Yêu Thương Và Tự Do
Chương 8 HUẤN LUYỆN CẢM GIÁC CON ĐƯỜNG DUY NHẤT ĐỂ PHÁT TRIỂN TRÍ LỰC TRẺ EM
Có những đứa trẻ còn chưa biết đi, khi bước lên cầu thang người lớn bắt đầu đếm “1, 2, 3”. Một đứa trẻ chưa biết đi liệu có hiểu nổi khái niệm trừu tượng này không? Nhưng, nếu đúng vào thời kỳ nhạy cảm toán học của các bé, người lớn để cho bé được tiếp xúc với những đồ dùng dạy học liên quan, trải qua nhiều lần lặp đi lặp lại, bé bỗng nhiên phát hiện ra những đồ dùng dạy học này là một dãy thứ tự. Quá trình nhận thức sự vật cũng giống như quá trình ăn cơm, sau khi tiêu hóa sẽ trở thành một phần trong cuộc sống, có thể thoải mái vận dụng vào cuộc sống hiện thực. Đó chính là trí lực.
Trên đây chúng ta đã nói đến vấn đề giáo dục Montessori, bây giờ chúng ta sẽ bàn tiếp, vì rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm đến vấn đề này. Trên thực tế, rất nhiều bậc cha mẹ quan tâm đến vấn đề phát triển trí lực hơn cả quá trình phát triển nhân cách của trẻ. Con người say mê trí lực như một thứ tôn giáo. Montessori định nghĩa trí lực như thế nào? Thế nào mới là phát triển trí lực ở trẻ em? Nhắc đến hai từ “trí lực”, rất nhiều bậc phụ huynh có một cơ sở lý luận nhất định (trình độ lý luận tương đối) đều nghĩ đến “tư duy”, nghĩ đến “tri thức”, học tập tri thức, nắm vững và sáng tạo tri thức. Có những bậc cha mẹ còn nghĩ sâu sắc hơn, nghĩ đến quan hệ giữa tri thức cảm giác và tri thức lý tính có cấu tạo ra sao để phòng bị và sửa chữa những sai sót và nhầm lẫn của hai yếu tố này…
Chúng ta đã từng nói, trẻ em luôn ở trong tình trạng “suy nghĩ”. Các em nhìn có vẻ không “nhanh trí”, nhưng chúng vẫn đang “khởi động bộ máy tư duy của mình”. Tư duy của trẻ em cần thời gian, bởi vì những đứa trẻ bình thường thường trầm lặng và yên lành, có lúc còn hơi “ngơ ngẩn”, đó là vì chúng đang ở trong trạng thái “trầm tư”. Ở trong môi trường của tình yêu thương và tự do, hoạt động tư duy của trẻ và các năng lực khác được phát triển.
Quá trình tư duy là quá trình tổ chức đối với đối tượng tư duy, tổ chức này và kết quả của nó cấu thành nên “tri thức”. Vậy thì đối tượng tư duy từ đâu tới? Từ những ghi nhớ về hiện thực. Đối tượng trong trí nhớ từ đâu tới? Với trẻ nó đến từ tri thức cảm giác.
Chúng ta rất quen thuộc mệnh đề “Tất cả tri thức bắt nguồn từ kinh nghiệm cảm giác”, nhưng vận dụng nó vào hiện thực cuộc sống lại là một việc hoàn toàn khác. Có thể khiến kinh nghiệm cảm giác “bay bổng” thành khái niệm, trở thành cơ sở của lý tính, điều này rất khó. Lại có thể khiến cho kinh nghiệm cảm giác và lý tính phát huy hết vai trò của mình mà không khiến chúng ta ngộ nhận, điều đó càng khó. Montessori cùng với những người ở những nơi khác nhau đang đưa tư tưởng của bà vào cuộc sống hiện thực rộng rãi, đầu tiên là ứng dụng nó vào công trình giáo dục, chứ không phải chỉ biến nó trở thành một bảo bối trong kho tư tưởng, hoặc chỉ biến nó trở thành kỹ xảo sáng tạo của những nhà tư tưởng.
Montessori nói: “Dẫn dắt con trẻ từ cảm giác đến khái niệm, từ cụ thể đến trừu tượng, đến việc liên hệ giữa các khái niệm”. Bà gọi quá trình này là giáo dục trí lực. Quá trình này – quá trình luyện tập cảm giác, hoàn toàn là một kiểu giáo dục của riêng mình. Nó buộc phải không ngừng tiến hành trong các hoạt động của tính tự phát.
Đây chính là sự huấn luyện các cơ quan cảm giác trong phương pháp giáo dục Montessori, phương pháp giáo dục tri thức cảm giác một cách có kế hoạch. Hôm nay tôi xin nói đến vấn đề rèn luyện cảm giác của trẻ em.
Trong phương pháp giáo dục Montessori, thời kỳ trước 6 tuổi, chúng ta tập trung rèn luyện cảm giác của bé. Tại sao rèn luyện cảm giác lại đóng một vai trò to lớn đến như vậy? Tuy rằng trẻ em có năng lực phát triển tinh thần tiềm tàng, có nhu cầu cuộc sống tự phát, nhưng chúng vẫn hoàn toàn không hiểu gì về thế giới này. Tiềm năng tâm trí to lớn này cần phải dựa vào những sự vật bên ngoài để phát triển, cũng chính là cần tìm kiếm những sự vật từ thế giới bên ngoài để ghép đôi. Cách tốt nhất để khai phá tiềm năng của nhân loại là không ngừng tiến hành rèn luyện cảm giác ở thời kỳ ấu thơ, khi số lần lặp đi lặp lại đạt đến một số lượng nào đó, trẻ sẽ sinh ra khái niệm. Khi trẻ được ghép đôi chính xác, trẻ sẽ tự động tiến hành lặp đi lặp lại việc luyện tập của mình. Trước 6 tuổi, trẻ em thông qua kiểu lặp đi lặp lại này để xây dựng toàn bộ khái niệm sinh tồn.
Trước mắt, chúng ta đã làm quen với điểm này, rèn luyện cảm giác thời kỳ đầu ở trẻ em là con đường duy nhất để phát triển trí lực của trẻ em. Vì thế, trước 6 tuổi tuyệt đối không được dạy học theo kiểu truyền miệng. Huấn luyện cảm giác, cơ bản nhất là thị giác, thính giác, vị giác, khứu giác, xúc giác. Các nhà trẻ Montessori chuẩn bị một số lượng lớn các đồ dùng dạy học về phương diện này.
Thế nào gọi là từ cảm giác rèn luyện phát triển thành khái niệm? Chúng ta biết có những trẻ có nhận thức rất nhạy cảm với màu sắc. Màu sắc là một phương diện của thị giác, ngoài ra còn hai phương diện khác nữa, một là độ sáng, trẻ em mấy tháng tuổi đã có thể nhận biết về độ sáng; hai là cảm giác lập thể. Khi dạy về màu sắc cho các em, Montessori có một đồ dùng dạy học gọi là bảng màu. Hộp đầu tiên của bảng màu là ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh da trời), mỗi màu có hai phần, tất cả là sáu phần. Hộp thứ hai là mười một màu: ba màu cơ bản (đỏ, vàng, xanh da trời), ba màu trung gian cấp hai (xanh lá cây, cam, tím), và ba màu trung gian cấp ba (hồng, nâu, xám) và hai màu đen trắng. Mỗi màu có hai phần, tất cả là hai mươi hai phần. Hộp thứ ba là ba màu cơ bản, ba màu trung gian cấp hai và ba màu trung gian cấp ba được chia theo sắc thái màu, từ đậm đến nhạt, mỗi màu có bảy phần, tất cả là sáu mươi ba phần(1). Thông qua việc so sánh, sắp xếp theo thứ tự để con trẻ tự nhận biết. Tại sao phương pháp giáo dục Montessori lại dùng bảng màu để trẻ nhận biết màu sắc? Điều này liên quan đến vấn đề “chỉ ra và gọi tên” trong nhận thức. Dùng bảng màu để so sánh và giải thích, trẻ em nhận biết “bảng màu”, sau đó bạn nói đến màu đỏ hoặc màu xanh, trẻ em sẽ có thể “trừu tượng hóa màu sắc”. Vậy thì, trẻ sẽ có thể nhận thức được những thứ có liên quan đến màu sắc trong cuộc sống, quá trình này sẽ rất nhanh và chuẩn xác, trẻ sẽ phát hiện ra hoa màu đỏ, cái chụp đèn cũng là màu đỏ, mặt trời cũng là màu đỏ, rồi tiếp tục phát triển theo quy luật này. Sau khi trẻ đã nhận biết màu đỏ, trẻ sẽ nhận biết thêm các màu khác, quá trình nhận thức ấy có thể là cả tháng, cũng có thể tới nửa năm.
Có thể chọn ra cảm giác để xây dựng khái niệm và thể hiện được cảm giác là hai việc khác nhau. Chúng tôi từng đưa ra ví dụ: Một em bé vẽ tranh, em vẽ lá cây màu đỏ, thân cây màu xanh, cô giáo muốn sửa sai cho em, Montessori ngăn cô lại. Lúc này, cảnh tượng trong mắt con trẻ vẫn là đối tượng chưa được lý tính chỉnh sửa, nhìn theo góc độ của người lớn là, “trẻ vẫn chưa trở thành người quan sát cảnh vật xung quanh”. Trẻ đã nhận biết màu sắc, nhưng chưa trở thành người quan sát màu sắc của cảnh vật xung quanh, chưa tập trung sự chú ý vào màu sắc. Một thời gian sau, cô giáo thấy trẻ đã bắt đầu thay đổi, trẻ vẽ thân cây thành màu nâu, vẽ lá cây thành màu xanh, hoa thành màu đỏ. Montesseri nói: “Lúc này, đứa trẻ ấy đã trở thành người quan sát cuộc sống”.
Trẻ em sinh ra đã là một nhà nghệ thuật, đây là điều mà những người lớn bình thường chúng ta không thể hiểu được. Tâm trí của nhà nghệ thuật không giống với tâm trí của những người lớn bình thường, điều này thể hiện ở việc biểu đạt bằng màu sắc. Van Gogh đã bày tỏ tâm sự của mình bằng màu sắc, Paul Cézanne(2) say mê diễn tả kết cấu sự vật qua màu sắc, Monet(3) thử dùng những màu sắc kỳ lạ để vẽ tranh, ông cho rằng, chỉ có đôi mắt đơn thuần của trẻ em mới là chân thực và không phiến diện. Liên quan đến việc rèn luyện cảm giác lập thể, Montessori có một đồ dùng dạy học cảm quan gọi là nhóm hình học ba chiều. Nhóm hình học ba chiều này gần như là bao gồm toàn bộ những hình dáng lập thể có trong thế giới hiện thực. Đối với dạng hình chóp nón, chúng tôi để cho các bé tiếp xúc, sau đó nói với bé đây là hình chóp nón. Lúc này, có thể các bé sẽ nói với chúng ta đây là cái kem ốc quế, vì cây kem ốc quế cũng có hình dáng này. Phát triển được đến bước này, Montessori gọi đó là “trí lực manh nha”. Nhận thức một sự vật cũng giống như ăn cơm, sau khi tiêu hóa sẽ trở thành một phần của cơ thể chúng ta, có thể thoải mái vận dụng trong cuộc sống hàng ngày. Đó chính là trí lực.
Trên thực tế, trong phương pháp giáo dục của Montessori, thao tác với các dụng cụ dạy học yêu cầu cô giáo thực hiện bước đầu tiên, sau đó để trẻ tự mình thực hiện các bước tiếp theo. Trong quá trình tích lũy dần dần đó, mỗi ngày trẻ đều phát hiện ra những điều mới mẻ, vì thế việc rèn luyện cảm giác rất quan trọng trong phương pháp Montessori.
Ví dụ như những con số, có những đứa trẻ còn chưa biết chữ, khi bước lên cầu thang, người lớn hay đếm “1, 2, 3…”. Điều này không phù hợp với phương pháp Montessori. Montessori cho rằng phần lớn trẻ trước 4 tuổi đều chưa phát triển đến thời kỳ nhạy cảm toán học, vì toán học là một khái niệm trừu tượng, nó không đơn thuần chỉ những bậc cầu thang hay những que diêm, mà thể hiện ở mọi phương diện, mọi mắt xích trong cuộc sống, đó là một khái niệm vừa tương đối trừu tượng lại tương đối phổ biến. Vậy làm thế nào để trẻ em nhận thức được điều này? Các tài liệu cho thấy, tất cả trẻ em được đào tạo theo phương pháp Montessori trên toàn thế giới đều có thành tích học toán “tuyệt đối ưu tú”. Chú ý! Họ dùng từ “tuyệt đối” hoàn toàn tự tin. Họ cho rằng rèn luyện toán học phải được bắt đầu từ rèn luyện cảm giác và các vật liệu cảm quan. Trong phương pháp rèn luyện Montessori có rất nhiều đồ dùng dạy học cảm quan có liên quan đến toán học: ổ cắm hình trụ tròn, tháp hồng, cầu thang nâu, đó là quá trình có thứ tự, cũng là một quá trình logic. Ví dụ mỗi loại đồ dùng dạy học đều do mười “nguyên tố” tạo thành, xếp hàng theo thứ tự lớn bé, khiến trẻ cảm thấy sự đồng nhất từ những điều “khác biệt”. Trẻ em sẽ lặp đi lặp lại hoạt động với những đồ dùng này. Montessori nói, lặp đi lặp lại là bài tập thể dục của trí lực. Chỉ sau quá trình lặp đi lặp lại, trẻ em mới có thể phát hiện quy luật bên trong. Chỉ tự bản thân trẻ mới có thể phát hiện ra quy luật này chứ không do giáo viên nào chỉ dẫn. Sau nhiều lần thao tác, các em đã phát hiện ra: “Đồ dùng học tập này có một thứ tự”. Thứ tự ấy là những thứ lần lượt trong một tổng thể thống nhất. Phát triển đến bước thứ hai, để con trẻ nhắm mắt lại, cô giáo lấy đi một thứ trong tổng thể ấy, sau đó lại cho trẻ trả về vị trí cũ. Lúc này con trẻ bắt đầu phán đoán bằng thị giác chính xác của mình: Ở giữa đã bị thiếu. Sự rèn luyện này phân biệt rõ ràng sự khác nhau về không gian, phải mất vài tháng hoặc vài năm, khi con trẻ đã nhận biết khái niệm toán, trẻ sẽ hiểu rõ, toán học không chỉ dùng đến ở bất cứ đâu trong cuộc sống, mà bản thân nó đã là sự tồn tại của trực giác.
Có rất nhiều người dạy con “1, 2, 3… để đếm bậc cầu thang”, “1” là cái gậy, “2” là con vịt…, tất cả những điều này đều khiến cho đầu óc con trẻ bị lẫn lộn. Số “2” và con vịt ngoài hình dáng có chút ít giống nhau, còn lại không có bất cứ sự liên quan nào khác. “1” không phải là cây gậy, “2” không phải là con vịt. Khi dạy về số, ngay từ khi bắt đầu, phương pháp Montessori kết hợp giới thiệu với trẻ ba khái niệm chữ số, cách đọc và số lượng. Sau khi trẻ thao tác với những đồ dùng dạy học cảm quan, trẻ đã có được một cơ sở tương đối cho việc học số. Cảm giác số đối với trẻ thật đơn giản và hoàn toàn tự nhiên. Từ cơ sở của việc rèn luyện cảm quan, tương lai khi trẻ tiếp xúc với số sẽ là “vừa tiếp xúc đã phát hiện ra”, vô cùng nhanh.
Ở đây chúng tôi chỉ lấy riêng ví dụ với việc học toán. Nhưng ngoài toán học ra, chúng ta biết rằng, một bác sĩ tài ba, một đầu bếp lừng danh, một nhạc sĩ, hoặc những con người ưu tú trong bất cứ lĩnh vực gì, thì cảm giác đều vô cùng quan trọng. Ví dụ một nhà âm nhạc ưu tú, nếu thính giác của họ không tốt, tôi tin rằng họ không thể trở thành một nhạc sĩ tài danh. Khi chúng tôi tiến hành bồi dưỡng phương pháp giáo dục Montessori, có một tiết học về nghe hộp âm thanh. Một lần, một lớp có khoảng ba mươi giáo viên, chỉ có một cô giáo nghe ra hộp này nhiều hơn hộp kia một cái đinh. Giáo viên hướng dẫn hỏi: “Cô làm về âm nhạc, đúng không?”. Cô ấy trả lời: “Vâng”. Chỉ có những người làm về âm nhạc mới có thính giác nhạy cảm đến vậy. Một ví dụ khác là chúng ta nghe hợp xướng, dàn hợp xướng ấy có thể có bốn bè âm thanh. Nhưng, những người bình thường chỉ có thể nghe thấy hai bè âm thanh, hai bè còn lại gần như là không có khái niệm gì. Chúng ta không thể cảm nhận được cái đẹp của những âm thanh này. Bởi vì chúng ta phải rèn luyện cảm giác này trước lúc 6 tuổi, sau 5,6 tuổi, khả năng ấy sẽ hoàn toàn biến mất (dựa theo cách nói của Montessori).
Cảm giác là khởi nguồn của tâm trí và lý tính, nhưng cảm giác cũng là kết quả của tâm trí và lý tính. Mục đích của sự phát triển tâm trí là để cảm giác càng rõ ràng càng phong phú. Rất ít người nghiên cứu về vấn đề này. Chúng ta biết rằng, trong những quyết sách quan trọng nhất, lý tính có thể lừa gạt chúng ta, và cảm giác càng được tín nhiệm. Tôi có quen với chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty bất động sản, ông nói với tôi rằng, tất cả những quyết sách lớn mà thành công của ông đều dựa vào cảm giác.
Thế mới nói rằng quá trình rèn luyện cảm giác trước 6 tuổi phải tới nơi tới chốn. Trên thực tế chúng ta đẩy lùi về phía trước, khoảng trước 4 tuổi, bởi vì sau 4 tuổi, các thời kỳ nhạy cảm khác của con trẻ sẽ phát triển theo một phương hướng, nếu đến lúc này mới rèn luyện cảm giác, thì đã là quá muộn. Trước 4 tuổi, chúng ta phải chuẩn bị cho trẻ một loạt các vật liệu như ống khứu giác để ngửi mùi, ống vị giác để nếm vị để giúp trẻ phân biệt những thứ có mùi vị khác nhau. Con trẻ sẽ được thử riêng biệt từng thứ, sau đó phân loại những mùi vị giống nhau. Khi dùng ống thính giác, thính giác của nhiều trẻ rất nhạy cảm. Cho trẻ quay mặt đi, sau đó giáo viên đánh một nốt nhạc, trẻ không cần nhìn, chỉ nghe cũng biết được giáo viên đã đánh âm nào. Cô giáo dạy nhạc mới đến, vô cùng ngạc nhiên, cô nói: “Trẻ Montessori thật là xuất sắc. Trẻ 5 tuổi, không cần nhìn, không cần sờ, chỉ cần nghe mà phán đoán ra tất cả các âm tiết”.
Đó chỉ là một phần của quá trình dạy học. Trong quá trình rèn luyện cảm giác, tất cả các loại hình rèn luyện phải được làm đến nơi đến chốn. Ví dụ như khi trẻ sờ giấy nhám, có đủ các loại độ nhám khác nhau. Con trẻ biết loại nào trơn tru, loại nào mịn, loại nào ráp. Sau khi trẻ được tiếp xúc với giấy nhám, có thể đến hàng tháng, trẻ vẫn không gặp được khái niệm này trong cuộc sống. Nhưng, bỗng một hôm, trẻ sờ vào một bức tường đang xây dở và biết rằng: “Đây là thô ráp”.
Tôi xin đưa ra một ví dụ khác. Có một hôm, một đứa trẻ ngồi trong lớp sờ vào loại giấy nhám mịn nhất, cô giáo hỏi: “Con thấy có mịn không?”. Cháu nói: “Không ạ!”. Cháu đặt tay lên bàn tay kia của mình, cô giáo lại hỏi: “Con có thấy mịn không?”. Cháu lại nói: “Không ạ!”. Cháu đi tìm những thứ mịn hơn. Ánh mắt của cháu dừng ở mông một em bé hơn 2 tuổi đang mặc quần lót. Cháu đi tới, dùng đôi bàn tay của mình rất cẩn thận sờ vào mông em bé kia, sau đó rất kiên định và thoải mái nói: “Đây mới là mịn ạ”. Em bé đó đã khái niệm được cảm giác “mịn”. Sau quá trình này, trí lực của em cũng đã được phát triển.
Tôi xin đưa thêm ví dụ khác về vị giác và khứu giác. Nhà ăn của trường thường đóng cửa xào nấu thức ăn. Khứu giác của các em rất nhạy cảm nên “đánh hơi” ra ngay: “Đang xào thịt bò với đậu phụ”. Chỉ cần sữa hơi quá lửa, đám trẻ đã hít hà như bầy cún con, nói: “Sữa khê rồi”. Còn có một lần, một phần thức ăn của các em hơi bị khê nên đám trẻ không chịu ăn. Bữa trưa của các em gồm có ba phần thức ăn và một phần canh, cả đám trẻ chỉ ăn hai phần thức ăn kia. Ban đầu tôi không biết, hỏi: “Tại sao?”. Tôi bảo các cô nếm thử, nhưng các cô cũng không phát hiện ra điều gì, còn đám trẻ thì nói thức ăn bị khê. Tôi phát hiện ra, phương pháp giáo dục này giúp cho cảm giác của trẻ đối với thế giới này thật nhạy cảm, thật rõ ràng, đặt nền móng vững chắc cho sự phát triển sau này của các em. Khi đám trẻ của chúng tôi qua tuổi thứ 6, nền móng này đã khá ổn định rồi.
Những ví dụ này chỉ là những ví dụ đơn giản thoáng qua. Những cảm giác cấp cao hơn của các bé, ví dụ cảm giác đối với trạng thái tâm lý, cảm giác đối với tâm hồn, cảm giác đối với tinh thần, cảm giác đối với nghệ thuật đều được phát triển trong quá trình rèn luyện cảm giác sau này. Đây là chủ đề cao hơn của giáo dục trẻ em.
Trên phương diện rèn luyện cảm giác cơ bản, vì con trẻ được sống trong môi trường tự do, hiệu quả học tập của các bé vượt xa hơn nhiều so với các bé bị gò ép. Bởi vì các bé được phát triển theo thời kỳ nhạy cảm của mình, trong khi cách giáo dục thông thường thường đưa những cái gọi là kiến thức, ví dụ như toán học vào những thời điểm chưa phải là thời kỳ nhạy cảm của các bé, như thế không những không có hiệu quả, mà hiệu quả nhiều khi còn hoàn toàn ngược lại. Nhà trẻ của chúng tôi có một cháu hơn 2 tuổi, rõ ràng là thời kỳ nhạy cảm vẫn chưa đến với cháu. Một hôm, có cô giáo đến kiểm tra, nhìn thấy cháu bé này khá cao, tưởng là cháu đã đến tuổi, nên muốn dẫn dắt cháu thao tác với hộp que tính. Cô mang hộp que tính đến và nói: “Cô và con cùng thao tác nhé?”. Đứa trẻ nói: “Vâng ạ”. Cô giáo hỏi: “Đây là mấy?”. Cháu bé nói: “1”. Cô giáo nghe vậy, nói: “Đúng rồi”. Rồi cô nói tiếp: “Con hãy bỏ 1 vào hộp một que đi”. Cháu bé làm đúng. Cô giáo lại cầm số 2, nói: “Đây là cái gì?”. Đứa trẻ nói: “Con vịt”. Cô giáo giật mình, vội bỏ hộp giáo cụ, nói: “Chúng ta chơi cái khác đi”. Sau đó cô hỏi thăm, mới biết cháu bé mới hơn 2 tuổi, chưa đến 3 tuổi.
Tôi biết là có rất nhiều bức tranh dạy trẻ con học phát âm. Bức tranh dạy chữ “a” có hình một vị bác sĩ kiểm tra khoang miệng cho một cháu bé, chữ “o” là bức tranh con gà trống đang ngóng cổ dài. Trong quá trình tiến hành thực nghiệm với các bé, chúng tôi phát hiện ra rằng, các bé nắm rõ bức tranh hơn là chữ. Bạn hỏi: “Đây là cái gì?”. Các cháu nói: “Con gà trống”. Chỉ vào chữ “u”, đi kèm là bức tranh một người lái chiếc xe lu, con trẻ nói “lái”, nghĩ một lúc rồi nói “xe”, sau cùng mới nói “lu”.
Trường chúng tôi đã che hết những bức tranh phía trên lại, để các bé chỉ nhận biết những chữ cái bên dưới. Montessori đã nói một câu: “Khi con trẻ thao tác một loại đồ dùng dạy học nào đó, hoặc là trong quá trình rèn luyện cảm giác đến khái niệm, phải được cách ly vật kích thích”.
“Cách ly” nghĩa là gì? Ví dụ như khi chúng ta đọc cho con nghe chữ “a”, tốt nhất là bạn để trước mặt con chữ “a”, không được để thêm bất cứ thứ gì mà bạn cho là có liên quan đến chữ “a”, như thế, là chúng ta đã cách ly được chữ “a”. Lúc này, trước mặt con chỉ có một chữ “a”, con trẻ có thể phân biệt, con biết được “a” là một chữ cái chứ không phải cái tờ giấy có chữ “a”. Còn khi bạn để chữ “o” đặt cạnh con gà trống, đầu óc trẻ sẽ bị hỗn loạn.
Một điểm quan trọng khác của việc rèn luyện cảm giác là, khi dạy học phải đặt những nội dung có tính đối lập nhau ở bên cạnh nhau để cảm nhận. Ví dụ như đỏ, xanh, dài, ngắn, to, nhỏ… bởi vì thế giới vật chất tồn tại theo phương thức này. Những khái niệm được sinh ra trong sự so sánh, đối chiếu sẽ càng chuẩn xác, rõ ràng và toàn diện.
Cái gọi là rèn luyện cảm giác dẫn đến khái niệm, nội hàm của khái niệm này chính là: Phải tự mình rèn luyện cảm giác cho mình, bởi vì cảm giác phải do tự mình thể nghiệm, tự mình trải qua, để sau cùng rút ra kết quả – khái niệm, vì thế còn gọi là quá trình tự giáo dục của chính mình.
Tôi có một người bạn, cô ấy từng nói thế này: “Bạn giảng giải cho một đứa trẻ 3 tuổi nghe thế nào là tình yêu, thì cho dù bạn giảng có hay đến mức chết đi sống lại, kinh thiên động địa đến mức nào, liệu có thể khiến con hiểu được thế nào là tình yêu không? Không thể. Chỉ đến khi con thực sự yêu, con mới hiểu được tình yêu là thế nào. Tôi còn nhớ hồi học đại học có đọc “Romeo và Juliet”, khi Juliet mở cửa sổ, Romeo nói: “Cửa sổ sáng bừng lên vì đó là phía đông, Juliet chính là mặt trời!”. Khi đọc đến đó, tôi cảm thấy sao có thể tán dương một người đến mức đó? Rõ ràng là tán dương đến mức vô lý! Sau này, khi tôi thực sự yêu, mới thấy Romeo phải yêu Juliet đến mức nào mới có thể nói được những lời như thế! Tôi phải cảm nhận được, mới có thể đi đến biểu đạt khái niệm. Ở đây là áng thơ triết lý loại suy(4). Cảm giác đó là của tôi, không ai có thể nhồi nhét, cũng giống như việc học đi xe đạp, học bơi, không ai có thể làm hộ bạn”.
Rèn luyện cảm giác bắt buộc phải là quá trình tự giáo dục. Tối hôm qua, cô giáo Đơn ở trường chúng tôi có nói một câu thế này: “Trải qua thời gian hai năm, cuối cùng em cũng tin rằng trẻ em tự giáo dục mình”. Tại sao phải trải qua một thời gian học tập và làm việc lâu như vậy mới có thể thừa nhận con trẻ tự giáo dục mình? Bởi vì quan niệm truyền thống và phương pháp truyền thống quá ngoan cố, nhưng dù là lâu đời và ngoan cố đến đâu, thì đó cũng là một con đường sai. Sinh mệnh của con trẻ tuyệt đối không hề đơn giản, sự vận hành nội tại trong cuộc sống của các em là vô cùng trí tuệ và thần bí, không ai có thể dạy được các em. Tất nhiên, phần đông chúng ta không có thời gian để nghiên cứu sâu hơn về trẻ em, chúng ta đã nghĩ nhiều hơn là làm, đã quá lơ là đối với những thành viên quan trọng nhất.
Điều này cũng liên quan đến việc “thích làm thượng đế” của chúng ta. Người lớn chúng ta thích nói nhất những câu: “Con có ngày hôm nay, con thi được vào đại học là công lao của mẹ con, là do bố mẹ con tích đức mà có!”. Người lớn sẽ không công nhận đó là do tố chất tự thân của con trẻ. Có những lúc, tư duy của người lớn là cực kỳ nguyên thủy. Trên thực tế, rất nhiều người lớn chúng ta có những suy nghĩ như thế này. Hoặc là, khi con trẻ có thành tựu, cha mẹ các em sẽ nói: “Cảm ơn cô đã tốn bao nhiêu công sức, con nhà chúng tôi mới có những thành tựu xuất sắc như ngày hôm nay”. Giáo viên nghe những lời ấy mà mát ruột mát gan: Đây, đứa trẻ có bao nhiêu thành tựu như thế là do công sức của tôi cố gắng bao nhiêu lâu nay mà có được. Thực tế không phải vậy. Giáo viên giúp đỡ trẻ, nhưng quá trình tâm lý đích thực của trẻ là do trẻ tự hoàn thành, và sự giúp đỡ quan trọng nhất của người lớn chính là không làm phiền trẻ, biết yêu thương trẻ vào những thời khắc quan trọng nhất, khơi gợi cho trẻ, để trẻ tìm được cảm giác nội tại của mình, giúp trẻ để trẻ tự hình thành những khái niệm rõ ràng và chuẩn xác.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.