Yêu Thương Và Tự Do

Chương 2 BƯỚC ĐẦU NHẬN BIẾT THẾ GIỚI



“Cảm giác là ngọn nguồn của trí lực”. Một đứa trẻ, một tay cầm khăn mặt, một tay cầm lược, cháu gặm khăn mặt lại gặm chiếc lược. Chúng ta hiểu là trẻ đang dùng miệng cảm nhận mềm và cứng. Đáng tiếc là bố mẹ trẻ không hiểu, không kịp thời nói với cháu hai từ “mềm” và “cứng”; may mắn là họ không giằng khăn mặt và lược khỏi tay cháu bé.

Quan niệm giáo dục thông thường cho rằng, ấn tượng (một số người gọi là thông tin) từ bên ngoài tác động tới trẻ, trẻ tiếp nhận ấn tượng hoặc thông tin đó, lặp đi lặp lại nhiều lần là có thể phát triển trí lực. Cũng giống như việc học sinh tiểu học về nhà chép lại một chữ năm mươi lần cũng là một cách phát triển trí lực. Liệu có phải là như vậy? Montessori không đồng ý với quan điểm này. Bà nói: “Những nhà tâm lý học cứng nhắc đó vẫn có ảnh hưởng rất lớn đến lý luận và thực tiễn giáo dục. Ảnh hưởng đó là gì? Họ cho rằng, những ấn tượng mà chúng ta nhận được từ thế giới bên ngoài dường như là gõ cánh cửa của cơ quan cảm giác của chúng ta rồi ùa vào”.

Tôi đã gặp rất nhiều phụ huynh, trong số đó có một phụ huynh khá điển hình là hiệu trưởng của một trường mầm non. Cô có hai người con, trong đó có một cháu sau khi sinh ra không lâu, cô ấy đã dán chữ “cửa” lên trên cửa, dán chữ “cái bình” lên trên bình… rồi bế đứa trẻ đến đó đọc cho nó nghe, liên tục như vậy. Khi đứa trẻ hơn 4 tuổi, cháu đã có thể đọc sách, biết làm phép cộng trừ. Cô ấy tự cho rằng con trai mình vô cùng thông minh vì con cô ấy biết rất nhiều thứ, đặc biệt là về mặt đọc chữ. Trong quá trình được đào tạo theo phương pháp giáo dục Montessori, cô ấy không đồng ý với một số quan điểm của phương pháp này. Cô ấy cho rằng khi liên tục dùng những sự vật bên ngoài kích thích đứa trẻ, để những sự vật ấy lưu lại ấn tượng trên bộ não chúng, đó chính là trạng thái trí lực.

Montessori cho rằng, cảm giác của trẻ đến từ bên trong. Cũng có nghĩa rằng trẻ con không phải là một cái bình rỗng, chúng không cần người lớn nhồi nhét cho đầy cái bình đó. (Chúng ta cứ tưởng rằng những thứ nhét đầy bình chính là trí lực của trẻ).

Vị phụ huynh này nói: “Phương pháp của tôi cũng có thể giúp con trẻ đạt được một trạng thái trí lực nhất định”. Tôi nói: “Có thể, nhưng có sự khác nhau về bản chất”. Vì con trẻ rất lạ lùng, khi người lớn liên tục kích thích chúng về phương diện nào đó, chúng có thể nhanh chóng nắm bắt được những tri thức của phương diện ấy, như vậy thì trạng thái nắm bắt như thế nào? Tuần thứ hai cô ấy đưa con mình đến, tôi ở bên cạnh quan sát. Tôi nói: “Trí lực của cháu phát triển chậm mất rồi”. Cô ấy hỏi: “Chậm thế nào?”. Tôi nói: “Trạng thái trí lực của cháu hiện giờ chỉ tương đương với trẻ 2 tuổi”. Quan niệm về trí lực của tôi không giống với cô ấy, cô ấy quan niệm trí lực là những điều nắm bắt được từ thế giới bên ngoài. Tôi nói: “Trạng thái này không bình thường. Tôi sẽ đưa cô đi xem những cháu 5 tuổi ở trường này”. Tâm lý, trí lực của con cô ấy rất yếu, chỉ như một đứa trẻ sơ sinh. Trông cháu không tự tin, không kiên cường, không quyết đoán, hình như bất cứ sự việc gì nếu thế giới bên ngoài không phản ứng, cháu sẽ không thể xác định, không thể hiểu rõ, không thể đào sâu suy nghĩ. Cháu không thể tổng hợp những thứ đã học để ứng dụng trong những hoàn cảnh thực tế, hễ cất lời là tri thức, nhưng những tri thức đó lại không liên quan gì đến cuộc sống.

Trường hợp này đã đưa ra cho tôi một gợi ý, đó là: Chúng ta vẫn luôn lấy việc nắm bắt một kỹ năng nào đó làm tiêu chuẩn phát triển trí lực.

Trên thực tế kỹ năng không quan trọng. Trước 6 tuổi, các bé không cần phải học bất cứ kỹ năng nào, cái các bé cần học chính là cách để nắm vững các kỹ năng.

Trong hai cuốn sách của mình, bà Montessori đều nói: “Tất cả trí lực của trẻ em đều phát triển từ cảm giác đến khái niệm”. Bà đã dùng một câu của Édouard Séguin(1): “Dẫn dắt trẻ em từ cảm giác đến khái niệm”. Montessori nói: “Cảm giác là ngọn nguồn của trí lực”.

Chúng ta hãy cùng xem thế nào là cảm giác. Ví dụ chúng ta ngồi nghe diễn giảng, ấn tượng sâu đậm nhất chính là phần nội dung mà các bạn có thể hiểu được. Suốt cả buổi diễn giảng, bạn chỉ có thể lĩnh hội được một phần nội dung. Phần nội dung ấy chắc chắn là phần mà bạn có cảm nhận sâu sắc nhất, liên quan mật thiết tới trạng thái tâm lý và các sự việc mà bạn đã từng trải qua.

Liên quan đến cảm giác của trẻ em, tôi xin dẫn ra một ví dụ. Lúc con tôi hơn 1 tuổi, cháu vẫn chưa biết nói. Lúc đó tôi rất sốt ruột, nghĩ bụng hay là con mình chậm phát triển? Sốt ruột đến nỗi tôi còn đưa con đến bệnh viện để bác sĩ kiểm tra lưỡi. Nhà tôi có một cái thước dạy học, tôi lấy cái thước, chỉ vào đèn, nói với con: “Đây là đèn, đèn, đèn!”. Chỉ xong, tôi lại chỉ sang sách nói: “Đây là sách, sách, sách!”. Ngày ngày tôi bế con, chỉ cho con cái này cái kia, chỉ tất cả những đồ đạc trong nhà, ngày nào cũng thế. Nhưng con tôi vẫn ngây ra, không có bất cứ biểu cảm nào. Tôi nghĩ: “Sao thế nhỉ? Sao phương pháp này không hề có chút tác dụng nào?”. Thính giác của con tôi rất tốt, có những lúc vẫn nói được: “A, a, a!”. Điều này chứng tỏ cổ họng con tôi hoàn toàn bình thường, thế là tôi lấy một cái khăn sạch, kéo lưỡi cháu ra, xem dưới lưỡi có bị dính liền hay không? Không có, chứng tỏ lưỡi cháu cũng bình thường.

Nhưng con tôi vẫn không nói gì. Vào hôm cháu được 2 tuổi 1 tháng, cháu chạy ra ngoài chơi, bên ngoài có một chiếc xe tải đang đỗ, cháu muốn trèo lên thùng xe, tôi đưa cháu lên. Lúc đó đúng vào mùa hè, trời chiều Ninh Hạ xanh thăm thẳm lay động lòng người. Tầng không cao vời vợi, mênh mông không thấy đường chân trời. Con tôi vịn vào thành xe, ngẩng lên nhìn bầu trời. Cháu cứ đứng nhìn thế rất lâu, tôi không hiểu trên bầu trời đang có gì thu hút cháu. Tôi nói: “Trời!”. Con tôi liền nói: “Tời(2)”. Từ đầu tiên cháu biết nói lại là “trời”. Cái miệng bé bỏng của cháu nói liền một mạch: “Tời, tời, tời”. Lúc đó tôi thực sự bất ngờ. Một lúc sau cháu vẫn không ngừng chỉ lên trời nói: “Trời, trời, trời!”. Từ lúc đó trở đi, hễ gặp ai là cháu lại kéo tay người đó nói: “Trời, trời!”. Liên tục trong ba ngày. Sau đó tôi chỉ xuống đất, giậm chân nói: “Đất, đất!”. Con tôi nói: “Đất!”. Đây là từ thứ hai. Lúc đó tôi nghĩ, nên nói thêm cho cháu một thứ giữa trời và đất. Tôi nói: “Cây, cây!”. Cháu không nói, kiên quyết không nói “Cây”. Tôi nói: “Người, người”. Hình như cháu có cảm giác với người, nên nói: “Người, người”. Cháu đã nắm được ba khái niệm đầu tiên: trời, đất, người. Trước đó, trên thực tế tôi đã liên tục chỉ cho cháu “đèn” và “sách”. Lúc nhỏ, con trai tôi thích nhất một việc đó là đến cạnh giá sách, rồi lôi từng quyển sách vứt xuống đất. Khi nào dưới đất đầy sách thì chơi thêm một lúc rồi tè một bãi, tè xong thì đi chỗ khác chơi. Ngày nào cũng như vậy, đến nỗi đống sách nhà tôi lộn xộn hết lên, đành phải đóng thêm cái cửa tủ mà khóa lại. Trong quá trình này, cháu đã tiếp cận sách, sờ mó sách, nhưng khi tôi chỉ cho cháu và nói “sách”, cháu lại không nói. Điều này càng chứng tỏ rằng cháu không quan sát sách, không cảm nhận được sách. Nhưng khi cháu quan sát trời, cháu cảm thấy xúc động, có cảm giác với trời, đúng vào lúc đó thì tôi dạy cho cháu từ này.

Từ ngữ nắm bắt cảm giác, củng cố cảm giác, diễn giải cảm giác, tô đậm cảm giác, khiến những cảm giác mơ hồ, sắp tan biến trở thành những đối tượng rõ ràng cụ thể. Montessori nói, đó chính là trí lực. Trí lực chính là từ cảm giác phát triển thành khái niệm.

Trí lực là một quá trình, mọi cảm giác gia tăng trong quá trình này đều gắn liền với kinh nghiệm và thể nghiệm, từ khi sinh ra trẻ em đã có được năng lực này. Năng lực này ở mỗi người đều không giống nhau, quá trình này ở mỗi người cũng không giống nhau.

Giờ chúng ta đã hiểu được bản chất của cách “dạy” theo quan niệm thông thường: Hướng cho trẻ tập trung chú ý về một thứ, và “dạy” trẻ thứ đó. Nhưng sức chú ý không phải là cảm giác, càng không phải là cảm giác sâu sắc. Bạn biết cảm giác của trẻ phải cần đến bao nhiêu thời gian không? Hơn nữa, bạn bảo trẻ chú ý vào một đóa hoa, nhưng có thể trẻ lại tập trung sự chú ý vào một vết lốm đốm trên hoa. Tôi dám nói cách “dạy” này e rằng sẽ làm rối con trẻ, bạn không biết dùng từ ngữ để khái niệm hóa cái gì; đối với con trẻ từ ngữ của bạn đều không biết biểu đạt cho cái gì. Khi những đứa trẻ đó đến tuổi đi học, đầu óc không mạch lạc, năng lực tư duy yếu. Lớn lên đầu óc cũng lơ mơ, hơn nữa quan hệ giữa người với người – như giáo sư nổi tiếng của Đại học Bắc Kinh – Kim Khắc Mộc đã nói: “Không có ai hiểu ai”.

Những điều tôi vừa nói đều là những lời từ chính miệng tôi, toàn bộ đều là khái niệm, không có câu nào không phải là khái niệm. Tất cả ngôn ngữ của tôi đều là do các khái niệm cấu thành. Nhưng, nếu tôi nói y nguyên như vậy với trẻ, chúng không thể hiểu. Con trẻ dựa vào những gì để hiểu được? Con trẻ dựa vào cảm giác. Cảm giác bao gồm những gì? Thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác, thính giác. Trẻ em nhận biết sự vật, hiện tượng bằng chính những cảm giác đó, rồi hình thành khái niệm, sau đó lại tiến hành liên kết giữa khái niệm và khái niệm. Thực ra không khó để phát hiện ra rằng, dường như trước 6 tuổi con trẻ chỉ làm mỗi một việc này.

Tất cả trẻ em vừa sinh ra đều dùng miệng để nhận thức thế giới, sau đó dùng tay sờ. Đó là “miệng thông tay sáng”. Hiện tượng này chứng tỏ trẻ không bị động tiếp nhận thông tin người khác truyền đạt cho chúng mà hoàn toàn chủ động và tích cực. Bản thân trẻ em có phôi thai tinh thần. Phôi thai tinh thần có một năng lực đặc biệt giúp trẻ nhận thức thế giới, năng lực đặc biệt ấy gọi là “thời kỳ nhạy cảm”. Trạng thái sống của trẻ là do những thời kỳ nhạy cảm nối tiếp nhau tạo thành.

Ví dụ cụ thể là thời kỳ nhạy cảm của trẻ sơ sinh nằm ở vòm miệng, vòm miệng của chúng là nhạy cảm nhất. Dường như tất cả tinh lực của trẻ đều tập trung vào việc ăn. Trên thực tế, trẻ em dưới 1 tuổi hoàn toàn dùng miệng để cảm nhận thế giới. Dù là vật gì trẻ cũng cảm nhận bằng miệng.

Rất nhiều người cho rằng hành động đưa các thứ vào miệng của trẻ chẳng mang một ý nghĩa gì, hoặc là biểu hiện của việc không biết đói no. Trẻ vừa sinh ra, nếu vô tình đưa tay vào miệng, lần thứ hai trẻ cũng sẽ làm như vậy, lần thứ ba, lần thứ tư… Bạn sẽ phát hiện ra rằng động tác đưa tay vào miệng của trẻ vừa nhanh vừa chuẩn xác. Bạn cũng đã thấy tư thế nằm ngủ của rất nhiều trẻ đều giống nhau – hai bàn tay nắm rất chặt. Lúc đó trẻ vẫn chưa có kinh nghiệm. Kinh nghiệm chưa mách bảo trẻ tay có thể cho vào miệng, trẻ chưa biết khống chế đôi tay của mình. Nhưng một khi trẻ đã cho tay vào miệng, sau lần thể nghiệm đầu tiên, trẻ sẽ liên tiếp cho tay vào miệng các lần tiếp theo. Những động tác liên tục đó sẽ sinh ra một cảm giác, cảm giác này lặp đi lặp lại sẽ sinh ra kinh nghiệm, kinh nghiệm này sinh ra trí lực. Jean Piaget(3)gọi đó là “manh nha của trí lực”.

Trên thực tế, trước 1 tuổi, với trẻ, bất cứ việc gì trên thế giới này có thể cầm được và cho được vào miệng, trẻ sẽ cho vào miệng. Ví dụ một người bạn của tôi, con của cô ấy cầm một chiếc khăn mặt cho vào miệng, trong khi tay kia lại cầm một chiếc lược, một vật rất cứng. Cháu liên tục dùng miệng gặm khăn, rồi lại gặm lược. Cứ thế lặp đi lặp lại, lần lượt. Cô bạn tôi cảm thấy rất ngạc nhiên nên hỏi tôi. Trên thực tế chúng ta biết trẻ đã có cảm giác với “mềm” và “cứng”, trẻ dùng miệng để cảm nhận. Nhưng đáng tiếc là cha mẹ cháu lại không biết, không kịp thời đưa ra hai từ “mềm” và “cứng” phối hợp với những cảm giác vừa được thiết lập, may là họ chưa giằng khăn và lược khỏi tay cháu bé.

Tôi cảm thấy điều đáng tiếc trong cả quá trình phát triển của trẻ em chính là ở đây. Một mặt, chúng ta đã phá hoại cảm giác của trẻ đúng vào lúc chúng đang cảm nhận; mặt khác, khi con trẻ đã cảm nhận được, chúng ta không kịp thời đưa ra những từ ngữ phối hợp với cảm giác của chúng. Tầm quan trọng của việc phối hợp chính là ở chỗ này.

Trước đó không lâu tôi đã đọc cuốn “Thiên tài và sự giáo dục từ sớm(4)” của tác giả Kimura Kyuichi (1883 – 1997) nhà giáo dục, tâm lý học người Nhật. Cuốn sách viết lại câu chuyện xảy ra vào thế kỷ trước ở một vùng quê nước Đức, ông bố Karl Witte(5)đã dùng tư tưởng giáo dục của mình như thế nào để dạy con trai. Tác giả trình bày rõ một quan niệm: “Thiên tài là hứng thú bất tận và niềm say mê vô bờ bến”. Hứng thú đó không phải do người lớn bồi đắp nên, mà là do trời sinh ra đã có. Chúng ta có thể nhìn ra điều này ở tất cả những nhà trẻ, những trường mẫu giáo. Theo nhận thức của tôi, phương pháp này có những điểm tương đồng to lớn với phương pháp Montessori. Ông lấy một ví dụ, khi đứa trẻ nắm lấy ngón tay bạn đưa vào miệng, rồi mút ngón tay bạn, bạn nhớ phải dùng giọng nói hiền hòa rõ ràng mà lặp đi lặp lại “ngón tay”. Phương pháp giáo dục này cũng giống với phương pháp giáo dục chúng ta đã nói ở trên, khi đứa trẻ đưa một vật vào miệng để cảm nhận mềm và cứng, người lớn phải kịp thời đưa ra những khái niệm cho trẻ. Sự hứng thú với ngón tay chính là đặc trưng của thiên tài, hiểu và nuôi dưỡng đặc trưng này đến lúc trẻ trưởng thành, trẻ sẽ có thể trở thành thiên tài.

Đáng tiếc là phần lớn chúng ta không biết điều này, cho nên không thể đối xử với trẻ như vậy. Ngược lại, điều chúng ta thường làm là:

Khi trẻ không có cảm giác, chúng ta không ngừng ép buộc trẻ, dạy cho trẻ thứ này thứ kia, có người còn nói quá nhiều. Khi trẻ đang có cảm giác nào đó, chúng ta không những không nhận ra cơ hội, mà lại quấy rầy trẻ, phá hoại cảm giác của trẻ. Như thế, sự quan sát và cảm giác nội tại của trẻ sẽ dần dần mất sạch trong quá trình ép buộc đó.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.