Yêu Thương Và Tự Do

Chương 16 THỰC TIỄN GIÁO DỤC CỦA “YÊU THƯƠNG VÀ TỰ DO”



Một người bạn nói với con trai tôi: “Khi nhảy khỏi phi thuyền vũ trụ, cháu sẽ rơi vào vũ trụ!”. Con trai tôi nghĩ một lát nói: “Chúng ta hiện đang ở trong vũ trụ mà!”. Khái niệm của người lớn đã quá sai lệch. Con trẻ dùng đôi mắt của mình để nhìn nhận một thế giới khách quan, điều này không do ai dậy, mà đến từ nội tâm của trẻ, đến từ quá trình trẻ quan sát và thể nghiệm cuộc sống.

Tôi xin nói đến “cái đẹp và môi trường” trước. Đối với chúng tôi, đầu tiên môi trường là một loại cảm giác, chúng tôi mong muốn một môi trường đơn giản sạch sẽ, sáng sủa rõ ràng, hài hòa. Giáo dục Montessori có một quy định về màu sắc cho việc bố trí môi trường của lớp học. Các cô có thể lựa chọn một trong ba màu trắng, hồng, kem để làm màu cơ bản trong lớp học của mình.

Kiểu dáng và kích cỡ của đồ dùng gia đình cũng phải phù hợp với trẻ nhỏ, nên cũng có quy định. Việc cô giáo cần làm là làm đẹp môi trường lớp học trên cơ sở này. Tôi sẽ không nói về “cái đẹp”, vì mỗi người có một quan niệm thẩm mỹ khác nhau. Cũng giống như việc nhà bạn phải khác nhà tôi, phong cách của tôi không giống với phong cách của những người khác. Vì thế, mỗi người sẽ bố trí lớp học theo thẩm mỹ cá nhân của mình. Có cô giáo đem hoa ở nhà mình đến, có cô lại mang túi, mang sách…, lớp nào cũng rất đẹp, rất trang nhã. Nhưng phải ghi nhớ một điểm, thẩm mỹ của trẻ em cao hơn người lớn, nên không thể chủ quan mà cho rằng những bức tranh hoạt hình thiếu thẩm mỹ và gây cười sẽ có ích cho bọn trẻ, vì đó hoàn toàn chỉ là cảm giác và nhận định của người lớn. Khi các cô giáo treo trong lớp những bức danh họa của những họa sĩ nổi tiếng trên thế giới, chúng tôi đã phát hiện có một bé đứng đó nhìn chăm chú, cô giáo để ý thấy, bé đã đứng đó mười bốn phút. Vì thế, khi bố trí phòng học, phải lấy trình độ thẩm mỹ cao nhất làm điểm xuất phát, chứ không phải những cái gọi là “tâm hồn trẻ thơ”.

Chúng ta lại nói tiếp đến việc giảng bài như thế nào? Điểm đầu tiên cần ghi nhớ chính là lời Dante (1265 – 1321, nhà thơ, nhà thần học người Ý) đã nói: “Mỗi câu nói đều phải chính xác”. Chúng ta không nên hiểu câu này thành: “Nói được làm được, phải làm cho bằng được”, mà phải hiểu là: “Đừng nói những lời thừa. Đã nói thì không phải lời thừa, đã là lời thừa thì đừng nói”.

Về đồ dùng dạy học, giáo dục Montessori quy định không ai có quyền ép học sinh thao tác loại đồ dùng nào. Montessori nói, thông qua chế độ tự do, con trẻ sẽ bộc lộ khuynh hướng tự nhiên của mình ở trường học, chỉ có như vậy, trẻ mới tự biết mình cần thao tác cái gì, đi lấy đồ dùng dạy học nào. Vì thế ở trường Montessori, không có tiếng chuông vào lớp, không có tiết học cụ thể, trẻ tự do vào lớp học, tự do ra khỏi lớp. Ở giai đoạn này, trẻ được tự quyết định. Vì thế trường mầm non không có quy định bài này có giảng hay không, vì chúng tôi biết rằng, khi con trẻ mới bước vào phòng học, trẻ không thể có kỷ luật ngay. Trẻ phải qua một quá trình lâu dài, một quá trình hỗn loạn, mới dần dần hình thành nên khuynh hướng tự nhiên của mình, lúc đó cô giáo mới biết được con trẻ thích gì. Ở trạng thái ban đầu này, không có chỗ dành cho những tiết học tập thể, bởi vì khi cô giảng bài, có thể trẻ không nghe, cũng có thể trẻ sẽ ra ngoài. Điểm hứng thú của mỗi đứa trẻ bị phân tán thành nhiều điểm, trẻ lại chưa hình thành kỷ luật nội tại, nên các cô không thể ngăn trẻ ra ngoài, trừ phi là các cô khiến cho trẻ sợ hãi.

Thế nên, ở trường Montessori về cơ bản không có các tiết học tập thể. Con trẻ sẽ hoạt động dựa theo nguyện vọng của chính mình. Những bé mới vào trường dành phần lớn thời gian vào việc chơi đùa, ra ra vào vào, có lúc tụ tập làm ồn, có lúc đứng lên trên bàn, có lúc lại chui xuống gầm bàn… Nhưng hai tháng sau, khi trẻ đã tìm thấy những việc mình thích, có lúc trẻ chơi đi chơi lại một món đồ trong vườn trường, có lúc lại vào phòng học lấy một đồ dùng dạy học, rồi liên tục thay đổi đồ dùng dạy học. Trong quá trình này, trẻ dần dần học được cách quan sát, có được bước thành công đầu tiên, trẻ mới có thể bước vào trạng thái làm việc, cuối cùng là có được kỷ luật.

Ở trường Montessori dường như rất ít bài học tập thể. Chúng tôi gần như bỏ qua kiểu bài học tập thể vì nó không quan trọng. Vậy kiểu bài tập này nên dạy vào thời gian nào? Chính là khi con trẻ đồng thời đạt trạng thái tốt và bước vào thời kỳ nhạy cảm.

Montessori nói, hình thức đơn giản nhất của giảng bài là ngắn gọn, rõ ràng, khách quan. Đây cũng có nghĩa là điều chúng ta vừa nói, “Mỗi câu nói đều phải chính xác”.

“Rõ ràng” là một yêu cầu không dễ dàng. Trong quá trình giao lưu với chính con trai mình, tôi phát hiện ra, muốn nói một việc rõ ràng thật không dễ dàng gì, ví dụ như từ “kiêu”. “Mẹ ơi, sao câu này cũng là kiêu, câu kia cũng là kiêu thế ạ?”, con trai tôi hỏi. Đến hôm nay tôi vẫn không thể cắt nghĩa rõ ràng với con mình. Bởi vì tôi đã nói cả một tá những lý lẽ, đó cũng là một tá những khái niệm. Lấy khái niệm để giải thích khái niệm thì thật rối rắm với trẻ con. Trong quá trình tiếp xúc với trẻ, tôi cảm nhận thấy đây cũng là quá trình để các cô tự uốn nắn mình. Các cô tự rèn luyện và nâng cao tố chất của mình trong quá trình đối thoại và tiếp xúc với con trẻ.

Trong cuộc sống có biết bao nhiêu vấn đề chúng ta không hiểu, không rõ, điều đó bắt buộc chúng ta phải học tập. Ví dụ nói “vũ trụ”. Có một hôm, một người bạn của tôi nói với con trai tôi: “Khi nhảy khỏi phi thuyền vũ trụ, cháu sẽ rơi vào vũ trụ”. Con tôi lại nói: “Không phải, chúng ta đang ở trong vũ trụ mà”. Đúng vậy, chúng ta cũng là một phần của vũ trụ, tại sao lại rơi vào vũ trụ? Rõ ràng là con tôi đã xây dựng đúng khái niệm này. Khái niệm của người lớn đã sai quá nhiều. Trẻ con quan sát, sau đó nắm bắt và xây dựng khái niệm chính xác.

Có một lần, mẹ một cháu nói với tôi, cứ chín giờ tối là chị bảo con đi ngủ, nhưng giờ đó con gái chị đang xem hoạt hình nên không muốn ngủ. Chị liên tục đứng bên cạnh thúc giục, con gái chị cuống lên nói: “Mẹ không cho con tự do à?”. Mẹ nói: “Mẹ cho con tự do còn gì!”. Con gái nói: “Không phải, cứ đến chín giờ, mẹ lại nhốt tự do của con trong cái đồng hồ!”.

Trước 6 tuổi, con trẻ xây dựng khái niệm dựa trên những trải nghiệm của mình với cuộc sống và sự vật chứ không dựa trên những điều học được từ người khác.

Có một lần, vì con trai làm sai nên chồng tôi đã nổi nóng, con tôi khóc mãi. Tôi ôm con lên và nói: “Bố yêu con, chỉ là bố quá nghiêm khắc”. Con tôi không khóc nữa, suy nghĩ một lúc, rồi nói với tôi: “Mẹ ơi, phải nói thế này, có lúc bố yêu con, có lúc lại không yêu”. Tôi cảm thấy thật may mắn, con tôi có thể hiểu ra hiện thực khách quan, nên chắc chắn cũng sẽ hiểu ra chân lý. Điều này có được không phải do ai dạy trẻ, mà đến từ bản thân trẻ, đến từ sự khái quát cao độ và sự thể nghiệm của trẻ đối với cuộc sống.

Một giáo viên Montessori ưu tú trước tiên sẽ không giảng giải gì, mà chỉ đảm bảo sự tự do cho trẻ. Nhớ lại quá trình trưởng thành của chúng ta, bao nhiêu quan niệm và khái niệm không đến từ những trải nghiệm của bản thân mà đến từ thế giới bên ngoài, đến từ bố mẹ, cô giáo và một đống những kiến thức sách vở không phù hợp với cuộc sống thực tế. Khi chúng ta trưởng thành, phát hiện thế giới không giống như những điều mà người khác hoặc sách vở đã nói, lúc đó chúng ta đã không thể xây dựng những thứ của chính mình. Có một lần, bác bảo vệ lớn tuổi trông vườn sau của chúng tôi trách mắng một bé, bé nhào vào lòng mẹ khóc nói: “Ông ấy nói dối, tại sao ông ấy lại thế, ông ấy còn là ông nữa”. Mẹ nói: “Ông ấy già rồi, con…”. Bé vẫn hét lên: “Không phải! Ông ấy chưa hề được yêu!”. Tôi tin rằng, ngày hôm nay, 70% người lớn chúng ta không biết thế nào là yêu, hoặc không hiểu rõ ràng khái niệm yêu là thế nào.

Con trẻ thường hay hỏi tại sao, cái gì? Nếu chúng ta không thể cho trẻ một câu trả lời chính xác, thì điều đầu tiên yêu cầu các cô là, nếu các cô không hiểu thì đừng bịa đặt lung tung. Trường chúng tôi có một cô ban đầu cũng có tật này, cô ấy không biết giáo dục Montessori yêu cầu mình làm thế nào, nhưng có thể tưởng tượng bà Montessori đang bảo mình làm thế này. “Cô ơi, tại sao lại thế này?”. Cô giáo nghĩ một lúc, rồi tự bịa ra câu trả lời. Tôi hỏi cô: “Tại sao cô không tra sách?”. Cô giáo nói: “Em cảm thấy chắc là thế”.

Trước đây tôi cũng đã nghĩ rằng, tưởng tượng một chút là có thể trả lời câu hỏi của con trai mà không cần quan tâm xem điều đó có đúng không, bởi vì người lớn luôn cảm thấy đúng hay không trước mặt con trẻ cũng không hề mất mặt. Nếu chúng ta nói với con: “Cô không biết cái này, chúng ta cùng đi tra sách nhé”, như thế kết quả có thể hay hơn nhiều. Tôi đã đọc câu chuyện trong một tạp chí về một du học sinh Trung Quốc đi dạy gia sư ở Mỹ, một lần bị học sinh hỏi liên tục mà cảm thấy rối tung, bạn gia sư này nói: “Cháu mà hỏi nữa thì mèo bắt đấy”. Mẹ cháu đang nấu cơm nghe thấy câu nói này, chị nghiêm khắc chỉ ra vấn đề và dừng ngay việc nấu cơm lại, mang cuốn “Bách khoa toàn thư” ra giảng cho con nghe “những động vật họ mèo”. Chị không muốn con mình còn nhỏ mà đã lại xây dựng khái niệm “mèo” một cách đáng sợ như vậy.

Chồng tôi hay lôi sói xám ra để dọa con. Bạn thử nghĩ xem nếu chúng ta thường xuyên nhắc đến việc sói xám sẽ ăn thịt con, buổi tối nào trước khi đi ngủ cũng dọa để con ngủ sớm, liên tục như thế thì hình ảnh sói xám trong đầu óc con trẻ sẽ thế nào? Trong một lần trắc nghiệm về trí lực có sử dụng hình ảnh của sói và dê. Tuyệt đại đa số trẻ nhìn thấy đều nói: “Sói xám ăn thịt dê”. Con tôi chẳng sợ gì, chỉ sợ mỗi sói xám. Sau đó, khi cô giáo giảng đến loài cáo, con tôi hỏi: “Cô ơi, cáo có đến lớp chúng ta được không?”. Cô giáo nói: “Tất nhiên là không, cáo ở trong rừng sâu, hoặc ở trong vườn bách thú, sao có thể đến lớp học được?”. Sau khi suy luận, con tôi cho rằng sói cũng không thể đến được. Khi về nhà, cháu nói: “Mẹ ơi, bố là kẻ lừa đảo, sói ở trong rừng sâu, hoặc ở trong vườn bách thú, không thể chạy đến đây được”.

Mẹ tôi không muốn cháu ra mương nghịch nước, nên nói ở đó có “con ma nước”. Con tôi hỏi: “Mẹ ơi, con ma nước là gì ạ?”. Tôi nói: “Con ma nước là con quỷ nước đấy”. Con tôi nghe xong thì cười hì. Nó không sợ. Nhưng từ hôm đó trở đi, con tôi không ở một mình với bà ngoại nữa, nó bảo: “Bà ngoại nói dối. Bà bảo có con ma nước, nhưng kỳ thực là không có! Thế mà bà bảo là yêu con, con không tin bà nữa”. Sau đó tôi cảm nhận thấy, nếu chúng ta không xây dựng cho con trẻ một khái niệm chính xác, điều đó có thể ảnh hưởng đến cả cuộc đời chúng, bởi vì có thể cả đời này bạn sẽ sử dụng một khái niệm không thay đổi được hình thành từ thời niên thiếu. Đây là điểm đầu tiên.

“Rõ ràng” chính là không nói lời thừa. Ví dụ nói về hình vuông, giáo viên khi giảng bài thường nói với học sinh: “Các con nhìn xem!”. “Các con nhìn xem” chính là lời thừa. “Các con nhìn xem, đây là hình vuông, hình vuông có bốn cạnh bằng nhau…” liệu có phải là lời thừa không? Toàn là những lời thừa. Giảng đến hình tam giác, “Các con nhìn xem, trong tay cô đang cầm cái gì nào? Đây là hình tam giác, hình tam giác có ba góc, một góc, hai góc, ba góc”. Toàn là những lời thừa. Phương pháp đúng đắn là, cầm hình tam giác lên, nói: “Hình tam giác”. “Cái nào là hình tam giác?”. “Cái này”. “Đây là cái gì?”. “Hình tam giác!”. Đây chính là cách giảng theo “tam đoạn thức”.

Tôi đã tiến hành phương pháp giảng “tam đoạn thức” với chính con mình. Có một lần chúng tôi đến vùng nông thôn tìm thợ làm vườn nghệ thuật. Ngoài cổng đang có một con bò kêu “ò ò”. Tôi nói với con: “Con nhìn xem, đây là con bò. Con bò cho chúng ta sữa uống hàng ngày. Đây là phân của con bò”. Tôi nói với con bao nhiêu là thứ, lúc đó con tôi hơn 2 tuổi. Nói xong, chúng tôi lại ra sau vườn, ở đó có một cái chuồng lợn. Tôi sử dụng phương pháp tam đoạn thức. Tôi chỉ vào con lợn nói: “Lợn, lợn”. Tôi lại hỏi: “Đây là con gì?”. Cháu nói: “Lợn”. Đến chiều, tôi nhớ đến thực nghiệm này, liền bế con đến chỗ con bò, hỏi: “Đây là con gì?”. “Không biết”. Tôi lại bế con ra chuồng lợn: “Đây là con gì?”. “Lợn”. Thật là hiệu nghiệm! Sau đó tôi thường bế con ra ngoài, dùng phương pháp “tam đoạn thức” để dạy con, cháu nhớ rất tốt. Nếu không dùng phương pháp này thì cháu quên nhiều hơn, nhớ ít hơn. Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến cho khái niệm của con trẻ không rõ ràng.

“Rõ ràng” là một cách hay để dạy con trẻ. Nó bóc tách từ ngữ, chỉ thẳng vào đối tượng. Nó loại bỏ những “sóng nhiễu” xung quanh đối tượng chú ý, trực tiếp chỉ ra từ ngữ chính của hoàn cảnh tức thời. Làm nổi bật từ ngữ chính, bỏ qua những thứ vặt vãnh chung quanh – phương pháp này vô cùng đối ứng với đặc điểm “ngôn ngữ điện báo” trong thời kỳ đầu của con trẻ.

Một giáo viên Montessori ưu tú sẽ không có một lời thừa nào. Cô giáo dài dòng lôi thôi sẽ khiến con trẻ rối loạn, bởi vì cô không cách ly con trẻ với khái niệm cần nắm bắt, cô cũng không thể biết trẻ đang chú ý vào câu nói nào của mình. Ví dụ nói về màu sắc, khi tôi đến một trường mầm non ở Bắc Kinh, một cô giáo đang giảng: “Các con nhìn đây, đây là quả bóng bay màu đỏ… các con nhìn xem lớp chúng ta có những màu gì?”. Lúc thì lớp học, lúc thì quần áo, lúc thì…, con trẻ không thể hiểu sao mà lại lắm khái niệm đến thế? Tất cả lộn xộn hết lên.

“Rõ ràng” là phương pháp quan trọng nhất trong giáo dục Montessori, phương pháp này cố gắng cách ly một khái niệm với những sự vật khác. Cũng giống như việc ta sắp đũa khi ăn cơm, chúng ta muốn dùng những đôi đũa để xây dựng khái niệm số cặp ở trẻ, nhưng con trẻ lại tập trung toàn bộ sự chú ý của mình để xem ai còn thiếu đũa chứ không hề tập trung vào bản thân con số. Điều này đã đi chệch khỏi mục đích, cũng chính là những “thứ thừa” trong mục đích giáo dục vốn dĩ của chúng ta.

Trí nhớ của con trẻ rất lạ lùng, giống như những bức tranh âm tiết mà chúng tôi đã nói ở trên. Chữ “A” trong bức tranh bác sĩ cầm ống nghe, một em bé há miệng rất to: “A…”. Chữ “O” trong bức tranh con gà trống. Chữ “E” trong bức tranh em bé. Khi chúng tôi chỉ vào chữ “A”, các con nói “Ống nghe!”, chỉ chữ “O” hỏi: “Đây là chữ gì?”. “Con gà trống”. Chỉ chữ “E”, các con nói “Em bé!”.

Dùng tranh trợ giúp trí nhớ là phương pháp ghi nhớ có tính phụ trợ, có ích cho người già, có ích cho người có trí nhớ kém, người có bộ óc đã chịu tổn thương mà không hề có bất cứ ích lợi nào cho con trẻ. Không những là không có ích, mà còn đem lại hậu quả tệ hại, đều là những “thứ thừa”. Vì thế, trường chúng tôi đã dán giấy trắng che đi toàn bộ phần hình ảnh, rồi mới hỏi: “Đây là chữ gì?”. Trẻ đáp: “A”. “Đây là chữ gì?”. Trẻ nói: “O”. “Đây là chữ gì?”. Trẻ nói: “E”. Trẻ được trực tiếp nhìn thấy bản thân chữ cái, từ đó trở đi, nếu trẻ thấy chữ trên ti vi, trên màn ảnh rộng, cho dù là chữ gì, trẻ cũng sẽ nói: “Đây là chữ cái”. Rõ ràng trẻ hiểu được chữ cái là một ký hiệu trừu tượng, trẻ đã xây dựng được khái niệm “chữ cái” cho mình.

Tôi xin nói thêm một mẩu chuyện vui về phương pháp ghi nhớ có tính phụ trợ. Bức tranh dạy chữ “Q” vẽ hai mẹ con trâu nghé đang đi dạo bên một gốc cây và đống rơm, xa xa là những ngôi nhà, núi non…, nói chung là phong cảnh làng quê. Rất nhiều đứa trẻ vừa nhìn thấy đã bảo con trâu. Có thể lúc này trẻ đang ở thời kỳ nhạy cảm, thích thú với những con vật, nên không hề để ý đến những thứ xung quanh. Những đứa trẻ lớn hơn thì lại nói “Nhà”… Thật là hay ho! Tôi nghĩ, không có ai giải quyết vấn đề này? Chỗ nào cũng có lời thừa, vật thừa. “A” phải chính là “A”, “O” phải chính là “O”, “Q” phải chính là “Q”.

Giáo viên của chúng ta soạn giáo án, viết mục tiêu dạy học, viết phương pháp dạy học, nhưng dạy học thực sự là thế nào? Một hôm, tôi bảo con thao tác “thẻ số”, con thao tác một lượt với tốc độ nhanh nhất, rồi nói với tôi: “Được chưa mẹ? Con cất đi nhé?”. Ý của con là: Mẹ đã vừa ý rồi chứ! Tôi nói: “Mẹ dạy hay là con tự học được điều này?”. Con tôi nói: “Con tự học ngày kia”. Con tôi còn chưa biết cả hôm qua, hôm kia, ngày kia, thì tôi nên dạy toán cho con như thế nào?

Có lần trong phòng học, một bé 2 tuổi đi thẳng tới, khuôn mặt không hề biểu lộ cảm xúc, đặt phịch mông xuống, ngồi cả lên tấm thảm làm việc của em bé phía sau. Em bé này đang đổ đầy bản cắm đinh ra đất, thấy vậy thì lấy bàn chân nhỏ xíu đạp vào mông bé đằng trước. Đạp một cái, em bé chúi về phía trước một tí, rồi đạp liền mấy cái, nhưng dù có đạp thế nào, em bé vẫn ngồi yên ở đó mân mê mấy con số của mình, “8”, “5”… liên tục như thế. Sau đó em bé kia phát hiện có đạp cũng không ích gì, đành mặc kệ. Em bé 2 tuổi vẫn hoàn toàn không biết gì, vẫn ở đó mà mân mê thẻ số… Đây thật là một cảnh tượng mê đắm lòng người! Hóa ra, khi học tập trẻ em có thể tập trung đến vậy. Thật là đẹp!

Khi thu dọn đồ dùng dạy học, tôi đặt theo thứ tự: “10”, “9”, “8”…, em bé thấy vậy, lại xếp ngược lại. Xếp “1” ở đầu tiên, rồi “2” cho đến hết thì mới vừa ý. Như vậy, “trật tự” của em bé này đã được thiết lập.

Điểm quan trọng thứ ba trong việc dạy học là “khách quan”. Montessori nói: “Trong lúc giảng bài, người giáo viên không được thể hiện cá tính của mình mà phải làm nổi bật đối tượng khách quan mà học sinh đang chú ý tới”. Ví dụ khi cho trẻ nhận biết màu sắc, chúng ta chỉ hướng sự chú ý của trẻ tập trung vào màu sắc, tránh việc trẻ chú ý tới giáo viên. Bởi vì tính cách và thói quen của mỗi giáo viên là khác nhau. Tôi phát hiện các bé ở trường chúng tôi có các hành động tương tự một số hành động của cô giáo. Sau đó, tôi quan sát kỹ hơn, do trong trường có cô để tóc dài, khi làm việc, tóc cô thường xõa xuống phía trước nên phải lấy tay vuốt ra phía sau. Lâu dần, các bé cũng học theo cô y như vậy. Vì thế tôi yêu cầu các cô phải búi tóc lên, vì khi các cô đang làm việc, nếu tóc tai lòa xòa, sẽ xao nhãng sự chú ý của các bé. Khi tính năng động của các cô quá mạnh, các bé không đạt được trạng thái khách quan. Tại sao giáo dục Montessori lại yêu cầu các cô phải quỳ thế nào, ngồi xếp vòng tròn ra sao, yêu cầu tất cả mọi động tác đều phải nhất quán. Điều này hoàn toàn là để quy phạm mọi hành vi của giáo viên.

Ngay cả việc đi bộ, mỗi cô có dáng đi khác nhau, dáng đi của mỗi lớp cũng khác nhau, có cô đi bước dài khiến học sinh đi như chạy theo sau, có cô đi khá chậm, nên các bé trong lớp cũng đi chậm theo. Khi ra đến ngoài, mỗi lớp đi một kiểu khác nhau.

Con trẻ đang phát triển. Khi con trẻ không đạt được khả năng của người lớn, chúng sẽ nhìn bạn, mô phỏng bạn và tiếp thu bạn. Giống như việc làm bánh sủi cảo của người Trung Quốc, có đến 90% kiểu dáng bánh của bạn là giống với bánh mẹ làm. Rất nhiều thói quen, phương thức hành vi của chúng ta được hình thành từ ngày nhỏ, sẽ được sử dụng trong suốt cuộc đời mà bạn không hề có cảm nhận trên tầng diện ý thức. Những thói quen và phương pháp này có thể đến từ môi trường của tuổi ấu thơ, mà ngay cả bản thân chúng ta cũng không hề biết.

Vì thế tôi yêu cầu giáo viên hết sức khách quan. Khách quan đến mức nào? Vứt bỏ hoàn toàn tất cả những thói quen không văn minh của các cô! Đừng có cho rằng quan niệm về đạo đức, giá trị, thẩm mỹ của các cô đều chính xác, và càng đừng bao giờ có ý đồ áp đặt lên con trẻ. Ngay như việc đi vệ sinh, tôi đã đến rất nhiều trường mầm non hàng đầu, trẻ phải đi vệ sinh ở một phòng chung, nhiều lúc còn có cả cô giáo đứng ở đó. Đứa trẻ nào cũng có tính xấu hổ bẩm sinh, con trẻ không thích có người đứng bên cạnh hay bị ai nhìn thấy khi đang làm những việc này. Nhưng không có ai tôn trọng điều này, người lớn không cảm thấy làm thế sẽ tạo ra những hậu quả gì. Hãy nhìn thế giới của những người lớn mà xem, khạc nhổ bừa bãi, lớn tiếng xì mũi giữa bao nhiêu người, đâu có khác gì với việc đi vệ sinh ngay trước đám đông? Chúng ta đang phá hoại cảm giác xấu hổ của cả một lớp người kế tiếp.

Nghĩ cho kỹ, chúng ta chỉ còn cách cẩn thận kiểm điểm lại bản thân, cố gắng khắc phục mọi thành kiến, nhược điểm, và tầng ý thức thấp, cố gắng hết khả năng để nói những lời hay nhất, làm những hành động đẹp nhất trước mặt trẻ, mới có thể gọi là khách quan.

Một giáo viên tốt phải tổ chức tốt trật tự ở lớp, tạo cho con trẻ trạng thái khách quan để thoải mái làm việc không bị quấy nhiễu. Khi dạy học có thể sẽ xảy ra những tình huống như, con trẻ không có cảm hứng thì phải làm thế nào? Dừng lại. Trẻ có sai không? Không sai. Tuyệt đối không được nói “Con ngu (ngốc) lắm”, cũng không được ám thị trẻ. Vì con trẻ không có hứng thú với việc này, nên không được khiển trách trẻ. Montessori yêu cầu giáo viên nắm vững hai điểm: Một là, trong những trường hợp thế này thì trẻ không cần phải tiếp tục; hai là, đừng để trẻ cảm thấy mình đã sai, hoặc trẻ cảm thấy không hiểu vấn đề này. Chỉ có như vậy chúng ta mới có thể chờ đợi thời cơ, đến khi con trẻ có hứng thú sẽ tìm hiểu vấn đề này. Sự tự tin của con trẻ được xây dựng từ việc nắm chắc khả năng của mình, chứ không phải từ việc so đo trí thông minh của mình với người khác, bởi vì bạn mãi mãi không thể so trí thông minh của mình với bất cứ ai. Tự nhiên ban tặng cho mỗi người chúng ta một đặc tính độc đáo khác nhau, chúng ta không cần phải tự ti khi thấy bản thân mình kém hơn so với người khác về một điều gì đó, chúng ta phải phát triển bản thân mình, thì thế giới này mới trở nên phong phú và nhiều màu sắc. Hãy để con trẻ được phát triển bản thân mình trong một môi trường trật tự, đó chính là một thái độ khách quan vô cùng tuyệt vời.

Montessori từng kể một câu chuyện có tên “Người chú triệu phú của tôi”. Người chú tên là Fufu, khi học mầm non, trong một lần đang định ăn cơm thì phát hiện ra một bạn gái đang rất đói nên đã ấn phần cơm của mình vào tay cô bé kia và chạy đi. Sau khi chạy khỏi chỗ bạn gái vài bước thì đưa hai cánh tay lên che mắt. Lần đầu tiên Fufu có cảm giác xúc động, một sự xúc động lương thiện, Fufu không biết phải diễn đạt cảm giác ấy thế nào nên đã chạy đi. Cô bé kia đi đến, kéo tay Fufu xuống, hôn cậu một cái, Fufu cũng thuận theo, hôn và ôm cô bé kia. Montessori nói: “Lúc này lần đầu tiên Fufu cảm nhận được sự xúc động lương thiện”. Nhưng đúng vào lúc đó, cô giáo đang đứng ở đằng xa rít lên những tiếng chói tai: “Hai con đang làm gì thế hả? Về lớp học ngay”. Montessori nói: “Cảm giác xúc động lần đầu tiên của đứa trẻ đã bị giọng nói thô bạo kia bóp nghẹt”.

Montessori nói, sự gợi ý, khai sáng của cô giáo tương đương với điều gì? Giống như một người đang đi dạo bộ trong rừng sâu, yên tĩnh, vui vẻ, trầm tư, mặc cho thế giới nội tâm của mình từ từ hé mở. Lúc này, từ xa vẳng đến tiếng chuông du dương nhịp nhàng, tiếng chuông ấy thức tỉnh bạn, khiến bạn cảm nhận rõ ràng hơn sự tĩnh lặng và nét đẹp của nơi này. Sự gợi ý, khai sáng của người lớn chính là tiếng chuông giúp cho những cảm giác mông lung của con trẻ trở nên rõ rệt.

Tuy rằng trẻ em có một tiềm năng to lớn, nhưng trẻ cần một quá trình phát triển từ từ. Quá trình ấy cần sự gợi mở của người lớn. Đồ dùng dạy học chính là công cụ để những năng lực tiềm tàng của trẻ được thực thể hóa, đồ dùng dạy học là môi trường tự nhiên của trẻ. Nếu các cô mượn đồ dùng dạy học của trẻ, thì nhất thiết phải trả từng đồ dùng về đúng vị trí. Nếu đồ dùng dạy học không về đúng vị trí, liệu cô giáo có đủ năng lực để sáng tạo ra những đồ dùng dạy học tốt hơn không? Nếu không, con trẻ sẽ không được sử dụng đồ dùng dạy học đúng mục đích, bởi vì trẻ không có được thứ mình cần thì trẻ sẽ “chơi” chứ không phải là “làm việc” với đồ dùng dạy học. Vì thế, thao tác đồ dùng dạy học cần phải chuẩn xác, như những linh kiện tiêu chuẩn của xe hơi, đây là yêu cầu đối với các cô, chứ không phải yêu cầu đối với trẻ. Đồ dùng dạy học chính là môi trường khách quan phù hợp với cơ cấu trưởng thành nội tại của trẻ.

Montessori nói: “Người lớn chúng ta tưởng rằng có thể lấy lời nói tác động lên đôi tai của trẻ, có thể dùng hình ảnh tác động lên thị giác của trẻ, mang những câu chuyện về hoàng tử công chúa để phát triển sức tưởng tượng và sức sáng tạo của con trẻ, điều này là không thể”. Vậy thì, những câu chuyện cổ tích có thể mang đến cho trẻ những điều gì? Nếu con trẻ cảm nhận thế giới bằng cơ quan cảm giác chứ không từ sự truyền thụ bằng ngôn ngữ, thì chúng tôi cho rằng những câu chuyện cổ tích chỉ có một tác dụng, đó là tăng thêm lượng từ vựng và phát triển khả năng logic của con trẻ. Đây cũng là quá trình luyện tập ngôn ngữ, không liên quan gì đến quá trình phát triển sức sáng tạo. Các hành vi của giáo viên luôn được tiến hành dựa trên cảm giác của chính mình.

Trong quá trình dạy học và nhiều trường hợp khác, khi trẻ chuyên tâm, có thể trẻ sẽ không làm đúng thứ tự một số chi tiết và kỹ năng đã được rèn luyện trong cuộc sống, lúc này, chúng ta không thể cứng nhắc nhất nhất đều theo những quy tắc hàng ngày. Bình thường, nếu trẻ quên đưa đồ dùng dạy học trở về vị trí, có thể chúng ta sẽ hỏi: “Con có quên việc gì không?”. Nguyên tắc của chúng tôi là không được mắng mỏ, mà chỉ nhắc nhở. Nếu bạn mắng mỏ trẻ, khi ở trước mặt bạn, trẻ sẽ đem trả mọi vật về vị trí cũ, nhưng khi bạn rời đi, thì mọi thứ vẫn y nguyên. Nếu như mỗi lần bạn đều nói với trẻ: “Con có quên việc gì không?”, đến khi con trẻ hình thành được thói quen, thì hành vi của trẻ sẽ hoàn toàn nhất quán mà không hề phụ thuộc vào việc bạn có mặt ở đó hay không, có như thế, trẻ cũng giữ được nhân cách nhất quán của mình. Quá trình rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày, chủ yếu là để cô giáo “quan sát mọi thứ trở về vị trí”, tức là không ngừng nhắc nhở trẻ. Nhưng, một người giáo viên Montessori ưu tú phải hiểu trẻ, có thể phân biệt trạng thái của trẻ, biết được lúc nào nên tạm thời bỏ qua những nguyên tắc này.

Tôi xin đưa ra một ví dụ, trường chúng tôi có một bé, một hôm, bé bỏ quên giày ngoài cửa, có thể vì khi ở ngoài cửa, bé nhìn thấy những bé khác đang thao tác đồ dùng dạy học rồi hoàn toàn chìm đắm trong việc quan sát ấy, bé có một sự hứng thú muốn ngay lập tức được thao tác những đồ dùng dạy học kia. Bé bỏ giày rồi vào lớp ngay, hào hứng tập trung vào công việc của mình. Cô giáo phát hiện giày đang ở ngoài cửa, liền bước tới nói: “Con có quên việc gì không?”. Em bé ngẩng đầu lên, cảm thấy rất lạ, vì bé đang rất tập trung vào công việc của mình nên đã quên mất chuyện đôi giày, cô giáo lại nói: “Con nghĩ lại cho kỹ xem, lúc nãy khi ở ngoài cửa…”. Lúc này, bé mới nhìn ra ngoài cửa sổ, thấy đôi giày thì đứng dậy đi cất về chỗ. Tôi có nói với cô giáo ấy thế này: “Nếu cô cứ thế này thì lớp cô sẽ không có được trạng thái tập trung”. Việc “quan sát mọi thứ trở về vị trí” trong quá trình rèn luyện của cuộc sống hàng ngày không phải là mục đích mà chỉ là một phương pháp dạy học, trong khi tất cả các phương pháp của chúng ta đều vì một mục đích là bồi dưỡng sự tập trung của con trẻ. Chúng ta không nên vì một quy tắc mà làm hỏng mục đích thực sự của cả quá trình dạy học, bởi vì tập trung là điểm mấu chốt để hình thành nên tất cả các phẩm chất của con trẻ.

Tôi xin đưa thêm một ví dụ nữa. Một bé gái đang làm công việc của mình. Sự tập trung của bé đã lên đến đỉnh điểm, đến nỗi bé còn không biết nước mũi mình đang chảy. Khi nước mũi chảy xuống làm trở ngại công việc, bé chỉ cố hít mạnh vào. Cô giáo để ý thấy, lập tức đứng lên làm đứt đoạn công việc của bé, bảo bé đi lau mũi. Cô bé miễn cưỡng lấy tay lau nước mũi, cô giáo lại nói: “Mời con đi lấy giấy lau mũi”. Cô bé đành phải đi lấy giấy. May mà, lúc đó cô bé đã hình thành được phẩm chất tập trung, nếu không, rất có thể chính cô giáo đã làm hỏng kinh nghiệm này của bé.

Quy luật và tính logic nội tại của đồ dùng dạy học được phát hiện một cách ngẫu nhiên và bất ngờ trong quá trình thao tác đồ dùng suốt một thời gian dài. Khi niềm vui ấy được hình thành, ngày mai con trẻ sẽ tiếp tục làm vậy. Nhưng, nếu chúng ta làm phiền con trẻ vào chính cái thời khắc con trẻ cảm nhận được niềm vui, thì kinh nghiệm ấy sẽ bị phá vỡ và không thể xuất hiện. Chúng ta đã biết quá trình hình thành kinh nghiệm là một quá trình vô cùng gian nan, nhưng lại rất dễ bị phá vỡ.

Tôi còn câu chuyện khác về một em bé chuyên tâm thao tác đế cắm trụ tròn đã cả tiếng đồng hồ, bé đang sắp xếp đối ứng từng đôi một, rất có thể bé đã sắp sang giai đoạn thứ hai. Đây chính là quá trình phát triển trí lực. Nhưng đúng vào lúc đó, cô giáo lại bế bé lên nói: “Cô đưa con đi tiêm nhé!”, rồi bế bé đi. Em bé đã làm việc cả tiếng đồng hồ, chuẩn bị có kinh nghiệm thứ hai thì bị cô giáo làm đứt mạch công việc. Có thể phải cả tháng sau nữa, em mới lại có được kinh nghiệm này. Chúng ta thử nghĩ xem, nếu trong một tuần mà có đến ba lần xảy ra tình trạng trên thì chứng tỏ rằng cô giáo này đã thường xuyên làm vậy. Hậu quả là học sinh của lớp này rất khó bước vào trạng thái tập trung tinh thần.

Trong các tình huống thông thường, sau khi vào trường khoảng hai tháng rưỡi, trẻ sẽ bước vào trạng thái tập trung. Chúng tôi không tính các em bé chuyển từ các trường truyền thống vào trong danh sách này, vì các bé đã bị ép buộc quá nhiều. Nếu một lớp quá ba tháng mà không bước vào trạng thái này, thì giáo viên của lớp đó sẽ phải kiểm điểm lại mình, xem xem cô có từng làm phiền, từng ám thị, từng ép buộc trẻ, xem xem liệu có phải cô chưa cho trẻ được tự do, hoặc là, cô chưa yêu trẻ hay không.

Một ví dụ khác, trong thao tác ổ cắm trụ tròn, chúng tôi có mấy khái niệm sau: cao thấp, to nhỏ, thô mịn. Khi trẻ tiếp xúc đồ dùng dạy học này, một giáo viên Montessori ưu tú sẽ nói: “Mời con đưa cho cô cái thô nhất!”. Nếu con trẻ chưa hiểu được khái niệm này của bạn, trẻ sẽ chưa thể thao tác với đồ dùng dạy học này. Với mỗi lần thao tác của mỗi loại đồ dùng dạy học chỉ được đưa vào một khái niệm, tuyệt đối không được đưa vào từ hai khái niệm trở lên.

Khi dẫn lớp, mỗi tuần mỗi lớp chỉ nên thêm một đến hai học sinh. Việc đầu tiên khi trẻ đến trường mầm non là để cho trẻ làm quen với nhà vệ sinh, các cô sẽ làm mẫu cho trẻ việc cởi quần, vệ sinh, sau đó dẫn trẻ đến phòng ngủ. Việc thứ hai là dẫn trẻ đi làm quen với quang cảnh của toàn trường. Khi trẻ quen với toàn cảnh của trường, trẻ sẽ có cảm giác an toàn. Trong tuần đầu tiên trẻ sẽ chưa thể làm việc, mà thường dạo chơi trong và ngoài trường. Với những trẻ quá sợ trường mầm non, cô giáo sẽ dẫn trẻ đi ra phố, đi siêu thị, ra công viên, dẫn trẻ đi quan sát khắp các nơi. Tại sao lại phải dẫn trẻ ra cả bên ngoài trường? Bởi vì con trẻ có một tiềm thức, có thể trẻ sẽ nghĩ rằng, bước vào trường mầm non là không thể ra ngoài? Trẻ đang có cảm giác sợ hãi những nơi lạ lẫm

Sau khi có được cảm giác an toàn với trường mầm non, trẻ sẽ vào phòng học. Cửa lớp học luôn luôn mở để trẻ cảm thấy có thể ra vào thoải mái. Sau khi vào lớp, bước đầu tiên là nghe giáo viên đọc, sau đó ngồi yên lặng. Việc đọc luôn bắt đầu cho một ngày, cũng là một trong những nội dung quan trọng nhất. Tiếp sau là ngồi yên lặng. Chúng ta đã từng đọc được rất nhiều rằng, ngồi yên lặng mở mang trí tuệ và năng lực của con người. Ngồi yên lặng xong, chúng ta phải nói với các con, sau khi dùng xong, mọi đồ đạc phải quay về vị trí. Bài luyện tập trong cuộc sống hàng ngày là “trả về vị trí”. Bài học chủ đề “trả về vị trí” này thường được kéo dài trong một tuần. Tuần này giáo viên chủ yếu quan sát trẻ tự do hoạt động. Trẻ muốn làm gì cũng được, chỉ cần trẻ không làm phiền người khác và trẻ không có hành vi mất lịch sự. Có lúc, trẻ sẽ đi giằng đồ dùng dạy học của một bé khác, lúc này cô sẽ cho trẻ khái niệm ai lấy trước thì thuộc về người đó, những người còn lại phải chờ đợi. Nói với trẻ khái niệm “chờ đợi”, bởi vì trong cuộc sống chắc chắn xảy ra vấn đề này. Chúng tôi phát hiện ra rằng, học được cách “chờ đợi” sẽ mang đến cho trẻ những lợi ích rất bất ngờ, học được cách “chờ đợi”, trẻ có thể giải quyết rất nhiều vấn đề và từ đó xây dựng những thói quen đạo đức tốt đẹp.

Ví dụ mấy đứa trẻ cùng tranh nhau một đồ dùng dạy học hoặc một thứ nào đó, lúc này cô giáo phải tìm hiểu “ai cầm trước tiên”. Chắc chắn, bé nào cầm lấy trước tiên sẽ nói “Con cầm trước tiên”. Cô giáo sẽ nói với các trẻ còn lại: “Bạn ấy cầm trước nên sẽ dùng trước, mời các con chờ đợi”. Từ ngữ của cô giáo cũng phải quy phạm, không thể hôm nay nói “chờ đợi”, ngày mai lại nói thành một từ khác. Việc cần làm tiếp theo của giáo viên là quan sát trẻ thật tỉ mỉ. Trẻ muốn lấy đồ dùng dạy học nào cũng được, nhưng sau khi thao tác xong phải trả về vị trí để rèn luyện thói quen này. Cũng có thể lúc mới bắt đầu, trẻ vẫn chưa trả đồ vật về vị trí, có thể trẻ còn quên mất mình đã lấy đồ dùng dạy học đó từ chỗ nào. Lúc này, chúng ta nên luyện tập trò chơi “trả về vị trí”, nhưng không được ép buộc trẻ, nên để trẻ dần dần điều chỉnh. Giáo viên cũng có thể thông qua quy tắc trò chơi để trẻ ghi nhớ vị trí, phương hướng của đồ dùng dạy học. Cũng có thể, có những trẻ không hiểu thế nào là “trả về vị trí”, thì cô giáo sẽ cầm đồ dùng dạy học của trẻ lên, nói: “Cô dẫn con ra”. Khi “trả về vị trí”, cô giáo phải nói ra từ này, để trẻ ghép đôi lời nói và hành động, lặp đi lặp lại như thế, con sẽ hiểu thế nào là “trả về vị trí”.

Cũng có trẻ sau khi vào phòng học thì ném hết mọi đồ dùng dạy học xuống đất. Lúc này hai cô giáo tuyệt đối không được đi ra chỗ khác. Ví dụ trong lớp có năm học sinh mới, trong đó có hai bé “đại náo thiên cung”. Một giáo viên phải ở lại lớp quan sát ba học sinh còn lại, một giáo viên sẽ dẫn hai bé kia ra ngoài chơi. Nếu tình trạng của cả mấy em đều không tốt, thì cả hai giáo viên sẽ cùng dẫn các em ra nhận biết thế giới bên ngoài. Sau khi dạo chơi ở bên ngoài, sẽ có học sinh tự giác quay trở về lớp. Sau khi vào lớp, cũng sẽ vẫn có bé lại vứt toàn bộ đồ đạc xuống đất, lúc này cô giáo không thể bảo bé trả về vị trí, cũng không được nói nhiều, chỉ nói: “Chúng ta phải trả về vị trí”, rồi giúp trẻ trả đồ vật về vị trí. Lòng nhẫn nại và tình yêu thương là một trong những tố chất cần có của người giáo viên Montessori. Các cô phải tin là sau những hỗn loạn thuở ban đầu, ánh sáng của trật tự sẽ đến trong yêu thương và tự do.

Còn nữa, giáo viên nhất thiết phải nói với cha mẹ các em là tại sao phải làm như vậy, để họ cùng phối hợp. Bởi vì chỉ có một cách để trẻ yên tĩnh, đó chính là tự do. Trường chúng tôi từng có một trẻ, hiếu động y hệt một con khỉ, không bao giờ chịu ngồi yên, lúc thì ngồi trên bàn, trên tủ, trèo lên hàng rào. Cô giáo cho bé hoàn toàn tự do, một, hai tháng sau, bỗng có một hôm, bé ngồi yên tĩnh bên cầu thang, tay để yên trên đùi. Chỉ khi đôi tay của một đứa trẻ yên tĩnh, trẻ mới có thể dần dần trở nên yên tĩnh.

Sau khi trẻ luyện được thói quen này, việc rèn luyện trong cuộc sống hàng ngày có thể tiến hành sang một nội dung khác. Rèn luyện phải bắt đầu từ chính cuộc sống của trẻ. Ví dụ như việc cầm cốc uống nước, bê bát ăn cơm, đi vệ sinh… Quá trình rèn luyện những thói quen trong cuộc sống này là bài tập chủ đề được bắt đầu vào mỗi buổi sáng hàng ngày. Bài học chủ đề không được quá mười phút, cô giáo không được “diễn giảng”, mà phải tiến hành với vật thực và tình huống thực tế. Sau bài học chủ đề giáo viên phải quan sát xem học sinh nắm được bao nhiêu phần. Một tuần sau, nếu tất cả các em đều nắm vững nội dung của bài học chủ đề, nhưng chưa được thực hiện, thì tuần sau nữa chúng ta vẫn tiếp tục nội dung này và chỉ thêm vào một nội dung mới. Chỉ khi nào nội dung này được thực hiện, mới tiếp tục nội dung rèn luyện khác.

Quá trình này vô cùng chậm chạp, nhưng không được sốt ruột. Ví dụ rèn luyện “giấy phải bỏ vào thùng giấy”, không được chỉ nói mỗi một câu này với con trẻ, như thế sẽ không có tác dụng. Cô giáo nên cầm một tờ giấy, lau nước mũi, rồi mang ra thùng giấy, nói với trẻ đây là thùng giấy, rồi dùng một động tác cường điệu vứt giấy vào đó. Sau khi con trẻ hiểu được khái niệm, giáo viên phải quan sát hành vi của trẻ để xem khái niệm đó đã được thực thể hóa hay chưa? Khi con trẻ vứt giấy bừa bãi, giáo viên nói với trẻ: “Con quên mất việc gì nhỉ?”. Sau vài lần lặp lại như vậy, trẻ sẽ vĩnh viễn xây dựng được trật tự này.

Phải đối xử với đồ đạc của người khác như thế nào? Cô giáo phải nói với trẻ: “Không được lấy đồ của người khác”. Chúng ta cũng phải tôn trọng đồ đạc riêng của trẻ, bao gồm cả việc chia sẻ, hưởng thụ. Nếu trẻ không đồng ý đưa đồ của mình cho người khác, thì không ai có quyền ám thị hoặc ép buộc trẻ đưa đồ của mình, cũng không được dùng lời khen và sự tán tụng để kích động trẻ đưa đồ của mình cho người khác. Bởi vì lúc này chính là thời kỳ nhạy cảm của cảm giác “tư hữu tài sản” ở trẻ, ép con trẻ đưa đồ đạc riêng của mình cho người khác cũng không khác gì dạy trẻ ngang nhiên lấy đồ không phải của mình.

Nếu con trẻ giữ chặt đồ của người khác, cô giáo nên nói với trẻ “Không được giữ đồ của người khác”, nếu con không nghe, cô giáo sẽ lấy lại vật đó trả cho bạn kia. Không cần giảng giải đạo lý, có thể cho phép trẻ khóc hoặc tức giận một lúc. Nhưng sau vài lần như vậy, con trẻ sẽ tự rút ra là không được lấy đồ của người khác. Người lớn thường dùng ngôn ngữ để dạy dỗ trẻ con, nhưng điều đó không có tác dụng. Nhưng trong quá trình lặp đi lặp một hành động, trẻ sẽ tự hình thành kinh nghiệm của bản thân mình.

Nếu đã hoàn thành tất cả các công việc nói trên, các cô sẽ xây dựng cơ sở quan trọng nhất để tiến thêm một bước quan sát trạng thái tâm lý của trẻ, trật tự của trẻ đã được hình thành ở trường học.

Sau khi vào trường một tháng, trẻ đã có thể bắt đầu thao tác đồ dùng dạy học, lúc này không cần giúp đỡ trẻ, vì khi chưa tập trung, trẻ vẫn coi đồ dùng dạy học như một trò chơi. Giáo viên chưa cần uốn nắn, mà trước hết cần nuôi dưỡng cho trẻ sự tập trung, khi trẻ đạt đến sự tập trung mới bắt đầu chỉnh lại các thao tác với đồ dùng dạy học. Con trẻ thích làm việc hơn chơi, chơi không có mục đích trí lực, sau khi trò chơi kết thúc trẻ không có cảm giác thành tựu, cảm giác thành tựu chỉ đến khi trẻ kết thúc công việc của mình.

Montessori đã nói, tất cả những bé khi bước vào trường mầm non đều có bước chuyển về tâm lý, vì thế hai, ba tháng đầu là thời kỳ chỉnh sửa, quá trình này không cần phải tiến hành nghiêm khắc theo quy trình. Con trẻ muốn chơi thì chơi, muốn làm việc thì làm việc. Ví dụ có trẻ mới đến trường không chịu vào phòng học, một tháng sau trẻ vẫn đứng ở cửa lớp xem, vài ngày sau, trẻ đã ngồi xuống ngoài cửa lớp để xem, lại vài ngày sau nữa trẻ mới cởi giày vào lớp. Khoảng thời gian này, cô giáo không được ép buộc trẻ, không được làm trẻ sợ, như thế trẻ mới có thể tự mình dần dần chủ động.

Bài học chủ đề thường kéo dài từ mười đến mười lăm phút. Nội dung chính của bài học chủ đề là nói cho trẻ những quy tắc của cuộc sống hàng ngày, nếu thời gian quá dài sẽ sinh ra cảm giác nhàm chán. Có những trẻ không muốn tham gia giờ học chủ đề thì không nhất định phải ép trẻ ngồi ở đó, trẻ có thể đi ra những chỗ khác, cũng có thể đến phòng học lấy đồ dùng dạy học. Trong trò chơi yên tĩnh, nếu con trẻ không đủ yên tĩnh cũng không sao, bởi vì trẻ đang dần dần đạt đến sự yên tĩnh, nếu thúc ép có những trẻ sẽ giả vờ yên tĩnh để tự bảo vệ mình. Đối với những trẻ không chịu yên tĩnh, chúng ta phải từ từ, vì trẻ có một kiểu ý thức “tập thể”, trẻ cảm nhận được nên khống chế bản thân. Khi trẻ tạo ra âm thanh trong một môi trường yên lặng, trẻ sẽ cảm thấy mình đã phá vỡ không khí của nơi này. Không ai muốn phá vỡ không khí tự nhiên, cũng giống như trong một buổi lễ, khi người dẫn Chương trình đang nói về một việc rất nghiêm túc, chắc chắn bạn sẽ không thể đùa cợt hoặc pha trò với mọi người. Nhìn chung, chúng ta tự biết khống chế bản thân mình, con trẻ cũng vậy, cũng sẽ tự động khống chế bản thân mình cho phù hợp hoàn cảnh.

Nếu trẻ không thể khống chế bản thân mình cũng không sao, Montessori đã nói trong sách của bà rằng, khi cô giáo nói “Mời các con yên tĩnh, bây giờ chúng ta chơi trò yên tĩnh”, có một bạn nhỏ cố ý phát ra tiếng động, kết quả là khiến cho các bạn khác bật khóc. Thực ra, bạn nhỏ này chỉ đang làm một thực nghiệm về “đúng” và “không đúng” nên cố ý thử mà thôi. Lúc này, cô giáo chỉ nên cười xòa cho qua và tiếp tục công việc của mình. Khi con trẻ hiểu được yên tĩnh và không yên tĩnh, trẻ sẽ cố ý tạo ra sự không yên tĩnh, để cảm giác rõ hơn tình huống này. Cũng giống như khi tôi nói với con tôi “Tay con bẩn lắm, đừng động vào áo mẹ”, cháu càng cố ý sờ, nhưng sau một, hai lần như vậy, cháu sẽ không làm thế nữa, thậm chí còn nhắc nhở mẹ.

Dành cho trẻ sự khoan dung nhất định phải khoan dung đến độ cho phép trẻ cố ý phá hoại chút xíu, để trẻ cảm nhận đúng và sai. Con trẻ không giống như người lớn, người lớn cảm thấy đúng là đúng, sai là sai, nhưng trẻ em cần phải cảm nhận. Đây là một kiểu tâm lý của trẻ, những lúc này chúng ta chỉ cần cười xòa cho qua là đủ. Hoặc có cô giáo lại ôm bé vào lòng nói: “Con biết như thế đúng hay sai mà”. Cả con trẻ cũng cười, trẻ biết là cô hiểu mình.

Ngồi yên lặng cần một quá trình lâu dài, không được bắt ép trẻ, vì khi bị bắt ép, trẻ sẽ ghét hoạt động này. Trẻ sẽ nghĩ về việc ngồi yên lặng hàng ngày giống như một công việc khổ sai.

Sau đây là những việc mà giáo viên cần chú ý khi đứng lớp:

1 – Trước khi bắt đầu, giáo viên phải quyết định mình sẽ làm việc trên bàn hay trên thảm. Ví dụ “trò chơi của số 0”, có mấy trẻ cùng tham dự. Đầu tiên, giáo viên phải biết mình làm việc ở đâu, trẻ sẽ tự quyết định công việc của mình, trẻ có thể làm ở chỗ trẻ muốn, nếu không thích hợp, trẻ sẽ tự điều chỉnh.

2 – Ngồi bên phải trẻ.

3 – Để con trẻ dễ hiểu, khi gợi ý cho trẻ, động tác của giáo viên phải chậm rãi, rõ ràng. Trong quá trình thao tác đồ dùng dạy học, tất cả các động tác đều phải chậm.

4 – Giáo viên phải đặc biệt nhấn mạnh phương pháp khơi gợi ở những điểm cần trẻ tập trung sự chú ý. Có rất nhiều phương pháp khơi gợi. Mục đích của tất cả những phương pháp này là hướng trẻ tập trung sự chú ý trên các đồ dùng dạy học trong một thời gian dài.

5 – Ngôn ngữ khơi gợi phải xác đáng. Nếu động tác không đủ để nhắc nhở trẻ, bất đắc dĩ phải chèn thêm lời thì nhất thiết phải ghi nhớ câu Montessori đã nói: “Chúng ta nhất định phải cách ly sự chú ý của trẻ vào một cảm giác”. Chúng ta phải làm được điều này trong trường hợp dùng ngôn từ để nhắc nhở trẻ.

6 – Lời nói phải đơn giản ngắn gọn, phát âm bình thường. Trong lớp học Montessori, người ta không nghe thấy tiếng của giáo viên, cho dù là tiết học buổi chiều, cũng rất ít lời của giáo viên. Montessori nói: “Không nói một câu thừa”, bởi vì rất có thể lời nói của cô sẽ làm đứt đoạn sự chú ý của các trẻ, khiến trẻ liên tưởng đến nhiều thứ.

7 – Trong quá trình khơi gợi, từ đầu đến cuối động tác của giáo viên cần chắc chắn. Động tác chắn chắn để con trẻ có thể sản sinh ra một khái niệm rõ ràng chính xác về sự vật. Chắc chắn là vô cùng quan trọng.

8 – Trong quá trình khơi gợi phải chú ý vẻ mặt của trẻ. Một giáo viên xuất sắc khi đến lớp, công việc đầu tiên sẽ là quan sát học sinh như Montessori nói: “Giống như một nhà thiên văn học quan sát thiên thể”.

9 – Trong quá trình khơi gợi phải phán đoán chính xác về việc trẻ có cần tiếp xúc với đồ dùng dạy học hay không.

10 – Khi khơi gợi phải hướng trẻ chú ý đến chỗ kiểm soát sai sót (mỗi đồ dùng dạy học đều có chức năng tự sửa chữa).

11 – Sau khi khơi gợi hãy nói những lời khuyến khích. Sự khuyến khích này không phải là lừa gạt trẻ, cô giáo chỉ nói: “Con có muốn tự làm không?”. Đưa ra vấn đề để tăng thêm khát vọng của con trẻ với công việc.

12 – Sau khi khơi gợi tạo cho con trẻ cơ hội thao tác, giáo viên đứng bên cạnh quan sát.

13 – Giáo viên đã có thể phân biệt trẻ đang chơi và trẻ đang làm việc. Chơi không có ý nghĩa gì, sau khi chơi con trẻ không thu nhận được điều gì, và bản thân con trẻ cũng không thích chơi. Trạng thái của một đứa trẻ tốt hay xấu là phụ thuộc vào người giáo viên. Khi con trẻ không có việc gì làm, thần thái mơ màng, người giáo viên phải gợi ý cho trẻ. Khi không có lòng tin với đồ dùng dạy học, trẻ muốn từ bỏ, sự khơi gợi của giáo viên sẽ giúp ích cho trẻ. Nếu giáo viên tạo ra một không khí không tốt, con trẻ sẽ dễ bị hỗn loạn. Con trẻ rất thích phát hiện ra quy luật và logic nội tại qua một sự vật, điều đó mang đến niềm vui cho con trẻ. Nếu giáo viên không đem đến cho con trẻ những tác động tích cực, tất sẽ là tác động tiêu cực. Trạng thái đích thực của con trẻ nên là: Ngồi ở đó làm việc lâu dài. Trạng thái này xuất hiện hay không được quyết định bởi trình độ của giáo viên cao hay thấp. Montessori nói giáo viên là người khơi gợi, người quan sát, người bảo vệ môi trường, chứ không cần phải dạy học sinh làm thế nào.

14 – Trạng thái “du ngoạn trong trí tưởng tượng” của con trẻ sẽ biến đồ dùng dạy học thành trò chơi. Nếu con trẻ không thể bước vào trạng thái tập trung, thì cũng không được làm phiền trẻ, cứ để trẻ chơi.

15 – Khi sửa chữa lỗi của học sinh phải hết sức thận trọng. Phát hiện ra học sinh đúng hay sai chính là mắt xích quan trọng trong công việc của giáo viên.

16 – Tạo cho trẻ cơ hội được lặp đi lặp lại một hoạt động nào đó, không được ép trẻ.

17 – Khi con trẻ đưa ra câu hỏi, giáo viên phải có câu trả lời thích đáng, chuẩn xác. Nếu giáo viên không hiểu vấn đề mà giải thích lung tung, giáo viên sẽ phá hỏng khả năng tìm hiểu vấn đề này của con trẻ.

18 – Kết thúc công việc nhắc nhở trẻ cách thu dọn, chỉnh lý đồ dùng dạy học. Điểm này không hoàn toàn phù hợp với tinh thần của phương pháp giáo dục Montessori. Khi giảng về những giai đoạn phát triển của trẻ em, bà đặc biệt nhấn mạnh, khi mức tập trung của trẻ đã đạt đến một trạng thái nào đó, sau khi thao tác đồ dùng dạy học trẻ không cần thu dọn. Lúc này, trẻ cần thời gian để chỉnh lý, tổ chức và suy nghĩ, Montessori gọi đó là “giai đoạn nghỉ ngơi đầy suy nghĩ”. Trong trạng thái làm việc này, trẻ sẽ có ba tình huống: Một là ngồi trên thảm làm việc của mình quan sát những trẻ khác làm việc, hai là quan sát kết quả làm việc của mình, ba là kéo người khác đến quan sát kết quả công việc của mình. Ba tình huống này là một phần rất quan trọng cần thiết cho sự phát triển trí lực ở trẻ, điều này chứng tỏ rằng: Ở tình huống thứ nhất, con trẻ đang nghiên cứu “so sánh” kết quả của mình và của người khác một cách tự nhiên; ở tình huống thứ hai, trẻ đang nhận thức kết quả của chính bản thân mình; ở tình huống thứ ba, trẻ đang giao lưu cùng môi trường và những người khác.

Đối với tình huống thứ nhất, giáo viên phải hiểu lúc này trẻ tuyệt đối không ngồi không, mà trẻ đang trong quá trình chỉnh sửa tư duy. Lúc này, nếu nhắc trẻ dọn dẹp đồ dùng dạy học sẽ làm ảnh hưởng đến trạng thái tư duy của trẻ. Sau khi trẻ chỉnh lý tư duy, trẻ quyết định kết thúc công việc này, trẻ sẽ tự thu dọn đồ đạc.

Ngoài tình yêu thương, giáo viên Montessori còn cần có lòng nhẫn nại, cho phép trẻ được làm việc theo thời gian, tốc độ và tiết tấu của trẻ. Làm được như vậy là bạn đang ghi nhận trẻ. Lòng nhẫn nại của giáo viên không chỉ là yêu cầu công việc mà hơn thế, còn là một đức tính tốt đẹp, vô cùng quan trọng.

Dạy học bằng phương pháp Montessori rất khó, cho dù bạn đã học thuộc lòng tất cả những điều trên, cho dù bạn đã được đào tạo chính quy ba năm cũng không tác dụng gì. Điều cần làm là thực hiện tư tưởng của Montessori. Làm được điều này, bạn đã trẻ thành một người làm công tác tâm lý trẻ em hoặc một chuyên gia về trẻ em ưu tú.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.