Thật Đơn Giản - Phỏng Vấn Tuyển Dụng

9. Các câu hỏi của chính bạn



Sau khi hỏi bạn tất cả những điều muốn biết, nhà tuyển dụng sẽ mời bạn đưa ra câu hỏi nếu bạn cảm thấy băn khoăn điều gì. Họ hiểu rằng, cuộc phỏng vấn là một chu trình hai chiều, và họ muốn chắc chắn rằng nếu họ quyết định tuyển dụng bạn, bạn cũng sẽ muốn nhận công việc đó. Vì vậy, họ muốn có một cơ hội để đánh giá lại thông qua tất cả những điều mà bạn còn băn khoăn.

Bạn có biết?

Nhà tuyển dụng chuyên nghiệp sẽ ấn tượng với sự nhiệt tình của bạn, nó có thể khiến cán cân nghiêng về phía có lợi cho bạn nếu họ cần quyết định chọn lựa giữa bạn và một ứng viên nặng ký khác. Vì vậy, khi nhà tuyển dụng mời bạn đưa ra câu hỏi, hãy trả lời: “Tất nhiên là tôi muốn vào làm cho công ty, và tôi cũng muốn biết một số điều…”.

Tại thời điểm này, bạn đừng cho rằng: cuộc phỏng vấn kết thúc và bạn có thể nghỉ ngơi. Những câu hỏi mà bạn đưa ra hoặc không đưa ra có thể nói lên rất nhiều điều về bạn, và vẫn có thể tác động đến quyết định của nhà tuyển dụng. Việc bạn không đưa ra bất kỳ câu hỏi nào không giúp bạn tránh được các cạm bẫy mà còn khiến nhà tuyển dụng nghĩ rằng bạn không nhiệt tình và không thông minh. Trong bất kỳ trường hợp nào, bạn cũng nên đưa ra câu hỏi. Có những điều mà nhà tuyển dụng không nói cho bạn nhưng bạn vẫn muốn tìm hiểu nếu bạn coi trọng công việc này.

Vậy những câu hỏi nào sẽ gây ấn tượng tốt với nhà tuyển dụng, còn những câu hỏi nào sẽ khiến họ lảng tránh trả lời? Hãy bắt đầu bằng việc xem xét các dạng câu hỏi nên tránh; bạn sẽ nhân ra yếu tố liên kết giữa chúng. Đây là một số ví dụ điển hình:

• Mức lương của tôi là bao nhiêu?

• Tôi được nghỉ vào những ngày lễ nào?

• Thời gian ăn trưa là bao lâu?

• Tôi có phòng làm việc riêng không?

• Tôi phải đưa con đến trường trước khi đi làm. Tôi có thể bắt đầu công việc vào 9 giờ được không?

Các câu hỏi này tập trung vào những gì mà bạn đòi hỏi ở công ty chứ không tập trung vào những gì bạn có thể cống hiến cho công ty. Các câu hỏi này thật sự cần thiết khi bạn được tuyển dụng, nhưng chúng sẽ không có ý nghĩa gì nếu bạn không được tuyển dụng. Vì vậy, hãy tập trung để có được công việc trước, sau đó bạn sẽ có rất nhiều thời gian thảo luận chi tiết về những vấn đề này, thậm chí cả những vấn đề thực tế để gắn công việc với cuộc sống đời thường của bạn.

Các câu hỏi nên đưa ra và các câu hỏi nên tránh

Dưới đây là danh sách các câu hỏi bạn không nên đưa ra và cả các câu hỏi bạn nên đưa ra. Nếu muốn hỏi một điều gì đó, bạn phải hỏi như thế nào? Bạn nên đưa ra những câu hỏi thể hiện mình nhiệt tình với công ty, công việc và về những gì bạn có thể đóng góp. Bạn cần thể hiện sự thông minh, khát vọng và tận tâm.

Bạn không có thời gian để đưa ra nhiều câu hỏi, nhưng bạn được đặt ít nhất là 2-3 cho đến 5-6 câu hỏi nếu chúng là các câu hỏi ngắn gọn và nhà tuyển dụng không có biểu hiện muốn nhanh chóng kết thúc phỏng vấn. Vì vậy, hãy xem xét kỹ lưỡng những gợi ý dưới đây và chuẩn bị một số câu hỏi có liên quan đến cuộc phỏng vấn. 

 Mẹo phỏng vấn

Cũng có thể đến cuối cuộc phỏng vấn, bạn quyết định không muốn công việc đang ứng tuyển nữa, bởi đó không phải là công ty bạn thích, hoặc bạn đã có một lời mời làm việc khác nhưng bạn vẫn đến phỏng vấn với hy vọng công việc này tốt hơn công việc kia, nhưng thực tế thì không. Khi đó, bạn vẫn nên đưa ra những câu hỏi thông minh và cố gắng hết sức. Bởi cuộc phỏng vấn đó có thể làm ảnh hưởng đến uy tín của bạn. Biết đâu một ngày nào đó, nhà tuyển dụng hôm nay sẽ chuyển đến công ty khác và nhận ra bạn khi họ phỏng vấn tuyển nhân sự.

 Tại sao vị trí này vẫn còn khuyết?

Đây là một câu hỏi nhạy cảm, và không nên đưa ra trước đó. Nhưng bây giờ, bạn có thể đặt câu hỏi đó. Nếu cảm thấy băn khoăn điều gì, bạn có thể có được manh mối từ câu trả lời của họ. Hầu hết các vị trí còn khuyết là đều có lý do hợp lý, nhưng một số người rời bỏ công ty là vì công việc khiến họ nản lòng hoặc họ không thể làm việc cùng một đồng nghiệp hay một cấp trên nào đó. Nếu vị trí bạn đang ứng tuyển còn khuyết là vì lý do đó, bạn cần phải biết. Nếu nhận được câu trả lời: “Người làm ở vị trí đó đã rời bỏ công ty”, bạn nên tìm hiểu kỹ hơn.

Có hai cách thăm dò. Cách thứ nhất là hỏi trực tiếp: “Tôi muốn biết họ rời bỏ công ty vì nguyên nhân gì?”. Nhà tuyển dụng không thể không nói rõ lý do. Nếu một lần nữa họ lảng tránh trả lời, thì chính điều đó là manh mối giúp bạn hiểu rằng mọi việc không suôn sẻ. Nếu nhà tuyển dụng chuyển sang thế phòng thủ và bạn không muốn thể hiện sự tò mò thái quá, bạn có thể dừng lại ở đây. Tuy nhiên, nếu bạn được tuyển dụng, hãy tìm hiểu kỹ hơn.

Cách thu lượm thông tin thứ hai là hỏi người làm ở vị trí bạn ứng tuyển trong thời gian bao lâu. Nếu họ chỉ làm trong vài tháng, bạn có lý do để hỏi tại sao họ lại rời bỏ công việc sớm như vậy. Nếu họ làm trong vài năm, thì lý do họ bỏ việc có thể chỉ đơn giản là họ muốn thay đổi. Tuy nhiên, nếu bạn phát hiện ra bất kỳ một biểu hiện mang tính phòng thủ nào ở nhà tuyển dụng, hãy ghi nhớ để tiếp tục tìm hiểu vấn đề này khi bạn được tuyển dụng.

Các anh có thăng chức trong nội bộ công ty khi có thể không?

Nếu bạn đưa ra câu hỏi về sự thăng chức, điều đó thể hiện bạn mong muốn làm việc hiệu quả và có kế hoạch thúc đẩy công ty. Bạn có thể hỏi thêm về kế hoạch mở rộng hiện nay của công ty.

Công ty có những cơ hội đào tạo và nâng cao kinh nghiệm gì?

Bạn nên thận trọng với những câu hỏi về đào tạo nếu bạn đệ đơn vào một công việc sẽ giúp bạn trở thành chuyên gia trong lĩnh vực đó. Ngoài ra, nếu bạn làm công việc chuyên môn như nhân viên kế toán hay luật sư, hãy đưa ra câu hỏi này. Nó thể hiện bạn muốn phát triển sự nghiệp tương lai và muốn tích cực đóng góp cho công ty. 

Mẹo phỏng vấn

Hãy nhớ rằng, hầu hết các nhà tuyển dụng đều không hài lòng nếu họ cảm thấy bạn đang cố gắng kiểm soát và thậm chí là phỏng vấn lại họ khi bạn đưa ra những câu hỏi kiểu này. Vì vậy, hãy thể thiện hiện bạn luôn tôn trọng họ. Bạn có thể kết hợp câu hỏi với cụm từ “tôi có thể hỏi…?” chứ không nên nói “hãy cho tôi biết…”. 

 Những ưu tiên hàng đầu của công việc này trong sáu tháng tới là gì?

Câu hỏi này mang lại câu trả lời vô cùng hữu ích và cho thấy bạn quan tâm đến mục tiêu tổng thể của công việc, do đó, bạn ít có khả năng sa lầy vào những việc không cần thiết để rồi không hoàn thành mục tiêu. Nó cũng mang đến lợi ích về mặt tâm lý khi bạn lập kế hoạch cho tương lai và gây hứng thú cho nhà tuyển dụng tưởng tượng ra con người bạn trong công việc.

Nếu bạn được mời phỏng vấn vòng hai, bạn vẫn nên tiếp tục đưa ra câu hỏi này. Việc biết được liệu họ có quan điểm nhất quán hay không cũng rất hữu ích cho bạn.

Nếu tôi được tuyển dụng, các anh hình dung là tôi sẽ ở vị trí nào sau 5 năm nữa?

Một lần nữa, bạn yêu cầu nhà tuyển dụng bạn hình dung ra bạn trong công việc. Điều đó cũng thể hiện được cam kết lâu dài của bạn với công ty và thể hiện rằng bạn muốn phát triển cao hơn. Câu trả lời sẽ cung cấp cho bạn nhiều thông tin sự nghiệp của bạn có phát triển nhanh ở công ty và phát triển theo hướng nào? Bạn cần những thông tin này nếu bạn được tuyển dụng.

Công ty này cần phát triển đến đâu sau 5 năm nữa?

Các nhà tuyển dụng đặc biệt bị ấn tượng trước những câu hỏi về công ty của họ. Nó thể hiện bạn có mối quan tâm rộng hơn chứ không chỉ đơn thuần là quan tâm đến riêng công việc của bạn. Vì vậy, đây là một câu hỏi gây ấn tượng mạnh đối với nhà tuyển dụng cũng như là một câu hỏi mà bạn thật sự cần biết câu trả lời. 

 Không ai muốn nghe những câu hỏi kiểu điều tra

Nếu một số câu hỏi khiến bạn có vẻ tự đề cao mình, hãy nhớ rằng, cách bạn thể hiện câu hỏi cũng cho kết quả rất khác nhau. Bạn có thể hỏi: “Các anh có băn khoăn gì về khả năng của tôi đối với công việc này không?” bằng giọng mạnh mẽ, thậm chí có phần hơi công kích. Nếu bạn là người tự tin và nhà tuyển dụng là người thẳng thắn thì điều đó có thể được chấp nhận. Nhưng nếu bạn cảm thấy lo lắng khi đưa ra những câu hỏi đó, bạn có thể nói nhẹ nhàng, tránh đối đầu.

Hãy nói thật rõ ràng các câu hỏi dưới đây, thay đổi từ ngữ nếu cần. Thay đổi cách diễn đạt và giọng nói sao cho bạn cảm thấy thoải mái nhất:

• Tại sao vị trí này vẫn còn khuyết?

• Nếu tôi được tuyển dụng, các anh hình dung là tôi sẽ ở vị trí nào sau 5 năm nữa?

• Các anh có băn khoăn gì về khả năng của tôi đối với công việc này không?

Bạn cần tìm ra phong cách thể hiện của riêng mình, nhưng cách diễn đạt kiểu như “Tôi có thể hỏi…?” và “Tôi muốn biết…?” có thể giúp câu hỏi trở nên nhẹ nhàng mà ý nghĩa vẫn không thay đổi. Phải đảm bảo bạn không biểu lộ sự hối tiếc và thiếu tự tin, vì vậy, nên tránh diễn đạt kiểu như: “Tôi hy vọng là anh không cảm thấy phiền khi tôi hỏi…?”.

 Các anh có băn khoăn gì về khả năng của tôi đối với công việc này không?

Bạn có thể thêm vào trước câu hỏi một lời tuyên bố chắc chắn như: “Tôi rất thích công việc này và tôi tin tưởng mình có thể làm tốt”. Câu hỏi này có vẻ tự đề cao mình, nhưng thật ra, nó hoàn toàn có thể chấp nhận được. Bạn đang là người bán hàng, đang quảng cáo mình là người lý tưởng cho vị trí còn khuyết, và bạn cần biết khách hàng có bất kỳ điều gì không thích ở người bán hay không. Tại sao bạn lại không hỏi?

Nếu họ nói không còn băn khoăn gì, nghĩa là họ đang nói rằng họ không có lý do gì để không tuyển dụng bạn. Nếu họ nói còn vài điều băn khoăn, bạn có cơ hội cuối cùng để khẳng định lại những điều đó.

Khi nào tôi có thể nhận được tin của các anh?

Hãy đưa ra câu hỏi này là câu hỏi cuối cùng. Ngoài việc bạn cần biết điều này, câu hỏi còn mang đến cho bạn một lợi thế khác. Nếu họ không liên lạc với bạn như đã hẹn, thì bạn có lý do chính đáng để liên lạc với họ để biết tin tức.

Câu hỏi này giúp bạn không những không phải nóng lòng chờ đợi trong thời gian dài, mà nó còn nhằm mục đích thực tế khác. Điều gì xảy ra nếu bạn nhận được lời mời làm việc khác trong thời gian chờ đợi và bạn phải trả lời ngay? Nếu nhà tuyển dụng hứa sẽ trả lời bạn vào một thời hạn nhất định, bạn sẽ có lý do thúc ép nhà tuyển dụng trả lời đúng hẹn.

 Cơ hội đặt câu hỏi

Hãy cố gắng đưa ra những câu hỏi mà bạn thật sự muốn biết câu trả lời. Các câu hỏi ở chương này vẫn chưa hoàn toàn đầy đủ, đó chỉ đơn thuần là những hướng dẫn và gợi ý. Hãy để dành những câu hỏi về thời gian làm việc cho đến khi bạn được tuyển dụng (bạn không hỏi, nhà tuyển dụng cũng sẽ nói với bạn điều này). Việc đưa ra câu hỏi có hai mục đích:

• Có thêm thông tin mà bạn cần

• Gây ấn tượng đối với nhà tuyển dụng nhờ phương pháp đặt câu hỏi sắc sảo, thông minh và đúng mục đích của bạn

Hãy chuẩn bị trước các câu hỏi của bạn, sau đó, thực hành bằng cách hỏi chúng với một người bạn hoặc đồng nghiệp đóng vai nhà tuyển dụng cho đến khi bạn tìm ra cách đặt những câu hỏi thoải mái nhất.

 


Bạn có thể dùng phím mũi tên để lùi/sang chương. Các phím WASD cũng có chức năng tương tự như các phím mũi tên.