Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

17. Hoang tưởng: Bảy điều hoang tưởng phổ biến có thể hủy hoại thành công của bạn



Những điều hoang tưởng dưới đây có thể gây tổn hại nghiêm trọng đến quá trình học tập và nghiên cứu của bạn. Nhiều điều trong số đó đã được thảo luận trong cuốn sách này và cần được nhắc lại.

Điều hoang tưởng 1: Tôi sẽ học tốt hơn nếu bật nhạc

Những phiên bản khác nhau của điều hoang tưởng này đều tập trung vào những sở thích gây phân tán tư tưởng khác như:

• Tôi học tốt khi ngồi trước tivi.

• Tôi có thể làm tốt nhiều việc cùng một lúc, vậy nên tôi có thể nói chuyện điện thoại khi đang đọc sách.

• Thư điện tử và những tin nhắn tức thời giúp tôi luôn giữ liên lạc với bạn bè, những người có thể giúp tôi nếu tôi cần.

Đừng đùa giỡn với bản thân. Điều hoang tưởng này chính là sự phá hoại lớn nhất đối với thành công học tập của bạn. Bạn càng sớm thừa nhận điều này và điều trị khỏi chứng “nghiện những thứ phân tán tư tưởng” thì kết quả bạn nhận được sẽ càng tốt hơn.

Không hề tồn tại cái gọi là “nhiều công việc”. Hãy chấm dứt chuyện đó. Cũng không hề có sự phân tán tư tưởng nào là tốt. Tất cả chỉ là điều hoang tưởng lớn mà bạn đang tự huyễn hoặc bản thân. Không có gì phải bàn cãi ở đây.

Bất kỳ điều gì cạnh tranh với việc học đều nhằm thu hút sự chú ý của bạn, làm cạn năng lượng học tập cùng khả năng ghi nhớ và lưu giữ thông tin của bạn. Hãy từ bỏ tất cả mọi phân tán tư tưởng khi bạn đang ngồi học:

• không iPod;

• không radio;

• không nhắn tin;

• không thư điện tử;

• không lướt mạng;

• không tivi;

• không điện thoại;

• không trò chơi điện tử.

Hãy tắt tất cả đi. Hãy đóng cửa lại và làm quen với sự yên tĩnh. Hãy tạo ra sự yên tĩnh nếu bạn cần. Hãy sử dụng nút bịt tai hoặc thậm chí những cái chụp tai công nghiệp nếu thấy cần. Mọi kỹ năng học tập xuất sắc được mô tả trong cuốn sách này sẽ chỉ có hiệu quả hơn khi bạn tạo ra được sự yên tĩnh mà trí óc cần để tập trung học hành.

Khi bạn cho phép sự phân tán tư tưởng hiện diện trong lúc học, tức là bạn đang bắt bộ não phải làm việc GIAN NAN hơn, chứ không hề KHÔN NGOAN chút nào. 

Nếu bạn tiếp tục tin vào điều hoang tưởng này – dưới bất kỳ dạng nào của nó – bạn đang bỏ lỡ quyền năng thật sự của các kỹ thuật trong cuốn sách này. Mọi kỹ năng đơn lẻ được truyền dạy trong cuốn sách này sẽ được tăng cường nạp năng lượng khi bạn phát triển chúng song song với kỹ năng học tập tối thượng là sức mạnh TẬP TRUNG. Nếu bạn bỏ qua sức mạnh TẬP TRUNG, bạn đang bỏ lỡ kỹ năng học tập số một của mọi thời đại. Hãy đọc Chương 6 nói về “siêu kỹ năng” này, bạn sẽ được chữa trị để thoát khỏi điều hoang tưởng trên vĩnh viễn.

Điều hoang tưởng 2: Các khóa dạy đọc nhanh sẽ giúp tôi tăng điểm số 

Không hề có đọc nhanh.

Chương 10 bao quát mọi điều bạn cần biết về “đọc tài liệu học” thật sự. Nhưng trước khi những phương pháp trong chương đó có thể giúp bạn, bạn cần phải lờ đi bất kỳ câu chuyện cổ tích nào nói rằng bạn sẽ gặp điều kỳ diệu nếu bỏ tiền học một vài kiểu “đọc nhanh”.

Điều kỳ diệu này không tồn tại, đúng hơn là chưa từng tồn tại. Phân tích mới đây nhất từ các nhà thần kinh học không ngừng khẳng định phát hiện này. Sinh học của mắt và não đưa ra giới hạn số từ bạn có thể tiếp thu một lần vào bất kỳ thời điểm nào.

Mắt chuyển động theo một kiểu đặc trưng gọi là “sự di chuyển mắt đột ngột”. Chỉ khi mắt được nghỉ ngơi thì mới có thể nhẹ nhàng hình thành một kiểu nhận biết lên võng mạc. Mỗi giây tối đa có ba sự di chuyển cố định của mắt (tức 180 lần/phút). Khoảnh khắc cố định là thời điểm duy nhất bạn có thể tiếp thu từ ngữ. Vô số các nghiên cứu chỉ ra rằng lượng từ được ghi lại trong một lần cố định nằm trong khoảng từ một đến ba, với mức trung bình là trên dưới 1,4. Điều đó nghĩa là tốc độ đọc hợp lý và điển hình là từ 180-540 từ/phút, mức trung bình là 252 từ.

Đây là một khoảng cách khá xa giữa những lời tuyên bố vô lý của những kẻ ngông cuồng cho rằng có thể đọc được 10 nghìn từ/phút. Đó đơn thuần chỉ là “đọc lướt” và không thật sự có ích cho sinh viên – những người cố gắng học các tài liệu phức tạp và cố ghi nhớ chúng cho các kỳ thi.

Điều hoang tưởng 3: Có thể để lại đến phút cuối Tôi học tập tốt hơn dưới sức ép

Nếu bạn tin vào điều này thì có thể bạn vẫn tin là có Santa Claus (ông già Nô-en) và Easter Bunny (chú thỏ thần thoại).

Đây là sự biện minh điển hình của những kẻ trì hoãn đang cố biện hộ cho sự lười biếng của họ. Đôi khi có vẻ như bạn đang “làm việc tốt dưới sức ép” bởi những gì đang thật sự xảy ra chứng minh rằng cuối cùng bạn đã có thể tập trung được. Nếu đến phút cuối cùng, bạn mới chuẩn bị cho kỳ thi hoặc viết một bài luận, bạn sẽ có hai lựa chọn: 1) từ bỏ mọi hy vọng và bỏ cuộc, 2) cố gắng cật lực trong khoảng thời gian còn lại.

Nếu chọn cách 2, bạn phải làm gì? Bạn ngăn chặn mọi sự phân tán tư tưởng, từ bỏ tất cả các hoạt động khác và tập trung vào công việc cho đến khi hoàn thành (hoặc cho đến khi bạn hết thời gian).

Dường như đó là một nỗ lực đặc biệt được hình thành từ sự thúc đẩy của kỳ hạn sắp đến, nhưng thực tế đó là vì bạn đã không làm việc này trong một thời gian dài. Tương tự, tập thể dục cũng tạo ra cảm giác “đặc biệt” đối với người không đến phòng tập trong nhiều tháng.

Trong thực tế, sự tập trung mà bạn trải nghiệm khi nhồi nhét kiến thức vào đầu không khác gì so với mức độ tập trung bạn có thể sử dụng tại bất kỳ thời điểm nào. Khác biệt thật sự duy nhất là nếu bạn phát triển thói quen tập trung vào công việc sớm hơn, bạn sẽ đạt được điểm số cao hơn. Điều đó đảm bảo đúng với bạn trong mọi thời điểm

Điều hoang tưởng 4: Phụ nữ suy nghĩ khác đàn ông, vì vậy họ cần những kỹ năng học tập khác

Phần đầu tiên trong lời khẳng định này đúng, nhưng phần kết luận rút ra từ tiền đề này lại hoàn toàn sai.

Những bài kiểm tra về hình ảnh não bộ sử dụng công nghệ chụp ảnh cộng hưởng cùng với sự phân tích sinh hóa đã khẳng định những điều chúng ta luôn hoài nghi: phụ nữ và đàn ông suy nghĩ khác nhau. Thật đáng ngạc nhiên! Nhưng rõ ràng là những phần khác trong giải phẫu và sinh lý của chúng ta khác nhau, vậy tại sao não của chúng ta lại không khác nhau? 

 Vậy điều này có ý nghĩa gì đối với khả năng học tập của phụ nữ và nam giới? Hoàn toàn không.

Đây là một chủ đề rất nhạy cảm vì nó thường bị hiểu nhầm và áp dụng sai. Nói về các kỹ năng học tập thì không thể chỉ vì có những khác biệt dễ thấy trong hoạt động điện hóa của bộ não nam và nữ mà suy ra rằng giữa hai giới có sự khác biệt lớn đến mức họ phải sử dụng những kỹ thuật học tập khác nhau khi học trên lớp. Chức năng cơ bản của não ở cả hai giới là tương tự nhau. Hãy đọc Chương 3, bạn sẽ nhận thấy các cơ quan cơ bản của não đều như nhau.

Vẫn tồn tại tranh cãi về chuyện có hay không việc phụ nữ và đàn ông được quyết định trước về mặt sinh lý để làm một số hoạt động liên quan đến nhận thức tốt hơn các hoạt động khác. Nếu sự tranh luận này là đúng, tôi ngờ rằng chỉ có duy nhất một xuất phát điểm. Giống như trường hợp đa dạng trí thông minh (xem Chương 3), bạn có thể sinh ra với khuynh hướng thiên về một loại hình thông minh hơn các loại khác. Chẳng hạn, bạn có thể thấy thoải mái khi là một người học tập thị giác hơn là trở thành một người học tập thiên về toán học và ngôn từ. Nhưng thí nghiệm chỉ ra rằng chúng ta có thể phát triển tất cả các loại hình thông minh khác đạt cấp độ cao hơn nếu bạn sẵn sàng làm việc để hoàn thiện chúng.

Điều tương tự cũng có thể đúng với các khác biệt bắt đầu tồn tại giữa phong cách học tập của nam và nữ. Không nên giới hạn và quyết định trước những khác biệt đó; chúng chỉ là điểm bắt đầu của chúng ta. Cho đến bây giờ, trong bất kỳ lĩnh vực học tập nào, các chứng cớ vẫn chỉ cho tôi thấy rằng khả năng của nam và nữ là ngang nhau.

Điều hoang tưởng 5: Tôi không cần phải ghi chép ở lớp – Tôi nhớ tốt hơn nếu chỉ lắng nghe

Đây là một điều hoang tưởng nữa trong những điều hoang tưởng lớn nhất được phát hiện từ những cuộc điều tra các sinh viên lười biếng. Họ dùng nó để biện hộ cho việc trốn tránh học tập của mình.

Hãy xem Hình 2 trong Chương 5. Hơn 100 năm trước, Tiến sĩ Hermann Ebbinghaus đã chứng minh rằng trí nhớ về một điều gì đó bạn vừa nghe thấy bắt đầu suy giảm trong vài phút. Bạn cần phải củng cố điều đó nhiều lần trước khi nó trở thành một tư duy của bạn, dễ nhớ và tồn tại vĩnh viễn. 

Hãy nghĩ về một vài bài hát mình yêu thích. Bạn có nhớ được lời nếu chỉ nghe bài hát đó một lần duy nhất? Không. Có thể phải nghe lại nhiều lần trước khi bạn có thể nhớ được ca từ và hát theo. Nhiều năm sau, tôi cá cược rằng bạn vẫn có thể nhớ lời bài hát đó.

Quá trình tương tự cũng có hiệu quả với việc học tập từ các bài giảng và các cuộc hội thảo. Dưới đây là lý do chính tại sao bạn nên ghi chép: 

1. Bạn cần phải có một bản ghi lại bài giảng để sau này học.

2. Ghi chép lại đòi hỏi bạn phải suy nghĩ về các ý tưởng ẩn trong từ ngữ trước khi bạn viết. Não bạn tiến hành một vài công việc cơ bản với tài liệu và bắt đầu quá trình biến thông tin thành một phần của bạn. 

3. Hành động viết gắn liền với các giác quan và các trí thông minh khác. Nó củng cố bước 2 và tạo nền móng vững chắc cho bạn ôn tập sau này. 

Bạn vẫn đang ngồi ở bàn học, vậy tại sao lại lãng phí thời gian? Hãy cầm bút lên và động não. Thêm một chút nỗ lực bây giờ sẽ giảm đi rất nhiều áp lực sau này.

Điều hoang tưởng 6: Tôi không cần ghi chép trong lúc đọc  Đánh dấu bằng bút nhớ và gạch chân là đủ 

Điều hoang tưởng này đến từ những quan niệm sai lầm và sự lười biếng giống như điều hoang tưởng 5.

Rất nhiều sinh viên thường xuyên đánh dấu bằng bút nhớ và gạnh chân để biện hộ cho việc trì hoãn học tập. Đó là cách học bị động. Bạn cần phải suy nghĩ một chút.

Hãy ghi chép bên lề hoặc trên một tờ giấy khác. Bạn không mất thêm nhiều thời gian, nhưng bạn sẽ tiết kiệm được hàng giờ học tập và lo lắng sau này. Đây chính là học tập chủ động, điều rất quan trọng để có thể biến thông tin thành một phần của bạn và là cách duy nhất để bạn nhớ được trong khi làm bài thi (bạn nên nhớ, như tôi đã đề cập trong Chương 10, hãy coi nó là “ghi chép” hơn là “ghi chú”).

Điều hoang tưởng 7: Gian lận không phải là vấn đề to tát  Mọi người đều làm thế

Có một đại dịch gian lận trong xã hội ngày nay. Những vụ lừa gạt tập thể hay những loại thuốc làm tăng khả năng thi đấu trong thể thao thu hút rất nhiều sự chú ý của giới truyền thông. Nhưng gian lận trong trường học thậm chí còn lan tràn nhiều hơn. Những nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng ngày càng tồi tệ hơn. Điều tồi tệ nhất không phải ở sự thật là có hơn 90% sinh viên thừa nhận có gian lận, mà là đại đa số không cảm thấy việc đó có gì sai trái. Tất cả mọi người đều làm thế, vậy tại sao bạn lại không làm?

Bạn đừng làm như vậy. Đừng bao giờ.

Có bốn nguyên nhân chính lý giải tại sao bạn không nên gian lận:

1. Bạn sẽ không học được gì hết. Bạn lừa gạt bản thân để trốn tránh khỏi lợi ích lâu dài của việc học những điều mới mẻ, thú vị hoặc quan trọng.

2. Gian lận làm suy giảm môi trường học tập cho mọi sinh viên khác.

3. Cuối cùng, bạn sẽ bị bắt và hình phạt cùng sự hổ thẹn sẽ gắn chặt với bạn trong suốt phần đời còn lại.

4. Gian lận định nghĩa con người bạn. Nhân cách thể hiện ở việc một người làm khi không có ai quan sát. Bất kỳ ai gian lận đều bị coi là “kẻ gian lận”. Điều đó thật đơn giản và dễ hiểu. Nó biến con người bạn thành một kẻ dối trá và lừa lọc. Không có lối thoát nào thật sự nếu bạn gian lận.

Nỗ lực trở thành một người học tập tốt hơn cũng khiến bản thân bạn trở nên tốt đẹp hơn. Gian lận có tác dụng ngược lại. Việc bạn đang đọc cuốn sách này đem đến cho tôi hy vọng rằng bạn đang sẵn sàng bắt tay làm việc chăm chỉ để giành những thành công vượt bậc. Chỉ cần đảm bảo rằng bạn chống lại được sự cám dỗ của “phe bóng tối”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.