Socrates đã đúng. Khi con người quen dần hơn với việc viết ra suy nghĩ và đọc suy nghĩ của người khác viết ra thì họ cũng ít phụ thuộc hơn vào nội dung trí nhớ của mình. Những thứ từng được giữ trong đầu nay có thể được lưu trữ trên các phiến gỗ, cuộn giấy hoặc giữa trang bìa của các quyển sách. Như nhà hùng biện vĩ đại đã dự đoán, con người bắt đầu gợi lại những thứ trong tâm trí “không phải từ chính bản thân họ mà từ các phương tiện bên ngoài”. Việc dựa vào trí nhớ cá nhân ngày càng giảm đi trong khi văn bản in cùng việc xuất bản và tỉ lệ biết chữ ngày càng tăng lên. Sách và báo, có sẵn trong thư viện hoặc trên giá sách trong nhà riêng, bổ sung cho nhà kho sinh học của bộ não. Con người không cần thiết phải nhớ hết mọi thứ nữa. Họ có thể tìm kiếm những thứ đó.
Tuy nhiên đó không phải toàn bộ câu chuyện. Sự gia tăng các trang giấy in có một ảnh hưởng khác mà Socrates không tiên đoán được nhưng nếu biết thì hẳn ông sẽ vui mừng đón chào. Sách mang đến cho con người nhiều sự kiện, ý kiến, ý tưởng và câu chuyện hơn trước đây, và cả phương pháp cùng văn hóa đọc sâu đều giúp in sâu thông tin vào bộ nhớ. Ở thế kỷ thứ VII, Isidore, giám mục của Seville, nhận xét rằng việc đọc “những phát biểu” của các nhà tư tưởng khiến “chúng khó thoát khỏi trí nhớ hơn”.[346] Bởi mỗi người có thể tự do sắp xếp quá trình đọc của riêng mình, xác định giáo trình của riêng mình nên trí nhớ của từng cá nhân ít do xã hội quyết định mà chủ yếu là nền tảng của quan điểm và tính cách riêng biệt. Lấy cảm hứng từ cuốn sách, mọi người bắt đầu xem mình như tác giả của chính trí nhớ của mình. Như Shakespeare từng cho Hamplet gọi trí nhớ của mình là “cuốn sách của bộ não”.
Theo lời của tiểu thuyết gia kiêm học giả người Ý Umberto Eco, lo ngại rằng văn bản sẽ làm giảm trí nhớ, Socrates đã thể hiện “một nỗi sự hãi vĩnh cửu rằng một thành tựu công nghệ mới có thể xóa bỏ hoặc phá hủy những thứ mà chúng ta cho là quý giá, hiệu quả, những thứ thể hiện giá trị của chính nó, và có giá trị sâu sắc về tinh thần”. Trong trường hợp này, nỗi lo sợ hóa ra là sai lầm. Sách bổ sung cho trí nhớ, nhưng theo Eco, chúng cũng “thử thách và cải thiện, chứ không gây mê, trí nhớ”.[347]
Nhà nhân văn học người Hà Lan Desiderius Erasmus, trong cuốn sách De Copia năm 1512, đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa trí nhớ và đọc sách. Ông kêu gọi sinh viên làm chú thích cho sách của họ, sử dụng “một kí hiệu nhỏ hợp lý” để đánh dấu “sự xuất hiện của những từ ngữ ấn tượng, cách diễn tả cổ xưa hoặc mới lạ, cách hành văn, sử dụng châm ngôn và ví dụ tuyệt vời, cũng như những nhận xét súc tích đáng ghi nhớ”. Ông cũng đề nghị mỗi sinh viên và giáo viên phải có một cuốn sổ tay cho từng môn học “để mỗi khi phát hiện ra một điều gì đó cần ghi chú thì họ có thể viết vào phần thích hợp”. Viết ra các đoạn trích và thường xuyên xem lại giúp đảm bảo chúng sẽ được lưu trữ rất lâu trong đầu. Có thể xem đoạn văn như “các loại hoa” được ngắt ra từ trang sách và bảo quản trong trí nhớ.[348]
Erasmus khi còn là học sinh đã thuộc lòng rất nhiều tác phẩm văn học cổ điển, trong đó có trọn bộ tác phẩm của nhà thơ Horace và nhà viết kịch Terence. Ông không khuyên khích học thuộc lòng chỉ để ghi nhớ các sự kiện. Với ông, học thuộc lòng không chỉ là một cách để lưu giữ thông tin. Đó là bước đầu tiên của quá trình tổng hợp, một quá trình dẫn tới việc hiểu sâu hơn một bài đọc. Theo lý giải của nhà sử học cổ điển Erika Rummel, ông tin rằng một người nên “tiếp thu những gì mình học được và phản ánh lại thay vì mù quáng bắt chước những phẩm chất đáng ao ước của tác giả”. Quá trình học thuộc lòng của Eramus không phải một quá trình cơ học không động não mà đòi hỏi toàn bộ tâm trí. Theo Rummel, quá trình đó yêu cầu “sự sáng tạo và đánh giá”.[349]
Lời khuyên của Erasmus giống với lời khuyên của triết gia La Mã Seneca, người đã sử dụng phép ẩn dụ từ giới sinh vật để mô tả vai trò của trí nhớ trong việc đọc và tư duy. Seneca viết: “Chúng ta nên bắt chước loài ong và nên tách biệt những gì chúng ta thu được từ việc đọc đa dạng của mình bởi những gì được tách biệt sẽ được lưu giữ cẩn thận hơn. Sau đó, chúng ta cẩn thận áp dụng toàn bộ tài năng bẩm sinh của mình để hòa trộn tất cả các loại mật hoa đã nếm thử, và biến chúng thành một chất ngọt ngào đến mức khác biệt hẳn với trạng thái ban đầu cho dù nó xuất phát từ đâu”.[350] Đối với Seneca cũng như với Erasmus, trí nhớ không khác gì một chiếc nồi luyện đan. Trí nhớ không chỉ là tập hợp những thứ nhớ được. Đó là một thứ mới được tạo ra, tinh hoa của một vật thể độc nhất vô nhị.
Lời khuyên của Erasmus rằng mọi độc giả nên giữ một cuốn sổ tay chứa các danh ngôn đáng nhớ được nhiều người nhiệt tình đón nhận. Những cuốn sổ tay như vậy đã trở thành dụng cụ học tập trong các trường học thời Phục Hưng. Mỗi học sinh đều có một cuốn.[351] Đến thế kỷ XVII,việc sử dụng sổ tay đã lan rộng ra bên ngoài khuôn viên trường học. Những cuốn sổ ghi chép này được xem như một công cụ cần thiết để trau dồi tri thức. Năm 1623, Francis Bacon nhận xét “hầu như không có thứ gì hữu ích hơn” trong vai trò “trợ giúp trí nhớ” như “một cuốn sổ ghi chép tốt”.[352] Trong thế kỷ XVIII, theo giáo sư ngôn ngữ Naomi Baron của Đại học Hoa Kỳ, “một cuốn sổ tay của một người đàn ông lịch lãm” là “phương tiện đồng thời là công cụ ghi lại quá trình phát triển trí tuệ của anh ta”.[353]
Sự phổ biến của sổ ghi chép giảm xuống khi tốc độ cuộc sống tăng dần trong thế kỷ XIX; và đến giữa thế kỷ XX, học thuộc lòng đã không còn được yêu thích nhiều như trước đây. Các nhà giáo dục tiến bộ gạt bỏ hoạt động học thuộc lòng khỏi các lớp học, xem nó như di tích của thời kỳ kém phát triển. Một hoạt động từng được xem như kích thích tính sáng tạo và hiểu biết sâu sắc nay bị xem như rào cản của trí tưởng tượng và phí phạm năng lượng thần kinh. Sự ra mắt của các thiết bị ghi và lưu trữ mới trong thế kỷ vừa qua – băng ghi âm, băng hình, vi phim, máy photocopy, máy tính, ổ cứng máy vi tính – giúp mở rộng đáng kể quy mô và sự phong phú của “trí nhớ nhân tạo”. Việc tự nhớ thông tin có vẻ chưa bao giờ bị xem thường đến vậy. Sự đổ bộ của các ngân hàng dữ liệu vô hạn và dễ dàng tìm kiếm trên Internet mang tới thay đổi lớn hơn nữa, không chỉ trong cách chúng ta nhìn nhận việc học thuộc lòng mà còn trong cách nhìn nhận trí nhớ. Internet nhanh chóng được xem như vật thay thế, chứ không phải vật bổ sung, cho trí nhớ cá nhân. Ngày nay, mọi người thường nói về trí nhớ nhân tạo như một phần không thể tách rời khỏi trí nhớ sinh học.
Clive Thompson, phóng viên của Wired, đề cập đến Internet như một “bộ não bên ngoài” đảm nhận vai trò trước đây vốn thuộc về trí nhớ bên trong. Ông nói: “Tôi gần như từ bỏ nỗ lực nhớ bất kỳ điều gì bởi tôi có thể ngay lập tức lấy được thông tin trực tuyến”, ông đề xuất “bằng cách chuyển dữ liệu thành Silicon, chúng ta giải phóng chất xám cho những nhiệm vụ phù hợp với “con người” hơn như động não và mơ mộng”.[354]David Brooks, một nhà báo nổi tiếng của tờ New York Times, cũng có ý nghĩ tương tự: “Tôi từng cho rằng sự kỳ diệu của thời đại thông tin là nó cho phép chúng ta biết nhiều hơn nhưng sau đó tôi nhận ra sự kỳ diệu của thời đại là nó cho phép chúng ta biết ít hơn. Nó mang đến cho chúng ta trợ lý nhận thức bênngoài – hệ thống trí nhớ Silicon, bộ lọc trực tuyến hợp tác, các thuật toán về sở thích của người tiêu dùng và kiến thức được nối mạng. Chúng ta có thể đặt công việc năng nhọc lên vai những trợ lý này và giải phóng bản thân mình”.[355]
Peter Suderman, người thường viết cho American Scene, lập luận rằng với việc kết nối Internet gần như thường trực, “sử dụng bộ não để ghi nhớ thông tin không còn hiệu quả nữa”. Theo Peter, trí nhớ hiện chỉ thực hiện chức năng như một công cụ chỉ mục đơn giản, chỉ dẫn cho chúng ta tới các địa điểm trên Web để có thể tìm ra thông tin mình cần vào thời điểm cần thiết: “Tại sao phải ghi nhớ nội dung của một cuốn sách nếu bạn có thể dùng bộ não để ghi nhớ hướng dẫn nhanh tới toàn bộ thư viện? Thay vì ghi nhớ thông tin, hiện nay chúng ta có thể luu trữ thông tin và chỉ cần nhớ chúng ta đã lưu trữ những gì”. Khi Web “dạy chúng ta suy nghĩ giống nó,” cuối cùng chúng ta sẽ nhớ được “ít thông tin sâu sắc hơn” trong đầu.[356] Tác giả chuyên viết về công nghệ Don Tapscott còn thẳng thừng hơn. Giờ đây khi chúng ta có thể tra cứu bất cứ thứ gì “chỉ với một cú nhấp chuột trên Google” thì “việc nhớ các đoạn văn dài hay các chi tiết lịch sử” đã trở nên lỗi thời. Việc ghi nhớ là “một sự lãng phí thời gian”.[357]
Không có gì bất ngờ khi chúng ta chấp nhận ý tưởng rằng cơ sở dữ liệu máy tính là một sự thay thế hiệu quả, thậm chí vượt trội so với trí nhớ cá nhân. Đó là thay đổi kéo dài cả thế kỷ trong quan điểm phổ biến về tâm trí. Khi chiếc máy chúng ta dùng để lưu trữ dữ liệu trở nên đồ sộ hơn, linh hoạt hơn và phản ứng nhanh hơn, thì chúng ta cũng quen hơn với ranh giới mờ nhạt giữa trí nhớ nhân tạo và trí nhớ sinh học. Tuy nhiên đó vẫn là một phát triển phi thường. Quan điểm cho rằng trí nhớ có thể được “thuê ngoài”, theo cách diễn đạt của Brooks, trước đây chưa từng được cân nhắc trong lịch sử nhân loại. Đối với người Hy Lạp cổ, trí nhớ là một nữ thần: Mnemosyne, mẹ của các nàng thơ Muse. Đối với Augustine, đó là sự phản ánh “rộng lớn và sâu xa” về sức mạnh của Vị thần đối với con người.[358] Quan điểm cổ điển vẫn rất phổ biến trong thời kỳ Trung cổ, Phục hưng và Khai sáng – trên thực tế là cho tới gần thế kỷ XIX. Khi William James tuyên bố rằng “nghệ thuật ghi nhớ là nghệ thuật tư duy” trong một bài giảng năm 1892 trước một nhóm các giáo viên, ông đang tuyên bố một sự thật hiển nhiên.[359] Nhưng nay, ngôn từ của ông có vẻ đã lỗi thời. Trí nhớ không chỉ mất tính thần thánh mà còn đang dần mất tính nhân văn. Mnemosyne đã trở thành một chiếc máy.
Sự thay đổi quan điểm về trí nhớ cũng thể hiện sự chấp nhận so sánh bộ não với máy tính. Nếu trí nhớ sinh học có chức năng giống ổ cứng, lưu trữ các bit dữ liệu ở những vị trí cố định và dùng làm đầu vào cho các tính toán của bộ não, thì việc tải dung lượng lưu trữ đó lên Web không những khả thi mà theo Thompson và Brooks còn giải phóng cho con người. Nó cung cấp cho chúng ta bộ nhớ rộng hơn và dọn dẹp khoảng trống trong bộ não để lưu trữ những tính toán có giá trị hơn và thậm chí là “nhiều tính con người hơn”. Sự so sánh đó có một vẻ đơn giản rất thuyết phục, và có vẻ “khoa học hơn” so với đề xuất rằng trí nhớ giống cuốn sách của những bông hoa ép hay giống mật ong trong tổ ong. Tuy nhiên vẫn tồn tại một vấn đề với quan niệm hậu Internet mới về trí nhớ con người. Nó hoàn toàn sai lầm.
ĐẦU THẬP NIÊN 1970, sau khi chứng minh rằng “các khớp thần kinh thay đổi cùng kinh nghiệm”, Eric Kandel tiếp tục tìm hiểu hệ thần kinh của loài sên biển tầm thường trong nhiều năm. Tuy nhiên trọng tâm nghiên cứu của ông đã thay đổi. Ông bắt đầu nhìn xa hơn các tế bào thần kinh gây nên phản xạ đơn giản, chẳng hạn sên rụt người lại khi bị chạm vào; ông chú trọng vào câu hỏi phức tạp hơn nhiều về cách lưu trữ thông tin làm trí nhớ của bộ não. Đặc biệt, Kandel muốn làm sáng tỏ một trong những câu hỏi trọng tâm và khó hiểu nhất của ngành khoa học thần kinh: chính xác thì làm thế nào bộ não biến trí nhớ ngắn hạn thoáng qua, chẳng hạn như những thông tin vào và ra khỏi trí nhớ hiệu dụng của chúng ta mỗi khi thức dậy, thành trí nhớ dài hạn tồn tại cả cuộc đời?
Kể từ cuối thế kỷ XIX, các nhà khoa học thần kinh và tâm lý học đã hiểu rằng bộ não lưu giữ nhiều hơn một dạng trí nhớ. Năm 1885, nhà tâm lý học người Đức Hermann Ebbinghaus tiến hành một loạt các thí nghiệm học thuộc 2.000 từ vô nghĩa, dùng chính bản thân mình làm đối tượng duy nhất. Ông phát hiện ra khả năng nhớ từ tăng khi ông học lại từ đó nhiều lần hơn và nhớ 6 từ thì dễ hơn nhớ 12 từ một lúc. Ông cũng tìm ra rằng quá trình quên gồm hai giai đoạn. Phần lớn các từ ông học đã nhanh chóng biến mất khỏi trí nhớ trong vòng một giờ sau khi ông đọc lại, tuy nhiên một số ít khác được giữ lại lâu hơn – chúng chỉ biến mất một cách từ từ. Kết quả thí nghiệm của Ebbinghaus khiến William James đưa ra kết luận vào năm 1890 rằng trí nhớ có hai loại: “trí nhớ sơ cấp” sẽ nhanh chóng biến mất khỏi tâm trí ngay sau sự kiện tạo ra trí nhớ đó, và “trí nhớ thứ cấp” mà bộ não sẽ lưu giữ lại mãi mãi.[360]
Cùng khoảng thời gian đó, các nghiên cứu về các võ sĩ đấm bốc tiết lộ rằng một cú đấm mạnh vào đầu có thể gây ra mất trí nhớ ngược, xóa mọi ký ức được lưu giữ trong một vài phút hoặc một vài giờ trước đó trong khi các ký ức cũ hơn vẫn được giữ nguyên vẹn. Hiện tượng tương tự cũng được ghi nhận ở những người mắc bệnh động kinh sau khi họ bị tai biến. Những quan sát này ngụ ý rằng trí nhớ, cho dù là mạnh mẽ, vẫn bất ổn trong một khoảng thời gian ngắn sau khi hình thành. Cần một khoảng thời gian nhất định để trí nhớ sơ cấp, hay trí nhớ ngắn hạn, chuyển thành trí nhớ thứ cấp, hay trí nhớ dài hạn.
Giả thuyết đó được củng cố bởi nghiên cứu do hai nhà tâm lý người Đức khác là Georg Müller và Alfons Pilzecker tiến hành vào cuối những năm 1890. Được thay đổi một chút so với thí nghiệm của Ebbinghaus, cả hai yêu cầu một nhóm người học thuộc danh sách các từ vô nghĩa. Một ngày sau, họ kiểm tra nhóm này và phát hiện ra các đối tượng không gặp vấn đề gì khi phải nhớ lại danh sách. Tiếp đó các nhà nghiên cứu tiến hành một thí nghiệm tương tự với một nhóm người khác, nhưng lần này họ cho các đối tượng học một danh sách từ thứ hai ngay sau khi học danh sách thứ nhất. Trong bài kiểm tra ở ngày tiếp theo, nhóm này không thể nhớ được danh sách từ ban đầu. Müller và Pilzecker sau đó tiến hành một thí nghiệm cuối cùng với một thay đổi nhỏ. Nhóm đối tượng thứ ba học thuộc lòng danh sách từ thứ nhất và sau thời gian dừng hai tiếng đồng hồ, họ tiếp tục học thuộc danh sách thứ hai. Nhóm này, cũng giống nhóm đầu tiên, không gặp nhiều khó khăn khi phải nhớ lại danh sách từ đầu tiên trong ngày tiếp theo. Müller và Pilzecker kết luận rằng cần khoảng một tiếng để trí nhớ được cố định hoặc “hợp nhất” vào bộ não. Trí nhớ ngắn hạn không trở thành trí nhớ dài hạn ngay lập tức và quá trình hợp nhất hai loại trí nhớ đó là một quá trình rất tinh tế. Bất kỳ sự gián đoạn nào, cho dù là một cú đấm vào đầu hay chỉ một sự sao nhãng đơn giản, cũng có thể làm các trí nhớ mới hình thành biến khỏi tâm trí.[361]
Các nghiên cứu sau đó đã xác nhận sự tồn tại của hai dạng trí nhớ ngắn hạn và dài hạn, cũng như cung cấp thêm bằng chứng về tầm quan trọng của giai đoạn hợp nhất trong đó trí nhớ ngắn hạn sẽ chuyển thành trí nhớ dài hạn. Trong thập niên 1960, nhà thần kinh học Louis Flexner của Đại học Pennsylvania đã khám phá ra một điều đặc biệt thú vị. Sau khi tiêm thuốc kháng sinh ngăn ngừa các tế bào không sản sinh ra protein vào chuột, ông phát hiện ra chúng không thể hình thành trí nhớ dài hạn (về cách tránh bị điện giật khi ở trong mê cung) tuy nhiên vẫn có thể tiếp tục lưu giữ trí nhớ ngắn hạn. Kết luận rất rõ ràng: trí nhớ dài hạn không chỉ là dạng mạnh mẽ hơn của trí nhớ ngắn hạn. Hai dạng trí nhớ đòi hỏi các quy trình sinh học khác nhau. Lưu giữ trí nhớ dài hạn đòi hỏi quá trình tổng hợp protein mới, còn lưu giữ trí nhớ ngắn hạn thì không.[362]
Lấy cảm hứng từ kết quả nghiên cứu đột phát về loài sên biển Aplysia trước đó, Kandel thuê một đội ngũ các nhà khoa học tài năng, bao gồm cả các nhà tâm sinh lý học và các nhà sinh học tế bào, giúp ông thăm dò hoạt động thể chất của trí nhớ ngắn hạn và dài hạn. Họ bắt đầu theo dõi tỉ mỉ diễn biến các tín hiệu thần kinh của một con sên biển, “từng tế bào một” khi con vật học cách thích ứng với các kích thích bên ngoài như các cú hích hoặc chạm vào cơ thể.[363] Họ nhanh chóng khẳng định các quan sát của Ebbinghaus: trải nghiệm càng được lặp lại nhiều lần thì trí nhớ về trải nghiệm đó càng tồn tại lâu hơn. Sự lặp lại khuyến khích quá trình hợp nhất. Khi nghiên cứu ảnh hưởng sinh lý của việc lặp lại tới các tế bào thần kinh và khớp thần kinh riêng lẻ, họ phát hiện ra một điều thú vị. Không những sự tập trung các dẫn truyền thần kinh ở khớp thần kinh thay đổi, dẫn tới thay đổi sự gắn bó của các kết nối hiện tại giữa các tế bào thần kinh, mà các tế bào thần kinh cũng phát triển kỳ tiếp hợp hoàn toàn mới. Nói cách khác, quá trình hình thành trí nhớ dài hạn không chỉ bao gồm các thay đổi sinh hóa mà còn cả thay đổi giải phẫu. Kandel nhận ra điều đó lý giải tại sao quá trình hợp nhất trí nhớ lại cần protein mới. Protein đóng vai trò thiết yếu trong quá trình tạo ra các thay đổi cấu trúc trong tế bào.
Thay đổi giải phẫu trong các mạch trí nhớ tương đối đơn giản của loài sên diễn ra trên diện rộng. Trong một trường hợp, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng trước khi diễn ra quá trình hợp nhất thành trí nhớ dài hạn, một tế bào thần kinh cảm giác nhất định đã có khoảng 1.300 kết nối tiếp hợp với 25 tế bào thần kinh khác. Chỉ khoảng 40% kết nối đang hoạt động – hay gửi tín hiệu thông qua quá trình sản xuất các dẫn truyền thần kinh. Sau khi trí nhớ dài hạn đã hình thành, số lượng kết nối tiếp hợp tăng hơn gấp đôi, lên đến khoảng 2.700 và số lượng kết nối đang hoạt động tăng từ 40% lên 60%. Các khớp thần kinh mới vẫn duy trì ở vị trí cũ chừng nào trí nhớ còn tồn tại. Khi trí nhớ được phép biến mất – bằng cách ngừng lặp lại trải nghiệm – thì số lượng khớp thần kinh cuối cùng giảm xuống còn 1.500. Thật ra, thậm chí sau khi trí nhớ đã bị quên lãng thì số lượng khớp thần kinh vẫn nhiều hơn ban đầu. Điều đó giải thích tại sao con người cảm thấy dễ hơn khi học lần thứ hai.
Nhờ các thí nghiệm mới về loài sên Aplysia, Kandel viết trong tham luận In Search of Memory (Tìm kiếm trí nhớ) năm 2006 rằng “lần đầu tiên chúng ta nhận thấy số lượng khớp thần kinh trong bộ não không hề cố định – mà thay đổi cùng quá trình học! hơn nữa, miễn là thay đổi kết cấu vẫn được duy trì thì trí nhớ dài hạn vẫn tiếp tục tồn tại”. Nghiên cứu cũng tiết lộ khác biệt sinh lý cơ bản giữa hai loại trí nhớ. “Trí nhớ ngắn hạn tạo ra thay đổi về chức năng của khớp thần kinh, củng cố hoặc làm suy yếu các kết nối tồn tại trước đó; trí nhớ dài hạn đòi hỏi thay đổi về kết cấu”.[364] Các kết quả nghiên cứu của Kandel hoàn toàn phù hợp với những khám phá về tạo hình thần kinh mà Michael Merzenich và nhiều người khác tìm ra. Các thí nghiệm sau này cho thấy rõ rằng thay đổi sinh hóa và thay đổi cấu trúc trong quá trình hợp nhất trí nhớ không chỉ xảy ra ở loài sên. Chúng cũng diễn ra ở bộ não của các loài động vật khác, bao gồm cả loài linh trưởng.
Kandel và đồng nghiệp đã khám phá được một số bí mật về trí nhớ ở cấp tế bào. Giờ họ muốn tiến sâu hơn – tới quá trình phân tử bên trong tế bào. Theo Kandel, các nhà nghiên cứu “đang tiến vào một lãnh địa chưa từng có người đặt chân tới”.[365] Ban đầu họ tìm hiểu các thay đổi phân tử xảy ra tại dây thần kinh khi hình thành trí nhớ ngắn hạn. Họ phát hiện ra rằng quy trình này không chỉ đơn giản là sự truyền các chất dẫn thần kinh – trong trường hợp này là glutamate – giữa các tế bào thần kinh mà còn liên quan tới các loại tế bào khác, gọi là các tế bào thần kinh trung gian. Các tế bào thần kinh trung gian tạo ra hợp chất dẫn truyền thần kinh giúp tinh chỉnh các kết nối tiếp hợp, điều chỉnh lượng glutamate dẫn vào khớp thần kinh. Khi làm việc cùng hai nhà sinh hóa học James Schwartz và Paul Greengard, Kandel phát hiện ra rằng quá trình tinh chỉnh diễn ra nhờ một loạt các tín hiệu phân tử. Các hợp chất do tế bào thần kinh tạo ra liên kết với cơ quan nhận cảm trên màng của tế bào trước khớp thần kinh – tế bào thần kinh mang xung điện. Tế bào này khởi đầu một chuỗi phản ứng hóa học khiến tế bào thần kinh sản sinh ra một phân tử là chất tuần hoàn AMP. Tiếp đó, chất tuần hoàn AMP sẽ kích hoạt một protein có tên kinaza A, một loại enzyme xúc tác kích thích tế bào phóng thêm nhiều glutamate vào khớp thần kinh, nhờ đó tăng cường liên kết khớp thần kinh, kéo dài hoạt động điện trong các tế bào thần kinh được liên kết và cho phép bộ não duy trì trí nhớ ngắn hạn trong nhiều giây hoặc nhiều phút.
Thử thách tiếp theo mà Kandel phải đối mặt là tìm hiểu làm thế nào trí nhớ ngắn hạn được giữ trong một khoảng thời gian rất ngắn có thể chuyển thành trí nhớ dài hạn tồn tại lâu hơn. Cơ sở phân tử của quá trình hợp nhất là gì? Để trả lời câu hỏi đó, ông cần bước vào lĩnh vực di truyền học.
Năm 1983, Viện Y tế Howard Hughes danh tiếng và giàu có đề nghị Kandel, cùng Schwartz và nhà thần kinh học Richard Axel của Đại học Columbia, dẫn đầu một nhóm nghiên cứu về nhận thức phân tử đặt tại Columbia. Nhóm này nhanh chóng thành công khi tạo ra được tế bào thần kinh từ ấu trùng Aplysia và dùng chúng như mô cấy trong phòng thí nghiệm để tạo ra mạch thần kinh cơ bản kết hợp một tế bào trước dây thần kinh, một tế bào sau dây thần kinh và dây thần kinh giữa hai tế bào đó. Để bắt chước hành động điều chỉnh các tế bào thần kinh trung gian, các nhà khoa học tiêm serotonin vào mô cấy. Đúng như mong đợi, một ống serotonin, tái tạo một trải nghiệm học hỏi, đã kích thích giải phóng glutamate – nhanh chóng tăng cường khớp thần kinh đặc trưng của trí nhớ ngắn hạn. Trái lại, năm ống serotonin riêng biệt tăng cường dây thần kinh đang tồn tại trong nhiều ngày và kích thích sự hình thành khớp thần kinh mới – thay đổi đặc tính của trí nhớ dài hạn.
Sau quá trình liên tục tiêm serotonin, enzyme kinaza A cùng một enzyme khác có tên MAP chuyển từ tế bào chất bên ngoài tế bào thần kinh vào nhân. Tại đó, kinaza A kích hoạt một protein có tên CREB-a, protein này tiếp tục kích hoạt một loạt các gen tổng hợp protein mà tế bào thần kinh cần để tạo ra khớp thần kinh mới. Cùng lúc đó, MAP kích hoạt một protein khác, CREB-2, protein này sẽ ngưng hoạt động của một loạt các gen ức chế sự tăng trưởng của khớp thần kinh mới. Thông qua một quá trình hóa học “đánh dấu” tế bào phức tạp, các thay đổi khớp thần kinh tập trung tại những vùng nhất định trên bề mặt của tế bào thần kinh và tồn tại trong một thời gian dài. Chính nhờ quá trình tinh vi này, bao gồm các thay đổi và tín hiệu gen và hóa học, mà các khớp thần kinh có thể lưu giữ trí nhớ trong nhiều ngày, thậm chí là nhiều năm. Kandel nhận định: “Sự phát triển và duy trì các khớp thần kinh mới giúp trí nhớ tồn tại”.[366] Quá trình cũng thể hiện một điều quan trọng là nhờ tính mềm dẻo của bộ não mà các trải nghiệm liên tục hình thành nên hành vi và cá tính của chúng ta: “Sự cần thiết phải khỏi động một gen thì mới hình thành nên trí nhớ dài hạn cho chúng ta thấy rõ rằng các gen không chỉ quyết định hành vi mà còn phản ứng với các kích thích từ môi trường, như việc học tập”.[367]
CÓ THỂ TỰ TIN nói rằng đời sống tinh thần của loài sên biển chẳng có gì đặc sắc. Các mạch trí nhớ mà Kandel cùng nhóm của ông nghiên cứu chỉ là những mạch đơn giản. Chúng lưu giữ cái mà các nhà tâm lý học gọi là trí nhớ “tiềm ẩn” – ký ức vô thức về những trải nghiệm trong quá khứ tự động được gọi lại khi thực hiện một hành vi phản xạ hoặc luyện tập một kỹ năng đã biết. Loài sên gọi lại trí nhớ tiềm ẩn khi thu mình trong vỏ. Con người gọi lại trí nhớ tiềm ẩn khi thực hiện cú rê bóng rổ hoặc khi lái xe đạp. Theo giải thích của Kandel, trí nhớ tiềm ẩn “được trực tiếp gợi lại thông qua hoạt động mà không cần bất kỳ nỗ lực ý thức nào hay thậm chí nhận thức là chúng ta đang gợi lại trí nhớ”.[368]
Khi nói về trí nhớ của mình, cái chúng ta thường nhắc tới là trí nhớ “tường minh” – những hồi ức về con người, sự kiện, ý tưởng, cảm xúc và ấn tượng mà chúng ta có thể gợi lại trong trí nhớ hiệu dụng của ý thức. Trí nhớ tường minh bao gồm mọi thứ chúng ta nói rằng mình “nhớ” được về quá khứ. Kandel đề cập tới trí nhớ tường minh như “trí nhớ phức hợp” – vì nhiều lý do hợp lý. Việc lưu trữ dài hạn trí nhớ tường minh liên quan đến các quá trình sinh hóa và phân tử về “hợp nhất dây thần kinh”, quá trình này đóng vai trò quan trọng trong việc lưu giữ trí nhớ tiềm ẩn. Tuy nhiên nó cũng đòi hỏi quá trình hợp nhất thứ hai có tên “hợp nhất hệ thống”, quá trình này có liên quan tới các tương tác phối hợp giữa các khu vực xa nhau trong bộ não. Gần đây các nhà khoa học mới chỉ bắt đầu ghi nhận hoạt động hợp nhất hệ thống và rất nhiều kết quả nghiên cứu vẫn chỉ là dự kiến. Tuy nhiên có một điều sáng tỏ là quá trình hợp nhất trí nhớ tường minh liên quan tới “cuộc hội thoại” dài và tích cực giữa vỏ não và khu vực hồi hải mã.
Là một thành phần nhỏ và cổ xưa trong bộ não, hồi hải mã nằm phía dưới vỏ não, gập sâu bên trong thùy thái dương trung gian. Vừa là khu vực cảm giác định hướng – đó là nơi người lái taxi tại London lưu giữ bản đồ tinh thần về đường đi trong thành phố – hồi hải mã vừa đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và quản lý trí nhớ tường minh. Phần lớn công lao khám phá ra liên kết giữa hồi hải mã và việc lưu giữ thông tin là của một người đàn ông bất hạnh, Henry Molaison. Sinh năm 1926, Molaison bị mắc chứng động kinh sau một chấn thương nghiêm trọng ở đầu thời còn trẻ.Trong những năm tháng thanh niên, chứng động kinh của ông ngày càng trầm trọng. Nguyên nhân bệnh tình của ông cuối cùng được tìm ra là xuất phát từ khu vực hồi hải mã, và vào năm 1953 các bác sỹ đã cắt bỏ phần lớn khu vực hồi hải mã cùng các phần khác của thùy thái dương trung gian. Cuộc phẫu thuật đã chữa được bệnh động kinh của Molaison tuy nhiên lại có ảnh hưởng bất thường tới trí nhớ của ông.Trí nhớ tiềm ẩn của ông vẫn nguyên vẹn và trí nhớ tường minh cũ của ông cũng vậy.Ông có thể nhớ được chi tiết các sự kiện thời thơ ấu.Tuy nhiên rất nhiều ký ức tường minh gần đây – từ một vài năm trước cuộc phẫu thuật – thì biến mất.Và ông cũng không thể lưu giữ thêm ký ức tường minh mới.Các sự kiện biến khỏi tâm trí ông ngay sau khi vừa diễn ra.
Trải nghiệm của Molaison, do nhà tâm lý học người Anh Brenda Milner tỉ mỉ ghi lại, cho thấy hồi hải mã rất cần thiết đối với quá trình hợp nhất trí nhớ tường minh mới; tuy nhiên sau một thời gian, rất nhiều trong số những ký ức này sẽ tồn tại độc lập với hồi hải mã.[369]Các thí nghiệm mở rộng trong năm thập kỷ vừa qua đã giúp gỡ rối vấn đề hóc búa này. Có vẻ như ban đầu ký ức về một trải nghiệm không chỉ được lưu giữ ở vùng vỏ não có chức năng ghi lại trải nghiệm – vỏ não thính giác dành cho ký ức về âm thanh, vỏ não thị giác dành cho ký ức về hình ảnh và cứ như vậy – mà còn được lưu giữ ở hồi hải mã. Hồi hải mã tạo một nơi lưu giữ lý tưởng cho ký ức mới bởi các dây thần kinh của nó có khả năng thay đổi rất nhanh. Chỉ trong một vài ngày, thông qua một quá trình truyền tín hiệu hiện vẫn còn là một bí ẩn, hồi hải mã giúp ổn định trí nhớ trong vỏ não, bắt đầu quá trình chuyển hóa từ trí nhớ ngắn hạn thành trí nhớ dài hạn. Cuối cùng khi hoàn thành quá trình hợp nhất, ký ức sẽ bị xóa khỏi hồi hải mã.Vỏ não trở thành nơi duy nhất lưu giữ ký ức đó.Quá trình chuyển hóa đầy đủ một ký ức tường minh từ hồi hải mã tới vỏ não diễn ra từ từ và có thể mất rất nhiều năm.[370] Đó là lý do rất nhiều ký ức của Molaison biến mất cùng hồi hải mã của ông.
Hồi hải mã đóng vai trò giống một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc giao hưởng bộ nhớ có ý thức của chúng ta. Bên cạnh sự tham gia vào quá trình cố định một số ký ức vào vỏ não, người ta cho rằng hồi hải mã còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình dệt nhiều ký ức xảy ra đồng thời lại với nhau – thị giác, không gian, thính giác, xúc giác và cảm xúc – những ký ức này được lưu giữ ở nhiều nơi khác nhau trong bộ não nhưng kết hợp lại để tạo thành một hồi ức liền mạch duy nhất. Các nhà khoa học thần kinh đưa ra giả thiết rằng hồi hải mã giúp liên kết ký ức mới với ký ức cũ hơn, tạo thành mạng lưới phong phú các kết nối thần kinh, mang lại sự linh hoạt và chiều sâu cho trí nhớ.Rất nhiều kết nối giữa các ký ức được tạo ra khi chúng ta đang ngủ và hồi hải mã có thể được giảm một số công việc nhận thức. Trong cuốn sách The Developing Mind (Tâm trí phát triển) của mình, bác sỹ tâm thần Daniel Siegel giải thích: “Mặc dù là sự kết hợp giữa các kích hoạt ngẫu nhiên, các khía cạnh của trải nghiệm và các yếu tố từ quá khứ, nhưng giấc mơ có lẽ là phương thức cơ bản để tâm trí hợp nhất vô số các ký ức rõ ràng thành một tập hợp chặt chẽ các đại diện của trí nhớ hợp nhất vĩnh viễn”.[371]Các nghiên cứu cho thấy khi giấc ngủ của chúng ta bị tổn thương thì trí nhớ của chúng ta cũng vậy.[372]
Vẫn còn rất nhiều điều cần tìm hiểu về cách hoạt động của trí nhớ tường minh và trí nhớ tiềm ẩn, và rất nhiều điều chúng ta đang biết cần được xem xét và củng cố bằng các nghiên cứu trong tương lai.Tuy nhiên ngày càng có nhiều bằng chứng rằng trí nhớ của chúng ta là sản phẩm của một quá trình tự nhiên cực kỳ phức tạp mà cứ mỗi giây lại thay đổi tùy thuộc vào môi trường sống và các trải nghiệm độc nhất của mỗi người.Phép ẩn dụ thực vật về trí nhớ, nhấn mạnh vào sự tăng trưởng hữu cơ vô hạn và liên tục, hóa ra lại hoàn toàn có thể thành thực tế. Thật ra, chúng có vẻ phù hợp hơn so với phép ẩn dụ công nghệ cao mới của chúng ta khi phép ẩn dụ này đánh đồng trí nhớ sinh học với các bít dữ liệu số được định nghĩa chính xác trong cơ sở dữ liệu và do chip máy tính xử lý. Chịu ảnh hưởng bởi các tín hiệu sinh học hay thay đổi, mọi khía cạnh trong trí nhớ của loài người, từ hóa học, điện cho đến di truyền – cách hình thành, duy trì, kết nối và gợi nhớ – đều có số lượng gần như vô hạn các bước phát triển dần dần. Bộ nhớ máy tính tồn tại ở dạng các bit nhị phân đơn giản – số 1 và số 0 – do các mạch cố định xử lý, có thể đóng hoặc mở nhưng không bao giờ ở khoảng giữa.
Giống Eric Kandel, Kobi Rosenblum, trưởng khoa Phong tục học và Sinh học thần kinh của Đại học Haifa tại Israel, đã thực hiện rất nhiều thí nghiệm về quá trình hợp nhất trí nhớ. Một trong những bài học rõ ràng nhất trong quá trình nghiên cứu của ông là sự khác biệt giữa bộ nhớ sinh học và bộ nhớ máy tính. Ông nói: “Quá trình tạo trí nhớ dài hạn trong bộ não con người là một trong những quá trình kỳ diệu nhất và khác biệt hoàn toàn so với “bộ nhớ nhân tạo” trong máy tính. Trong khi bộ nhớ nhân tạo hấp thụ thông tin và ngay lập tức lưu trong bộ nhớ thì bộ não con người tiếp tục xử lý thông tin trong một thời gian dài sau khi tiếp nhận và chất lượng của trí nhớ phụ thuộc vào cách xử lý thông tin”.[373] Bộ nhớ sinh học thì sống động.Bộ nhớ máy tính thì không.
Những người ủng hộ “giao phó” trí nhớ cho Web đã bị đánh lừa bởi một phép ẩn dụ.Họ bỏ qua bản chất hữu cơ cơ bản của bộ nhớ sinh học.Điều mang tới sự phong phú và đặc trưng, chưa kể tới sự bí ẩn và mỏng manh, cho bộ nhớ thật sự chính là yếu tố bất ngờ. Bộ nhớ tồn tại theo thời gian và thay đổi cùng các thay đổi của cơ thể. Trên thực tế, hành động gọi nhớ một ký ức sẽ khởi động lại toàn bộ quá trình hợp nhất, bao gồm từ giai đoạn tạo protein để hình thành khớp thần kinh mới.[374]Khi chúng ta mang một ký ức tường minh dài hạn quay trở về trí nhớ hiệu dụng thì nó lại trở thành ký ức ngắn hạn.Khi chúng ta tái hợp nhất ký ức này thì nó sẽ có thêm một tập hợp các kết nối mới – một bối cảnh mới.Joseph LeDoux giải thích: “Bộ não làm nhiệm vụ ghi nhớ không phải là bộ não hình thành nên ký ức ban đầu. Để ký ức cũ có ý nghĩa trong bộ não hiện tại thì cần cập nhật bộ nhớ”.[375] Bộ nhớ sinh học luôn trong trạng thái đổi mới liên tục. Ngược lại, bộ nhớ lưu trữ trong máy tính ở dạng các bit tĩnh riêng biệt; bạn có thể chuyển các bit từ ổ lưu trữ này sang ổ lưu trữ khác bao nhiêu lần tùy thích và chúng sẽ giữ nguyên như ban đầu.
Những người đề xuất ý tưởng giao phó trí nhớ cho máy tính cũng nhầm lẫn giữa trí nhớ hiệu dụng và trí nhớ dài hạn. Khi một người không thể hợp nhất một sự kiện, một ý tưởng hay một trải nghiệm trong trí nhớ dài hạn thì người đó không “giải phóng” chỗ trống trong bộ não để thực hiện nhiệm vụ khác. Không như trí nhớ hiệu dụng với khả năng hạn chế, trí nhớ dài hạn mở rộng và thu gọn một cách linh hoạt gần như không giới hạn nhờ vào khả năng phát triển và cắt bót khớp thần kinh của bộ não cũng như liên tục điều chỉnh cường độ của các kết nối khớp thần kinh. Nelson Cowan, một chuyên gia về trí nhớ tại Đại học Missouri, viết: “Không giống máy tính, bộ não của một người bình thường không bao giờ đạt tới điểm mà ở đó trải nghiệm không thể biến được thành ký ức; bộ não không bao giờ đầy”.[376] Torkel Klinberg thì nhận định: “Lượng thông tin có thể lưu giữ trong trí nhớ dài hạn gần như vô hạn”.[377]Hơn nữa, các bằng chứng cho thấy khi chúng ta xây dựng các ký ức cá nhân thì đầu óc của chúng ta trở nên tinh thông hơn. Theo lý giải của nhà tâm lý học lâm sàng Sheila Crowell trong cuốn sách The Neurobiology of Learning (Sinh học thần kinh trong học tập), hành động ghi nhớ dường như biến đổi bộ não khiến việc học hỏi các ý tưởng và kỹ năng mới trong tương lai trở nên dễ dàng hơn.[378]
Khi lưu giữ trí nhớ dài hạn, chúng ta không hạn chế mà tăng cường sức mạnh tinh thần của mình. Trí nhớ càng phát triển thì trí thông minh càng mở rộng.Web là một sản phẩm bổ sung thuận tiện và hấp dẫn cho trí nhớ cá nhân, tuy nhiên khi chúng ta bắt đầu dùng Web để thay thế trí nhớ cá nhân và bỏ qua các quy trình hợp nhất bên trong thì chúng ta có nguy cơ làm đầu óc của mình ngày càng trống rỗng.
Vào thập niên 1970 khi các trường học bắt đầu cho phép học sinh sử dụng máy tính cầm tay, rất nhiều bậc phụ huynh đã phản đối. Họ lo ngại rằng dựa dẫm vào máy móc sẽ làm giảm khả năng nắm bắt các khái niệm toán học của con em mình. Theo các nghiên cứu sau này chỉ ra, nỗi sợ hãi này phần lớn là không có cơ sở.[379] Khi không còn bị ép buộc phải dành nhiều thời gian cho các phép tính thông thường, rất nhiều học sinh hiểu sâu hơn về quy tắc nền tảng của các bài toán.Ngày nay, câu chuyện về máy tính bỏ túi thường được dùng để hỗ trợ quan điểm cho rằng sự phụ thuộc ngày càng lớn vào các cơ sở dữ liệu trực tuyến không có gì xấu.Web giúp chúng ta không phải nhớ mà dành nhiều thời gian hơn cho tư duy sáng tạo. Tuy nhiên so sánh đó là sai lầm.Máy tính bỏ túi giảm tải áp lực cho trí nhớ hiệu dụng của chúng ta, giúp chúng ta dành cái kho tàng ngắn hạn mang tính thiết yếu đó để thực hiện lý luận trừu tượng. Trải nghiệm từ các sinh viên toán học cho thấy máy tính bỏ túi giúp bộ não dễ dàng chuyển ý tưởng từ trí nhớ hiệu dụng sang trí nhớ dài hạn và mã hóa thành các lược đồ khái niệm vốn rất quan trọng trong quá trình hình thành tri thức. Nhưng Web có ảnh hưởng rất khác.Web đặt thêm áp lực cho trí nhớ hiệu dụng của chúng ta, không chỉ phân tán tài nguyên khỏi khu vực lý luận cao hơn mà còn cản trở quá trình hợp nhất trí nhớ dài hạn cùng sự phát triển các lược đồ. Máy tính cầm tay, một công cụ mạnh mẽ nhưng mang tính chuyên biệt cao, cuối cùng lại trở thành công cụ trợ giúp trí nhớ. Nhưng Web là công nghệ của sự lãng quên.
ĐlỀU GÌ QUYẾT ĐỊNH những thứ chúng ta nhớ và quên?Chìa khóa cho quá trình hợp nhất trí nhớ là sự tập trung. Để luu giữ ký ức rõ ràng và hình thành liên kết giữa những ký ức này đòi hỏi tập trung tinh thần cao độ và được củng cố thêm khi lặp lại trải nghiệm hoặc gắn bó với cảm xúc hoặc trí tuệ. Càng tập trung cao độ thì ký ức càng rõ ràng hơn. Kandel nhận định: “Để trí nhớ tồn tại được thì thông tin đến phải được xử lý chu đáo, tỉ mỉ và liên kết một cách có ý nghĩa và hệ thống với những kiến thức đang có sẵn trong bộ nhớ”.[380] Nếu chúng ta không thể tập trung vào thông tin trong trí nhớ hiệu dụng thì nó chỉ tồn tại cho đến khi tế bào thần kinh giữ thông tin đó vẫn duy trì được nguồn điện – nhiều nhất là vài giây. Sau đó thông tin sẽ biến mất, không để lại hoặc để lại rất ít dấu tích trong tâm trí.
Sự tập trung nghe có vẻ rất thanh tao – theo lời của nhà tâm lý học phát triển Bruce McCandliss thì đó là “con ma trong đầu”[381] – tuy nhiên nó là một trạng thái vật chất thật sự và tạo ra ảnh hưởng vật chất trong suốt bộ não. Các thí nghiệm gần đây trên chuột chỉ ra rằng hành động chú ý tới một ý tưởng hoặc một trải nghiệm sẽ kích thích một phản ứng dây chuyền ngang dọc trong bộ não.Sự tập trung có ý thức bắt đầu từ thùy trán của vỏ não và đi từ trên xuống, điều khiển sự tập trung của tâm trí.Việc hình thành sự tập trung sẽ khiến các tế bào thần kinh của vỏ não gửi tín hiệu tới các tế bào thần kinh trong não giữa chuyên sản xuất chất dẫn truyền thần kinh mạnh mẽ dopamine.Sợi trục của các tế bào thần kinh này vươn tới hồi hải mã, tạo ra kênh phân phối chất dẫn truyền thần kinh. Khi dopamine được đưa tới các khớp thần kinh của hồi hải mã, nó sẽ nhanh chóng bắt đầu hợp nhất trí nhớ tường minh, có thể bằng cách kích hoạt các gen kích thích quá trình tổng hợp protein mới.[382]
Các dòng thông điệp cạnh tranh mà chúng ta nhận được mỗi khi lên mạng không chỉ khiến trí nhớ hiệu dụng của chúng ta quá tải mà còn khiến thùy trán khó có thể tập trung sự chú ý vào bất kỳ điều gì.
Quá trình hợp nhất trí nhớ không thể bắt đầu. Và một lần nữa nhờ có sự dẻo dai của các đường dẫn thần kinh mà càng sử dụng Web nhiều thì chúng ta càng tập cho bộ não quen với sự sao nhãng – xử lý thông tin thật nhanh và hiệu quả mà không cần duy trì sự tập trung. Điều đó lý giải tại sao nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó tập trung ngay cả khi không ở bên cạnh máy tính. Bộ não của chúng ta giỏi quên và kém nhớ. Trên thực tế, sự phụ thuộc ngày càng nhiều vào thông tin trên Web có thể là sản phẩm của một vòng lặp không có hồi kết. Khi việc sử dụng Web khiến chúng ta khó có thể đua thông tin vào bộ nhớ sinh học thì chúng ta bắt buộc phải phụ thuộc nhiều hơn vào bộ nhớ nhân tạo rộng lớn và dễ tìm kiếm của Internet, thậm chí cho dù điều đó khiến chúng ta trở thành những người tư duy nông cạn.
Thay đổi trong bộ não tự động diễn ra, bên ngoài la bàn hạn hẹp của ý thức; tuy nhiên điều đó không khiến chúng ta được miễn trách nhiệm cho những lựa chọn mình đưa ra. Một điều giúp chúng ta khác với động vật là chúng ta có quyền kiểm soát sự chú ý của mình. “Học cách tư duy đồng nghĩa với học cách kiểm soát cách bạn tư duy và những điều bạn tư duy,” David Foster Wallace nói trong lễ phát bằng tốt nghiệp tại trường Cao đẳng Kenyon năm 2005. “Điều đó có nghĩa là phải nhận thức và ý thức được việc lựa chọn những thứ mình chú tâm vào và lựa chọn cách tạo ra ý nghĩa từ trải nghiệm”. Từ bỏ quyền kiểm soát đó nghĩa là “thường xuyên phải gặm nhấm cảm giác vừa sở hữu vừa đánh mất một thứ vô hạn”.[383] Là một người có tâm lý bất ổn – hai năm rưỡi sau bài phát biểu, ông đã treo cổ tự vẫn – Wallace đặc biệt hiểu những gì liên quan tới việc chúng ta lựa chọn hoặc không lựa chọn tập trung tâm trí. Chúng ta đánh liều nhượng quyền kiểm soát sự chú ý. Mọi điều mà các nhà thần kinh học khám phá được về các hoạt động phân tử và tế bào của bộ não con người đều nhấn mạnh quan điểm đó.
Socrates có thể nhầm lẫn về ảnh hưởng của việc viết lách nhưnglại rất thông thái khi cảnh báo chúng ta về việc coi thường tài sản quý báu của trí nhớ. Lời tiên tri của ông về một công cụ sẽ “tạo ra sự lãng quên” trong tâm trí, mang tới “một phương thức nhắc nhớ chứ không phải ghi nhớ” ngày càng phổ biến cùng sự ra đời của Web. Lời tiên tri chỉ sớm chứ không sai. Trong tất cả những hy sinh của chúng ta khi cống hiến bản thân cho phương tiện phổ dụng Internet thì sự hy sinh cao cả nhất có lẽ là một loạt các kết nối trong tâm trí. Rõ ràng bản thân Web là một mạng lưới các kết nối, tuy nhiên những siêu liên kết nối các bit dữ liệu trực tuyến không giống chút nào với các khớp thần kinh trong bộ não của chúng ta. Các liên kết trên Web chỉ là những địa chỉ, những thẻ phần mềm đơn giản giúp chuyển trình duyệt tới một trang thông tin khác. Theo Ari Schulman, các kết nối của bộ não “không chỉ đơn thuần giúp truy cập vào bộ nhớ mà còn hình thành nên các ký ức theo rất nhiều cách”.[384] Các liên kết của Web không giống các liên kết của chúng ta – và cho dù chúng ta có dành bao nhiêu giờ để tìm kiếm và lướt Web thì chúng cũng không bao giờ biến thành các liên kết của chúng ta được. Khi chúng ta giao bộ nhớ cho một chiếc máy, chúng ta cũng giao đi một phần quan trọng trong trí thông minh và bản sắc của mình. Để kết thúc bài giảng vào năm 1892 về trí nhớ, William James đã phát biểu: “Kết nối chính là tư duy”. Và chúng ta có thể thêm rằng: “Kết nối chính là bản thân”.
“TÔI DỰ ĐOÁN lịch sử của tương lai”, Walt Whitman đã viết như vậy ở một trong những đoạn thơ mở đầu tập thơ Leaves of Grass (Lá cỏ). Từ lâu ta biết rằng nền văn hóa nơi một người lớn lên ảnh hưởng tới nội dung và đặc điểm bộ nhớ của người đó. Chẳng hạn, những người sinh ra trong một xã hội coi trọng thành tích cá nhân như Mỹ thường có thể nhớ những sự kiện xảy ra thời trẻ tốt hơn những người sinh ra trong một xã hội nhấn mạnh thành tích tập thể như Hàn Quốc.[385]Đúng như trực giác của Whitman, hiện các nhà tâm lý học và nhânchủng học tìm ra rằng ảnh hưởng đến từ cả hai phía. Bộ nhớ cá nhân hình thành và duy trì “bộ nhớ tập thể” làm nền tảng cho nền văn hóa. Theo nhà nhân chủng học Pascal Boyer, những thứ lưu giữ trong tâm trí của cá nhân – các sự kiện, khái niệm, kỹ năng – không chỉ “thể hiện cá tính” tạo nên bản thân họ. Đó còn là “mấu chốt của quá trình lưu truyền văn hóa”.[386] Mỗi chúng ta đều mang theo và dự báo lịch sử của tương lai. Văn hóa được duy trì trong các khớp thần kinh của chúng ta.
Việc chuyển bộ nhớ sang các cơ sở dữ liệu bên ngoài không chỉ đe dọa chiều sâu và đặc tính của bản thân. Nó còn đe dọa cả chiều sâu và đặc tính của nền văn hóa chúng ta cùng nhau chia sẻ. Trong một bài viết gần đây, nhà biên kịch Richard Foreman hùng hồn mô tả những điều đang bị đe dọa. Ông viết: “Tôi đến từ truyền thống của văn hóa phương Tây mà ở đó lý tưởng (lý tưởng của tôi) là một cấu trúc phức tạp, đậm đặc và “mang hơi hướng nhà thờ” của phong cách diễn đạt lưu loát và học thức cao – một người đàn ông hoặc phụ nữ mang trong mình một phiên bản cá nhân độc nhất của toàn bộ di sản phương Tây”. Tuy nhiên hiện nay, ông tiếp tục, “tôi thấy trong bản thân chúng ta (bao gồm cả bản thân tôi) là sự thay thế của một phong cách mới – phát triển dưới sức ép của sự quá tải thông tin và công nghệ của những thứ “có sẵn trong chớp mắt”“. Foreman kết luận rằng khi kiệt quệ “kho di sản văn hóa bên trong” thì chúng ta có nguy cơ biến thành “người bánh kếp – ngày càng trở nên rộng hơn và mỏng hơn khi kết nối vào mạng lưới thông tin khổng lồ chỉ bằng cách chạm nhẹ vào một phím”.[387]
Văn hóa không chỉ là tổng hợp của cái mà Google mô tả là “thông tin của thế giới”. Nó không chỉ là thứ có thể được rút gọn thành mã nhị phân và tải lên Internet. Để tồn tại, văn hóa phải được làm mới trong tâm trí các thành viên của mọi thế hệ. Nếu giao phó trí nhớ cho nguồn bên ngoài, văn hóa sẽ lụi tàn.