Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

4. Chuẩn bị: Phần quan trọng nhất của việc học tập



1. Tự chuẩn bị để học tập là phần quan trọng nhất của việc học

Bước đầu tiên để nhận biết tài năng tiềm ẩn của bạn và trở thành người học tập tốt hơn là nhận thức được vai trò quan trọng của sự chuẩn bị. Tôi không định đề cập tới các chi tiết thực tế của việc chuẩn bị tài liệu cho một bài kiểm tra, tôi muốn nói đến sự chuẩn bị chung bạn cần có trước khi mở sách để học hay vào giảng đường.

Đây có thể là một khái niệm mới mẻ đối với bạn. Hầu hết mọi người “chỉ ngồi xuống và làm thế“, nhưng vì thế mà hầu hết mọi người chỉ nhận được một phần nhỏ thành công trong việc học thứ mà họ có khả năng.

Ví dụ, một sinh viên cố gắng học nhưng lại ngồi trong phòng bếp với sách giáo khoa và bài ghi chép của ba môn học chất đống trước mặt. Đài bật tin tức, quảng cáo và âm nhạc ồn ã. Bạn bè cùng phòng hoặc các thành viên trong gia đình tạt qua bếp để trò chuyện, lấy một thứ gì đó từ tủ lạnh hoặc chuẩn bị bữa ăn.

Sinh viên đó rút cuốn đầu tiên ra khỏi chồng sách, mở ra đọc chương đã đánh dấu và chăm chú nhìn vào trang đầu tiên. Nhưng chỉ có một ít lọt vào đầu. Trong lớp học này, mọi thứ không diễn ra tốt đẹp và áp lực từ các mặt đó ập đến rất nhanh khi cô suy nghĩ về môn học. Thêm vào đó là áp lực từ những kỳ vọng và đòi hỏi của người khác. Nếu cô không qua được lần kiểm tra tới, cô sẽ bị bố mẹ quở trách. Thậm chí còn áp lực hơn nữa khi cô lại có một bài kiểm tra giữa kỳ khác vào ngày hôm sau, trong khi sách học của môn đó lại ở dưới cùng của chồng sách và thậm chí cô vẫn chưa bắt đầu học môn đó.

Tất cả có vẻ như là bất khả thi. Cô gái này không thể nhớ những gì mình đã đọc 15 giây trước. Có lẽ cô quá ngốc nghếch. Có lẽ cô nên bỏ cuộc và đi xem tivi.

Bạn có thấy quen thuộc không? Bạn có biết ai từng rơi vào tình huống tương tự không? Có thể người gặp phải chuyện tương tự đó rất gần gũi với bạn? Có thể người đó lúc này đang cùng đọc cuốn sách này với bạn?

Cô sinh viên trong ví dụ trên đang phải đấu tranh với những kẻ thù không đội trời chung để có thể học tốt. Đó là:

• nỗi lo sợ;

• áp lực;

• những việc gây sao nhãng;

• lòng tự trọng thấp;

• cảm giác bị lấn át;

• không có kế hoạch bắt tay vào công việc;

• khả năng tập trung kém;

• sức mạnh ý chí thấp;

• không có chí tiến thủ.

Bạn có thể đương đầu với hầu hết những kẻ thù này nếu có sự chuẩn bị tốt trước khi bắt đầu học tập. Những chiến lược trong chương này giúp bạn bắt đầu khâu chuẩn bị đó. Thực hiện theo các chỉ dẫn đó, bạn sẽ nhanh chóng thu được những kết quả tốt. Phần thưởng thật sự sẽ đến khi bạn kiên trì thực hiện những công việc này.

 Nếu bạn không làm theo chỉ dẫn nào được vạch ra trong cuốn sách này, bạn sẽ vẫn cải thiện được 100-400% mọi khía cạnh của việc học nếu làm theo các chỉ dẫn trong chương này và

ĐỪNG DỪNG LẠI!

Những chiến lược đó rất hiệu quả!

 2. Bạn chuẩn bị để cố gắng đạt được điều gì?

Đọc xong Chương 3, bạn đã biết rằng mình thật sự sở hữu sức mạnh trí não để học hỏi bất cứ điều gì và rõ ràng sự thiếu hụt trí thông minh KHÔNG PHẢI là lý do khiến hầu hết mọi người gặp phải khó khăn trong học tập. Từ Chương 8 đến Chương 14 có thể cung cấp đủ các kỹ năng, mẹo và chỉ dẫn để bạn có được các công cụ dẫn tới thành công. 

 Toàn bộ trí thông minh và hộp công cụ chứa các kỹ năng học tập sẽ trở nên vô dụng nếu bạn không chuẩn bị thích đáng. 

Mục đích của bạn trong giai đoạn chuẩn bị là tạo nên trạng thái tư duy thuận lợi nhất để học tập. Bạn muốn trở nên tự tin, hăng hái, thoải mái, bình tĩnh, tập trung và tỉnh táo. Đây là những thứ rất cần cho việc học cấp tốc và được gọi là “trạng thái tư duy dồi dào”. Bạn cảm thấy sự độc đáo của trạng thái tỉnh táo thư giãn cho phép bạn sử dụng sức mạnh đáng kinh ngạc của sự tập trung thư thái có được từ việc kích hoạt sóng não Alpha mà chúng ta đã nói trong Chương 3.

Có năm yếu tố cơ bản trong quá trình này:

• chuẩn bị môi trường học tập;

• thư giãn để điều khiển sự lo lắng và căng thẳng;

• nâng cao lòng tự trọng;

• mài sắc khả năng tập trung;

• kích hoạt não cho môn học đầu tiên.

3. Chuẩn bị nơi học

Cách hiệu quả nhất để đương đầu với những rắc rối đến từ việc gây sao nhãng, khả năng tập trung kém và lòng tự trọng thấp là cải thiện môi trường học tập. Dù bạn cố gắng thế nào, bạn vẫn không thể học khi đài và tivi vẫn bật. Bạn không thể học tại bàn bếp, bàn cà phê ở phòng khách, trên giường hay trong quán cà phê của trường. Bạn sẽ không thể học ở những nơi như thế. Có thể bạn sẽ gắng sức nhưng chỉ có thể học ở một mức độ rất thấp so với tiềm năng của bạn.

3.1 Tìm nơi học tập

Bạn phải tạo ra một nơi chỉ dành cho việc học. Đừng đùa với bản thân: phần lớn những vấn đề về khả năng tập trung do những việc gây sao nhãng gây ra là vì bạn chọn nhầm nơi để học.

Nên lựa chọn một nơi yên tĩnh, dễ chịu và thư thái. Bạn muốn tạo ra một không gian có những liên tưởng chỉ liên quan đến việc học. Khi bạn ngồi ở nơi này, các thông điệp của tiềm thức đến được não bạn và cho bạn biết đây chính là nơi để bạn học và bạn không nên làm việc gì khác ngoài học.

• Không học ở trên giường. Những thông điệp của tiềm thức đến từ nơi đó đang NGỦ SAY. Đó không phải là liên tưởng mà bạn muốn chạm trán khi đang cố gắng tập trung và tỉnh táo.

• Không học ở bàn bếp (hay bất kỳ nơi sinh hoạt chung nào trong nhà). Những liên tưởng tại nơi đó không chỉ liên quan đến đồ ăn mà còn có khuynh hướng xuất hiện ở những nơi mọi người tụ họp và làm những việc khác. Đó là khu vực của mọi người, không phải là nơi học tập. Bạn đừng hy vọng sẽ làm được nhiều việc ở đây.

• Không học trong phòng khách. Giống như nhà bếp, ở đây có quá nhiều thứ gây sao nhãng, những liên tưởng, cám dỗ liên tục xuất hiện (ví dụ như tivi).

• Không học trong căng tin hay trong quán cà phê. Đó là nơi bạn bè tụ họp, trò chuyện và cười đùa. Những nơi đó chỉ dành cho lúc thư giãn, không phải dành cho công việc.

Nơi thích hợp nhất là bàn học trong phòng riêng của bạn, hoặc là trong tầng hầm hay nơi nào đó tương đối tách biệt với những thứ gây sao nhãng và những liên tưởng hiện ra tới tấp. Hãy thử học trong thư viện hoặc trong một phòng học trống.

Nếu bạn chưa tạo ra được một nơi học tập như thế, ngay lúc này, hãy làm việc đó trước khi bạn thử bất kỳ kỹ thuật chuẩn bị nào. Nơi học tập là cơ sở cho chương trình học tập của bạn.

Một khi bạn đã sắp xếp được một nơi học tập chính, bước tiếp theo bạn cần làm là quyết định xem đâu là nơi thứ hai. Có một nơi dự phòng là rất quan trọng. Một trong những nguyên nhân hợp lý nhất khiến bạn trì hoãn việc học là tìm kiếm một nơi học tập dự phòng trong trường hợp bạn không thể sử dụng nơi học tập chính vì một lý do nào đó. Lang thang khắp nơi cố tìm một nơi học lý tưởng là một việc làm rất mất thời gian. Điều này đặc biệt quan trọng nếu bạn có sở thích muốn học ở trường hoặc trên sân trường. Nếu có ai đó đang ở tại vị trí mà bạn vẫn thường ngồi thì bạn nên làm gì? Ngay lập tức đi tới nơi dự phòng và bắt đầu làm việc.

Một giá trị nữa khi có một hoặc hai phương án dự phòng là chúng trở nên thân thuộc và bạn ít mất sức hơn để gạt bỏ những thứ gây sao nhãng khi ở một nơi mới.

3.2 Làm cho việc học trở nên dễ chịu

Học tập cơ bản là một hoạt động tĩnh. Bạn ngồi trên ghế trong khoảng thời gian dài và không có cách nào tránh khỏi việc đó. Vì vậy, điều quan trọng trước tiên là bạn cần có một chiếc ghế dễ chịu nhưng không phải kiểu dễ chịu như bạn vẫn cảm thấy khi ngả người trên ghế bành hay nằm dài trên giường. Cái bạn cần là loại ghế dễ chịu và nâng đỡ cơ thể, cho phép bạn ngồi học tập trung trong một giờ mà không cảm thấy đau hay khó chịu.

Chiếc ghế nên được lót đệm tốt ở mặt và lưng ghế. Lưng ghế phải mang lại cảm giác vững chắc và kiên cố cho lưng và mặt ghế cũng phải mang lại cảm giác tương tự cho các bắp đùi. Chiều cao lý tưởng là chiều cao cho phép bạn dễ dàng đặt các ngón chân trên nền, giảm thiểu tối đa áp lực lên mắt cá chân và các khớp đầu gối.

Đó là chiếc ghế thích hợp đáng để bạn bỏ tiền ra mua. Đó là sự đầu tư khôn ngoan cho tương lai học tập của bạn. Nếu bạn thật sự không có khả năng mua một cái ghế mới, hãy cố gắng làm cho chiếc ghế mà bạn đang có trở nên càng dễ chịu càng tốt. Một cái gối nhỏ trên mặt ghế và một cái chăn hoặc một cái áo khoác vắt qua lưng ghế có thể biến chiếc ghế gỗ tồi tệ trong thư viện thành một trợ thủ thật sự cho việc học của bạn.

Bạn cũng cần phải cân nhắc chất lượng không khí nơi bạn học. Không khí, hay đúng hơn là oxy trong không khí, thật sự là nhiên liệu não cần có để hoạt động. Nên nhớ rằng trọng lượng của não chỉ xấp xỉ 2% trọng lượng cơ thể, nhưng nó lại sử dụng 20% lượng oxy bạn hấp thụ.

Bạn muốn nhiệt độ được cân bằng thích hợp. Quá nóng hoặc quá lạnh sẽ tạo ra sự phân tâm bởi cảm giác khó chịu. Nếu nhiệt độ không thích hợp, hãy ở một nơi quá lạnh hơn là quá nóng. Bạn dễ dàng ấm lên nếu mặc thêm quần áo. Không khí mát lạnh hơn sẽ giữ cho bạn tỉnh táo. Không khí quá nóng sẽ làm bạn uể oải và mất khả năng tập trung trong thời gian dài.

Không khí trong lành vô cùng quan trọng. Không khí ô nhiễm, chết chóc đồng nghĩa với việc não bạn đang nhận được nguồn nhiên liệu không đạt tiêu chuẩn. 

3.3 Kiểm tra nguồn ánh sáng

Ánh sáng tự nhiên tốt hơn ánh sáng nhân tạo. Nếu bắt buộc phải dùng ánh sáng nhân tạo, ánh sáng của bóng đèn đỏ sẽ tốt hơn đèn huỳnh quang. Đèn huỳnh quang làm cho mắt nhức mỏi và vì thế làm giảm hiệu quả học tập.

Bạn phải chắc chắn có đủ ánh sáng. Đừng để hình tượng của một học sinh miệt mài học trong phòng tối với duy nhất một ngọn nến hay một ngọn đèn tỏa sáng le lói trên bàn lừa phỉnh bạn. Học sinh đó có khả năng sẽ ngủ gật, thâm chí kéo dài có thể dẫn tới bị mù. 

Luôn có ít nhất hai nguồn sáng tại nơi học tập. Như thế bạn không chỉ có đủ ánh sáng mà còn đỡ bị mỏi mắt. Nếu bạn có ánh sáng tốt trên bàn học nhưng phần còn lại của căn phòng hoàn toàn tối đen, các cơ mắt sẽ phải vất vả hơn để thích nghi với việc quá sáng hoặc quá tối khi nhìn ra xung quanh. Đúng vậy, khi đang học, bạn sẽ nhìn quanh – thậm chí, nếu bạn có trọng tâm và khả năng tập trung tốt thì mắt bạn vẫn di chuyển khắp phòng.

Bạn có thể cho mắt nghỉ ngơi nhờ có đủ ánh sáng từ nhiều nguồn khác nhau. Như vậy, khi nhìn sang nơi khác, mắt bạn không phải vất vả thích nghi với bóng tối hay ánh sáng đột ngột.

3.4 Chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ

Một trong những cách sử dụng thời gian hiệu quả nhất là dành thời gian thu thập tài liệu học tập và các thứ lặt vặt khác trước khi bạn mở sách ra. Bạn sẽ tự đánh lừa bản thân khi suy nghĩ rằng bạn đang hoàn thành một việc gì đó bổ ích lúc ngồi ở bàn học và trông có vẻ bận rộn. Nhưng đó là việc làm vô ích.

Thời gian học của bạn chỉ dành cho việc học mà thôi. Trước khi bắt đầu, phải đảm bảo bạn đã có tất cả mọi thứ cần thiết ngay trước mặt: bút, bút chì, thước kẻ, tẩy, bút nhớ, tất cả sách giáo khoa, vở và những tài liệu đọc thêm khác.

3.5 Dán nhiều thông điệp tích cực xung quanh chỗ ngồi

Một trong những nguyên nhân chính làm bạn sao nhãng, ảnh hưởng tới khả năng tập trung kiên định là nỗi lo sợ về khả năng bản thân. Nhiều năm phấn đấu để thành đạt, song những thất bại có thể lấy đi phần lớn lòng tự trọng. Bạn cần phải xây dựng khía cạnh đó của bản thân – giống như một vận động viên xây dựng sức mạnh và sự bền bỉ.

Việc này đòi hỏi thời gian và phải được lên kế hoạch. Xuyên suốt cuốn sách, bạn sẽ khám phá được nhiều cách khác nhau để phát triển lòng tự tin mạnh mẽ vào bản thân và khả năng học tập bất cứ điều gì. Bạn có thể gia tăng lòng tự trọng bằng việc bao quanh môi trường học tập vật chất của mình những thông điệp tích cực. 

Bạn nên treo những bức ảnh của mình và gia đình, bạn bè xung quanh, đặc biệt là những bức ảnh mà bạn đang được ôm. Bạn đừng cười, nó thật sự có tác dụng. Treo bất kỳ giấy khen, giải thưởng, bằng cấp hoặc các chứng nhận lên tường hoặc lên bảng thông báo. Dán các poster cổ động, những trích dẫn hoặc lời nhắc nhở sinh động về giá trị tích cực của công việc bạn đang làm và về tiềm năng thật sự của bạn rộng lớn như thế nào. Sử dụng một số trích dẫn và khẩu hiệu trong cuốn sách này.

Vấn đề chính ở đây là tạo ra một môi trường cảm xúc và tinh thần tích cực giúp bạn học tập. Việc bao quanh bạn những đồ vật chứa đựng thông điệp tích cực sẽ không có ảnh hưởng nhanh chóng và ngay lập tức. Tự bản thân chúng cũng không làm được gì nhiều. Nhưng chúng có thể trở nên mạnh mẽ đến mức ngạc nhiên như “liều thuốc bổ” khi tâm trí bạn đi lang thang và khi bạn bắt đầu lưỡng lự.

Hình ảnh bản thân tích cực và sự tự tin vào khả năng học tập nên xuất phát từ bên trong, nhưng bạn sẽ cảm thấy tốt hơn nhiều khi bạn đang kiệt sức với đống bài tập về nhà và ngước lên phía trước tìm một điều gì đó nâng đỡ tinh thần – một điều được viết bằng chữ to đậm:

 Tôi có thể học BẤT CỨ ĐIỀU GÌ

Tôi là một người học tập SIÊU PHÀM 

 Không phải nó còn có ích hơn một bức tường trống rỗng và những nỗi lo sợ bí mật về sự hụt hẫng sao? Nếu không có ai bên cạnh động viên bạn, hãy học tập để bạn có thể an ủi người khác. 

3.6 Làm phong phú môi trường của bạn

Điều quan trọng là góc học tập của bạn phải là một nơi bạn thích sử dụng. Nếu đó là một nơi dễ chịu và lôi cuốn, bạn không nên tránh đến đó làm việc. Những nhân tố như sự dễ chịu, ánh sáng, sự yên tĩnh, những liên tưởng tích cực và các thông điệp đầy cảm hứng xung quanh là điểm then chốt.

Bạn có thể làm nhiều việc nhỏ để cải thiện môi trường đó:

• hoa, cây cảnh mang lại màu sắc tự nhiên và sự sáng sủa, có tác dụng trấn an rất lớn;

• học ở bàn học, bàn làm việc có các thớ gỗ tự nhiên;

• sử dụng máy lọc hoặc máy giữ ẩm không khí nếu gặp phải các vấn đề về không khí; 

• sử dụng nút bịt tai làm bằng bọt biển mềm nhằm chặn đứng tiếng ồn gây nhiễu loạn mà không gây áp lực quá mức lên tai.

Một khi bạn có môi trường làm việc sẵn sàng cho việc học, bạn nên sẵn sàng bắt đầu chuẩn bị để học tập thành công.

4. Chuẩn bị tư duy để học

4.1 Xác định các mục tiêu và mục đích

Xác định một hoặc một chuỗi mục đích cho từng buổi học là cần thiết cho thành công và sự chuẩn bị tư duy. Chương 8 bàn luận chi tiết về việc thiết lập mục tiêu và những đặc điểm nên có trong các mục tiêu ngắn hạn của bạn (như các mục tiêu cho một buổi học). Những mục tiêu học tập thích hợp nhất luôn phải:

• thực tế đối với thời gian cho phép (ví dụ, bạn có thể hoàn thành một việc gì đó trong một giờ);

• cụ thể và rõ ràng (ví dụ, đọc 11 trang chứ KHÔNG phải là “vài trang” về tâm lý học, hoặc giải 18 bài toán chứ KHÔNG phải là “vài” bài toán);

• khả thi (tức là bạn có thể nói ra khi bạn đã hoàn thành);

• có ý nghĩa và đáng khen thưởng (ví dụ, học xong một chương lịch sử sẽ được thưởng đi xem phim); 

• phù hợp với những ưu tiên của bạn (ví dụ, hoàn thành Chương 5 môn Sinh học vì ngày hôm sau có bài kiểm tra sẽ thích hợp hơn là làm bài tập môn tiếng Anh mà hạn nộp đến tận tuần sau).

Biết trước thời gian chính xác là điều bạn mong muốn đạt được mỗi khi ngồi học. Nó sẽ đem lại nhiều ích lợi cho năng suất làm việc và sức mạnh tư duy của bạn:

• Nó giúp khắc phục sự trì hoãn nhờ xóa bỏ thời gian lãng phí vào việc quyết định công việc cần làm;

• Giúp bạn theo đuổi đến cùng công việc bạn đang làm; có mục đích rõ ràng khiến bạn khó có thể từ bỏ nó trước khi đạt được nó;

• Tạo ra cảm giác công việc đó sẽ tiến triển và thành công khi bạn đặt ra và hoàn thành một mục tiêu cụ thể. Thành công này có thể dễ dàng đến với bạn và bạn sẽ thích được nhìn thấy các công việc được gạch bỏ dần trong danh sách việc cần làm (thông tin thêm về danh sách việc cần làm trong Chương 8 và 9);

• Giúp phá vỡ những việc lớn, gây nản chí thành các nhóm công việc nhỏ dễ quản lý.

Đừng bao giờ ngồi chỉ để “học chút ít”. Đó là thói quen xấu có thể nhanh chóng khiến bạn không học được gì vì khối lượng tổng thể công việc dường như đang áp đảo và bạn cảm thấy không thể kiểm soát nổi.

4.2 Lập kế hoạch cho nhiều hoạt động

Hãy nhớ là bạn luôn muốn sử dụng bộ não nhiều đến mức có thể. Khi bạn thật sự có một phương thức học tập ưa thích hoặc ưu việt, bạn phải vượt ra khỏi phương thức đó để trở thành người học tập ở cấp thiên tài như mong ước.

Một trong những mục đích của việc chuẩn bị là lên kế hoạch cho các hoạt động học tập có mục đích để gắn kết và truyền cảm hứng cho càng nhiều trí thông minh khác nhau càng tốt. Vì vậy, sẽ có nhiều gợi ý khác nhau về việc lên kế hoạch đọc, nghe, ôn tập, hát, đi dạo, ghi chép, vẽ các sơ đồ học, v.v… xuyên suốt các chương trong cuốn sách này. Trong lúc làm quen với việc thực hiện các hoạt động khác lạ so với những hoạt động theo phương thức học tập dễ chịu của bạn, bạn sẽ chủ động lên kế hoạch cho những hoạt động đó để tránh trở lại những thói quen cũ trước đây.

4.3 Chuẩn bị trạng thái tư duy và cơ thể

Căng thẳng và lo sợ là hai thành phần ức chế đáng lưu ý đối với việc nghiên cứu và học tập hiệu quả. Các chương trước đã đề cập đến việc khi bạn trải qua cảm giác sợ hãi trước những đe dọa tới sự an nguy của bản thân, não bò sát chi phối tâm lý và các phản ứng tâm lý của bạn. Bất cứ căng thẳng tiêu cực nào cũng đều kích hoạt phản ứng này và có khuynh hướng chặn đứng sự tiếp cận với các chức năng não cấp cao.

Áp lực là chuyện thông thường, nhưng nếu giảm áp lực đi thì chúng ta có thể nghỉ ngơi, thư giãn và hồi phục. Bản chất của áp lực đến từ xã hội, gia đình và chính chúng ta, đồng nghĩa với việc chúng ta luôn căng thẳng và gây áp lực quá mức lên các hệ thống tinh thần, cảm xúc, tâm lý và cơ thể của bản thân. Ngày nay, các chuyên gia y học nhận thấy sự căng thẳng triền miên để lại hậu quả là mất cân bằng hoocmôn, suy giảm hệ thống miễn dịch và các bệnh có liên quan như bệnh tim.

Nghiên cứu mới đây nhất chỉ ra rằng có một mối liên hệ trực tiếp giữa sự căng thẳng với sự suy yếu về khả năng giải quyết vấn đề. Tại trường Đại học bang Ohio, Tiến sĩ David Beversdorf đã tiến hành các thí nghiệm và chỉ ra rằng ngay cả những hành động vô hại như xem một bộ phim gây hồi hộp hoặc bạo lực trước khi học có thể chặn đứng sự tiếp cận với khả năng học tập và giải quyết vấn đề. 

Rõ ràng là trong trạng thái tư duy và cơ thể như thế này, bạn không thể trở thành một người học tập tốt nhất. Nếu xã hội không thay đổi để bạn được nghỉ ngơi và phục hồi khỏi sự căng thẳng, thì hành động thích hợp nhất tiếp theo bạn có thể làm là tự thực hiện việc này. Hãy thư giãn bằng cách thở, vận động cơ bắp đúng cách, việc học của bạn sẽ được cải thiện.

Bạn nên nhớ, mục đích của việc chuẩn bị là đạt được “trạng thái thư giãn nhưng tỉnh táo” trước khi cố gắng học những điều mới. Như Colin Rose – người đã sớm phổ cập việc học cấp tốc mô tả thì bạn muốn bắt đầu buổi học nếu có sự hòa hợp, nói cách khác là bạn cảm thấy bình tĩnh và hưng phấn khi mong đợi điều đó sẽ đến. Bạn thấy thư thái và sẵn sàng đón chờ. 

4.3a Thở 

Con người ai cũng phải thở. Hơi thở là thiết yếu đối với cuộc sống. Việc thở là hoàn toàn tự động nên chúng ta không bao giờ phải bận tâm về nó, trừ phi có thứ gì đó can thiệp vào hoạt động thở của chúng ta. 

Thật ra vấn đề rất đơn giản, song trên thực tế mọi người đều thở không đúng cách.

Hiển nhiên, nếu bạn đang sống thì bạn phải thở đủ tốt ở mức chấp nhận được, nhưng bạn có thể làm tốt hơn. Điều này rất quan trọng vì não rất nhạy cảm đối với chất lượng thở của bạn.

Não chiếm diện tích xấp xỉ 2% khối lượng cơ thể, nhưng lại sử dụng 20% lượng oxy bạn hấp thụ. Bạn càng cung cấp cho não nguồn năng lượng cơ bản tốt hơn thì nó càng hoạt động tốt hơn.

Sai lầm lớn nhất trong việc thở mà mọi người thường mắc phải là thở quá nhanh và quá vội vàng – thường từ 15-22 lần một phút. Thở nhanh như vậy thì bạn chỉ có thể sử dụng được một lượng ít ỏi (khoảng 1/6) khả năng lấy vào và phân phối ôxy của phổi.

Bạn có thể rèn luyện bản thân để có được năm đến sáu nhịp thở bình tĩnh và trọn vẹn trong một phút. Kết quả tổng thể của cách thở này là tăng cường sức khỏe cho cả cơ thể, tăng sự tỉnh táo, tăng cường hệ thống miễn dịch, giảm mạnh sự lo lắng và là một sự thay đổi đáng kinh ngạc khiến bạn tập trung tốt hơn.

Các nguyên tắc cơ bản là hít vào thật sâu và thật chậm, cố gắng lấp đầy phổi hết mức có thể, rồi thở ra theo cách tương tự, thải ra những sản phẩm thừa và giữ lại oxy để phân phối khắp cơ thể. Cách thở này tác động lên cơ hoành và vì thế sẽ xoa dịu nhiều cơ quan nội tiết.

Bài tập 1 là lời giải thích đầy đủ về cách thức để đạt được “hơi thở tự nhiên”.

4.3b Thư giãn cơ bắp

Sự căng thẳng không chỉ ảnh hưởng đến việc thở mà còn gây áp lực lên các cơ bắp. Cách thức phổ biến mà nhiều người hay dùng để đương đầu với nỗi lo là siết chặt cơ hàm (hậu quả là gây ra những cơn đau đầu), gây căng thẳng lên các cơ cổ và vai (gây nên các cơn đau cổ và đau lưng trên), hoặc luôn ngồi cúi về phía trước (dẫn tới đau lưng dưới).

Rõ ràng loại căng thẳng này không có lợi cho việc học tập hiệu quả. Vì vậy, một chương trình thư giãn cơ bắp tốt là một phần không thể thiếu khi chuẩn bị học tập. Có nhiều cách khác nhau để thư giãn các cơ hiệu quả. Một trong những cách tốt nhất chính là chuỗi đơn giản các hoạt động thả lỏng, được mô tả trong bài tập 2.

 BÀI TẬP 1: KỸ THUẬT THỞ TỰ NHIÊN

• Bước 1: Hít vào qua mũi, nhưng không phồng ngực

Đó là sai lầm lớn nhất mà mọi người thường mắc phải. Nếu ngực phồng lên thì rõ ràng là bạn đang thở vội và bạn thật sự đang bóp nghẹt phổi. Khi hít vào, không nên phồng ngực mà nên phồng bụng. Tưởng tượng là có một quả bóng bay trong dạ dày bạn và bạn thổi càng nhiều không khí vào đó càng tốt. Thời gian để hít vào nên là sáu giây (một người bình thường hít vào chỉ mất hai giây). Như vậy bạn sẽ lấy được nhiều oxy hơn vào cơ thể.

Lúc đầu, bước này có vẻ hơi kỳ quặc. Việc bạn đang làm là nâng cơ hoành và cơ bụng lên để gia tăng khoảng không bên trong khoang ngực, tăng sức chứa cho phổi. Theo cách này, việc lấp đầy không khí vào phổi sẽ dễ dàng hơn nhiều.

• Bước 2: Tạm nghỉ

Lần đầu tiên thử thở theo cách này, bạn sẽ cảm thấy hơi hụt hơi. Chuyện đó là bình thường. Nếu bạn có cảm giác đó, có thể bạn sẽ muốn bỏ qua bước tạm nghỉ sau khi hít vào. Khi bạn thấy dễ chịu hơn với cách hít thở cơ bản, nên bắt đầu thêm vào những bước tạm nghỉ.

Một trong những mục đích của việc tạm nghỉ là rèn luyện cơ hoành và các cơ bên trong. Nó giúp bạn huấn luyện bộ máy hô hấp. Khi bạn thấy dễ chịu với cách hít thở đó, bạn nên thêm vào những bước tạm nghỉ.

• Bước 3: Thở ra chậm và đều trong sáu giây

Thực hiện hành động này khi thư giãn bụng và tống không khí ra khỏi phổi. Ngực có thể hơi phồng lên.

Trong hoạt động bình thường, khi thở bằng cách này, bạn sẽ thở ra qua mũi. Khi bạn thực hiện hoạt động này như một bài tập chủ động nhằm huấn luyện việc thở và để tự chuẩn bị học tập, tốt nhất là thở ra qua miệng – chầm chậm và đừng thở mạnh.

• Bước 4Tạm nghỉ trước khi bắt đầu lần hít vào tiếp theo

Bài tập cho người mới bắt đầu

Áp dụng kỹ thuật thở tự nhiên, thở mười lần sâu và trọn vẹn. Hít vào trong sáu giây, rồi thở ra trong sáu giây. Đừng cố ý nghỉ giữa mỗi lần hít vào hoặc thở ra. Nếu bạn thấy khó với chu kỳ sáu giây, hãy tự tìm một chu kỳ phù hợp với bạn (có thể là ba giây) và dần dần tăng lên tới sáu giây.

Dành ra năm phút để thực hiện hoạt động này ba lần mỗi ngày. Nếu có thể, hãy tập thở khi ngồi thư giãn trên ghế với hai bàn chân duỗi trên sàn và thả lỏng tay trên lòng. 

Tập trung chú ý vào việc thở. Hình dung ra sự giãn nở của phổi. Tưởng tượng là khối lượng oxy bạn nhận được tăng lên và đang đi thẳng tới não, tiếp “thức ăn” cho những nơ ron đang đói. 

Khi thực hiện bài tập này, thậm chí ngay lần đầu tiên, bạn sẽ tăng việc sử dụng khả năng chứa của phổi từ 15-80%. Thậm chí, bạn sẽ đạt hiệu quả cao hơn khi thực hành cách hít thở này hàng ngày, làm cho nó trở nên tự động.

Bài tập ở mức độ trung bình 

Khi bạn cảm thấy dễ chịu với bài tập cơ bản, hãy chuyển sang bài tập trung bình. Thực hiện hàng ngày như với bài tập cơ bản, nhưng kết hợp nghỉ giữa các chu kỳ hít thở. Ví dụ, bạn hít vào, đếm đến bốn và thở ra. Hít vào, đếm đến bốn lại thở ra và tiếp tục…

Điểm mấu chốt là đừng lao vào thở ngay sau khi nghỉ. Cố gắng mỗi lần thở đều trọn vẹn, bình tĩnh và chậm rãi. Nếu quá khó, giảm thời gian nghỉ xuống. Tăng dần thời gian nghỉ đến mười giây.

Ở cấp độ này, cần tập trung chú ý vào không khí bạn hít vào. Hãy tưởng tượng có một nguồn năng lượng lấp lánh khiến bạn tràn đầy sức sống và tài năng. Khi bạn hít vào, hình dung nguồn năng lượng này hoàn toàn lấp đầy phổi. Khi thở ra, hình dung toàn bộ nguồn năng lượng tốt đẹp được tỏa ra từ phổi tới não và những nơi khác trong cơ thể, hãy tưởng tượng rằng bạn trút bỏ được áp lực và những cảm xúc tiêu cực.

Bài tập nâng cao

Các kỹ thuật của bài tập thở nâng cao rất thú vị, nhưng chúng phù hợp hơn với việc suy tư và suy nghĩ sâu sắc. Hai bài đầu tiên thích hợp nhất để tự chuẩn bị cho việc học tập.

Nếu bạn muốn tập chuyên sâu hơn về kỹ thuật thở, hãy tìm đến các trường dạy thể thao, các nhà văn hóa để được chỉ dẫn. Kỹ thuật thở cấp cao là một yếu tố trong các chiến lược quân sự, trong yoga, thái cực quyền và qi gong (một phương pháp rèn luyện sức khỏe và chữa bệnh cổ truyền của Trung Hoa).

4.3c Sự hình dung

Sự hình dung cũng là một kỹ thuật chuẩn bị tuyệt vời cho việc học. Nó sử dụng kiểu mẫu cơ bản và các bước tiến triển của não giống như trí nhớ. Có một mối tương quan trực tiếp giữa những ký ức được kích hoạt với cơ thể vật lý. Một ký ức gợi lên các cảm xúc sợ hãi, lo lắng hoặc đau đớn sẽ ngay lập tức làm thay đổi nhịp tim, nhiệt độ da và các kiểu sóng não. Một ký ức hạnh phúc, vui vẻ ảnh hưởng tới những thứ tương tự, theo một hướng tích cực. Mỗi loại ký ức sẽ kích thích phản ứng điện hóa học bên trong não.

Một ví dụ đơn giản, hãy nhắm mắt lại và tưởng tượng trước mặt bạn có một quả chanh. Tưởng tượng là bạn lấy con dao bếp sắc bén và bổ quả chanh ra làm hai. Bạn có thấy nước chanh rơi ra bàn? Bạn có ngửi thấy mùi thơm của quả chanh? Lấy nửa quả chanh và đưa lại sát miệng, há miệng ra cắn ngang nửa quả chanh. Bạn có cảm nhận được nước chanh lan khắp lưỡi và bạn nếm được các hạt chanh? Bạn có thấy nước chanh trôi xuống cổ họng, thấy vị chua từ dung dịch cô đặc chảy ra từ vỏ chanh? Mũi bạn có tràn ngập hương vị chanh thơm lừng?

Khi nào thì miệng bắt đầu ứa nước miếng và bạn thật sự trải nghiệm những cảm giác về hương vị, mùi vị, vị chua? Tâm trí bạn cùng những mối liên hệ của nó mạnh mẽ đến mức đáng kinh ngạc. Nó có thể khiến cơ thể bạn phản ứng lại khi không có sự hiện diện nào khác ngoài trí tưởng tượng của bạn. 

BÀI TẬP 2: THƯ GIÃN CƠ BẮP

• Bước 1: Ngồi

Ngồi như tư thế đã mô tả trong bài tập 1 hoặc nằm xuống một vị trí thoải mái.

• Bước 2Thở

Thực hiện một chu kỳ gồm mười lần thở không nghỉ (bài tập cho người mới bắt đầu – xem bài tập 1).

• Bước 3: Căng

Căng cơ cổ mạnh hết mức có thể. Siết mạnh các cơ đó.

• Bước 4: Thả lỏng

Từ từ dãn các cơ một cách nhẹ nhàng. Đừng làm quá nhanh. Hãy để tất cả các cơ thả lỏng và mềm đi hết mức có thể. Tưởng tượng là mọi nỗi đau và sự căng thẳng của bạn chảy ra từ các cơ cổ, từ các đầu ngón tay và chảy ra khỏi cơ thể. 

• Bước 5: Nhóm cơ tiếp theo

Tiếp theo, làm tương tự với các cơ mặt. Bóp các cơ đó càng mạnh càng tốt. Sau đó, hãy thư giãn các cơ trong khi sự căng thẳng thoát ra khỏi cơ thể.

• Bước 6: Tiếp tục

Tiếp tục làm theo bài mẫu này cho đến khi bạn thực hiện xong với tất cả các nhóm cơ: cổ, mặt, vai, lưng, ngực, bụng, mông, đùi, bắp chân, mắt cá và các ngón chân.

Thử cách ly từng nhóm cơ. Ví dụ, khi bạn xoa bóp cổ và vai, hãy cố gắng đừng làm căng cánh tay hay bất kỳ phần nào khác của cơ thể.

Để tỉnh táo và sẵn sàng cho buổi học, bạn nên mở to mắt khi thực hiện bài tập này nhưng không nên tốn quá nhiều thời gian cho nó – chỉ nên từ hai đến ba phút.

Đây là kỹ thuật thư giãn cơ tiêu chuẩn và khá đơn giản. Nếu bạn muốn thư giãn hơn nữa, thậm chí muốn đi ngủ, bạn hãy nằm xuống và nhắm mắt lại. Hãy dành nhiều thời gian hơn cho từng nhóm cơ. Khi bạn giải tỏa được sự căng thẳng, hãy tưởng tượng là bạn cảm thấy nặng nề hơn, thả lỏng hơn và buồn ngủ hơn. Nếu bạn khó ngủ và việc đó cản trở năng suất học tập của bạn, hãy thử làm theo bài tập mẫu này. 

Hình dung trở thành kỹ thuật học tập tích cực khi nó được dùng để phóng đại cảm xúc tích cực và làm giảm thiểu cảm xúc tiêu cực. Bạn cần phải học cách nuôi dưỡng ký ức tốt bằng cách hình dung về quá khứ. Bạn cũng có thể tưởng tượng ra tương lai với những hình ảnh bạn mong muốn. Những cảm xúc tích cực và sinh lý học của não nằm dưới những hình ảnh đó đều giống nhau.

Đừng thất vọng nếu bạn khó có thể nhắm mắt và gợi nhớ những hình ảnh thị giác sắc nét. Đừng vội vàng khẳng định là bạn không giỏi trong lĩnh vực này. Cần phải thực hành. Ai cũng có khả năng này, nhưng chỉ có một số người sử dụng chúng nhiều hơn những người khác. Bạn cần phải thử.

Có hàng chục, thậm chí hàng trăm sự tưởng tượng được hướng dẫn cùng các kỹ thuật tưởng tượng. Bài tập 3 bao gồm bốn phần đơn giản, bạn có thể áp dụng trong việc chuẩn bị học tập. Hai kỹ thuật đầu giúp bạn tự trấn an nếu bạn đang đặc biệt lo lắng hoặc buồn bã. Chúng trấn an những nỗi lo và làm lắng lại bộ não đang rối loạn của bạn. 

Các kỹ thuật thứ ba và thứ tư giúp bạn thúc đẩy và gia tăng sự tự tin trước khi cố gắng học một môn học khó. Cả bốn kỹ thuật là những bài tập huấn luyện hữu hiệu nhằm tăng cường khả năng hình dung của bạn, khả năng này đóng vai trò quan trọng đối với trí nhớ và việc chuẩn bị thi cử.

4.3d Hình ảnh bản thân tích cực

Những cảm xúc tích cực về bản thân là điều thiết yếu để thành công trong học tập. Chúng có thể là thành phần chính cho sự hình dung hiệu quả. Bạn gia tăng lòng tự trọng theo nhiều cách: lên kế hoạch để thành công, tưởng tượng ra thành công, tin tưởng vào thành công, chia sẻ thành quả.

Một trong những cách có thể phá hỏng bản thân là bạn cảm thấy sự sợ hãi đeo bám mình, vì vậy bạn cần chú ý tới tính cần thiết của việc huấn luyện tiếng nói nội tâm trở nên lạc quan hơn.

Tiến trình tác động tới tiếng nói nội tâm thường được gọi là sự khẳng định. Đó là kiểu độc thoại đơn giản mang tính tích cực đã gieo mầm trong tiềm thức của bạn về khả năng của bản thân. Nghe có vẻ quá đơn giản không?

Các bậc cha mẹ nên biết rằng những thông tin phản hồi tiêu cực sẽ gây tổn thương mạnh mẽ tới lòng tự trọng của con trẻ. Ngay cả một sự ám chỉ hoàn toàn tự nhiên, mang bản chất tốt như gọi đứa trẻ là “kẻ ngốc nghếch” hoặc một lời nhận xét được phát ra rất nhanh từ cơn nóng giận bột phát do thất vọng như “Mày là đồ ngu, sao mày có thể hành động như thế? Mày không biết việc gì tốt hơn à?” có thể mang lại những hậu quả hết sức nghiêm trọng nếu nó xảy ra thường xuyên. Hậu quả là khi đứa trẻ lớn lên, nó sẽ phát triển hình ảnh tiêu cực của bản thân và bắt đầu tin vào lời người khác nói về mình.

Bạn hoàn toàn có thể chống lại và vượt qua những lời độc thoại có tính tiêu cực khi nó trở nên quá mạnh mẽ nhờ các kết quả tích cực tất yếu của nó. Đối thoại nội tâm tích cực khá đơn giản nhưng hiệu quả, đặc biệt khi được kết hợp với các kỹ thuật chuẩn bị học tập khác.

BÀI TẬP 3: CÁC KỸ THUẬT TƯỞNG TƯỢNG

1. “Nơi yên tĩnh của tôi”

Tìm một nơi yên tĩnh, càng ít bị phân tán tư tưởng càng tốt. Ngồi thoải mái và thở tự nhiên mười lần, áp dụng bài tập cơ bản (bài tập 1).

Từ từ nhắm mắt và tưởng tượng bên trong mí mắt là một màn hình chiếu phim. Hình dung ra môi trường vật chất khiến bạn cảm thấy bình tĩnh và thư thái. Nơi đâu đem lại cho bạn cảm giác thanh bình nhất? Cánh rừng thưa ngập tràn ánh nắng? Trong một chiếc ca nô trên mặt hồ tĩnh lặng lúc hoàng hôn? Nằm dài trên đồng cỏ dưới ánh mặt trời của buổi chiều thu? Trong phòng làm việc đầy sách và nhạc cổ điển?

Chọn ra môi trường mang đến cho bạn cảm nhận mạnh mẽ nhất về sự thanh bình. Đó có thể là nơi bạn đã từng ghé thăm, hoặc bạn có thể dựng nên toàn bộ khung cảnh từ trí tưởng tượng của mình.

Bây giờ, hãy hình dung sắc nét hơn về nơi này bằng cách sử dụng toàn bộ giác quan. Hãy tưởng tượng màu sắc của hoàng hôn. Bạn có cảm nhận được sự ấm áp của đồng cỏ không? Sương ban mai có mùi hương ra sao?

Tiếp tục gọt giũa các hình ảnh với nhiều chi tiết đặc trưng hơn. Xung quanh bạn là loài cây gì? Chúng là cây lâu năm hay cây non? Khoảng rừng thưa có nằm gần hồ hay suối không? Bạn có nghe thấy tiếng nước chảy? Nếu có nhạc cổ điển thì đó là loại nhạc gì? Nếu là nhạc của Bach, cụ thể là bản nào? Phải chăng đó là bản Orchestral Suite no.3 in D Major? Bạn hình dung càng chi tiết càng tốt.

Khi tầm nhìn đã trong trẻo, hãy chú ý tới cảm xúc của bạn tại nơi này. Hãy tập trung vào cảm giác yên tĩnh, thanh bình. Hãy tắm mình trong tất cả các yếu tố của khung cảnh. Bạn hãy mở rộng tầm nhận thức rõ ràng về sự yên tĩnh và thanh bình đang bao quanh.  

Lưu lại hình dung của bạn và quay trở lại với nó. Hãy bổ sung các chi tiết. Thay đổi một số đặc điểm nếu bạn muốn. Bạn cần phải luyện tập để gợi lại nơi yên tĩnh của mình.

2. “Thánh địa của tôi”

Bài tập này rất giống với bài đầu tiên, nhưng trọng tâm chính ở đây là không gian bên trong chứ không chỉ có khung cảnh bên ngoài. Đây là một phiên bản hiện đại của bài tập cổ xưa do Da Mo, người được vinh danh vì đã đem nền tảng môn Kung Fu từ Ấn Độ sang Trung Quốc, thiết kế. Giống như bài tập đầu tiên, bài tập này giúp phát triển sự hình dung cảm giác và tạo ra một nơi trú ngụ bí mật cho bạn. Đó là nơi bạn hoàn toàn kiểm soát được.

Tìm một nơi yên tĩnh càng có ít sự phân tâm càng tốt. Hãy ngồi thoải mái và bắt đầu thở tự nhiên ít nhất là mười lần (áp dụng bài tập cho người bắt đầu ‒ bài tập 1).

Từ từ nhắm mắt lại và hình dung bên trong mí mắt bạn là một màn hình chiếu phim. Hình dung phía xa có một ngọn núi cao, vững chắc, nhưng không quá hùng vĩ đến mức làm bạn sợ hãi. Hãy tưởng tượng bạn đang ngắm nhìn ngọn núi này từ khoảng cách vài trăm mét với một lối đi quanh co dẫn tới chân núi. Khi men theo lối đi này, bạn phát hiện ra một khe hở phía chân núi. Đó là một miệng hang. Đi thẳng về phía đó, bạn thấy có một cánh cửa lớn đóng kín hang. Bạn đang có trong tay chiếc chìa khóa duy nhất và bạn dùng nó để mở cửa hang.

Đi vào trong hang, mắt bạn nhanh chóng thích nghi với bên trong. Ấn tượng đầu tiên của bạn về cái hang đó không phải là một nơi lạnh lẽo, ẩm ướt và chán ngắt, trái lại, đó là một nơi vững chắc, một nơi trú ẩn bí mật tràn ngập ánh sáng từ những ngọn đuốc chiếu sáng hành lang mái vòm. Hành lang ngắn dẫn tới một cái hang lớn kiểu nhà thờ với ba ngã rẽ như đang mời gọi: một lối đi thẳng, một lối sang trái và một sang phải. 

Qua cửa vòm bên trái là một trung tâm nghiên cứu chất đầy sách và một hệ thống máy tính có vẻ như là của Hãng Starship. Đây là nơi bạn có thể tìm thấy câu trả lời cho bắt kỳ vấn đề nào bạn gặp phải. Luôn có câu trả lời (mặc dù không phải mọi câu trả lời đều đúng ý bạn) và đây là viện nghiên cứu tinh thần của bạn với mục đích tìm kiếm các câu trả lời. 

Ở lối đi bên phải là trung tâm vận chuyển gồm rất nhiều cổng dịch chuyển cho phép bạn đến bất cứ đâu và bất cứ lúc nào. Bạn có thể đến những nơi bạn chưa từng đặt chân tới, thăm lại những nơi bạn đặc biệt yêu thích, hoặc trò chuyện với bất cứ ai bạn muốn (chẳng hạn như với Einstein).

Lối đi thẳng phía trước là tới phòng ở của bạn. Bạn có thể xây dựng nơi này theo bất kỳ kiểu nào, đơn giản hoặc trau chuốt theo ý bạn. Một số người áp dụng bài tập này thích có một căn hộ giản đơn. Một số người khác có thể ban đầu cũng thế, nhưng sau đó họ lại phát triển nó thành một lâu đài lộng lẫy với những đồ nội thất xa xỉ. Tất cả tùy thuộc vào bạn. Đây là nơi bí mật của riêng bạn.

Có các đặc điểm cơ bản trong sự hình dung về thánh địa bí mật. Hình dung càng lâu thì các hình ảnh càng trở nên riêng tư và chi tiết hơn. Vì thánh địa là nơi trú ẩn và suy tư của riêng bạn nên hãy tạo ra nó theo bất kỳ kiểu nào bạn muốn. Hãy phát huy mạnh mẽ trí tưởng tượng của bạn. Hãy đặt nó vào một bể bơi để nó tha hồ vùng vẫy. Hãy đặt một trạm canh gác bên ngoài cửa hang (không ai được phép vào, trừ bạn). Lắp thêm cửa sổ áp mái. Bạn hãy thoải mái tận hưởng.

3. “Tôi có thể làm được”  phiên bản A

Trong sự hình dung này, bạn phát triển khả năng gợi lại những thành công trong quá khứ của mình. Hãy chọn ra một sự kiện từ lịch sử cá nhân, khi bạn cảm thấy tự hào về bản thân và về các thành tích của mình: đạt điểm cao trong bài kiểm tra sinh học, là người hùng trong đội bóng mềm, vượt qua bài thi piano, bức tranh bạn vẽ nhận được sự khen ngợi, người yêu của bạn thích món quà sinh nhật bạn tặng,… Dù sự kiện khiến bạn có cảm giác như mình đang ở đỉnh cao của thế giới là gì, hãy chộp lấy nó bằng trí nhớ của mình.

Tim một nơi yên tĩnh càng ít bị phân tán càng tốt. Ngồi thoải mái và thở tự nhiên ít nhất mười lần, áp dụng bài tập cho người bắt đầu (bài tập 1).

Từ từ nhắm mắt lại và tưởng tượng bên trong mắt bạn có một màn hình chiếu phim. Hãy nhớ lại niềm tự hào và cảm giác về thành tích. Nó khiến bạn có cảm nhận gì bên trong? Nó có mang đến cảm giác bạn có thể làm tốt hơn những gì bạn nghĩ mình có thể?

Hãy luyện tập để gợi lại rõ nét những cảm xúc bạn đã trải qua trong suốt thời điểm đó. Tái hiện nó trong tâm trí bạn để tất cả các hình ảnh hiện lên thật rõ nét.

Mỗi lần thực hiện việc đó, bạn giải phóng được một loại chất từ não dùng để lập chương trình đưa bạn đến thành công. Nếu bạn làm việc này trước buổi học, bạn có thể dễ dàng nhân đôi khả năng ghi nhớ và học tập bằng cách cảm nhận tốt về bản thân. Sử dụng trải nghiệm trong quá khứ để thuyết phục bản thân rằng bạn có thể làm được điều gì đó. Bạn có thể làm được mọi việc!

4. “Tôi có thể làm được”  phiên bản B

Trong bài tập này, bạn sẽ tiếp tục phát triển các ký ức tương tự về thành công, nhưng lần này sẽ là những hình ảnh của tương lai. Bạn có thể cảm nhận niềm hạnh phúc của thành công khi đạt được mục tiêu.

Tìm một nơi yên tĩnh càng ít bị phân tán tư tưởng càng tốt. Hãy ngồi thoải mái và thở tự nhiên ít nhất mười lần, áp dụng bài tập cho người bắt đầu (bài tập 1).

Từ từ nhắm mắt lại và hình dung bên trong mắt bạn là một màn hình chiếu phim. Hãy bắt đầu bằng việc gợi lại cảm giác thành công từ một sự việc nào đó đã thật sự xảy ra với bạn. Để những cảm xúc đó hiện diện quanh bạn và lấp đầy con người bạn. Hãy để bản thân trở nên cuồng nhiệt. 

Khi những cảm xúc tốt đẹp đó còn tươi mới, hãy tưởng tượng bạn đang ở cuối kỳ kiểm tra một môn học. Bạn có cảm giác gì khi trả lời chính xác tất cả các câu hỏi? Bạn có cảm nhận tốt như thế nào về bản thân trước kỳ kiểm tra khi đã chuẩn bị đầy đủ và sẵn sàng cho tất cả? Lần đầu được điểm A, bạn có cảm giác như thế nào? Cảm giác ra sao khi được một điểm A khác? Bạn có thể làm được điều đó!

Những lời khẳng định

Trước tiên, bạn nên viết ra giấy mười khẳng định tích cực về bản thân, phù hợp với việc bạn là một người học tập. Chúng không cần phải phức tạp hoặc sâu sắc. Dưới đây là một vài ví dụ hay:

• Tôi có thể học bất cứ điều gì.

• Bộ não của tôi rất mạnh mẽ.

• Tôi sẽ chuẩn bị và tự tin trước mọi kỳ kiểm tra.

• Tôi là người học tập tài giỏi.

• Tôi thư giãn, tỉnh táo và sẵn sàng cho học tập.

• Không có gì mà tôi không thể học và làm chủ.

• Tôi có tiềm năng thiên tài.

• Nếu luyện tập, tôi sẽ luôn trở nên tốt hơn.

Bây giờ, bạn nên viết về bản thân mình. Luôn dứt khoát và tự tin vào những lời tuyên bố của mình, đừng quá thận trọng hoặc nói giảm, nói tránh. Đừng nói “có lẽ” hoặc “có thể” – như thế sẽ chỉ phá hủy quá trình khẳng định. Bạn cũng nên thường xuyên viết ra và đọc chúng theo ngôi thứ nhất, sử dụng các đại từ như “tôi”, “của tôi”. Sẽ rất có ý nghĩa đối với tiềm thức của bạn nếu bạn nói “bộ não của tôi rất mạnh mẽ” hơn là nói “não bộ là một thứ rất mạnh mẽ”. Điểm chính yếu ở đây là biến những lời khẳng định thành của cá nhân bạn.

Cách gieo trồng niềm tin vào bản thân cắm rễ sâu trong tâm trí bạn khiến chúng trở thành một phần của bạn, luôn tự nhắc nhở bản thân tin vào chính mình. Bạn sẽ không thấy được ảnh hưởng ngay tức thì, nhưng nó sẽ đến sớm hơn bạn mong đợi. Cố gắng đừng coi việc này như một sự chắp vá nhanh chóng, mà hãy nghĩ về nó như một thay đổi lâu dài trong cuộc đời bạn. Hãy tự nhắc lại những lời khẳng định đó ít nhất năm đến mười lần mỗi ngày vào thời gian nhất định – ví dụ như khi bạn đang tắm, chạy bộ, đi xe tới trường hay lúc rửa chén dĩa,… Hãy biến nó thành thói quen trong cuộc sống của bạn.

Nếu lặp lại những lời khẳng định là một thói quen trong các việc bạn làm trước khi mở sách để học, bạn sẽ phát triển được một liên tưởng tinh thần mạnh mẽ giữa những điều tốt đẹp bạn đang đề cập với sự tiến triển trong học tập. Bạn sẽ thấy có sự tác động mạnh mẽ đáng ngạc nhiên đối với việc học của mình.

4.3e Âm nhạc

Đối với việc học, âm nhạc có thể trở thành điều kỳ diệu. Nó có thể phá vỡ những rào cản tinh thần trong học tập nhờ mang lại sự thư giãn cho người học. Một số thể loại âm nhạc còn có hiệu quả cao trong việc hòa hợp các kiểu sóng não, các nhịp tim của cơ thể với các chức năng điện hóa học cơ bản.

Tuy nhiên, nghe nhạc khi đang học sẽ không làm tăng trí thông minh mà còn hạn chế, thậm chí ngáng trở việc học.

Mặc dù vậy, có một thể loại âm nhạc có thể giúp bạn học tập nếu bạn biết sử dụng nó hợp lý. Nhiều người e ngại khi biết đó thường là nhạc cổ điển, đặc biệt là nhạc Ba-rốc, thể loại nhạc phương Tây duy nhất có hiệu quả trong việc này. Một vài nhạc phẩm Ấn Độ và Nhật Bản cổ xưa cũng rất có hiệu quả. Ngược lại, một số thể loại như nhạc rock, rap, hip hop, nhạc đồng quê, heavy metal – vốn rất phổ biến trong thực tế – không chỉ thiếu phẩm chất này mà thật sự còn cản trở việc học. Một vài thể loại phức tạp khác như những bài hát của Gregorian, nhạc jazz, nhạc bluegrass có các đặc điểm tốt, nhưng cũng không nên dùng cho việc học.

Ý nghĩa của phần này là dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bạn cũng không nên nghe nhạc ngay trước khi học, khi đang học hoặc một tiếng sau khi học. Nó giống như một liều thuốc cản trở việc học tập. Đừng đùa với bản thân! Nghe bản nhạc pop bạn ưa thích khi đang học sẽ không giúp bạn học tập tốt.

Nhạc Ba-rốc

Ba-rốc là một thể loại âm nhạc cổ điển của châu Âu, phổ biến ở thế kỷ XVII – XVIII. Cấu trúc của bản nhạc Ba-rốc chính là sự phản ánh triết lý tổng thể thường thấy trong các ngành nghệ thuật, văn hóa cấp cao và thảo luận tri thức vào thời kỳ đó (1650-1750). Các nhà tư tưởng và nghệ sĩ của kỷ nguyên Ba-rốc phấn đấu cho trật tự và sự hài hòa với các khả năng cấp cao tự nhiên của nhân loại. Nhìn chung, mỹ thuật, kiến trúc, văn học và âm nhạc được tạo ra nhằm khuyến khích sự hài hòa với thiên nhiên, bản chất con người và vũ trụ.

Các nhà soạn nhạc nhào nặn những sáng tạo âm nhạc của họ để khuyến khích sự hài hòa này. Nhiều người còn thấy được mối quan hệ giữa âm nhạc, triết học với toán học và sử dụng những kết hợp này trong học tập để tăng thang âm, tính đối xứng và sự thanh bình cho âm nhạc của họ. 

Cách sử dụng các đặc tính của nhạc Ba-rốc hiệu quả nhất là biến nó thành một phần của sự chuẩn bị cảm xúc và tâm lý cho học tập. Cùng với các kỹ thuật từ mục 4.3a đến 4.3d, kết hợp với năm đến mười phút nghe nhạc trong thời gian biểu học tập sẽ giúp bạn thư giãn cơ thể và điều chỉnh tư duy của bản thân. Sau đó, hãy tắt nhạc đi.

Dưới đây là danh sách các bản nhạc bạn có thể sử dụng để tạo ra buổi hòa nhạc chuẩn bị cho việc học của riêng mình. Các bản thu âm tốt có tác động mạnh hơn. Hãy thử nghe các bản thu âm của Deutsche Grammophon hoặc EMI Records. Bạn sẽ nhận thấy sự khác biệt. Bạn cũng có thể tìm một tuyển tập gồm bản mẫu các tác phẩm của nhiều nhà soạn nhạc. Hầu hết các tuyển chọn đều có thể tải về được từ iTunes.

• Johann Pachelbel – Canon in D Major; 

• Antonio Vivaldi – The Four Seasons (Bốn mùa); Concerto in D Major dành cho guitar và đàn dây; 

• Johann Sebastian Bach – Harpsicord Concerto in C Major; Orchestral Suite no.3 in D Major; bất kỳ bản Brandenburg Concerti nào;

• Tomaso Albinoni – Adagio in G Minor;

• Arcangelo Corelli – Concerto Grosso no.10 in F Major; Concerto Grosso no.8, opus 6 in G Minor; 

• George Frideric Handel – Water Music (Nhạc nước).

4.4 Khơi lại vốn kiến thức

Bây giờ thì bạn đã bình tĩnh, thư giãn, tỉnh táo và cảm nhận tốt về bản thân, còn một bước chuẩn bị nữa để gia tăng học tập hiệu quả. Trước khi mở sách học, bạn nên “khơi lại” kiến thức đã có về môn học.

Thậm chí, nếu bạn mới bắt đầu một khóa học thì vẫn có khả năng là bạn đã có hiểu biết nhất định về môn học đó. Trong lớp, bạn càng tiến xa thì bạn càng hiểu biết nhiều hơn. Các buổi học sẽ luôn hiệu quả hơn nếu bạn khởi động phần trí nhớ lưu trữ kiến thức này. Nếu kiến thức của bạn sơ sài, thậm chí là sai, cũng không sao. Bởi lẽ, như bạn sẽ thấy trong các chương tới, trí nhớ hoạt động nhờ sự liên tưởng, càng có nhiều liên tưởng trong quá khứ hoạt động, bạn càng nhớ được nhiều điều mới.

Bạn không tạo ra các ký ức mới riêng lẻ. Chúng gắn kết với những ký ức tồn tại trước đó. Chẳng hạn, nếu bạn tham gia một khóa học lịch sử và đề tài là Napoleon Bonaparte, bạn đã có nhiều liên tưởng trong tâm trí về ông. Cần có thời gian và nỗ lực để nhanh chóng ôn lại những hiểu biết của bạn về Napoleon trước khi nghiên cứu tài liệu trong bài đọc, bạn sẽ có cơ sở cho các thông tin mới. Bạn mở rộng hình ảnh sẵn có về cuộc đời và sự nghiệp của ông. Bạn cũng sẽ sửa chữa các lỗi trong vốn kiến thức của mình (ví dụ, ông không phải là người Pháp chính gốc, ông là người đảo Corse).

Thực hiện việc “khơi lại” này như thế nào? Không nên mất quá nhiều thời gian. Hãy dùng một chiếc bút chì và một mẩu giấy nhỏ, viết ra những gì bạn có thể nhớ về đề tài và các thông tin chính bạn đã học được từ lâu. Đừng thêm bớt gì cả, chỉ viết ra tất cả những điều nảy ra trong suy nghĩ của bạn trong khoảng từ hai đến năm phút. Sau đó dừng lại. 

Mục tiêu không phải là viết một bài luận hay hoàn thiện một danh sách đầy đủ. Mục đích của bạn giống như mục đích của một vận động viên trước khi tập luyện nghiêm túc hay thi đấu thật sự. Vận động viên đó muốn máu lưu thông tới các cơ bắp và làm nóng chúng. Bạn đang làm nóng tâm trí của mình.

5. Các chuỗi tự chuẩn bị để học tập

Đến đây, bạn đã biết những ý tưởng cho việc chuẩn bị, bạn nên tiếp tục thực hiện khiến chúng trở thành công cụ hữu ích trong hộp công cụ của mình. Không cần mất quá nhiều thời gian và không quá khó để làm, nhưng đòi hỏi bạn phải chủ động, nỗ lực để điều khiển chúng. Bạn nên đặt mục tiêu phát triển các kỹ thuật chuẩn bị này ở mức độ hiệu quả nhanh bất cứ khi nào bạn muốn sử dụng chúng. Bạn mong muốn có khả năng tạo được chuỗi chuẩn bị học tập từ bất kỳ kỹ thuật nào trong các kỹ thuật này. 

Sau khi thực hành những kỹ thuật này và dùng chúng để tạo ra một chuỗi chuẩn bị tốt, bạn có thể lướt nhanh một danh sách kiểm tra toàn bộ mọi thứ được chuẩn bị đầy đủ để học tập. Chỉ nên mất khoảng mười phút làm việc này nhưng kết quả bạn có được sẽ rất kỳ diệu.

Bạn muốn đạt được năm điều cơ bản để có được trạng thái tư duy tốt nhất cho việc học. Bạn muốn:

1. cảm thấy thư giãn, không căng thẳng hay lo lắng gì;

2. tâm trí rộng mở và tỉnh táo;

3. thở đạt hiệu quả tối đa, cung cấp nhiều oxy cho não;

4. cảm nhận tích cực về khả năng học tập của bản thân; 

5. tăng cường trí não để học tập bằng cách khơi dậy những kiến thức đã có.

Nếu bạn không được chuẩn bị một chút gì về lĩnh vực này, có một số công cụ sẽ giúp bạn. Nên nhớ, bạn không bị giới hạn bởi những gợi ý trong chương này. Bạn nên phát triển các kỹ thuật của riêng mình khi bạn đã thấy thoải mái với những nguyên tắc cơ bản. 

Bài tập 4 giới thiệu một vài chuỗi chuẩn bị mẫu. Hãy thử nghiệm những chuỗi này và tìm hiểu xem chuỗi nào có hiệu quả với bạn. Sẽ là khôn ngoan nếu bạn cảm nhận chuỗi phù hợp với bạn nhất trong một tình huống cho trước. Tất cả phụ thuộc vào cách bạn cảm nhận vào một thời điểm và vào môn bạn đang định học.

6. Lời kết về sự chuẩn bị

Đây là một trong những chương dài nhất của cuốn sách. Lý do là bởi sự chuẩn bị có thể là khâu quan trọng nhất trong kỹ thuật học tập. Nếu bạn thực hiện các việc được đề nghị trong chương này và không thay đổi các thói quen học tập của mình theo bất kỳ cách nào, bạn sẽ nhận thấy sự cải thiện nhanh chóng trong các kết quả bạn nhận được. Không cần đặt ra bất cứ câu hỏi nào, các kỹ thuật chuẩn bị này sẽ có nhiều ảnh hưởng tích cực đến điểm số và khả năng học tập toàn diện của bạn hơn bất kỳ điều gì khác trong cuốn sách này hoặc cuốn sách kỹ năng học tập nào khác.

BÀI TẬP 4: CÁC CHUỖI CHUẨN BỊ

Chuỗi 1 

Ngồi thoải mái trên ghế, chân đặt trên sàn và tay đặt vào lòng.

1. Thực hiện một chuỗi gồm mười lần thở tự nhiên không nghỉ (bài tập cho người mới bắt đầu – xem bài tập 1).

2. Nhắm mắt và hình dung ra thánh địa của bạn. Dành thời gian thả mình trong xoáy nước mà bạn đã thêm vào nơi ở của mình (đừng ở đây quá lâu, nếu không bạn sẽ bị chóng mặt chứ không còn là thư giãn tuyệt vời nữa).

3. Khi đã ở trong xoáy nước, hãy nhắc lại những lời khẳng định của bạn, mỗi lời nhắc mười lần.

4. Mở mắt và thở tự nhiên mà không ngừng lại (bài tập cho người bắt đầu).

5. Viết nhanh ra (hoặc đọc to) những điểm chính về môn học bạn sẽ học đầu tiên. Bạn đã hiểu biết gì về nó?

Chuỗi 2

1. Ngồi thoải mái trên ghế, bàn chân đặt trên sàn, tay thả vào lòng.

2. Thực hiện chuỗi thở mười lần không nghỉ (bài tập cho người bắt đầu – xem bài tập 1).

3. Nhắm mắt lại và thực hiện bài tập thư giãn cơ bắp.

4. Mở mắt ra rồi thở mười lần không nghỉ ở mức độ dễ chịu với bạn (bài tập trung cấp).

5. Viết nhanh ra (hoặc đọc to) những điểm chính của môn học bạn sẽ học đầu tiên. Bạn đã hiểu biết gì về nó?

Chuỗi 3

1. Ngồi thoải mái trên ghế, chân đặt trên sàn, tay thả vào lòng.

2. Mở một tuyển tập nhạc Ba-rốc khi thực hiện chuỗi thở tự nhiên mười lần không nghỉ, phụ thuộc vào khả năng của bạn (xem bài tập 1). Bật nhạc trong suốt chuỗi này. 

3. Đọc lên hai trong số những lời khẳng định của bạn, mỗi lời đọc năm lần.

4. Nhắm mắt lại và hình dung về cảm giác của bạn khi kỳ thi kết thúc. Hình dung bạn đang nắm trong tay bài thi đã hoàn thành. Lúc đó bạn có cảm giác gì? Bạn có cảm giác gì trước khi kỳ thi bắt đầu, khi biết mình đã chuẩn bị tốt? Hãy tưởng tượng về cảm giác bình tĩnh và tự tin.

5. Mở mắt và thở tự nhiên mười lần không nghỉ.

6. Nhanh chóng viết ra (hoặc đọc to) những điểm chính của môn học bạn sẽ học đầu tiên. Bạn hiểu biết gì về môn học đó? 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.