Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

PHẦN II . NHỮNG YẾU TỐ CƠ BẢN – 3. Trí óc diệu kỳ và khả năng hiểu biết đáng kinh ngạc



1. Chương này có thể thay đổi cuộc đời bạn

Hiểu biết những nét cơ bản về não bộ và về trí thông minh của bạn là điều thật sự có thể thay đổi cuộc đời bạn. Nó sẽ làm thay đổi:

• thái độ học tập;

• các kết quả học tập;

• sản phẩm từ sức sáng tạo;

• khả năng giải quyết vấn đề;

• thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống đều liên quan tới việc học.

Đây không phải là thông tin bí mật. Nó dựa trên những công trình đã được các nhà nghiên cứu, nhà khoa học xuất sắc (một số người đã đoạt giải Nobel) công bố trong hơn 35 năm qua. Nhiều bác sỹ và giảng viên có tiếng tăm đã tiến hành nghiên cứu trên và cho thấy tính xác thực của nó thông qua các cuốn sách, những buổi hội thảo, hội nghị và các cuốn băng. Tuy vậy, rất ít người biết tới thông tin làm thay đổi cuộc đời này. Nó không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức của các trường phổ thông hay cao đẳng. Bạn phải tự nỗ lực để có được nó và đọc cuốn sách này là bước đi đầu tiên.

Cuốn sách này lấy những yếu tố tương đồng của cuộc cải cách trong học tập và áp dụng chúng vào những kỹ năng căn bản cần thiết để thiết lập thành công bộ khung giáo dục chính thức, cũng như trong vấn đề học tập chính thức hoặc không chính thức của chương trình đào tạo việc làm.

Chương này là bản tóm tắt ngắn gọn một số công trình nghiên cứu phức tạp, nhằm mang đến cho bạn một cái nhìn sâu sắc về những tiềm năng chưa được khai thác trong não bộ và giúp bạn hiểu tại sao lại có những bài tập, chiến lược và chỉ dẫn như vậy. 

2. Những con số sẽ thay đổi cuộc đời bạn

Thông tin bạn cần có để hiểu những nét cơ bản về bộ não và trí thông minh của mình được cấu thành bởi những con số. Chúng mang đến cho bạn những hiểu biết để hình thành một cái nhìn rõ nét về năng lực tiềm tàng to lớn của bạn. Bạn có biết mình đang sở hữu:

• hàng tỷ tỷ tế bào não;

• một trăm tỷ nơ ron trong “bộ não tư duy”;

• hai mươi nghìn mối liên kết có thể có giữa các nơ ron;

• bảy loại hình thông minh;

• bốn bước sóng của các kiểu sóng não;

• ba bộ não trong một (não hợp nhất);

• ba phương thức học tập cơ bản;

• hai bên đối với bộ não cao cấp hơn;

• một bộ não mà mỗi người đều có một!

3. Không chỉ có một máy tính ở đó

Não người được miêu tả như một chiếc máy tính mạnh mẽ nhất. Nó luôn hoạt động chính xác. Trên thực tế, não bộ là một siêu máy tính điện sinh hóa mạnh mẽ đáng kinh ngạc. Nhưng nó còn hơn thế. Mật độ vật chất não và sự hài hòa của hệ thống thông tin hiệu quả giữa các phần đa dạng ở cấp độ kết cấu và siêu nhỏ của não đã đẩy tiến trình tư duy của chúng ta vượt ra khỏi sự máy móc đơn thuần. Chúng ta còn hơn cả những chiếc máy tính to lớn chỉ có khả năng lưu trữ cùng nhiều chức năng tuyến tính. Sinh lý của bộ não khiến chúng ta bước qua ngưỡng cửa vào vương quốc của sự phức tạp, tính sáng tạo và sự tự nhận thức mà các nhà khoa học về máy tính chỉ dám nằm mơ.

Những hiểu biết về sinh lý não bộ cùng những khám phá của các nhà khoa học trong 35 năm qua đã khiến các chuyên gia đi tới kết luận là chúng ta chỉ đang sử dụng từ 2-10% tiềm năng của mình để tư duy ở cấp độ cao hơn. Hiểu được mối quan hệ mật thiết của công trình nghiên cứu này đối với việc học tập và nghiên cứu của chúng ta là bước khởi đầu để tiếp cận phần tiềm năng còn lại của bộ não. 

3.1 Ba bộ não trong một  Não hợp nhất

Nhát cắt hình chữ thập trên não người chỉ rõ rằng thật sự có ba não bộ khác nhau trong não người. Tiến sĩ Paul McLean đã tiến hành một nghiên cứu có tính đột phá trong lĩnh vực này và ông chú ý tới hoạt động rất khác biệt trong cả ba phần của cái mà ông đặt tên là “não hợp nhất”: não bò sát, não limbic và vỏ não. Mỗi phần dường như đều phát triển ở các giai đoạn khác nhau trong sự tiến hóa của loài người.

3.1a Não bò sát  Não cấp thấp

Phần nguyên thủy nhất của não người được đặt tên là “bò sát” (reptilian) vì nó chi phối những cấp độ thấp nhất của suy nghĩ dẫn tới kết quả là những hành vi theo bản năng của chúng ta liên quan tới loài bò sát. Cùng với việc giám sát và điều chỉnh những chức năng tự động của cơ thể như thở, nhịp tim và đói, não bò sát cũng là trung ương cảm nhận của chúng ta về lãnh thổ và sự “phản ứng hoặc bỏ chạy” trước hiểm nguy. Những bản năng này có liên hệ mật thiết tới sự an toàn và sự sống còn của con người và chúng cư ngụ trong phần nguyên sơ nhất này của bộ não.

Một yếu tố trong chức năng hoạt động của phần não này đặc biệt phù hợp với việc học tập. Khi não bò sát chế ngự hành vi (ví dụ như khi chúng ta bị tấn công bất ngờ và phản ứng lại theo bản năng), chúng ta tiếp cận được một chút tới các chức năng não cấp cao. Trong thực tế, bất kỳ cấp độ căng thẳng tiêu cực nào cũng sẽ gây ảnh hưởng ở các mức độ khác nhau, nghĩa là trạng thái học tập tốt nhất của trí óc là càng ít căng thẳng càng tốt. 

3.1b Não limbic Não giữa

Não limbic, hay còn gọi là não giữa, thực hiện nhiều chức năng não phức tạp hơn bản sao của nó ở cấp độ thấp hơn. Nó phát triển theo não bò sát và được xếp vào vị trí hàng đầu một cách tự nhiên.

Não giữa cũng thường được nhắc đến dưới cái tên não “động vật có vú” do nó có các chức năng giống với não của hầu hết các loài động vật có vú. Nó là nơi trú ngự đầu tiên của những cảm xúc, sự điều chỉnh của các hệ thống miễn dịch, hệ thống hoocmôn và giới tính.

Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng não limbic là kho lưu trữ chính của trí nhớ dài hạn. Trạng thái gần gũi với nơi trú ngụ của các trung tâm cảm xúc mạnh mẽ nhất có mối quan hệ mật thiết với trí nhớ và việc học tập. Bạn sẽ đọc thấy trong Chương 5, một trong những chìa khóa dẫn tới trí nhớ chính là sự liên tưởng và liên tưởng mạnh mẽ nhất là những liên tưởng chứa đựng cảm xúc. Nó tạo cho bạn cảm giác mỗi khi bạn nghĩ đến những ký ức mạnh mẽ nhất trong cuộc đời như cảm giác về mối tình đầu, về sự ra đời của một đứa trẻ, về cái chết của người mà bạn yêu quý hay về món quà Giáng sinh tuyệt vời nhất mà bạn từng nhận được,…

Bạn có thể nhớ chi tiết hơn những sự kiện giàu cảm xúc xảy ra nhiều năm trước so với những điều tầm thường xảy ra tuần trước. Cảm xúc là chìa khóa dẫn tới những ký ức mạnh mẽ.

3.1c Vỏ não  Não cấp cao

Não “cấp cao” nằm ở lớp ngoài cùng và cao nhất của bộ não. Đó là vỏ não. Đây chính là bộ phận giúp chúng ta tư duy. Nó chứa đựng những trí thông minh cao cấp hơn của con người như là khả năng suy luận, đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch, phát triển ngôn ngữ, nắm bắt được khái niệm trừu tượng.

Lớp này chỉ dày 0,6 cm nhưng các nếp gấp và nếp cuộn (tạo nên hình dáng nhăn nheo) chứa đựng diện tích to lớn của nó. Nó khiến chúng ta ý thức được về tất cả những gì chúng ta tiếp nhận và thiết lập nhận thức của chúng ta về thế giới và bản thân theo nhiều phương thức khác nhau.

3.1d Ba bộ não hoạt động trong một

Ba bộ não nói trên không hoạt động độc lập mà kết nối với nhau thông qua những tế bào chuyên biệt và những cấu trúc có tác dụng như mắt xích kết nối giữa chúng. Trong trạng thái “thư giãn nhưng tỉnh táo” – trạng thái tốt nhất giúp học tập đạt hiệu quả, mắt xích kết nối đó được mở ra và vô cùng hữu hiệu. Khi chúng ta bị stress nặng và cơ thể gặp nguy hiểm hoặc cảm xúc bị tổn thương, sự kết nối với các chức năng não cấp cao bị ngắt đi và chúng ta bị não bò sát và não limbic chi phối.

3.2 Phát huy cấu tạo của bộ não để học tập ở mức tối đa

Các nơ ron

Bộ não có hàng tỷ tỷ tế bào. Riêng vỏ não có hơn 100 tỷ tế bào hoạt động, được gọi là các nơ ron. Bản thân mỗi nơ ron đều có sức mạnh lớn hơn hầu hết các máy tính trên hành tinh này. Nó có hàng triệu máy bơm và máy điều hòa làm việc ở các mức độ khác nhau, cùng vô vàn chức năng khác của nơ ron. Thật đáng kinh ngạc!

Các hình cây và dây thần kinh (axon)

Tuy nhiên, không phải số lượng siêu máy tính nhỏ bé này quyết định trí thông minh. Mỗi nơ ron có khả năng tạo ra 20 nghìn mối kết nối khác nhau với các nơ ron khác. Nó hoạt động với các cấu trúc được gọi là “hình cây” và “axon”, rẽ nhánh ra từ thân chính của tế bào. Có nhiều hình cây nhỏ hơn so với các axon lớn hơn và chúng là các yếu tố chính trong mạng lưới giao tiếp rộng lớn cấu thành nên vỏ não.

Các hình cây giống với các kết nối điện thoại hơn, trong khi các axon lại giống cáp quang dung lượng cao dùng để truyền tin hiệu quả ở khoảng cách xa. Nó cũng giống như là một mạng Internet rộng lớn trong đầu.

Nói một cách đơn giản, trí thông minh là một chức năng bao gồm hai nhân tố:

1. Số lượng nơ ron chức năng;

2. Số lượng kết nối hình cây bên trong não (cái này quan trọng hơn).  

Trước tiên, ta cần xác định kích cỡ và khả năng tiềm ẩn của não. Không có khác biệt lớn giữa các cá nhân. Tất cả chúng ta đều có tiềm năng cơ bản tương tự nhau. Não của bạn có khả năng tiếp thu tương tự với não của Einstein hay da Vinci. Khác biệt thật sự là ở số lượng kết nối giữa mỗi nơ ron. Đây là nơi tạo nên các thiên tài. 

Không bao giờ là quá muộn để phát triển trí thông minh. Các nhà khoa học đã nhận thấy rằng khả năng gia tăng mật độ của não bằng cách kích thích phát triển các kết nối hình cây mới liên tục suốt đời không bị suy giảm cùng tuổi tác. Bạn có thể trở thành một thiên tài.

Khi bạn thử thách khả năng tiếp thu về mặt tinh thần bằng cách học những điều mới mẻ và vượt ra khỏi vùng thư giãn trí óc của mình, bạn sẽ tạo ra những hình cây mới cùng những kết nối mới tới các phần khác trong não. Bạn sẽ gia tăng trí thông minh của bản thân! Tuy vậy, nếu bạn dừng quá trình này lại, giống như nhiều người trong số chúng ta bỏ việc học ở trường và thấy bản thân ngập trong áp lực của công việc và gia đình, bạn sẽ thật sự mất đi mật độ dày đặc của não. Bạn cũng sẽ mất đi các khối và các kết nối hình cây. Bạn cũng mất luôn trí thông minh.

Một tin vui là bạn sẽ không mất đi tiềm năng để có lại được đẳng cấp ban đầu và thậm chí còn có thể tiến xa hơn. Điều này có thể khó tin, đặc biệt là khi càng lớn tuổi, bạn sẽ nhận thấy việc cố gắng học những điều mới mẻ khó khăn hơn nhiều so với hồi còn nhỏ. Nên nhớ rằng, nếu bạn không học trong một thời gian dài thì cần phải có thời gian để làm nóng khả năng học tập của bạn và chỉnh đốn lại bản thân để học những điều mới. Nếu bạn không thúc đẩy não hoạt động trong 5, 10 hoặc 20 năm, sẽ rất khó để hy vọng là bạn có thể ngay lập tức nắm bắt được quá trình hoạt động của mọi thứ giống như một sinh viên có kinh nghiệm.

Hãy hăng hái lên! Bạn không được để mất nó. Nó tồn tại trong bạn. Dù hiện nay xuất phát điểm của bạn là gì, bạn vẫn có tiềm năng bên trong để trở nên tài năng hơn. Không quan trọng nếu bạn có bỏ dở việc học hay bạn là một tiến sỹ khoa học. Bạn có thể làm tốt hơn những gì bạn hằng mơ ước.

4. Hai bán cầu não

Bên trong vỏ não, có sự phân chia lao động riêng biệt. Các chức năng chủ yếu của não cấp cao như diễn thuyết, suy luận logic và phân tích không gian, mỗi thứ đều cơ bản tập trung vào một lĩnh vực riêng biệt. 

Sự phân chia quan trọng nhất là phân chia đơn giản giữa hai bán cầu não. Hai nhà khoa học, Tiến sĩ Roger Sperry và Tiến sĩ Robert Ornstein, đã giành giải Nobel cho thành tựu của họ trong phạm vi nghiên cứu này. Ngày nay, nhờ vào nghiên cứu của họ, chúng ta biết được mỗi bên của vỏ não chủ yếu đảm nhận các loại hình suy nghĩ đặc trưng khác nhau.

Não trái

Đảm nhận:

• phân tích và lý luận logic;

• những sự việc xảy ra liên tiếp;

• các con số và khả năng toán học;

• các khả năng ngôn ngữ và từ vựng;

• lối suy nghĩ tuyến tính; 

• suy nghĩ lý trí và kinh nghiệm.

Não phải

Đảm nhận:

• sáng tạo;

• khả năng trực giác;

• sự cảm thụ âm nhạc và khả năng về nhịp điệu;

• sự tưởng tượng và ngủ mơ vào ban ngày;

• lối suy nghĩ ngẫu nhiên, lộn xộn;

• cảm thụ nghệ thuật (màu sắc, hoa văn và những nhận thức về không gian).

Ngày nay, hầu hết chúng ta đều biết rằng suy nghĩ và những mô hình học tập của chúng ta có thể được mô tả thông qua bên phần não nổi trội hơn. Chúng ta thường đơn giản hóa sự phân biệt này thành một quan niệm tầm thường khi gọi các kỹ sư, luật sư là những con người thiên về não trái, trong khi đó, các nghệ sĩ và nhà thơ là những con người của não phải.

Thực tế, hoạt động của bộ não tinh vi hơn thế nhiều. Một bên thì thống lĩnh (90% vỏ não), nhưng bên kia dù yếu hơn nhưng rất linh hoạt với khả năng tiếp thu không hề thua kém.

Vấn đề của sự vượt trội của não trái ở hầu hết mọi người xảy ra là do sự chú trọng của xã hội đối với các giá trị kinh nghiệm cụ thể mang đặc tính của não trái. Chúng ta tự đánh giá thấp các đặc điểm của não phải và thật sự làm suy yếu trí thông minh tổng thể trong quá trình tiến triển của mình. Chúng ta cũng cho rằng các điểm đó được kiểm soát rất chặt chẽ nên không thể thay đổi và tin rằng đã là người suy nghĩ logic thì không thể sáng tạo và người nghệ sĩ thì không thể phát triển các kỹ năng quản lý tuyến tính tốt. 

Một trong các mục tiêu chính để hoàn thiện việc học tập và nghiên cứu là phải sử dụng tính lặn nhiều hơn. Tăng cường sự hợp nhất. Các nghệ sĩ có thể suy nghĩ một cách logic và tuyến tính. Các kỹ sư và luật sư có thể trở nên sáng tạo và có khả năng trực giác.

5. Điều khiển sóng não

Có bốn trạng thái tư duy cơ bản trong đời sống thường nhật và mỗi trạng thái đều có một kiểu sóng não khác nhau. Chúng ta có chứng cứ thuyết phục nhất về hoạt động của sóng não sinh hóa là sự đa dạng của các xung điện mà chúng ta có thể giám sát và đo lường. Đây là một lĩnh vực nghiên cứu phức tạp, nhưng lý giải đơn giản về các kiểu sóng não khác nhau có thể cho chúng ta biết nhiều về cách làm thế nào để quản lý việc học tập hiệu quả hơn.

Các sóng Beta

Các sóng Beta biểu lộ trạng thái tư duy khi chúng ta tỉnh táo và hoạt động, ví dụ: giao tiếp với mọi người, đi bộ, lái xe hay những di chuyển có mục đích khác, phân tích, lên kế hoạch và thực hiện các công việc hàng ngày.

Đây là trạng thái chúng ta trải qua nhiều nhất trong cuộc sống. Ở trạng thái này, chúng ta “sống qua ngày” và tích lũy các thành quả với rất nhiều sự căng thẳng. Mối quan tâm của chúng ta luôn thay đổi từ vấn đề này sang vấn đề khác và ngược lại. Năng lượng và sự tập trung bị phân tán vì chúng ta phải cố gắng giải quyết hàng nghìn thứ luôn làm chúng ta bận tâm.

Trạng thái này rất quan trọng nếu chúng ta hoạt động trong thế giới phức tạp, nhưng nó hầu như không phải là trạng thái tốt nhất để tập trung vào việc học. Thực tế, đó là trạng thái tư duy mà hầu hết mọi người gặp phải khi họ làm bài tập ở trường và họ không muốn thay đổi trạng thái đó.

Các sóng Theta

Các sóng Theta rõ rệt nhất khi chúng ta định bỏ bê công việc để đi ngủ. Chúng cũng rất phổ biến trong các loại hình suy tưởng sâu xa nào đó.

Các sóng Delta

Các sóng Delta là loại sóng chậm nhất trong các sóng não. Chúng sẽ được máy chụp cắt lớp thể hiện khi bạn đang ngủ thật sâu. Và dù tin hay không, những điều xảy ra trong suốt trạng thái ngủ của bạn đều có quan hệ mật thiết tới cách bạn lên kế hoạch học tập và thời gian học (được bàn chi tiết hơn trong Chương 5).

Các sóng Alpha

Cuối cùng, các sóng Alpha hiện ra khi bạn hoàn toàn tỉnh giấc, nhưng trong một trạng thái thư giãn thật sự thường được gọi là “suy ngẫm tỉnh táo”. Trong trạng thái này có một chút căng thẳng. Các lối nhỏ được hình thành giữa các phần đa dạng của não rõ rệt nhất trong trạng thái này, và não bộ cao cấp hơn có khả năng tiếp cận cao nhất tới các vùng khác.

Trong trạng thái tư duy này, bạn sẽ trải nghiệm việc lĩnh hội nhanh nhất thông tin và một loại cảm hứng sẽ xuất hiện cho phép trí tưởng tượng của bạn kết nối những thứ mà trước đây chưa từng được kết nối (ví dụ như lần đầu tiên bạn nhận ra sự giống nhau giữa các kiểu mẫu toán học, âm nhạc và cờ). Cũng trong trạng thái này, có khả năng lớn nhất là thông tin sẽ tồn tại trong bộ nhớ dài hạn. Rõ ràng, trạng thái tư duy có nhiều sóng Alpha là nơi thuận lợi nhất cho bạn tiến hành việc học tập.

Khi đề cập đến việc học, điều quan trọng là bạn phải thật sự đưa não vào đúng “độ dài sóng”. Sẽ không hiệu quả nếu hàng ngày bạn cố gắng học tập trong trạng thái tư duy điển hình bị chi phối bởi các sóng Beta. Bạn đang đấu tranh với nhiều kẻ thù hơn chứ không chỉ với sách giáo khoa.

Mặc dù phải tốn thêm thời gian để học cách thay đổi trạng thái tư duy của bạn trước khi bắt đầu buổi học, bạn cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của việc này. Sự thay đổi trong cách tiếp cận này sẽ mang lại cho bạn những kết quả sớm nhất trong việc học tập. Chương tiếp theo rất quan trọng, nó giới thiệu một vài yếu tố chính để chuẩn bị “trạng thái tư duy” cho bạn trước khi mở một cuốn sách giáo khoa.

6. Ba cách thức học tập

Đúng là chúng ta có một bên não trội hơn, nên chúng ta cũng có một cách thức học tập đặc biệt là thế mạnh riêng. Có nhiều giả thuyết khác nhau về cách nhận biết và mô tả các phương pháp học tập tốt nhất. Có một số cách rất chặt chẽ và chi tiết. Nhưng cách chính xác nhất dường như lại là cách đơn giản nhất.

Cách chúng ta học tập tốt nhất có thể dễ dàng nằm trong một trong ba dạng: học tập thị giác, học tập thính giác và học tập cơ thể. Những mô tả này được đơn giản hóa và chỉ có ý nghĩa như một lời giới thiệu cho ý tưởng về các cách học tập khác nhau.

6.1 Nhìn

Người học bằng thị giác

Người học bằng thị giác là người học tập hiệu quả nhất khi nhìn thấy hình biểu diễn của thứ họ đang học dưới dạng hình ảnh, chữ viết hoặc minh chứng thực tế. Người học bằng thị giác giỏi có khuynh hướng:

• đọc tốt (thường là đọc nhanh, nhưng không phải lúc nào cũng vậy);

• đánh vần tốt (thường xuyên vì họ có thể “nhìn thấy” từ);

• sau một thời kỳ nào đó, thích tự đọc hơn là được người khác đọc truyện cho nghe;

• cảm thấy dễ nhớ những thứ họ tận mắt nhìn thấy hơn là chỉ nghe (như là có hướng dẫn viết trên giấy dễ hơn là nghe hướng dẫn, hoặc sử dụng bản đồ tốt hơn là nghe các chỉ dẫn);

• vẽ nguệch ngoạc trong lúc suy nghĩ, nói chuyện điện thoại hoặc suốt buổi họp;

• ghi nhớ tài liệu dạng hình ảnh trong các băng video.

6.2 Nghe

Người học bằng thính giác

Người học bằng thính giác học tập tốt nhất nhờ việc nghe. Những người này thích nghe các tài liệu dưới dạng bài diễn thuyết hoặc dựng kịch trong lớp học. Những người học bằng thính giác giỏi có khuynh hướng:

• thích nói hơn viết khi diễn tả một vấn đề gì;

• thích gọi điện thoại hơn viết thư;

• dễ bị ảnh hưởng bởi tiếng ồn hơn người học bằng thị giác;

• cảm nhận âm nhạc tốt hơn cảm nhận các môn nghệ thuật thị giác như hội họa;

• dễ nhớ những gì họ nghe hơn là họ thấy.

6.3 Hành động

Người học bằng cơ thể

Người học bằng cơ thể là người tiếp thu bài học tốt nhất khi được thực hành trong thực tế. Đối với kiểu người học tập này, di chuyển, trực tiếp cầm lên, chạm vào và trải nghiệm một thứ gì đó thường là cần thiết.

Những người học bằng cơ thể giỏi có khuynh hướng:

• nói và viết chậm hơn hai cách thức học tập trên, nhưng lại có các chuyển động cơ thể linh hoạt đầy tự tin;

• sử dụng các cử động tay nhiều hơn bình thường;

• thích học tập bằng cách thực hành hơn là chỉ nhìn và nghe về một thứ gì đó;

• khi còn nhỏ khó có thể ngồi yên một lúc lâu (không phải vì “mất trật tự”, mà vì họ đã quen di chuyển và khám phá thế giới xung quanh trong khi các trường học mẫu mực lại không khuyến khích việc này);

• ghi nhớ mọi thứ tốt hơn và dễ dàng hơn khi hoạt động cơ thể (như là đi bộ quanh phòng khi học thuộc lòng);

• hiểu mọi thứ tốt hơn khi nhập vai vào đó.

Nghiên cứu chỉ ra rằng mỗi chúng ta đều có một cách thức học tập ưa thích lúc ban đầu và sự phân bổ giữa ba cách thức nhìn chung là như nhau. Trên thực tế, một số ít người cho rằng cách thức phổ biến nhất là học bằng cơ thể và cách ít phổ biến nhất là học bằng thị giác. Thế nhưng hệ thống giáo dục kiểu mẫu lại chú trọng học tập thị giác, chấp nhận học tập thính giác và kịch liệt phản đối (thậm chí là cấm đoán) học tập cơ thể.

Hãy suy nghĩ về vấn đề này. Từ các cấp học dưới, những trẻ chỉ ngồi im và đọc hoặc viết thì luôn được khen thưởng. Những em nói nhiều và muốn thầy cô giáo giải thích miệng nhiều lần về vấn đề nào đó được coi là những trẻ gây phiền toái. Và những em luôn chạy quanh và không thể ngồi yên được dán nhãn là”ngỗ nghịch”.

Nếu một cách thức học tập nào đó có khuynh hướng mạnh mẽ hơn các cách thức khác, không có nghĩa là chúng ta không thể trở nên giỏi giang khi học tập theo những cách khác. Đứa trẻ “ngỗ nghịch” không chịu ngồi yên một chỗ có thể phát triển các cách thức học tập thị giác và thính giác tuyệt vời. Không nên đánh giá thấp cách học tập cơ thể và coi nó như bị thiếu hụt cái gì đó. Trong cùng một khoảng thời gian, chúng ta càng tìm ra nhiều phương thức học tập và nghiên cứu mà bắt buộc phải sử dụng cả ba cách thức trên thì chúng ta càng đạt hiệu quả cao hơn.

7. Bảy loại hình thông minh

Các giả thuyết về nhiều loại hình trí thông minh trong não người đã được đưa ra từ nhiều thế kỷ nay. Tiên phong trong lĩnh vực nghiên cứu y học và chụp cắt lớp về hoạt động của não bộ là Tiến sĩ Howard Gardner của Đại học Harvard. Gardner nhận thấy có bảy loại hình thông minh khác biệt và độc lập với nhau trong một con người. Một số nhà khoa học khác còn mở rộng danh sách này bằng cách chia nhỏ những đặc tính mà Gardner đã gộp lại với nhau. Để có những hiểu biết cơ bản giúp bạn học tập thông minh hơn, hãy xem qua danh sách bảy loại hình thông minh của Gardner.

7.1 Ngôn ngữ

Khả năng về ngôn ngữ và khả năng viết tốt là những đặc điểm phổ biến của trí thông minh ngôn ngữ. Những nhà văn và nhà diễn thuyết vĩ đại trong lịch sử đặc biệt giỏi về ngôn ngữ. Những người thích đọc nhiều hoặc có “tài ăn nói” mạnh về loại trí thông minh này. 

7.2 Toán học/Logic

Khả năng suy nghĩ logic và tài giỏi trong những công việc liên quan đến các con số là những nhân tố cơ bản của trí thông minh toán học/logic. Hầu hết các loại suy luận theo tuyến tính trừu tượng cần tới loại hình thông minh này. Bất cứ nghề nghiệp nào phụ thuộc vào các con số đều đòi hỏi thế mạnh về toán học và suy nghĩ logic (ví dụ như khoa học, cơ khí, kế toán và thống kê).

Như Gardner đã chỉ ra, hai loại hình thông minh đầu tiên này là hai loại được hệ thống trường học mẫu mực đánh giá cao và khen thưởng. Những sinh viên giỏi về hai loại này thường là những người thành công nhất trong học tập và thực hiện tốt các bài kiểm tra một hoặc hai chiều như IQ và SAT. Thành tích của họ thường giúp họ được nhận vào các trường đại học và cao đẳng danh tiếng. Tuy nhiên, khi họ ra khỏi trường học mẫu mực thì thành công của họ thường phụ thuộc vào một trong các loại trí thông minh khác.

Ví dụ, một bác sĩ phẫu thuật sẽ dựa vào trí thông minh ngôn ngữ và trí thông minh logic để thi đỗ vào trường y và thu được một khối lượng kiến thức cần thiết để tốt nghiệp. Nhưng người đó sẽ cần đến trí thông minh cơ thể để có được các kỹ năng cần thiết dẫn đến thành công sau quá trình đào tạo y học cơ bản.

Trí thông minh về toán học và ngôn ngữ rất cần thiết để thành công trong các trường học về kinh doanh. Tuy nhiên, trí thông minh nội tâm và tương tác được phát triển cao mới là cái quyết định thành công trong thế giới kinh doanh.

7.3 Âm nhạc

Khả năng hiểu biết, thưởng thức và sáng tạo âm nhạc là tiêu biểu cho đặc điểm của loại hình thông minh bị đánh giá thấp này. Những nhạc công và những nhà soạn nhạc nổi tiếng đương nhiên sở hữu trí thông minh âm nhạc ở một hình thái vô cùng nổi bật, nhưng tất cả mọi người, ngay cả những người vẫn tự nhận là mình “mù nhạc”, đều sở hữu trí thông minh này.

Chính trí thông minh âm nhạc giúp bạn giữ được nhịp điệu. Nó cũng khiến cho giai điệu khó chịu đó xoay vòng trong đầu bạn. Khi bạn học thuộc một bài thơ, trí thông minh ngôn ngữ sẽ giúp bạn ghi nhớ từ ngữ và hệ thống nhịp điệu, nhưng chính trí thông minh âm nhạc sẽ nhập cuộc khi nhịp điệu hoặc độ dài của bài thơ ảnh hưởng đến trí nhớ của bạn.

7.4 Thị giác/Không gian

Trí thông minh thị giác/không gian hầu như thường gắn với khả năng nghệ thuật. Đó là sự thật khi các họa sĩ và nhà điêu khắc có trí thông minh thị giác phát triển cao. Trí thông minh này cũng là thành phần chính tạo nên khả năng của các kiến trúc sư, nhà thiết kế nội thất, phi công, thợ săn và nhà kiến thiết đô thị thành đạt.

Khi một họa sĩ vẽ một bức tranh, trí thông minh thị giác/không gian sẽ hoạt động. Khi bạn nhìn mọi vật bằng con mắt tư duy hay tưởng tượng, trí thông minh này cũng hoạt động. Cần có trí thông minh thị giác/không gian để sử dụng bản đồ hoặc hoạch định một khu vườn.

Đây cũng chính là thành phần cơ bản của trí nhớ hiệu quả cao (bạn sẽ đọc thấy trong Chương 5). Nếu có ai yêu cầu bạn nhớ lại và ghi ra tất cả những đồ vật có trong phòng khách nhà bạn, bạn sẽ phải dựa vào trí thông minh thị giác để nhớ lại chúng.

7.5 Vật lý/Cơ thể

Trí thông minh vật lý còn được gọi là trí thông minh cơ thể. Nó bao gồm khả năng thể thao và vận động cơ thể, cùng các kỹ năng như sự khéo tay của người thợ mộc, bác sĩ phẫu thuật và thợ dệt.

Khéo tay đồng nghĩa với việc trí thông minh vật lý của bạn phát triển tốt. Bạn có thể tăng cường khả năng sử dụng trí thông minh đó với nhiều trí thông minh thiên về lý thuyết hơn nếu bạn biết kết hợp một vài hoạt động vật lý vào việc học. 

7.6 Tương tác

Thông minh tương tác là khả năng về mặt xã hội – giao tiếp tốt với người khác. Kỹ năng hoặc khả năng bẩm sinh làm những người xung quanh cảm thấy thoải mái và dễ chịu là một loại hình thông minh rất có giá trị trong xã hội toàn cầu và độc lập ở mức độ cao như hiện nay. Khả năng kết giao và giao tiếp tốt với người khác là một trong những kỹ năng rất được đề cao.

Trí thông minh này phổ biến ở những người làm công việc bán hàng, đàm phán cấp cao, ngoại giao và diễn thuyết. Các nhà giáo và nhà quản lý tài giỏi thường “có tài” về mặt này, hoặc họ có ý thức nỗ lực để phát triển trí thông minh tương tác.

7.7 Nội tâm

Năng lực phân tích bản thân và khả năng xem xét hành vi của chính mình là một loại hình thông minh mà Gardner gọi là nội tâm. Tự xem xét nội tâm và khả năng thấu hiểu cảm giác của chính mình là dấu hiệu của loại hình thông minh đóng vai trò then chốt trong việc đề ra mục tiêu, lên kế hoạch cho tương lai và tăng thêm bản tính trực giác. Bạn không thể phát triển trong tương lai nếu bạn không hiểu được hiện tại bạn là ai, bạn muốn gì.

Sự đa dạng của các loại hình thông minh hiện diện bên trong tất cả chúng ta. Hãy nghĩ về da Vinci – nhà khoa học, họa sĩ, nhà ngôn ngữ học, nhà sáng chế. Trình độ của ông không vượt ra ngoài khả năng của mỗi chúng ta (mặc dù đẳng cấp của ông thì có thể). Bước đầu tiên là nhận biết thực tế. Thứ hai là làm một việc gì đó và cách tốt nhất để thực hiện là gắn ý niệm này vào những gì bạn học và nghiên cứu.

Thực tế đã chứng minh rằng nếu bạn sử dụng nhiều hơn một hoặc hai trí thông minh vào việc học, bạn sẽ học được nhiều hơn, nhanh hơn và tăng khả năng nhớ lại thông tin cho bài kiểm tra và thậm chí cho nhiều năm sau này. Nó sẽ trở thành một phần của bạn.

8. Vậy thì sao?

NGAY TỪ BÂY GIỜ, bạn phải làm gì với tất cả những điều nói trên sao cho phù hợp với khả năng học tập và mong muốn phát triển các kỹ năng học tập tốt của bạn?

Câu trả lời là phải nắm giữ vấn đề then chốt sao cho HỌC KHÔN NGOAN mà không GIAN NAN. Nếu bạn dự định dành thời gian và nỗ lực để tác động tới các kỹ năng học tập của mình, vậy thì sẽ có ý nghĩa gì khi phát triển một hộp công cụ kỹ năng, chứa đựng những thứ sẽ giúp tạo nên phần lớn tiềm năng đáng kinh ngạc của bạn? Tạo ra những kỹ năng và khả năng tốt hơn cho việc học trong tương lai? Một tương lai sẽ gắn liền bạn với việc học hành trong suốt phần đời còn lại?

Nếu bạn muốn lấy bằng A mà chỉ dành ra một lượng thời gian và nỗ lực tương đương với thời gian và nỗ lực chỉ để vượt qua kỳ thi, liệu bạn có lấy được bằng A không? Đó là toàn bộ nội dung của chương này. Bạn học được một vài điều về cách thức hoạt động của não và các loại hình thông minh, phần còn lại của cuốn sách sẽ làm sáng tỏ hơn. Bạn sẽ hiểu điều gì ẩn dưới các chỉ dẫn và các bài tập xuyên suốt các chương. 

Ba chương tiếp theo sẽ đưa ra những vấn đề xa hơn. Trong các chương này, bạn sẽ khám phá ra giai đoạn quan trọng nhất của việc học (chuẩn bị) và tìm thấy những thông tin quan trọng về cách thức hoạt động của trí nhớ. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.