Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan
9. Quản lý thời gian
1. Kiểm soát thời gian học tập — Thật đơn giản!
Đúng, khái niệm này khá đơn giản nhưng để biến thành hành động thì luôn không đơn giản. Nếu quản lý thời gian hiệu quả là đơn giản, sẽ không cần tới chương này hay hàng tá cuốn sách đưa ra những lời khuyên, chiến lược và hệ thống để kiểm soát thời gian.
Theo cá nhân tôi, những hệ thống quản lý thời gian phức tạp không những không cần thiết, mà còn tạo ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết được vấn đề vì chúng cần quá nhiều thời gian để duy trì. Hãy chọn ra một phương pháp quản lý thời gian đơn giản bằng cách làm tốt một vài việc cơ bản và tấn công những triệu chứng mà các hệ thống quản lý thời gian đã không thể giải quyết hiệu quả.
Hầu hết vấn đề về quản lý thời gian là triệu chứng của những vấn đề trong nhiều lĩnh vực cơ bản khác như chuẩn bị, đặt ra mục tiêu, thúc đẩy và tập trung. Đọc lại các chương có những vấn đề trên, biến chiến lược thành hành động, bạn sẽ thấy hầu hết cái gọi là vấn đề trong quản lý thời gian sẽ biến mất.
Đây là tất cả những gì bạn cần nắm được việc quản lý thời gian. Mỗi thông tin đều khẳng định việc học tập là ưu tiên, nhưng bạn có thể sửa lại danh sách dưới đây cho phù hợp với bất kỳ giai đoạn nào trong cuộc đời.
• Biết những gì bạn cần ưu tiên;
• Dành thời gian cho các ưu tiên đó;
• Đặt ra các mục tiêu học tập đúng đắn;
• Đừng lãng phí thời gian cho những việc không cần thiết đối với việc học tập;
• Lập một thời gian biểu cơ bản. Đừng quá phức tạp hoặc quá cứng nhắc;
• Có một cuốn lịch về những sự kiện quan trọng (ví dụ như các kỳ thi, thời hạn nộp bài luận, ngày sinh nhật,…);
• Tận dụng sức mạnh của các danh sách;
• Phát triển khả năng tập trung;
• Linh hoạt. Nếu một phương pháp không hiệu quả, hãy thay đổi nó;
• Làm tốt ngay từ lần đầu tiên.
Đó thật sự là tất cả. Hầu hết các vấn đề này được đề cập trong các chương khác, nhưng vẫn đáng để bạn xem lại một vài yếu tố quan trọng của việc sử dụng thời gian hiệu quả. Đây cũng là một số khái niệm mới và bạn nên suy nghĩ để bổ sung vào hộp công cụ kỹ năng của mình.
Nên nhớ, đối với một sinh viên, quản lý thời gian tốt không phải là tạo ra một thời gian biểu phức tạp tới mức phải sử dụng từng giây trong ngày. Đó chỉ là một chọn lựa đơn giản: hoặc bạn sẽ kiểm soát bài tập ở trường, hoặc nó sẽ chi phối bạn. Quản lý thời gian tốt giúp bạn nắm quyền kiểm soát.
2. Đặt ra các ưu tiên
Bản chất của việc quản lý thời gian là cố gắng đạt hiệu quả cao. Không gì hiệu quả hơn là dành thời gian làm những việc liên quan đến mục tiêu và ưu tiên của bạn. Trong Chương 7, nguyên tắc 4 đã khuyên bạn nên dành thời gian cho những vấn đề nào. Bước đầu tiên trong quyết định đó là bạn phải thật sự biết được đó những vấn đề nào. Hãy đọc và xem lại Chương 8 để hiểu được sức mạnh và sự cần thiết của việc đặt ra mục tiêu như một nền tảng để quản lý thời gian tốt.
3. Đối phó với sự trì hoãn
Mọi người đều trì hoãn nhiều việc. Đó là bản năng của con người khi muốn trốn tránh những tổn hại và theo đuổi niềm vui. Ví dụ như bạn xem tivi và lờ đi việc học tập sẽ gây tổn hại trong thời gian dài. Hậu quả là mất đi niềm vui thành công trong thời gian dài, đó là sự phân đôi niềm vui/tổn hại trong thời gian ngắn có ảnh hưởng lớn nhất. Lúc đó, xem một bộ phim dường như vui hơn là làm bài tập về nhà môn toán – cho dù hậu quả lâu dài có thể bị điểm kém môn toán và một cuộc sống bằng tiền trợ cấp mà bạn thậm chí không thể mua nổi một chiếc tivi.
Làm thế nào thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này? Không dễ, nhưng chắc chắn là đơn giản. Có năm việc bạn phải làm để vượt qua sự trì hoãn mỗi khi nó đe dọa kéo bạn ra khỏi thời gian học tập: chuẩn bị, đặt ra các mục tiêu học tập, hình dung sự tổn hại, tưởng tượng ra niềm vui và cho phép bản thân trì hoãn một số việc.
Thử làm theo các kỹ thuật trên trong hai tuần, bạn sẽ nhận thấy thời lượng bị lãng phí giảm xuống rõ rệt. Đừng quên ôn lại những kỹ năng và khái niệm trong các chương trước.
3.1 Chuẩn bị
Hãy đọc lại và làm theo những gợi ý trong Chương 4. Có một nơi hấp dẫn để học tập, cũng như có một tập hợp các bước chuẩn bị được lên kế hoạch trước, bạn còn chần chừ gì mà không ngồi xuống và bắt đầu học.
3.2 Đặt ra các mục tiêu học tập
Hãy ghi nhớ đặc điểm của các mục tiêu học tập tốt: rõ ràng, hợp lý, khả thi và đáng được thưởng. Nếu bạn đã viết ra một tập hợp các mục tiêu học tập dễ bắt đầu và sớm hoàn thành, sự trì hoãn có thể sẽ giảm đi nhiều. Bạn dễ trì hoãn những việc lớn gây nản chí. Một mục tiêu nhỏ được hoàn thành trong 30 phút và đóng góp cho một mục tiêu lớn hơn sẽ là một trong những cách đánh bại sự trì hoãn hữu hiệu nhất.
3.3 Hình dung sự tổn hại
Sự trì hoãn làm bạn chệch hướng khỏi công việc đáng lẽ nên làm. Nó phân tán sự chú ý của bạn khỏi những thứ bạn thật sự mong muốn đạt được. Nó không mất nhiều thời gian để hình thành và sẽ ăn mòn bạn. Nó tước mất của bạn niềm vui đạt được thành quả. Nó lấy đi của bạn lòng tự tin và khả năng tự chủ. Những công việc bạn chưa làm chồng chất lại và bạn ngập trong nỗi lo lắng, sợ hãi.
Mỗi lần bạn thấy mình đang trì hoãn việc lẽ ra phải làm, hãy ngừng lại và hình dung những tổn hại mà bạn phải gánh chịu. Hãy biến nó thành sự thật. Hãy sử dụng tất cả sự cảm nhận và ký ức của bạn về sự trì hoãn trong quá khứ, khiến mọi cảm giác càng mãnh liệt càng tốt. Bạn nên dùng các kỹ thuật tưởng tượng cơ bản đã được mô tả trong Chương 4.
3.4 Tưởng tượng ra niềm vui
Ngay sau khi cảm nhận được liều thuốc đau đớn thật sự vì không hành động cho các mục tiêu của mình, bạn hãy tự thết đãi mình bằng một vài niềm vui. Sử dụng sức mạnh tưởng tượng tương tự để cảm nhận niềm vui khi đạt được mục tiêu dài hạn của mình. Bạn sẽ có cảm giác gì khi đạt điểm A trong khóa học này? Điều đó có ý nghĩa gì đối với việc bạn được nhận vào trường luật không? Bạn sẽ thấy tự hào như thế nào? Hãy tưởng tượng bạn thấy tên mình trên cửa phòng làm việc khi bạn nhận được công việc hằng mơ ước.
Hãy cảm nhận sự tự do, niềm tự hào, sự kinh ngạc trước sức mạnh của việc đặt ra mục tiêu khi cuối cùng bạn đã đạt được nó. Hãy xem xét chuỗi các sự kiện gắn nối mục tiêu truyền cảm hứng cho bạn với công việc học tập của ngày hôm nay, bạn sẽ có một động lực mạnh mẽ khiến bản thân ngồi vào bàn học NGAY BÂY GIỜ!
3.5 Cho phép bản thân trì hoãn một số việc
Cuộc sống đầy rẫy những việc bạn nên hoàn thành và những ưu tiên thay đổi từng tuần, từng ngày. Đôi lúc trong cuộc sống, bạn có thể trì hoãn một số việc. Nếu trong danh sách việc cần làm của bạn có những việc như cắt cỏ, sơn nhà, sửa chữa ô tô, đôi khi hãy cho phép mình bỏ qua những công việc đó. Nếu bạn đã đạt được các mục tiêu học tập trong ngày, bạn hoàn toàn có thể đặt phần thưởng của mình lên trên những việc cần phải làm khác.
Bạn nên cân nhắc một chút trong việc này. Nếu sao nhãng việc sửa chữa ô tô, điều đó đồng nghĩa với việc bạn không thể đi làm hoặc đến trường vào buổi sáng, vậy bạn nên làm việc đó. Nhưng hãy nhớ, nếu bạn đã hoàn thành những việc quan trọng, đừng quá lo lắng về công việc khác trong hiện tại. Nếu bạn cần phải làm các việc đó, cuối cùng chúng sẽ trở thành ưu tiên hàng đầu và bạn sẽ không bỏ mặc chúng (ví dụ: trì hoãn các việc đó cho đến khi bạn làm xong bài luận, hoặc sau bài kiểm tra giữa kỳ cuối cùng).
4. Làm tốt ngay từ lần đầu tiên
Không kể đến việc xem tivi và đi mua sắm, thì kẻ đánh cắp thời gian lớn nhất của bạn chính là tính luộm thuộm. Nếu bạn không cố gắng làm tốt ngay lần đầu tiên thì bao giờ bạn mới có động lực để làm lại từ đầu? Đúng là một sự lãng phí lớn về thời gian và nỗ lực.
Hãy suy nghĩ kỹ lưỡng. Bạn cần nỗ lực để làm một việc lớn nhưng không cần nhiều nỗ lực hơn để làm đúng. Hãy nỗ lực chuẩn bị cho mình một cách thích hợp và trở thành người học tập chủ động trong mọi hoàn cảnh: đọc sách, nghe giảng trên lớp, trong phòng thí nghiệm, trong thư viện. Mọi nơi!
Nếu bạn thụ động và không có gì khả quan trong bất kỳ công việc học tập nào của mình tức là bạn đã lãng phí thời gian. Bạn sẽ không đạt được điều gì và sẽ phải làm lại từ đầu khi đã đến lúc phải chuẩn bị cho bài thi cuối cùng, hoặc bạn sẽ trượt khóa học đó. Cả hai tình huống đều cho thấy bạn đã quá lãng phí thời gian khi học tập và nghiên cứu. Tại sao không nỗ lực thêm 30% để đạt 100% kết quả?
Làm tốt ngay từ lần đầu tiên là một trong những kỹ thuật quản lý thời gian tốt nhất bạn có thể học. Đó là tất cả những gì cuốn sách này đề cập, đem đến cho bạn những kỹ năng và chiến lược để đạt hiệu quả tối đa tương đương với thời gian học tập.
5. Lập thời gian biểu
Lập thời gian biểu là trọng tâm của mọi lời khuyên về quản lý thời gian. Có một số hệ thống rất tốn kém và phức tạp. Nhiều cuốn sách kỹ năng học tập cung cấp ví dụ về các hệ thống lập thời gian biểu có vẻ còn rắc rối hơn việc lập bảng các thiên hà mới.
Cuộc sống của một sinh viên phải làm thêm toàn thời gian hoặc bán thời gian rất phức tạp, nên cần thiết phải có thời gian biểu. Nhưng nên nhớ, bạn cần phải tạo ra một thời gian biểu để làm công cụ, chứ không phải là kẻ thống trị bạn. Một công cụ tốt sẽ được sử dụng nhiều lần. Một kẻ bạo chúa sẽ bị quăng đi và bị quên lãng.
Thời gian biểu tốt không xiềng xích cuộc sống của bạn và cũng không được khắc trên đá. Nó là một công cụ linh hoạt khiến người sử dụng không có cảm giác thất bại nếu vi phạm nó. Dưới đây là một số yếu tố bạn nên sử dụng để tạo ra những thời gian biểu tốt nhằm đạt được các mục tiêu học tập của mình.
5.1 Lập một thời gian biểu quản lý hàng tuần
Khi bắt đầu mỗi học kỳ, hãy lập một thời gian biểu quản lý mọi việc trong cuộc sống của bạn, thời gian biểu là một thông tin cố định. Thời gian trên lớp, nghiên cứu chuyên đề, trong phòng thí nghiệm và thời gian làm thêm nửa ngày là những ví dụ về các yếu tố cố định trong thời gian biểu của bạn.
5.2 Thêm thời gian học tập vào thời gian biểu
Hãy sử dụng các nguyên tắc trong mục 9 và 10 dưới đây để phân chia phần lớn thời gian trong ngày dành riêng cho việc học tập. Bạn phải nhận thức được khi nào bạn cảm thấy tỉnh táo nhất để học và nên tận dụng thời gian trống trước và sau các giờ học.
5.3 Thêm những thông tin không liên quan đến học tập vào thời gian biểu
Nếu có những phần quan trọng khác trong cuộc sống của bạn, nhưng ở mức ưu tiên thấp hơn, cố định hoặc được hoàn thành tốt nhất trong thời điểm nào đó, hãy thêm vào thời gian biểu sau khi bạn đã lập thời gian biểu quản lý hàng tuần và phân chia thời gian học tập của mình. Ví dụ, những thông tin như thường xuyên tập thể dục, đi bộ và bơi lội… Các thông tin khác có thể là các lớp giải trí hoặc các bộ môn không mang tính chất học tập như karate, các bài học piano hoặc ngôn ngữ cử chỉ.
Nếu thời điểm thích hợp nhất để đi bộ là lúc chiều tối thời điểm bạn không tỉnh táo lắm để học, hãy biến việc đi bộ thành một hoạt động được dự định trước. Đó là cách hữu hiệu nhất giúp bạn sử dụng thời gian không có tác dụng đối với việc học để làm một số việc có lợi cho cơ thể. Nên đưa vào thời gian biểu những khóa học không mang tính chất học tập cố định, nhưng không gây trở ngại cho các buổi học cố định. Mọi thứ khác, dù hấp dẫn đến đâu, đều có tầm quan trọng thứ hai và được thực hiện sau ưu tiên hàng đầu của bạn là học tập.
5.4 Linh hoạt và bền bỉ
Đừng bỏ cuộc nếu vẫn chưa thấy kết quả. Hãy thay đổi phương pháp, nhưng vẫn tiếp tục làm theo thời gian biểu phù hợp với bạn.
5.5 Để lại một vài khoảng trống
Tại sao hầu hết các thời gian biểu đều thất bại? Vì chúng quá kín. Hãy sử dụng thời gian biểu để lên kế hoạch cho những việc cố định và dành thời gian cho các hoạt động ưu tiên không cố định (trong trường hợp này là học tập). Đừng cố lên kế hoạch cho mọi vấn đề trong cuộc sống của bạn. Những thời gian biểu chứa đựng loại thông tin như “2:47h tối đến 3:06h tối – NGHỈ NGƠI” tất yếu sẽ nhanh chóng thất bại.
Một khi bạn đã lên kế hoạch cho mọi phần thiết yếu trong cuộc sống của mình, bao gồm thời gian học tập thích hợp, hãy chừa lại những khoảng trống quan trọng trong thời gian biểu. Đó là thời gian “rảnh rỗi” của bạn. Trong khoảng thời gian này, hãy làm bất kỳ việc gì bạn muốn. Cứ lãng phí nó nếu bạn thích. Làm những công việc trong các danh sách khác của bạn, như viết thư cám ơn người bà hoặc mua một món quà sinh nhật cho em gái. Bạn thậm chí có thể học nếu muốn nhưng không bắt buộc. Hãy thử nghiệm để phát hiện đâu là khoảng thời gian tiện lợi để tự do. Khi bạn tìm được, hãy cố gắng đừng thay đổi. Để trống tối thứ ba và tối thứ năm. Hoàn toàn không lên kế hoạch cho cả ngày thứ bảy và chủ nhật. Hãy sáng tạo và linh hoạt.
Bạn có thể xem ví dụ ở Mẫu 1 là kiểu mẫu của một thời gian biểu quản lý hàng tuần.
6. Sử dụng các danh sách việc cần làm
Tạo ra các danh sách việc cần làm hàng ngày đã được đề cập trong những chương khác. Hãy xem lại Chương 8, bạn sẽ thấy các danh sách việc cần làm trong phạm vi của việc đặt ra mục tiêu. Danh sách hàng ngày về các công việc cần làm chính là danh sách các mục tiêu nhỏ trước mắt.
Bạn phải viết một danh sách việc cần làm cho những ưu tiên trong học tập nếu bạn định sử dụng thời gian biểu học tập. Những vũ khí tốt nhất chống lại sự trì hoãn, khả năng tập trung kém là lập một thời gian biểu học tập và một danh sách cụ thể các việc cần làm khi bạn ngồi xuống vào thời điểm đã định.
Vấn đề nào xuất hiện ở đầu danh sách việc cần làm còn phụ thuộc vào thời gian biểu trên lớp và lịch những sự kiện quan trọng của bạn. Nếu ngay lúc này bạn phải nghe một bài giảng kéo dài hai tiếng mà vị giáo sư cho rằng bạn đã đọc trước Chương 4 trong sách học, thì ưu tiên của bạn cho buổi học này thật rõ ràng. Nếu tuần tới bạn có một bài kiểm tra với nội dung nằm trong năm chương mà bạn vẫn chưa đọc, ưu tiên của bạn cho hôm nay là nên đọc một vài phần của tài liệu này.
Nếu bạn hình dung rõ nét những điều sắp xảy đến trong sự nghiệp học tập của mình, bạn có thể điều chỉnh theo những việc ưu tiên cần làm.
7. Sử dụng lịch
Đối với lịch, cũng như thời gian biểu, bạn hãy sử dụng trí thông minh thị giác để có được nét miêu tả không gian về tương lai của mình. Hãy đánh dấu thời hạn cuối, thời gian kiểm tra, những ngày quan trọng trong lịch và luôn để nó trước mặt khi bạn làm việc.
Dùng những ngày quan trọng này là điểm mốc để tham khảo cho việc lập kế hoạch công việc hàng ngày là điều rất cần thiết. Chẳng hạn, còn hai tuần nữa là đến kiểm tra giữa kỳ và bạn cần phải đọc năm chương với 88 trang sách, bạn hãy dựa theo đó để lập kế hoạch. Hãy thực hiện lùi lại tính từ ngày kiểm tra như sau:
• Dành trọn một ngày ngay trước hôm kiểm tra để ôn và luyện tập tạo thông tin đầu ra;
• Dành hai ngày để củng cố và ghi chép bài ôn tập, lập các bản đồ tư duy;
• Dành một ngày thư thái để hoàn tất việc đọc bài;
• Sử dụng những ngày còn lại để hoàn thành tất cả bài đọc đúng thời hạn và có thể chuẩn bị một số bài kiểm tra phù hợp. Trong ví dụ này, bạn có 10 ngày để thực hiện việc này;
• Xác định số trang bạn phải đọc và ghi chép mỗi ngày. Trong ví dụ này, bạn phải đọc và ghi chép trung bình là 8,8 trang mỗi ngày. Vì vậy, trong 10 ngày tiếp theo, bạn phải có thông tin rõ ràng về việc cần làm trong danh sách để nhắc nhở bạn đọc và ghi chép chín trang trong cuốn sách. Nếu bạn bỏ bê tiến trình đó cho đến khi chỉ còn một tuần là đến kỳ kiểm tra, rõ ràng khối lượng công việc bạn cần làm mỗi ngày sẽ nhiều hơn.
Hãy luôn cập nhật thời gian biểu và dùng nó để phát triển những mục tiêu hàng ngày và ưu tiên của bạn.
Mẫu 2 sẽ cho bạn một ví dụ về lịch những ngày quan trọng.
MẪU 1: THỜI GIAN BIỂU HỌC TẬP Ở NHÀ VÀ TRÊN LỚP
MẪU 2: LỊCH NHỮNG NGÀY QUAN TRỌNG
8. Dùng một mẫu thời gian biểu phù hợp với bạn
Lần đầu cố gắng lập một thời gian biểu nghiêm túc, một trong những câu hỏi đầu tiên sẽ là bạn nên sử dụng loại thời gian biểu nào. Nhập các từ khóa như “lịch làm việc”, “lập kế hoạch” và “thời gian biểu” vào bất kỳ công cụ tìm kiếm nào, bạn sẽ tìm thấy hàng nghìn lựa chọn.
Có rất nhiều hệ thống trên giấy như “Day-Timer” và “FranklinCovey”. Tất cả máy tính cá nhân và máy Macintosh đều có một chương trình lịch điện tử được cài sẵn bên trong (Outlook và iCal là những chương trình phổ biến nhất), và ngày càng có nhiều sản phẩm thương mại đa dạng được rao bán. Google và Yahoo có những chương trình trực tuyến đầy đủ chức năng và miễn phí.
Không có một chuẩn chính xác nào cho bạn chọn lựa. Vấn đề quan trọng nhất là bạn chọn được một kiểu lập kế hoạch tốt nhất với mình. Qua nhiều năm, sau rất nhiều thử nghiệm, tôi đã nhận ra rằng một lịch làm việc trên giấy là thích hợp nhất với mình, song tôi vẫn có một phiên bản trực tuyến để sử dụng như một bản dự phòng và trợ giúp tôi lập những cuộc hẹn.
Một hệ thống lịch làm việc hiệu quả là đồng minh số một của bạn trong trận chiến nhằm kiểm soát bài tập ở trường trước khi bị nó chi phối. Vì vậy, điều quan trọng là bạn không được bỏ cuộc nếu những thời gian biểu được lập ra đầu tiên không làm bạn hài lòng. Hãy tiếp tục tiến bước cho đến khi tìm ra hệ thống phù hợp với bạn nhất.
9. Thực thi nguyên tắc phân chia và chinh phục
Ví dụ ở trên cho bạn thấy nguyên tắc phân chia và chinh phục được biến thành hành động như thế nào. Tổng số 88 trang sách có vẻ dễ làm bạn nản chí. Song bạn càng có nhiều thời gian thực hiện (hãy bắt đầu công việc sớm hơn), thì công việc bạn phải hoàn thành mỗi ngày càng ít. Học chín trang/ngày không phải là điều quá khó. Bạn hãy xem lại nguyên tắc trong Chương 7 và áp dụng nó hàng ngày.
10. Sử dụng những phần nhỏ thời gian
Không phải tất cả thời điểm học tập tốt nhất đều có trong khối lượng công việc bạn lập ra trong thời gian biểu lý tưởng của mình. Một vài thời điểm quan trọng nhất có thể giúp bạn học tập siêu việt nằm trong những khoảng khắc ngắn ngủi và các phần nhỏ thời gian bạn ném đi hàng ngày. Nếu bạn khám phá được những thời điểm này, bạn có thể tăng gấp hai đến ba lần năng suất học tập.
Hãy tạo ra những thẻ nhớ hoặc các danh sách dài một trang gồm các từ vựng, quy tắc ngữ pháp, công thức toán học hoặc ngày tháng. Nếu bạn đang học môn hóa, hãy làm một bản sao chép mỏng những nguyên tố trong bảng tuần hoàn.
Bạn hãy giữ những thẻ nhớ hoặc danh sách ngắn này bên người trong mọi lúc. Hãy lấy chúng ra và ôn nhanh lại khi:
• sấy tóc hoặc cạo râu (đặt chúng dựa vào gương);
• lau người sau khi tắm vòi sen;
• ăn sáng (đặt hai, ba tờ dựa vào hộp ngũ cốc);
• đợi xe buýt (nhưng không thực hiện khi đang lái xe);
• phải dừng lại do thi công xây dựng (nhưng không đứng ở chỗ đặt biển cấm dừng);
• khi đang xếp hàng chờ ở nhà băng, trong hiệu sách, quán cà phê;
• trong giờ nghỉ giải lao trước khi học tiết tiếp theo;
• bất kỳ lúc nào bạn cảm thấy không hứng thú với hình thức học tập liên tục khác.
Không bắt buộc phải làm quá nhiều việc. Chỉ cần hai, ba hoặc bốn tấm thẻ hay một vài thông tin trong danh sách, song kết quả bạn đạt được thật đáng ngạc nhiên. Bạn đang làm mới trí nhớ bằng cách làm quen, ôn luyện lại và thực hành chủ động tạo thông tin đầu ra, tất cả chỉ trong một khoảng trống dài vài phút. Luôn thực hiện việc này, bạn sẽ đạt được nhiều giờ học giá trị mỗi tuần.
Một cách khác để sử dụng khoảng thời gian quan trọng ngay trước và tiếp theo các tiết học là xem lại vở ghi của bạn. Những khoảng thời gian này thường bị lãng phí một cách không đáng trong cuộc đời sinh viên.
Hầu hết mọi người đều nhìn chăm chăm một cách vô thức vào khoảng không hoặc nói chuyện phiếm trong khi đợi giờ học bắt đầu. Bạn có thể khơi lại kiến thức bằng việc xem lại ghi chép về các bài giảng trước. Hãy ghi nhớ thông tin về sự chuẩn bị trong Chương 4. Điều quan trọng để học tập hiệu quả là sự chuẩn bị của bạn bao gồm một vài kiểu khởi động nét đặc trưng của môn học cho bộ não. Hãy sử dụng thời gian một cách khôn ngoan, bạn sẽ tiếp thu và ghi nhớ kiến thức nhiều hơn từ mỗi bài giảng.
Sau buổi học, đừng “xả hơi” ở một nơi nào đó hoặc đi uống cà phê. Không có gì sai khi đi thư giãn hoặc tụ tập cùng bạn bè sau một tiết học, nhưng đừng lãng phí thời gian học tập quý giá ngay sau buổi học. Nếu bạn dành ra năm đến mười phút xem lại ngay ghi chép của mình, tưởng tượng bài giảng theo cách tư duy của bạn, lắng nghe lại những từ ngữ đó, sau đó thêm thông tin mới vào bài ghi chép, bạn có thể nhân đôi những gì đã học được từ giờ học đó. Đúng vậy! Thêm năm đến mười phút để nhân đôi việc học tập.
Vấn đề quan trọng ở đây là phải thực hiện ngay sau khi buổi học kết thúc. Không phải một tiếng sau đó hoặc ngày hôm sau. Hãy thực hiện ngay sau buổi học! Sau khi đã hoàn thành, hãy nhập hội với bạn bè đi uống cà phê hoặc bia.
11. Nhận thức những chu kỳ tỉnh táo của bạn
Hãy lên kế hoạch để học tập khi bạn tỉnh táo nhất. Lập thời gian biểu cho những hoạt động khác hoặc bỏ ngỏ thời gian khi tinh thần bạn không thật sự minh mẫn.
Bạn sẽ thấy ngạc nhiên trước số lượng người không cân nhắc yếu tố tỉnh táo khi lập thời gian biểu cho việc học của họ. Có thể bạn là một trong số đó. Sẽ không phải là ý tưởng hay nếu đặt thời gian học tập của bạn vào thời gian biểu chỉ đơn giản vì ở đó còn khoảng trống. Nếu bạn không thật sự tỉnh táo lúc bảy giờ sáng, đừng cố ép bản thân phải học. Làm thế sẽ không mang lại hiệu quả. Nếu năng lượng của bạn giảm xuống lúc chiều tối, hãy lên kế hoạch làm một việc gì khác vào thời điểm đó, vì khi đó học tập sẽ chỉ lãng phí thời gian.
Nếu bạn không biết chu kỳ tỉnh táo của mình như thế nào, hãy cố gắng để ý trong ít nhất một tuần. Hãy đánh giá mức năng lượng và độ tỉnh táo của bạn vào những thời điểm khác nhau trong ngày. Nếu bạn chỉ không thể giữ cho mắt mở to khi đọc một trang sách thì cũng đừng lo lắng. Chỉ cần bạn tiếp tục thực hiện cho đến khi tìm ra thời gian tỉnh táo nhất và dựa vào đó để điều chỉnh thời gian biểu học tập của mình.
Nếu bạn thấy không đủ thời gian học khi tỉnh táo, bạn có thể làm một điều gì đó để cải thiện tình trạng này. Bài vở của khóa học có thể quá tải khi bạn đã sẵn sàng học. Nếu bạn đang sử dụng thời gian mà mình tỉnh táo nhất cho một công việc, bạn phải bỏ việc đó đi hoặc thay đổi giờ giấc, hoặc hủy bỏ các cam kết với trường học. Bạn không thể có cả hai nếu một ngày của bạn không còn đủ thời gian học tập.
Bạn cũng có thể nới rộng thời gian tỉnh táo nếu làm theo ba cách sau. Trước hết, phải đảm bảo bạn ngủ đủ. Thiếu một giấc ngủ hợp lý là lý do chính của sự trì trệ tinh thần và thiếu thời gian học tập hiệu quả. Thứ hai, hãy tập một vài bài thể dục. Thể dục được chứng minh là làm tăng liều lượng các chất hóa học trong não, giúp bạn luôn tỉnh táo và tập trung trong học tập. Cuối cùng, hãy tự chuẩn bị. Bạn có thể tăng cường năng lượng và sự tỉnh táo của mình nhờ thực hiện theo chuỗi chuẩn bị thích hợp. Hãy xem lại Chương 4.
12. Sử dụng các danh sách
Tôi đã bàn luận về công dụng của các danh sách việc cần làm trong học tập. Giá trị của chúng có thể được chuyển dời sang những khía cạnh khác trong cuộc sống của bạn, giúp bạn kiểm soát nhiều điều vụn vặt có thể làm gián đoạn sự tập trung và gây lãng phí thời gian. Sẽ dễ dàng hơn khi bạn học nghiêm túc vào thời điểm được ấn định và tập trung cao độ nếu không bị những thứ khác quấy nhiễu.
Những công việc cá nhân quan trọng và việc vặt cơ bản hàng ngày nên được lập thành danh sách. Đó là một mẹo để bạn luôn kiểm soát được những kẻ đánh cắp thời gian. Với một thời gian biểu thể hiện được thời gian bận và thời gian rảnh, lịch các sự kiện và những kỳ hạn quan trọng, danh sách công việc, bạn có thể nhìn thấy những kẻ thù ngay trước mặt. Không có sự ngạc nhiên nào cả, không có sự phí phạm thời gian dẫn đến những trường hợp khẩn cấp và không còn nỗi lo bị mất khả năng kiểm soát.
Nghe có vẻ thực hiện khá đơn giản, nhưng sức mạnh thì thật đáng ngạc nhiên. Bạn hãy thử thực hiện. Hãy bắt đầu lập những danh sách gồm các bức thư phải viết, những món quà cần mua, việc vặt cá nhân cần làm, những thứ cần mua sắm,v.v… Đó không phải là một danh sách dài, nhưng đừng để những thứ này làm bạn ngã lòng. Ít nhất lúc này bạn có khả năng kiểm soát. Nếu bạn biết, bạn sẽ không mất khả năng kiểm soát bất kỳ công việc nào trong số đó. Khi viết những điều này ra, bạn sẽ cảm thấy nhẹ nhõm và luôn tập trung được vào sách vở khi thời gian học tập trong thời gian biểu đang tới gần.
13. Phung phí thời gian khác với “thời gian nghỉ ngơi” hợp lý
Nếu bạn làm các công việc ít được ưu tiên hơn trong những khoảng thời gian dành riêng cho những mục tiêu được ưu tiên hàng đầu của mình thì bạn đang lãng phí thời gian. Nhưng nếu bạn làm những việc đó vào khoảng thời gian trống trong thời gian biểu thì không có vấn đề gì cả.
Lau dọn tủ lạnh hoặc đọc một cuốn tiểu thuyết vô bổ trong khi lẽ ra bạn đang học văn học trung đại chính là một cách đánh cắp thời gian tồi tệ. Nhưng bạn hoàn toàn có thể làm những việc đó khi không phải làm các việc trong kế hoạch, vì đó là thời gian “nghỉ ngơi”.
Nếu bạn không muốn bài tập ở trường xâm lấn vào thời gian “rảnh rỗi” của mình, hãy học những bài có trong thời gian biểu. Điều đó cho bạn khoảng trống trong thời gian biểu để tự do làm bất kỳ việc gì bạn muốn. Làm những việc phù phiếm, trốn tránh học tập vào những lúc đáng lẽ bạn phải ngồi học sẽ không làm bạn vui thích bởi cảm giác có hàng tấn tội lỗi đang theo bạn. Chỉ nên làm việc đó lúc rỗi rãi, như thế bạn sẽ thấy nhẹ đi cảm giác tội lỗi.
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.