Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

12. Các công cụ học tập



Mục đích của chương này nhằm củng cố khái niệm sử dụng những kỹ thuật đã phác thảo trong các chương khác làm “các công cụ” học tập và cung cấp chi tiết hơn về hai trong số “những công cụ quyền năng” hữu hiệu nhất. Bạn nên coi các kỹ năng, gợi ý và kỹ thuật cá nhân như những thành phần trong hộp công cụ học tập phong phú và đa dạng của mình.

1. Các công cụ cơ bản: Những yếu tố cần thiết

Những yếu tố cần thiết cho học tập chính là những công cụ cơ bản trong hộp công cụ của bạn. Chúng được liệt kê theo thứ tự quan trọng và độ dài thời gian bạn dành cho chúng.

1.1 Đọc và ghi chép từ việc đọc

Một số công cụ được mô tả trong cuốn sách này sẽ rất có ích cho bạn, trừ phi bạn không dành thời gian để làm chủ kỹ thuật đọc tài liệu học cơ bản và học cách ghi chép hiệu quả từ việc đọc của mình. Hãy xem lại Chương 10 về việc đọc tài liệu học. Đây là công cụ quan trọng nhất của bạn.

1.2 Lắng nghe và ghi chép bài giảng

Những công cụ quan trọng thứ hai là công cụ do bạn phát triển thêm nhằm thu được hiệu quả tối đa từ các tiết học và bài giảng. Đó là lắng nghe bài giảng và ghi chép. Hãy xem lại việc ghi chép trong Chương 11.

1.3 Ngủ

Có thể bạn sẽ ngạc nhiên nếu biết giấc ngủ cũng được coi là một công cụ học tập và được xếp ở thứ hạng rất cao. Một bộ não luôn thiếu ngủ sẽ không bao giờ có thể hoạt động chính xác. Điều đó cũng giống như một cái máy khoan không bao giờ được sạc đầy điện sẽ không thể hoạt động hết công suất. Hãy sạc đầy nguồn điện cho nó, nó sẽ giúp bạn làm được khối lượng công việc lớn đến không ngờ. Ngủ chính là cách bạn bổ sung năng lượng cho não.

Giấc ngủ không chỉ quan trọng đối với việc duy trì sức khỏe thể chất và tinh thần ở trạng thái tốt, mà còn là thành phần chính để chuyển thông tin từ trí nhớ ngắn hạn vào trí nhớ dài hạn. Khi bạn ngủ không có nghĩa là bộ não hoàn toàn không hoạt động. Một vài vùng được hồi phục thông qua nghỉ ngơi, còn những vùng khác vẫn đang tiếp tục hoạt động. Các nghiên cứu chỉ ra rằng tài liệu bạn học được hoặc ôn lại ngay trước khi ngủ được lưu trữ hiệu quả nhất và dễ dàng nhớ lại nhất. Bạn hãy sử dụng năng lượng này để tổ chức các buổi học. Hãy ôn lại tài liệu quan trọng trước khi ngủ và đảm bảo bạn phải ngủ đủ!

1.4 Sử dụng bút… hoặc bút chì… hoặc bút sáp

Phát triển thói quen viết, viết lại và viết lại lần nữa. Hoạt động này giống với việc bạn phải làm trong một bài thi, thật sự đó là hoạt động được luyện tập ít nhất. Tại sao? Vì nó đòi hỏi sự nỗ lực. Nhưng phần thưởng lại vượt trội so với nỗ lực bỏ ra.

Hãy vẽ những bức tranh, nét chữ nguệch ngoạc, thiết kế hình học – bất cứ điều gì bạn cho là phù hợp với môn học. Kiểu vẽ phù hợp nhất cho mục đích học tập chính là những bản đồ tư duy (xem mục 2.2 dưới đây).

1.5 Sử dụng giọng nói của bạn

Một công cụ tạo ra hoạt động tuyệt vời nhất mà bạn nên phát triển nhất chính là giọng nói của bạn. Bạn hãy nhắc lại thật to. Hãy lặp lại các ý chính theo các ngữ điệu, ngữ âm và trọng âm khác nhau. 

Đọc một bài diễn văn hoặc một bài giảng khi bạn phổ biến tài liệu cho người khác (rất hiểu biết và kiên nhẫn).

Nên sử dụng thơ vần. Hãy thử hát. Biến tài liệu thành những ca từ mới cho một giai điệu quen thuộc, như Happy Birthday (Chúc mừng sinh nhật), Twinkle Twinkle Little Star (Ngôi sao nhỏ lấp lánh) hoặc Quốc ca. Bạn có thể không bao giờ nghĩ tới Star Spangled Banner (Lá cờ ngôi sao dát vàng) hoặc O Canada theo cách người ta vẫn nhớ đến nếu bạn dùng âm nhạc để ghi nhớ quá trình quang hợp trong bài học.

1.6 Các thiết bị ghi nhớ

Thuật ngữ “nhớ” là tên gọi thông thường được đặt cho bất cứ thứ gì hỗ trợ trí nhớ. Hãy xem lại toàn bộ Chương 5 nói về trí nhớ và sử dụng những nguyên tắc đó để tạo ra các thiết bị ghi nhớ giúp bạn nhớ các danh sách và chuỗi.

Đoạn tiếp theo mang đến cho bạn một vài ý tưởng về nơi bạn nên ghi lại các phương thức ghi nhớ của mình nhằm thực hành chúng và có thể dễ dàng tham khảo.

2. Các công cụ quyền năng

Khi đã làm chủ thành công những công cụ cơ bản, bạn có thể bắt đầu thêm các công cụ quyền năng vào hộp công cụ của mình. Hai công cụ quyền năng tốt nhất bạn có thể sử dụng trong học tập là các thẻ nhớ và các bản đồ tư duy. Đây thật sự là hai chìa khóa để học khôn ngoan mà không gian nan.

2.1 Những thẻ nhớ

Đôi khi những thứ đơn giản lại hiệu quả nhất. Công cụ quyền năng đầu tiên bạn nên thêm vào hộp công cụ các kỹ năng học tập của mình chính là thường xuyên sử dụng các thẻ nhớ đơn giản.

Hãy sử dụng các thẻ nhớ này để học tập hiệu quả trong những phần nhỏ thời gian thường bị lãng phí trong ngày của bạn: trong khi đợi xe buýt, lúc cạo râu, ăn sáng, xếp hàng chờ tại nhà băng, v.v… Chúng cũng tạo ra những thiết bị tự kiểm tra khá tốt nếu bạn sử dụng mặt trước và mặt sau. Bạn nên tự tạo lấy – đừng đi mua. Hành động tạo ra các thẻ nhớ và ra quyết định có liên quan từ trước là một hoạt động học tập rất có giá trị.

Mẫu 3 chỉ ra một vài ví dụ về loại thông tin bạn có thể viết lên các thẻ nhớ. Trước tiên, bạn có thể tạo ra một danh sách cô đọng để bỏ túi, dễ đọc và có thể sử dụng ở bất kỳ nơi đâu, chẳng hạn như danh sách các vị vua Saxon của nước Anh hoặc các tổng thư ký Liên hiệp quốc.

Những thẻ nhớ đặc biệt có ích trong học và ôn tập nhiều khía cạnh của ngôn ngữ. Sử dụng tiếng Đức là một ví dụ, bạn có thể tự kiểm tra vốn từ vựng cơ bản bằng cách viết từ đó lên một mặt thẻ và nghĩa tiếng Anh cùng bất kỳ thông tin nào thích hợp (chẳng hạn như đó là danh từ) lên mặt sau thẻ nhớ. 

Bạn cũng có thể dùng các tấm thẻ để ghi nhớ các bảng thông tin ngữ pháp, chẳng hạn như biến cách của mạo từ xác định hoặc cách chia động từ.

Những tấm thẻ nhớ cũng được dùng như một nơi ghi lại các phương thức ghi nhớ của bạn. Ví dụ, nếu bạn dùng một câu đặc biệt để ghi nhớ tám cái xương cổ tay, hãy viết câu “Have two nasty trolls take lovely people cycling” (Có hai con quỷ lùn xấu xí bắt những người xinh đẹp đi xe đạp) lên một mặt của tấm thẻ và viết ý nghĩa lên mặt kia:

Have                  Hamate (xương móc câu)

Two                   Trapezium (xương hình thang)

Nasty                 Navicular (xương thuyền)

Trolls                  Trapezoid (xương hình thang)

Take                   Triquetrum ( xương tam giác)

Lovely                Lunate (xương lưỡi liềm)

People                Pisiform (xương hột đậu) 

Cycling              Capitate (xương hình đầu)

Có hàng chục khả năng khác nữa. Đơn giản, nhưng rất hiệu quả, những tấm thẻ nhớ có thể trở thành một phần chính trong thói quen học tập của bạn.

MẪU 3: CÁC THẺ NHỚ

 

MẪU 3: CÁC THẺ NHỚ (tiếp theo)

2.2 Các bản đồ tư duy: Công cụ học tập tốt nhất từng được phát minh

Khái niệm cơ bản về các bản đồ tư duy đã phổ biến trong một thời gian dài. Tuy nhiên, mãi đến năm 1974, cuốn sách Use Your Head (Hãy sử dụng cái đầu của bạn) của Tony Buzan được phát hành, thì công cụ và hệ thống học tập được chính thức hóa dựa trên việc sử dụng các bản đồ tư duy mới được giới thiệu với công chúng.

Để trở thành người sử dụng có quyền hạn tối cao đối với các bản đồ tư duy, tôi khẩn thiết đề nghị bạn nên mua cuốn The Mind Map Book (Bản đồ tư duy) của Buzan. Nó xứng đáng với phí tổn và thời gian bạn dành ra để đọc thật kỹ lưỡng. Bản đồ tư duy thật sự là công cụ quyền năng học tập tốt nhất từng được biết đến.

2.2a Bản đồ tư duy là gì?

Nói một cách đơn giản, bản đồ tư duy là một bức vẽ một đồ thị giới thiệu bằng hình ảnh về tài liệu bạn muốn học và mối liên hệ giữa các phần của nó để tạo thành một bức tranh hoàn chỉnh. Có rất nhiều giả thuyết phức tạp về cách sử dụng đúng các bản đồ tư duy, nhưng về bản chất, chúng chỉ là những bức vẽ, thường có ký tự và hình lồng vào, có khả năng đặc biệt để thúc đẩy việc học tập. Thật vậy, chúng chỉ là tấm bản đồ tài liệu để bạn học.

2.2b Những nguyên tắc cơ bản

Hãy bắt đầu từ giữa bức vẽ của bản đồ tư duy, lấy đó làm khái niệm tổng thể rồi triển khai. Bổ sung các chi tiết nhỏ hơn và tăng dần chúng lên khi bản đồ tỏa ra các nhánh xuất phát từ hình ảnh trung tâm. 

Dưới đây là bản tóm lược về sáu “luật” cơ bản mà Buzan cho là thiết yếu để tạo nên những bản đồ tư duy thật sự chứ không chỉ là một tập các bức vẽ.

Sử dụng sự nhấn mạnh. Bằng nhiều cách, bạn hãy tìm ra sự nhấn mạnh về mặt thị giác trong các bản đồ tư duy. Hãy dùng một số gợi ý sau:

• màu sắc;

• bức vẽ (những tấm hình, hộp và khối cầu 3D);

• khoảng cách khác nhau;

• đường viền bao quanh các từ;

• kiểu chữ đa dạng.

Dùng các liên kết. Dùng các kỹ thuật kết nối mọi thứ lại với nhau bằng mắt:

• các mũi tên;

• các nhánh;

• mã hóa màu sắc;

• đường ray tàu hỏa;

• những dòng sông.

Phải rõ ràng. Bạn không cần phải trình bày ngay ngắn, sạch đẹp, nhưng phải rõ ràng! Hãy sử dụng các chỉ dẫn này để tránh sự lộn xộn trong các bản đồ tư duy:

• Sử dụng các bản viết chữ in, đừng viết chữ thảo (chữ bay bướm, kiểu cách);

• Trong một dòng, càng ít từ càng tốt (tốt nhất chỉ nên có một từ);

• Các dòng liên quan tới các ý trọng tâm được viết to hơn những dòng khác;

• Vẽ rõ ràng các hình ảnh và bức vẽ;

• Cố gắng sắp xếp các từ để có thể đọc theo chiều ngang;

• Tạo ra các dòng đủ dài để có thể điền đủ các từ.

Phát triển phong cách cá nhân. Đừng lo sợ phải tạo ra một phong cách riêng cho mình. Một trong những lý do chính khiến kỹ thuật này có hiệu quả là vì nó phản ánh được nét độc đáo trong tư duy của người tạo ra nó. Buzan nhấn mạnh điều này trong các cuốn sách của ông và đó là một phần quan trọng trong thành công của bản đồ tư duy. Những cố gắng ban đầu của bạn sẽ hầu như bắt chước những ví dụ bạn đã thấy. Bạn sẽ không trải nghiệm được sức mạnh thật sự cho đến khi bạn thử những ý tưởng của riêng mình để tổ chức thông tin. Hãy để trí tưởng tượng dẫn dắt bạn. Thậm chí, hãy phá bỏ một vài “luật” được liệt kê ở đây nếu bạn cho rằng mình sẽ đạt kết quả là tạo được một bản đồ tư duy sử dụng hiệu quả hơn.

Sử dụng hệ thống cấp bậc. Đây chủ yếu là lời nhắc nhở bạn nên bắt đầu với khái niệm chính ở giữa bản đồ tư duy rồi mới lập các nhánh lan ra theo thứ tự từ trên xuống theo chi tiết và mức độ quan trọng. 

Sử dụng thứ tự các số. Nếu một vài kiểu chuỗi số cần thiết cho tài liệu bạn đang lập bản đồ (chẳng hạn như một bảng niên đại hoặc thứ tự các hành động), hãy đánh số các thông tin trong bản đồ. Thậm chí, bạn có thể vẽ những mũi tên màu để nhắc nhở mình về chuỗi đã lập ra từ trước.

2.2c Các bước và ví dụ

Bạn có thể sử dụng các bản đồ tư duy để tóm lược những ý tưởng, bài luận, bộ phim, tiểu thuyết, các chương, cuốn sách hoặc toàn bộ khóa học. Càng sử dụng công cụ này thường xuyên, bạn càng có nhiều khả năng hơn. 

Mẫu 4 chỉ cho bạn cách thức sử dụng các bản đồ tư duy để tạo ra hình ảnh lôi cuốn của hầu hết các môn học bạn nghĩ tới.

Nếu bạn muốn xem một vài ví dụ về những điều đáng kinh ngạc mà người lập bản đồ tư duy lão luyện có thể làm chỉ với trí tưởng tượng và một vài màu sắc, hãy đọc cuốn sách The Mind Map Book của Buzan. Bạn có thể sẽ hào hứng trước những gì bạn thấy.

2.2d Cách sử dụng các bản đồ tư duy trong học tập

Bạn nên coi các bản đồ tư duy là hoạt động đưa thông tin ra chủ đạo. Một chuỗi hiệu quả trong việc sử dụng công cụ học tập là phải gồm: kỹ năng đọc và nghe tốt như là những công cụ hàng đầu; kỹ năng ghi chép đúng cách như những công cụ thứ hai; và lập bản đồ tư duy đứng vị trí ưu tiên thứ ba.

Hãy sử dụng các bản đồ tư duy như một cách kiểm tra bản thân về khả năng nhớ lại và nắm bắt mối liên hệ giữa các yếu tố của một chủ đề.

Hãy dùng các bản đồ tư duy như một thiết bị ghi chép. Lúc đầu, việc này có vẻ bất tiện, nhưng bạn sẽ thấy các bản đồ tư duy đặc biệt hiệu quả trong việc thiết lập nhiều chi tiết và ghi lại các chi tiết đó một cách cô đọng.

Hãy xem có bao nhiêu kỹ thuật lập bản đồ khác nhau mà bạn có thể dùng cho cùng một thông tin. Bạn sẽ gia tăng đáng kể hoạt động học tập của mình nếu bạn tạo ra ba bản đồ tư duy khác nhau về cùng một chủ đề, hơn là chỉ đơn giản đọc một cách bị động ba lần các ghi chép viết tay về chủ đề đó.

Hãy nhanh chóng lập lại các bản đồ tư duy của mình khi bạn đang làm một bài thi. Nó sẽ đặc biệt hữu ích với các bài thi viết luận khi bạn muốn nhớ lại càng nhiều chi tiết càng tốt, cũng như chắc chắn bạn không bỏ sót bất kỳ ý chính nào.    

 MẪU 4: CÁC BẢN ĐỒ TƯ DUY

 

MẪU 4: CÁC BẢN ĐỒ TƯ DUY (tiếp theo)

MẪU 4: CÁC BẢN ĐỒ TƯ DUY (tiếp theo)

2.2e Tại sao các bản đồ tư duy lại hoạt động hiệu quả?

Một trong những nguyên nhân khiến bản đồ tư duy thành công là vì chúng phản ánh được cả cấu trúc sinh học và những khuynh hướng tổ chức của não. Loại hình tổ chức tĩnh điển hình cho dàn bài một bài luận này (xem Chương 14) không tự nhiên như mạng thông tin được thể hiện sinh động trong bản đồ tư duy. Một bản đồ tư duy tốt có vẻ ngoài rất giống một nơ ron riêng lẻ cùng nhiều axon và hình cây tỏa ra từ trung tâm của nó và các tua nhánh.

Các bản đồ tư duy hoạt động hiệu quả vì chúng sử dụng nhiều trí thông minh trong việc thiết lập, ôn tập và sửa lại. So sánh với cách ghi chép truyền thống chỉ sử dụng một hoặc hai trí thông minh, bạn có thể dùng tới bốn hoặc năm trí thông minh để tạo ra một bản đồ tư duy.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.