Yêu Thương Và Tự Do

Chương 7 QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TÂM LÝ NỘI TẠI Ở TRẺ



Sự phát triển tâm lý tự phát ở trẻ là liên tục không ngừng, “liên quan trực tiếp đến tiềm lực tâm lý của bản thân trẻ mà không liên quan trực tiếp đến công việc của giáo viên”. Ép trẻ vẽ tranh, liên tục dạy trẻ vẽ tranh, có thể dẫn đến việc cả đời đứa trẻ ấy không thể vẽ tranh một cách thực sự. Không chỉ làm mai một hứng thú tự nhiên, mà cách dạy này không khác gì trói thêm gông xiềng vào tâm trí trẻ.

Montessori nói: “Trẻ em phổ cập hóa những khái niệm đã học”. Đây là một quá trình trí lực, là một loại sáng tạo ở tầm sâu nội tâm của mỗi người. Ví dụ hôm nay tôi học “màu tím”, đây là một khái niệm cụ thể. Nhưng đặt “màu tím” vào trong cuộc sống, quá trình ấy có thể phải cần đến mấy tháng, thậm chí cả năm mới có thể hoàn thành.

Tôi phát hiện con trai tôi thường xuyên như vậy, ví dụ nói “hiểu”, câu đầu tiên của quyển sách “Hoàng tử bé”(1) nói thế này: “Tôi muốn làm một họa sĩ, nhưng người lớn không hiểu tôi, tôi đành phải làm một phi hành gia, tôi lái máy bay”. Khi đọc cho con, tôi không đặc biệt nhấn mạnh điều gì. Sau đó có một hôm con trai tôi bỗng nói với tôi: “Mẹ không hiểu con!”. Lúc đó cháu mới 3 tuổi.

Còn có một lần tôi đọc sách cho con nghe, nói về việc khủng long đã bị diệt vong thế nào. “Mùa hè nóng nực, cây cối khô héo, mặt đất cằn khô…”, sau đó một năm, một hôm con trai tôi hỏi tôi: “Mẹ ơi, tại sao mùa đông không có màu xanh?”. Tôi nói: “Con thấy đấy mùa đông quá lạnh, cỏ xác xơ, cây trụi lá”. Con trai tôi nói: “Mẹ nên nói thế này – cỏ cây khô héo”. Sự việc một năm trước, đến lúc này con tôi vẫn còn ghi nhớ, tôi nghĩ đó chính là quá trình khái niệm phát triển đến phổ cập hóa. Khô héo là do nắng nóng, nhưng mà giá lạnh cũng có thể khiến cây cối khô héo. Tâm trí con đã phát triển đến bước có thể thoải mái liên tưởng và sử dụng khái niệm rồi.

Năng lực biểu đạt bằng lời là biểu hiện của trình độ phát triển tâm lý và trí lực. Chẳng hạn như bé Đan Đan ở trường chúng tôi. Chúng tôi đưa cháu đi chọn quần áo, chọn được một bộ kẻ ngang, một bộ chấm đỏ Cocacola, lại chọn một bộ kẻ ô. Người lớn ai cũng bảo bộ kẻ ô đẹp nhất. Lúc chúng tôi thử quần áo cho Đan Đan, cháu không hề tỏ ý phản đối, không hề nói “cháu không mặc”. Cháu rất vui vẻ cởi bộ quần áo đang mặc. Mẹ cháu bảo: “Chúng ta thử bộ kẻ ô này trước nhé”. Lúc này, cháu bỗng khóc ầm lên, kiên quyết không mặc quần áo, cho dù người lớn có giảng giải thế nào, cháu vừa khóc vừa giậm chân không chịu mặc. Sau đó cô giáo Viên nói: “Cứ để thế đi, cứ để con bé ra ngoài chơi một lát, giờ là mùa hè cũng không sợ lạnh”. Thế là đặt con bé lên xích đu, cứ ở trần thế mà chơi một lúc. Tôi ôm đống quần áo ra thương lượng với con bé: “Đan Đan, con là con gái, ở trần thế này xấu lắm, chúng ta mặc quần áo vào nhé?”. Cháu cười nói: “Vâng ạ”. Tôi hỏi: “Mặc bộ nào?”. Cháu nói: “Bộ chấm đỏ”. Thế là tôi mặc cho con bé bộ quần áo chấm đỏ. Người lớn bỗng hiểu ra nguyên nhân, mẹ cháu nói: “Đan Đan, con muốn mặc bộ quần áo chấm đỏ này thì phải nói với mẹ, ai lại khóc ầm ĩ mà không chịu nói gì như thế?”.

Lúc đó Đan Đan mới 2 tuổi 10 tháng. Cháu bị áp lực? Hay là tâm trí cháu chưa phát triển đến bước này, không biết rằng có thể dùng lời nói để giải quyết vấn đề? Sự việc này đã nhắc nhở tôi, bởi vì con trai tôi cũng thường xuyên như vậy, gặp phải chuyện gì cũng khóc mà không nói gì. Chồng tôi nói: “Con phải nói ra, nói ra chúng ta mới có thể giải quyết, tại sao lại không nói ra mà cứ khóc thế?”. Sau này tôi phát hiện ra tâm trí của con trẻ vẫn chưa đạt đến bước có thể dùng “lời nói” để giải quyết vấn đề, chúng không thể nói ra nên phải dùng cách khóc để giải quyết. Khóc là để biểu đạt tình cảm, cũng là một kiểu biểu hiện của tâm trí không thỏa mãn của con trẻ.

Trên thực tế, khi làm việc gì, chúng ta thường ép các con. Người lớn đè nén con trẻ một cách vô thức. Chúng ta hùng hồn tuyên bố “Bộ kẻ ô này đẹp, bộ kẻ ô này đẹp…”, điều này đã gây cho Đan Đan một áp lực rất lớn, khiến cháu không thể nói ra, cháu cảm thấy cháu không thể thay đổi được điều này.

Vấn đề này cũng giống như quá trình phát triển từ cụ thể đến khái niệm, có liên quan đến sự phát triển tâm trí. Khi đạt đến một dạng tâm trí nào đó trẻ mới có thể nói ra, khi chưa đạt đến dạng tâm trí đó, trẻ không biết nên làm thế nào. Lúc này, nếu người lớn chúng ta gây áp lực cho các con, có thể các con sẽ gặp phải một loạt các vấn đề về tâm lý, trong khi chúng ta không hề biết gốc rễ của vấn đề đã được nuôi trồng như thế nào.

Sự phát triển tâm trí cần thời gian, sự phát triển tâm lý tự phát của trẻ em giống như Montesseri từng nói, “liên tục không ngừng”. Cũng có nghĩa là trẻ đang “liên tục không ngừng” tiếp thu tất cả mọi thứ xung quanh, “có liên quan trực tiếp đến tiềm lực tâm lý của bản thân trẻ mà không liên quan trực tiếp đến việc dạy của giáo viên”.

Ví dụ như việc vẽ tranh. Năng lực này rất quan trọng. Vẽ tranh cần phải nắm bắt được đối tượng, vẽ tranh cũng là khúc mở đầu của chữ viết. Sau chữ viết, vẽ tranh là cách để thể hiện tư tưởng và cảnh ngộ. Con tôi đến năm 5 tuổi mới bước vào thời kỳ nhạy cảm của việc vẽ tranh, còn trước đó thì đều là: “Mẹ, vẽ cho con cái quạt điện!”, “Mẹ, vẽ cho con cái này…”. Lúc đó tôi nghĩ, con nhà người ta đều biết vẽ hết rồi, sao con mình lại không biết vẽ. Bỗng đến một hôm, con tôi bắt đầu ngồi vẽ cả một ngày, một lúc đã có thể vẽ được mười mấy bức tranh. Hơn nữa, cháu còn nhìn chiếc ô tô là có thể vẽ được chiếc ô tô, năng lực đó đến thật bất ngờ. Tôi có một cảm giác: “Trẻ con quả thật rất tuyệt vời”. Trước đó, tối nào tôi cũng vẽ cho con, vẽ hàng năm trời, con vẫn không biết cầm bút vẽ là gì. Ở đây, có một kiểu phát triển tâm lý gọi là “liên tục không ngừng”. Chỉ tới một hôm, kết quả bỗng hiển hiện ra, con đã biết vẽ. Bạn nói xem, sự phát triển tâm trí này, cảm giác này có liên quan gì đến công việc mang tính kế hoạch của giáo viên? Không hề liên quan. Nếu chúng ta cố ép các con vẽ tranh khi các con chưa phát triển đến thời kỳ nhạy cảm này, có thể tạo ra một hậu quả vô cùng đáng sợ, hậu quả này sẽ giết chết khả năng hội họa bẩm sinh của trẻ. Trường chúng tôi cũng hay có các bé từ trường khác chuyển đến. Tôi cảm thấy cả đời này các bé không thể vẽ tranh được nữa. Những bức tranh của các bé mãi mãi chỉ là mặt trời, cỏ, cây, nhà và hai em bé đang nhảy dây. Đến nỗi, cô giáo của các bé phải nói: “Chán chết đi được, đến nửa năm rồi vẫn vẽ mãi những thứ này”. Có con vẽ màn đêm, xong xuôi mới phát hiện ra mình còn vẽ cả mặt trời, đành phải vò bỏ đi, vẽ lại bức khác. Tại sao vậy? Việc vẽ tranh của các bé đã bị trình tự hóa, công thức hóa, phần tâm trí của sức sáng tạo đã bị bó buộc bởi tư duy và công thức dạy của các giáo viên.

Thái độ đối xử của chúng ta với các con phải hết sức cẩn thận và khoa học. Nếu bạn không cẩn thận và khoa học, có thể bạn sẽ phá hỏng cả cuộc đời của con. Tại sao lại nói những giáo viên mầm non chính là kiến trúc sư tâm hồn của nhân loại. Một người bạn của tôi nói rằng: “Tôi phát hiện ra một bí mật, nghề nuôi dạy trẻ đứng hàng thứ ba trong những nghề kiếm tiền nhất trên thế giới”. Chúng ta biết ở những nước phát triển, nghề bác sĩ nha khoa và nghề luật sư kiếm tiền rất khá. Trên thực tế, ở những nước này, địa vị của nghề giáo viên mầm non khá cao. Có người học xong tiến sĩ thì đi trông trẻ. Người ta chọn những người ưu tú nhất để đào tạo lớp mầm non, bởi vì giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi quyết định cả cuộc đời con người. Montessori còn coi trọng giáo viên mầm non hơn cả nhà khoa học và nhà tiên tri. Nếu như chúng ta coi trọng giáo dục mầm non hơn, có thể hy vọng của chúng ta sắp thành hiện thực.

Con người rất lạ kỳ. Ví dụ một người xấu, để người này đi dạy đại học, có thể các sinh viên sẽ học theo, cũng có thể không học theo, nhưng phần nhiều là sinh viên không học theo. Nhưng nếu để người này đến dạy các bé mầm non, các bé sẽ học theo rất nhanh. Bởi vì giáo viên chính là môi trường của các bé. Còn nhớ, một lần tôi đến một trường mầm non, các bé chạy ùa ra, nhưng giáo viên nhìn thấy, ngăn lại: “Về chỗ!”. Các bé lại quay về chỗ. Tôi nghĩ, một người thô lỗ đến nhường ấy mà làm giáo viên mầm non thì thật là đáng sợ. Tâm trí của các bé mang tính tiếp thu! Giáo viên mầm non phải là những người ưu tú nhất. Giáo viên mầm non không phải là giáo viên theo nghĩa thông thường, mà còn phải là một nhà tâm lý học chân-thiện-mỹ. Dạy con vẽ tranh thì phải là một họa sĩ chân-thiện-mỹ; dạy con đánh đàn cũng phải là một nhà âm nhạc chân-thiện-mỹ. Nhưng hiện thực lại hoàn toàn ngược lại, như Hegel từng nói “thế giới đứng bằng đầu”, chúng ta không hề thay đổi cục diện “thế giới đứng bằng đầu”.

Có một lần một người bạn đến nhà tôi, mang theo cô con gái nhỏ. Chúng tôi dẫn con đi công viên chơi. Vào công viên một lúc, cô bé nói: “Ba người xếp thành hàng!”. Chúng tôi đứng thành hàng. Cô bé nói: “Không được nói chuyện, ai nói chuyện tôi cho ra ngoài, nhốt ở nhà vệ sinh”. “Bước đều!”. “Không được quay đầu lại! Quay đầu lại sẽ…”. Cô bé hớn hở sắp xếp chúng tôi, liên tục nạt nộ. Nhỏ như vậy, sao lại thích thế này? Mẹ cô bé nói, tại cô giáo cháu cũng thế, nên cháu bắt chước y hệt.

Trẻ con ở trường chúng tôi biết nói: “Mời mẹ xin lỗi con”. “Mẹ phải nói là ‘mời’”. “Mẹ làm con giận rồi”. “Mẹ, mẹ không nên làm như vậy”. Đó là vì giáo viên ở trường cũng nhẹ nhàng nói với các bé như vậy, lâu dần các bé đã tiếp thu và làm theo. Trẻ con nhìn bề ngoài có vẻ ngờ nghệch, nhưng thực ra chúng đang chú ý từng lời nói hành động của bạn, cách suy nghĩ của bạn, cách bạn đánh đàn, bước chân của bạn, thần thái của bạn, tất cả những chi tiết của bạn! Mỗi cử động của khóe môi, mỗi cử động của ngón tay. Quan trọng hơn là, trạng thái ý thức và trình tự của giáo viên cũng được các em tiếp thu một cách vô thức. Thứ giáo viên cần chuẩn bị không phải là dụng cụ dạy học, không phải là môi trường lớp học, mà là tinh thần của chính các cô, đó mới là sự chuẩn bị đúng đắn nhất.

Montesseri nói, “Mục đích giáo dục của tuổi ấu thơ là giúp cho trí lực, tinh thần và thể trạng của trẻ được phát triển tự nhiên, chứ không phải là bồi dưỡng trẻ thành những học giả tầm thường”. “Sau khi cung cấp môi trường thích hợp cho việc thúc đẩy cảm giác của trẻ, chúng ta phải chờ đợi để cho năng lực quan sát phát triển tự nhiên và đạt tới trình độ tự giác, đó chính là nghệ thuật của những người làm giáo dục”.

Tôi xin đưa ra một ví dụ để làm rõ ý trên. Chúng tôi đưa các bé ra ngoài vẽ phác họa. Các bé đều mang theo giá vẽ, bảng màu và bút. Chúng tôi bảo các bé vẽ cây ở trước mặt. Tôi phát hiện ra một bé vẽ thế này: Dùng bút màu đỏ vẽ thân cây, dùng bút màu vàng vẽ lá cây. Khi nhìn thấy giáo viên nên làm thế nào? Một giáo viên Montessori ưu tú sẽ không hỏi gì và mặc kệ bé. Montessori nói, lúc này con trẻ vẫn chưa trở thành người quan sát cuộc sống. Bạn không cần phải sửa hộ trẻ. Có thể có những giáo viên sẽ nói với trẻ: “Con nhìn xem cây màu gì? Con nhìn xem có phải con đã vẽ sai rồi không?”. Nếu con trẻ vẫn không hiểu, giáo viên lại nói: “Con nhìn lại xem đi”. Có những giáo viên có thể còn tích cực hơn, còn cầm hẳn một cái lá làm mẫu cho trẻ: “Con nhìn xem, cái lá này so với…”.

Một thời gian sau, chúng ta phát hiện ra em bé này đã không còn vẽ thân cây màu đỏ, mà vẽ thân cây màu nâu, nhưng vẫn vẽ lá cây màu vàng. Lại khoảng nửa năm sau, bé đã vẽ chính xác màu của thân cây và lá cây. Quá trình này không cần đến giáo viên chỉ dẫn. Nếu trẻ chưa thể nắm vững, đó là vì sự phát triển tâm trí của trẻ và thời kỳ nhạy cảm chưa đến, trẻ vẫn chưa trở thành người quan sát cuộc sống.

Trong phương pháp giáo dục Montessori, trong quá trình thao tác đồ dùng dạy học, khi giáo viên cảm thấy trẻ không hứng thú, ví dụ nói: “Cô ơi, con muốn uống nước”. Hoặc là có một biểu hiện không thiện chí nào khác, một người giáo viên Montessori sẽ mỉm cười xoa đầu trẻ, cho trẻ ra ngoài. Trẻ làm thế có phải là phạm lỗi? Không phải, cho dù là con trẻ có đồng ý làm theo hay không, tất cả là hoạt động mang tính tự phát của trẻ. Giáo viên không được ám thị, dẫn dắt trẻ. Montessori nói, dạy học phải nghiêm khắc tuân theo nguyên tắc giảm thiểu sự can dự của người dạy học(2).

Tôi biết, bố mẹ và giáo viên đặc biệt thích can dự vào hoạt động của trẻ. Tôi đã từng rất tích cực làm vậy. Khi con tôi 4 tuổi rưỡi, vẫn chưa biết đếm từ 0 đến 10, cứ mỗi buổi chiều, cứ đến trường là tôi lại dụ dỗ con. Tôi nói: “Tân Tân, mẹ nghe nói các cô khen con lắm”. Con trai tôi hỏi: “Khen cái gì cơ ạ?”. “Mẹ nghe nói hôm nay con đến lớp đã biết thao tác với các đồ dùng dạy toán(3) rồi”. Con tôi nghĩ một lúc rồi nói: “Không phải, hôm nay con lắp xe và xây nhà mà”. Hiển nhiên là kiểu ám thị này đã không đạt được kết quả. Chiêu này không hiệu nghiệm thì tôi đổi chiêu khác. Mấy hôm sau tôi lại nói: “Tân Tân, nghe cô giáo nói là con không thông minh bằng các bạn khác, con chẳng biết thao tác với các đồ dùng dạy toán gì cả. Mẹ không tin đâu, mẹ cảm thấy con là đứa trẻ thông minh nhất thế giới này, chúng ta ra thao tác đồ dùng dạy toán đi”. Phương pháp này thỉnh thoảng cũng phát huy tác dụng, con tôi cũng có tham gia một lần, rồi mấy tháng sau không động đến nữa. Đến lúc tôi lại dụ dỗ nó, nó đã nói: “Mẹ, sao mẹ cứ ép con thao tác những đồ dùng dạy toán thế?”. Tôi nói: “Mẹ không biết”. Sau đó, giáo viên của con tôi nói: “Sở dĩ con chị không thích chơi với những đồ dùng dạy toán là vì chị đã tạo cho cháu một loạt những trở ngại tâm lý. Chị cứ nói mãi câu: ‘Con đi thao tác những đồ dùng dạy toán đi…’”. Hậu quả là con tôi chán ngắt mấy con số. May mà con tôi đã khá độc lập về ý chí và tư tưởng, gần như không bị ảnh hưởng của người khác. Bốn năm học mầm non, cháu dành toàn bộ thời gian ở “vườn bách thảo” phía sau trường. Cháu đã chơi trọn vẹn đến 6 tuổi rưỡi.

Nói đến các hoạt động dạy học, nhân tiện tôi xin nói thêm về vấn đề “trả về vị trí”. Giáo dục Montessori yêu cầu trẻ đưa đồ đạc trở về vị trí, thông qua hành vi này hình thành cảm giác trật tự của trẻ, làm cơ sở chuẩn bị cho việc học toán sau này. Nhưng Tân Tân trở về nhà thì không thực sự thực hiện hoạt động “trở về vị trí” này, không yêu thích công việc này. Rất nhiều những bậc làm cha làm mẹ cũng gặp phải vấn đề tương tự. Con trẻ ra khỏi nhà, đi đến đâu cũng trả đồ vật về vị trí cũ, duy nhất ở nhà là không hoàn toàn tuân theo quy tắc này. Mỗi lần đến nhà tôi, cô giáo Lưu lại nghiêm khắc nói: “Tân Tân, trả đồ đạc về vị trí cũ! Nếu con không trả đồ đạc về vị trí cũ, cô sẽ vứt cái xe ở ngoài vườn kia của con đi đấy!”. Con tôi thấy tình thế có vẻ thật, bắt đầu đưa các đồ vật trả về vị trí cũ, nhưng không thực sự tự nguyện. Tôi xót con, cũng cảm thấy không thoải mái, nói: “Đang ở nhà, cháu nó cũng có thể không cần quá cứng nhắc”. Cô giáo Lưu nói: “Chị không Montessori gì cả”. Tôi nói chính cô ấy mới không hiểu Montessori. Chẳng lẽ lại cưỡng ép con xây dựng cảm giác trật tự? Tôi cảm thấy cô ấy thật quá nghiêm khắc với con trai mình. Làm như thế sẽ lại nảy sinh ra những vấn đề mới khác.

Tôi vẫn suy nghĩ về vấn đề này trong một thời gian dài, cái kiểu “thu dọn rất có trật tự” này rốt cuộc có liên quan thế nào đến việc học toán? Trong tâm lý học có một cách nói, rằng những đứa trẻ sống trong môi trường của những gia đình lộn xộn, không có trật tự, thường có kết quả học toán không tốt. Nhưng cũng có tình huống là, có một số gia đình thuộc thành phần trí thức, gia đình khá lộn xộn, nhưng cháu học toán vẫn rất tốt. Tôi hỏi cô giáo Lưu: “Có những nhà lúc nào cũng ngăn nắp sạch sẽ, nhưng tư duy của con trẻ lại mơ hồ; có những nhà đồ đạc lộn xộn, nhưng đầu óc con trẻ lại rõ ràng rành mạch. Nguyên nhân là do đâu?”. Sau đó tôi cũng tìm được câu trả lời, con trẻ có trật tự của riêng mình. Vạn vật còn có kết cấu, huống hồ là đầu óc con trẻ!

Chúng ta nên chuẩn bị một môi trường ngăn nắp, những hành vi đúng mực, ngôn ngữ chuẩn mực, suy nghĩ đúng đắn để nuôi dưỡng trật tự nội tại của con trẻ. Một chân lý gần với phép tắc có thể sẽ được trẻ bật ra vào bất cứ lúc nào. Nhưng cốt lõi không nằm ở chỗ con trẻ nói được điều gì khiến người lớn ngạc nhiên mà nằm ở sự trợ giúp trẻ, để trẻ được sống trong một môi trường có trật tự, từ đó xây dựng một hệ thống có trình tự từ trong bản thân, bộ não của trẻ. Đó chính là một môi trường có trật tự một cách tương đối. Nếu sống trong một môi trường trật tự tuyệt đối, nhưng môi trường ngôn ngữ và môi trường hành vi của trẻ lại không chuẩn mực, cũng đều khiến con trẻ bị rối loạn.

Một môi trường có trật tự được xây dựng khiên cưỡng từ sự ép buộc và quyền uy cũng là biểu hiện của sự bạo lực và mất trật tự của chính người lớn. Chúng ta phải dùng tình yêu thương, từng bước giúp trẻ hình thành một môi trường có trật tự. Cùng với sự lớn lên của trẻ, chúng ta sẽ cùng trẻ chăm sóc cho môi trường ấy, sau đó giúp trẻ, để trẻ tự chăm sóc môi trường sống của mình. Đó chính là một phần trong phương pháp dạy trẻ.

Nếu chúng ta có thể cho trẻ một môi trường thoải mái hơn, để trẻ có thể tự tổ chức phần của mình, con trẻ sẽ học được cách quy nạp, con trẻ sẽ nghiêm khắc phân biệt và sắp xếp theo từng loại tất cả những thứ mà bộ não đã tiếp nhận. Điều này cần có thời gian để con trẻ biến nó thành trí lực. Sau khi nắm rõ vấn đề, trí lực sẽ thể hiện chủ yếu thành quy nạp và diễn dịch. Trong cuộc sống, “diễn dịch” cũng gọi là logic. Tôi phát hiện logic của Tân Tân rất mạnh. Một hôm tôi hỏi cháu: “Tân Tân, con người cần nhất điều gì để phát triển?”. Cháu nói: “Yêu!”. Tôi lại hỏi: “Hình thức biểu hiện cụ thể nhất của yêu trong cuộc sống là gì?”. Cháu nói: “Hiểu!”. Trên thực tế cháu trả lời không hay, nhưng cháu đã biết suy luận và suy luận một cách logic. Vì thế tôi nói với cô giáo Lưu: “Cô đừng cố ép con tôi đưa đồ vật trở về vị trí! Cô khiến tôi rất khó xử. Khi cô nói đưa đồ vật trở về vị trí, các cơ trên mặt con tôi bỗng căng lên, con tôi còn quan sát cả sắc mặt của cô. Tôi không muốn con trai tôi phải quan sát sắc mặt của ai để sống. Tôi không muốn con tôi phải sợ bất cứ ai”.

Sau đó tôi quan sát tỉ mỉ, trong rất nhiều việc, Tân Tân rất logic, sắp xếp rất rõ ràng. Khi con tôi 5 tuổi, mỗi lần tôi hỏi con: “Tân Tân, 1 cộng 1 bằng mấy? Con nói cho mẹ nghe xem nào”. Cháu nói: “11!”. Sau đó tôi nghĩ: Đúng, 1 và 1 đặt cạnh nhau đúng là 11 còn gì! Tôi lại hỏi: “Thế 1 cộng với 0 thì bằng mấy?”. Cháu nói: “10!”. Cứ như là đầu óc nhanh nhạy lắm. Sau đó tôi nghĩ: Cu cậu này thật là không thể dạy nổi, thôi bỏ đi vậy, không dạy nữa. Nhưng, một thời gian sau, tôi lại phát hiện tình huống mới. Nhà tôi có một cái đồng hồ, trên mặt đồng hồ có 1, 2, 3… 12. Con tôi thường nằm trên sofa nhìn chiếc đồng hồ. Có một hôm cháu nói với tôi: “Mẹ ơi, con đã phát hiện ra một bí mật!”. Tôi hỏi: “Phát hiện ra bí mật gì?”. Con nói: “Mẹ nhìn xem, sau 11, 12 chắc chắn là 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, đúng không?”. Tôi nói: “Đúng!”. Thực tế là, trên chiếc đồng hồ đó, sau 10 chỉ có 11, 12, nhưng con tôi tự suy luận ra 13, 14…, mà đằng sau mỗi số “1” tất phải là từ 1 đến 9, điều này là tự cháu suy luận ra. Đây là một kiểu phép cộng, là cách tính giờ theo 24 tiếng. Đây chính là cách nhớ của “góc bất kỳ” trong tam giác. Lúc đó tôi vô cùng ngạc nhiên, bởi vì tôi luôn cảm thấy con trai mình thật là ngu muội, rất khó khai thông. Nay con có thể suy luận đến cả vấn đề này, lại một lần nữa chứng minh cho thời kỳ nhạy cảm mà Montessori đã nói.

Tôi nghĩ đến cô bé Văn Tân ở trường chúng tôi. 5 tuổi bé vào trường, lúc đó bé vẫn không biết gì về toán. Khi bé 6 tuổi, bỗng một hôm bé ngạc nhiên kêu lên: “9 cộng 4 là 13; 8 cộng 5 cũng là 13; 7 cộng 6 cũng là 13… đều là 13, các cậu nhìn này!”. Lúc đó, bé đang thao tác với đồ dùng dạy học là tháp số. Bé lại nói tiếp “9 cộng 3 bằng 12” “8 cộng 4 bằng 12”… Trong môi trường Montessori, có đứa trẻ 4 tuổi đã đến thời kỳ nhạy cảm toán học, có đứa trẻ đến 5 tuổi rưỡi mới đến thời kỳ nhạy cảm này, nhưng điều đó không có nghĩa là đứa trẻ 4 tuổi thông minh hơn đứa trẻ 5 tuổi rưỡi. Bởi vì khi đứa trẻ này 4 tuổi, cháu ở vào một thời kỳ nhạy cảm khác.

Điều này cũng có nghĩa rằng, mỗi giai đoạn cuộc sống có một thời kỳ nhạy cảm khác nhau. Trẻ không phát triển về mặt này thì sẽ phát triển về mặt khác.

Trong mắt một số bậc làm cha làm mẹ, thành tích ngữ văn, toán học là tiêu chuẩn đánh giá một đứa trẻ có thông minh hay không. Nhưng đứng trên góc độ sinh tồn ở thế giới này, một con người cần nhiều điều hơn thế. Một con người có lý tính, có thế giới tình cảm, điều này bao gồm cả phẩm chất, nhân cách, đạo đức và thẩm mỹ…, những điều này còn quan trọng hơn nhiều so với việc tính toán và nhận biết mặt chữ! Rất nhiều người xem xong “Titanic” đều rất xúc động, đặc biệt là cô gái đứng ở đầu tàu, giang rộng hai cánh tay, nói: “Em cảm thấy như đang bay”. Đây là một cảm giác, đồng thời cũng là thẩm mỹ. Nhưng cũng có người sẽ nói: “Điều đó thật chẳng có ý nghĩa gì”. Có người khi xem những tác phẩm thư pháp sẽ nói: “Cũng chỉ là khắc mấy cái chữ lên đá mà thôi”. Điều này chứng tỏ điều gì? Chứng tỏ rằng người đó không có cảm giác. Nghệ thuật cũng là một kiểu trí lực. Nó giúp chúng ta có những cảm nhận phong phú về một thế giới khác, đó chính là cuộc sống, là ánh sáng của sinh mệnh. Cho dù là âm nhạc hay là mỹ thuật… thì bản chất của nghệ thuật là để làm đẹp hơn cuộc sống của chúng ta, giúp chúng ta cảm nhận cuộc sống và bản chất của nó. Tôi nghĩ, cho dù bạn không hiểu về mỹ thuật, không hiểu về âm nhạc, nhưng nếu bạn có thể cảm nhận được vẻ đẹp của nó, thì âm nhạc và mỹ thuật đã ở bên cạnh bạn.

Trí lực nghệ thuật của một người phải được xây dựng từ những năm đầu đời. Nhà trẻ của chúng tôi có một bé 3 tuổi, tiết học âm nhạc cháu đã nghe mười lần bản “Thư gửi Elise”, nghe hết mười lần, đã hết tiết học, cháu khóc không chịu rời khỏi lớp mà vẫn muốn nghe tiếp. Cô giáo đành phải kiếm cho cháu một cái đài nhỏ, để cháu đeo tai nghe nghe. Nghe mãi nghe mãi, nghe đến lúc ăn cơm, nghe đến lúc cái đài bị hỏng. Cháu mới 3 tuổi, sao có thể nghe lâu như vậy? Bạn nói cháu không hiểu được bản nhạc này? Tôi thì cảm thấy rằng, cảm nhận của cháu không hề kém gì so với những nhà âm nhạc kiệt xuất. Chẳng lẽ những điều này lại không quan trọng mà chỉ có phép cộng trừ và nhận mặt chữ mới là quan trọng thôi sao?

Con người phải được phát triển toàn diện. Sự khác biệt giữa người với người nằm ở cảm giác về thế giới. Cảm giác của bạn càng tinh tế, càng phong phú, trạng thái cuộc sống của bạn càng tốt. Cảm giác của bạn càng thô ráp, càng đơn giản, trạng thái cuộc sống của bạn sẽ càng kém.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.