Yêu Thương Và Tự Do
Chương 19 PHẨM CHẤT ƯU TÚ CỦA TRẺ ĐƯỢC HÌNH THÀNH NHƯ THẾ NÀO?
Rất nhiều người lớn theo đuổi chân-thiện-mỹ, nhưng thực sự đó là một quá trình rất gian nan, vì phần lớn thời gian chúng ta đang tự giãy giụa, cả đời chúng ta sống trong sự khổ hạnh. Nhưng, nếu một đứa trẻ được hình thành phẩm cách kiện toàn từ lúc 0 đến 6 tuổi, thì hướng thiện sẽ trở thành mục đích tự nhiên của trẻ, cả cuộc đời trẻ sẽ không ngừng hoàn thiện chính mình.
Có gì quan trọng hơn phẩm giá của một con người? Phẩm giá của một người là chính bản thân của con người đó. Một dân tộc khẳng định vị thế của mình trên thế giới bằng phẩm giá của cả dân tộc. Một con người đứng vững trong xã hội bằng phẩm giá của chính mình.
Phẩm giá của một con người được phát triển từ những năm đầu đời. Phán đoán này có đúng đắn không? Liệu có phải tự bản thân trẻ đã xây dựng và phát triển phẩm giá của mình? Đúng thế. Đây là một phán đoán hoàn toàn đúng đắn. Montessori nói: “Trẻ con là cha của người lớn”.
Liệu ở đây có chút khoa trương? Montessori cho rằng một chuỗi những hoạt động chậm rãi và dài kỳ của trẻ em từ 3 đến 6 tuổi đã xây dựng phẩm giá của trẻ.
Montessori dùng một hình tròn, chính giữa hình tròn là hình tròn màu đỏ, biểu thị cho trung tâm hoàn thiện. Xung quanh tâm màu đỏ là một khu màu xanh, đại diện cho những người bình thường có phẩm giá hoàn thiện, kiên cường, cân bằng, có sức hút. Khu màu trắng biểu thị cho phần đông những người vẫn chưa đạt được trạng thái bình thường ở những mức độ khác nhau, bên ngoài cùng là một vòng tròn mỏng màu đỏ sẫm, biểu thị cho những người nằm ngoài phạm vi bình thường, ví dụ như những người mắc chứng thần kinh, những người phạm pháp.
Vậy thì sự khác nhau căn bản giữa phương pháp giáo dục cũ và mới là nằm ở chỗ nào? Montessori nói, khả năng thích ứng với thế giới bên ngoài được hình thành trong sáu năm đầu đời. Nếu trẻ được phát triển đúng theo sự chỉ dẫn nội tại của bản thân, trẻ sẽ dễ dàng trở thành số người trong vòng tròn màu xanh mà không cần ai chỉ dẫn. Kể cả khi bị người khác đánh đập, ngăn trở, không cho trẻ theo đuổi sự hoàn mỹ, trẻ cũng sẽ theo đuổi sự hoàn mỹ đến cùng.
Một người chân-thiện-mỹ luôn được người khác yêu quý. Jeanne d’Arc, Abraham Lincoln, Mahatma Gandhi(1)… và những nhân vật kiệt xuất trong tất cả các lĩnh vực như khoa học, nghệ thuật, chính trị… những người công nhân, giáo viên, chiến sĩ ưu tú và cả những nhân vật chính trực khác… Tất cả những người có hành vi xây dựng xã hội đều là chân-thiện-mỹ.
{(1) Jeanne d’Arc (1412-1431) là một nữ anh hùng người Pháp trong cuộc chiến tranh trăm năm giữa Pháp và Anh. Ngày 16 tháng 5 năm 1920, Jeanne d’Arc được Giáo hoàng Benedictus XV chính thức phong thánh, và là thánh quan thầy Giáo hội nước Pháp.
Abraham Lincoln (1809-1865) là Người giải phóng vĩ đại, là tổng thống thứ mười sáu của Hoa Kỳ từ tháng 3 năm 1861 cho đến khi bị ám sát vào tháng 4 năm 1865. Ông được xem là một nhân vật lịch sử tiêu biểu hàng đầu của Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã giải phóng chế độ nô lệ da đen.
Mahatma Gandhi (1869-1948) là anh hùng dân tộc Ấn Độ, lãnh đạo cuộc kháng chiến chống chế độ thực dân của Đế quốc Anh và giành độc lập cho Ấn Độ với sự ủng hộ nhiệt liệt của hàng triệu người dân.}
Bao nhiêu người đã phấn đấu hy sinh để theo đuổi chân lý. Tôi đã đọc cuốn tiểu thuyết “Người” của nữ nhà văn người Ý Oriana Fallaci. Nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết là một chính trị gia nổi tiếng của Hy Lạp, cả cuộc đời ông bị giày vò đến chết đi sống lại, bị lưu đày hết nhà tù này sang nhà tù khác… nhưng ông không bao giờ chịu từ bỏ sự theo đuổi của mình. Cho dù bao nhiêu đau khổ và giày vò cũng không thể làm mài mòn ý chí phấn đấu của ông. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela cũng vậy. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình cho lý tưởng và tự do. Sự giam cầm, lưu đày và cả cái chết cũng không thể ngăn ông hướng tới sự hoàn thiện. Vì thế Montessori nói những người trong hình tròn tâm màu đỏ là những người có tính cách kiên cường. Những người còn lại, bao gồm cả những người trong vòng tròn trắng, được cho là có phẩm giá tương đối yếu ớt.
Chúng ta hãy nhìn hiện thực xung quanh mình. Trong cuộc sống của chúng ta, một số người có thể kêu gào vì những việc chính nghĩa. Ví như một cô bạn của tôi, cô ấy có thể đi khắp mọi nơi để báo động về cái cây sắp đổ có thể gây nguy hiểm cho người qua đường. Cô ấy có thể dành cả ngày để đi từ cơ quan này sang cơ quan khác. Trên thực tế, việc này không hề liên quan đến cô ấy, nhưng cô ấy đi để báo động, chạy vạy khắp nơi để giải quyết việc cái cây. Bởi vì phẩm giá của cô liên tục thúc giục cô phải làm vậy. Nhưng phần lớn những người khác lại thờ ơ cho qua, vậy họ đang làm gì? Họ đang bị trói chân trong những việc vụn vặt, trong lợi ích vật chất thực tế. Lại ví dụ như một người đàn ông gặp đau khổ trong hôn nhân, anh ấy rất buồn rầu vì vợ mình. Tâm trí anh ấy vẫn chưa thực sự trưởng thành, nên không có khả năng yêu con của chính mình. Anh ấy yêu một người khác. Vậy phải làm thế nào? Anh ấy tự giày vò, tự giãy giụa trong mâu thuẫn của cuộc đời mình. Nếu anh ấy không đi làm những việc tệ hơn, đó là vì những quy chuẩn đạo đức của cuộc đời đã nói với anh ấy rằng, làm thế sẽ trở thành người xấu. Làm điều xấu, anh ấy sẽ phải sống trong áy náy và cảm giác tội lỗi, sống trong cảm giác tự trách mình.
Tôi nghĩ, không ai cố ý làm người xấu. Để đảm bảo mình không đến nỗi trở thành người xấu, người ta phải cố hết sức để kìm chế bản thân mình. Montessori gọi những người này là những kẻ khổ hạnh. Sự tiến lên và thụt lùi của cả cuộc đời họ liên tục bị ngoại lực trói buộc. Trong khi những người ở trong vòng tròn màu xanh thuộc trạng thái tự do, họ dành cả cuộc đời mình để hướng về chân-thiện-mỹ, không ai, không thứ gì có thể trói buộc được họ, kể cả những cái gọi là quy chuẩn đạo đức của cuộc đời, bởi vì họ đã vượt quá những quy chuẩn này. Những người này đã hoàn toàn đạt đến trạng thái tự do, cả cuộc đời họ không ngừng hoàn thiện chính mình. Khi một người không ngừng hoàn thiện bản thân mình, thì những công việc họ làm cũng đang hoàn thiện xã hội.
Nhưng những người trong vòng tròn trắng lại không như vậy. Trong vòng tròn này có hai loại người, loại người thứ nhất đờ đẫn chậm chạp, họ dành tinh lực cả cuộc đời để tự giãy giụa. Đây cũng chính là những người tầm thường mà chúng ta đã từng nói đến. Loại người thứ hai có khuynh hướng vượt ra ngoài vòng tròn này. Những người này hay bị dụ dỗ, nếu không nỗ lực, họ sẽ trở thành những người có phẩm chất thấp kém. Họ cần những rào cản đạo đức để ép bản thân mình tránh khỏi cám dỗ. Trong cuộc sống, tôi thường xuyên gặp những người này. Ví dụ như việc ăn trộm, với một số người, ăn trộm đã trở thành thói quen. Trong bản thân những người này cũng có sức mạnh hướng thiện, nhưng sức mạnh ấy quá yếu ớt, họ bị thao túng bởi sự tức giận, lòng báo thù và những trạng thái tâm lý mờ ám khác. Montessori quy những người này thuộc vào phần tử phạm tội và những người mắc chứng thần kinh. Montessori từng nói một câu: “Tình trạng không có đạo đức không bắt nguồn từ bản thân đạo đức mà bắt nguồn từ ý chí, vì người ta không kiểm soát nổi bản thân mình”.
Tiểu thuyết “Mười ngày” của nhà văn Ý Giovani Boccacino nói về tình huống của con người sau một trận dịch hạch. Lúc này, phần đông không còn chịu sự trói buộc về đạo đức, vì đằng nào họ cũng sắp chết. Bình thường, những con người này bị ràng buộc bởi những quy tắc của xã hội, pháp luật, tôn giáo, tín ngưỡng nên không làm điều bậy. Và vì ngày nào cũng phải đấu tranh với những ràng buộc nên họ rất mệt mỏi, năng lượng cuộc sống của họ đã bị cạn kiệt vì những điều này. Tất cả họ đều có một đặc điểm chung lớn nhất, đó là tính khuynh hướng.
Ví dụ như Hitler, chỉ trong một đêm, ông ta hiệu triệu nhân dân để đi xâm lược nước khác, đi giết người. Những người này khuynh hướng hướng thiện hay hướng ác đều như nhau, họ là những người tầm thường, họ không ngừng ràng buộc mình bằng những quy tắc đạo đức, nội tại của họ như những bức tường bằng cỏ lau, không có khả năng phân biệt, vì vậy những quan niệm đạo đức của họ cũng hết sức mù mờ, cách nhìn sự vật cũng mù mờ. Trong trạng thái mù mờ ấy, họ sẵn sàng thuận theo kẻ nào mạnh hơn mình, dù chỉ là chút ít.
Nhưng những đứa trẻ từ 0 đến 6 tuổi được phát triển tâm lý tốt, tuyệt đối sẽ không chạy theo đám đông. Tôi còn nhớ đã đọc trong “Jean Christophe”(2) một đoạn như thế này: Những người vĩ đại đều ở “bên này của bức tường”, nếu bạn chọn bên này của bức tường, bạn phải chịu đựng sự “cô độc và hoang vắng”. Trong khi ở bên kia thật ồn ào và náo nhiệt, ở bên này cũng có thể cảm nhận được. Đương nhiên, “hoang vắng” cũng là một vẻ đẹp, “hoang vắng” có thể đối thoại với những tâm hồn vĩ đại, cũng có thể dẫn dụ đám đông.
Một giáo viên Montessori giỏi sẽ không bắt cả đám trẻ con phải “yêu” cô, không thể rời xa cô. Tất cả những việc cô làm là để cho trẻ phát triển tự nhiên. Nếu trẻ được phát triển tự nhiên, mỗi phút mỗi giây của trẻ đều chìm đắm trong sự phát triển nội tại của bản thân, trẻ sẽ không quan tâm đến những sự vật không liên quan bên ngoài. Những người làm cha làm mẹ có trách nhiệm cũng phải như vậy, họ không nên làm cho trẻ cảm thấy trên thế gian này chỉ có mẹ là tốt nhất, còn lại là nguy cơ đầy rẫy bốn bề. Rất nhiều đứa trẻ rời xa mẹ là cảm thấy thế giới này thật đáng sợ. Một đứa trẻ bình thường thì nên yêu mẹ, quấn quýt mẹ, không muốn xa mẹ, nhưng trẻ vẫn phải xa mẹ, trẻ thường xuyên xa mẹ, khi trẻ rời xa mẹ, trẻ vẫn có thể phát triển bản thân mình.
Khi đánh giá một đứa trẻ phát triển bình thường, chúng tôi đã phát hiện, dường như đứa trẻ này đang “cô độc”. Trẻ chìm đắm vào thế giới của riêng mình, không dựa dẫm, không phán đoán thế giới bên ngoài. Rất nhiều những người làm cha mẹ nói rằng con họ không “hòa nhập” với thế giới bên ngoài như họ tưởng tượng. Tôi cảm thấy đây là một trạng thái hết sức bình thường. Một đứa trẻ kết bạn, chơi với người khác, trẻ kết bạn vui vẻ, chơi cũng vui vẻ là trạng thái hết sức bình thường. Vậy người thế nào thì không bình thường? Là người mà nội tâm họ luôn lưu luyến và bị phụ thuộc! Những đứa trẻ bình thường không muốn tiếp xúc với bất cứ ai, bởi vì có một số người không hiểu trẻ. Cho dù là người lớn, nếu tâm thái của người đó là luôn luôn hướng thiện, luôn luôn hoàn thiện bản thân, họ dành cả cuộc đời mình để theo đuổi chân lý, phục vụ xã hội, thì họ sẽ không còn thời gian để quan tâm đến những việc vụn vặt trong cuộc sống.
Áp lực của môi trường càng lớn thì điều kiện sinh tồn càng kém, càng khiến con người ta nghiêng về cái ác. Bởi vì một điều kiện sinh tồn thấp kém khiến con trẻ đi chệch khỏi quỹ đạo phát triển, khi trẻ còn chưa kịp xây dựng mục tiêu của cuộc đời mình, thì đã bị ảnh hưởng mà tạo thành những phẩm giá phi nhân tính.
Đối với rất nhiều người lớn mà nói, trang bị chân-thiện-mỹ cho bản thân là một kiểu niềm vui và sự an ủi, nhưng “quá trình trang bị” này lại trở thành một quá trình sống gian nan, một kiểu khổ hạnh. Khổ hạnh không thể có niềm vui. Vì thế, họ bằng lòng sống dựa và sống theo những người mạnh hơn mình, giúp bản thân mình kiềm chế sự cám dỗ. Nhưng nếu từ 0 đến 6 tuổi chúng ta đã hình thành phẩm chất của mình, chúng ta sẽ không phải khổ hạnh. Phẩm chất hướng thiện đã trở thành động lực từ bên trong. Không được hướng thiện, chúng ta sẽ cảm thấy đau khổ.
Montessori nói, giáo viên luôn bắt mình trở thành một tấm gương, bởi vì họ luôn cảm thấy lo sợ, nên họ phải tự nói với mình: “Mình phải trở thành một tấm gương tốt, nếu không học sinh của mình sẽ ra thế nào?”. Câu nói này hàm ý rằng, họ có thể trở thành người xấu, vì thế họ rất lo học sinh của mình trở thành người xấu. Chúng ta cứ nghĩ trẻ con cũng như vậy, bởi vì người lớn không tránh được cám dỗ, ngày nào cũng phải tự đấu tranh, vì thế khi dạy học sinh, họ cũng đem tâm thế ấy để nhìn nhận con trẻ. Hãy nhìn ra cuộc sống ở xung quanh, phần đông người lớn đang lo lắng: “Làm thế này con trẻ sẽ hư mất”. Nhưng một người bình thường, phát triển hoàn thiện sẽ không nghĩ như vậy. Chúng ta luôn nhắc nhở răn đe con trẻ, là bởi vì chúng ta không tin bản thân mình, chúng ta luôn lo sợ.
Montessori nói: “Bi kịch của nhân loại nằm ở chỗ những người trong vòng tròn trắng đang dạy dỗ những trẻ trong vòng tròn xanh”. Khi những đứa trẻ trong vòng tròn xanh đang phát triển theo quỹ đạo hoàn thiện bản thân mình, thì những người ở vòng tròn trắng lại kéo chúng ra khỏi quỹ đạo ấy. Trong suốt thời kỳ trưởng thành trẻ không hiểu thế nào là không tốt, trẻ phát triển theo yêu cầu của bản thân. Trạng thái tự nhiên của trẻ đã là theo đuổi sự hoàn thiện mà không cần bất cứ sự cố gắng nào. Đối với trẻ, theo đuổi sự hoàn thiện không phải là một sự hy sinh, mà vốn dĩ cuộc sống của trẻ phải vậy.
Đối với những người theo đuổi quyền-tiền-sắc-dục, nếu ngăn cấm ham muốn của họ, họ sẽ vô cùng đau khổ, bởi vì họ không thể cưỡng lại sự cám dỗ của quyền tiền sắc dục. Nếu bắt họ cả cuộc đời không được nghĩ đến điều này thì đó là khổ hạnh. Vì thế họ phải nghiêm chỉnh chấp hành quy định và pháp luật do người khác tạo ra, hoặc nghiêm chỉnh chấp hành những tín ngưỡng mà lãnh tụ tinh thần của họ đã quy định để giúp họ chống lại cám dỗ. Trong khi đó, những người trong vòng tròn xanh không cần ai truyền bá giáo điều gì, bởi vì họ nghiêm chỉnh chấp hành một cách trung thực những tín ngưỡng của bản thân họ. Họ không cần một lãnh tụ, cũng không cần những giáo quy tôn giáo, mà chỉ cần tuân thủ những quy tắc của bản thân mình. Vấn đề cốt lõi ở đây là, những quy tắc ấy được xây dựng trong sáu năm đầu đời. Vì thế những người nằm trong vòng tròn trắng và những người nằm gần vòng tròn đỏ ngoài cùng đó có nằm mơ cũng không thể tưởng tượng nổi những người trong vòng tròn xanh luôn vui vẻ như thế nào.
Trẻ em có trạng thái cao hơn người lớn. Montessori cho rằng, một người có cảnh giới tư tưởng đạt được trình độ cao thì sẽ có vai trò thúc đẩy xã hội. Đó chính là những người được chúng ta gọi là người sáng tạo thế giới, hay nói cách khác họ là những người vui vẻ, những người tự hoàn thiện mình. Tuy rằng trên thế giới này, những người trong vòng tròn trắng chiếm phần đông, người trong vòng tròn xanh chỉ chiếm số ít, nhưng tinh thần và thành quả lao động của họ có tác dụng thúc đẩy nhân loại tiến bộ.
Nhìn lại lịch sử, chúng ta có thể thấy rằng ở mỗi thời đại lịch sử đều có những người phấn đấu vì lý tưởng của mình. Ví dụ Abraham Lincoln xóa bỏ chế độ nô lệ da đen, Nelson Mandela giải quyết vấn đề kỳ thị chủng tộc. Những người trong vòng tròn màu xanh không cần lãng phí sức lực của mình để đấu tranh chống lại sự cám dỗ. Vậy mục đích của cả nhân loại là gì? Tôi cho rằng đó là hoàn thiện chính bản thân mình.
Cho dù bạn có một tỷ đô-la Mỹ, có toàn thế giới này, nhưng rồi bạn phát hiện ra, mình vẫn là mình, vẫn đứng trên chỗ cũ, thế nên những gì bạn có đều trở nên vô nghĩa. Nhưng khi bạn không ngừng hoàn thiện bản thân mình, bạn sẽ phát hiện ra một bí mật, đó là khi bạn hoàn thiện chính mình, cũng có nghĩa là bạn đang hoàn thiện xã hội.
Trong cuốn tiểu thuyết “Xơ Carrie(3)” có viết: Có những người sinh ra đã có tiền bạc và danh vọng; có những người trải qua bao nỗ lực mới có được tiền bạc và danh vọng; có những người sinh ra trên cả tiền bạc và danh vọng, lại có những người cố gắng hết cả cuộc đời mình vẫn không chạm đến được điều này. Điều này giống y như những gì Montessori đã nói. Đứng trước một sự việc, rất nhiều người đều nói rằng: “Việc này là không thể”. Tại sao vậy? Nguyên nhân là những người này luôn phải tự đấu tranh với bản thân mình. Còn những người làm được, vì họ không phải tự đấu tranh với bản thân, họ tập trung toàn bộ tinh lực để làm việc, để khắc phục khó khăn, và họ đã thành công.
Vì thế những người trong vòng tròn màu xanh và những người trong vòng tròn màu trắng là hoàn toàn khác nhau. Người trong vòng tròn màu xanh tập trung toàn bộ sức lực vào việc hoàn thiện chính mình, trong khi người trong vòng tròn màu trắng thì tập trung toàn bộ sức lực để đấu tranh với bản thân.
Montessori nói, tóm lại nhìn từ góc độ phẩm giá, những người trong vòng tròn màu trắng chiếm phần đông, tất cả bọn họ phải dùng gậy để chống đỡ cuộc đời mình. Nếu chúng ta vẫn giữ nguyên phương pháp giáo dục như trước nay, trình độ của nhân loại sẽ tiếp tục bị hạ thấp. Nếu con trẻ từ 0 đến 6 tuổi của cả một dân tộc không được phát triển tốt thì tố chất của dân tộc đó sẽ ngày càng đi xuống. Những người trong vòng tròn màu trắng đang dạy dỗ những đứa trẻ trong vòng tròn màu xanh, có thể họ sẽ nói rằng: “Không được tham quyền-tiền-sắc, điều đó có thể dẫn đến tội ác”. Nhưng trẻ con lại nói rằng: “Chúng con không tham quyền-tiền-sắc, chúng con thích chân-thiện-mỹ”. Hiển nhiên là, những người giáo viên của vòng tròn màu trắng sẽ hạ thấp trình độ của các em, không dẫn dắt các em đi đến sự hoàn thiện. Đây chính là điểm khác nhau giữa giáo dục cũ và giáo dục mới mà Montessori đã nói.
Ngày hôm nay, chúng tôi đang theo đuổi một phương pháp giáo dục mới. Có thể, có người đã ý thức được điều này, một người tầm thường vì thời thơ ấu của anh ta không nhận được một sự giáo dục đúng đắn. Trên thực tế, năng lực thấp kém của một người hoàn toàn bắt nguồn từ việc bị người lớn khống chế từ 0 đến 6 tuổi.
Montessori nói, nếu chúng ta tiến hành phương pháp giáo dục mới, chúng ta sẽ loại bỏ được những hạn chế mà con người gây ra với con trẻ. Chúng ta sẽ không còn chú trọng đến việc làm thế nào để làm việc lớn, hô to khẩu hiệu, mà chúng ta sẽ bắt đầu từ hiện thực, tức là để trẻ em hoàn toàn tự do được lắng nghe và làm theo sự thúc giục từ trái tim trẻ. Chỉ cần chúng ta làm được điều này, con trẻ của chúng ta sẽ được phát triển tốt.
Một con người có thể đọc bao nhiêu sách lịch sử, triết học mà vẫn thiếu năng lực. Về điểm này tôi càng thấm thía hơn ai hết. Bạn thân của tôi và chồng cô ấy sống với nhau mười mấy năm trời. Mấy năm đầu cô ấy đọc bao nhiêu sách, vẫn phát hiện ra mình thiếu năng lực, không biết làm việc. Nhưng trong quá trình trưởng thành của mười năm sau, vì được sống trong tình yêu đích thực và tự do chưa từng có, cô ấy phát hiện ra mình đã có đủ khả năng, sự nghiệp cũng phát triển. Năng lực của một người không căn cứ trên người đó đã đọc bao nhiêu quyển sách, mà căn cứ vào sự hoàn thiện nhân cách của người đó, vì họ không còn cảm thấy những trở ngại tâm lý cản trở mình.
Những người không gặp trở ngại bản thân họ có một sức mạnh. Sức mạnh ấy dẫn dắt họ tập trung toàn bộ sức lực vào một việc. Và họ toàn tâm toàn ý để làm tốt việc đó.
Vì thế rất nhiều người phát hiện ra rằng, có những người chưa từng được học hành lại phát triển rất tốt, có những người học hành nhiều, lại sống rất hồ đồ. Điều này ít nhất cũng chứng minh một điều: Bạn đọc nhiều sách, nhưng có thể vẫn thiếu khả năng. Nếu bạn nhìn mọi người, nhìn thế giới bằng một tâm thái tích cực, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu. Còn nếu bạn cảm thấy nơi đâu cũng đầy nguy hiểm rình rập, việc gì cũng khó khăn, có người hãm hại hay cản trở thì bạn sẽ phân tâm, chán nản, thất vọng, không thể tập trung sức lực vào mục tiêu chính. Những điều vụn vặt sẽ trói chân chúng ta vào những sự việc tầm thường, xa rời mục tiêu cuộc đời của mỗi con người.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.