phân phối các văn bản viết – phải được ra đời.