Yêu Thương Và Tự Do

Chương 21 VẤN ĐỀ TÂM LÝ VÀ SINH LÝ CỦA “ĂN”



Ăn là một lĩnh vực quan trọng của phát triển tâm lý và trí lực thời kỳ đầu của trẻ. Ăn có thể phát triển năng lực trí tuệ, xây dựng ý chí và sự tự tôn. Ví dụ khi chúng ta đưa trẻ đi mua đồ, nếu bạn giao cho con trẻ quyền “lựa chọn”, trẻ sẽ biết loại bỏ bao nhiêu những thực phẩm hấp dẫn bên ngoài để lựa chọn thứ trẻ cần nhất, đây là một quá trình xây dựng ý chí. Nhưng, trên thực tế rất nhiều cha mẹ đã muốn can thiệp vào quyết định của con trẻ.

Có nhiều người làm cha mẹ cho rằng con mình thật ích kỷ. Khi trẻ ăn cơm cùng người lớn, nếu có đồ trẻ thích ăn, cho dù người khác cũng thích, thì trẻ vẫn không thèm nghĩ đến phần người khác. Hiện tượng này chứng tỏ điều gì?

Lúc này, con trẻ chưa có ý thức “đạo đức”, nên càng không biết thế nào là “ích kỷ”. Montessori cho rằng quan niệm đạo đức được thành lập sau khi trẻ 12 tuổi. Đồ ăn rất quan trọng với trẻ, là cả thế giới của trẻ, trẻ chỉ thản nhiên và thành thực sử dụng bản năng tự nhiên của mình, giống như nhân vật trong “Tình yêu cuộc sống” của Jack London(1), sau khi trải qua trận đói thừa sống thiếu chết thì trở nên béo đến kinh người, khắp người giắt đầy bánh mì kiếm được từ khắp nơi. Kinh nghiệm đói ăn khiến anh ta thể hiện rõ bản năng.

Nhưng khi hơn 2 tuổi, con trẻ đã có ý thức về “vật này”, “vật kia”, “của con”, “của bạn”, “của mọi người”. Cũng có thể nói một cách đơn giản là, trẻ đã có “quan niệm tư hữu” và “quan niệm của chung”. Trẻ biết cái gì là của mình, cái gì là của người khác. Lúc này, nên xây dựng cho trẻ quan niệm đạo đức là không được động đến đồ của người khác, và đồ của mình thì có thể thoải mái sử dụng và cho người khác mượn. Khi trật tự này (có thể chưa hình thành quan niệm) được thành lập, đây sẽ là một chuẩn mực cơ bản trong cuộc sống, và cũng là mầm mống của đạo đức.

Ăn là một lĩnh vực quan trọng trong việc xây dựng tâm lý và trí lực thời kỳ đầu của trẻ. Ăn có thể phát triển khả năng trí tuệ, xây dựng ý chí và sự tự tôn. Ví dụ như chúng ta dẫn con trẻ đi mua đồ, nếu bạn giao cho trẻ quyền “lựa chọn”, trẻ sẽ biết loại bỏ bao nhiêu thực phẩm hấp dẫn bên ngoài để chọn thứ trẻ cần thiết nhất, đây chính là quá trình xây dựng ý chí. Nhưng trên thực tế, rất nhiều người làm cha mẹ muốn can thiệp vào quyết định của con trẻ. Con muốn mua thứ này thì bố mẹ liền nói: “Con đừng có lấy thứ này, ăn không tốt đâu, thứ này mới ngon”. Dụ dỗ con trẻ mua thứ mà mình cho là tốt. Kết quả là đã mua, nhưng tâm trạng trẻ không tốt, thậm chí là đau khổ. Thực tế là con trẻ luôn đánh giá cao những thứ mà chúng lựa chọn.

Tự lựa chọn là tiêu chí để con trẻ ý thức được sự độc lập. Khi xuất hiện sự độc lập này, được nếm trải và ứng dụng, con trẻ sẽ cảm thấy vô cùng vui mừng và hưng phấn. Quá trình mua này rất có ích cho con trẻ. Nhưng con trẻ cũng sẽ dễ dàng cảm thấy bị ngăn trở và kìm nén, bởi vì ở đây liên quan đến “vấn đề kinh tế”. Tôi thường nói với các bậc cha mẹ thế này: “Bạn chọn đi, bạn dùng số tiền này để cho con một tâm trạng vô cùng vui vẻ giúp con phát triển hay là sợ lãng phí số tiền này, nên bắt con mua một thứ đồ mà bạn cho là thực dụng với con hơn”. Chúng ta phát hiện ra là rất nhiều người lựa chọn số hai.

“Ăn” có nghĩa là sự phát triển về tâm lý và trí lực đối với trẻ, là cách nhận thức sự vật qua đường miệng, nghĩa là sự tự tôn, nghĩa là sự lựa chọn, nghĩa là sự hình thành ý chí. Vì thế ăn và chơi là hai nhiệm vụ chính của trẻ con.

Nếu trẻ không được thỏa mãn về việc “ăn”, chắc chắn sự tự tôn của trẻ sẽ không được phát triển, lòng tự tôn của trẻ không cao. Trẻ sẽ thường xuyên nhìn đồ ăn của người khác, có những lúc không vì thỏa mãn cái bụng của mình, mà hoàn toàn chỉ là thỏa mãn cảm giác của cái miệng. Cũng giống như những đứa trẻ mới sinh cảm nhận thế giới bằng vòm miệng, cái gì con cũng cho lên miệng. Lúc này trẻ muốn nhận thức những thứ ở bên ngoài, mà thông qua đường miệng, ăn trở thành điều kiện để trẻ phát triển. Thế giới này rất phong phú, người lớn cũng thích “nếm trải”, có những lúc chỉ ăn một tí rồi thôi, có lúc chỉ muốn mua, mua về mà không làm gì. Lâu dần, tự nhiên người lớn sẽ hiểu được những thứ đó là thế nào. Người lớn còn như vậy, huống hồ là trẻ nhỏ. Ngăn cản trẻ nếm trải, cũng giống như ngăn trở chúng ta nhìn thấy thế giới đang gần trong gang tấc. Hãy cố gắng thỏa mãn mọi nhu cầu của trẻ từ 0 đến 6 tuổi, trẻ sẽ không vượt quá những điều trẻ cần. Ghi nhớ là, cố gắng thỏa mãn trẻ.

Cách tốt nhất chính là một tuần cho trẻ mua một thứ. Cố định thời gian, ví dụ chủ nhật, vậy thì chủ nhật hàng tuần hãy đưa trẻ đi siêu thị. Chúng tôi từng hẹn ba, bốn gia đình làm thực nghiệm, sau một thời gian dài, chúng tôi phát hiện những thứ các con mua cũng không quá ba mươi tệ (một trăm nghìn tiền Việt). Bạn cho con tự do, cho con chọn lựa, không can thiệp. Tôi thường xuyên làm thực nghiệm này với con trai mình, phát hiện thấy con chỉ dùng khoảng hai mươi tệ là thôi. Tôi hỏi con có cần nữa không, cháu nói: “Thôi ạ!” và thỏa mãn ra về. Mỗi tuần một lần, cháu không xin đồ của ai, cũng không thèm thuồng đồ của ai, vô cùng tự tin. Nhìn dáng vẻ con trẻ tràn đầy tự tin lúc xách đồ và mua đồ, thật vô cùng ngây ngất.

Theo tôi, điều kiện kinh tế cũng không ảnh hưởng đến sự phát triển của con trẻ, tiền nhiều tiền ít không quan trọng, bạn có thể căn cứ vào điều kiện kinh tế của mình để quyết định số tiền trẻ được tiêu. Mấu chốt của vấn đề nằm ở chỗ bạn có giao cho con quyền tự do lựa chọn hay không?

Trên bàn ăn, cách ăn của trẻ con và người lớn cũng hoàn toàn khác nhau. Người lớn thích các món trên bàn ăn phải đa dạng, để thử mỗi món một tí. Trẻ con không như vậy, có lúc trẻ chỉ ăn một món rồi thôi. Có lúc con trẻ thích ăn thịt, ăn mãi không thôi, rồi một ngày thậm chí là hai ngày không ăn gì cả. Người lớn bắt đầu lo lắng, nghĩ đủ mọi cách bắt trẻ ăn. Nhiều khi trẻ cũng ăn để an ủi người lớn, kết quả là tiêu hóa không tốt, bị sốt, bị viêm amidan. Chúng ta thử nghĩ về con hổ mà xem, sau khi ăn xong một bữa thịt, nó phải nghỉ mấy bữa, chỉ uống nước, bao giờ đói mới ăn. Tôi tin là dạ dày của trẻ không thể tốt bằng dạ dày của hổ, tại sao không để trẻ tiêu hóa hết chỗ thịt đã ăn? Tôi để ý thấy con mình cũng như vậy, có bữa ăn hết cả đĩa thịt, có lúc chỉ ăn một bát cơm, có lúc chỉ ăn rau. Nhưng nếu xét trên cả tuần, lượng thức ăn của cháu tương đối cân bằng. Cháu khỏe mạnh, vui vẻ và ít ốm.

Quá trình quan sát lâu dài khiến tôi nhận ra rằng, cơ thể con trẻ tự biết đói no và có thể tự điều tiết. Trẻ có thể điều chỉnh kết cấu của thức ăn qua cảm giác của cơ thể mình. Vì thế, tôi thường xuyên để các loại thức ăn khác nhau trên bàn cho con tự lựa chọn, thời gian ăn và thức ăn của mình. Đừng để con trẻ phải nói với nhau rằng: “Chúng mình khổ thật đấy, vừa phải ăn vừa phải ngủ”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.