Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

11. Nguồn thông tin 2: Các bài giảng trên lớp



Nhiều người trong chúng ta từng trải qua cảm giác phải chịu đựng một giáo viên thật sự tẻ nhạt. Hàng ngày, chúng ta đến lớp với sự chán chường và ra về với cảm giác thời gian bị lãng phí. Nếu may mắn, chúng ta có thể nhớ được những giáo viên thú vị với các khóa học sôi động và các buổi học luôn để lại ấn tượng cho chúng ta.

Chất lượng của sự hướng dẫn không có ý nghĩa gì so với lượng kiến thức bạn thu được từ một bài giảng. Bạn có thể lãng phí thời gian trong một lớp học thú vị cũng dễ dàng như trong một lớp học buồn tẻ. Một giáo viên kém cũng không quá tệ đến mức bạn không thể học được điều gì. Một giáo viên giỏi cũng không quá tốt đến mức bạn có thể trông cậy vào sự giảng dạy chất lượng cao để không phải học tập chuyên cần. 

Trách nhiệm học tập là của bạn, không phải của giáo viên. Nếu bạn phát triển thái độ này, bạn có khả năng học tập trong bất kỳ tình trạng lớp học nào. Hiển nhiên, bạn nhiều gặp khó khăn hơn khi nhận được sự hướng dẫn, chỉ dẫn nghèo nàn, nhưng bạn có khả năng học tập độc lập với tình trạng giáo viên. Bằng cách này, hãy cố gắng trở nên độc lập, gánh nhận trách nhiệm và bạn sẽ tăng tốc thành công trong học tập.

1. Trước giờ học

Việc bạn làm trước khi vào lớp ảnh hưởng quan trọng tới chất lượng học tập của bạn trong suốt buổi học. Những khái niệm về lợi ích của sự chuẩn bị tôi đã nêu ra trong Chương 4 đúng với việc học tập trên lớp cũng như ở nhà.

1.1 Chuẩn bị tư duy

Để gặt hái được nhiều nhất từ những giờ học, bài giảng và hội thảo nghiên cứu chuyên đề, bạn phải dành thời gian chuẩn bị tư duy từ trước. Hãy tiến hành các việc sau:

• đọc tất cả những tài liệu bạn đã chuẩn bị trước;

• ôn lại những ghi chép bài giảng từ các buổi học trước;

• đoán trước nội dung tiết học này;

• chuẩn bị thái độ của mình. Bạn đến đó để làm việc nên hãy sẵn sàng tiếp nhận bất kỳ điều gì đáng học tập. Hãy tưởng tượng bạn đang dễ dàng tiếp nhận, nắm bắt và ghi chép thông tin nhằm mở rộng tầm hiểu biết của mình;

• sử dụng kỹ thuật thư giãn và tập trung trong Chương 4.

1.2 Chuẩn bị cơ thể

Thực hiện một bài tập thể dục trước khi lên lớp học sẽ tăng cường sự chú tâm và khả năng tập trung. Tốt nhất là thực hiện từ bài tập nhẹ đến trung bình. Bạn có thể chủ động kích thích cơ thể tiết ra endorphin (một chất trong não, làm gia tăng hệ thống đề kháng của cơ thể, giảm đau và an thần) và tăng lưu thông máu (từ đó tăng lượng oxy). Điều đó có vai trò quan trọng đối với chức năng não cấp cao.

Loại bài tập bạn thực hiện phụ thuộc vào vấn đề bạn có phải là người năng động hay không. Đối với người không tập thể dục nhiều, một cuộc đi bộ nhanh cũng có hiệu quả. Đối với một sinh viên chăm tập luyện thể thao, một lớp chạy bộ đường dài, bơi lội hoặc aerobic sẽ tạo hiệu quả như mong ước. Đừng đẩy bản thân rơi vào tình trạng kiệt sức, điều đó sẽ tạo ra những hậu quả phản tác dụng đối với khả năng tập trung kiên trì.

Những vận động viên ưu tú nên tránh các buổi tập luyện cường độ mạnh trước khi đến lớp. 

1.3 Điều không nên làm trước khi vào giờ học

Ngoài những bài tập có cường độ mạnh, gây kiệt sức, còn nhiều hoạt động khác có thể nhanh chóng gây tổn hại tới khả năng học tập của bạn trong lớp:

• ăn nhiều;

• uống chất có cồn;

• uống những chất lợi tiểu mạnh như cà phê;

• lãng phí thời gian trước khi vào lớp;

• trông chờ “được dạy”, cứ như việc học là một điều gì đó người khác làm cho mình;

• hy vọng tránh được việc đọc bắt buộc.

2. Trong giờ học

2.1 Sự hiện diện của bạn

Đừng bỏ học, đơn giản vì đó là điều ngu ngốc. Dù bạn rất khó ra khỏi giường, hoặc người giảng bài có thể khá tẻ nhạt thì bạn vẫn nên nỗ lực tham gia mọi bài giảng. Xét cho cùng, bằng cách này hay cách khác, bạn vẫn phải trả giá cho thời gian này và tài liệu cần thiết cho bài thi cuối kỳ.

Nếu bạn bỏ các buổi học, tức là bạn đang phung phí tiền bạc và lãng phí thời gian vì bạn sẽ phải tìm cách khác để thu nạp thông tin đã bỏ lỡ. Bạn cũng sẽ mất đi cơ hội rèn luyện khả năng tập trung và sự chú tâm học hành. Trong các giờ học tồi tệ vẫn có thứ gì đó đáng học – nhưng nếu bạn không ở đó, bạn sẽ không học được gì.

Hãy nhớ một câu châm ngôn cổ: chỉ có 85% thành công trong cuộc sống là có sẵn.

2.2 Vị trí ngồi học

Trừ khi trạng thái tinh thần của bạn bắt buộc bạn phải thường xuyên rời khỏi phòng, nếu không, hãy ngồi ở hàng ghế thứ hai hoặc ba trong mọi buổi học. Có nhiều nguyên do thiết thực và tế nhị cho lời khuyên này:

• dễ nghe giảng bài;

• dễ nhìn chữ viết trên bảng hơn;

• dễ tập trung vào giáo viên mà không bị sao nhãng vì những thứ khác; 

• dễ có cảm giác mình là một phần của lớp học;

• dễ đặt ra các câu hỏi vì bạn ngồi gần với giáo viên hơn và dường như có ít người xung quanh hơn khiến bạn bớt lo lắng; 

• bạn khó rời lớp sớm hơn;

• bạn không thể bỏ ngang tiết học vì giáo viên sẽ biết.

2.3 Chủ động lắng nghe

Bước đầu tiên rất có ý nghĩa khi học trên lớp và ghi chép bài giảng là bạn phải phát triển các kỹ năng “chủ động lắng nghe”. Dưới đây là những đặc điểm của việc chủ động lắng nghe, đặc biệt thích hợp với bài giảng:

• Chú ý đến cách thức kết cấu tài liệu bài giảng của giáo viên. Điều này cung cấp cho bạn những gợi ý về thông tin quan trọng trong các buổi học sau.

• Cố gắng liên hệ điều bạn đang nghe với những gì bạn đã biết.

• Thầm đặt câu hỏi về những điều bạn đang nghe, cố gắng đưa ra kết luận cho những vấn đề đó.

• Có tư duy cởi mở về các kết luận. Sẵn sàng thay đổi câu hỏi hoặc các ý tưởng của mình khi nghe được một điều gì mới.

• Đưa ra các câu hỏi. Điều này có thể không thoải mái đối với một sinh viên vốn trầm lặng hoặc nhút nhát, nhưng bạn đừng giấu dốt.

• Quan sát các hoạt động cơ thể của giáo viên. Bạn sẽ nhận thấy điệu bộ và cử chỉ luôn đồng hành với các vấn đề quan trọng.

• Lắng nghe ngữ điệu, âm sắc và sự thay đổi ngữ điệu trong giọng nói của giáo viên. Hầu hết mọi người đều thay đổi đặc trưng giọng nói của họ một cách cố ý hay vô thức khi họ đang nói đến một vấn đề quan trọng.

• Học cách trở thành “người sàng lọc thông tin”. Khi khóa học đang diễn ra, hãy cố gắng dự tính sàng lọc ra những điểm quan trọng và ít chú tâm tới các tiểu tiết trong bài giảng. 

2.4 Ghi chép 

Đừng sử dụng “các hệ thống” ghi chú. Mục đích của bạn là ghi lại, học tập, nắm bắt và chuẩn bị tài liệu để sau này học. Có kỹ thuật bạn dùng để ghi chép, chuẩn bị cho các kỳ thi, nhưng theo tôi, bạn nên tránh các hệ thống cứng nhắc, đòi hỏi phải có các cuốn sách đặc biệt, giấy đặc biệt hoặc cần nhiều sự chuẩn bị. Bạn nên dành thời gian chuẩn bị cho tài liệu, không phải cho một hệ thống.

Tuy vậy, chỉ vì sử dụng một hệ thống chuyên biệt không phải là ý tưởng hay không có nghĩa là không còn những nguyên tắc giúp khả năng ghi chép của bạn tốt hơn. Hãy luôn ghi nhớ những hướng dẫn cơ bản sau:

• Đừng cố ghi lại nguyên văn từng bài giảng. Đó không phải là mục đích của bạn. Bạn đến lớp để học tập và ghi lại những ý tưởng và sự kiện quan trọng. Không phải mọi từ ngữ đều có giá trị.

• Hãy ghi chép hầu hết các bài giảng dưới dạng từ khóa. Biết chọn lọc điều gì bạn nên viết. Nếu tuân theo các nguyên tắc của công việc cần làm sau tiết học (xem mục 3 phía dưới), bạn không cần lo là mình sẽ bỏ sót điều gì đó quan trọng.

• Cố tìm kiểu mẫu của bài giảng, ghi lại những ý chính và các chi tiết quan trọng một cách có tổ chức. Điều quan trọng ở đây là sử dụng một kiểu mẫu phù hợp với tài liệu, cũng như phù hợp với cách thức bộ não của bạn tổ chức tốt nhất tài liệu đó. Đừng bị lôi kéo sử dụng những phương pháp phân loại cứng nhắc, nên linh hoạt và sáng tạo.

• Bất cứ khi nào có thể, bạn hãy ghi chép bằng ngôn từ của mình. Sử dụng chính xác lời nói của giáo viên chỉ khi bạn cần phải trích dẫn hoặc bắt buộc phải chính xác. Điều này hiếm khi xảy ra.

• Hãy sao chép các biểu đồ và đồ thị. Bất kỳ hình ảnh bổ sung nào cho lời nói và chữ viết đều quan trọng và bạn nên ghi lại. Đó là tác nhân kích thích trí thông minh thị giác – một nhân tố thường không được sử dụng hợp lý trong các bài giảng.

• Đừng lo sợ bạn bị mất phương hướng khi ghi chép. Bạn sẽ làm gì để cho mọi thứ phù hợp, linh hoạt và các vấn đề trong bài giảng phù hợp với tài liệu bạn đã ghi lại trước đó? Hãy thử viết ra những vấn đề trong bài giảng và vẽ các mũi tên đến tài liệu liên quan. Bạn nên xem lại mọi ghi chép trước đó và bổ sung thông tin mới ra lề, ra một góc hoặc ở phía dưới. Hãy linh hoạt và sáng tạo (điều này nghe có quen thuộc không?).

• Không cần viết ngay ngắn sạch đẹp, nhưng cần phải rõ ràng. Không cần phải ghi chép đẹp, đúng ngữ pháp và chính tả. Không bắt buộc phải để lề giấy sạch sẽ và luôn trống. Tuy nhiên, quan trọng là bạn phải viết thật rõ ràng và dễ đọc. Không cần phải liệt kê cẩn thận, nhưng mối liên hệ giữa các thông tin phải rõ ràng. Nguyên tắc cơ bản là “đủ ngay ngắn sạch đẹp để sau này dễ đọc và dễ hiểu, nhưng đừng để bị ám ảnh phải ngay ngắn trật tự vì điều đó sẽ làm chậm tốc độ nghe giảng của bạn”.

• Hãy chừa nhiều khoảng trống trong vở ghi chép để điền thêm những gì bạn quên trong giờ học. Đừng hoảng sợ nếu bạn bỏ sót điều gì đó. Nếu bạn sử dụng những chiến lược trong mục 3 dưới đây, bạn có thể khôi phục thông tin đó từ trí nhớ của bạn và từ sách giáo khoa. Mục tiêu của bạn trong suốt tiết học là chừa lại một vài khoảng trống trên giấy để điền thêm các tài liệu khi bạn ôn lại bài giảng và bổ sung vào ghi chép của mình. Vì luôn có sai sót quá mức nên hãy chừa lại nhiều khoảng trống hơn mức bạn cần.

2.5 Tôi có nên ghi âm các bài giảng?

Ghi âm các bài giảng thường là một ý tưởng tồi. Đừng lãng phí thời gian hay tiền bạc của mình. Đối với hầu hết mọi người, ghi âm bài giảng chỉ đơn thuần là biện pháp cho máy ghi âm hoạt động. Đó là sự biện minh cho thói lười biếng và sự trì hoãn nỗ lực thật sự để học tập ở thời điểm sau này.

Một vấn đề nữa nảy sinh là hầu hết các giáo viên cho phép ghi âm các tiết học của họ. Nếu bạn định coi ghi âm là phương tiện chính để ghi nhớ tài liệu quan trọng trong các bài giảng, bạn sẽ giải quyết ra sao trong tình huống bạn không được phép sử dụng máy ghi âm? Hãy làm tốt nhất công việc với trí óc, đôi tai và cây bút của bạn.

Những bản ghi âm có thể có ích nếu quá trình đó không được sử dụng để đối phó, song ích lợi của chúng bị hạn chế. Chúng có thể là nguồn trợ giúp hữu ích cho các bản ghi chép tay của bạn và bổ sung tài liệu cho các bản viết tay đó, nhưng bạn không nên coi chúng là cách thức chính để ghi nhận tài liệu.

Bạn nên nhớ, mục tiêu của bạn là biến thông tin thành một phần của mình và bạn làm được điều đó nhờ suy nghĩ, quyết định, ghi chép bằng ngôn từ của mình, chứ không phải bằng ngôn từ của giáo viên. Nếu bạn ghi âm những bài giảng, hãy nghe lại trong lúc bạn đang tập thể dục, chuẩn bị bữa ăn hoặc là quần áo.

3. Sau giờ học

Dù hết giờ học, công việc của bạn vẫn chưa kết thúc ngay. Bạn vẫn phải học tập và ghi chép. Thời gian ngay sau khi tiết học kết thúc và những ngày sau đó có tính quyết định việc bạn học được điều gì trong lớp học hoặc trong giảng đường. 

3.1 Ngay sau tiết học

Sau tiết học, bạn có thể nhân đôi những điều bạn nhớ được và nhân đôi hiệu quả của việc ghi chép nếu bạn làm ngay một số việc. Quan trọng là bạn phải thực hiện bước này ngay trước khi nhân tố lãng quên bắt đầu ăn mòn ký ức của bạn về tiết học. Nếu bạn chỉ có mười phút giữa các tiết học, HÃY SỬ DỤNG CHÚNG. Hãy hâm nóng trí nhớ trước khi một tiết học hoặc một hoạt động khác xen vào và tạo ra khoảng cách giữa bạn với tài liệu trong tiết học đó, dù bạn đã phải ghi âm chúng. Đừng chỉ thở dài nhẹ nhõm vì khoảng thời gian đặc biệt nào đó đã trôi qua. Hãy bắt tay vào công việc và nhân đôi hiệu quả làm việc của bạn.

Hãy dành ra 10, 15 hoặc 20 phút để xem lại ghi chép của bạn từ tiết học vừa qua. Khi nó vẫn còn tươi mới trong tâm trí, hãy thêm tài liệu bạn có thể đã bỏ sót từ lần đầu tiên vào ghi chép của mình. Hãy tận dụng khoảng giấy trắng bạn đã chừa lại khi giáo viên giảng bài quá nhanh, hoặc khi bạn chưa nắm rõ một khái niệm để có thể viết ra bằng ngôn từ của mình. Hãy vắt óc suy nghĩ mọi chi tiết còn sót lại và viết ra. Hoàn thiện các câu chưa viết xong. Hoàn thành các biểu đồ hoặc ví dụ khi chúng vẫn còn sống động trong tâm trí bạn. Viết ra cảm giác của bạn về điểm quan trọng và những điều giáo viên có thể sẽ hỏi trong bài kiểm tra.

Bạn sẽ không chỉ ghi chép hoàn thiện hơn để sau này học, mà bạn còn đưa hoạt động củng cố kiến thức của mình lên một cấp độ khác. Ngoài việc chủ động suy nghĩ và ghi chép trong suốt tiết học, bạn còn bổ sung hai hoạt động tích cực/hiệu quả hơn cho bài giảng: suy nghĩ và ghi chép nhiều hơn.

Bạn đang học tập khôn ngoan hơn, vì 10-20 phút bạn đầu tư lúc này đáng giá bằng nhiều giờ đồng hồ sau này. Đó là khoảng thời gian phụ cần thiết giúp bạn có thể nắm bắt kiến thức ở cùng mức độ hiểu (cứ cho là bạn có khả năng nhớ lại toàn bộ tài liệu).

3.2 Trước tiết học tiếp theo

Một lúc nào đó, trước tiết học tiếp theo của môn học đó, bạn nên tranh thủ thời gian để xem lại những ghi chép lúc trước của mình càng nhiều càng tốt. Thời điểm lý tưởng để bạn ôn bài là vài phút trong khi đợi tiết học mới bắt đầu. Nếu bạn không thể thực hiện loại hình ôn tập này ngay vì đang phải vội vàng thêm thắt những ghi chép của bạn từ tiết học vừa kết thúc, hãy ôn tập vào thời điểm sớm hơn cùng ngày, không cần mất quá năm đến mười phút. Hiển nhiên, thời gian ôn tập khi bắt đầu khóa học sẽ ngắn hơn, khi khóa học đang diễn ra sẽ dài hơn và bạn tích lũy được nhiều tài liệu hơn.

Những mục tiêu của loại hình ôn tập này:

(a) luôn làm mới tư duy của bạn với tài liệu cũ;

(b) khơi lại kiến thức bạn đã tiếp thu được trước khi tiếp cận tài liệu mới.

Hãy đảm bảo rằng bạn luôn dựa vào những kiến thức đã có và chuẩn bị cách thức tiếp nhận kiến thức mới.

3.3 Trong một tuần học

Điều quan trọng là bạn phải có được 20 phút mỗi tuần để xem lại chi tiết những ghi chép tuần trước. Hãy bổ sung chi tiết. Nhắm mắt lại và kiểm tra mức độ chi tiết bạn có thể nhớ lại. Hãy đọc thuộc lòng những ý chính nhiều lần. Bạn nên làm thẻ nhớ cho những ý tưởng và sự kiện quan trọng.

Mục tiêu của bạn là nhằm củng cố thêm sự thiết yếu của những bài giảng tuần trước trong trí nhớ dài hạn của mình. Điều này không đòi hỏi quá nhiều thời gian và bạn không cần phải ôn tập nặng nề quá sức. Chỉ cần bạn hướng vào thông tin một lần nữa, cùng với những kỹ thuật suy nghĩ chủ động, bạn có thể làm tốt bài thi.

3.4 Trong một tháng học 

Mỗi tháng, hãy dành thêm 20-30 phút thật tập trung để ôn tập và xem xét kỹ hơn ghi chép của mình. Mỗi buổi ôn tập không mất quá nhiều thời gian nhưng nó sẽ tạo ra khác biệt thật sự giữa khả năng ghi nhớ với chất lượng chuẩn bị của bạn ngay trước kỳ thi. Bạn có thể làm việc này thường xuyên hơn, nhưng tôi đề nghị tối thiểu 20-30 phút mỗi tháng để bạn thấy được những kết quả tích cực.

Bạn hãy chủ động khi làm việc này; đừng bị động khi đọc lại các ghi chép. Nhắc lại những ý chính. Mở rộng một số ý còn mơ hồ lúc ghi chép nhưng lúc này lại rõ ràng hơn. Hãy viết ra tất cả khi bạn tự kiểm tra bản thân. Hãy nhanh chóng vẽ một bản đồ tư duy cho bài đó. Biến khoảng thời gian ngắn ngủi này thành một buổi học hoàn toàn chủ động.

Bạn sẽ ngạc nhiên trước khối lượng thông tin mình nhớ được. Bạn cũng sẽ kinh ngạc trước khả năng bổ sung cho ghi chép của mình.

3.5 Một vài gợi ý về mượn và cho mượn vở ghi  

Nếu bạn bỏ lỡ một tiết học và cần mượn vở ghi chép của một ai đó, hãy chọn lựa người bạn sẽ mượn. Cố gắng nhận biết những người ghi chép chủ động trong lớp. Đừng lãng phí thời gian để mượn những vở ghi chép tồi.

Photo phần ghi chép vừa mượn và trả lại cho họ càng sớm càng tốt. Đây là những thứ quý giá đối với người sở hữu và bạn nên tôn trọng họ. Một người ghi chép đáng tin dễ cho bạn mượn vở nếu họ biết bạn cũng là người đáng tin cậy. Trên thực tế, bạn nên biến việc đề nghị photo và trả lại ngay thành một phần nhu cầu của bạn .

Sử dụng những ghi chép bạn mượn được nếu đó là một cuốn sách học hoặc một giáo trình thật sự. Đừng chỉ kẹp những bản photo trong vở, hoặc đơn thuần sao chép chính xác những điều người khác đã ghi chép. Giống như các nguồn thông tin khác, bạn phải chủ động, tỉnh táo và sẵn sàng biến thông tin đó thành một phần của mình. Hãy làm việc với những ghi chép bạn mượn được.

Bạn có nên cho mượn vở ghi của mình? Điều đó phụ thuộc vào độ rộng lượng của bạn và ai là người mượn. Nếu bạn đang nỗ lực trở thành một người ghi chép tốt, những cuốn vở ghi của bạn ngày càng trở nên giá trị hơn và tự nhiên bạn thấy cần phải giữ gìn chúng. Chúng có tính cá nhân cao và được đặc chế bởi tư duy và cách học tập của bạn.

Nếu bạn quyết định sẽ cho ai đó sử dụng vở ghi của bạn, ĐỪNG ĐỂ CUỐN VỞ GHI ĐÓ BIẾN MẤT KHỎI QUYỀN SỞ HỮU CỦA BẠN. Hãy đề nghị người muốn mượn phải photo ngay khi có mặt bạn. Điều này có vẻ như bảo vệ thái quá, nhưng nên nhớ vở ghi của bạn là một công cụ học tập quý giá, ghi lại các tài liệu quan trọng. Bạn không nên đánh mất khả năng kiểm soát chúng. Thậm chí khi ý định tốt nhất của người mượn không được như mong muốn, bạn có thể không bao giờ có lại những ghi chép của mình nữa.

Nếu người đề nghị thấy khó chịu, đừng để bị thuyết phục từ bỏ quyền sở hữu vở ghi của bạn. Chia sẻ không có nghĩa bạn phải trở nên ngu ngốc vì nó. Ngược lại, đừng bực mình nếu ai đó đặt ra những điều kiện tương tự khi cho bạn bản copy vở ghi của họ. 

4. Học qua tiếng và hình

Sự gia tăng việc chấp thuận các phương pháp giáo dục thay thế và những tiến bộ công nghệ đã dẫn tới sự bùng nổ các khóa học qua băng đĩa do giáo viên đề đạt. Hàng trăm trường đại học đưa ra các chương trình cấp bằng toàn phần cho việc học từ xa, với toàn bộ các bài giảng cho khóa học dưới dạng hình và tiếng có thể tải về. Các cơ quan chính phủ và công ty tư nhân cũng đang sử dụng công nghệ này để đào tạo nhân viên.

Môi trường học tập này có cả thuận lợi và bất lợi. Do đó, bạn cần có những chiến lược học tập riêng để thành công.

4.1 Thuận lợi

Sau đây là một vài thuận lợi của việc học qua hình và tiếng:

• Có thể nghe/xem vào thời điểm và tại nơi thuận tiện cho bạn;

• Có thể dừng và quay lại bất kỳ điểm nào trong tài liệu đã được thu vào bất cứ lúc nào;

• Có thể thường xuyên xem lại tài liệu nếu muốn;

• Có thể cùng lúc làm những việc khác (ví dụ, nghe tiếng khi đang làm vườn hoặc rửa chén đĩa; xem hình khi đang tập máy đạp xe hoặc ủi quần áo);

• Luôn có một bản sao của bài giảng để sau này tham khảo.

4.2 Bất lợi

Đây là một vài bất lợi của việc học qua tiếng và hình:

• Không có thời gian và địa điểm ấn định trước giống như lớp học thật sự, bạn có thể thiếu tính tự kỷ luật để nghe/xem đúng tiến độ. Nhiều người có khuynh hướng xem toàn bộ tài liệu một lần khi gần hết khóa học.

• Việc ghi âm lại tiết học có thể bị cắt ngang đồng nghĩa với việc bạn quá khoan dung với sự chen ngang và vì thế, việc học của bạn bị gián đoạn khá nhiều.

• Bạn có thể thiếu tính tự kỷ luật để thật sự chủ động và làm việc trong quá trình bài giảng được ghi lại. Có thể có nhiều cám dỗ khiến bạn trở nên bị động. Rốt cuộc, bạn không thể bỏ lỡ điều gì vì bạn có thể xem lại ngay. 

• Bạn không thể ngay lập tức đưa ra những câu hỏi cho giáo viên. Hầu hết các phương pháp học tập từ xa cho phép bạn gọi điện, fax, viết thư điện tử và/hoặc nhắn tin tức thời để liên hệ với các giáo viên, nhưng chỉ vào thời gian đã định. Bạn đánh mất môi trường tự động hỏi-đáp, một phần trải nghiệm của lớp học thật sự.

• Bạn không phải là thành phần của một nhóm, bạn có tất cả các tài liệu từ bài giảng hoặc hội nghị chuyên đề, nhưng lại thiếu sự tương tác với các bạn học khác. Đôi khi các câu hỏi và lời bình luận của bạn bè có thể cung cấp nhiều thông tin và đầy tính khuyến khích giống như cách trình bày bài giảng.

4.3 Các chiến thuật học tập

Nếu chọn cách học qua tiếng và hình, bạn nên làm theo một vài chỉ dẫn sau:

• Tiến hành mỗi buổi học với tài liệu được thu âm lại giống như đang ở lớp học thật sự. Sử dụng toàn bộ kỹ thuật ghi chép tôi đã phác thảo trong chương này. Bạn nên nhớ, ghi chép là một hoạt động học tập, chứ không chỉ là một chức năng ghi lại.

• Phát triển thái độ “làm đúng ngay từ lần đầu tiên”. Tiếp cận bị động chỉ làm lãng phí thời gian quý báu của bạn. Nếu bạn không có thời gian hoặc năng lượng để chủ động và ghi chép đúng ngay từ lần đầu tiên, lúc nào bạn mới có thời gian xem lại bài giảng một lần nữa? Bạn nên dành thời gian đó cho những hoạt động học tập khác, như ôn tập, bổ sung cho các ghi chép và nhắc lại.

• Nghe/xem tài liệu được thu khi đang làm một việc gì khác chỉ có tính chất bổ sung cho một buổi học chính. Như chúng ta đã biết từ phần bàn luận về trí nhớ và sự tập trung, thực hiện hoạt động khác khi bạn đang cố tập trung vào một tình huống học tập sẽ ảnh hưởng tới chất lượng của việc học tập đó. Vì thế, nếu bạn học bằng cách nghe trong khi đang đi bộ thể thao và coi đó là thời điểm duy nhất để nghe thì bạn đang đánh lừa bản thân.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.