Yêu Thương Và Tự Do
YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO, QUY TẮC VÀ BÌNH ĐẲNG
Dùng tình yêu đánh thức tính tích cực trong quá trình trưởng thành của con trẻ;
Dùng không gian tự do để xác lập nhiệt tình sáng tạo và ý thức bản ngã của con trẻ;
Dùng việc thực thể hóa những quy tắc để hình thành trật tự xã hội và trí tuệ của bản thân con trẻ;
Dùng quan hệ bình đẳng dẫn dắt xã hội tương lai phát triển hài hòa văn minh.
Cho con tình yêu như thế nào?
Sinh mệnh của chúng ta là một quá trình vô cùng kỳ diệu. Từ lúc được sinh ra, chúng ta đã nhận thức thế giới bằng nội tâm sâu thẳm của mình. Nhưng từng giây từng phút chúng ta phải liên kết với nội tâm ấy. Sự liên kết ấy bền chắc bao nhiêu, chúng ta sẽ cảm thấy vững tin vào thế giới này bấy nhiêu. Chúng ta sẽ trở thành một con người không bao giờ cảm thấy cô độc. Khi con trẻ đến với thế giới này, cơ thể trẻ phải rời khỏi nguồn năng lượng to lớn đã sinh ra trẻ, nhưng tinh thần trẻ lại đang mở ra, trẻ sẽ khơi gợi bản năng yêu thương của người mẹ, đây chính là một trình tự mà tự nhiên đã sắp xếp. Cảm giác an toàn của con trẻ dựa trên sự gắn kết với bố mẹ, đó cũng chính là điều mà chúng ta gọi là tình yêu thương. Có tình yêu, trẻ mới tiếp tục sống trong cõi đời này. Tình yêu thương đối với con trẻ sinh ra sự gắn kết giữa cha mẹ và con, xây dựng cho trẻ cảm giác an toàn cơ bản.
Tình yêu thương không phải là một cách nghĩ được sinh ra trong đầu óc chúng ta. Ví dụ tất cả các bậc làm cha mẹ đều nghĩ thế này: Không có cha mẹ nào lại không yêu con mình. Tôi yêu con tôi lắm. Tất cả mọi việc làm của chúng ta đều được núp dưới cái tên gọi “tôi yêu con tôi”. Nhưng, kết quả mà chúng ta nhìn thấy là, con trẻ vẫn thiếu tình yêu.
Vậy mấu chốt vấn đề nằm ở đâu?
Chúng tôi phát hiện ra rằng, vấn đề nằm ở chỗ, khoảng cách khác nhau giữa người lớn và trẻ em quá xa. Thuở ban đầu, trẻ em chính là sự sống, khi trẻ bước ra từ sự sống, trẻ mang theo sự sống để đến cuộc đời này. Nhưng người lớn chúng ta đã quá xa rời sự sống. Cũng giống như khi chúng ta ngồi cạnh nhau trong một cuộc hội nghị, chúng ta ngồi cạnh nhau nhưng không thể gắn kết sức sống của bản thân mình với sức sống của người bên cạnh để trở thành một dòng chảy. Chúng ta mãi mãi sẽ: tôi là tôi và anh là anh. Nếu tôi và anh muốn hiểu nhau thì phải dùng lời nói để trao đổi. Lời nói chính là phương tiện yếu ớt nhất, sử dụng đến ngôn ngữ là việc bất đắc dĩ của loài người.
Nhưng trẻ em không như vậy. Thuở ban đầu, trẻ chưa biết nói, sau đó khả năng biểu đạt ngôn ngữ của trẻ vẫn chưa tốt, trẻ vẫn chưa thể hình thành khả năng ngôn ngữ đủ để biểu đạt tư duy và logic. Vậy, trẻ giao tiếp với bố mẹ bằng cách nào? Con dùng sự sống, dùng tình cảm, cảm giác và tâm hồn trong cuộc sống để gắn kết với người lớn. Mỗi người mẹ đều phải khởi động hình thái sức sống cao cấp này, bỏ lại tư duy của người lớn và cách thức giao tiếp vẫn hay dùng của người lớn. Khi bạn là một người mẹ, bạn có thể phát hiện ra một bí mật: Con của bạn không cần nghe thấy bạn nói gì mà có thể cảm nhận được hàm nghĩa thực sự phía sau lời nói của bạn. Con càng khóc mẹ càng lo lắng, bạn có giả vờ bình tĩnh cũng không tác dụng gì, bạn có nói gì con cũng không chịu nghe. Trẻ con có một khả năng cảm nhận chân tướng sự việc một cách cao độ. Nếu bạn nói gì con cũng chịu nghe thì thế giới này sẽ đơn giản biết chừng nào.
Tất cả những người làm cha làm mẹ đều nói với con mình: “Mẹ mong con tốt hơn, mẹ mong con có thành tích, mẹ mong con có phẩm chất đạo đức tốt”. Nhưng chúng ta vẫn nhìn thấy những đứa trẻ của ngày hôm nay không làm được điều này. Tại sao vậy? Bởi vì con trẻ biết chắc, bạn nói bao nhiêu điều, nhưng đằng sau đó còn bao nhiêu điều khác thế. Trạng thái của con trẻ có thể hiểu được trực tiếp những điều đằng sau đó. Sự mê muội và hỗn loạn khiến bạn không hiểu được con mình như thế nào, cuối cùng cũng khiến con bạn hỗn loạn theo.
Ngày hôm nay, có rất nhiều bậc cha mẹ nói với tôi, con tôi đã 14, 15 tuổi rồi, tối ngày lên mạng, tối ngày chơi game, có tiền là lặn mất tăm, không chịu học hành… Sau đó họ nhờ tôi giúp con cái họ. Tôi nói tôi không thể giúp được con cái họ, vì chính họ đã biến chúng trở thành như thế. Nếu bạn thực sự muốn con mình thay đổi, bạn phải thay đổi mình trước. Vì thế người tôi cần phải giúp là bạn, nếu bạn thay đổi được dạng thức hiện tại của mình, con bạn cũng sẽ thay đổi.
Tất cả những người làm cha mẹ đều cho rằng họ đang yêu thương con mình. Con thi trượt, họ sẽ nói: “Sao con được có 60 điểm? Sao con lại kém cỏi thế không biết! Ngày nào con cũng vùi đầu vào game thế này thì học hành thế nào? Thật là mất mặt quá đi…”. Bạn có bao giờ ngồi xuống cùng con và nói: “Mẹ và con cùng suy nghĩ xem vấn đề là do đâu?”. Là vì khái niệm không rõ ràng? Suy nghĩ không mạch lạc? Vì độ tuổi nhận thức của con trẻ chưa đến lúc để học những thứ đó? Là vì thầy cô giáo? Hay là con trẻ chưa đến lúc có tư duy trừu tượng? Hay là chưa đến độ tuổi về tâm lý?…
Nhưng bạn không muốn biết gì hết, bạn chỉ biết một điểm: Con bạn không tốt. Sau một mớ ngôn từ, bạn quay ra nói với người khác rằng: “Tôi nói nó vì tôi yêu nó, vì muốn tốt cho nó, vì đứa trẻ này mà tôi đã bóp nát cả trái tim mình”. Đạo lý này có đầy đủ không? Nếu đầy đủ, chỉ là trên góc độ của bạn. Và kết quả của những lời nói này là con bạn sẽ không nghe bạn, con bạn sẽ chỉ trích bạn, oán trách bạn. Tâm lý của con trẻ là: “Mẹ không cho con chơi đúng không? Thế thì con sẽ chơi cho mẹ xem. Mẹ muốn con học đúng không? Thế thì con sẽ không học đâu”. Thậm chí trẻ cũng không biết rằng tiềm thức của trẻ đang mâu thuẫn, nhưng kết quả dẫn đến là như vậy. Tuyệt đại đa số những người làm cha làm mẹ đều gây ra những vấn đề của con trẻ bằng cách này.
Rất nhiều người sẽ nghĩ tại sao đối thoại của chúng ta với con trẻ lại thành ra thế này? Đó là vì bản thân chúng ta cũng lớn lên trong những lời chỉ trích. Từ nhỏ chúng ta đã đấu tranh với quyền uy để lớn lên, khi trưởng thành chúng ta cũng tự nhiên áp dụng theo công thức này, và thành ra không biết nói chuyện với con cái.
Mấy hôm trước, khi tôi ở Bắc Kinh, có một phụ huynh đến tìm tôi. Con chị ấy chín tuổi, đang ngồi trên ghế, mẹ thì nói liên tục, thao thao bất tuyệt, nói chính xác là “bọt tung nghìn dặm” chứ không phải là “tuôn trào nghìn dặm”. Nào là cô giáo đã nói với mẹ như thế nào, vấn đề này của con ra sao, vấn đề kia của con ra sao… rồi liên tục khiển trách con. Người mẹ này có trình độ giáo dục rất cao, kiểu khiển trách con của chị thế này: “Tại sao con lại nói chuyện trong lớp?”, “Con nói cho mẹ nghe, tại sao con lại nói chuyện trong lớp?”. Còn chưa đợi con trả lời, chị ấy đã nói tiếp. Gần như “nói” là cốt lõi của vấn đề, chị ấy cần phải nói liên tục… Và đã liên tục hơn hai giờ đồng hồ. Tôi nhìn thấy mắt con chị ấy cứ chớp hoài. Chị ấy hỏi tôi: “Tại sao con tôi cứ chớp mắt như thế? Tại sao con tôi cứ nhún vai như thế?”. Tôi nói đó là vì áp lực. Chị nói bao nhiêu như thế, con chị có thể ngồi yên nghe không phản đối đã là tuyệt vời lắm rồi. Và đương nhiên là con chị chỉ có thể chớp mắt mà thôi.
Tôi hỏi bé: “Mẹ nói thế con có cảm thấy áp lực không?”.
Bé gật đầu.
Tôi nói: “Thế tại sao cô giáo hay phải nhắc con, lại còn mời cả mẹ con đến, con giải thích việc này như thế nào?”.
Bé nói: “Bởi vì con hay nói chuyện với bạn bên cạnh”.
Tôi hỏi: “Thế tại sao con hay nói chuyện với bạn bên cạnh?”.
Bé nói: “Có hai nguyên nhân, thứ nhất, giờ ra chơi chúng con chưa nói hết chuyện nên vào lớp phải nói nốt. Con không thể đợi đến giờ ra chơi tiếp theo được. Thứ hai, con cảm thấy phần thứ hai trong bài giảng của cô toàn những thứ linh tinh, con không muốn nghe”.
Tôi hỏi: “Thế con đã nói với mẹ chưa?”.
Bé nói: “Nhưng mà mẹ không cho con cơ hội để nói”.
Tôi liền hỏi mẹ bé: “Chị có biết tại sao cô giáo lại nói con chị và muốn chị về nhà dạy bảo con mình không?”.
Chị nói: “Vì nó nói chuyện trong lớp”.
Tôi nói: “Cô giáo cũng không muốn biết nguyên nhân, cô giáo cũng giống như chị, muốn nói ra để gây áp lực. Cô giáo liên tục nói với chị, gây áp lực với chị, chị lại liên tục nói với con, đem toàn bộ áp lực ấy đổ lên đầu con. Chị trút bỏ toàn bộ áp lực lên con trai chị”.
Tôi nói: “Chị hãy thử phân tích xem, giọng điệu và thái độ khi cô giáo nói với chị, có phần nào là bắt nguồn từ trạng thái tình cảm của cô ấy, và phần nào bắt nguồn từ tình hình thực tế của con chị?”.
Tôi hỏi bé có cách nào giải quyết hai vấn đề trên không. Bé nghĩ rồi nói: “Lần sau con sẽ tranh thủ thời gian nói hết chuyện với bạn, thời gian nghỉ trưa cũng dài, con sẽ cố nói cho hết chuyện”.
Tôi nói: “Thế vấn đề thứ hai, khi con cảm thấy cô giáo dạy không hay, con sẽ làm gì?”.
Bé nói: “Con chẳng có cách gì cả”.
Tôi nói: “Con có thể làm bài tập hoặc đọc sách không?”.
Bé nói: “Không được, làm như thế cô giáo sẽ tức giận. Cô nói, cô không cần biết các con có nghe không, nhưng mắt các con phải nhìn vào cô, điều này thể hiện sự tôn trọng của các con dành cho cô”.
Đây là sự miêu tả của con trẻ, chuẩn xác, rõ ràng…
Cô giáo coi việc trẻ phải dõi theo mình là sự tôn trọng. Cô giáo có một phần “cái tôi” yếu ớt ở trong đó. Đây chính là hiện thực, một hiện thực tàn khốc. Nếu cô giáo chịu nghe học sinh nói, liệu các cô có thể tự kiểm điểm lại mình?
Tôi nói: “Khi mẹ con nói xong, con làm thế nào để giải tỏa tâm lý căng thẳng của mình?”.
Bé nói: “Con có hai cách, một là con lấy cái đệm ghế ra đập cho hết tức; hai là lúc nào mẹ con không có ở đây, con sẽ hét ầm lên trong phòng”.
Tôi vô cùng cảm khái. Một đứa trẻ trí tuệ đến nhường ấy, một đứa trẻ bình tĩnh đến nhường ấy, gần như không nói một câu thừa. Nhưng cháu không thể đối diện với những người lớn này, và họ cũng không buông tha cho cháu, mẹ cháu không tha cho cháu, ngày nào cũng phải dạy dỗ cháu, cô giáo cũng không tha cho cháu, muốn dạy dỗ cháu. Tất cả những điều đấy cứ thế xảy ra một cách không hề hay biết.
Cổ trẻ đã cong, lưng trẻ đã hơi gù. Nhưng trẻ vẫn nhẫn nại ngồi nghe, kiên nhẫn mà bình tĩnh.
Đây là một người mẹ điển hình của tầng lớp trí thức. Người mẹ nói tiếp: “Con tôi còn có một đặc điểm, đó là thỉnh thoảng nói leo cô, những chỗ cô nói không xác đáng, nó lại thêm vào một câu khiến cho cả lớp cười ầm”.
Đây là một quá trình đấu trí đấu dũng, từ đó có thể thấy, tâm thái của cô giáo đã phải chịu đựng áp lực và sự phẫn nộ đến chừng nào. Thế giới này đã tồn tại như thế đấy.
Người mẹ nói: “Cứ mỗi khi tan học, cô giáo lại xông vào văn phòng, cầm lấy điện thoại gọi cho tôi, giáo huấn một trận, tôi về nhà cũng lại giáo huấn con một trận”.
Người mẹ nói với con: “Con nên biết là, hôm qua mẹ vừa nói chuyện với con ba tiếng đồng hồ. Con nghĩ xem, mẹ yêu và quan tâm đến con biết chừng nào”.
Ba tiếng đồng hồ, trẻ vẫn nghe mẹ nói, thật là một khoảng thời gian dài đến đáng sợ. Tôi có cảm giác rằng, đứa bé này chính là người trị liệu tâm lý cho mẹ nó, là người để mẹ nó trút bỏ mọi áp lực. Mẹ cứ nói, con cứ nghe, và nghe…
Người mẹ đó vẫn đang nói với tôi rằng, chị ấy yêu con mình đến chừng nào.
Rốt cuộc thế nào là tình yêu?
Con trẻ sẽ giúp chúng ta hiểu được thế nào là tình yêu. Con trẻ sẽ giúp chúng ta thay đổi trạng thái sinh tồn từ trước đến giờ.
Hai hôm trước, tôi có hỏi một cô giáo: “Em đến trường được ba tháng rồi, em đã có những trải nghiệm gì?”.
Cô giáo nói: “Trải nghiệm đầu tiên của em là, con trẻ hiểu được tình yêu, còn em thì không”. Nghe cô giáo nói, tôi thực sự cảm động, vì cô ấy đã nói thực.
Tôi hỏi cô ấy: “Em làm thế nào mà cảm nhận được điều này?”.
Cô ấy nói: “Có một hôm, một bé chạy từ phía sau đến ôm em, nói với em rằng: ‘Con yêu cô lắm!’. Em quay lại, quỳ xuống nhìn con, nhưng giây phút đó em không biết nói với con thế nào”. Con trẻ thể hiện tình yêu thật tự nhiên, nhưng cô giáo lại không biết thể hiện tình yêu thế nào, bởi vì cô vừa vào trường chưa được bao lâu. Vì thế, cô phải nghĩ một lúc rất lâu mới cố nói được một câu: “Cô cũng rất yêu con”. Con bước đi, vô cùng vui vẻ, vô cùng thoải mái.
Cô ấy nói, giây phút đó cô ấy thực sự xúc động, cô ấy nghĩ tại sao mình không thể thể hiện tình yêu đối với trẻ? Tôi tin rằng cô ấy sẽ trở thành một cô giáo tốt, bởi vì cô ấy có thể cảm nhận được những thay đổi của bản thân mình.
Điều tôi muốn nói ở đây là tại sao những người làm cha mẹ cảm thấy trách mắng con mình dễ dàng bao nhiêu thì lại cảm thấy nói những lời yêu thương con mình khó khăn bấy nhiêu? Điều gì đã ngăn trở chúng ta làm vậy? Đó là vì quá trình trưởng thành đã ngăn cản chúng ta.
Nhân loại không thể thiếu tình yêu. Cho dù bạn có bao nhiêu thành tích, bạn muốn thể hiện giá trị của mình đến mức nào, nguyện vọng căn bản nhất của loài người chính là yêu và được yêu, quan tâm và được quan tâm, công nhận và được công nhận, cảm giác được giá trị của bản thân, được tôn trọng và cảm giác an toàn. Đây chính là những yêu cầu căn bản nhất của con người. Cho dù là một đứa trẻ con, một em bé sơ sinh, một người trưởng thành mạnh mẽ, hay một người già, cho dù là bạn hay là ai đi nữa cũng đều có những nhu cầu tâm lý căn bản này, và những nhu cầu này không hề liên quan đến việc bạn có bao nhiêu thành tích.
Trong quá trình trưởng thành thuở ấu thơ của mình, trẻ em phải nhận được sự quan tâm và tình yêu thương của bố mẹ, phải được bố mẹ coi trọng. Trong thời gian từ 0 đến 12 tuổi, khi trẻ ở trường mầm non và trường học, trẻ phải nhận được sự tôn trọng của mọi người. Sự yêu thương, cảm giác giá trị ấy mới ăn sâu bám rễ vào cuộc sống của trẻ. Con trẻ xác định rằng, trẻ có giá trị rất cao, trẻ là đáng yêu, trẻ là quan trọng, trẻ sẽ mang niềm vui đến cho rất nhiều người. Thế giới này nếu không có trẻ sẽ có rất nhiều người phải đau khổ. Trạng thái ấy được trẻ tự xây dựng vào thời kỳ ấu thơ của bản thân trẻ chứ không hề dựa vào những giá trị bên ngoài. Đây cũng chính là lý do tại sao chúng tôi lại nói rằng, phương pháp giáo dục này khác với phương pháp giáo dục trong quá khứ ở những điểm sau đây:
Cô giáo yêu trẻ vì trẻ là trẻ chứ không vì một nguyên nhân nào khác. Cô không vì trẻ kể chuyện hay, không vì trẻ thi được 100 điểm, không vì hôm nay trẻ đã làm được những việc gì, mà vì chính bản thân trẻ. Bản thân trẻ đã đủ những lý do để cô yêu trẻ. Đây chính là trạng thái chí tôn của cuộc sống mà chúng ta đã từng nói. Cuộc sống vốn cao quý. Vì cuộc sống vốn cao quý nên tất cả năng lượng cuộc sống mà trẻ thể hiện ra chính là tình yêu.
Vì thế rất nhiều người nói: “Tôi cho con tôi tình yêu!”. Tôi đã nói với rất nhiều người mẹ là, họ phải nói rằng: “Con tôi đã đánh thức tình yêu sâu thẳm của tôi”. Bạn hãy nhìn những em bé mới chào đời, cho dù là ở bất cứ nơi nào trên thế giới này, em bé sơ sinh và thế giới này luôn là một thể thống nhất. Và tất cả những người còn lại, cho dù là một người xấu, khi nhìn thấy một em bé sơ sinh, cũng sẽ “ô”, “a” với bé. Điều đó có phải vì tình yêu? Không phải, đó là vì trạng thái của con trẻ sẽ khơi gợi một thứ mà từ lâu anh ta đã quên lãng, đã vứt bỏ, đã không còn tin tưởng, đó chính là tình yêu.
Trẻ sơ sinh liên tục dẫn dắt chúng ta. Vì thế trên quả địa cầu này, khi các em bé sơ sinh chào đời, các bé cũng mang theo tình yêu thương vô tận và đầy đủ, dẫn dụ bạn tìm lại tình yêu mà bạn đã đánh mất.
Yêu trẻ, thể hiện trong từng chi tiết của cuộc sống
Yêu không bao giờ là những suy nghĩ trong đầu óc bạn, yêu cũng không phải muốn yêu là có thể yêu. Yêu thể hiện trong từng ánh mắt, từng động tác, thần thái, suy nghĩ, ý thức, thể hiện trong từng chi tiết của cuộc sống.
Điều tôi muốn nói là, yêu thương là một loại quan hệ; bạn không thể cất giữ tình yêu trong tâm hồn mình; bạn cũng không thể nhìn thấy; nhưng khi chúng ta gắn kết lại, chúng ta sẽ nhìn thấy tình yêu trong quan hệ của hai bên.
“Con làm sao thế hả?”. Đấy không phải là tình yêu. “Sao con lại làm hỏng của mẹ rồi?”. Đấy cũng không phải là tình yêu. Nếu con trẻ làm sai một việc, bạn hãy cầm lấy đôi bàn tay bé nhỏ của con nói: “Mẹ yêu con, nhưng việc này con không được làm thế”. Đó là tình yêu. Nếu bạn gặp nhiều áp lực, bạn cảm thấy mình sắp nổi nóng, bạn không thể tiếp tục kiềm chế bản thân, bạn hãy nói với con rằng: “Hiện giờ mẹ không được thoải mái, mẹ muốn ở một mình để giải tỏa tâm trạng của mình. Nhưng tâm trạng của mẹ không liên quan gì đến con, không phải lỗi của con. Đây là áp lực công việc của mẹ”. Đó mới là tình yêu.
Thế nên, tình yêu phải được thể hiện trong từng chi tiết của cuộc sống. Tình yêu không thể ẩn giấu một cách trừu tượng trong bộ não của chúng ta. Bạn nói với con là: “Sao con lại mặc bộ này?”. Con nói: “Vì con thích”. Bạn nói: “Bộ này xấu lắm, con không được mặc, chỉ mấy đứa lưu manh mới ăn mặc thế này”. Đây không phải là tình yêu, bạn đang yêu chính bản thân mình. Bạn không thể đem con mình ra để phục vụ cho mục đích của mình. Bạn thấy chồng chưa về, bạn nói với con mình: “Đi ra gọi bố về, nhanh lên”. Đấy không phải là tình yêu, mà là bạn đang lợi dụng con mình để phục vụ cho lợi ích của mình.
Những chi tiết nhỏ ấy đã tạo nên sinh mệnh. Con bạn sẽ trưởng thành như thế nào là tùy thuộc vào việc bạn đã đối xử với con ra sao trong từng chi tiết của cuộc sống, chứ không liên quan đến những nguyện vọng trong suy nghĩ của bạn. Vì thế tất cả các nguyện vọng của bạn có thực hiện được hay không là phụ thuộc vào quá trình giao lưu của bạn và con trẻ!
Chúng ta phải học những cách để thể hiện tình yêu khác nhau. Chúng ta thấy, tất cả những người yêu nhau đều nắm tay nhau, ôm nhau để thể hiện tình yêu. Nhưng chúng ta không làm vậy với trẻ. Chúng ta cũng nên nắm tay con trẻ, dung dăng dung dẻ cùng con, chứ không phải để con đi theo sau chúng ta. Nếu chúng ta quá vội vã, hãy nói với con bạn rằng, mẹ đang rất vội, nên không thể đi chậm rãi với con, để mẹ bế con nhé. Đó chính là tình yêu.
Chúng ta hãy học cách làm cho tình yêu chuyển động trong từng phút từng giây của cuộc sống chúng ta.
Học cách làm thế nào để ở bên con trẻ, cũng chính là chủ đề học tập cho tất cả những người làm cha mẹ.
Văn hóa của chúng ta không thiên về việc thể hiện tình yêu. Mặc dù là như vậy, nhưng khi người lớn yêu nhau, họ vẫn ôm hôn nhau, dành thời gian ở bên cạnh nhau, quan tâm đến sự tốt xấu của nhau để thể hiện tình yêu. Nhưng tình yêu giữa người lớn với nhau lại dễ bị ngăn trở, dễ bị lường gạt. Con trẻ thì không thế, bạn không cần phải lo lắng đến tâm thái của trẻ, con trẻ thuần khiết, không có tâm thái. Bạn có thể thể hiện tình yêu đối với con thật thoải mái, nếu bạn chưa biết, bạn có thể học ngay con bạn, học con cách làm thế nào để thể hiện tình yêu. Cảm nhận cảm giác khi con nhào vào lòng bạn, cảm nhận cái cảm giác khi con dụi đầu vào cổ bạn, cảm nhận tình yêu thuần khiết không hề vụ lợi của con.
Đối với con trẻ, tình yêu không phụ thuộc vào cơ thể chúng ta, không phụ thuộc vào cơ thể trẻ. Con trẻ cho rằng, yêu chính là yêu, khi gắn kết trẻ sẽ cảm nhận được tình yêu.
Có một lần, bọn trẻ thảo luận thế nào là tình yêu, một bạn nhỏ nói: “Yêu cho roi cho vọt”. Sau đó nhiều cha mẹ rất buồn bã nói: “Con nhà ai mà nói vậy?”. Khi biết là con mình, người mẹ đó buồn bã nói: “Chẳng lẽ những gì tôi dành cho con lại chỉ thế thôi sao?”.
Làm công tác giáo dục trong một thời gian dài, chúng tôi cảm nhận sâu sắc rằng người châu Á chúng ta không thiên về việc thể hiện tình yêu. Chúng ta cất giữ tình yêu trong lòng không cho ai nhìn thấy. Nhưng ngày hôm nay, bạn hãy học cách thể hiện tình yêu qua từng động tác, qua từng cái ôm với con trẻ, qua từng ánh mắt, từng cảm giác. Có như vậy, con bạn mới cảm nhận được tình yêu. Nếu không, con bạn sẽ không cảm nhận được. Cũng giống như việc bạn gửi đi một bức thư, con bạn không nhận được, thế là tình yêu cũng bặt vô âm tín, cũng có nghĩa là không có tình yêu.
Yêu con, để con trở thành chính mình
Nếu chúng ta biết cách yêu con, chúng ta hãy cho con trở thành chính mình. Rất nhiều người nói, trẻ trở thành chính mình và không trở thành chính mình có khác nhau không? Khác biệt ấy nằm ở đâu? Câu trả lời là có một sự khác biệt rất lớn. Khi con trẻ được trở thành chính mình, trẻ sẽ trở thành một người có bản ngã, sau đó trẻ được thể hiện bản thân mình, và cuối cùng trẻ có thể vượt qua chính mình. Không phải cha mẹ chúng ta vẫn luôn theo đuổi những thành công thực tế đó sao? Không có bản ngã, sẽ không có khả năng thể hiện bản thân mình, cũng không thành công.
Khi con trẻ được yêu thương và tôn trọng, trẻ sẽ dùng toàn bộ tinh lực của mình để sáng tạo và hình thành bản ngã. Đây là bản năng và phép tắc của sinh mệnh. Hiện tượng sinh mệnh độc đáo của giai đoạn này hoàn toàn thuộc về sinh mệnh, với bản ngã là trung tâm. Toàn bộ tinh lực và sự chú ý đều tập trung vào sự sáng tạo bản ngã. Đây là sáu năm cực kỳ quan trọng đời người, tính rộng ra là mười hai năm. Bỏ lỡ mười hai năm này thì sẽ vô cùng gian nan khi muốn xây dựng lại bản thân. Bỏ lỡ mười hai năm này, khi trẻ đến kỳ trưởng thành, trẻ vẫn thấy mình là trung tâm, đó chính là chướng ngại và bệnh hoạn.
Khi con trẻ xây dựng được bản thân, trẻ sẽ sử dụng thời gian của giai đoạn tiếp theo, cũng là thời kỳ thanh xuân đến năm 18 tuổi. Trẻ sẽ sử dụng bản ngã và thế giới thực tại bên ngoài để xây nên một cây cầu, gắn kết trẻ và thế giới bên ngoài đó.
Khi trẻ xây xong cây cầu nối với hiện thực, trẻ đã hoàn thành lịch trình sáng tạo bản ngã, trẻ bắt đầu thể hiện giá trị của một con người xã hội. Khi một con người bước ra khỏi bản ngã tự nhiên, họ có thể thể hiện con người xã hội của mình. Đây là một hành trình tự nhiên trong quá trình trưởng thành của con người, không cần bồi dưỡng, chỉ cần không bị ai phá hoại.
Bây giờ tình hình đã thay đổi. Tình huống thực tiễn là, khi con trẻ hình thành cái tôi, cha mẹ không cho trẻ hình thành bản ngã, mà nói với con rằng, điều này không đúng, điều kia không tốt. Trẻ không thể trở thành chính mình, trẻ phải thực hiện theo nguyện vọng của cha mẹ, giúp cha mẹ hình thành nên “cha mẹ”. Đây mới là sứ mệnh của trẻ. Sau đó, khi trẻ đến 18 tuổi, trẻ không thể bước ra khỏi bản thân, trẻ vẫn coi mình là trung tâm, và cha mẹ bắt đầu tức giận. Cha mẹ không có gì phải tức giận, vì đó là báo ứng nhân quả, chỉ là người lớn quá dễ quên, hoặc vì thời gian dài quá mà quên. Người tức giận phải là đứa trẻ, trẻ đã không thể sáng tạo ra điều gì. Chúng ta có thể nhìn thấy nhiều người lớn luôn suy nghĩ mọi vấn đề từ góc độ của mình, đó là vì họ không thể bước ra khỏi bản thân họ, họ vẫn chưa xây dựng được bản ngã, họ vẫn không bước ra khỏi trạng thái của đứa trẻ 5, 6 tuổi. Một đứa trẻ 5, 6 tuổi sao có thể chịu trách nhiệm về bản thân? Nhưng cha mẹ, thầy cô và cả đất nước này không thể chịu trách nhiệm hộ họ khi họ đã trưởng thành. Đây là một hiện thực tàn khốc. Và họ thì ôm lòng thù hận và nỗi oán trách mà không hay biết.
Một người lớn không thể bước ra khỏi bản thân sẽ luôn oán trách và thù hận. Oán trách là trạng thái của con trẻ, thù hận là kết quả hiển thị bên ngoài của nỗi lo lắng không thể sáng tạo bản thân. “Tôi không làm tốt là trách nhiệm của lãnh đạo”, “Tôi không hạnh phúc là vì anh đối với tôi không tốt, anh là người khiến cả đời tôi bất hạnh, nếu tôi tìm một người khác, tôi sẽ hạnh phúc”, “Sếp này chán lắm, vì ông ta mà tôi mới trở thành thế này”… Bạn sẽ mãi mãi oán trách người khác. Trên thực tế, khi nào thì bạn biết oán trách người khác? Trước khi 6 tuổi bạn đã biết oán trách người khác rồi. Khi nguyện vọng của trẻ không được đáp ứng, trẻ sẽ nói thế này: “Con đánh chết mẹ!”, “Mẹ xấu lắm!”, “Con đánh chết mẹ”. Sau này lớn lên không ai dám đánh nữa, nếu đánh, người khác sẽ nghĩ bạn có vấn đề. Sau khi trưởng thành sẽ đổi thành thế này: “Tại mẹ không tốt nên con mới thế này. Sở dĩ con như thế này là vì mẹ”. Chúng ta chỉ đang thay đổi động tác của một đứa trẻ 6 tuổi mà thôi. Đó là vì một người chưa bước ra khỏi trung tâm bản ngã của mình, họ không thể có nguyện vọng thể hiện bản thân.
Vì thế, chúng tôi mới nói, điều ác nhất trong cuộc đời này là không cho một con người trưởng thành. Trong một môi trường không có yêu thương và tự do, một đứa trẻ khổ sở sống đến năm 18 tuổi, bạn nghĩ rằng trẻ sẽ bắt đầu phục vụ người khác sao? Không bao giờ. Nguyện vọng đầu tiên của trẻ sẽ là: “Ta phải thể hiện bản thân ta thế nào, ta phải nhào nặn mình đúng như ta mong muốn”. Chúng ta tự gọi điều đó là lý tưởng. Bạn có biết điều gì khiến con bạn sống không có lý tưởng không? Là bởi vì tâm lý của con bạn chưa trưởng thành đến mốc 18 tuổi, có thể con bạn mới chỉ trưởng thành đến tuổi thứ 6 của cuộc đời. Con bạn chỉ nói với bạn rằng: “Con muốn chơi, bố mẹ không cho con chơi, bố mẹ là bố mẹ tồi”. Bạn sẽ liên tục áp đặt con, mắng mỏ con, chỉ trích con… Áp lực đó rất lớn, nhưng con bạn vẫn có thể chống lại áp lực của bạn, con bạn cần phải chơi. Bạn có bao giờ nghĩ đến nguyên nhân của việc này? Nguyên nhân chỉ có một, con bạn vẫn đang dừng lại ở độ tuổi lên 4. Một đứa trẻ 4 tuổi, thì cho dù bạn có giết nó, nó cũng không thể làm như bạn hy vọng. Trừ khi bạn để cho tâm hồn của con tiếp tục trưởng thành, đó chính là con đường duy nhất.
Vì thế, sáng tạo và hình thành bản ngã rất quan trọng. Phá vỡ sự vận hành của bản thân con trẻ, để con trẻ phục vụ cho người lớn cũng là một kiểu phạm tội. Bởi vì kiểu giáo dục này sẽ dẫn tới rất nhiều vấn đề trong xã hội. Thế nên chúng ta phải quan sát một cách kỹ lưỡng, liệu có phải chúng ta đang bắt con trẻ trưởng thành theo “nguyện vọng” của mình?
Khi con trẻ trưởng thành đến thời kỳ thanh xuân, trẻ bắt đầu có những suy nghĩ với thế giới bên ngoài, trẻ đã hoàn thành việc xây dựng bản thân, bắt đầu thực hiện ước mơ; khi 30 tuổi, người ta phải hoàn thành tất cả bản ngã của mình, để đến năm 40 tuổi, họ bắt đầu suy nghĩ lại. Một người 40 tuổi lại suy nghĩ về giá trị và ý nghĩa của cuộc sống. Tại sao họ lại suy nghĩ về những vấn đề này? Chỉ có một nguyên nhân là, họ đã hoàn thành bản thân họ, họ đã chứng minh họ đến thế giới này để làm những việc gì. Khi bạn đi hết bước này, 40 tuổi, một lứa tuổi tuyệt vời, bạn đang suy nghĩ xem ý nghĩa của cuộc sống là gì? Sống thế nào để có giá trị hơn? Lúc này, vượt qua bản ngã mới trở thành khả năng.
Rất nhiều nhà tâm lý học và nhà giáo dục học cho rằng, đến năm 40 tuổi, con người mới hoàn thành sự trưởng thành của bản thân. Một vòng tuần hoàn đến bốn mươi năm mới hoàn thành, ý nghĩa thực sự của cuộc sống lại được bắt đầu. Người này đang tìm kiếm ý nghĩa thực sự của cuộc sống ở đâu? Ý nghĩa của cuộc sống đang nằm ở chỗ nào? Đây là hành trình trưởng thành của cả nhân loại.
Thế nên điều chúng ta muốn nói, sinh mệnh có một bản tính, đó là suy nghĩ theo nguyện vọng của mình để hành động, để trưởng thành. Con người đến thế giới này để học tập, để tiến hóa, nhưng tại sao họ lại không thích học? Tại sao họ không cần trưởng thành? Bởi vì khi người đó còn nhỏ, trưởng thành đến một giai đoạn nào đó thì bị người lớn ngăn cản, và người đó dừng lại.
Yêu con trẻ là quan tâm đến sự trưởng thành của con trẻ
Chúng ta nói yêu là gì? Yêu đơn thuần là một điều kiện và môi trường. Bao nhiêu năm nay chúng tôi nói về phương pháp giáo dục này, chúng tôi đều nói rất rõ ràng với các bậc cha mẹ rằng, chúng tôi không nói về giáo dục, chúng tôi không hề nói về những vấn đề giáo dục. Tôi chỉ nói về một điều kiện sinh tồn của nhân loại chúng ta. Chúng ta ai cũng biết, loài vật cũng yêu con của mình, chúng ta biết tình yêu của các loài vật dành cho con của mình, ở một góc độ nào đó còn vượt qua cả loài người chúng ta. Nhưng sự khác biệt của loài người và loài vật nằm ở đâu? Nằm ở chỗ tình yêu của loài người quan tâm đến sự trưởng thành của con, sự trưởng thành bất tận chính là đặc trưng của loài người. Loài vật không có đặc trưng này.
Bạn có quan tâm đến sự trưởng thành của con mình không? Thế nào gọi là quan tâm đến sự trưởng thành của con người? Tôi từng xem một bộ phim: Một em gái khoảng 13, 14 tuổi, một hôm em đưa bạn trai về nhà. Hai người ngồi trên ghế sofa nói chuyện, nói chuyện mãi, bạn trai muốn hôn em. Em gái không đồng ý, hai người giằng co qua lại. Trong lúc giằng co đã làm đổ đèn và mấy thứ trên bàn. Người bạn trai đứng phắt dậy, chỉ vào em gái nói: “Mẹ mày bị bệnh thần kinh, mày cũng bị thần kinh. Mày là đứa thần kinh”. (Mẹ em gái có tiền sử bệnh thần kinh, thường xuyên phải vào điều trị ở bệnh viện tâm thần, bệnh dứt lại về nhà). Người bạn trai mắng xong thì đẩy cửa bước đi. Nghe những lời này, em bé gái cũng hết sức chịu đựng, cũng chạy ra khỏi nhà.
Người mẹ trở về nhà, nhìn thấy trong phòng bừa bộn, suy nghĩ một lát thì lái xe đi tìm con.
Em gái ngồi co ro ở một nơi, cảm thấy rất tuyệt vọng. Buổi tối mẹ tìm thấy em, hai người lặng lẽ lên xe. Im lặng một lát, mẹ em vừa lái xe vừa hỏi: “Con đưa bạn về nhà à?”.
Em gái không nói gì.
Mẹ hỏi: “Bạn con nói con phải không?”.
Em gái vẫn không nói gì.
Mẹ nói: “Bạn nói mẹ con bị bệnh, con cũng bị bệnh, con cũng bị thần kinh phải không?”.
Em gái kinh ngạc ngẩng lên nói: “Sao mẹ biết?”
Mẹ nói: “Có những lúc, chúng ta gặp được một người tốt, nhưng cũng có những lúc, chúng ta gặp một người xấu”.
Chỉ câu nói này đã giải quyết được những khúc mắc trong lòng cô con gái. Đó chính là giúp con trưởng thành. Người mẹ này biết rằng, giúp con trưởng thành là điều quan trọng nhất, và chị ấy biết cách giúp con mình.
Còn vấn đề của chúng ta ở đâu? Chúng ta thường xuyên đối xử với con mình là: “Con đừng có làm phiền mẹ!”, “Con đừng có làm như vậy, tại sao con làm thế?”. Chúng ta chưa từng chú trọng vấn đề trưởng thành của con.
Một người mẹ biết con mình đi gặp bạn gái sắp đi học xa, mẹ nói: “Mẹ mong là con có thể chỉnh tề đi gặp bạn mình”. Người con nói: “Vâng ạ”. Sau đó người con tắm rửa, ăn mặc sạch sẽ.
Người mẹ nói: “Con cầm tiền đi, cũng có thể con sẽ mời bạn ấy ăn cơm”. Người con chuẩn bị xong thì đi. Sau khi con về, hai mẹ con nói chuyện rất tự nhiên. Con gặp bạn thế nào? Hai đứa có ăn cơm không?… Con trả lời rất vui vẻ, con sẽ coi đấy là một hoạt động xã giao hết sức bình thường. Bởi vì cuộc đời tương lai của con, con phải giao tiếp với nhiều người khác nữa. Trong quá trình ấy con sẽ xử sự với những người khác như thế nào, điều ấy có liên quan đến định hướng tinh thần đầu tiên này. Con yêu quý người khác là vì định hướng tinh thần của con, chứ không vì bất cứ điều gì khác. Trong quá trình này, bạn đã nói với con mình như thế nào, đã giúp đỡ con mình như thế nào, điều ấy sẽ đặt nền móng cho việc sau này con bạn sẽ đối diện với thế giới này ra sao. Chúng tôi nói, đây chính là giúp con trưởng thành, chứ không phải chúng ta cứ luôn luôn thẩm vấn con rằng tại sao con không làm việc theo những tiêu chuẩn của xã hội, tại sao con không làm việc theo sự kỳ vọng của mẹ. Chúng ta cần phải nói với con của chúng ta rằng, con làm sai là hoàn toàn bình thường. Tất cả những người bắt đầu làm công việc này cũng thất bại nhiều hơn thành công. Chúng ta phải nói với con của chúng ta rằng, đây là một hiện tượng hoàn toàn phổ biến.
Yêu thương là điều kiện cơ bản nhất để chúng ta sinh tồn và trưởng thành. Con người cần tình yêu cũng giống như một chiếc xe cần xăng để chạy. Bạn làm thế nào để con bạn trưởng thành? Trước hết, bạn cần phải yêu con.
Đây là điều đầu tiên chúng tôi muốn nói. Tình yêu đánh thức những cảm thụ của bản thân trẻ, tình yêu giúp con chúng ta có sự tự tôn, có định hướng, có nguyện vọng gắn kết với người khác, và có những suy nghĩ mang tính xây dựng.
Tự do chính là làm chủ bản thân
Sự trưởng thành của con người bắt buộc cần hai thứ, một là tình yêu, một là tự do.
Tự do là làm chủ bản thân. Tôi thường hỏi người khác rằng, khi nào thì bạn làm chủ bản thân? Rất nhiều người nói khi tôi tốt nghiệp đại học, khi tôi kết hôn, khi tôi về hưu. Có những người kết hôn chỉ vì muốn một lần làm chủ bản thân, kết quả là kết hôn xong, họ vẫn không thể làm chủ chính mình. Có người nói với tôi rằng, tôi kỳ vọng sau khi về hưu sẽ làm chủ bản thân. Bạn tưởng rằng cả đời làm nô lệ, đến lúc đó bạn sẽ làm chủ bản thân hay sao? Điều này nghe có vẻ tàn khốc, nhưng bạn không làm chủ bản thân mình, thì người khác sẽ làm chủ bản thân bạn. Trong nhà lúc nào chẳng có người.
Có một câu chuyện kể về một anh diễn viên ở đoàn xiếc thú, khi biểu diễn hay phải trói mình lại để thực hiện các động tác khó. Sau khi diễn xong, để bớt việc và tiết kiệm thời gian, anh ta dứt khoát không cởi dây ra mà cứ để nguyên thế mà sinh hoạt và đi ngủ. Một hôm, có con vật định ăn thịt anh ta, nên mọi người phải cởi dây trói ra. Nhưng mà, khi tay chân anh ta được tự do, anh ta bỗng không biết phải làm mọi thứ như thế nào…
Thế nên, bạn khó mà tưởng tượng một đứa trẻ được tự do sẽ ưu tú thế nào, bạn khó mà tưởng tượng một đứa trẻ tự do sẽ biết quản lý bản thân, giàu trí tuệ, có những nhận thức rõ ràng với thế giới ra sao. Những điều này cũng chính là hai phần quan trọng nhất trong quan niệm giáo dục của chúng tôi.
Vì thế chúng tôi nói, tự do là chỉ việc hành vi, tâm lý, ý chí, tình cảm của con trẻ không bị kìm nén và chi phối bởi ngoại lực. Tự do thể hiện ở tính độc lập và tính tự chủ của con trẻ trong môi trường và sự tôn nghiêm của nhân cách và cơ thể trẻ. Do vậy tự do trở thành tiêu chí để một con người được thực sự làm người.
Bạn làm thế nào mới có thể hình thành bản thân? Ai cũng biết công thức để hình thành bản thân, đó là tự nhiên ban cho chúng ta một mật mã của bản thân chúng ta, bạn làm thế nào để giải được những mật mã đó, làm thế nào để cuộc sống của bạn được là chính bạn, cách duy nhất là bạn phải có được tự do. Khi bạn có được tự do, bạn mới có thể trở thành chính mình, nếu không bạn sẽ là vật thay thế cho người khác. Bạn có thể sẽ là mẹ bạn, bố bạn, thầy giáo ngữ văn của bạn, thầy giáo đại học của bạn, sếp của bạn, tất cả những người xung quanh bạn, nhưng bạn không thể là mình.
“Bản thân” là một hệ thống tự mình xây dựng duy nhất để gắn kết với thế giới này. “Bản thân” này biết cách quản lý tình cảm của bạn, quản lý cơ thể của bạn, quản lý trí tuệ của bạn, quản lý tâm lý của bạn, quản lý tinh thần của bạn. Không có bản ngã, thì bạn chẳng là gì cả. Có một câu là có xác không có hồn, sống cũng như chết, bởi vì nội tại của bạn không có bạn, cũng giống như một gian phòng, nếu nội tại của bạn không có bạn, có nghĩa là bạn đang để gian phòng đó trống rỗng sao? Thực tế không phải vậy. Nếu bạn không ở trong nội tại của bạn, thì sẽ có người khác ở đó. Và những người khác đó sẽ liên tục cãi nhau trong đầu óc bạn. Bởi vì người này nói thế này, người khác nói thế khác. Và bạn sẽ làm theo tín ngưỡng của người giành phần thắng trong những cuộc tranh giành quyền lực. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta thường thấy rất nhiều người như thế này trong cuộc sống. Ví dụ khi bạn nói với một người về cách giáo dục này, cô ấy cảm thấy bạn nói rất có lý: “Quá đúng, chị nói quá đúng, em sẽ làm theo chị, em sẽ yêu con em”. Một thời gian sau có người nói: “Không có quy củ thì không thể làm nên trò trống gì. Con người phải được dạy, không dạy, không thành tài”. Cô ấy lại nói: “Có lý, không thể nuông chiều bọn trẻ và cho bọn chúng quá tự do”. Một hôm sau nữa lại có người nói với cô ấy rằng: “Chị biết không, có những người vì quá tự do mà làm bậy, rồi phải vào tù đấy”. Cô ấy lại nghĩ: “Cũng có lý”. Cả cuộc đời này của họ giống như những nhân vật trong tiểu thuyết của Chekhov(1), có trái tim như hạt đậu, hết lăn về bên này lại lăn sang bên kia. Đời người sao mà buồn đến vậy.
Tại sao lại như vậy? Bởi vì cô ấy không có bản ngã. Bản ngã là hệ thống liên kết trong và ngoài, cô ấy sẽ biết tích hợp những thứ có ích, những chân lý trong cuộc đời cô ấy. Làm thế nào để tích hợp? Dựa vào những mật mã cuộc sống của bản thân con trẻ, một sự chỉ dẫn của bản thân. Bản ngã giống như một cái trục chính, chắc chắn như xương sống của một con người, đứng thẳng, để người ấy được thực sự làm người. Những điều ấy, nếu không có tự do thì không thể nào làm được.
Quy tắc
Chúng ta nói đến tình yêu thương và sự tự do, nhưng chúng ta lấy gì để đảm bảo con người này được lớn lên trong tình yêu thương và sự tự do? Chúng ta phải dựa vào quy tắc chứ không phải dựa vào quyền uy và sự quản chế.
Quy tắc để làm gì?
Chúng ta biết cuộc sống có những phép tắc riêng ngay từ khi mới sinh ra. Nhưng vì nền văn hóa hiện có của chúng ta, vì nền giáo dục hiện có của chúng ta vẫn thường cho rằng nhân định thắng thiên, chúng ta rất khó nắm bắt được quy luật trong phép tắc tự nhiên, vì thế mà phóng đại chức năng của con người. Phóng đại chức năng của con người, chúng ta sẽ bị văng ra khỏi con đường chân lý của phép tắc tự nhiên. Khi chúng ta bị văng khỏi con đường ấy, chúng ta sẽ xảy ra một vấn đề, đó là có người nắm bắt và khống chế tất cả mọi tiêu chuẩn. Quan hệ bất bình đẳng đã xuất hiện, quyền lực cũng xuất hiện mà không phải là quy tắc. Giáo dục không còn đề cao tố chất của con trẻ, giáo dục đã trở thành một đặc quyền của sự sàng lọc và đào thải. Tố chất của cả đất nước đã xuất hiện vấn đề như thế.
Vậy chúng ta làm thế nào để đảm bảo một đứa trẻ được trưởng thành trong tự do và tình yêu? Chính là tất cả chúng ta đều phải tuân theo quy tắc này, bởi vì chỉ có quy tắc và trật tự mới có thể đảm bảo sự bình đẳng của con người.
Chúng ta phải dựa vào quy tắc để đảm bảo mỗi người hoạt động trong phạm vi quy tắc đều phải tuân theo quy tắc, đây chính là bước khởi đầu của bình đẳng. Mỗi người chúng ta đều hiểu rõ ràng quy tắc là gì, không có bất kỳ ai được độc chiếm quy tắc, mà quyền lực và tiêu chuẩn phán đoán nằm trong tay tất cả những người ở trong phạm vi quy tắc ấy, đây cũng là một kiểu giám sát công khai. Chẳng hạn, chúng ta đang ở trong một rạp hát, bỗng nhiên tất cả những phần khác trong quả địa cầu này biến mất, chỉ còn lại mỗi cái rạp hát này, chúng ta phải sống cùng nhau, không ai được ra khỏi đó. Chúng ta phải cùng hưởng một cách công bằng tất cả tài nguyên của rạp hát này. Nếu không có quy tắc, thì những kẻ yếu hơn sẽ nhanh chóng trở thành đối tượng của bất bình đẳng và bạo lực, con người chúng ta sẽ quay sang trạng thái cá lớn nuốt cá bé, kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu của động vật. Vậy chúng ta phải làm thế nào để người lớn, trẻ con, người già, kẻ mạnh, kẻ yếu, đàn ông, đàn bà, người có quyền lực và người không có quyền lực trong rạp hát này được sống trong bình đẳng? Chỉ có thể dựa vào một thứ, đó là quy tắc. Chúng ta ai cũng biết, nếu bạn làm vậy, bạn sẽ vượt ra ngoài phạm vi, bạn sẽ vi phạm quy tắc, và tôi sẽ ngăn cản bạn. Ai cũng có quyền ngăn cản bạn. Nhưng nếu quyền lực nằm trong tay một người nào đó, để người đó phán đoán đúng và sai, thử nghĩ xem sẽ cái rạp hát ấy sẽ trở thành thế nào? Cũng giống như tiểu thuyết “Ruồi trâu”(2) đã viết, có đấu tranh là có tàn khốc. Đó cũng là đặc trưng của động vật có vú: Kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, kẻ khỏe ở lại, kẻ yếu bị đào thải.
Nhưng ngày hôm nay mọi thứ đã khác đi, nhân loại chúng ta đang có một tinh thần tốt đẹp nhất, chúng ta có thể xây dựng sự bình đẳng trong trạng thái quy tắc, quan hệ giữa người với người dựa trên phương thức yêu thương và kết tụ, cho phép ai cũng được sống trong bình đẳng. Điều này được gọi là nhân quyền.
Chúng ta muốn xây dựng một xã hội bên ngoài và một môi trường sinh tồn như thế, bắt buộc phải bắt đầu từ giáo dục. Chúng ta cho con trẻ được sống trong yêu thương và bình đẳng, trong trạng thái tự do thì sau này con cái chúng ta sẽ đối xử với mọi người xung quanh như vậy. Người với người sống với nhau sẽ dễ chịu và vui vẻ hơn. Bởi vì tài nguyên trên thế giới này đủ cho chúng ta sinh tồn, chúng ta không thể để một người ăn một bữa vài chục triệu, khi người khác đang chết đói ngoài kia. Nhân loại chúng ta có một tiềm năng tiềm tàng để yêu thương người khác, chúng ta cũng có một nền tảng biết yêu thương, tôn trọng. Vì thế chúng ta phải tiến hóa từ trạng thái động vật có vú sang trạng thái người, mà chặng đường tiến hóa là vứt bỏ công thức đấu tranh vì quyền lực, vứt bỏ công thức kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu, hướng tới công thức của tình yêu và sự gắn kết của tình yêu.
Chỉ đến khi ấy chúng ta mới trở nên vui vẻ, chúng ta mới có thể xóa bỏ chiến tranh của nhân loại, rời xa tật bệnh; giải quyết trở ngại của chúng ta; giải quyết nạn đói; giải quyết vấn đề thiếu thốn tài nguyên; giải quyết ô nhiễm không khí; chúng ta mới có thể xây dựng được những trường học tốt hơn, một môi trường giáo dục tốt đẹp hơn; chúng ta mới có thể sống trong một trạng thái dễ chịu, vui vẻ, hài hòa; chúng ta mới có thể xây dựng được một gia đình êm ấm, các thành viên luôn ủng hộ nhau; chúng ta mới có thể thực hiện được nguyện vọng xã hội hài hòa. Để thực hiện nguyện vọng ấy mỗi người làm cha làm mẹ phải bắt đầu từ việc yêu thương con cái mình, chỉ khi mỗi người chúng ta đều phải bắt tay vào làm, yêu thương con cái chúng ta. Làm được điều này, chúng ta sẽ thành công. Không phải là cả xã hội này sẽ làm thế nào, mà là mỗi người làm cha làm mẹ chúng ta phải học được cách ngồi xuống nói chuyện với con cái bạn; mỗi ngày khi con bạn đi học, thể hiện tình yêu của bố mẹ với con: “Bố mẹ yêu con”; mỗi buổi chiều về, cho con một cái ôm, nói với con rằng: “Mẹ yêu con”; khi con bạn gặp phiền phức, bạn phải học cách hỏi một câu: “Nói cho mẹ biết tại sao”, rồi lắng nghe con nói. Chỉ cần làm được như vậy cũng đủ để thay đổi thế hệ kế tiếp bạn. Vì vậy giáo dục là con đường nhanh nhất để thay đổi trạng thái con vật hướng tới trạng thái con người, mà tất cả những điều này điều phải dựa vào yêu thương, tự do, quy tắc và bình đẳng.
Các nhà tâm lý học đã nói, không xây dựng quy tắc là đồng nghĩa với bạo lực. Vì nếu không xây dựng quy tắc, thì quyền lực sẽ nằm trong tay người lớn. Bạn sẽ đối xử với con theo tình cảm, suy nghĩ của bạn. Khi bạn ở cơ quan, đồng nghiệp hỏi: “Con chị mấy tuổi rồi?”.
“Con chị 4 tuổi, thế con em mấy tuổi rồi?”.
“Con em cũng 4 tuổi, con em đã thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần rồi đấy, con chị biết đọc chưa?”.
“Con chị vẫn chưa biết chữ nào, trường mầm non nói là con chị vẫn chưa đến thời kỳ nhạy cảm học tập”.
“Chị ơi, chị đã thua ngay ở vạch xuất phát rồi, chị không thể để con mình cũng thua ở vạch xuất phát được. Con em còn đọc được rồi đấy”.
Hay rồi, bạn vừa về đến nhà, nhìn thấy con đang xem ti vi, biết ngay cha mẹ sẽ nói gì: “Con còn xem ti vi hả, con nhà người ta đã thuộc bảng chữ cái, biết đánh vần, còn đọc được rồi kia kìa”. Bạn đã mang tình cảm của mình ra để đối đãi với con trẻ.
Nhưng, nếu bạn xây dựng được quy tắc, quy tắc đó là sáu đến bảy giờ có thể xem ti vi, vậy thì bạn phải tuân thủ quy tắc khi con đang xem ti vi, cho phép con làm vậy. Bạn phải dựa vào quy tắc để quản lý bản thân mình, dựa vào quy tắc để quản lý con của bạn, dựa vào quy tắc để quản lý gia đình bạn. Bạn phải có một quy ước với con của mình, vợ chồng bạn cũng phải có quy ước với nhau. Không ai được bước ra khỏi quy ước ấy.
Quy ước ấy là gì? Là phải tôn trọng bản thân, tôn trọng người khác, tôn trọng môi trường. Có thể bạn không hiểu thế nào là tôn trọng, vì rất nhiều người lớn chúng ta không hiểu thế nào là tôn trọng. Đó là khi hành vi của con trẻ không phương hại đến sức khỏe, không phương hại đến cuộc sống, không phương hại đến đạo đức. Trong phạm vi này, con trẻ có thể sử dụng mọi quyền lợi của mình. Đặc biệt là trẻ trước 6 tuổi, nếu hành vi của trẻ gây tổn hại đến người khác thì sao? Chúng ta không chỉ trích trẻ, không nói: “Con lại thế rồi!” mà bế trẻ đi chỗ khác. Mỗi lần chúng ta bế trẻ đi chỗ khác, bản thân trẻ sẽ tự đúc rút, trẻ sẽ nghĩ: “Mỗi lần mình làm thế, hình như không được, mẹ đều bế mình đi chỗ khác”. Thế là, lần sau trẻ sẽ biết mình nên làm thế nào.
Chúng ta còn biết quy tắc là nói cho trẻ biết cách làm chính xác.
Có một người mẹ nói với tôi rằng: “Tôi rất cảm kích con gái mình!”. Tôi hỏi tại sao? Cô ấy nói: “Chồng tôi tìm thịt bò khô cho con bé, con nói: ‘Bố ơi con cần gân bò, không cần thịt bò’. Bố đi lấy cho con gái một miếng thịt bò, con bé không nói gì. Đến hôm sau, con bé cầm ra hai cái túi giống hệt nhau nói: ‘Bố ơi, con muốn mời bố quan sát một chút, gân bò màu đỏ, thịt bò màu cam, bố phát hiện ra chưa?’. Bố nói: ‘Bố phát hiện ra rồi, hôm qua bố cầm nhầm cho con, đúng không?’. Con nói: ‘Vâng!’. Nói xong thì bình tĩnh đi ra chỗ khác”.
Cô ấy lại nói tiếp: “Tôi rất cảm kích con gái mình, con đã dùng một phương pháp hết sức chính xác để nói với chồng tôi, con biết dùng cơ hội tốt nhất để nói với bố mình. Còn tôi thì hôm trước đã làm ầm lên, tôi nói với bố con bé rằng: ‘Nhờ anh lấy đồ mà cũng lấy nhầm, lấy nhầm mà cũng không biết lấy nhầm!’”, trong khi con bé mới 4 tuổi.
Trường chúng tôi xây dựng bảy quy tắc, chỉ cần nghiêm chỉnh tuân thủ bảy quy tắc này, còn lại là tự do. Nhưng con trẻ đã học được cách giúp đỡ bố mẹ một cách chính xác nhất.
Bảy quy tắc đó là:
1. Không được có những hành vi thô lỗ, thô tục.
2. Không được lấy đồ của người khác, đồ đạc của con thuộc quyền quyết định của riêng con, con có quyền tự chi phối đồ đạc của mình (những thứ không phải của con thì đều là của người khác).
3. Đồ đạc lấy ở đâu phải trả về chỗ đó. (Mời trả về vị trí).
4. Ai lấy trước người đó được sử dụng, người đến sau nhất thiết phải chờ đợi. (Mời con chờ đợi).
5. Không được làm phiền người khác.
6. Làm sai phải xin lỗi và có quyền yêu cầu người khác xin lỗi. Con trẻ có quyền bảo vệ quyền lợi của mình, bất cứ ai cũng không có quyền làm tổn thương và xâm phạm người khác.
7. Học cách nói: “Không!”.
Xây dựng quy tắc có tính linh hoạt, và tiến hành trong từng hoàn cảnh riêng.
Quy tắc có thể giúp con trẻ có được sức mạnh tâm lý, giúp trẻ có cảm giác an toàn, giúp trẻ chung sống với môi trường và những người khác một cách có trật tự.
Tôi xin lấy một ví dụ, bé trai nọ sống trong một gia đình mà người ông rất có quyền uy, mẹ cậu bé nói với tôi: “Bố em rất gia trưởng, gia đình em là gia đình gia trưởng, bố em không sợ ai hết. Em đã lớn lên như thế, hơi một tí là bị mắng. Một hôm khi bố em mắng em, con trai em đã đứng dậy nói: ‘Ông ơi, ông không được mắng mẹ cháu như thế. Ông làm thế là tổn thương đến mẹ cháu, vì thế ông phải xin lỗi mẹ cháu’. Kết quả là bố em phát cáu: ‘Cái gì? Cháu muốn ông xin lỗi mẹ cháu hả…’. Con em im lặng đứng bên cạnh, đợi đến khi ông nổi nóng xong mới nói: ‘Mời ông xin lỗi mẹ cháu’. Bố em lại phát khùng lên, lại nói một trận. Bố nói xong, con em lại nói: ‘Mời ông xin lỗi mẹ cháu, ông phải xin lỗi mẹ cháu’. Bố em thật đã hết cách, đành phải xin lỗi. Từ đó trở đi, con em đã trị được chứng hay mắng của ông. Bố em đã bị choáng váng bởi sự công bằng, dũng khí và lòng kiên định của cháu mình. Bố em không sợ ai, nhưng đã phải sợ cháu. Đương nhiên em biết rằng, bố em rất yêu cháu”. Đứa trẻ ấy mới 5 tuổi, cho dù ông nổi nóng đến mức nào… Ông đã hết nóng giận chưa? Vâng, mời ông xin lỗi mẹ cháu! Ông lại tức giận, ông tức giận xong chưa? Cháu vẫn mời ông xin lỗi mẹ cháu! Tóm lại, hôm nay cháu đã nhìn thấy hành vi thô lỗ của ông, ông đã sai, ông phải xin lỗi mẹ cháu.
Mọi người đều có thể phát hiện một bí mật trong từng quy tắc, những quy tắc không hề ràng buộc con trẻ, mà đảm bảo cho con trẻ nhận được tình yêu thương và sự tự do, đạt được sự tôn trọng trong môi trường sinh tồn của mình. Chỉ có như vậy, chúng ta mới có thể đảm bảo cho sự trưởng thành của mỗi con trẻ. Chúng ta không thể để cho sự trưởng thành của con trẻ mang tính ngẫu nhiên, mà phải làm cho sự trưởng thành ấy mang tính tất nhiên. Tính tất nhiên này được hình thành như thế nào? Dựa vào trật tự và quy tắc để nắm bắt, cả hiệu trưởng, cô giáo và con trẻ đều như vậy.
Đây chính là nguyên nhân tại sao cơ cấu giáo dục này lại đề cao tình yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng. Giáo dục là như vậy, quản lý cũng nhất thiết trở thành như vậy. Nếu không, bạn không thể thực hiện phương pháp giáo dục này, mà thay vào đó sẽ trở nên cứng nhắc bởi sự đấu tranh vì quyền uy và quyền lực.
Những con người đấu tranh vì quyền lực, không có ai không bị ức chế. Cô giáo bị ức chế vì hiệu trưởng, học sinh bị ức chế bởi cô giáo. Nói đơn giản là, hiệu trưởng trút giận lên cô giáo, vậy cô giáo trút giận lên chỗ nào? Có ai còn yếu ớt hơn? Chính là học sinh. Cũng có nghĩa là bản thân tôi đã gián tiếp trút giận lên ai? Lên chính bản thân các học sinh của tôi. Tôi gián tiếp làm việc này, bởi vì người dễ bị cướp đoạt nhất chính là con trẻ, con trẻ không có khả năng tự vệ, vì thế tôi đã giống như một dây dẫn điện, dẫn điện từ hiệu trưởng sang các cô, rồi sang học sinh. Tôi đã làm tổn thương con trẻ, con trẻ là những người dễ bị tổn thương nhất, trong khi rất khó khăn để con trẻ thể hiện ra và phản kháng lại. Ở đây làm gì có tình yêu? Làm gì có cảm giác của cuộc sống.
Vì thế, “Yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng” là sợi chỉ đỏ xuyên suốt qua cả hệ thống lý luận dạy học của trường chúng tôi, hệ thống phương pháp dạy học, hệ thống đào tạo giáo viên và hệ thống quản lý, xuyên suốt qua từng chi tiết. Như thế mới có thể đảm bảo phẩm chất của phương pháp giáo dục này. Đây chính là “Yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng”.
Tôi hy vọng trong mỗi người chúng ta đều sẵn sàng đi từ trạng thái kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu đặc trưng của loài động vật có vú sang tinh thần và văn minh của nhân loại tiến bộ. Đây chính là yêu thương và tự do, quy tắc và bình đẳng.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.