Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

16. Bạn nên làm gì nếu không được tuyển dụng?



Không phải lúc nào bạn cũng được tuyển dụng dù bạn đã thể hiện rất xuất sắc trong cuộc phỏng vấn. Không ai thích hợp với mọi vị trí và chắc chắn sẽ có ứng viên bị loại. Khi nhận ra và ghi lại những thiếu sót trong cách thể hiện để rút kinh nghiệm cho lần phỏng vấn sau, bạn không nên tự trách mình khi không được tuyển dụng. Nếu bạn chuẩn bị kỹ càng và làm theo tất cả những lời khuyên trong cuốn sách này, bạn sẽ làm được mọi điều mình muốn.

Bạn có biết?

Theo thống kê, phỏng vấn là một trong những phương pháp tuyển dụng kém hiệu quả nhất, mặc dù phổ biến nhất. Một trong những nguyên nhân là phỏng vấn dựa trên khả năng và đánh giá của nhà tuyển dụng, nhưng không phải tất cả các nhà tuyển dụng đều có kỹ năng phỏng vấn cần thiết. Theo Phil Boyle, Giám đốc Điều hành công ty trách nhiệm hữu hạn Ramsey Hall, một công ty tuyển dụng cao cấp: “Nếu bạn cảm thấy mình bị loại khỏi công việc mà mình hoàn toàn có thể đảm đương, hãy nghĩ rằng là do nhà tuyển dụng không biết nhìn người chứ không phải do lỗi của bạn.

Thật tuyệt vời nếu bạn có nhiều cuộc phỏng vấn hứa hẹn phía trước và có thể bạn không thật sự thích vị trí mà bạn không được tuyển dụng. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu đó là công việc mà bạn khao khát, và chắc chắn rằng mình là người phù hợp nhất? Bạn nên làm gì sau khi bị loại? 

Nếu bạn có tên trong danh sách sơ tuyển hoặc trong vòng phỏng vấn cuối cùng, rõ ràng nhà tuyển dụng cho rằng bạn có khả năng đảm nhiệm công việc. Vấn đề là, nhà tuyển dụng cảm thấy (có thể đúng, có thể sai) một trong các ứng viên khác có thể đảm đương công việc tốt hơn bạn. 

Cảnh báo!

… bạn không được tuyển dụng, bạn thật sự thất vọng. Sau sáu tuần thất vọng, bạn vẫn hy vọng có được công việc đó. Trong khi đó, ứng viên được tuyển dụng nhận thấy mình không thích hợp với công việc và quyết định ra đi. Ông chủ đang cân nhắc sẽ tuyển dụng ai. Họ không nhận được tin tức gì của bạn kể từ khi họ gửi thư từ chối, vì vậy, họ tuyển dụng ứng viên khác trong danh sách sơ tuyển, người luôn giữ mối liên lạc với họ, để thay thế.

Trường hợp một ứng viên được tuyển dụng chỉ làm trong thời gian ngắn không phải là hiếm. Khi họ quyết định ra đi, các ông chủ thường không quảng cáo tuyển nhân sự mà lựa chọn ngay một trong những ứng viên trong cuộc thi tuyển ban đầu. Đôi khi, sau một vài tháng lại có một vị trí khuyết tương tự, ông chủ sẽ gặp gỡ bất kỳ ứng viên nào trước đó để tìm hiểu xem họ có thể làm việc cho mình hay không.

Nếu bạn là một ứng viên tài năng và vẫn chưa làm ở nơi khác, bạn vẫn sẽ nằm trong danh sách những người được tuyển dụng lần sau. Nhưng chỉ điều đó thôi chưa đủ bạn cần là người đứng đầu danh sách và cần khiến họ hiểu rằng bạn vẫn đang tìm một công việc phù hợp và sẽ rất vui vì bất kỳ điều gì họ dành cho bạn.

Vậy làm thế nào để có thể đứng đầu danh sách đó? Bạn cần viết một bức thư phản hồi lại bức thư từ chối của họ để nhà tuyển dụng biết rằng bạn vẫn quan tâm đến bất kỳ vị trí nào còn trống của họ. Bạn có thể viết ngắn gọn: “Cảm ơn các anh đã cho tôi biết kết quả đợt tuyển nhân sự vừa rồi. Tôi rất tiếc vì mình đã không thành công. Tuy nhiên, tôi thật sự ấn tượng với công ty của các anh và vẫn muốn được làm việc ở đó. Tôi sẽ rất vui nếu các anh chú ý đến tôi khi cần hoặc nếu các anh dành cho tôi một vị trí phù hợp khác trong tương lai gần”. 

 Mẹo phỏng vấn

Trong thư, đừng bao giờ viết kiểu như, nhà tuyển dụng đã nhầm lẫn và bạn mới là ứng viên phù hợp nhất cho công việc. Bất kỳ một lời ám chỉ nào thể hiện đánh giá của nhà tuyển dụng là sai đều không có lợi cho bạn.

Bức thư đó giúp bạn gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng. Hãy thể hiện bạn không chỉ lịch sự và nhiệt tình với công việc, mà còn biết nén sĩ diện và tiếp tục chiến đấu trong khi yếu thế.

Nhưng không phải bức thư này sẽ có ảnh hưởng mãi mãi. Nếu có công việc tương tự sau sáu tháng, ông chủ chắc chắn sẽ triển khai quy trình tuyển nhân sự mới chứ không gọi điện cho bạn nếu bạn không liên lạc với họ trong thời gian đó.

Đó là những điều bạn cần làm nếu thật sự muốn làm việc cho ông chủ đó. Và bạn có thể thích, đặc biệt là khi bạn đang ở vị trí ít thách thức. Trong tình huống này, bạn có thể nộp đơn xin việc một vài chỗ, và có lẽ bạn cũng sẽ bị loại ở một số nơi. Bạn có thể có đủ khả năng để lựa chọn, và chỉ có một số công ty bạn thật sự muốn từ bỏ công việc hiện tại để đệ đơn vào đó.

Cách tốt nhất để giữ liên lạc là liên lạc với người đã phỏng vấn bạn vài tháng trước. Bạn có thể gọi điện, viết thư, gửi email hoặc bất kỳ hình thức liên lạc nào khác. Dù liên lạc bằng hình thức nào cũng nên ngắn gọn; không chọc tức họ. Bạn chỉ cần nói rằng bạn vẫn đang tìm kiếm một công việc phù hợp và bạn vẫn muốn được làm việc cho công ty của họ. Bạn thể hiện rằng bạn vẫn thích và chờ đợi. 

Vận dụng thông minh 

1. Xem xét tỉ mỉ nhật ký của bạn ngay khi bạn không được tuyển dụng cho công việc mà bạn thật sự mong muốn và ghi chép lại để liên lạc với nhà tuyển dụng sau vài tháng nếu bạn vẫn chưa tìm được công việc tốt hơn.

2. Quyết định xem nên gọi điện hay gửi email. Nếu bạn quyết định gọi điện, hãy xác định trước những điều muốn nói. Nếu bạn gửi email, hãy suy nghĩ nghiêm túc về cách diễn đạt nếu đó là bức thư mang tính trang trọng.

3. Mỗi lần liên lạc với họ, hãy ghi lại để nhớ và liên lạc lại sau hai tháng nữa.

Đó là tất cả những điều khiến nhà tuyển dụng lưu ý đến tên của bạn và để họ biết rằng bạn vẫn chưa làm một công việc nào khác. Nếu bạn vẫn nghi ngờ tầm quan trọng của những việc làm trên, hãy suy nghĩ về một vài trường hợp mà bạn vẫn có thể có được công việc sau:

• Ứng viên được tuyển không thấy hứng thú khi làm việc và quyết định ra đi.

• Có một vị trí tương tự còn khuyết trong công ty.

• Nhà tuyển dụng giới thiệu bạn cho một đồng nghiệp ở công ty khác.

• Nhà tuyển dụng giới thiệu bạn đến nơi liên hệ, một người bạn hoặc một đồng nghiệp cũ – những nơi có công việc tương tự ở các công ty khác.

• Nhà tuyển dụng chuyển đến làm việc cho một công ty khác nơi mà họ phải tuyển nhân sự mới.

Các nhà tuyển dụng chuyên nghiệp hiểu rất rõ về tất cả các loại công việc hơn là các nhà tuyển dụng nghiệp dư. Nếu họ không tuyển dụng bạn, nhưng biết rằng, bạn là người có tài, lịch sự và tràn đầy nhiệt huyết, chắc chắn họ sẽ giới thiệu bạn với người khác

Đừng chờ đợi mãi một công việc

Bạn không nên chờ đợi mãi một công việc mà sẽ không bao giờ đến với bạn, đó là một nguyên tắc chung. Người ta có thể nói rằng khả năng của bạn tương đương với ứng viên thành công và có thể có công việc khác cho bạn trong sáu tháng tới. Tất nhiên, bạn cần giữ liên lạc với họ, nhưng cũng phải tìm kiếm công việc khác.

Công ty đó có thể không có việc khác, hoặc nhà tuyển dụng không làm ở đó nữa, nên bạn không có gì bảo đảm rằng mình cuối cùng sẽ được tuyển dụng. Nếu về cơ bản bạn không thích vị trí hiện nay của mình và đây không phải là công ty duy nhất mà bạn muốn làm việc thì không nên thực hiện theo nguyên tắc “được ăn cả ngã về không”.

Nếu bạn muốn tìm một công việc mới, hãy nộp đơn vào tất cả các vị trí mà bạn cảm thấy thú vị và khi được tuyển dụng, bạn sẽ thật sự thích thú, hãy nhận những công việc có triển vọng về lương hoặc về bất kỳ điều gì quan trọng với bạn. Trong thời đại ngày nay, bạn không thể dừng chân mãi một chỗ, sẽ có những cơ hội khác để trong những công ty mà bạn mơ ước, không nên chờ đợi mãi một công việc mà bạn không thể có được.

Và trong thời gian đó, bạn sẽ có rất nhiều cơ hội để ôn luyện lại những gì đã học được. Ngay cả khi đến nửa cuộc phỏng vấn bạn cảm thấy đây không phải là công việc mình cần, thì đó vẫn là cơ hội tuyệt vời để bạn ôn luyện lại tất cả những kỹ năng đã được học, vì vậy, khi bạn đến với cuộc phỏng vấn cho một công việc bạn thật sự thích, bạn có thể chắc chắn rằng bạn sẽ có một cuộc phỏng vấn thành công. 

Nếu lúc đầu…

Không nên bỏ cuộc chỉ vì bạn bị loại. Nếu bạn thật sự yêu thích công việc này, hãy thể hiện điều đó với nhà tuyển dụng. Thi thoảng, hãy liên lạc với họ nếu trong thời gian đó bạn vẫn chưa tìm được việc. Sớm muộn gì bạn cũng có cơ hội tìm được một việc làm khác và có thể còn tốt hơn cả công việc mà bạn đã ứng tuyển.

Đáp án 

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.