Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan

PHẦN III. HỘP CÔNG CỤ – 8. Đặt ra mục tiêu và động cơ thúc đẩy



1. Tại sao phải đặt ra mục tiêu?

Một trong những yếu tố chính gây ra các vấn đề trong học tập như sự trì hoãn, khả năng tập trung kém và thiếu động cơ là thiếu những mục tiêu rõ ràng. Đặt ra mục tiêu là kỹ năng cần được phát triển; đó là một cơ bắp cần được tập luyện. Thiếu những mục tiêu được xác định, được nói và viết ra rõ ràng, bạn sẽ thụ động trong suốt cuộc đời và hiển nhiên là thụ động trong học tập và trong các buổi học. 

Nếu bạn không có tầm nhìn rõ ràng về điều gì là quan trọng trong cuộc đời, bạn sẽ làm theo bản năng là để những gì băng ngang qua đường đời thu hút bạn. Tò mò và hứng thú với những gì đi lạc vào tầm chú ý của bạn. Song, nếu thiếu các mục tiêu, thiếu những ưu tiên để đưa bạn quay lại đúng đường, bạn có thể lãng phí cả cuộc đời vào những thứ làm phân tán tư tưởng.

Còn nhiều điều cần bàn về nghệ thuật và kỹ năng đặt ra mục tiêu và tạo ra các kế hoạch hành động hơn là chỉ đi theo và hành động. Có những cuốn sách chỉ chuyên viết về đề tài này. Chương này chỉ nói sơ qua ở mức độ ban đầu là lấy việc đặt ra mục tiêu để thúc đẩy bạn học tập và hướng bạn tập trung chú ý trong mỗi buổi học, giúp bạn nhanh chóng có được những khái niệm ban đầu. 

2. Những nét cơ bản khi đặt ra mục tiêu

Đặt ra mục tiêu là một kỹ năng sống rất quan trọng. Nó sẽ ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng tập trung và tránh việc trì hoãn, nhưng nó không đến mức phức tạp. Hãy làm theo những chỉ dẫn cơ bản dưới đây và quá trình đặt ra mục tiêu sẽ trở nên đầy hứng thú, bổ ích và vui vẻ.

2.1 Bắt đầu ngay

Tại sao phải lãng phí thêm thời gian? Nếu cuộc sống của bạn thụ động hoặc bạn khó có thể học nghiêm túc, hãy tạo thói quen đặt ra mục tiêu ngay lúc này!

Nếu bạn đã thử bài tập này, hãy thực hiện lại ngay bây giờ. Nếu những mục tiêu đề ra không phải là động lực như bạn mong muốn, bạn luôn bỏ qua những nguyên tắc trong các bước hành động và bạn đang phải gánh chịu thất bại (xem mục 2.7 và 2.8 dưới đây), ngay bây giờ, hãy bắt đầu lại từ đầu. 

2.2 Viết ra những mục tiêu của bạn

Hãy luôn viết ra những mục tiêu. Hãy lưu giữ cuốn nhật ký viết các mục tiêu dài hạn, trung hạn và ngắn hạn của bạn. Một phần trong cuộc sống hàng ngày của bạn là sử dụng các danh sách việc cần làm để theo dõi những mục tiêu trước mắt.

Việc viết ra những mục tiêu, giống như việc ghi chép, luôn tốt hơn là việc dựa vào trí nhớ của bạn. Điều này không những làm cho mục tiêu thêm cụ thể, mà còn khiến bạn phải sử dụng tới ít nhất hai trong số các trí thông minh của mình để có thể viết và diễn đạt ý tưởng bằng ngôn từ. Hãy viết ra và biến nó thành hiện thực. Nếu bạn cố gắng đề ra mục tiêu và lập kế hoạch hành động sử dụng các bản đồ tư duy (xem Chương 12), hãy sử dụng nhiều trí thông minh.

Viết ra các mục tiêu giúp bạn dễ ôn lại và nhắc nhở bản thân về những ưu tiên của mình. Những gì bạn viết ra có sức mạnh hơn cả một bản cam kết.

2.3 Lập nhiều danh sách theo trình tự thời gian

Hãy chia các mục tiêu của bạn thành nhiều loại, dựa vào khoảng cách giữa chúng trong tương lai. Sự phân chia điển hình là:

• dài hạn (5-10 năm);

• trung hạn (3-5 năm);

• ngắn hạn (1-2 năm); 

• trước mắt (tháng này, tuần này hoặc hôm nay).

2.4 Đặt ra các ưu tiên

Bạn không thể làm tất cả những gì mình muốn. Bạn cần phải đặt ra các ưu tiên hoặc bạn sẽ kết thúc với việc hao phí năng lượng và không hoàn thành bất kỳ việc gì so với tiềm năng hoàn hảo nhất của bạn. Nếu bạn không chủ động đưa ra các lựa chọn cho bản thân, bạn sẽ thụ động trong cách chọn lựa do có quá nhiều mục tiêu và kết quả đạt được thường chỉ ở mức trung bình.

2.5 Thử thách bản thân

Hãy giữ các mục tiêu tương đối cao để truyền cảm hứng cho bạn và để các mục tiêu vừa phải dường như luôn nằm trong tầm với của bạn. Nếu mục tiêu dài hạn của bạn là trở thành luật sư, thì mục tiêu trung hạn của bạn là phải đỗ vào trường luật. Khi bạn đang trong mục tiêu này, tại sao không quyết tâm vào học trường luật tốt nhất. Nếu mục tiêu dài hạn của bạn trở thành một nhà văn, tại sao không lên kế hoạch trở thành một tác giả ăn khách nhất, thay vì sống nghèo nàn bằng ngòi bút.

Bạn không bao giờ đạt tới sự xuất chúng nhờ may mắn hoặc ngẫu nhiên. Nó đòi hỏi bạn phải tự thúc đẩy mình vượt ra khỏi vùng thoải mái và thách thức với bản thân. Bạn vẫn phải thực tế, nhưng luôn có cách để đạt được một vài phiên bản của các ước mơ. Nếu bạn đã 70 tuổi và hứng thú với các vì sao, có thể không thực tế nếu bạn đặt ra mục tiêu trở thành một phi hành gia, nhưng bạn có thể trở thành nhà thiên văn học ‒ một thử thách lớn, nhưng chắc chắn nằm trong tầm với của bạn.

2.6 Rõ ràng

Các mục tiêu sẽ trở nên vô dụng nếu chúng không rõ ràng. Đừng đặt mục tiêu nghề nghiệp dài hạn là một điều gì đó mơ hồ, chẳng hạn như “giúp đỡ mọi người” hoặc “kiếm được nhiều tiền”. Bạn nên diễn đạt mục tiêu của mình theo những cách riêng biệt, ví dụ: “Tôi sẽ làm một bác sĩ phẫu thuật” hay “Tôi sẽ làm nhân viên cứu trợ ở châu Phi” hoặc “Tôi sẽ điều hành công ty của riêng mình”.

Các loại mục tiêu khác cũng tương tự như vậy. Đừng nói: “Tôi muốn đạt điểm tốt”. Hãy đặt ra tiêu chuẩn cụ thể: “Tôi sẽ đạt điểm trung bình là 7 trong học kỳ này” hoặc “Tôi sẽ luôn đạt điểm A trong các môn học”.

Càng cụ thể, bạn càng dễ đánh giá sự tiến bộ của bản thân. Đó cũng là cách tốt hơn để báo cho bạn biết rằng bạn đã hoàn thành một mục tiêu và có thể chuyển sang mục tiêu tiếp theo. Một mục tiêu dài hạn rõ ràng sẽ có hứng thú hơn cho tương lai. Mục tiêu cụ thể trước mắt trong danh sách việc cần làm sẽ tạo ra nhiều hứng thú hơn cho ngày hôm nay vì bạn có thể gạch bỏ nó ra khỏi danh sách và biết rằng bạn đã tiến một bước gần hơn tới tương lai xán lạn.

2.7 Bao gồm các bước hành động

Đặt ra mục tiêu vẫn chưa đủ. Bạn cần phải tiến hành những hành động cần thiết để đạt được mục tiêu của mình. Những hành động cụ thể, cần thiết nhằm đạt được các mục tiêu dài hạn sẽ trở thành các mục tiêu nhỏ trong tháng này, tuần này hay trong danh sách việc cần làm của hôm nay.

2.8 Lường trước thất bại

Nếu bạn tìm thấy một con đường không có những trở ngại, nó có thể không dẫn tới đâu. Thách thức và cảm hứng thật sự hiếm khi dễ dàng. Đừng bỏ cuộc chỉ vì bạn không thành công ngay hoặc lối đi dường như quá khó khăn. Nếu những ước mơ vẫn phù hợp với bạn và vẫn truyền cảm hứng cho bạn, thất bại sẽ không là gì ngoài một thông điệp bạn cần để đánh giá lại kế hoạch hành động của mình. Hãy học hỏi từ những thất bại của mình, nhưng đừng để chúng quyết định hướng đi cho cuộc đời bạn.

2.9 Viết lại, ôn lại, thăm lại, xem lại – THAY ĐỔI

Đặt ra các mục tiêu, đặc biệt là dài hạn và trung hạn, không có nghĩa là cuộc đời bạn không thể thay đổi được. Hãy dành thời gian xem lại các mục tiêu của mình, sửa lại một chút hoặc thay đổi hoàn toàn nếu cần thiết. Hãy phát triển sự linh hoạt trong tư duy để đánh giá lại những mục tiêu hiện thời nếu hành trình đó đưa bạn kết nối với các mục tiêu tốt hơn, hứng thú hơn.

Hãy thay đổi các ưu tiên, các mục tiêu dài hạn, độ dài trung bình của các mục tiêu dài hạn, thay đổi chiến lược nhằm đạt mục tiêu trung hạn. Đó đều là ý tưởng phù hợp cho sự thay đổi. Bạn đang bị chi phối. Khi các sở thích, tình yêu và khát vọng của bạn thay đổi, hãy thay đổi các mục tiêu của mình. Đừng cảm thấy thất bại, bạn thay đổi là vì bạn muốn thế. Nhưng hãy đảm bảo đặt ra các mục tiêu mới trước khi bạn bắt đầu trở nên bị động.

2.10 Liên kết các mục tiêu

Nên có một đầu mối, từ đó bạn sẽ tìm ra được mối liên hệ trực tiếp giữa hoạt động ngày hôm nay với những ước mơ và mục tiêu dài hạn của bạn. Chẳng hạn, nếu bạn ước mơ trở thành thẩm phán, mục tiêu dài hạn là trở thành luật sư, có nghĩa mục tiêu trung hạn là phải thi đỗ vào trường luật, mục tiêu ngắn hạn là phải đạt điểm tốt trong học kỳ này và mục tiêu hôm nay là đọc 25 trang sách lịch sử. Bạn có thấy chuỗi kết nối không?

Khi hành động hiện tại của bạn trực tiếp hỗ trợ mục tiêu dài hạn và hướng bạn về phía mục tiêu, tức là bạn đang trải nghiệm sức mạnh của việc đặt ra mục tiêu cũng như động lực một tác nhân tập trung và chống lại sự trì hoãn.

2.11 Tận hưởng cuộc hành trình

Việc đặt ra mục tiêu là một công cụ vô cùng quan trọng và giá trị. Nhưng ngoài điều đó ra, nó không có gì hơn nữa. Vì thế, bạn đừng bị mục tiêu ám ảnh mà quên đi sự vui thú của cuộc hành trình và những phần thưởng của lòng đam mê trên hành trình hướng tới mục tiêu đó. Người tập trung vào việc làm chủ con đường hơn là kết thúc cuộc hành trình thường là người thành công nhất trong cuộc sống.

3. Đặt ra mục tiêu học tập

Bạn có thể áp dụng các nguyên tắc trong mục 2 ở trên để đặt ra mục tiêu cho mọi lĩnh vực trong cuộc sống. Đây là một vài ví dụ về cách bạn có thể sử dụng chúng nhằm thúc đẩy việc học tập và giúp bạn luôn đi đúng hướng để đạt được những kết quả như mong đợi.

3.1 Các mục tiêu dài hạn

Mục tiêu dài hạn chính là ước mơ của bạn. Lý do ngày hôm nay bạn học tập được kết nối với một vài ước mơ về cách bạn muốn sống cuộc đời như thế nào. Đối với một vài người, chỉ cần bài tập tư duy và mở rộng tiềm năng thiên tài của họ là đủ thúc đẩy họ học tập. Họ có mục tiêu dài hạn là tận hưởng những gì tốt đẹp nhất có thể và họ thấy rằng lĩnh hội kiến thức ở trường vì những giá trị tốt đẹp của chúng là cách tốt nhất để họ đạt được mục tiêu.

Hầu hết mọi người tin rằng như thế thật thỏa đáng, nhưng cụ thể hơn, trong tâm trí họ còn có một động lực cơ bản. Đó thường là mục tiêu nghề nghiệp – kéo dài suốt cuộc đời họ. Tuy nhiên, các mục tiêu dài hạn hiệu quả nhất thúc đẩy sinh viên vẫn là các mục tiêu gây ra sự hứng thú. Viễn cảnh cuộc đời bạn có thật sự nắm bắt được trí tưởng tượng của bạn? Hãy tưởng tượng cuộc sống của bạn trong mười năm tới. Bạn muốn làm gì?

Nếu mục tiêu dài hạn của bạn là trở thành bác sĩ, chủ doanh nghiệp hay một nhạc công vì trái tim mách bảo rằng đó là công việc phù hợp với bạn, bạn sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ hơn từ những việc hàng ngày. Mặt khác, nếu bạn coi đây là mục tiêu của mình chỉ vì bố mẹ bạn muốn thế, hoặc bạn cho rằng đó là nghề nên làm, nhưng bản thân bạn không chắc chắn, bạn sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để giữ cho việc học tập hàng ngày luôn ổn định.

Hãy đặt ra các mục tiêu dài hạn truyền cảm hứng và nâng đỡ bạn. Tâm hồn bạn sẽ ngập tràn hy vọng khi nghĩ về chúng. Hãy đặt một vài lời nhắc nhở về các mục tiêu này trước mặt khi bạn ngồi học. 

3.2 Các mục tiêu trung hạn

Các mục tiêu trung hạn thường được đặt ra từ ba đến năm năm. Ví dụ, nếu bạn muốn trở thành một bác sĩ, mục tiêu trung hạn của bạn là đỗ vào trường y.

3.3 Các mục tiêu ngắn hạn

Những bước tiến tới mục tiêu trung hạn là một chuỗi các mục tiêu ngắn hạn, thường từ sáu tháng đến hai năm. Chẳng hạn, để được nhận vào trường y, bạn cần có điểm trung bình là bảy, vậy một chuỗi các mục tiêu ngắn hạn bao gồm việc đạt được điểm trung bình đó trong mỗi học kỳ hoặc mỗi năm học.

3.4 Các mục tiêu trước mắt

Bạn không thể đạt ngay điểm A hoặc điểm trung bình là bảy nếu bạn không hoàn thành bài tập được giao ngày hôm nay. Đây là lúc nguyên tắc “phân chia và chinh phục” thể hiện vai trò mạnh mẽ nhất.

Bản thân mỗi mục tiêu ngắn hạn có thể có tính đe dọa. Thậm chí một vài mục tiêu trước mắt cũng khiến bạn có cảm giác này. Nếu bạn phân chia mỗi mục tiêu thành những phần nhỏ hơn cho đến khi bạn có một danh sách công việc, trong đó mỗi công việc chỉ cần 30 phút đến một tiếng để hoàn thành, chính là bạn vừa tạo ra một thứ vũ khí mạnh mẽ để chống lại sự trì hoãn. 

Hãy suy nghĩ về điều đó. Nếu bạn chỉ dành một tiếng cho bài tổng kết môn học, công việc nào trong số những công việc sau sẽ dễ dàng bắt đầu hơn và cho bạn cảm giác chiến thắng khi thực hiện nó?

(a) Thực hiện một vài công việc trong bài luận dài 20 trang;

(b) Ôn lại điểm chính trong đoạn giữa của bài luận 20 trang.

Điểm khác biệt lớn ở đây chính là câu đầu tiên rất mơ hồ khiến bạn phải chăm chú xem xét catalog máy tính của thư viện trong năm phút và cho là mình vừa “hoàn thành một vài công việc” trong bài luận. Bạn cũng có thể làm việc trong sáu tiếng và vẫn không thật sự hoàn thành một mục tiêu rõ ràng nào theo đúng cách phải hoàn thành.

Câu thứ hai có giá trị nào đó trong việc hoàn thành kế hoạch, cũng như đem đến cho bạn cảm giác đang hoàn thành một công việc thích hợp, được lập kế hoạch trước. Một chuỗi 15-20 công việc nhỏ có thể là một phần của kế hoạch hoàn thiện một bài viết đồ sộ khác dài 20 trang. Kết quả cuối cùng là một bài luận hoàn thiện đi kèm với cơ hội đạt được 15-20% thành công.

3.5 Các danh sách việc cần làm

Khi bạn viết ra các mục tiêu trước mắt của mình (nên nhớ, bạn luôn viết ra các mục tiêu của mình) và sắp xếp chúng theo trật tự ưu tiên, bạn vừa tạo được một danh sách việc cần làm cho việc học tập của ngày hôm nay. Mọi mục tiêu trước mắt trong danh sách việc cần làm phải được tạo ra một cách hợp lý và cần phải:

• Rõ ràng;

• Hợp lý (có thể hoàn thành trong 30-60 phút);

• Khả thi và vừa phải (bạn có thể kể lại khi đã hoàn thành xong); 

• Có một phần thưởng khi kết thúc.

Phần thưởng rất quan trọng và có nhiều dạng. Thời gian rỗi, thức ăn, phim ảnh và đọc giải trí là tất cả những phần thưởng điển hình dành cho bạn khi đạt được các mục tiêu học tập. Không có gì phải xấu hổ khi “mua chuộc” bản thân nếu đó là điều cần thiết để có thể hoàn thành công việc.

Thường thì phần thưởng tuyệt vời nhất là viết một danh sách các mục tiêu rõ ràng, hợp lý, vừa phải cho một ngày và thấy chúng dần được gạch bỏ khi bạn hoàn thành mỗi mục tiêu. Bạn cảm thấy thật tuyệt khi có danh sách các việc hoàn thành và tận hưởng cảm giác tiến gần hơn với các mục tiêu dài hạn của mình.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.