Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

13. Các kỳ kiểm tra



Các kỳ kiểm tra trong học tập chính quy giống như những đường đua để rèn luyện các vận động viên đi thi Olympic. Chúng là màn trình diễn cuối cùng mà người tham gia phải trải qua sau một chặng đường dài chuẩn bị. Một kỳ thi, cũng như một đường đua, chỉ là một phần nhỏ của câu chuyện. Phải mất hàng giờ, hàng tuần và hàng tháng dài nghiêm túc tập luyện trước khi thí sinh và đấu thủ hy vọng mình có được phong độ tốt nhất trong ngày định mệnh đó.

Sẽ không thể chấp nhận nếu bạn muốn thi đấu như một vận động viên Olympic khi mới tập luyện được một tuần trước kỳ thi đấu. Đối với các vận động viên Olympic, không có chuyện “thâu đêm suốt sáng”. Làm bài thi cũng tương tự. Nếu không làm việc và học tập đúng đắn trong một thời gian dài, bạn sẽ không có kỳ vọng đạt được các kết quả khả quan nhất. Vậy nên, một lần nữa, bạn sẽ đọc thấy sự cần thiết của việc chuẩn bị chìa khóa dẫn tới những thành công như bạn hằng mong ước.

1. Chuẩn bị cho kỳ kiểm tra

Trong tất cả các kỹ thuật sao chép và giải tỏa căng thẳng, chiến thuật hiệu quả nhất chính là chuẩn bị theo khả năng của mình. Không gì xóa được nỗi lo ngoài việc phải biết mình nên kỳ vọng và sẵn sàng vì điều gì. 

1.1  Trong suốt khóa học

Sự chuẩn bị dài hạn tốt nhất là hãy coi toàn bộ năm học hoặc cả một học kỳ như một khóa học trước kỳ thi. Do thường có một khoảng thời gian dài giữa thời điểm bắt đầu kỳ học với kỳ thi chính đầu tiên, nên sinh viên thường không biết tạo ra mối liên kết tư duy mạnh mẽ giữa việc học tập bình thường với việc ôn thi bận rộn diễn ra hàng ngày, hàng giờ trước kỳ thi. Trên thực tế, toàn bộ đều là học thi và bạn nên phát triển thái độ học tập đó.

1.1a Biết kỳ vọng vào điều gì

Trong khóa học, càng sớm càng tốt, bạn phải đảm bảo có một bức tranh rõ nét về điều bạn kỳ vọng. Sẽ có bao nhiều bài thi và bài kiểm tra? Mỗi bài đáng giá như thế nào? Bao giờ có lịch thi hoặc kiểm tra? Bạn có thể theo dõi những bài thi sắp tới của mình nếu viết chúng vào lịch.

Lịch thi và tầm quan trọng của nó trong khóa học là thông tin bạn cần để lên kế hoạch và ấn định thời gian học tập cho mình. Sẽ rất ý nghĩa nếu bạn dành nhiều thời gian hơn cho bài thi mà bạn chỉ còn hai ngày để ôn tập, nó đáng giá 30% trong điểm số cuối cùng của bạn. Nếu bạn dành ít thời gian chuẩn bị hơn cho câu hỏi vấn đáp của một khóa học khác thì điều đó chỉ có giá trị 5% trong điểm số cuối cùng. Nhưng bạn không thể đưa ra những quyết định quan trọng đó cho đến khi bạn có một bức tranh rõ rệt về điều bạn kỳ vọng trong mỗi khóa học.

1.1b Lên kế hoạch

Phát triển kế hoạch cho mỗi khóa học sẽ giúp bạn kiểm soát toàn bộ tài liệu trước khi lên lịch các kỳ thi. Bạn sẽ không có thời gian để chuẩn bị hoàn hảo cho mọi khóa học – bạn phải đưa ra một vài quyết định. Tốt nhất bạn nên lập ra một kế hoạch rõ ràng cho các ưu tiên và tính toán thời gian học tập hơn là chỉ đơn giản đối phó với từng bài kiểm tra mờ mịt như trong tình thế khủng hoảng. Bạn nên nhớ, nếu bạn không lên kế hoạch để kiểm soát công việc của mình, công việc sẽ nhanh chóng kiểm soát bạn.

 1.1c Tiến hành đọc

Đọc những gì bắt buộc trong mỗi khóa học. Đừng để rớt lại quá xa phía sau, nếu không bạn sẽ bỏ sót tài liệu cơ bản. Bạn phải dành thời gian học tập trước kỳ thi để đọc tài liệu học một cách hợp lý và hiệu quả, cùng với việc chủ động ghi chép. Bạn nên xem Chương 10 để ôn lại kỹ thuật đọc tài liệu học.

1.1d Tham dự mọi tiết học

Hãy đọc Chương 11. Đừng bỏ lỡ các tiết học. Đừng bị động trong các bài giảng. Bạn hãy lập một bản cam kết trở thành người học tập chủ động trong mọi tiết học.

1.1e Thường xuyên ôn lại

Thường xuyên ôn lại các bài đọc và những ghi chép như tôi đã đề nghị trong Chương 10 và 11. Giống như việc luyện tập thi Olympic, hầu hết các công việc và sự chuẩn bị cho “sự kiện” của bạn đều có trong các tháng, các tuần trước đó. Bạn không thể hy vọng bao quát được khóa học nếu bạn chỉ xem lại nó vài ngày trước kỳ thi. Điều quan trọng là hãy thường xuyên xem lại suốt một học kỳ.

1.2 Ngay trước kỳ thi – “giai đoạn cuối”

Trong một tuần hoặc vài ngày ngay trước kỳ thi, bạn nên nâng từ việc đọc, ghi chép của bước ôn tập chậm rãi lên giai đoạn học tập cường độ mạnh. Mục tiêu của bạn trong suốt thời gian này là làm cho bộ não nhớ lại được tới mức tối đa thông tin thích hợp cần thiết cho kỳ thi. Hãy xây dựng những mục tiêu đó từ sự chuẩn bị vững chắc mà bạn đã thực hiện từ cuối năm học hoặc cuối học kỳ cho đến bây giờ.

Bước 1: Thu thập tất cả tài liệu

Chỉ có một khoảng thời gian ngắn cho bạn ôn lại những gì đã học và khơi lại cho kỳ thi. Hãy sử dụng một cách tiếp cận có tổ chức. Bước đầu tiên trong quá trình đó là thu thập tất cả tài liệu bạn cần ôn tập: sách giáo khoa, vở ghi bài giảng, sách thí nghiệm, bản tin của hội nghị chuyên đề tất cả mọi thứ.

Bước 2: Lập thời gian biểu

Hãy lập một thời gian biểu cho khoảng thời gian giữa hiện tại với kỳ thi. Nếu bạn chưa từng sử dụng một thời gian biểu nào trong suốt năm học, bây giờ là lúc để bắt đầu. Thời gian biểu đó phải đảm bảo những điều sau:

• Hoàn cảnh các bài thi khác của bạn. Bạn phải đặt ra những ưu tiên. Ví dụ, nếu bạn có một bài thi khác cùng ngày đáng giá 60% điểm số cuối cùng của bạn, còn bài thi này chỉ đáng giá 15%, rõ ràng bạn nên dành nhiều thời gian hơn cho bài thi kia.

• Lên lịch đủ thời gian đảm bảo cho bạn bao trùm được toàn bộ thông tin và những chủ đề cần thiết. 

• Dành riêng vài tiếng trước giờ thi để ôn và nhắc lại những điều bạn đã bao quát được từ ý đó. Nếu có các tình huống bắt buộc bạn phải bỏ lại những chỗ hổng trong quá trình chuẩn bị, bạn sẽ phải chấp nhận điều đó. Một hoặc hai tiếng cuối cùng trước kỳ thi không phải là thời điểm để bạn cố học các tài liệu mới. Nó sẽ làm bạn lo lắng và “ăn mòn” sự chuẩn bị tốt của bạn về các thông tin khác. Nếu bạn lên lịch ôn tập chỉ trong khoảng thời gian cuối cùng, bạn ít cảm thấy áp lực phải nhồi nhét một chủ đề mới vào thời điểm đó. 

• Tuy nhiên, hầu hết mọi người đều có khuynh hướng bỏ qua giai đoạn ôn tập – đặc biệt khi tinh thần căng thẳng, khi đang chuẩn bị cho một kỳ thi và khi lần đầu tiên thử phương pháp này, trừ khi họ thật sự lên kế hoạch về thời gian ôn tập và tiến hành việc đó. Một kế hoạch thực tế sẽ khiến bạn khó có thể bỏ qua vì đó là lời nhắc nhở về tầm quan trọng và về việc bạn có thể ôn tập – xem lại tài liệu cũ để củng cố kiến thức hơn là “đánh bóng” bề ngoài của một vấn đề gì đó mà bạn chưa hiểu rõ.

• Hãy tăng thêm sự đánh giá của bạn. Bạn cần nhiều thời gian hơn bạn nghĩ. Mặc dù bạn nên nhân đôi hoặc thậm chí nhân ba thời gian học tập bình thường khi kỳ thi chưa được lên lịch, bạn cũng đừng hà tiện trong bữa ăn, giấc ngủ và những giờ nghỉ giải lao để tập thể dục. Nhưng cuộc sống chắc hẳn sẽ can thiệp và phá hỏng thời gian biểu của bạn. Hãy cố chấp nhận điều này trong việc lên kế hoạch của mình.

Bước 3Dành 30 phút để xem tổng quát tài liệu

Hãy bắt đầu học tập thật sự bằng cách ôn nhanh mọi kiến thức trong khóa học. Điều này đem lại cho bạn cái nhìn khái quát về các đề tài phải học và đưa bạn tới bước 4. Nó giúp bạn có thể ghi nhớ ngay một vài chủ đề mới (thậm chí người ôn tập thường xuyên giỏi nhất cũng sẽ bỏ sót một điều gì đó). Bạn chỉ cần mất không quá 30 phút cho bước này. Hãy coi đó như một bước khởi động.

Bước 4Tạo một danh mục những điều bạn cần biết

Tiếp theo, bạn nên tạo ra một danh sách tương đối chi tiết về những thông tin quan trọng bạn cần biết để làm bài thi. Việc hoàn thành bước này sẽ liên quan đến việc xem lướt những ghi chép chi tiết, các cuốn sách và tài liệu khác. Hãy viết ra từng đề mục bạn gặp khi đang ôn tập nhanh. Đừng nên lo lắng về cách tổ chức này. Sau khi soạn được một danh sách hoàn chỉnh, bạn sẽ đánh giá nội dung của nó, bổ sung hoặc xóa bỏ thông tin một cách hợp lý. Cuối cùng, hãy viết lại danh sách đó theo cách bạn cho là phù hợp nhất.

Thông thường, bước này mất từ một đến ba giờ và bạn có thể tạo được ba đến sáu trang tài liệu, phụ thuộc vào độ dài của khóa học (những ước đoán này đều dựa trên những khóa học điển hình kéo dài từ bốn đến tám tháng ở bậc cao đẳng và đại học). Viết một đề cương dài sáu trang có vẻ như nhiều việc, nhưng hãy lưu ý là bạn vừa rút gọn từ chồng sách, vở, những bản báo cáo thành một tài liệu ngắn gọn và dễ quản lý. Đó đúng là một kỳ công tổng hợp. 

Đây là một bài tập giá trị dành cho việc học cũng như việc tổ chức. Hãy xem đó như một kiểu khởi động ở mức cao hơn. Bạn kết thúc với một bức tranh hoàn chỉnh gồm những thứ trước mặt bạn: một loại danh mục hoặc một bảng nội dung cho khóa học và một bản đồ chỉ dẫn toàn bộ tài liệu.

Hãy sao chép danh mục của bạn làm ba bản. Bản sao đầu tiên trở thành danh sách việc cần làm của bạn trong bước 5; bản sao thứ hai dành cho bước 6; bản thứ ba cho bước 7.

Bước 5: Ôn lại tài liệu với cường độ mạnh

Hãy bắt đầu với chủ đề đầu tiên trong danh sách. Bạn hãy đọc toàn bộ tài liệu có liên quan tới chủ đề đó, đọc chậm, kỹ lưỡng và chăm chú. Khi bạn làm việc này với từng thông tin trong bản sao thứ nhất của danh sách, hãy gạch bỏ thông tin đó khỏi danh sách.

Bước 6: Luyện tập đưa thông tin ra nhiều lần

Sau quá trình ôn tập nặng nhọc ban đầu, 90% thời gian chuẩn bị còn lại của bạn nên dành cho các hoạt động đưa thông tin ra. Những hoạt động này có thể bao gồm (nhưng không được giới hạn):

• dạy tài liệu cho người khác;

• làm và sử dụng thẻ nhớ;

• tạo ra các thiết bị ghi nhớ;

• vẽ các bản đồ tư duy;

• diễn thuyết;

• sáng tác một ca khúc;

• vẽ các bức tranh hoặc viết nguệch ngoạc;

• ghi chép. 

Hầu hết các hình thức đa dạng của việc luyện tập để chủ động đưa thông tin ra rất có giá trị. Tuy vậy, vì đa số các bài thi của bạn, hoặc ở dạng viết (bài luận hoặc câu trả lời ngắn), hoặc yêu cầu nhớ lại tài liệu để viết (ví dụ: các công thức toán học hoặc các từ vựng trong ngôn ngữ), hoặc nhận biết những gì đã cho sẵn (ví dụ: nhiều lựa chọn hoặc lựa chọn đúng/sai), bạn nên dành hầu hết thời gian để làm các thẻ nhớ và ghi chép giống như hoạt động đưa thông tin.

Bước 7: Kiểm tra bản thân

Những kỹ thuật kiểm tra cơ bản là đọc thuộc lòng hoặc viết ra những điều bạn biết. Đây là các dạng đưa thông tin ra bằng cách viết hoặc nói. Hãy kiểm tra lại nguồn thông tin và việc đó trở thành một bài kiểm tra đơn giản về khả năng nhớ lại của bạn.

Hãy tiến một bước xa hơn là tạo nên những bài kiểm tra thực hành giống với dạng bài bạn sẽ làm trong kỳ thi. Hãy đặt ra những câu hỏi nhiều lựa chọn. Cố gắng nghĩ ra những vấn đề dựa trên tài liệu mà bạn cho là giáo viên có thể sẽ ra trong bài thi. Bạn nên tự tạo ra những câu hỏi luận và tập trả lời chúng trong khoảng thời gian tương tự khi bạn làm bài thi thật sự.

Nếu trước đó bạn từng gặp khó khăn trong các tình huống thi, thì kiểm tra bản thân không chỉ là cách tốt để củng cố nội dung khóa học trong trí nhớ dài hạn, mà bạn còn có thể tập làm bài trong môi trường giả của phòng thi.

Bước 8: Tiếp tục

Hãy lặp lại từ bước 5 đến bước 7 cho đến khi bạn cảm thấy đã củng cố được tài liệu. Đừng dừng lại ở mức độ chỉ nhớ lại trong giới hạn các thông tin quan trọng. Mục tiêu của bạn là nắm bắt tốt tài liệu bạn có khả năng nhớ lại dưới sức ép của tình huống thi. Kiểu áp lực này khó có thể tạo cảm hứng cho bạn trong suốt quá trình chuẩn bị. Cách tốt nhất để sẵn sàng là nhắc lại và luyện tập đưa thông tin ra vượt qua điểm bạn cảm thấy cần để có thể nhớ lại một cách hiệu quả trong những tình huống ít sức ép bên ngoài phòng thi.

1.3 Các chi tiết thực tế

Bạn cũng có thể tự chuẩn bị cho tình huống thi bằng cách lường trước các chi tiết thực tế có thể sai lệch và gây nên những vấn đề nghiêm trọng đối với kết quả bài thi.

• Biết được mẫu chuẩn của bài thi (thời gian là một hay ba tiếng? Có nhiều lựa chọn, viết bài luận hay giải quyết vấn đề ?).

• Nắm rõ thời gian thi và nơi thi. Nếu kỳ thi được tổ chức trong một căn phòng hoặc một tòa nhà không quen thuộc với bạn, hãy đến xem trước. Điều này giúp bạn hình dung ra thành công và dễ dàng làm bài nếu bạn tưởng tượng được nơi thực tế. Tìm trước nhà vệ sinh gần phòng thi của bạn nhất.

• Mua thêm bút, bút chì, pin và những thứ khác bạn cần mang theo. Nếu bạn cần dùng thuốc, nên mang đủ lượng cần dùng.

• Nếu bạn đạp xe đi thi, hoặc đi xe buýt, hãy kiểm tra tỉ mỉ thời gian biểu và những sắp đặt trước của mình. Hãy đến sớm. Đừng đến muộn hoặc đến vừa kịp giờ và thở hổn hển. Hãy dự tính để có mặt ở địa điểm thi sớm, đề phòng mọi bất trắc không như dự tính.

1.4 Dự đoán một chỉ dẫn cho học tập

Hãy sử dụng kiến thức của bạn về khóa học, các tài liệu và ôn lại những bài kiểm tra trước để đoán biết được các câu hỏi sẽ có trong bài thi. Nếu bạn hy vọng có câu hỏi nhiều lựa chọn hoặc lựa chọn đúng/sai, hãy tập trả lời các mẫu câu hỏi đó. Tự tạo ra các câu hỏi luyện tập giúp bạn hiểu được tiến trình cấu thành nên một bài kiểm tra và giúp bạn phỏng đoán nếu không biết câu trả lời (xem mục 2.3 dưới đây để rõ hơn về việc phỏng đoán).

Nên hỏi giáo viên về những gì sẽ có trong bài thi. Hầu hết các giáo viên đều sẵn sàng cho bạn một số chỉ dẫn. Nếu không được, hãy cùng bạn bè thử vận dụng trí não.

1.5 Đương đầu với nỗi lo

Chuẩn bị tài liệu của khóa học là chiến thuật can thiệp hiệu quả nhất đối với nỗi lo của bạn. Nếu bạn không chắc chắn về khả năng làm bài thi của mình và nó khiến bạn bồn chồn và lo lắng, hãy làm một điều gì đó. Toàn bộ quá trình và những chiến thuật cá nhân đề cập ở đây (mục 1) được thiết kế giúp bạn kiểm soát vấn đề này. Quá lo lắng là triệu chứng báo hiệu rằng vấn đề đang chi phối bạn.

Nếu bạn khó có thể nghiêm túc học tập mỗi khi ngồi vào bàn học, có khả năng bạn vẫn chưa chuẩn bị đúng. Hãy đọc kỹ lại Chương 4 lần nữa. Những nguyên tắc và kỹ thuật được mô tả trong chương này phù hợp cho “giai đoạn cuối” cũng như phù hợp với các buổi học giữa kỳ.

Sự chuẩn bị các chiến thuật giải quyết lo lắng trong khi thi cũng là một ý tưởng hay nếu bạn gặp phải các vấn đề căng thẳng trong suốt kỳ thi. Hãy sẵn sàng nếu điều đó xảy ra. Tập thư giãn và luyện các kỹ thuật tập trung phù hợp nhất với bạn sao cho bạn có thể nhanh chóng sử dụng chúng khi bị nỗi sợ tấn công trong lúc làm bài kiểm tra. 

Nên nhớ, đây chỉ là bài kiểm tra khả năng nhớ lại khối lượng lớn kiến thức của bạn vào một ngày đặc biệt trong một dạng giả định đặc biệt, không phải là bài kiểm tra giá trị bản thân bạn. Hiển nhiên, khi bạn nghiêm túc làm việc, không bài thi nào, dù khó đến đâu, là sự biểu lộ giá trị con người bạn.

2. Làm bài thi: Những bí quyết để thành công

2.1 Ngày thi

Thời điểm ngay trước khi bắt đầu thi có thể mang tính quyết định đối với khả năng củng cố kiến thức và sự bình tĩnh của bạn. Đây là một vài bí quyết cơ bản và những chiến thuật mà bạn nên làm trong khoảng thời gian này:

• Ngủ nhiều vào buổi tối trước khi thi. Tại thời điểm này, một giờ ngủ có giá trị cho khả năng làm bài của bạn hơn là ngồi thêm một giờ để cố gắng nhồi nhét kiến thức vào đầu. 

• Trong nhiều giờ ngay trước khi thi, đừng cố học bất kỳ điều gì mới. Hãy sử dụng thời gian này để ôn tập và nhắc lại những gì bạn đã biết. Hãy tập đưa ra thông tin, đừng đọc một cách bị động.

• Sắp xếp thời gian và điều chỉnh chế độ ăn uống của bạn theo những nguyên tắc trong Chương 11 (đừng ăn nặng, đừng uống rượu và đừng sử dụng những thứ có tác dụng lợi tiểu như cà phê).

• Đến nơi thi sớm.

• Hãy hình dung và tự độc thoại một cách tích cực. Tưởng tượng bạn đang làm bài tốt, dễ dàng nhớ lại và bình tĩnh đương đầu với sự không chắc chắn và những câu hỏi khó.

• Ôn lại những chiến thuật đối phó với lo lắng của mình. Nếu bạn thật sự sẵn sàng, bạn có thể sẽ không bị nỗi lo sợ tấn công, nhưng ít nhất bạn sẽ sẵn sàng nếu bạn làm việc này.

• Tìm một chỗ ngồi bạn thấy thoải mái nhất (ví dụ: gần nơi ấm nếu bạn thấy lạnh, hoặc ngồi cạnh cửa sổ để có không khí trong lành). Hãy đến sớm để có được chỗ ngồi mong muốn.

• Nhìn chung, bạn nên tránh trò chuyện với những sinh viên đang lo lắng. Điều đó làm tăng nỗi lo và kìm hãm khả năng tập trung của bạn. Hãy tập trung vào tài liệu và những cảm giác chắc chắn về khả năng kiểm soát nỗi lo lắng của bạn.

• Chuẩn bị sẵn mọi thứ bạn cần (bút dự phòng, bút chì, máy tính, pin dự phòng và những thứ khác bạn được phép mang theo). Hãy chuẩn bị sẵn mọi thứ từ tối hôm trước và để sẵn ở cửa ra vào. 

2.2 Những nguyên tắc chung cho mọi kỳ thi

Những chiến thuật cho các hình thức thi khác nhau thể hiện trong mục 2.3 và 2.4 dưới đây. Tuy nhiên, có một vài nguyên tắc có thể áp dụng cho mọi hình thức và mọi tình huống thi.

• Ngồi nguyên một chỗ trong suốt buổi thi. Thậm chí, nếu bạn đã làm xong bài, bạn có thể ngồi yên cho đến cuối buổi thi. Hãy thư giãn và để tâm trí được tự do. Bạn sẽ ngạc nhiên trước những điều trở lại với bạn trong trạng thái thư giãn, giúp bạn hoàn thiện các câu trả lời hoặc trả lời một câu hỏi bạn không làm được lúc trước. Hãy tạo cho mình cơ hội đó. Bạn chỉ nên thay đổi khi thấy chắc chắn.

• Không bận tâm đến những gì người khác làm, những câu hỏi họ đang trả lời và thời gian họ ra về. Hãy tập trung vào việc riêng và tiến trình làm bài của mình.

• Đọc kỹ những hướng dẫn. Nguyên nhân lớn nhất của sai sót trong bài thi đơn giản chỉ vì không đọc các hướng dẫn. Nếu bạn được yêu cầu trả lời ba trong bảy câu hỏi và bạn chỉ trả lời được hai câu, rõ ràng bạn sẽ mất nhiều điểm. Hãy dành thời gian cho công việc nhỏ này.

• Hãy đọc kỹ từng câu hỏi. Không đọc chính xác một câu hỏi sẽ khiến bạn phạm phải những lỗi ngớ ngẩn. Đừng trả lời câu hỏi theo cảm tính, hãy trả lời câu hỏi thật sự.

• Hãy tính toán thời gian một cách khôn ngoan. Bạn nên phân thời gian cho mỗi câu hỏi hoặc mỗi phần dựa theo % điểm số. Nếu một bài luận chiếm 25% điểm của một bài thi trong hai giờ, bạn chỉ nên dành nửa tiếng cho nó. Hãy trung thành với sự phân phối thời gian nghiêm ngặt ban đầu, sau đó quay lại với những thông tin bạn chưa hoàn thành nếu vẫn còn thời gian.

• Làm trước bài nào bạn thấy tự tin nhất. Đừng trả lời các câu hỏi theo thứ tự chính xác trong bài thi trừ khi có các chỉ dẫn đặc biệt yêu cầu bạn làm như thế. Nếu bạn có vướng mắc, hãy chuyển sang câu khác và quay lại câu đó sau. Bạn nên dành vài phút suy nghĩ về câu hỏi đó. Cùng lúc, bạn có thể giải quyết những câu hỏi dễ và tạo nên sự tự tin cho mình. Nếu bạn trả lời các câu hỏi theo một trật tự khác với trong bài thi, hãy đánh dấu rõ ràng để người chấm thi tiện theo dõi.

2.3 Bài thi trắc nghiệm (nhiều lựa chọn hoặc lựa chọn đúng/sai)

Những bài thi nhiều lựa chọn hoặc lựa chọn đúng/sai thường được gọi là “trắc nghiệm” vì có một câu trả lời đúng được quyết định từ trước. Chúng cũng được gọi là những bài kiểm tra “nhận biết” vì câu trả lời đúng ở đâu đó trước mặt bạn – nhiệm vụ của bạn là nhận biết nó.

Nếu các câu hỏi được đặt ra đúng đắn, bạn không cần phải cân nhắc lâu để tìm câu trả lời đúng, bạn cũng không cần phải diễn giải. Thông thường, có những khác biệt rất nhỏ tạo nên sự phân biệt giữa sai, có thể đúng và nhất định đúng. Đây là một vài chiến thuật giúp bạn tăng khả năng thành công với kiểu bài thi này.

2.3a Những chiến thuật đối với câu hỏi nhiều lựa chọn

Phần chính của một câu hỏi có nhiều lựa chọn thường được gọi là “gốc”. Nó thường ở dạng một câu trình bày được hoàn thành bởi một trong nhiều lựa chọn cho bên dưới. Nó cũng có thể ở dạng một câu hỏi để bạn lựa chọn một đáp án hợp lý từ những lựa chọn đã cho.

• Làm câu dễ trước. Bỏ qua những câu khó và quay lại sau. Lên ba kế hoạch để trả lời các câu hỏi: lần đầu trả lời câu dễ, lần thứ hai cho những câu đòi hỏi phải suy nghĩ và làm việc chăm chỉ mới có thể trả lời đúng và lần thứ ba dành cho những đáp án có hơn 50% theo phỏng đoán của bạn. Mục tiêu của bạn phải chắc chắn trả lời được tất cả các câu dễ trước tiên và đạt điểm các câu đó. Sớm mắc vào các câu khó trong bài thi không chỉ khiến bạn lãng phí thời gian mà còn dễ nản chí, làm dòng chảy trí nhớ bị chắn ngang. Tạo được sự tự tin khi trả lời đúng nhiều câu hỏi sẽ khiến bạn thư giãn và nhớ lại kiến thức cho các câu hỏi khó sau.

• Hãy chắc chắn là bạn hiểu được phần gốc và từng lựa chọn có thể. Đừng vội vàng đưa ra câu trả lời.

• Ngay lập tức loại bỏ đáp án sai rõ ràng và khả năng thay thế không hợp lý. Những điều này thường rõ ràng hơn bạn nghĩ. Khó có thể tạo ra nhiều lựa chọn sai mà lại có vẻ ngoài như đúng. Thi thoảng, do người ra đề lười biếng hoặc mệt mỏi, đưa ra nhiều lựa chọn thay thế không được tốt lắm và dễ bị nhận biết.

• Hãy chọn câu trả lời hoàn toàn chính xác. Có nhiều lựa chọn dường như khá giống hoặc cũng có chỗ đúng. Trong tình huống đó, bạn dễ chọn ngay lựa chọn đầu tiên có vẻ đúng mà không cần đọc hết toàn bộ các lựa chọn.

• Hãy chủ động làm bài. Bạn nên khoanh tròn và gạch chân những từ khóa, các thời, các từ ở dạng số nhiều,v.v…

• Tìm mâu thuẫn trong tính hợp lý của các con số. Nếu phần gốc ở dạng số ít, nhưng một trong các lựa chọn lại ở dạng số nhiều, bạn có thể bỏ lựa chọn đó.

• Kiểm tra sự hợp thời của động từ. Nếu phần gốc ở thời hiện tại và có một lựa chọn ở thời quá khứ hoặc tương lai, bạn có thể dễ dàng loại bỏ lựa chọn đó.

• Kiểm tra các cấu trúc ngữ pháp không hợp lý giữa phần gốc và các lựa chọn. Đây có thể là những gợi ý giúp bạn loại bỏ các lựa chọn sai.

• Trong lần thứ hai và thứ ba làm bài thi, hãy viết nguệch ngoạc những ý nghĩ bất chợt lên một mảnh giấy nháp. Việc này có thể kích thích những trí thông minh khác hoạt động giúp bạn nhớ lại thông tin.

• Hình dung bạn đang học tài liệu này. Bạn sẽ ngạc nhiên khi thấy mình thường xuyên có thể thật sự “nhìn thấy” câu trả lời trong sách giáo khoa hoặc trong các ghi chép của mình.

Bạn có nên thay đổi câu trả lời? Đó luôn là một quyết định khó khăn. Hãy luôn tin tưởng vào bản năng của bạn – bạn hầu như có thể đúng ngay từ lựa chọn đầu tiên. Bạn chỉ nên thay đổi câu trả lời nếu thuyết phục được chính mình rằng lựa chọn ban đầu của bạn hoàn toàn sai và bạn tự tin với một lựa chọn khác.

Bạn có nên đoán? Đây là một vài chỉ dẫn để bạn có thể lợi dụng sự lười biếng và một số sai sót khác trong việc ra đề (chỉ dẫn không phải lúc nào cũng đúng, nó chỉ hướng dẫn cho những trường hợp tương tự):

• Nếu một câu trả lời căn bản là dài hơn, đó có thể là câu trả lời đúng.

• Nếu có hai sự đối lập, câu trả lời có thể là một trong số đó.

• Về mặt tâm lý, viết ra câu đúng sẽ dễ hơn viết ra nhiều câu sai. Một lựa chọn có nội dung là “tất cả những ý trên” thường có khả năng là lựa chọn đúng hơn, trong khi lựa chọn với nội dung “không ý nào trong số những ý trên” có nhiều khả năng sai hơn.

2.3b Những chiến thuật đúng/sai

Đối với những bài thi đúng/sai, hãy sử dụng nhiều chiến thuật tương tự với chiến thuật đa lựa chọn. Trong nhiều trường hợp, các bài thi đúng/sai giống các bài thi đa lựa chọn, nhưng chỉ có hai lựa chọn. Bạn có thể áp dụng nhiều phương pháp và lỗi thiết lập đề thi.  

• Làm những câu dễ trước. Nếu hết thời gian, đừng bỏ lại những câu bạn chắc chắn đạt điểm.

• Hãy cẩn trọng khi đoán. Một vài bài thi đưa ra hình thức phạt khắt khe và trừ điểm đối với câu đoán không chính xác và câu trả lời sai. Trong trường hợp này, đoán có thể làm giảm điểm số của bạn. Nếu không có hình thức phạt nào, bạn có thể đoán! Bạn có cơ hội 50% chọn được đáp án đúng.

Đối với việc đoán, có những gợi ý đặc biệt trong bài thi đúng/sai:

• Những câu nhấn mạnh và dùng từ ngữ khẳng định như “luôn luôn”, “không bao giờ”, “tất cả”, “bắt buộc”, “mọi lúc” và “không cái nào đúng” thường sai.

• Những câu dùng ít ngôn ngữ áp đặt như “thường xuyên”, “hay”, “có thể”, “có lẽ”, “nên” và ’’hiếm khi” thường đúng.

• Viết ra những câu đúng thường dễ hơn những câu sai nhưng có vẻ đúng, những câu dài hơn thường có khả năng đúng nhiều hơn sai, và đúng là cách đoán cuối cùng tốt nhất.

2.4 Bài thi viết luận

Mục đích của những đề thi viết luận là kiểm tra khả năng suy nghĩ thông suốt và nhanh nhạy của bạn, khả năng tổ chức thông tin thích hợp và trình bày thông tin đó một cách mạch lạc. Mặc dù đối với sinh viên, dường như hình thức thi này là một kiểu tra tấn thời trung cổ, nhưng đây thật sự là một trong những phương pháp tốt nhất để đánh giá sinh viên có thật sự hiểu biết và nắm bắt được tầm quan trọng của một tài liệu nào đó không. Những bài thi viết luận khó chấm điểm hơn, nên hầu hết giáo viên không tạo ra dạng câu hỏi này vì sợ phải chấm điểm. Bạn phải luôn nhớ rằng mình đang viết duy nhất một bài luận, nhưng người chấm sẽ đọc và cho điểm rất nhiều bài luận. Bạn nên tạo điều kiện thuận lợi giúp người đọc dễ đọc và hiểu bài luận của bạn; đừng gây khó khăn cho người đọc một cách không cần thiết.

• Hãy dành thời gian để lập dàn bài và phác thảo câu trả lời của bạn. Dùng tối thiểu 10% thời gian cho phép của mỗi câu hỏi tự luận cho mục đích này. Chẳng hạn, nếu bạn có 30 phút, hãy dùng ít nhất ba phút để lập dàn bài. Sử dụng càng nhiều tài liệu càng tốt. Tuy nhiên, đừng quá chú tâm vào bước này khiến thời gian viết bài luận bị thu hẹp.

• Nếu bạn có nhiều câu hỏi tự luận, hãy vận dụng trí não và phác thảo câu trả lời cho mọi câu hỏi trước khi bắt đầu viết.

• Khi viết, hãy vào đề ngay – đừng lãng phí ngôn từ. Thật không thể tưởng tượng được là bạn lại làm khó các giáo viên bằng sự rối rắm khi bạn chẳng biết viết gì. Điều này rất hay xảy ra khi bạn có quá ít tài liệu để viết và sử dụng tài liệu không phù hợp, nó chỉ làm người chấm bực mình. Vì thế, khi bạn có nhiều tài liệu phù hợp, hoặc gần như thế, hãy viết ra. Bạn nên nhớ có sự khác biệt lớn giữa việc cố giấu dốt với việc thể hiện bạn biết được bao nhiêu. Nếu một tài liệu phù hợp nào đó là một mạch dài, hãy bỏ lại khi bạn đã có nhiều tài liệu khác. Nếu bạn đang thiếu tài liệu có giá trị, hãy bổ sung những chi tiết phụ – nhưng đừng quá nhiều.

• Nếu mối liên hệ giữa tài liệu của bạn với câu hỏi không rõ ràng, hãy giải thích với người đọc về mối liên hệ đó. Điều này cho bạn cơ hội chứng minh sự hiểu biết của mình, cũng như khả năng nhớ lại các sự kiện.

• Hãy đảm bảo bạn trả lời đúng câu hỏi đưa ra. Hãy đọc kỹ câu hỏi và chú ý tới các từ ngữ về hành động (ví dụ: “so sánh”, “tương phản”, “bàn luận”, “mô tả”, “xác định”, ”ủng hộ và phản đối”, “những khác biệt”, “tầm quan trọng”, “phê bình”, “phác thảo”, “tóm tắt”, “bào chữa”, “giải thích”, “chứng minh”).

• Hãy chú ý tới những chỉ dẫn đặc biệt (như: bạn hãy đưa ra ví dụ; bạn hãy giải thích phạm vi của những nguyên lý và các sự kiện chính xác,…) Bạn phải đảm bảo các tài liệu của mình sẽ thực hiện theo hướng dẫn này.

• Luôn cố gắng trong mọi câu hỏi tự luận – đừng bao giờ để trống bài. Những câu hỏi này thường chiếm nhiều điểm hơn các loại câu hỏi khác, nếu bạn đã chuẩn bị đầy đủ, bạn luôn có tài liệu để viết về một chủ đề. Đó có thể không phải là một câu trả lời hoàn chỉnh hay tuyệt vời, nhưng bạn luôn có cơ hội thể hiện những điều mình biết. Nếu bạn để bài trống, người chấm sẽ cho rằng bạn không biết gì về chủ đề đó, dù sự thật không phải thế.

• Nếu bạn hết thời gian, hãy liệt kê phần còn lại của những điều bạn định viết dưới dạng dàn bài hoặc gạch ý. Hãy cho người chấm biết bạn định viết điều gì vào câu trả lời của mình.

2.5 Bài thi kết hợp

Nếu có sự kết hợp giữa các câu hỏi tự luận với các câu hỏi trắc nghiệm khách quan, bạn hãy làm câu hỏi tự luận trước. Chọn một chủ đề, lập dàn ý, vận dụng tài liệu và để câu hỏi đó lại. Bạn nên trả lời những phần khác và quay lại với dàn ý nếu bạn có ý tưởng mới. Sử dụng thời gian còn lại của bài thi để hình thành các ý tưởng. Hãy dành thời gian nghỉ ngơi và để các ý tưởng trào lên cho bạn sử dụng trong các câu hỏi tự luận.

2.6 Đương đầu với nỗi lo trong khi làm bài thi

Cách tốt nhất để chặn đứng nỗi lo khi đang làm bài thi chính là chuẩn bị thật tốt. Bạn càng chăm chỉ thực hiện những hoạt động đưa thông tin ra và kiểm tra bản thân, sự tự tin của bạn càng được củng cố. Bạn phải tự chứng minh nhiều lần rằng bạn nắm vững tài liệu đó và có thể nhớ lại khi cần thiết.

Do dự, lo lắng, bối rối và không chắc chắn đều là những cảm xúc thông thường trước bất cứ hoạt động nào. Không có gì sai nếu bạn lo lắng có mức độ. Điều này khó có thể ngăn bạn đạt được những kết quả tốt nhất. Trên thực tế, lo lắng ở mức độ hợp lý sẽ nâng cao nhận thức và cơ hội phản ứng. Tuy nhiên, như bạn đã đọc trong Chương 3, lo lắng và hoảng sợ cực độ sẽ ngăn bạn tiếp cận với chức năng não cấp cao.

Nếu bạn bị những đợt lo lắng tấn công khi làm bài thi – hãy vượt qua chúng, nếu không, bạn không thể ngừng lắc đầu để rũ bỏ nỗi lo – hãy chuẩn bị và luyện tập thở bình tĩnh hai đến ba lần cùng các kỹ thuật hình dung tôi đã mô tả trong Chương 4. Một bài tập thư giãn kéo dài 30-60 giây trong khi làm bài thi sẽ giúp bạn nhớ lại kiến thức đã có và đưa vào bài làm. 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.