Yêu Thương Và Tự Do

Chương 6 TẠI SAO TRẺ EM THÍCH LẶP ĐI LẶP LẠI MỘT VIỆC?



Chúng ta biết là trẻ em thích lặp đi lặp lại một việc. Nghe đi nghe lại một câu chuyện, dăm bữa nửa tháng cũng không chán. Con trẻ tiếp thu được từ câu chuyện đầu tiên là sự logic, sau đó là cảnh tượng và cuối cùng là khái niệm chuẩn xác. Phải tuyệt đối kỹ càng khi lựa chọn sách cho con, để con tiếp thu được những điều tốt nhất.

Sự phát triển đầu tiên của cảm giác, tư duy, trí lực, tư tưởng ở trẻ em cần khá nhiều thời gian, lặp đi lặp lại nhiều lần. Montessori nói: “Lặp đi lặp lại việc luyện tập sẽ hoàn thiện quá trình cảm giác tâm lý của trẻ em”, “Lặp đi lặp lại việc luyện tập là bài tập thể dục trí lực của trẻ em”. Bà còn nói: “Giáo viên hướng dẫn cần dẫn dắt con trẻ đi từ cảm giác đến khái niệm, từ cụ thể đến trừu tượng, đến việc liên hệ giữa các khái niệm”. Những người đã có con, hoặc những người từng tiếp xúc với trẻ em đều biết rằng, trẻ em thích lặp đi lặp lại một việc. Một ví dụ điển hình nhất chính là khi đọc truyện cho các con, người lớn thường chỉ đọc một lần rồi thôi, việc đọc đi đọc lại khiến người lớn cảm thấy nhàm chán. Nhưng trẻ em không như vậy, trẻ em ngày hôm nay nghe câu chuyện, ngày mai cũng nghe, ngày kia cũng nghe, dăm bữa nửa tháng vẫn muốn nghe câu chuyện ấy, không muốn thay đổi. Trẻ em tiếp thu được từ câu chuyện đầu tiên là sự logic, sau đó là cảnh tượng và cuối cùng là khái niệm chuẩn xác. Thế nên, phải tuyệt đối kỹ càng khi lựa chọn sách cho con, tốt nhất là nên đọc trước một lần, bởi vì có rất nhiều sách sai về logic. Nếu bạn không đủ tự tin, thì nên chọn những tác giả nổi tiếng, dịch giả nổi tiếng, họa sĩ minh họa nổi tiếng của những nhà xuất bản tốt, như thế cũng có thể yên tâm hơn nhiều.

Rèn luyện cảm giác của con trẻ cũng thường là như vậy. Nếu hôm nay con sờ vào cái bình, con sẽ liên tục mân mê cái bình đó, rồi bạn nói với con: “Đây là cái bình”. Đó chính là đưa khái niệm kết hợp với cảm giác ở bộ não của con trẻ. Khi bạn cầm cái bình đưa cho con, để con sờ vào cái bình, con sẽ cảm nhận được một khái niệm cụ thể.

Nhưng, nếu chúng ta in hình cái bình trên giấy, rồi mang cho trẻ con xem, thì đó là một thứ nửa cụ thể nửa trừu tượng, thậm chí là hoàn toàn trừu tượng. Nếu lúc đó bạn nói với con từ “cái bình”, thì đó là một khái niệm trừu tượng. Nhận thức của trẻ em đối với thế giới phải bắt nguồn từ cảm giác, sau khi con trẻ liên tục sờ mó, cảm nhận, các em sẽ tiến hành tổ chức, phân loại, quy nạp những thứ mình vừa cảm nhận, từ đó sinh ra khái niệm. Phải nắm bắt được quá trình và cơ hội đó. Giáo dục trẻ em phải bắt đầu từ hiện thực, bắt đầu từ cụ thể, bắt đầu từ sự thực, bắt đầu từ cuộc sống, hết sức tránh tưởng tượng, đây chính là nguyên tắc quan trọng của phương pháp Montessori. Nguyên tắc đó khiến cho hiện thực tràn đầy ý nghĩa, hoàn thiện quá trình hình thành khái niệm, từ đó mà khái niệm được liên hệ chặt chẽ với hiện thực, nguyên tắc đó khiến trẻ em phát triển năng lực điều khiển hiện thực, chứ không phải là “du ngoạn trong thế giới tưởng tượng”.

Một khi nắm vững được khái niệm nào đó, con trẻ sẽ sử dụng rộng rãi khái niệm này và liên hệ tất cả các khái niệm với nhau. Ví dụ hôm nay trẻ được trải nghiệm “cái bình”, lại được trải nghiệm “tròn”. Có được hai khái niệm này, trẻ sẽ tự liên hệ với nhau, sự liên hệ ấy không cần ai chỉ dẫn. Bố mẹ của các con đều biết rằng, lúc đầu các con chỉ biết nói “bố mẹ”, rồi một hôm các con bỗng nói được cả câu dài. Đó là vì các con đã nắm chắc được rất nhiều khái niệm, rồi liên kết các khái niệm ấy với nhau, tự tổ chức lại mà không cần dựa vào người lớn.

Một trong những nhiệm vụ của giáo viên là dẫn dắt các con đi từ cảm giác đến biểu đạt khái niệm. Có những lúc khi tôi nói “Để trẻ tự do”, rất nhiều người nói rằng: “Theo như chị nói, thì trẻ em nông thôn phải phát triển rất tốt, vì không có ai quản lý, từ sáng đến tối chơi ở sân vườn ruộng đồng!”. Vấn đề ở đây nằm ở việc học cách biểu đạt từ ngữ và quá trình hình thành các khái niệm chính xác. Tôi xin đưa ra một ví dụ, trường chúng tôi có nhận một cháu, cháu sống ở nông thôn đến năm 4 tuổi. Cháu thấy con bò thì nói “ò ò”, thấy con gà thì bảo “cúc cù cu”. Rất nhiều khái niệm khác đều mơ hồ như vậy. Cháu biết con bò, nhưng không biết con vật ấy gọi là bò, cháu gọi bò là con “ò ò”. Lúc đó tôi cảm thấy rất ngạc nhiên, tôi nói với các cô: “Cháu bé ở nông thôn, đáng lẽ phải biết những khái niệm này”. Thực tế không phải vậy, bởi vì cháu ở nông thôn được tiếp xúc với những con vật này, cũng có cảm giác, nhưng không có ai đưa cho cháu những khái niệm từ ngữ biểu đạt chính xác, tinh thần của cháu chưa từng được nâng cao và phát triển. Vì thế tâm lý, trí lực của cháu chưa được phát triển tốt.

Trong quá trình dạy học còn cần phải làm một việc, cũng chính là điều Montessori từng nói: “Phải dùng một phương pháp để cách ly sức chú ý nội bộ của trẻ, gắn chặt sức chú ý đó vào một phần tri giác”. Ví dụ như cô giáo cầm một bông hoa, hoặc một bộ quần áo, nói với các em “Đây là màu hồng”, như vậy là cô giáo đó chưa làm được việc “dùng một phương pháp để cách ly sự chú ý nội bộ của trẻ, gắn chặt vào một sự vật nào đó”. Bởi vì trong một lúc cô đã đưa ra với các em quá nhiều thứ: quần áo, màu sắc, người mặc quần áo…

Nếu bạn dùng bảng màu để giải thích màu sắc với các con thì khác hẳn, đó là một vật thật đã được cách ly. Khi con trẻ nhìn vào bảng màu, thị giác của con có thể loại trừ những “sóng nhiễu, kích thích, dụ dỗ” bên ngoài màu sắc, để chỉ cảm nhận riêng một màu đó và hình thành khái niệm. Bạn hỏi: “Đây là màu gì? Màu tím”. Nếu bạn dùng bảng màu để nói với các con từ màu tím, có thể các con sẽ lại nói với bạn rằng: “Áo của cô cũng màu tím, bông hoa bìm bìm trên hàng rào cũng màu tím, giáo cụ kia của chúng con màu tím…”. Quá trình này rõ ràng là một quá trình từ cụ thể đến trừu tượng, từ đặc thù đến phổ biến. Con trẻ vốn đã nhìn thấy và cảm nhận được màu tím ở cuộc sống ở xung quanh các em, nhưng chưa được khái niệm hóa, nay khái niệm này đã được xây dựng, các con có thể sử dụng từ màu tím này với những đồ vật khác. Còn nếu bạn lấy hoa làm giáo cụ để dạy các con màu hồng, các con sẽ cho rằng hoa là màu hồng, màu hồng là hoa.

Montessori đưa ra một số yêu cầu đối với các cô giáo, yêu cầu đầu tiên bà đưa ra là: Khi dạy học, các cô phải dùng những từ đơn giản, chỉ khơi gợi sự liên tưởng giữa tên gọi của những sự vật hoặc khái niệm trừu tượng mà nó đại diện. Tôi xin đưa ra một ví dụ, ví dụ nói tam giác, phương pháp giáo dục Montessori yêu cầu chỉ dạy sự liên hệ khái niệm giữa tên gọi và vật thể mà tên gọi đó đại diện. Cũng có nghĩa là khi tôi đưa ra hình tam giác, tôi sẽ nói luôn với trẻ “đây là hình tam giác”, mà không nói gì thêm.

Điều quan trọng đồng thời là muốn trẻ nắm vững khái niệm một cách chuẩn xác, nhanh chóng và triệt để, bạn cần phải chuẩn bị hai, ba đồ vật trừu tượng hóa để trẻ đối chiếu. Ví dụ bảng màu, bạn nên chỉ ra màu sắc cần khái niệm giữa hai, ba bảng màu khác nhau. Hay như hình tam giác, bạn nên cho so sánh những hình khác nhau, như hình tròn, hình vuông rồi chỉ ra hình tam giác. Nếu không, trẻ sẽ tạm thời ghi nhớ từ ngữ vào trí nhớ, để đợi cơ hội trừu tượng hóa. Quá trình đó có thể rất dài.

Trẻ có thể xây dựng hoạt động ý thức thông qua tên gọi. Ví dụ nhận thức của con trẻ đối với khối cầu có thể bắt đầu từ quả bóng da, cũng có thể đến từ khối cầu (một loại giáo cụ), cũng có thể đến từ ông trăng tròn. Khi người lớn nói đến khối cầu hoặc tròn, con trẻ tìm trong trí nhớ của mình để liên hệ tên và vật thể. Đó là cách nói theo ý nghĩa phổ quát. Trong dạy học cụ thể, chúng ta sử dụng đồ dùng dạy học, dùng tam đoạn thức(1) dạy trẻ một khái niệm chuẩn xác mà cụ thể nào đó, khi trẻ không thể chỉ cho chúng ta vật thể này, chúng ta có thể phát hiện ra con trẻ vẫn chưa hình thành năng lực liên hệ tên gọi và vật thể. Chúng ta hãy học cách chờ đợi trạng thái tâm trí này của trẻ.

Montesseri nói: “Nếu con trẻ không gặp sai sót gì, giáo viên có thể khơi gợi những hoạt động liên quan đến khái niệm vật thể”. Từ “sai sót” ở đây là chỉ việc các con có nắm được chuẩn xác, rõ ràng khái niệm mới hay không. Cách đây không lâu, tôi có nói với con trai mình: “Cả cuộc đời con, con sẽ theo đuổi điều gì?”. Con tôi nói: “Chơi!”. Tôi nói: “Mẹ đang nói tới những lý tưởng cao cả”. Con tôi hỏi: “Mẹ nói cái gì?”. Tôi nói: “Chân, thiện, mỹ chẳng hạn!”. Con tôi nói: “Chân là cái gì ạ?”. Tôi nghĩ: “Mình không thể nói chân là chân lý được, con không hiểu”. Thế là tôi nói: “Chân có nghĩa là chân thực!”. Con tôi cười nói: “Sao mẹ không nói chân có nghĩa là chân lý nữa!”. “Chân thực”, “chân lý” chính là sự phát triển những khái niệm gần nhau. Cũng có nghĩa rằng, khi trẻ hoàn toàn nắm vững một khái niệm, bạn mới có thể thêm vào cho trẻ một nội dung khác.

Khi chúng ta nói với con trẻ về chuỗi thức ăn(2), chúng ta nói đến động vật ăn cỏ, động vật ăn thịt, xác động vật chết đi, sau khi thối rữa có thể làm cho đất đai màu mỡ, khiến cho cây cối càng thêm tốt tươi. Thế thì, những trẻ nắm vững khái niệm có thể nói ngay: “Đây là một quá trình tuần hoàn…”. Trẻ em lớn có thể nói được từ tuần hoàn. Ngay cả một em bé hơn cũng có thể dùng tay ra hiệu, muốn biểu đạt một điều gì đó, vẽ một vòng tròn rồi lại quay về điểm ban đầu. Lúc này, chúng ta chỉ nói “tuần hoàn”, để từ vựng này kết hợp với khái niệm trong đầu trẻ là đủ.

Montessori nói: “Vấn đề phổ cập hóa những khái niệm mà trẻ đã học được, cũng có nghĩa là đưa những khái niệm này ứng dụng vào môi trường trẻ đang ở, tôi không chủ trương dạy những bài kiểu này trong một khoảng thời gian nhất định, thậm chí là trong mấy tháng”. Nếu trẻ mang những khái niệm đã nắm được phổ cập hóa trong quá trình khám phá tự phát ở môi trường, thì đây là một quá trình chuyển đổi cơ chế nội tại, cũng là mục đích của việc nắm vững khái niệm ở trẻ. Quá trình này cần thời gian, có trẻ sẽ làm được ngay, có những trẻ lại cần một khoảng thời gian dài. Đây là vấn đề trì hoãn của nhận thức, không chỉ trẻ em, ngay cả người lớn cũng có. Khi bạn nói với con trẻ về những nội dung này, có thể hàng năm sau con vẫn chưa dùng đến khái niệm này. Nhưng cũng có thể vào một ngày nào đó, khi con trẻ gặp phải những hoàn cảnh tương tự, có thể con sẽ bật ra và hiểu được toàn bộ ý nghĩa của từ đó. Có những trẻ dùng ngay, có những trẻ phải rất lâu rất lâu sau mới dùng đến; có những lúc bạn tưởng là con chưa nắm vững, kỳ thực là con đã tiếp thu, chỉ là chưa sử dụng mà thôi.

Khi con trai tôi 4 tuổi, tôi và con cùng sử dụng bảng màu. Về cơ bản con tôi đã nhận biết được các màu, nhưng cháu không nói, như là không hề có khái niệm gì. Không lâu sau, con tôi bỗng nói rằng: “Mẹ ơi, mẹ xem này, đây là màu hồng nhạt. Màu này đậm hơn một chút, là màu hồng đậm”. Từ sáng đến tối cứ liên tục mấy câu đó, tôi cũng không để ý. Con nói mãi tôi mới nhận ra, con mình đã nắm vững được logic của bảng màu (nhóm thứ nhất của bảng màu là ba màu cơ bản, nhóm thứ hai là ba màu sắc chính và các màu pha trộn cấp một, nhóm thứ ba là ba màu sắc chính, ba màu trung gian cấp hai và ba màu trung gian cấp ba, từ đậm đến nhạt, có bảy mảng màu đậm nhạt khác nhau), và có thể thoải mái vận dụng vào cuộc sống. Cũng có nghĩa là, cháu đã phổ cập hóa khái niệm.

Liên quan đến giáo cụ Montessori, chúng tôi còn có một câu chuyện nhỏ khác. Phần lớn các bảng màu của chúng tôi đều bằng gỗ, ở giữa là bảng màu, hai bên là màu trắng. Tôi biết có một số bảng màu làm từ nhựa, cảm giác của nhựa và gỗ rất khác nhau, nhựa rất nhẹ, sờ vào là biết ngay. Nếu trên đường chúng ta nhìn thấy một miếng gỗ rất đẹp, to khoảng bằng một viên ngói vuông, chắc chắn bạn sẽ nhặt lấy. Còn nếu là một miếng nhựa, có thể bạn sẽ bỏ qua. Điều này là vì sao thì chúng ta không thể lý giải rõ ràng. Chúng ta là người lớn, chúng ta đã không thể nói rõ ràng những cảm giác sơ khai của mình. Nhưng tôi cho rằng, tự nhiên thật kỳ diệu, bản chất của sự sống rất có thể tương thông với những thứ tự nhiên. Con trẻ thích chơi những đồ vật làm từ gỗ và đúng như vậy, như chính chúng ta đã cảm nhận, bảng màu làm từ nhựa sẽ khiến trẻ cảm thấy như một trò chơi, chắc chắn là có khả năng này. Có những bảng tính làm từ gỗ rất to, phải khá vất vả mới ôm nổi. Có những lúc trẻ bê không nổi, phải tì vào bụng mà tha đi. Nếu làm nhỏ đi, hoặc làm bằng nhựa, cảm giác đó cũng hoàn toàn biến mất.

Thầy giáo Lưu chuyên làm giáo cụ cầm một miếng gỗ, dày bằng một cuốn sách, to khoảng bàn tay người lớn. Con trai tôi nhìn thấy liền xin luôn. Kết quả là, tuần đó miếng gỗ này được ưa thích vô cùng. Đám trẻ trường chúng tôi bình thường không tranh giành đồ của bạn, nhưng miếng gỗ này là ngoại lệ. Chỉ cần Tân Tân không cẩn thận để ở đâu đó, quay lại thì miếng gỗ đã bị một bạn khác mang đi mất rồi. Nếu bạn này lơ là, miếng gỗ đó lại sẽ bị một bạn khác nữa mang đi. Buổi tối, Tân Tân ngồi ở bục cửa, khóc ầm ĩ, nói: “Gỗ của con bị Kỳ Kỳ mang về nhà rồi”. Tôi nói: “Gỗ nào? Để mẹ tìm cho con miếng gỗ khác”. “Không, miếng gỗ đấy cơ, miếng gỗ đấy cơ!”. Sau đó tôi hỏi thầy giáo Lưu, thầy nói: “Là một miếng gỗ ở trong xưởng, em cảm thấy miếng gỗ sờ vào rất thích, nên cho Tân Tân”. Tôi nói với con: “Con đừng lo lắng, ngày mai mẹ sẽ tìm miếng gỗ cho con”.

Ngày hôm sau, miếng gỗ đó lại xuất hiện ở trường, cháu này truyền tay cháu kia. Tôi hỏi: “Miếng gỗ này có bí mật gì thế nhỉ?”. Cả nhà thầy giáo Lưu đều làm nghề mộc, thầy nói: “Loại gỗ này hay lắm, cầm lên tay cảm giác rất tuyệt”. Đúng thế, cầm miếng gỗ trên tay vẫn còn lưu giữ được cảm giác của sự sống, tất cả giáo viên chúng tôi đều có thể cảm nhận được điều này, như thầy giáo Lưu nói “rất thích sờ”. Điều này khiến tôi nhớ lại một cuốn tiểu thuyết của Nhật Bản, một đứa trẻ có cái hồ lô, lúc nào nó cũng mang theo, lên lớp cũng mân mê, đi ngủ cũng mân mê, làm gì cũng không rời, sau cùng người khác đã đập vỡ cái hồ lô của nó. Điều này rõ ràng đã phá hoại năng lực cảm giác đối với cái hồ lô của đứa trẻ này.

Thời gian này miếng gỗ đó cũng trở thành “miếng vàng mười” của lũ trẻ con, chúng truyền tay nhau rất lâu, con tôi cũng đã bao lần phải rơi nước mắt vì nó. Một tháng sau, miếng gỗ đó biến mất một cách thần bí.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.