Yêu Thương Và Tự Do

Chương 11 “DẠY” CON CŨNG CÓ THỂ LÀ NÔ DỊCH CON



Cô giáo mỹ thuật phát hiện thấy trẻ vẽ cá trên trời, liền nói với trẻ: “Vẽ tranh đầu tiên phải vẽ đường chân trời”. Trong một tiếng đồng hồ, con trai tôi vẽ khoảng mười mấy bức tranh, bức nào cũng có một đường kẻ ngang. Một đứa trẻ sao có thể hiểu được thế nào là đường chân trời? Người lớn mang kinh nghiệm của mình ra để ép con trẻ, dùng mọi cách để tỏ rõ thái độ, nhưng cho dù những điều chúng ta nói đều đúng, thì sẽ thế nào? Người lớn chúng ta không thể thay trẻ trong kinh nghiệm nhận biết thế giới của trẻ.

Khi tâm lý và ý chí của con trẻ có đủ điều kiện để phát triển, trẻ sẽ có mong muốn theo đuổi sự độc lập. Nhưng, các bậc cha mẹ thường làm thế nào? Ví dụ một đứa trẻ hơn 1 tuổi muốn tự cầm thìa để ăn cơm, dù xúc được cơm hay không cháu vẫn muốn tự mình làm, kết quả là thức ăn vương vãi đầy bàn. Đây chính là lúc trẻ đang học cách độc lập, học cách ăn cơm độc lập, nhưng phần đông các bậc cha mẹ lại làm điều ngược lại – xúc cho con ăn! Rất đơn giản, xúc cho con ăn, ăn xong, bàn ghế và quần áo vẫn sạch nguyên. Nhưng hành vi này của chúng ta đã tước đoạt đi quyền độc lập của các bé.

Tôi nhớ lại lần gặp một bé gái trên xe buýt. Bé gái hơn 2 tuổi, bé muốn ăn khoai lang, mẹ mua cho bé một củ khoai lang nướng. Lên xe buýt, mẹ bóc khoai cho bé, bé vội vã la lên: “Để con bóc, để con bóc…”. Mẹ cô bé nói: “Con bóc bẩn lắm, ăn sẽ đau bụng đấy”. Bé gái khẩn thiết: “Con muốn bóc, mẹ cho con bóc đi!”. Mẹ bé nghiêm khắc nói: “Không được”. Khuôn mặt cô bé đầy vẻ cầu xin, đau khổ, bối rối, cuối cùng củ khoai cũng bóc xong, mẹ cô bé nói: “Xong rồi, con ăn đi, có vội mấy cũng phải ăn uống cho sạch sẽ”. Bé gái nói: “Con không ăn nữa”. Mẹ bé nói: “Sao hả?! Mất tiền mua, mất bao nhiêu công sức như thế, không ăn hả? Đúng là chỉ giỏi hành hạ người khác…”.

Bé gái muốn bóc vỏ khoai lang tức là cần quá trình bóc vỏ khoai, cần kinh nghiệm và cảm giác của việc bóc vỏ khoai. Đây là nhu cầu của bản thân bé, là nhu cầu để phát triển tâm trí của bé. Kinh nghiệm ấy có tác dụng gì? Không ai biết được. Đó có thể chính là một mắt xích để trở thành nhà khoa học vĩ đại, nhà chính trị hoặc một nhân vật quan trọng nào khác. Người lớn lại không thể hiểu được điều này.

Nhưng người lớn vẫn cần có tình yêu! Thế nào là tình yêu, tình yêu là sự khoan dung lớn lao và lý giải sâu sắc. Có tình yêu, thì dù là chưa hiểu về giáo dục cũng vẫn có thể cho con những quyền lợi cơ bản để phát triển, có thể cho trẻ tự do, để trẻ đi từ tự do đến độc lập.

Rất nhiều đứa trẻ bị bố mẹ tước mất cơ hội tự đi giầy. Bởi vì khi trẻ con tự đi giầy, quá trình buộc dây giầy rất lâu, bạn phải ngồi ở đó để chờ đợi. Buổi sáng khi đi làm ai cũng vội, vì thế chúng ta phải đi giầy, cài cúc áo cho con, như thế đỡ mất thời gian. Lâu dần, trẻ đã bị tước mất khả năng đi giầy. Ở trường chúng tôi cũng có tình trạng này, khi rất nhiều cháu đã đi xong giầy và chạy nhảy ở ngoài, nhiều cháu vẫn đang khóc. Tại sao vậy? Cháu đang chờ cô giáo đến buộc dây giầy cho mình.

Sự tước đoạt ở trên đây tương đối dễ hiểu. Trên thực tế vẫn còn một kiểu tước đoạt khác, đó là tước đoạt đi cơ hội độc lập về tư tưởng của con. Sự tước đoạt ấy khiến con trẻ bị mất tự do về tư tưởng. Mất tự do tất sẽ rơi vào tình trạng bị nô dịch.

Sự trưởng thành của con trẻ, cho dù là sự trưởng thành về tư duy hay cơ thể đều là quá trình hướng tới sự độc lập một cách không ngừng nghỉ. Để được độc lập, con trẻ sẵn sàng mạo hiểm, tìm tòi, đến năm 30 tuổi con người sẽ có được sự độc lập hoàn toàn và cống hiến cho người khác, cho xã hội tất cả những gì mình đã tích lũy được. Trong quá trình này, nếu bị ngăn cản, con người sẽ không có được sự tự do, cũng là không thể độc lập. Không thể độc lập, cũng chính là không có khả năng sinh tồn, khả năng phát triển và khả năng học tập.

Montessori đưa ra một ví dụ, có một chiếc xe ngựa, trên đó có bố, mẹ, con trai. Xe ngựa đi trên con đường nhỏ thì có một toán cướp xông ra chặn đường. Bọn cướp hét lên: “Muốn mất tiền hay mất mạng!”. Chúng ta hãy xem xem cách ứng xử của ba con người: Ông bố là một xạ thủ có kinh nghiệm, mang theo cả một khẩu súng lục, nên nhanh chóng giơ súng nhắm thẳng vào tên cướp cản đường mà bóp cò; cậu con trai có một đôi chân nhanh nhẹn, cậu bé kêu lên một tiếng rồi bỏ chạy; còn người mẹ không có súng, cũng không có năng lực tự bảo vệ mình, đôi chân của người mẹ chưa bao giờ phải chạy đi đâu, đang bị trói chặt trong chiếc váy. Điều quan trọng hơn cả là người mẹ chưa bao giờ độc lập về tinh thần, nên sợ quá mà run lẩy bẩy rồi ngã xuống đất bất tỉnh nhân sự.

Chúng ta không nói đến những điều phi logic trong câu chuyện này, chỉ tính đến ba kiểu phản ứng khác nhau. Ba kiểu phản ứng này có quan hệ mật thiết với trạng thái độc lập và tự do của mỗi người. Một con người không độc lập về phương diện nào thì mất tự do về phương diện ấy. Ở những thời khắc quan trọng nhất, mỗi người đều dựa vào mức độ độc lập của bản thân mình để giải quyết vấn đề. Chúng ta đã đọc rất nhiều câu chuyện, khi một tên tội phạm đối mặt với một người, hắn sẽ nhanh chóng tìm được điểm thiếu sót, yếu ớt và thiếu độc lập trong tâm lý của người này, tạo ra một không khí đối ngược với sự yếu ớt để uy hiếp người đó. Có người gặp cướp thì run lẩy bẩy; có người thì cố sức đấu tranh; có người biết khả năng của mình không thể chống đỡ nổi thì dùng trí tuệ của mình để chiến thắng đối phương…

Montessori nói: “Sự nguy hiểm của nô dịch và dựa dẫm không chỉ khiến con người ta phí hoài cuộc sống của mình, mà còn dẫn đến sự yếu đuối và bất lực. Hơn nữa trong quá trình phát triển cá tính của người bình thường, cũng thể hiện rõ ràng sự thoái hóa và tụt dốc khiến người ta nuối tiếc. Tôi muốn nói đến những hành vi hung hăng nạt nộ hay độc đoán bạo ngược. Những ví dụ này không hề hiếm gặp trong cuộc sống của chúng ta”.

Montessori còn đưa ra một ví dụ về một người bình thường, nói về một người công nhân làm việc trong nhà máy, ở cơ quan anh ta là một người rất có năng lực, không những làm tốt công việc của mình mà còn đưa ra rất nhiều sáng kiến, kiến nghị hợp lý hóa sản xuất. Lúc này, anh ta là một người hoàn toàn bình thường. Nhưng khi trở về nhà, anh ta gác chân lên bàn, nạt nộ vợ mình: “Mang nước ra đây!”. Lúc này, anh ta trở nên độc đoán bạo ngược, bởi vì đang có một người “nô bộc” ra sức phục dịch anh ta. Có những người chỉ cần có cơ hội làm “chủ nhân” thì ngay lập tức sẽ ra sức độc đoán bạo ngược với “nô bộc” của mình, đây hoàn toàn không phải một trạng thái bình thường.

Mỗi người đều căn cứ vào đối tượng để thể hiện bản thân mình. Lúc ở nhà anh ta không chịu làm gì, không muốn làm gì và không làm bất cứ việc gì. Nhưng ở cơ quan anh ta không như vậy. Anh ta là một người hai mặt. Khi ở trước mặt cấp trên anh ta bị ức chế, lúc gặp vợ mới được thoải mái nên lộ bản chất của mình. Và vợ anh phải bất đắc dĩ nhận lấy tất cả. Đó là bởi vì tuổi ấu thơ của anh ta trưởng thành không độc lập cũng không tự do! Vợ anh ta có thể chấp nhận những điều này cũng bởi vì cô ấy không độc lập, không tự do.

Mỗi người đều dựa vào mức độ độc lập của bản thân mình để sử dụng sự tự do, mà tất cả những điều đó đều căn cứ trên một điều kiện. Điều kiện này là gì? Đó là ở tuổi ấu thơ, bố mẹ phải cho con được tình yêu và tự do một cách liên tục, không đứt đoạn. Montessori nói: “Chúng ta phải bồi dưỡng con cái chúng ta thành những người mạnh mẽ, cũng chính là người độc lập và tự do như đã nói ở trên”. Sự tự do ấy không nói về điều kiện, mà nói về phẩm chất. Có được phẩm chất này, chúng ta mới có thể tồn tại như một con người, mới không đánh mất quyền lợi làm người trong ý chí và tư tưởng của mình, mới không bị nô dịch.

Trong nhiều trường hợp, nô dịch cũng là một tập tính. Ví dụ như việc dạy vẽ tranh: Có rất nhiều giáo viên mỹ thuật của các em không biết dạy vẽ và cũng không hiểu về việc dạy, nên đã xảy ra rất nhiều vấn đề trong việc dạy các em. Họ toàn dạy các em vẽ hoa, vẽ cỏ. Khi họ “ép” các em vẽ như vậy, trong đó đã có sự “nô dịch”. Khi một người muốn người khác nô dịch mình, họ sẽ không nói rõ ràng ra. Họ sẽ không nói: “Con là nô lệ của cô; cô là chủ nhân của con”.

Trong câu chuyện “Hoàng tử bé”, Hoàng tử bé đến một hành tinh khác, gặp một kẻ “cuồng hư vinh”, người này nói với Hoàng tử bé: “Hãy ngưỡng mộ ta một lần đi, cháu hãy ngưỡng mộ ta một lần, chỉ một lần thôi”. Hoàng tử bé không thể hiểu nổi người này sao lại vậy, liền bay sang một hành tinh khác. Nhưng hành tinh ấy lại có một tên bạo chúa, hắn bắt Hoàng tử bé làm cái này, bắt Hoàng tử bé làm cái kia! Hoàng tử bé không hiểu sao người này lại vậy, lại tiếp tục bay đi. Lại đến một hành tinh khác, ở hành tinh đó có một người rất tham lam, hắn không ngừng tính toán xem hành tinh nào là của mình, bận đến nỗi không có thời gian ngẩng lên nói chuyện với Hoàng tử bé. Cuốn truyện này đã viết về rất nhiều trạng thái của người lớn và viết vô cùng chân thực.

Rất có thể những người lớn này đang ở cạnh trẻ, nhiệt tình “dạy” trẻ. Chúng ta muốn dạy trẻ, chúng ta mang chủ kiến của mình ra để “áp đặt” trẻ phải thế này thế kia. Chúng ta động viên trẻ, dùng mọi cách để ám chỉ, trừng phạt trẻ cũng chính là đang nô dịch trẻ. Không tính đến mặt tiêu cực, chỉ tính đến mặt tích cực thì tình huống sẽ thế nào? Trẻ em đang ở vào thời kỳ kinh nghiệm trực tiếp, các con phải tự tích lũy kinh nghiệm cho mình. Nếu trẻ có được những kinh nghiệm từ chính quá trình sống của mình, thì trẻ mới là chủ nhân của chính mình. Nhưng trên thực tế, người lớn tự cho rằng kinh nghiệm của mình tốt và ép con trẻ tiếp nhận. Đa phần trẻ sau khi bị ép uổng như vậy, thì về mặt này trẻ đã bị người lớn nô dịch, trẻ không thể thoát ra khỏi khuôn mẫu của người lớn, đây chính là cái gọi là “bó hẹp hoạt động(1)”.

Nhiều lúc chúng ta cũng không phát hiện ra mình đang “nô dịch”. Điều này được thể hiện trong chính hành vi “dạy” mà chúng ta vẫn coi trọng từ trước đến giờ. Tôi xin đưa ra một ví dụ. Cách đây không lâu, giáo viên mỹ thuật của trường chúng tôi dạy trẻ vẽ tranh, trong quá trình dạy, cô phát hiện ra có trẻ không vẽ cá dưới nước, mà vẽ cá trên trời. Cô giáo cảm thấy trò làm không đúng, nên nói với trẻ rằng: “Chúng ta vẽ tranh, đầu tiên là phải vẽ đường chân trời”. Lúc đó cũng đúng vào thời kỳ nhạy cảm hội họa của con tôi, khi thời kỳ nhạy cảm hội họa đến, trẻ sẽ vẽ cả ngày. Con muốn vẽ, tôi bảo: “Mẹ cho con giấy và bút, con cứ vẽ đi!”. Trong một tiếng đồng hồ, con tôi vẽ mấy chục bức tranh, lần nào vẽ xong con cũng đưa tôi xem, tôi phát hiện ra bức nào cũng có một đường kẻ ngang, bên dưới đường kẻ ngang có một vài thứ khác. Tôi hỏi: “Đây là cái gì?”. Con tôi nói: “Dầu mỏ”. “Tại sao đây lại là dầu mỏ?”. “Bởi vì đây là đường chân trời”. Tôi biết con mình chưa thể hiểu được khái niệm đường chân trời, trong đầu con chưa hình thành khái niệm này. Nhưng con tôi vẽ mười mấy bức tranh đều có đường chân trời. Con tôi cho rằng đường chân trời chính là phía dưới mặt đất, bên dưới đó chính là dầu mỏ. Tôi hỏi: “Tại sao con lại vẽ thế này?”. Con tôi nói: “Là thế này này, đầu tiên phải vẽ đường chân trời”. Tôi cảm thấy lạ, liền hỏi cô giáo: “Thằng bé nhà chị lạ thật đấy, đầu tiên nó vẽ đường chân trời”. Cô giáo nói: “Là em dạy các con thế, em cảm thấy các con nên…”. Tôi nói: “Em dạy sai rồi, đường chân trời của em đã bó buộc khả năng sáng tạo của bọn trẻ”.

Trong thời gian mấy tháng đó, con tôi vẽ tranh đầu tiên là vẽ đường chân trời, phải làm thế nào? Tôi nghĩ không thể tiếp tục, tôi phải xóa bỏ ý nghĩ này, xóa bỏ tiềm thức này của con. Một hôm, tôi dẫn con đến trường Đại học Ninh Hạ, ngoài cổng là một bãi cỏ dài. Tôi nói: “Con ơi, bây giờ chúng ta sẽ đứng đây xem có đường chân trời không nhé?”. Con tôi nhìn thật kỹ, nói: “Không có, chỉ có bãi cỏ và tòa nhà”. Tôi nói: “Đúng rồi, thế lần sau vẽ con sẽ vẽ cái gì?”. Con nói: “Mẹ ơi, con hiểu rồi, có phải mẹ muốn con vẽ hai đường chân trời không?”. Thôi hỏng rồi, tôi còn làm hỏng cháu hơn. Sau hôm đó, tôi không dám nói gì thêm. Một buổi sáng sớm của mấy hôm sau nữa, tôi và con lên nóc nhà ngắm mặt trời mọc, tôi nói: “Con có nhìn thấy ở chân trời có một đường giao nhau giữa trời và đất không?” Con tôi nói: “Con có nhìn thấy!”. Tôi xúc động nói: “Đường chân trời!”.

Có trời mới biết chúng ta đang cố dạy con những gì? Chúng tôi đã cố gắng lựa chọn giáo viên của mình, họ đều là những người xuất sắc. Trong từng phút từng giây quan trọng của tuổi thơ con trẻ, chúng ta đã lãng phí bao nhiêu phần cuộc sống quý giá của chúng? Vì thế, tôi đã nói với các cô giáo rằng, các cô đừng dạy trẻ gì cả, hãy cứ để trẻ tự vẽ tranh, cứ để cho sức sáng tạo và tư duy của trẻ được phát triển, đợi đến lúc sau 6 tuổi, khi các khái niệm cơ bản của trẻ đã được hình thành, lúc đó, hãy dạy trẻ các kỹ năng.

An Kỳ là con một cô giáo trong trường chúng tôi, 3 tuổi rưỡi cháu vào trường. Trước đó, cháu chưa từng được tiếp xúc với phương pháp giáo dục Montessori, nên cháu được bắt đầu thao tác với các dụng cụ dạy học từ năm 2 tuổi rưỡi. Mẹ cháu rất nóng vội, hỏi An Kỳ: “An Kỳ, hôm nay con đã thao tác những đồ dùng nào rồi?”. Cháu nói: “Hôm nay con đã…”, nói ra đến mười mấy mục, mẹ vừa nghe đã biết ngay là con mình không tập trung, nên nói: “An Kỳ, con không được làm thế, con nên thao tác với một hoặc hai loại thôi, con nhớ chưa?”. An Kỳ nói: “Con nhớ rồi ạ”. Sáng ngày hôm sau, ăn cơm xong, khi cô giáo đưa các con trong lớp vào phòng học, An Kỳ đã vui vẻ chạy ra nói: “Mẹ ơi, hôm nay con đã thao tác một dụng cụ rồi”. Nói xong thì đi! Mẹ cháu nói: “Trời ơi, mình đâu có nói thế này”. Nhưng, chính xác là hôm đó, An Kỳ đã chỉ thao tác một dụng cụ.

Sự việc này cũng chỉ rõ rằng, có những lúc sự “dạy” của chúng ta đã “nô dịch” trẻ, khiến trẻ mất đi sức sáng tạo, chúng ta cũng không biết rằng sự “dạy” của mình đã dẫn con đi đến đâu. Chúng ta không biết rằng trong một loạt những lời rối rắm của chúng ta có bao nhiêu khái niệm, con trẻ đã nắm được khái niệm nào và chưa nắm được khái niệm nào. Cho dù từng câu từng chữ của chúng ta đều là chân lý, cũng không thể dạy được con.

Những gì chúng ta đã nói, đa phần con đều không hiểu. Bởi vì có rất nhiều lúc, con trẻ không hiểu nổi chúng ta đang nghĩ gì? Ví dụ như liên quan đến cái chết, chúng ta hãy lấy phương pháp đo sự phát triển đạo đức của Lawrence Kohlberg(2) để xem trạng thái nhận thức của trẻ em. Nội dung của phương pháp đo này như sau: Tại một thành phố nhỏ ở châu Âu, có một người phụ nữ đang cận kề cái chết vì mắc chứng ung thư. Trong thành phố có một dược sĩ phát minh ra loại thuốc mới có thể cứu sống người phụ nữ này. Nhưng dược sĩ này là một người làm kinh doanh, ông ta muốn thu tiền thuốc gấp mười lần tiền vốn bỏ ra. Heinz, chồng của người phụ nữ cố gắng đi vay mượn, nhưng chỉ được nửa số tiền, nên muốn xin vị dược sĩ kia giảm giá, nhưng người này không đồng ý. Heinz vì muốn cứu vợ nên nảy ra ý định đột nhập vào nhà người này để ăn trộm thuốc. Heinz có nên làm như vậy? Tại sao lại nên và tại sao không?

Con trai tôi được tham dự thực nghiệm này, lúc đó cháu 4 tuổi. Cháu nói: “Làm thế là phạm pháp, ông ấy không được ăn trộm”. Tôi nói: “Nhưng vợ ông ấy sắp chết rồi!”. “Chết thì đành chịu vậy”. “Thế sao được? Chẳng lẽ người làm chồng lại không buồn sao?”. “Không đâu ạ, linh hồn của người chồng có thể bay vào không gian để gặp người vợ!”. Con tôi đã có khái niệm linh hồn từ khi nào vậy? Tại sao cháu lại hiểu vấn đề theo cách này? Tôi không trả lời được câu hỏi này. Tôi cảm giác rằng có rất nhiều việc mà người lớn chúng ta không thể hiểu được rõ ràng. Trẻ con tiếp nhận được rất nhiều khái niệm, bạn sẽ không thể biết sau khi xem một bộ phim hay một cuốn truyện nào đó, trẻ đã tiếp nhận được những gì. Chẳng hạn như sau khi xem xong bộ phim “Siêu nhân”, con tôi thường nói: “Mẹ ơi, mắt của siêu nhân kinh cực, xẹt một cái tia X phóng ra”. Sau này, con tôi bị ngã gãy tay, phải chụp X quang. Cháu vô cùng kiêu hãnh nói: “Mẹ ơi, con có hai tấm phim X quang này”. Mỗi khi nhà có khách, cu cậu lại hớn hở lấy ra cho khách xem, nói rằng đây là phim X quang. Cũng có thể, con tôi cho rằng mình đã có được một thứ giống siêu nhân. Mỗi ngày, con trẻ tiếp thu bao nhiêu thứ và bạn không biết rằng, khi nào thì trẻ hình thành nên khái niệm này.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.