Học Khôn Ngoan Mà Không Gian Nan
19. Hướng dẫn ôn thi cấp tốc trong năm ngày
1. Tình trạng tồi tệ đến đâu?
Đến giữa học kỳ, bạn đã bỏ lỡ rất nhiều tiết học. Bạn thấy quá khó để dậy sớm tham gia các tiết học nhàm chán lúc 8 giờ sáng. Sách học cũng không hơn gì. Đã hơn sáu tuần liền bạn không đọc một chữ nào trong sách. Dường như bạn vẫn còn nhiều thời gian để học tài liệu. Sẽ không khó khăn đến vậy. Sau cùng, bạn đã mất đi nhiệt tình vốn có và vẫn lảng tránh đến phút cuối. Rồi một buổi sáng, bạn xem lịch và hoàn toàn bị đánh gục khi nhận thấy toàn bộ những tuần đó đã tan biến. Bạn chỉ còn năm ngày trước kỳ thi cuối cùng. Bạn cần ít nhất năm tuần để bù lại khoảng thời gian bị lãng phí. Bạn đã tụt lại quá xa và không bao giờ có thể bắt kịp.
Bạn sẽ phải làm gì? Đây là lúc đưa ra quyết định. Bạn có hoảng sợ không? Liệu bạn có tuyệt vọng và bỏ lỡ một cơ hội? Bạn sẽ bỏ cuộc và từ bỏ khóa học chăng?
Bạn không bao giờ có thể lấy lại thời gian mình đã phung phí. Lúc này, điều đó vượt khỏi tầm kiểm soát của bạn. Nhưng bạn có thể điều khiển được cách bạn phản ứng lại tình huống đó và cách bạn sẽ sử dụng khoảng thời gian ít ỏi còn lại. Đây là lúc bạn phải hành động.
Hãy đánh giá mọi sự việc và thật trung thực với chính mình. Nếu dành năm ngày tới này để cố vớt vát chút gì đó thì có ảnh hưởng nghiêm trọng đến các kỳ thi khác không? Với các khóa học khác, tình trạng của bạn có tốt hơn so với khóa học này không? Nếu năm ngày thật sự trống để bạn có thể tập trung vào khóa học có vấn đề này, bạn sẽ thật ngốc ngếch nếu không chấp nhận thử thách và ôn luyện cho kỳ thi cuối cùng. Với một phương pháp bình tĩnh, có hệ thống, bạn vẫn còn cơ hội để tạo ra một điều gì đó tích cực trong tình huống này. Có thể bạn không đạt được điểm A, song điều tốt nhất bạn có thể hy vọng là vượt qua được kỳ thi. Nhưng đừng bỏ lỡ mọi điểm số bạn có thể đạt trong bài thi cuối cùng. Bạn vẫn có thể thi trượt, nhưng bạn có thể đạt đủ điểm để thi đậu khóa học và gây được ấn tượng cho giáo viên bằng một vài câu trả lời tốt. Bạn không thể biết hết mọi việc.
Bạn có thể coi tình huống này như một trải nghiệm trong học tập. Nếu bạn không đủ niềm tin vào tiềm năng của mình và khả năng những nguyên tắc trong cuốn sách này có thể giúp bạn đánh thức tiềm năng đó trong suốt một học kỳ thì đây là lúc bạn nên thử. Trong năm ngày, bạn hãy sử dụng các nguyên tắc học tập thông minh. Trong một khoảng thời gian có cường độ mạnh và bị thúc ép như vậy, bạn vẫn có cơ hội gây ngạc nhiên cho chính mình bằng khả năng học tập và hoàn thành bài thi. Nếu bạn qua được kỳ thi, điều đó thật tuyệt vời. Nếu bạn không qua được, ít nhất bạn sẽ có sự khởi đầu cho bước tiếp theo (xem ngày thứ 6 trong “kế hoạch 5 ngày” mẫu dưới đây).
2. Những nguyên tắc cơ bản để ôn thi hiệu quả
Bạn có một chọn lựa: hoặc lãng phí năm ngày còn lại hoặc sử dụng chúng thật hiệu quả. Nếu bạn lựa chọn phương án thứ hai, có nhiều nguyên tắc bạn phải tuân theo.
2.1 Chuẩn bị tinh thần
Bạn không thể ôn thi hiệu quả nếu bạn lo sợ. Bạn cũng không thể ôn thi hiệu quả nếu bạn từ bỏ mọi hy vọng.
Hãy suy nghĩ tích cực, trò chuyện theo hướng tích cực. Hãy áp dụng các kỹ thuật thở và hình dung khiến bạn lạc quan (xem Chương 4). Điều này không có nghĩa là bạn nên có những hy vọng không khả thi. Bạn nên thực tế về những kết quả có tính khả thi, hãy chấp nhận những hậu quả không thể tránh khỏi vì bạn đã lãng phí quá nhiều thời gian học tập, nhưng đừng từ bỏ mọi hy vọng đạt được một điều gì đó tích cực trong tình huống này.
Hãy cố vớt vát chút gì đó. Năm ngày tiếp theo đảm bảo tạo cho bạn cơ hội học được tốt nhất một vài số khía cạnh của khóa học, đủ để bạn trả lời được các câu hỏi trong bài thi.
Bạn hãy bình tĩnh và có phương pháp. Hình dung một kết quả tích cực. Đây không phải là sự tự lừa dối mà là một cố gắng giúp trí óc dễ lĩnh hội những gì bạn sẽ làm trong các ngày tiếp theo và bạn sẽ dễ ghi nhớ hơn, đủ để làm tốt bài thi.
2.2 Lập một kế hoạch tập trung vào điều khả thi
Bạn không thể làm được tất cả. Bạn phải xác định những nét chính yếu trong mục tiêu của mình. Đừng trông mong sẽ học được tất cả những điều bạn đã sao nhãng. Hãy lựa chọn một phần nhỏ của khóa học và tự cam kết bạn sẽ học một khối lượng tài liệu ít hơn càng kỹ càng tốt trong năm ngày bạn có.
Việc này sẽ rất khó thực hiện. Bạn phải tự thôi thúc mình cố gắng bao quát mọi điều đáng lẽ bạn phải hoàn thành trong các tuần trước đó. Bạn cần phải kiên quyết để có cơ hội đạt được bất kỳ thành công nào. Hãy từ bỏ tài liệu nào đó để có cơ hội lưu giữ được một số tài liệu khác.
Hãy sử dụng các nguyên tắc chuẩn bị tốt cho kỳ thi đã được phác thảo trong Chương 13 và đề ra thời gian biểu năm ngày để làm hết khả năng với những gì còn lại. Bạn hãy thực hiện từng bước chuẩn bị tiêu chuẩn và cô đọng chúng trong khoảng thời gian còn lại. Đừng bỏ qua bước nào.
2.3 Làm theo kế hoạch
Hãy gắn chặt với kế hoạch của bạn. Chống lại bất kỳ cám dỗ nào khiến bạn phải thoát khỏi kế hoạch hoặc điều chỉnh nó. Đơn giản vì bạn không có đủ thời gian để tự phán đoán lần thứ hai. Ngay lúc này, bạn hãy cam kết sẽ giữ vững những quyết định ban đầu của mình về thời gian biểu và các ưu tiên.
2.4 Chủ động, chủ động và chủ động
Chìa khóa dẫn tới bất kỳ thành công nào trong việc ôn thi là bạn nên chủ động khi lần đầu tiên xem xét các tài liệu mới. Bạn cũng phải chủ động ôn tập và nhắc lại. Hãy lấy thông tin ra, lấy thông tin ra và lấy thông tin ra – đây phải được coi là câu thần chú của bạn. Bạn hãy nhớ lại toàn bộ những gì bạn đã lĩnh hội.
3. Kế hoạch năm ngày mẫu
Ý tưởng chính trong việc ôn thi cấp tốc có hiệu quả là sử dụng mọi nguyên tắc chuẩn bị cho kỳ thi thông thường và chỉ có hai thay đổi. Thay đổi đầu tiên rất rõ ràng: bạn cần phải rút gọn tất cả các bước trong một khung thời gian ngắn hơn nhiều. Thay đổi thứ hai: bạn có thể sẽ phải bỏ thời gian để bắt đầu học một tài liệu nào đó.
Ngày 1
(a) 50% thời gian của bạn
Hãy đọc mục 1.2 trong Chương 13 bàn về các bước chuẩn bị tốt cho kỳ thi trong giai đoạn cuối. Hãy thực hiện mọi hoạt động chuẩn bị (bước 1 đến bước 4).
Bước 1. Thu thập mọi tài liệu.
Bước 2. Lập thời gian biểu.
Bước 3. Ôn tập tài liệu trong hai giờ (dài hơn một bài ôn tập cơ bản, nhưng bạn sẽ phải dành thêm thời gian cho thông tin mà trước đó bạn chưa cập nhật).
Bước 4. Lập danh sách những điều bạn muốn tập trung.
Bạn sẽ cảm thấy bị áp lực rất lớn khi bắt tay vào học tập “thật sự”, nhưng đừng bỏ qua. Đây là một giai đoạn giúp bạn nhận biết lượng tài liệu giới hạn bạn sẽ tập trung vào. Nếu bạn không tập trung năng lượng của mình và chỉ đơn thuần đọc lướt mọi tài liệu, bạn đang tự tạo ra thất bại cho chính mình.
Bạn cần phải đưa ra những quyết định về nội dung bản danh sách. Hãy nhớ, bạn chỉ có năm ngày để làm việc. Hãy sử dụng càng nhiều chỉ dẫn càng tốt, giúp bạn đưa ra các quyết định như: những gì giáo viên cho là quan trọng? có đề tài nào quá khó với bạn không? đâu là chủ đề cơ bản của khóa học?
Hãy đặt ra những ưu tiên cho việc ôn lại tài liệu và lần đầu tiên học các đề tài mới. Bạn hãy viết ra.
(b) 25% thời gian tiếp theo
Học ít nhất một trong các đề tài mới. Dù cho bạn còn bao nhiêu thời gian, cũng đừng học quá hai đề tài mới trong một ngày. Hãy bắt đầu với những chủ đề quan trọng nhất.
(c) 25% thời gian còn lại
Hãy ôn tập với cường độ cao những đề tài quan trọng nhất bạn đã học ở một chừng mực nhất định.
Ngày 2
(a) 25% thời gian của bạn
Học ít nhất một trong các đề tài bạn mới. Dù bạn còn bao nhiêu thời gian, cũng đừng học quá hai đề tài mới trong một ngày.
(b) 25% thời gian tiếp theo
Ôn tập với cường độ cao các tài liệu quan trọng nhất bạn đã học ở một chừng mực nhất định. Bắt đầu ôn tập tài liệu mới bạn đã học trong ngày thứ nhất.
(c) 50% thời gian còn lại
Thực hiện một vài hoạt động lấy thông tin ra. Đây sẽ là phần quan trọng nhất trong quá trình ôn thi cấp tốc. Viết những bài diễn thuyết, giảng giải cho một người bạn hiểu biết, trả lời các câu hỏi luyện tập, tạo các thiết bị ghi nhớ, lập các bản đồ tư duy. Hãy viết, viết, viết và viết.
Ngày 3
(a) 15% thời gian của bạn
Học ít nhất một trong các đề tài mới. Dù bạn còn bao nhiêu thời gian, cũng đừng học quá hai đề tài mới trong một ngày.
(b) 35% thời gian tiếp theo
Ôn tập với cường độ cao các tài liệu quan trọng nhất bạn đã học ở một chừng mực nhất định. Bắt đầu ôn tập tài liệu mới bạn đã học trong ngày thứ hai.
(c) 50% thời gian còn lại
Thực hiện một vài hoạt động lấy thông tin ra. Đây sẽ là phần quan trọng nhất trong phần ôn thi cấp tốc. Viết những bài diễn thuyết, giảng giải cho một người bạn hiểu biết, trả lời các câu hỏi luyện tập, tạo ra các thiết bị ghi nhớ, lập các bản đồ tư duy. Hãy viết, viết, viết và viết.
Những hoạt động này khiến bạn mất rất nhiều thời gian, nhưng hãy duy trì. Hãy ngủ đủ.
Ngày 4 – một ngày trước khi thi
(a) 10% thời gian của bạn
Hãy học thêm một đề tài mới. Nếu bạn không còn chủ đề mới nào cần học, hãy dùng khoảng thời gian này để ôn tập các tài liệu mới bạn đã học trong những ngày trước đó.
(b) 10% thời gian tiếp theo
Hãy ôn tập với cường độ cao những đề tài quan trọng nhất bạn đã học ở một chừng mực nhất định. Hãy bắt đầu ôn tập tài liệu bạn mới học trong ngày thứ ba.
(c) 75% thời gian tiếp theo
Hãy thực hiện các hoạt động lấy thông tin ra. Đây sẽ là phần quan trọng nhất trong quá trình ôn thi cấp tốc. Viết các bài diễn văn; giảng giải cho một người bạn hiểu biết; trả lời các câu hỏi luyện tập; tạo ra các thiết bị ghi nhớ, lập các bản đồ tư duy. Hãy viết, viết, viết và viết.
Hãy luôn gia tăng nguồn năng lượng của bạn! Nên thường xuyên nghỉ ngơi, đừng quên thư giãn và ăn uống tốt.
(d) 5% thời gian còn lại
Hãy đọc Chương 13 về các chiến thuật thi. Hãy đoán trước những gì sắp xảy ra và vạch ra một chiến thuật cho trải nghiệm thi sắp tới.
Ngày 5 – ngày thi
KHÔNG HỌC TƯ LIỆU MỚI. Đừng cố học bất kỳ điều gì mới. Bạn có thể sẽ cảm thấy bị cám dỗ nên cố gắng học thêm một đề tài nữa trong vài giờ trước khi thi. Tất cả công việc bạn đã hoàn thành cho đến thời điểm này sẽ bị ảnh hưởng nếu bạn gục ngã trước cám dỗ đó.
Hãy ôn tập. Hãy nhắc lại. Hãy dành toàn bộ thời gian để ôn lại những gì bạn đã biết, ôn lại chiến lược thi và hình dung đến một kết quả khả quan.
Ngày 6 – hôm sau
Đừng bao giờ để bản thân rơi vào tình huống tương tự một lần nữa. Hãy bắt đầu chương trình 10 ngày trong Chương 17 trên con đường tiến tới việc học hành và các kỹ thuật học tập đúng đắn. Bạn hãy dựng lên những tiêu chuẩn bạn trông đợi ở bản thân. Khả năng học tập và nghiên cứu đáng kinh ngạc này có thể dẫn bạn đến thành tích học tập xuất sắc. Tại sao bạn lại lãng phí nó?
Hãy thử thách bản thân để mở ra khả năng tiềm ẩn của mình. Bạn hãy thử hai hoặc ba chu trình 10 ngày và trải nghiệm sự tiến bộ. Bạn có gì để mất? Bạn có thể luôn quay lại những thói quen cũ. Nếu bạn có cảm giác lo lắng và thất bại đến từ việc ôn thi cấp tốc lần trước, nó vẫn sẽ luôn tồn tại trong con người bạn nếu bạn không thích cảm giác chiến thắng. Nhưng rất có thể cảm giác rộn ràng của chiến thắng sẽ thay thế cho “cơn nghiện” sự tầm thường và việc chỉ vượt qua kỳ thi.
Nếu bạn có khả năng hãy mua sách gốc để ủng hộ tác giả, người dịch và Nhà Xuất Bản
Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.