Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

7. 13 nguyên tắc về các kỹ năng học tập (tóm tắt Phần II)



Đây là lúc ôn lại tính thiết yếu của những vấn đề tôi vừa bàn luận và nhấn mạnh nội dung của các chương tiếp theo; gồm một số nguyên tắc hướng dẫn phần còn lại của các chủ đề, được xây dựng trên nền tảng hiểu biết của chúng ta về sinh lý học của não và học thuyết trí nhớ.

Bạn nên đọc các chương trước ít nhất hai lần để nhập tâm các điểm quan trọng. Chúng thật sự sẽ đem lại cho bạn sự mở đầu đầy hứng thú về sức mạnh đáng kinh ngạc của bộ não và cách tự chuẩn bị để sử dụng nó thật hiệu quả. Nếu bạn vẫn chưa thấy thuyết phục, hãy đọc bản tóm lược trong các nguyên tắc sau đây.

Nguyên tắc 1: Tin vào bản thân

Bộ não là yếu tố sinh kỹ thuật phức tạp nhất trong vũ trụ mà chúng ta biết. Tất cả các bộ não, trong đó có não của bạn, đều có khả năng thiên tài. Cần có thời gian, nỗ lực và tiến hành nghiên cứu theo hướng dẫn để tiếp cận tiềm năng này và ai cũng có thể làm được nếu người đó thật sự mong muốn.

Hãy đặt ra các mục tiêu cho bản thân và phát triển các kế hoạch để đạt được những mục tiêu đó. Bạn nên xem Chương 8 để biết thêm chi tiết về cách sử dụng bộ kỹ năng chưa được tận dụng tối đa này.

Để đạt được thành công trên con đường tiến đến các mục tiêu của bạn, bạn cần phải tin vào chính mình. Trong Chương 4, bạn đã học cách tạo ra những thông điệp tích cực và lời nhắc nhở về thành công trong quá khứ. Nên nhớ rằng, bạn là một người học tập tự tin và có tài. Bạn có thể học bất kỳ điều gì. Bạn có tiềm năng thiên tài và mọi kỹ thuật trong cuốn sách này sẽ giúp bạn hoàn thiện khả năng đó.

Nguyên tắc 2: Chuẩn bị

Điều khác biệt giữa học tập ở mức trung bình với những điểm số tuyệt vời thường nằm ở chất lượng của sự chuẩn bị. Việc chuẩn bị môi trường học tập, thái độ và sự tập trung sẽ ảnh hưởng tích cực đáng ngạc nhiên đến hiệu quả học tập của bạn.

Những nét cơ bản trong Chương 4 là dành cho việc học ở nhà, trước khi đến lớp, chuẩn bị cho bài kiểm tra, trước một bài nói – ở mọi thời điểm! Đây không phải là công việc bận bịu một cách ngớ ngẩn. Đây là những bước học tập hiệu quả, quan trọng nhất mà hầu hết mọi người thường bỏ qua. Nhưng những sinh viên thông minh không bỏ qua chúng.

Nguyên tắc 3: Tổ chức bản thân và công việc 

Hãy tổ chức bản thân và công việc của bạn. Luôn có một kế hoạch cho việc học và viết nó ra. Hãy luôn xem lại và thường xuyên ôn lại kế hoạch của bạn. 

Điều đó thật đơn giản. Cái khó là làm cho kế hoạch đó đạt hiệu quả vì hiếm khi một kế hoạch đạt hiệu quả ngay từ lần đầu tiên.

Hầu hết mọi người đều thất bại ở công đoạn này vì họ bỏ cuộc khi thấy nỗ lực lên kế hoạch đầu tiên không đem lại hiệu quả. Việc làm thích hợp nhất là trông chờ những thay đổi và sẵn sàng tiến hành. Nhu cầu tạo ra những thay đổi trong kế hoạch không có nghĩa là thất bại – nó có nghĩa là chưa có kinh nghiệm trong việc lên kế hoạch và dự định trong cuộc sống của chúng ta chắc hẳn sẽ bị khinh suất. Hủy bỏ tất cả kế hoạch khi mọi thứ đều đi trật đường – ĐÓ mới thật sự là thất bại.

Các nguyên tắc trong chương này và trong cả cuốn sách sẽ dẫn dắt, giúp bạn lên kế hoạch thuận lợi hơn. Lên kế hoạch là một loại cơ bắp tinh thần: bạn càng thường xuyên sử dụng nó, nó sẽ ngày càng hoàn thiện.

Nguyên tắc 4: Dành thời gian cho những việc quan trọng 

Đặt ra những ưu tiên và khẳng định bạn sẽ dành thời gian cho công việc nào sẽ giúp bạn hoàn thành các mục tiêu. Đó chính là sự ưu tiên. Để đạt được điều đó, bạn nhất thiết phải lập kế hoạch. Nếu mục tiêu là vượt qua bài kiểm tra quan trọng hoặc kỳ thi tốt nghiệp trung học, hay đạt được một bằng cấp nào đó thì bạn phải làm rất nhiều việc.

Trong khi viết ra những kế hoạch của mình, bạn hãy thiết lập kỷ luật của bản thân, lập ra thời gian biểu. Nhiều sinh viên bắt đầu cảm thấy trường học đang làm lãng phí cuộc đời họ. Điều đó là sai.

Dù sao thì công việc vẫn còn ở đó. Bạn không thể trốn tránh nó. Học và làm bài về nhà là phần chính đối với một sinh viên và một người học tập. Bạn có thể học tập hiệu quả hơn nhờ sử dụng thông tin trong cuốn sách này, song vẫn có những công việc liên quan khác. Nhưng bạn có thể chọn nơi để kiểm soát trong tình huống này. Liệu bạn sẽ điều khiển công việc hay công việc sẽ chi phối cuộc sống của bạn?

Công việc có thể chi phối bạn nếu bạn bỏ bê việc lập kế hoạch và những kỹ thuật học tập đúng đắn cho đến khi cơn khủng hoảng của một chuỗi khủng hoảng chôn vùi bạn. Nếu bạn để các công việc được giao và sự chuẩn bị cho bài kiểm tra chồng chất cho đến giữa năm, bạn sẽ mất khả năng kiểm soát cuộc sống của mình trong nửa năm còn lại. Còn quá ít thời gian trước hạn định hoặc trước kỳ kiểm tra trong thời gian biểu của bạn, nên bạn không thể dễ dàng nghỉ ngơi, dành thời gian cho bạn bè, hoặc chỉ để thư giãn. Bạn bận rộn vì sự tổn hại khả năng kiểm soát – một tình huống rất căng thẳng và không bao giờ dẫn đến việc học tập thuận lợi nhất hoặc những điểm số cao.

Nguyên tắc 5: Kỷ luật với bản thân

Không gì có thể thay thế sự tự chủ và tính kỷ luật. Những kỹ thuật, thủ thuật và hướng dẫn học tập sẽ vô dụng nếu bạn không có sức mạnh ý chí để thực hành chúng. Nó giúp ích cho kỷ luật của bạn nếu bạn có mục đích, kế hoạch hành động và một niềm tin mãnh liệt vào bản thân, nhưng bạn cũng phải có ước muốn duy trì nó khi mọi việc trở nên khó khăn. Đây chính là chức năng thứ hai của các kỹ thuật học tập giúp phát triển các khả năng của bạn.

Có kỷ luật với bản thân khi theo đuổi những mục tiêu và ước mơ của bạn không có nghĩa là giới hạn tự do của bạn. Những thứ làm bạn phân tán tư tưởng mới là giới hạn thật sự. Nếu một trong những mục tiêu của bạn đạt được khả năng tiếp cận với tiềm năng thiên tài bên trong bạn, giúp bạn trở thành một người học tập siêu đẳng và tự tin như mong ước, thì bất kỳ tính kỷ luật cần thiết nào để bạn trụ vững trên con đường đó đều là sự giải phóng, chứ không phải là sự bóp nghẹt.

Nguyên tắc 6: Bền bỉ

Hãy không ngừng tiến bước. Tính bền bỉ quan trọng hơn tài năng, thiên tài hay sự may mắn. Tất cả sẽ vô ích nếu thiếu tính bền bỉ, nhưng tính bền bỉ lại có thể mang đến thành công mà không cần tới những yếu tố trên.

Nguyên tắc 7: Phân chia và chinh phục

Khái niệm “phân chia và chinh phục” là trung tâm của việc hoàn thành thắng lợi bất kỳ bài tập lớn nào, chẳng hạn như viết bài tổng kết môn học, chuẩn bị cho kiểm tra cuối kỳ hoặc đọc một cuốn sách dày. Hiểu được cách thức hoạt động của nó sẽ tạo ảnh hưởng tuyệt vời tới những vấn đề trì hoãn bạn (các chương giải quyết về trí nhớ và quản lý thời gian sẽ cho bạn biết thêm chi tiết).

Thật đơn giản, bạn phân tích công việc, chia nó thành những công việc riêng biệt nhỏ hơn, lập một danh sách tất cả những công việc nhỏ hơn. Bước cuối cùng là sắp xếp các công việc theo trật tự ưu tiên.

Bắt đầu bằng bước nhỏ đầu tiên, hoàn thành và gạch nó ra khỏi danh sách, rồi chuyển sang bước tiếp theo. Quá trình này dễ dàng hơn khi bắt đầu và tiếp tục. Tôi không khuyến khích bạn lập một danh sách ngắn chỉ với một thông tin để đến khi toàn bộ công việc được hoàn thành, bạn mới có thể gạch bỏ nó đi. Một danh sách dài được rút ngắn rõ ràng là động cơ thúc đẩy tốt. Hãy xem Chương 8 để biết thêm chi tiết về những bí mật của việc đặt ra mục tiêu và động cơ cho việc học tập. 

Nguyên tắc 8: Trở thành người sàng lọc thông tin

Kỹ năng sàng lọc thông tin đặc biệt có giá trị đối với những sinh viên cao đẳng và đại học. Để tồn tại và vật lộn giữa những khóa học quá tải, bạn cần phải trở thành một người sàng lọc thông tin. Điều này là bình thường đối với các tân sinh viên, họ cảm thấy hoang mang khi lần đầu tiếp xúc với khối lượng tài liệu khổng lồ cần phải đọc. Khi bạn luyện tập các kỹ thuật đọc hiểu và ghi chép tốt, bạn đang dần trở thành một người sàng lọc thông tin; bạn đang học cách phân biệt điều quan trọng cần nhớ với điều không quan trọng.

Bạn cần phải luyện tập để có khả năng lọc ra những tài liệu không cần thiết. Thậm chí, bạn còn phải luyện tập nhiều hơn để có thể tự tin rằng bạn đã tập trung vào tài liệu đúng. Đây là lĩnh vực mà Chương 5 và 6 đã đề cập. Nếu bạn kiên trì giữ vững và có kỷ luật với bản thân để tiếp tục sử dụng những kỹ thuật học tập đúng đắn, bạn sẽ thấy mình đang dần trở thành một người sàng lọc hiệu quả.

Nguyên tắc 9: Luyện tập để đưa thông tin ra tốt như khi nhận vào

Luyện tập đưa thông tin ra tốt như khi nhận vào rất có ích nếu bạn coi bộ não như một máy tính. Thông tin bạn học được là dữ liệu đầu vào, não sẽ xử lý những tài liệu đó và bạn bắt buộc phải tạo đầu ra dưới dạng báo cáo thí nghiệm, bài luận và các câu trả lời cho bài kiểm tra. Thật không may, các máy tính sinh học của chúng ta tạo lập thông tin đầu ra theo các mức độ chất lượng khác nhau. Thông tin không được xử lý đồng bộ, các đơn vị thông tin có thể dễ dàng nhớ lại và được lưu trữ trong một con chíp silicon.

Để có thể lấy ra nhiều dữ liệu nhất, bạn phải tích cực chuyển nó thành thông tin hữu ích. Bạn cần phải xử lý nó theo cách thích hợp và LUYỆN TẬP ĐỂ ĐƯA THÔNG TIN RA NGOÀI. Vế sau có ý nghĩa sống còn. Thông tin đầu ra không tự động. Bạn cần phải nghĩ ra nhiều cách đưa thông tin ra ngoài để có thể dễ dàng nhớ lại thông tin vào thời điểm bị áp lực, chẳng hạn như khi đang làm bài kiểm tra cuối kỳ. 

Chương 3 bàn về sự đa dạng của các loại hình thông minh và kiến thức này có thể đem đến cho bạn dòng suối ý tưởng vô hạn trong việc luyện tập đưa thông tin ra ngoài. Bản tóm lược trong Chương 5 về cách thức hoạt động của trí nhớ sẽ cung cấp chi tiết hơn lý do nhắc lại và luyện tập để đưa thông tin ra ngoài là vô cùng quan trọng. 

Nguyên tắc 10: Đừng sợ phạm sai lầm

Sai lầm là người thầy tốt nhất. Đừng lo sợ phải thử một điều gì mới chỉ vì bạn nghĩ rằng mình không thể làm đúng ngay từ lần đầu tiên. Nếu không phạm sai lầm, chúng ta sẽ không có thông tin để có thể làm tốt hơn trong lần tới. Làm hỏng một việc gì từ lần đầu tiên chỉ đơn giản cho bạn biết rằng bạn đang ở ngoài vùng thoải mái và đang bị một điều gì mới thu hút. Mỗi khi bạn làm một việc mới vượt quá kinh nghiệm thông thường của mình, các nơ ron sẽ tạo ra nhiều kết nối hơn. Mỗi lần bạn phát hiện ra một sai lầm, bạn học hỏi được thêm một điều gì đó về công việc và não của bạn ghi nhớ bài học đó.

Có bốn bước học tập:

1. Hành động và phạm sai lầm.

2. Xem lại kết quả và nhận biết các sai lầm.

3. Quyết định cách để làm tốt hơn vào lần tới.

4. Tiếp tục bước đầu tiên khác (bây giờ là “lần tiếp theo”) và phạm những sai lầm khác.

Sai lầm duy nhất thật sự tai hại là bỏ cuộc sau bước đầu tiên. Sai lầm giúp bạn xóa bỏ những cách xử lý sai và dẫn dắt bạn đến con đường đúng đắn. Với một vài sai lầm, bạn cũng có chút ít cơ hội để tìm ra đường đi đúng đắn tới các kỹ năng, ý tưởng và cảm xúc mới.

Nguyên tắc 11: Sử dụng tất cả trí thông minh để tạo ra công cụ học tập

Như Chương 3 đã làm rõ, các thói quen học tập và thói quen của trường học truyền thống chỉ sử dụng hai trong bảy loại hình thông minh chính của bạn. Khi bạn phát triển hộp công cụ chứa các kỹ năng học tập, hãy chủ động nỗ lực phát triển các công cụ, tận dụng càng nhiều trí thông minh khác nhau càng tốt. Bạn có thể càng thường xuyên kết hợp nhiều trí thông minh càng tốt.

Chương 12 đưa ra một vài ví dụ hướng dẫn cách thực hiện việc này. Một khi bạn hiểu được những ý tưởng của chúng, bạn sẽ có hàng chục, thậm chí hàng trăm ý tưởng và nhiều hơn nữa. Giới hạn duy nhất đối với số lượng công cụ học tập trong hộp công cụ của bạn chính là thời gian tạo ra chúng. Điều đó tùy thuộc vào bạn.

Nguyên tắc 12: Chủ động

Tất cả những công cụ tốt nhất để luyện tập cách sử dụng nhiều trí thông minh có chung một điểm: chúng đòi hỏi bạn phải chủ động với tài liệu học tập. Bạn không thể là người đọc hoặc nghe thụ động, trông chờ tiếp thu được nhiều kiến thức từ sách giáo khoa và bài giảng. Điều đó sẽ không xảy ra.

Tất cả các kỹ năng nghe, đọc trong học tập đều hướng tới một điểm chung: ngay khi bạn nghe hoặc đọc một thông tin, ngay lập tức não của bạn cần phải làm gì với thông tin đó. Hãy suy nghĩ, đánh giá nó và quyết định vị trí thích hợp của nó trong mối liên hệ với thông tin khác. Hãy biến nó thành của bạn, một phần của bạn. Việc này không đòi hỏi nhiều thời gian; dù bạn tin hay không, chỉ cần thêm vài giây tập trung là điều gì đó có ý nghĩa có thể xảy ra. Bạn cần phải chủ động nỗ lực.

Sau khi đã suy nghĩ thêm, hãy chủ động viết ra dưới nhiều dạng và không cần phải ghi chép theo lối truyền thống (như bạn thấy trong Chương 11 và 12). Các bản đồ tư duy, hình ảnh, chữ viết nguệch ngoạc và từ ngữ phi tuyến tính là những ví dụ về các phương thức tốt nhất nhằm củng cố việc học bằng viết.

Nhờ tiếp thu tài liệu ngay khi bạn gặp và viết kết quả ra, bạn học ngay cả khi đang di chuyển. Việc này thật sự có hiệu quả. Ngoài ra, còn có các hoạt động khác như ghi chép nguyên văn bài giảng hoặc đánh dấu những đoạn văn lớn bằng bút nhớ khi việc đọc thường xuyên trì hoãn học tập. Tại sao không học tập ngay từ đầu? Các sinh viên cố gắng trở nên chủ động sẽ đạt hiệu quả cao hơn vì họ lãng phí ít thời gian hơn. 

Nguyên tắc trở nên chủ động tốt hơn là mở rộng một cách thụ động mọi khía cạnh của việc học tập, đặc biệt là khi chuẩn bị cho bài kiểm tra. Chủ động là cách duy nhất giúp bạn có thể xử lý chính xác thông tin và luyện tập cách tạo thông tin đầu ra.

Nguyên tắc 13: Kiểm soát việc học tập của bạn

Thật dễ dàng để bào chữa khi mọi việc không diễn ra theo ý muốn của bạn. Thật dễ đổ lỗi cho người khác, công cụ không tốt, do thời tiết, hoặc đơn giản là do vận xấu. Hàng ngày, có những người hoặc nhóm người phàn nàn kêu ca vì họ là “nạn nhân” của một điều gì đó. Những chương trình đối thoại hàng ngày trên tivi với hàng loạt nạn nhân mong muốn người khác sửa chữa hoặc chi trả cho những trục trặc trong cuộc sống của họ.

Trong số đó, một số người thậm chí có thể còn biện minh bằng nhiều lý do cho cảm giác mình là nạn nhân – nhưng chỉ một số ít thôi. Dù cho bạn có hay không có lý do chính đáng để phàn nàn, sự thật là những lời phàn nàn, đổ lỗi, bào chữa và than vãn đó sẽ không thay đổi điều gì trong những hoàn cảnh của bạn.

 Hãy có trách nhiệm 100% đối với kết quả học tập của bạn!

Đây là một trong những bài học quan trọng nhất bạn nhận được từ cuốn sách này. Bạn có thể sở hữu toàn bộ sức mạnh tập trung trên thế giới này, rèn luyện bản thân để có một trí nhớ như máy ảnh và phóng đại toàn bộ trí thông minh của mình lên – nhưng nếu thiếu bài học này, bạn khó có thể thành công. Một khi bạn đã quyết định dù mọi việc xấu đến mức nào, ai mới thật sự có lỗi, bạn hoàn toàn chịu trách nhiệm về những gì xảy ra trong cuộc đời mình, đó chính là lúc bạn đang tiến bước lớn nhất tới đích thành công. Đây là bí mật số một để thành công. Bí mật nắm giữ sự thật về mọi khía cạnh trong cuộc sống, đặc biệt là trường học. 

Nếu bạn không hài lòng với các kết quả học tập từ trước đến giờ, bạn sẽ dễ dàng đổ lỗi cho hoàn cảnh khách quan. Bạn có thể đổ lỗi cho những cuốn sách, lớp học, trang thiết bị, các bạn cùng lớp, bố mẹ hoặc sức khỏe của bạn – và bạn có thể đổ lỗi cho thầy cô giáo của mình. Nhưng dù hoàn cảnh của bạn có tồi tệ đến đâu, tôi có thể chỉ cho bạn thấy có người còn rơi vào tình trạng tồi tệ hơn bạn nhiều.

Nhưng, tại sao bạn lại không thể đổ lỗi cho thế giới? Cụ thể hơn, tại sao bạn không thể đổ lỗi cho giáo viên? Liệu có gì khác nhau không? Học sinh không tỏ lòng biết ơn đối với giáo viên của họ dù các giáo viên có giỏi như thế nào? 

Không! Hoàn toàn không. Khi các học sinh lên đến cấp 2, họ có khả năng học tập độc lập. Đừng hiểu nhầm – tôi rất kính trọng các giáo viên và họ rất quan trọng đối với quá trình học tập. Cuộc đời tôi trở nên tốt hơn vì đã gặp được những người thầy tuyệt vời. Họ không ngừng hướng dẫn, là động lực và nguồn cảm hứng cho tôi. Nhưng giáo viên không còn là nhân tố thiết yếu trong việc truyền đạt kiến thức. Ngày nay, bạn có thể tự do kiếm tìm thông tin hơn bất kỳ thời đại nào trong lịch sử loài người. 

Điều quan trọng là bạn phải nhận ra “giảng dạy” và “học tập” là hai lĩnh vực hoàn toàn riêng biệt. Cách giảng dạy tốt nhất trên thế giới không bảo đảm cho các sinh viên sẽ học được bất kỳ điều gì. Giảng dạy không thể kiểm soát nửa còn lại của sự cân bằng – dù một sinh viên có học hay không học những gì được truyền dạy. Học tập, mặt khác, có thể xảy ra với việc giảng dạy ở trình độ trung bình, giảng dạy tồi hoặc hoàn toàn không có sự giảng dạy. Toàn bộ việc học tập do sinh viên quyết định.

Một khi bạn quyết định kiểm soát việc học của bản thân, bạn sẽ thành công dù gặp bất kỳ trở ngại nào. Sự giảng dạy tốt có thể khiến hành trình học tập trở nên tuyệt vời và vui thú, song đừng bao giờ đưa ra lý do vì một giáo viên tồi để biện hộ cho mình khi bạn học tập dưới mức khả năng của bản thân. Tất cả những sự biện minh khác đều cùng lý do tương tự.

 Bạn học được bao nhiêu hoàn toàn tùy thuộc vào bạn!

 Cách đối phó với những giáo viên tẻ nhạt

Có nhiều cách đối phó với những khó khăn do có một giáo viên tẻ nhạt. Khi bạn học đến bậc trung học, cao đẳng hoặc đại học, BẠN là người chịu trách nhiệm cho việc học của mình – KHÔNG phải là giáo viên.

Nếu bạn được học một giáo viên thú vị, nhiệt huyết, đó là một thuận lợi. Thuận lợi này là động lực thúc đẩy bạn. Nhưng giáo viên sẽ không học hộ bạn. Nếu bạn cố gắng học tập, liệu một giáo viên khá tẻ nhạt có ảnh hưởng tới bạn không? Không. Bạn phải tự chống đỡ. Không ai làm hộ bạn cả. Đối với việc học tập cũng thế: một khi bạn quyết định có trách nhiệm 100% đối với việc học tập của mình, nỗi lo sợ vì phải học một giáo viên kém thú vị sẽ biến mất.

Một giáo viên tẻ nhạt vẫn sẽ có những ý tưởng hay để chia sẻ. Đây là một vài kỹ xảo giúp bạn tỉnh táo trong suốt buổi học:

1. Ngồi hàng đầu.

2. Đưa ra nhiều câu hỏi để tiếp tục chú ý vào bài giảng.

3. Tưởng tượng bạn sẽ dạy môn học này cho bạn bè của mình như thế nào.

4. Ghi chú bằng bút đỏ.

5. Đọc trước và nghĩ cách để thách thức những khẳng định của giáo viên.

Chúng ta sẽ biết thêm nhiều mẹo khác về cách tạo ra hầu hết các bài giảng trên lớp trong Chương 11.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.