Yêu Thương Và Tự Do
Chương 17 VÌ YÊU NÊN TỰ NGUYỆN THUẬN THEO, VÌ CÓ Ý CHÍ NÊN CÓ THỂ THUẬN THEO
Trên lớp có người đến nghe giảng, cô mong trẻ thể hiện tốt một chút, con trẻ có thể cảm nhận được tâm tư của cô. Để phối hợp với cô, bạn Lã Từ tính toán và viết đáp án trong cả tiếng đồng hồ. Cô biết trẻ làm thế hoàn toàn là vì cô. Sự thuận theo của con trẻ gần như là vô hạn, trẻ có thể xách đồ cho cô đến tê cả tay, có thể đi theo cô đến phồng cả chân, con trẻ quyết định thuận theo trong tình yêu dành cho cô, chấp hành sự thuận theo bằng ý chí của mình.
Khi bàn về phẩm giá của con trẻ, chúng ta phải nói đến hai điểm, một là thuận theo, hai là ý chí. Đối với người lớn, chúng ta nói đến sự thuận theo chân lý và bản chất khách quan của sự vật, là ý chí chủ quan kiên trì và tìm tòi chân lý. Đương nhiên, nhận thức về chân lý của mọi người khác nhau rất nhiều. Ở đây tôi chỉ xin bàn ở khía cạnh tích cực, trên nghĩa khẳng định.
Rất nhiều người làm cha mẹ biết rằng, trẻ trong trường mầm non sợ đổi giáo viên, con trẻ sợ, bố mẹ sợ, hiệu trưởng cũng sợ. Sợ cái gì? Sợ con trẻ không thích nghi? Giáo viên chủ nhiệm lớp “Thiên Thần” của trường chúng tôi, cô giáo Tống mà học sinh yêu quý đột ngột chuyển đi Bắc Kinh, nhưng tình hình của lớp vẫn không hề biến động.
Trường Montessori đổi giáo viên dựa trên tình hình phát triển và hiệu quả công việc của giáo viên, dựa trên tình hình phát triển của con trẻ. Mỗi lần điều chuyển, con trẻ đều vô cùng bình tĩnh, mọi sinh hoạt vẫn diễn ra bình thường. Cô giáo mới đến hỏi: “Nam Nam, con làm đề này được không?”. Nam Nam nói: “Con đang bận, con đang làm việc, mong cô đừng làm phiền con”. Cô giáo mới lại hỏi: “Lã Từ, đàn khúc này cho cô nghe được không?”. Lã Từ nói: “Con không đàn, vì hiện giờ con không muốn đàn”. Cô trưởng ban cảm khái nói: “Trẻ con lớp này không thừa nhận giáo viên, chỉ thừa nhận chân lý”. Vì thế trường chúng tôi không sợ thay giáo viên.
Nhưng khi phát hiện cô giáo có khách, con trẻ sẽ cảm nhận được cô đang mong mình đi làm việc. Trẻ sẽ làm việc chăm chỉ, thật lòng phối hợp với cô. Bạn Lã Từ làm phép tính, viết đáp án trong một tiếng đồng hồ. Cô giáo biết, trẻ không thật sự tự nguyện, trẻ làm vậy là vì cô. Bỗng chốc, trong lòng cô trào dâng cảm giác yêu thương và cảm kích đối với trẻ.
Sự thuận theo của con trẻ không những gần như là vô hạn, mà còn vô cùng cảm động. Khi con trẻ xuất hiện tình trạng thuận theo, bạn muốn trẻ làm gì cũng được. Mang đồ đạc, bưng bát đĩa, chăm sóc các em nhỏ… Trẻ sẽ cố gắng bằng mọi cách để hoàn thành những công việc khó khăn nhất, vô cùng vui vẻ khi làm tốt công việc của mình. Trong sự thuận theo này, sức mạnh ý chí của trẻ cũng đã xuất hiện.
Trong một buổi dạy tối, chị Lý Thục Ba (mẹ một cháu trong trường Montessori Ninh Hạ của chúng tôi) không có ai trông con nên phải mang theo con lên lớp. Chị nói với con: “Đông ơi, chúng ta đang ở trong lớp của mẹ, con không được làm ồn, mà phải ngồi thật yên lặng. Con vẽ tranh nhé, con có làm được không?”. Con chị gật đầu. Cậu bé mới chưa đầy 3 tuổi có thể ngồi yên lặng trong vòng hai tiếng đồng hồ. Đây chính là điều khiến chị Ba cảm động nhất.
Ở đây vừa có sự thuận theo mãnh liệt lại có cả ý chí kiên cường. Có lúc con trẻ còn chưa quyết định được hành vi theo lý trí của mình, trẻ chỉ quyết định thuận theo vì tình yêu, và chấp hành sự thuận theo nhờ lý trí. Con trẻ có thể xách đồ cho bạn đến nỗi tê cả tay, đi bộ theo bạn đến sưng cả chân. Có được ý chí này, thì dù là việc gì trẻ cũng có thể vượt qua.
Nền giáo dục cũ luôn hy vọng con trẻ tuyệt đối thuận theo người lớn, con càng thuận theo thì càng được khen ngoan, khen hiểu biết. Sự đối xử của người lớn với trẻ em gần như chỉ là thuyết giáo và nêu gương, chúng ta muốn dùng cách này để đứa trẻ thuận theo mình. Nhưng trên thực tế, điều này không thể xảy ra, bởi vì cho dù trẻ có thuận theo, nhưng đó chỉ là thái độ “bằng mặt không bằng lòng”. Montessori nói với chúng ta rằng, ở một mức độ nhất định, phương pháp giáo dục truyền thống đang ép buộc và cưỡng bức con trẻ. Lâu dần, đến một ngày nào đó, trẻ bỗng phát hiện ra, trẻ bị buộc phải phục tùng những ai đó hay chính cô giáo của mình, trong lòng trẻ đã sinh ra một áp lực vô cùng to lớn, áp lực ấy sẽ bùng phát khi không có cô giáo hoặc khi không có ai kìm nén, trẻ sẽ phá phách. Đây chính là “có áp bức tất có phản kháng”.
Sự thực là như vậy. Với những trẻ chuyển từ trường mầm non truyền thống đến trường chúng tôi, lúc mới đến các bé vô cùng quy củ, luôn khoanh tay thẳng lưng khi ngồi trong lớp. Nhưng mấy hôm sau, các bé phát hiện ra nơi này rất tự do, các cô cực kỳ tôn trọng các con. Phát hiện này thật tuyệt vời làm sao! Chúng hò hét, làm “người máy”, “siêu nhân”, tung đồ chơi và đồ dùng dạy học lên trần nhà! Đẩy giá đồ dùng dạy học đổ xuống đất, rồi nhảy múa ngay ở đó… phá phách mấy ngày liền. Bạn thử nghĩ xem phải mất bao nhiêu công sức để những đứa trẻ này có thể yên tĩnh, để chúng có được trạng thái thuận theo xuất phát tự đáy lòng. Chỉ có thể dùng lòng yêu thương! Dùng sự tự do! Dùng nụ cười rạng rỡ! Vì thế mỗi khi nghe nói sắp có trẻ từ trường khác chuyển vào, các cô đều cảm thấy rất đau đầu.
Cho đến tận bây giờ vẫn có người hỏi tôi, khi bước ra khỏi mái trường Montessori, con trẻ làm thế nào để thích ứng với xã hội này? Lý do để họ nghi ngờ là vì trẻ của trường chúng tôi quá tự do, họ cho rằng đám trẻ Montessori không biết giữ kỷ luật. Sự thực hoàn toàn ngược lại, trẻ được giáo dục theo phương pháp Montessori rất biết tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực xã hội. Trẻ nói được làm được, biết được ý chí của mình có thể làm được những gì. Khi đám trẻ của chúng tôi đến sân vận động xem hội thao, chúng không khác gì những chiến sĩ bộ đội, có thể đứng yên lặng ở đó hàng tiếng đồng hồ, không hề chạy nhảy lung tung, khiến ai cũng phải ngạc nhiên. Trên thực tế, đám trẻ của chúng tôi đi tới đâu cũng thế, vì kỷ luật của chúng xuất phát từ bản thân, chứ không vì tiếng la hét và sự ép buộc của các cô.
Những trẻ em được giáo dục theo phương pháp Montessori đều có khả năng kiềm chế bản thân trong những tình huống thông thường, trẻ biết nên làm gì ở đâu. Các cô giáo thường xuyên dẫn trẻ ra sân bay, ga tàu hỏa, thư viện… trẻ biết cần phải giữ yên lặng ở những chỗ nào. Trong tự do, nếu không bị ai làm phiền, trẻ có thể quan sát, cảm nhận môi trường xung quanh và điều tiết bản thân cho phù hợp.
Những đứa trẻ như thế tồn tại như một người có tinh thần tự do, trong bất cứ hoàn cảnh nào, cũng có thể cảm nhận được những nguyên tắc mình cần phải tuân theo và có tư thế thích hợp với hoàn cảnh. Những trẻ không thể cảm nhận được môi trường xung quanh là những trẻ đã chịu quá nhiều sức ép. Khi sức ép ấy lớn đến mức đủ để khiến trẻ đau khổ, thì không những trẻ không thể cảm nhận được hoàn cảnh, mà tệ hại hơn, khi phát hiện ra không có ai bó buộc mình, trẻ sẽ bắt đầu phá phách.
Trong môi trường tự do, trẻ được tôn trọng, được tự quyết định mọi cử chỉ và hành động của mình, nên hiện tượng không giữ kỷ luật lại trở thành hiện tượng cá biệt.
Có rất nhiều người làm cha mẹ cho rằng: Có hai thứ trẻ em nhận được từ người lớn, một là kiến thức, hai là đạo đức. Chúng tôi lại có nhận định hoàn toàn khác hẳn. Tự nhiên ban tặng cho bản thân mỗi người một loại sức mạnh tinh thần vĩ đại nhất, cao thượng nhất; và Montessorri nói rằng, sự hình thành phẩm giá, nhân cách, trí lực của con trẻ hoàn toàn dựa vào chính bản thân trẻ, chứ không phải dựa vào những người đã trưởng thành. Thông qua công việc của mình, trẻ mới có thể xây dựng bản thân, nhưng sau 6 tuổi, năng lực ấy sẽ hoàn toàn biến mất. Sau 6 tuổi, con trẻ sẽ dùng cơ sở của sáu năm đầu đời bắt đầu tiếp thu kiến thức. Nói một cách khác, nền móng của tòa nhà cuộc đời được xây dựng trong sáu năm đầu đời, và quá trình ấy là dựa vào bản thân trẻ, mà không dựa vào thầy cô hay cha mẹ.
Ở đây tôi muốn nói thêm một chút, sau mười mấy năm làm công tác giáo dục thực tiễn, chúng tôi phát hiện vẫn cần bàn thêm về quan điểm này của Montessori. Khả năng hấp thu của trẻ em sau 6 tuổi vẫn chưa hoàn toàn mất đi, ở một số trẻ, khả năng này có thể kéo dài đến 8 tuổi, thậm chí là muộn hơn.
Ý chí theo nghĩa thông thường chúng ta thường nói là khả năng khắc phục khó khăn một cách có mục đích. Ví dụ chúng ta cho rằng một đứa trẻ có thể khắc phục khó khăn là một đứa trẻ có ý chí. Trên thực tế, trẻ em luôn hứng thú với việc khắc phục khó khăn, hoàn thành công việc. Trẻ em không sợ khó khăn, chỉ có người lớn chúng ta sợ. Montessori cho rằng, tinh thần đấu tranh đến cùng với mệnh lệnh người lớn của trẻ em chính là ý chí. Khi trẻ gặp phải vấn đề về tâm lý, trẻ sẽ không thể phản kháng lại người lớn. Khi khả năng này mất đi, trẻ bắt đầu khuất phục người lớn, quan sát sắc mặt của người lớn. Khi trẻ bắt đầu quan sát sắc mặt của người lớn cũng chính là lúc ý chí của trẻ đã bị tước đoạt hoàn toàn.
Những thần đồng là người như thế nào? Thâm tâm trẻ có sự thúc giục, cũng giống như chúng tôi đã nói ở trên, một khi trẻ đã hình thành phẩm chất của bản thân mình, phẩm chất đó liên tục nói với trẻ rằng “đi làm việc này”, nếu không được làm thì cảm thấy rất đau khổ. Trước sự thúc giục của sức mạnh này, con trẻ sẽ hoàn thành rất tốt công việc đó, và được gọi là thần đồng, trẻ không cần dựa dẫm vào sự ép buộc và trợ giúp của bất cứ ai.
Sức mạnh ý chí cũng được hình thành như vậy, con trẻ tự hình thành sức mạnh ý chí của mình trong quá trình phát triển của bản thân. Ở vấn đề này, Montessori đã đưa ra quan điểm: “Giống như những gì người ta từng nói, chúng ta cũng sẽ cảm thấy nhu cầu chi phối ý chí hoặc phá vỡ ý chí. Vì chúng ta cảm thấy điều đó là cần thiết, nên chúng ta sẽ lấy ý chí của mình để ép con trẻ phục tùng”. Hiện tượng này xảy ra rất phổ biến, chúng ta luôn cho rằng không được nuông chiều con trẻ, những việc gì trẻ làm được thì để trẻ làm, việc gì không làm được thì không được cho trẻ làm.
Chúng ta có một quan niệm sai lầm, ý chí là một từ trung tính. Ví dụ chúng ta cho rằng, tuy người xấu là rất xấu, nhưng người đó có sức mạnh ý chí, vì khi làm việc xấu họ có thể làm đến cùng. Thực tế không phải là như vậy, phôi thai tinh thần của con trẻ chỉ dẫn trẻ đi làm một việc đều là những hành vi mang tính xây dựng. Quá trình phát triển phôi thai tinh thần từ 0 đến 6 tuổi, quá trình thực thể hóa phôi thai tinh thần ấy mang tính xây dựng. Nếu những hành vi mang tính xây dựng đó đều được thỏa mãn, giống như Montessori đã nói, tất cả hành vi của trẻ đều là “tính bản thiện”, thì mục đích cả cuộc đời của trẻ sẽ là không ngừng hoàn thiện bản thân, bao gồm cả tình yêu và lý tưởng.
Khi một người có lý tưởng, thì quá trình thực hiện lý tưởng ấy chính là quá trình thể hiện sức mạnh ý chí. Trước 30 tuổi là quá trình chuẩn bị bản ngã, sau 30 tuổi là quá trình không ngừng hướng tới sự hoàn thiện, là một quá trình không ngừng hoàn thiện bản thân, không ngừng gột rửa tâm hồn ngay từ lúc sinh ra đến lúc từ giã cõi đời. Giả dụ trạng thái bình thường của một con người chính là trạng thái đã nói ở trên, thì ý chí vô cùng quan trọng trong cuộc đời con người.
Trên thực tế, quá trình phát triển tự nhiên, bình thường của con người chính là quá trình sức mạnh ý chí hình thành. Con trẻ được làm điều mình muốn thì sẽ chìm đắm vào công việc, sự chìm đắm ấy trở thành tập trung và hình thành ý chí.
Rất nhiều người không thấy được rằng, trường mầm non truyền thống bắt trẻ ngồi yên một chỗ, cô giáo giảng bài lại có gì không hợp lý. Quan niệm về giáo dục mầm non trên thế giới đã thay đổi từ đầu thế kỷ trước, người ta đã không còn “dạy” trẻ bằng cách truyền miệng, mà con trẻ tự xây dựng bản thân thông qua những hoạt động hàng ngày. Tại sao đến tận hôm nay chúng ta vẫn đang tiếp tục dùng quan niệm giáo dục và phương pháp giáo dục đã lạc hậu đến cả thế kỷ để “giáo dục” con em chúng ta. Chúng ta vẫn tiếp tục dùng phương pháp giáo dục của cha ông chúng ta mà không hề hấp thu thêm một quan niệm mới nào. Bạn có thể đến bất cứ một nơi nào trên thế giới mà xem, ngay cả những nước châu Phi cũng không còn dùng phương pháp truyền miệng để giáo dục con trẻ. Dùng phương pháp này, con trẻ không được dùng hành vi để thực hiện phôi thai tinh thần của bản thân nên đành phải ngồi yên ở đó mà “nghe giảng”. Con trẻ quá yếu đuối, lúc nào cũng phải “ngưỡng vọng” người lớn, như Montessori nói là, chúng ta khống chế ý chí của con trẻ, có lúc chúng ta ủng hộ, có lúc lại tước đoạt ý chí của trẻ. Dạy theo cách truyền miệng chính là quá trình tước đoạt ý chí của con trẻ.
“Con trẻ phải được tự lập trong cuộc sống để có sự độc lập về cơ thể; phải được tự do lựa chọn để có được sự độc lập về ý chí; phải được tự do làm việc để có được sự độc lập về tư tưởng”.
Một con người được độc lập về cả ba phương diện này thì nhân cách mới hoàn thiện. Chúng ta phải tôn trọng tất cả các hoạt động tự phát của con trẻ. Trẻ phải sử dụng ý chí để tự lựa chọn mình sẽ làm gì. Quá trình lựa chọn ấy chính là quá trình không ngừng sử dụng ý chí của bản thân trẻ, vì thế bạn không được phép để cho ý chí của trẻ nhàn rỗi, giống như bạn đang cất những cuốn sách không đọc tới trên giá sách nhà mình. Không được sử dụng ý chí, sức mạnh ý chí luôn thay đổi, con trẻ cũng mất luôn cả khả năng làm việc.
Con trẻ phải liên tục lựa chọn, khi bạn không đồng ý trẻ dám phản kháng lại, đó chính là cách con trẻ hình thành sức mạnh ý chí của mình. Montessori nói: “Sự thực là ý chí không hề dẫn tới sự hỗn loạn và bạo hành. Hỗn loạn, bạo hành chính là biểu hiện của rối loạn cảm xúc và đau khổ”. Montessori cho rằng, nếu từ 0 đến 6 tuổi trẻ không được phát triển tốt, trẻ sẽ bị trói trong những sự việc vụn vặt và lợi ích vật chất tầm thường, cả cuộc đời không thể thoát ra khỏi cái vòng luẩn quẩn này, giống như là bị nhốt trong bốn bức tường giam. Bên ngoài bức tường là cả thế giới tươi đẹp và chân trời khoa học, nhưng trẻ không thể thoát ra. Tất cả nỗ lực của con người nằm ở chỗ vượt qua những ham muốn của bản thân để đạt đến một trạng thái tinh thần. Ngày hôm nay chúng ta đã đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển bình thường của loài người, chúng ta cũng không biết trạng thái của con người là phải như thế nào, chúng ta rất hiếm khi được nhìn thấy một người bình thường, nên lại coi những người không bình thường thành những người bình thường. Nếu con người không thể đạt tới trạng thái bình thường, tất nhiên quan hệ giữa người với người chính là quan hệ đấu tranh.
Montessori đưa ra ví dụ, một vị phu nhân hỏi đứa trẻ: “Các con thích làm gì thì làm sao?”. Câu hỏi này cũng có nghĩa rằng, tất cả hành động của các con đều tùy tiện. Bé trả lời: “Không, thưa phu nhân, không phải là chúng con thích làm gì thì làm, mà là chúng con thích tất cả những việc chúng con làm”. Đây đã trở thành một công việc có ý thức, cũng có nghĩa là mỗi đứa trẻ thích công việc của chúng, chứ không phải chúng thích gì làm nấy. Montessori nói, có những việc vốn đã là không cần nói đã hiểu, ý chí và ý thức chính là một khả năng phát triển đồng thời với sự vận động và hoạt động của con trẻ.
Khả năng ấy được phát triển thế nào? Chúng ta thử làm một phép so sánh đơn giản, như việc đi bộ. Lúc 1 tuổi, các bé bắt đầu tập đi, khi bạn nói với bé là không được đi, bé sẽ không nghe theo lời bạn, từng phút từng giây bé muốn tách khỏi bạn để đi. Vậy đi để làm gì? Bởi vì đôi chân bé liên tục nói với bé rằng “muốn đi”, nên bé phải thuận theo đôi chân mình. Bé bắt đầu liên tục luyện tập cho đến khi cơ năng đi của đôi chân có thể thành thục, khi có thể đi vững thì bé lại thay đổi: “Mẹ bế”. Con người là như vậy, khi có một nguyện vọng, con người ta sẽ không ngừng thực hiện nguyện vọng đó. Đến khi thực hiện được rồi, nguyện vọng ấy sẽ bị đóng đinh lại. Con trẻ thông qua hoạt động có ý thức để luyện tập đôi chân của mình, khi trẻ có được khả năng ấy, trẻ sẽ từ bỏ nó để được bố mẹ bế.
Điều cốt lõi của vấn đề là, sự phát triển của ý chí là một quá trình lâu dài, chậm chạp, phát triển theo một chuỗi các hoạt động có liên quan đến hoàn cảnh, nên cũng rất dễ bị cản trở. Montessori nhắc đến, trong quá trình hình thành ý chí, tinh thần con người là một tòa nhà tự xây dựng trong bí mật mà người xây nên nó không phải là cha mẹ hay thầy cô mà là bản thân con trẻ. Cho dù là cha mẹ hay thầy cô, thì điều lớn nhất mà những người lớn có thể làm là giúp đỡ trẻ làm việc, “giúp đỡ” chính là nhiệm vụ và mục đích của người lớn chúng ta.
Chúng ta bằng lòng với việc giáo dục theo tấm gương. Một nhân vật trong câu chuyện kể sẽ trở thành điển hình mẫu mực đáng mô phỏng cho trẻ, trở thành trọng tài đánh giá sự đúng sai của trẻ, bỏ qua sức tưởng tượng và ý chí của bản thân con trẻ. Đây là cách nhìn sai lệch của quan niệm giáo dục thông thường. Sự thực là ý chí chỉ có thể phát triển dựa trên sức mạnh tự thân của một người. Sức tưởng tượng, sức sáng tạo và sức mạnh ý chí của con trẻ được xây dựng trong những hoạt động tự phát của trẻ, chứ không dựa vào những bài thuyết giáo không bao giờ có hồi kết của người lớn. Chúng ta không được phép để cho ý chí và tưởng tượng của con trẻ nhàn rỗi. Một khi ý chí bị nhàn rỗi, con người đó sẽ mất luôn cả phẩm chất thành công.
Montessori nói: “Trong phương pháp giáo dục truyền thống, giáo viên sẽ suy luận theo một phương pháp logic, anh ta nói rằng: ‘Muốn dạy người khác, tôi phải thật tốt, thật hoàn thiện. Tôi biết mình phải làm gì và không nên làm gì. Vì thế, khi con trẻ mô phỏng tôi, phục tùng tôi, tất cả sẽ khiến người khác vừa ý’. Bí mật cơ bản của mọi sự vật nằm ở sự phục tùng, điều này khiến cho công việc của giáo viên trở nên dễ dàng, thậm chí là khiến người ta tự hào. Anh ta còn biện luận rằng: ‘Đứng trước tôi là một đứa trẻ vô tri, không bình thường. Tôi phải cải chính lại, biến đứa trẻ ấy thành một người ưu tú như tôi’. Anh ta đang làm một việc trong ‘Kinh thánh’ đã đề cập tới: ‘Thượng đế tạo ra con người theo hình tượng của mình’. Anh ta đang đóng vai trò của Thượng đế”. Montessori nói: “Người lớn không ý thức được mình đang đóng vai trò của Thượng đế, và cũng quên luôn cả câu chuyện ma quỷ đã biến thành ma quỷ như thế nào trong ‘Kinh thánh’. Nói cách khác là, anh ta cảm thấy tự hào mà muốn thay thế vai trò của Thượng đế”. Trong khi thực tế, người giáo viên đang phá hoại sức sáng tạo và ý chí của con trẻ.
Bản thân tinh thần con trẻ đang tiến hành công việc tôn quý hơn nhiều so với những gì mà các giáo viên và cha mẹ con có thể tưởng tượng. Từ 0 đến 6 tuổi, trẻ đang làm một việc, đó là xây dựng tinh thần của bản thân mình. Cha mẹ và thầy cô cũng chỉ có thể làm một việc, đó là giúp đỡ trẻ.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.