Không lâu sau khi Nietzche mua máy đánh chữ cơ học, một thanh niên rất chững chạc tên là Frederick Winslow Taylor mang một chiếc đồng hồ bấm giờ vào Nhà máy thép Midvale tại Philadelphia và bắt đầu một chuỗi thí nghiệm lịch sử nhằm tăng hiệu suất hoạt động của thợ máy tại đó. Được sự đồng ý miễn cưỡng của chủ nhà máy Midvale, Taylor thuê một nhóm thợ, sắp xếp họ làm việc tại nhiều máy chế biến kim loại khác nhau, sau đó ghi lại và tính giờ từng thao tác của họ. Bằng cách chia mỗi công việc thành một chuỗi các bước nhỏ, sau đó thử nghiệm các cách khác nhau để thực hiện chúng, anh đã tạo ra một bộ chỉ dẫn chính xác – mà ngày nay chúng ta có thể gọi là “thuật toán” – về cách làm việc cho từng công nhân. Nhân viên của Midvale ca thán về chế độ nghiêm ngặt mới, cho rằng chế độ đó biến họ thành chẳng khác gì máy tự động, tuy nhiên năng suất của nhà máy lại tăng lên trông thấy.[281]
Hơn một thế kỷ sau phát minh máy hơi nước, cuộc Cách mạng công nghiệp cuối cùng cũng tìm thấy triết lý và triết gia của riêng mình.Vũ đạo công nghiệp chặt chẽ của Taylor – hay như anh thích gọi là “hệ thống” – được nhiều nhà sản xuất trên cả nước và dần dần là trên cả thế giới công nhận.Tìm kiếm tốc độ, hiệu suất và sản phẩm đầu ra tối đa, các chủ nhà máy sử dụng nghiên cứu thời-gian-và-chuyển-động để tổ chức công việc và giao nhiệm vụ cho công nhân. Theo định nghĩa của Taylor trong bài viết nổi tiếng “Các nguyên tắc quản lý khoa học” năm 1911, mục tiêu của mọi công việc là phát hiện và áp dụng “một phương pháp làm việc tốt nhất” và qua đó “dần dần thay thế khoa học vào quy tắc kinh nghiệm của nghệ thuật cơ khí”.[282]Khi hệ thống đã được áp dụng cho mọi hoạt động thủ công, Taylor trấn an các tín đồ của mình rằng hệ thống không chỉ tái cải tạo riêng ngành công nghiệp mà còn cả xã hội, tạo ra một thế giới hiệu suất hoàn hảo. Anh tuyên bố: “Trong quá khứ, con người đứng vị trí số một. Còn trong tương lai, hệ thống phải đứng vị trí số một”.[283]
Hệ thống đo lường và tối ưu hóa của Taylor hiện vẫn xuất hiện trong cuộc sống của chúng ta nhưng chỉ còn là một trong nhiều nền tảng của sản xuất công nghiệp. Hiện nay, nhờ tầm ảnh hưởng ngày càng lớn của các kỹ sư máy tính và lập trình viên phần mềm đối với cuộc sống xã hội và trí tuệ của chúng ta, đạo lý của Taylor bắt đầu thống trị cả vương quốc tinh thần. Internet là một cỗ máy được thiết kế để thu thập, truyền tải và điều khiển thông tin một cách tự động và hiệu quả, và đội quân lập trình viên của nó quyết tâm tìm kiếm “một phương thức tốt nhất” – thuật toán hoàn hảo – để thực hiện những cuộc vận động tinh thần của thứ mà chúng ta gọi là lao động tri thức.
Hội sở chính của Google tại Thung lũng Silicon – Googleplex – là giáo hội tối cao của Internet và tôn giáo được thực hành bên trong các bức tường là chủ nghĩa Taylor. CEO Eric Schmidt cho biết công ty “được thành lập dựa trên khoa học đo lường”. Nó đang cố gắng “hệ thống hóa mọi thứ”.[284] Marissa Mayer, một giám đốc khác của Google, bổ sung: “Mọi thứ chúng tôi làm đều hướng về dữ liệu và chúng tôi cố gắng xác định số lượng của mọi thứ. Chúng ta đang sống trong thế giới của các con số”.[285] Dựa vào hàng terabyte dữ liệu hành vi thu thập được nhờ công cụ tìm kiếm và các trang khác, công ty thực hiện hàng nghìn thí nghiệm mỗi ngày và sử dụng kết quả thu được để cải thiện các thuật toán giúp chúng ta tìm kiếm thông tin và ý nghĩa của các thông tin đó.[286] Những gì Taylor đã làm cho lao động thủ công thì Google đang làm cho lao động trí óc.
Lòng tin cậy của công ty này vào các thí nghiệm đã trở thành một yếu tố mang tính huyền thoại. Mặc dù thiết kế các trang Web trông có vẻ đơn giản, thậm chí là mộc mạc, nhưng mỗi yếu tố đều trải qua quá trình nghiên cứu tâm lý và thống kê toàn diện. Sử dụng một phương pháp có tên “thí nghiệm chia A/B”, Google liên tục giới thiệu các thay đổi nhỏ trong giao diện và cách hoạt động của các trang web, mỗi nhóm người dùng có những thay đổi khác nhau và sau đó Google so sánh xem các thay đổi ảnh hưởng như thế nào tới hành vi của người dùng – họ dành bao nhiêu thời gian cho một trang, cách họ di chuyển con trỏ trên màn hình, họ nhấp và không nhấp chuột vào cái gì, họ sẽ làm gì tiếp theo. Bên cạnh các bài kiểm tra trực tuyến tự động, Google thuê các tình nguyện viên để theo dõi bằng mắt và thực hiện các nghiên cứu tâm lý khác tại “phòng thí nghiệm tính khả dụng” trong nhà. Theo hai nhà nghiên cứu của Google trong một bài blog viết năm 2009 về phòng thí nghiệm, do người lướt Web đánh giá nội dung các trang web “nhanh đến nỗi những quyết định họ đưa ra phần lớn đều là vô thức” nên việc theo dõi chuyển động mắt của họ “là điều tốt nhất tiếp theo để có thể thật sự đọc được những gì họ nghĩ”.[287]Irene Au, giám đốc bộ phận trải nghiệm người dùng của công ty, cho biết Google dựa vào “nghiên cứu tâm lý nhận thức” để đẩy mạnh mục tiêu “giúp mọi người sử dụng máy tính hiệu quả hơn”.[288]
Các đánh giá chủ quan, bao gồm cả đánh giá thẩm mỹ, không có trong tính toán của Google. Mayer nói: “Thiết kế trên Web ngày càng giống khoa học hơn là nghệ thuật. Bởi bạn có thể lặp lại nhanh chóng, bởi bạn có thể đo lường chính xác nên bạn có thể thật sự tìm ra những khác biệt nhỏ và biết được cái nào là đúng”.[289] Trong một thí nghiệm nổi tiếng, công ty kiểm tra 41 sắc thái khác nhau của màu xanh nướcbiển trên thanh công cụ để xem sắc thái nào thu hút được nhiều cú nhấp chuột nhất từ khách truy cập. Công ty cũng thực hiện các thí nghiệm nghiêm ngặt tương tự về văn bản đặt trên trang web. Mayer giải thích: “Bạn phải cố gắng làm từ ngữ trông ít giống con người hơn và giống máy móc nhiều hơn”.[290]
Trong cuốn sách Technopoly năm 1993, Neil Postman cô đọng các nguyên lý chính trong hệ thống quản lý khoa học của Taylor. Theo ông, chủ nghĩa Taylor dựa vào sáu giả định: “mục đích chủ yếu, nếu không phải là duy nhất, của tư tưởng và lao động của con người là hiệu quả; tính toán kỹ thuật luôn tốt hơn đánh giá của con người; trên thực tế không thể tin tưởng vào đánh giá của con người bởi nó bị cản trở bởi tính không rõ ràng, mơ hồ và phức tạp không cần thiết; tính chủ quan là trở ngại để có thể tư duy rõ ràng; những gì không thể đong đếm được thì hoặc không tồn tại hoặc không có giá trị; và cuối cùng, các công việc của công dân sẽ được hướng dẫn và điều hành tốt nhất bởi các chuyên gia”.[291] Điều đáng chú ý là bản tóm tắt của Postman đã gói gọn được đạo đức trí tuệ của Google. Chỉ một thay đổi nhỏ cần thực hiện để khiến bản tóm tắt trở nên hợp thời hơn. Google không tin là các vấn đề của công dân tốt nhất nên do các chuyên gia hướng dẫn. Công ty này tin rằng những vấn đề như thế tốt nhất nên do các thuật toán phần mềm hướng dẫn – đó chính xác sẽ là niềm tin của Taylor nếu xuất hiện máy tính kỹ thuật số cấu hình mạnh vào thời của ông.
Google cũng học tập Taylor về vấn đề công bằng trong công việc. Công ty có một niềm tin sâu sắc, thậm chí giống Chúa cứu thế, vào việc mình làm. CEO của công ty cho biết Google không chỉ đơn thuần là một doanh nghiệp mà là một “lực lượng đạo đức”.[292] “Sứ mệnh” được công khai rộng rãi của công ty là “tổ chức thông tin của thế giới và biến thông tin trở nên hữu dụng và có thể truy cập được ở khắp mọi nơi”.[293] Schmidt nói với tờ Wall Street Journal vào năm 2005rằng để đạt được sứ mệnh đó “cần tới 300 năm theo tính toán hiện nay”.[294] Mục tiêu trước mắt của công ty là “tạo ra công cụ tìm kiếm hoàn hảo”, tức là “một công cụ có thể hiểu chính xác ý của bạn và mang đến cho bạn chính xác thứ bạn muốn”.[295] Theo quan điểm của Google, thông tin là một loại hàng hóa, một nguồn tài nguyên thiết thực có thể và nên được khai thác và xử lý một cách hiệu quả. Chúng ta càng “truy cập” được nhiều thông tin hơn và cô đọng được ý chính nhanh hơn thì chúng ta càng trở thành những người tư duy đạt năng suất cao hơn. Bất kỳ thứ gì cản trở việc thu thập, mổ xẻ và truyền tải dữ liệu đều là mối nguy cơ không chỉ đối với ngành kinh doanh của Google mà còn đối với thế giới nhận thức hiệu quả mà công ty muốn xây dụng trên Internet.
GOOGLE ĐƯỢC SINH RA nhờ vào phép so sánh – phép so sánh của Larry Page.Ngay từ khi còn bé, Page, con trai của một trong những người tiên phong về trí thông minh nhân tạo, đã được bao quanh bởi máy tính – ông nhớ mình là “đứa trẻ đầu tiên trong trường tiểu học nộp một văn bản dùng máy đánh chữ”[296] – và tiếp tục theo học ngành kỹ sư tại Đại học Michigan. Bạn bè nhớ về ông như một người tham vọng, thông minh và “gần như bị ám ảnh với tính hiệu quả”[297]. Trong khi là chủ tịch Hội kỹ sư danh dự của Michigan, ông dẫn đầu một chiến dịch mỏng manh, nếu không muốn nói là phù phiếm, nhằm thuyết phục ban quản trị của nhà trường xây dựng đường xe lửa một ray quanh khuôn viên trường. Mùa thu năm 1995, Page đến California để nhận một vị trí được đánh giá cao trong chương trình tiến sĩ về khoa học máy tính của Đại học Stanford. Ngay từ khi còn là một cậu bé, ông đã mơ ước chế tạo được một phát minh đòn bẩy “có thể thay đổi cả thế giới”[298]. Ông biết rằng không có nơi nào tốt hơn Stanford, đầu não của Thung lũng Silicon, để biến giấc mơ đó thành hiện thực.
Page chỉ mất vài tháng để nghĩ ra chủ đề cho bài luận văn tốt nghiệp của mình: một mạng lưới máy tính khổng lồ hoàn toàn mới có tên World Wide Web. Dù mới chỉ khai trương được bốn năm trên Internet nhưng Web đang ngày càng lớn mạnh – với nửa triệu trang và mỗi tháng lại có thêm một trăm nghìn trang mới – và việc không ngừng thay đổi cách bố trí phức tạp các nút và đường liên kết đã mê hoặc nhiều nhà toán học và khoa học máy tính. Page có một ý tưởng mà ông cho là có thể hé lộ những bí mật của Web. Ông nhận ra rằng các đường liên kết trên trang web tương tự như các trích dẫn trên bài nghiên cứu học thuật. Cả hai đều thể hiện giá trị. Khi một học giả tham khảo bài viết của một học giả khác trong bài viết của mình tức là người này đang xác minh tầm quan trọng của bài viết kia. Bài viết càng thu thập được nhiều trích dẫn thì càng có uy tín. Tương tự, khi trang web của một người được liên kết tới trang web của người khác tức là họ nghĩ rằng trang web đó rất quan trọng. Page nhận thấy giá trị của bất kỳ trang web nào đều có thể được đo bằng số lượng đường liên kết dẫn tới trang web đó.
Page còn một cách nhìn khác, cũng dựa vào so sánh trích dẫn: không phải mọi đường liên kết đều được tạo ra như nhau. Có thể đo được uy tín của bất kỳ trang web nào bằng số lượng đường liên kết nó thu hút được. Một trang web có nhiều đường liên kết dẫn tới sẽ uy tín hơn một trang chỉ có một vài đường liên kết dẫn tới. Trang web càng uy tín thì các đường liên kết dẫn đi của nó sẽ càng có giá trị. Điều này cũng đúng với giới học thuật nghiên cứu: có được một trích dẫn từ một bài nghiên cứu mà bản thân nó được trích dẫn nhiều lần sẽ đáng giá hơn việc có được trích dẫn từ một bài nghiên cứu ít được đề cập tới. So sánh của Page khiến ông nhận ra rằng có thể ước tính giá trị tương đối của một trang web bằng cách nghiên cứu toán học hai yếu tố: số lượng đường liên kết dẫn tới mà một trang web thu hút được và uy tín của những trang web là nguồn của các liên kết đó.
Nếu có thể tạo một cơ sở dữ liệu các đường liên kết trên Web thì bạn sẽ có dữ liệu cơ bản cho thuật toán phần mềm dùng để đánh giá và xếp hạng giá trị của toàn bộ các trang web. Bạn cũng sẽ tạo ra được công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới.
Bài luận văn đó chưa bao giờ được hoàn thành. Page thuê một cựu sinh viên Stanford khác, một thần đồng toán học tên là Sergey Brin với mối quan tâm sâu sắc tới vấn đề khai thác dữ liệu, để giúp ông xây dựng công cụ tìm kiếm của mình. Vào mùa hè năm 1996, phiên bản ban đầu của Google – hồi đó có tên BackRub – ra mắt trên trang web của Stanford. Chỉ trong một năm, lượng truy cập vào BackRub đã quá tải so với dung lượng mạng lưới của trường đại học. Page và Brin hiểu rằng nếu muốn biến dịch vụ tìm kiếm thành một ngành doanh nghiệp thật sự thì họ cần rất nhiều tiền để mua thiết bị máy tính và băng thông mạng lưới. Vào mùa hè năm 1998, một nhà đầu tư giàu có của Thung lũng Silicon đến giải cứu với tấm séc 100.000 đôla. Cả hai chuyển công ty mới chớm nở ra khỏi phòng ký túc xá và chuyển vào phòng trống trong nhà của một người bạn gần Menlo Park. Đến tháng 9, họ khai trương Google Inc. Họ chọn cái tên – một trò chơi trên googol, dùng để chỉ số 10 mũ 100 – nhằm nhấn mạnh mục tiêu tổ chức “một lượng thông tin dường như vô tận trên Web”. Đến tháng 12, một bài báo trên tờ PC Magazine ca ngợi công cụ tìm kiếm mới với cái tên kỳ quặc, nhận xét rằng nó “có sở trường tạo ra những kết quả tìm kiếm cực kỳ thích đáng”.[299]
Chính nhờ sở trường đó mà không lâu sau Google đã xử lý được phần lớn trong số hàng triệu – và sau này là hàng tỷ – các cuộc tìm kiếm trên Internet mỗi ngày. Công ty thành công vang dội, ít nhất nếu đo bằng lượng truy cập vào trang web. Tuy nhiên công ty cũng phải đối mặt với một vấn đề đã hủy hoại rất nhiều trang chấm com khác: họ không biết làm thế nào để biến lượng truy cập đó thành lợi nhuận. Không ai trả tiền để tìm kiếm trang web và Page cùng Brin phản đối việc kết hợp quảng cáo vào các kết quả tìm kiếm vì sợ rằng nó sẽ làm ảnh hưởng tới tính khách quan toán học của Google. Cả hai viết trong một bài báo học thuật đầu năm 1998 như sau: “Chúng tôi cho rằng các công cụ tìm kiếm do quảng cáo tài trợ vốn sẽ thiên vị cho các công ty quảng cáo và rời xa nhu cầu của người tiêu dùng”.[300]
Tuy nhiên các doanh nhân trẻ tuổi hiểu rằng họ không thể mãi sống dựa vào sự hào phóng của các nhà đầu tư tư bản. Cuối năm 2000, cả hai đưa ra một kế hoạch tài tình để chạy quảng cáo chữ nhỏ bên cạnh kết quả tìm kiếm – một kế hoạch chỉ đòi hỏi thỏa hiệp rất khiêm tốn trong lý tưởng của họ. Thay vì bán không gian quảng cáo với giá cố định, họ quyết định bán đấu giá. Đó không phải là ý tưởng đầu tiên – một công cụ tìm kiếm khác, GoTo cũng đã bán đấu giá quảng cáo – tuy nhiên Google mang đến một thay đổi hoàn toàn mới mẻ. Trong khi GoTo xếp hạng quảng cáo tìm kiếm theo quy mô đặt giá của các công ty quảng cáo – giá thầu càng cao thì quảng cáo càng nổi bật – thì Google thêm chỉ tiêu thứ hai vào năm 2002. Vị trí của một quảng cáo không chỉ do quy mô đặt giá mà còn do tần suất người dùng thật sự nhấp chuột vào quảng cáo đó quyết định. Sự sáng tạo đó đảm bảo rằng quảng cáo của Google sẽ luôn “liên quan” tới chủ đề tìm kiếm. Quảng cáo rác sẽ tự động bị loại khỏi hệ thống. Nếu người dùng thấy quảng cáo không liên quan thì họ sẽ không nhấp vào và quảng cáo đó cuối cùng sẽ biến mất khỏi trang Google.
Hệ thống đấu giá có tên AdWords có một kết quả rất quan trọng khác: bằng cách ràng buộc vị trí quảng cáo với việc nhấp chuột, hệ thống tăng đáng kể tỷ lệ nhấp chuột. Người dùng càng thường xuyên nhấp vào quảng cáo thì quảng cáo đó sẽ càng xuất hiện thường xuyên và nổi bật trên trang kết quả tìm kiếm và càng thu được nhiều cú nhấp chuột hơn. Do công ty quảng cáo trả tiền cho Google theo số lượng cú nhấp chuột nên doanh thu của công ty tăng mạnh. Hệ thống AdWords chứng tỏ được sự hấp dẫn đến mức rất nhiều công ty xuất bản Web khác cũng ký hợp đồng với Google để đặt “quảng cáo theo ngữ cảnh” trên trang web của họ, sửa đổi quảng cáo cho phù hợp với nội dung của từng trang. Đến cuối thập kỷ, Google không chỉ là công ty Internet lớn nhất thế giới mà còn là một trong những công ty truyền thông lớn nhất với doanh thu hơn 22 tỷ đôla mỗi năm, phần lớn đến từ quảng cáo và lợi nhuận khoảng 8 tỷ đôla. Page và Brin, mỗi người sở hữu tới 10 tỷ đôla trên giấy tờ.
Các sáng tạo của Google đã đền bù xứng đáng cho các nhà sáng lập và nhà đầu tư. Tuy nhiên người được hưởng lợi nhiều nhất ở đây là người dùng Web. Google đã thành công khi biến Internet trở thành một phương tiện chuyển tải thông tin hiệu quả nhất. Trước đó, các công cụ tìm kiếm thường bị nghẽn dữ liệu khi trang web mở rộng – chúng không thể chỉ mục nội dung mới, càng không thể tách hạt lúa mì khỏi vỏ trấu. Trái lại, công cụ tìm kiếm của Google được lập trình để có thể mang lại kết quả tìm kiếm tốt hơn khi Web phát triển. Google càng đánh giá nhiều trang và nhiều liên kết thì càng phân loại và xếp hạng chất lượng chính xác hơn. Khi lượng truy cập tăng, Google có thể thu thập được nhiều dữ liệu hành vi, cho phép công ty thay đổi kết quả tìm kiếm và quảng cáo cho phù hợp hơn với nhu cầu và mong muốn của người dùng. Công ty cũng đầu tư hàng tỷ đôla để xây dựng các trung tâm dữ liệu đầy máy tính trên khắp thế giới để đảm bảo có thể mang kết quả tìm kiếm đến cho người dùng chỉ trong vài mili giây. Sự phổ biến và lợi nhuận của Google là hoàn toàn xứng đáng. Công ty đóng vai trò vô giá trong việc giúp mọi người định hướng hàng trăm tỷ trang đang lưu hành trên Web. Không có công cụ tìm kiếm của Google và nhiều công cụ khác được xây dựng dựa trên mô hình đó, Internet có lẽ đã trở thành Tháp Babel[301]kỹ thuật số.
Tuy nhiên, trong vai trò là nhà cung cấp các công cụ điều hướng chủ yếu trên Web, Google cũng định hình mối quan hệ của chúng ta với nội dung mà nó đang phục vụ hiệu quả và phong phú. Công nghệ trí tuệ mà Google tiên phong thúc đẩy việc đọc lướt thông tin và ngăn cản việc đọc lâu và sâu bất kỳ ý tưởng, đoạn văn hay lập luận nào. Irene Au nói: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp người dùng vào và ra thật nhanh. Các quyết định về thiết kế của chúng tôi đều dựa vào chiến lược đó”.[302] Lợi nhuận của Google gắn trực tiếp với tốc độ nhận dữ liệu của người dùng. Chúng ta càng lướt nhanh qua bề mặt của Web – chúng ta càng nhấp vào nhiều liên kết và xem nhiều trang – thì Google càng có thêm nhiều cơ hội để thu thập thông tin về chúng ta và cung cấp quảng cáo. Hơn nữa, hệ thống quảng cáo của Google được thiết kế một cách rõ ràng để tìm ra thông điệp có thể thu hút được sự chú ý của chúng ta và tiếp tục đặt thông điệp này vào tầm quan sát của chúng ta. Mỗi cú nhấp chuột trên Web là một lần chúng ta mất tập trung, một sự gián đoạn từ dưới lên – và vì lợi ích kinh tế đó, Google cần đảm bảo chúng ta nhấp chuột thường xuyên nhất có thể. Điều mà công ty này ít mong muốn nhất là khuyến khích việc đọc lâu hoặc chậm rãi, tư duy tập trung. Google là ngành kinh doanh sự xao lãng theo đúng nghĩa đen.
THÀNH CÔNG CỦA GOOGLE có lẽ vẫn chưa phải là một yếu tố mang tính nhất thời. Sự tồn tại của các công ty Internet hiếm khi gây khó chịu hoặc trở nên hung bạo, nhưng thường rất ngắn. Bởi ngành kinh doanh của họ ở trên chín tầng mây, được xây dựng dựa vào các dòng mã phần mềm vô hình nên khả năng phòng vệ của họ cũng rất mong manh. Để biến một doanh nghiệp trực tuyến đang phát triển trở nên lỗi thời chỉ cần một lập trình viên sắc sảo với ý tưởng tươi mới. Việc phát minh ra một công cụ tìm kiếm chính xác hơn hoặc một cách tốt hơn để lưu thông quảng cáo trên mạng có thể làm hỏng Google. Tuy nhiên cho dù công ty này có thể duy trì sự thống trị của mình bao lâu trong dòng chảy thông tin số thì đạo đức trí tuệ của Google vẫn sẽ là đạo đức chính của Internet trong vai trò phương tiện truyền thông. Các công ty xuất bản Web và sản xuất công cụ sẽ tiếp tục thu hút lượt truy cập và kiếm tiền bằng cách khuyến khích và thỏa mãn lòng ham muốn với các mẩu tin nhỏ được phân phát nhanh chóng của chúng ta.
Lịch sử Web cho thấy vận tốc dữ liệu sẽ chỉ tăng lên mà không giảm đi. Trong thập niên 1990, phần lớn thông tin trực tuyến chỉ được tìm thấy trên các trang tĩnh. Các trang này trông không khác gì ở các quyển tạp chí và nội dung thì hầu như cố định. Kể từ đó, xu hướng là làm cho các trang trở nên “năng động” hơn, được cập nhật thường xuyên và tự động với nội dung mới. Phần mềm chuyên về blog ra mắt năm 1999 khiến việc đăng tải thông tin một cách nhanh chóng trở nên đơn giản đối với tất cả mọi người và các blogger thành công nhất sớm nhận ra họ cần đăng tải thật nhiều bài viết mỗi ngày để có thể giữ được các độc giả hay thay đổi. Các trang tin tức ra đời tiếp sau đó, cung cấp nhiều bản tin cập nhật đến từng phút. Các trình đọc RSS phổ biến vào khoảng năm 2005 cho phép các trang “đẩy” tiêu đề và các thông tin khác đến với người dùng Web, thúc đẩy hơn nữa tần suất cung cấp thông tin.
Sự tăng tốc mới đến gần đây với sự nổi lên của các mạng xã hội như MySpace, Facebook và Twitter. Các công ty này cung cấp cho hàng triệu thành viên của mình một “dòng cập nhật thời gian thực” không bao giờ kết thúc, theo khẩu hiệu của Twitter thì đó là những thông điệp ngắn “về những gì đang xảy ra”. Bằng cách biến những thông điệp thân mật – một thời là lĩnh vực của thư tay, điện thoại và tin nhắn riêng – thành đầu vào cho một dạng truyền thông đại chúng mới, các mạng xã hội mang tới một cách thức mới thú vị để mọi người có thể giao tiếp và giữ liên lạc. Các mạng này cũng nhấn mạnh vào tính tức thì. Một sự “cập nhật trạng thái” của một người bạn, đồng nghiệp hay người nổi tiếng sẽ mất tính phổ biến ngay sau khi được lưu hành. Để luôn cập nhật thì cần liên tục theo dõi các thông báo. Các mạng xã hội đang cạnh tranh khốc liệt để mang tới nhiều thông điệp tươi mới hơn và phong phú hơn. Đầu năm 2009, khi Facebook phản ứng lại tốc độ tăng trưởng nhanh chóng của Twitter bằng cách thông báo sẽ cải tạo trang của mình để “tăng tốc độ dòng thông tin”, nhà sáng lập kiêm CEO Mark Zuckerberg trấn an 250.000 thành viên rằng công ty “sẽ tiếp tục làm dòng chảy thông tin nhanh hơn nữa”[303]. Không giống các công ty xuất bản sách trước đó thường vì lý do kinh tế mà thúc đẩy việc đọc cả tác phẩm cũ lẫn mới, các nhà xuất bản trực tuyến tranh đấu để có thể phân phối được thông tin mới nhất.
Google không hề ngồi yên. Để phản ứng lại những thay đổi đột ngột này, công ty đã cải tổ lại công cụ tìm kiếm để đẩy nhanh tốc độ. Chất lượng của một trang dựa trên số lượng liên kết dẫn vào không còn là tiêu chí chủ yếu để Google xếp hạng kết quả tìm kiếm nữa. Theo Amit Singhal, một kỹ sư hàng đầu của Google, trên thực tế, đó chỉ là một trong 200 “tín hiệu” khác nhau mà công ty dùng để theo dõi và tính toán.[304] Một trong những đột phá lớn gần đây là đặt ưu tiên vào “tính tươi mới” của những trang mà Google đề xuất. Google không chỉ phát hiện các trang web mới xuất hiện hoặc mới sửa đổi nhanh hơn nhiều so với trước đây – hiện nay cứ vài giây Google kiểm tra các trang phổ biến nhất một lần, thay vì vài ngày như trước kia – mà với nhiều sự tìm kiếm, Google còn sắp xếp kết quả theo thứ tự từ mới hơn đến cũ hơn. Tháng 5 năm 2009, công ty giới thiệu một thay đổi mới trong dịch vụ tìm kiếm của mình, cho phép người dùng hoàn toàn bỏ qua các cân nhắc về chất lượng và kết quả tìm kiếm sẽ xếp hạng tùy theo thông tin nào mới được đăng tải trên Web. Một vài tháng sau, công ty công bố một “kiến trúc thế hệ kế tiếp” cho công cụ tìm kiếm của mình với biệt danh Caffeine.[305] Larry Page dẫn chứng thành công của Twitter trong việc đẩy nhanh tốc độ dòng chảy thông tin để nói rằng Google sẽ không thỏa mãn cho đến khi có thể “chỉ mục Web mỗi giây để cho phép tìm kiếm theo thời gian thực”.[306]
Công ty cũng đang phấn đấu mở rộng tầm ảnh hưởng của mình lên người dùng Web và dữ liệu của họ. Với hàng tỷ đôla lợi nhuận do AdWords tạo ra, công ty có thể đa dạng hóa dịch vụ vượt ngoài mục tiêu ban đầu là tìm kiếm trên trang web. Hiện công ty đang chuyên về dịch vụ tìm kiếm hình ảnh, phim, tin tức, bản đồ, blog và bài viết học thuật cùng nhiều chủ đề khác, tất cả đều là kết quả do công cụ tìm kiếm chính cung cấp. Công ty cũng cung cấp nhiều hệ điều hành máy tính, như Android cho điện thoại thông minh và Chrome cho máy tính cá nhân, cùng nhiều chương trình phần mềm trực tuyến khác, trong đó có email, phần mềm xử lý văn bản, blog, lưu trữ ảnh, đọc tin mới, bảng tính, lịch và Web hosting (dịch vụ máy chủ để lưu trữ trang web trên Internet).
Tính mở rộng tưởng chừng không biên giới của Google đã trở thành đề tài tranh luận sôi nổi của nhiều người, đặc biệt là các nhà nghiên cứu quản lý và phóng viên kinh doanh. Tầm ảnh hưởng rộng lớn cùng hoạt động của công ty là minh chứng rằng công ty là một loại hình kinh doanh hoàn toàn mới, vượt trội hơn cả và định nghĩa lại mọi loại hình kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên mặc dù là một doanh nghiệp bất thường về nhiều mặt nhưng chiến lược kinh doanh của Google không quá bí hiểm. Giao diện thường xuyên thay đổi của Google không thể hiện ngành kinh doanh chính của công ty: bán và phân phối quảng cáo trực tuyến. Thay vào đó, nó xuất phát từ một số lượng khổng lồ “hàng hóa bổ sung”. Theo định nghĩa kinh tế, hàng hóa bổ sung là những sản phẩm hoặc dịch vụ được mua hoặc tiêu thụ cùng nhau, chẳng hạn như xúc xích và mù tạt hoặc bóng đèn và chụp đèn. Đối với Google, mọi thứ trên Internet đều bổ sung cho ngành kinh doanh chính của công ty. Khi mọi người dành nhiều thời gian và làm nhiều thứ trên mạng thì họ sẽ nhìn thấy nhiều quảng cáo hơn và tiết lộ nhiều thông tin về bản thân hơn – và Google càng thu được nhiều tiền hơn. Khi các sản phẩm và dịch vụ truyền thống được phân phối trực tuyến qua mạng máy tính – giải trí, tin tức, ứng dụng phần mềm, giao dịch tài chính, điện thoại – thì dãy hàng hóa bổ sung của Google càng mở ra nhiều ngành công nghiệp hơn.
Do doanh thu các sản phẩm bổ sung luôn tăng song song cùng nhau nên công ty thường dành mối quan tâm chiến lược mạnh mẽ vào việc giảm chi phí và tăng số lượng hàng bổ sung cho sản phẩm chính. Không quá cường điệu khi nói rằng Google muốn mọi sản phẩm bổ trợ của mình đều được phân phát. Nếu xúc xích miễn phí thì doanh số bán mù tạt sẽ tăng vọt. Động lực giảm chi phí hàng bổ sung này lý giải chiến lược kinh doanh của Google. Hầu hết mọi thứ công ty làm đều nhằm giảm chi phí và mở rộng quy mô sử dụng Internet. Google muốn thông tin trở nên hoàn toàn miễn phí, bởi khi chi phí của thông tin giảm thì chúng ta sẽ dành nhiều thời gian hơn để nhìn vào màn hình máy tính và lợi nhuận của công ty sẽ tăng.
Bản thân phần lớn các dịch vụ của Google không sinh lợi. Chẳng hạn, các nhà phân tích công nghệ ước tính rằng YouTube, mà Google mua với giá 1,65 tỷ đôla năm 2006, đã thua lỗ từ 200 đến 500 triệu đôla trong năm 2009.[307] Tuy nhiên những dịch vụ phổ biến như YouTube cho phép Google thu thập được nhiều thông tin hơn, thu hút nhiều người sử dụng công cụ tìm kiếm của mình hơn và ngăn các đối thủ tiềm năng bước vào thị trường hiện tại, nhờ đó, công ty có thể cân bằng chi phí vận hành những dịch vụ đó. Google tuyên bố sẽ không thỏa mãn cho đến khi có được “100% thông tin về người dùng”[308].Lòng nhiệt tình mở rộng của Google không phải chỉ vì tiền.Quá trình mở rộng dần dần thêm nhiều thể loại nội dung cũng thúc đẩy sứ mệnh của công ty nhằm làm thế giới thông tin “hữu ích hơn và có thể truy cập được trên toàn cầu”. Lý tưởng và lợi ích kinh doanh của Google hội tụ ở một mục tiêu bao quát: số hóa mọi thể loại thông tin, chuyển thông tin lên Web, cung cấp cho cơ sở dữ liệu, chạy qua các thuật toán phân loại và xếp hạng, và cuối cùng truyền tải ở dạng “các đoạn nhỏ” tới người lướt Web, tốt nhất là đi kèm các quảng cáo. Google càng mở rộng phạm vi hoạt động thì đạo lý của chủ nghĩa Taylor lại càng bám chắc hơn vào đời sống trí tuệ của chúng ta.
SÁNG KIẾN THAM VỌNG NHẤT của Google – mà Marrisa Mayer gọi là “tên lửa mặt trăng”[309] – là nỗ lực số hóa mọi cuốn sách trên đời và biến từ ngữ trên đó trở thành “có thể được khám phá và tìm kiếm trực tuyến”[310]. Chương trình bí mật bắt đầu vào năm 2002 khi Larry Page lắp đặt một máy quét kỹ thuật số trong văn phòng tại Googleplex và theo nhịp của máy đánh nhịp, ông dành nửa giờ để quét lần lượt từng trang của một cuốn sách dày 300 trang, ông muốn biết sẽ mất khoảng bao lâu “để quét từng quyển sách trên thế giới”. Năm tiếp theo, một nhân viên của Google đến Phoenix để mua một chồng sách cũ tại một cửa hàng bán đồ từ thiện. Khi mang về Googleplex, chồng sách trở thành đối tượng của một loạt các thí nghiệm dẫn tới sự phát triển của một phương pháp quét mới “tốc độ cao” và “không phá hủy”. Hệ thống tài tình sử dụng máy ảnh lập thể hồng ngoại này có thể tự động chỉnh sửa chỗ cong của các trang sách khi mở ra, loại bỏ bất kỳ sự biến dạng văn bản nào trong hình quét.[311] Cùng lúc, một nhóm các kỹ sư phần mềm của Google đang tinh chỉnh một chương trình nhận diện ký tự tinh vi có thể đọc được “những phông chữ khác thường, những cỡ chữ kỳ lạ hay bất kỳ sự khác thường nào – của 430 ngôn ngữ khác nhau”. Một nhóm nhân viên khác của Google chia nhau đến thăm các thư viện và công ty xuất bản sách hàng đầu để đo mức độ quan tâm của họ vào việc số hóa sách của Google.[312]
Mùa thu năm 2004, Page và Brin chính thức thông báo chương trình Google Print (sau này đổi tên thành Google Book Search) tại Hội chợ sách Frankfurt, một sự kiện mà kể từ thời Gutenberg đã trở thành cuộc hợp mặt thường niên lớn của ngành xuất bản. Hơn mười công ty xuất bản học thuật và thương mại đã ký kết làm đối tác của Google, bao gồm cả những cái tên hàng đầu như Houghton Mifflin, McGraw-Hill, và nhà xuất bản của các trường đại học như Oxford, Cambridge, và Princeton. Năm thư viện danh giá nhất thế giới, trong đó có Widener của Đại học Harvard, Bodleian của Oxford và Thư viện công New York, cũng đồng ý cộng tác. Tất cả đều cho phép Google bắt đầu quét nội dung các cuốn sách của mình. Đến cuối năm, công ty ước tính đã có văn bản của 100.000 cuốn sách trong ngân hàng dữ liệu.
Không phải tất cả mọi người đều hài lòng với dự án này. Google không chỉ quét những cuốn sách cũ hết hạn bảo vệ bản quyền mà còn quét cả những cuốn sách mới hơn, cho dù không còn được in nữa, nhưng vẫn là tài sản có bản quyền của tác giả hoặc công ty xuất bản. Google nói rõ rằng công ty không có ý định theo dõi hay chiếm trước sự đồng tình của người giữ bản quyền. Thay vào đó, công ty sẽ tiến hành quét toàn bộ các cuốn sách và cho vào cơ sở dữ liệu trừ khi chủ sở hữu bản quyền gửi thư chính thức yêu cầu Google không cho một cuốn sách nhất định vào cơ sở dữ liệu đó. Vào ngày 20 tháng 9 năm 2005, Hiệp hội tác giả cùng cá nhân ba nhà văn nổi tiếng đã kiện Google, cáo buộc rằng chương trình quét sách đã “vi phạm nghiêm trọng luật bản quyền”.[313] Một vài tuần sau đó, Hiệp hội nhà xuất bản Mỹ nộp đơn kiện công ty và yêu cầu phải ngừng quét các bộ sưu tập sách của các thư viện. Google đáp trả bằng cách tung ra các đòn quan hệ công chúng nhằm công khai các lợi ích xã hội của Google Book Search. Vào tháng 10, Eric Schmidt viết một bài báo trên tờ Wall Street Journal để mô tả nỗ lực số hóa sách: “Hãy tưởng tượng ảnh hưởng văn hóa của việc cho hàng chục triệu những cuốn sách trước đây không thể truy cập được vào một chỉ mục khổng lồ, mọi người, dù già hay trẻ, thành thị hay nông thôn, thế giới thứ nhất hay thế giới thứ ba, ở mọi ngôn ngữ đều có thể tìm kiếm được từng từ trong đó – và trên hết, đương nhiên là hoàn toàn miễn phí”.[314]
Các vụ kiện tụng vẫn tiếp tục. Sau ba năm đàm phán, các bên đạt được một cách giải quyết và trong thời gian đó, Google cũng quét được thêm 7 triệu sách, trong đó 6 triệu tựa vẫn trong thời hạn bản quyền. Theo điều khoản của thỏa thuận được công bố vào tháng 10 năm 2008, Google đồng ý trả 125 triệu đôla đền bù cho chủ sở hữu bản quyền của những tác phẩm mà công ty đã quét. Công ty cũng đồng ý thiết lập một hệ thống thanh toán cho phép tác giả và công ty xuất bản nhận một phần doanh thu quảng cáo và doanh thu khác thu được từ dịch vụ Google Book Search trong những năm tới. Đổi lại sự nhượng bộ này, các tác giả và công ty xuất bản cho phép Google tiếp tục kế hoạch số hóa mọi cuốn sách trên thế giới. Công ty cũng “được quyền bán tại Mỹ hội phí tham gia Cơ sở dữ liệu đăng ký thể chế, bán sách cá nhân, đặt quảng cáo trên các trang sách trực tuyến và thực hiện các quyền sử dụng thương mại khác”.[315]
Việc giải quyết lại đặt ra một cuộc tranh luận khác, thậm chí còn gay gắt hơn. Các điều khoản dường như mang cho Google sự độc quyền phiên bản số của hàng triệu cuốn sách được cho là “mồ côi” – những cuốn sách không có chủ sở hữu hoặc không tìm thấy chủ sở hữu. Rất nhiều thư viện và trường học lo ngại rằng không có sự cạnh tranh, Google sẽ tăng phí đăng ký vào cơ sở dữ liệu sách ở bất kỳ mức nào mà công ty muốn. Trong một vụ kiện, Hiệp hội thư viện Mỹ cảnh báo rằng công ty có thể “đặt phí đăng ký ở mức tối đa hóa lợi nhuận, quá tầm của rất nhiều thư viện”.[316] Bộ tư pháp Mỹ và Phòng bản quyền đều chỉ trích thương vụ này, cho rằng Google sẽ có quá nhiều quyền lực trên thị trường sách số trong tương lai.
Các nhà phê bình khác cũng có mối lo ngại tương tự nhưng tổng quát hơn: đó là quyền kiểm soát thương mại việc phân phối thông tin số tất yếu sẽ dẫn tới hạn chế dòng chảy tri thức. Họ nghi ngờ động cơ của Google bất chấp lời hùng biện của công ty. Robert Darnton, người giám sát hệ thống thư viện bên cạnh công việc giảng dạy tại Harvard, viết: “Khi các doanh nghiệp như Google nhìn vào thư viện, họ không chỉ nhìn thấy các ngôi đền tri thức. Họ nhìn thấy các tài sản tiềm năng, hay cái gọi là “nội dung”, sẵn sàng để khai thác”. Mặc dù Google “đang theo đuổi mục tiêu đáng khen ngợi” trong “việc thúc đẩy khả năng tiếp cận thông tin”, Darton thừa nhận, nhưng trao sự độc quyền “không phải đường tàu hỏa hay sắt thép mà là quyền tiếp cận thông tin” cho một doanh nghiệp vì lợi nhuận là quá mạo hiểm. Ông đặt câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra khi các lãnh đạo hiện tại bán công ty hoặc nghỉ hưu? Điều gì sẽ xảy ra khi Google đặt lợi nhuận lên trên quyền tiếp cận thông tin?”.[317] Đến cuối năm 2009, thỏa thuận ban đầu bị bãi bỏ, Google và các bên liên quan cố gắng tìm sự đồng thuận cho một phương án thay thế.
Cuộc tranh luận xung quanh Google Book Search tỏ ra hữu ích vì một vài lý do. Nó cho thấy chúng ta phải cố gắng tới đâu mới có thể thay đổi từ ngữ và tinh thần của luật bản quyền, đặc biệt là quy định sử dụng hợp lý, cho phù hợp với thời đại số. (Một số công ty xuất bản kiện Google cũng là đối tác của Google Book Search. Sự thật này càng chứng tỏ sự u ám của tình hình hiện tại.) Nó cũng thể hiện lý tưởng bay cao của Google cùng phương pháp cao tay mà công ty đôi khi sử dụng để theo đuổi lý tưởng đó. Một người quan sát, luật sư kiêm nhà văn công nghệ Rochard Koman, lập luận rằng Google “đã trở thành tín đồ của chính lòng tốt của công ty, một niềm tin lý giải các quy tắc về đạo đức doanh nghiệp, chống cạnh tranh, dịch vụ khách hàng và vị trí trong xã hội”.[318]
Quan trọng hơn cả, cuộc tranh cãi làm rõ rằng mọi cuốn sách trên thế giới sẽ được số hóa – và rằng nỗ lực đó sẽ nhanh chóng được tiến hành. Lập luận về Google Book Search chẳng liên quan gì tới quyết định khôn ngoan của việc quét sách in và chuyển vào cơ sở dữ liệu, mà liên quan tới quyền sở hữu và thương mại hóa cơ sở dữ liệu đó. Cho dù cuối cùng Google có phải là chủ sở hữu duy nhất của cái mà Darnton gọi là “thu viện lớn nhất trên thế giới” hay không, thì thu viện đó vẫn sẽ được xây dựng và các phiên bản số, thông qua Internet chuyển vào mọi thư viện trên Trái Đất, sẽ thay thế rất nhiều sách in từ lâu vốn ở trên các giá sách.[319] Lợi ích thiết thực của việc khiến sách “có thể được khám phá và tìm kiếm trực tuyến” to lớn đến nỗi khó lòng tưởng tượng được rằng có người phản đối nỗ lực này. Quá trình số hóa sách cũ cùng các cuộn giấy cổ và các văn bản khác đã mở ra con đường mới thú vị cho công cuộc tìm hiểu quá khứ. Một số người đã nhìn thấy trước “Thời kỳ Phục Hưng thứ hai” của lịch sử khám phá.[320] Như Darnton nói, “Chúng ta phải số hóa”.
Tuy nhiên tính tất yếu của việc biến các trang sách thành hình ảnh trực tuyến không ngăn nổi chúng ta suy nghĩ về các tác dụng phụ. Giúp mọi người có thể khám phá và tìm kiếm trực tuyến một cuốn sách cũng đồng nghĩa với việc tách rời cuốn sách đó. Tính gắn kết của câu chữ, độ tuần tự của lập luận và trần thuật qua các trang giấy đều mất đi. Những gì nghệ nhân La Mã cổ xưa dệt lại với nhau khi lần đầu tiên tạo ra sách chép tay nay lại bị tách rời. Sự yên tĩnh, từng là “một phần ý nghĩa” của sách nay cũng bị mất đi. Xung quanh mỗi trang hoặc mỗi đoạn văn trên Google Book Search là tập hợp các đường liên kết, công cụ, thẻ nội dung và quảng cáo, tất cả đều háo hức chiếm được một phần trong sự chú ý phân tán của độc giả.
Theo Google, với niềm tin rằng hiệu quả là cái tốt trên hết, cùng mong muốn “đưa người dùng vào và ra thật nhanh”, việc tách rời từng trang sách không gây thiệt hại gì và chỉ mang tới lợi ích. AdamMathes, quản lý của Google Book Search, tin rằng “sách có một cuộc sống ngoại tuyến sôi động” nhưng ông nói sách có thể “có một cuộc sống trực tuyến còn thú vị hơn nhiều”.[321] Thế nào là một cuộc sống thú vị hơn với một cuốn sách? Khả năng được tìm thấy chỉ là khởi đầu. Google nói họ muốn chúng ta có thể “cắt và thái” nội dung của những cuốn sách số mình tìm thấy, làm tất cả mọi việc như “kết nối, chia sẻ và tổng hợp” thường thấy với nội dung Web mà “bạn không thể dễ dàng làm với sách in”. Công ty cho ra mắt một công cụ cắt-và- dán “cho phép bạn dễ dàng cắt xén và xuất bản các đoạn văn từ các cuốn sách công cộng trên blog hoặc website của bạn”.[322] Công ty cũng khai trương một dịch vụ có tên Popular Passages để nêu bật những đoạn trích ngắn từ những cuốn sách thường xuyên được trích dẫn, và với một số đầu sách, Google còn bắt đầu hiển thị “những đám mây từ ngữ” cho phép độc giả, theo lời công ty, “khám phá cuốn sách chỉ trong 10 giây”.[323] Sẽ thật ngốc nghếch nếu phàn nàn về những công cụ như vậy. Chúng thật sự hữu ích. Tuy nhiên chúng cũng cho ta thấy rõ rằng đối với Google, giá trị thật sự của một cuốn sách không phải là một tác phẩm trọn vẹn mà là một tập hợp dữ liệu để khai thác. Không nên nhầm lẫn thu viện vĩ đại mà Google đang vội vã tạo ra với những thu viện mà chúng ta biết từ trước tới giờ. Đó không phải là một thư viện sách. Đó là một thư viện các đoạn văn.
Điều trớ trêu trong nỗ lực mang tới hiệu quả đọc sách cao hơn là Google đã làm xói mòn một thứ hiệu quả rất khác mà công nghệ sách mang tới cho việc đọc – và cho trí óc của chúng ta. Bằng cách giải phóng chúng ta khỏi sự vật lộn để giải mã văn bản, dạng văn bản trên giấy da hoặc giấy in khiến chúng ta đọc sâu, tập trung sự chú ý và sức mạnh của bộ não để tìm hiểu ý nghĩa. Với dạng văn bản trên màn hình, chúng ta vẫn có thể nhanh chóng giải mã văn bản – chúng ta đọc nhanh hơn bao giờ hết – nhưng chúng ta không còn hướng tới việc hiểu sâu sắc ý nghĩa của văn bản. Thay vào đó, chúng ta vộivàng hướng tới một thông tin khác có liên quan, rồi tới một thông tin khác nữa. Việc lần lượt khai thác “nội dung có liên quan” đã thay thế việc chậm rãi khám phá ý nghĩa.
ĐÓ LÀ MỘT BUỔI SÁNG mùa hè ấm áp tại Concord, Massachusettes năm 1844.Một tiểu thuyết gia đầy khát vọng tên là Nathaniel Hawthorne đang ngồi trên một khu đất hoang nhỏ trong rừng, một nơi đặc biệt yên bình được mọi người trong thị trấn biết đến với tên Sleepy Hollow (Thung lũng buồn ngủ). Đang tập trung cao độ, ông chú ý tới mọi cảm giác thoáng qua, tự biến mình thành một “nhãn cầu trong sáng”, theo như cách gọi tám năm trước của Emerson, thủ lĩnh Phong trào Tiên nghiệm ở Concord. Sau này ông ghi chú trong sổ tay của mình rằng đã nhìn thấy “ánh nắng le lói trong bóng tối và bóng tối lấn át ánh nắng, mang tới tâm trạng dễ chịu, hòa lẫn vẻ tươi vui và trầm ngâm suy nghĩ”. Ông cảm thấy một con gió nhẹ, “như tiếng thở dài khẽ khàng nhất, nhưng với tiềm năng tinh thần lớn đến nỗi có thể xâm nhập vào lớp đất sét bên ngoài bằng sự thanh tao, dịu mát và thở theo tâm hồn đang run lên vì niềm vui nhẹ nhàng”, ông ngửi thấy trong gió một chút “hương thơm của cây thông trắng”. Ông nghe thấy “nhịp đếm của đồng hồ trong làng” và “xa xa là âm thanh của máy cắt cỏ” mặc dù “những âm thanh lao động này, khi nghe từ một khoảng cách hợp lý, chỉ làm tăng thêm sự tĩnh lặng cho người đang ngồi thư giãn, mơ màng một mình”.
Bỗng nhiên ảo tưởng của ông tan biến:
Nhưng hãy nghe kìa! Có tiếng còi của đầu máy – những tiếng thét dài và khắc nghiệt nhất, đến nỗi khoảng cách một dặm cũng không thể xoa dịu được. Nó kể câu chuyện về những người bận rộn, những cư dân từ các đường phố náo nhiệt, đang đến nghỉ một ngày tại làng quê này – những nhà kinh doanh – nói ngắn gọn là từ đủ loại thị phi; và không có gì ngạc nhiên khi điều đó mang đến tiếng thét giật mình bởi nó mang thế giới ồn ào vào không gian bình lặng của chúng ta.[324]
Leo Marx mở đầu cho The Machine in the Garden (Cỗ máy trong vườn), nghiên cứu kinh điển năm 1964 của ông về ảnh hưởng của công nghệ tới văn hóa Mỹ, bằng cách gọi lại buổi sáng của Hawthorne trong Sleepy Hollow. Marx cho rằng đối tượng thật sự của nhà văn là “cảnh quan tâm lý” và đặc biệt là “sự tương phản giữa hai điều kiện nhận thức”. Khu đất hoang nhỏ trong rừng mang đến cho người tư duy đơn lẻ “sự cách ly khỏi các phiền nhiễu”, một không gian được bảo vệ để có thể trầm ngâm suy tu. Sự xuất hiện ồn ào của con tàu, cùng “những người bận rộn” mang tới “sự bất hòa tâm lý gắn với khởi đầu của quá trình công nghiệp hóa”.[325] Tâm trí trầm ngâm bị choáng ngợp bởi sự bận rộn cơ khí của thế giới ồn ào.
Cũng giống thế khi Google và nhiều công ty Internet nhấn mạnh hiệu quả trao đổi thông tin là chìa khóa dẫn tới tiến bộ trí tuệ. Ít nhất kể từ khi bắt đầu cuộc Cách mạng công nghiệp, đó là chủ đề chung của lịch sử tinh thần. Nó mang tới một đối trọng mạnh mẽ và liên tục, trái với quan điểm khác biệt của American Transcendentalists (Phong trào Tiên nghiệm tại Mỹ) và trước đó là English Romantics (Phong trào Lãng mạn tại Anh), rằng sự giác ngộ thật sự chỉ có được nhờ suy ngẫm và tự sự nội tâm. Mối căng thẳng giữa hai quan điểm là biểu hiện của một mâu thuẫn lớn hơn nữa, theo thuật ngữ của Marx, “máy móc” và “khu vườn” – lý tưởng công nghiệp và lý tưởng đồng quê. Mâu thuẫn đó đóng vai trò quan trọng trong quá trình hình thành xã hội hiện đại.
Theo ý hiểu của Hawthorne, khi tiến vào lĩnh vực tri thức, lý tưởng công nghiệp về hiệu quả mang tới mối đe dọa tiềm tàng cho lý tưởng thôn quê về tư duy thiền định. Điều đó không có nghĩa là việc đẩy mạnh khám phá và tập hợp thông tin là xấu. Nó không hề xấu. Việc phát triển tâm trí hoàn hảo đòi hỏi cả kỹ năng tìm kiếm và nhanh chóng phân tích một loạt thông tin và khả năng tư duy cởi mở. Cần thời gian để thu thập thông tin hiệu quả và thời gian để trầm ngâm không hiệu quả, thời gian để vận hành máy móc và thời gian để ngồi yên trong vườn. Chúng ta cần làm việc trong “thế giới các con số” của Google nhưng cũng cần biết cân bằng giữa hai trạng thái tinh thần rất khác nhau này. Chúng ta ở trạng thái vận động vĩnh viễn về tinh thần.
Ngay cả khi máy in của Gutenberg biến tâm trí văn học thành tâm trí tổng hợp thì nó cũng tạo ra quá trình hiện đang đe dọa làm lỗi thời tâm trí văn học. Khi sách và các ấn bản định kỳ bắt đầu tràn ngập thị trường thì lần đầu tiên con người cảm thấy choáng ngợp bởi thông tin. Robert Burton, trong kiệt tác An Anatomy of Melancholy (Cuộc giải phẫu sự u sầu) năm 1628, đã mô tả “sự hỗn loạn và mơ hồ khổng lồ của sách vở” mà độc giả thế kỷ XVII phải đối mặt: “Chúng ta bị sách vở đàn áp, mắt chúng ta bị đau khi đọc và tay chúng ta bị nhức khi lật trang”. Một vài năm sau, vào năm 1600, một nhà văn người Anh khác, Barnaby Rich, phàn nàn: “Một trong những căn bệnh lớn nhất của thời đại này là có quá nhiều sách đến nỗi thế giới không thế tiêu hóa được những vấn đề đang ngày ngày được ấp ủ và đưa vào cuộc sống”.[326]
Kể từ đó chúng ta khẩn cấp tìm ra những phương thức mới để mang lại trật tự cho mớ thông tin hỗn độn mình phải đối mặt hàng ngày. Trong nhiều thế kỷ, các phương pháp quản lý thông tin cá nhân thường đơn giản, làm bằng tay và đặc trưng của mỗi người – thói quen sắp xếp tài liệu và đặt lên giá sách, phân loại theo bảng chữ cái, chú thích, ghi chú và lập danh sách, danh mục và mục lục, quy tắc kinh nghiệm. Trong các thư viện, trường đại học và các tổ chức thương mại và chính phủ, các cơ chế tổ chức phức tạp hơn nhưng chủ yếu vẫn làm bằng tay. Trong thế kỷ XX, khi dòng thông tin ồ ạt chảy tới và công nghệ xử lý dữ liệu tiên tiến hơn, các phương pháp và công cụ quản lý thông tin cá nhân và tổ chức trở nên tinh vi hơn, hệ thống hơn và ngày càng tự động hóa. Chúng ta bắt đầu nhìn vào những chiếc máy làm trầm trọng hóa tình trạng quá tải thông tin để tìm cách giảm nhẹ vấn đề.
Vannevar Bush lên tiếng phát biểu về cách tiếp cận hiện đại với việc quản lý thông tin trong bài viết được thảo luận nhiều có tên “As We May Think” (Như chúng ta thường nghĩ) trên tờ Atlantic Monthly năm 1945. Bush, một kỹ sư điện từng làm cố vấn khoa học cho tổng thống Franklin Roosevelt trong Thế chiến thứ II, lo ngại rằng tiến bộ đang bị kiềm lại bởi các nhà khoa học không thể theo kịp các thông tin liên quan đến nghề nghiệp. Theo ông, việc xuất bản tài liệu mới “đã mở rộng vượt quá khả năng sử dụng hiện tại của chúng ta. Sự tích lũy kinh nghiệm của loài người đang mở rộng ở tốc độ phi thường, và các phương tiện chúng ta dùng để xuyên qua dãy mê cung để đến với thứ quan trọng lại vẫn giống với các phương tiện chúng ta từng dùng từ thời của thuyền buồm”.
Tuy nhiên Bush lập luận rằng giải pháp công nghệ cho vấn đề quá tải thông tin nằm ở đường chân trời: “Thế giới đã đến thời kỳ các thiết bị phức tạp giá rẻ với độ tin cậy tuyệt vời và sẽ sớm có một điều gì đó xuất hiện”. Ông đề xuất một kiểu máy phân loại cá nhân mới, gọi là memex, chiếc máy không chỉ hữu ích với các nhà khoa học mà còn với bất kỳ ai thực hiện “quy trình tư duy logic”. Theo Bush, memex, được kết hợp vào bàn, “là một thiết bị mà một cá nhân có thể lưu trữ toàn bộ sách, hồ sơ và thông báo [ở dạng nén] và thiết bị đó được lắp ráp để người dùng có thể nhanh chóng sử dụng một cách linh hoạt”. Trên mặt bàn có “màn hình mờ” để chiếu hình ảnh của các tư liệu được lưu trữ, cũng như có “bàn phím” và “tập hợp các nút bấm và cần gạt” để điều chỉnh cơ sở dữ liệu. “Tính năng quan trọng” của chiếc máy là việc sử dụng “chỉ mục kết hợp” để liên kết các thông tinkhác nhau: “Bất kỳ thông tin nào cũng có thể dẫn tới việc lựa chọn tự động ngay lập tức thông tin khác”. Bush nhấn mạnh rằng quy trình “liên kết hai thứ lại với nhau” như vậy “rất quan trọng”.[327]
Với memex, Bush đã tiên đoán trước cả máy tính cá nhân và hệ thống siêu truyền thông World Wide Web. Bài báo của ông truyền cảm hứng cho rất nhiều kỹ su phát triển ban đầu các phần mềm và phần cứng, trong đó có cả các tín đồ từ rất sớm của siêu văn bản như kỹ sư máy tính nổi tiếng Douglas Engelbart và Bill Atkinson, nhà sáng chế HyperCard. Mặc dù tầm nhìn của Bush đã được hoàn thành vượt sức tưởng tượng của ông – con cháu của memex đang bao quanh chúng ta – nhưng vấn đề ông đặt ra để giải quyết, sự quá tải thông tin, vẫn chưa hề giảm. Trên thực tế, nó còn trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết. Theo quan sát của David Levy, “sự phát triển của các hệ thống thông tin số cá nhân và siêu văn bản toàn cầu hình như không những không giải quyết được vấn đề Bush phát hiện ra mà còn trầm trọng hóa nó hơn”.[328]
Nhìn lại thì nguyên nhân thất bại có vẻ khá hiển nhiên. Bằng cách giảm đáng kể chi phí tạo ra, lưu trữ và chia sẻ thông tin, các mạng máy tính mang thêm nhiều thông tin tới tầm tay của chúng ta hơn bao giờ hết. Và các công cụ mạnh mẽ để khám phá, chọn lọc và phân phối thông tin do các công ty như Google phát triển đảm bảo rằng chúng ta mãi mãi ngập tràn trong những thông tin mình đang quan tâm – và với số lượng vượt quá khả năng xử lý của bộ não chúng ta. Khi công nghệ xử lý dữ liệu được cải tiến, khi công cụ tìm kiếm và chọn lọc trở nên chính xác hơn, thì dòng lũ các thông tin liên quan càng mạnh thêm. Những thứ chúng ta quan tâm ngày càng hiển hiện trước mắt. Quá tải thông tin đã trở thành một tai ương thường trực và mọi nỗ lực sửa chữa của chúng ta chỉ làm mọi thứ thêm trầm trọng. Cách duy nhất để đối phó là tăng khả năng đọc lướt của chúng ta, phụ thuộc nhiều hơn vào những chiếc máy phản xạ tuyệt vời vốn là nguồn gốc của vấn đề. Ngày nay, thông tin “sẵn có hơn bao giờ hết”, Levy viết, “tuy nhiên chúng ta có ít thời gian để tận dụng các thông tin đó – và đặc biệt là tận dụng kỹ”.[329] Trong tương lai, tình hình sẽ còn tồi tệ hơn.
Người ta từng cho rằng bộ lọc hiệu quả nhất của tu tưởng con người là thời gian. “Quy tắc đọc là quy tắc tự nhiên, không phải quy tắc cơ học”, Emerson viết trong bài Books (Sách) năm 1958. Mọi nhà văn đều phải nộp “bản thảo cho đôi tai thông thái của Thời gian, người chỉ ngồi và đong đếm, và mười năm sau mới in lại một trong số một triệu trang. Một lần nữa, trang sách đó được đánh giá, sàng lọc trong cơn gió dư luận và thông qua trước khi được tái bản sau 20 năm và tiếp tục tái bản sau một thế kỷ nữa!”.[330] Chúng ta không còn có đủ kiên nhẫn để chờ đợi sự sàng lọc chậm chạp và kỹ lưỡng của thời gian. Mỗi khi bị ngập trong thông tin mình đang mong muốn, chúng ta không có nhiều lựa chọn ngoài việc dùng đến bộ lọc tự động, cho phép chuyển tới những thông tin mới và phổ biển. Trên Internet, cơn gió dư luận đã trở thành cơn lốc.
Sau khi con tàu thả khách và rời khỏi ga Concord, Hawthorne cố gắng quay lại trạng thái tập trung cao độ nhưng hầu như không thành công, ông thoáng thấy một tổ kiến dưới chân và “giống một thiên tài ác độc”, ông đẩy một vài hạt cát vào đó để chắn lối đi. Ông quan sát “một cư dân kiến” trở về “từ một doanh nghiệp nhà nước hoặc tư nhân” đang cố tìm hiểu điều gì xảy ra với tổ ấm của mình: “Thật bất ngờ, thật vội vàng, thật mơ hồ, mọi thứ đều thể hiện trong chuyển động của chú kiến! Làm thế nào chú kiến có thể hiểu được chính cơ quan đã gây ra tổn hại này!”. Tuy nhiên Hawthorne nhanh chóng bị sao lãng khỏi công việc của chú kiến. Chợt nhận thấy sự thay đổi trong bóng râm và mặt trời, ông ngước nhìn lên đám mây “rải rác trên bầu trời” và hình dung trong các thay đổi hình dạng đó là những “tàn tích nát vụn từ chốn Địa đàng của một kẻ mộng mơ”.
NĂM 2007, Hiệp hội Mỹ vì tiến bộ xã hội mời Larry Page trình bày một bài phát biểu quan trọng tại hội nghị thường niên của tổ chức, hội nghị uy tín nhất cả nước dành cho các nhà khoa học. Bài phát biểu của Page dông dài và không được chuẩn bị trước nhưng mang tới một cách nhìn hấp dẫn trong tâm trí các doanh nhân trẻ. Một lần nữa ông tìm cảm hứng trong sự so sánh và chia sẻ với khán giả quan niệm của mình về cuộc sống và trí tuệ của con người. Ông nói: “Lý thuyết tôi đưa ra là nếu nhìn vào cấu trúc ADN của mình, bạn sẽ thấy khoảng 600 megabyte nén trong đó, như vậy là nhỏ hơn bất kỳ hệ điều hành hiện đại nào, nhỏ hơn Linux hoặc Windows… và theo định nghĩa, nó bao gồm cả khả năng khởi động não. Vì vậy thuật toán chương trình của bạn không phức tạp đến vậy; [trí tuệ] có lẽ không chỉ là tính toán tổng thể”.[331]
Từ rất lâu, máy tính kỹ thuật số đã thay thế đồng hồ, bút bi và máy móc, những thứ chúng ta thường hay so sánh để lý giải sự hình thành và hoạt động của bộ não. Chúng ta sử dụng các thuật ngữ máy tính để mô tả bộ não thường xuyên tới mức chúng ta thậm chí không nhận ra mình đang sử dụng phép so sánh. (Tôi đã vài lần nhắc tới “mạch”, “dây”, “đầu vào” và “lập trình” của bộ não trong cuốn sách này.) Tuy nhiên quan điểm của Page rất cực đoan. Đối với ông, bộ não không chỉ bắt chước máy tính mà chính là máy tính. Các giả thiết ông đưa ra dùng để lý giải tại sao Google đánh đồng trí tuệ với hiệu quả xử lý dữ liệu. Nếu bộ não của chúng ta là máy tính thì trí tuệ có thể chỉ còn là vấn đề năng suất – chạy nhiều bit dữ liệu nhanh hơn nhờ chip điện tử lớn trong sọ của chúng ta. Không thể phân biệt được giữa trí tuệ con người và trí tuệ máy móc.
Ngay từ đầu Page đã xem Google như hình thức phôi thai của trí thông minh nhân tạo. “Trí thông minh nhân tạo là phiên bản cuối cùng của Google”, ông phát biểu trong một cuộc phỏng vấn năm 2000, rất lâu trước khi tên của công ty trở thành một từ quen thuộc trong các hộ gia đình. “Hiện chúng ta còn rất xa mới đạt được đến mức đó. Tuy nhiên chúng tôi đang ngày càng tiến gần hơn và về cơ bản thì đó là điều chúng tôi đang cố gắng đạt được”.[332] Trong bài phát biểu năm 2003 tại Stanford, ông mô tả kỹ hơn tham vọng của Google: “Công cụ tìm kiếm cuối cùng phải thông minh như con người – hoặc thông minh hơn”.[333]Sergey Brin nói rằng ông bắt đầu viết các chương trình trí thông minh nhân tạo từ trường phổ thông và cũng chia sẻ lòng nhiệt huyết với đối tác của mình trong việc tạo ra một cỗ máy tư duy thực sự.[334] “Tất nhiên nếu mọi thông tin trên thế giới được gắn trực tiếp vào bộ não của bạn hoặc một bộ não nhân tạo thông minh hơn bộ não của bạn, thì bạn sẽ tốt hơn rất nhiều”, ông trả lời một phóng viên tờ Newsweek vào năm 2004.[335] Trong một chương trình phỏng vấn truyền hình vào cùng thời điểm đó, Brin đi xa hơn và đề xuất rằng “công cụ tìm kiếm cuối cùng” trông sẽ giống với HAL của Stanley Kubrick. Ông nói: “Hy vọng rằng sẽ không có một lỗi như HAL đã mắc phải khiến nó giết hết hành khách trên tàu vũ trụ. Tuy nhiên đó là mục tiêu phấn đấu của chúng tôi, và tôi nghĩ chúng tôi đã đi được một phần con đường”.[336]
Mong muốn xây dựng một hệ thống trí thông minh nhân tạo giống HAL nghe có vẻ kỳ quặc với nhiều người. Tuy nhiên đó là một tham vọng rất tự nhiên, thậm chí là đáng ngưỡng mộ đối với hai nhà khoa học máy tính trẻ tuổi lỗi lạc với một lượng tiền khổng lồ trong tay và một đội quân nhỏ các nhà lập trình và kỹ sư. Google, một doanh nghiệp khoa học cơ bản, được thúc đẩy bởi ý muốn, theo ngôn ngữ của Eric Schmidt, “[sử dụng] công nghệ để giải quyết những vấn đề chưa từng được giải quyết”[337] và trí thông minh nhân tạo là vấn đề khó khăn nhất. Tại sao Brin và Page lại không muốn là người giải được vấn đề đó chứ?
Tuy nhiên giả định đơn giản rằng chúng ta sẽ “tốt hơn” nếu bộ não được bổ sung hoặc thậm chí thay thế bằng trí thông minh nhân tạo rất đáng lo ngại. Nó nhấn mạnh sụ chắc chắn của Google vào đức tin của chủ nghĩa Taylor rằng trí thông minh là sản phẩm đầu ra của một quy trình máy móc, một chuỗi các bước rời rạc có thể được cô lập, đong đếm và tối iru hóa. “Con người thấy xấu hổ vì đã được sinh ra thay vì đã được làm ra”, Günther Anders, triết gia của thế kỷ XX từng nhận xét như vậy và trong tuyên bố của người sáng lập Google, chúng ta có thể cảm nhận được nỗi xấu hổ cũng như tham vọng ấp ủ.[338] Trong thế giới của Google, tức là thế giới chúng ta bước vào khi lên mạng, có rất ít không gian để trầm ngâm đọc sâu hoặc chiêm nghiệm. Sự mơ hồ không phải là cái mở ra tầm nhìn sâu sắc mà là một lỗi cần sửa chữa. Bộ não con người chỉ là một chiếc máy tính lỗi mốt cần bộ xử lý nhanh hơn và ổ cứng lớn hơn – và thuật toán tốt hơn để dẫn đường cho quá trình tư duy.
“Song song với việc làm cho quá trình vận hành các mạng máy tính trở nên dễ dàng hơn, con người cũng đang khiến cho các mạng máy tính dễ dàng điều khiển bản thân họ hơn”.[339] Đó là những gì George Dyson đã viết vào năm 1997 trong Darwin among the Machines (Darwin giữa những chiếc máy), một cuốn sách nghiên cứu về trí tuệ nhân tạo. Tám năm sau khi cuốn sách được xuất bản, Dyson được Googleplex mời tới buổi nói chuyện tưởng nhớ công trình của John von Neumann, nhà vật lý học của trường Đại học Princeton đã vẽ nên sơ đồ chi tiết đầu tiên của một máy tính hiện đại dựa trên những nghiên cứu của Alan Turing. Đối với Dyson, người dành phần lớn cuộc đời mình tìm hiểu về đời sống nội tại của máy móc, chuyến đi tới Google lẽ ra phải rất thú vị. Hơn ai hết, công ty này khao khát khai phá nguồn lực khổng lồ của mình, trong đó có cả các nhà khoa học máy tính thông thái nhất thế giới, để tạo ra bộ não nhân tạo.
Song, chuyến đi này lại khiến Dyson bối rối. Trong phần cuối bài tiểu luận viết về chuyến đi, mang tên Computing Machinery and Intelligence (Máy tính và Trí tuệ), ông nhắc lại một lời cảnh báo uy nghiêm của Turing. Trong nỗ lực xây dựng những cỗ máy thông minh, nhà toán học này viết, “chúng ta không nên tiếm quyền tạo ra các linh hồn của Chúa một cách bất kính, ngoài việc sản sinh ra những đứa trẻ”. Sau đó Dyson nhắc lại nhận xét của “một người bạn sâu sắc một cách bất thường” sau chuyên thăm Googleplex trước đó: “Tôi nghĩ sự ấm áp tràn ngập khắp mọi nơi. Những con chó Happy Golden Retrivers chạy chậm quanh khắp các vòi phun nước trên bãi cỏ. Mọi người vẫy chào và mỉm cười, đồ chơi ở khắp mọi nơi. Ngay lập tức tôi ngờ rằng cái ác không thể tưởng tượng nổi đang diễn ra ở đâu đó trong các góc tối. Nếu ma quỷ xuất hiện trên trái đất thì còn nơi nào tốt hơn để lẩn trốn nữa chứ?”.[340] Một phản ứng cho dù hơi thái quá nhưng có thể hiểu được. Với tham vọng to lớn, ngân quỹ khổng lồ và các thiết kế đế quốc cho thế giới tri thức, Google là nguyên nhân tự nhiên cho lo lắng lẫn hy vọng của chúng ta. Sergey Brin thừa nhận: “Một số người nói Google là Chúa Trời. Một số khác lại nói Google là Quỷ Satan”.[341]
Vậy điều gì đang ẩn ấp trong các góc tối tại Googleplex? Liệu chúng ta có đang chuẩn bị đón sự đổ bộ của trí thông minh nhân tạo? Silicon có phải vị chúa tể gác cửa? Có lẽ là không. Hội nghị hàn lâm đầu tiên về trí thông minh nhân tạo được tổ chức vào mùa hè năm 1956 – tại khuôn viên trường Đại học Dartmouth – vào cái thời mà việc máy tính có thể sớm bắt chước tư duy con người được xem như khá hiển nhiên. Các nhà toán học và kỹ sư triệu tập hội nghị kéo dài một tháng này cảm thấy rằng “mọi khía cạnh của việc học hay bất kỳ đặc điểm nào của trí tuệ về lý thuyết đều có thể được mô tả chính xác tới mức có thể tạo ra một chiếc máy mô phỏng các đặc điểm đó”.[342]Vấn đề chỉ là viết được đúng chương trình, xây dựng quy trình nhận thức của bộ óc vào các bước của thuật toán. Tuy nhiên, sau nhiều năm nỗ lực tiếp đó, người ta vẫn chưa mô tả được chính xác cách thức hoạt động của trí tuệ con người. Một nửa thế kỷ kể từ sau cuộc gặp tại Dartmouth, máy tính đã đạt được tốc độ nhanh như chóp, tuy nhiên vẫn rất ngu ngốc. Những chiếc máy “tư duy” của chúng ta chưa hiểu được một chút gì về điều chúng đang tư duy. Nhận xét của Lewis Mumford rằng “không máy tính nào có thể tạo ra biểu tượng mới từ chính tài nguyên của nó” ngày nay vẫn rất đúng đắn như lúc ông nói điều đó vào năm 1967.[343]
Tuy nhiên những người ủng hộ trí tuệ nhân tạo vẫn chưa đầu hàng. Họ chuyển trọng tâm của mình sang hướng khác. Phần lớn họ đều từ bỏ mục tiêu viết các chương trình phần mềm sao chép việc học của con người và các đặc tính khác của trí tuệ. Thay vào đó, họ cố gắng nhân bản, trong mạch máy tính, các tín hiệu điện lan truyền trong hàng tỷ dây thần kinh của bộ não, với niềm tin rằng trí tuệ sẽ “xuất hiện” từ chiếc máy giống như trí tuệ xuất hiện từ bộ não. Theo Page, nếu bạn có thể tìm ra đúng “cách tính toán tổng quát” thì các thuật toán trí tuệ sẽ tự viết ra. Trong một bài viết vào năm 1996 về di sản 2001 của Kubrick, nhà phát minh theo thuyết vị lai Ray Kurzweil lập luận rằng khi chúng ta có thể quét bộ não với đầy đủ chi tiết để “xác định cấu trúc của các liên kết dây thần kinh ở các vùng khác nhau”, chúng ta sẽ có thể “thiết kế mạng lưới thần kinh mô phỏng hoạt động tương tự”. Kurzweil kết luận rằng mặc dù “vẫn chưa xây dựng được một bộ não như của HAL nhưng hiện chúng ta có thể mô tả cách xây dựng nó”.[344]
Có rất ít lý do để tin rằng phương pháp tiếp cận mới trong việc tạo ra một chiếc máy thông minh sẽ hiệu quả hơn phương pháp cũ. Phương pháp mới cũng được xây dựng dựa trên những giả thiết rút gọn. Nó cho rằng bộ não hoạt động theo các quy tắc toán học máy móc giống máy tính – hay nói cách khác, bộ não và máy tính có chung một ngôn ngữ. Tuy nhiên đó là sai lầm nảy sinh do mong muốn lý giải những hiện tượng chúng ta chưa hiểu được bằng những thuật ngữ chúng ta thật sự hiểu. Bản thân John von Neumann đã cảnh báo việc có thể trở thành nạn nhân của sai lầm này. Ông viết lúc cuối đời như sau: “Khi nói về toán học, có thể chúng ta đang bàn tới một ngôn ngữ thứ cấp, được xây dựng dựa trên ngôn ngữ cơ bản do hệ thần kinh trung ương thực sự sử dụng”. Cho dù ngôn ngữ của hệ thần kinh là gì thì “nó cũng có thể phân biệt được giữa ý thức và thực tế của chúng ta về toán học”.[345]
Một sai lầm khác là cho rằng bộ não và tư duy là hai lớp khác nhau trong một “cấu trúc” thiết kế hoàn chỉnh. Các nhà tiên phong về tạo hình thần kinh chỉ ra rằng bộ não và tư duy gắn bó chặt chẽ với nhau và cái này giúp hình thành nên cái kia. Ari Schulman viết trong bài báo “Why Minds Are Not like Computers” (Lý do tư duy không giống máy tính) trên tờ New Atlantis năm 2009: “Mọi thứ đều chỉ ra rằng thay vì một hệ thống cấp bậc tách biệt giống máy tính, tư duy là một hệ thống cấp bậc đan xen về tổ chức và quan hệ tương tác. Thay đổi về tư duy dẫn tới thay đổi về bộ não và ngược lại”. Để tạo ra mô hình máy tính của bộ não có thể mô phỏng chính xác tư duy thì cần sao chép được “mọi cấp bậc trong bộ não có ảnh hưởng tới và chịu ảnh hưởng của tư duy”.[66 Do chúng ta chưa đi được đến đâu trong việc khám phá hệ thống cấp bậc của bộ não, còn hiểu biết về hoạt động và tương tác giữa các cấp bậc thậm chí kém hơn nhiều, nên việc chế tạo tư duy nhân tạo chắc chắn vẫn còn là khát vọng của nhiều thế hệ kế tiếp, nếu không muốn nói là mãi mãi.
Google không phải Chúa Trời hay Quỷ Satan và nếu tồn tại những bóng tối tại Googleplex thì đó không có gì hơn ngoài ảo tưởng về sự hùng vĩ. Điều khiến các nhà sáng lập công ty phiền muộn không phải là mong muốn ngây thơ tạo ra một chiếc máy kỳ diệu có thể tư duy tốt hơn người sáng tạo ra nó, mà chính là quan niệm bó buộc về tư duy con người đã dẫn tới mong muốn đó.