Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

10. Phỏng vấn đánh giá khả năng



Bạn có thể nhận được thông báo rằng nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn thông qua phương pháp phỏng vấn đánh giá khả năng. Hoặc bạn có thể nhận ra nhà tuyển dụng sử dụng hình thức phỏng vấn này mà không báo trước cho bạn. Nó có thể kết hợp với một cuộc phỏng vấn bình thường.

Vậy phỏng vấn đánh giá khả năng là gì? Đó là một kỹ thuật phỏng vấn nhằm đánh giá khả năng hoặc những kỹ năng ứng xử phù hợp với công việc mà bạn đang dự tuyển. Nói cách khác, đó là phương pháp kiểm tra khả năng hơn là kỹ năng chuyên môn. Nhà tuyển dụng sẽ sử dụng phương pháp này để đánh giá các khả năng như:

• Khả năng làm việc nhóm

• Khả năng lập kế hoạch

• Khả năng thích ứng với sự thay đổi 

• Khả năng tự thúc đẩy

• Khả năng trình bày vấn đề

• Khả năng phục vụ khách hàng

• Khả năng giải quyết vấn đề

Nhà tuyển dụng sẽ đánh giá những khả năng nào của bạn?

Bạn không phải lo sợ nhà tuyển dụng hỏi về một chủ đề mà bạn hoàn toàn chưa chuẩn bị. Bạn có thể dễ dàng chuẩn bị vì bạn sẽ biết họ dự định hỏi bạn điều gì. Vậy bạn biết bằng cách nào? Họ sẽ sử dụng những kỹ thuật phỏng vấn đánh giá khả năng để đánh giá khả năng hoặc kỹ năng liên quan đến công việc và họ sẽ nói với bạn về những khả năng và kỹ năng mà họ cần trong mục quảng cáo tuyển nhân sự, mẫu đơn có sẵn hoặc bất kỳ gói thông tin nào mà họ gửi kèm với mẫu đơn.

Trong mục quảng cáo “việc tìm người” đều đưa ra những yêu cầu như “khả năng quan hệ cá nhân tốt/ bình tĩnh trước áp lực/ khả năng đáp ứng nhiều công việc/ quyết tâm/ khả năng gây ảnh hưởng…”. Đó là manh mối quan trọng cho bạn. Trong cuộc phỏng vấn, những khả năng này sẽ được hỏi kỹ lưỡng.

Nhà tuyển dụng sẽ đưa ra những dạng câu hỏi nào?

Phỏng vấn đánh giá khả năng không phải là kỹ thuật phỏng vấn mới, khó khăn khiến bạn bị trượt (nếu bạn không có sự chuẩn bị), mà là kỹ thuật được sử dụng thường xuyên trong nhiều năm qua. Nhưng chỉ đến bây giờ, nó mới có tên và trở thành một kỹ thuật phỏng vấn chính thức và phổ biến.

Cơ sở lập luận cơ bản đằng sau kỹ thuật phỏng vấn đánh giá khả năng là chỉ ra cách bạn thể hiện trong tương lai thông qua cách bạn đã thể hiện trong quá khứ. Do đó, những câu hỏi được thiết kế nhằm xem cách bạn xử lý những tình huống trước đó.

Ví dụ

Nhà tuyển dụng cần đánh giá khả năng làm việc nhóm. Hãy xem xét các câu hỏi mà bạn có thể sẽ gặp. Để xem bạn có phải là thành viên tốt trong nhóm hay không, nhà tuyển dụng sẽ hỏi bạn một số câu hỏi như:

• Hãy miêu tả một lần mà bạn làm việc với tư cách là thành viên của nhóm để đạt được một kết quả cụ thể.

• Đã bao giờ bạn chứng kiến một cuộc xung đột trong nhóm của mình chưa? Hãy kể về mâu thuẫn đó và cách bạn giải quyết nó.

• Đã bao giờ bạn bị một thành viên trong nhóm khiêu khích hay chống đối chưa? Bạn làm gì trong tình huống đó?

• Bạn thường đóng vai trò gì trong nhóm?

• Bạn đã bao giờ làm việc trong một nhóm thiếu động cơ làm việc chưa? Hãy nói về cách bạn đã làm để nâng cao tinh thần của cả nhóm.

Một số cuộc phỏng vấn có thể hoàn toàn là cuộc phỏng vấn đánh giá khả năng. Còn đa số nhà tuyển dụng sử dụng kết hợp phương pháp này trong cuộc phỏng vấn. Nhìn chung, các câu hỏi đã được lên danh sách từ trước, nghĩa là tất cả các ứng viên sẽ gặp cùng một danh sách câu hỏi. Phỏng vấn đánh giá khả năng được xem là một kỹ thuật phỏng vấn đánh giá công bằng vì: tất cả các ứng viên được đánh giá bằng cùng một phương pháp, cùng các khả năng, với cùng các câu hỏi. Việc của bạn là đưa ra cách trả lời ấn tượng hơn bất kỳ ứng viên nào. 

Câu trả lời cho các câu hỏi này có thể giúp nhà tuyển dụng biết về cách ứng xử trước đây của bạn với vai trò là một thành viên trong nhóm. Cách đặt câu hỏi chuyên sâu xoay quanh mỗi khả năng của bạn sẽ tạo cho họ ấn tượng tốt về những khả năng của bạn.

Nhà tuyển dụng có thể điều tra bạn để có thêm thông tin xung quanh các câu hỏi này và có thể yêu cầu bạn thảo luận thêm về các câu trả lời. 

Ví dụ

Lần này, nhà tuyển dụng có thể hỏi bạn về khả năng phục vụ khách hàng:

• Bạn không thích điều gì nhất khi làm việc với khách hàng?

• Đã bao giờ bạn bị khách hàng phê bình chưa? Bạn đã xử sự thế nào trong tình huống đó?

• Hãy kể một lần bạn đã phục vụ rất khách hàng rất chu đáo.

• Hãy miêu tả một lần chỉ trích giận dữ nhất của khách hàng mà bạn từng phải nhận. Bạn xử lý tình huống đó như thế nào?

 Hãy nghiên cứu

Hãy xem xét kỹ lưỡng tất cả các tài liệu bạn nhận được về công việc mà bạn đang ứng tuyển và ghi chép tất cả những khả năng mà công việc đòi hỏi. Hãy xem:

• Quảng cáo tuyển nhân sự

• Mẫu đơn xin việc

• Tài liệu mô tả công việc

• Bất kỳ thông tin nào mà nhà tuyển dụng gửi cho bạn

Đôi khi những thông tin đó được giải thích rõ ràng, ví dụ: “Ứng viên thành công phải có khả năng…”. Tuy nhiên, bạn phải suy luận thông tin từ tài liệu mô tả công việc. Điều này cũng không khó, bởi các yêu cầu công việc như khả năng làm việc nhóm, khả năng tổ chức, khả năng học nhanh, khả năng quản lý dự án, v.v… sẽ được thể hiện rõ ràng.

 Bạn sẽ trả lời các câu hỏi này như thế nào?

Bạn cần chuẩn bị câu trả lời trước khi đến phỏng vấn. Bạn đã xác định được những khả năng có thể bị hỏi. Với mỗi khả năng, bạn cần:

• Vạch ra các dạng câu hỏi mà bạn có thể gặp (tương tự như các ví dụ đã nêu ở trên).

• Tìm nhiều hơn một ví dụ từ những kinh nghiệm đã qua để minh họa cho mỗi khả năng. Điều này thể hiện bạn có bề dày kinh nghiệm về vấn đề đang đề cập. Nếu bạn chỉ đưa ra một ví dụ để minh họa thì sẽ gây ấn tượng rằng bạn không có nhiều kinh nghiệm. Nếu với mỗi câu hỏi, bạn nêu ra nhiều ví dụ từ một số công việc khác nhau, cả ví dụ trong cuộc sống, thì nhà tuyển dụng sẽ có ấn tượng rằng bạn là người có khả năng này.

• Hãy chuẩn bị những câu chuyện có thật về kinh nghiệm đã qua của bạn để minh họa cho bất kỳ câu hỏi về khả năng nào của bạn. Như ví dụ về khả năng phục vụ khách hàng, bạn cần suy nghĩ kỹ xem khách hàng khó tính nhất là người như thế nào, bạn bị phê bình khi nào, khi nào bạn bị nhà cung cấp bỏ rơi và bị quy trách nhiệm, khi nào bạn thanh minh được lời phàn nàn của khách, v.v…, hãy chuẩn bị sẵn sàng cho bất kỳ câu hỏi nào mà bạn có thể gặp. Khi nhà tuyển dụng nói: “Hãy kể về một lần khi…”, bạn phải trả lời: “Ồ, để tôi nhớ lại. Tôi chắc chắn điều đó đã xảy ra với tôi…”. 

 Mẹo phỏng vấn

Nhớ rằng, bạn có thể sử dụng cả những ví dụ ngoài công việc. Chúng có thể là những dấu hiệu tốt cho thấy bạn đã cư xử như thế nào và bạn có những khả năng nào. Nếu bạn cảm thấy lo lắng trước khi ra trình diễn ở một sân khấu địa phương hơn bất kỳ một cuộc trình diễn nào khác, hoặc bạn phải đối phó với nhóm người rất thủ đoạn ở một ủy ban địa phương, hãy đưa chúng ra trong cuộc phỏng vấn.

Khi đã xem xét tỉ mỉ và xác định các câu hỏi có thể gặp, hãy chuẩn bị những ví dụ và những câu chuyện minh họa cho cách xử sự của bạn, bạn cần thực hành trả lời dõng dạc. Bạn có thể thực hành một mình hoặc cùng với một người bạn đóng vai nhà tuyển dụng. Điều quan trọng là không chỉ xác định các ví dụ, mà bạn còn phải suy nghĩ cả cách thể hiện chúng bằng lời nói. 

Cuộc phỏng vấn

Bạn đã sẵn sàng cho cuộc phỏng vấn. Bạn đã chuẩn bị mọi thứ, bạn biết mình phải nói gì và nói như thế nào nhằm thể hiện bạn có kinh nghiệm lý tưởng trong tất cả những khả năng quan trọng và bạn chính là người phù hợp nhất với công việc, xét ở bất kỳ khả năng nào.

Tất cả những gì bạn cần làm khi đến phỏng vấn là lựa chọn ví dụ nổi bật nhất cho mỗi câu trả lời. Hãy nhớ, nhà tuyển dụng muốn biết cá nhân bạn đã làm gì trong tình huống mà bạn miêu tả, chứ không phải muốn biết cả nhóm làm gì, hoặc bạn nghĩ là bạn lẽ ra phải làm gì. Họ muốn biết về bạn và những điều đã xảy ra.

Nhà tuyển dụng cần câu trả lời tương đối đầy đủ (nhưng không dài dòng) và càng cụ thể càng tốt. Họ không muốn câu trả lời chung chung: “Trước đây, chúng tôi có một số khách hàng khó tính…” mà họ muốn câu trả lời: “Một lần, một khách hàng khó tính xuất hiện tại bàn tiếp đón của chúng tôi, anh ta thật sự tức giận…”. Họ có thể đưa ra thêm nhiều câu hỏi xoay quanh mỗi câu trả lời và điều tra chi tiết hơn. Điều này không có nghĩa là họ không thỏa mãn câu trả lời đầu tiên của bạn, điều này là bình thường trong kiểu phỏng vấn đánh giá khả năng.

Nếu có sự chuẩn bị tốt, bạn sẽ trả lời rất tốt trong cuộc phỏng vấn kiểu này. Chỉ cần bạn chuẩn bị các ví dụ cụ thể và đặc trưng để thể hiện khả năng của bạn trong các lĩnh vực có vai trò quan trọng đối với công việc này.

 Đừng tự giới hạn bản thân

Nhiều câu hỏi mà bạn gặp trong cuộc phỏng vấn đánh giá khả năng là câu hỏi về các tình huống đòi hỏi sự tinh tế. Hơn tất cả, đây thật sự là những câu hỏi kiểm tra khả năng của bạn. Và nhiều câu đòi hỏi bạn phải trả lời tế nhị vì những người có liên quan. Nếu nhà tuyển dụng yêu cầu bạn miêu tả một lần ứng phó với một khách hàng, một đồng nghiệp hay ông chủ khó 

tính, bạn rất dễ bị lôi cuốn vào việc chê bai, chỉ trích những người đó: “Tôi có rất nhiều điều khó chịu với ông chủ” hoặc “Chúng tôi có một khách hàng cục cằn, nóng tính người luôn khiến chúng tôi phát điên”.

Tuy nhiên, chê bai và chỉ trích không mang lại điều gì tốt đẹp cho bạn, và bạn cần tránh chê bai trong câu trả lời. Cách thực hiện điều đó là tránh mọi lời phê bình, chỉ trích gay gắt. Bạn có thể nói: ngày hôm đó, ông chủ đã cư xử hơi nóng nảy. Nhưng đừng bao giờ nói rằng ông ta là một người nóng tính, khó tính và cực kỳ xấu tính. Bạn có lợi thế là bạn đang nói về những tình huống riêng biệt, cụ thể, do đó bạn không nên chỉ trích lối cư xử của họ. Bạn chỉ cần trả lời đơn giản: “Hôm đó, ông chủ của tôi hơi nóng tính” hoặc “Khách hàng đó rất nóng tính”. 

Ngoài ra, bạn có thể bào chữa ngắn gọn cho hành động của người khác để khéo léo nhấn mạnh rằng bạn không có ác ý. Ví dụ: “Ngày hôm đó, nhân viên không đi làm đầy đủ và việc ông chủ trở nên nóng tính cũng là điều dễ hiểu” hoặc “khách hàng đó nổi nóng cũng đúng”.


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.